Từ năm 2017, Phái đoàn của EU tại Mali đã triển khai Dự án hỗ trợ ngành điều tại Mali trong đó có thương mại và chế biến điều ở vùng Sikasso.
Cây điều hiện diện nhiều nhất ở phía Nam Mali dưới dạng các hàng rào và vườn cây. Vùng Sikasso là nơi tập trung phần lớn hoạt động sản xuất điều, tiếp giáp với Bờ Biển Ngà và Burkina Faso. Diện tích trồng điều chiếm 110 000 ha tại Sikasso, trong đó trên 98% là các vườn trồng, 7000 ha tại vùng Koulikoro với 54% là vườn trồng và 46% hàng rào cây. Diện tích điều tại các vùng Kayes và Ségou nhỏ hơn lần lượt là 1900 ha và 80 ha chủ yếu là các hàng rào cây.
Sản xuất: Việc trồng điều đã phát triển vào cuối những năm 1980 nhờ cầu tăng trên thị trường quốc tế và thị trường xoài bão hòa. Dần dần, cây điều đã trở thành một trong những cây trồng mang lại lợi nhuận cao (sau bông) tại miền Nam Mali.
Quy mô trung bình một cơ sở khai thác điều là 2,9 ha. Những người sản xuất sử dụng rất ít nguyên liệu đầu vào và ít chăm sóc vườn trồng. Giống và cây trồng được trao đổi giữa các hộ khai thác, năng suất trung bình năm là 350 kg quả điều/ ha. Với sản lượng là 87 455 tấn năm 2019, chuỗi giá trị của ngành này tại Mali vẫn còn kém phát triển so với các nước láng giềng ở Tây Phi (nhất là Bờ Biển Ngà).
Chế biến và kinh doanh : Mali là nước có hoạt động chế biến kém phát triển nhất trong khu vực. Chỉ có 4% sản lượng điều thô được chế biến thành điều nhân. Các đơn vị chế biến chủ yếu nằm ở vùng Sikasso với kỹ thuật thủ công hoặc bán công nghiệp quy mô nhỏ, ít tôn trọng các tiêu chuẩn sản xuất, đóng gói quốc tế. Nhân điều một phần được tự tiêu thụ hoặc bán tại địa phương trong các siêu thị nhưng giá quá đắt so với sức mua của đa số người dân. Một nửa lượng điều nhân được đem xuất khẩu.
90% sản lượng điều thô được xuất khẩu chủ yếu bằng xe tải sang các nước láng giềng (Mali là quốc gia không có biển) thông qua các kênh bán hàng có sự tham gia của các trung gian nhỏ, người buôn được ứng tiền trước và nhà xuất khẩu.
Việc điều hành: Chuỗi giá trị mặt hàng điều tại Mali không được tổ chức tốt (bán hàng mang tính cá nhân thay vì theo nhóm để có được giá cao và tránh khâu trung gian) mặc dù có các hợp tác xã và Liên đoàn những nhà sản xuất điều (FENACOPAM). Những nhà sản xuất có ít quyền đàm phán với trung gian và ưu tiên lợi nhuận trực tiếp mà không tính đến việc trì hoãn bán hàng để hưởng giá tốt hơn.
Trước đây, các dự án này thường hướng tới sản xuất điều và tạo ra các vườn trồng mới, còn ngày nay tập trung vào việc tăng cường quá trình chế biến tại vùng sản xuất chính. Năm 2019, Mali đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành điều quốc gia và ban hành Kế hoạch hành động. Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, chiến lược này cho phép cải thiện năng suất cũng như hoạt động chế biến điều, đấu tranh chống tình trạng bán điều thô bất hợp pháp sang các nước láng giềng. Những người trồng điều cũng quyết định thành lập một cơ quan điều phối chuyên theo dõi việc thực hiện kế hoạch hành động trong chiến lược quốc gia. Đầu năm 2020, tại Mali, Covid-19 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu với lượng hàng bán ra nước ngoài thấp hơn so với cùng kỳ 2019, đồng thời tác động đến khâu chế biến do toàn bộ các nhà máy phải đóng cửa. Đầu năm 2021, trong khi chờ đợi ấn định giá thu mua của người sản xuất, thị trường điều thô đã sôi động trở lại với sự có mặt của những người mua Burkina Faso. Trong tháng 5/2021, giá thu mua tại vườn ổn định ở mức 350-365 FCFA mặc dù chất lượng điều giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch nhập khẩu điều thô của nước ta từ Mali đạt khoảng 216.000 USD.
(Thương vụ Việt Nam tại Algeria)