Notifications
Clear all

Tình hình kinh tế, chính trị-xã hội Lào năm 2022

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
1,538 Lượt xem
(@ngoc-tu-nguyen)
Thành viên Admin
Gia nhập: 6 năm trước
Bài viết: 1316
Topic starter  

Năm 2022, Lào khẳng định tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại chủ động và tự chủ trên cơ sở kiên định đường lối hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác, lấy ngoại giao phòng ngừa là phương hướng chính; tiếp tục triển khai quan hệ hợp tác đa dạng, đa phương, đa cấp độ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi; tăng cường tính chủ động trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các nước bạn bè chiến lược để nâng tầm và đạt hiệu quả cao trong hợp tác.

- Tình hình chính trị- nội bộ Lào cơ bản ổn định, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội được đẩy mạnh. Tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại trong giai đoạn đầu năm (tháng 3-4), với số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh. Tuy nhiên, trong xu thế chung toàn cầu, Chính phủ Lào đã mở cửa đất nước vào ngày 9/5/2022 và giảm dần các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nhằm phục hồi kinh tế. 

Trong năm 2022, Lào vẫn nỗ lực duy trì và tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước truyền thống, các nước láng giềng, đồng thời tranh thủ thúc đẩy, mở rộng quan hệ, kết nối song phương và đa phương bằng nhiều hình thức nhằm khai thông hợp tác hậu Covid-19. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào cũng đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt có những đối tác mới như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Australia, WB, IMF, ADB… 

- Kinh tế Lào vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, cấp bách, nhất là trả nợ công trong khi phải đối phó với hậu quả của đại dịch Covid-19, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine tác động đến giá cả nhiên liệu, lương thực tăng cao, khủng hoảng kinh tế - lạm phát trên toàn thế giới. Tình hình lạm phát tăng vọt, giá cả và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, hàng hóa nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là những điểm nhấn chính của bức tranh kinh tế Lào năm 2022. Đảng, Chính phủ và Quốc hội Lào tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm chi tiêu công, giảm lạm phát, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng.

Trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa IX diễn ra vào tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh cho biết: Trong 11 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, tạo chuyển biến mới mạnh mẽ, toàn diện.

Việc tổ chức thực hiện kế hoạch nói trên được tiến hành trong điều kiện quốc tế, khu vực và trong nước có cả những thuận lợi, cơ hội và cả những khó khăn và thách thức. Sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và tình hình quốc tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, giá nhiên liệu và giá thực phẩm tăng mạnh đã khiến tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước trên thế giới gia tăng, cùng với đó là việc đồng đô la Mỹ tăng so với nhiều loại tiền tệ.

Tình hình thế giới và khu vực như trên đã tác động đến nền kinh tế Lào, khiến cho giá nhiên liệu tại Lào tăng cao, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải tìm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu nhiều hơn trước, làm nảy sinh tình trạng thiếu ngoại tệ, đồng thời cũng khiến cho đồng Kip mất giá. Những nguyên nhân nêu trên khiến tỷ lệ lạm phát của Lào gia tăng đột biến. Ngoài ra, một số địa phương của Lào còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai.
Mặc dù tình hình quốc tế, khu vực và trong nước gặp nhiều khó khăn và thách thức chưa từng có, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và sự hỗ trợ giúp đỡ của các nước bạn bè đồng chí, cùng với sự cố gắng tích cực của Chính phủ trong việc xử lý vấn đề chung của quốc gia, đã giúp Lào có thể giữ vững sự ổn định của nền kinh tế quốc gia, không để rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái.

Một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính của Lào năm 2022:
- Tăng trưởng kinh tế (GDP): Trong năm 2022, Chính phủ Lào đã khuyến khích các đơn vị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là thế mạnh dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Lào đạt 4,2% và kỳ vọng hết năm 2022 sẽ tăng trưởng ở mức 4,4%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 4,5%.
- Trong đó, thu ngân sách là một trong những điểm sáng của kinh tế Lào năm 2022. Cụ thể, tính đến hết tháng 11 năm 2022, thu ngân sách của Lào đạt 28.455 tỷ Kip, tương đương 90,06% kế hoạch cả năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 14,81% của GDP theo nghị quyết quốc hội.
Điểm nổi bật là thu ngân sách trong nước đạt 26.655 tỷ Kip, tương đương 92,03% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm thu ngân sách của Lào có thể đạt 33.574 tỷ Kip, tương đương 106,27% kế hoạch năm. (Đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp nguồn thu ngân sách có thể vượt kế hoạch đề ra).

- Lạm phát: Theo Cục Thống kê Lào, tháng 10/2022, lạm phát tại Lào đã đạt đỉnh mới 36,75%, tăng hơn 2,7% so với tháng 9/2022 (34,05%), tiếp tục gây khó khăn cho người dân trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Thực phẩm và đồ uống có cồn đã tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước, do bị ảnh hưởng bởi giá gạo và các mặt hàng thực phẩm hàng ngày khác bao gồm thịt lợn, gia cầm, cá, hải sản, trứng, dầu thực vật, trái cây và rau. Vận tải hành khách và hàng hóa tăng 58,1% do chi phí nhiên liệu cao. Quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thiết bị y tế và thuốc men cũng tăng. Chi phí vật liệu xây dựng tại thủ đô Vientiane cũng tăng cao buộc một số công ty phải hủy bỏ các dự án xây dựng. Chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng đang ảnh hưởng nặng nề đến người dân Lào, trong đó những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, mặc dù Lào đã tăng mức lương tối thiểu lên 1.200.000 Kíp (tương đương 70 USD)/tháng vào tháng 8/2022.

Việc giá của hầu hết các mặt hàng đều leo thang, từ thực phẩm đến năng lượng, cho đến giao thông đi lại đã khiến cho tỷ lệ lạm phát trung bình 10 tháng đầu năm 2022 của Lào đạt mức 19,69%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tỷ lệ lạm phát cả năm 2022 ở mức 17% sau khi giá dầu mỏ thế giới tăng cao hơn dự báo và đồng Kíp trở nên yếu hơn. Ngân hàng này chỉ ra việc lạm phát gia tăng và tỷ lệ nợ công cao của Lào càng củng cố tâm lý tránh rủi ro của các nhà đầu tư. Nông dân Lào hiện nay đang bị áp lực nặng nề khi chi phí sản xuất liên tục tăng khiến sản xuất nông nghiệp tại Lào ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. 

- Thương mại: Theo số liệu từ Bộ Công Thương Lào, 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Lào với thế giới đạt 13,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021 (12,2 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 7,07 tỷ USD, tăng 2,5% (6,9 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 6,23 tỷ USD , tăng 18,7% (5,25 tỷ USD). 

Về xuất khẩu: mặt hàng xuất khẩu chính của Lào là điện; vàng tổng hợp và vàng miếng; giấy và sản phẩm từ giấy; quặng đồng; cao su, sắn; quặng sắt; chuối; trâu bò…Các thị trường xuất khẩu chính là Thái Lan (1,76 tỷ USD, chiếm 27,7%); Trung Quốc (2,03 tỷ USD, chiếm 31,9%); Việt Nam (1,15 tỷ USD, chiếm 18%); tiếp đến là các nước Úc, Singapore, Mỹ...

Về nhập khẩu: mặt hàng nhập khẩu chính là phương tiện (không bao gồm xe máy và xe đầu kéo), dầu diesel; động vật sống; đồ uống; dây cáp điện; giấy và sản phẩm từ giấy; phân bón; sản phẩm từ hóa chất…Các thị trường nhập khẩu chính là Thái Lan (3,03 tỷ USD, chiếm 48,6%), Trung Quốc (1,51 tỷ USD, chiếm 18,5%), Việt Nam (387,2 triệu USD, chiếm 6,2%), tiếp đến là Mỹ, Thụy sĩ, Nhật…

Ước cả năm 2022, kim ngạch thương mại của Lào với thế giới đạt 14,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2021 (13,5 tỷ USD).

- Đầu tư: Đầu tư công năm 2022 đã phê duyệt 3.950 tỷ Kíp, trong đó vốn thường xuyên là 2.200 tỷ Kíp (532,65 tỷ Kíp thanh toán nợ cho dự án; 1.312,39 tỷ Kíp tiếp tục dự án và 354,95 tỷ Kíp cho dự án đề xuất mới); thu-chi là 1.750 tỷ Kíp; ngoài ra, Chính phủ Lào còn giải quyết nợ đầu tư công theo nhiều hình thức để từng bước giảm áp lực nợ, như phát hành trái phiếu, quay vòng vốn ba bên số tiền 10.000 tỷ Kíp. Đến nay, đã thực hiện được 9.577 tỉ Kíp, tương đương 95,78% kế hoạch; phân bổ giải quyết nợ quy mô nhỏ có trị giá còn chậm thanh toán là 300 triệu trở xuống để tạo ổn định kinh doanh, thúc đẩy phát triển; Đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thực hiện được 7.209,72 tỷ Kíp, tương đương 24,5% kế hoạch (29.420 tỉ Kíp). 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đến năm 2025, Chính phủ Lào sẽ ưu tiên thực hiện hàng loạt chương trình, bao gồm: (i) Chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết các khó khăn kinh tế-tài chính và vấn đề ma túy; (ii) Hiện đại hóa hệ thống thu thuế và xử lý lỗ hổng thất thoát ngân sách, tạo nguồn thu cho nhà nước; (iii) Giảm và cơ cấu lại nợ công cho Chính phủ, hạn chế số lượng các khoản vay nước ngoài; chú trọng công tác quản lý tỷ giá hối đoái, lạm phát, giảm bớt khó khăn cho người dân; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển công nghiệp chế biến, nhất là dọc hai bên hành lang đường sắt Lào-Trung Quốc; tăng cường hợp tác với các đối tác công-tư, cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

(Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào)


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: