Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona, Ban Quản trị Trang Ngoại giao Kinh tế trực tuyến xin tiếp tục cập nhật một số thông tin liên quan đến chính sách của các nước đối với vùng có dịch để các tổ chức/doanh nghiệp nắm thông tin, hạn chế tối đa các thiệt hại kinh tế có thể xảy ra:
1. Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại CH Áo:
Cho đến nay, WHO chưa đưa ra bất kỳ khuyến nghị hạn chế thương mại hay du lịch quốc tế nào và kêu gọi nhiều nước đã thực hiện các biện pháp hạn chế nên thực hiện xem xét, đánh giá lại. Tuy nhiên, đứng trước dịch bệnh đang ngày càng lan rộng ra nhiều nước, Chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới đã bắt tay hành động để hạn chế và ngăn chặn dịch bệnh. Mỹ đã cấm nhập cảnh với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 2 tuần tới. Theo đó, Úc, Singapore, Malaysia, Mông Cổ và Nga cũng đưa ra lệnh cấm tương tự đối với người nước ngoài từng đến Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, các nước châu Âu hủy các tour du lịch, tạm dừng các gói du lịch đến Trung Quốc.
Theo thông tin của AGES (Cơ quan về ATTP và y tế) của Áo, không có bằng chứng cho thấy hàng hóa có rủi ro truyền bệnh. Các trường hợp được chẩn đoán cho đến nay cho thấy sự tiếp xúc với người bệnh là nguồn lây nhiễm. Nếu người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi vào tay sau đó chạm vào tay nắm cửa hoặc điện thoại thì virus có thể được truyền theo cách này. Nhưng theo WHO, sau 30 phút sẽ không còn khả năng lây nhiễm nCoV thông qua thương mại hàng hóa.
Viện Liên bang Đánh giá rủi ro của Đức cũng có phân tích về khả năng lây nhiểm nCoV thông qua hàng hóa. Theo đó, Viện đánh giá: Dựa trên các đường lây nhiễm được xác định cho đến nay và sự ổn định tương đối thấp của nCoV, các loại hàng hóa nhập khẩu như thực phẩm, hàng tiêu dùng, đồ chơi, công cụ, máy tính, quần áo hoặc giày dép không có khả năng là nguồn lây nhiễm nCoV. Ngay cả trong quá trình xử lý tại cảng xuất nhập khẩu các hàng hóa đến từ Trung Quốc cũng không có khả năng lây nhiễm nCoV.
2. Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc
Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ 0h ngày 05/02, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu xử phạt các nhà máy sản xuất và hộ kinh doanh có hành vi thu mua, tích trữ khẩu trang y tế và dung dịch khử trùng tay. Trường hợp nhà sản xuất và phân phối trữ lượng hàng nhiều gấp 1,5 lần lượng bán hàng bình quân tháng của năm ngoái từ 5 ngày trở lên, tính từ ngày điều tra, sẽ bị phân loại là có hành vi "thu mua và tích trữ". Đối với những đơn vị mới kinh doanh, lượng bán hàng sẽ được so sánh với con số bình quân tính từ ngày bắt đầu hoạt động tới ngày điều tra. Những đơn vị kinh doanh mới hoạt động dưới hai tháng không bán hàng, trả hàng trong vòng 10 ngày kể từ ngày mua vào cũng bị liệt vào đối tượng xử phạt. Người dân có thể tố cáo các hành vi vi phạm với Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS), hoặc tổng đài khai báo đặt ở các tỉnh, thành phố. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt dưới 2 năm tù giam, hoặc phạt tiền 50 triệu won (hơn 42.100 USD).Thời hạn áp dụng những quy định này là đến hết ngày 30/4/2020.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam Ki đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế kiêm Hội nghị đối sách thúc đẩy kinh tế, thảo luận phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch virus corona chủng mới gây nên. Chính phủ đã lập phương án hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp, như miễn hoặc kéo dài thời hạn nộp thuế. Đối với doanh nghiệp đã và đang chịu thiệt hại từ dịch bệnh, như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngành du lịch, biểu diễn, có thể được kéo dài tối đa 9 tháng tính từ thời hạn kê khai, nộp thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Việc xử phạt những đơn vị nộp thuế chậm cũng được hoãn tối đa trong một năm.
Về nguyên tắc, Chính phủ sẽ tạm dừng điều tra thuế. Doanh nghiệp nào đang bị điều tra thuế có thể đề nghị tạm dừng điều tra. Bắt đầu từ sau ngày 05/02, những người dân bị nhiễm virus corona chủng mới hoặc bị cách ly theo dõi có thể được hoãn thời hạn kê khai và nộp các loại thuế địa phương, hoặc được miễn giảm một số loại thuế địa phương tùy theo quyết định của lãnh đạo địa phương đó. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu hay xuất khẩu do nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa có thể được hoãn nộp thuế hoặc chia nhỏ để nộp. Doanh nghiệp nào chịu thiệt hại có thể đệ trình hoàn thuế. Thủ tục đệ trình sẽ được đơn giản hóa để xử lý ngay trong ngày.
Từ ngày 6/2, Chính phủ sẽ hạn chế xuất khẩu số lượng lớn nước rửa tay và khẩu trang ra nước ngoài. Vào ngày 05/02, các đơn hàng nhỏ dưới 2 triệu won (1.700 USD) có thể xách tay mang ra nước ngoài. Tuy nhiên từ ngày 06/02, ngay cả những đơn hàng dưới 2 triệu won nhưng có số lượng khẩu trang trên 300 chiếc đều phải khai báo, nếu trên 1.000 chiếc phải kê khai xuất khẩu chính thức. Trong quá trình thẩm định xuất khẩu, đối tượng dấu hiệu nghi ngờ đầu cơ tích trữ thì cơ quan chức năng sẽ không cho thông quan, và tố giác đối tượng đó. Đồng thời, Chính phủ quyết định sẽ hỗ trợ thông quan nhanh 24/24 với các nguyên vật liệu sản xuất dụng cụ vệ sinh, y tế, như khẩu trang, nước rửa tay, găng tay nhập khẩu từ nước ngoài.
3. Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan
Trong ngày 31/01/2020, Pakistan đã tạm dừng tất cả các chuyến bay ra vào Trung Quốc, tuy nhiên đến ngày 02/02/2020, Pakistan đã khôi phục lại các hoạt động hàng không và tiếp tục đưa vào khai thác như bình thường.
Theo thỏa thuận năm 1985 giữa Pakistan và Trung Quốc, hàng năm cửa khẩu biên giới tại vùng đèo Khunjerad, Gilgit – Baltistan sẽ đóng cửa từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau để đảm bảo an toàn do tuyết rơi dày đặc trong thời gian này. Ngày 22/01/2020 chính phủ Pakistan đã đề nghị chính phủ Trung Quốc mở cửa biên giới 7 ngày từ 02-08/02/2020 để giải phóng hơn 200 container bị kẹt ở biên giới phía Trung Quốc từ tháng 11/2019 do việc đóng cửa biên giới. Tuy nhiên đến ngày 30/01/2020, Chính phủ Pakistan tuyên bố hoãn thông quan với Trung Quốc từ tháng 02/2020 sang tháng 04/2020 để ngăn chặn sự xâm nhập của virus corona.
4. Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc chưa có chính sách hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước có dịch nCoV. Là nước khởi phát và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khả năng Trung Quốc áp dụng hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác là rất thấp do nhu cầu nội địa khổng lồ. Hơn thế, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/03/2020, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Trung Quốc sẽ thực hiện ban hành chính sách miễn thuế đối với vật tư nhập khẩu và kiểm soát dịch bệnh nCoV. Cụ thể như sau:
(i) Mở rộng danh mục vật tư được miễn thuế nhập khẩu theo “Quy định các biện pháp tạm thời về miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư được quyên tặng và từ thiện”; miễn thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu, thuế tiêu dùng đối với các vật tư nhập khẩu với mục đích quyên tặng phục vụ phòng chống dịch bệnh;
(ii) Miễn thuế nhập khẩu với các vật tư do các cơ quan y tế nhập khẩu với mục đích phòng chống dịch bệnh;
(iii) Hoàn trả thuế đã thu đối với các vật tư nhập khẩu miễn thuế;
(iv) Vật tư nhập khẩu miễn thuế có thể được ưu tiên thông quan trước và hoàn thành thủ tục sau.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định virus nCoV có thể lây lan qua đường thương mại hàng hóa, nhưng một số nước đã bắt đầu hạn chế hoạt động nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Điển hình, Kyrgyzstan cấm nhập khẩu các loại thịt từ Trung Quốc; Indonesia xem xét tạm dừng nhập khẩu thực phẩm, nước uống, cá tươi sống từ Trung Quốc.
5. Tin từ văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc
Ngày 23/01/2020, Bộ Kinh tế Đài Loan ra thông báo, nhằm bảo đảm cung ứng vật tư cho nội địa, bảo vệ sức khỏe người dân, kể từ ngày 24/01/2020 đến ngày 23/02/2020, cấm xuất khẩu các sản phẩm mã CCC6307.90.50.10-6 (khẩu trang làm bằng vật liệu dệt, hiệu quả lọc 94% trở lên) và CCC6307.90.50.20-4 (khẩu trang làm bằng vật liệu dệt khác). Cùng ngày, Hải quan Đài Loan cũng cho biết, kể từ ngày quy định trên có hiệu lực, không thụ lý hồ sơ giấy pháp xuất khẩu, đảm bảo cung ứng khẩu trang cho nội địa, đảm bảo sức khỏe người dân. Qua kiểm tra, nếu phát hiện khai báo gian đối để xuất khẩu sản phẩm không được phép, sẽ không cho xuất khẩu và Hải quan sẽ xử lý theo quy định.
Đối với trường hợp nhà xuất khẩu nhận được tín dụng thư ngân hàng nước ngoài hoặc tiền tạm ứng hàng hóa hoặc hàng hóa khẩu trang đã được nhà máy sản xuất bốc xếp hàng chuẩn bị xuất khẩu trước ngày 24/01/2020, đồng thời có đủ các giấy tờ chứng minh, thì có thể liên hệ Cục Thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế xin giải quyết cho xuất khẩu.
Ngày 31/01/2020, Viện trưởng Viện Hành chính (Thủ tướng Chính phủ) Đài Loan ra thông báo quy định khẩu trang y tế thông thường và khẩu trang phẫu thuật ngoại khoa là vật dụng cần thiết trong đời sống được quy định tại khoản 3 mục 1 điều 251 Luật hình sự, có hiệu lực từ ngày 31/01/2020. Quy định này là cơ sở cho việc xử lý các hành vi xuất khẩu, buôn bán trái phép khẩu trang.
6. Tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh
Nhằm ứng phó và hạn chế trước sự lây lan và những diễn biến phức tạp khó kiểm soát của dịch bệnh do chủng virus mới corona gây nên, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã thực hiện các chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu ứng phó và quản lý các hoạt động thương mại. Cụ thể như sau:
(i) Từ ngày 26/01/2020 đến trước khi dịch bệnh được khống chế tại toàn Trung Quốc, tiến hành cách ly toàn bộ các cơ sở gây giống và chăn nuôi động vật hoang dã, nghiêm cấm buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã từ các cơ sở này ra bên ngoài, nghiêm cấm giao dịch, chế biến và sử dụng (ăn) động vật hoang dã.
(ii) Đối với vấn đề lưu thông hàng nông sản, theo đại diện Sở Thương mại Quảng Tây, hiện tỉnh này chưa ra các biện pháp hạn chế lưu thông hàng nông sản trên địa bàn cũng như các tỉnh/thành khác đến Quảng Tây, Sở Giao thông vận tải Quảng Tây cũng yêu cầu đơn giản hóa quy trình kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng nông sản tươi sống nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại Quảng Tây.
(iii) Về vấn đề hàng nông sản, trái cây xuất khẩu qua địa bàn Quảng Tây theo phản ánh của một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trái cây tại Bằng Tường, hiện hoạt động nhập khẩu trái cây từ Việt Nam giảm mạnh do lượng hàng tồn trước tết thua lỗ trong năm vừa qua. Vấn đề khó tiêu thụ trái cây xuất phát chủ yếu từ tâm lý ngại đi ra ngoài mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết nhằm tự bảo vệ sức khỏe và hạn chế lây lan dịch bệnh. Trường hợp nhu cầu thị trường tăng lên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhập khẩu thông qua các cảng biển.
(iv) Đối với các hoạt động thương mại trên đất liền, từ ngày 31/01/2020 đến hết ngày 09/02/2020 (kéo dài thêm 01 ngày so với thông báo ban đầu), tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới tại các khu (điểm) chợ biên giới giữa Quảng Tây với Việt Nam. Từ ngày 03/02/2020, hoạt động thương mại theo hình thức chính quy và thương mại tiểu ngạch biên giới vẫn diễn ra bình thường theo quy định của cơ quan hải quan.
Tuy nhiên, do đặc thù của các địa phương phía Việt Nam tiếp giáp với Quảng Tây, biện pháp quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giữa các bên có sự khác nhau và do sự hạn chế của ta trong việc thông quan hàng quá trong tình hình dịch bệnh (tùy theo từng địa phương), tình hình trao đổi thương mại với Quảng Tây có khác nhau, cụ thể ở các tỉnh như sau:
Tại tỉnh Lạng Sơn, vào ngày 03/02/2020 đã cho phép thông quan tại cửa khẩu hữu nghị từ 11:00-17:00 và từ 14:00 ngày 05/02/2020 đến hiện tại tiếp tục cho phép thực hiện các thủ tục thông quan bình thường; ngày 06/02/2020 thời gian thông quan từ 9h đến 17h Việt Nam; thời gian thông quan ngày tiếp theo được hai bên trao đổi thống nhất sau thời gian làm việc của ngày hôm trước.
Sở Công thương cho biết tỉnh Cao Bằng đã thực hiện hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu quốc tế của Cao Bằng từ ngày 05/02/2020.
Tỉnh Quảng Ninh hiện vẫn chưa cho phép thông quan hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Tại các cảng biển của Quảng Tây, theo Sở Thương mại Quảng Tây, trước ngày 09/02/2020, doanh nghiệp cần thông báo (hẹn trước) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu dự kiến làm thủ tục thông quan tại cảng Phong Thanh; tại cảng Khâm Châu hàng hóa được phép thông quan bình thường. Về hoạt động quản lý Danh mục mặt hàng nhập khẩu, hiện Cơ quan đại diện của ta chưa nhận được thông tin về việc tỉnh Quảng Tây điều chỉnh Danh mục này. Đại diện Sở thương mại Quảng Tây cho biết, ngoại trừ tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, hoạt động thương mại chính quy và tiểu ngạch biên giời vẫn thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan. Theo tỉnh Lạng Sơn, danh mục hàng hóa trao đổi theo hình thức thương mại quốc tế tại cửa khẩu Hữu nghị và quy trình kiểm dịch không có sự điều chỉnh so với trước đây.