TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Thủ tướng mới của Lào cam kết tiếp tục tăng cường quản lý kinh tế vĩ mô bền vững
Ngày 30/12/2022, phát biểu nhậm chức sau khi được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ Lào thay ông Phankham Viphavanh xin từ chức và nghỉ công tác, ông Sonxay Siphandone, Thủ tướng mới của Lào cam kết sẽ tiếp tục cải cách quản lý Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; tăng cường quản lý kinh tế vĩ mô bền vững bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với thực tế, đồng thời cải cách hệ thống tài chính, ngân sách, tiền tệ của Nhà nước, để đưa kinh tế phát triển có chất lượng, mạnh mẽ và ổn định; tiếp tục tạo các tiền đề để đạt mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết nghèo cho nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2026. (Đại sứ quán Việt Nam tại Lào)
Chính phủ Lào tin có thể giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay
Ngày 09/12/2022, Vientiane Times đưa tin, tại Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone chỉ rõ “Chính phủ coi những khó khăn về tài chính và kinh tế của đất nước là một nội dung nghị sự quốc gia quan trọng, đòi hỏi tất cả các cơ quan của Chính phủ phải tăng cường hành động để giải quyết”.
Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, nợ công vẫn có thể kiểm soát được và đảm bảo rằng Lào không rơi vào tình trạng vỡ nợ. Thu ngân sách năm 2022 dự kiến đạt 32.447 tỷ Kíp, chiếm 15,28% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vượt 15% kế hoạch đề ra. Thâm hụt ngân sách chiếm 0,99% GDP, thấp hơn mục tiêu là dưới 2%. Dự trữ ngoại hối đủ đảm bảo hơn ba tháng nhập khẩu, một dấu hiệu đáng khích lệ là tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,15% trong tháng 9, thấp hơn mục tiêu là 3%.
Xuất khẩu nông sản tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 489 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu đã vượt 1.183 triệu USD, trong đó hơn 1.129 triệu USD từ sản phẩm trồng trọt và 53 triệu USD còn lại là sản phẩm từ gia súc. Trong khi đó, nhập khẩu nông sản đã giảm 9,54 triệu USD so với năm 2021. Chính phủ đang đàm phán với các đối tác từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu nhiều loại nông sản Lào sang thị trường các nước hơn nữa. Xuất khẩu điện tăng 7,5%, nâng tổng giá trị thu được lên 1.769 triệu USD, trong khi giá trị nhập khẩu năng lượng giảm 72,7%, tương ứng 18 triệu USD. Ngoài ra, các dự án khai thác khoáng sản thí điểm đã thu từ phí nghĩa vụ nộp trước là 529 tỷ Kíp và hơn 56,8 triệu đô la Mỹ cho nhà nước.
Việc nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 đã cho phép các nhà máy may mặc tiếp tục sản xuất, tăng trưởng, với xuất khẩu tăng 25%, đạt giá trị 191 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu từ các mặt hàng công nghiệp tại các đặc khu kinh tế chỉ hơn 287 triệu USD, thấp hơn dự kiến, do các tác động từ đại dịch Covid-19, những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu, chi phí sản xuất và lạm phát gia tăng, sự mất giá của đồng Kíp giai đoạn gần đây.
Du lịch đang có dấu hiệu hồi sinh sau khi đất nước mở cửa hoàn toàn vào tháng 5/2022. Tính đến tháng 9, Lào đã đón khoảng 644.756 khách du lịch nước ngoài và dự tính con số này có thể lên tới một triệu khách trong cả năm 2022, tạo ra 285 triệu USD doanh thu. Lĩnh vực vận tải và hậu cần đã trở thành một động lực kinh tế quan trọng của Lào, với việc khánh thành tuyến Đường sắt Lào-Trung và ba cảng cạn tại Vientiane, Savannakhet và Champassak. Khoảng 74 tỷ Kíp (khoảng 4,27 triệu USD) đã được ngành này đóng góp cho ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, Chính phủ cũng đang tăng cường triển khai các biện pháp tăng thu ngân sách, bịt các lỗ hổng để ngăn chặn thất thoát. Chi tiêu công cũng được tăng cường quản lý tốt hơn, đảm bảo hiệu quả.
Cũng tại kỳ họp này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào Bounleua Sinxayvoravong cũng công bố kế hoạch của Chính phủ nhằm kiểm soát tỷ lệ lạm phát năm 2023 ở mức 9%, đồng thời với việc giải quyết các khó khăn về tài chính và tiền tệ khác. Chính phủ sẽ ưu tiên ổn định tỷ giá đồng Kíp, quản lý nguồn cung tiền M2, xây dựng chính sách dự trữ ngoại tệ và khuyến khích các ngân hàng thương mại thu hút thêm tiền gửi.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tăng mức đóng góp của họ cho GDP cả nước. Các ngân hàng thương mại được yêu cầu giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức 3%.
Lào sẽ không bị lún sâu vào khủng hoảng, thặng dư thương mại đạt gần 1,2 tỷ USD
Ngày 06/12/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 9, Thủ tướng Phankham Viphavanh khẳng định Chính phủ Lào sẽ nỗ lực trả nợ công và đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Lào rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Lào đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và kinh tế sau nhiều năm nợ nần chồng chất hiện đã đến mức nguy cấp. Ngân hàng Thế giới đã dự đoán rằng nợ công và nợ công được bảo lãnh của Lào sẽ vượt quá 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay. Bộ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Ubonpaseuth đảm bảo với các thành viên Quốc hội Lào có khả năng trả tất cả các khoản nợ của mình. Ông cho biết Lào có những nguồn thu mới đáng kể từ việc thí điểm xuất khẩu khoáng sản và khai thác tiền số với doanh thu kiếm được từ các nguồn này hiện đã vượt quá 120 triệu đô la Mỹ và 420 tỷ Kíp.
Theo kế hoạch đến hết năm 2022, Lào dự kiến trả nợ trong nước 10.083 tỷ Kíp, trong đó đã trả được 5.381 tỷ Kíp, đạt 53% kế hoạch. Trong khi đó, nợ nước ngoài ở mức trên 1.241 triệu USD, trong đó hơn 520 triệu USD đã được thanh toán xong. Bội chi ngân sách dự kiến sẽ giảm từ mục tiêu 3.098 tỷ kip (1,61% GDP) xuống còn 979 tỷ Kíp (0,51% GDP), với chi ngân sách của Trung ương trong 11 tháng đầu năm 2022 là 25,694 tỷ Kíp, và của địa phương là 7,824 tỷ Kíp. Trong khi đó, thu ngân sách dự kiến sẽ vượt mục tiêu 6,27%, tương đương hơn 1.981 tỷ kip, đạt mức 33.574 tỷ Kíp. Vốn đầu tư toàn xã hội cả năm dự kiến đạt 46.893,35 tỷ Kíp, tức 106,7% kế hoạch, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 3.515 tỷ Kíp, tức 89% kế hoạch, đã giải ngân được 2.085 tỷ Kíp, tức 53% kế hoạch; vốn hỗ trợ phát triển chính thức đạt 6.255,96 tỷ Kíp, tức 92,7% kế hoạch; vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước 37.122,39 tỷ Kíp, tức 126,2% kế hoạch.
Năm 2022, Chính phủ Lào đã đàm phán hoãn trả nợ với một số chủ nợ, tạo điều kiện cho Lào nới lỏng kế hoạch vay. Lào hy vọng sẽ huy động được khoản vay trị giá 16.900 tỷ Kíp, trong đó đến nay đã được 8.891 tỷ Kíp, bao gồm 6.239 tỷ Kíp từ các chủ nợ nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy phát biểu rằng Lào có khả năng đạt được các chỉ tiêu về cán cân thanh toán quốc tế. Lào đã đạt thặng dư thương mại 911 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay, với con số dự kiến sẽ tăng lên 1.199 triệu USD cho cả năm 2022. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ ngoại tệ (33%) thu được từ xuất khẩu và vốn từ các dự án phát triển do nước ngoài tài trợ ở Lào được đưa vào hệ thống ngân hàng trong nước.
Chính phủ đảm bảo với Quốc hội rằng họ sẽ theo đuổi các mục tiêu vĩ mô, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 4,4% trong năm nay so với mức 3,5% của năm 2021. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP được ghi nhận ở mức 4,2%. Năm 2023, Chính phủ sẽ nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 4,5%, tương đương 234.160 tỷ Kíp với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.625 USD và tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người đạt 1.534 USD. Lào cũng đặt mục tiêu thặng dư thương mại năm 2023 ở mức 1,125 tỷ USD, với 8.225 triệu USD xuất khẩu (tăng 8,22% so với năm 2022) và 7.100 triệu USD nhập khẩu (tăng 17,36% so với năm 2022). Các thị trường xuất khẩu chính của Lào vẫn là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, với các mặt hàng chính như: đồng, cao su, chuối, sắn và các loại nông sản khác. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: phương tiện giao thông (tính cả xe máy và máy kéo), dầu diesel - xăng, thiết bị cơ khí và các loại đá quý, đá bán quý, các sản phẩm nhựa, dược phẩm, thiết bị điện, gỗ và sản phẩm từ gỗ… (Vientiane Times, 07/12/2022)
Chính phủ Lào gặp khó khăn trong việc bình ổn tỷ giá hối đoái
Ngày 15/12/2022, Vientiane Times đưa tin, đồng Kíp tiếp tục giảm giá đang tạo ra rào cản lớn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ, đặc biệt khi 1/3 lượng hàng tiêu dùng của Lào phải nhập khẩu. Đồng Kíp hiện đã giảm giá trị 19,44% so với đồng USD và 18,02% so với đồng Baht Thái Lan trong 9 tháng qua. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái USD/Kíp vượt tỷ giá chính thức 12,33% và 4,27% đối với tỷ giá đồng Baht/Kíp trên thị trường bên ngoài.
Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Bounleua Sinxayvoravong cho rằng, đồng Kíp yếu là tác nhân cơ bản thúc đẩy lạm phát. Ông cho biết sự phối hợp giữa các ngành liên quan để điều tiết tiền tệ vẫn thiếu chặt chẽ, chưa toàn diện, phần lớn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài không vào hệ thống ngân hàng. Vào tháng 5 năm nay, BOL đã báo cáo rằng chỉ có khoảng 33% tổng nguồn thu từ xuất khẩu được đưa vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng, phần còn lại được gửi ra nước ngoài. Dòng vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân qua hệ thống ngân hàng cũng thấp hơn nhiều so với giá trị đã cam kết. Bên cạnh đó, yếu tố góp phần làm cho đồng Kíp thêm suy yếu đó là việc tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). FED cho biết họ đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Hơn nữa, tháng trước, đồng Baht của Thái Lan đã tăng mạnh lên, đạt mức cao nhất trong gần 3 tháng sau khi Trung Quốc nới lỏng một số quy định kiểm dịch đối với du khách nước ngoài. Đồng Baht mạnh có thể dẫn đến tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan.
BOL cho biết, họ đảm bảo sẽ kiểm soát dòng thu ngoại tệ từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào hệ thống ngân hàng, tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý ngoại hối để thắt chặt, kiểm soát tỷ giá hối đoái. Vào tháng 9/2021, khoảng 419 trong số 550 đơn vị đổi tiền được liên kết chặt chẽ với các ngân hàng thương mại và kể từ đó đã hoạt động dưới sự ủy quyền của các ngân hàng nhằm ngăn chặn sự khác biệt về tỷ giá hối đoái giữa các ngân hàng thương mại và các điểm đổi tiền. Ngoài ra, 300 đơn vị đổi tiền có thể bị thu hồi giấy phép với các quy định chặt chẽ hơn về tỷ giá hối đoái. Theo Bộ Tài chính, tới đây, hoạt động của các đơn vị đổi tiền có thể bị giới hạn chỉ ở các địa điểm tại ngân hàng, khách sạn, sân bay và các cửa khẩu biên giới.
Năm 2022, sản xuất nông nghiệp tăng vượt kế hoạch
Ngày 06/12/2022, Vientiane Times đưa tin, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy, Chính phủ Lào kỳ vọng sản xuất nông nghiệp năm 2022 sẽ tăng 2,9%, chiếm 17,5% GDP, vượt mục tiêu là 2,7%.
Bộ trưởng cho biết, sản lượng lúa năm nay đạt 3,76 triệu tấn, vượt 0,6 triệu tấn so với mục tiêu đã đề ra. Sản lượng từ cây trồng đạt 2,03 triệu tấn, bằng 61,51% kế hoạch. Rau các loại 7,05 triệu tấn, bằng 113% kế hoạch, dự kiến đến cuối năm đạt 8,10 triệu tấn, vượt 0,74 triệu tấn so với mức kế hoạch đã đề ra là 6,31 triệu tấn. Bên cạnh đó, sản lượng thịt, trứng, cá đạt 392.026 tấn, bằng 77,06% kế hoạch, phấn đấu đến cuối năm đạt mục tiêu đề ra là 508.700 tấn. Xuất khẩu nông, lâm sản đến nay đạt 1,18 tỷ USD, bằng 98,62% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu gia súc đến nay đã vượt 53 triệu USD so với mục tiêu đến năm 2022 là 100 triệu USD.
Đến nay, Lào đã ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc về xuất nhập khẩu 16 loại nông sản, với Việt Nam 16 loại và Thái Lan 15 loại. Đây là cơ hội lớn để tăng năng suất cây trồng cho xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc khi hàng hóa dễ hư hỏng có thể được vận chuyển một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn thông qua tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc. Việc tăng trưởng xuất khẩu mang lại nhiều ngoại tệ hơn cho Lào, giúp ổn định giá trị đồng Kíp. Năm 2021, Lào thu hơn 900 triệu USD từ xuất khẩu nông sản, đạt 82% mục tiêu.
Doanh thu xuất khẩu của ngành may mặc Lào tăng 25%
Ngày 16/12/2022, Vientane Times đưa tin, trong năm nay, ngành may mặc của Lào đã đạt kim ngạch xuất khẩu 191 triệu USD, tăng 25% so với năm ngoái, nhờ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế về Covid-19, cho phép các nhà máy tiếp tục sản xuất.
Trong hai năm vừa qua, lượng xuất khẩu của ngành may mặc Lào đã bị suy giảm, một số nhà máy phải đóng cửa khiến các thành viên của Hiệp hội May mặc phải chịu nhiều thiệt hại trong thời kỳ đại dịch.
Theo Hiệp hội Công nghiệp May mặc Lào (ALGI), tình trạng thiếu công nhân khiến việc sản xuất bị chậm trễ dẫn tới giao hàng không đúng hạn. Đại dịch cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên liệu thô từ nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc năm 2020 của Lào đạt 192,3 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019; năm 2021, đạt 189,7 triệu USD, giảm 1,4% so với năm 2020.
Tại Đại hội lần thứ 9 của Hiệp hội tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn gần đây, Chủ tịch ALGI, Tiến sĩ Xaybandith Rasphone cho biết, Hiệp hội sẽ khẩn trương đẩy mạnh sản xuất hàng may mặc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và giảm nhập khẩu. Điều này cũng sẽ giúp tăng giá trị xuất khẩu lên ít nhất 10%/năm trong ba năm tới.
Tiến sĩ Xaybandith cho biết Hiệp hội sẽ tiếp tục hợp tác với các viện giáo dục để tăng cường đào tạo cho công nhân làm việc trong ngành may mặc. Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tiếp tục làm việc về các quyền ưu đãi thương mại và yêu cầu các cơ quan chức năng đưa ra chính sách đồng bộ, thống nhất. Hiệp hội cũng sẽ tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước, tiếp tục tìm kiếm thị trường và đối tác kinh doanh mới nhằm tạo thêm thu nhập, tạo việc làm và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Tiến sĩ Xaybandith cho biết Lào hiện có 77 nhà máy may mặc, trong đó 51 sản xuất hàng xuất khẩu, 26 nhà máy còn lại phục vụ cho tiêu dùng trong nước. Trong tổng số 53 nhà máy là thành viên của ALGI, 40 trong số đó tham gia sản xuất hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp của Lào đầu tư vào 7 trong số nhà máy nói trên, 6 nhà máy theo hình thức liên doanh và 38 là vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư 12 nhà máy, trong khi đó 7 nhà máy có cổ phần của các nhà đầu tư Thái Lan.
Số lượng công nhân làm việc cho các nhà máy may mặc khoảng 25.000 người, 90% là nữ. Lao động nước ngoài, bao gồm giám đốc điều hành và nhân viên kỹ thuật đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Sri Lanka chiếm hoảng 0,5%.
Sản phẩm của các nhà máy khá đa dạng, trong đó bao gồm các sản phẩm may mặc như quần áo đồng phục, áo sơ mi, áo phông, áo polo, trang phục công sở, áo khoác, quần jean, chăn và giày. Gần 80% sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu, tiếp theo là các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, Thụy Sĩ và Canada.
Năm 2022, xuất khẩu điện của Lào tăng 7,5%
Ngày 15/12/2022, Laotian Times đưa tin, tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 4, khóa 9, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Lào đã thu được 1.769 triệu USD nhờ xuất khẩu điện và chỉ chi 15 triệu USD khi nhập khẩu, giảm 72,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu điện của Lào bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 51.134 triệu kWh vào năm 2023, vượt hơn 70% so với lượng điện sản xuất trong năm nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến việc điều chỉnh giá điện nội địa để thu hút thêm người dùng trong nước và sẽ hợp tác với các nước láng giềng như Trung Quốc để trao đổi điện năng thông qua hệ thống kết nối “từ lưới điện đến lưới điện”. Điều này giúp giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô và tích trữ thêm điện trong mùa mưa.
Hệ thống truyền tải của công ty Điện lực Lào cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc bán điện từ các dự án điện tư nhân. Lãnh đạo Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, nước này kỳ vọng sản xuất được 1.807 MW điện, hơn 50% trong số đó là từ các dự án thủy điện, 19% từ nhiệt điện than và 24% từ năng lượng mặt trời. Đến năm 2030, Lào muốn tăng lượng điện này lên 5.559 MW, phần lớn trong số đó sẽ được tạo ra từ các dự án thủy điện.
Ngành du lịch trên đường phục hồi
Ngày 08/12/2022, Vientiane Times đưa tin, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi kể từ khi Chính phủ nới lỏng các hạn chế Covid-19 vào giữa năm nay và khách du lịch bắt đầu quay trở lại Lào.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, ông Daovone Phachanthavong, cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp liên quan đến du lịch đang hoạt động tốt và tăng trưởng nhanh đều. Việc khai trương tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc vào cuối năm ngoái giúp thúc đẩy ngành du lịch. Bùng phát nhiều doanh nghiệp du lịch tại các thị trấn dọc theo tuyến đường sắt từ Vangvieng, Luang Prabang và đến tận biên giới Trung Quốc hiện đang bùng nổ.
Hầu hết khách du lịch nước ngoài đến từ các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, khách du lịch từ Hàn Quốc cũng đứng đầu danh sách. Cho đến 9 tháng đầu năm nay, tổng cộng có 644.756 khách du lịch nước ngoài đến thăm Lào, đạt 71,64% so với mục tiêu cho năm 2022. Theo thống kê của Vụ tiếp thị du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch tổng hợp cho biết, du khách đến từ Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc đứng đầu danh sách, có khoảng 364.515 du khách đến từ Thái Lan, 18.902 từ Trung Quốc, 9.885 từ Hàn Quốc, 6.695 từ Mỹ và 6.379 từ Campuchia. Con số trên cho thấy sự hồi sinh tích cực của du lịch Lào, đây có thể trở thành một cú hích đáng hoan nghênh cho nền kinh tế.
Số lượng công dân Lào thực hiện các chuyến du lịch khắp đất nước cũng tăng lên và được ghi nhận ở mức 1.037.050, bằng 97,28% so với mục tiêu. Vụ tiếp thị du lịch cũng ghi nhận 14.194 khách du lịch đến từ các nước châu Âu, chiếm 2% tổng số; Hoa Kỳ có 9.812 lượt khách, chiếm 1,52%; và 2.615 từ Châu Phi và Trung Đông, chiếm 0,41%. Doanh thu du lịch đạt 225,01 triệu USD, đạt 74,71% kế hoạch. National Geographic, một trong những tạp chí uy tín nhất trên thế giới đã vinh danh Lào là một trong 25 địa điểm ngoạn mục nhất để ghé thăm vào năm 2023. Các quan chức ngành du lịch tin rằng khuyến nghị này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành du lịch trong năm tới.
Tuyến đường sắt mới đang chứng tỏ là một điểm thu hút khách du lịch, giờ đây mọi người có thể đi lại giữa Vangvieng, Viêng Chăn, Luang Prabang, Oudomxay và Luang Namtha nhanh hơn trước. Du lịch đường sắt cũng đang mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Chính phủ đưa ra kế hoạch giải quyết nguồn cung xăng dầu
Ngày 09/12/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn để kiểm soát nguồn cung và giá cả xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và giảm bớt gánh nặng của đất nước.
Về ngắn hạn, Bộ Công thương cần hợp tác với các cơ quan hữu quan cung cấp đủ ngoại tệ cho việc nhập khẩu nhiên liệu, đồng thời đảm bảo tỷ giá hối đoái không cao hơn quy định của Ngân hàng Trung ương. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho hai công ty Yord Ngum Power và công ty lọc dầu Laopec để họ có thể cung cấp nhiều hơn cho thị trường trong nước, bao gồm các biện pháp như: cung cấp quỹ, miễn giảm thuế và giảm phí thuế quan. Đồng thời, công tác tuyên truyền cho công chúng cũng được triển khai để giảm bớt mức sử dụng nhiên liệu cho những mục đích chưa thiết yếu.
Về trung hạn, Chính phủ Lào sẽ trực tiếp đàm phán với Chính phủ các nước sản xuất dầu mỏ để có được giá nhiên liệu thấp hơn, đồng thời thảo luận về việc ký kết đối tác dài hạn để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho Lào. Việc nhập khẩu nhiên liệu qua hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng được xem xét, cùng với công tác nghiên cứu khả thi về việc thuê kho chứa dầu tại hai nước này và có các quy định về quỹ nhiên liệu để ứng phó với việc tăng giá nhiên liệu. Các công ty xăng dầu quốc doanh cũng sẽ được hỗ trợ để mở rộng hoạt động và hội nhập quốc tế, cùng với việc yêu cầu hoạt động minh bạch và công bằng.
Về dài hạn, Chính phủ sẽ cân nhắc hợp tác với Trung Quốc để nhập nhiên liệu từ Vân Nam hoặc một số địa phương khác và đưa vào Lào qua tuyến đường sắt Lào - Trung, cũng như tiến hành nghiên cứu khả thi việc xây dựng các kho chứa nhiên liệu miễn thuế dọc theo biên giới Lào - Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến xăng dầu, Chính phủ đã cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các đơn vị nhập khẩu, giảm thuế tiêu thủ đặc biệt và điều chỉnh giá bán tùy theo tình hình. Tuy nhiên, giá mặt hàng đặc biệt này vẫn sẽ cao trong tương lai gần do biến động tỷ giá hối đoái, lạm phát cao và đồng Kíp yếu tại Lào.
Chính phủ phê duyệt khoản vay bổ sung 100 tỷ Kíp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Chính phủ đã phê duyệt khoản hỗ trợ bổ sung 100 tỷ Kíp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới hình thức cho vay dài hạn với mức lãi suất thấp được phát hành thông qua các ngân hàng thương mại.
Trong số này, 91 tỷ Kíp sẽ được phân bổ cho bốn doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực ưu tiên vay, với lãi suất hàng năm là 3%, cho vay qua các ngân hàng: Sacombank Lào 20 tỷ Kíp, LaoVietBank 20 tỷ Kíp, Maruhan Japan Bank Lào 15 tỷ Kíp, Ngân hàng Phát triển Lào 15 tỷ Kíp và Banque pour le Commerce Exterieur Lao Public 21 tỷ Kíp.
Các thỏa thuận về kế hoạch cho vay đã được ký kết ngày 06/12/2022 tại Bộ Công Thương, giữa đại diện Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với năm ngân hàng trên. Các lĩnh vực ưu tiên vay như chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi và du lịch.
Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận, Giám đốc Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Latthana Duangboupha cho biết, quỹ được thành lập vào năm 2021 và đã cung cấp hơn 675,6 tỷ Kíp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các khoản vay do 7 ngân hàng phát hành với lãi suất hàng năm là 3-8%, trong thời gian vay dài nhất là 10 năm ở các tỉnh trên cả nước trừ tỉnh Bokeo. Các tiêu chí nghiêm ngặt được áp dụng đối với người vay nhằm giảm rủi ro vỡ nợ để đảm bảo quỹ được sử dụng hiệu quả và bền vững. Để được chấp nhận cho vay, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, người lao động được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có tài khoản phù hợp và không có nợ xấu với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác. (Vientiane Times, ngày 08/12/2022)
Chính phủ đề xuất quy định thương mại điện tử chặt chẽ hơn nhằm tăng thu ngân sách
Ngày 19/12/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ trưởng Bộ Công Thương Malaythong Kommasith cho biết, Bộ đang nỗ lực tìm cách tăng thêm những ích lợi tài chính từ ngành thương mại điện tử (TMĐT), hi vọng sẽ quản lý và phát triển hình thức kinh tế này hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh ngành này hiện đang bùng nổ tại Lào, trong khu vực cũng như trên toàn cầu.
Bộ Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp quảng bá đến công chúng các hoạt động trực tuyến của họ, tuy nhiên đa số vẫn chưa triển khai, để chế độ ẩn hoặc không theo quy định của nhà nước. Một vấn đề khác nữa là nhiều người dân Lào mua hàng hóa trực tuyến sau khi thấy quảng cáo, tuy nhiên lại nhận được hàng kém chất lượng, không đúng như mẫu mã và có dịch vụ bán hàng kém nhưng lại không có quy định pháp lý để đòi bồi thường.
Bộ trưởng Malaythong cho biết, việc quản lý, giám sát và phát triển ngành kinh doanh trực tuyến còn rất mới đối với Bộ Công Thương. Do đó, để các công việc diễn ra hiệu quả, cần có sự hợp tác mạnh mẽ của tất cả các cơ quan ban ngành liên quan của Chính phủ. Bộ Công Thương sẽ đi đầu trong việc định hình chiến lược thương mại điện tử, kế hoạch phát triển và quy trình pháp lý để điều chỉnh và hỗ trợ ngành này.
Một số biện pháp mà Bộ Công Thương đề xuất bao gồm: một văn phòng điều phối chung với các cán bộ thuộc nhiều bộ ngành khác nhau nhằm đảm bảo các hoạt động thương mại điện tử đúng theo quy định; các đơn vị kinh doanh TMĐT phải đăng ký hoạt động và tuân thủ quy định; người tiêu dùng được thông báo về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi mua hàng trực tuyến; tổng đài 1510 giải quyết các khiếu nại, tranh chấp của người tiêu dùng; hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh trực tuyến đồng thời xem xét việc thành lập hiệp hội ngành TMĐT với khoảng 20 trung tâm TMĐT trên cả nước để các đơn vị kinh doanh có thể tiếp cận hệ thống dữ liệu này.
Riêng năm 2022, giá trị hàng hóa TMĐT tại Lào đã đạt mức 683 triệu USD, đa số là từ Trung Quốc với lợi thế của tuyến đường sắt Lào - Trung và hệ thống các nhà kho dọc theo tuyến đường này, được kỳ vọng sẽ tăng hàng năm khoảng 17,27% và đạt mức 1,5 tỷ USD vào năm 2027.
Chính phủ Lào cũng như Bộ Công Thương đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để tăng cường năng lực quản lý, đẩy mạnh phát triển ngành TMĐT tại Lào cũng như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu TMĐT, được kì vọng sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023.
Chính phủ chi 700 tỷ Kíp cho Quỹ đường bộ năm 2022
Ngày 20/12/2022, Vientiane Times đưa tin, trong năm 2022 Chính phủ Lào đã chi 700 tỷ Kíp cho Quỹ đường bộ nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm đủ nguồn tài chính để thực hiện tất cả công việc bảo trì và xây dựng đường bộ cần thiết. Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào, tiến sĩ Viengsavath Siphandone đã thừa nhận vấn đề khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong tuần này. Tiến sĩ Viengsavath cho biết, Bộ sẽ trao đổi vấn đề này với tất cả các cơ quan Chính phủ liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tìm ra giải pháp cho năm 2023.
Năm nay, Bộ đã huy động vốn từ bốn nguồn: thu thuế nhiên liệu, chi phí đăng ký xe-phương tiện giao thông, tiền bán biển số xe và tiền phạt vi phạm giao thông; và đã chi hơn 625 tỷ Kíp để sửa chữa và bảo trì đường cao tốc và cầu, bằng 89,4% Ngân sách được phê duyệt. Các khoản chi cụ thể gồm: 38,45 tỷ Kíp cho nâng cấp đường giao thông và cầu; Ban Quản lý và Phát triển Thành phố Viêng Chăn chi 1,25 tỷ Kíp; 18,84 tỷ Kíp chi cho các việc liên quan đến quản lý an toàn đường bộ; các khoản chi này đều tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức ngân sách được duyệt. Bộ cũng đã chi 14,42 tỷ Kíp cho quản lý đường bộ, tương đương khoảng 2% Quỹ đường bộ.
Quỹ đường bộ ban đầu được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2001 với tên gọi Quỹ bảo trì đường bộ và năm 2016 được thay thế bằng Quỹ đường bộ. Từ năm 2016, Quỹ được cấp kinh phí hoàn toàn từ Ngân sách, nhưng đến nay còn gặp nhiều vấn đề, Quỹ không đủ để chi trả và kịp thời các khoản sửa chữa theo kế hoạch.
Chính phủ Lào sẽ thu hồi các dự án thuê và sử đụng đất công không hiệu quả
Ngày 13/12/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bounkham Vorachit khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào tuần trước cho biết, Chính phủ đã thu hồi một số dự án cho thuê và nhượng đất công vì các dự án này bị cho là không hoặc kém hiệu quả.
Tổng số 2.031 dự án trên cả nước sẽ được kiểm tra, đánh giá lại và các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào các dự án có hợp đồng cho thuê và chuyển nhượng. Những dự án chưa được triển khai hoặc triển khai không đúng với kế hoạch chính thức sẽ bị thu hồi. Các dự án này bao gồm 800 dự án nông nghiệp, 313 dự án điện và 899 dự án khai thác mỏ.
Bộ trưởng Vorachit cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường đến nay đã thu thập dữ liệu của 101 dự án cho thuê và tô nhượng đất công tại 6 tỉnh. Tổng cộng có 74 “dự án ma” trên diện tích 26.064 ha đã bị “xóa sổ”. 110 dự án khác cũng đã bị xóa khỏi danh sách đất cho thuê và đất nhượng quyền. 170 dự án khác với diện tích 79.079 ha không hoạt động hoặc hết hạn triển khai cũng đã bị hủy bỏ. 13 dự án với diện tích khoảng 311 ha không phải là đất thuê, đất tô nhượng của nhà nước cũng bị thu hồi.
Có ba dự án tranh chấp với diện tích 82,4 ha cùng với 66 dự án trên diện tích 22.635 ha đang được Bộ kiểm tra lại để đánh giá lại quy trình pháp lý và thực hiện nghĩa vụ môi trường. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang dừng việc giao đất công cho một cá nhân đối với hai dự án với diện tích 22.635 ha.
Tuy nhiên, Chính phủ đang gặp một số khó khăn trong việc thực hiện các công tác này. Tiêu biểu như việc thanh lý, hủy bỏ một số dự án kém chất lượng vẫn chưa được thực hiện. Sự phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương chưa đồng bộ, dữ liệu về các dự án còn lộn xộn và không đầy đủ. Các cơ quan chức năng không thể thu tiền thuê đất, phí tô nhượng và thuế của nhiều dự án. Công tác giám sát, kiểm tra, hỗ trợ thực hiện dự án chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều dự án không tuân theo quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch giao đất, quản lý môi trường tổng thể và phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương. Một số dự án triển khai hoạt động mà chưa thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động môi trường. Một số dự án đang gặp phải vấn đề “chồng lấn quy hoạch” lẫn nhau. Một số dự án đã đánh giá tác động môi trường nhưng lại thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Các vấn đề còn tồn tại này sẽ được Chính phủ nỗ lực tìm cách giải quyết trong những năm tới.
Chính phủ đình chỉ các dự án thí điểm quặng sắt mới
Ngày 12/12/2022, Vientiane Times đưa tin, trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào ngày 09/12/2022, Thủ tướng Phankham Viphavanh thông báo Chính phủ Lào sẽ không chấp nhận các đề xuất mới về khảo sát, khai thác và xuất khẩu quặng sắt dưới hình thức các dự án thí điểm, do giá mặt hàng này trên thị trường thế giới giảm mạnh. Trước đó, các đại biểu quốc hội đã chỉ ra việc khai thác và xuất khẩu quặng sắt hiện không còn khả thi về mặt kinh tế do sự suy giảm giá trị của loại khoáng sản này trên thị trường.
Thủ tướng khẳng định với các đại biểu "nếu giá quặng sắt giảm xuống dưới 50 USD/tấn như trong năm 2015-2016, Chính phủ sẽ đình chỉ hoàn toàn việc xuất khẩu loại quặng này." Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ khuyến khích khu vực tư nhân xây dựng các nhà máy chế biến quặng sắt khi giá tăng trở lại.
Thủ tướng cũng cảnh báo, Chính phủ sẽ thu hồi giấy phép của các công ty nếu vi phạm các quy định và thỏa thuận đã ký, khi Chính phủ tiến hành đánh giá khả năng duy trì các hoạt động khai thác hiện tại.
Thủ tướng Phankham cho biết theo kế hoạch đề ra, Lào sẽ xuất khẩu khoảng 12,63 triệu tấn quặng sắt, nhưng đến nay mới xuất khẩu được 402 tấn, chỉ đạt 3,18% so với mục tiêu. Theo ông, ban đầu Chính phủ phê duyệt các dự án thí điểm khai thác quặng sắt là nhằm tăng thu ngân sách trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay. Vừa qua, Chính phủ đã không thể đạt được kế hoạch thu ngân sách một phần do đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến du lịch và đầu tư nước ngoài, những ngành mang lại thu nhập chính cho Lào. Việc khai thác và xuất khẩu quặng sắt nằm trong chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính của Chính phủ.
Thủ tướng Phankham cho biết thu nhập từ khai thác quặng sắt sẽ giúp Chính phủ giảm thâm hụt ngân sách và trả một phần nợ nước ngoài, qua đó giúp đất nước không bị lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Nhằm giải quyết tất cả những vướng mắc liên quan đến các dự án thí điểm quặng sắt hiện tại, Bộ Năng lượng và Mỏ đã được yêu cầu phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương giám sát hoạt động của các dự án thuộc diện nghi vấn. Các cơ quan chức năng đã xem xét số tiền thuế phải nộp đối với các dự án thí điểm quặng sắt, việc xem xét dựa trên tỷ lệ phần trăm giá thị trường hiện tại (do có sự dao động), thay vì căn cứ theo tỷ lệ hợp đồng cố định và các khoản thuế phải trả nên được xem xét theo từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào vị trí và chất lượng của quặng sắt được khai thác.
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch Việt Nam-Lào tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2021
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2022 như sau:
Tháng 11 năm 2022:
Tháng 11/2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 43,6 triệu USD, giảm 5,8% so với tháng 10/2022 (46,3 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu chính trong tháng 11/2022 gồm: Hàng rau quả đạt 5,1 triệu USD, giảm 27% so với tháng 10/2022, tăng 277,2% so với cùng kỳ 11 tháng/2021; Xăng dầu các loại đạt 7,3 triệu USD, tăng 27,3% so với tháng 10/2022 và tăng 217,6% so với cùng kỳ 2021; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 2,8 triệu USD, giảm 59% so với tháng 10/2022 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.
Về nhập khẩu của Việt Nam từ Lào tháng 11 đạt 88,5 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng 10/2022, tăng 40,5% so với cùng kỳ 11 tháng/20201. Mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Ngô đạt 4 triệu USD, giảm 62,2% so với tháng 10/2022, tăng 8.721% so với cùng kỳ tháng 11/2021; cao su đạt 21,5 triệu USD, giảm 12,4% so với tháng 10/2022, tăng 37,2% so với cùng kỳ 11 tháng/2021; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 11,9 triệu USD, tăng 14,1% so với tháng 10/2022 và tăng 34,9% so với cùng kỳ 11 tháng/2021; phân bón các loại đạt 4,7 triệu USD, giảm 62,2% so với tháng 10/2022 và tăng 74% so với cùng kỳ 11 tháng/2021.
11 tháng đầu năm 2022:
11 tháng đầu năm 2022 tổng kim ngạch XNK Việt Nam - Lào đạt 1.492 triệu USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021 (1.207 triệu USD). Trong đó:
+ Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 555,4 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2021 (540,6 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: hàng rau quả, giá trị 56,8 triệu USD, tăng mạnh 277,2%; Xăng dầu các loại đạt 65,4 triệu USD, tăng 217,6%; Phân bón các loại đạt 31 triệu USD, tăng 49,2%; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác đạt 54,8 triệu USD, tăng 1%; Sắt thép các loại đạt 56,6 triệu USD, giảm 11,2%; Sản phẩm từ sắt thép đạt 40 triệu USD, giảm 42,6%.
+ Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 936,8 triệu USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021 (666,5 triệu USD). Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: cao su đạt 215 triệu USD, tăng 37,2%; Phân bón các loại đạt 84,7 triệu USD, tăng 74%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 128,6 triệu USD, tăng 35%; Quặng và khoáng sản khác đạt 75,5 triệu USD, giảm 3%.
Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai nước như hiện nay, ước cả năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 1.627 triệu USD, tăng trên 20% so với năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại Kỳ họp lần thứ 44 Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào (tăng từ 10% trở lên/năm) (Thương vụ Việt Nam tại Lào).
Lào - Việt Nam tìm giải pháp nâng thương mại song phương lên 2 tỷ USD
Ngày 25/11/2022, các lãnh đạo ngành thương mại hai nước Lào - Việt Nam đã gặp nhau tại Vientiane để thảo luận việc hợp tác rộng hơn trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ và công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD. Các đơn vị tham gia hội nghị đã trao đổi và chia sẻ thông tin về các thuận lợi, khó khăn trong thương mại - đầu tư giữa hai nước, tìm các giải pháp phù hợp và cách thức để thúc đẩy thương mại giữa các công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị phân phối của hai nước. Hiện nay, Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ ba vào Lào với các lĩnh vực chính như nông nghiệp, ngân hàng, tài chính, truyền thông, sản xuất và chế biến.
Tại hội nghị, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào kiến nghị Bộ Công Thương đưa ra các chính sách phù hợp để bảo vệ hàng hóa sản xuất tại chỗ và việc nhập khẩu hàng hóa qua kênh chính thức. Hiệp hội cũng đề nghị hai Chính phủ và Bộ Công chính - Vận tải Lào nâng cấp tuyến đường nối với Việt Nam trên đất Lào và thúc đẩy việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Vientiane nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí giao thương giữa hai nước. (Vientiane Times, ngày 01/12/2022)
Lào kỳ vọng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư từ Việt Nam, trong đó có TP.HCM
Ngày 13/12/2022, phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-Lào diễn ra tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone cam kết, Chính phủ Lào sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nhà đầu tư Việt Nam và mong muốn thu hút đầu tư nhiều hơn nữa vào Lào để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước. Phó Thủ tướng cho biết, các dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời gian qua. Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong tổng số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Tuy nhiên, kết quả đạt được hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của hai nước.
Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, sau giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, Lào đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thích ứng với tình hình mới, đồng thời, tập trung thu hút mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Lào. Chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối với các nước trong khu vực, tăng cường dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy các ngành liên quan như dịch vụ hay du lịch.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mối quan hệ chính trị tốt đẹp là nền tảng vững chắc để hai nước triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế. Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi đã rót 5,34 tỷ USD vào 238 dự án. Các doanh nghiệp của TP.HCM đã đăng ký 44 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 496 triệu USD tại Lào.
Tổng Lãnh sự Lào tại TP.HCM Phimpha Keomixay cho biết, hoạt động đầu tư của Việt Nam tập trung vào hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của Lào như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất và phân phối hàng hóa thiết yếu, dịch vụ ngân hàng, du lịch, khách sạn và trung tâm thương mại.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và TP.HCM đã ký kết 17 biên bản ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế với các bộ, ngành, địa phương của Lào để triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và du lịch. (KPL, ngày 14/12/2022)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
Lào xuất khẩu mít sang Trung Quốc
Ngày 14/12/2022, Vientiane Times đưa tin, Lào đang chuẩn bị xuất khẩu hàng trăm tấn mít sang Trung Quốc vào năm 2023 thông qua tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc.
Giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến và Phát triển Nông nghiệp Bolikhamxay, bà Kingkeo Chanthalangsy cho biết công ty đã phát triển diện tích trồng hơn 300 ha mít trong vòng 4 năm trở lại đây và nay đã đến thời điểm thu hoạch trái để xuất khẩu.
Nhiều năm trước, công ty từng trồng chuối để xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên, các điều kiện đã thay đổi, do nhu cầu của thị trường ở các nước láng giềng và trên thế giới Công ty đã quyết định dừng trồng chuối và chuyển sang trồng sầu riêng và mít để có thể canh tác lâu dài, bền vững hơn (cây này có thể cho trái từ 30-70 năm).
Bà Kingkeo cho biết, sau khi công ty xuất khẩu hàng trăm tấn mít sang Trung Quốc, từ năm 2025 công ty sẽ tiếp tục hướng đến xuất khẩu sầu riêng.
Tại Lào, các doanh nhân đang trồng ngày càng nhiều sầu riêng, cà phê và mít hơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Một doanh nhân người nước ngoài đã đến Lào đề nghị cấp tô nhượng khoảng 3.000 ha đến 5.000 ha để trồng sầu riêng tại các tỉnh miền Trung và Nam Lào. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Lào và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác mua các sản phẩm nông nghiệp chế biến từ Lào gồm đậu, bột sắn, thịt bò, xoài, sầu riêng, đậu nành và đường, góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Đường sắt Lào-Trung Quốc
Ngày 30/11/2022, Vientiane Times đưa tin, sau một năm hoạt động, từ khi khai trương tuyến đường sắt vào tháng 12/2021 đến ngày 03/12/2022 tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đã vận chuyển 8,5 triệu lượt hành khách, trong đó 7,2 triệu lượt hành khách nội địa và 1,3 triệu lượt hành khách quốc tế; và đã vận chuyển 11,2 triệu tấn hàng hóa, trong đó chặng nội địa 8,77 triệu tấn và 2,43 triệu tấn xuyên biên giới. Khối lượng, chất lượng vận tải hành khách và hàng hóa được nâng lên.
Tuyến đường sắt đã tạo nên sự bùng nổ du lịch và đã có tác động thúc đẩy đáng kể đối với ngành du lịch. Hành khách từ khắp Lào cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới, chủ yếu là Thái Lan, sử dụng đường sắt để đến các điểm du lịch nổi tiếng ở phía bắc Lào, đặc biệt là Luông Pha Băng.
Theo China Daily, trong 10 tháng đầu năm nay, có hơn 335.700 khách du lịch đã đến Luang Prabang bằng tàu hỏa, chiếm 85,27% tổng số du khách. Du khách ưa chuộng đường sắt hơn vì sự tiện lợi, nhanh chóng với mức giá vé không đắt; và việc sử dụng đường sắt đã giúp cắt giảm 30-40% chi phí vận chuyển so với đường bộ tại Lào.
Để đánh dấu lễ kỷ niệm tuyến đường sắt năm đầu tiên, Công ty TNHH Đường sắt Lào-Trung Quốc sẽ tặng một số lượng vé miễn phí có hạn cho hành trình từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12. Hai vé miễn phí sẽ được phát ngẫu nhiên mỗi ngày trong năm ngày này. Nhân viên tàu hỏa sẽ đặt một chùm chìa khóa nhỏ lên hai ghế trong tàu và hành khách nào được xếp một trong những ghế đó sẽ được đi tàu miễn phí.
Với tổng chiều dài 1.035 km, chạy từ Côn Minh, Trung Quốc ở phía bắc đến Viêng Chăn, Lào ở phía nam. Đây là tuyến đường sắt quốc tế đầu tiên do Trung Quốc đầu tư và xây dựng lớn sau khi Sáng kiến Vành đai và Con đường được đề xuất, và được kết nối trực tiếp với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc thông qua việc sử dụng các tiêu chuẩn và thiết bị kỹ thuật của Trung Quốc.
Kể từ khi mở tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, hàng hóa địa phương như chuối, cao su và quặng sắt đã được vận chuyển đến Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt. Hàng hóa của Trung Quốc như thực phẩm, phân bón, hoa và hàng hóa tổng hợp cũng được vận chuyển sang Lào thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào.
Sau 01 năm tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới với hơn 1.200 chủng loại, đi qua Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Singapore và các quốc gia và khu vực khác, trở thành con đường vàng kết nối khu vực và tiếp thêm sức sống mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia dọc tuyến đường.
Việc khai trương tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã thay đổi cục diện giao thông của “quốc gia không giáp biển” của Đông Nam Á, đáp ứng đáng kể nhu cầu đi lại của người dân dọc theo các tuyến đường, làm phong phú thêm nguồn cung hàng hóa quốc tế và giúp ngày càng nhiều quốc gia được hưởng lợi do Sáng kiến Vành đai và Con đường.
ICBC được bật đèn xanh cho dịch vụ thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Lào
Ngày 20/12/2022, ICBC Chi nhánh Vientiane đã tổ chức hội thảo tại Lào về dịch vụ thanh toán Nhân dân tệ nhằm nêu bật việc triển khai và mở rộng hợp tác, thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ tại Lào, báo cáo về tình hình đồng Nhân dân tệ tại Lào, hướng hợp tác trong tương lai, tình hình thương mại và đầu tư tại Lào và Trung Quốc. Ngân hàng giải thích về dịch vụ thanh toán và các sản phẩm khác sử dụng hệ thống chất lượng cao, công nghệ hiện đại.
Chi nhánh Vientiane của Ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC) là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ tại Lào, từ đó trở thành cầu nối thanh toán xuyên biên giới giữa Lào và Trung Quốc. Tổng giám đốc Chi nhánh ICBC Vientiane Sun Fenglei cho biết, ICBC Chi nhánh Vientiane đã đề xuất thiết lập dịch vụ thanh toán Nhân dân tệ tại Lào vào năm 2019 và Ngân hàng nhân dân Trung Quốc chính thức phê duyệt ICBC Vientiane là ngân hàng thanh toán Nhân dân tệ tại Lào vào ngày 20 tháng 9 năm 2022. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith ngày 30/11/2022, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận về nghiệp vụ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ giữa Ngân hàng nhân dân Trung Quốc và Chi nhánh ICBC Vientiane. Đây là một thành tựu quan trọng trong hợp tác tài chính giữa Lào và Trung Quốc.
Hội thảo giúp khách hàng và các đơn vị kinh doanh hiểu sâu hơn về cách tiếp cận dịch vụ thanh toán. ICBC Vientiane đang rất tích cực và hoạt động trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhằm đảm bảo dịch vụ thanh toán tại Lào phù hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và để thúc đẩy sự phát triển ra quốc tế của đồng Nhân dân tệ trên toàn thế giới.
Tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào, Tiến sĩ Bounleua Sinxayvoravong cho biết, Lào và Trung Quốc là “bạn đời”, núi liền núi sông liền sông. Ông cho biết Lào và Trung Quốc cũng có quan hệ hữu nghị tốt đẹp, quan hệ thương mại tốt và hỗ trợ lẫn nhau. Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, không ngừng thúc đẩy và củng cố quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Đặc biệt về thương mại và đầu tư, Trung Quốc được coi là đối tác thương mại chính của Lào, giá trị thương mại và đầu tư không ngừng tăng lên. Việc thiết lập dịch vụ thanh toán Nhân dân tệ là cầu nối để thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng và an toàn giữa Lào và Trung Quốc với mức phí thấp hơn, đồng thời giúp quản lý dòng tiền vào và ra giữa hai nước có hệ thống hơn.
Nhân dịp này, Thống đốc Bounleua chúc mừng ICBC Chi nhánh Vientiane đã đạt được thành tựu quan trọng, bước tiến mới trong việc sử dụng đồng nội tệ để giao dịch và đầu tư, đồng thời mở rộng thỏa thuận về thúc đẩy sử dụng đồng tiền nội địa đặc biệt là Nhân dân tệ và Kíp.(Vientiane Times, ngày 22/12/2022)
Lào - Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc tài trợ 5 triệu USD để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu nhỏ tại Lào
Ngày 20/12/2022, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Bounpheng Sibounheung đại diện cho Chính phủ Lào và Giám đốc Quốc gia KOICA tại Lào Myungin Kim đại diện cho Chính phủ Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển nguồn nhân lực cho công tác chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa - nhỏ - siêu nhỏ (MSMEs) tại Lào, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương Malaythong Kommasith và Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Jung Young Soo.
Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ tài trợ cho chương trình trên 05 triệu USD, sẽ được KOICA triển khai trong 5 năm 2022-2026 với sự phối hợp của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Học viện Công Thương, Bộ Công Thương Lào.
Dự án nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp MSMEs, bao gồm việc triển khai một trung tâm phát triển sáng tạo doanh nghiệp khởi nghiệp và MSMEs, phát triển nguồn nhân lực cho công tác chuyển đổi số cũng như thương mại điện tử, đặc biệt là tại các viện, trường thông qua việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên. (Vientiane Times, ngày 21/12/2022)
Lào - Hoa Kỳ
Hoa Kỳ cam kết mở rộng hợp tác kinh tế với Lào
Ngày 07/12/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm Lào, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, bà Camille Dawson, đã xác nhận ý định của Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn mở rộng hợp tác kinh tế với Lào và cam kết giúp nước này đạt được sự phát triển bền vững.
Khi được hỏi Hoa Kỳ có thể giúp nhiều sản phẩm của Lào tiếp cận thị trường này hơn như một phần trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững ở Lào, bà Camille Dawson cho rằng người dân Lào nên kết nối chặt chẽ hơn với cộng đồng người Lào ở Hoa Kỳ vì họ hiểu môi trường kinh doanh của Hoa Kỳ và những cơ hội để có thể tồn tại ở đó. Bà nhấn mạnh cộng đồng người Lào ở nước ngoài có thể đóng vai trò cầu nối thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Hoa Kỳ hiện đang hợp tác với Chính phủ Lào, khu vực tư nhân và các doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ cũng khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Lào và thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước, đồng thời hỗ trợ chương trình khuyến khích các nhà sản xuất Lào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thương mại hai chiều giữa Lào và Hoa Kỳ tăng đáng kể sau khi hai nước ký kết Hiệp định Thương mại Song phương năm 2003 và Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư năm 2016. Trong 06 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Lào đạt 172 triệu USD và đầu tư của Hoa Kỳ vào Lào đạt 2,4 triệu USD.
Bà Dawson cho biết Hoa Kỳ tập trung mạnh vào kết nối kinh tế khu vực, đảm bảo Lào được kết nối thông qua ASEAN và có những cách thức để phát triển hợp tác kinh tế với khu vực này và thế giới.
Mối quan hệ Hoa Kỳ-Lào tiếp tục phát triển và đạt tầm cao mới vào năm 2016 khi Tổng thống Obama thăm Lào và nâng quan hệ song phương hai nước lên đối tác toàn diện. Mối quan hệ Hoa Kỳ-Lào bao gồm nhiều yếu tố, từ các vấn đề hậu quả chiến tranh đến hỗ trợ phát triển, dinh dưỡng, hỗ trợ nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Do Lào là một quốc gia ở Đông Nam Á với phần lớn dân số ở độ tuổi dưới 25, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ thanh niên Lào thông qua chương trình đào tạo tiếng Anh và Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC
Lào - ASEAN
Lào, ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Logistics
Từ ngày 9-11/12/2022, Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) đã tổ chức Hội nghị thường niên và Hội đồng thành viên lần thứ 32 tại Viêng Chăn Lào với mục tiêu thúc đẩy kinh tế và logistics trong khu vực ASEAN và Châu Á trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Viengsavath Siphandone cho biết, Lào cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu hỗ trợ của ASEAN trong lĩnh vực giao thông vận tải. Chính phủ Lào mong muốn chuyển từ một đất nước không giáp biển trở thành một “quốc gia liên kết mạnh trên đất liền”, qua đó cải thiện kết nối giữa ASEAN và các khu vực khác, đặc biệt là với Trung Quốc.
Phó Tổng thư ký phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ông Satvinder Singh, nhấn mạnh vai trò của ngành logistics và giao nhận vận tải trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa trong và ngoài khu vực, đồng thời đảm bảo hoạt động qua lại biên giới thông suốt theo các sáng kiến của ASEAN.
Chủ tịch AFFA, ông Yukki Nugrahawan Hanafi của Indonesia cho rằng tất cả các thành viên của Hiệp hội cần đưa ra kế hoạch hợp tác và thúc đẩy phát triển kinh doanh thông qua các hành động tích cực, nhất là tạo ra một khuôn khổ hợp tác trong ngành giao nhận vận tải và logistics. Theo ông, Lào đã bắt đầu đi tiên phong trong việc mở rộng kết nối ra ngoài khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc, thông qua Cảng cạn Thanalaeng. Ông cho rằng đây là một lý do chính đáng để đẩy nhanh xu thế nâng cao khả năng di chuyển trong các tuyến vận tải đã được kết nối hiện nay. Theo ông, nhiều doanh nghiệp giao nhận vận tải và logistics hiện đang phải đối mặt với những biến động trong mô hình kinh doanh trên toàn thế giới do sự hỗn loạn gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Bằng cách hợp tác phát triển và nâng cao năng lực thông qua chuyển đổi, các thành viên AFFA có thể cùng nhau tối đa hóa năng lực của mình để vượt qua những khó khăn trong kinh doanh do Covid-19 gây ra, điều mà trên thực tế sẽ không dễ dàng đối với tất cả các doanh nghiệp.
Ông Hanafi nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi doanh nghiệp, vấn đề hợp tác chung giữa các thành viên AFFA và các đối tác trên toàn cầu, đặc biệt là trong các quốc gia khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, đồng thời nâng cao năng lực cũng như sự hiểu biết của kỷ nguyên kỹ thuật số hóa. Ông cho rằng đây là điều sẽ giúp ích cho tất cả các sáng kiến hoạt động trong lĩnh vực logistics và vận tải dưới sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN.
Cùng với Ban thư ký ASEAN, trong tương lai AFFA sẽ tích cực hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng và an toàn hàng hóa giữa các quốc gia trong ASEAN, trong đó có Thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các doanh nghiệp được ủy quyền của ASEAN. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục cộng tác để làm mạnh mẽ thêm các quan hệ đối tác kinh doanh và có được sự hợp tác kinh doanh hiệu quả trong tương lai. Ông Hanafi là người đã giữ chức chủ tịch AFFA trong sáu năm vừa qua. (Vientiane Times 16/12/2022)
Lào - ADB
Ngân hàng ADB: Cần có thị trường tài chính mạnh hơn để tăng cường khả năng phục hồi trước những cú sốc của Lào
Ngày 15/12/2022, theo Báo cáo cập nhật về Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 vừa được công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào, mặc dù viễn cảnh giá tiêu dùng tiếp tục xấu đi.
ADB cho biết, theo báo cáo, lạm phát tiếp tục gia tăng trên khắp các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương do giá năng lượng và lương thực tăng cao, chủ yếu là do xung đột Nga-Ukraine.
Mặc dù giá dầu mỏ, khí đốt và thực phẩm trên toàn cầu có giảm so với đỉnh điểm hồi đầu năm, song giá vẫn ở mức cao hơn so với trước cuộc xung đột. Báo cáo của ADB ước tính lạm phát ở Lào vẫn sẽ ở mức trung bình 23% trong năm 2022, trước khi giảm xuống 10% vào năm 2023. Tháng 4/2022, ADB đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Lào từ 3,4% xuống còn 2,5%, và xuống 3,5% từ 3,7% dự kiến cho năm 2023.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Lào, Sonomi Tanaka cho biết dự kiến áp lực lạm phát sẽ tiếp tục trong thời gian tới, thậm chí trầm trọng hơn do chính sách thắt chặt của ngân hàng trung ương các nước trên toàn cầu trước bối cảnh đồng nội tệ đang trở nên yếu đi. Điều quan trọng là cần đưa ra các nỗ lực trong đó có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết tác động của đồng tiền yếu kém đối với lạm phát trong nước - đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu - do sự biến động giá cả đối với những hàng hóa này sẽ tác động không cân xứng đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương.
Một nghiên cứu trường hợp mới vừa được ADB công bố hôm thứ Năm, “Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ tại một thị trường mới nổi sau đại dịch COVID-19”, đã đưa ra những cách thức phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ bằng đồng nội tệ ở Lào để qua đó có thể giúp củng cố đà phục hồi kinh tế và xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai.
Cố vấn ADB tại Ban Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác Khu vực, Satoru Yamadera cho biết việc mở rộng thị trường tài chính nội địa, đặc biệt là thông qua trái phiếu bằng đồng nội tệ, sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm nâng cao năng lực của nền kinh tế để ứng phó với các cú sốc và cung cấp cho Chính phủ một nguồn tài chính ổn định với chi phí hợp lý theo kỳ hạn mong muốn.
Những nền kinh tế đã đạt được tiến bộ trong việc làm sâu sắc thêm thị trường nội tệ của mình sẽ được cách ly tốt hơn trước những cú sốc tiền tệ bất ngờ. Tận dụng kinh nghiệm từ Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á, nghiên cứu điển hình của ADB đã đưa ra các biện pháp ngắn hạn và trung hạn có thể giúp nâng cao hiệu quả của thị trường trái phiếu chính phủ, bao gồm cả việc quản lý hiệu quả dòng tiền và nợ công của Chính phủ. (Vientane Times, ngày 16/12/2022)
Lào có thể tận dụng vị trí trong khu vực để thúc đẩy tăng trưởng
Ngày 13/12/2022, Vientiane Times đưa tin, theo một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Lào - một thành viên của Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) - có thể tận dụng vị thế khu vực của mình để phát triển kinh tế và tăng cường khả năng phục hồi trước những cú sốc bên ngoài.
Báo cáo “Tận dụng lợi ích của hội nhập kinh tế khu vực” cho thấy Lào có thể tận dụng vị thế khu vực của mình như thế nào để thúc đẩy thương mại, tăng sản lượng nông nghiệp và khai thác tiềm lực nội tại của các địa phương để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và công bằng.
Báo cáo này trình bày chi tiết cách cải thiện khả năng cạnh tranh, cộng đồng và kết nối có thể giúp hội tụ thu nhập và mức sống của quốc gia với các quốc gia thành viên GMS khác, đồng thời chỉ ra tiềm năng để Lào nâng cấp định vị chuỗi giá trị, đa dạng hóa các ngành công nghiệp và tận dụng hợp tác khu vực để đạt được các mục tiêu phát triển.
Vị trí khu vực của Lào mang lại một số cơ hội. Nghiên cứu của ADB cho biết có thể có nhiều tiềm năng chưa được khai thác để có các sản phẩm đa dạng hơn được giao dịch với các đối tác khu vực và toàn cầu. Một con đường tiềm năng nhằm đa dạng hóa kinh tế hơn nữa là thông qua phát triển khả năng sản xuất và xuất khẩu thông qua hợp tác khu vực lớn hơn.
Báo cáo của ADB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp và đa dạng hóa thông qua tích hợp với các chuỗi giá trị. “Nâng cấp nền kinh tế” liên quan đến việc duy trì và phát triển các năng lực sản xuất hiện có đồng thời đầu tư vào các năng lực mới để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu.
Đối với Lào, mối liên hệ giữa mở rộng đô thị và tăng trưởng kinh tế còn yếu. Quá trình đô thị hóa đã diễn ra với tốc độ nhanh, nhưng các đô thị của Lào vẫn còn tương đối nhỏ, hầu hết có dân số dưới 300.000 người. Theo ADB, những tuyến đường mới đã tăng cường kết nối giữa các thành phố và hành lang kinh tế, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Các chính sách mới phải được đưa ra để khai thác tiềm năng này và cung cấp một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư mới. Khu vực tư nhân sẽ phải đầu tư để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ phức tạp hơn, trong khi các thành phố cần trở thành trung tâm chia sẻ tài nguyên và thúc đẩy đổi mới. Trong tương lai, việc đối thoại công-tư mạnh mẽ hơn có thể được sử dụng để xác định các giải pháp nhằm tối ưu hóa dòng hàng hóa và con người nhằm hiện thực hóa mục tiêu chung của đất nước là trở thành trung tâm hậu cần của khu vực.
Lào - EU
EU cam kết tiếp tục hỗ trợ Lào phát triển
Từ ngày 12-16/12/202, theo tin từ Bộ Ngoại giao Lào cho biết, Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU đã diễn ra tại Brussels (Bỉ) nhân kỷ niệm 45 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-EU.
Trong thời gian diễn ra hội nghị, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã có một số cuộc gặp gỡ song phương với các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia khác nhau để thảo luận về việc mở rộng các lĩnh vực hợp tác chung. Trong đó, ông Phankham đã gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban để thảo luận về việc tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Hungary hiện mỗi năm đang cung cấp 150 suất học bổng cho công dân Lào. Ngoài ra, Thủ tướng Lào đã hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhằm trao đổi về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên chính phủ Lào - Việt Nam và lễ bế mạc Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào - Việt.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phankham Viphavanh và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, bên lề hội nghị, Liên minh châu Âu thông báo sẽ hỗ trợ 550 triệu Euro cho các chương trình phát triển ưu tiên tại Lào từ năm 2021-2024.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Phankham đã có cuộc gặp chung với hai người đồng cấp của Campuchia và Việt Nam, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ba nhà lãnh đạo kể từ khi các biện pháp hạn chế về Covid-19 được nới lỏng. Ông nêu bật sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hữu nghị giữa Lào, Campuchia và Việt Nam. Ba nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác đặc biệt giữa ba nước ngày càng phát triển tốt đẹp, bất chấp những biến động phức tạp đang diễn ra trên thế giới. (Vientiane Times, ngày 16/12/2022)
Hợp tác Lào - EU: Lào cần có nền kinh tế vững mạnh để hội nhập quốc tế
Ngày 12/12/2022, KPL đưa tin, Bộ Công Thương, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và các cơ quan liên quan đã tập trung tại Pakse, tỉnh Champassak để xem xét tiến độ, thách thức và xác định các hành động nhằm hỗ trợ hơn nữa sự hội nhập của nền kinh tế Lào vào chuỗi sản xuất toàn cầu tại sự kiện do Ủy ban Đánh giá Dự án “Hỗ trợ Hội nhập Khu vực ASEAN từ EU” lần thứ 7 (ARISE Plus Lao PDR) tổ chức.
Đi vào hoạt động từ năm 2019, dự án ARISE Plus Lào đã hỗ trợ Lào hội nhập kinh tế vào thị trường khu vực và chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khu vực kinh tế công. Trong cuộc họp của Ủy ban vào tháng 7/2022, Liên minh Châu Âu và các nước tham gia đã thừa nhận tính hiệu quả của dự án và đồng ý gia hạn miễn phí cả năm cho đến tháng 12/2023.
Năm 2022, dự án đã hỗ trợ 1.125 cá nhân (trong đó có 365 phụ nữ) trong các hoạt động nâng cao năng lực. Hơn 50 lãnh đạo các cơ quan Chính phủ đã được đào tạo về thương mại, bao gồm xu hướng trong các Hiệp định Thương mại Tự do và thương mại dịch vụ. Ngoài ra, 12 doanh nghiệp nhỏ đã tham gia đấu giá cà phê, 8 công ty được tập huấn kinh doanh miễn phí về quản lý chất lượng và 5 công ty chế biến gỗ được tập huấn về tiếp cận thị trường, sản xuất và tiếp cận nguồn gỗ khai thác hợp pháp.
Kế hoạch hành động cho năm 2023 sẽ tập trung vào việc hoàn thành các nội dung đang triển khai, chẳng hạn như hoàn thiện bộ công cụ đàm phán thương mại và dịch sách hướng dẫn chính sách thương mại quốc tế sang tiếng Lào. Các hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực sẽ tiếp tục, đặc biệt là về các chương trình thương mại ưu đãi của EU/EBA. Những doanh nghiệp hàng đầu về chất lượng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, trong khi dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện lộ trình chế biến cà phê và gỗ tại Lào.
Cuộc họp có sự hiện diện của hơn 70 đơn vị quan tâm, đối tác dự án và nhà tài trợ, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Manothong Vongxay và sự tham gia của Giám đốc Chương trình Thương mại và Khu vực Tư nhân của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Lào Souphaphone Thavonsouk.
Chính phủ Lào ngày càng coi ARISE Plus Lao PDR là một phương thức hỗ trợ hiệu quả để giải quyết các thách thức kinh tế vĩ mô. Một số đối tác phát triển khác đang tìm cách tạo ra những giải pháp tổng hợp bằng cách tổ chức các cuộc tham vấn với Chính phủ và các cơ quan liên quan.
BẠN CẦN BIẾT
Boten SEZ thu hút nhiều đầu tư hơn
Ngày 22/12/2022, Vientiane Times đưa tin, Đặc khu kinh tế Boten (SEZ) ở tỉnh Luang Namtha ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực hậu cần, du lịch và giáo dục. Theo trang tin, kể từ khi tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đi vào hoạt động (chỉ hơn một năm trước) lượng đầu tư vào khu vực này đã tăng đột biến.
Để đánh dấu kỷ niệm một năm khai trương tuyến đường sắt, SEZ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Lào tại Boten năm 2022 và các hoạt động kỷ niệm với tiêu đề “Tư vấn mở rộng đóng góp chung, chia sẻ lợi ích”. Lễ kỷ niệm diễn ra ở cả hai bên biên giới Lào - Trung tại Boten, tỉnh Luang Namtha và ở thị trấn biên giới Bohan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tham dự sự kiện phía Lào có Tỉnh trưởng các tỉnh Luang Namtha, Luang Prabang, Oudomxay, Phongsaly, Viêng Chăn và Bokeo. Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã chia sẻ các tiềm năng đầu tư và phát triển của từng tỉnh để các nhà kinh doanh tìm hiểu về khả năng đầu tư và có thể thực hiện các nghiên cứu khả thi về cơ hội đầu tư nếu muốn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Trung Quốc, ông Xaysana Sitthiphone cho biết tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc là một bước quan trọng trong lịch sử ngành giao thông vận tải, vì đây là tuyến đường sắt đầu tiên qua Lào. Ông cho biết tuyến đường sắt hiện đại là niềm tự hào của Lào và người dân nước này vì là một nước không giáp biển, nên tuyến đường sắt góp phần quan trọng trong việc tiếp cận với các tuyến vận tải đường biển và kết nối dễ dàng hơn với các quốc gia khác trong khu vực; tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa và thu hút nhiều nhà đầu tư, khách du lịch đến Lào.
Ông Xaysana nói, trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ Lào-Trung Quốc là mối quan hệ đối tác quan trọng và hai nước đã trở thành những đối tác không thể tách rời trong một vận mệnh chung, với mối quan hệ kinh tế ngày càng bền chặt hơn. Khu hợp tác kinh tế biên giới Lào-Trung và Đặc khu kinh tế Boten là sự khẳng định cho tình hữu nghị ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân hai nước. Lào hoan nghênh các doanh nghiệp có năng lực của Trung Quốc đầu tư và thúc đẩy phát triển dọc hành lang Đường sắt Lào-Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hành lang kinh tế quan trọng này.
Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Hải Thành Vân Nam, ông Zhou Kun cho biết “Để tối đa hóa tiềm năng của khu hợp tác này, khu Boten-Bohan đang tập trung phát triển trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch và liên kết văn hóa, cũng như như tăng cường tài chính và hậu cần xuyên biên giới.” Để hỗ trợ điều này, Tập đoàn có kế hoạch xây dựng một trung tâm phân phối chung tạo thuận lợi thương mại quốc tế, chợ biên giới, trung tâm lưu trữ quy mô lớn, cũng như tạo ra một cơ sở sản xuất và chế biến phát triển mạnh ở khu vực biên giới Lào-Trung, là nền tảng quan trọng cho thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Cũng trong dịp này, Giám đốc Điều hành Tập đoàn xây dựng và phát triển Đặc khu kinh tế Boten kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Tập đoàn phát triển đầu tư Hai Xeung-Bokeo, ông Lan Jia Wei đã ký một thỏa thuận với các đối tác phát triển về việc đầu tư thêm vào đặc khu kinh tế Boten.
Đặc khu Kinh tế Boten có bốn chức năng chính: là trung tâm tài chính và thương mại quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chế biến công nghiệp và hậu cần quốc tế; và nơi có các cơ sở giáo dục và y tế quốc tế.
Lào trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu Kali
Theo báo cáo của Công ty TNHH POTASH SINO-AGRI, sau khi công ty ký một thỏa thuận thăm dò Kali với Chính phủ, trong tương lai không xa Lào sẽ đứng ở mức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Thỏa thuận này cho phép công ty tiếp tục thăm dò một khu vực để sản xuất Kali rộng 48,52 km2. Việc ký kết đã diễn ra trước sự chứng kiến của các quan chức hàng đầu từ Văn phòng Thủ tướng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Năng lượng và Mỏ, tỉnh Khammuan; Phía Trung Quốc có Tổng giám đốc Công ty ông Tong Yongheng và một số đại biểu.
Dự án quặng Kali có diện tích 48,52 km2 nằm tại bản Nonglom, huyện Nongbok, tỉnh Khammuan, đã được sát nhập vào bản đồ tài nguyên của công ty. Lễ khai mạc dự án thăm dò quặng cũng đã được tổ chức tại bản với hơn 200 người tham gia, bao gồm Tỉnh trưởng tỉnh Khammuan, Giám đốc Sở Năng lượng và Mỏ tỉnh, Huyện trưởng Nongbok và các quan chức khác từ trung ương cũng như chính quyền địa phương, cùng đại diện của SINO-AGRI POTASH.
Khu vực dự kiến khai thác Kali rộng 48,52 km2 tại bản Nonglom nằm liền kề với khu khai thác mỏ Dongbounenoy cũng của Công ty, là một trong hai nguồn quặng Kali quý thuộc sở hữu của Chính phủ Lào tại lưu vực lòng chảo Savannakhet nằm tại tỉnh Khammuan.
Tháng 4 năm 2022, Công ty TNHH POTASH SINO-AGRI đã nộp đơn xin sở hữu khu đất mỏ kali rộng 48,52 km2 ở bản Nonglom nói trên và trở thành người chiến thắng cuối cùng sau sáu tháng cạnh tranh khốc liệt với bảy doanh nghiệp khác.
Ngày 27/10/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra thông báo về việc chuẩn bị đàm phán thỏa thuận thăm dò và ngày 4/11/2022 đã đạt được thỏa thuận thống nhất giữa Công ty với các bộ, ngành liên quan cũng như với tỉnh Khammuan.
Ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký kết thỏa thuận thăm dò. Vào ngày 27/11/2022, Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp trước 10 triệu đô la Mỹ phí cấp phép khoáng sản và thuế tài nguyên trả trước và các chi phí liên quan, sẽ được khấu trừ trong giai đoạn khai thác.
Thỏa thuận thăm dò được ký chính thức với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 28/11/2022. Tại lễ khai trương thăm dò, lãnh đạo Công ty TNHH POTASH SINO-AGRI cho biết, dự án khai thác 1 triệu tấn Kali đầu tiên đã hoàn thành và đi vào hoạt động chỉ trong vòng 17 tháng. Đây là một một bước tiến suôn sẻ, thuận lợi khi so sánh với thời gian từ 5 đến 7 năm chuẩn bị của các đối tác quốc tế khác đã từng cộng tác với SINO-AGRI POTASH. Chính phủ Lào đã sát cánh cùng Công ty tạo nên “Tốc độ Kali-châu Á” và “Kỳ tích của Lào” nói trên.
Hiện nay, dự án thứ hai và thứ ba sản xuất một triệu tấn phân Kali đang được xây dựng và dự kiến cũng sẽ diễn ra như mong đợi. Dự án thứ 4 và thứ 5 sản xuất 1 triệu tấn phân Kali sẽ được triển khai xây dựng sau khi được Chính phủ Lào phê duyệt.
Những thành công nói trên thực chất là do sự tin tưởng, kỳ vọng mà doanh nghiệp đã tạo ra cho các cấp chính quyền của Lào, qua đó có thể thúc đẩy tháo gỡ khó khăn trong quá trình phát triển ngành khai khoáng của nước này, làm tấm gương cho sự phát triển của ngành khai khoáng và hỗ trợ sự phát triển kinh tế và xã hội hiện tại và tương lai của Lào. Ước tính ngoài những lợi ích do đầu tư tài sản cố định mang lại trong thời gian xây dựng, dự án 1 triệu tấn Kali còn có thể tạo ra nguồn thu thuế hàng năm 30 triệu USD cho Lào trong suốt thời gian vận hành và tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động địa phương.
Tài nguyên quặng kali ở Lào phân bố chủ yếu ở lòng chảo Viêng Chăn, lòng chảo Khammuan Khorat và lòng chảo Savannakhet. Do điều kiện địa chất phức tạp ở khu vực Viêng Chăn khó khăn trong việc khai thác Kali, cho đến nay vẫn chưa có một công ty nào thực hiện sản xuất Kali tại đây.
Ngược lại, quặng Kali ở lòng chảo Khammuan Khorat- Savannakhet có ít trở ngại khai thác hơn. Từ năm 2010, khu vực quặng Kali của lòng chảo Khammuan Khorat - Savannakhet đã được phân chia cho các bên liên quan bao gồm Tập đoàn SINO-AGRI và các cổ đông khác là Công ty TNHH MTV Lao Kaiyuan Mining và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Tháng 3 năm nay, do lâu ngày không khai thác (thăm dò), khu vực mỏ quặng Kali 173 km2 trong tay Vinachem đã bị Chính phủ Lào thu hồi. Trong số này, một mỏ quặng Kali 50 km2 đã được một công ty mua lại và còn lại hai khu vực, cụ thể là khu 48,5 km2 ở Khammuan và 74,5 km2 ở Savannakhet.
Nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau bắt đầu đăng ký tham gia đấu thầu. Ban lãnh đạo Công ty đã được chỉ thị để có được một hoặc cả hai khu tài nguyên quặng Kali nói trên, để tài nguyên quặng Kali do công ty kiểm soát có thể đạt hơn 1 tỷ tấn, tạo nền tảng vững chắc cho việc sản xuất, khai thác quy mô lớn của Công ty, giảm tối đa chi phí mua tài nguyên.
Khi nhận được chỉ thị, Tong Yongheng, Tổng giám đốc Công ty, đã đích thân chỉ huy và lãnh đạo một đội gồm 12 chuyên gia, nộp báo cáo về các hồ sơ xin cấp quyền khác lần lượt các khu vực là 48,52 km2 và 74,5 km2 tại các tỉnh Khammuan và Savannakhet, lập kế hoạch thăm dò và khai thác chi tiết hai lô mỏ, nộp nhiều báo cáo cho các ban ngành liên quan của hai tỉnh, mời lãnh đạo và các ban ngành liên quan của 2 tỉnh đến tham quan thực tế Công ty, chứng kiến quy mô và sức mạnh của Công ty, đồng thời đưa ra các giải pháp chuyên nghiệp cho các vấn đề đặt ra. Ngoài ra, đoàn cũng đưa ra đề xuất với lãnh đạo hai tỉnh, chỉ ra sự phát triển kinh tế địa phương cần dựa trên việc khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản. Những nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị nên được phát triển bởi các nhà đầu tư có công nghệ và sức mạnh tài chính như Công ty, đồng thời chỉ bằng cách đó mới có thể tiến hành xử lý sâu các nguồn tài nguyên và xây dựng toàn bộ chuỗi công nghiệp.
Tại cuộc họp giải trình có sự tham dự của các bộ ngành liên quan, nhóm chuyên gia của Công ty đã mạnh mẽ chỉ ra rằng một số đối thủ cạnh tranh đã nâng cao các điều kiện đấu thầu, làm tăng thêm tình trạng bất ổn của việc khai thác trong tương lai, ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của chính phủ Lào. Sau đó, chiến lược nâng điều kiện đấu thầu của một số đối thủ bị thất bại, chi phí đấu thầu của Công ty được hạ xuống ở mức khá thấp. Tập đoàn Asia-Potash International đã quyết định thưởng 3 triệu Nhân dân tệ cho nhóm chuyên gia do Tổng Giám đốc Tong Yongheng đứng đầu, khuyến khích hơn nữa những nỗ lực tương tự để tạo ra nhiều giá trị hơn và không ngừng làm giàu thêm nguồn lực cho Công ty.
Được biết, đơn xin cấp quyền khai thác 74,5 km2 quặng Kali ở Savannakhet đã được đệ trình lên các bộ, ban ngành liên quan của Lào, và hiện đang trong quá trình xử lý và phê duyệt.
Nguồn Kali clorua do công ty mẹ Asia-Potash International kiểm soát dự kiến sẽ vượt quá một tỷ tấn trong thời gian tới. (Vientiane Times, ngày 06/12/2022)
Chính phủ chấp thuận cánh đồng điện gió tại Attapeu và Xekong
Ngày 01/12/2022, Chính phủ cho phép cho Công ty TNHH Điện gió Monsoon triển khai Dự án Điện gió Monsoon, có tổng công suất 600MW tại huyện Dakcheung, tỉnh Xekong và huyện Sanxay, tỉnh Attapeu với một thỏa thuận nhượng quyền kéo dài 25 năm đã được ký giữa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sathabandith Insysiengmay và đại diện của Công ty TNHH Điện gió Monsoon.
Biên bản ghi nhớ phát triển một dự án điện gió đã được ký với Chính phủ Lào cách đây 11 năm, được xem là dự án điện gió đầu tiên ở Lào và lớn nhất ở ASEAN, có công suất phát điện là 600MW và được bán cho Việt Nam. Dự án có tổng giá trị 930 triệu đô la Mỹ và dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng vào cuối năm nay và hoàn thành vào năm 2025, bao phủ diện tích khoảng 1.000 ha đất tại 25 làng của hai huyện Dakcheung và Sanxay.
Việc xây dựng dự án cung cấp điện thân thiện với môi trường này sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Cũng liên quan đến phát triển nguồn cung cấp điện, vào tháng 10/2022, Chính phủ đã ký Biên bản ghi nhớ nghiên cứu khả thi trang trại điện mặt trời ở huyện Khong, tỉnh Champassak với Công ty TNHH Xây dựng Homespun và Công ty TNHH Công nghệ môi trường Saiyu Yangzhou (Trung Quốc). Chi phí nghiên cứu ước tính khoảng 130 triệu đô la Mỹ và sẽ được thực hiện trong tám tháng trên một khu đất rộng 150,47 ha. Nếu được chấp thuận thực hiện dự án, các tấm năng lượng mặt trời có công suất lắp đặt 160MW sẽ được lắp đặt trên đảo, với số lượng sẽ được tăng lên 500MW nếu chính quyền Champassak đồng ý cung cấp 450-500 ha đất trong giai đoạn sau. (Vientiane Times, 07/12/2022)
Hội chợ hàng nội thất thúc đẩy doanh số ngành gỗ gia dụng của Lào
Ngày 05/12/2022, Vientiane Times đưa tin, Hội chợ ngành gỗ nội thất Lào lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 07-15/01/2023 tại Trung tâm thương mại Lao - ITECC, dự kiến thu hút hơn 100.000 khách tham quan và đạt mức doanh số bán hàng 10 tỷ Kíp với hơn 85% các gian hàng đã được đặt chỗ cho đến nay. Sự kiện được tổ chức theo Quyết định của Thủ tướng về thúc đẩy sản xuất, khai thác rừng bền vững đồng thời tăng giá trị cho các sản phẩm gỗ, mây, tre qua sử dụng công nghệ, sáng tạo.
Hội chợ cũng là cơ hội cho các đơn vị sản xuất sản phẩm từ gỗ tìm thêm thị trường nội địa và quốc tế, tạo thêm việc làm, hỗ trợ phát triển xanh và mở ra cơ hội sinh kế mới cho người dân. Các sản phẩm bày bán tại hội chợ được làm từ gỗ, mây và gỗ tái chế. Các sản phẩm nội thất được coi là điểm thu hút của hội chợ, cũng như các sản phẩm trang trí nội thất đơn giản và thực tế cũng có nhiều sự quan tâm. Các trang thiết bị sản xuất, chế biến và các vật liệu sử dụng cho ngành nội thất cũng sẽ được trưng bày tại đây.
Ngoài ra, các thợ thủ công lành nghề sẽ thể hiện các công đoạn chế biến gỗ tái chế thành các mặt hàng gia dụng.
Khách tham quan có thể biết thêm về các chủng loại sản phẩm nội thất chất lượng cao của Lào, trong khi các nhà sản xuất sẽ chia sẻ các ý tưởng của mình, các kinh nghiệm kinh doanh, đồng thời hi vọng có thêm nhiều người yêu thích nghề mộc và đưa ra các thiết kế mới cho ngành nội thất.
Lào đạt tỷ lệ 97% dân số tiếp cận điện
Bà Chansavath Bupha, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, tính đến nay Lào đã có 91 nhà máy điện, trong đó có 78 nhà máy thủy điện, 8 nhà máy điện mặt trời, 4 nhà máy điện sinh học, 1 nhà máy điện than, tổng công suất đạt 10.971,14 MW, sản lượng đạt 56.096 triệu kWh mỗi năm. Hệ thống truyền tải điện phục vụ trong nước và xuất khẩu cũng được quan tâm phát triển theo hướng hiện đại với tổng chiều dài 67.643 km. Đặc biệt, trong năm 2022, Lào đã hoàn thành xây dựng đường dây 115 kV và xuất khẩu sang Myanmar, ký bản ghi nhớ xây dựng đường dây 220 kV theo hình thức BOT và xuất khẩu điện từ các nhà máy Nam Ou 3, 4, 5, 6, 7 sang Việt Nam.
Cùng với đó, tỷ lệ người dân được tiếp cận điện đến nay đã đạt 97% (kế hoạch phát triển năng lượng - mỏ 5 năm lần thứ 9 giai đoạn 2021 - 2025 là 98%), việc tiêu thụ điện trong nước đạt 28.624 triệu kWh (tăng 78% so với kế hoạch 5 năm lần thứ 8 giai đoạn 2016 - 2020). Thời gian tới, Lào sẽ tiếp tục tập trung đa dạng hóa phát triển các loại hình sản xuất và xuất khẩu điện, coi phát triển năng lượng là ưu tiên, đặt mục tiêu phát triển năng lượng theo hướng chất lượng, xanh, bền vững, nhất là các loại hình điện gió, điện mặt trời, sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo khác để phát triển ngành năng lượng trở thành một ngành mũi nhọn, đóng góp lớn vào ngân sách, vừa phục vụ nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu sang các nước khác ở khu vực ASEAN. (Báo KTXH, ngày 13/12/2022)
Lào bắt đầu nghiên cứu khả thi sản xuất halogen và amoniac xanh
Ngày 15/12/2022 vừa qua, ông Chantho Mylattanapheng, Cục trưởng Cục Xúc tiến và Tiết kiệm năng lượng, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã phối hợp với Cơ quan hợp tác Lào - Australia và Viện phát triển khu vực sông Mê Công tổ chức Hội nghị nghiên cứu tiền khả thi của dự án sản xuất halogen và amoniac xanh. Hội nghị đã thảo luận về việc nghiên cứu halogen và amoniac xanh làm nguyên liệu thay thế các nguyên liệu truyền thống trong sản xuất xăng dầu và điện trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường, phát thải khí nhà kính trên thế giới vẫn chậm được giải quyết, qua đó góp phần mở ra cơ hội giúp Lào giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đồng thời giúp giải quyết những thách thức của việc sử dụng và phát triển năng lượng tái tạo theo hướng xanh, bền vững trong tương lai. (Báo KTXH, ngày 21/12/2022)
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Phan Minh Chiến
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm,
Hồ Đức Dũng