Lạm phát tháng 12 vẫn tiếp tục cao mặc cho những nỗ lực kiểm soát của Chính phủ Lào
Ngày 29/12/2023, Vientiane Times đưa tin, tỷ lệ lạm phát ở Lào trung bình là 31,2% trong cả năm 2023 bất chấp nỗ lực của Chính phủ trong việc kìm chế và cố gắng kéo chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống một con số. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lào, mức lạm phát tháng 12 vẫn ở mức cao là 24,4%, giảm nhẹ từ mức 25,24% trong tháng 11. Đồng Kíp yếu được coi là một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát. Vào đầu tháng 12, đồng Kíp đã giảm lần lượt 20,8% và 22,7% giá trị (so với đồng USD) và đồng Baht Thái so với cùng kỳ năm 2022.
Năng lực sản xuất trong nước yếu, nhập khẩu cao đã làm tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, việc điều tiết giá tại thị trường trong nước không thành công, không kiểm soát được giá danh mục hàng hóa thiết yếu, giá ngày càng tăng cao. Vào tháng 12, mức tăng giá cao nhất được ghi nhận ở hạng mục khách sạn và nhà hàng, ở mức 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hạng mục khác thúc đẩy lạm phát bao gồm quần áo và giày dép (33,4% so với cùng kỳ năm ngoái), chăm sóc y tế và thuốc men (29,5%), hàng gia dụng (25,9%), rượu và thuốc lá (25,1%), thực phẩm và đồ uống không cồn ( 24%).
Đại diện Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) cho biết, mặc dù xuất khẩu và du lịch có xu hướng tăng trưởng nhưng Lào sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức do giá trị nhập khẩu cao và nợ nước ngoài lớn. BOL sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và tập trung ổn định giá trị đồng Kíp, được coi là yếu tố then chốt trong việc điều tiết giá cả hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống 9% vào năm 2024 và đảm bảo tăng trưởng tiền (M2) không vượt quá 25% so với năm 2023 như Quốc hội đã thông qua.
BOL cam kết sẽ nỗ lực điều tiết ngoại tệ và đảm bảo có thêm nguồn thu từ xuất khẩu và nhiều khoản đầu tư vào Lào thông qua hệ thống ngân hàng. Họ cho rằng nếu ngoại tệ được quản lý hợp lý và có hệ thống thì giá trị của đồng Kíp sẽ ổn định và giúp giảm tỷ lệ lạm phát ở Lào.
Tại cuộc họp mở rộng của Chính phủ từ ngày 26-27/12 vừa qua, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã chỉ đạo các ngành liên quan hiện đại hóa hệ thống thu ngân sách, tạo ra các nguồn thu mới và giảm thiểu thất thoát tài chính. Các ngành liên quan cũng cần chú trọng hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu và góp phần phục vụ xuất khẩu.
Năm 2024, Lào tập trung vào du lịch và cải thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng
Ngày 27/12/2023, Laotian Times đưa tin, sắp kết thúc năm 2023, Lào tiếp tục phải đối mặt với những thách thức kinh tế do lạm phát tăng cao, khan hiếm lao động và thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng. Để đối phó các khó khăn này, Chính phủ Lào đã khởi động chiến dịch Năm Du lịch Lào 2024, coi du lịch là chiến lược then chốt nhằm vượt qua những trở ngại kinh tế và đặt nền móng cho thành công của năm Chủ tịch ASEAN 2024.
Chính phủ Lào đã chính thức công bố khởi động chiến dịch vào tháng 01/2024 với các nỗ lực cải thiện tình trạng giao thông công cộng, cải tiến dịch vụ hành khách tuyến Đường sắt Lào-Trung, hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và sân bay, khôi phục các đoạn đường cao tốc bị hư hại do thiên tai và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực lưu trú.
Theo báo cáo Đánh giá năng lực logistics (LCA), chỉ có 28% đường giao thông tại Lào được trải nhựa và có đến hơn 60% đường quốc lộ được coi là ở tình trạng kém hoặc xấu. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Lào có kế hoạch nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và tăng số lượng trạm cân tải trọng. Hiện tại, chỉ có 14 trạm cân đang hoạt động trên cả nước. Những nỗ lực này nhằm mục đích hạn chế sự xuống cấp của hệ thống giao thông bộ gây ảnh hưởng xấu đến du lịch trong Năm Du lịch Lào 2024.
Một thách thức khác của ngành kinh tế Lào là tình trạng thiếu lao động. Năm nay, một số lượng đáng kể người lao động Lào đã chọn tìm kiếm việc làm ở nước ngoài để có mức lương cao hơn, chủ yếu là do đồng Kíp Lào liên tục mất giá, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Chính phủ ở Lào đang nỗ lực tìm các giải pháp, trước mắt, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện, tìm các cơ hội việc làm tạm thời cho người lao động ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản, thông qua các kênh và chương trình hợp pháp.
Mặc dù rất nỗ lực, Lào vẫn tiếp tục vật lộn với tình trạng bất ổn kinh tế và thâm hụt thương mại cao. Số liệu từ Cổng Thương mại Lào cho biết, trong tháng 11, Lào có tổng kim ngạch thương mại đạt 986 triệu USD, trong đó nhập khẩu 625 triệu USD và xuất khẩu 361 triệu USD, dẫn đến thâm hụt thương mại khoảng 264 triệu USD.
Tháng 9/2024, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Lào vào năm 2023 giảm xuống 3,7% so với dự báo trước đó là 4%. Tuy vậy, Lào đã đạt được thành công đáng kể trong việc kiềm chế tỷ lệ lạm phát.
Để kìm chế lạm phát, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã đặt ra mục tiêu đưa lạm phát xuống 9% hoặc mức một con số vào cuối năm 2024. BOL sẽ tăng cường thực thi chính sách tiền tệ, tăng cung tiền, quản lý dòng tiền từ xuất khẩu vào hệ thống ngân hàng và điều phối tỷ giá hối đoái theo cơ chế thị trường. Áp dụng cơ chế trao đổi ngoại tệ linh hoạt và nâng cao chất lượng dịch vụ của các ngân hàng thương mại.
Năm 2024, Lào tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Năm Du lịch Lào 2024 đang được nỗ lực triển khai trên cả nước để chuẩn bị tiếp đón các cuộc gặp cấp cao và lượng khách du lịch nước ngoài tới Lào.
Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Tài chính sử dụng thặng dư ngân sách một cách hiệu quả
Ngày 21/12/2023, Vientiane Times đưa tin, tại cuộc họp tổng kết công tác tài chính năm 2023 và kế hoạch năm 2024 được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, thủ đô Vientiane, với sự tham dự của các Bộ trưởng, thứ trưởng, tỉnh trưởng và ban ngành trên cả nước, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã yêu cầu Bộ Tài chính sử dụng khoản vượt thu ngân sách để thanh toán nợ công và bù thêm thu nhập cho công chức.
Chủ tịch nước nhấn mạnh nhu cầu sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm và hiệu quả, tập trung giải quyết hai vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là nợ công và điều kiện sống khó khăn của các công chức nhà nước. Ông đề nghị, có thể cơ cấu 50% số vượt thu địa phương và các tổ chức tài chính khác, 25% dành cho nợ công và 25% để cải thiện thu nhập công chức. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Tài chính cần quan tâm giải quyết các vấn đề khác như hiện đại hóa hệ thống thu ngân sách, bịt lỗ hổng tài chính, tăng thu ngân sách, siết chặt chi tiêu, công tác xử lý nợ gắn liền với chiến lược và kế hoạch trung hạn; xây dựng nguồn dự trữ ngoại tệ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách năm 2023 đã vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, đạt mức 38.530 tỷ Kíp (đạt 100.21% kế hoạch), trong đó nguồn thu nội địa đạt 37.241 tỷ Kíp, đạt 106.71% kế hoạch năm. Ngành tài chính hiện đang sử dụng các phương thức điện tử để thu thuế nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả so với các phương thức cũ. Các doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện các giao dịch tài chính thông qua hệ thống ngân hàng. Công tác thu thuế và đóng phí hải quan cũng được thực hiện số hóa.
Mặc dù thu ngân sách Chính phủ có tiến triển tốt tuy nhiên do tỷ lệ nợ công cao, ngân sách chi cho giáo dục và y tế lại bị cắt giảm từ 4,9% GDP năm 2013 xuống còn 2,3% của năm 2023. Kế hoạch thu ngân sách của Chính phủ Lào năm 2024 là 50.107 tỷ Kíp, tăng 30,32% so với năm 2023 và tương ứng 17,06% GDP, đến từ các nguồn thu nội địa, hải quan, thuế, phí từ tài sản và các doanh nghiệp nhà nước.
Ngành năng lượng, mỏ điểm lại thành tựu năm 2023 và lên kế hoạch năm 2024
Ngày 21/12/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Vientiane, Bộ Năng lượng và Mỏ tổ chức hội nghị tổng kết kết quả thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng và khai thác mỏ năm 2023 và kế hoạch năm 2024 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và mỏ Phoxay Sayasone. Tham dự có các quan chức ngành năng lượng và mỏ từ cấp trung ương đến địa phương.
Cuộc họp đã điểm lại những thành tựu, thách thức, cơ hội và giải pháp trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển năng lượng và khai thác khoáng sản trong năm qua, đồng thời nêu ra những trọng tâm công việc trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cuộc họp cũng xem xét những nỗ lực để hoàn thành hai chương trình nghị sự quốc gia liên quan đến lĩnh vực năng lượng và khai thác mỏ. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất ngành năng lượng và mỏ đã đạt 89.892 tỷ Kíp, dựa trên những thành tựu vừa đạt được, đặt kỳ vọng vào sự thành công của kế hoạch phát triển năm 2024.
Khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Phoxay Sayasone đã đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương và nỗ lực của đội ngũ Đảng viên, cán bộ, công chức ngành năng lượng, khai khoáng đã đạt được những thành tựu to lớn trong năm 2023, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ IX của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 và thực hiện hai chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế và tài chính của đất nước, ngành năng lượng và khai thác mỏ ghi nhận giá trị sản xuất là 89.892 tỷ Kíp, tăng 27% so với năm ngoái (70.917 tỷ Kíp), trong đó Ngành điện tạo ra 58.285 tỷ Kíp, tăng 29% và ngành khai thác mỏ tạo ra 31.607 tỷ Kíp, tăng 22% so với năm ngoái; năm nhà máy phát điện đã hoàn thành và đi vào hoạt động, trong đó bao gồm Nhà máy thủy điện Namhoung với công suất lắp đặt 15MW và 4 dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt 17MW, cùng đường dây truyền tải có tổng chiều dài 67.643 km với 108 trạm điện; đã cấp giấy phép khảo sát, thăm dò khoáng sản cho 151 công ty và 165 doanh nghiệp, công ty đã được Chính phủ cấp giấy phép chế biến khoáng sản. Hiện tại, có 93 công ty khai thác và chế biến, với một số dự án thí điểm đang hoạt động diễn ra tại 772 địa điểm được xác định trên bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000 và 1/50.000.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho rằng, qua kết quả thanh tra, gần 70 trong số hơn 90 công ty, hơn 37.678 ha đất đã được cấp phép cho các hoạt động khai thác thí điểm được Chính phủ phê duyệt thực hiện trong hai năm rưỡi qua đã tỏ ra không hiệu quả, chỉ có 5 hoặc 6 trong số hơn 90 công ty nói trên là hoạt động tốt; các hoạt động khai thác thí điểm đã gây ra rất nhiều vấn đề và tổn hại cho đất nước, lợi ích mang lại không đáng kể, mặc dù kế hoạch khai thác thí điểm được triển khai nhằm tạo nguồn thu mới theo chương trình nghị sự quốc gia 2021-2023 để giải quyết những khó khăn về tài chính và kinh tế. Bên cạnh việc các dự án khai thác thí điểm được quản lý kém, một số công ty khai thác khoáng sản không sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng và không thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã ký với chính phủ. Việc khai thác khoáng sản trái phép cũng xảy ra do sự giám sát và quản lý kém.
Thủ tướng chỉ đạo các ngành liên quan rà soát hoạt động khai thác mỏ, sử dụng bài học kinh nghiệm từ trước đây để cải thiện công tác quản lý và phối hợp giữa các ngành chức năng cũng như các lĩnh vực liên quan. Thủ tướng cho rằng các dự án khai thác khoáng sản cần tính đến vấn đề môi trường, giá trị dự án và nhu cầu thị trường, đồng thời phải chế biến khoáng sản trước khi xuất khẩu thay vì xuất khẩu thô. (Vientiane Times, ngày 22,26/12/2023)
Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến nông dân
Ngày 28/12/2023, Vientiane Times đưa tin, việc đồng Kíp tiếp tục mất giá đã và đang có tác động rất lớn đối với nông dân Lào, những người đang phải hứng chịu chi phí sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao do giá phân bón, hạt giống và xăng dầu cần thiết cho máy móc nông nghiệp và vận tải luôn tăng mạnh. Đây là chủ đề quan tâm đầu tiên trong cuộc họp thường niên của Mạng lưới Nông dân Lào, được tổ chức tại tỉnh Xieng Khuang vào tuần trước. Đại diện Mạng lưới cho biết lạm phát đã khiến giá thành sản xuất nông nghiệp tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, điều đó có nghĩa người nông dân đang phải gồng gánh áp lực rất lớn cho các chi phí vốn cơ bản.
Cuộc họp diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Hợp tác xã tỉnh Xieng Khuang, ông Viengsavai Sengsoulivong, Phó Giám đốc Sở Nông Lâm tỉnh Xieng Khuang, ông Hongthong Phimmasan và Chủ tịch Mạng lưới Nông dân Lào, ông Khammoun Xaymany. Tham gia cuộc họp có đại diện của các cơ quan Chính phủ, các đối tác phát triển: Đơn vị Tư vấn Nông thôn vùng cao Lào, Dự án Tăng cường Năng lực Thương mại, ASSET, Dự án Hệ sinh thái nông nghiệp và Chuyển đổi hệ thống thực phẩm an toàn, Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế, Liên minh Châu Âu và đại diện của 45 nhóm nông dân từ 10 tỉnh, bao gồm các nhóm sản xuất cà phê và thành viên của các mạng lưới chè, rau và nông nghiệp.
Tại Cuộc họp, các đại biểu đã nghe các báo cáo về hoạt động năm 2023 của Mạng lưới nông dân quốc gia và các mạng lưới khác, cũng như kế hoạch cho năm 2024. Chủ tịch Mạng lưới Nông dân Lào Khammoun cho biết, Mạng lưới đã mở rộng và hiện bao gồm 177 nhóm trên khắp cả nước, trong đó có 70 nhóm đang được Mạng lưới hỗ trợ. Theo ông Khammoun Mạng lưới sẽ cải thiện hệ thống sản xuất nông nghiệp bằng cách hợp tác với các đối tác để thúc đẩy việc canh tác vườn rau nhằm cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng địa phương. Mạng lưới cũng có kế hoạch mở rộng số lượng thành viên và khuyến khích người nông dân canh tác trên cơ sở thương mại. Mạng lưới cũng có kế hoạch giúp các thành viên tìm kiếm thị trường cũng như chuyển giao lợi ích của hệ thống phúc lợi xã hội cho tất cả nông dân trên cả nước.
Nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng tăng
Ngày 26/12/2023, Vientiane Times đưa tin, theo số liệu báo cáo tại cuộc họp thường niên của ngành năng lượng và khai thác mỏ vào tuần trước nhằm thảo luận về kết quả đạt được của ngành trong năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Sự phổ biến của xe điện ngày càng tăng ở Lào, với số lượng xe bán ra đến nay đạt 4.631 chiếc, bao gồm 2.592 ô tô và 2.039 xe máy. Có 18 nhà khai thác trạm sạc, với 41 điểm sạc hiện có trên cả nước.
Việc mở rộng sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực viễn thông và giao thông là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển ngành năng lượng và mỏ 5 năm lần thứ 9 của Chính phủ giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch phát triển ngành giai đoạn năm 2021-2025, chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tháng 5/2020, được cụ thể hóa bằng Chiến lược phát triển ngành, chính sách sử dụng xe điện thông qua tháng 10/2021.
Thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch cũng là một phần trong chiến lược của Chính phủ nhằm giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế và tài chính. Để thúc đẩy việc sử dụng xe điện, Bộ Năng lượng và Mỏ đang hợp tác với các ngành liên quan để đưa ra các quy định về thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật xe điện và quản lý trạm sạc. Chính phủ đang khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng các phương tiện chạy bằng điện nhằm giảm nhu cầu nhiên liệu nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng tốt hơn.
Lào có tiềm năng sản xuất điện rất lớn, điều này sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện trên cả nước. Năm 2022, số lượng xe điện được ghi nhận là 3.201 chiếc, bao gồm 1.428 ô tô và 1.773 xe máy, được lắp đặt 20 trạm sạc. Năm nay, nhập khẩu 3.895 xe điện, trong đó có 1.773 xe máy.
Chính phủ đang tích cực khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch trong giao thông vận tải, nhằm hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch hành động trong lĩnh vực này vào năm 2025.
Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các dự án khai thác mỏ
Từ ngày 26-27/12/2023, tại cuộc họp Chính phủ mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Lào đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại hiệu quả của tất cả các dự án khai thác mỏ đã được phê duyệt.
Các đại biểu tham gia cuộc họp cũng nhất trí cho rằng giải pháp cho các dự án khai thác kém hiệu quả nêu trên cần phải được trình lên Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ vào tháng 01/2024. Thủ tướng cũng chỉ đạo cần có các hành động quyết liệt để giải quyết những khó khăn kinh tế và tài chính của đất nước bằng các biện pháp đã được Chính phủ phê duyệt nhằm ổn định tỷ giá hối đoái, nạn lạm phát tăng vọt và nợ nước ngoài ở mức cao. Các ngành hữu trách liên quan đến giám sát khai thác cần chú trọng hơn vào việc tăng nguồn thu quốc gia bằng cách hiện đại hóa hệ thống thu ngân sách tại các cửa khẩu biên giới và thu phí dịch vụ nhà nước.
Chính phủ chú trọng vấn đề cấp thiết là tạo ra được các nguồn thu ngân sách mới đồng thời giảm thiểu thất thoát về tài chính. Về chi ngân sách, ưu tiên cho việc trả lương cho cán bộ nhà nước, trả nợ và chi các chi phí liên quan đến việc Lào giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Những dự án không thiết yếu sẽ phải tạm dừng. Chính phủ nhấn mạnh cần thiết phải đẩy nhanh việc phát triển các dự án điện gió và đường dây truyền tải điện để khắc phục tình trạng thiếu năng lượng ở một số vùng trên đất nước. Một trong những vấn đề quan trọng nhất được nêu ra tại hội nghị là vấn đề cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Các thành viên nội các nhất trí cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra các dự án đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt. Những dự án hoạt động không đảm bảo tiến độ hoặc tiến độ chậm sẽ bị cảnh cáo, thậm chí bị thu hồi giấy phép. Các ngành liên quan cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước để thay thế việc nhập khẩu những mặt hàng mà Lào có thể sản xuất, phục vụ cho tiêu dùng trong nước. (Vientiane Times, ngày 28/12/2023)
Bộ Năng lượng và Mỏ tìm giải pháp cải thiện quản lý dự án quặng sắt và đất hiếm tại Lào
Ngày 05/12/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Sayasone chủ trì cuộc họp tham vấn để xem xét các biện pháp cải thiện việc quản lý các dự án quặng sắt và đất hiếm theo chủ trương của Chính phủ và phù hợp với chiến lược phát triển khoáng sản.
Tại Cuộc họp, Bộ Năng lượng và Mỏ tập trung vào nghiên cứu và thống nhất về các phương án cải thiện quy hoạch, cấp phép và quản lý mỏ để tuân thủ kế hoạch phát triển năng lượng và khai thác mỏ cho giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2040 và Chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2030 được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2023.
Chính phủ Lào đã có chính sách thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư phát triển quặng sắt và khoáng sản quý hiếm để giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế và tài chính của đất nước hiện nay. Cho đến nay, Chính phủ đã chấp thuận cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào 505 dự án của 382 công ty trong lĩnh vực khai khoáng.
Tổng cộng có 37 công ty đang tham gia vào các dự án thăm dò và chế biến quặng sắt thử nghiệm trên diện tích 11.959 ha tại 8 tỉnh Huaphan, Xieng Khuang, Xaysomboun, Khammuan, Savannakhet, Luang Prabang, Xayaboury và Vientiane. Hai công ty đã xuất khẩu 60.000 tấn quặng sắt vào năm 2021, trong khi 13 công ty xuất khẩu 795.661 tấn quặng sắt vào năm 2022. Năm 2023, 15 công ty đã xuất khẩu 1.529.100 tấn quặng sắt. Các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với tổng trị giá 180,1 triệu USD và hàng tỷ Kíp vào ngân sách nhà nước Lào.
Tình hình kim ngạch Việt Nam-Lào 11 tháng đầu năm 2023
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào luỹ kế hết tháng 11 năm 2023 đạt gần 1,5 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể như sau:
Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 484,9 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 42.5 triệu USD, tăng 23.4%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 38.7 triệu USD, giảm 29.5%); Sắt thép các loại (đạt 34.4 triệu USD, giảm 39.1%); Sản phẩm từ sắt thép (đạt 34.2 triệu USD, giảm 14%); Hàng rau quả (đạt 24.2 triệu USD, giảm 57.4%); Phân bón các loại (đạt 17.4 triệu USD, giảm 44%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 13.9 triệu USD, giảm 8.7%); Sản phẩm gốm, sứ (đạt 13 triệu USD, tăng 32.2%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 12.4 triệu USD, giảm 16.7%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (đạt 8.4 triệu USD, tăng 21.9%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 8.1 triệu USD, tăng 4%); Hàng dệt, may (đạt 7.3 triệu USD, giảm 27.5%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 5.8 triệu USD, tăng 7.3%); Sản phẩm hóa chất (đạt 4.5 triệu USD, tăng 35.6%); Clanhke và xi măng (đạt 3.8 triệu USD, tăng 29.8%); Kim loại thường khác và sản phẩm (đạt 3.6 triệu USD, giảm 26%); Cà phê (đạt 890.9 nghìn USD, tăng 3.1%).
Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 977,1 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Cao su (đạt 162.2 triệu USD, giảm 24.6%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 90.6 triệu USD, giảm 29.6%); Phân bón các loại (đạt 87.4 triệu USD, tăng 3.2%); Ngô (đạt 28.5 triệu USD, tăng 7.6%); Hàng rau quả (đạt 6.6 triệu USD, tăng 22.9%); Kim loại thường khác (đạt 724.5 nghìn USD, tăng 475%). (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Việt Nam - Lào tăng cường hợp tác mua bán than
Ngày 09/12/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các bên đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục nhập khẩu điện, than và xây dựng mới đường băng tải than từ Lào về Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than. Ông cho rằng nhập khẩu điện, than từ Lào không chỉ giúp thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước mà còn hoàn thành mục tiêu kép là đảm bảo an ninh, quốc phòng và cung cấp năng lượng cho nền kinh tế.
Về kế hoạch nhập khẩu, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tổng công ty Đông Bắc khẩn trương đàm phán với phía Lào để ký hợp đồng nhập khẩu, cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất cơ chế cụ thể về nhập khẩu than, đặc biệt là than từ Lào theo hiệp định liên chính phủ giữa hai nước để trình Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hai tổng công ty này cũng được giao tìm các giải pháp để nâng cao năng lực vận chuyển than về Việt Nam cũng như ký kết các hợp đồng nguyên tắc với đối tác Lào về đầu ra sản phẩm ngay sau khi thỏa thuận được thông qua. (KPL, 11/12/2023)
Việt Nam đẩy mạnh mua điện gió từ Lào
Ngày 21/12/2023, Vientiane Times trích dẫn từ báo chí Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ đẩy mạnh mua điện gió từ Lào để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện tại khu vực phía Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách cung điện trong giai đoạn 2024-2030, đặc biệt trong mùa hè khi mực nước tại các hồ thủy điện hạ thấp.
Giá điện gió tối đa của Lào hiện này là 6.95 cent/kwh, áp dụng đối với các nhà máy hoạt động từ cuối năm 2025, có tính cạnh tranh hơn so với mức giá 8,5 cent của các nhà máy trong đất liền và 9,5 cent của các nhà máy ngoài khơi, đã hoạt động từ trước tháng 11/2021 của Việt Nam. Tổng công suất các trang trại điện gió tại Lào dự kiến sẽ bán cho Việt Nam là khoảng 4.000MW.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, mức thiếu hụt điện của Việt Nam hiện nay ở mức 10 tỷ Kwh năm 2022, và có thể tăng đến 15 tỷ Kwh trong năm nay. Ngành điện Việt Nam dự kiến sẽ mua ít nhất 3.000 MW điện từ Lào vào năm 2025, và tăng lên đến 5.000 MW năm 2030. Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các nhà máy thủy điện của Lào đã ký hợp đồng bán điện sang Việt Nam chỉ có thể bắt đầu phát điện từ sau năm 2025, do đó các nguồn điện thay thế sẽ rất cần thiết trong hai năm tới. EVN đã đề nghị Chính phủ cho phép lắp đặt thêm nhiều trạm biến áp để tăng lượng điện nhập khẩu từ Lào. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng điện Việt Nam nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc đã chiếm 1,5% tổng nguồn cung điện cả nước.
Tháng 11/2023 vừa qua, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã dự lễ khánh thành tua-bin điện gió đầu tiên của dự án Monsoon có tổng công suất 600MW tại huyện Dakcheung, tỉnh Xekong, là dự án điện gió lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng chi phí xây dựng khoảng 900 triệu USD, với khách hàng chính là Việt Nam. Dự án này có 133 tua-bin điện gió, được kỳ vọng sẽ hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2025 trên tổng diện tích 1.000 héc-ta, trải rộng trên 25 bản tại hai tỉnh Xekong và Attapeu.
Lào - Trung Quốc
Lào - Trung Quốc hợp tác phát triển du lịch
Ngày 11/12/2023, Vientiane Times đưa tin, các cơ quan chức năng Lào đã đề nghị phía Trung Quốc quảng bá Năm Du lịch Lào 2024 thông qua các kênh truyền thông của nước này để đảm bảo người dân Trung Quốc có đầy đủ thông tin về Lào, đặc biệt khi khách du lịch Trung Quốc là đối tượng quan trọng và là một trong những nguồn khách du lịch chính của Lào. Đề xuất này được đưa ra tại cuộc họp tổ chức tại thủ đô Vientiane vào tuần trước nhằm quảng bá du lịch Lào-Trung Quốc và chia sẻ thông tin về du lịch hai nước, nằm trong các hoạt động trong kế hoạch diễn đàn hợp tác Lào-Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cục trưởng Cục Tiếp thị Du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Khom Douangchantha cho biết ngày càng có nhiều khách du lịch Trung Quốc đến thăm Lào mỗi năm với khả năng tiêu dùng cao. Ông đề nghị các đơn vị tổ chức du lịch Trung Quốc xây dựng các chương trình du lịch Lào để giúp người dân Trung Quốc dễ dàng đến thăm Lào và góp phần thành công cho Năm Du lịch Lào 2024.
Hiện nay, hai Bộ quản lý du lịch hai nước đã cùng triển khai tăng cường hợp tác và tạo điều kiện cho du khách Trung Quốc đến thăm Lào. Việc mở tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đã giúp nhiều người Trung Quốc có thể đến thăm Lào, người Lào có thể đi du lịch Trung Quốc và người dân từ các nước khác đến thăm cả Lào và Trung Quốc. Đối với hàng không, Lao Airlines và China Eastern Airlines cung cấp các chuyến bay giữa Vientiane và Quảng Châu, Côn Minh và các đường bay khác giữa hai nước.
Để phục vụ khách du lịch Trung Quốc, Chính phủ Lào đang khuyến khích các bên liên quan cải thiện nơi lưu trú, ăn uống, các địa điểm, sản phẩm du lịch, phương tiện giao thông và cơ sở chăm sóc y tế để cải thiện chất lượng, đảm bảo an toàn và sự hài lòng của du khách.
Năm Du lịch Lào 2024 là một chiến dịch xúc tiến nhằm quảng bá nhiều địa điểm du lịch Lào và khuyến khích người dân trong và ngoài nước đi du lịch và tìm hiểu về đất nước Lào. Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch và các tỉnh trên cả nước đã chuẩn bị nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch đa dạng để thu hút người dân trong và ngoài khu vực, trong đó có Trung Quốc. 79 sự kiện đã được mô tả trong lịch trình du lịch cả năm, trong đó có 14 sự kiện cấp quốc gia và 65 sự kiện địa phương. Chiến dịch du lịch này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế trực tiếp và gián tiếp cho Lào và mang lại lợi ích cho các bên liên quan, đặc biệt là ngành du lịch. Chính phủ Lào hy vọng sẽ thu hút 2,7 triệu du khách nước ngoài với doanh thu 401 triệu USD từ chiến dịch này.
Lào và tỉnh Vân Nam cần tăng cường kết nối đường cao tốc, thương mại và đầu tư
Ngày 15/12/2023, Vientiane Times đưa tin, các lãnh đạo cấp cao của Lào và tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã thúc đẩy mở rộng tuyến đường cao tốc kết nối hai bên cũng như mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư thông qua các lĩnh vực tiềm năng.
Trong buổi chào xã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Wang Hao đã kêu gọi lãnh đạo Lào và các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy các dự án hợp tác, trong đó có đường cao tốc nối thủ đô Vientiane với biên giới Trung Quốc, qua đó đến tỉnh Vân Nam. Ông Wang đề cập đến Giai đoạn II của việc xây dựng đường cao tốc Vientiane - Vang Vieng, tiếp tục triển khai đoạn từ Vang Vieng đến biên giới Lào - Trung.
Về phía Lào, Bộ trưởng Malaythong đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật giúp Lào xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển và quản lý thương mại điện tử cũng như phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Nhấn mạnh rằng Lào và Vân Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong thương mại biên giới, ông Malaythong đề nghị Vân Nam tiếp tục hỗ trợ Lào xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển thương mại biên giới, tổ chức các chương trình trao đổi kinh nghiệm cho lãnh đạo cơ quan nhà nước Lào tại Vân Nam để tìm hiểu về thúc đẩy và quản lý thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, nguồn thu cũng như các cơ chế phối hợp.
Ông Malaythong cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Lào trong nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp này cải thiện chất lượng sản phẩm và giúp họ tiếp cận nguồn tài chính cũng như phương thức đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ trưởng còn đề nghị tăng cường hợp tác phát triển nền tảng thương mại điện tử, hệ thống logistics và trao đổi về các quy định, luật liên quan đến thương mại và đầu tư.
Lào và tỉnh Vân Nam (phía bắc Lào và là cửa ngõ quan trọng giữa Trung Quốc, Lào và phần còn lại của Đông Nam Á) đạt kim ngạch thương mại hai chiều với tổng trị giá 1,74 tỷ USD vào năm 2022, tăng 33,7% so với năm 2021. Đến nay, đã có 297 công ty tỉnh Vân Nam đầu tư vào Lào, với tổng giá trị đầu tư là 4,24 tỷ USD. Các dự án lớn khác phản ánh sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên bao gồm Khu kinh tế biên giới Boten-Mohan, đường cao tốc Vientiane - Vangvieng và Khu phát triển Saysettha Vientiane.
Để thúc đẩy thương mại giữa Lào và tỉnh Vân Nam trong những năm tới, ông Wang Hao đề nghị mở rộng các lĩnh vực trao đổi thương mại bao gồm xuất khẩu thêm gia súc từ Lào sang Trung Quốc cũng như nâng cấp cửa khẩu biên giới Boten-Mohan để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường vận chuyển thương mại xuyên biên giới hơn nữa.
Tập đoàn Khoa học Đường sắt Trung Quốc cung cấp, lắp đặt hệ thống thu phí tự động cho tuyến xe buýt mới tại Vientiane
Tập đoàn Khoa học Đường sắt Trung Quốc (một doanh nghiệp tư vấn theo hình thức công ty TNHH tại Bắc Kinh, Trung Quốc), thường được biết đến dưới tên gọi CARS, sẽ cung cấp và lắp đặt Hệ thống thu phí tự động cho Dự án Giao thông Đô thị Bền vững Vientiane. Hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống đã được ký kết tại Vientiane vào ngày 7/12/2023 giữa Cục trưởng Cục Giao thông Vận tải, Bộ Công chính và Vận tải, Tiến sĩ Bounta Onenavong và đại diện tập đoàn CARS, ông Gui Chenhuan. Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Ngampasong Muongmany và Phó đô trưởng Vientiane, ông Phouvong Vongkhamsao.
Thỏa thuận được ký kết bao gồm cung cấp thiết bị và hệ thống gồm 130 máy kiểm tra vé tự động và bộ thiết bị hoàn chỉnh đi cùng; 50.000 thẻ nạp tiền xe buýt tự động; 10 máy kiểm tra vé (dạng cầm tay và GMS); hệ thống dự phòng và khắc phục sự cố với cơ sở dữ liệu tại Lào; thời hạn bảo hành một năm đối với phần cứng và năm năm đối với phần mềm của nhà cung cấp. Hợp đồng cũng bao gồm việc cung cấp đào tạo miễn phí và hỗ trợ kỹ thuật trong vòng hai năm và một số hạng mục khác.
Phát biểu tại lễ ký, đại diện Dự án Giao thông đô thị bền vững Vientiane cho biết hệ thống xe buýt BRT sẽ sử dụng công nghệ thu phí nhanh qua thẻ trả trước, không dùng tiền mặt. Thẻ thông minh cho xe buýt sẽ có sẵn tại trạm chính của xe buýt BRT. Hành khách cũng có thể nạp thẻ trực tuyến hoặc tại các cửa hàng bán lẻ cũng như tại các ga BRT. Việc lắp đặt và thử nghiệm sẽ diễn ra 11 tháng sau khi ký hợp đồng.
Được thành lập vào năm 1950, Tập đoàn Khoa học Đường sắt Trung Quốc (CARS) là cơ quan nghiên cứu đường sắt đầu tiên của Trung Quốc, đã tham gia và cùng song hành với toàn bộ quá trình phát triển của đường sắt Trung Quốc. Là một công ty con thuộc 100% sở hữu của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (China railway - CR), CARS cũng thể hiện sức mạnh chiến lược của CR trong đổi mới khoa học và công nghệ.
Là tập đoàn công nghệ cao toàn diện và đa ngành duy nhất trong ngành đường sắt Trung Quốc, với hơn 9.000 nhân viên, Tập đoàn có 18 công ty con và hơn 50 công ty sở hữu toàn bộ hoặc một phần. Hoạt động kinh doanh bao gồm tất cả các lĩnh vực kỹ thuật chính của đường sắt, bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm và kiểm tra, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật đường sắt, đánh giá và chứng nhận chất lượng quản lý tiêu chuẩn, tư vấn giám sát và đánh giá, đào tạo nhân lực… Tập đoàn CARS cũng cung cấp các giải pháp hệ thống tổng thể cho ngành đường sắt. (Vientiane Times, ngày 08/12/2023)
Dự án năng lượng sạch tại Bắc Lào gần hoàn thành
Ngày 25/12/2023, Vientiane Times đưa tin, giai đoạn I của dự án năng lượng sạch do công ty cổ phần năng lượng quốc tế CGN (Trung Quốc) triển khai tại các tỉnh Phongsaly, Luang Namtha và Oudomxay đã được bắt đầu triển khai các công tác chuẩn bị cho việc xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời và các loại năng lượng sạch khác. Dự án là một thành phần trong Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc mà Lào cùng tham gia như một đối tác cùng chung vận mệnh.
Giai đoạn này sẽ được bắt đầu từ tỉnh Oudomxay, nơi trang trại điện mặt trời được xây dựng với công suất phát điện ban đầu dự kiến đạt 1 triệu Kwh. Tổng công suất của toàn dự án có thể đạt đến 1,7 tỷ Kwh, đủ cung cấp cho 10 triệu hộ gia đình. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Xayasone cho biết, đây là dự án đầu tư lớn nhất tại Lào, có thể hoàn thiện kế hoạch phát triển ngành năng lượng của Chính phủ Lào, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội vùng phía bắc Lào, cải thiện sinh kế người dân và tạo ra nguồn cung điện ổn định, hiệu quả bằng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Chủ tịch công ty CGN Zhang Chaoqun cho biết công ty sẽ triển khai dự án để cung cấp năng lượng sạch, an toàn và tin cậy cho hai nước Trung Quốc, Lào và cả các nước trong khu vực Mekong - Lan thương. CGN cam kết sẽ phối hợp và mang các thiết bị, kỹ thuật, nhân sự và nguồn vốn của Trung Quốc để đầu tư vào Lào, đồng thời sẽ nỗ lực đảm bảo sự phát triển của chuỗi công nghiệp xanh tại địa phương cũng như mang lại lợi ích cho các cộng đồng dân cư trong khu vực.
Dự án năng lượng sạch tại ba tỉnh Phongsaly, Luang Namtha và Oudomxay này được khởi nguồn từ việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2022 giữa Bộ KH-ĐT Lào và công ty Kỹ thuật Năng lượng CGN (Lào).
Lào - Hongkong tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư
Ngày 27/12/2023, Vientiane Times đưa tin, Lào và Đặc khu Hongkong (Trung Quốc) đang lập kế hoạch để tăng cường giá trị thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế song phương sau chuyến thăm làm việc đến khu vực Đông Dương của phái đoàn chính quyền ĐK Hongkong, dẫn đầu bởi Cục trưởng Cục Tài chính và Ngân sách Hui Chinh-yu và Cục trưởng Cục Thương mại và Phát triển kinh tế Yau Ying-wah. Chuyến thăm nhằm giới thiệu và quảng bá các cơ hội kinh doanh tại Hongkong và khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau với cộng đồng doanh nghiệp Lào và cả Việt Nam. Tại Lào, đoàn đã gặp Bộ trưởng Bộ Công Thương Malaythong Kommasith cùng các thứ trưởng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá trị thương mại của Lào và Hong Kong năm 2022 đạt 101 triệu USD, giảm 12,55% so với tổng kim ngạch năm 2021. Hong Kong là đối tác thương mại thứ 12 của Lào trong năm 2021, tuy nhiên, với tổng giá trị đầu tư lên đến 644 triệu USD trong 55 dự án đã giúp Hong Kong tăng lên xếp vị trí thứ 7 trong danh sách đối tác của Lào năm 2022.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, việc HK đề nghị gia nhập hiệp định RCEP và vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024 của Lào. Hai bên cũng thảo luận về hợp tác HK và ASEAN, qua đó cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt cho các đơn vị xuất khẩu Lào có thể tận dụng các ưu đãi mà HK áp dụng cho khu vực này. Đồng thời, hai bên trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm như việc HK gần đây đã giảm các hạn chế thị thực cho các cá nhân Lào đến lao động và học tập tại đây, cũng như tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực tài chính, thương mại.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đại biểu HK đã làm việc với Phòng TM-CN Quốc gia Lào, đại diện cho hơn 4000 doanh nghiệp tại Lào, và Phòng TM Lào - Trung, hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc hải ngoại đầu tiên tại Lào để tìm hiểu về môi trường kinh doanh tại Lào và các cơ hội hợp tác. Đoàn cũng gặp lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Lào để thảo luận cách thức đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống tài chính và sự giám sát chặt chẽ các tổ chức tài chính. Hai bên cũng trao đổi khả năng lập văn phòng tư vấn kinh tế - thương mại song phương để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp và du lịch cũng như tạo thuận lợi cho xuất - nhập khẩu thương mại.
Phía Lào đề nghị HK giúp tăng cường kiến thức cho các cán bộ nhà nước thông qua các khóa đào tạo về đàm phán thương mại, chuỗi cung ứng, logistics và các nội dung khác. Hai bên cũng trao đổi về các tiêu chuẩn thương mại điện tử trong khu vực ASEAN, giáo dục trực tuyến thời cách mạng công nghiệp 4.0 và các kế hoạch khác liên quan đến đăng ký kinh doanh trong khu vực.
Lào - Thái Lan
Cầu Hữu nghị Lào - Thái số 5 dự kiến hoàn thành cuối năm 2024
Vào ngày 29/11/2023 vừa qua, ông Vatthana Phandanouvong, Phó Giám đốc dự án xây dựng cầu Hữu nghị Lào - Thái số 5 cho biết, dự án đã hoàn thành 81%, bao gồm 69% phần xây dựng cầu và 93% phần xây dựng cơ sở vật chất liên quan. Dự án được khởi công vào tháng 8/2019, với khoản vay hơn 1,38 tỷ THB (39 triệu USD) từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Kinh tế các nước láng giềng (NEDA), Thái Lan. Tổng chiều dài dự án là 1.350 mét qua sông Mê Kông, cây cầu nối huyện Paksan ở tỉnh Bolikhamxay, Lào, với tỉnh Bueng Kan ở phía đông bắc Thái Lan. Vị trí của cây cầu nằm ở bản Kuy Oudom, mường Paksan, cách trung tâm hành chính tỉnh khoảng 10 km về phía bắc.
Thỏa thuận mua bán điện của hai nhà máy thủy điện Xekong 4A và 4B
Ngày 25/12/2023, tại thủ đô Vientiane, buổi lễ ký kết hợp đồng mua bán điện cho Dự án Thủy điện Xekong 4A và 4B giữa công ty TNHH Điện lực Xekong 4 (XK4) và Cơ quan Phát triển điện Thái Lan (Điện lực Thái Lan - EGAT) đã được tổ chức, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác năng lượng tái tạo giữa Lào và Thái Lan. Theo thỏa thuận, EGAT sẽ mua toàn bộ điện năng do dự án sản xuất được trong 27 năm, bắt đầu từ ngày vận hành thương mại vào năm 2033.
Dự án thủy điện Xekong 4A và 4B, nằm trên sông Xekong ở tỉnh Xekong, là một nhánh của dòng sông Mekong. Tiềm năng thủy điện của sông Xekong lần đầu tiên được nêu trong Biên bản ghi nhớ được ký năm 2015 giữa Chính phủ Lào và Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật Thế giới Lào. Dự án đã có thêm sự hỗ trợ với hai công ty RATCH và B.Grimm Power tham gia với tư cách là đơn vị đồng phát triển dự án.
Với các nghiên cứu khả thi được phê duyệt vào năm 2022 và thiết kế cơ bản được hoàn thiện vào cuối tháng 12 cùng năm, dự án đang dần tiến tới giai đoạn triển khai thực địa. Các nhà phát triển đã cam kết không chỉ sản xuất năng lượng mà còn đảm bảo trách nhiệm về môi trường và thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng. Giai đoạn xây dựng của dự án dự kiến bắt đầu vào năm 2025, với hai con đập được đặt tên là Xekong 4A và Xekong 4B.
Thỏa thuận này giữa XK4 và EGAT không chỉ về sản xuất điện mà còn thể hiện một bước quan trọng trong phát triển bền vững và hợp tác khu vực về sản xuất năng lượng tái tạo. Khi dự án được triển khai hứa hẹn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng địa phương, môi trường và nguồn cung cấp điện cho khu vực. (Vientiane Times, 29/12/2023)
Lào - Malaysia
Khởi công trang trại bồn chứa nhiên liệu tại Công viên Logistics Vientiane
Ngày 08/12/2023, lễ động thổ khởi công xây dựng Trang trại bồn chứa nhiên liệu đã diễn ra tại công viên logistics Vientiane tại bản Nakhuy Tai, huyện Xaysettha, thủ đô Vientiane. Tham dự buổi lễ có Đại sứ Malaysia tại Lào Edi Irwan Bin Mahmud; Vụ trưởng Vụ Giao thông vận tải, Bộ Công chính và Vận tải Bounta Onenavong; Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường Ounheuan Xayachack; Tổng Giám đốc điều hành công ty PTL Holding Co., Ltd. Chanthone Sitthixay, Giám đốc điều hành của OSD Holding Co., Ltd. Oudet Souvannavong và Giám đốc điều hành của Muhibbah Engineering (M) Bhd Mac Ngan Boon.
Dự án bắt đầu xây dựng từ năm 2024, có tổng thể tích 43.000 mét khối dầu nhiên liệu và chất lỏng vào năm 2025, có thể cung cấp dịch vụ cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu vào năm 2026. Dự án nhằm mục đích đóng góp vào chiến lược an ninh năng lượng của Chính phủ Lào và đảm bảo có đủ nhiên liệu để sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng trong nước, cũng như ngăn chặn việc nhập khẩu nhiên liệu bất hợp pháp và đảm bảo nguồn thu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác sẽ phục vụ ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Oudet Souvannavong cho biết Công ty TNHH PLH được thành lập bởi các cổ đông của Muhibbah Engineering (M) Bhd của Malaysia để xây dựng trang trại chứa bồn chứa chất lỏng tại công viên logistics Vientiane nhằm cung cấp dịch vụ lưu trữ nhiên liệu cho các nhà nhập khẩu. Trang trại bồn chứa này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng của Lào trong thời điểm giá dầu tăng cao.
Nghiên cứu khả thi của dự án đã bắt đầu vào tháng 11/2020 trước khi hợp đồng thực hiện dự án được các bên liên quan ký kết vào tháng 11/2021. Đến tháng 9/2022, PTL, Muhibbah và OSD đã đạt được thỏa thuận cổ đông thành lập công ty PLH để xây dựng trang trại chứa bồn chứa chất lỏng với dung lượng lớn, trong đó Muhibbah Engineering nắm giữ 49% cổ phần, PTL Holding sở hữu 40% cổ phần và OSD nắm giữ 11% cổ phần. Và tháng 8/2023, PLH ký hợp đồng nhượng quyền khu đất rộng 8 ha với công viên logistics Vientiane.
Theo nghiên cứu sơ bộ, giai đoạn đầu xây dựng trang trại chứa bồn chứa chất lỏng có tổng chi phí 45 triệu USD, bao gồm sáu thùng chứa có thể chứa 43.000 mét khối nhiên liệu với 60% dầu diesel và 40% xăng. Giai đoạn hai, công ty sẽ mở rộng diện tích thêm hai héc ta để chứa thêm các bể chứa dầu. PLH hiện đang tiến hành khảo sát thiết kế chi tiết và dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 8/2024, hoàn thành xây dựng vào tháng 6/2025 và bắt đầu cung cấp dịch vụ vào tháng 01/2026.
Trang trại bồn chứa này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và với các công nghệ quản lý nhiên liệu hiện đại, hiệu quả. (Vientiane Times, 11/12/2023)
Lào - Úc
Thương mại hai chiều Lào - Úc tăng trưởng nhanh thời gian qua
Vào thứ Năm, 14/12/2023 vừa qua, Đại sứ Úc tại Lào Paul Kelly đã có buổi chào từ biệt Bộ trưởng Bộ Công thương Lào Malaythong Kommasith nhân dịp ông Paul Kelly chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ tại Lào. Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, giá trị thương mại song phương giữa Lào và Úc đã tăng đáng kể trong những năm qua và con số này không ngừng tăng lên. Giá trị thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trong 3 năm liên tiếp từ hơn 112,46 triệu USD năm 2020 lên hơn 412,46 triệu USD năm 2021 và hơn 456,17 triệu USD năm ngoái. Các số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu của Lào từ Úc năm 2022 chủ yếu là than đá, than non, thiết bị máy móc, phụ tùng xe, sắt và các sản phẩm làm từ sắt, kim loại từ tính và các sản phẩm hóa học. Trong khi đó, xuất khẩu của Lào sang Úc bao gồm vàng hỗn hợp, vàng miếng, thiết bị điện tử, quần áo, giày dép, ván ép, hạt cà phê, gạo và các hàng hóa khác. Ngoài ra, Úc là nhà đầu tư quan trọng tại Lào kể từ năm 2008 xét về mặt tổng thể, không bao gồm các đặc khu kinh tế và khu nhượng quyền, với tổng số 96 doanh nghiệp có tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ USD, chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Lào.
Trong những năm qua, Úc đã đóng vai trò quan trọng đối với Bộ Công thương Lào với tư cách là đối tác phát triển quốc tế dưới nhiều hình thức song phương và đa phương. Úc cũng đóng vai trò chủ chốt là nhà tài trợ hỗ trợ và đồng chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng liên quan đến thương mại và khu vực kinh tế tư nhân trong những năm 2005-2010.
Trong những năm gần đây, Úc đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nhiều dự án quan trọng của Bộ Công Thương Lào, bao gồm Cơ sở Phát triển Thương mại – TDF I và II, Hỗ trợ tài chính bổ sung cho TDF II, Dự án Thương mại và Cạnh tranh Lào, Giáo dục và nâng cao nhận thức công chúng về sở hữu trí tuệ (Giai đoạn II) và các dự án hỗ trợ thiết yếu khác.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Malaythong đề nghị Đại sứ Úc tích cực hỗ trợ Lào với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2024 về mặt kỹ thuật, ngân sách và các công việc cần thiết khác để tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN. Bộ trưởng cũng kêu gọi tăng cường hợp tác song phương trong việc thúc đẩy phát triển ngành và sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy sản xuất để cung cấp hàng hóa cho thị trường và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) bằng cách cho phép các doanh nghiệp Lào trưng bày trà, cà phê và các sản phẩm khác tại các triển lãm thương mại sắp tới tại Úc.
Hai bên cũng mong muốn tăng cường hợp tác trong việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA), GSP và khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đồng thời, Bộ Công Thương Lào cũng hợp tác chặt chẽ với tất cả các cơ quan trực thuộc AANZFTA và RCEP nhằm hiện thực hóa những lợi ích mà hai hiệp định thương mại tự do này mang lại trong những năm tới. (Vientiane Times, 19/12/2023)
Lãnh đạo các ngân hàng và đối tác trao đổi về tình hình kinh tế xã hội của Lào
Ngày 24/11/2023, Ngân hàng ANZ Lào kết hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Australia tại Lào đã tổ chức hội thảo nhằm cung cấp thông tin cập nhật về tình hình kinh tế hiện tại ở Lào. Cuộc họp có sự tham dự của các lãnh đạo ngành ngân hàng, thành viên của các phòng kinh doanh nước ngoài và các bên liên quan từ khu vực tư nhân.
Giám đốc Nghiên cứu Châu Á của ANZ Khoon Goh đã trình bày về những diễn biến kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay cũng như những diễn biến này có thể tác động như thế nào đến Lào trong năm tới. Ông Goh cho biết Hoa Kỳ sắp kết thúc thời gian tăng lãi suất, nhưng nền kinh tế của họ sẽ bắt đầu cảm nhận được tác động của những đợt tăng lãi suất trước đó. Điều này sẽ góp phần làm tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong năm tới.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, sự phục hồi cuối cùng cũng bắt đầu và các biện pháp kích thích khác nhau đang bắt đầu có hiệu lực. Ông Goh dự báo rằng, khi niềm tin trở lại, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có khả năng tiêu dùng khoảng 6,2 nghìn tỷ USD, điều này được dự đoán sẽ kích hoạt sự phục hồi và tạo ra sự lan tỏa tích cực sang các nước láng giềng bao gồm cả Lào.
Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Lào Phetsathaphone Keovongvichith đã trình bày tổng quát về những thay đổi theo sau Sắc lệnh số 10 của Thủ tướng Chính phủ về Thực hiện Quản lý Ngoại tệ nhằm mục đích duy trì sự ổn định tiền tệ, tăng cường dự trữ ngoại hối và bảo toàn giá trị của đồng Kíp. Ông Phetsathaphone Keovongvichith cho biết, bất chấp có những thay đổi về quy định, người Lào và người nước ngoài tại Lào vẫn có thể nắm giữ tài khoản ngoại tệ và sở hữu ngoại tệ dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, không có bất kỳ hạn chế về chuyển tiền vào hoặc ra. Tuy nhiên, theo thông lệ hiện hành và theo quy định của pháp luật, các khoản thanh toán ra nước ngoài sẽ cần phải thể hiện bằng các tài liệu liên quan để xác thực mục đích thanh toán và các khoản thanh toán trong nước phải được thanh toán bằng Kíp.
Ông đã trình bày về một số thay đổi hiện tại, bao gồm yêu cầu tất cả các công ty xuất nhập khẩu phải mở tài khoản xuất/nhập khẩu chuyên dụng (EXIM) với các ngân hàng thương mại tương ứng của họ. Đến ngày 23/10, đã có khoảng 385 tài khoản EXIM được đăng ký hoàn chỉnh và khoảng 1.000 tài khoản đã được đăng ký với Bộ Công Thương. Sự thay đổi quy định này nhằm giúp Ngân hàng Trung ương Lào nắm rõ ràng hơn về dòng ngoại tệ. Ngân hàng Trung ương Lào đã gia hạn cho các công ty đến ngày 29/12/2023 để mở các tài khoản EXIM này. Sau thời hạn này, dự kiến tất cả các công ty không tuân thủ có thể dẫn đến việc thanh toán bị chậm trễ và/hoặc bị phạt tài chính.
Ông Phetsathaphone Keovongvicith cho biết, những thay đổi về quy định đã mang lại một số kết quả tích cực. Hiện nay, Ngân hàng Trung ương Lào nhận thấy dòng vốn ngoại tệ đổ vào từ xuất khẩu tăng lên và dự kiến sẽ đạt mục tiêu 50% vào cuối năm nay. Ông nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế trước những thách thức toàn cầu và trong nước cũng như cam kết của ngân hàng quốc gia trong việc thực hiện các chính sách và cải cách chiến lược nhằm giúp giảm bớt tình trạng thiếu ngoại tệ. (Vientiane Times, 05/12/2023)
Lào - Đức
Dự án Tiếp cận Tài chính của Lào đánh giá kết quả hoàn tất hỗ trợ kỹ thuật
Ngày 14/12/2023, Vientiane Times đưa tin, giai đoạn hai của dự án Quỹ Tiếp cận Tài chính Lào (LAFF) đã đạt được những thành tựu nổi bật trước thềm năm 2024, đánh dấu một câu chuyện thành công về hợp tác phát triển giữa Lào và Đức. Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Quỹ do Công ty Tư vấn Tài chính & Nông nghiệp (AFC) thực hiện với khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ Đức thông qua Ngân hàng tái thiết KFW.
Vào thứ Tư (13/12), Hội nghị thường niên Quỹ tiếp cận tài chính Lào năm 2023 và cuộc họp tổng kết hỗ trợ kỹ thuật đã được tổ chức để đánh giá hiệu quả thành công trước thời hạn của dự án, mà theo dự kiến ban đầu sẽ kết thúc vào cuối năm 2024. Dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án, một cấu trúc tài chính đã được thiết lập do Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) quản lý, để qua đó chuyển đổi 9,0 triệu EUR từ quỹ tài trợ do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cung cấp, thành các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Lào.
Tham gia Hội nghị thường niên LAFF 2023 và hội thảo Tổng kết Hỗ trợ Kỹ thuật, có các thành viên Ban Chỉ đạo Quỹ đến từ BOL, KFW, BMZ, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, IFAD, Liên minh Châu Âu (EU) và các bộ ngành của Lào.
Được thành lập vào năm 2014, mục tiêu của Quỹ là cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ ở các vùng nông thôn. Giai đoạn một của Quỹ có vốn ban đầu là 3,0 triệu EUR và hợp phần hỗ trợ kỹ thuật trị giá 0,8 triệu EUR. Sau thành công nổi bật của Giai đoạn I, chính phủ Đức đã cung cấp thêm 6,0 triệu EUR vào vốn cổ phần của Quỹ và bổ sung hợp phần hỗ trợ kỹ thuật thứ hai trị giá 0,8 triệu EUR. Quỹ là câu chuyện thành công trong lĩnh vực tài trợ theo dạng cho vay bán buôn với cơ chế hoạt động hiệu quả, dựa trên các thông lệ quốc tế. Không chỉ nhờ xác định ra các mục tiêu có thể đạt được mà còn do tính chất quay vòng đã cho phép Quỹ hoạt động hiệu quả về mặt kinh tế, qua đó đảm bảo số lượng các khoản vay nhỏ được cấp không ngừng tăng lên. Đến nay, tổng số tiền cho vay đã vượt quá số tiền cấp ban đầu là 9 triệu EUR.
Tại sự kiện, các bên liên quan chính của Chính phủ Lào và ngành tài chính Lào đã đánh giá cao thành công của dự án, với những tác động tích cực đến khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ (MSME) của Lào.
Vì lý do này, các đối tác phát triển khác cũng quan tâm tìm hiểu thêm về những bài học quan trọng nhất rút ra từ dự án này, một trong số đó là việc lựa chọn các tổ chức tài chính đối tác (PFI) phù hợp. Trên thực tế, số lượng các tổ chức tài chính đối tác (PFI) đã tăng lên con số là bảy (ba ngân hàng và bốn tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi) từ duy nhất một vào năm 2014. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, việc mua lại các PFI mới đã dẫn tới việc mở rộng phạm vi địa lý của Quỹ và mang lại khả năng tiếp cận Quỹ Tiếp cận Tài chính Lào (LAFF) tại 14 tỉnh. Từ đó, các tổ chức tài chính đối tác có thể mở rộng phạm vi cho vay đối với MSME và giới thiệu các sản phẩm mới cũng như phương pháp cho vay.
Với nhiều kinh nghiệm từ hai giai đoạn vừa qua của dự án hợp tác Lào-Đức, hội thảo tổng kết đã đánh dấu sự khởi đầu cho nhiều chương mới trong tương lai của Quỹ Tiếp cận Tài chính Lào.
Lào - Nga
Lào và Liên bang Nga ký nghị định thư hợp tác kinh tế, kỹ thuật
Ngày 30/11/2023, kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban liên chính phủ Lào-Nga về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật đã diễn ra tại thủ đô Vientiane. Phái đoàn phía Nga do Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Nhà ở và Tiện ích Liên bang Nga Irek Faizullin dẫn đầu.
Tại kỳ họp, một nghị định thư về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật đã được ký kết. Nghị định thư này xác định các lĩnh vực hợp tác song phương mới về thương mại, ngân hàng và tài chính, công nghiệp, giao thông, năng lượng, y tế và các lĩnh vực khác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Lào, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Nhà ở và Tiện ích Liên bang Nga đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào, ông Ngampasong Muangmany, cũng như với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào, Saleumxay Kommasith. Bộ trưởng Irek Fayzullin cảm ơn Lào vì mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy với Nga. Hai nước hướng tới thực hiện đầy đủ các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao Lào và Nga đã đạt được.
Hợp tác đã được tiến hành giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau và số lượng khách du lịch đến Lào từ Nga trong năm nay đã vượt qua mức trước đại dịch 2019. Hạn ngạch thường xuyên được cung cấp cho việc đào tạo sinh viên đại học và sau đại học của Lào tại các trường đại học Nga và các nỗ lực đang được tiến hành nhằm tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Hai nước quan tâm đến việc triển khai hệ thống thông tin liên lạc bằng đường sắt, tìm kiếm quan hệ đối tác kinh tế và thương mại mới cũng như xây dựng lại chuỗi logistics. Ngoài ra, hai bên cũng có kế hoạch tăng số lượng dự án đầu tư chung trong lĩnh vực thủy điện, năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và cung cấp các trang thiết bị y tế. (Vientiane Times, 05/12/2023)
Lào - Ngân hàng thế giới
Kinh tế Lào có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Ngày 30/11/2023, Ngân hàng Thế giới tại Lào đã có báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế xã hội của Lào, theo đó kinh tế Lào đã có dấu hiệu hồi phục dần sau đại dịch Covid-19 với tăng trưởng GDP dự đoán ở mức 3,7% năm 2023, tăng hơn so với 2,7% của năm 2022. Báo cáo cũng dự đoán, năm 2024, Lào có thể đạt mức tăng trưởng 4,1%, tuy nhiên vẫn đối diện với nhiều thách thức như lạm phát tăng cao, nợ nước ngoài cao và tình trạng thiếu hụt lao động.
Theo WB, kinh tế Lào có sự cải thiện là nhờ những chuyển biến tích cực của ngành du lịch, vận tải và dịch vụ logistics cũng như đầu tư nước ngoài có sự gia tăng. Dù vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn mức dự đoán trước đây. Nguyên nhân chính là do tình trạng lạm phát đã làm chi phí tiêu dùng và doanh nghiệp đều tăng, giảm chi tiêu của các hộ gia đình vào thực phẩm, giáo dục và y tế. Lạm phát cũng làm cạn kiệt các khoản tiết kiệm của người Lào, đặt nhiều gia đình vào bờ vực đói nghèo.
Mặc dù giá thị trường toàn cầu của một số mặt hàng nhập khẩu đã giảm xuống, lạm phát của Lào vẫn neo ở mức cao, đạt đến 26% vào tháng 10/2023. Giá thực phẩm đứng ở mức 29%, tác động mạnh đến các gia đình khó khăn ở đô thị. Đồng Kíp yếu là nguyên nhân chính của tình trạng lạm phát này. Trung bình khi đồng Kíp mất giá 1% thì sẽ làm tăng giá tiêu dùng lên 0,5%. Do đó, WB cho rằng chỉ khi nào tỷ giá hối đoái ổn định thì tình trạng lạm phát của Lào mới được cải thiện. Đồng Kíp đã liên tục mất giá trong suốt năm 2023, giảm đến 29% so với đồng Baht Thái và 21% so với USD cho đến tháng 10/2023. Sự mất cân đối cung – cầu ngoại tệ và dòng ngoại tệ từ xuất khẩu bị hạn chế đã tác động mạnh đến kinh tế Lào.
Ông Alex Kremer, trưởng đại diện WB tại Lào cho biết, mức thu thuế thấp đã hủy hoại sự ổn định và triển vọng phát triển của kinh tế Lào. Để thay đổi điều này, Chính phủ Lào cần tăng lại thuế VAT lên 10%, tái cấu trúc thuế rượu và thuốc lá, tăng một số loại thuế khác để đảm bảo chi tiêu cho giáo dục và y tế.
Chính phủ Lào đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình tài chính như kiểm soát chi tiêu công, tăng thu ngân sách trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, dù đã đạt mức thu nhiều hơn chi trong thời gian này, việc đến hạn thanh toán các khoản nợ cao lại tác động đến ngân sách dành cho giáo dục, y tế (giảm từ 4,9% năm 2013 xuống 2,3% năm 2023).
Theo WB, tăng trưởng kinh tế của Lào được dự đoán sẽ đạt mức 4,2% trong trung hạn, với đầu tàu là ngành dịch vụ và xuất khẩu, cùng với việc nhu cầu thế giới tăng và Lào tăng khả năng kết nối và các dịch vụ logistics. Tuy nhiên, việc đồng Kíp yếu vẫn tạo thành áp lực lớn với Lào do nhu cầu nhập khẩu cao và việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài đều cần ngoại tệ. (Vientiane Times, ngày 01/12/2023)
Lào cần cải cách tài chính để giải quyết các thách thức kinh tế
Ngày 12/12/2023, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra khuyến nghị Chính phủ Lào cần phải tiến hành cải cách tài chính để duy trì sự ổn về định kinh tế và giải quyết các thách thức về tài chính. Việc cải cách tài chính có thể mang lại những giảm nhẹ tức thì và giúp tạo ra một hệ thống công bằng, bền vững hơn trong khi Lào tiến hành xử lý các vấn đề nợ cao, thu ngân sách không đủ và đồng Kíp mất giá.
Xem xét vấn đề tài chính công của Lào, Báo cáo Phân tích tác động tài chính của WB đã đưa ra những phân tích về thu, chi của Chính phủ, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho việc tạo ra đủ nguồn lực để đầu tư cho y tế, giáo dục và các lĩnh vực quan trọng khác. Theo WB, đầu tư không đầy đủ vào giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe sẽ làm suy yếu sự phát triển toàn diện lâu dài và khiến người dân không có được những kỹ năng cũng như sức khỏe tốt mà họ cần để thoát nghèo.
Theo bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Myanmar, Campuchia và Lào, những thay đổi trong chính sách tài khóa có thể giúp giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế, bảo vệ người dân khỏi những ảnh hưởng xấu, kích thích tăng trưởng, giảm nghèo và xoá bỏ bất bình đẳng. Bà Mariam cho rằng tình hình tài chính hiện tại đang gây ra những khó khăn trong việc Chính phủ Lào giúp đỡ người dân. Tuy nhiên, các báo cáo của WB đã đưa ra các giải pháp có thể mang lại lợi ích ngay tức thì. Báo cáo đánh giá tài chính công cho thấy sự bất ổn kinh tế hiện nay của Lào phần lớn là do doanh thu ngân sách không đủ và nợ tích lũy. Cần nâng cao hiệu quả của chi tiêu công và xử lý các chi phí tiềm ẩn của doanh nghiệp nhà nước cũng như trong quan hệ đối tác công tư.
Khi xem xét cách thức phân phối số tiền huy động được trong hệ thống của Lào, báo cáo Phân tích Tác động Tài chính nhận thấy sau khi nộp thuế và các giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống chi tiêu Chính phủ, thu nhập sẽ được phân bổ một cách công bằng hơn.
Tuy nhiên, do thu ngân sách chưa cao, chi tiêu xã hội chưa đủ nên tác động của hệ thống tài chính tới các hộ nghèo còn hạn chế và hiệu quả của các chính sách của Chính phủ về giảm nghèo và bất bình đẳng còn rất nhỏ. Theo kết luận của các báo cáo, có thể cải thiện đáng kể việc thu ngân sách cũng như tính hiệu quả và công bằng của chi tiêu công thông qua các biện pháp tăng cường thu thuế, cải cách quản lý doanh nghiệp nhà nước và quan hệ đối tác công tư, cũng như đặt ra các mục tiêu chi tiêu công hiệu quả hơn.
Phân tích của các báo cáo nói trên được thực hiện dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính, cũng như sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức công khác.
Lào - ADB
ADB hỗ trợ Lào ứng phó với tình trạng chi phí lương thực tăng cao
Ngày 18/12/2023, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký một thỏa thuận viện trợ trị giá 10 triệu USD từ Chương trình An ninh Lương thực và Nông nghiệp Toàn cầu với Chính phủ Lào nhằm tăng cường khả năng ứng phó của nước này trước các vấn đề an ninh lương thực đang diễn ra. ADB cho biết nguồn vốn này sẽ được sử dụng để giúp giảm chi phí đầu vào thiết yếu cho nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón và máy móc; Hỗ trợ các nỗ lực đa dạng hóa sở thích ăn uống của người dân thông qua việc khuyến khích sử dụng cá như một loại thực phẩm chủ yếu và là nguồn cung cấp protein, giúp mọi người xây dựng vườn nhà; ngoài ra, được sử dụng để rà phá bom mìn để mở rộng thêm đất trồng trọt.
Giám đốc quốc gia ADB tại Lào, Sonomi Tanaka cho biết: “Giá lương thực tăng đã ảnh hưởng đến phúc lợi và sức mua của các hộ gia đình, khiến nhiều gia đình phải đối phó bằng cách giảm khẩu phần ăn”. Lạm phát cao tiếp tục hạn chế chi tiêu hộ gia đình ở Lào trong suốt năm 2023, với lạm phát giá tiêu dùng trung bình là 32% trong 11 tháng đầu năm. Lạm phát giá thực phẩm trung bình là 40% so với cùng kỳ do giá thực phẩm nhập khẩu cao hơn (đồng Kíp mất giá), chi phí sản xuất cao hơn (do nông dân Lào sử dụng giá đầu vào nông nghiệp đắt hơn). Khoản tài trợ này cung cấp hỗ trợ quan trọng để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và dinh dưỡng. Nó cũng sẽ cung cấp nguồn tài chính bổ sung cho Dự án Cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững và Quản lý lưu vực đầu nguồn đang diễn ra. Mục tiêu của Dự án là tăng thu nhập ở nông thôn thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp (các loại cây có giá trị cao trong mùa khô), cải thiện năng suất lúa trong mùa mưa bằng cách đầu tư vào thủy lợi ở các tỉnh phía bắc Huaphan, Luang Prabang, Xayaboury và Xieng Khuang; Ngoài ra, Dự án bảo vệ lưu vực sông thông qua các dịch vụ sinh thái, và thúc đẩy dinh dưỡng cộng đồng thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức.
Lào - Mekong Lan Thương
Quỹ Mekong - Lan Thương mang lại lợi ích cho Lào
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 8 diễn ra từ ngày 07/12/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Báo cáo từ phía Trung Quốc cho biết, Chính phủ nước này đã đóng góp 300 triệu USD cho quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương từ năm 2017 để tài trợ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Mekong. Cho đến nay, hơn 700 dự án trị giá 80 triệu USD đã được quỹ này hỗ trợ, trong đó có 80 dự án ở Lào nhận được hơn 21 triệu USD.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng NDCM Lào Thongsavanh Phomvihane dẫn đầu đoàn đại biểu phía Lào tham dự hội nghị với chủ đề “Cùng nỗ lực hiện đại hóa và phát huy các thế mạnh mới trong phát triển tiểu vùng”. Các đại biểu đã tổng kết lại kết quả hợp tác trong 7 năm qua, với khuôn khổ hợp tác phát triển nhanh chóng và mang lại lợi ích rõ rệt cho khu vực tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt thông qua kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan thương lần thứ 7 và Kế hoạch hành động 2018-2022.
Kế hoạch này bao gồm các mảng về an ninh chính trị, phát triển bền vững, giao lưu kết nối văn hóa, quản lý tài nguyên nước, thương mại xuyên biên giới, nâng cao năng lực trong sản xuất và nông nghiệp cũng như xóa đói giảm nghèo. Thông qua việc triển khai các hoạt động, dự án thuộc Quỹ đặc biệt Mekong-Lan thương đã mang lại lợi ích cho các nước thành viên cũng như cho toàn vùng sông Mekong. Hội nghị cũng thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội nghị Lãnh đạo sông Mekong-Lan thương lần thứ 4 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12/2023.
Ông Thongsavanh Phomvihane đánh giá cao thành công của cơ chế hợp tác Lan thương-Mekong trong 7 năm qua, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực sông Mekong. Trung Quốc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Lào thông qua các dự án phát triển bền vững. Trung Quốc cũng đề xuất phương hướng hợp tác trong tương lai dựa trên việc tăng cường nền tảng phát triển nền kinh tế hiện đại dựa trên đổi mới và sử dụng công nghệ số đồng thời hỗ trợ Lào đào tạo nhân lực trong mọi lĩnh vực, tập trung vào nông nghiệp, năng lượng sạch và du lịch.
Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Myanmar, ông Than Swe đồng chủ trì, cùng sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Việt Nam và Trưởng ban Đối ngoại TƯ Đảng NDCM Lào. (Vientiane Times, 11/12/2023)
Dự án xây dựng điểm trung chuyển hàng hóa Phonhong
Ngày 20/12/2023, Vientiane Times đưa tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith đã đến thăm dự án xây dựng điểm trung chuyển hàng hóa Phonhong của Công ty TNHH MTV VP Logistic Center Lào tại bản Namlin, huyện Phonhong, tỉnh Vientiane, với tổng diện tích đất là 150 ha, trong đó một phần là đất tô nhượng của Chính phủ.
Báo cáo trước Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV VP Logistic Center cho biết, đây là Dự án trung chuyển hàng hóa có kinh phí đầu tư dự kiến là 100 triệu USD, trong đó 100% là vốn đầu tư trong nước, với 30% vốn vay từ ngân hàng. Dự án là sự kết nối giữa điểm cao tốc Phonhong, Quốc lộ 13 khu vực phía Bắc với ga hành khách Phonhong của đường sắt Lào - Trung. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tạo sự kết nối linh hoạt giữa thương mại trong nước và quốc tế, cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ theo hướng tinh giản và thuận tiện, giảm thời gian, chi phí thương mại cho các đơn vị kinh doanh trong nước. Dự án bao gồm một hệ thống kho bãi và điểm trung chuyển hiện đại với hệ thống khép kín hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho thu ngân sách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng ở Phonhong, biến nơi đây thành một khu phát triển mới. Ngoài ra, một số hoạt động cũng sẽ được triển khai trong dự án như xây dựng khu dịch vụ thương mại, khu dân cư, khu giáo dục, khu công nghiệp, kho bãi và văn phòng, kho dầu khí và trạm trung chuyển hàng hóa.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 11/2022 và đã hoàn thành việc xây dựng tòa nhà văn phòng, kho hàng hóa và tòa nhà dịch vụ thông tin thuế. Hiện dự án đang chuẩn bị mặt bằng để xây dựng tòa nhà xúc tiến đầu tư và đường giao thông nội hạt.
Công ty VP Logistic Center Lào cũng phối hợp với Công ty Đường sắt Lào-Trung thống nhất phương hướng hợp tác, phát triển kinh tế và dịch vụ xung quanh tuyến Đường sắt Lào - Trung để đảm bảo dự án trở thành con đường chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
Nhân chuyến thăm, Chủ tịch Thongloun Sisoulith bày tỏ sự đánh giá cao tiến độ triển khai dự án. Ông kêu gọi chủ đầu tư chú ý thực hiện nghiêm túc các nội dung hợp đồng, tránh ảnh hưởng đến người dân địa phương, đồng thời kêu gọi các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án để đạt được các mục tiêu đề ra. (Vientiane Times, ngày 20/12/2023)
Tập đoàn Lao Holding State Enterprise có kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời trên mặt nước
Ngày 14/12/2022, Vientiane Times đưa tin, Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước Lào Holding State Enterprise (LHSE) cùng với các đối tác phát triển của mình đã đưa ra kế hoạch xây dựng một nhà máy điện mặt trời nổi, một công nghệ vô cùng thiết yếu để đạt được khát vọng nền kinh tế xanh của Lào. Các nhà máy điện mặt trời trên mặt nước, còn được gọi là quang điện nổi, nằm trong kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia của Lào, với mục đích tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của cả nước lên 30% vào năm 2030. Theo LHSE, trang trại quang điện nổi sẽ bao gồm việc lắp các tấm pin mặt trời lên một cấu trúc nổi trên mặt nước, như hồ chứa, hồ đập hoặc kênh tưới tiêu.
Thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Anh tại Vientiane cho biết, công nghệ này sẽ mang lại nhiều lợi thế so với các trang trại năng lượng mặt trời truyền thống trên đất liền, bao gồm chi phí đất thấp hơn, các quy định ít hạn chế hơn và giảm sự bốc hơi từ mặt nước. Đây là quyết định mang tính bước ngoặt, Chính phủ Lào và các cổ đông của nhà máy thủy điện Nam Theun 2 đã ký thỏa thuận phát triển dự án Nam Theun 2-Solar, với công suất lắp đặt 240 megawatt (MWp). Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích bề mặt 3,2 km2 của hồ chứa Nam Theun 2. Đây sẽ là dự án năng lượng mặt trời lai ghép lớn nhất của Lào.
Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, Chính phủ đã cam kết đa dạng hóa các nguồn năng lượng ở Lào bằng cách chú trọng hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện được tạo ra từ hệ thống năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Động thái này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô và giảm nhập khẩu.
Hiện tại, 81% lượng điện tiêu thụ ở Lào được tạo ra từ thủy điện, tiếp theo là nhiệt điện than với 17%. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và sinh khối chỉ chiếm 2% lượng điện sử dụng ở Lào. Hiện cả nước có 90 nhà máy phát điện với tổng công suất lắp đặt gần 11.000MW, bao gồm 77 nhà máy thủy điện, 8 nhà máy điện mặt trời, 4 nhà máy điện sinh khối và 1 nhà máy nhiệt điện than.
Chính phủ Lào đang có kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 11%, như đã được đề ra trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Chi phí cao và lượng tiêu thụ thấp là nguyên nhân nợ nần
Ngày 18/12/2023, Vientiane Times đưa tin, Công ty Điện lực Nhà nước Lào hiện đang gặp vấn đề nợ nần rất lớn. Giám đốc công ty cho biết nhu cầu điện không đủ để trang trải cho chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất cần thiết, do đó gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho Điện lực Lào (EDL). EDL là doanh nghiệp nhà nước có chức năng cung cấp điện cho nông, công nghiệp, viễn thông, giao thông, thương mại, du lịch và mạng lưới điện sinh hoạt cho các hộ gia đình ở Lào.
Trong cuộc họp của EDL được tổ chức vào đầu năm nay, một ủy ban cải cách đã được thành lập để giải quyết vấn đề nợ cho Điện lực Lào. Phát biểu với Vientiane Times mới đây, ông Chanthaboun Soukaloun, Giám đốc điều hành EDL cho biết nguồn nợ chính đến từ việc xây dựng đường dây truyền tải và hệ thống phân phối điện cho khách hàng. EDL đã xây dựng 76 trạm và đường dây tải điện cao thế. Tuy đã chi phí rất nhiều song không mang lại lợi nhuận vì nhu cầu sử dụng điện thấp và địa bàn rộng, dân cư phân tán. Ông cho biết thêm do chính sách của Đảng và nhà nước Lào muốn cho mọi người dân Lào có quyền sử dụng điện bình đẳng, nên Chính phủ phải vay tiền từ nước ngoài để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mở rộng lưới điện nên dẫn đến nợ nần. Ngoài ra, đồng Kíp yếu đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thanh toán nợ của EDL, do hóa đơn tiền điện được thanh toán bằng đồng Kíp nhưng công ty phải trả các khoản vay bằng đồng Đô la Mỹ. Ông cũng giải thích thêm rằng EDL không tham gia sản xuất điện mà chỉ tham gia truyền tải, phân phối điện cho thị trường Lào.
Lào có 2 nhóm nhà đầu tư sản xuất điện; một nhóm các nhà máy sản xuất điện xuất khẩu như Nậm Theun 2, Nậm Ngừm 2, Hongsa và Xayaboury. Nhóm còn lại sản xuất điện tiêu dùng nội địa, bao gồm các công ty tư nhân bán điện cho EDL. Các nhóm này không liên quan đến EDL hay Chính phủ Lào vì họ vay tiền từ nguồn riêng để tài trợ cho các dự án của mình.
Hiện Chính phủ Lào đang tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó có EDL. Việc cải cách sẽ tập trung nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong công tác vận hành, cũng như giảm tổn thất và tăng doanh thu. Chính phủ hy vọng việc cải cách EDL sẽ ngăn chặn không để mất mát thêm tài sản và tạo điều kiện thuận lợi, nâng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Trong những năm qua, Chính phủ Lào đã đầu tư một khoản rất lớn cho lĩnh vực năng lượng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng nông thôn.
Cập nhật thông tin hệ thống thuế cho các khu vực công, tư tại Lào
Ngày 6/12/2023, Vientiane Times đưa tin, diễn đàn thuế DFDL Lào 2023 mới được tổ chức tại Vientiane vào tuần trước dưới sự chủ trì của Cục Thuế, Bộ Tài chính Lào và công ty luật và thuế DFDL. Tham dự diễn đàn có Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế, ông Souphan Vilavong, Trưởng phòng Pháp lý Tổng Cục Thuế, ông Vanyia Xaynalor, Trưởng bộ phận Thực hành Thuế Khu vực của DFDL, ông Jack Sheehan, và Thành viên đối tác DFDL tại Lào Senesakoune Sihanouvong và hơn 100 đại diện đến từ các đại sứ quán, phòng kinh doanh và các công ty tư nhân hoạt động tại Lào.
Tại diễn đàn, đại diện của các khu vực công và tư nhân đã được thông tin cập nhật về hoạt động của hệ thống thuế, bao gồm quy trình thanh toán, chứng từ và các vấn đề quan trọng khác. Các diễn giả đã trình bày về tổng thể hệ thống thuế trong đó bao gồm thông tin cập nhật về thuế VAT; cập nhật mới nhất về luật thuế và các quy định đầu tư; các hiệp định và nghiên cứu trường hợp về quản lý kiểm toán, đánh giá thuế, tránh đánh thuế hai lần; các quy định thuế mới dự kiến sẽ đưa ra vào năm 2024 và những cân nhắc quan trọng về việc tuân thủ quy định thuế đối với các công ty ở Lào.
Trong phần hỏi đáp, các diễn giả và đại biểu đã thảo luận những diễn biến liên quan đến thuế, chia sẻ ý kiến về các vấn đề thuế ở Lào và những cách thức tìm ra giải pháp cho các vấn đề đặt ra. Phát biểu kết thúc diễn đàn ông Sheehan cho rằng Diễn đàn đã thể hiện tính hiệu quả trong đối thoại giữa cơ quan có thẩm quyền và khu vực tư nhân, đồng thời mong muốn tổ chức Diễn đàn Thuế DFDL tiếp theo vào năm 2024.
Tập đoàn Booyoung tặng 600 xe buýt, cải thiện giao thông công cộng
Ngày 14/12/2023, Vientiane Times đưa tin, Công ty TNHH Booyoung Lào đã tặng 600 xe buýt trị giá 13,2 triệu USD để giúp giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông ở Lào và cải thiện giao thông công cộng. Lễ trao tặng 600 xe buýt đã diễn ra ngay trước Văn phòng Thủ tướng, giữa Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Chủ tịch Tập đoàn Booyoung, ông Lee Jongkeun, với sự tham dự của Đại sứ Hàn Quốc tại Lào, ông Jung Yung Soo, cùng quan chức các Bộ liên quan của Lào và của Tập đoàn Booyoung.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho rằng, thông qua sự tài trợ của Tập đoàn Booyoung nếu giao thông công cộng được hồi sinh với sức sống mới và việc sử dụng phương tiện cá nhân được giảm bớt thì vấn đề ùn tắc giao thông của Lào sẽ được giải quyết và sự đi lại an toàn, thuận tiện của người dân Lào sẽ được cải thiện. Thủ tướng cảm ơn và biểu dương Tiến sĩ Lee Jooyoung Chủ tịch Tập đoàn Booyoung vì những nỗ lực của ông đóng góp cho công cuộc phát triển xã hội ở Lào.
Trước lễ trao tặng, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã thay mặt Chính phủ trao tặng Chủ tịch Lee Jongkeun quyền công dân danh dự của Lào và Huân chương Phát triển Hạng Nhất của Chủ tịch nước Lào, huân chương cao quý nhất được trao cho người nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lee Jong-keun hy vọng rằng sức mạnh quốc gia của Lào sẽ được mở rộng thêm thông qua những chiếc xe buýt được tài trợ và hệ thống giao thông công cộng được cải thiện, đồng thời đó cũng sẽ là cơ hội để tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa Hàn Quốc và Lào. Ông Lee Jong-keun hứa sẽ tặng 600 xe buýt để cải thiện tình hình giao thông công cộng ở Lào, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Booyoung hỗ trợ Lào. Cho đến nay, Tập đoàn đã tặng khoảng 2.000 cây đàn piano kỹ thuật số và 30.000 bảng đen cùng với việc tài trợ khoảng 7,8 triệu USD để xây dựng 300 trường tiểu học và 400.000 USD cho quỹ phát triển Lào để xây dựng một trung tâm Taekwondo.
Ngoài hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Booyoung, dự kiến Tập đoàn sẽ không chỉ dừng lại ở những khoản quyên góp tài trợ đơn thuần mà còn đóng vai trò là nhà ngoại giao tư nhân. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Việc tặng xe buýt dự kiến sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Lào và Hàn Quốc, đồng thời cải thiện cuộc sống của người dân Lào qua việc cung cấp các phương tiện giao thông công cộng tin cậy hơn với giá cả phải chăng.
150 xe buýt Tập đoàn Booyoung tặng cho Lào đã đến nơi và 450 chiếc nữa dự kiến sẽ được giao vào tháng 4 năm 2024.
Thêm doanh nghiệp đầu tư vào Đặc khu kinh tế tỉnh Bokeo
Theo báo Paxaxon, hiện có khoảng 290 công ty đang hoạt động tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng thuộc tỉnh Bokeo. Trong số các doanh nghiệp nói trên, có 90 công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại, 184 công ty trong lĩnh vực dịch vụ, 10 công ty trong lĩnh vực công nghiệp và 6 công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư vào khoảng 1,2 tỷ USD trong tổng số vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp này đang vận hành 1.846 cửa hàng.
Số liệu nói trên được đại diện của Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, ông Somphone Southam, báo cáo với Tổng Thanh tra Nhà nước (SIA), Tiến sĩ Khamphanh Phommathat trong chuyến thăm và làm việc gần đây. Ông Somphone cho biết Đặc khu kinh tế Tam giác vàng có dân số ước tính khoảng 60.359 người, trong đó có 18.514 lao động chân tay và 14.845 lao động đến từ các quốc gia khác.
Tiến sĩ Khamphanh đánh giá cao sự thành công của Đặc khu kinh tế và đề nghị ban quản lý Đặc khu tiếp tục phát huy hơn nữa những thành công trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần có thêm các quy định pháp luật chặt chẽ liên quan đến hoạt động trong khu vực đồng thời các quy định phải được các bên thống nhất tôn trọng, tránh gây ra những khiếu nại từ người dân. Ông kêu gọi ban quản lý khu vực và các ngành liên quan tăng cường phối hợp và đảm bảo pháp luật được thực thi đúng đắn trong khu vực. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giám sát từng giai đoạn quy hoạch và phát triển của Đặc khu. Tổng thanh tra Khamphanh cho rằng cần triển khai các khóa đào tạo để nâng cao kỹ năng của người lao động cũng như tăng cường công tác quản lý của các cơ quan nhà nước để việc quản lý các hoạt động kinh doanh cũng như các lĩnh vực phát triển khác trở nên hiệu quả hơn.
Đoàn công tác cũng đã đến thăm Chủ tịch Ban Quản trị Đặc khu Tam giác vàng, ông Zhao Wei và gặp gỡ các thành viên của Tập đoàn Dok Ngiew Kham. Đoàn cũng làm việc với các quan chức cấp cao của tỉnh Bokeo và các đơn vị hữu quan, để trao đổi, thảo luận và nắm bắt tình hình.
Cho tới nay các hoạt động trong Đặc khu kinh tế bao gồm xây dựng đường bê tông giữa bản Namkeung và bản Mom, xây dựng bờ kè sông, sân bay quốc tế, khách sạn năm sao, nhà hàng, cửa hiệu và các cơ sở kinh doanh khác. (Vientiane Times, ngày 28/12/2023)
Chủ biên: Phan Minh Chiến
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hồ Đức Dũng