Với những bước tiến đáng kể về hợp tác giữa Việt Nam và Israel trong thời gian qua, Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar đặt nhiều kỳ vọng mới trong quan hệ hai nước trong thời gian tới và kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân từ ngày 19-25/3.
Israel là đất nước nổi tiếng với thế mạnh về công nghệ và sự vươn lên mạnh mẽ trong khởi nghiệp. Thưa Đại sứ, bà có nghĩ rằng, công nghệ cũng là điểm nhấn trong các lĩnh vực hợp tác song phương giữa Việt Nam và Israel?
Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Israel bởi vì chúng tôi dành quan tâm rất lớn đối với ASEAN và coi Việt Nam là đối tác hàng đầu trong khu vực này. Hai nước chúng ta cách xa nhau về địa lý và có nhiều điểm khác biệt. Dân số nước bạn khoảng 94 triệu người, khá đông so với khoảng 8 triệu người ở nước chúng tôi, song, hai bên cũng có nhiều điểm chung về mặt lịch sử, tính cách con người. Người Việt Nam rất năng động, có tinh thần doanh nghiệp cao. Đây cũng là đặc trưng tinh thần người Israel chúng tôi.
Chúng ta không chỉ có tiềm năng hợp tác trong một mà nhiều lĩnh vực khác nhau. Tiềm năng đó nằm trong cả lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, quốc phòng, nước sạch… Israel đang chuyển giao công nghệ và bí quyết trong lĩnh vực nông nghiệp cho Việt Nam.
Điểm yếu trong nông nghiệp của Việt Nam là công nghệ. Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, có nguồn thu nhập phần lớn dựa vào ngành này. Tuy nhiên, Việt Nam sản xuất nhiều sản phẩm nhưng cũng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực. Để có thể tạo ra bước tiến vượt bậc, các bạn cần phải công nghiệp hóa bằng cách sử dụng công nghệ tốt hơn nhằm đưa ra sản phẩm với chất lượng tốt, sử dụng ít nguồn lực hơn mà vẫn có hiệu quả kinh tế. Tôi thấy rằng, Việt Nam đã và đang đi theo hướng đó. Chính phủ rất quan tâm tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hướng đi này đúng đắn nhưng không dễ dàng. Tôi hy vọng các bạn sớm đạt được nhiều bước tiến trong lĩnh vực này.
Do thiên nhiên khắc nghiệt, Israel đã tìm ra cách quản lý nguồn nước của mình rất tốt với công nghệ hàng đầu. Điều đó khiến Israel, vốn là đất nước khô hạn, đã có đủ nước để sử dụng. Điểm chung của các lĩnh vực hợp tác là công nghệ, chúng tôi rất vui và sẵn sàng chia sẻ công nghệ của mình với Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều sinh viên Việt Nam theo học và nghiên cứu công nghệ ở Israel.
Xin Đại sứ cho biết về tương lai ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel và khả năng mở đường bay thẳng giữa hai nước?
Hoạt động thương mại giữa hai nước có nhiều bước tiến trong 5 năm qua. Kim ngạch thương mại song phương năm 2015 là 2,3 tỷ USD do Israel xuất siêu sang Việt Nam. Hai nước cũng đang tiến hành đàm phán, tiến đến ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Israel-Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tôi tin tưởng FTA này có thể được ký kết vào đầu năm 2018.
Đã có một số sản phẩm của Việt Nam được xuất sang Israel như cá, tôm, gạo, cà phê, một số sản phẩm dệt may hay linh kiện điện tử. Thực tế, Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa. Kể cả gia vị của Việt Nam cũng có thể xuất khẩu sang Israel. Tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam có thể coi Israel là thị trường tiềm năng.
Về việc mở đường bay thẳng, đây hứa hẹn là một đòn bẩy rất tốt cho du lịch cũng như cho thương mại giữa nước. Hai hãng hàng không quốc gia đang làm việc để có thể hiện thực hóa kế hoạch này. Một số nước trong khu vực châu Á đã mở đường bay thẳng tới Israel như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Singapore cũng đang có ý định mở đường bay thẳng tới Israel.
Năm 2014 chỉ có 14.000 du khách Israel tới Việt Nam nhưng 2016 con số này đã tăng lên 22.000 du khách. Tuy nhiên, con số này vẫn khá ít. Tôi hy vọng với những nỗ lực hiện tại, chúng tôi có thể thay đổi hiểu biết của người dân Việt Nam về Israel, đất nước chúng tôi là điểm đến rất an toàn với những địa danh hấp dẫn. Ở miền Nam, du khách có thấy sa mạc nhưng tới miền Bắc có thể ngắm những cánh đồng rất xanh. Đến với Israel, du khách sẽ thấy sự đa dạng tôn giáo cùng song song tồn tại.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Hằng Phạm (thực hiện)