I/ Kosher là thuật ngữ trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “tinh khiết”, phù hợp cho tiêu dùng, mô tả chế độ ăn phù hợp với những tiêu chuẩn khắt khe theo luật truyền thống Do Thái như kinh Torah. Đối với người Do Thái, Kosher không chỉ là chế độ ăn an toàn, bảo đảm sức khỏe mà còn liên quan đến việc tuân thủ các truyền thống tôn giáo. Thực phẩm Kosher là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng năm, do ngày càng nhiều người tiêu dùng toàn cầu, nhất là Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ hướng đến sử dụng sản phẩm Kosher do thu nhập tăng, quan tâm nhiều hơn đến lối sống, chất lượng cuộc sống, các quy định cao hơn về sức khỏe, chất lượng thực phẩm tiêu dùng. Thị trường thực phẩm Kosher toàn cầu năm 2018 đạt 19 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 4-6%, dự kiến đạt 26 tỷ USD vào năm 2025. Tại Israel, ước tính 85% sản phẩm thị trường thực phẩm có chứng nhận Kosher.
II/ Luật kosher rất phức tạp và rộng lớn, bao gồm một số quy định chính về đặc điểm của phân loại thực phẩm và cách thức chế biến như sau:
1/ Thực phẩm Kosher:
Luật Kosher cấm ăn cùng nhau các sản phẩm hoặc trong thành phần nguyên liệu có thịt gia cầm, gia súc và cá, thịt và sữa. Quy định chung về các loại thực phẩm Kosher:
(i) Thịt gia súc: quy định gia súc kosher là những loài động vật nhai lại và bộ móng guốc, ví dụ như linh dương, bò rừng, bò, nai, hươu, dê, cừu.
(ii) Thịt gia cầm: Luật kosher không quy định đặc điểm phân biệt các loài gia cầm được phép hay cấm, nhưng liệt kê 24 loài gia cầm cấm gồm các loại chim săn mồi, ăn xác thối, còn lại các loài khác được coi là kosher.
(iii) Cá: Luật kosher quy định hai tiêu chí xác định loại cá kosher là phải có vây và có vảy, vảy phải dễ loại bỏ mà không làm tổn thương da. Tất cả các loài nhuyễn thể có vỏ không là kosher. Không như thịt gia súc và gia cầm, cá không cần phải được chế biến theo luật Kosher nhưng phải đảm bảo các thiết bị chế biến là Kosher.
(iv) Sữa: các sản phẩm từ sữa phải đáp ứng tiêu chí: có nguồn gốc từ động vật kosher, tất cả các nguyên liệu phải là kosher, không chứa các thành phần từ thịt (men dịch vị, gelatin...), phải được sản xuất, chế biến, đóng gói trên dây chuyền kosher.
(v) Pareve - đồ ăn vốn đã là Kosher: không được chứa các thành phần hoặc sản xuất trên dây chuyền có dính thịt hoặc sữa.Ví dụ: trứng không có tia máu, cá, trái cây, rau quả không sâu bọ, ngũ cốc, mì ống, nước ngọt, cà phê, trà, bánh kẹo.
Các thực phẩm không-kosher: các sinh vật không kosher và không thể đủ điều kiện để trở thành kosher, gồm hầu hết các loại hải sản, động vật giáp xác, côn trùng, động vật gặm nhấm, chim săn mồi, chim ăn xác thối, động vật hoang dã, trứng, sữa và các thành phần có nguồn gốc từ các loại sinh vật này.
2/ Quy trình giết mổ, chế biến:
(i) Giết mổ: Luật Kosher quy định việc giết mổ phải được tiến hành theo quy định được gọi là shechita. Khí quản và thực quản phải được cắt đứt bằng 1 lưỡi dao lam đặc biệt, hoàn toàn nhẵn, khiến con vật chết tức thì không gây đau đớn. Chỉ những người giết mổ được đào tạo (shochet) có chứng nhận của cơ quan giáo quyền mới đủ điều kiện giết mổ động vật.
(ii) Kiểm tra: sau khi con vật được giết mổ đúng cách, một thanh tra (bodek) sẽ kiểm tra các cơ quan nội tạng để tìm các đặc điểm bất thường khiến con vật không kosher.
(iii) Các bộ phận được phép ăn của động vật va gia cầm phải được chế biến đúng cách (ngâm và loại bỏ hết máu) trước khi nấu.
(iv) Tất cả các dụng cụ dùng trong giết mổ, làm sạch, chuẩn bị và đóng gói phải kosher.
Sản phẩm Kosher phải được làm từ nguyên liệu kosher, phải được chế biến trên dây chuyền kosher. Trong trường hợp dây chuyền không-kosher, hoặc sản xuất xen kẽ thịt/sữa và trung tính, trở lại trạng thái kosher cần thực hiện quá trình “kosher hoá” bởi giáo sĩ Do Thái được đào tạo về quy trình này.
3/ Chứng nhận Kosher: Là quá trình các chuyên gia giáo quyền rabbi xác minh các sản phẩm được sản xuất theo luật Kosher. Cơ quan chứng nhận này theo dõi và giám sát quy chuẩn này dựa trên hồ sơ lưu về quá trình sản xuất, dây chuyền máy móc và thành phần nguyên liệu, và đánh giá định kỳ đối với cơ sở sản xuất...
Quy trình để đạt chứng nhận Kosher: Do hiện chưa thống nhất quy chuẩn chung về Kosher (phụ thuộc vào quan điểm của từng giáo sĩ Rabbi địa phương) nên đối với trường hợp nộp đơn xin cấp phép đạt tiêu chuẩn Koshercho mặt hàng xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp nên lấy chứng nhận được cấp bởi 1 trong 5 tổ chức cấp phép chứng nhận Kosher lớn được công nhận trên toàn cầu, bao gồm: OUK, OK, Kof-K, Star-K và CRC. Mẫu quy trình cấp chứng nhận Kosher gồm các bước:
(i) Nộp đơn: đơn đăng ký cung cấp thông tin cơ bản về loại sản phẩm để cơ quan đăng ký chỉ định điều phối viên Do Thái giáo (RC) riêng cho doanh nghiệp, phù hợp với loại hình sản xuất cụ thể.
(ii) Tham vấn: RC được chỉ định sẽ liên hệ và thảo luận về quy trình sản xuất, thông tin chi tiết về các nguyên vật liệu sản xuất về tuân thủ kosher. Công ty cung cấp cụ thể các mục tiêu để đạt chuẩn kosher. Giáo sĩ Do Thái cung cấp rõ hơn về cách thức triển khai và duy trì vận hành cơ sở theo chứng nhận kosher.
(iii) Thông tin chi phí: Chi phí chứng nhận Kosher là dạng phí hàng năm, bao gồm các khoản tổng thể trong phạm vi công việc đối với tổ chức cấp phép.
(iv) Thăm quan và khảo sát ban đầu: RC sẽ hướng dẫn quy trình cung cấp thông tin về nguyên liệu, thành phần sản xuất. Cơ quan cấp phép sắp xếp chuyên thăm cơ sở sản xuất để quan sát cách thức hoạt động, Giáo sĩ Do Thái thực hiện các quy trình và thủ tục cần thiết để thiết lập và duy trì chuẩn kosher trong quá trình sản xuất. Các nhân viên cần được đào tạo để đảm bảo duy trì chuẩn Kosher.
(v) Ký kết thoả thuận: sau chuyến thăm đầu tiên, hợp đồng sẽ được soạn thảo, bao gồm các điều khoản và điều kiện cần thiết để đạt và duy trì chứng nhận Kosher. Chứng nhận sau đó sẽ được cấp cho doanh nghiệp, cho phép in chứng nhận trên bao bì sản phẩm.
Để duy trì chứng nhận Kosher, cơ sở sản xuất phải đảm bảo chấp hành quy định trong những chuyến thăm của giáo sĩ Do Thái, gồm: các chuyến thăm hàng năm của RC, các chuyến thăm không báo trước của các giáo sĩ Do Thái ở sở tại để kiểm tra hoạt động sản xuất tuân thủ Kosher, hoặc các chuyến thăm Kosher hoá dây chuyền sản xuất nếu cần thiết.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Israel)