TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
WB hạ mức tăng trưởng của Lào xuống còn 3,8%
Ngày 06/4/2022, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo gần đây nhất, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào trong năm 2022 xuống còn 3,8% theo kịch bản cơ bản và 3,3% trong kịch bản xấu nhất, giảm so với dự đoán tăng trưởng 4,5% được đưa ra vào tháng 10/2021.
Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của WB nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Ukraine đe dọa sự phục hồi khỏi đại dịch Covid-19 sẽ diễn ra một cách không đồng đều giữa các nước đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương (EAP), bao gồm cả Lào.
Cuộc khủng hoảng Ukraine ập tới đúng vào đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế kéo dài do đại dịch Covid-19, sự thắt chặt tài chính ở Hoa Kỳ và sự bùng phát trở lại của dịch bệnh trong bối cảnh các chính sách “không Covid” ở Trung Quốc. Xung đột Nga-Ukraine đang làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa, gia tăng căng thẳng tài chính và làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Theo WB, những quốc gia trong khu vực phải nhập nhiều dầu mỏ như Thái Lan, Mông Cổ và những quốc gia phải nhập nhiều lương thực như các quốc đảo Thái Bình Dương là những nước sẽ có thu nhập bị thuyên giảm. Những quốc gia có khối lượng nợ lớn như Lào, Mông Cổ và quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc về tài chính và tăng trưởng toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế chung khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm lại ở mức 5% trong năm 2022, giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 10. Nếu tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi và sự phản ứng chính sách của các quốc gia yếu, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ giảm xuống mức 4%. Trung Quốc - nước chiếm tới 86% sản lượng của khu vực - được dự báo là sẽ tăng trưởng 5% theo kịch bản cơ bản và 4% trong kịch bản xấu.
Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ gia tăng vào năm 2022 so với năm trước ở các nước: Indonesia (5,2% theo kịch bản cơ bản, 4,6% ở kịch bản xấu), Thái Lan (2,9% theo kịch bản cơ bản, 2,6% theo kịch bản xấu), Philippines (5,7%, 4,8%), Malaysia (5,5% theo kịch bản cơ bản, 4,8% kịch bản xấu) và Việt Nam (5,3%, 4% theo kịch bản xấu).
Theo Ngân hàng Thế giới, các nước Đông Á và Thái Bình Dương vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thuế gián thu, vốn đã bị giảm do sự cắt giảm tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19. Để tăng nguồn thu, các Chính phủ có thể triển khai những biện pháp cải cách tài chính như Indonesia hiện đang triển khai. Thâm hụt tài khóa đang ở mức tương đối lớn tại các nền kinh tế như Fiji, Palau và Timor-Leste. Gánh nặng trả nợ lãi ở một số nước là rất đáng kể như Indonesia, Lào, Papua New Guinea và Mông Cổ.
Các quốc gia phải đảm bảo nguồn vốn đầy đủ cho những ngân hàng đang có các khoản cho vay lớn với nhiều rủi ro; phòng ngừa rủi ro và kéo dài thời gian đáo hạn của các khoản nợ để xử lý vấn đề chênh lệch trong tiền tệ và rủi ro chuyển nhượng; tăng cường bộ đệm thanh khoản và đảm bảo hạn mức tín dụng để dự đoán khả năng gia tăng trong các nhu cầu tài trợ từ bên ngoài.
Các quốc gia có nợ nước ngoài, như Lào và một số quốc đảo Thái Bình Dương, sẽ được hưởng lợi từ việc cộng đồng quốc tế sẽ phát triển những cơ chế để xử lý nợ một cách hiệu quả hơn.
Lào thặng dư thương mại Quý I năm 2022
Ngày 20/04/2022, Vientiane Times đưa tin, theo số liệu từ Bộ Công Thương Lào, quý I/2022, Lào ghi nhận thặng dư thương mại 167,3 triệu USD, cụ thể: tháng 1/2022 là 41 triệu USD, tăng lên 48 triệu USD tháng 2 và 78,3 triệu USD tháng 3.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022 đạt 1,155 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 598 triệu USD và nhập khẩu đạt 557 triệu USD. Tháng 2, tổng kim ngạch đạt 989 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 519 triệu USD và nhập khẩu đạt 471 triệu USD. Tháng 3, tổng kim ngạch đạt 1,077 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 577,8 triệu USD và nhập khẩu đạt 499,5 triệu USD. Giá trị kim ngạch trên chưa bao gồm giá trị xuất khẩu điện.
Hàng xuất khẩu chính của Lào là vàng, vàng thỏi, quặng đồng, đồng và sản phẩm đồng, giấy và sản phẩm giấy, cao su, sắn, quặng sắt, chuối, quần áo, giày dép.
Hàng nhập khẩu chính là phương tiện (không bao gồm xe máy và xe đầu kéo), dầu diesel và thiết bị cơ khí, đá quý, gỗ và bột giấy, phụ tùng ô tô (gồm lốp, kính và xích), sản phẩm nhựa, thiết bị điện tử và thiết bị điện, xăng và sản phẩm hóa chất.
Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Lào là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Úc, Ấn Độ và thị trường nhập khẩu chính là Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Thụy Sỹ và Mỹ.
Năm nay, Chính phủ hướng đến thặng dư thương mại 1,55 tỷ USD mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Theo báo cáo gần đây của Văn phòng Thủ tướng, năm nay, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 7,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 6,05 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ tăng cường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và hàng hóa chế biến để xuất khẩu, đặc biệt sang Trung Quốc, một thị trường hiện nay dễ tiếp cận hơn qua Đường sắt Lào-Trung, khi chính thức được đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu then chốt của Lào, đặc biệt đối với hàng hóa nông nghiệp, thương mại. Các ngành liên quan được chỉ đạo hỗ trợ các đơn vị kinh doanh tiếp cận vốn, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và giúp các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường.
Năm 2021, Lào ghi nhận thặng dư thương mại 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 6 tỷ USD.
Cả nước Lào hiện có 308 dự án khai khoáng
Trong hai ngày 24-25/3/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamchan Vongsenboun chủ trì Hội nghị đánh giá việc quản lý các dự án đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng trên toàn quốc và các dự án thí điểm khai thác quặng sắt. Tham dự có đại diện các Bộ: Năng lượng và Mỏ, Tài nguyên và Môi trường, Nông - Lâm, Tài chính, Công chính và Vận tải, Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước.
Bà Khamchan Vongsenboun cho biết, thực hiện Luật khuyến khích đầu tư số 14/QH ngày 17/11/2016, chính phủ Lào đã cấp phép cho một số công ty ở trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, trong đó giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt chính phủ ký kết các hợp đồng nhằm phát triển lĩnh vực này, góp phần vào việc thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết khó khăn về kinh tế - tài chính.
Hiện trên toàn quốc có 308 dự án khai khoáng, trong đó gồm 262 dự án khai thác thông thường, 8 dự án khai thác khoáng sản quý hiếm, 38 dự án khai thác thí điểm; 31 dự án khai thác quặng sắt, 2 dự án khai thác đá cẩm thạch (marble), 4 dự án khai thác vàng nguyên chất, 01 dự án khai thác vàng hợp kim.
Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Lào đã ban hành Quyết định số 61/TTg về việc thí điểm tìm kiếm, khai thác quặng sắt phục vụ xuất khẩu, theo đó đã cấp phép cho 31 dự án thử nghiệm khai thác quặng sắt, qua đó đã đóng góp được 36,53 triệu USD vào ngân sách. (Báo KT-XH, ngày 30/3/2022)
Công nghiệp và Nông nghiệp là những nhân tố chính trong tăng trường Kinh tế của Lào
Ngày 12/4/2022, Vientiane Times đưa tin, tại Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 (ADO) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ban hành cho biết, xuất khẩu trong ngành công nghiệp và nông nghiệp của Lào tiếp tục đóng góp cho sự phục hồi của nền kinh tế Lào trong năm 2021.
Theo Báo cáo, sản lượng công nghiệp đã tăng 4% trong năm 2021 với sự hỗ trợ từ việc gia tăng sản lượng điện và trong các hoạt động xây dựng. Thời tiết thuận lợi đã góp phần giúp một số nhà máy thủy điện phát huy hết công suất, nâng tổng sản lượng điện từ 39.497 Gigawatt giờ (GWh) năm 2020 lên 41.916 GWh vào năm 2021; phần lớn được dành cho xuất khẩu. Khai thác mỏ tăng 2%, với số lượng các mỏ mới và mỏ được gia hạn thời gian gia tăng sản lượng khai thác sắt và vàng. Tăng trưởng trong xây dựng, điển hình với việc hoàn thành tuyến đường sắt Lào-Trung và các dự án bất động sản đô thị đang được triển khai tại các đặc khu kinh tế phát triển.
Yếu tố chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Lào là xuất khẩu điện và khai thác mỏ, đặc biệt là các mỏ vàng, đồng và sắt với việc tăng giá của các mặt hàng quặng nói trên trên thị trường thế giới.
Xuất khẩu trong ngành nông nghiệp năm 2021 cũng gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực với tổng sản lượng xuất khẩu tăng 1,1%. Sản lượng gia tăng trong lĩnh vực trồng trọt đã phần nào gánh đỡ cho dịch bệnh gây ảnh hưởng tới chăn nuôi và xuất khẩu trâu, bò vào nửa cuối 2021. Ba loại cây trồng nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với sản lượng lúa gạo tăng 3,3% từ 3,5 triệu tấn lên 3,7 triệu tấn; sản lượng chuối tăng 24,6% và sắn tăng 12,1%. Xuất khẩu trong nông nghiệp năm 2021 chủ yếu được tiêu thụ bởi thị trường Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu nông nghiệp sẽ tiếp tục được mở rộng trong năm nay và năm tiếp theo với các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ Lào và hạn ngạch xuất khẩu cao từ phía Trung Quốc cho các mặt hàng chăn nuôi, sắn, chuối và mía đường.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào sẽ ở mức 3,4% trong năm nay và 3,7% trong năm 2023. Kinh tế tăng trưởng sẽ được củng cố với sự phục hồi của đầu tư và gia tăng sản lượng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều nguồn vốn trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp.
Tuy vậy, Lào vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc kiềm chế lạm phát do giá dầu tăng và sự mất giá của đồng Kíp. Theo ADB mặc dù tốc độ lạm phát đã giảm xuống còn 3,7% so với mức 5,1% của năm 2020, song giá dầu tăng và sự mất giá của đồng Kíp đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên 5,3% vào cuối năm 2021. Đồng Kíp đã giảm 7,1% giá trị so với đồng USD ở thị trường chính thống và 12,1% ở thị trường chợ đen.
Giá nhiên liệu gia tăng, đồng Kíp mất giá đe dọa người sản xuất trong nước
Ngày 19/4/2022, Vientiane Times đưa tin, theo một nghiên cứu mới công bố gần đây của Bộ Công Thương, giá nhiên liệu tăng chóng mặt và đồng Kíp tiếp tục mất giá đang gia tăng áp lực lên người sản xuất trong nước do chi phí sản xuất tăng cao. Nguyên nhân chính được chỉ ra là cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến việc tăng giá nhiên liệu, khí đốt và thức ăn chăn nuôi. Chi phí sản xuất tăng cao đã dẫn đến giá cả trên thị trường cao hơn, đặc biệt là thịt bò, lợn, cá và rau quả, gây thêm khó khăn cho người dân.
Sự phục hồi chậm chạp của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế nhỏ, bao gồm Lào, vốn phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Giá nhiên liệu đã tăng 28%, từ 77,97 USD/thùng vào cuối năm 2021 lên hơn 100 USD/thùng vào tháng 4/2022. Đồng Kíp giảm giá 6% so với đô la Mỹ và 5% so với đồng Baht Thái Lan vào ngày 8/4/2022 so với tỷ giá ngày 04/1/2022, đẩy lạm phát ở Lào tăng từ 6,25% trong tháng Giêng lên 8,54% vào tháng Ba.
Nghiên cứu cũng khuyến nghị các biện pháp mà chính phủ cần thực hiện, đặc biệt là các biện pháp tài chính để đối phó với những thách thức này như: tăng lãi suất để thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng; điều hành chặt chẽ tỷ giá hối đoái; khuyến khích giao dịch hàng hóa xuất khẩu qua hệ thống ngân hàng; và đảm bảo rằng thương mại hàng hóa và dịch vụ ở Lào được thực hiện bằng đồng Kíp. Các cơ quan hữu quan cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất trong nước để giảm thiểu nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thể sản xuất tại Lào. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy dự trữ ngoại tệ và ổn định tỷ giá hối đoái trong dài hạn.
Vận tải hành khách, hàng hóa giảm mạnh 2 năm qua do dịch Covid-19 bùng phát
Ngày 19/4/2022, Vientiane Times đưa tin, một báo cáo chính thức đã cho thấy vận tải hàng hóa và hành khách của mọi phương tiện đã bị sụt giảm nghiêm trọng và không đạt được mục tiêu trong những năm gần đây do dịch Covid-19 bùng phát đã làm tê liệt các hoạt động vận tải.
Chính phủ đã áp đặt một số lệnh đóng cửa và hạn chế đi lại kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020. Bộ Công chính và Vận tải cho biết, số lượng du lịch bằng đường hàng không giảm từ 3.380.000 người vào năm 2018 xuống chỉ còn 872.000 người vào năm 2021. Trong khi đó, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không giảm từ 6.300 tấn năm 2018 xuống 1.300 tấn năm 2021.
Mặc dù số người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ tăng nhẹ nhưng không đạt mục tiêu đặt ra. Vận tải hành khách bằng đường bộ tăng từ 72.400.000 người năm 2018 lên 83.217.000 người năm 2021, thấp hơn số mục tiêu là 99.000.000 người. Lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ tăng từ 6.012.000 tấn năm 2018 lên 6.933.000 tấn năm 2021, trong khi mục tiêu là 7.024.000 tấn.
Vận tải bằng đường thủy cũng sụt giảm cả về hành khách và hàng hóa. Chỉ có 978.000 người thực hiện các chuyến đi bằng đường thủy vào năm 2021, thấp hơn nhiềuso với mục tiêu là ít nhất 5 triệu và giảm đáng kể so với hơn 4 triệu hành khách năm 2018. Vận tải hàng hóa bằng đường thủy giảm từ hơn 2 triệu tấn năm 2018 xuống 304.000 tấn năm 2021, thấp hơn nhiều so với kế hoạch là 4,3 triệu tấn.
Theo báo cáo này, giao thông trên tuyến đường sắt Lào-Thái Lan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Chỉ có 700 người thực hiện các chuyến đi bằng đường sắt vào năm 2021, thấp hơn nhiều so với kế hoạch là 10.000 hành khách và giảm mạnh so với 32.300 người sử dụng đường sắt năm 2018. Và không có vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt năm 2021, năm 2018 vận chuyển được có 400 tấn hàng hóa.
Báo cáo dự đoán doanh số và số lượng tất cả các hình thức vận tải, cả hành khách và hàng hóa sẽ có sự gia tăng trong thời gian sắp tới doviệc đóng cửa đã kết thúc, các hạn chế đi lại đã được nới lỏng và Chính phủ đang xem xét mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế.
Giá các mặt hàng nhập khẩu tăng tới mức kỷ lục
Ngày 21/4/2022, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, chi phí hàng gia dụng nhập khẩu đã tăng 15-50% trong tháng 4 so với con số được ghi nhận vào tháng 01/2022. Nguyên nhân của của việc tăng giá là do đồng Kíp tiếp tục mất giá, chi phí vận tải cao và do giá nhiên liệu tăng vọt. Giá các mặt hàng gia dụng nhập khẩu tăng cao góp phần đáng kể vào mức lạm phát cả năm của Lào. Ví dụ như, giá một chai nước mắm nhỏ tăng từ 10.000 Kíp trong tháng Giêng lên 12.000 Kíp vào tháng Tư, trong khi đó một chai dầu ăn tăng từ 20.000 Kíp lên 28.000 Kíp và giá một thùng mì ăn liền tăng từ 36.000 lên 55.000 Kíp trong cùng khoảng thời gian này.
Trong tháng Ba chỉ số giá các mặt hàng nhập khẩu đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 11,7% được báo cáo vào tháng Hai. Báo cáo nói trên cho biết, chi phí của hầu hết các mặt hàng tại Lào đã tăng trong những tháng gần đây là do các yếu tố đến cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Các nhà sản xuất và nông dân chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, gà hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, nguyên nhân do tăng giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ Thái Lan. Chi phí thức ăn cho lợn đã tăng 29% trong tháng Tư so với con số ghi nhận trong tháng Giêng. Thức ăn cho gà tăng 8%, thức ăn cho cá tăng 60% và giá phân bón tăng 17% trong thời gian 4 tháng trở lại đây.
Nhiều người dân đang rất vất vả để đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao và triển vọng kinh tế ảm đạm. Giá thịt lợn và trứng bán ở các chợ lần lượt tăng lên 55.000 Kíp/kg và 40.000 Kíp một hộp 30 quả. So với tháng Giêng, giá thịt lợn, gà và cá tăng lần lượt 4%, 11% và 16%.
Báo cáo đưa ra khuyến nghị các ngành hữu quan cần đẩy mạnh xuất khẩu để tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Một số giải pháp khác cũng được Chính phủ đề xuất thực hiện bao gồm tăng lãi suất, thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, kiểm soát chặt tỷ giá hối đoái, khuyến khích các giao dịch liên quan đến hàng hóa xuất khẩu thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng, và đảm bảo sử dụng đồng tiền Kíp trong mua bán hàng hóa và dịch vụ ở Lào.
Công ty Quốc doanh Lào đặt mục tiêu doanh thu 65 triệu USD từ điện lực năm 2022
Ngày 30/3/2022, Vientiane Times đưa tin, tại cuộc họp thường kỳ hàng năm vào cuối tuần trước do Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo chủ trì, Tổng Giám đốc Công ty Quốc doanh Lào (LHSE) Manasing Vongxay đã đặt ra mục tiêu doanh thu năm 2022 sẽ đạt 65 triệu USD, tăng 53,23% so với năm 2021, trong đó lợi nhuận ròng là 22,54 triệu USD và đóng thuế 4,08 triệu USD.
Bốn nhà máy điện mà công ty đang giữ cổ phần đã tạo ra tổng lượng điện đạt 19.701 Gwh, gồm 4.976 Gwh từ nhà máy thủy điện Nam Theun 2, 11.881 Gwh từ nhà máy nhiệt điện Hongsa, 1.827 Gwh từ nhà máy thủy điện Xepien-Xenam Noy và 1.017 Gwh từ nhà máy thủy điện Nam Nghiep. Tổng giá trị điện đã bán cho nhà nước là 1.165 triệu USD, và đóng thuế 55,3 triệu USD.
LHSE là doanh nghiệp được Chính phủ thành lập để đầu tư vào lĩnh vực điện năng. Công ty thường được giao nắm cổ phần của nhà nước trong các dự án sản xuất điện độc lập, cũng như quản lý phần lợi nhuận của Chính phủ trong thỏa thuận góp vốn vào các dự án. Với sự chấp thuận của Chính phủ, LHSE đã tăng vốn để đáp ứng các cam kết công bằng của nhà nước với các nhà đầu tư khác, quản lý và giải ngân các khoản thu của chính phủ từ cổ tức, tái đầu tư tài chính…
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Chính phủ chỉ đạo tăng năng suất sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu
Từ ngày 21-27/3/2022, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Lào đã thông báo Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan Chính phủ liên quan thúc đẩy sản xuất thương mại để phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
Phát triển nông nghiệp là một trong các chương trình ưu tiên của Chính phủ Lào nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng nguồn thu ngoại tệ, giảm nhập khẩu các loại hàng hóa có thể sản xuất trong nước. Năm 2021, Lào thu được hơn 900 triệu USD từ xuất khẩu nông sản, đạt 82% mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ đạo cần tập trung nhiều hơn nữa cho phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến để gia tăng sản lượng hàng hóa cho xuất khẩu, đồng thời khai thác tiềm năng của tuyến đường sắt Lào-Trung mang lại.
Tại cuộc họp thường kỳ hàng tháng diễn ra từ ngày 21-22/3/2022, Chính phủ đã chỉ đạo phải nhanh chóng có các động thái thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vào mùa khô, tăng năng suất cây trồng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và chi phí sinh hoạt đang tăng cao. Chính phủ yêu cầu Bộ Nông Lâm phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên cả nước để gia tăng thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực. (Vientiane Times, 28/3/2022)
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tập trung 6 ưu tiên lớn
Ngày 30/03/2022, Vientiane Times đưa tin, phát biểu tại buổi họp thường niên của ngành Công Thương được tổ chức theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, Phó Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone yêu cầu Bộ Công thương cần tập trung 6 ưu tiên để giải quyết các khó khăn về kinh tế, tài chính và thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.
Các ưu tiên gồm: (i) tăng cường, củng cố sự phối kết hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ; (ii) tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công; (iii) nâng cao sản xuất hàng hóa nội địa; (iv) đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường; (v)bảo vệ người tiêu dùng và (vi) thường xuyên cải thiện môi trường kinh doanh dựa trên tình hình thực tế.
Ngoài ra, Lào hiện đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do đó, các bước triển khai để hội nhập với thương mại quốc tế là một trong những ưu tiên quan trọng của chính phủ, đặc biệt là của Bộ Công Thương. Công tác phát triển nguồn nhân lực, vì vậy, tiếp tục là vấn đề quan trọng để đáp ứng yêu cầu công việc. Phó Thủ tướng cũng cho rằng trong công tác quản lý của mình ngành Công Thương cần sử dụng các công nghệ hiện đại, hệ thống điện tử cho công tác hành chính. Phó Thủ tướng cũng biểu dương những thành tựu Bộ Công Thương đã đạt được trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng như những thành tựu khác trong những năm vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Saysompheng cam kết sẽ tiếp tục tập trung cho những ưu tiên đã đề ra của mình và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Cuộc họp diễn ra với sự có mặt của lãnh đạo Bộ, các địa phương và cán bộ của ngành Công Thương trong cả nước.
Chính phủ yêu cầu bình ổn giá nhiên liệu và tỷ giá hối đoái
Ngày 18/4/2022, Vientiane Times đưa tin, tại phiên họp đặc biệt của Chính phủ được tổ chức gần đây, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành liên quan nỗ lực tìm giải pháp để kiểm soát giá nhiên liệu và hàng tiêu dùng, ổn định tỷ giá trao đổi tiền tệ nhằm giảm tác động lên người dân.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xác định nguyên nhân giá nhiên liệu tăng phi mã; Bộ Công Thương cần nỗ lực kiểm soát giá cả hàng tiêu dùng và giảm tốc độ tăng giá của các chủng loại hàng hóa; các Bộ ngành liên quan ổn định tỷ giá hối đoái bằng cách siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn các cơ hội thao túng tỷ giá.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phankham Viphavanh yêu cầu các cơ quan hiện đại hóa công tác quản lý hoạt động nhập khẩu, đảm bảo nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước.
Vào đầu tháng tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Ubonpaseuth cho rằng để giảm tốc độ tăng giá nhiên liệu tại các trạm xăng, Chính phủ cần cân nhắc giảm hoặc thậm chí miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu. Nếu đề xuất này được thực hiện, thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu diesel đang ở mức 21% hiện nay có thể được giảm xuống 11% và thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng thông thường đang ở mức 31% có thể giảm xuống 16%. Tuy nhiên, tại cuộc họp định kỳ hàng tháng, Chính phủ chưa xem xét đề xuất này.
Kỳ họp định kỳ tháng 4: Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tăng lương tối thiểu
Tại cuộc họp định kỳ hàng tháng của Chính phủ diễn ra tại Vientiane từ ngày 26-27/4 do Thủ tướng Phankham Viphavanh chủ trì, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho việc tăng lương tối thiểu trong nỗ lực giảm nhẹ khó khăn cho người dân khi vật giá leo thang. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu và lộ trình tăng lương cụ thể chưa được xác định.
Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội được yêu cầu thảo luận chi tiết hơn với Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, tổ chức đại diện cho các đơn vị kinh tế, để việc tăng lương có thể diễn ra suôn sẻ. Kết quả của nội dung thảo luận này sẽ được báo cáo tại kỳ họp Trung ương Đảng vào tháng Năm.
Công đoàn Lào (đại diện cho người lao động) đã đề xuất mức lương tối thiểu nên được tăng từ mức 1,1 triệu Kíp như hiện nay lên 1,5 triệu Kíp nhằm giúp người lao động đối phó với chi phí tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, đề xuất này bị LNCCI phủ quyết do cho rằng mức tăng như vậy sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp. Thay vào đó, họ đề nghị chỉ tăng lên 1,3 triệu Kíp nhằm giảm bớt gánh nặng cho người sử dụng lao động. Một cuộc họp ba bên được tổ chức gần đây đã đạt được kết luận rằng việc tăng lương sẽ chưa được thực hiện trước ngày 1/5 năm 2023.
Tại buổi họp thường kỳ của Chính phủ, các thành viên nội các cũng thông qua chính sách giá nước mới nhằm cho phép Công ty Cấp nước Quốc doanh trở thành doanh nghiệp tự chủ về tài chính.
Ngoài ra, chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với một nghị định liên quan đến việc tịch thu tài sản theo phán quyết của tòa án và một nghị định về quỹ thể thao.
Chính phủ cũng đã thông qua kế hoạch phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cho giai đoạn 2021-2025, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.
Các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo về việc chuẩn bị cho việc Lào đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2024. Bộ Ngoại giao đã được giao làm việc với các cơ quan Chính phủ khác để thành lập các tiểu ban phụ trách các công việc chuẩn bị này.
Chính phủ đã vạch ra các mục tiêu sẽ hoàn thành trong tháng 5, chỉ thị cho các Bộ và cơ quan Nhà nước theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng, đặc biệt liên quan đến chi tiêu cho các vấn đề hành chính.
Các chuyến công tác nước ngoài và các cuộc họp quốc tế, nếu không có yêu cầu đặc biệt thì cũng được yêu cầu nên có sự tham dự của Đại sứ Lào tại nước đó.
Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế lạm phát và giá nhiên liệu, đồng thời quy định chặt chẽ tỷ giá hối đoái tiền tệ để giảm thiểu tác động đến những người nghèo nhất.
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 03 và 3 tháng đầu năm 2022
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 3 và quý I năm 2022 như sau:
1. Tháng 3/2022 đạt 160.639.635 USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ, trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 55.181.811 USD, giảm -11,9% so với cùng kỳ.
Tiếp theo đà tháng trước, một số mặt hàng tiếp tục tăng, có mặt hàng tăng mạnh: Phân bón tăng 199,6% đạt gần 6 triệu USD (tháng trước tăng 271,8%); Xăng dầu tăng 133,2% đạt gần 3,1 triệu USD (tháng trước tăng 249,9%, đây là tháng thứ 12 tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019); Sắt thép các loại tăng 6,4% đạt hơn 10,5 triệu USD (tháng trước tăng 87,3%); Sản phẩm gốm sứ tăng 17,8% đạt hơn 1,25 triệu USD (tháng trước tăng 20,7%).
Một số mặt hàng quay đầu tăng: Rau quả tăng 138,7% đạt gần 3,3 triệu USD (tháng trước giảm -64,4%); Clanke và xi măng tăng 21,6% đạt gần 400 nghìn USD (tháng trước giảm -60,7%); Sản phẩm từ hóa chất tăng 12,6% đạt hơn 530 nghìn USD (tháng trước giảm -27,3%).
Các mặt hàng còn lại đều giảm. Các mặt hàng có mức giảm trên 50%: Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 79,2% đạt gần 400 nghìn USD; Cà phê giảm -69,8% chỉ đạt hơn 62 nghìn USD (tháng trước giảm -93,8%); Kim loại thường và sản phẩm giảm -53,3% đạt hơn 250 nghìn USD.
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 105.457.824 USD, tăng 61,5% so với cùng kỳ.
Tất cả các mặt hàng đều tăng. Mặt hàng tăng mạnh: Quặng và khoáng sản tăng 328,2% đạt gần 12,7 triệu USD (tháng trước tăng 849,4%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 102,7% đạt gần 13 triệu USD (tháng trước tăng 106,8%); Hàng rau quả tăng 93,9% đạt hơn 1,66 triệu USD (tháng trước tăng 82,9%); Phân bón các loại tăng 22,7% đạt gần 9,8 triệu USD (tháng trước tăng 63,4%); Cao su tăng 21,8% đạt hơn 16,7 triệu USD (tháng trước tăng 76,2%); Hàng hóa khác tăng 55,4% đạt hơn 50,8 triệu USD (tháng trước tăng 31,2%).
Mặt hàng ngô ghi nhận kim ngạch nhập khẩu hơn 6.000 tấn giá trị hơn 1,6 triệu USD.
2. Tổng kết quý I năm 2022, kim ngạch đạt 403.635.993 USD tăng 19,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 130.858.962 USD giảm -18% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 272.777.031 USD tăng 52,4% so với cùng kỳ.
- Về xuất khẩu:
+ Các mặt hàng tăng: Phân bón tăng 161,6% đạt hơn 10,1 triệu USD; Xăng dầu tăng 142,3% đạt hơn 8,8 triệu USD; Dây điện và cáp điện tăng 42,5% đạt gần 1,9 triệu USD; Sắt thép các loại tăng 18,6% đạt gần 22,7 triệu USD; Hàng dệt may tăng 17,2% đạt hơn 2,5 triệu USD; Clanke và xi măng tăng 15,9% đạt hơn 860 nghìn USD; Sản phẩm từ gốm sứ tăng 6,6% đạt hơn 3,1 triệu USD.
+ Các mặt hàng giảm: Cà phê giảm -80,7% đạt hơn 140 nghìn USD; Kim loại thường và sản phẩm giảm -76,6% đạt hơn 700 nghìn USD; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -49,7% đạt gần 1,25 triệu USD; Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm -48,2% đạt hơn 2,33 triệu USD; Máy móc thiết bị và phụ tùng giảm -36,6% đạt hơn 6,7 triệu USD. Các mặt hàng còn lại đều giảm, mức giảm từ 20% trở xuống.
- Về nhập khẩu: Tất cả các mặt hàng đều tăng: Quặng và khoáng sản khác tăng 405,8% đạt hơn 28 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 67,7% đạt hơn 33 triệu USD; Cao su tăng 45,3% đạt hơn 54,2 triệu USD; Phân bón tăng 34,8 triệu USD đạt gần 18,3 triệu USD; Hàng rau quả tăng 31,6% đạt gần 4,3 triệu USD; Hàng hóa khác tăng 34,2% đạt hơn 133,1 triệu USD.
Như vậy, ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đều giảm khiến kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 giảm. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Lào tăng mạnh. Lý do là các mặt hàng nhập khẩu từ Lào chủ yếu là quặng, khoáng sản, cao su, gỗ..., là những mặt hàng giá tăng cao trên thế giới, nguồn cung khan hiếm do cuộc chiến Nga-Ukraina.
Dự kiến tháng 04/2022, kim ngạch tiếp tục tăng ở chiều nhập khẩu do nhu cầu về các mặt hàng nhập khẩu từ Lào nêu trên vẫn tiếp tục tăng do cuộc chiến Nga-Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Lào - Việt Nam đánh giá kết quả hợp tác phát triển
Ngày 11/4/2022, tại thủ đô Vientiane, Bộ trưởng Công Thương Lào Khampheng Saysompheng và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì Hội nghị lần thứ 12 hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước Lào – Việt Nam theo mục tiêu, kế hoạch hợp tác kinh tế mà Chính phủ hai nước đề ra tại Hội nghị Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 44, Hiệp định hợp tác giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược hợp tác 10 năm giai đoạn 2021-2030 giữa hai ngành Công Thương.
Hội nghị lần này được tổ chức trong không khí chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 - 18/7/2022) và 60 năm ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao giữa hai nước (05/9/1962 - 05/9/2022). Hai bên nhất trí với đánh giá của Bộ Công Thương Lào về kết quả hoạt động thương mại biên giới Lào - Việt Nam trong thời gian qua, những thuận lợi, khó khăn hai bên phải đối mặt (nhất là tác động của dịch Covid-19 và thiên tai) và phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 1,37 tỷ USD, tăng 33,32% so với cùng kỳ và cũng là mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Hai bên thống nhất sửa đổi một số nội dung của Hiệp định thương mại biên giới ký kết năm 2015 và Thỏa thuận Hà Nội 2007 trong tạo điều kiện cho người, hàng hóa và phương tiện giữa hai nước xuất - nhập cảnh được thuận lợi, phù hợp với tinh thần của các nghị định và chiến lược đã nêu.
Hai bên sẽ tạo điều kiện cho các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu thụ tại thị trường của nhau, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hai bên cam kết tiếp tục phối hợp giải quyết các vướng mắc, tồn tại và thúc đẩy hơn nữa các cơ chế hợp tác hiện có cho phù hợp. (Báo KT-XH, ngày 12/4/2022)
Hợp tác Lào – Việt Nam tại tỉnh Champasak
Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Champasak với nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể đến các dự án hỗ trợ của Việt Nam dành cho tỉnh Champasak như: dự án xây dựng Học viện Kinh tế - Tài chính của tỉnh trị giá 12,72 triệu USD (vốn góp của tỉnh là 1,31 triệu USD), dự án xây dựng Trung tâm khuyến nông trị giá 497.339,15 USD (vốn góp của tỉnh là 257.617,92 USD). Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ lắp đặt hệ thống chiếu sáng của tỉnh giai đoạn 2 (từ cầu Sedon mới cho tới ngã ba sân bay) trị giá 62.680 USD, thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng quy hoạch huyện Paksong trị giá 5 tỷ Kíp.
Ngày 28/3/2022, ông Vilayvong Butdakham, Tỉnh trưởng Champasak, đại diện cho chính quyền tỉnh Champasak và ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh, đại diện cho Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá kết quả triển khai hợp tác giữa hai tỉnh thời gian qua và thảo luận kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị, hai bên bày tỏ nhất trí cao với định hướng hợp tác và ký kết bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025, trong đó cam kết thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện song phương, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng đảng, quản lý hành chính; tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, khai khoáng, dịch vụ - du lịch,sản xuất hàng nông nghiệp - thủy sản, xây dựng hạ tầng, vận tải; nhanh chóng nghiên cứu điều chỉnh các văn bản, thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư; phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác vận động quần chúng, phản bác luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch xuyên tạc nhằm chia rẽ quan hệ hữu nghị, đoàn kết anh em giữa hai đảng, hai nhà nước Việt Nam - Lào.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, theo đó tỉnh Champasak sẽ cấp 10 suất học bổng học tiếng Lào cho cán bộ và doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai, còn tỉnh Gia Lai sẽ cấp 25 suất học bổng cử nhân cho tỉnh Champasak. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng sẽ hỗ trợ trao đổi bài học kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, gia súc, nông nghiệp, hàng mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp… theo mô hình “một huyện một sản phẩm”; kết hợp mở rộng hơn nữa hợp tác và giao lưu nhân dân giữa các địa phương của hai tỉnh.
Tính đến nay, nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào tỉnh Champasak 44 dự án, tổng trị giá 371,49 triệu USD, đứng thứ 2 (chiếm tỷ lệ 14%) trong số các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó lĩnh vực nông - lâm có 24 dự án trị giá 330,79 triệu USD, lĩnh vực công nghiệp có 18 dự án trị giá 37,7 triệu USD và lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 2 dự án trị giá 03 triệu USD. (Báo KT-XH, ngày 31/3/2022 và 05/4/2022)
Việt Nam hỗ trợ Lào phát triển hệ thống thủy lợi và an ninh lương thực
Ngày 07/4/2022, Ủy viên Trung ương Đảng NDCM Lào, Tỉnh trưởng tỉnh Khammuan Vanxay Phongsavanh và Ủy viên Trung ương Đảng CS Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã đồng chủ trì lễ khởi công xây dựng hệ thống thủy lợi rộng 500 ha tại bản Xiengvang, huyện Nongbok, tỉnh Khammuan với sự chứng kiến của các lãnh đạo hai địa phương.
Dự án có tổng giá trị 290 tỷ VND, với khoản tài trợ trị giá 263 tỷ VND từ tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) và vốn đối ứng của tỉnh Khammuan trị giá 27 tỷ VND với các hạng mục như trạm bơm điện, 2 hệ thống kênh tưới tiêu dài 2.996m và 20.665m cùng với hệ thống đê kè chống sạt lở, được triển khai tại 04 bản gồm: Songmuang Nua, Songmuang Tay, Kutchap và Xiengkhuang với tổng diện tích 500 ha, là dự án khép kín và sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai công tác sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm đầu ra. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng hai năm, góp phần tăng năng suất nông sản và đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân địa phương vùng dự án.
Dự án có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và là một mô hình điểm về tình đoàn kết giữa Lào và Việt Nam nói chung và giữa tỉnh Khammuan và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. (Báo KT-XH, 11/4/2022)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào – Trung Quốc
Nhà đầu tư Trung Quốc ứng dụng kỹ thuật mới trong cấy lúa chiêm ở Xaynhabuly
Ngày 12/4/2022, báo KT-XH đưa tin, mùa cấy lúa chiêm năm 2022 ở tỉnh Xaynhabuly đã được tiến hành rộng rãi nhằm bảo đảm đủ gạo ăn dự trữ và bán, trong đó kỹ thuật cấy lúa chiêm của nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu được phổ cập trên phần ruộng thuê của người nông dân.
Ông Lichong Xuan, Giám đốc Công ty Công nghệ Nông nghiệp Asia Pacific cho biết, kỹ thuật cấy lúa chiêm mới ở Xaynhabuly được triển khai lần đầu tiên trong năm nay trên diện tích 38 ha với giá thuê ruộng là 3,8 triệu Kíp/ha, sau 30 ngày có thể tiến hành cấy thành hàng gồm: hàng lớn rộng 1m cấy dòng bố và hàng nhỏ rộng khoảng 30cm cấy dòng mẹ. Đặc biệt cần lưu ý phải cấy dòng bố trước 01 tuần rồi mới cấy dòng mẹ nhằm giúp cả hai loại ra hạt đều và hỗ trợ cho việc lai giống sau này. Hết 120 ngày sẽ tiến hành thu hoạch với sản lượng ước tính 04 tấn lúa mẹ và 02 tấn lúa bố/ha, sau đó xuất khẩu sang Việt Nam. Giá thuê nhân công cày cấy tại địa phương là 6,8 triệu Kíp/ha, phương tiện do công ty cung cấp.
Bà Tangchong, nông dân tham gia dự án cho biết, việc cấy lúa bằng kỹ thuật mới tại địa phương ngày càng thuận tiện, người dân đồng lòng và nỗ lực làm việc, phấn đấu sang năm sẽ tăng diện tích lên 60 ha nhằm khuyến khích người dân ứng dụng kỹ thuật này, giúp sản phẩm đầu ra đạt được giá trị cao.
Lào – Thái Lan
Cầu Hữu nghị Lào - Thái Lan số 5 đã hoàn thành 36%
Ngày 04/04/2022, Vientiane Times đưa tin, việc xây dựng cây cầu số 5 nối Lào và Thái Lan qua sông Mekong giữa huyện Paksan thuộc tỉnh Bolikhamxay và tỉnh Beun Khang, Đông Bắc Thái Lan đã hoàn thành được 36% khối lượng công việc. Dự kiến, cây cầu sẽ hoàn thành vào năm 2024 và góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Trong báo cáo tiến độ, Giám đốc dự án Laythong Phommavong cho biết, công trình được triển khai xây dựng từ tháng 01/2021. Đến thời điểm hiện tại, khối lượng công việc đã hoàn thành 36,04%, nhanh hơn so với kế hoạch đề ra. Công trình được thực hiện thành hai giai đoạn, giai đoạn I kéo dài trong 36 tháng, kết thúc vào tháng 12 năm 2023, giai đoạn II sẽ kết thúc vào tháng 7 năm 2024 và cây cầu sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Cầu có tổng chiều dài 810m, chiều dài thân cầu vượt sông là 540m. Các gói xây dựng gồm các tuyến đường kết nối, các khu hải quan, trạm xuất nhập cảnh. Dự án được Thái Lan và Lào thống nhất vào tháng 8/2019; phía Thái Lan đầu tư 2,63 tỷ Baht, phía Lào đóng góp 1,38 tỷ Baht từ nguồn vay của Cơ quan Hợp tác Phát triển Kinh tế Thái Lan (NEDA).
Dự kiến, khi cầu được đưa vào sử dụng sẽ giúp giao thương hàng hóa và đi lại của người dân hai nước trở nên dễ dàng hơn; thúc đẩy liên kết khu vực và tiềm năng trở thành một hành lang kinh tế quan trọng với năng lực vận chuyển dễ dàng từ cảng Lemsabang của Thái Lan và cảng Vũng Áng của Việt Nam.
Đây là cây cầu hữu nghị số 5 bắc qua sông Mekong tại bản Kouy Oudom, cách khoảng 10 km tính từ huyện Paksan, tỉnh Bolikhamxay. Bốn cây cầu hữu nghị còn lại bao gồm cầu nối thủ đô Vientiane với tỉnh Nongkhai, cầu nối tỉnh Khammuan với tỉnh Nakhon Phanom, cầu nối tỉnh Savanakhet với tỉnh Mukdahan và cầu nối huyện Huayxay tỉnh Bokeo với tỉnh Chiengrai Thái Lan.
1.800 công nhân có tay nghề kỹ thuật sẽ được đưa sang làm việc tại Thái Lan
Ngày 04/04/2022, Vientiane Times đưa tin, 1.800 công nhân kỹ thuật sắp được Lào gửi sang Thái Lan theo thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước.
Theo trang web của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, hiện Thái Lan đang cần gấp khoảng 800.000 công nhân kỹ thuật để lấp đầy các vị trí làm việc bị bỏ trống trong các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Nhóm đầu tiên gồm 236 công nhân sẽ được gửi từ Vientiane sang Nongkhai, Thái Lan qua Cầu Hữu nghị Lào-Thái 1. Phía Thái Lan cho biết số công nhân nói trên sẽ làm việc cho 3 đơn vị thuê lao động.
Hiện Thái Lan đang là nơi công dân của Lào đổ sang tìm kiếm việc làm vì có mức thu nhập hợp lý. Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào khuyến khích công nhân Lào sang Thái Lan một cách hợp pháp để có thể nhận được sự bảo trợ của chính phủ Lào và Thái Lan theo thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước. Công nhân đi theo chương trình thỏa thuận sẽ có quyền lợi giống như công dân Thái Lan bao gồm quy định về mức lương được trả, tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và một số quyền lợi khác theo quy định về an toàn lao động. Những năm vừa qua, nhiều công dân Lào làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan do có mức thu nhập cao hơn.
Năm 2020, theo báo cáo của Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào cho biết có khoảng 158.000 người Lào làm việc tại Thái Lan, nhưng chỉ có 71.000 người có giấy phép lao động đầy đủ. Bộ cũng cho biết, từ tháng 4 năm 2020 đến cuối tháng 2 năm 2021 có ít nhất 115.000 lao động nhập cư là người Lào đăng ký với nhà chức trách Thái Lan xin gia hạn lao động. Đây là con số bao gồm cả lao động hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Chính quyền hai bên Lào và Thái Lan hiện đang tích cực tìm cách để hợp pháp hóa tất cả số lao động nhập cư của Lào.
Hiện số lao động nhập cư tại Thái Lan ước tính khoảng 1,5 triệu người đến từ các nước Lào, Campuchia và Myanmar. Nhân công lao động có tay nghề là người Lào hiện cũng đang làm việc tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như một số quốc gia khác.
Hai tập đoàn lớn Lào-Thái Lan hợp tác dự án đầu tư trang trại bồn chứa dầu, logistics
Ngày 21/4/2022, hai doanh nghiệp nhiên liệu lớn của Lào và Thái Lan, Công ty TNHH PetroTrade (PTLH) và Công ty bán lẻ xăng dầu Đại chúng (PTTOR) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác phát triển và đầu tư trang trại bồn chứa dầu và logistics tại Công viên Logistics Vientiane. Thỏa thuận được ký tại Vientiane giữa ông Songpon Thepnumsommanus, phó Chủ tịch Điều hành, Chuyên gia cấp cao về tiếp thị Quốc tế Công ty PTTOR, và Ông Chanthone Sitthixay, Giám đốc Điều hành công ty (PTLH).
Thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ, hai công ty PTLH và PTTOR mong muốn tìm kiếm cơ hội và hợp tác phát triển tiềm năng trong việc đầu tư phát triển khu công nghiệp Vientiane Logistics Park, nằm ở làng Dongphosy, huyện Hadxaifong, Viêng Chăn, Lào. PTLH và PTTOR sẽ hợp tác nghiên cứu tính khả thi trong các lĩnh vực logistics, hợp tác kinh doanh và cung cấp xăng dầu từ Thái Lan qua Lào, đến miền Nam Trung Quốc, và các khu vực khác theo thỏa thuận của hai bên.
Biên bản ghi nhớ đề ra những nguyên tắc cơ bản nhằm khảo sát, đánh giá tính khả thi cũng như tiềm năng phát triển dự án. Hai bên cùng với các đơn vị liên kết cam kết hợp tác trên tinh thần thiện chí và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình. Đây sẽ là một khung tham chiếu để các bên cùng tiến hành các công việc hợp tác và nghiên cứu khả thi tiếp theo của dự án đối với các lĩnh vực liên quan khác như đầu tư, tài chính, thương mại, pháp lý và các lĩnh vực khác.
Là một phần của PTLH, Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) được thành lập từ năm 2008 với tầm nhìn là nhà cung cấp dầu chất lượng, có giá cả hợp lý trên cả nước để nâng cao đời sống cho nhân dân. Đây là vấn đề tâm nguyện được đặt ra của người sáng lập công ty PTLH, xuất phát từ những trải nghiệm thực tế, việc tiếp cận nhiên liệu ở những vùng sâu vùng xa thường là một vấn đề khó khăn và gây ra thiệt hại nhiều về kinh tế.
PetroTrade được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Lào (LSX) vào năm 2014 nhằm thu hút các cổ đông là nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công ty đã viết nên một trang mới trong lịch sử Lào, là công ty trong nước đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu được niêm yết trên LSX.
Dự án hợp tác của hai công ty phù hợp với những cơ hội trong thời gian tới, khi mà cạnh tranh kinh tế sẽ trở nên khốc liệt hơn nhiều với các chính sách thực hiện trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và mức tiêu thụ năng lượng trong nước ngày càng tăng cùng với chủ trương đổi mới chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và biến Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm liên kết trong khu vực.
Đây là công ty xăng dầu tư nhân thứ hai tại Lào sở hữu các phòng thí nghiệm hiện đại để giám sát chất lượng dầu, được công nhận theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, ISO 14001: 2015 và OHSAS 18001: 2015. (Vientiane Times, ngày 25/4/2022)
Lào – Thụy Sỹ
Tổ chức Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ hỗ trợ Kế hoạch Phát triển KT-XH
và các mục tiêu tăng trưởng bền vững của Lào
Ngày 28/3/2022, Đối thoại Chính sách Khoa học, thuộc Dự án K4D (Kiến thức cho Phát triển) vừa được tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến tại thủ đô Vientiane với sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sthabandith Insisienmay, Phó chủ tịch Viện khoa học Kinh tế - Xã hội Kikeo Chanthaboury và Giám đốc Hợp tác Khu vực Mekong của Tổ chức Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ (SDC) Jean-François Cuénod. Các nội dung được thảo luận bao gồm: Nhu cầu tạo lập và áp dụng các bằng chứng khoa học trong lập kế hoạch và đưa ra quyết định trong phát triển bền vững cũng như những khó khăn, thách thức đi cùng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Jean-François Cuénod cho biết điểm xuất phát đầu tiên của các đóng góp mang tính khoa học cho việc lập kế hoạch và ra quyết định là có các số liệu tin cậy và kịp thời. Cho tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Lào đã triển khai thành công nhiều cuộc điều tra cấp toàn quốc trong một số lĩnh vực, trong đó phải kể đến các cuộc điều tra của Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Nông Lâm, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công Thương. SDC cũng đã hỗ trợ Lào chia sẻ và tích hợp số liệu từ các ngành, các cấp khác nhau để hình thành các nền tảng cho việc đưa ra các quyết định. Với dự án K4D, nhiều bên liên quan đã có được khả năng tiếp cận với các dữ liệu giá trị để phục vụ cho việc nghiên cứu cũng như định hướng cho các nỗ lực phát triển. SDC đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ việc áp dụng các số liệu nói trên trong nghiên cứu, phân tích và đặc biệt là trong chia sẻ giữa các ngành, lĩnh vực với nhau. Dưới sự quản lý của Viện Khoa học Kinh tế, xã hội, Dự án K4D đã tập hợp được nhiều nhà nghiên cứu từ các ngành, lĩnh vực, các viện nghiên cứu để xác định, phân tích và tổng hợp những ý kiến đề xuất kiến nghị cho nhiều vấn đề phát triển mang tính cấp bách mà Lào phải đối mặt trong thời gian qua.
Buổi Đối thoại chính sách khoa học của Dự án K4D ngày 28/3/2022 được coi là một mốc đánh dấu những tiến bộ đạt được trong tiến trình tiếp tục xây dựng và duy trì đối thoại giữa các nhà khoa học, nghiên cứu, phân tích số liệu với các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định.
SDC (đơn vị tài trợ cho dự án K4D) vừa cam kết sẽ hỗ trợ Lào trong việc hoàn thành Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội quốc gia và các Mục tiêu tăng trưởng bền vững thông qua việc cung cấp nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu về phát triển cho đất nước. SDC hy vọng việc đối thoại chính sách tới đây sẽ được thực hiện với ba chủ đề quan trọng có sự liên quan mật thiết, bao gồm: Hành lang Kinh tế Lào-Trung, đầu tư thương mại vào đất đai và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, cũng vẫn còn tồn tại nhiều việc quan trọng cần thực hiện trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các tiến trình nghiên cứu và lập kế hoạch, ra quyết định. (Vientiane Times, 29/3/2022)
Hợp tác Lào – Hàn Quốc
Lào – Hàn Quốc tìm giải pháp thu hút thêm khách du lịch Hàn Quốc đến Lào
Ngày 12/4/2022, Vientiane Times đưa tin, các đơn vị điều hành tour du lịch và các ngành nghề liên quan của Lào và Hàn Quốc thảo luận về các giải pháp đưa thêm khách du lịch Hàn Quốc đến Lào trong buổi hội thảo do Hiệp hội Du lịch Lào – Hàn Quốc tổ chức tại khách sạn Landmark Mekong Riverside, thủ đô Vientiane sau thành công của nhóm khách Hàn Quốc đầu tiên trong khuôn khổ Chương trình Du lịch Xanh. Các thành viên của Hiệp hội Hàn Quốc – Á châu và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc – Á châu cũng tham dự Hội nghị bằng hình thức trực tuyến.
Đại diện Hàn kiều tại 60 thành phố ở 22 quốc gia châu Á đã cùng thảo luận về phương hướng hợp tác, các cơ hội kinh doanh và kế hoạch thúc đẩy người Hàn du lịch tại Lào trong thời gian tới. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào – Hàn Quốc Sisouk Chitpasong cho biết, các công ty tour hiện nay có thể áp dụng các quy trình đơn giản hóa đối với việc đưa khách du lịch quốc tế đến Lào từ khi Chính phủ giảm dần các biện pháp hạn chế, mở cửa từng phần từ đầu năm 2022. Hiện nay, du khách chỉ cần cung cấp hoặc thực hiện xét nghiệm PCR tại cửa khẩu khi nhập cảnh vào Lào.
Từ ngày 2-9/4/2022, một nhóm 28 khách du lịch Hàn Quốc do Hiệp hội tổ chức đã đến thăm Lào, trở thành nhóm khách quốc tế đông nhất kể từ khi Lào triển khai chương trình du lịch xanh. Theo Bộ TT-VH-DL Lào, cho đến nay mới chỉ có 505 khách du lịch quốc tế đến Lào từ đầu năm 2022.
Ông Sisouk cảm ơn các cơ quan nhà nước đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội, khi cấp phép cho đoàn du khách chỉ trong một ngày, và rất kỳ vọng vào kế hoạch mà Bộ TT-VH-DL mới trình Chính phủ, trong đó đề xuất sẽ mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế vào đầu tháng 5/2022. Các điểm chính trong kế hoạch này gồm:
1. Cho phép du khách thực hiện test nhanh tại cửa khẩu và đợi không quá 2 giờ để có kết quả.
2. Hủy bỏ việc cách ly bắt buộc đối với du khách có kết quả xét nghiệm âm tính.
3. Cấp thị thực tại điểm đến và thị thực điện tử.
4. Cung cấp thông tin rõ ràng về bảo hiểm liên quan đến Covid-19.
Bộ TT-VH-DL kiến nghị sẽ tiếp tục mở cửa từng phần nếu kế hoạch này chưa được thông qua. Hội nghị cũng thảo luận về tình hình hậu Covid-19 và các chính sách về du lịch thời gian tới.
BẠN CẦN BIẾT
Thái Lan bắt đầu xuất khẩu trái cây qua Trung Quốc bằng tuyến đường sắt Lào – Trung
Ngày 29/3/2022, Vientiane Times đưa tin, trái cây Thái Lan đã lần đầu được xuất khẩu qua Trung Quốc bằng tuyến đường sắt Lào – Trung với khối lượng là 2 container, 40 tấn sầu riêng, và một container chứa 20 tấn dừa từ tỉnh Rayong, vùng Đông Nam Thái Lan vào ngày 27/3/2022.
Ông Somkiat Mansiripibul, Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt Kaocharoen, đơn vị vận hành tuyến đường sắt Lào – Trung trên địa phận Thái Lan cho biết, đường sắt hiện thời là phương thức vận chuyển nhanh nhất, với việc chỉ mất 4 đến 5 ngày để đưa hàng hóa từ Rayong đến Côn Minh, Trung Quốc. Các đơn vị liên quan đang nỗ lực để giảm thiểu các trở ngại, trong đó có các hạn chế do dịch Covid-19, và đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa, cũng như giảm chi phí vận tải hàng đi Trung Quốc.
Vào tháng 1/2022, chuyến tàu đầu tiên chở 1.000 tấn gạo Thái đã cập cảng Trung Quốc. Thái Lan rất kỳ vọng sẽ tận dụng tuyến đường sắt này để xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là hoa lan, cao su, khoai mì, dầu cọ cũng như thủy hải sản và thịt gia súc.
Không chỉ sang Trung Quốc, các doanh nghiệp của các nước Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar còn kỳ vọng có thể xuất – nhập khẩu hàng hóa đến các thị trường Trung Á, Trung Đông, Nga và cả châu Âu bằng tuyến đường sắt này.
Liên đoàn Lao động Lào cảnh báo: lương thấp sẽ gây thiếu hụt nhân công lao động
Ngày 31/03/2022, Vientiane Times đưa tin, Liên đoàn Lao động Lào vừa kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất hàng may mặc tăng lương tối thiểu cho công nhân từ 1,1 triệu Kíp lên 1,5 triệu Kíp/tháng trong năm nay, do lo ngại Lào sẽ phải đối mặt với việc thiếu lao động kỹ thuật nếu các công ty không chịu tăng lương, và công nhân sẽ trở lại Thái Lan để làm việc. Hầu hết số lao động kỹ thuật này có thể kiếm được lương cao hơn tại Thái Lan do mức lương tối thiểu ở đây cao hơn tại Lào.
Một lãnh đạo cấp cao Liên đoàn Lao động Lào xin giấu tên đã phát biểu với Vientiane Times rằng, việc công nhân lao động trở về từ Thái Lan do đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhu cầu tìm kiếm công việc tại Lào cao hơn. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ở Lào cao hơn và mức lương cơ bản không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Trong khi đó các chủ lao động ở Thái Lan hiện đang rất thiếu nhân công và sẵn sàng trả mức lương cao. Chính phủ Thái Lan hiện cũng đã nới lỏng các biện pháp thắt chặt do Covid-19 và người lao động di cư không có đủ giấy tờ cũng sẽ được đối xử một cách nhân đạo hơn.
“Nếu chúng ta không làm gì đó để thay đổi mức lương cho người Lào, có lẽ mọi người sẽ quay lại Thái Lan hết”, vị lãnh đạo giấu tên nói.
Hiện tại, các công ty tại Lào đang thiếu hụt nhân công lao động, tuy chưa có số liệu chính xác về việc này song có những lo ngại về việc thuê nhân công không có hợp đồng lao động chính thức và việc thiếu bảo trợ việc làm.
Theo số liệu của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, kể từ đầu đại dịch đã có 246.000 công nhân lao động trở về từ Thái Lan và phần lớn trong số đó không có việc làm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 01 năm 2022 khoảng 150.000 công nhân kỹ thuật đã quay trở lại Thái Lan để làm việc.
Một nam lao động tại Savanakhet cho biết, anh ta đã làm việc nhiều năm cho một nhà máy tại Thái Lan và mức lương anh ta kiếm được là 15.000 Baht/tháng (tương đương hơn 5 triệu Kíp). Số tiền này đủ để anh tiêu dùng và còn gửi một ít về nhà cho cha mẹ. Khi đại dịch ập đến, anh bị mất việc làm và quay trở về Savanakhet và tìm việc tại một công ty với mức lương khởi điểm là 1 triệu Kíp/tháng. Sau ba tháng, anh bỏ việc vì nhận được một cú điện thoại từ chủ lao động cũ bên Thái Lan đề nghị quay trở lại làm việc.
Cần tiếp tục cải cách để đẩy nhanh việc phát triển doanh nghiệp tại Lào
Ngày 01/04/2022, Vientiane Times đưa tin, theo một báo cáo chung giữa Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào, trong năm 2019 chi phí và thời gian cần thiết để một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đã giảm xuống so với năm 2017. Đây là một dấu diệu tích cực, sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp chính thức đăng ký hoạt động của mình. Báo cáo cho biết chi phí bình quân để hoàn thiện việc đăng ký kinh doanh trong năm 2019 là 1,9 triệu Kíp và thời gian trung bình là 19 ngày. Trong khi đó năm 2017 và 2018 thời gian trung bình cần cho một doanh nghiệp để có giấy phép hoạt động là 32 ngày và chi phí bình quân là 5 triệu Kíp. Báo cáo về Chỉ số Hỗ trợ Đầu tư và Thương mại cấp tỉnh (ProFIT) cũng cho thấy môi trường pháp lý cho phát triển doanh nghiệp đã được cải thiện trên tất cả các tỉnh của Lào.
Những phát hiện của báo cáo nói trên dựa trên một đợt khảo sát được thực hiện đối với 1.357 doanh nghiệp tại 17 tỉnh, thành của Lào. Một trong những phát hiện quan trọng mà báo cáo đưa ra đó là nhiều doanh nghiệp khi hoạt động đã phải trả phí không chính thức. Bình quân, phí này chiếm vào khoảng 5,6% số doanh thu của doanh nghiệp. Hơn hai phần ba doanh nghiệp báo cáo việc bị bắt buộc trả phí không chính thức và cũng cùng số lượng tương tự doanh nghiệp cho biết việc mặc cả mức thuế phải trả cho chính quyền là chuyện phổ biến. Báo cáo cũng cho biết, bắt đầu từ năm 2018 việc cải cách của Chính phủ đã giảm 1/3 chi phí và thời gian xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng đã phát hiện nhiều cách làm sai nguyên tắc như trả tiền riêng cho cán bộ phụ trách, báo cáo thấp hơn mức thu nhập của doanh nghiệp và khó tiếp cận được với các thông tin chính thức.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Lào, ông Sonomi Tanaka, cho rằng kể từ năm 2018 việc cải cách đã giúp chính quyền các tỉnh của Lào gỡ bỏ các rào cản trong phát triển doanh nghiệp và khuyến khích sự đa dạng kinh tế. Tuy nhiên cần tiếp tục thực hiện việc cải cách một cách hiệu quả, trên tinh thần chính trực nhằm thúc đẩy cơ hội kinh doanh và tạo công ăn việc làm, giúp Lào xây dựng được một nền kinh tế sản xuất có tính cạnh tranh nhiều hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào ông Oudet Souvannavong cho rằng để vượt qua những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 đưa ra sẽ đòi hỏi chính quyền trung ương và các địa phương sát cánh cùng khu vực tư nhân để thu hút thêm nhiều hơn đầu tư trong và ngoài nước. Ông cũng cho biết báo cáo ProFIT đã đưa ra phân tích chi tiết các điểm mạnh, yếu của môi trường và thủ tục kinh doanh ở các địa phương. Chính phủ cũng đã ghi nhận tầm quan trọng của việc đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh và nộp thuế trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội Quốc gia giai đoạn 2021-2025 của mình.
Chính phủ Lào cân nhắc mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài
Ngày 06/4/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đang cân nhắc mở cửa lại thị trường du lịch để đón du khách nước ngoài sau khi thử nghiệm giai đoạn I trong việc mở cửa từng phần cho từng nhóm du khách mục tiêu.
Bộ TT-VH-DL Lào vào thứ Hai đã có báo cáo kết quả cuộc họp gần đây về nội dung trên và trình Chính phủ xem xét, trong đó đề nghị Chính phủ cần cân nhắc mở cửa toàn bộ cho du khách nước ngoài bắt đầu từ đầu tháng 05/2022. Du khách khi đến Lào cần phải thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 và đợi lấy kết quả trong 2 giờ, thay vì như hiện nay phải đợi 2 ngày để có kết quả. Báo cáo cũng cho biết, các nước láng giềng của Lào đã áp dụng việc test nhanh này cho khách du lịch.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị bỏ quy định cách ly đối với du khách có kết quả test âm tính. Du khách chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ vẫn có thể du lịch đến Lào với điều kiện phải cách ly dưới 7 ngày sau khi nhập cảnh. Các cơ quan y tế được yêu cầu chuẩn bị nhân lực thực hiện test nhanh kháng nguyên và RT-PCR tại các cửa khẩu, cũng như các địa điểm lưu trú - chữa trị đối với người nhiễm Covid-19 khi nhập cảnh.
Báo cáo cũng đề nghị Chính phủ cho phép cấp visa điện tử và visa tại điểm đến để giúp du khách nhập cảnh vào Lào dễ dàng hơn. Quy trình cấp visa điện tử yêu cầu phải được cải tiến và đơn giản hóa khi thực hiện trên hệ thống tại website laogreenpass.gov.la nhằm giúp du khách dễ truy cập và thực hiện việc đăng ký nhập cảnh.
Đồng thời, các cơ quan tham dự cuộc họp cũng đề xuất phương án mở cửa từng phần giai đoạn II để Chính phủ xem xét trong trường hợp phương án mở cửa hoàn toàn trên chưa thể thực hiện do các yếu tố khách quan. Giai đoạn II này sẽ bao gồm 8 tỉnh thành với nhiều cửa khẩu hơn, và khách du lịch chưa tiêm vắc-xin cần phải cách ly không quá 14 ngày. Du khách cũng cần cung cấp kết quả test RT-PCR âm tính thực hiện trong vòng 72 tiếng trước khi nhập cảnh Lào.
Đại diện các cơ quan tham dự cuộc họp đề nghị nhấn mạnh việc cung cấp các thông tin rõ ràng liên quan đến việc mua bảo hiểm nhân thọ và Covid-19 để khách du lịch có thể mua một cách dễ dàng vì đây là một thủ tục bắt buộc để được nhập cảnh Lào. Các thủ tục nhập cảnh phức tạp, thời gian cách ly dài và quy trình mua bảo hiểm khó khăn là những yếu tố chính khiến cho du khách không muốn đến Lào. Kể từ đầu năm 2022, khi Chính phủ cho phép mở cửa đón khách, chỉ mới có 505 du khách đến Lào.
Kiến nghị mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch được đưa ra trong bối cảnh Lào vẫn đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới, với số ca mới hàng ngày nằm ở mức 1.000-2.000 ca, cao hơn nhiều so với khi dịch bùng phát ở giai đoạn trước đó khi các biện pháp đóng cửa hoàn toàn được thực hiện. Nhiều nước trong khu vực đã mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch để phục hồi nền kinh tế, cho dù biến chủng Omicron của virus Covid-19 vẫn còn hoành hành. Tuy nhiên, việc biến chủng này ít gây hại cho sức khỏe người nhiễm và đa số người dân đã được tiêm vắc-xin đầy đủ, Chính phủ các nước cũng có thể tự tin phục hồi ngành du lịch của mình.
Khởi động công tác nghiên cứu khả thi tuyến cao tốc Vientiane – Huaphan
Ngày 06/4/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, đại diện cho Chính phủ Lào đã ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu khả thi tuyến cao tốc nối thủ đô Vientiane và tỉnh Huaphan vào ngày 4/4/2022 với hai đơn vị phát triển dự án, công ty TNHH Nana Chin Sole và công ty TNHH Big Brother 456.
Cùng chứng kiến lễ ký kết có lãnh đạo Bộ Công chính và Vận tải, Sở Kế hoạch – Đầu tư thủ đô Vientiane, Sở Kế hoạch – Đầu tư của các tỉnh Xaysomboun, Xieng Khuang và Huaphan.
Công tác nghiên cứu khả thi dự án được tiến hành theo 3 giai đoạn, giai đoạn một từ Km21, quận Xaythani, thủ đô Vientiane đến huyện Anouvong, tỉnh Xaysomboun; giai đoạn hai từ huyện Anouvong đến huyện Paek, tỉnh Xieng Khuang; giai đoạn ba từ huyện Paek đến huyện Huameuang, tỉnh Huaphan. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao), khi hoàn thành sẽ góp phần biến Lào thành điểm kết nối trên bộ với các nước trong khu vực, và sẽ kết nối với tuyến cao tốc đang có kế hoạch xây dựng nối giữa thủ đô Vientiane và Hà Nội.
Hai đơn vị phát triển dự án cam kết sẽ thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo đúng tiến độ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và mang lại ích lợi cho nền kinh tế Lào.
Hành khách đi tàu hỏa đạt mức kỷ lục trong dịp Tết Năm mới của Lào
Ngày 18/4/2022, Vientiane Times đưa tin, lượng hành khách đi tàu hỏa trên tuyến đường sắt Lào – Trung đã đạt mức kỷ lục vào dịp Tết Năm mới của Lào, năm 2022, sau khi hai nhà ga tại huyện Kasi, tỉnh Vientiane và huyện Nga, tỉnh Oudomxay bắt đầu đi vào hoạt động.
Công ty Đường sắt Lào – Trung cho biết, một chuyến tàu tiêu chuẩnvới vận tốc tối đa 120km/h đã được đưa vào hoạt động vào ngày 13/4/2022, cùng với hai chuyến tàu cao tốc vận chuyển hành khách giữa Vientiane và Luang Prabang và hai chuyến giữa Vientiane và huyện Xay, tỉnh Oudomxay.
Kể từ lúc được đưa vào hoạt động, đoàn tàu có tên là Lane Xang đã được sử dụng thường xuyên, và số lượng cũng như khối lượng vận chuyển xuyên biên giới cũng tăng dần cả về hành khách và hàng hóa. Tính đến ngày 10/4, có 468 chuyến tàu cao tốc được thực hiện, với tổng số hành khánh đạt 244.400 lượt, với lượng khách ngày cao nhất lên đến là 3.160 người; 589 chuyến tàu xuyên biên giới với tổng khối lượng hàng hóa đạt 365.400 tấn hàng.
Hơn 100 loại hàng hóa đã được vận chuyển, bao gồm cao su, phân bón sinh học, hàng tiêu dùng thiết yếu, thiết bị điện, điện tử, thiết bị truyền thông, phương tiện vận chuyển, hàng dệt may, rau củ và hoa tươi.
Công ty Khai thác Vàng Quốc tế Wilaikul (Thái Lan) chuẩn bị triển khai 6 dự án
Ngày 21/4/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đã cho phép Công ty TNHH mỏ vàng quốc tế Wilaikul (Thái Lan) thực hiện nghiên cứu khả thi cho 6 dự án phát triển tại Lào. Biên bản ghi nhớ (MOU) về các nghiên cứu khả thi nói trên đã được ký vào hôm thứ Hai (ngày 18/4/2022) giữa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamchan Vongsenboun và Chủ tịch Công ty TNHH Mỏ vàng quốc tế Wilaikul, ông Wiengchai Wilaikul.
Các nghiên cứu sẽ được tiến hành nhằm đánh giá tính khả thi của 6 đề án được công ty đề xuất trong đó bao gồm một ngân hàng vàng, một nhà máy nấu chảy vàng, một dự án khảo sát khai thác vàng, một nhà máy điện mặt trời, một dự án trồng và chế biến dầu đậu nành và một nhà máy tái chế giấy phế liệu.
Theo Biên bản ghi nhớ này, Chính phủ Lào sẽ cho phép công ty thực hiện các nghiên cứu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày ký. Việc nghiên cứu sẽ xem xét các khía cạnh pháp lý của đầu tư, đánh giá diện tích xây dựng nhà máy và cân nhắc hình thức nhượng quyền trong dự án khai thác vàng.
Phát biểu tại lễ ký, ông Wiengchai cho biết, Biên bản ghi nhớ đã mở đường cho công ty đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, góp phần vào sự phát triển chung của Lào. Dự án trồng và chế biến đậu nành sẽ mang lại việc làm cho khoảng 200.000-300.000 người trên cả nước. Nhà máy chế biến được dự kiến sẽ thu mua khoảng 200 tấn đậu nành mỗi ngày từ người dân địa phương, ước tính khoảng 70.000-100.000 tấn một năm.
Ông Wiengchai cũng cho biết dự án chế biến dầu đậu nành sẽ gồm cả việc xây dựng các nhà máy sản xuất nhựa, hộp giấy, bao bì và thức ăn chăn nuôi được sản xuất từ bột đậu nành. Sản phẩm sẽ được bán bằng đồng Kíp để giúp nâng cao giá trị của đồng nội tệ. Máy móc sẽ chỉ được nhập khẩu từ Mỹ khi cần thiết.
Dự án được đề xuất sẽ giúp người dân địa phương trồng đậu nành để bán cho nhà máy chế biến dầu, bên cạnh đó việc canh tác đậu nành sẽ cải thiện chất lượng đất. Việc trồng đậu nành sẽ được áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ.
Công ty mỏ Phu Bia xây dựng đường giao thông thúc đẩy phát triển tại Xaysomboun
Ngày 25/4/2022, Vientiane Times đưa tin, người dân bản Nam Mo và các bản khác thuộc huyện Anouvong, tỉnh Xaysomboun sẽ được hưởng lợi từ con đường bê tông mới xây dựng do Công ty Khai thác mỏ Phu Bia (PBM) tài trợ toàn bộ, với tổng chi phí là 1.422.500 USD với chiều dài 2,728 km, rộng 6 mét chạy từ mỏ vàng, đồng Phu Kham đến bản Nam Mo.
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao cho chính quyền tỉnh Xaysomboun vào tuần trước, Giám đốc điều hành công ty PBM, ông Wen Fu Wang, cho biết tuyến đường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân sống trong khu vực với việc cải thiện khả năng kết nối giao thông, nhất là của bản Nam Mo với các bản xung quanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
PBM luôn hợp tác chặt chẽ với Chính quyền và các cộng đồng dân cư địa phương để phát triển và thực hiện các chương trình, dự án phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Ông Wen cho biết tuyến đường bê tông Bản Nam Mo là một tuyến đường xương sống quan trọng, kết nối mạng lưới đường bộ ở tỉnh Xaysomboun, cũng như tạo thêm một lựa chọn cho việc đi tỉnh XiengKhuang.
Bản Nam Mo gần với Khu khai thác đồng-vàng Phu Kham, là một trong những cộng đồng được Công ty Khai thác mỏ Phu Bia tài trợ, đây là nơi đã trực tiếp hưởng lợi từ một loạt các dự án phát triển cộng đồng quy mô nhỏ do Công ty khởi xướng từ năm 2008. Trước khi con đường mới được xây dựng, chính quyền địa phương đã yêu cầu Công ty Khai thác Phu Bia nâng cấp con đường ở Bản Nam Mo do thực trạng của tuyến này được đánh giá là không đảm bảo an toàn.
Năm 2020, Công ty đã tiến hành khảo sát để bắt đầu triển khai xây dựng mới con đường theo hai giai đoạn. Giai đoạn một từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, đã làm được 1,928 km. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 được triển khai vào quý II năm 2021 với việc xây dựng 800 mét đường còn lại.
Chủ tịch PBM Chanpheng Bounnaphol cho biết Công ty cam kết hỗ trợ lâu dài trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng ở tỉnh Xaysomboun. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2008, công ty PBM đã tiến hành một loạt các sáng kiến về hạ tầng đường bộ qua đó đã cải thiện đáng kể hiện trạng của cộng đồng. Con đường bê tông ở bản Nam Mo là minh chứng cho chương trình phát triển cộng đồng của Công ty PBM đã và đang tiếp tục được điều chỉnh theo chiến lược đường bộ của Chính phủ nhằm xây dựng một mạng lưới đường giao thông công cộng kết nối với nhau.
Dự lễ bàn giao tuyến đường có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Thipphakone Chanthavongsa, Lãnh đạo các Bộ: Năng lượng và Mỏ, Kế hoạch và Đầu tư, Công chính và Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh trưởng và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun, cùng các khách mời và người dân địa phương.
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trần Thanh Hải
Ban biên tập: Vương T.Xuân Thủy, Lê T.Phương Hoa, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm