Xuất khẩu hàng hóa sang Nigeria cần lưu ý gì?
Theo quy định chung, hàng hóa nhập khẩu vào Nigeria phải được kiểm định bởi cơ quan thẩm định của nước này. Đối với thực phẩm và dược phẩm bắt buộc phải đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý chất lượng thực phẩm và dược phẩm quốc gia Nigeria. Đối với các loại hàng hóa khác phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng tại Cục tiêu chuẩn chất lượng Nigeria.
Chính phủ Nigeria quy định nhãn mác vào thị trường này như tên sản phẩm, xuất xứ, các thông tin kỹ thuật, ngày sản xuất, số lô hàng và các tiêu chuẩn kiểm tra hàng hóa, tên hàng hoá bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh và có kèm theo ngôn ngữ khác.
Đối với hàng hóa liên quan đến sức khỏe và môi trường thực phẩm như thực phẩm, hóa chất, dược phẩm đồ uống, mỹ phẩm, trên nhãn mác phải có thêm thông tin ngày hết hạn, thành phần của sản phẩm. Các thiết bị hướng dẫn sử dụng và thông tin sản phẩm và phiếu bảo hành.
Thuế quan và thanh toán là hai rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt
Đầu tiên, do phía chính phủ Nigeria muốn bảo hộ ngành sản xuất trong nước, do vậy Nigeria áp dụng chính sách thuế quan rất lớn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cụ thể, thị trường này chia chính sách thuế quan theo 5 nhóm mặt chính: nhóm hàng tư liệu sản xuất, máy móc và dược phẩm thiết yếu chịu mức thuế là 0%. Nhóm hàng nguyên liệu thô là 5%; hàng trung gian là 10%; hàng tiêu dùng cuối cùng là 20%; hàng chiến lược (như gạo, đường, bột mỳ…) là 30%.
Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu vào Nigeria phải chịu thêm một số loại thuế khác như thuế phụ thu, thuế VAT. Trong đó, thuế phụ thu áp dụng ở mức 20 – 60%.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt còn gặp khó khăn về hình thức thanh toán. Theo ông Cường, việc thực hiện thanh toán L/C không được ưa chuộng tại quốc gia này. Nguyên nhân bởi thủ tục làm việc với ngân hàng và quan trọng là mất thêm chi phí. Cho nên, khi giao dịch với doanh nghiệp Nigeria, doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bị lừa do đối tượng lợi dụng sự lỏng lẻo của phương thức thanh toán.
Cẩn thận bẫy lừa đảo
Thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam không khỏi giật mình vì cú lừa container điều xuất khẩu sang Italia. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì đã có nhiều doanh nghiệp Việt dính vào bẫy lừa đảo xuyên biên giới này.
Đối với thị trường Nigeria, ông Cường cho biết nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt đã liên hệ với Thương vụ để nhờ giúp đỡ. Các doanh nghiệp này sau khi giao 20 – 30% cho phía đối tác thì bị “bùng hàng”.
Bên cạnh đó, chiêu thức của đối tượng lừa đảo càng tinh vi hơn khi tiến hành giao dịch với doanh nghiệp Việt 1 – 2 lần đúng hạn, đúng chất lượng. Sau khi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, phía đối tác tiến hành ký hợp đồng lớn và yêu cầu phía doanh nghiệp chuyển 30% tiền hợp đồng do phía họ đang thiếu vốn. Sau khi doanh nghiệp chuyển tiền thì không thể liên lạc với họ.
Theo Thương vụ, các trường hợp này rất khó giải quyết, bởi vì đối tác nhận tiền, cắt đứt liên hệ, thậm chí chuyển ra nước ngoài, rất khó tìm kiếm.
Trước thực trạng này, phía Thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp trước khi giao dịch cần xác minh thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ để xác minh lại thông tin chính xác nhất.
Khi đó, phía doanh nghiệp Việt cần cung cấp 3 thông tin cần thiết cho Thương vụ. Bao gồm: gửi giấy phép đăng ký kinh doanh (bản màu); mã số thuế và thông tin ngân hàng của doanh nghiệp đối tác. Khi có thông tin đầy đủ, phía Thương vụ sẽ xác minh lại giúp doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, “trong đàm phán hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp cố gắng cùng phía bạn sử dụng phương thức thanh toán tức thì ngay trong lần đầu đặt vấn đề thanh toán, điều này sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường cũng thông tin, khi doanh nghiệp đăng ký với các cơ quan chức năng, một số đối tác sẽ nhờ luật sư giúp và phía doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí luật sư. Nhưng thực tế, doanh nghiệp không cần phải thuê luật sư để làm thủ tục bởi thủ tục rất đơn giản. Nếu là nhà nhập khẩu uy tín, họ sẽ cùng nhà xuất khẩu thực hiện các thủ tục đăng ký.
Q&A về thị trường Nigeria
Đối với các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu, Nigeria có tiêu chuẩn gì không?
Thương vụ: Nigeria khuyến khích nhập khẩu hàng công nghiệp. Đối với tiêu chuẩn mã hàng, cục tiêu chuẩn Nigeria sẽ đưa ra những đánh giá để cấp phép lưu hành. Về cơ bản, tiêu chuẩn đó không thực cao, bởi vì thị trường này khuyến khích sử dụng sản phẩm có khả năng hỗ trợ ngành công nghiệp của họ phát triển.
Nigeria có chuộng hàng thủ công mỹ nghệ không?
Thương vụ: Nigeria có ngành thủ công mỹ nghệ tương đối phát triển, được coi là ngành mũi nhọn của Nigeria. Cho nên, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này chưa cao.
Tiềm năng của xuất khẩu ngành hàng điện máy gia dụng, máy lọc nước và máy hơi nước xuất sang Nigeria có lớn không?
Thương vụ: Theo thông tin, hiện có một số doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu một số loại mặt hàng gia dụng như quạt sang thị trường Nigeria. Tuy nhiên, đối với nhóm hàng này, Nigeria chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Sản phẩm Trung Quốc có đặc điểm tương đối rẻ nên khả năng cạnh tranh cao.
Thương vụ thông tin, Nigeria hiện đang rất “chuộng” các mặt hàng công nghiệp nên xuất khẩu các nhóm hàng khác tương đối khó. Dù vậy, vẫn có cơ hội để doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu hàng sang thị trường này.
Để có thể giới thiệu đến đối tác tại Nigeria, phía Thương vụ yêu cầu doanh nghiệp gửi thông tin mặt hàng qua để Thương vụ có thể dễ dàng quảng bá, tiếp thị đến người đối tác và người tiêu dùng tại quốc gia này.
Thông tin chi tiết xin liên hệ
Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria
Địa chỉ: Số nhà 21, Khu The Address Home Estate #1, Đại lộ Castlerock, Quận Lekki, C.P.106104, TP. Lagos, Nigeria
Điện thoại: +234 7018310933
Email: ng@moit.gov.vn; vietradenigeria@moit.gov.vn