Theo thời báo Guardian, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu hiện là 781.484, trong đó có 164.726 trường hợp đã hồi phục và gần 3,5 tỷ người đang sống trong tình trạng cách ly tự nguyện hoặc bắt buộc. Dù hy vọng đã loé lên ở Italia và Tây Ban Nha, song các biện pháp cứng rắn nhằm kiềm chân 2/5 dân số toàn cầu ở trong nhà vẫn được mở rộng.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cho biết, với số ca tử vong vì Covid-19 ở Italia chiếm 1/3 con số tử vong trên toàn cầu, do đó, Italia tiếp tục áp đặt các biện pháp phong toả tới ít nhất là lễ Phục sinh (ngày 12/4).
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tuyên bố, bất kỳ sự nới lỏng phong toả nào cũng phải được thực hiện dần dần. “Phong toả sẽ không kéo dài lâu nữa. Chúng tôi đang nghiên cứu cách dỡ bỏ các hạn chế”.
Sức ép của phong toả đối với xã hội nước này đang dần bộc lộ: tại Sicily, cảnh sát có vũ trang bắt đầu đứng gác ở lối vào các siêu thị sau khi báo chí địa phương đưa tin, đã có một số vụ cướp bóc xảy ra do một số người không còn đủ tiền để mua thực phẩm.
Ngày 30/3/2020, Tây Ban Nha, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 đã bắt đầu bước vào ngày đầu tiên của lệnh phong toả nghiêm khắc hơn sau khi chính phủ cấm mọi lao động chủ chốt rời nhà. Tây Ban Nha hiện là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Italia.
Thành phố lớn nhất ở châu Âu là Moscow (Nga) và thành phố đông dân nhất châu Phi là Lagos (Nigeria) là hai nơi mới nhất áp lệnh phong toả trong khi các quốc gia khác, gồm cả Mỹ đã kéo dài và siết chặt thêm các lệnh phong toả nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus corona chủng mới.
Virginia, Maryland và Kansas là các bang mới nhất của Mỹ thông báo lệnh ở nhà khẩn cấp. Thủ đô Washington cũng được đặt trong tình trạng phong toả. Ngày 30/3, một tàu y tế quân sự Mỹ đã tới New York nhằm giảm bớt sức ép lên các bệnh viện.
Các nhà lãnh đạo thế giới, gồm cả một số vị đang bị cách ly, vẫn đang tìm cách đối phó với một cuộc khủng hoảng gây ra những tác động chưa từng có lên kinh tế và xã hội kể từ Thế chiến II. Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Nga Putin đã thảo luận về việc “hợp tác chặt chẽ hơn nữa” về vấn đề đại dịch, cũng như nói tới giá dầu đang giảm mạnh trong một cuộc điện đàm vào ngày 30/3, Kremlin cho biết.