Notifications
Clear all

Bản tin Kinh tế số tháng 12-2019

1 Bài viết
1 Thành viên
2 Reactions
1,060 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Phiên họp Chính phủ mở rộng lần thứ 2 năm 2019

         Ngày 19-20/12/2019, phiên họp Chính phủ mở rộng lần thứ 2 năm 2019 được tiến hành dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith, với sự tham gia của các thành viên Chính phủ, đại diện các cơ quan Đảng và Quốc hội.

​         Nội dung trọng tâm của Cuộc họp nhằm công bố các Nghị quyết của Quốc hội đã phê chuẩn về các chỉ tiêu quan trọng mà Chính phủ cần phấn đấu hoàn thành trong năm 2020; quán triệt đến các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Cuộc họp đã tập trung thảo luận 06 vấn đề lớn gồm: (1) Triển khai thực hiện Nghị quyết Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa VIII và thông qua Nghị định về tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2020; (2) Thúc đẩy sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực, tiêu dùng sản phẩm nội địa và việc quản lý nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng; (3) Báo cáo về việc giải quyết thảm họa thiên nhiên trên toàn quốc năm 2019 và biện pháp tiếp theo; (4) Báo cáo kết quả về công tác kiểm tra các dự án cho thuê, tô nhượng đất của Chính phủ trên toàn quốc; (5) Báo cáo về tiến độ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; (6) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc cải cách dịch vụ một cửa.

​         Đồng thời, tại Cuộc họp, các thành viên được nghe thông tin liên quan đến công tác cán bộ, về phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng cán bộ công chức mới cho từng Bộ, ngành Trung ương và Địa phương, trong tổng 2.000 biên chế được tuyển dụng mà Quốc hội đã chấp thuận cho năm 2020, ưu tiên chỉ tiêu cho các ngành giáo dục và đào tạo, các huyện và tỉnh còn thiếu CBVC, đồng thời yêu cầu các đơn vị khi tổ chức tuyển chọn và bổ nhiệm CBVC cần lựa chọn những ứng viên có chất lượng cao nhất.

​         ​Để tổ chức thực hiện các nội dung Cuộc họp đã thống nhất, Chính phủ giao Văn phòng Thủ tướng sớm ban hành nghị quyết cuộc họp để làm căn cứ cho các Bộ, ngành, đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các thành viên Chính phủ, Đô trưởng Viêng Chăn và các Chủ tịch tỉnh phải nắm chắc nội dung, tinh thần đã thống nhất tại cuộc họp lần này, hiện thực hóa thành các văn bản, quy định để tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2020 đạt hiệu quả cao, báo cáo định kỳ hàng tháng kết quả thực hiện lên Văn phòng Thủ tướng. (Báo KT-XH, Vientiane Times, 23/12/2019) 

Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

​         Ngày 16/12/2019, tại Viêng Chăn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KHĐT Lào Sonexay Siphandone đã chủ trì cuộc họp tổng kết việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, thảo luận trọng tâm năm 2020 và 5 năm tiếp theo 2021-2025, với sự tham dự của gần 300 cán bộ thuộc ngành trên toàn quốc.

​         Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Sonexay báo cáo về thành tựu đạt được trong năm 2019, nhấn mạnh một số yếu kém, tồn tại về phân bổ ngân sách dự án, giải quyết nợ, đánh giá kết quả kiểm toán, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thực hiện dịch vụ một cửa và các nhiệm vụ khác; kêu gọi đại biểu chú trọng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa 8, đóng góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ năm 2020.

​         ​Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHĐT Kikeo Chanthaboury đã báo cáo về nội dung Nghị định của Chính phủ về việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2020, tập trung vào 6 lĩnh vực chủ chốt là phát triển kinh tế, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo vệ an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế, xây dựng hệ thống chính sách, chiến lược và pháp luật. (Vientiane Times, 17/12/2019)

Đóng góp của ngành dịch vụ vào nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng

​         Ngày 15/12/2019, theo Vientiane Times, mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ đạt mức độ đáng ghi nhận, nhưng các cơ quan chức năng nhận thấy sự đóng góp cho nền kinh tế của lĩnh vực này không lớn, chưa tương xứng với tiềm năng.

​         Năm 2019, theo dự kiến của Chính phủ, ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng khoảng 7%, đóng góp cho tăng trưởng GDP khoảng 0,4%; trong đó, dịch vụ bán buôn, bán lẻ và sửa chữa xe cộ đóng góp 1,4% cho tăng trưởng của ngành dịch vụ; lĩnh vực bất động sản tăng trưởng 6,7%, đóng góp tăng trưởng ngành 0,4%; dịch vụ tài chính và bảo hiểm tăng trưởng 7,7%, đóng góp cho tăng trưởng ngành 0,2%; khách sạn, nhà nghỉ và nhà hàng tăng trưởng 5,3%, đóng góp cho tăng trưởng của ngành 0,1%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 3,45 triệu lượt khách du lịch đến Lào, thấp hơn mục tiêu đề ra, đạt 76,59% kế hoạch năm (chỉ tiêu là 4,5 triệu.lượt khách).

​         ​Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng của ngành dịch vụ là 6,9%, chiếm 41,47% trong cơ cấu GDP; tuy nhiên, theo phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào cho biết, ngành dịch vụ hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu trên do tình trạng thiếu ngân sách nhà nước để xúc tiến tổng thể ngành du lịch, sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng liên quan, thiếu tham vấn thường xuyên và chiến lược hợp tác phát triển giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển du lịch chưa thực sự được quan tâm, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ vẫn đương đầu với một số chi phí cao hơn các ngành khác, đặc biệt là giá điện cao hơn so với ngành công nghiệp. (Vientiane Times,16/12/2019)

Lào tiếp tục đối mặt với thâm hụt thương mại

​         Ngày 23/12/2019, theo báo cáo tại hội nghị thường niên của ngành Công Thương,  Chính phủ đặt chỉ tiêu đưa kim ngạch xuất và nhập khẩu tăng thêm lên 1,746 tỷ USD, dự tính Lào sẽ tiếp tục đối mặt với thâm hụt thương mại 193 triệu USD.

​         Năm 2019, Lào đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 5,516 tỷ USD, 9 tháng đầu năm đạt 4,380 tỷ USD, tương đương 79,4% kế hoạch; chỉ tiêu kim ngạch nhập khẩu là 5,775 tỷ USD, 9 tháng đầu năm đạt 4,202 tỷ USD, tương đương 72,76% kế hoạch.

​         Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 6,422 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu 6,615 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm điện, quặng vàng, đồng và các sản phẩm đồng, chuối, giấy và bột giấy, chi tiết và phụ tùng camera, đồ uống có cồn, quần áo, thiết bị điện và  điện tử, cao su và các sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm nhập khẩu chính bao gồm xe cộ, máy móc và thiết bị điện, xăng dầu, thiết bị máy móc, sắt thép và các sản phẩm sắt thép, đồ uống, nhựa và các sản phẩm nhựa. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Đức và Thụy Sỹ; nhập khẩu chủ yếu từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến, điện sẽ là ngành tạo thu nhập xuất khẩu chính của Lào. Hiện nay, Lào đang xuất khẩu điện sang Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, trong đó, Thái Lan là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất từ Lào.

​         ​Theo các nhà quan sát, Lào tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại vì nền sản xuất yếu và phải nhập khẩu nhiều hàng hóa từ nước ngoài. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Lào chủ yếu dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thiếu bền vững. Chính phủ cần phải đẩy nhanh cải cách kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào tri thức. (Vientiane Times, 25/12/2019)

Ngành Kế hoạch-Tài chính hợp tác giải quyết các vấn đề còn tồn tại để thúc đẩy phát triển kinh tế

​         ​Ngày 17/12/2019, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, thủ đô Viêng Chăn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphadone và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Somdy Duangdy đồng chủ trì hội nghị công tác ngành kế hoạch-tài chính năm 2019.

​         Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, năm 2019, mặc dù ngành kế hoạch và đầu tư và ngành tài chính đã đạt được nhiều thành quả, nhưng vẫn còn một số tồn tại mà hai ngành cần khắc phục, giải quyết để đạt kết quả tốt hơn, gồm 10 vấn đề: Thứ nhất là, về vấn đề kinh tế quốc gia, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa chưa mạnh mẽ và thiếu tập trung làm cho năng suất sản xuất thấp; chi phí dịch vụ cao, nền sản xuất còn mang tính truyền thống, ít áp dụng công nghệ hiện đại; doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ (SME) chưa vững mạnh, chưa làm nền tảng cơ sở cho nền kinh tế quốc gia; thứ hai là, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chưa sát thực, việc phối hợp giữa các ngành với địa phương còn thiếu chặt chẽ làm cho việc thực hiện kế hoạch không đạt mục tiêu đề ra; thứ ba là, việc thúc đẩy các đơn vị sản xuất kinh doanh sử dụng trang thiết bị hiện đại chưa đạt yêu cầu, thu nhập chưa cao, đóng góp nghĩa vụ cho nhà nước thấp; thứ tư là, sự trì trệ trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nhiều năm qua, cần có thời gian củng cố, sửa đổi cơ chế, quy định cho phù hợp hơn mới có thể khắc phục được; thứ năm là, sự ổn định kinh tế vĩ mô chưa chắc chắn, đặc biệt trong quản lý ngoại hối, trao đổi tiền tệ, tỷ giá hối đoái trong hệ thống ngân hàng và thị trường tự do còn có sự chênh lệch, gây mất cân đối về ngoại tệ, nợ nước ngoài còn cao...; thứ sáu là, cải thiện tình hình đầu tư, kinh doanh còn chậm chạp, môi trường đầu tư thiếu hấp dẫn, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, ngay cả đối với các lĩnh vực tiềm năng của Lào...; thứ bảy là, việc xử lý nợ công đối với các chương trình, dự án còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nợ đọng nhiều do ngân sách hạn chế...; thứ tám là, nguồn nhân lực thiếu, yếu cả về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu cho các dự án đầu tư có quy mô lớn, việc sử dụng lao động có tay nghề chủ yếu lao động nước ngoài; thứ chín là, chênh lệch giàu nghèo cao giữa các vùng nông thôn, thành thị, chênh lệch về thu nhập, mức sống, về tiếp cận đến nguồn lực kinh tế..., và việc giải quyết vấn đề đói, nghèo còn chậm chạp...; cuối cùng là, chưa nghiêm túc trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch, tài chính, một số ngành, địa phương thực hiện chưa tốt, còn vi phạm về kỷ luật ngân sách..., việc xử lý vi phạm chưa kịp thời chưa nghiêm túc trong nhiều ngành có liên quan đến kế hoạch và tài chính.              

​         Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị, 11 tháng đầu năm 2019, Lào thu ngân sách đạt 77,89% kế hoạch, thu nội địa đạt 82,76%, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm, ước đạt 96,85% kế hoạch năm, tương đương 25.665 tỷ Kíp, trong đó thu nội địa ước đạt 96,84%. Thâm hụt ngân sách không vượt quá 7.416 tỷ Kíp tương đương 4,52% GDP. Theo kế hoạch dự kiến, năm 2020, mục tiêu thu ngân sách cần đạt 28.997 tỷ Kíp, tương đương 16,31% GDP và tăng so với năm 2019 là 9,4%.  (Báo KT-XH, Vientiane Times, 17/12/2019)

 

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI​

Chính phủ khuyến khích tăng sản xuất gạo nếp vào năm 2020

​         Ngày 05/12/2019, Vientiane Times đưa tin, năm 2020, Chính phủ Lào khuyến khích nông dân sản xuất 01 triệu tấn gạo nếp phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

​         Chính phủ ưu tiên tập trung vào tiêu chí nông nghiệp sạch, xanh và bền vững để đảm bảo chất lượng, tăng khả năng tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế. Để thúc đẩy phát triển trồng lúa nếp, là loại lúa mà Lào có tiềm năng trong khu vực và thực hiện mục tiêu đã đề ra, Bộ Nông Lâm có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lên 5%, trồng lúa lên 2% nhằm tăng tỷ lệ gạo nếp lên 35% tổng sản lượng lúa gạo, khoảng 4,7 triệu tấn. Gạo nếp có nhu cầu cao bao gồm: nếp cẩm, nếp hạt tròn (kay noi), nếp thadokkham, phonngarm, home  thasano, được quan tâm phát triển và sản xuất theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp (GAP) để có thể thâm nhập được vào thị trường khu vực và quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

​         ​Năm 2018, Lào đặt mục tiêu xuất khẩu gạo trị giá 45,6 triệu USD nhưng chỉ đạt 31,4 triệu USD; năm 2019, Chính phủ giảm mục tiêu từ 4,4 triệu tấn gạo xuống 3,5 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt khoảng 25,2 triệu USD, giảm gần 50% so với năm trước. Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu sang Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. (Vientiane Times, 5/12/2019)

Chính phủ Lào xây dựng kế hoạch xuất khẩu điện ra nước ngoài

​         Ngày 26/12/2019, báo điện tử KPL đưa tin, trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ điện năng của nền kinh tế, tiêu dùng của xã hội trong những năm tới của quốc gia với khả năng cung cấp năng lượng từ các nhà máy điện hiện có và kế hoạch phát triển các dự án điện tới đây của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bộ Năng lượng và Mỏ đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ điện chi tiết đến từng ngành, lĩnh vực, từ thành thị đến nông thôn và khả năng xuất khẩu sang thị trường khu vực.

​         Bên lề Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa VIII, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Khammany Inthilath cho biết, năm 2019, mức tiêu thụ điện trong nước là 1.222 MW và ước tính nhu cầu điện trong nước sẽ tăng lên 1.800 MW vào giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch mở rộng thị trường mua bán điện với nước ngoài, trước tiên đối với các nước láng giềng Việt Nam, Thái Lan, Campuchia đã được ký kết; cụ thể, sang thị trường Thái Lan, hiện có 08 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế là 5.620 MW, dự kiến giai đoạn 2020-2030 sẽ bán sang Thái Lan khoảng 9.000 MW; sang Campuchia khoảng 6.000 MW trong giai đoạn 2019-2027 từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện tái tạo tại khu vực Trung-Nam Lào ; sang Việt Nam hiện có 02 nhà máy Xekaman 1 và Xekaman 3, với tổng công suất 572 MW và dự tính sẽ tăng lên đến 5.000 MW vào năm 2030 từ các nhà máy điện dọc tuyến biến giới Lào-Việt Nam. Đồng thời, Lào đã ký hợp đồng bán điện cho Myanmar vào năm 2025, với nhu cầu khoảng 300 MW; với Singapore, hai bên đang đàm phán về việc mua bán điện trong thời gian tới đây.

​         Lào là quốc gia đầu tiên liên kết với Thái Lan khởi tạo hệ thống mạng lưới điện tích hợp để phân phối điện cho thị trường ASEAN thông qua hệ thống truyền tải và thương mại chung. (Báo điện tử KPL, 26/12/2019)

​Thủ tướng đặt lòng tin vào doanh nghiệp trẻ sẽ là lực lượng dẫn dắt nền kinh tế

​         Ngày 11/12/2019, tại thủ đô Viêng Chăn, diễn đàn doanh nghiệp trẻ toàn quốc Lào được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Lào Khamxeng Sisavong; Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

​         Diễn đàn được tổ chức thường niên nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trẻ Lào ngày càng hùng mạnh, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, hội nhập quốc tế và khu vực.

​         Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Lào Khamxeng Sisavong cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp doanh nhân trẻ Lào được thành lập nhằm tập hợp các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trên toàn quốc đoàn kết, hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tạo ra sức mạnh chung cho đội ngũ doanh nghiệp Lào, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế và khu vực. Ông cho biết thêm, trước đây, khi mới thành lập, Hiệp hội chỉ có 25 doanh nghiệp, doanh nhân tham gia, nhưng đến nay số lượng doanh nghiệp, doanh nhân đã tăng lên nhiều lần, đạt con số 625 doanh nghiệp, tạo ra được 21.800 việc làm cho người lao động trên toàn quốc.

​         Trong giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp và doanh nhân trẻ đã đóng góp nghĩa vụ thuế, hải quan nhiều tỷ Kíp cho nhà nước và có nhiều hỗ trợ khác cho xã hội; tích cực trong việc sản xuất hàng hóa, đáp ứng một phần cho tiêu dùng nội địa, giảm bớt sự nhập khẩu từ bên ngoài, góp phần cân đối cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô quốc gia. Thông qua hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực tiềm năng của Lào.

​         ​Tại diễn đàn, Thủ tướng Thongloun bày tỏ niềm tin tưởng vào thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp trẻ, xác định đây là đội ngũ có tiềm năng, hiểu biết, có thể trở thành lực lượng nòng cốt, dẫn dắt nền kinh tế Lào phát triển từng bước vững chắc, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Thủ tướng yêu cầu và căn dặn các doanh nghiệp và doanh nhân trẻ cần xây dựng, phấn đấu trở thành những doanh nghiệp hàng đầu, có chất lượng cao, là những doanh nhân tiêu biểu, có đạo đức, tự làm giàu cho chính mình và góp phần thực hiện công cuộc giảm đói nghèo cho nhân dân và phát triển đất nước; phải luôn học hỏi, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến mới, tiếp cận công nghệ mới, hiện đại theo định hướng phát triển công nghệ 4.0 của Đảng, Chính phủ.  (Báo điện tử KPL, 12/12/2019)

Champassak dự kiến chuyển đổi Pakxe thành thành phố thông minh, trung tâm logistics

​         Ngày 17/12/2019, Giám Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Champassak Souksavanh Vilaivong và Chủ tịch Công ty Cổ phần Tai Hoe – ông Chen Zunyan (Trung Quốc) đã ký kết thỏa thuận về việc hợp tác nghiên cứu khả thi phát triển thành phố sinh thái, thông minh tại Pakxe, Nam Lào. Tham dự lễ ký có Tỉnh trưởng Champassak Bounthong Divixay, Tỉnh trưởng Saravan, các Phó Tỉnh trưởng Sekong và Attapeu, Phó Chủ tịch Công ty Chen Neng Guang cùng các cán bộ cao cấp tỉnh và khách mời.

​         Theo thỏa thuận, Công ty Tai Hoe sẽ tô nhượng đất để phát triển khu đô thị Champassak trở thành thành phố thông minh và trung tâm logistics theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường của Chính phủ. Tai Hoe xây dựng luận chứng kinh tế và kỹ thuật về phát triển thành phố, cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tế về thị trường nông nghiệp và chế biến thực phẩm, khách sạn du lịch thông minh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ kinh doanh một cửa, nhà máy sản xuất dược phẩm và trung tâm thanh toán trực tuyến. Tai Hoe sẽ phát triển thành phố thông minh, các nhà đầu tư và cộng đồng cư dân có thể hợp tác tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cùng có lợi.

​         ​Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Champassak, quan điểm phát triển thành phố thông minh đã được đưa vào chương trình nghị sự 2019 của Chính phủ, đó là động thái quan trọng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Lào và thu hút đầu tư nước ngoài. (Vientiane Times,19/12/2019)

Ngành ngoại giao và doanh nghiệp hợp tác thu hút thương mại, đầu tư và du lịch nước ngoài

​         Ngày 09/12/2019, Hội nghị hợp tác lần thứ nhất giữa Bộ Ngoại giao và Doanh nghiệp Lào được tổ chức tại Trung tâm Hợp tác quốc tế và Tập huấn (ICTC), thủ đô Viêng Chăn, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Saleumxay Kommasit. Tham dự có các Đại sứ, Tổng Lãnh sự quán Lào tại các nước; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và các nhà doanh nghiệp Lào.

​         Mục đích của hội nghị nhằm trao đổi, thống nhất và phối hợp tổ chức thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển kinh tế-xã hội quốc gia; đồng thời, thống nhất việc hợp tác giữa ngành ngoại giao với doanh nghiệp trong việc quảng bá, thu hút thương mại, đầu tư và du lịch nước ngoài vào Lào trong giai đoạn tới một cách tập trung và quyết liệt.

​         Tại hội nghị, Bộ trưởng Saleumxay cho biết, diễn đàn hợp tác doanh nghiệp lần này là bước khởi xướng đầu tiên với mục đích cùng doanh nghiệp thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Chính phủ gắn liền với mục tiêu kinh tế nhằm góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, với nội dung: (1) Thảo luận, trao đổi các bài học kinh nghiệm tốt cùng nhau hợp tác trong việc tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế trong giai đoạn qua; (2) Định hướng hợp tác giai đoạn tới, đề xuất các vấn đề cần hành động trong công tác ngoại giao giai đoạn 2020-2021 để công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới đạt hiệu quả hơn trước.

​         Hội nghị thống nhất cơ chế diễn đàn hợp tác thường xuyên giữa Chính phủ với doanh nghiệp tư nhân, trao đổi các bài học kinh nghiệm về lĩnh vực hoạt động ngoại giao kinh tế theo từng giai đoạn và đề ra hướng hợp tác và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tiếp theo. (Báo KT-XH, 10/12/2019)     

 

HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM​

Phó Thủ tướng Lào thăm làm việc tại Việt Nam

​         Từ ngày 22-24/12/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone đã thăm làm việc tại Việt Nam và hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

​         Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, VN sẵn sàng cử các chuyên gia sang hỗ trợ Lào, đặc biệt về xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô, đề xuất Quốc hội xem xét tăng thêm viện trợ cho Lào trong năm tới, nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên Lào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận hợp tác Việt – Lào năm 2019 đã được tăng cường về nhiều mặt, trong đó có thương mại song phương tăng trưởng nhanh. VN luôn ưu tiên dành ODA cho Lào; các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các tỉnh có chung biên giới của hai nước đã mở rộng hợp tác. Thành tựu nổi bật nhất trong hợp tác giữa hai nước là dự án Nhà Quốc hội Lào và VN cũng sẽ mua thêm điện từ Lào.

​         Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020 là năm quan trọng đối với các vấn đề đối nội và đối ngoại của cả hai nước, đề nghị Bộ trưởng KH-ĐT, Chủ tịch Ủy ban hợp tác hai nước tập trung chuẩn bị tốt cho cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị và kỳ họp 42 Uỷ ban liên Chính phủ hai nước.

​         ​Phó Thủ tướng Sonxay Siphandone cam kết sẽ thúc đẩy các Bộ, ngành của Lào hoàn thiện các văn bản cần thiết để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hợp tác, cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cử các chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô giúp Lào, Lào sẽ nghiên cứu áp dụng. (Vientiane Times, 26/12/2019)

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2019

​         ​Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào tính đến hết tháng 11/2019 đạt 1.038.360.685 USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó,

​         - Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 633.358.179 USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018. Hàng rau quả tiếp tục tăng mạnh 570,3% đạt gần 60 triệu USD (tăng rất mạnh kể từ tháng 9 trở lại đây ở mức hơn 1.000%, hơn 1.500% và hơn 1.700% tương ứng); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 87,1% đạt hơn 15 triệu USD. Giấy và sản phẩm từ giấy; kim loại thường khác và sản phẩm tăng trên 45% mỗi loại, đạt lần lượt 6,8 triệu và 3,5 triệu USD. Phân bón các loại tăng gần 40% đạt 18,3 triệu USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, Clanhke và xi măng tăng trên 30% mỗi loại, đạt lần lượt 37,5 và 11,6 triệu USD. Hàng dệt may tăng 26,3% đạt 7,36 triệu USD. Sản phẩm gốm, sứ, sản phẩm từ chất dẻo tăng trên 17%, đạt 12,3 và 6,7 triệu USD mỗi loại. Hàng hóa khác tăng 34,3% đạt 156,5 triệu USD.

​         Gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ sắt thép tăng nhẹ 7,6% và 7,4% mỗi loại. Sản phẩm từ sắt thép đã quay đầu tăng nhẹ 1,2%.

​         Một số mặt hàng khác tiếp tục duy trì đà giảm: xăng dầu giảm 27,8% (giảm liên tục từ đầu năm); dây điện và cáp điện giảm 16,4%; sản phẩm từ hóa chất giảm 15,2; mặt hàng cà phê giảm 13,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng 2,5%.

​         - Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 405.002.506 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018.

​         Các mặt hàng duy trì đà tăng là: gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng mạnh 88,9% đạt 46,4 triệu USD; phân bón các loại tăng 21,4% đạt hơn 48 triệu USD; cao su tăng hơn 32% đạt hơn 103 triệu USD. Quặng và khoáng sản tăng nhẹ 2,9% đạt gần 24 triệu USD.

​         ​Mặt hàng tiếp tục có mức giảm: kim loại thường giảm mạnh 58,7% đạt 1,93 triệu USD; hàng rau quả giảm 53,4% đạt 8,4 triệu USD; Hàng hóa khác giảm nhẹ 12,6% đạt xấp xỉ 173 triệu USD. (ĐSQ Việt Nam tại Lào)

Lào – Việt Nam đẩy mạnh hợp tác du lịch

​         Ngày 05/12/2019, tại Viêng Chăn, Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Kikeo Khaykhamphithoune đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện về những quan điểm và kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và du lịch.

​         Bộ trưởng Kikeo đề xuất hai nước tiếp tục truyền thống lịch sử lâu đời thông qua việc tập trung trao đổi bài học kinh nghiệm và thông tin về tình hình trong nước và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Bộ trưởng Kikeo đề nghị Việt Nam ủng hộ Lào trong việc công nhận Khu bảo tồn Quốc gia Hin Nam No là Di sản Thế giới; tổ chức các khóa tập huấn ở Việt Nam để bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ Lào.

​         Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ sự cám ơn Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch đã dành cho Đoàn Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị cần phải tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch vì số lượng khách du lịch Lào đến Việt Nam giảm trong khi từ các nước khác tăng. Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và du lịch giữa hai nước bao gồm tổ chức các khóa tập huấn để trao đổi kinh nghiệm về nghệ thuật và biểu diễn, hội họa và quản lý thư viện. Hai bên cũng trao đổi những bài học kinh nghiệm trong các lĩnh vực như quản lý khách sạn, bảo vệ môi trường, sản xuất đồ lưu niệm, thiết lập và phát triển kết nối du lịch, xúc tiến du lịch và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế.

​         ​Lào và Việt Nam lên kế hoạch chung để cùng triển khai xúc tiến du lịch, nâng cấp cơ sở vật chất tại các cặp cửa khẩu, kiểm tra cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch để thu hút khách du lịch. Những thông tin này đã được báo cáo tại cuộc đối thoại tổ chức mới đây tại tỉnh Champassak giữa các nhà lãnh đạo 04 tỉnh Nam Lào và các tỉnh Trung - Nam Bộ Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch của hai nước Lào và Việt Nam. (Vientiane Times, 09/12/2019)

Một số nét về quan hệ kinh tế Việt Nam – Lào 2019

​         ​Ngày 16/12/2019, tại Viêng Chăn, đã diễn ra cuộc họp của ngành kế hoạch và đầu tư. Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban hợp tác Lào – Việt cho biết, Việt Nam đã đầu tư hơn 400 dự án tại Lào với tổng số vốn lên đến 4,1 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực thủy điện, mỏ, giao thông, cây công nghiệp, dịch vụ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển của cả hai nước và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư tại Lào, trong đó một trong những dự án chính là xây dựng sân bay Nongkhang tại tỉnh Huaphan, chủ đầu tư là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nhưng do khó khăn về tài chính nên không hoàn thành vào cuối năm 2019 như kế hoạch đề ra. Khi hoàn thành, sân bay này có thể đáp ứng các máy bay từ 70-100 chỗ ngồi; (iii) Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, hai nước sẽ tăng cường phối hợp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ chính trị, mở rộng hợp tác về giáo dục, y tế, giao thông (đẩy nhanh triển khai xây dựng tuyến cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội), điện lực (các dự án thủy điện, kết nối lưới điện, mua bán điện). Việt Nam cũng sẽ tài trợ cho Lào khoảng 40 triệu USD triển khai các dự án tại các tỉnh Huaphan, Xiengkhuang và Xaysomboun. (Vientiane Times, 19/12/2019)

Năm 2019 CTCP Cao su Lào-Việt sản xuất và xuất khẩu vượt chỉ tiêu

​         Ngày 20/12/2019, báo KT-XH đưa tin, tại cuộc họp cuối năm 2019, Hội đồng quản trị CTCP Cao su Lào-Việt đã tổng kết đánh giá tình hình triển khai sản xuất và kinh doanh vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2019, mặc dù giá cao su thị trường xuống thấp hơn dự tính.

​         Tại cuộc họp, Chủ tịch hội đồng quản trị Hồ Tiến Lực cho biết, Công ty đã phát triển trồng cây cao su với tổng diện tích 10 nghìn ha tại huyện Bachieng, tỉnh Champasak, có tổng số cán bộ, công nhân viên hơn 2.600 người, trong đó, cán bộ, công nhân người Việt Nam là 200 người, còn lại là lao động Lào. Đến nay, công ty đã hoàn thành 100% việc trồng cây và đang triển khai khai thác mủ đưa vào chế biến thành sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Năm 2018, công ty đã sản xuất và xuất khẩu hơn 17 nghìn tấn thành phẩm mủ cao su, đạt giá trị khoảng 23 triệu USD; dự kiến cả năm 2019, sẽ xuất hơn 18 nghìn tấn và đạt giá trị hơn 24 triệu USD.

​         ​Ngoài việc sản xuất và kinh doanh, Công ty luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước, đóng góp nhiều tỷ Kíp cho ngân sách nhà nước Lào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi triển khai dự án, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân lao động; đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động cho dân địa phương, đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghiệp hiện đại. (Báo KT-XH, 20/12/2019)

 

HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC​

Lào-Trung Quốc

BOL sẽ sử dụng vốn vay Trung Quốc để cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

​         Ngày 17/12/2019, báo cáo tại hội nghị thường niên của ngành kế hoạch và tài chính, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Sonexay Sithphaxay cho biết, các ngân hàng thương mại tham gia vào dự án xúc tiến doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SME) sẽ được phân bổ tổng số 300 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) để triển khai dự án.

​         Hiện nay BOL đang thu thập thông tin về 12 ngân hàng thương mại dự kiến sẽ được phân bổ tín dụng để phát triển SMEs. Khoản vay 300 triệu USD từ CDB sẽ được cung cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay SMEs trong 03 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 100 triệu USD. Dự kiến, việc chuyển khoản lần 1 trị giá 100 triệu USD từ CDB sẽ được thực hiện vào cuối năm 2019. BOL kỳ vọng, với khoản vay 300 triệu USD từ CDB sẽ giúp tăng cường năng lực của các ngân hàng Lào trong việc tài trợ cho SMEs.

​         Theo báo cáo tại hội nghị, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền gửi của hệ thống ngân hàng đạt 90.000 tỷ Kíp, tăng 13% so cùng kỳ năm 2018, tương đương 55% GDP (trong khi kế hoạch đặt ra là 59,8%), "Đây là hậu quả của tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại, có nghĩa là công chúng/hoặc người gửi tiền không có khả năng tiết kiệm để gửi tiền vào ngân hàng", Thống đốc Sonexay nhấn mạnh. Các ngân hàng đã nỗ lực giảm thiểu gánh nặng và tạo điều kiện cho người vay tiền, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người vay không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng.

​         ​Trong năm 2020, BOL sẽ tiếp tục hợp tác với các bên liên quan để thực hiện các chính sách quan trọng về quản lý ngoại hối, nợ, tỷ giá và các vấn đề khác. (Vientiane Times, 24/12/2019)

Liên doanh Lào-Trung sản xuất dược phẩm

​         Ngày 29/11/2019, Công ty TNHH Dược phẩm Trí tuệ vàng (Lào) đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Khu công nghiệp Dược phẩm Trí tuệ vàng tại Khu phát triển Xay-sệt-thà ở Viêng Chăn. Đây là dự án của Liên doanh Lào-Trung giữa Công ty Trí tuệ vàng (Hồng Kông) và nhóm Công ty IHC Lào.

​         Các nhà đầu tư dự kiến đầu tư 100 triệu USD để xây dựng khu phức hợp gồm một tòa nhà R&D, 2 ký túc xá, 1 căng tin và trung tâm giải trí và 9 nhà máy sản xuất thuốc tiêu chuẩn. Công ty dự kiến chi 50 triệu USD trong giai đoạn này với việc xây dựng trên 46.000 m2 đất.

​         Theo ông Zhang Chongdi, Chủ tịch Công ty Trí tuệ vàng Hồng Kông, Công ty quản lý và điều hành việc kinh doanh của mình và nắm giữ nhiều cổ phần ở nhiều công ty về y tế ở Trung Quốc. Công ty sản xuất nhiều loại thuốc như thuốc viên, con nhộng, đông lạnh và thuốc cổ truyền Trung Quốc (CTM) và có một đội ngũ R&D mạnh có khả năng phát triển những loại dược phẩm mới.

​         Lễ động thổ có sự tham dự của Đô trưởng Viêng Chăn, Sinlavong Khoutphaythoune, Bộ trưởng Y tế Boukong Sihavong, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào, ông Zhao Chenggang, các quan chức Lào, đại diện của công ty đầu tư và các quan khách.

​         ​Bộ trưởng Bounkong Sihavong cho biết, việc xây dựng các nhà máy dược phẩm Trí tuệ vàng là rất quan trọng đối với ngành y tế và cho thấy việc mở rộng ngành công nghiệp dược phẩm và y tế ở Lào là một phần của kế hoạch cải tổ ngành y tế. Dự kiến khởi công dự án vào đầu năm 2020. (Vientiane Times, 04/12/2019)

Lào - Vân Nam, Trung Quốc tăng cường hợp tác

         ​Theo báo Vientiane Times ngày 6/12/2019, tại Côn Minh, Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena và ông Chen Hao, Chủ tịch UBND tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phát triển của các tỉnh Bắc Lào, tập trung vào các lĩnh vực trao đổi thông tin về thương mại, đầu tư, giải quyết tranh chấp, thiết lập các hành lang kinh tế tại các tỉnh dọc tuyến đường sắt Lào – Trung, tuyến đường cao tốc Viêng Chăn – Boten và Boten – Huayxai đang được các công ty Trung Quốc xây dựng, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước. Hai bên đặc biệt quan tâm tới các dự án trồng cây thay thế cây thuốc phiện nhằm mang đến lợi ích thực sự cho nông dân các tỉnh Bắc Lào và tiến hành trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, nông lâm nghiệp, các vấn đề lao động, biên giới.

         ​​Trong 10 tháng đầu năm 2019, đầu tư giữa Lào và tỉnh Vân Nam đạt 6,54 tỷ NDT, có 265 doanh nghiệp của tỉnh Vân Nam mở văn phòng đại diện tại Lào, thương mại biên giới tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Lào xuất khẩu là 2,25 tỷ NDT, tăng 72,9% và nhập khẩu là 4,29 tỷ NDT, tăng 17,4%. (Vientiane Times, 6/12/2019)

Lào và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác du lịch

         ​Ngày 16/12/2019, các đại diện của Lào và Trung Quốc đã nhóm họp ở Bắc Kinh nhằm trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch ở Lào, đồng thời tổng kết Năm Du lịch Lào – Trung 2019. Tham dự sự kiện có các nhà lãnh đạo Lào và Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Kikeo Khaykahmphithoune cùng đông đảo quan chức và khách mời.

         ​Mục đích của sự kiện là nhằm để phát triển du lịch ở Lào và duy trì nhịp tăng trưởng du khách đến Lào trong tương lai. Hai bên cũng đã thảo luận về các dịch vụ của chính phủ và doanh nghiệp để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của ngành du lịch Lào nhằm mở rộng thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực này.

         ​Theo Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch, Chính phủ dự kiến thu hút trên 4,47 triệu khách du lịch trong năm 2019, trong đó bao gồm khoảng 1 triệu khách du lịch Trung Quốc nhằm tạo ra thu nhập 855 triệu USD. Đánh giá về Năm Du lịch Lào – Trung 2019, hai bên ghi nhận, sự kiện không chỉ giúp tăng trao đổi du lịch mà còn góp phần quan trọng trong việc củng cố quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã cùng nhau rà soát lại các hoạt động trong năm du lịch, bao gồm Tuần Văn hóa Trung Quốc tại Viêng Chăn với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ từ Trung Quốc, Lễ Trung Thu và các sự kiện văn hóa khác. Các tỉnh của Lào đã triển khai hàng loạt hoạt động và nâng cấp cơ sở vật chất để chào đón khách du lịch, bổ sung ẩm thực Trung Quốc trong các nhà hàng, treo các biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc ở các điểm du lịch. Cơ quan chức năng đã cải tiến chất lượng dịch vụ và kiểm soát giá cả thực phẩm, khách sạn, nhà nghỉ, cũng như phí dịch vụ tại các điểm du lịch và cửa khẩu.

         ​​Trong 9 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Lào đạt trên 3,4 triệu lượt người, tăng 11% so với năm 2018, trong đó, khách du lịch TQ đạt 756.900 lượt người, tăng khoảng 26%. (Vientiane Times,19/12/2019)

Lào-Thái Lan

Thái Lan cung cấp 8,5 tỷ Baht để xây dựng kết nối giao thông ở Lào, Campuchia và Myanmar

         ​Ngày 26/12/2019, Vientiane Times dẫn nguồn từ Bangkok Post cho biết, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch cung cấp 8,5 tỷ Baht (281,6 triệu USD) trong năm 2020 cho Lào, Campuchia và Myanmar để xây dựng 04 tuyến đường kết nối ASEAN.

         ​Người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Phát triển với các nước láng giềng Parames Vudthornetiraks cho biết, Bangkok rất quan tâm đến việc xây dựng để tăng cường kết nối giao thông ở Tiểu Vùng Mekong Mở rộng; lãi suất cho vay dự kiến được ấn định chỉ ở mức 0,1%.

         ​Ở Lào, Chính phủ Thái Lan dự kiến tài trợ cho việc xây dựng Cầu Hữu nghị Thái – Lào thứ 5 bắc qua sông Mekong nối tỉnh Borikhamxay với Bueng Kan, Đông Bắc Thái Lan. Khoảng 1,3 tỷ Baht sẽ được chi để xây dựng đoạn cầu của phía Lào. Dự án trị giá 2 tỷ Baht được đề xuất là tuyến đường 147 Km nối Thakhaek, thị xã tỉnh Khammuan tới Nakhon Phanom, Thái Lan và biên giới Việt Nam. Con đường này sẽ hình thành tuyến đường trung chuyển kết nối với Nakhon Phanom qua Thakhaek, sau đó sẽ kết nối với Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. (Vientiane Times, 26/12/2019)

Lào-Nhật Bản

Khu vực nhà nước và tư nhân giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản tại Lào

          ​Ngày 9/12/2019, đại diện của khu vực nhà nước và tư nhân từ Lào và Nhật Bản đã nhóm họp tại Viêng Chăn nhằm thảo luận các giải pháp để giải quyết những trở ngại đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Lào. Đây là hội nghị thường niên lần thứ 13 của Đối thoại chung giữa khu vực nhà nước và tư nhân Lào – Nhật (PPSJD Lào – Nhật) nhằm đẩy mạnh đầu tư từ đất nước mặt trời mọc. Đại sứ quán Nhật Bản tại Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự phối hợp của Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản tại Viêng Chăn, Tổ chức Ngoại thương Nhật tại Viêng Chăn, Văn phòng JICA Viêng Chăn và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Bangkok đồng tổ chức.

         ​Đối thoại là cơ chế để các khu vực nhà nước và tư nhân Lào và Nhật Bản thảo luận trực tiếp các vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải tại Lào nhằm có giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Nhật Bản vào Lào.

         ​Trong diễn văn khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone cảm ơn Đại sứ quán, các tổ chức Nhật Bản và các cơ quan đã hỗ trợ tổ chức 12 hội nghị đối thoại; đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ, các tổ chức và khu vực tư nhân Nhật Bản về sự hỗ trợ liên tục đối với Lào. Các cuộc đối thoại đã giúp Chính phủ Lào hiểu các vấn đề và sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và nhiều vấn đề đã được giải quyết. Theo ông Sonexay, những cải tiến bao gồm cấp phép đầu tư đối với loại hình kinh doanh chung và tô nhượng, mở rộng liên doanh bán buôn và bán lẻ, tăng cường cung ứng lao động, quản lý văn phòng đại diện nước ngoài và chính sách thuế nhập khẩu.

         ​Chính phủ Lào đã ban hành quyết định về thành lập và quản lý văn phòng đại diện của các pháp nhân nước ngoài với nhiều vấn đề liên quan đã được giải quyết và những điều kiện thuận lợi và quản lý thuế được cải tiến. Kết quả là đầu tư của Nhật Bản tại Lào đang tăng lên. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 90 dự án tại Lào trị giá 203 triệu USD. Trong đó, 32 dự án liên doanh trị giá 93,5 triệu USD, còn lại là 100% vốn Nhật Bản.

         ​Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Keizo Takewaka nhấn mạnh về ý định của Nhật Bản trong việc chuyển giao công nghệ vào Lào thông qua đầu tư. Hiện nay Lào đang ở giai đoạn kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8 và chuẩn bị kế hoạch 5 năm lần thứ 9 và nỗ lực để tăng năng lực sản xuất có hiệu quả. Để hỗ trợ nỗ lực này, Chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau ở Lào.

         ​​Thông qua đối thoại, các vấn đề còn tồn tại sẽ tiếp tục được thảo luận theo các nhóm công tác hiện có, đồng thời, các nhóm công tác mới sẽ được thành lập để cùng nhau thảo luận những vấn đề mới phát sinh. (Vientiane Times, 09/12/2019)

Nhật Bản hỗ trợ các dự án trường học và cấp nước cho Lào

         ​Ngày 18/12/2019, tại Viêng Chăn, ông Takewala Keizo, Đại sứ Nhật Bản tại Lào và đại diện chính quyền địa phương đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ viện trợ không hoàn lại khoản tài chính là 159.000 USD để triển khai 2 dự án mở rộng và xây dựng cơ sở vật chất của trường cấp 2 Namchuam ở tỉnh Bokeo, trường tiểu học Moo tại tỉnh Bokeo và Xekong và 1 dự án cấp nước sạch tại làng Thamlort, tỉnh Xayabouly thông qua Chương trình Thế hệ và Giới tính (GGP).

         ​​Cho đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ trên 300 dự án giáo dục và 150 dự án về sức khỏe thông qua GGP tại Lào và sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Lào nỗ lực đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân bao trùm (UHC) vào năm 2025 và mục tiêu thiên niên kỷ (SDG) vào năm 2030. (KPL, 18/12/2019)

Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Lào giảm nhẹ thiên tai

         ​Ngày 23/12/2019, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Viêng Chăn, lễ ký kết nghị định thư về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại với trị giá 9,1 triệu USD của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện Chương trình " Phát triển Kinh tế và Xã hội" được tiến hành giữa Đại sứ Nhật Bản tại Lào Takewaka Keizo và Thứ trưởng Ngoại giao Thongsavanh Phomvihane với sự chứng kiến của các quan chức từ các Bộ ngành liên quan.

         ​Chương trình sẽ cung cấp cho Chính phủ Lào các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn và khôi phục thảm họa thiên tai ở các vùng bị ảnh hưởng nhằm mục đích giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là lũ lụt và tạo điều kiện để ứng phó nhanh thông qua việc trang bị trước.

         ​​Thời gian qua, thiên tai xảy ra thường xuyên tại Lào do biến đổi khí hậu và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Chính phủ rất quan tâm ưu tiên giải quyết, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra để đảm bảo việc phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Thông qua chương trình, Chính phủ dự định sẽ lắp đặt hệ thống trang thiết bị trên phạm vi toàn quốc, gồm các trạm xử lý nước, xe cộ, công cụ cứu nạn, trang thiết bị cảnh báo sớm .v.v. (Vientiane Times, 24/12/2019)

Lào-Hàn Quốc

Lào ký kết nhiều văn kiện với Hàn quốc

         ​Ngày 26/11/2019, nhân chuyến tham dự Hội nghị đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã có cuộc gặp và trao đổi song phương với Tổng thống Hàn Quốc Moun Che In.

         ​Tại cuộc họp, hai bên đánh giá cao về kết quả triển khai nhiệm vụ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua; đặc biệt, việc thực hiện nội dung hai bên đã thỏa thuận trong chuyến thăm Lào của Tổng thống Moun Che In vào tháng 9/2019 vừa qua. Đồng thời, hai bên đã đàm phán, trao đổi nhiều nội dung hợp tác quan trọng, có chiều sâu; trọng tâm là các lĩnh vực về kết nối hạ tầng cơ sở, giáo dục đào tạo, y tế, đầu tư, du lịch, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và khởi nghiệp. Ngoài ra, hai bên trao đổi thêm về công tác tổ chức kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước CHDCND Lào và Cộng hòa Hàn Quốc vào năm 2020.

         ​​Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Tổng thống Moun Che In đã ký kết Biên bản ghi nhớ và 03 văn kiện về: (i) Hợp tác về Hệ thống quản lý thông tin bến cảng; (ii) Hợp tác về Quyền sở hữu trí tuệ; (iii) Hợp tác trong lĩnh vực Lao động và Nghề nghiệp. (Báo KT-XH, 03/12/2019) 

Hàn Quốc hỗ trợ các dự án cấp nước tại Lào

         ​Ngày 4/12/2019, tại Champasak, đại diện Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) ông Koo Bouhyun và Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Hợp tác, Bộ Công chính và Vận tải Lào ông Sengdalith Kattignasack đã ký MOU về việc cung cấp khoản vay lãi suất thấp trị giá 44 triệu USD để xây dựng, thuê tư vấn, tổ chức các lớp tập huấn và dịch vụ cho vay nhằm hỗ trợ các dự án cấp nước tại tỉnh Champasak và Saravan ở Nam Lào. Vốn đối ứng của Chính phủ Lào để thực hiện dự án là hơn 5,2 triệu USD chủ yếu để chi trả các chi phí đền bù, phí quản lý dự án, thuế và hải quan.

         ​​Các dự án cấp nước là chương trình được Chính phủ Lào ưu tiên và là một trong những lĩnh vực hợp tác giữa Lào và Hàn Quốc, dự kiến được bắt đầu triển khai vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2024. Thời gian qua, EDCF đã viện trợ không hoàn lại trị giá 665.000 USD cho việc nghiên cứu khả thi, lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế, triển khai và hoàn thành. Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Kunwa và Tập đoàn kỹ sư Yooshin được lựa chọn thực hiện nghiên cứu khả thi từ tháng 6/2019 và đã có báo cáo kết quả đầu tháng 11/2019. (Vientiane Times, 6/12/2019)

Lào, Hàn Quốc ra mắt website thống kê

         ​Ngày 4/12/2019, Cục Thống kê Lào hợp tác với Thống kê Hàn Quốc chính thức ra mắt trang web LAOSIS ( http://laosis.lsb.gov.la ) để cung cấp dịch vụ một cửa thuận tiện đối với đầy đủ các số liệu thống kê lớn của Lào. Tham dự Lễ khai trương có Phó Cục trưởng Cục Thống kê Lào, ông Leuam Sonsivilay, Đại sứ Hàn Quốc tại Lào, ông Sung-Soon Shin và Phó Tổng Giám đốc của Kế hoạch dịch vụ thống kê của Thống kê Hàn Quốc, ông Won Bo Sim.

         ​Giải pháp LAOSIS là hợp tác phát triển với Thống kê Hàn Quốc từ năm 2017-2020 nhằm tăng cường năng lực thống kê của Dự án Cục Thống kê Lào, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,3 triệu USD và cán bộ kỹ thuật từ Thống kê Hàn Quốc.

         ​​Tại buổi Lễ, hai bên tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện dự án định kỳ hàng năm, thảo luận các bài học kinh nghiệm và kế hoạch kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Lào và Hàn Quốc vào năm 2020. (Vientiane Times, 05/12/2019)

Lào xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về lao động

         ​Ngày 10/12/2019, tại Viêng Chăn, Vụ Kế hoạch và Hợp tác và Viện Công nghệ Máy tính và Điện tử (TCEI), Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và hai công ty của Hàn Quốc là POSCO và Pentagate đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về nghiên cứu khả thi xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về lao động. Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Boviengkham Vongdara, các quan chức và đại diện của các doanh nghiệp.

         ​Mục đích của việc ký kết MOU là nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu về lao động trong nước và nước ngoài tại Lào và lao động Lào làm việc ở nước ngoài bằng công nghệ Big Data.

         ​Phát biểu tại lễ ký MOU, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Hợp tác Khampheth Vongdara cho biết, MOU là cơ hội để các Bộ ngành của Lào và các doanh nghiệp Hàn Quốc nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý lao động. Việc hợp tác sẽ giúp tăng cường phát triển những thành tựu khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội ở Lào. Big Data sẽ thu thập và tổng hợp dữ liệu về lao động từ các Bộ ngành liên quan để có thể nắm chính xác về số lượng lao động nước ngoài ở Lào và lao động người Lào làm việc ở các nước. "Chúng tôi dự báo sẽ có nhiều lao động nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ vào đất nước chúng tôi sau khi tuyến đường sắt cao tốc hoàn thành", ông Phongpaseuth Soulinthone nói.

         ​​Bên cạnh thực hiện dự án nghiên cứu khả thi, MOU cũng bao gồm việc tạo điều kiện sử dụng công nghệ Big Data để xây dựng hệ thống quản lý lao động nước ngoài tại Lào và xây dựng kế hoạch triển khai. (Vientiane Times,12/12/2019)

Lào-Đức

Hiệp hội Café Lào dự kiến mở rộng thị trường tại Đức

         ​Ngày 9/12/2019, Vientiane Times dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Café Lào Sengchanh Khammountha hy vọng sẽ mở rộng được thị trường cà phê Lào tại Đức, với sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế Đức (GIZ) thông qua dự án nâng cao chất lượng cà phê hột xuất khẩu và dự án hỗ trợ kỹ thuật sau thu hoạch để sản xuất cà phê hột, giúp người trồng cà phê có thể tiếp cận thị trường Đức.

         ​Chương trình hợp tác và hỗ trợ trồng cà phê tại Lào của GIZ bắt đầu từ năm 2014, dự kiến kết thúc vào năm 2020 và có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật. Theo thống kê, năm 2018, tổng diện tích đất trồng cà phê tại Lào là 95.400 héc-ta, với tổng sản lượng đạt khoảng 154.135 tấn, đa phần trồng ở cao nguyên Boloven, chủ yếu là cà phê Arabica và Robusta. Xuất khẩu cà phê tại Lào tăng từ 28.320 tấn năm 2017 lên 31.496 tấn năm 2018, thị trường chủ yếu sang Việt Nam (56%), Nhật Bản (13%), Thái Lan (12%), Campuchia (3%), Đức (2%), Trung Quốc (1,5%), Mỹ (0,9%) và 11% tới các nước khác. 

         ​​Ông Sengchanh cho biết, hiện nay trên thị trường quốc tế, cà phê đang có sự cạnh tranh mạnh về chất lượng, do vậy, cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh qua chất lượng, hương vị của hạt cà phê, qua đó, nâng cao giá trị thương mại và tăng thu nhập cho người trồng cà phê tại Lào. (Vientiane Times, 9/12/2019)

Đức hỗ trợ MRC hợp tác bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu tác động của các đập thủy điện

         ​Ngày13/12/2019, tại Viêng Chăn, CEO Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công (MRC) An Pich Hatda và Đại sứ Đức tại Lào Jens Lutkenherm đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó Chính phủ Đức sẽ cấp thêm khoản tài chính là 2 triệu euro (khoảng 2,2 triệu USD) cho MRC để hỗ trợ tăng cường hợp tác về nguồn nước, kiểm soát tác động xuyên quốc gia về môi trường của các đập thủy điện nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong việc quy hoạch và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới giữa các nước hạ nguồn sông Mê Công là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Như vậy, cho đến nay, tổng số tiền Đức hỗ trợ cho MRC là 6,45 triệu euro để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 và bắt đầu kế hoạch mới 2021-2025.

         ​Theo dữ liệu mới nhất của MRC, đợt hạn hán năm nay có thể dẫn đến mực nước thấp nhất của sông Mê Công trong vòng 60 năm qua. Hầu hết các khu vực dọc sông Mê Công phải chịu lưu lượng nước thấp nhất kể từ tháng 6 vừa qua. Hỗ trợ của Đức vào đúng thời điểm các nước dọc sông Mê Công đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đánh đổi giữa sự phát triển ngày càng tăng về năng lượng, giao thông, nông nghiệp, đã tác động đến môi trường và cuộc sống dân sinh, đòi hỏi phải theo dõi sát và kịp thời để có biện pháp quản lý phù hợp.

         ​​Dự án sẽ góp phần cải thiện an ninh nguồn nước, bao gồm các biện pháp chống lũ lụt và hạn hán, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực dự án. Khoản tài chính bổ sung giúp MRC đánh giá nhanh các tác động, đảm bảo các quyết định liên quan đến phát triển dọc sông Mê Công có tính đến hậu quả và có hành động xử lý kịp thời. (Phnom Penh Post, 16/12/2019)

Đức tiếp tục hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học tại Lào

         ​Ngày 11/12/2019, đại diện của Chính phủ Lào và Chính phủ Đức đã ký thỏa thuận để đẩy mạnh công tác quản lý rừng, bảo vệ các diện tích bảo tồn và giáo dục về môi trường. Theo đó, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ 6,2 triệu Euro để thực hiện giai đoạn II Dự án Bảo vệ và sử dụng một cách bền vững hệ sinh thái và đa dạng sinh học (ProFEB) ở Lào.

         ​Dự án sẽ được thực hiện đến tháng 3/2021, tập trung vào hỗ trợ Chính phủ Lào trong việc đàm phán hiệp định đối tác với Liên minh châu Âu (EU) về Kế hoạch hành động Thực thi Luật, Quản trị và Thương mại Rừng (FLEGT). Hiệp định sẽ quy định nghĩa vụ pháp lý và các giải pháp được hai bên thực hiện để đấu tranh với nạn chặt phá rừng và cải tiến quản trị ngành lâm nghiệp. Các mục tiêu khác của dự án bao gồm hỗ trợ công nhận khu bảo tồn Hin Nam No (có chung biên giới với Việt Nam) thành Di sản Thế giới. Hoạt động của dự án sẽ bao gồm việc năng cao nhận thức và thái độ tích cực đối với môi trường và đa dạng sinh học trong nhân dân và cán bộ nhà nước. Dự án cũng sẽ lồng ghép hỗ trợ năng lực trong lĩnh vực giáo dục về môi trường ở cấp quốc gia thông qua truyền thông và đào tạo tại chức ở các tỉnh, huyện và bản.

         ​​Cơ quan thưc hiện dự án là Bộ Nông Lâm với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch, GTZ (Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức) là cơ quan thực hiện dự án, thay mặt Chính phủ Đức. (Vientiane Times,12/12/2019)

Lào-Hà Lan

Hà Lan hỗ trợ Lào tăng xuất khẩu dệt may sang châu Âu

         ​Ngày 11/12/2019, tại Viêng Chăn, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Lào ông Xaysomphet Norasingh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Lào ông Hansana Sisane, đại diện Bộ Ngoại thương và hợp tác phát triển, Vương quốc Hà Lan ông Tjerk Opmeer và Giám đốc chương trình, Trung tâm Thúc đẩy nhập khẩu của các nước đang phát triển (CBI), đại diện Tổ chức doanh nghiệp Hà Lan bà Femke Lotgerink đã ký thỏa thuận hợp tác, triển khai dự án thúc đẩy và nâng cao năng lực của Lào trong lĩnh vực dệt may để tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

         ​​Mục đích chính của dự án là giúp ngành dệt may gia đình tại Lào cải thiện vị thế xuất khẩu trên thị trường châu Âu bằng cách gỡ bỏ các nút thắt liên quan đến tiếp thị xuất khẩu. Hiện nay, việc quan tâm đến các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường và số lượng du khách phương Tây bị thu hút bởi văn hóa Đông Nam Á là những xu hướng quan trọng phù hợp với tiềm năng cung cấp của Lào trong lĩnh vực dệt may. Dự án bao gồm các hoạt động xúc tiến, đào tạo, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ của các chuyên gia CBI, tham dự các cuộc họp của Ban đánh giá dự án. (Vientiane Times, 13/12/2019)

Lào-Thụy sỹ

Thụy Sỹ hỗ trợ Lào đào tạo hướng nghiệp

         ​Ngày 6/12/2019, tại Viêng Chăn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào ông Kikeo Chanthaboury và Giám đốc khu vực Cơ quan phát triển và hợp tác Thụy Sỹ (SDC) ông Jean-Francois Cuenod đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ triển khai dự án đào tạo hướng nghiệp và cải thiện cơ hội việc làm cho người dân kém lợi thế của Lào (VTESS) trị giá 8,6 triệu USD. Dự án dự kiến bắt đầu từ tháng 3/2020 – 2023, do Vụ Đào tạo hướng nghiệp và Kỹ thuật, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phối hợp với Vụ Phát triển kỹ năng và nghề nghiệp, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào thực hiện. Giai đoạn đầu, Dự án tập trung thực hiện tại 5 tỉnh, dự kiến đào tạo và hỗ trợ dịch vụ việc làm cho khoảng 3.000 người dân kém lợi thế, đặc biệt là những người chưa tốt nghiệp phổ thông cơ sở trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

         ​Ông Kikeo nhấn mạnh, SDC là đối tác lâu năm của Lào, đã hỗ trợ tài chính khoảng 209 triệu Francs Thụy Sỹ từ năm 2000. Ông Jean Francois Suenod cho biết, Thụy Sỹ cam kết hỗ trợ phát triển bình đẳng, toàn diện, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Lào và khu vực, và thông qua VTESS hỗ trợ cải thiện kỹ năng và khả năng thích ứng của người lao động Lào với nhu cầu của thị trường lao động, điều này sẽ mang lại cơ hội cho những người vừa rời ghế nhà trường và lao động cần tìm việc khác. (Vientiane Times, 10/12/2019)

Là​o-Mỹ

Lào, Mỹ hợp tác cải thiện môi trường kinh doanh

         ​Ngày 12/12/2019, lễ ra mắt Dự án Môi trường Kinh doanh Lào đã được tổ chức tại Viêng Chăn với sự tham gia của Bộ trưởng Công Thương Khemmany Pholsena, Đại sứ Mỹ tại Lào Rena Bitter, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và các quan chức từ các Bộ ngành liên quan.

         ​Dự án có thời hạn 5 năm, do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua USAID nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân và thuận lợi hóa thương mại.

         ​Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Khemmany Pholsena nhấn mạnh, việc triển khai Dự án Môi trường Kinh doanh Lào thể hiện cam kết của các bên liên quan trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và khả năng cạnh tranh thông qua cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Dự án sẽ cung cấp các dịch vụ xây dựng năng lực và tư vấn nhằm tăng cường năng lực của SMEs, đồng thời, thúc đẩy việc thực thi luật, chính sách và quy định.

         ​Tại buổi lễ, Đại sứ Mỹ tại Lào Rena Bitter cho biết, Mỹ đã có các dự án hợp tác với Lào nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, bao gồm hai dự án thông qua các sáng kiến của USAID với tên gọi là Dự án Hội nhập Lào – Mỹ  và ASEAN (LUNA 1 và 2). Dự án tiếp theo này là một minh chứng cho sự hợp tác tuyệt vời giữa Lào và Mỹ liên quan đến các vấn đề thương mại và đầu tư. Trong những năm gần đây, Mỹ đã đầu tư tổng số 22 triệu USD để hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế của Lào và thuận lợi hóa thương mại khu vực và quốc tế. (Vientiane Times,16/12/2019)

 

HỢP TÁC LÀO-KHU VỰC​

Hội nghị quan chức cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam

         ​Ngày 24/12/2019, Hội nghị quan chức cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (SOM CLV) diễn ra tại tỉnh Salavanh, Lào, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn SOM Lào Thông-phan Sa-vanh-phết; Phó Quốc Vụ Khanh, Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, Trưởng đoàn SOM Campuchia Penso-vi-chit và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng đoàn SOM Việt Nam Vũ Đại Thắng, cùng Trưởng nhóm Địa phương các tỉnh của ba nước thuộc khu vực Tam giác phát triển CLV.

         ​Hội nghị SOM lần này có mục đích quan trọng, chuẩn bị một số văn kiện, trao đổi về chương trình nghị sự và các hoạt động bên lề cho Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 11, đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 20 năm hình thành cơ chế hợp tác Khu vực tam giác phát triển ba nước CLV.

         ​Tại hội nghị, thay mặt các Trưởng SOM CLV, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn SOM Lào Thông-phan Sa-vanh-phết đánh giá, trong hơn 20 năm qua, với sự nỗ lực hợp tác của ba nước, việc xây dựng Tam giác phát triển đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, chính trị-ngoại giao, an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo…trong khu vực, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển với các khu vực khác trong từng quốc gia.

         ​Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng, Trưởng SOM Việt Nam Vũ Đại Thắng cho biết, đến nay, kinh tế Khu vực đã có chuyển biến đáng kể, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân mỗi nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng bước đầu được hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, cấp điện, trường học... Các  tuyến trục giao thông quan trọng trong tam giác phát triển đã được nâng cấp, mở rộng. Nhiều công trình thuỷ điện lớn được đầu tư xây dựng, mạng lưới truyền tải và phân phối điện được mở rộng. Hợp tác đầu tư, thương mại được đẩy mạnh, các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai trong các lĩnh vực thủy điện, hợp tác tìm kiếm, khai thác và chế biến khoáng sản, trồng, chế biến sản phẩm cây công nghiệp có giá trị cao. Riêng Việt Nam đã đầu tư sang khu vực TGPT CLV của Lào và Campuchia 116 dự án, trong đó có 49 dự án đầu tư nằm trong khu vực TGPT của Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 1,638 tỉ đô la Mỹ, 68 dự án đầu tư vào khu vực TGPT của Lào với tổng vốn đầu tư Việt Nam là 1,97 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, quá trình hợp tác giữa ba nước chưa thực sự tạo ra được bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng còn chậm so với kế hoạch và quy hoạch đề ra. Nguồn lực dành cho đầu tư phát triển từ mỗi nước còn rất hạn hẹp, nguồn hỗ trợ từ bên ngoài không lớn; hợp tác thương mại và đầu tư còn những bất cập; các chính sách thuế, thủ tục đầu tư chưa được nhất quán, cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi... vv. Kết nối kinh tế chưa đạt mong muốn, mới quan tâm về kết nối hạ tầng cứng, chưa thực sự quan tâm nhiều đến kết nối hạ tầng mềm.

         ​Hội nghị đã kiểm điểm tình hình triển khai các cam kết của Lãnh đạo cấp cao ba nước bao gồm: (i) Kế hoạch phát triển du lịch cho Khu vực TGPT CLV giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; (ii) Báo cáo nghiên cứu Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su cho Khu vực TGPT CLV; (iii) Báo cáo Rà soát các kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu vực TGPT CLV; (iv) Báo cáo tình hình xây dựng các chương trình, dự án để triển khai Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030; (v) Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch hành động để thực hiện có hiệu quả Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại cho Khu vực TGPT CLV. Đồng thời, các bên thảo luận chuẩn bị chương trình, nội dung cho Hội nghị cấp cao lần thứ 11, dự kiến vào tháng 3/2020 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào.

         ​​Kết thúc hội nghị, Trưởng SOM CLV ba nước đã ký biên bản ghi nhớ báo cáo lên Hội nghị cấp cao có chỉ đạo cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác Khu vực Tam giác phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị ngày càng tốt đẹp và sự hợp tác toàn diện giữa ba nước. (ĐSQVN tại Lào, 27/12/2019)

LMC và MRC ký MOU hợp tác quản lý sông Mê Công

         ​Ngày 17/12/2019, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công (MRCS) An Pich Hatda và ông Zhong Yong, Tổng thư ký Trung tâm hợp tác nguồn nước Mê Công (LMC), với sự chứng kiến của Bộ trưởng tài nguyên môi trường 6 nước Mê Công – Lan Thương, đã ký MOU chính thức thiết lập hợp tác kỹ thuật về những lĩnh vực chính như trao đổi dữ liệu, thông tin, giám sát khu vực, đánh giá chung về nguồn nước Mê Công và các nguồn lực liên quan.

         ​Theo ông An Pich, MOU thể hiện nỗ lực và phối hợp chung giữa hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và các nước hạ lưu sông Mê Công, tìm biện pháp quản lý hiệu quả hạ nguồn và thượng nguồn sông Mê Công vì phát triển bền vững trong tương lai và chia sẻ lợi ích. Trong 5 năm tới, hai bên sẽ cùng làm việc thông qua phát triển và quản lý nguồn nước và các nguồn lực liên quan để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các nước Mê Công. Các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, dữ liệu, giám sát lưu vực, đánh giá và nghiên cứu chung, quản lý tri thức, xây dựng và đào tạo kỹ năng liên quan. Ông Zhong Yong tin rằng, MOU sẽ giúp gắn kết Trung tâm và Ban thư ký MRC, tạo ra sức mạnh trong hợp tác nguồn nước khu vực, góp phần cải thiện cuộc sống mưu sinh của người dân và phát triển kinh tế - xã hội trong lưu vực sông Mê Công.

         ​Bước đầu tiên, hai bên nhất trí tiến hành nghiên cứu chung, dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2020 và kết thúc vào 9/2020, về tình hình hạn hán năm 2019 và tình trạng mực nước thấp ở lưu vực sông Mê Công ở hạ nguồn và thượng nguồn Trung Quốc, nơi sông Mê Công được gọi là Lan Thương, xác định nguyên nhân và tác động của hạn hán, điều kiện dòng chảy thấp trong điều kiện của năm 2019. Nghiên cứu sẽ đưa ra các khuyến nghị giải pháp và hành động, chia sẻ và cập nhật số liệu và thông tin giữa các nước ven sông, xây dựng giao thức truyền thông rõ ràng, tăng cường hoạt động điều hòa của các hồ chứa ở cả Trung Quốc và các nước Mê Công, ứng phó hiệu quả hơn với các vấn đề hạn hán và dòng chảy hiện tại và trong tương lai. Theo giám sát dòng chảy mới nhất của MRC, đợt hạn hán năm 2019 đã làm mực nước sông Mê Công xuống thấp nhất trong khoảng 60 năm qua, hầu hết các lưu vực trong khu vực đều xảy ra hiện tượng dòng chảy thấp đặc biệt kể từ tháng 6/2019. Dòng chảy thấp, trầm tích sông chảy chậm, sự xuất hiện của tảo trên cát và đáy sông là những yếu tố làm thay đổi màu của một số đoạn của sông Mê Công, chuyển từ màu nâu đặc trưng sang màu xanh biển. (KPL, 18/12/2019)

 

HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ​

Lào, ADB rà soát danh mục tài chính thường niên

         ​Ngày 20/12/2019, tại Viêng Chăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức hội nghị để rà soát danh mục thường niên quốc gia. Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện các dự án do ADB tài trợ trong năm 2019, rà soát danh mục tài chính chủ chốt, cũng như các vấn đề vận hành.

         ​Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Quốc gia ADB, Trưởng Phái đoàn Thường trú tại Lào Yasushi Neghishi cho biết, đây là hoạt động thường niên của ADB và Chính phủ Lào để xem xét kết quả thực hiện các dự án do ADB tài trợ có đúng với mục tiêu và chất lượng đề ra hay không, đồng thời để đảm bảo việc thực hiện các dự án đi đúng hướng hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Chính phủ Lào. Hiện nay, danh mục đầu tư tài chính của các khoản cho vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật của ADB đạt trị giá 955 triệu USD với 30 dự án/chương trình. Quy mô của danh mục đầu tư tài chính hiện nay đã tăng gần 40% so với năm 2014 và dự kiến sẽ mở rộng trong những năm tới. Phạm vi hỗ trợ của ADB bao gồm phát triển đô thị, cung cấp nước, dịch vụ đô thị - chiếm khoảng 1/3 các dự án của ADB tại Lào, tiếp đến là nông nghiệp và tài nguyên (28%), giáo dục (15%) và giao thông (12%).

         ​Theo đánh giá, trong khi đã có tiến bộ đạt được trong khởi động dự án, kiểm toán, vấn đề giới tính, giám sát và kiểm tra … Những vấn đề tồn tại bao gồm mua sắm công, quản lý tài chính, việc tuân thủ bảo vệ môi trường và xã hội. Vấn đề cấp bách là phải có các giải pháp để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân lên 20% từ mức 16% hiện nay. Để đạt mục tiêu, ADB sẽ tăng cường nâng cao nhận thức và các hoạt động tập huấn phù hợp với nhu cầu của các cơ quan thực hiện dự án, tập trung vào năng lực triển khai dự án, sự phối hợp của các bên liên quan và việc tuân thủ các thỏa thuận đã được ký kết.

         ​​Hội nghị cũng đã thảo luận và kiến nghị các giải pháp cải tiến có lộ trình cụ thể sẽ được đưa vào Kế hoạch hành động cho năm tài khóa 2020-2021. Sau khi hoàn thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ADB sẽ ký MOU về kế hoạch hành động này. (Vientiane Times, 24/12/2019)

WB hỗ trợ tài chính giúp Lào khắc phục thiên tai

         ​Theo báo Vientiane Times ngày 19/12/2019, Ngân hàng thế giới (WB) mới thông qua khoản vay 50 triệu USD cho các dự án Quản lý thiên tai Đông Nam Á tại Lào và làm đường giao thông tại Lào giai đoạn 2. Các dự án này ưu tiên xây dựng năng lực cảnh báo khí tượng - thủy văn, đối phó thiên tai, khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh Oudomxay, Luang Prabang và Borikhamxay, sửa chữa, xây dựng đường sá bị hư hỏng do các đợt lũ lụt năm 2018, chủ yếu tại quốc lộ 13 Nam Lào.

         ​​Các trận lũ lụt xảy ra từ tháng 7 - 9/2018 gây thiệt hại lên đến 371,5 triệu USD, tương đương 2,1% GDP và 10,2% ngân sách của Lào năm 2018. Việc khắc phục hậu quả cần tới 520 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và đường thủy. (Vientiane Times, 19/12/2019)

Lào và các nước APO chia sẻ kinh nghiệm về an toàn thực phẩm

         ​Ngày 16/12/2019, tại Viêng Chăn, Cục trưởng Cục Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Bountheung Douangsavanh và ông Asaithambi Manickam, cán bộ chương trình, Phòng Nông nghiệp, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đã đồng chủ trì hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về an toàn thực phẩm và các vấn đề liên quan, với sự tham dự của cán bộ Chính phủ, học giả của các nước thành viên APO đến từ Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philipin, Singapore, Iran, Fiji, Mông Cổ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh. Hội thảo đánh giá các xu hướng hiện nay trong việc ban hành các quy định về an toàn thực phẩm, chia sẻ kinh nghiệm thành công nhằm tăng cường hệ thống kiểm soát quốc gia để cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, đảm bảo sức khỏe người dân.

         ​Theo ông Bountheung, hiện nay ở mọi quốc gia, tiêu chí an toàn và hội nhập về thực phẩm là yêu cầu quan trọng của người tiêu dùng, đặc biệt là quy cách, quy trình sản xuất và tiếp thị thực phẩm, luôn kêu gọi chính phủ nước mình có trách nhiệm lớn hơn đối với an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. An toàn thực phẩm không chỉ đơn thuần là vấn đề về sức khỏe, mà còn là vấn đề phát triển thị trường, vấn đề này được đề cập trong thương mại quốc tế và các thỏa thuận thương mại, trở thành một vấn đề quan tâm đối với các nước phát triển và đang phát triển. Đối với các nước đang phát triển, an toàn thực phẩm trở thành nhân tố xác định khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu.

         ​Lào là thành viên của APO năm 2002, được APO giúp đỡ tăng năng suất thông qua việc đưa cán bộ Chính phủ và nhân viên khu vực tư nhân của Lào tham dự các hội thảo, đào tạo, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước tại hơn 60 dự án. APO cũng cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để đào tạo một số công ty và nhà máy mẫu về sử dụng công cụ và kỹ thuật để tăng năng suất tại Lào. (Vientiane Times, 17/12/2019)

BẠN CẦN BIẾT​

BOL nắm quyền kiểm soát ngân hàng xây dựng

         ​Ngày 24/12/2019, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) ra thông báo, BOL đã quyết định nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Xây dựng (LCB) để giải quyết các vấn đề thanh khoản và ổn định ngân hàng này, đồng thời hướng dẫn khách hàng đăng ký các thông tin chi tiết.

         ​Người gửi tiền và vay tiền của LCB được yêu cầu khai báo các thông tin chi tiết về các khoản tiền gửi và khoản vay và cung cấp cho Ủy ban giám sát những thông tin cơ bản. Người gửi tiền phải mang thẻ tiền gửi, hộ khẩu hoặc hộ chiếu kèm theo bản sao các giấy tờ liên quan; trình giấy phép kinh doanh và tài khoản ngân hàng, kèm bản sao. Đối với người vay tiền, giấy tờ trình Ủy ban giám sát bao gồm giấy tờ xác nhận khoản vay, chứng minh thư, sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu và giấy phép kinh doanh kèm theo bản sao. Các thông tin trên phải trình Ủy ban giám sát LCB tại bản Phonsinuan, huyện Sisattnak, Viêng Chăn trong thời gian từ 25/12/2019-25/01/2020 trong giờ làm việc từ 9h00 – 15h00. Những cá nhân không thể đến đăng ký trực tiếp có thể cử đại diện mang giấy tờ yêu cầu kèm theo thư ủy quyền. Sau thời hạn nêu trên, những ai không đăng ký hoặc không cung cấp thông tin chi tiết theo yêu cầu sẽ không được ủy ban giám sát xem xét giải quyết vấn đề nợ hoặc các quyền lợi liên quan.

         ​Thông báo nêu trên được thực hiện phù hợp với Luật Ngân hàng BOL ban hành ngày 19/6/2018 và Luật về Ngân hàng Thương mại ban hành ngày 17/12/2018.

         ​​LCB là ngân hàng thương mại liên doanh, thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Lào và nước ngoài, chính thức khai trương ngày 22/02/2012. Theo BOL, hiện nay ở Lào có 43 ngân hàng, bao gồm 03 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, 01 ngân hàng đặc biệt, 03 ngân hàng TM cổ phần nhà nước, 08 ngân hàng tư nhân, 08 ngân hàng con và 20 chi nhánh của các ngân hàng thương mại nước ngoài. (Vientiane Times, 27/12/2019)

Áp dụng thí điểm hệ thống điện tử P.53 tại một số cửa khẩu quốc tế

         ​Ngày 05/12/2019, báo KT-XH đưa tin, để quản lý, theo dõi và kiểm tra phương tiện qua lại cửa khẩu quốc tế theo hệ thống điện tử hiện đại, thuận tiện, nhanh chóng, minh bạch, đúng quy định, tại các cửa khẩu quốc tế Cầu Hữu nghị I; cửa khẩu quốc tế Boten, tỉnh Luangnamtha; cửa khẩu quốc tế Cầu hữu nghị IV thuộc tỉnh Bokeo.             

         ​Hệ thống điện tử P.53 là thiết bị hiện đại, giúp cho cán bộ hải quan quản lý được phương tiện xuất-nhập qua cửa khẩu quốc tế được thống nhất trên toàn quốc một cách thuận tiện, phù hợp với quy định chung.

         ​Theo thống kê bước đầu, tại cửa khẩu Cầu Hữu nghị I, số lượng khách du lịch nhập cảnh khoảng 700 lượt người/ngày và 500 phương tiện/ngày; xuất cảnh đạt 1.800 lượt.người/ngày và 782 phương tiện/ngày. Lượng phương tiện sẽ ngày càng tăng theo sự tăng trưởng thương mại, du lịch giữa Lào với các nước láng giềng, cần có sự quản lý, kiểm soát phương tiện, hàng hóa xuất, nhập một cách chặt chẽ, minh bạch, tăng khả năng quản lý thu phí tại các cửa khẩu.

         ​Hệ thống quản lý bằng hệ thống điện tử P.53 sẽ được áp dụng thí điểm từ đầu tháng 1/2020 tại các cửa khẩu quốc tế trên. (Báo KT-XH, 05/12/2019).

 

 

BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng

Ban Biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Lê Thị Phương Hoa.

  ​

 

 


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: