TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Chính phủ cam kết thực hiện các mục tiêu kinh tế trong kế hoạch 5 năm tới
Báo cáo tại kỳ họp mới đây của Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Dầu tư Sonexay Siphandone cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện các cải cách kinh tế nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP một cách bền vững và có chất lượng.
Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 4-5% hàng năm đã được đặt ra cho giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ lạm phát hàng năm không vượt quá 6%.
Phó Thủ tướng Sonexay nhấn mạnh tầm quan trọng việc tăng cường thu ngân sách nhà nước và giảm thiểu những lỗ hổng, rò rỉ tài chính, đồng thời sử dụng các nguồn tài nguyên một cách khôn ngoan. Chính phủ cũng sẽ quản lý nợ công một cách hợp lý, đảm bảo chi tiêu ngân sách một cách có hiệu quả đối với các dự án đầu tư nhà nước. Một trong những chính sách quan trọng nhất của Chính phủ là cải tiến các cơ chế và giải pháp nhằm giải quyết khó khăn kinh tế, đảm bảo tăng trưởng có chất lượng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ cũng sẽ cải thiện cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, phát triển kinh tế dọc theo tuyến hành lang kinh tế Lào-Trung Quốc và các hành lang kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam. Việc phát triển các đặc khu kinh tế, cảng cạn và thành phố cũng đã được quy hoạch. Việc tiếp tục khai thác tiềm năng trong các lĩnh vực liên quan đến thủy điện, du lịch và kết nối dọc theo các tuyến hành lang có ý nghĩa quan trọng.
Chính phủ sẽ nỗ lực tăng thu ngân sách từ đất đai, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp xây dựng và phát huy tiềm năng của dân số trẻ. Chính phủ sẽ trao quyền cho các doanh nghiệp trong nước để đảm bảo họ là một phần của các chuỗi cung ứng quốc tế, đồng thời sẽ tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy GDP; cần thiết phải cải cách đầu tư nhà nước để đảm bảo ngân sách được sử dụng môt cách có hiệu quả và hiệu lực; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ y tế để đảm bảo chất lượng sống của nhân dân.
Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đào tạo và sử dụng công dân Lào trong các dự án phát triển và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Vientiane Times, 09/12/2020)
Thành tựu 45 năm của ngành kế hoạch và đầu tư Lào
Ngày 01/12/2020, trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 45 năm ngày Quốc khánh CHDCND Lào, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone nhấn mạnh, ngành KH&ĐT đóng vai trò quan trọng trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý kế hoạch, đầu tư, thống kê quốc gia, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đối ngoại và quản lý các đặc khu kinh tế trên cả nước.
Những thành tựu của ngành KH&ĐT có thể chia thành 02 giai đoạn: (i) từ năm 1976-1985, tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội đất nước thời kỳ sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề; và (ii) từ năm 1986-nay, sau khi Đại hội Đảng lần thứ IV công bố kế hoạch chiến lược mới do Đảng lãnh đạo, Chính phủ quản lý. Ngành KH&ĐT là bộ máy của Đảng và Chính phủ có chức năng xây dựng và theo dõi việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm và hàng năm.
Hiện nay, ngành KH&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành và các đối tác phát triển nhằm tìm kiếm các giải pháp để xúc tiến một cách có hiệu quả các dự án đầu tư nhà nước có sử dụng ngân sách và để hình thành các ban đánh giá dự án với sự tham gia của các bên liên quan.
Từ năm 1991-1995, tăng trưởng kinh tế của Lào giao động mạnh, trung bình đạt 6,4% hàng năm; giai đoạn 1996-2000, trung bình hàng năm đạt 6,2%; giai đoạn 2001-2005 đạt 6,3%; 2006-2010 đạt 7,9%; 2011-2015 đạt 7,9% và 2016-2020 đạt 5,8%. GDP bình quân đầu người đã tăng 13 lần, từ 207 USD năm 1990 lên 2.664 USD năm 2020.
Trong lĩnh vực đầu tư, Chính phủ đã phê duyệt các dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trị giá khoảng 40,3 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 1988-2020. Hiện nay, Lào có tổng cộng 4.635 dự án đầu tư từ 53 nước đang hoạt động và 848 công ty đã đầu tư vào 12 đặc khu và khu kinh tế chuyên biệt trên cả nước với tổng số vốn đăng ký 13,9 tỷ USD.
Phát huy những thành tựu nổi bật trong các thập kỷ qua, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới. (Vientiane Times, 03/12/2020)
Chỉ số phát triển nguồn nhân lực của Lào được nâng hạng
Theo Báo cáo Phát triển Nguồn nhân lực của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 23/12/2020, Chỉ số phát triển nguồn nhân lực của Lào tăng từ 0,405 lên 0,613, tương đương 51,4% trong giai đoạn 1990-2019, xếp thứ 137/189 các quốc gia và lãnh thổ.
Báo cáo xếp hạng các quốc gia căn cứ trên Chỉ số Phát triển Nguồn nhân lực, lượng hóa thành tựu chung về 03 khía cạnh cơ bản của nguồn nhân lực là tuổi thọ, giáo dục và thu nhập bình quân đầu người.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Đại diện Thường trú UNDP tại Lào Ricarda Rieger nhấn mạnh, "Chúng ta đã đạt được tiến bộ phi thường, đã cải thiện được y tế, giáo dục và đời sống của hàng tỷ người. Tuy nhiên, nhiều việc cần phải làm vì sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch và tiêu thụ vật chất không những chỉ dẫn đến biến đổi khí hậu, phá vỡ sự đa dạng sinh học mà còn ô a-xít hóa đại dương, ô nhiễm nước và không khí và thoái hóa đất đai".
Trong Báo cáo Phát triển Nguồn nhân lực năm nay, một lăng kính mới đã được áp dụng thí điểm để phản ánh tầm quan trọng của sự tồn tại chung giữa con người và tự nhiên. Bằng cách điều chỉnh Chỉ số lượng hóa y tế, giáo dục và mức sống để bao gồm thêm 02 yếu tố là khối lượng phát thải carbon dioxit và vật chất của quốc gia. Chỉ số cho thấy bức tranh phát triển toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào nếu con người và hành tinh được xem là trọng tâm trong đánh giá tiến bộ phát triển. (Vientiane Times, 25/12/2020)
Thị trường chứng khoán Lào qua 10 năm hình thành và phát triển
Sau 10 năm kể từ khi thành lập (10/10/2010), thị trường chứng khoán Lào không ngừng phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội Lào.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Thị trường chứng khoán Lào, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Saisamone Chanthachac cho biết qua 10 năm thành lập, thị trường chứng khoán Lào đã từng bước phát triển cả về số và chất lượng. Hệ thống quản lý thị trường vốn ngày càng củng cố, hoàn thiện theo hướng hiện đại và theo tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế. Việc giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán đã được cải thiện và ngày càng chặt chẽ, minh bạch. Luật Chứng khoán được ban hành có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất trong việc tổ chức thực hiện của thị trường vốn tại Lào.
Tính dến tháng 10/2020, Chính phủ và doanh nghiệp đã huy động được nguồn vốn dài hạn thông qua thị trường đạt 24.502 tỷ Kíp, chiếm 15% GDP. Trên sàn giao dịch, hiện có 11 công ty được niêm yết, bao gồm các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Lào như tài chính, năng lượng điện, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại-dịch vụ và một số lĩnh vực khác. Có 15.961 tài khoản giao dịch, trong đó có 12.567 tài khoản nội địa và 3.394 tài khoản nước ngoài từ 47 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
Năm 2017, thị trường chứng khoán Lào bắt đầu phát triển hệ thống tiếp nhận việc mua-bán trái phiếu Chính phủ thông qua các sàn giao dịch nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội giúp Chính phủ phát triển đất nước.
Mặc dù ra đời chậm hơn so với khu vực, nhưng thị trường vốn của Lào ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, Chính phủ Lào rất quan tâm đến việc củng cố, không ngừng cải tiến hệ thống tổ chức, bộ máy thực hiện và ban hành cơ sở pháp lý để hoạt động của thị trường vốn ngày càng chặt chẽ, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích cho nhà đầu tư. (Nguồn Báo cáo của Công ty chứng khoán Lào)
Quỹ SME tác động tích cực tới doanh nghiệp
Hội nghị Thúc đẩy dịch vụ tài chính thường niên năm 2020 do Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào được tổ chức vào cuối tháng 11/2020, dưới sự điều hành của Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), Giám đốc Quỹ Xúc tiến SME Latthana Duangbouppha.
Tại hội nghị, Giám đốc Quỹ Xúc tiến SME Latthana Duangbouppha đã giới thiệu, hướng dẫn phương pháp tiếp cận nguồn vốn lãi suất hợp lý theo chính sách Chính phủ tại Quỹ Xúc tiến SME. Quỹ SME là trung tâm huy động các nguồn lực, nguồn vốn dài hạn, từng bước tiếp cận, thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tăng trưởng vững mạnh, theo tinh thần của Nghị định 25/CP.
Trong giai đoạn qua, Quỹ đã hỗ trợ các SME tiếp cận được nguồn tín dụng của Chính phủ là 32 tỷ Kíp, các dự án tiếp cận được từ nguồn vốn hỗ trợ SME là 111,68 tỷ Kíp. Huy động vốn từ các kênh tín dụng, từ nguồn vốn bổ sung của Chính phủ cho quỹ là 332 tỷ Kíp. Lãi suất cho vay khoảng 3%/năm qua các ngân hàng thương mại đã được chỉ định (Ngân hàng phát triển, Sacombank, Ngân hàng liên doanh Lào-Việt...).
Giai đoạn 2016-2020 khách hàng thuộc loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ đến tiếp cận nguồn vốn tại quỹ SME chưa nhiều, vay vốn tại các ngân hàng thương mại cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các điều kiện vay vốn; phần lớn là các nhà kinh doanh, dịch vụ chưa có đăng ký, không có tài sản thế chấp và thiếu kiến thức về tài chính, thiếu các thông tin, thiếu điều kiện vay, không có vốn để đầu tư hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh, nên phải vay với lãi suất cao (16-22%/năm) từ các kênh tín dụng khác; do vậy, việc hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, rủi ro cao.
Hiện lượng khách hàng MSME đến với quỹ SME ngày càng tăng và quỹ sẽ hỗ trợ cho các MSME có thể tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, dễ dàng cả về lãi suất phù hợp và thời hạn vay. Đồng thời, quỹ cũng kêu gọi và huy động các nguồn lực từ các kênh khác nhau trong xã hội đến gửi với lãi suất phù hợp, dài hạn, đảm bảo nguồn vốn được an toàn khi gửi vào các Tổ chức tài chính của quỹ. (Báo KT-XH, 11/12/2020)
Chính phủ Lào tập trung nguồn lực thực hiện 202 dự án tại tỉnh Saysomboun
Tỉnh Saysomboun được thành lập vào cuối năm 2013, trong suốt giai đoạn từ khi thành lập đến nay, Đảng và Chính phủ Lào đã quan tâm, tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh với tổng số 202 sự án, có tổng giá trị đầu tư khoảng 3,5 nghìn tỷ Kíp.
Chủ tịch tỉnh Thiếu tướng Khamlieng Outhakaysone cho biết, giai đoạn 05 năm 2016-2020 Chính phủ đã đầu tư tại tỉnh 202 dự án, với tổng giá trị là 3.542 tỷ Kíp, trong đó, các dự án chuyển tiếp và chưa thực hiện trước 2016 là 142 dự án, có tổng giá trị là 2,6 nghìn tỷ Kíp, có 60 dự án được bổ sung mới trong giai đoạn 2016-2020 với tổng giá trị là 903,03 tỷ Kíp. Ngoài các dự án từ nguồn vốn của Chính phủ còn có 116 dự án từ nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) với tổng giá trị là 1,9 nghìn tỷ Kíp và một số dự án viện trợ khác từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã được Chính phủ tiếp nhận, thông qua sẽ được triển khai trong giai đoạn tới.
Với việc tập trung nguồn lực để phát triển trong giai đoạn vừa qua của Chính phủ Lào đối với tỉnh Saysomboun, kinh tế-xã hội tỉnh đã từng bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo chỉ còn 7,12% trên tổng số 1.098 nghìn hộ gia đình trong toàn tỉnh. (Báo KT-XH, 11/12/2020)
Kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch 05 năm lần thứ VIII giai đoạn 2016-2020
của ngành năng lượng và mỏ Lào
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của ngành năng lượng và mỏ đạt 11%/năm, giá trị sản xuất đạt khoảng 132.038 tỷ Kíp, tăng 29% so với kết quả thực hiện kế hoạch 05 năm lần thứ VII, giai đoạn 2011-2015 (ngành năng lượng tăng 145%; ngành mỏ giảm 51%); đóng góp cho GDP bình quân trên 16%/năm (2016: 15,2%; 2017: 17,1%; 2018: 16,9%; 2019: 16,3%; năm 2020 đạt khoảng 16,4%).
Về năng lượng, tính đến nay, Lào đã xây dựng hoàn thành 78 nhà máy điện (từ 01 MW trở lên), đạt tổng công suất là 9.972 MW, sản xuất được khoảng 52.211 GWh/năm; giai đoạn 05 năm 2016-2020, hoàn thành xây dựng đưa vận hành sản xuất 45 nhà máy, có tổng công suất thiết kế 4.251 MW, sản xuất được 21.116 GWh/năm; hết năm 2020 sẽ hoàn thành thêm 11 nhà máy, có tổng công suất là 249 MW, đạt sản lượng điện là 984 GWh/năm; như vậy, tổng giai đoạn năm 2016-2020, Lào hoàn thành đưa vào sản xuất điện 56 nhà máy, có tổng công suất thiết kế là 4.501 MW, có thể sản xuất lượng điện là 22.100 GWh/năm. Năng lượng là lĩnh vực được Lào coi trọng hàng đầu, cho đến nay đã sản xuất và cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của 95% hộ gia đình trên toàn quốc; xuất khẩu sang các nước Việt Nam, Thái lan; giai đoạn 2016-2020 đã mở rộng mạng lưới thị trường xuất khẩu sang Campuchia, Myanmar và Malaysia.
Về khoáng sản, cho đến nay, Lào có tổng số 215 công ty hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, trong đó: có 91 công ty đang triển khai giai đoạn tìm kiếm, thăm dò, 43 công ty thực hiện giai đoạn nghiên cứu khả thi kinh tế-kỹ thuật và có 81 công ty đang gia đoạn khai thác, chế biến. Riêng giai đoạn 2016-2020 có 51 công ty được cấp phép hoạt động (33 công ty giai đoạn tìm kiếm, 18 công ty ở giai đoạn khai thác, chế biến);
Giai đoạn 2016-2020, ngành năng lượng và mỏ đã nộp ngân sách cho nhà nước đạt 2.064,1 triệu USD (năng lượng: 1.223,7 triệu USD; khai khoáng: 838,4 triệu USD). Tổng diện tích tô nhượng, nhượng quyền cho các công ty thực hiện dự án là 5.873,9 km2. (Nguồn báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ 6/2020)
Lào tăng xuất khẩu sắt thép
Báo Vientiane Times ngày 10/12/2020 đưa tin Lào có tiềm năng lớn xuất khẩu sắt thép sau khi một số nhà máy của Lào tăng năng suất và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Lào, năm 2019, giá trị xuất khẩu thép cây là 898.275 USD với số lượng 2.242 tấn. Qua hơn 11 tháng của năm 2020, số lượng đã tăng lên 3.118 tấn, trị giá 1.332.6845 USD. Hiện Lào có 26 nhà máy sản xuất thép, gang thép và các loại khác sử dụng trong nội địa Lào, trong đó, có nhiều nhà máy sản xuất thép hình và thép cây nhưng quy mô nhỏ, sản lượng thấp, chất lượng sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia Lào, chưa đạt chuẩn quốc tế nên chưa đủ điều kiện xuất sang thị trường khu vựcvà quốc tế.
Tháng 11/2020, Liên doanh Công ty TNHH Khunpheung-Viêng Chăn Lào và Công ty TNHH Công nghiệp Thép Khounkham lần đầu xuất khẩu được lô hàng 300 tấn thép cây theo tiêu chuẩn quốc gia Lào ISO 9001:2015 và SR24 SD30 SD40 cho Campuchia. (Vientiane Times, 10/12/2020)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Chính phủ Lào định hướng phát triển kinh tế vùng dựa vào tiềm năng và thế mạnh
Giai đoạn 2016-2020, việc phát triển kinh tế vùng lãnh thổ bước đầu đã đạt được một số thành tựu, phát huy được tiềm năng địa phương, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế. Dựa vào tiềm năng của từng vùng lãnh thổ, Chính phủ Lào đã ban hành các cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện riêng của từng vùng, địa phương.
Miền Bắc, tập trung vào phát triển nông nghiệp, vận động nhân dân sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển năng lượng điện dựa trên tiềm năng, hoàn thành các nhà máy sản xuất điện có quy mô lớn (thủy điện Xayabuly, nhiệt điện Hongsa); đẩy mạnh xây dựng và cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối (tuyến đường R3, đường sắt Lào-Trung, đường bộ cao tốc Viêng Chăn-Văng Viêng…) nhằm tăng khả năng lưu chuyển hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội cho khu vực phía Bắc.
Miền Trung, trong đó có thủ đô Viêng Chăn, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội Lào, là khu vực có vai trò quan trọng trong việc dẫn hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Tại khu vực miền Trung, ngoài thế mạnh về nông nghiệp, sản xuất hàng hóa tiêu dùng còn là khu vực tập trung nhiều mỏ khoáng sản quý hiếm, quan trọng; việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực khai khoáng được Chính phủ chú trọng và phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hệ thống hạ tầng cơ sở cũng được quan tâm phát triển, hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương và thu hút đầu tư. Các Khu kinh tế đặc biệt được hình thành để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, tạo ra các sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Miền Nam, là vùng phát triển kinh tế trọng điểm, là động lực của nền kinh tế Lào. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân của các tỉnh thuộc Nam Lào đạt 12.65%; 2016-2020 gần 9%. Vùng này có vị trí chiến lược trong hội nhập kinh tế khu vực, nhiều tiềm năng phát triển về đất đai nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng, du lịch; hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới như các tuyến 14A, 15A, đặc biệt là tuyến đường 16B kết nối nội vùng và với các nước láng giềng, đi qua cửa khẩu Đắc tà Oọc (Sekong)-Nam Giang (Quang Nam) đã được đầu tư xây dựng mới, kết nối khu vực Nam Lào đến cảng biển Đà Nẵng, Việt Nam, có khoảng cách ngắn nhất (400 km) và liên kết khu vực Đông Nam Thái, Tây Bắc Campuchia, đồng thời cũng là tuyến đường kết nối hai khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) và Khu vực Tam giác Campuchia-Lào-Thái Lan (CLT), tạo động lực thúc đẩy kinh tế Lào trong giai đoạn tới đây.
Khu vực Nam Lào có số lượng dự án đầu tư nước ngoài chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, nhiều dự án lớn về năng lượng thủy điện, gió được hoàn thành, các dự án phát triển cây công nghiệp cao su đã cho ra sản phẩm xuất khẩu, cà phê là sản phẩm xuất hàng đầu của Lào ra nước ngoài; nhiều dự án khoáng sản quý (vàng, bô-xít…) đang được triển khai với số vốn đầu tư lớn. (ĐSQVN tại Lào, 12/12/2020)
Hội đàm cấp cao xem xét các ưu tiên của Kế hoạch 5 năm lần thứ 9
Từ 10-11/12/2020, Hội nghị tham vấn cấp cao về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9 (NSEDP-9) 2021-2025 để trình Hội nghị Bàn tròn cấp cao lần thứ 13 đã được tổ chức tại Viêng Chăn.
Tọa đàm được đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Kikeo Chanthaboury và Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Lào Sara Sekkenes. Tọa đàm nhằm cung cấp cơ hội để các đối tác phát triển tham vấn cho Chính phủ Lào về các ưu tiên chính sách phát triển của NSEDP-9.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Kikeo Chanthaboury cho biết, NSEDP-9 sẽ định hướng chính sách cho giai đoạn 5 năm tới trong bối cảnh Lào đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là tác động của đại dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn đối với Lào và các nước trong khu vực trong thời gian qua và chắc chắn sẽ còn kéo dài trong những năm tới. Tác động của đại dịch đã trở nên trầm trọng hơn do thiên tai lũ lụt và hạn hán kéo dài hai năm liên tiếp ở Lào. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Lào vốn đã mong manh càng trở nên dễ đổ vỡ do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai.
NSEDP-9 sẽ ưu tiên chính sách theo định hướng phát triển bền vững và bao trùm, đầu tư vào vốn con người, phát triển cơ sở hạ tầng và đưa Lào thoát khỏi địa vị của một nước kém phát triển.
Bà Sekkenes nhấn mạnh, "Bây giờ chúng tôi đã có tầm nhìn rõ ràng hơn, tốt hơn về con đường Lào sẽ đi để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, với việc tập trung nhiều hơn vào trẻ em và thanh niên, các nhóm giới tính và những người dễ bị tổn thương. Dự thảo lần thứ 5 của NSEDP-9 cung cấp một khuôn khổ chiến lược rõ ràng cho các ưu tiên chính sách phản ánh tình hình của Lào và tập hợp được tất cả các nỗ lực của chúng ta".
Tọa đàm diễn ra trong thời gian hai ngày. Ngày thứ nhất tập trung thảo luận về chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng và vị trí chiến lược của Lào, chủ động hội nhập và hợp tác khu vực và quốc tế. Ngày thứ hai, hội đàm đã thảo luận về các khuôn khổ giám sát và đánh giá, chiến lược tài chính và kinh phí của NSEDP-9. (Vientiane Times, 14/12/2020)
Thành lập Ban chỉ đạo quản lý đầu tư công
Ngày 04/12/2020, Hội đồng Tư vấn Ban chỉ đạo quản lý đầu tư công (PIM) đã nhóm họp tại Viêng Chăn nhằm thảo luận, thông qua và triển khai đề cương và khung thời gian kế hoạch hành động trung hạn về quản lý đầu tư công.
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Kikeo Chathaboury và Đại sứ Nhật Bản tại Lào Keizo Takewada. Nhằm đảm bảo phát triển bền vững và chuẩn mực cao trong quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước, Chính phủ đang nỗ lực cải tiến quản lý đầu tư công. Vì vậy, cần thiết phải áp dụng các phương pháp quản lý đầu tư công tiên tiến, đồng thời với các giải pháp nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước. Với mục đích đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định số 0425 16/03/2020, thành lập Ban Chỉ đạo PIM và Tổ công tác cải tiến PIM.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Kikeo cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Chính phủ giao nhiệm vụ thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm về giám sát PIM. Để đảm bảo hiệu quả PIM, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quản lý ngân sách, đồng thời phải kết hợp với các cơ quan trung ương và địa phương trong việc lên kế hoạch và thực hiện các dự án một cách có hiệu quả.
Tại hội nghị, cơ cấu của Ban chỉ đạo, đề cương và khung thời gian của kế hoạch hành động PIM trung hạn đã được chi tiết hóa, trở thành chiến lược cốt lõi của công tác nâng cấp PIM.
Việc nâng cấp PIM được hỗ trợ bởi Chính phủ Nhật Bản và JICA trong thập kỷ qua. Chương trình đối thoại và nghiên cứu chung nhằm ổn định tài khóa ở Lào đã được các chuyên gia Nhật Bản và Lào triển khai từ đầu năm 2020.
Các khuyến nghị chính sách, bao gồm tăng cường quản lý và quản trị tài chính công được triển khai trên cơ sở phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Keizo Takewada nhấn mạnh, cần thiết phải có quyết tâm lớn để thực hiện cải cách nhằm giảm chi tiêu không cần thiết, đồng thời, tối đa hóa kết quả. Để làm được việc này, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ thông qua dự án cải tiến quản lý đầu tư công (PIMCAP) – cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thông qua Ban chỉ đạo PIM. (Vientiane Times, 07/12/2020)
Lào chuyển sang du lịch bền vững
Ngày 10/12/2020, phát biểu tại Đại hội đảng bộ Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Bộ trưởng Kikeo Khaykhamphithoune nhấn mạnh, du lịch xanh và bền vững, đặc biệt là du lịch sinh thái sẽ là mục đích Lào hướng tới để thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Kikeo Khaykhamphithoune cho biết, Chính phủ sẽ tập trung khai thác tiềm năng phát triển của các địa danh thiên nhiên, lịch sử và văn hóa để tăng cường giảm nghèo ở các cộng đồng địa phương; cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất để phát triển các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách, đảm bảo an toàn và tránh tác động tiêu cực lên các cộng đồng và môi trường.
Lào có tiềm năng lớn để sản xuất nông sản hữu cơ cung ứng cho thị trường liên quan đến các hoạt động du lịch và giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, Lào phải cải tiến các dịch vụ và cung cấp các sản phẩm du lịch đa dạng để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Từ năm 2015-2019, trên 21,76 triệu khách du lịch nước ngoài đã đến Lào, tăng 17,7% so với giai đoạn 5 năm trước. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch nước ngoài đạt 8 ngày. Thu nhập từ du lịch tăng 41,7% so giai đoạn 5 năm trước và số lượng các điểm du lịch chính thức tăng 1,1%.
Theo Vụ Phát triển du lịch, đến thời điểm 2018, Lào có 670 khách sạn, 2.432 nhà nghỉ, 2.646 nhà hàng và 305 điểm vui chơi giải trí. Tổng số có 1.318 điểm du lịch tự nhiên, 596 điểm du lịch văn hóa, 294 điểm du lịch lịch sử.
Từ tháng 2 – 9/2020, do tác động của đại dịch Covid-19, số lượng khách du lịch quốc tế đến Lào chỉ đạt 18% chỉ tiêu, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh dịch bệnh, một trong những thách thức chính mà ngành du lịch đang gặp phải đó là thiếu hệ thống đường xá tiếp cận các điểm du lịch; đồng thời kết nối đường bộ và hàng không đến các thị trường du lịch chính cũng không đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực xúc tiến du lịch thông qua việc khuyến khích công dân Lào du lịch nội địa để hỗ trợ kinh tế. Chính phủ có chính sách tăng cường kết nối và hội nhập ngành du lịch với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN khác. (Vientiane Times, 11/12/2020)
Chính phủ ban hành nghị định về kiểm soát giao thông
Ngày 11/12/2020, theo Vimentiane Times, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã ký ban hành Nghị định về kiểm soát giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông đang có xu hướng gia tăng, nghị định có hiệu lực trong tháng 12/2020.
Hàng năm, ở Lào có rất nhiều vụ tử vong và bị thương do tai nạn giao, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ Kíp.
Theo báo cáo mới đây của cơ quan chức năng, tháng 9/2020 có 76 vụ tử vong, 764 vụ bị thương do tai nạn giao thông đường bộ trên cả nước.
Vụ Cảnh sát Giao thông, Bộ An Ninh Lào cho biết, có 497 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong tháng 9/2020, 889 xe cộ bị hỏng.
Nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho cảnh sát giao thông có căn cứ pháp lý để đưa vào trật tự đường phố, giảm thương vong và thiệt hại kinh tế. Nghị định giao thông đường bộ được áp dụng cho tất cả đường giao thông, kể cả đường cao tốc.
Việc quản lý tốt giao thông đường bộ có ý nghĩa quan trọng để kết nối khu vực và quốc tế một cách có hiệu quả, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (Vientiane Times, 11/12/2020)
Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào Xaysomboun
Ngày 1/12/2020, theo Vientiane Times, mới đây Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã ký ban hành Nghị định về Chính sách phát triển kinh tế ở tỉnh Xaysomboun nhằm thu hút nhiều hơn đầu tư, tạo điều kiện để tỉnh đuổi kịp về kinh tế so với các địa phương khác trong cả nước.
Theo nghị định, các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch và khách sạn được miễn thuế lợi tức trong thời gian 5 năm. Nếu doanh nghiệp tăng vốn đầu tư lên trên 50% so với đầu tư ban đầu thì được miễn thuế tiếp 02 năm. Nhà đầu tư cũng được miễn phí tô nhượng đất, đồng thời, kinh phí doanh nghiệp chi để đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến du lịch được khấu trừ vào tiền thuế.
Để hỗ trợ việc xúc tiến du lịch sinh thái của Chính phủ, doanh nghiệp đầu tư vào homestay và các hoạt động du lịch có sự tham gia của người dân sẽ không phải nộp thuế trong thời gian 5 năm.
Chính phủ cũng khuyến khích sản xuất thương mại, đặc biệt là nông nghiệp sạch/sinh thái, các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, sản xuất giống cây trồng, sản xuất phân bón sinh học, cơ sở giết mổ và công nghiệp chế biến nông sản. Các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này ở Xaysomboun sẽ được hưởng lợi từ chính sách hoãn thuế của Chính phủ. Ví dụ, họ sẽ được miễn thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị nông nghiệp, giống cây trồng và thuốc trừ sâu.
Phí thuê và tô nhượng đất thuộc sở hữu nhà nước sẽ được miễn 5 năm, đồng thời thuế lợi tức đối với sản xuất nông nghiệp, chế biến và dịch vụ sẽ được miễn 15 năm.
Ngân hàng CHDCND Lào cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay vốn để sản xuất thương mại ở tỉnh Xaysomboun.
Tỉnh Xaysomboun mới được thành lập vào tháng 12/2013 với tổng dân số 81.000 người, nằm cách thủ đô Viêng Chăn 220 Km. (Vientiane Times, 16/12/2020)
Nâng cấp hệ thống quản lý lao động
Ngày 10/12/2020, hội nghị về đánh giá kết quả nghiên cứu khả thi quản lý lao động đã được tổ chức với sự tham dự của các đại diện từ Bộ Khoa hoạc và Công nghệ, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội, Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và các cơ quan liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu khả thi về nghiên cứu và triển khai công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) trong quản lý lao động và phương hướng tiếp theo trong thực hiện dự án.
Viện trưởng Viện Công nghệ tin học và điện tử Vilasak Inthaphatha cho biết, dự kiến khi hoàn thành hệ thống sẽ tăng năng lực phân phối và quản lý lao động, đồng thời, Chính phủ sẽ có các số liệu đáng tin cậy về lao động. Hệ thống Big Data sẽ giúp các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đăng ký nhân viên một cách dễ dàng. Dự án sẽ có chi phí đầu tư khoảng 10 triệu USD. Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác với 02 công ty Hàn Quốc sẽ thiết kế và triển khai hệ thống Big Data. Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội sẽ thu thập thông tin lao động, KOTRA sẽ hỗ trợ kinh phí cho dự án.
MOU về dự án đã được ký kết vào tháng 12/2019 giữa Viện Công nghệ tin học và điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ và 02 Công ty của Hàn Quốc là Poso International và Pantagate Co. Ltd. Dự kiến, dự án không những sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và sử dụng lao động, mà còn khi nảy sinh vấn đề có thể điều tra vụ việc thông qua quản lý lao động để giải quyết vấn đề và bảo vệ người lao động. (Vientiane Times, 21/12/2020)
Chủ trương chính sách của Chính phủ Lào tác động tới hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại
Thời gian qua, Chính phủ Lào đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu từ nước ngoài với mục tiêu cố gắng cân đối ngoại tệ vốn đang thiếu hụt trong nền kinh tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn đó, Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 238/BOL ngày 26/3/2020 về chính sách tín dụng, cho phép các NHTM cơ cấu lại các khoản nợ cho đối tượng khách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bằng hình thức ký lại thời hạn hợp đồng, giãn nợ…với thời gian ít nhất 01 năm, trên cơ sở hai bên cùng đàm phán thống nhất các điều kiện; Quyết định số 226/BOL ngày 20/3/2020 về việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó dự trữ bắt buộc đối với đồng tiền LAK giảm từ 10% xuống 8%, đối với ngoại tệ (USD) từ 5% xuống còn 4% nhằm tăng khả năng cung cấp vốn tín dụng để kích thích thúc đẩy phát triển kinh tế; Quyết định số 240/BOL ngày 30/3/2020 về việc điều chỉnh lãi suất cơ bản, thực hiện giảm 1% lãi suất cơ bản theo 3 kỳ hạn tiền gửi như: (i) kỳ hạn không quá 07 ngày từ 4% xuống 3%/năm; kỳ hạn từ 07-14 ngày, từ 5% xuống 4%; kỳ hạn từ 14 ngày đến 01 năm từ 10% xuống còn 9%/năm; tuy nhiên, việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng chưc có tác động rõ rệt do sự điều chỉnh của thị trường tự do và sự cạnh tranh trong nội bộ của hệ thống ngân hàng. Ngày 19/5/2020, BOL ban hành Công văn số 318/BOL về chính sách hỗ trợ và phục hồi hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cho phép các NHTM giải ngân cho các SMEs hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và du lịch với các gói vay 300 triệu USD từ nguồn vốn BOL vay Ngân hàng xây dựng Trung Quốc nhằm bổ sung vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên; gói vay 200 tỷ Kíp cũng phục vụ cung cấp tín dụng cho các đối tượng doanh nghiệp nói trên với mức vay theo quy mô của từng doanh nghiệp (siêu nhỏ vay tối đa 1,5 tỷ Kíp; DN nhỏ là 03 tỷ Kíp và vừa tối đa là 4 tỷ Kíp) theo điều kiện, tiêu chuẩn quy định.
Ngoài tác động trực tiếp từ các chủ trương, chính sách, các ngân hàng thương mại còn chịu tác động của tỷ giá hối đoái, độ chênh lệch giữa tỷ giá chính thức do BOL quy định với thị trường tự do (Quý I/2020, tỷ giá USD/LAK có độ chênh lệch khá lớn giữa tỷ giá trong NHTM và ngoài thị trường tự do là 650.78 LAK/USD; QII: 778 LAK/USD; QIII: 130 LAK/USD và QIV: 302 LAK/USD). Đối với đồng THB: QI: 1.13; QII: 2.2 và dự báo QIII và QIV vẫn giữ ở mức chênh lệch như trên). Điều đó làm cho khả năng thu hút ngoại tệ đối với hệ thống ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguồn cung ngoại tệ cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp liên quan nhiều đến việc nhập khẩu bị thiếu hụt, các doanh nghiệp buộc phải trao đổi ngoại tệ thông qua thị trường tự do, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh khi thanh toán qua hệ thống ngân hàng; theo đó, sẽ tác động ảnh hưởng đến dòng tiền lưu chuyển ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng thương mại. (ĐSQVN tại Lào, 12/12/2020)
Chính phủ Lào sẽ cải thiện môi trường thương mại quốc tế vào năm 2021
Báo Vientiane Times ngày 18/12/2020 đưa tin, năm 2021, Bộ Công Thương Lào tập trung vào các biện pháp thuận lợi hóa thương mại để cải thiện thứ hạng của đất nước về môi trường thương mại quốc tế hiện đang dần được cải thiện từ 3 con số lên 2 con số và ở vị trí 78 năm nay. Cùng với đó, các vấn đề và các biện pháp khác liên quan sẽ được xử lý để đẩy mạnh năng lực thương mại, hội nhập và kết nối với các nước.
Mới đây, Ủy ban thuận lợi hóa thương mại quốc gia họp lần thứ 3, điểm qua những thành tựu đạt được trong việc cải thiện chính sách thương mại và loại bỏ rào cản thương mại. Cuộc họp do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương Khemmani Pholsena, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đồng chủ trì với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
Tại Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo việc tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy thương mại. Theo đó, đã thực hiện thành công 18/36 biện pháp theo nhóm A, B, C trong WTO, tương đương 50% công việc mà mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện như sửa đổi các quy định, thực thi các điều kiện tạo thuận lợi trong công tác kiểm hóa, xây dựng 51 văn bản liên quan đến 17 vụ, cục ở 11 bộ.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cho biết những thách thức và cơ hội của việc thuận lợi hóa thương mại dưới các cấp độ khác nhau.
Phó Thủ tướng Sonexay khẳng định thuận lợi hóa thương mại là vấn đề cấp thiết đối với các quốc gia, Lào đang nỗ lực cải thiện môi trường trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh và kêu gọi đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Năm 2019, Lào đứng thứ 154/190 về chỉ số thuận lợi trong kinh doanh trên toàn cầu và đứng thứ 9 trong các nước ASEAN, Lào phải cố gắng để cải thiện vị trí và thứ hạng tốt hơn.
Cuộc họp cũng thảo luận phương hướng xử lý những vấn đề còn tồn tại, chưa được giải quyết và các thách thức nhằm cải thiện thứ hạng cải tiến hơn trong những năm tới. (Vientiane Times, 18/12/2020)
HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 11 và 11 tháng năm 2020
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 11 và 11 tháng 2020 như sau:
1. Tháng 11/2020 đạt 88.244.200 USD, so với tháng 10 tăng 12,3% nhưng so với cùng kỳ giảm -18,4%. Trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 49.126.884 USD, giảm -26,9% so với cùng kỳ (so với tháng 10 tăng 10,6%).
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 39.117.316 USD, giảm -4,5% so với cùng kỳ (so với tháng 10 tăng 14,6%).
Như vậy, so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể so với tỷ lệ giảm -15,8% của tháng 10 so với cùng kỳ. Cụ thể một số mặt hàng như sau:
Qua 11 tháng có thể thấy, kim ngạch thể hiện rõ sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 tại những thời điểm bùng phát dịch và thiên tai lũ lụt tại hai nước mà chủ yếu ở phía Việt Nam. Kim ngạch chỉ giảm mạnh ở tháng có dịch và thiên tai lũ lụt (tháng 3, tháng 7 và tháng 10), tháng liền sau đó đều tăng trở lại và tháng sau đều tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, do mức sụt giảm sâu ở những tháng có dịch và ảnh hưởng thiên tai nên kim ngạch không thể lấy lại được giá trị đã đạt được của năm 2019.
Dự kiến kim ngạch tháng 12/2020 có thể được cải thiện hơn do nhu cầu mua sắm dịp Tết sắp đến gần nhưng mức cải thiện không nhiều (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Lào, Việt Nam thống nhất tăng cường hợp tác
Ngày 06/12/2020, tại Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ Lào - Việt Nam lần thứ 43 tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết 17 văn kiện hợp tác nhằm tăng cường quan hệ, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.
Tại hội nghị, hai bên đánh giá cao những kết quả hợp tác song phương trong năm 2020, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế đầu tư và thương mại. Hai bên cam kết tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao.
Hiên nay, Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ ba tại Lào, sau Trung Quốc và Thái Lan. Đầu tư của Việt Nam tại Lào lũy kế đạt trên 4,2 tỷ USD. Việt Nam cũng là đối tác thương mại chủ chốt của Lào với kim ngạch thương mại song phương đạt 815 tiệu USD trong 10 tháng đầu năm 2020. Do tác động của đại dịch Covid-19, giá trị thương mại hai chiều không đạt mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra. Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thông tin, giao thông, phát triển thủy điện, truyền tải điện và mua bán năng lượng.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh và trật tự xã hội dọc theo biên giới nhằm xây dựng đường biên hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước đang không ngừng được củng cố, hiện nay có trên 16.000 sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam.
Vietnam News trích dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên thống nhất thực hiện các tuyên bố và thỏa thuận đã được ký kết giữa lãnh đạo hai nước, bao gồm thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào 2021. Mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường ở khu vực và thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19, Lào và Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức các hội nghị và trao đổi các đoàn cấp cao, đồng thời, thực hiện các cơ chế hợp tác quan trọng, hỗ trợ lẫn nhau trong phòng và kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng Thongloun Sisoilith bày tỏ sự cám ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ và hỗ trợ đối với sự phát triển của Lào trong những thập kỷ vừa qua.
Hai bên tin tưởng rằng, sự thành công của hội nghị sẽ tạo đà cho sự mở rộng hợp tác giữa hai nước, góp phần quan trọng để củng cố và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam. (Vientiane Times, 08/12/2020)
Việt Nam mua thêm điện từ Lào trong bối cảnh dự báo thiếu hụt điện
Báo Vientiane Times ngày 10/12/2020 đưa tin, Việt Nam dự kiến sẽ nhập khẩu thêm điện từ Lào để giải quyết việc thiếu hụt năng lượng.
Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo, Việt Nam đang mua điện từ các nhà máy điện do các nhà đầu tư Lào và Việt Nam xây dựng. Từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ mua 3.000MW điện từ Lào với giá 6,95 cent/kWh. Dự kiến điện bán cho Việt Nam sẽ tăng lên 5.000MW giai đoạn 2026-2030 theo giá điều chỉnh.
Theo Vnexpress, ngày 6/12/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký 3 biên bản ghi nhớ mua điện từ các công ty của Lào là Nhà máy thủy điện Nặm-nhương 84MW của Tập đoàn Phongsubthavy, Nhà máy thủy điện Nặm Nơn 1 công suất 124MW của Công ty TNHH Phát triển thủy điện Nặm Nơn 1 và Nặm Nơn 3 Kong Sup và Nhà máy nhiệt điện than Nặm phan 300MW trong năm 2024-2025.
Tháng 1/2020, EVN và hai công ty Lào đã ký 05 hợp đồng mua điện năm 2021 và 2022 với tổng công suất là 1,5 tỷ KWh/năm.
Theo Thứ trưởng Daovong, Lào có tiềm năng rất lớn về sản xuất điện từ thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió để bán cho Việt Nam và Campuchia.
Trong thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng điện ở Việt Nam sẽ tăng cao, dự đoán sẽ thiếu hụt năng lượng khoảng trên 3,7 tỷ KWh năm 2021 và gần 10 tỷ KWh cho năm tiếp theo. Năm 2023 sẽ thiếu hụt hoảng 15 tỷ KWh. (Vientiane Times, 10/12/2020)
HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC
Lào-Trung Quốc
Chủ tịch nước Lào và Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác
Ngày 22/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm để trao đổi về phương hướng tăng cường quan hệ song phương. Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác và hữu nghị thời gian qua và cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trong thời gian tới. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Lào – Trung, nhất trí tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị, chia sẻ các bài học kinh nghiệm về quản lý Nhà nước, thực hiện các thỏa thuận đã ký. Hai bên cũng thông báo cho nhau tình hình và thành tựu nổi bật của mỗi nước, trao đổi về công tác tổ chức Năm Hữu nghị Lào – Trung 2021 để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, thực hiện các dự án hạ tầng và xoái đói giảm nghèo.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào (785 dự án với tổng vốn 12 tỷ USD) và là đối tác thương mại chủ chốt (3,5 tỷ USD năm 2019). (Vientiane Times, 25/12/2020)
Chính phủ và Công ty Đường sắt ký thỏa thuận phát triển
Ngày 11/12/2020, Chính phủ và Công ty TNHH Đường sắt Lào – Trung đã ký MOU về phát triển địa bàn xung quanh các ga đường sắt ở Thủ đô Viêng Chăn, các tỉnh Viêng Chăn, Oudomxay và Luang Prabang nhằm hỗ trợ công nghiệp và logistics.
Thỏa thuận được ký kết tại Viêng Chăn giữa Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Khamchan Vongsenboun, Tổng Giám đốc Công ty đường sắt Lào – Trung Xiao Qianwen và đại diện các địa phương nêu trên.
Phát biểu tại lễ ký, ông Xiao Qianwen cho biết, việc phát triển diện tích xung quanh các nhà ga sẽ giúp khai thác tiềm năng ở các địa bàn này nhằm thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, logistics, thương mại và kinh tế địa phương. Các địa bàn mục tiêu bao gồm ga đường sắt Thủ đô Viêng Chăn, ga Vangvieng, ga huyện Xay, tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Oudomxay và Luang Prabang.
Tính đến 10/12/2020, các hầm và cầu đường sắt đã hoàn thành 95% tiến độ, đường ray và công trình xây dựng đã hoàn thành được 41,3% tiến độ.
Đường sắt Lào – Trung là một phần chiến lược trong Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, đồng thời là kế hoạch nhằm biến Lào từ một nước không có biển thành kết nối đất liền của Chính phủ Lào. Khi vận hành, đường sắt sẽ giúp cắt giảm chi phí vận tải ở Bắc Lào khoảng 30-40% so với vận tải đường bộ. Tuyến đường sắt dài 422,4 Km từ Boten, giáp Trung Quốc, qua các tỉnh Bắc Lào tới Thủ đô Viêng Chăn sẽ có tốc độ tối đa là 160 Km/giờ. Chính phủ Lào tin rằng tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (Vientiane Times, 14/12/2020)
Nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Lào bắt đầu hoạt động
Báo Vientiane Times ngày 01/12/2020 đưa tin, nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Lào đã chính thức khai trương hoạt động. Đây là nhà máy được xây dựng để giảm phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu.
Nhà máy là Liên doanh giữa Lào và Trung quốc, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Vân Nam nắm giữ 80% cổ phần và Công ty Xăng dầu Nhà nước Lào nắm giữ 20% trên vốn đầu tư 2 tỷ USD, thiết kế hàng năm sản xuất 3 triệu tấn xăng tinh luyện, dầu diesel và xăng dầu sử dụng cho máy bay và gas.
Theo nhà đầu tư dự án, Lễ khai trương giai đoạn sản xuất đầu tiên năng suất 1 triệu tấn dầu tinh chế hàng năm. Giai đoạn hai và ba sẽ được triển khai sau, tuy nhiên chưa có ngày hoàn thành chính thức. Khi hoạt động đầy đủ, nhà máy có thể sản xuất 3 triệu tấn dầu tinh chế/năm.
Phát biểu tại Lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Khemmani Pholsena nói dự án là bước quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu và có thể đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hóa chất và xăng dầu ở Lào. Dự án củng cố khả năng cung ứng xăng dầu, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani, dự án là một trong những kết quả thỏa thuận hợp tác “cùng chung vận mệnh” giữa Lào và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải đối mặt những thách thức tìm cách giảm chi phí sản xuất để sản phẩm có tính cạnh tranh với sản phẩm xăng dầu hiện có, đảm bảo chất lượng và tìm ra những chiến lược để dành thị phần.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong, đây là dự án là quan trọng đối với Lào trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 172 ha, tại đặc khu kinh tế, với công nghệ và chất lượng sản phẩm đảm bảo theo chuẩn quốc tế. Khi bước vào vận hành sản xuất sẽ tạo ra 20.000 việc làm cho người Lào.
Theo kế hoạch dự kiến, nhà máy có thể sản xuất được sản phẩm xăng sinh học từ nguyên sắn và dầu cọ(Vientiane Times, 01/12/2020)
Lào-Thái Lan
Quan hệ Lào – Thái Lan về mua bán điện
Theo Tổng thư ký Cơ quan quốc gia quản lý nguồn nước Thái Lan Somkiat Prajamwong quan ngại về tác động của dự án thủy điện Sanakham đối với hệ sinh thái sông Mekong và sinh kế của người dân dọc theo con sông và có thể Thái Lan sẽ không mua điện từ dự án này do khả năng dư thừa điện trong tương lai, không cần nhập khẩu thêm năng lượng từ Lào.
Dự án thủy điện Sanakham được tiến hành tham vấn trước tại MRC từ ngày 30/7/2020, do doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đầu tư, cách biên giới Thái Lan chỉ 02 km, theo dự kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng và sản xuất điện vào năm 2028. Tuy nhiên, trước khả năng tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người dân dọc theo sông Mekong, các nhà hoạt động môi trường tại Thái Lan đã kêu gọi Chính phủ rút lại ý kiến ủng hộ đối với dự án do đập thủy điện sẽ làm sự thay đổi dòng chảy con sông, đe dọa sống còn đối với một trong những con sông lớn nhất châu Á. (Thediplomat.com)
Lào-Hàn Quốc
Lào kiến nghị Hàn Quốc tài trợ cho các dự án phát triển mới
Ngày 04/12/2020, tại Hội nghị Đối thoại ODA lần thứ 3 giữa Lào và Hàn Quốc, Lào đề nghị Hàn Quốc xem xét tài trợ cho 04 dự án mới trong năm 2021.
Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Kikeo Chanthaboury và Cục trưởng Cục Hợp tác Phát triển, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Yeong-mo. Tham gia hội nghị có đại diện của các cơ quan liên quan bao gồm Bộ Kinh tế và Tài chính, K-Exim Bank, KOICA và Quỹ Chăm sóc Y tê Quốc tế Hàn Quốc.
Thứ trưởng Kikeo Chanthaboury cho biết, hội nghị là sự kiện quan trọng thường niên. Năm 2021, Lào đề nghị Hàn Quốc xem xét tài trợ cho 04 dự án phát triển mới, bao gồm: (i) Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và nâng cấp Quốc lộ 13 Bắc đoạn từ Phonhong đi Vangvieng; (ii) Dự án quản lý tổng thể sông Mekong ở tỉnh Bokeo. Sông Mekong phía Thái Lan đã xây dựng bờ kè nhưng phía bên Lào chưa có nên bị xói lở nghiêm trọng; (iii) Dự án nâng cấp bệnh viện tỉnh Savannakhet với trang thiết bị của Hàn Quốc vì bệnh viện hiện có đã xuống cấp và không đủ phòng bệnh cũng như trang thiết bị y tế; và (iv) Dự án quản lý tổng thể sông Mekong ở tỉnh Khammuan để chống xói lở dọc theo bờ sông trên địa bàn tỉnh. (Vientiane Times, 07/12/2020)
Doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia dự án thủy điện tại Lào
Ngày 30/11, công ty Doosan Heavy Industries & Construction đã ký thỏa thuận với công ty Korea Western Power cùng tham gia dự án thủy điện Phou Ngoy tại Lào, theo đó Doosan sẽ cung cấp các trang thiết bị và vật liệu chính yếu, tìm thị trường xuất khẩu cho dự án. Dự kiến tháng 01/2021, 2 công ty sẽ cùng triển khai thiết kế cơ bản sau khi khảo sát thực địa, bắt đầu xây dựng vào năm 2022 và hoàn thành năm 2029.
Dự án Phou Ngoy tại Champassak có công suất 728MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD, được triển khai bởi công ty Charoen Energy & Water Asia của Thái Lan và Korea Western Power trên cơ sở một thỏa thuận với chính phủ Lào. Doosan là nhà sản xuất thiết bị điện hàng đầu của Hàn Quốc, gần đây đã mở rộng hoạt động sang sản xuất thủy điện thân thiện với môi trường, coi dự án Phou Ngoy là bước đột phá của công ty vào thị trường thủy điện và thiết bị điện ở nước ngoài. Doosan và Korea Western Power mới đây đã phát triển công nghệ sản xuất điện tích hợp (hybrid) đầu tiên trên thế giới kết nối với hệ thống tích trữ năng lượng. (www.businesskorea.com)
Lào-Nhật Bản
Lào, Nhật Bản tăng cường các biện pháp để cải thiện đầu tư của Nhật Bản tại Lào
Ngày 09/12/2020, tại Viêng Chăn, Đại sứ quán Nhật Bản tại Lào và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị thường niên Đối thoại công – tư Lào Nhật Bản lần thứ 4. Hội nghị được đồng chủ trì bởi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone và Đại sứ Nhật Bản tại Lào Takewaka Keizo với sự tham dự của các đại biểu và khách mời.
Hội nghị đối thoại thường niên lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2007. Đây là diễn đàn để hai khu vực nhà nước và tư nhân thảo luận các vấn đề mà các công ty Nhật Bản đang gặp phải. Mục đích là để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Nhật Bản vào Lào thông qua việc tìm kiếm những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.
Năm nay 02 nhóm công tác cụ thể đã thảo luận các vấn đề liên quan đến thương mại, logistics và những cản trở đối với các doanh nghiệp mới tại Lào nhằm đưa ra những giải pháp để khắc phục.
Hội nghị cho rằng vai trò của các công ty Nhật Bản ở Lào sẽ trở nên ngày càng quan trọng, đặc biệt là đảm bảo việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chính phủ Lào đã giới thiệu về những tiến bộ đạt được trong việc hiện thực hóa những kiến nghị chính sách do phía Nhật Bản đưa ra để giải quyết những thách thức trung và dài hạn như vấn đề minh bạch và khả năng đoán định của các luật, chính sách, logistics và các đặc khu kinh tế.
Các công ty Nhật Bản đã và đang đầu tư tích cực vào Lào, chủ yếu là trong công nghiệp chế tạo, với tổng số hiện có là 165 công ty. Đầu tư của của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Lào góp phần tạo công ăn việc làm, chia sẻ công nghệ sản xuất, bí quyết quản lý, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
Căn cứ kết quả của hội nghị đối thoại, những vấn đề tồn tại và các vấn đề mới phát sinh sẽ tiếp tục được thảo luận để giải quyết nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư ở Lào. (Vientiane Times, 11/12/2020)
Lào-Đức
Đức cung cấp 20 triệu Euro để tăng cường quản lý và bảo tồn rừng ở Lào
Ngày 23/12/2020, theo Vientiane Times, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) thông qua Ngân hàng Phát triển KfW sẽ cung cấp 20 triệu Euro để hỗ trợ quản lý và bảo tồn rừng ở Lào.
Thỏa thuận về việc triển khai thực thi luật bảo vệ rừng, quản trị và thương mại – dự án hợp tác về tài chính (FLEGT-FC) đã được ký kết gần đây giữa Chính phủ Lào và Liên minh châu Âu (EU)
Ngày 17/12/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Kikeo Chanthaboury, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm (MAF) Thongphat Vongmany và Giám đốc Ngân hàng Phát triển KfW tại Lào Jan Viegelmann đã ký Thỏa thuận về khoản viện trợ không hoàn lại 20 triệu Euro. Theo đó, dự án sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2021 và kết thúc vào năm 2026. Dự án sẽ do MPI và MAF thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của một công ty tư vấn quốc tế.
Kế hoạch hành động FLEGT là một sáng kiến của EU hiện đang được thực hiện tại 9 quốc gia trên thế giới trên cơ sở thỏa thuận đối tác tư nguyện (VPAs), từ năm 2017, Lào bắt đầu đàm phán và tham gia chương trình này. FLEGT-FC cung cấp hỗ trợ tài chính cho Chính phủ Lào nhằm triển khai những nỗ lực cải cách của ngành lâm nghiệp một cách bền vững khi gỗ và các sản phẩm đồ gỗ được cấp phép FLEGT sẽ được xem là hợp pháp với điều kiện đáp ứng được các điều kiện của FLEGT. (Vientiane Times, 23/12/2020)
BẠN CẦN BIẾT
Không có mâu thuẫn trong việc phát điện ở 03 dự án thủy điện ở Attapeu
Ngày 1/12/2020, theo Vieniane Times, 03 đập thủy điện được xây dựng trên sông Kong, tỉnh Nam Lào Attapeu gần biên giới Việt Nam và Campuchia sẽ không mâu thuẫn về phát điện.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Giám đốc dự án thủy điện Nam Kong 3 Thongsai Thammavong cho biết, 03 đập thủy điện nằm cách xa nhau. Ba dự án với tên gọi Thủy điện Nam Kong 1, Nam Kong 2 và Nam Kong 3 hiện đang xây dựng gần hoàn thành. Việc sử dụng nước không có vấn đề vì có thể sử dụng chung, nghĩa là nước có thể chảy qua đập thứ ba, đập thứ hai và đập thứ nhất để sản xuất điện.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu điện từ Lào để đáp ứng nhu cầu dự báo. Từ nay đến năm 2025, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào với giá 6,95 Cent/Kwh. Dự kiến, từ năm 2026-2030, lượng điện xuất khẩu sang Việt Nam có thể tăng lên khoảng 5.000 MW với mức giá sẽ được xác định sau.
Ông Thongsai cũng cho biết, 03 dự án đập thủy điện nêu trên cũng sẽ bán điện sang Việt Nam. Nhà máy thủy điện Nam Kong 3 có công suất lắp đặt 54 MW, dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu điện sang Việt Nam vào giữa tháng 01/2021.
Nhiều đập thủy điện hiện đang được xây dựng ở Lào, với mục tiêu 100 đập được xây dựng vào năm 2030. Hiện nay, Lào có 78 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 9.972 MW đang hoạt động, vượt xa nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, Lào có một nhà máy nhiệt điện than, 04 dự án điện sinh khối và 06 dự án điện mặt trời.
Điện là nguồn thu nhập chính của Lào, chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar. (Vientiane Times, 16/12/2020)
Tuyến cao tốc Viêng Chăn-Văng Viêng chính thức đưa vào sử dụng
Ngày 20/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounhang Volachith cùng Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại CHDCND Lào Jiang Zaidong cùng khách mời đã cắt băng khánh thành, chính thức đưa vào sử dụng tuyến đường bộ cao tốc Viêng Chăn-Văng Viêng.
Tuyến cao tốc Viêng Chăn-Văng Viêng là giai đoạn I của toàn tuyến cao tốc Viêng Chăn-Bo Ten, có chiều dài 109,10 km, do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện từ năm 2018, theo phương thức BOT, tổng vốn đầu tư là 1.293 triệu USD. Tuyến đường cắt qua 04 huyện: Nasaithong, thuộc thủ đô Viêng Chăn; huyện Phonhong, Hinhop, Vangvieng thuộc tỉnh Viêng Chăn; mặt đường rộng 23 mét, thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc Trung Quốc và ASEAN, qua 45 cầu có tổng chiều dài 2.408 mét, có 01 hầm chui theo chiều đi Văng Viêng dài 845 mét, chiều về Viêng Chăn dài 875 mét; có 07 điểm kết nối; cho phép phương tiện chạy tốc độ tối đa là 100 km/h.
Tuyến đường bắt đầu vận hành thử nghiệm từ 02/12/2020 và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 20/12/2020, sẽ thực hiện thu phí phương tiện từ 01/01/2021-01/01/2070 (50 năm), thông qua 08 trạm là: Thủ đô Viêng Chăn; Naxon; Banbua; Saka, Phonhong; Hinhop; Namngum và Văng Viêng. Phương tiện thông thường thanh toán mức giá bình quân 557 Kíp/km (tương đương 0,06 USD quy đổi theo giá quy định chung), phương thức bằng IC card; các loại xe vận tải sẽ xác định mức phí theo tải trọng được cân thực tế tại trạm cân.
Theo dự kiến, có thể không cho phép các phương tiện có dung tích xi lanh dưới 350cc đi vào đường cao tốc trên. (Văn bản số 190/PTL-TQ, 19/11/2020 của Công ty hợp tác phát triển đường cao tốc Lào-Trung Quốc; báo KT-XH, 10, 21/12/2020).
Hội chợ “Sản xuất tại Lào 2020” thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid 19
Lào đang tìm cách biến khủng hoảng Covid 19 thành cơ hội để thúc đẩy sản xuất trong nước và phát triển du lịch bằng cách tận dụng những nét đặc trưng văn hóa để thu hút thêm doanh nghiệp và du khách. Hội chợ “Sản xuất tại Lào 2020” được tổ chức tại Lào ITECC, thủ đô Viêng Chăn từ ngày 25/12/2020 – 03/01/2021 được coi là nền tảng thúc đẩy tiêu dùng nội địa và mở rộng các mặt hàng sản xuất tại Lào. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêng Chăn nỗ lực giới đưa hơn 100 công ty trên toàn nước Lào tới triển lãm các hàng hóa và dịch vụ của mình tại hơn 220 quầy hàng.
Phát biểu tại họp báo ngày 10/12, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào Chanthachone Vongsay cho biết mục đích chính của Hội chợ là phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế nội địa trong bối cảnh Covid 19, kỷ niệm 45 năm Quốc khánh nước CHDCND Lào và 100 năm ngày sinh Chủ tịch Caysone Phomvihane. Đây sẽ là cơ hội để tăng cường sản xuất trong nước và tạo nhận thức trong cộng đồng về việc sử dụng hàng hóa Lào, du lịch nội địa Lào. Hội chợ cũng sẽ có các hoạt động khuyến mãi, hội thảo về thương mại điện tử, tiếp cận tài chính, thích nghi với trạng thái bình thường mới và hoạt động kết nối doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Ban Tổ chức Hội chợ đã mời Thủ tướng Thongloun Sisoulith tham dự Lễ khai mạc chính thức dự kiến diễn ra vào ngày 30/12/2020. (Vientiane Times, 11/12/2020)
Thủ đô Viêng Chăn tổ chức Hội chợ việc làm
Ngày 06/12/2020, báo Vientiane Mai đưa tin, Sở Lao động và Phúc lợi xã hội thủ đô Viêng Chăn đã tiến hành tổ chức họp báo để thông báo về mục đích, thời gian, địa điểm sẽ tổ chức Hội chợ việc làm năm 2020.
Tại diễn đàn, Giám đốc Sở Lao động và Phúc lợi xã hội Lamphoy Siakachanh cho biết, Hội chợ lao động là hoạt động dịch vụ tổ chức tìm kiếm việc làm, là nơi kết nối giữa các thành phần lao động với các nhà doanh nghiệp nhằm giúp họ có diễn đàn trao đổi, đàm phán trong việc sử dụng lao động phù hợp với các ngành nghề và mức thu nhập.
Để phát triển lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực cho các khu vực nhà nước và tư nhân, việc tổ chức hội chợ việc làm hàng năm có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, kết nối và tạo sân chơi bình đẳng giữa người lao động và các đơn vị tuyển dụng lao động.
Theo Giám đốc Lamphoy, năm 2020, dự kiến thủ đô Viêng Chăn sẽ có trên 6000 vị trí việc làm cần tìm kiếm nhân lực phù hợp. Hội chợ sẽ có sự tham dự của hơn 150 đơn vị doanh nghiệp đến quảng bá, tuyên truyền nhu cầu sử dụng lao động thông qua các website, các kênh truyền thông về nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Người tìm việc làm có thể trao đổi, đàm phán trực tiếp tại diễn đàn hội chợ hoặc trả lời phỏng vấn qua online để tìm kiếm việc làm cho mình.
Hội chợ được tổ chức từ ngày 18-21/12/2020 tại Sở Lao động và Phúc lợi xã hội thủ đô Viêng Chăn. (Báo điện tử Vientiane Mai, 06/12/2020)
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trịnh Thị Tâm
Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa, Nguyễn Trung Việt