TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4
Trong tháng 5, Lào tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, lạm phát, đồng Kíp mất giá so với đồng USD và Baht, cùng với ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19. Trước tình hình trên, hội nghị thường kỳ Chính phủ đã đề ra một số công tác trọng tâm cần tập trung thực hiện trong tháng 5 như sau:
(i) Tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022 gắn với 2 chương trình quốc gia giải quyết khó khăn kinh tế - tài chính và vấn đề ma túy đạt hiệu quả hơn nữa trong các mặt công tác sau: (1) Tập trung thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra, tìm kiếm nguồn thu mới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thu ngân sách, nhất là tại các khu vực cửa khẩu quốc tế. Yêu cầu các công ty đã được cấp phép triển khai các dự án khai khoáng đẩy mạnh hoạt động khai thác và xuất khẩu khoáng sản, tăng nguồn thu ngân sách; giao các địa phương xử lý đối với các dự án chưa thống nhất về diện tích được cấp phép trước khi trình lên chính phủ. (2) Về cải cách các công ty, tập đoàn, tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 10/CP ngày 15/10/2021, trong đó tập trung cải cách Tổng Công ty điện lực nhà nước Lào, Tổng Công ty hàng không nhà nước Lào, cải tổ lề lối làm việc, hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty xổ số phát triển Lào nhằm tăng thêm nguồn thu. Tiếp tục thực hành chính sách tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm công, tạm dừng các khoản chi chưa cần thiết, cân nhắc các chuyến đi công tác nước ngoài cho phù hợp hoặc tham dự theo hình thức trực tuyến; khẩn trương thực hiện nghiêm nghị định về quản lý xe công. (3) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Lào; thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng lớn như cao tốc, đặc khu kinh tế. Ban hành các cơ chế, quy định về quản lý tỷ giá hối đoái theo các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn một cách chi tiết và chặt chẽ. Khẩn trương triển khai biện pháp kiềm chế vấn đề tăng giá xăng dầu, làm giảm áp lực đối với hàng hóa và lạm phát.
(ii) Tiếp tục tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng toàn dân, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xã hội, nhất là vấn đề tai nạn giao thông và tội phạm ma túy.
(iii) Đẩy mạnh sản xuất trong mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước và đáp ứng xuất khẩu theo năng lực của từng địa phương và kế hoạch đề ra.
(iv) Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống và khắc phục tác động của dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, khẩn trương tận dụng lợi thế từ việc mở cửa đất nước, thu hút khách du lịch kết hợp học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng và trên thế giới nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế đất nước theo hướng ổn định và bền vững.
(v) Chuẩn bị tốt cho công tác tổng kết, đánh giá việc xây dựng nền tảng chính trị, phát triển nông thôn, năng lực cạnh tranh và phát triển của đất nước.
(vi) Giám sát và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng tại địa phương, nhất là liên quan việc xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm.
(vii) Theo dõi sát tình hình khu vực và thế giới, phân tích, đánh giá sâu sắc các xu hướng và tác động từ bên ngoài đối với Lào; tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế nhằm tận dụng sự hỗ trợ và nguồn lực trong phát triển đất nước; triển khai sâu rộng kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào và các thỏa thuận hợp tác giữa Lào với các nước bạn bè, anh em. (Báo KT-XH, ngày 05/5/2022)
Lào ghi nhận tháng thâm hụt thương mại đầu tiên của năm 2022
Ngày 19/5/2022, Vientiane Times đưa tin, Lào ghi nhận thâm hụt thương mại 102 triệu USD tháng 4/2022, sau 3 tháng liên tiếp thặng dư thương mại.
Theo Bộ Công Thương Lào, tháng 1/2022, tổng giá trị kim ngạch là 1.155 triệu USD, trong đó, xuất khẩu là 598 triệu USD và nhập khẩu là 557 triệu USD, thặng dư 41 triệu USD; tháng 2/2022, tổng giá trị kim ngạch là 989 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 519 triệu USD và nhập khẩu là 481 triệu USD, thặng dư 48 triệu USD; tháng 3/2022, tổng giá trị kim ngạch là 1.100 triệu USD, trong đó xuất khẩu 600 triệu USD và nhập khẩu 500 triệu USD, thặng dư 100 triệu USD; tháng 4/2022, tổng kim ngạch thương mại đạt được là 950 triệu USD, trong đó 424 triệu USD xuất khẩu và 526 triệu USD nhập khẩu, chưa bao gồm giá trị xuất khẩu điện.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Lào là vàng, vàng thỏi, giấy và sản phẩm giấy, quặng đồng, bột gỗ và giấy thải, cao su, sắn, quặng sắt, chuối, quần áo, phân bón và đường.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phương tiện (không bao gồm xe máy và xe đầu kéo), dầu diesel và thiết bị cơ khí (không bao gồm thiết bị cho xe máy), bột gỗ và giấy thải, phụ tùng ô tô (gồm lốp, kính chắn gió và xích), đồ uống (nước, nước ngọt, nước uống tăng lực), thép và sản phẩm thép, thép từ, sản phẩm nhựa, gas, giấy và sản phẩm giấy và gố và đồ dùng bằng gỗ.
Thị trường xuất khẩu chính của Lào là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Úc và Thụy Sỹ. Thị trường nhập khẩu chính là Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.
Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Lào đang cải thiện dịch vụ cấp phép xuất nhập khẩu và hàng hóa quá cảnh linh hoạt, thuận tiện, minh bạch.
Trung Quốc đang trở thành thị trường xuất khẩu chủ chốt của Lào, đặc biệt là hàng nông sản, sau khi Đường sắt Lào-Trung đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Lạm phát tăng liên tục, khó khăn ngày càng tăng
Ngày 06/5/2022, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự đoán tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm của Lào năm 2022 sẽ tăng lên 5,8% và năm 2023 là 5%.
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 của ADB, nguyên nhân lạm phát tăng là do giá dầu leo thang, nhu cầu trong nước tăng và đồng Kíp liên tục giảm giá. Xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng sự bất ổn chính trị và làm xáo trộn thị trường tài chính, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Báo cáo của ADB nêu: “Trung bình hàng năm, giá trị đồng Kíp giảm giá khoảng 7,6% so với đồng USD trên thị trường chính thức và 12,1% trên thị trường tự do do trái phiếu quốc tế đến hạn trả và tình trạng thiếu hụt ngoại hối”. Đồng Kíp liên tục mất giá, giá hàng hóa nhập khẩu bị đẩy cao, đặc biệt là các mặt hàng xăng dầu và vật liệu xây dựng.
Năm 2021, giá xăng dầu đã tăng khoảng 13 lần. Tính từ đầu năm, giá nhiên liệu cũng đã nhiều lần được điều chỉnh tăng. Lần tăng mới nhất được công bố vào ngày 29/4, nâng giá xăng Super tại Viêng Chăn lên 20.620 Kíp/lít, xăng Regular lên 18.060 Kíp và dầu diesel lên 18.000 Kíp. Giá xăng ngày 6/6/2022 đã tăng lên 28.070 Kíp/lít đối với xăng Super, 21.890 Kíp/lít đối với xăng Regular.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Lào, giá nhiên liệu tăng buộc các nhà khai thác vận tải phải tăng giá (giá nhiên liệu và khí đốt tháng 3/2022 tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong tháng 3/2022, tỷ lệ lạm phát cả năm đã tăng lên 8,5%, cao hơn mức dự kiến và là mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 01/2016.
Theo ADB, lạm phát sẽ làm vấn đề nợ của Lào, vốn đã ở mức có rủi ro cao, ngày càng xấu thêm. Nợ đọng chi trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp và đồng Kíp suy yếu góp phần làm tăng mức nợ của Lào. Năm 2021, nợ công và nợ công có bảo lãnh đã ở mức 78,8% GDP. Vấn đề xử lý nợ nước ngoài của Lào là rất lớn, trong vòng 5 năm tới Lào sẽ phải trả trung bình khoảng 1,3 tỷ USD/năm, tương đương với 7% GDP.
Chính phủ Lào đang lo ngại do giá cả tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình thuộc diện người nghèo nhất. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ từ ngày 26-27/4, Thủ tướng Phankham Viphavanh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phải kiểm soát giá nhiên liệu, hàng tiêu dùng và tỷ giá hối đoái, nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân; yêu cầu các cơ quan chức năng cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và thúc đẩy triển khai các dự án lớn theo kế hoạch, cũng như cải cách công tác quản lý doanh nghiệp nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng.
Doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đồng Kíp mất giá
Ngày 13/5/2022, Vientiane Times đưa tin, đồng Kíp rớt giá nghiêm trọng từ năm ngoái trong bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu tăng mạnh do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine. Sự mất cân bằng cung cầu đã làm cho khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái chính thức và thị trường tự do ngày càng rộng hơn, tăng sức ép cho các đơn vị nhập khẩu và khiến lạm phát càng tăng cao.
Lào là một trong số các nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất khu vực Đông Nam Á. Giá nhiên liệu đã tăng 11,4% so với tháng trước (trong đó giá xăng thường tăng 5,1% và giá dầu diesel tăng 15,7%) và tăng đến 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, giá dầu máy cũng tăng 2,9% so với tháng trước và 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cho các cơ quan nhà nước phải điều chỉnh tăng giá nhiên liệu liên tục nhiều lần từ đầu năm nay, dẫn tới các đơn vị vận tải cũng phải tăng giá theo.
Việc đồng Kíp mất giá so với đồng Baht Thái và USD (đạt mức kỷ lục tính từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997-1998) khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí mua ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa. Tỷ giá ngân hàng BCEL ngày 14/6/2017 ở mức 1 USD mua vào là 8.216 Kíp, bán ra là 8.256 Kíp, 1 Baht mua vào 242,93 Kíp và bán ra 244,74 Kíp, trong khi đó ngày 06/5/2022, 1 USD mua được 12.665 Kíp và bán ra 12.693 Kíp, và 1 Baht Thái mua vào với giá 404,03 Kíp và bán ra được 404,07 Kíp.
Việc đồng Kíp tiếp tục mất giá càng gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Lào khi xăng dầu vẫn tiếp tục thiếu hụt, đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao và làm cho đời sống nhân dân càng khó khăn. Đây là đợt mất giá lớn nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997-1998. Đồng Kíp đã rơi xuống giá trị thấp nhất trong hàng thập kỷ qua do nhu cầu mua ngoại tệ tăng cao để nhập khẩu hàng hóa, trong đó có xăng dầu.
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào Sonexay Sitphaxay tại Quốc hội Lào cho biết, tại thời điểm tháng 7 năm 2021, sự chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái Kíp/USD tại ngân hàng thương mại và thị trường là 22,1%. Khi nhiều ngân hàng thương mại không bán ngoại tệ, các doanh nghiệp buộc phải mua từ bên ngoài để có thể nhập khẩu hàng hóa. Kết quả là doanh nghiệp lại phải đặt giá sản phẩm của họ căn cứ trên mức chi phí họ phải bỏ ra để mua ngoại tệ.
Trao đổi với Vientiane Times, nhà kinh tế Mana Southichack cho biết, ông ủng hộ chính sách tái mở cửa đất nước của Chính phủ để đón du khách nước ngoài sau khi Lào đã mất hàng trăm triệu USD từ khách du lịch sau khi các cửa khẩu bị đóng từ đầu năm 2020. Ông cho rằng, điều cần làm nhất hiện nay là thu hẹp khoảng cách tỷ giá chính thức và ngoài thị trường tự do, giảm lợi nhuận cho những kẻ cơ hội. Đồng thời, phải thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao môi trường đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp Quốc gia Lào Daovone Phachanthavong cho biết, Chính phủ có thể cho phép người Lào đang sinh sống ở nước ngoài được mua đất tại Lào như một cách mang sự giàu có, thịnh vượng, hay ngoại tệ vào Lào. (Vientiane Times, 09/5/2022)
Chỉ 33% doanh thu xuất khẩu quay trở lại nền kinh tế Lào
Ngày 19/5/2022, Vientiane Times đưa tin, Lào đang phải đối mặt với thách thức tiêu thụ ngoại tệ nhiều hơn số thu vào qua hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào Sonexay Sithphaxay cho biết, 4 tháng đầu năm, chỉ 33% kim ngạch xuất khẩu giao dịch qua hệ thống ngân hàng, 98% giá trị nhập khẩu chuyển khỏi đất nước qua hệ thống ngân hàng. Như vậy, các ngân hàng thương mại ở Lào chỉ mua được ít ngoại tệ hơn so với dự kiến, đặc biệt là đồng Baht Thái và đồng USD. Thêm vào đó, vốn giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài qua hệ thống ngân hàng thấp.
Mặc dù, 4 tháng đầu năm thặng dư thương mại Lào là 589,66 triệu USD, nhưng nguồn cung ngoại tệ cần cho nhập khẩu hàng hóa như xăng dầu vẫn không đủ. Nhu cầu thanh toán nợ công tăng và nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa gây áp lực đối với tỷ giá hối đoái hiện nay.
Theo ông Sonexay, 4 tháng đầu năm 2022, đồng Kíp đã giảm 18,36% so với đồng USD và 9,4% so với đồng Baht Thái so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo cập nhật kinh tế mới nhất của Ngân hàng thế giới WB, đồng Kíp suy giảm mạnh, tính đến tháng 4/2022 là khoảng 30% so với đồng USD. WB cho rằng việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu và lãi suất tăng có thể tiếp tục gây áp lực cho đồng Kíp, lạm phát và gánh nặng trả nợ tăng làm hạn chế dòng vốn đầu tư và các lựa chọn tài chính.
Theo đề xuất, để khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, cần tập trung vào tăng thu và chi tiêu hiệu quả. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đưa ra hành động nhằm ổn định tỷ giá và cải thiện cơ chế giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào kiến nghị giải pháp ổn định đồng Kíp
Ngày 12/05/2022, Vientiane Times đưa tin, Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào đã đưa ra một số giải pháp khả thi để giải quyết sự biến động của tỷ giá hối đoái, dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu đang diễn ra hiện nay.
Phát biểu với tờ Vientiane Times vào hôm thứ Ba, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào Daovone Phachanthavong cho biết, giá trị đồng Kíp giảm đang tác động lớn đến giá nhiên liệu ở Lào. Việc đồng Kíp liên tục giảm giá so với đồng Baht và đồng đô la Mỹ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải chi ra nhiều hơn để mua ngoại tệ cần thiết cho nhập khẩu hàng hóa, trong đó bao gồm nhập khẩu nhiên liệu.
Theo đề xuất của Phó chủ tịch Daovone Phachanthavong:
(i) Lào đã mở cửa trở lại đất nước, nhưng đang đối mặt với vấn đề lớn nhất là thiếu ngoại tệ; mở cửa thu hút du khách quốc tế sẽ tạo nguồn thu ngoại tệ thông qua chi tiêu của khách du lịch.
(ii) Các cơ quan chính phủ nên ưu tiên việc người Lào tìm việc làm ở các nước khác và khuyến khích nhiều hơn nữa việc tìm việc làm bên ngoài Lào. Điều này không chỉ cung cấp cho người dân những công việc cần thiết mà còn thúc đẩy dòng ngoại tệ đổ vào Lào.
(iii) Cần cải thiện triệt để môi trường kinh doanh để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Daovone: “Chúng tôi đề xuất rằng các nhà đầu tư nước ngoài được cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần trong thời hạn 5 năm, đây được coi như một thiện chí nhằm khuyến khích các nhà đầu tư khám phá các cơ hội đầu tư tại Lào.”
(iv) Một vấn đề quan trọng là Chính phủ nên cho phép người gốc Lào hiện đang sống ở nước ngoài được phép mua đất ở Lào.
(v) Chính phủ cần đảm bảo xuất khẩu nhiều nông sản hơn, đặc biệt là cao su, chuối, sắn và ngô ngọt. Những loại cây nói trên nên được trồng thâm canh, với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân, ở những địa bàn gần với đường sắt để tiện cho việc vận chuyển sang các nước khác.”
Ông Daovone Phachanthavong cho rằng, tất cả các đề xuất nói trên có thể giúp Lào giải quyết vấn đề biến động tỷ giá và sẽ giúp ổn định đồng Kíp khi dòng ngoại tệ chảy vào Lào nhiều hơn. Do nhiên liệu của Lào chủ yếu nhập nước ngoài, phải thanh toán bằng ngoại tệ, nên khi giá trị đồng Kíp bị tụt giảm, dẫn đến chi phí ngày càng tăng nhiều và tốn kém hơn.
Thiếu nhiên liệu gây khó khăn cho người dân Lào
Ngày 10/5/2022, Vientiane Times đưa tin, các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu nhiên liệu đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ nhiên liệu đáp ứng nhu cầu người dân, do sự biến động về tỷ giá hối đoái và sự bất bình ổn của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã xảy ra ở nhiều địa phương trong những tuần gần đây và đã buộc các trạm xăng ở Vientiane và một số tỉnh phải đóng cửa vào thứ Hai. Luang Namtha là tỉnh đầu tiên từ cuối tháng Ba, sau đó tới thành phố Pakse, tỉnh Champassak và tỉnh Savannakhet, và cuối cùng đã lan đến thủ đô Vientiane. Một số cây xăng còn hàng thì bị quá tải, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi trên địa bàn Thủ đô. Các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu nhiên liệu đang phải vật lộn tìm đủ ngoại tệ mua hàng từ các nước khác. Một số nhà nhập khẩu đã tạm ngừng mua nhiên liệu do không thể kiếm lợi nhuận vì giá nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn bởi tỷ giá Kíp/USD bất lợi. Việc đồng Kíp tiếp tục giảm giá đang làm trầm trọng thêm tình hình.
Lào là quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ bên ngoài. Lào cần khoảng 120 triệu lít nhiên liệu mỗi tháng để đáp ứng nhu cầu chung, nhưng hiện tại các nhà nhập khẩu chỉ có thể mua dưới 50% số lượng này.
Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu và Khí đốt Lào, ông Sysangkhom Khotnhotha cho biết, các nhà nhập khẩu đang đấu tranh để mua đủ nhiên liệu đáp ứng nhu cầu trong nước, giá nhiên liệu thường xuyên tăng trong năm nay do tình hình chính trị không ổn định cũng như nhu cầu nhiên liệu tăng; ngoài việc tất cả nhiên liệu của Lào đều nhập từ nước ngoài, phải thanh toán bằng ngoại tệ; còn do ảnh hưởng của chi phí nhiên liệu trên thị trường toàn cầu đang tăng đã đẩy giá nhiên liệu nhập khẩu tăng, giá bán lẻ tại Lào chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.
Theo Vụ Nội thương, Bộ Công Thương cho biết, các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm cách điều tiết giá xăng dầu do chi phí tăng cao đang ảnh hưởng đến giao thông, lạm phát và giá cả sinh hoạt. Chính phủ sẽ cố gắng giảm chi phí các doanh nghiệp phải trả để giữ cho giá không tăng cao bằng cách giảm các phí trả cho quỹ bảo trì đường bộ, cũng như giảm thuế và các khoản phí khác. Đồng thời, các cơ quan chức năng giám sát các trạm xăng dầu ngăn chặn việc tích trữ, kiếm lời.
Tình hình thiếu hụt xăng dầu ngày càng trở nên tồi tệ
Ngày 11/5/2022, Vientiane Times đưa tin, từng hàng dài xe cộ xếp hàng tại các cây xăng ở thủ đô, người điều khiển phương tiện cơ giới đi từ nơi này sang nơi khác để tìm chỗ đổ xăng. Người dân Lào kêu gọi trên Facebook rằng Chính phủ nên tìm cả những giải pháp ngắn và dài hạn cho cuộc khủng hoảng này, bao gồm việc tiếp cận nguồn ngoại tệ cũng như tìm cách cứu trợ các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Đồng thời, nên đưa ra những chiến lược mới cho tương lai có thể tương thích với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết, hiện nay Lào vẫn chưa có kho dự trữ xăng dầu, hoặc quỹ dự phòng; và các đơn vị nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ từ các ngân hàng, hay thị trường tự do để nhập khẩu xăng dầu thời gian tới.
Gần đây, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp để tìm cách giải quyết vấn đề này. Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Lào Sysangkhom Khotnhotha cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn để nhập xăng dầu đáp ứng nhu cầu trong nước.
Để kiểm soát tình hình, Chính phủ Lào đang cân nhắc giảm một số loại thuế, phí đánh vào xăng dầu nhằm tìm cách giảm giá bán lẻ mặt hàng này. Ngoài ra, một Quỹ dự phòng cũng có thể được tính đến để bình ổn giá nhiên liệu tại Lào. Điều đó sẽ giúp các đơn vị nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu có thêm sự hỗ trợ đối với tác động của giá nhiên liệu đối với chi phí vận tải và hàng tiêu dùng.
Việc giảm thuế này cũng giúp giảm bớt khó khăn cho người dân. Họ hi vọng rằng khi doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất thì cũng sẽ giảm bớt các khoản chi phí cho họ. Chính phủ cũng sẽ phải nỗ lực tăng thu ngân sách từ các nguồn khác để bù đắp thiếu hụt từ việc giảm thuế đánh lên xăng dầu này. (Vientiane Times, 11/5/2022, 13/5/2022)
Tổng công ty xăng dầu nhà nước Lào và Tập đoàn Yod Ngeum Power ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu
Ngày 11/5/2022 Tổng công ty xăng dầu nhà nước Lào đã ký hợp đồng mua bán 10 triệu lít dầu diesel/tháng với Nhà máy TNHH lọc dầu Yod Ngeum Power, đại diện hai bên ký kết là Tổng giám đốc công ty xăng dầu nhà nước Lào Sisangkhom Khotnhotha và Giám đốc Nhà máy TNHH lọc dầu Yod Ngeum Power Somvang Khulurat, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Saysompheng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Khamchen Vongphosy, Tỉnh trưởng tỉnh Xiengkhuang và lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Ông Somvang Khulurat cho biết, nhà máy lọc dầu Yod Ngeum Power được thành lập vào tháng 11/2021 tại tỉnh Xiengkhuang với số vốn đăng ký 100 tỷ Kíp, sản lượng ban đầu là 10 triệu lít/tháng và có thể nâng lên mức 30 triệu lít/tháng để đáp ứng nhu cầu của xã hội, theo kế hoạch bắt đầu cung ứng vào cuối tháng 5/2022. Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước ngày một tăng cao do chịu ảnh hưởng từ đà tăng của giá nhiên liệu thế giới đã gây nhiều tác động tới cuộc sống của người dân và toàn xã hội. Do đó, nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho người dân với mức giá phù hợp, nhà máy đã ứng dụng công nghệ hiện đại từ Italia với quy chuẩn chất lượng ASTM D975, nhập khẩu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam (cách nhà máy chỉ 380 km) để kịp thời tiến hành các hoạt động, sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Giám đốc Somvang Khulurat đánh giá, hoạt động ký kết lần này là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu tại Lào gặp nhiều khó khăn, giúp bình ổn giá xăng dầu tại các tỉnh Bắc Lào và thủ đô Vientiane. Về phía Tổng công ty xăng dầu nhà nước Lào sẽ nghiên cứu mở rộng đầu tư trong lĩnh vực xăng dầu trên toàn quốc, tính toán chọn tỉnh Luang Prabang làm điểm tập kết và phân phối xăng dầu tại phía Bắc của Tổng công ty, dự kiến trong tháng 9/2022 sẽ phát triển xuống miền Trung và miền Nam. (Báo KT-XH, Vientiane Times, 13/5/2022)
Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân thiếu hụt và tăng giá xăng dầu,
Quốc hội đồng ý điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ xăng dầu
Tại họp báo ngày 10/5/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Saysompheng cho biết, Lào là nước nhập khẩu 100% xăng dầu từ nước ngoài. Hiện nay tình hình giá nhiên liệu trên thế giới đang có nhiều biến động, trong đó giá xăng dầu thành phẩm tại Singapore tiếp tục tăng cao, gây nên những tác động trực tiếp và khiến giá bán lẻ xăng dầu tại Lào tăng theo, dẫn đến lần điều chỉnh giá vào ngày 30/4/2022 vừa qua. Tuy nhiên, do các yếu tố bên ngoài, tình hình lạm phát, tỷ giá hối đoái, các biện pháp hạn chế, phòng chống dịch Covid-19, giá xăng phổ thông và dầu diesel tại Lào có thể phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp giá xăng dầu trên thế giới.
Trước tình hình nêu trên, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính luôn chủ động theo dõi sát tình hình, nghiên cứu đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp. Theo đó, đã đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 103 ngày 9/5/2022 đồng ý giảm thuế tiêu thụ xăng từ 31% xuống còn 16% và giảm thuế tiêu thụ dầu diesel từ 21% xuống 11% kể từ 14h00 ngày 10/5/2022; Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quản lý việc nhập khẩu, bán lẻ nhằm phòng chống các hành vi trục lợi, buôn lậu xăng dầu, bảo đảm hoạt động cung ứng xăng dầu tới được cả vùng sâu vùng xa; giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2022 và đầu năm 2023; giao các ngân hàng nghiên cứu tìm cách tăng nguồn cung ngoại tệ phục vụ nhập khẩu xăng dầu từ 30% lên mức 40%, tăng cường quản lý hoạt động trao đổi ngoại tệ ngoài thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung ngoại tệ cho nhà nước.
Cũng theo nghị quyết, Chính phủ cần sớm chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung của nghị quyết; giao Ủy ban kế hoạch, tài chính và thanh tra, Ủy ban kinh tế, công nghệ và môi trường và các ủy ban liên quan của Quốc hội giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giải quyết vấn đề tăng giá xăng dầu hiện nay đạt hiệu quả.
Việc giảm thuế này là biện pháp tạm thời và có hiệu lực trong 3 tháng, có thể bị bãi bỏ nếu giá xăng dầu thế giới ổn định trở lại. (Báo KT-XH, ngày 10, 11/5/2022)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Lào năm 2023
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, năm 2023, Chính phủ Lào sẽ tập trung các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu: mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 4,5% trở lên; thu nhập ngân sách đạt 33.884 tỷ Kíp; chi ngân sách đạt 35.881 tỷ Kíp; ổn định tiền tệ, điều chỉnh biên độ trao đổi quanh mức -+5%; khối lượng tiền lưu thông (M2) tăng không quá 20%; chỉ số lạm phát không vượt 6%; dự trữ ngoại tệ đạt thấp nhất 03 tháng nhập khẩu; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 39.817 tỷ Kíp; đầu tư công 4.000 tỷ Kíp, vốn viện trợ phát triển chinh thức đạt 7.140 tỷ Kíp; đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đạt 20.000 tỷ Kíp, các loại hình đầu tư khác là 8.677 tỷ Kíp; và các mục tiêu khác.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trước hết cần ưu tiên: (i) thúc đẩy sản xuất và dịch vụ theo cơ cấu kinh tế; khuyến khích sản xuất, giảm nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chăn nuôi; khuyến khích sản xuất của các SMEs; phát triển hệ thống vận tải logistics cho chuẩn mực để thúc đẩy vận chuyển hàng hóa; thúc đẩy các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng theo dọc tuyến hành lang kinh tế, khu kinh tế đặc biệt theo kế hoạch đề ra; (ii) đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô: tập trung sửa đổi cơ chế và chính sách thu có hiệu quả để tạo nguồn thu đúng, đủ; triển khai chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý chặt chẽ tỷ giá hối đoái; tăng cường theo dõi và quản lý giá cả hàng hóa thị trường thường xuyên để không lợi dụng cơ hội tự tăng giá hàng theo ý muốn chủ quan; (iii) phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nhân lực ngành y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng dạy-học…; (iv) tập trung xây dựng và cải tạo cơ sở sản xuất và dịch vụ cần thiết, khuyến khích tiếp cận dịch vụ, nguồn vốn, kỹ thuật, thị trường song song với việc thúc đẩy sản xuất theo tiềm năng của từng địa phương, đặc biệt quan tâm đến phát triển vùng nông thôn và giải quyết vấn đề giảm nghèo của Chính phủ và địa phương; (v) bảo vệ và khôi phục tài nguyên nước, đất và rừng…; (vi) tiếp tục xây dựng và sửa đổi luật và quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư cho phù hợp với thực tế; (vii) tiếp tục hợp tác với các nước láng giềng và đối tác phát triển mở rộng, chủ động và thực hiện các trách nhiệm và cam kết hợp tác quốc tế có hiệu quả cao; (viii) tập trung kiểm soát, bảo vệ phòng chống dịch bệnh Covid-19…, song song với việc thực hiện các chính sách và biện pháp khôi phục kinh tế sau đại dịch cho có hiệu quả. (Nguồn báo cáo Bộ KH&ĐT, CHDCND Lào)
LNCCI đưa ra tiêu chuẩn mới để tái mở cửa doanh nghiệp sau Covid-19
Ngày 03/5/2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào đã phát hành sổ tay về quy trình tiêu chuẩn để tái khởi động doanh nghiệp hậu Covid-19 và thúc đẩy sản xuất an toàn. Quy trình tiêu chuẩn này cho phép các doanh nghiệp có sự linh hoạt hơn, giảm thiểu rủi ro do lan truyền dịch bệnh; hạn chế ban hành các biện pháp thắt chặt (vốn đã trở nên bất hợp lý) và tiêu chuẩn hóa việc thực thi các giải pháp, đảm bảo thống nhất đối với các lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Phó Chủ tịch LNCCI Xaybandith Rasphone cho biết, LNCCI đã phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Liên đoàn Lao động Lào và công ty SSI và Tổ chức Lao động Quốc tế phát hành Quy trình Hoạt động Tiêu chuẩn (SOPs) để tái khởi động doanh nghiệp. Ông cho biết, mục đích cao nhất của việc phát hành Quy trình này là để giúp cho việc phục hồi nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động linh hoạt hơn và giảm thiểu các rủi ro do Covid-19. Ông đề nghị các Phòng Thương mại và Công nghiệp địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức liên quan khác cùng phối hợp triển khai Quy trình, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Sau buổi ra mắt Quy trình, một khóa huấn luyện thực hành Quy trình 1 ngày với các chủ đề về tái khởi động doanh nghiệp và thực hành các biện pháp quản lý an toàn của Lào do ông Xaybandith Rasphone và chuyên gia của ILO, bà Yuka Ujita chủ trì thực hiện cùng sự tham dự của nhiều cán bộ các bộ ngành và doanh nghiệp. (Vientiane Times, 05/5/2022)
Hội thảo về phát triển doanh nghiệp, phục hồi kinh doanh do tác động của Covid-19
Ngày 23/5/2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Manothong Vongxay, Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp và thương mại Lào Oudeth Souvannavong, Đại diện thường trú ngân hàng Châu Á (ADB), bà Sonomi đồng chủ trì hội nghị mở rộng về phát triển doanh nghiệp để khôi phục kinh doanh sau đại dịch Covid-19; tham dự trực tuyến có Cục trưởng ASEAN của ADB Ramed Soupramanien.
Hội nghị được tổ chức trên tinh thần phối hợp giữa Chính phủ và các nhà kinh doanh, doanh nghiệp để cùng nhau tìm biện pháp, phương thức nhằm khôi phục lại sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã bị đình đốn do tác động của dịch Covid-19.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Manothong Vongxay cho biết, việc tổ chức hội nghị lần này nhằm thúc đẩy năng lực nhập khẩu và tăng số lượng doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả; đồng thời, khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Lào bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; thông qua việc thảo luận, trao đổi giữa các thành phần liên quan từ cấp trung ương đến địa phương có thể thấy rõ được những vấn đề thực tế hiện nay, tầm quan trọng của việc cải cách môi trường kinh doanh. Qua hội nghị, đại biểu tham dự nhận thức được việc cần thiết điều chỉnh môi trường kinh doanh, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý, các biện pháp phải giải quyết trước mắt và các lĩnh vực cần điều chỉnh; hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi môi trường khu vực nhà nước: thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách đăng ký kinh doanh thông qua việc cấp mã số thuế cá nhân và giấy phép đăng ký kinh doanh đã giảm chi phí thực hiện và thời gian gian đăng ký cho doanh nghiệp xuống 1/3 lần.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe phổ biến báo cáo về việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư cấp địa phương do Hội đồng Công nghiệp và Thương mại quốc gia Lào, việc ADB hỗ trợ nguồn vốn giảm nghèo. (Báo KT-XH, 24/5/2022)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Sonxay Siphandone đề xuất một số biện pháp
nhằm hạn chế sự ảnh hưởng do mất giá đồng tiền Kíp và thiếu hụt đồng ngoại tệ
Ngày 12/5/2022, Phó Thủ tướng Sonxay Siphandone đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) về lạm phát đồng tiền Kíp và tỷ giá hối đoái trong 4 tháng đầu năm 2022.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã đề ra 13 biện pháp cần phải triển khai thực hiện nhằm hạn chế sự ảnh hưởng do trượt giá đồng tiền Kíp và thiếu hụt ngoại tệ (USD, Baht) hiện nay của Lào gồm:
(i) Giảm thiểu và hạn chế nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng, kết hợp với việc tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xa xỉ; giao cho Bộ Công thương phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện;
(ii) Xây dựng thói quen tiêu dùng hàng sản xuất trong nước và sử dụng đồng tiền Kíp bản địa;
(iii) Chuyển hướng sử dụng đồng tiền thanh toán (CNY, VNĐ) trong việc mua, bán, xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt tại các khu vực biên giới, cửa khẩu giữa hai nước Lào-Trung, Lào-Việt;
(iv) Việc quy định tỷ giá tại các cơ sở trao đổi ngoại tệ phải theo cơ chế kinh tế thị trường; vấn đề này giao cho BOL chủ trì đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện;
(v) Điều chỉnh tỷ giá trao đổi ngoại tệ của các ngân hàng thương mại cho sát với giá trao đổi của các cơ sở giao dịch tiền tệ ngoài thị hệ thống;
(vi) Đề nghị các ngân hàng thương mại mở L/C cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và các doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu giao dịch tiền tệ chủ yếu qua hệ thống ngân hàng thương mại;
(vii) Khuyến khích các thành phần xã hội chuyển hướng sang sử dụng phương tiện chạy điện, khuyến khích làm việc trực tuyến, hạn chế sử dụng phương tiện nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu;
(viii) Đề nghị BOL phối hợp với các ngân hàng thương mại theo dõi, quản lý việc gửi, trả tiền mặt của các khách hàng cá nhân, tổ chức nhằm không để lợi dung cơ hội đem tiền mặt đi trao đổi lấy lãi tại các cửa hàng trao đổi ngoại tệ gây rối loạn tỷ giá hối đoái;
(ix) Đề nghị thiết lập hệ thống theo dõi việc mua-bán ngoại tệ bằng hệ thống điện tử để theo dõi dòng tiền mặt;
(x) Tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về các vấn đề khó khăn trên của Chính phủ như: thiếu nguồn cung xăng dầu, giá xăng dầu tăng, tỷ giá hối đoái biến động…để không nảy sinh dư luận trong xã hội;
(xi) Khuyến khích du lịch trong nước để thu hút thêm ngoại tệ;
(xii) Rà soát lại tài khoản tiền lương của các dự án đầu tư nước ngoài nếu khả thi sẽ thực hiện chi trả bằng tiền Kíp, trừ các chuyên gia quốc tế có hợp đồng quy định riêng;
xiii) Đề nghị xem xét nhập khẩu xăng dầu từ Nga bằng các hình thức: đặt hàng, nợ, Bitcoin và các hình thức khác. (Nguồn VPTTg, 14/5/2022)
Tăng cường công tác chuẩn bị để đón du khách sau khi tái mở cửa đất nước
Ngày 11/5/2022, Vientiane Times đưa tin, các cơ quan đang làm việc chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh về du lịch và điều hành tour để đón khách du lịch nước ngoài trở lại sau khi Lào đã mở cửa hoàn toàn đất nước từ ngày 09/5/2022.
Bộ Thông tin - Văn hóa - Du lịch đã yêu cầu các cơ quan địa phương trực thuộc tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để có sự chuẩn bị hợp lý cho công tác đón du khách. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chương trình LaoSafe, một sáng kiến giúp đánh giá và xác nhận các tiêu chuẩn kinh doanh du lịch nhằm giúp du khách tự tin khi đến Lào. Bộ cũng yêu cầu chuyển tải thông tin về các quy định xuất - nhập cảnh đến các du khách để họ có thể nắm rõ các yêu cầu, các thay đổi để chuẩn bị các thủ tục cần thiết.
Để tiếp cận và thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài, Bộ cũng đề nghị các cơ sở kinh doanh du lịch tăng cường quảng bá dịch vụ và sản phẩm của mình, các đơn vị truyền thông hỗ trợ tuyên truyền cho ngành du lịch.
Ngay sau khi Chính phủ thông báo mở cửa toàn bộ đất nước, các cửa khẩu quốc tế cũng đã hoạt động trở lại. Ngay sáng ngày 09/5, ít nhất 100 khách đã xuất cảnh từ Vientiane sang Thái Lan qua cầu Hữu nghị Lào - Thái số 1 và khoảng 300 người đã nhập cảnh theo hướng ngược lại. Đồng thời, hãng hàng không chính của Lào, Lao Airlines đã có kế hoạch tăng số chuyến bay giữa Vientiane và Bangkok từ 2 lên 3 chuyến mỗi tuần, bắt đầu từ ngày 22/05/2022, cũng như sẽ tăng chuyến đến sân bay Incheon, Hàn Quốc trong thời gian tới.
Chính phủ siết chặt hoạt động các quầy trao đổi tiền tệ
Trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2022 cho đến nay, đồng tiền Kíp tiếp tục đối mặt với sự mất giá 18,36% đối với Đô la Mỹ và 9,4% với đồng Baht so với cùng kỳ năm 2021 do điều kiện từ bên ngoài và bên trong còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ đã tác động đến các lĩnh vực; bên cạnh đó, giá dầu lửa tăng cao cũng gây tác động không nhỏ đến giá cả các loại trong thời điểm hiện nay.
Theo thông cáo của Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL), một trong các nguyên nhân chủ yếu làm tỷ giá trao đổi tiền tệ trong nước có biến động mạnh và có sự chênh lệch lớn về tỷ giá giữa hệ thống ngân hàng thương mại với thị trường tự do là do sự chấp hành các quy định pháp luật của phần đông các cá nhân, tổ chức chưa tốt; việc thực hiện luật, quy định và các biện pháp gắn liền với việc quản lý đồng tiền còn chưa thành hệ thống chặt chẽ nên tác động đến nguồn thu ngoại tệ và nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài chưa vào hệ thống ngân hàng theo quy định. Cùng với đó, các hoạt động kinh doanh ngoại tệ bao gồm cả các cơ sở trao đổi tiền tệ chưa thực hiện theo quy định của pháp luật làm cho số lượng ngoại tệ chảy vào hệ thống ngân hàng thấp, dẫn đến nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, tác động đến đời sống xã hội.
Để đẩy mạnh xử lý các vấn đề trên, BOL đang tập trung thực hiện một số biện pháp: phối hợp với Bộ An ninh và các bộ phận khẩn trương triển khai các biện pháp mạnh hơn đối với cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trao đổi tiền tệ trên toàn quốc không phù hợp với quy định pháp luật; quản lý chặt chẽ các cơ sở trao đổi tiền bằng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn thông qua cơ chế kiểm tra trực tiếp của BOL và chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý đồng ngoại tệ.
Song song với việc quản lý các cơ sở trao đổi tiền tệ bằng các quy định luật, các biện pháp trực tiếp của BOL và các ngân hàng thương mại còn có các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm một cách nghiêm túc, chặt chẽ đối với các cơ sở không thông báo tỷ giá trao đổi, mua bán ngoại tệ không phù hợp với quy định, tỷ giá trao đổi không đúng quy định, gây rối loạn tỷ giá và làm thiệt hại đến kinh tế quốc gia. (Báo KT-XH, 23/5/2022)
Bộ Công Thương thông qua kế hoạch 5 năm phát triển ngành thủ công mỹ nghệ
Ngày 11/5/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Công thương và Cục Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp đã phổ biến kế hoạch 5 năm phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025 như một chính sách của Chính phủ nhằm xúc tiến phát triển sản phẩm. Các cơ quan thuộc ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã họp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến vào hôm thứ Ba, 10/5 để thảo luận về cách thức tiến hành kế hoạch này.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Saysompheng cho biết kế hoạch 5 năm 2016-2021 được thực hiện đầy đủ dù gặp phải những thách thức của đại dịch Covid-19. Giai đoạn cuối kỳ kế hoạch được cả các cấp ở trung ương và địa phương, cũng như các tổ chức quốc tế phối hợp với nhau một cách chặt chẽ để thực hiện. Hai ngành này đóng góp 7,5% GDP cho đất nước và tạo ra 2,13% việc làm cho người dân địa phương. Bộ trưởng Khampheng cho biết thêm, mục tiêu cơ bản của Chính phủ là đa dạng hóa sản phẩm để mang lại giá trị thặng dư cao hơn, và tích hợp được vào chuỗi sản xuất của khu vực và quốc tế.
Tại buổi họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Bouavanh Vilavong điểm lại các thành tựu của kế hoạch 5 năm vừa qua và nêu bật các nhiệm vụ cho kế hoạch sắp tới. Theo đó, Bộ Công Thương kỳ vọng ngành công nghiệp chế biến sẽ đạt mức tăng trưởng từ 8 - 10% hàng năm và đóng góp 12% vào GDP cả nước vào năm 2025 và đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đạt mức 18% một năm; giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến đạt 50% tổng giá trị xuất khẩu, giá trị xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp đạt 5 - 7% một năm, góp phần tạo việc làm mới từ 2 - 3% mỗi năm.
Cục Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp cũng đưa ra hơn 60 dự án phụ để xúc tiến và phát triển kế hoạch, bao trùm nhiều lĩnh vực ngành công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp. Các cơ quan liên quan hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cả Chính phủ, tư nhân và các đối tác quốc tế để triển khai được kế hoạch này thời gian tới.
Công ty Điện lực Lào được tái cơ cấu như một trong số các nỗ lực phục hồi kinh tế
Ngày 26/4/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ đã thành lập một ủy ban để tái cơ cấu và kiểm soát các hoạt động của Công ty Điện lực Lào (EDL) như một phần trong các nỗ lực tăng cường hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban này sẽ đề xuất các biện pháp giúp EDL có thêm doanh thu và thanh toán các khoản nợ.
Ủy ban được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với Thứ trưởng Bộ Tài chính Phouthanouphet Xaysombath được bổ nhiệm làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Thongphath Inthavong làm Phó Trưởng ban, trong khi các lãnh đạo của các cơ quan liên quan khác bao gồm Giám đốc điều hành của EDL Chanthaboun Soukaloun cũng có mặt trong ủy ban. Buổi lễ công bố ủy ban mới có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Oubonpaseuth và các lãnh đạo cấp cao khác.
Bộ trưởng Daovong Phonekeo cho biết, EDL là doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Cải cách doanh nghiệp này là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương.
Việc cải tổ EDL diễn ra sau khi Chính phủ nhận thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện đang hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn và tạo ra nợ công lớn. Quốc hội đã thúc đẩy cải cách sâu rộng hơn nữa các doanh nghiệp này sau khi nhận thấy mô hình cải tổ các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc và Việt Nam đã trở thành động lực thúc đẩy thành công cho nước họ thời gian qua.
Bộ trưởng Daovong cho biết việc tái cơ cấu EDL nhằm ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và tuân theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, đồng thời giảm trợ cấp đặc thù cho một số cá nhân và nhóm nhất định. Ông cũng đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ và công ty EDL phải tham gia tích cực vào quá trình cải cách để đảm bảo doanh nghiệp đạt doanh thu cao hơn để trả các khoản nợ. Ông tin tưởng rằng những điều chỉnh của ủy ban cải cách sẽ giúp củng cố hoạt động của EDL và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 4 và 4 tháng năm 2022
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 4 và 4 tháng năm 2022 như sau:
1. Tháng 4/2022 đạt 155,47 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ, trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 62,06 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Tiếp theo đà tháng trước, một số mặt hàng tiếp tục tăng, có mặt hàng tăng mạnh: Rau quả tăng 307,7% đạt hơn 5,56 triệu USD (tháng trước tăng 138,7%); Xăng dầu tăng 172,5% đạt hơn 3,92 triệu USD (tháng trước tăng 133,2%, đây là tháng thứ 13 tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019); Clanke và xi măng tăng 46,6% đạt gần 430 nghìn USD (tháng trước tăng 21,6%); Phân bón tăng 21,5% đạt gần 3,7 triệu USD (tháng trước tăng 199,6%); Sản phẩm gốm sứ tăng 19,5% đạt gần 1,25 triệu USD (tháng trước tăng 17,8%).
Mặt hàng quay đầu tăng: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng mạnh 336,7% đạt hơn 10,1 triệu USD (tháng trước giảm -30%); Kim loại thường và sản phẩm tăng mạnh 203,2% đạt gần 1,7 triệu USD (tháng trước giảm -53,3%); Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 41% đạt hơn 4,8 triệu USD (tháng trước giảm -6,2%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 35% đạt hơn 730 nghìn USD (tháng trước giảm -79,2%); Sản phẩm từ chất dẻo tăng 29,7% đạt hơn 1,8 triệu USD (tháng trước giảm -23,5%); Giấy và sản phẩm giấy tăng 24,5% đạt gần 1,35 triệu USD (tháng trước giảm -7,6%).
Mặt hàng quay đầu giảm: Sản phẩm từ hóa chất giảm -30,5% đạt hơn 480 nghìn USD (tháng trước tăng 12,6%); Sắt thép các loại giảm -8,6% đạt hơn 8,6 triệu USD (tháng trước tăng 6,4%)
Các mặt hàng còn lại đều giảm: Cà phê giảm -62,5% chỉ đạt hơn 50 nghìn USD (tháng trước giảm -69,8%); Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm -58,1% đạt gần 480 nghìn USD (tháng trước giảm -34,2%); Sản phẩm từ sắt thép giảm -74,9% đạt gần 3,4 triệu USD (tháng trước giảm -40,7%); Dây điện và cáp điện giảm -72,4% đạt hơn 230 nghìn USD (tháng trước giảm -32,7%).
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 93,41 triệu USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ.
Hầu hết các mặt hàng đều tăng và tăng mạnh: Phân bón các loại tăng 219,9% đạt hơn 16,85 triệu USD (tháng trước tăng 22,7%); Quặng và khoáng sản tăng 184,6% đạt hơn 11,4 triệu USD (tháng trước tăng 328,2%); Cao su tăng 101,3% đạt 15,7 triệu USD (tháng trước tăng 21,8%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6% đạt gần 16,2 triệu USD (tháng trước tăng 102,7%; Mặt hàng ngô tiếp tục ghi nhận kim ngạch nhập khẩu gần 6.000 tấn giá trị hơn 1,9 triệu USD.
Hàng rau quả quay đầu giảm và giảm mạnh 84,2% chỉ đạt hơn 135 nghìn USD (tháng trước tăng 93,9% đạt hơn 1,66 triệu USD; Hàng hóa khác giảm nhẹ -5,2% đạt hơn 31 triệu USD (tháng trước tăng 55,4% đạt hơn 50,8 triệu USD.
2. Tổng kết 4 tháng năm 2022, kim ngạch đạt 558,2 triệu USD tăng 22,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 192,17 USD giảm -11.7%; nhập khẩu đạt 366,03 USD tăng 53,2%.
- Về xuất khẩu:
+ Các mặt hàng tăng: Xăng dầu tăng 150,8% đạt gần 12,8 triệu USD; Phân bón tăng 100,2% đạt hơn 13,8 triệu USD; Hàng rau quả tăng 45% đạt gần 9,3 triệu USD; Máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 31% đạt hơn 16,8 triệu USD; Clanke và xi măng tăng 24,6% đạt gần 1,3 triệu USD; Hàng dệt may tăng 11,6% đạt hơn 3,4 triệu USD; Sản phẩm từ gốm sứ tăng 10% đạt gần 4,4 triệu USD; Sắt thép các loại tăng 9,6% đạt hơn 31,3 triệu USD.
+ Các mặt hàng giảm: Cà phê giảm -77,9% đạt gần 200 nghìn USD; Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm -50,2% đạt hơn 2,8 triệu USD; Sản phẩm từ sắt thép giảm -45,4% đạt gần 17,3 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -34,5% đạt gần 2 triệu USD; Kim loại thường và sản phẩm giảm -33,4% đạt gần 2,4 triệu USD; Sản phẩm từ hóa chất giảm -24,7% đạt gần 1,7 triệu USD; Sản phẩm từ chất dẻo giảm -21,4% đạt hơn 5,5 triệu USD; Các mặt hàng còn lại đều giảm mức giảm từ 20% trở xuống.
- Về nhập khẩu: Tất cả các mặt hàng đều tăng: Quặng và khoáng sản khác tăng 312,9% đạt hơn 39,4 triệu USD; Phân bón tăng 86,6% đạt hơn 35,1 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 69,9% đạt hơn 49,3 triệu USD; Cao su tăng 55% đạt gần 70 triệu USD; Hàng rau quả tăng 7,4% đạt hơn 4,4 triệu USD; Hàng hóa khác tăng 24,3% đạt hơn 164 triệu USD.
Như vậy, tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đã tăng nhẹ 6,5%, tuy nhiên, do cả ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đều giảm, nên tổng 4 tháng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm -11,7%. Kim ngạch nhập khẩu từ Lào vẫn tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu các mặt hàng này vẫn tăng trên thị trường thế giới.
Dự kiến tháng 05/2022, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng do Lào đã chính thức mở cửa toàn bộ biên giới từ ngày 9/5 khiến lực cầu tăng. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch vẫn tăng do nhu cầu các mặt hàng từ Lào vẫn tiếp tục tăng vì cuộc chiến Nga-Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Hợp tác 3 bên Lào - Việt Nam - Luxembourg trong việc phát triển thị trường chứng khoán Lào
Ngày 11/5/2022, Vientiane Times đưa tin, dự án hợp tác ba bên giữa Lào, Việt Nam và Luxembourg trong lĩnh vực tài chính bắt đầu có kết quả trong việc phát triển thị trường chứng khoán Lào. Ủy ban điều hành dự án đã tổ chức cuộc họp lần thứ hai vào cuối tuần trước để đánh giá kết quả hoạt động dự án năm 2021 và đề xuất kế hoạch năm 2022 với sự chủ trì của Bà Fongchinda Sengsoulivong, Tổng Thư ký Ủy ban Chứng khoán Lào và là Đồng chủ tịch Ủy ban điều hành dự án.
Từ khi dự án bắt đầu, Sàn chứng khoán Lào (LSX) đã tạo ra một kênh huy động vốn mới, mặc dù hiện nay thị trường chưa đủ quy mô và chất lượng để tạo ra một kênh đầu tư dài hạn và hình thành nguồn vốn cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm đóng góp vào sự phát triển thị trường chứng khoán tại Lào. Cụ thể hơn, giúp Ủy ban Chứng khoán Lào đạt được các mục tiêu chính trong Kế hoạch chiến lược về phát triển thị trường vốn giai đoạn 2021-2025.
Khi dự án hoàn thành, kỳ vọng sẽ giúp tăng số lượng các công ty được niêm yết, chất lượng nguồn nhân lực của cả Ủy ban Chứng khoán và cộng đồng, nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư trong nước.
Liên quan đến việc phát triển thị trường chứng khoán Lào, đến cuối năm 2021 thị trường có 2 loại sản phẩm được niêm yết là cổ phiếu phổ thông và trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu chính phủ được phát hành bằng đồng: Kíp và USD. Về khả năng huy động vốn, hơn 160.000 tỷ Kíp cổ phiếu phổ thông và trái phiếu doanh nghiệp đã được huy động, và hơn 4.000 tỷ Kíp được huy động qua kênh trái phiếu chính phủ, đóng góp khoảng 15,54% vào GDP Lào năm 2020.
Đầu tư của Việt Nam tại tỉnh Bolykhamxay, Lào
Ngày 23/5/2022, báo KT-XH đưa tin, 05 năm qua, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bolykhamxay liên tục tăng trưởng, các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định pháp luật, quan hệ và phối hợp chặt chẽ với Chính quyền tỉnh, địa phương có dự án, đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh và an sinh xã hội cho địa phương.
Trong danh mục dự án đầu tư do tỉnh quản lý theo dõi, đầu tư của Việt Nam tại tỉnh có 09 dự án, trong đó, cấp trung ương cấp phép 01, còn lại do địa phương cấp; với tổng vốn đăng ký đạt 41,41 triệu USD (trồng trọt 03, vốn đầu tư 8,45 triệu USD; khai khoáng 01, vốn là 20 triệu USD; công nghiệp 04, vốn là 12,96 triệu USD; dịch vụ 01, vốn 01 triệu USD).
Đặc biệt, tại tỉnh có 01 dự án hợp tác giữa Trung ương Đoàn thanh niên hai tỉnh Hà Tĩnh và Bolykhamxay trồng cây cao su tại bản Nong-cốc, huyện Khăm-cợt; Tổng công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4 có dự án trồng cao su tại huyện Pakading; Công ty cao su Đức Hiền, Quảng Trị chuyên thu mua mủ cao su để xuất khẩu. (Báo KT-XH, 23/5/2022)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
Nhà máy thủy điện Nam Ou đạt sản lượng 1.000 kWh
Trong 03 tháng đầu năm 2022, cụm công ty Sayna Power, nhà máy thủy điện Nam Ou đã đạt sản lượng 1.000 kWh, đánh dấu mức sản lượng cao nhất từ trước đến nay, góp phần chào mừng kỷ niệm 136 năm ngày Quốc tế lao động và 61 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Trung Quốc.
Ngày 1/10/2021, các tổ máy Nam Ou 1, 3, 4 và 7 đã chính thức tiến hành hoạt động sản xuất điện, đồng nghĩa với việc tất cả 7 tổ máy của nhà máy Nam Ou bước vào hoạt động hết công suất. Trong đó, tổ máy số 7 có bồn chứa nước thuộc loại lớn nhất với sức chứa lên đến 1.313 m3, có thể cung ứng nước phục vụ hoạt động sản xuất điện của cả 7 tổ máy, góp phần đáp ứng nhu cầu về điện ngay trong mùa khô. Ngoài ra, nhà máy thủy điện Nam Ou còn có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng quốc gia, giúp hệ thống truyền tải điện miền Bắc và Trung Lào được ổn định, phục vụ cho cuộc sống và hoạt động sản xuất các mặt của người dân tại các khu vực này; mang lại nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước từ xuất khẩu điện, bảo đảm nguồn cung cho hoạt động của tuyến đường sắt Lào - Trung được an toàn, hiệu quả. (Báo KT-XH, ngày 11/5/2022)
15 năm hợp tác và phát triển muối mỏ ka-li tại Lào của Cục Thăm dò Công nghiệp hóa chất tỉnh Thượng Hải, Trung Quốc
Ngày 24/5/2022, báo KT-XH đưa tin, Cục Thăm dò Công nghiệp hóa chất tỉnh Singhai, Trung Quốc là đơn vị chuyên ngành về thăm dò khoáng sản kim loại màu và kim loại, thăm dò địa chất, phân tích kỹ thuật, đánh giá môi trường và nhiều lĩnh vực khác liên quan đến khai khoáng, đã có mặt tại Lào từ năm 2007 để thực hiện các công việc thăm dò khoáng sản. Đến nay, đơn vị này đã thăm dò được trên 90% mỏ khoáng sản muối ka-li trên toàn Lào.
Đại diện cho Cục Thăm dò Công nghiệp hóa chất tỉnh Thượng Hải, Trung Quốc Seu Kuaseung cho biết, từ năm 2007 đơn vị đã bắt đầu triển khai thăm dò khoáng sản muối ka-li tại khu vực Nongtay, tỉnh Khammuon, với pháp nhân Công ty Sino-Agribotas; trong 15 năm qua, công ty này đã tiến hành triển khai thăm dò, khoan khảo sát, đo đạc tại nhiều địa điểm ở Thủ đô Vientiane, tỉnh Vientiane, Savanakhet, Khammuon, Bolykhamxay, với tất cả trên 40 dự án; đến năm 2016 công ty chuyển hướng hợp tác kỹ thuật liên quan đến khai thác khoáng sản.
Đến năm 2022, công ty đã có mặt và thực hiện các công việc liên quan đến mỏ muối ka-li chiếm trên 90% tại Lào; hiện có 2 công ty khai thác muối mỏ ka-li của Trung Quốc là Kaiyuan và Sino-Agribotas tại tỉnh Khammuon. Hai công ty trên đang hoạt động rất có hiệu quả, đem lại lợi nhuận và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước Lào, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương vùng dự án.
Trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 đến nay, giá khoáng sản muối ka-li tăng cao (1000 USD/tấn), việc tăng cường, mở rộng sản xuất đang được các công ty trên quan tâm thúc đẩy, cải tiến kỹ thuật khai thác để nâng sản lượng. Ngoài việc chế biến khoáng sản muối ka-li là mục tiêu chính, công ty dự định sẽ chế biến, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm muối mỏ khác như NaCl, MgCl2 và một số khoáng sản đi kèm.
Mặc dù ra đời và phát triển ngành khai khoáng muối ka-li sau thế giới, sau cả Thái Lan, nhưng đến nay, công nghiệp khai thác và chế biến muối ka-li tại Lào đã vượt Thái cả về số và chất lượng, với khả năng giá cả khoáng sản ngày càng tăng, nguồn thu từ việc khai thác và chế biến trong lĩnh vực này sẽ là cơ hội và tiềm năng của Lào trong giai đoạn tới đây. Trước hết, các công ty trên sẽ tăng năng lực sản xuất thông qua việc cải tiến kỹ thuật, sau đó sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, tăng quy mô sản xuất.
Lễ động thổ xây dựng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Ngày 25/04/2022, Lễ động thổ xây dựng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền trông đã diễn ra tại thủ đô Vientiane với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Boviengkham Vongdara và Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong. Dự kiến công tác xây dựng sẽ được hoàn thành trong 20 tháng với tổng giá trị tài trợ từ chính phủ Trung Quốc là 85,72 triệu Nhân dân tệ (156,3 tỷ Kíp).
Đây là dự án đầu tiên được Chính phủ Lào thực hiện theo quy trình đấu thầu mới, trong đó đơn vị trúng thầu sẽ thực hiện cả phần thiết kế và xây dựng. Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc đã trúng thầu sau buổi mở thầu ngày 23/12/2021. Dự án gồm một trung tâm đào tạo công nghệ thông tin cao 5 tầng với các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng hội thảo và các phòng làm việc với đủ các trang thiết bị dạy và học.
Phát biểu tại Lễ động thổ, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết cơ sở này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin, đồng thời cũng góp phần phát triển ngành kinh tế số như yêu cầu của Chính phủ Lào gần đây. (Vientiane Times, 26/4/2022)
Lào - Trung thống nhất kế hoạch kỹ thuật cho Dự án Thương mại Điện tử Nông thôn
Ngày 25/4/2022, lễ ký kết kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho dự án thương mại điện tử nông thôn đã diễn ra với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Saysompheng và Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong.
Dự án sẽ xây dựng một nền tảng thương mại điện tử cho các loại nông sản, tạo ra một mô hình phát triển thương mại điện tử nông thôn để đáp ứng nhu cầu của Lào, xúc tiến xuất khẩu nông sản, giúp nông dân tăng thu nhập và phát triển đời sống nhân dân.
Phát biểu với báo chí tại buổi lễ, Bộ trưởng Khampheng Saysompheng cho biết dự án đã được các bên trao đổi từ năm 2018 và triển khai xây dựng một website cho các nông sản Lào. Đây là một dự án phát triển giữa nhà nước và tư nhân nhằm thúc đẩy phát triển nông sản và mở rộng mạng lưới thương mại nhằm gia tăng doanh số nông sản. Dự án sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân và giảm tỷ lệ đói nghèo.
Bộ trưởng cũng cho biết, dự án này sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại Lào - Trung và cho phép Lào xuất khẩu thêm nhiều nông sản và thịt gia súc vào thị trường Trung Quốc. Các khóa đào tạo kỹ thuật được tổ chức cho nông dân, người buôn bán và những người quan tâm để hướng dẫn họ cách sử dụng website hiệu quả.
Các cán bộ dự án cho rằng dự án sẽ thúc đẩy các ý tưởng, tiêu chuẩn và hệ thống thương mại điện tử, kỹ thuật và dịch vụ của Trung Quốc tại Lào, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác song phương hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và tiêu chuẩn hóa.
Thương mại hai chiều giữa Lào và Trung Quốc 3 tháng đầu năm 2022 đạt 800 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. (Vientiane Times, 27/4/2022)
Lào - Thái Lan
Các công ty du lịch Thái Lan lên kế hoạch đưa khách trở lại Lào
Ngày 13/5/2022, Vientiane Times đưa tin, các công ty du lịch của Thái Lan đã đến Lào để kiểm tra cơ sở vật chất và giao thông sau khi Lào tái mở cửa cho du khách đến thăm. Đại diện các công ty Thái Lan cho biết, họ sẽ đánh giá các địa điểm du lịch nổi tiếng nhất như Vangvieng, Luang Prabang và thủ đô Vientiane, cũng như các dịch vụ của tuyến đường sắt Lào - Trung. Đồng thời họ sẽ kiểm tra các điểm tham quan, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, đặc biệt là các khu vực gần tuyến đường sắt. Sau khi khảo sát và đánh giá, các doanh nghiệp này sẽ lên kế hoạch cho các gói tham quan và quảng bá cho khách hàng trong nước.
Hơn 900 người đã xuất cảnh từ Lào vào Thái Lan qua cầu Hữu Nghị Lào - Thái giữa Vientiane và tỉnh Nong Khai chỉ trong 3 ngày 9-11/5/2022, trong khi gần 860 người đi theo chiều ngược lại.
Lào - Campuchia
Thủ tướng Lào đề nghị xây cầu mới kết nối với Campuchia
Ngày 26/4/2022, Vientiane Times đưa tin, trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh về nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Kunamoto, Nhật Bản, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã có cuộc họp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Lào cho biết ông sẽ đi thăm các tỉnh phía Nam Lào và đề nghị Campuchia cùng phối hợp xây dựng một cây cầu mới nối giữa hai nước tại khu vực này để tăng cường các hoạt động giao thương giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng Lào cũng đề xuất hai bên trao đổi các chuyến thăm cấp cao giữa lực lượng vũ trang hai nước, và mời Đại tướng Hun Manet, Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia, thăm Lào trong thời gian tới.
Thủ tướng Campuchia đã nhất trí với hai đề nghị trên, và cho biết một cây cầu mới sẽ rất lý tưởng để kết nối giao thông, cũng như các chuyến thăm của lực lượng vũ trang sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng của hai nước.
Hợp tác Lào - Hàn Quốc
Nhiều người Lào tìm được công việc tại Hàn Quốc
Ngày 05/5/2022, Vientiane Times đưa tin, ngày càng nhiều người Lào tìm được việc làm tại Hàn Quốc sau khi hoàn thành các bài kiểm tra năng lực. Chương trình này nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận Cam kết Dịch vụ về Hệ thống điểm của ngành Công nghiệp và Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo thỏa thuận này, có khoảng 500 người Lào được tuyển dụng mỗi năm để làm việc tại Hàn Quốc sau khi hoàn thành bài kiểm tra ngôn ngữ do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tiến hành.
Năm ngoái, hơn 400 người đã nộp đơn tìm việc ở Hàn Quốc và được học kỹ năng làm việc, thi ngôn ngữ, còn năm nay, hơn 300 người đã đăng ký tham dự chương trình. Các ứng viên sẽ nộp đơn thông qua công ty Dịch vụ Tuyển dụng Buavanh tại Vientiane.
Nhiều người gặp khó khăn khi tìm việc ở Hàn Quốc do họ còn thiếu nhiều kỹ năng và kiến thức. Tuy nhiên, đại diện công ty Buavanh cho biết, họ có thể đăng ký làm nông nghiệp tại Hàn Quốc và chỉ cần có đủ sức khỏe. Hợp đồng lao động có thể kéo dài từ 5 tháng đến một năm, với mức lương từ 1.600 đến 2.000 USD/tháng và các chế độ phúc lợi xã hội khác.
Hiện nay, có khoảng 3.000 lao động Lào đang làm việc tại Hàn Quốc trong số hơn 500 nghìn người Lào đang làm việc tại nước ngoài và đa số tìm được việc làm tại Thái Lan, quốc gia láng giềng với Lào.
Hợp tác Lào - Mỹ
Lễ hội cải bắp Vangvieng thúc đẩy sản xuất nông sản sạch
Ngày 26/4/2022, Vientiane Times đưa tin, vào cuối tháng 3/2022, Vangvieng đã tổ chức thành công lễ hội bắp cải lần đầu tiên tại Lào nhằm thúc đẩy dự án Sáng tạo Liên kết cho Mạng lưới nông nghiệp mở rộng (CLEAN). Dự án này được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ và được Bộ này và Bộ Nông Lâm Lào cùng thực hiện với sự hỗ trợ của Công ty Winrock International.
Lễ hội Bắp cải diễn ra trong hai ngày 26-27/03 với sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Kikeo Singnavong và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vientiane Phouvong Bounsu. Các du khách rất hào hứng với các hoạt động của lễ hội như tìm hiểu về quá trình vun trồng, thu hoạch bắp cải và chụp ảnh kỷ niệm với bắp cải và các loại rau củ của Vangvieng. Lễ hội đã góp phần tạo ra liên kết giữa nhà nông và người tiêu dùng cuối cùng, cũng như với các đơn vị tiêu thụ nông sản lớn như nhà hàng, khách sạn và cả thị trường quốc tế.
Huyện Vangviêng, tỉnh Vientiane được biết đến với những phong cảnh hùng vĩ của những núi đá vôi và cánh đồng lúa, nằm bên bờ sông Nam Song xinh đẹp. Khách du lịch thường đến Vangvieng để ăn uống và vui chơi bên dòng Nam Song, tuy nhiên mảnh đất màu mỡ này cũng là nơi trồng trọt nhiều loại rau quả, trong đó nổi bật là bắp cải và cam.
Dự án CLEAN triển khai tại thủ đô Vientiane và các tỉnh Vientiane, Champassak, Sekong và Saravan, tập trung vào các loại cây hoa màu như cà phê, cải bắp, sắn và đậu lăng, với mục tiêu xây dựng kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng mới, biến nông sản thành hàng hóa và đưa nông sản ra thị trường tiêu thụ phù hợp. Các nông dân tham gia dự án được đào tạo cả kiến thức và thực hành về các tiêu chuẩn nông sản sạch, chất lượng cao và được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành. Không những vậy họ còn được hiểu thêm về tầm quan trọng của việc tiếp thị sản phẩm để người mua có thể biết được về tiêu chuẩn chất lượng và giúp sản phẩm có thể xâm nhập thị trường một cách hiệu quả nhất.
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC
Hợp tác Lào - Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới sẽ tài trợ Lào 395 triệu USD
Ngày 05/05/2022, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ hỗ trợ 11 dự án cho Lào với chi phí khoảng 395 triệu USD trong giai đoạn 2022-2026. Các dự án hợp tác giữa Lào và Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung vào ba lĩnh vực: thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Cho tới thời điểm hiện tại, WB đã tài trợ cho Lào tổng cộng 785 triệu USD cho 27 dự án gồm 681 triệu USD vay lãi suất thấp và 104 triệu USD viện trợ không hoàn lại.
Báo cáo về nguồn vốn đầu tư được trình bày tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosy và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới phụ trách các nước Myanmar, Campuchia và Lào, bà Mariam Sherman diễn ra ngày 3/5/2022.
Bộ trưởng Khamjane đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục ủng hộ và tái cơ cấu lại các hỗ trợ của mình để giúp Lào đạt được các mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, đồng thời đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục tài trợ việc phát triển kỹ năng cho cán bộ nhà nước cũng như tăng cường đào tạo trong các lĩnh vực liên quan. Ông cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kinh phí giảm thiểu tác động của thiên tai và đại dịch Covid-19, sau khi cho biết Lào đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những vấn đề nêu trên.
Bộ trưởng cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã duy trì sự ủng hộ và giúp đỡ, nhất là cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ gắn với Kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Chính phủ và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2017-2021, và nối tiếp trong giai đoạn 2022-2026.
Bộ trưởng Khamjane cũng cho biết thêm trong Kế hoạch hợp tác chiến lược giai đoạn 2017-2021, việc hỗ trợ của WB đã tập trung cho các lĩnh vực y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, nông nghiệp thân thiện với môi trường, các hoạt động về môi trường, xã hội, cũng như phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Việc tài trợ cũng dành cho nâng cao năng lực của các tổ chức thể chế nhằm đảm bảo tính bền vững đối với những kết quả đã đạt được trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ và các hoạt động liên quan đến giới cũng như các lĩnh vực khác.
Bà Sherman cũng đã gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Ubonpaseuthinging ngày 4/5/2022, cuộc thảo luận của bà với Bộ trưởng Tài chính cập nhật khung hợp tác quốc gia của Ngân hàng Thế giới tiếp theo cho Lào giai đoạn từ 2022 - 2026. Bà Sherman nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới rất sẵn sàng hỗ trợ Chương trình nghị sự quốc gia của Lào nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính, như hỗ trợ tư vấn kỹ thuật về các giải pháp xử lý nợ và đối phó với những thách thức kinh tế do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine gây ra.
Bộ trưởng tài chính Bounchom và bà Sherman đã trao đổi về quan điểm hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới trong vấn đề quản lý nợ và việc thực hiện các hành động chính sách nhằm cải thiện tính minh bạch cũng như bền vững trong lĩnh vực tài chính. Hai bên cũng thảo luận thêm về các chương trình của Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính, bao gồm quản lý tài chính công và hiện đại hóa hệ thống hải quan, cùng với nhu cầu tiếp tục quan tâm đến nguồn nhân lực - y tế và giáo dục - cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Lào.
Thiết kế tuyến hành lang kinh tế mới để thúc đẩy thương mại khu vực
Ngày 23/5/2022, Vientiane Times đưa tin, ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt Dự án Kết nối Hành lang Kinh tế Khu vực Đông Nam Á trị giá 132 triệu đô la Mỹ. Đây là dự án dự kiến sẽ cải thiện khả năng kết nối giao thông và thương mại khu vực dọc theo hành lang Đông-Tây qua Bắc Lào. Theo Ngân hàng Thế giới, được thiết kế để bổ sung cho Quy hoạch tổng thể về kết nối khu vực Châu Á, dự án mới này sẽ nâng cấp Quốc lộ 2 của Lào, kết nối Lào với Thái Lan và Việt Nam, qua đó tạo nên một hành lang liên kết với các tuyến đường Bắc-Nam hiện tại trên địa bàn Đông Nam Á.
Tuyến giao thông nói trên sẽ cắt với tuyến đường sắt Lào Trung ở điểm giữa chia đôi tuyến đường nằm tại tỉnh Oudomxay, tạo ra tiềm năng kết nối giao thông giữa Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Quốc lộ 2 là một phần của quốc lộ ASEAN 13, dài gần 300 km tính từ biên giới Thái Lan đến biên giới Việt Nam.
Dự án sẽ tiến hành mở rộng và cải thiện nhiều đoạn của tuyến đường nói trên, nhằm đáp ứng theo các tiêu chuẩn đường cao tốc châu Á, giúp cho việc giao thông của tuyến đường an toàn hơn và có khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt. Theo thiết kế, tuyến đường sau khi được nâng cấp sẽ có thể chịu được các cơn bão, lũ lụt và sạt lở đất diễn ra thường xuyên do biến đổi khí hậu. Những hoạt động khác của dự án bao gồm phát triển cảng cạn, chợ, bến trung chuyển vận tải đường bộ và các điểm mà nông dân có thể đưa sản phẩm của mình tới để từ đó vận chuyển đến các thị trường trong và ngoài nước.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại CHDCND Lào Alex Kremer cho biết, điều vô cùng quan trọng ở đây là người dân và các cộng đồng địa phương có cơ hội được tiếp cận và sử dụng thành quả của các khoản đầu tư giao thông quy mô lớn, cho lợi ích kinh tế của chính họ; ông cho biết thêm Dự án Kết nối Hành lang kinh tế khu vực không chỉ có hoạt động nâng cấp một tuyến giao thông quan trọng của khu vực mà nó còn giúp người dân sản xuất hàng hóa và tiếp cận thị trường.
Một cách tiếp cận tương tự sẽ được sử dụng để nâng cấp khả năng kết nối giao thông địa phương tại các tỉnh Luang Namtha, Luang Prabang, Oudomxay, Phongsaly và Xayaboury. Bên cạnh đó, các hợp phần dự án riêng biệt sẽ tập trung cho việc cải thiện cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thương mại qua biên giới. Chúng bao gồm việc số hóa các quy trình, thủ tục thông quan để đạt hiệu quả cao hơn và tăng cường năng lực thể chế cũng như khuôn khổ pháp lý cho thương mại nông sản, vận tải, lập kế hoạch đầu tư ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Một trong những mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa của các hộ quy mô nhỏ tại địa phương để có thể tham gia thương mại thông qua mạng lưới giao thông mới, tận dụng được khả năng kết nối đã nâng cấp của khu vực. Ngoài ra, các tổ, nhóm thực hiện dự án cũng sẽ đi tới các cộng đồng sống dọc theo các tuyến đường có dự án để thông báo cho mọi người về nguy cơ của việc buôn bán người, các bệnh truyền nhiễm, lạm dụng, bóc lột và quấy rối tình dục, cũng như nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ cho mọi người.
Dự án sẽ do Bộ Công chính và Vận tải Lào thực hiện, với sự hỗ trợ của chính quyền cấp tỉnh và các Bộ Tài chính, Nông lâm và các ngành hữu quan. Chính phủ Úc sẽ cung cấp 10 triệu đô la Úc tài trợ song phương. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5 năm 2028.
BẠN CẦN BIẾT
Đặc khu Phát triển Saysettha gặt hái những thành quả lớn cho Vientiane
Ngày 27/4/2022, Vientiane Times đưa tin, 52 doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Đặc khu Phát triển Saysettha, góp phần biến khu vực này trở thành trung tâm đô thị mới của Vientiane và tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách Thủ đô. Đặc khu sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và đồng thời tạo khoảng xanh ngay trung tâm thành phố. Đa số các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây là từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Malaysia, Singapore, Mỹ và trong nước.
Trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Bounthong Chitmany đến Đặc khu gần đây, đại diện Công ty Liên doanh Đầu tư Lào - Trung, ông Khiengkham Phoutchanthavongsa cho biết, Đặc khu được điều hành chung bởi Chính quyền Thủ đô Vientiane, đại diện cho Chính phủ Lào và Công ty Xây dựng và Đầu tư Yunnan, đại diện cho Chính phủ Trung Quốc với mục đích chính là tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Lào và thúc đẩy phát triển kinh tế Lào. Đặc khu là một phần của Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chính phủ Trung Quốc và là một dự án quan trọng của hai Chính phủ.
Ông Khiengkham cũng cho biết, Đặc khu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường khi các doanh nghiệp tại đây phải tuân thủ luật pháp của Lào, tôn trọng văn hóa bản địa và tích cực nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân. Bộ Tài nguyên - Môi trường Lào và Bộ Sinh thái - Môi trường Trung Quốc đang hợp tác với nhau để tối thiểu hóa khí thải carbon của Đặc khu.
Giai đoạn 1 của Đặc khu đã hoàn thành với các cơ sở hạ tầng cần thiết như đường sá, hệ thống điện - nước, trong khi khu hải quan và các cơ sở khác vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Đơn vị phát triển dự định sẽ triển khai một khu mua sắm và du lịch bên trong Đặc khu. Cho đến thời điểm này, hơn 1,3 tỷ USD đã được đầu tư vào Đặc khu với khoảng 600 triệu USD cho cơ sở hạ tầng và 700 triệu USD cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lào mở cửa hoàn toàn đất nước từ ngày 09/5/2022
Ngày 29/4/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ TT-VH-DL Lào và các đơn vị tổ chức du lịch đang đề nghị Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn đất nước để đón du khách từ ngày 01/5/2022. Các cơ quan này đề nghị, khách du lịch phải được tiêm đủ vắc-xin tối thiểu 14 ngày trước khi nhập cảnh, hoặc có xác nhận đã từng bị nhiễm Covid-19 trước đó. Trẻ em dưới 18 tuổi không cần có xác nhận đã tiêm vắc-xin. Các du khách đã có chứng nhận tiêm đủ vắc-xin và trẻ em dưới 5 tuổi không cần phải xét nghiệm PCR, và số còn lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Lào.
Khi nhập cảnh, tất cả mọi du khách đều phải xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh và chỉ được tiếp tục du lịch khi có kết quả âm tính. Thị thực điện tử và thị thực tại điểm đến được thực hiện như trước dịch. Du khách vẫn bắt buộc phải mua bảo hiểm Covid-19 với tổng giá trị bồi thường là 10.000 USD.
Ngày 03/5/2022, Tổ công tác phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 Quốc gia đã lấy ý kiến quần chúng nhân dân, kể cả người nước ngoài tại Lào về việc mở cửa hoàn toàn đất nước bằng hình thức trực tuyến qua các trang thông tin của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Văn hóa - Du lịch và Trung tâm Thông tin - Giáo dục Sức khỏe với các đề xuất như đề xuất ngày 29/4/2022 của Bộ Thông tin - Văn hóa - Du lịch.
Trên cơ sở đề xuất của nhiều bộ, ban, ngành, tình hình dịch Covid-19 tại Lào cơ bản được kiểm soát (số ca nhiễm Covid-19 tại Lào đã có xu hướng giảm mạnh, từ khoảng 2.000 ca/ngày vào tháng Hai, đến đầu tháng Năm chỉ còn khoảng 200 ca/ngày trên cả nước và đa số là biến chủng Omicron, với các triệu chứng được ghi nhận là nhẹ hơn hẳn, ít gây nguy hiểm cho người nhiễm hơn chủng Delta); và nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, Chính phủ đã nhất trí nới lỏng các quy định xuất nhập cảnh đối với người dân trong nước và người nước ngoài, cho phép mở cửa toàn bộ các cửa khẩu quốc tế trên toàn quốc. Cụ thể, ngày 7/5/2022 tại trụ sở Bộ Y tế, bà Thipphakone Chanthavongsa, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban đặc trách phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, trách nhiệm của các bộ ngành và sự chung tay của người dân, dịch Covid-19 tại Lào đã dần được đẩy lùi, số người nhiễm bệnh và tử vong giảm mạnh. Do đó, Chính phủ đã ban hành Thông báo số 627, ngày 7/5/2022 về việc nới lỏng hoạt động xuất nhập cảnh tại Lào, cụ thể:
1. Mở các cửa khẩu quốc tế cho người dân Lào và người nước ngoài.
2. Miễn thị thực cho người đến từ các nước có thỏa thuận miễn thị thực lẫn nhau với Lào hoặc các nước được phép nhập cảnh Lào mà không cần xin cấp thị thực.
3. Đối với người đến từ các nước có chưa thỏa thuận miễn thị thực lẫn nhau với Lào có thể xin cấp thị thực tại đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Lào tại nước sở tại, qua hệ thống E-VISA hoặc tại các cửa khẩu có bộ phận phụ trách cấp thị thực.
4. Người Lào, người nước ngoài trên 12 tuổi chưa có chứng chỉ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính (ATK) không quá 48 tiếng trước khi xuất nhập cảnh. Đối với người xuất nhập cảnh Lào nếu đã có chứng chỉ tiêm đủ liều vaccine thì được miễn xét nghiệm.
5. Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Lào nếu phát hiện nhiễm Covid-19 sẽ phải tự chi trả chi phí chữa bệnh tại bệnh viện công, tư nhân hoặc tại nơi cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
6. Cho phép hoạt động vận tải xuất nhập cảnh Lào trở lại bình thường. Giao Bộ Giao thông - Công chính ban hành hướng dẫn đối với các loại phương tiện cá nhân, vận tải và du lịch xuất nhập cảnh Lào cho phù hợp với các thỏa thuận song phương và đa phương mà Lào là thành viên.
7. Giao các bộ, ban, ngành và địa phương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện nhằm thúc đẩy mở cửa, phục hồi kinh tế, nâng cao chất lượng trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đồng thời vẫn bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19.
8. Giao Ủy ban đặc trách phòng chống dịch Covid-19 quốc gia giám sát việc thực hiện Thông báo nêu trên, tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine, chú ý phòng ngừa nguy cơ liên quan các chủng bệnh mới để việc mở cửa đất nước bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.
Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp và người dân sẵn sàng đón khách du lịch, cho phép các hoạt động giải trí như karaoke, câu lạc bộ đêm hoạt động trở lại nếu nhân viên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Đại diện Chính phủ thông báo sẽ điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa nếu tình hình dịch bệnh có biến chuyển khác. (Vientiane Times, 29/4, 03/5, 09/5/2022 và Báo KT-XH, ngày 9/5/2022)
Xây dựng sân bay quốc tế Bokeo - hoàn thành 75%
Ngày 03/05/2022, Vientiane Times đưa tin, công trình xây dựng sân bay quốc tế tại huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo, hiện đã hoàn thành 75% với dự kiến mở cửa đón khách nội địa vào cuối năm nay và ngay sau đó sẽ mở cửa phục vụ các chuyến bay quốc tế. Sân bay Bokeo được xây dựng nhằm đáp ứng sự gia tăng số lượng khách du lịch dự kiến sẽ đến khu vực này, đặc biệt là số lượng hành khác tới Đặc khu kinh tế Tam giác vàng-cách 5 km, nơi có các cơ sở vui chơi giải trí và là nơi rất thu hút khách du lịch đến từ Trung Quốc. Sân bay mới có diện tích 300 ha, nằm gần Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng. Đây là sân bay thứ hai của tỉnh Bokeo, hiện có một sân bay nhỏ nằm ở huyện Huayxai, thủ phủ của tỉnh.
Giám đốc dự án xây dựng, Tiến sĩ Hongkham Oudomchit, cho biết theo dự kiến ban đầu công trình xây dựng sẽ mất 18 tháng tuy nhiên đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19. Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 9 năm 2020 và đã hoàn thành các hạng mục đường băng, đường lăn và bãi đậu xe. Nhà ga hành khách, tháp điều khiển và các tòa nhà chức năng khác sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 6 này. Từ tháng 6 đến tháng 10, các hệ thống thông tin liên lạc, camera quan sát và các thiết bị khác, cũng như hệ thống kiểm soát không lưu sẽ được triển khai lắp đặt. Theo Tiến sĩ Hongkham, hiện công trình đã hoàn thành 75% tất cả các hạng mục xây dựng và sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Dự kiến sân bay sẽ được đưa vào sử dụng cho các chuyến bay quốc nội vào cuối năm nay, các chuyến bay quốc tế sẽ sớm ngay sau đó.
Tổng chi phí xây dựng sân bay là 175 triệu USD, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Greater Bay Area tài trợ. Đây là công ty thành viên của Tập đoàn Dok Ngiew Kham có trụ sở đặt tại Hồng Kông. Sân bay được đầu tư theo hình thức BOT và có thời hạn chuyển nhượng 50 năm.
Một quan chức Cục Hàng không Dân dụng Lào, ông Juexiong Jongya, cho biết sân bay quốc tế mới ở Bokeo được thiết kế để phục vụ các loại máy bay lớn hơn nhiều so với sân bay hiện tại ở quận Huayxai, nơi chỉ có thể tiếp nhận các loại máy bay nhỏ. Các loại máy bay lớn mà sân bay có thể đáp ứng gồm cả Boeing 747 và Airbus 320. Nhà ga hành khách có sức chứa lên đến 600 người và khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ đáp ứng 1,5 đến 2 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Các sân bay chính của Lào là Sân bay Quốc tế Wattay ở thủ đô Viêng Chăn và các sân bay nhỏ hơn ở các tỉnh Luang Prabang, Oudomxay, Savannakhet và Champassak.
Champasak tổ chức tour tham quan cho các cơ quan báo đài, thúc đẩy du lịch địa phương
Ngày 03/5/2022, Vientiane Times đưa tin, Cục Xúc tiến Du lịch, Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào đã tổ chức một tour tham quan cho phóng viên các báo đài đến tỉnh Champassak nhằm giúp quảng bá rộng rãi các loại hình du lịch của địa phương đến với công chúng sau một thời gian dài Lào bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các đơn vị truyền thông được mời dự gồm báo Vientiane Times, Pathetlao, Đài Tiếng nói Quốc gia Lào và Đài tiếng nói Quốc tế Lào của Trung Quốc.
Champassak là một trong số các điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Lào với quần thể đền chùa cổ xưa, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là quê hương của cà phê Lào. Champassak được thiên nhiên ưu ái ban cho rất nhiều ngọn đồi xanh mướt và các thác nước hùng vĩ, trong đó có thác Khonephapheng trên dòng Mekong được coi là thác nước lớn nhất Đông Nam Á. Hơn 80% khách du lịch nước ngoài khi đến Lào đều đến địa phương này để thưởng thức cà phê Lào, ngắm thác nước và thưởng thức các trò chơi mạo hiểm như trượt cáp treo và leo đường mòn.
Nhóm phóng viên báo đài được đưa đi tham quan trong một chương trình dài 4 ngày, với bộ ba thác nước Tad Fane, Tad Gneuang và Khonephapheng, nông trại cà phê Agro Vege trên cao nguyên Pakxong, trung tâm thủ công mỹ nghệ của tỉnh và cửa khẩu Nong Nokkhien giữa Lào và Campuchia.
Đại diện Sở Thông tin - Văn hóa - Du lịch Champassak cho biết, chuyến tham quan quảng bá các địa điểm du lịch của địa phương đến quần chúng nhằm thúc đẩy chương trình khuyến khích du lịch “Người Lào du lịch Lào” và “Du lịch vùng Xanh”, là một trong số các nỗ lực để đưa khách du lịch trong nước đến đây trong khi vẫn chưa thể đón khách quốc tế do các biện pháp hạn chế của Chính phủ nhằm phòng ngừa Covid-19.
Nông dân thủ đô tăng cường trồng nông sản sạch
Ngày 03/5/2022, Vientiane Times đưa tin, các nông dân tại huyện Hadxaifong, thủ đô Vientiane đang tham gia một dự án tăng cường việc trồng các loại rau quả bằng các phương pháp sạch, thân thiện môi trường. Mục đích của dự án nhằm tăng sản lượng rau quả cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời giảm bớt số lượng rau quả nhập khẩu từ nước ngoài.
Phát biểu tại buổi công bố dự án, ông Larsai Nounthasing, Giám đốc Sở Nông Lâm Vientiane cho biết, nông dân tại 4 làng của huyện Hadxaifong sẽ được khuyến khích trồng trọt và thu hoạch nông sản bằng các biện pháp giảm bớt hoặc không sử dụng hóa chất để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Phân bón cũng được đề nghị giảm bớt sử dụng do đều phải nhập khẩu, qua đó có thể giảm giá thành nông sản khi đến tay người tiêu dùng.
Dự án ra đời sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc giải quyết các khó khăn về kinh tế - tài chính của đất nước, và là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Vientiane. Các cơ quan nhà nước nhận thấy, nông nghiệp sẽ là động lực chính của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng 4%, và đóng góp 14% vào GDP cả nước.
Các chính sách phát triển nông nghiệp đi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết hợp với sạch, xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Sở Nông Lâm Vientiane đặt ra các tiêu chuẩn canh tác rau quả nhấn mạnh đến việc canh tác hữu cơ và các tiêu chí thực hành nông nghiệp sạch.
Sản lượng trồng trọt của nông dân thủ đô năm 2021 là 114.802 tấn, trong đó có 3.759 tấn nông sản hữu cơ và 5.628 tấn nông sản chất lượng cao khác. Thị trường nông sản hữu cơ của thành phố đạt mức 12,7 tỷ Kíp, với 17 nhóm nông dân và 313 hộ gia đình chuyên kinh doanh loại nông sản này trên diện tích đất 175 ha.
Triển khai công tác nghiên cứu khả thi tuyến đường cao tốc mới nối tỉnh Huaphan với biên giới Việt Nam
Ngày 05/5/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào, đại diện cho Chính phủ đã ký Biên bản ghi nhớ về công tác nghiên cứu khả thi việc khảo sát, thiết kế và xây dựng tuyến đường cao tốc mới dài 80km nối tỉnh Huaphan tới cửa khẩu Nậm Soi, biên giới Lào - Việt Nam với hai đơn vị: công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Thương mại Daochaleun và công ty TNHH Tập đoàn THB theo hình thức BOT.
Con đường này là giai đoạn 4 của một dự án cao tốc với một công ty khác đã triển khai giai đoạn 1 - 2 và 3. Dự kiến, việc khảo sát sẽ được tiến hành trong 15 tháng nhưng đơn vị thực hiện kỳ vọng có thể kết thúc trong 12 tháng, và triển khai công tác xây dựng trong 3-4 năm. Khi cả bốn giai đoạn hoàn thành, con đường cao tốc mới có thể tạo ra rất nhiều ích lợi cho ngành giao thông vận tải và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương con đường đi qua.
Cầu vượt sông Lào - Thái Lan số 5 đạt 32,7% tiến độ
Dự án xây dựng Cầu Hữu nghị Lào - Thái Lan số 5 nối giữa Bolikhamxay (Lào) và Bueng Kan (Thái Lan) có tổng trị giá hơn 1,152 tỷ Baht, trong đó phía Lào chia thành 02 dự án thành phần: dự án 1 xây cầu vượt sông Mekong, dự án 2 xây dựng đường lên cầu và trạm kiểm soát người xuất - nhập cảnh. Tính đến tháng 3/2022, hai dự án đã hoàn thành 40,88% kế hoạch, vượt tiến độ đề ra 8,92%.
Tại buổi họp báo ngày 29/4/2022 vừa qua, Giám đốc phụ trách dự án phía Lào Laythong Phommavong cho biết, kể từ khi được ký kết đầu năm 2021, dự án thành phần số 1 đã hoàn thành 32,7% kế hoạch (vượt tiến độ 14%) và hiện đang tiếp tục được thúc đẩy, tuy nhiên việc khoan và lắp đặt 8 trụ bê tông còn lại vẫn chưa hoàn thành trước mùa mưa, trong đó 3 trụ ngập nước và 5 trụ trên mặt đất.
Công tác xây dựng thời gian qua đã gặp nhiều thách thức như tác động của dịch Covid-19, mưa đầu mùa và mực nước sông biến động bất thường do nhiều yếu tố khác nhau. Dự án thành phần, dự án số 2 hiện đã hoàn thành 49% kế hoạch, vượt tiến độ 4% và hy vọng cả hai dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2023 theo như kế hoạch. (Báo KT-XH, ngày 05/5/2022)
Đường nối Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng đến sân bay quốc tế Bokeo đã gần hoàn thiện
Ngày 09/5/2022, Vientiane Times đưa tin, công tác xây dựng con đường nối giữa Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng và sân bay quốc tế Bokeo đã gần hoàn thiện. Việc rải nhựa đã xong, hiện nay việc trồng cây, trang trí hai bên đường đang được tiến hành.
Tổng giá trị dự án là 332 triệu Nhân dân tệ, tương ứng 631,7 tỷ Kíp và do tập đoàn Dok Ngiew Kham tài trợ. Đây là con đường chính kết nối trung tâm Đặc khu đến sân bay. Đoạn đường có 4 làn, với chiều rộng 18 mét mỗi bên, đảo trung tâm rộng 2m, có đoạn 2 làn rộng 7,6 mét gồm cả lối đi bộ. Con đường này sẽ hỗ trợ cho các hoạt động của Đặc khu về đầu tư, kinh doanh và cơ sở hạ tầng cũng như sự phát triển của Đặc khu kinh tế của tỉnh Bokeo.
Hãng hàng không Lao Skyway chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán Lào
Ngày 09/5/2022, Vientiane Times đưa tin, hãng hàng không Lao Skyway đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để niêm yết lần đầu tiên (IPO) trên sàn chứng khoán Lào (LSX), sau khi Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Lào (LSCO), LSX và Lao Skyway đồng ý hợp tác để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh hàng không.
Với sự hỗ trợ của Luxembourg theo dự án phát triển Lao/032, Bản Ghi nhớ về việc IPO đã được ký tại thủ đô Vientiane giữa Tổng Thư ký LSCO Fongchida Sengsourivong, Giám đốc điều hành LSX Saysamone Chanthachack và Tổng Giám đốc Lao Skyway Siviengthong Konnyvong với sự chứng kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào Vathana Dalaloy và Tùy viên Đại sứ quán Công quốc Luxembourg tại Lào Nicolas Tasch cùng với các cơ quan khác.
Bà Fongchida cho biết, bản ghi nhớ nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của Lao Skyway qua đó giúp công ty có thể đáp ứng đủ điều kiện và được niêm yết trên sàn chứng khoán Lào. Sự hợp tác ba bên trên thị trường chứng khoán sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho hãng hàng không hoạt động hiệu quả và thành công hơn.
Chính phủ Lào khuyến khích các doanh nghiệp tích cực niêm yết trên sàn chứng khoán để mở rộng hoạt động kinh doanh và thúc đẩy đầu tư. LSX được thành lập từ năm 2010, hiện nay có 11 doanh nghiệp niêm yết với tổng giá trị thị trường đạt khoảng 7.000 tỷ Kíp. 3 công ty trong số này liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, thủy điện và sản xuất xi măng, trong khi 8 công ty còn lại là các đơn vị nhà nước. Cho đến nay, các công ty đã thu được 6.686 tỷ Kíp từ việc mua bán cổ phiếu của họ.
Lao Skyway rất mong muốn được gia nhập thị trường chứng khoán, tuy nhiên công ty còn phải đáp ứng được các yêu cầu về quản trị tài chính và các điều kiện hành chính để đạt đủ tiêu chuẩn cho việc niêm yết. Ông Siviengthong cho biết, mặc dù dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, ông tin tưởng rằng hoạt động kinh doanh của Lao Skyway sẽ sớm trở lại bình thường.
Mỏ mới được phát hiện nâng cao năng suất khai thác vàng ở Sepon
Ngày 18/5/2022, Vientiane Times đưa tin, một mỏ vàng nằm sâu dưới lòng đất mới được phát hiện và đi vào hoạt động sẽ gia tăng đáng kể hoạt động sản xuất khoáng sản của Công ty TNHH Khoáng sản Lane Xang (LXML), mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho đất nước Lào.
Trong một tuyên bố của mình Công ty LXML, nhà sản xuất khoáng sản hàng đầu ở Lào cho biết, mỏ có trữ lượng khoảng 9,5 triệu tấn và sản lượng quặng dự kiến sẽ tăng từ 400.000 tấn vào năm 2023 lên 1,2 triệu tấn mỗi năm tiếp theo. Với "Mỏ ngầm nằm sâu dưới lòng đất" nói trên, dự kiến tuổi khai thác của mỏ của Sepon sẽ được kéo dài thêm ít nhất bảy năm, cho đến năm 2030. Đây là mỏ hầm lò sử dụng kỹ thuật khai thác hiện đại đầu tiên ở Lào.
Theo Công ty LXML, việc phát hiện và tăng sản lượng khai thác như dự kiến sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở các cộng đồng dân cư sống trên địa bàn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng giám đốc Công ty LXML, Paul Harris cho biết việc khai thác mỏ mới sẽ sử dụng thiết bị khai thác hầm lò hiện đại và kỹ thuật khai thác tiên tiến, qua đó chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho các nhân viên và nhà thầu của Lào, đồng thời nhằm thiết lập các tiêu chuẩn mới cho khai thác hầm lò. Ông cho biết đây là mỏ khai thác hầm lò đầu tiên ở Lào tuân thủ các yêu cầu của Đánh giá tác động xã hội và môi trường (ESIA). Công ty LXML cũng đã đưa chuyên gia quốc tế và các thiết bị sang Lào để thực hiện dự án này.
Giám đốc điều hành LXML, ông Saman Aneka, cho biết quỹ tín thác cộng đồng LXML đã đóng góp cho việc tăng cường sinh kế cho người dân trong khu vực nhất là ở ba khía cạnh chính về an ninh lương thực, y tế và giáo dục cho các thế hệ mai sau. Đến nay, LXML đã cung cấp 11 triệu đô la Mỹ cho quỹ tín thác cộng đồng và 49 triệu đô la Mỹ để tạo thu nhập cho các nhóm doanh nghiệp địa phương.
Ngành công nghiệp khai khoáng là một lĩnh vực được xếp hạng ưu tiên trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh của Chính phủ Lào do những đóng góp đáng kể của nó cho sự phát triển kinh tế. Công ty LXML Sepon đã liên tục được Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đánh giá đạt tiêu chuẩn A + vì duy trì các tiêu chuẩn cao của quốc tế.
Theo ông Harris việc khai thác trong lòng đất sẽ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho tất cả cấp từ trung ương tới địa phương, cũng như cho các bên liên quan và các cộng đồng bản địa sống trên địa bàn. Việc khai thác dưới lòng đất sẽ tiết kiệm hơn đối với các mỏ quặng có độ sâu lớn, với tác động môi trường và xã hội ít hơn đáng kể so với khai thác lộ thiên. Việc thăm dò và xây dựng hầm lò sẽ tiếp tục từ tháng 9 năm nay cho tới năm 2023, với dự kiến vào nửa cuối năm sau bắt đầu có sản lượng khai thác từ mỏ dưới lòng đất. Khu vực khai thác mỏ dưới lòng đất sẽ đào sâu tới 450 mét tính từ mặt đất. Đường hầm khai thác sẽ dài hơn 1.800 m, cao 5m và rộng 5 m, để có thể đáp ứng cho các thiết bị khoan đào hiện đại dưới lòng đất.
Công ty LXML Sepon đã vận hành một mỏ vàng và đồng lộ thiên ở tỉnh Savannakhet từ năm 2003. Trong hai thập kỷ qua, LXML đã đóng góp hơn 1,6 tỷ đô la Mỹ thông qua thuế doanh thu trực tiếp và tiền bản quyền cho Chính phủ Lào, và hàng trăm triệu đô la lợi ích gián tiếp thông qua các chương trình phát triển cộng đồng, việc làm và đào tạo.
Ngăn chặn và chấm dứt lao động trẻ em trong ngành du lịch
Ngày 20/5/2022, tại Vang-Vieng, tỉnh Vientiane, Ban chuyên trách công tác ngăn chặn và chấm dứt lao động trẻ em ngành du lịch tổ chức hội thảo về các vấn đề liên quan đến sử dụng lao động, phá hoại sức khỏe trẻ em trong ngành du lịch do Cục trưởng Cục Quản lý du lịch, Bộ Văn hóa và du lịch Dalany Phommavongsa chủ trì, với sự tham gia của đại biểu các đơn vị liên quan.
Mục đích hội thảo lần này nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ngăn chặn, chấm dứt lao động trẻ em làm việc trong ngành du lịch để các nhà kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch thực hiện đúng chính sách, quy định pháp luật Lào; đồng thời, tại hội nghị, các đại biểu nghe các tác động của việc sử dụng lao động trẻ em, việc ngăn chặn và bảo vệ trẻ em...
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các vấn đề quan tâm, nhận thức và hiểu biết về việc sử dụng lao động đúng pháp luật để bảo vệ lợi ích cao nhất của trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ phát triển một cách tốt nhất. (Báo KT-XH, 23/5/2022)
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trần Thanh Hải
Ban biên tập: Vương T.Xuân Thủy, Lê T.Phương Hoa, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm