I. Đặc điểm tình hình:
Venezuela có nền kinh tế hỗn hợp dựa trên thị trường, chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, một số ngành công nghiệp nặng như nhôm, thép, xi măng và nông nghiệp. Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm chiếm khoảng 96% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản xuất đáng chú ý khác bao gồm thiết bị điện tử, ô tô, đồ uống và thực phẩm. Nông nghiệp ở Venezuela chiếm khoảng 3% GDP và 10% lực lượng lao động. Venezuela còn xuất khẩu gạo, ngô, cá, trái cây nhiệt đới, cà phê, thịt lợn và thịt bò. Sáu năm suy thoái liên tiếp cộng với lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm nền kinh tế Venezuela thu hẹp tới 65% cùng tình trạng siêu lạm phát. Giá dầu giảm sâu đã làm giảm doanh thu xuất khẩu của Venezuela. Sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh và trầm trọng thêm khủng hoảng tài chính trong bối cảnh đối mặt với dịch bệnh Covid-19.
II. Tình hình kinh tế:
1. Giá dầu giảm: Tại thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 1998 khi giá dầu Venezuela giảm xuống mức 9 đôla/ thùng, Ngân hàng Trung ương Venezuela có 15 tỷ đô la dự trữ và nợ nước ngoài ở mức thấp. Tuy nhiên, hiện Venezuela chỉ còn 6 tỷ đô la dự trữ và nợ nước ngoài tăng mạnh. Ngành dầu mỏ Venezuela thiếu đầu tư mới và bảo dưỡng bảo trì. Việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đã hạn chế khách hàng và giao dịch dầu thô Venezuela trên thị trường quốc tế. Giá dầu của Venezuela cuối tháng 4/2020 đã giảm xuống mức dưới 10 đôla /thùng, thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ và hồi phuc nhẹ theo xu hướng giá dầu thế giới ở mức 14,66 đôla /thùng từ trung tuần tháng 5. Thị trường dầu mỏ suy giảm là “cú đánh tàn bạo” vì giá dầu Venezuela đang thấp dưới giá thành sản xuất (18 đôla/thùng). Khủng hoảng giá dầu và sự yếu kém trong khai thác sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Venezuela.
2. Xuất khẩu dầu thô giảm: Năm 2020 Venezuela đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách với doanh thu xuất khẩu dầu dự kiến chỉ đạt hơn 8 tỷ đôla (gần bằng 1/3 của năm 2019 là 25 tỷ đôla). Khối lượng xuất khẩu dầu thô của Venezuela trong tháng 4 đạt 848.500 thùng/ngày và tháng 3 là 814.000 thùng/ngày (mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019), giảm nhiều so với 2 tháng đầu năm (1.046 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2020 và 960.000 thùng/ngày trong tháng 2/2020). Trong năm 2019, xuất khẩu dầu thô Venezuela đạt trung bình 1 triệu thùng/ngày. Trong năm 2019, các khách hàng mua dầu của Venezuela là Rosneft chiếm 33,5%, CNPC của Trung Quốc với 11%, và Cubametales của Cuba với 7%. Trong Quý I/2020, Ấn Độ mua hơn 40% sản lượng, tiếp theo là 02 công ty con của Rosneft là Rosneft Trading và TNK Trading. Trong Quý II/2020, Rosneft đã phải cắt giảm khối lượng mua dầu Venezuela. Tuy nhiên các khách hàng khác như công ty Libre Abordo và Schlager của Mexico mua tới 40% theo chương trình đổi dầu lấy lương thực. Tiếp theo là Trung Quốc (25%), Malaysia và Ấn Độ.
3. Ngành dầu mỏ tiếp tục suy thoái và tình trạng thiếu xăng dầu:
Sản lượng khai thác dầu của Venezuela đã giảm mạnh từ mức 1,911 triệu thùng/ ngày và 1,354 triệu thùng/ ngày trong các năm 2017 và 2018 xuống 796.000 thùng/ ngày trong năm 2019. Trong năm 2020, sản lượng tiếp tục đà suy giảm, chỉ đạt 733.000 thùng/ngày trong tháng 1, 865.000 thùng/ngày trong tháng 2, 718.000 thùng/ngày trong tháng 3 và 637.000 thùng/ngày trong tháng 4 (mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019). Giá dầu giảm sâu và sụt giảm khối lượng khai thác đã làm tê liệt hoạt động cũng như các liên doanh của PDVSA, đặc biệt là các dự án khai thác dầu nặng ở vành đai Orinoco. Trong tháng 5, Tổng thống Nicolas Maduro đã phải có quyết định thay đổi nhân sự cấp cao của PDVSA với việc bãi nhiệm Tướng Vệ binh Quốc gia Manuel Quevedo và bổ nhiệm Phó Tổng thống Phụ trách Kinh tế Tareck El Aissami giữ chức Bộ trưởng Dầu khí, cựu lãnh đạo của CITGO là Asdrubal Chavez làm chủ tịch của PDVSA.
Venezuela lâm vào tình trạng thiếu nhiên liệu cấp tính kể từ tháng 3, buộc phải khởi động lại các nhà máy lọc dầu El Palito công suất 146.000 thùng/ ngày, Cardon công suất 305.000 thùng/ ngày và Amuay công suất 635.000 thùng/ ngày. Venezuela đã nhờ tới sự hỗ trợ của các đồng minh là Iran và Trung Quốc để khôi phục các nhà máy. Trong tháng 4/2020 đã có hơn 20 chuyến bay từ Tehran mang 700 tấn vật liệu và các kỹ thuật viên từ Iran và Trung Quốc đến Venezuela. Trung Quốc cung cấp chất xúc tác, máy nén và các bộ phận lọc dầu. Iran cung cấp hóa chất và một số thiết bị khác. Venezuela được cho là đã trả cho Iran 9 tấn vàng tương đương với 500 triệu đôla để sửa chữa các nhà máy lọc dầu nói trên.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu, Venezuela đã đề nghị Iran chuyển 5 tầu chở xăng với tổng khoảng 175.000 tấn và có giá thị trường 45,5 triệu đôla. Các tàu này đã đến Venezuela mang theo hơn 1,5 triệu lít xăng. Dự kiến lượng xăng dầu này sẽ đủ cung cấp cho Venezuela trong khoảng 6 đến 7 tuần.
4. Tư nhân hóa PDVSA: Venezuela đề xuất kế hoạch tái cơ cấu nhằm chuyển phần lớn các hoạt động hiện tại của PDVSA sang doanh nghiệp tư nhân. Kế hoạch bao gồm: (i) Nhà nước giảm trợ cấp xăng dầu; (ii) Cho phép các công ty tư nhân nắm giữ cổ phần lớn trong các lĩnh vực hoạt động và các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của PDVSA và PDVSA sẽ giảm cổ phần xuống còn 50,1%; (iii) Tách các công ty con không hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ khỏi PDVSA.
Tuy nhiên việc PDVSA đề xuất bán xăng tương đương giá quốc tế sẽ là một biện pháp có tính rủi ro chính trị cao, có nguy cơ đẩy nhanh tình trạng bất ổn kinh tế xã hội, dẫn đến các cuộc bạo loạn, biểu tình phản đối của người dân.
5. Lạm phát tăng cao: Theo Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV), lạm phát trong tháng 1 là 62,2%, tháng 2 là 21,8 %, tháng 3 là 13,3% và tích lũy trong Quý I là 124%. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đối lập) đã công bố con số cao hơn: lạm phát tháng 1 là 65,4%, tháng 2 là 22,4 %, tháng 3 là 21,1% và tích lũy Quý I là 145%. Tổng tích lũy từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 là 3.365%. Tuy nhiên, đến tháng 4/2020 mức lạm phát thực tế đã tăng vọt trên 80%. Chính phủ phải nới lỏng luật tài khóa áp dụng từ năm 2018, tăng mạnh chi tiêu công và chuyển tiền trợ cấp cho hàng triệu hộ gia đình nghèo. Các nhà kinh tế khẳng định Venezuela sẽ quay trở lại với công thức cũ đã khiến nước này chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng: Bơm nhiều tiền nội tệ hơn, tỷ giá hối đoái cao hơn, lạm phát gia tăng mạnh hơn. Ngoài ra, Venezuela còn phải nhập khẩu phần lớn các sản phẩm tiêu dùng cơ bản và thực phẩm. Vì vậy khi tỷ giá hối đoái tăng, giá cả của các mặt hàng này (được bán bằng đồng bolivar) cũng sẽ tăng theo.
6. Mức lương thấp: Từ ngày 1/5, Chính phủ công bố tăng mức lương tối thiểu cho người lao động là 800.000 bs/tháng, trong đó 400.000bs là thu nhập tối thiểu hợp pháp và 400.000bs là phiếu mua thực phẩm. Đây là lần thứ 26 Venezuela tăng mức lương tối thiểu kể từ năm 2013. Đây cũng là mức lương tối thiểu thấp nhất kể từ năm 2000 nếu tính trên tỷ giá quy đổi ra đôla Mỹ. Mức lương tối thiểu này ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động Venezuela hiện đang ở dưới mức nghèo. Theo ước tính một hộ gia đình 4 người cần 175 lần mức lương tối thiểu hàng tháng chỉ để mua thực phẩm. Mặc dù Venezuela cung cấp cho người dân có thẻ tổ quốc thực phẩm và các khoản trợ cấp khác, nhưng tổng giá trị của các khoản trợ cấp này không vượt quá 10 đôla tháng.
6. Đô la hóa nền kinh tế: Kể từ ngày 13/3, đồng bolivar đã mất giá 280% so với đồng đôla Mỹ. Mặc dù đã từng nhiều lần mất giá nhanh chóng, sự suy giảm hiện tại là phản ứng với sự không chắc chắn của thị trường tiền tệ. Việc nhiều người Venezuela chọn cách tích lũy đôla đã làm tăng nhu cầu giao dịch ngoại tệ, trong khi Chính phủ đang cố gắng thay thế đồng Bolivar bằng tiền điện tử Petro. Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng ngoại tệ ở Venezuela là điều tất yếu của kinh tế thị trường. Tỷ lệ đô la hóa tăng mạnh rõ rệt trong 6 tháng qua. Ước tính, khoảng một nửa dân số Venezuela nắm giữ ngoại tệ, 55% giao dịch thương mại sử dụng đồng đôla Mỹ và tại thủ đô Caracas tỷ lệ này là 70%.
7. Chấm dứt hơn 20 năm trợ giá xăng dầu: Sau hơn 20 năm trợ giá xăng dầu với giá xăng gần như miễn phí, từ ngày 1/6 Venezuela bắt đầu tăng giá bán. Tổng thống Nicolas Maduro nhấn mạnh Venezuela cần phải chuyển đổi sang mô hình bán xăng dầu theo giá quốc tế trong tương lai. Bộ trưởng Bộ Dầu khí Tareck El Aissami thông báo về kế hoạch phân phối xăng dầu toàn quốc từ ngày 1/6 như sau:
(i) Xăng được trợ giá và bán theo giới hạn (chỉ áp dụng cho đối tượng có thẻ Tổ quốc): 368 trạm xăng được kiểm soát và kết nối qua hệ thống thanh toán do PDVSA cung cấp để đảm bảo mỗi người dân sau khi đăng ký trên Hệ thống Tổ quốc (một cơ sở dữ liệu mà chính phủ sử dụng để quản lý các phúc lợi) đồng thời xuất trình thẻ Tổ quốc sẽ được phép mua tối đa 120 lít/tháng đối với ô tô và 60 lít/tháng đối với xe máy. Giá xăng là 5.000bolivares (0,25 cent Mỹ/lít). Trước mắt trong vòng 30 ngày tới xăng sẽ được phân phối theo ngày tương ứng với số cuối của biển số xe.
(ii) Xăng bán theo giá quốc tế không giới hạn (áp dụng tự do cho mọi đối tượng): 200 trạm xăng không bị kiểm soát và bán không hạn chế số lượng. Người mua có thể sử dụng ngoại tệ và tiền ảo Petro để thanh toán. Xăng ở các trạm này được cho là có chất lượng cao hơn với giá xăng là 0,5 đôla Mỹ/lít.
(iii) Chính phủ tiếp tục cung cấp miễn phí toàn bộ nhiên liệu cho các phương tiện giao thông công cộng.
III. Xuất nhập khẩu của Venezuela:
Venezuela là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 65 và là nền kinh tế phức tạp thứ 85 trên thế giới theo Chỉ số phức tạp kinh tế (ECI). Năm 2017, Venezuela đã xuất khẩu 27,8 tỷ đôla và nhập khẩu 9,1 tỷ đôla, chênh lệch cán cân thương mại là 18,7 tỷ đô la.
Trong năm 2018, 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Venezuela là: nhiên liệu khoáng, dầu và các sản phẩm từ dầu (29,982 tỷ đôla); ngọc trai (897,60 triệu đôla); Hóa chất hữu cơ (561,66 triệu đôla ); Sắt thép (251,39 triệu đôla ); Nhôm và các sản phẩm nhôm (229,15 triệu đôla); quặng, xỉ và tro (219,03 triệu đôla); hải sản (163,94 triệu đôla); phân bón (82,32 triệu đôla); hóa chất vô cơ (80,69 triệu đôla); đồng và các sản phẩm đồng (73,94 triệu đôla). 10 mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Venezuela là nhiên liệu, dầu mỏ tinh chế (4,58 tỷ đôla); ngũ cốc (897,60 triệu đôla); máy móc và thiết bị cơ khí 877,15 triệu đôla ); thiết bị và phụ tùng điện (440,62 triệu đôla ); mỡ và dầu động vật hoặc thực vật (288.53 triệu đôla); hóa chất hữu cơ (258,82 triệu đôla); xe hơi, linh kiện và phụ tùng xe (207,14 triệu đôla); công nghiệp thực phẩm (205,95 triệu đôla); máy bay và linh kiện (203,77 triệu đôla); các mặt hảng khác (184,28 triệu đôla).
Các điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Venezuela là: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Tây Ban Nha. Các điểm đến nhập khẩu hàng đầu là: Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Brazil và Colombia, trong đó nổi lên các đối tác thương mại hàng đầu là:
1. Nga:
Nga muốn gây ảnh hưởng và tăng cường lợi ích của mình tại Venezuela, nơi có vị trí địa lý gần với Mỹ và có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất khu vực. Nga và Venezuela đã đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Nga là đối tác thương mại lớn của Venezuela, hai bên đã ký kết các thỏa thuận quan trọng về dầu mỏ, khai thác, thực phẩm và bảo dưỡng vũ khí. Nga đã cung cấp ít nhất 17 tỷ đô la cho các khoản vay và hạn mức tín dụng cho Venezuela kể từ năm 2006. Hai bên tiếp tục củng cố liên minh chiến lược trong thời gian gần đây.
Nga tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ theo chiến lược phát triển năng lượng rộng lớn hơn của Nga ở Mỹ Latinh. Mặc dù Rosneft tuyên bố ngừng hoạt động để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng lại chuyển nhượng toàn bộ tài sản tại Venezuela cho công ty 100% vốn Nhà nước Roszarubezhneft, bao gồm cổ phần của Rosneft tại các liên doanh Petromonagas, Petroperijá, Boquerón, Petromiranda, Petrovictoria; một số công ty dịch vụ dầu khí và thương mại khác. Rosneft rút đi không có nghĩa là Nga từ bỏ Venezuela mà ngược lại. Các nhân viên Rosneft có kinh nghiệm ở Venezuela đã được biệt phái đến Zarubezhneft để bảo đảm cơ hội tốt nhất cho việc nối lại hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ tại Venezuela một cách suôn sẻ khi điều kiện thị trường cho phép.
Lương thực cũng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Nga được cho rằng sẽ biến Venezuela trở thành một phần trong kế hoạch mở rộng sự hiện diện của ngành nông nghiệp Nga tại các thị trường Mỹ Latinh. Công ty United Grain (UGC) do chính phủ Nga kiểm soát đã giao 254.000 tấn bột mỳ trong năm 2018 và 600.000 tấn bột mỳ trong năm 2019 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thay thế các nhà cung cấp ngũ cốc của Mỹ và Canada tại thị trường Venezuela.
Trong lĩnh vực dược phẩm, các công ty dược phẩm Nga rất quan tâm đến thị trường Mỹ Latinh. Nga cho rằng sự ra đi của các công ty dược phẩm phương Tây là cơ hội quan trọng để xâm nhập thị trường Venezuela. Công ty Gerofarm có trụ sở tại Saint Petersburg đã ký hợp đồng với Venezuela để cung cấp insulin, một loại thuốc đặc biệt khan hiếm tại Venezuela và lô hàng đầu tiên với 200.000 liều insulin đã đến Venezuela vào tháng 12/ 2019.
Có thể nhận thấy Nga có vai trò vô cùng lớn khi giúp đỡ Venezuela về kinh tế cũng như chính trị. Ảnh hưởng của Nga đối với kinh tế Venezuela sẽ làm suy yếu học thuyết Monroe và lợi ích của Mỹ tại khu vực, và có thể trở thành một “con bài” thương lượng giá trị nhằm đòi hỏi sự nhượng bộ của Mỹ trong các vấn đề tranh chấp giữa Nga và Mỹ. Hai nước tuyên bố đang đàm phán khai thác các chuyến bay thương mại trực tiếp giữa Moscow và Caracas để tăng cường kinh tế và du lịch.
2. Trung Quốc:
Trong khi Mỹ tiếp tục định hình chính sách của mình đối với Mỹ Latinh, Trung Quốc đang trỗi dậy và vươn lên giành ảnh hưởng về kinh tế và chính trị tại khu vực. Quan hệ Trung Quốc-Venezuela tiếp tục được tăng cường với chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường” với Venezuela được coi là cửa ngõ của Mỹ Latinh thông qua các khoản vay và đầu tư trực tiếp. Trung Quốc luôn duy trì mối quan hệ ổn định với Venezuela và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây, củng cố quan hệ với đồng minh có chủ trương chống Mỹ tại khu vực.
Trong thập kỷ qua, Venezuela đã nhận được hơn 62 tỷ đô la từ Trung Quốc, trong đó 55 tỷ đô la dành cho lĩnh vực năng lượng. Giai đoạn 2010-2013, Venezuela chiếm 64% tổng các khoản vay từ Trung Quốc tại Mỹ Latinh. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền vào năm 2013, khoản tín dụng Trung Quốc dành cho Venezuela đã giảm xuống chỉ còn 17% tổng đầu tư trong khu vực, thay vào đó ưu tiên sản xuất dầu từ các dự án liên doanh song tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ dẫn đến điều kiện đầu tư bất lợi, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, hạn chế khả năng hoàn vốn trả nợ cho Trung Quốc. Các chuyên gia ước tính rằng trong số 60 tỷ đôla mà Trung Quốc cho Venezuela vay còn tồn đọng khoảng 20 tỷ. Các lệnh trừng phạt thứ cấp gần đây của Mỹ đối với các cá nhân và công ty giao dịch với PDVSA đã khiến Trung Quốc ngừng mua dầu trực tiếp từ Venezuela.
Gần đây Trung Quốc và Venezuela đã ký 28 thỏa thuận phát triển hợp tác chiến lược, kể cả trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt như dầu mỏ, khí đốt, khai khoáng, an ninh, công nghệ và tài chính. Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp cho Venezuela các công nghệ hỗ trợ để giám sát và kiểm soát xã hội thông qua thẻ Tổ quốc, tương tự chương trình thẻ căn cước quốc gia Trung Quốc. Venezuela sử dụng thẻ này để cung cấp thực phẩm, thuốc men cho người dân, và theo dõi việc bỏ phiếu, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
3. Mỹ: Quan hệ hai bên căng thẳng. Mỹ áp đặt lệnh nhiều lệnh trừng phạt với Venezuela, cấm các công ty Mỹ, công ty quốc tế và người dân Mỹ giao dịch về trái phiếu, vàng và dầu mỏ của Venezuela. Cho đến năm 2018, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Venezuela. Venezuela là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 39 và là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ 28 của Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2019, thương mại hàng hóa song phương giảm mạnh chỉ đạt 2,2 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Venezuela đạt 1,3 tỷ đô la, nhập khẩu của Mỹ từ Venezuela đạt 1,9 tỷ đôla. Trong quý I/2020, thương mại hàng hóa song phương là 301 triệu đôla, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Venezuela đạt 259 triệu đô la, nhập khẩu của Mỹ từ Venezuela đạt 42 triệu đôla.
Mỹ gia tăng áp lực bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp với các công ty nước ngoài làm ăn với ngành dầu khí Venezuela. Để tránh lệnh trừng phạt, từ tháng 5/2020, Rosneft đã chính thức ngừng hoạt động tại Venezuela. Mỹ cũng đe dọa khiến các công ty Ấn Độ ngừng việc giao dịch dầu thô và vận chuyển xăng dầu đến Venezuela. Bản thân công ty Chevron của Mỹ cũng phải đóng cửa hoạt động tại Venezuela vào tháng 04 mặc dù đang điều hành 04 liên doanh với PDVSA. Ngoài ra trong tháng 5 liên doanh lọc dầu Nynas để tránh lệnh trừng phạt cũng đã phải đề nghị PDVSA từ bỏ hợp tác bằng cách bán 35% cổ phần cho quỹ Nynässtiftelsen của Thụy Điển. Ngoài ra, trong tháng 5, FBI cùng Bộ Tài Chính, Đại sứ quán Mỹ tại Mexico đã mở một cuộc điều tra đối với 02 công ty Libre Abordo và Schlager của Mexico về hoạt động đổi dầu lấy thực phẩm, nước và xe bồn chở nước. Dưới áp lực từ Mỹ, công ty Libre Abordo hôm 31/5 đã tuyên bố họ đã thua lỗ hơn 90 triệu USD và buộc phải phá sản đồng thời chấm dứt mọi thỏa thuận giao dịch đã ký trước đây với Venezuela.
IV. Quan hệ Venezuela – Việt Nam:
Trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương khoảng 26,7 triệu USD, trong đó Venezuela xuất khẩu hàng hóa trị giá 4,7 triệu đôla sang Việt Nam và nhập khẩu từ Việt Nam số lượng hàng hóa trị giá 22 triệu đôla. Giao dịch thương mại chưa tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong thời gian qua, tình hình kinh tế xã hội Venezuela có nhiều bất ổn. Do nền kinh tế có đặc thù lạm phát cao, đồng nội tệ liên tục mất giá và đặc biệt là lệnh cấm các Ngân hàng giao dịch ngoại thương bằng đồng ngoại tệ của Chính phủ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xúc tiến đầu tư và giao dịch thương mại. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và có tiềm năng của Venezuela do các cơ quan Chính phủ quản lý và độc quyền cung cấp nên việc giao dịch thương mại gặp nhiều khó khăn về nguồn cung cấp và các thủ tục pháp lý.
Hai nước cần trao đổi và thúc đẩy phía bạn trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, tạo điều kiện và hành lang pháp lý tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu tiềm năng và truyền thống. Về phía Việt nam là may mặc, giày dép, điện thoại, các thiết bị điện tử gia dụng, thực phẩm…và Venezuela là cacao, cà phê, rượu rum và một số mặt hàng khác… nhằm nâng cao kim ngạch song phương.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)