Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 dự kiến được tổ chức từ 1-2/1 với khoảng 500 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành. Ngoài ra, có khoảng 2.000 đại biểu từ các doanh nghiệp, nhà trường, viện nghiên cứu.
Thông tin vừa được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi trao đổi về tình hình phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam và công tác chuẩn bị cho Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 (VLF 2023), chiều 23/11 tại Hà Nội.
Theo đó, Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 là Diễn đàn được tổ chức lần thứ 11, có chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long”.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kết nối chặt chẽ và đối thoại thẳng thắn ở cả 3 cấp độ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương với các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam.
Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như: Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Israel (VIFTA) đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh.
Diễn đàn Logistics Việt Nam được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức hàng năm, một mặt giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận đúng, có thể tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về ngành logistics, một mặt cũng giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước có những đánh giá xác thực để kịp thời ban hành những chính sách đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn ngành logistics của Việt Nam.
Thông qua các tổ chức hiệp hội, các doanh nghiệp có ý kiến phản biện, phản hồi về chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng, môi trường kinh doanh, thủ tục hải quan, chính sách thu phí của địa phương.
“Logistics là một ngành dịch vụ trải dài trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đòi hỏi mức độ ứng dụng công nghệ lớn. Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực của các ngành, các cấp, lãnh đạo và nhân viên tại doanh nghiệp để đạt được mục tiêu”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI – Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.
Số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics ngày càng gia tăng, từng bước nâng cao năng lực và tham gia tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước, xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, tiến dần đến những khâu có giá trị gia tăng cao. Đã từng bước hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực logistics, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Diễn Tú