Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 11 - 2023

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
717 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

Chính phủ cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, không để vỡ nợ
Ngày 31/10/2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 9 nước Cộng hòa DCND Lào đã được khai mạc với các nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề kinh tế, tiền tệ và ngân sách trong bối cảnh kinh tế đất nước tiếp tục khó khăn. Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Sonexay cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục thực thi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô (bao gồm kiềm chế tỷ lệ lạm phát gia tăng, ổn định giá cả và chi phí sinh hoạt) và ngăn chặn Lào rơi vào khủng hoảng, vỡ nợ, bất chấp tình trạng nợ công và nợ công được bảo lãnh của Lào hiện đang ở mức cao. Cam kết trả nợ cho doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng Sonexay cho biết Chính phủ sẽ xem xét bán cổ phần tại một số dự án thủy điện. Trong khi đó, Chính phủ sẽ tìm kiếm các nguồn tài chính mới để trả các khoản nợ của các dự án phát triển do nhà nước tài trợ, để các nhà thầu trong nước có đủ vốn duy trì hoạt động kinh doanh của họ. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào tối đa hóa việc thu ngân sách bằng cách tìm ra các nguồn thu mới còn chưa được áp dụng và hiện đại hóa thu ngân sách nhằm ngăn chặn thất thoát tài chính và tạo nguồn thu để thanh toán các khoản nợ công. Với nguồn ngân sách hạn chế, Chính phủ sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu, trong đó có khoản chi mua xe công. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thắt chặt quản lý sử dụng ngoại tệ và đảm bảo lưu thông trong hệ thống ngân hàng nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối.
Các biện pháp quan trọng khác được Thủ tướng Sonexay cam kết bao gồm: (i) tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, (ii) hoàn thiện, cải cách các doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém như Điện lực Lào, Ngân hàng Chính sách (Nayobai), Công ty Xổ số Lào, Hàng không Lào và các doanh nghiệp khác, (iii) đẩy mạnh sản xuất để giảm nhập khẩu, tiếp tục khuyến khích phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, (iv) hợp lý hóa thương mại qua biên giới và quy trình xuất nhập khẩu tại các cảng cạn và (v) tăng cường thu hút du khách nước ngoài.
Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane cho biết Kỳ họp thứ 6 này sẽ kéo dài đến ngày 21/11; sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua báo cáo giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm, kế hoạch ngân sách và tiền tệ giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch ngân sách, tiền tệ và kế hoạch năm 2024. Báo cáo về việc thực hiện hai chương trình nghị sự quốc gia giai đoạn 2021-2023 - Giải quyết những khó khăn kinh tế và tài chính và Giải quyết vấn đề buôn bán ma túy; Các đánh giá giữa kỳ về kết quả hoạt động của các Bộ ngành; Dự thảo luật về Đặc khu kinh tế và Chăm sóc y tế cơ bản; Dự thảo sửa đổi sáu luật về y tế, sở hữu trí tuệ, kế toán, hệ thống thanh toán, tư pháp và hoạt động thanh tra, giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. (Vientiane Times, 01/11/2023)
Quốc hội chỉ đạo Chính phủ tăng cường kiểm soát ngoại tệ
Ngày 03/11/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu trong phiên họp Quốc hội, các đại biểu đã yêu cầu Chính phủ phải tăng cường việc quản lý ngoại tệ nhằm giảm lạm phát, kiềm chế tỷ giá hối đoái đang diễn ra bất lợi và tình hình giá cả leo thang.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Champasack, ông Saythong Sayavong cho rằng việc Chính phủ Lào đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát xuống chỉ còn 9% vào cuối năm tới sẽ là một thách thức lớn. Theo ông, để giải quyết nhiều vấn đề mà Lào đang gặp phải hiện nay, cần thắt chặt hơn nữa các quy định về ngoại hối, nhất là việc thực thi pháp luật nghiêm ngặt và giám sát sử dụng ngoại tệ của các nhà xuất nhập khẩu. Việc thanh toán hàng nhập khẩu phải được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng và các hồ sơ về thu nhập ngoại tệ khi chuyển vào Lào và chuyển khoản sang các nước khác cần được lưu giữ chặt chẽ.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc trao đổi ngoại tệ ngoài hệ thống ngân hàng, trong khi nhiều điểm đổi tiền hiện đã đóng cửa nhưng một số vẫn hoạt động trực tuyến. Dù ngân hàng trung ương đã thiết lập tỷ giá hối đoái, nhưng lại không được tuân thủ trong các giao dịch bên ngoài ngân hàng. Mặc dù tỷ lệ lạm phát đang giảm nhưng giá hàng hóa và tỷ giá hối đoái vẫn ở mức cao do sự quản lý yếu kém của Chính phủ.
Chính phủ nên làm nhiều hơn nữa để khuyến khích người dân sử dụng đồng Kíp trong tất cả các giao dịch tài chính, hạn chế sử dụng ngoại tệ. Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung cho công tác thu, chi trong các dự án phát triển, dự án trả nợ cũng như việc tăng năng lực sản suất trong nước, tập trung sản xuất những mặt hàng mà Lào có thể sản xuất được để có nhiều hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. Việc đó có thể thực hiện được thông qua cung cấp cho doanh nghiệp các khoản vay lãi suất thấp, xác định thị trường để bán các sản phẩm và đảm bảo có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết cho sản xuất.
Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung nhiều hơn vào du lịch để chuẩn bị cho các hội nghị du lịch ASEAN sẽ diễn ra tại Lào vào năm tới. Ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội như sử dụng ma túy và trộm cắp, để đảm bảo cho du khách được an toàn.
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội dự kiến tăng trưởng kinh tế của Lào ở mức 4,2 và 4,5% vào năm 2023 và 2024
Ngày 02/11/2023, Vientiane Times đưa tin, tại kỳ họp thường kỳ thứ 6 Quốc hội khóa 9 Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy đã báo cáo trước Quốc Hội tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó chỉ ra rằng tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ vẫn là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các năm 2023 và 2024, dự kiến lần lượt là 4,2 và 4,5%.
Tuy nhiên, dẫn theo số liệu của báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch cho biết tốc độ tăng trưởng dự kiến 4,2% trong năm 2023 vẫn thấp hơn mục tiêu 4,5% trong kế hoạch đặt ra. Sự gia tăng chi phí sản xuất và thực trạng hạn hán đã ảnh hưởng đến năng suất của các nhà máy thủy điện. Đây là những yếu tố chính khiến tốc độ tăng trưởng thấp hơn trong năm nay.
Lào ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 4,4% trong 9 tháng đầu năm nay. Các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ, vận tải và khách sạn liên quan đến du lịch, được phân loại chung là khu vực dịch vụ, là những doanh nghiệp hoạt động tốt nhất. Khu vực này tăng trưởng 5,6% trong thời gian qua và là khu vực đóng góp cao nhất vào GDP với 37,2%. Thuế và hải quan, công nghiệp, nông lâm nghiệp tăng lần lượt 3,9, 3,5 và 3,4%.
Năm tới, Lào sẽ đảm nhận chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó nhiều hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp liên quan sẽ được tổ chức tại Vientiane. Diễn đàn Du lịch ASEAN dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1, cùng với đó Lào sẽ triển khai Năm Du lịch Lào 2024.
Bộ trưởng Khamjane nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường duy trì ổn định chính trị và trật tự xã hội để đảm bảo thành công các sự kiện lớn sắp tới do Lào đăng cai tổ chức, đồng thời thúc đẩy ngành dịch vụ đạt được các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng vào năm 2024.
Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội Thủ tướng Sonexay Siphandone cam kết tiếp tục thực thi các giải pháp đã được ban hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, công bố mục tiêu đầy tham vọng là giảm lạm phát xuống còn một con số vào năm tới sau nhiều tháng đã ở mức quá cao. Lạm phát hiện đang có xu hướng giảm từ mức 41,26% xuống còn 25,69% trong tháng 9. Nếu đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2024, GDP của Lào sẽ đạt 293.786 tỷ Kíp, tương đương thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 1.787 USD.
Khu vực nhà nước kêu gọi giải quyết nạn lạm phát và đồng Kíp suy yếu
Tại Hội nghị lần thứ 7, diễn ra tại Vientiane từ ngày 23 đến 26/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng NDCM khóa 11 đã thông qua Nghị quyết tăng cường hành động, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị của đồng Kíp, giảm bớt tác động đến đời sống của nhân dân.
Hội nghị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith chủ trì, đã thống nhất đề ra các biện pháp không chỉ giải quyết những thách thức kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh sau các trận lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước trong năm nay. Các ngành chức năng liên quan được chỉ đạo tiến hành xây dựng kế hoạch đối phó với các vụ cháy rừng có thể xảy ra trong thời gian tới và thúc đẩy hơn nữa sản xuất nông nghiệp, giảm nhập khẩu các mặt hàng có thể sản xuất tại Lào. Các ngành chức năng cũng được chỉ đạo cần tập trung mạnh mẽ cho phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, cũng như nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ giáo dục và y tế, tạo thêm việc làm và giảm bớt các vấn đề xã hội.
Cuộc họp cũng ghi nhận những thay đổi phức tạp đang diễn ra trong khu vực và trên toàn cầu, ảnh hưởng đến nền kinh tế Lào và nhận định mặc dù Lào đã phải gánh chịu nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính trong năm qua, với lạm phát cao, đồng Kíp liên tục mất giá, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và nạn buôn lậu ma túy diễn ra trên khắp cả nước, song Chính phủ vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 4,2% và ngăn cản không đưa đất nước bị lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo các ngành có trách nhiệm chuẩn bị sẵn sàng cho các sự kiện quan trọng diễn ra tại Lào trong năm tới, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN và Chiến dịch triển khai Năm Du lịch 2024 của Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun, kêu gọi đảng viên, cán bộ nhà nước và toàn thể nhân dân các dân tộc Lào anh em giữ vững tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, góp vai trò tích cực trong việc bảo vệ và phát triển đất nước cũng như giúp đất nước vượt qua những thách thức kinh tế hiện đang gặp phải.
Lạm phát tại Lào có xu hướng giảm, thu ngân sách ở một số địa phương cũng đã vượt mục tiêu đề ra. (Vientiane Times, ngày 03/11/2023)
Cơ cấu kinh tế Lào không thay đổi như dự định
Ngày 20/11/2023, Vientiane Times đưa tin, các năm vừa qua, cơ cấu kinh tế của Lào không thay đổi như dự kiến do khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng chậm hơn so với dự tính. Chính phủ Lào muốn thay đổi cơ cấu kinh tế trong đó tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp để hướng tới hiện đại hóa và công nghiệp hóa nền kinh tế.
Trong 9 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,4%, chiếm 17,3% GDP. Dự kiến tỷ trọng của ngành nông nghiệp sẽ đạt 21,4% GDP vào cuối năm 2023. Lực lượng lao động Lào làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp vẫn duy trì khoảng 65% đến 70%. Hiện nay, tuy hợp tác và kết nối thương mại khu vực ngày càng tăng, nhưng tăng trưởng khu vực công nghiệp 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,5%, chiếm 34,5% GDP. Ngành công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3,1%, chiếm 32,2% GDP trong cả năm nay.
Trong 9 tháng vừa qua, khu vực dịch vụ tăng 5,6%, chiếm 37,2% GDP. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực này dự kiến là 5,6%, chiếm 35,9% GDP. Sự tăng trưởng chậm hơn dự kiến của lĩnh vực dịch vụ có liên quan đến chi phí sản xuất tăng cao và sản lượng điện giảm do thiên tai ảnh hưởng đến năng suất của một số dự án thủy điện.
Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra trong giai đoạn hiện nay cho đến năm 2025, ngành nông, lâm nghiệp dự kiến sẽ chiếm 15,3% GDP, công nghiệp 33,3%, dịch vụ 41,3% và phần còn lại đến từ thuế, phí. Để làm được điều đó, các nhà kinh tế cho rằng Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa cho lĩnh vực công nghiệp. Ngoài ra, các chính sách liên quan đến lao động cũng cần được xem xét lại để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nước, đặc biệt sau khi hàng nghìn lao động Lào đã đi tìm việc làm tốt hơn ở nước ngoài. Từ 2002 đến 2009, do khối lượng lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Lào, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp của Lào là khoảng 14%. Nhưng sau năm 2010, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống còn 7% đến 8%.
Trả lời chất vấn của các đại biểu trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ là do đại dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Khamjane những hạn chế đi lại và lệnh đóng cửa được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 vào các năm 2021 và 2022 đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và dịch vụ, khiến các nhà máy phải đóng cửa và du khách nước ngoài không tới được Lào. Đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến và thương mại bán buôn, bán lẻ cũng tăng trưởng chậm hơn, dẫn tới kết quả là khu vực công nghiệp và dịch vụ chưa tăng trưởng như kế hoạch đề ra trong giai đoạn này.
Ngân hàng Trung ương Lào nỗ lực giảm lạm phát năm 2024 xuống mức 9%
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 9 sáng ngày 31/10/2023 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) Bounleua Sinxayvoravong cho biết, BOL sẽ nỗ lực hạ tỷ lệ lạm phát xuống 9% hoặc 1 chữ số vào cuối năm 2024 thông qua việc bảo đảm nguồn thu từ xuất khẩu phải đi vào hệ thống ngân hàng. Người đứng đầu BOL kỳ vọng ít nhất 70% thu nhập từ xuất khẩu phải đi vào các ngân hàng Lào. Để đạt mục tiêu này, BOL sẽ thắt chặt việc thực thi các chính sách tiền tệ để tạo nguồn cung tiền tuần hoàn lớn hơn trong nội địa.
BOL cũng sẽ tiếp tục đảm bảo tỷ giá trao đổi ngoại tệ sẽ tương đồng theo cơ chế thị trường và tỷ giá này sẽ linh hoạt hơn bằng cách cải thiện các dịch vụ của ngân hàng thương mại. Ngoài ra, BOL sẽ cải thiện thị trường ngoại thương, giúp các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và nhà đầu tư muốn đổi hoặc thanh toán ngoại tệ thuận tiện hơn qua hệ thống ngân hàng. Tỷ giá ngoại tệ cũng sẽ được điều chỉnh đối với các mặt hàng thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống hàng ngày của người dân, đồng thời cải thiện thanh toán bán lẻ xuyên biên giới bằng hệ thống mã QR, tức là việc trao đổi và thanh toán ngoại tệ đều sẽ được thực hiện qua hệ thống ngân hàng.
Cũng tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone cho biết, tỷ lệ ngoại tệ dự trữ so với đồng Kíp tại Lào đã tăng từ 31% năm 2020 lên 41,32% trong 9 tháng đầu năm nay, và có thể vượt 50% vào cuối năm. Tỷ lệ này tăng có nghĩa là Lào hiện đã có đủ dự trữ ngoại tệ cho 4,3 tháng nhập khẩu hàng hóa, so với chỉ 3,6 tháng hồi cuối năm 2020. Thủ tướng cũng cho biết, sự biến động tỷ giá đã bớt căng thẳng hơn, tỷ lệ lạm phát cũng đã giảm từ 40% giữa năm 2022 xuống còn 25,69% vào tháng 9/2023. (Vientiane Times, 01/11/2023)
Lạm phát tháng 10 tăng nhẹ lên 25,8%
Ngày 08/11/2023, Cục Thống kê Lào đã cập nhật tình hình lạm phát ở Lào tăng lên 25,8% trong tháng 10 từ mức 25,69% trong tháng 9. Vào tháng 10/2023, giá tiêu dùng chủ yếu được thúc đẩy ở mức 34,57% bởi các chi phí của nhóm ngành khách sạn và nhà hàng.
Sự mất giá của đồng Kíp Lào là một trong những yếu tố chính gây ra lạm phát, do 1/3 số hàng hóa được sử dụng để tính chỉ số giá đều được nhập khẩu. Thực phẩm và đồ uống không cồn tăng ở mức 29%, quần áo và giày dép tăng 28,12% trong khi rượu và thuốc lá tăng 27,30%. Chi phí của nhóm ngành chăm sóc y tế và thuốc men tăng ở mức 24,49%, trong khi chi tiêu trong gia đình ở mức 24,37%.
Để kéo giảm tình trạng lạm phát phi mã này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) Bounleua Sinxayvoravong phát biểu tại kỳ họp thường kỳ thứ 6 của Quốc hội khóa 9 đã cho biết BOL sẽ cố gắng giảm tỷ lệ lạm phát xuống 9% hoặc một con số khác vào cuối năm 2024, thông qua việc kiểm soát nguồn thu từ xuất khẩu được đưa vào hệ thống ngân hàng. (KPL, 09/11/2023).
Tiếp theo tin về Lạm phát, ngày 28/11/2023, Vientiane Times đưa tin, mặc dù nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm mức tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ xuống một con số nhưng tỷ lệ lạm phát tại Lào tháng 11 ở Lào vẫn duy trì ở mức cao 25,24%. Năm nay Chính phủ Lào đã không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, Chính phủ Lào tiếp tục đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát năm 2024 xuống 9%. Tỷ lệ lạm phát trung bình 9 tháng vừa qua tại Lào là 33,69%, giá cả hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng chậm hơn kể từ khi Lào chạm đỉnh lạm phát là 41,26% hồi tháng 2/2023. Một trong những điểm sáng là thặng dư thương mại tại Lào đạt hơn 943 triệu USD trong 9 tháng qua với giá trị xuất khẩu đạt hơn 5,95 tỷ USD và nhập khẩu đạt 5,01 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ KHĐT Lào báo cáo với Quốc hội dự kiến thặng dư thương mại năm 2023 tại Lào lên đến 1,12 tỷ USD. Tuy nhiên, đến tháng 9/2023, chỉ có 41,32% thanh toán xuất khẩu qua hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng Sonexay Siphandone dự lễ khánh thành tua-bin đầu tiên của trang trại điện gió 600MW
Ngày 13/11/2023, Vientiane Times đưa tin, Thủ tướng Sonexay Siphandone vừa dự và chủ trì lễ khánh thành việc lắp đặt tuabin đầu tiên của Dự án Điện gió Monsoon công suất 600MW tại huyện Dakcheung, tỉnh Xekong. Dự án trang trại điện gió này bao gồm 133 tuabin, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025 trên khu đất rộng 1.000 ha trải dài khắp 25 bản của huyện Dakcheung, Xekong và huyện Sanxay, tỉnh Attapeu. Đây sẽ là trang trại điện gió lớn nhất Đông Nam Á với công suất 600MW và tổng chi phí xây dựng là 900 triệu USD. Lượng điện sản xuất ra sẽ được bán cho Việt Nam theo hợp đồng 25 năm.
Cùng dự lễ khai trương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Điện gió Monsoon Nat Hutanuwatr cùng với Đại diện ủy quyền Thanusack Phommachack, cho biết mỗi tuabin được lắp đặt trên một khối chân đế vững chắc và thân thiện với môi trường, rộng 22 mét mỗi cạnh và sâu 35 mét. Tua bin cao 110 mét với mỗi cánh quạt có chiều dài 85,5 mét. Dự án hiện đã hoàn thành được 30% và dự kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng và bắt đầu phát điện vào năm 2025.
Tỉnh trưởng tỉnh Xekong Leklay Sivilay cho biết, dự án sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, bằng cách tạo việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và tạo điều kiện tiếp cận các khu vực đất nông nghiệp và làng mạc ở vùng sâu vùng xa. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng các cảnh quan thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Xekong, Attapeu và Saravan để trao đổi về cách giải quyết những khó khăn kinh tế và tài chính đang diễn ra tại Lào. Thủ tướng kêu gọi chính quyền các tỉnh thu thập dữ liệu về các loại hàng hóa sản xuất tại địa phương và nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ sản xuất trong nước và giảm nhập khẩu. Ông cũng yêu cầu các địa phương phải giám sát chặt chẽ các dự án phát triển, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ những dự án đang bị đình trệ đồng thời xem xét hủy bỏ các dự án không hoạt động hoặc tích cực giải quyết các vướng mắc, trở ngại đang tồn tại.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xuất khẩu khoáng sản một cách hợp pháp và thu được ngân sách đầy đủ từ các hoạt động khai thác này. Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các địa phương sử dụng hệ thống quản lý tài chính hiện đại và nỗ lực phát triển du lịch để thu hút thêm nhiều du khách, tạo thêm nguồn thu nhập và việc làm cho người dân địa phương.
Khách du lịch nước ngoài đến Lào được dự đoán sẽ tăng mạnh dịp cuối năm
Ngày 17/11/2023, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào dự kiến sẽ đón khoảng 400.000 đến 800.000 du khách nước ngoài trong hai tháng cuối năm 2023, nâng tổng số du khách nước ngoài trong năm nay lên 2,9 triệu hoặc 3,3 triệu khách, cao hơn nhiều so với con số 1,68 triệu du khách đến Lào vào năm 2022.
Theo thống kê của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, trong 9 tháng đầu năm nay có hơn 2,4 triệu khách du lịch nước ngoài đến Lào, tăng 285% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu cho thấy ngành du lịch Lào đang có sự phục hồi mạnh mẽ và dự kiến đến cuối năm nay, mục tiêu của Chính phủ về lượng khách du lịch sẽ đạt được.
Số lượng du khách tăng vọt một phần là do hiệu quả của tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc và đường cao tốc nối thủ đô Vientiane và điểm nóng du lịch Vangvieng. Trước đây, để đi từ Vientiane đến các tỉnh Luang Prabang, Oudomxay hay Bokeo phải mất nhiều giờ, nhưng giờ đây việc đi lại đã thuận tiện hơn và nhanh hơn nhiều. Ngoài ra, Lao Airlines đang có nhiều đường bay thẳng đến các nước khác trong khu vực.
Nhiều điểm du lịch mới đang được triển khai như đồi Phou Pha Marn ở tỉnh Khammuan với nhiều cảnh quan ấn tượng và các hoạt động giải trí đa dạng. Những địa điểm nổi tiếng khác là sông Nam Lik ở huyện Meuangfeuang, tỉnh Vientiane với những ngôi nhà gỗ ven sông, trải nghiệm lối sống địa phương và tận hưởng khung cảnh thiên nhiên yên bình.
Trong Năm Du lịch Lào 2024, Chính phủ Lào kì vọng sẽ thu hút ít nhất 2,7 triệu khách du lịch nước ngoài, tạo ra doanh thu khoảng 401 triệu USD, trong khi năm 2025, lượng khách du lịch dự kiến sẽ đạt 2,9 triệu và tạo thu nhập 434 triệu USD.
Thủ tướng: Chính phủ đang triển khai các giải pháp giải quyết khó khăn
Ngày 13/11/2023, Vientiane Times đưa tin, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 9 đang diễn ra, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Chính phủ đang chủ động tiến hành các bước nhằm giải quyết các khó khăn về kinh tế, tài chính đang diễn ra như tỷ giá hối đoái chênh lệch, lạm phát, đồng Kíp mất giá, giá cả và chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao. Hiện Chính phủ Lào đang tìm các khoản tài chính để thanh toán các khoản nợ đúng hạn, đặc biệt là nợ nước ngoài, để Lào không bị rơi vào tình trạng vỡ nợ. Quyết định của Thủ tướng đã được công bố nhằm giám sát chặt chẽ và chuyển dòng ngoại tệ vào trong hệ thống ngân hàng, mở rộng các dịch vụ của ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân cũng như khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đăng ký và thanh quyết toán qua ngân hàng.
Các đơn vị kinh doanh không tuân thủ tỷ giá hối đoái chính thức sẽ bị giám sát chặt chẽ và bị phạt nặng nếu thực hiện các thanh toán với tỷ giá chênh lệch. Chính phủ cũng sẽ kiểm soát và bình ổn giá cả, phí dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, trứng. Trước mắt, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm giữ giá gạo tại Vientiane và một số tỉnh thành khác ở mức thấp hơn, kiểm soát giá các sản phẩm đầu vào của ngành nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc, hạt giống và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm mà Lào có thể sản xuất.
Các hàng hóa xa xỉ sẽ bị xem xét hạn chế nhập khẩu, đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại hàng này nhằm giảm dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Việc nhập khẩu trái phép hàng hóa tại các vùng biên giới cũng như buôn lậu hàng hóa sẽ được các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ.
Cùng lúc, các doanh nghiệp tại Lào được đề nghị tăng cường năng lực sản xuất để xuất khẩu, người tiêu dùng cũng được khuyến khích ưu tiên mua sản phẩm trong nước, giảm mua hàng nhập khẩu. Chính phủ triển khai các gói vay lãi suất thấp và các chính sách ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp để tiêu dùng và xuất khẩu. Lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp tư nhân và sinh hoạt phí của công chức và người về hưu đều được tăng thêm 150.000 kíp/tháng trong năm 2023. Thủ tướng cho biết, năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trợ cấp và hệ số lương theo kế hoạch ngân sách đã trình Quốc hội. Thu nhập của giáo viên tình nguyện cũng được xem xét và thay đổi theo trình độ, thời gian giảng dạy, tương tự như giáo viên khu vực công.
Thủ tướng ra lệnh trấn áp hoạt động xổ số trái phép
Ngày 13/11/2023, Vientiane Times đưa tin, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã chỉ đạo chính quyền thủ đô Vientiane và các tỉnh chấm dứt mọi hoạt động mua bán xổ số trái phép, đặc biệt là xổ số có nguồn gốc từ nước ngoài và các hoạt động cờ bạc. Tại Lào, đây là các hoạt động bất hợp pháp, song hiện tại lại rất phổ biến trên khắp cả nước. Hiện một số đối tượng đang sử dụng các cách thức và phương tiện hiện đại để lôi kéo người dân tham gia mua xổ số bất hợp pháp, do vậy chính quyền các tỉnh và thành phố đã được khuyến cáo cần tiến hành kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nói trên. Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ: Công an; Thông tin, Văn hóa và Du lịch; Công nghệ và Truyền thông; và Công Thương tăng cường giám sát và trấn áp các hoạt động phi pháp này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính được yêu cầu thành lập một ủy ban đặc biệt do một Thứ trưởng đứng đầu, phối hợp với các cơ quan liên quan khác của chính phủ để giải quyết tình hình trên đây. Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thực thi pháp luật về mua bán xổ số, đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn ngừa vi phạm, khuyến khích người dân tố cáo việc mua bán vé số trái phép thông qua thiết lập các đường dây nóng tố giác tội phạm. Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành trấn áp các vụ việc xảy ra có liên quan đến xổ số trái phép.
Bộ Công nghệ và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an theo dõi thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trên Internet và thu thập thông tin để trình cơ quan công an tiến hành các hoạt động tố tụng. Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch được yêu cầu công khai các quy định về xổ số trên truyền hình, tạp chí, báo, đài để mọi người dân nắm rõ tình hình và hiểu biết về các hoạt động xổ số trái pháp luật. Ngân hàng CHDCND Lào sẽ làm việc với Bộ Tài chính để giám sát và xác minh các giao dịch ngân hàng liên quan đến xổ số. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi sai trái nào, tài khoản ngân hàng thuộc diện nghi vấn sẽ bị phong tỏa và những người vi phạm sẽ bị truy tố. Thủ tướng cũng ra lệnh cho chính quyền thủ đô Vientiane và các tỉnh thành lập các lực lượng đặc nhiệm nhằm giám sát, ngăn chặn xổ số trái pháp luật cũng như mọi hình thức cờ bạc trái phép khác.
Chính phủ Lào ban hành hướng dẫn các cơ quan ngoại giao chủ động tham gia trong lĩnh vực kinh tế
Ngày 30/11/2023, Vientiane Times đưa tin, Thủ tướng Sonexay Siphandone mới đây đã ban hành Nghị định số 274 về hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao Lào liên quan đến phát triển kinh tế, theo đó đưa ra những hướng dẫn mới cho các cơ quan ngoại giao Lào ở nước ngoài cần tích cực chủ động hơn trong các vấn đề kinh tế nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, quan hệ đối tác kinh doanh và hội nhập kinh tế với thế giới bên ngoài. Nghị định dài 9 trang đã yêu cầu các cơ quan ngoại giao nỗ lực hơn nữa để xây dựng cầu nối trao đổi thông tin liên quan đến tình hình phát triển và các chính sách kinh tế, trong đó bao gồm cả thương mại, đầu tư cũng như các tiềm năng và xu hướng hợp tác giữa Lào với nước sở tại và các tổ chức quốc tế.
Cán bộ ngoại giao Lào có nhiệm vụ tìm hiểu và phổ biến các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chiến lược, văn bản pháp luật và các quy định liên quan đến lĩnh vực kinh tế cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Lào tại nước sở tại và tới các tổ chức quốc tế. Các cơ quan ngoại giao cũng cần nghiên cứu những thông tin tương tự của nước sở tại và chia sẻ với các doanh nghiệp trong nước từ đó thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại, đầu tư và kinh doanh. Các cơ quan đại diện ngoại giao được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các sự kiện ngoài nước nhằm quảng bá các cơ hội đầu tư và môi trường kinh doanh của Lào qua đó huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lào.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện ngoại giao cũng cần chủ động hơn trong việc phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các sự kiện như hội chợ triển lãm tại các nước để quảng bá sản phẩm sản xuất tại Lào và tìm hiểu thị trường mới. Trong lĩnh vực mở rộng thị trường lao động và quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút du khách nước ngoài, ngành ngoại giao Lào cần phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch để tổ chức các sự kiện quảng bá mở rộng thị trường. Hiện Lào có quan hệ ngoại giao với 148 nước, trong đó có Đại sứ quán đặt tại 27 quốc gia, 11 tổng lãnh sự quán và ba phái đoàn đại diện thường trực tại New York, Geneva và ASEAN.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào chuẩn bị khảo sát doanh nghiệp
Ngày 30/11/2023, Vientiane Times đưa tin, nhằm tăng cường phát triển kinh doanh, thương mại và nâng cao công tác quản lý kinh tế cấp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) sẽ tiến hành một đợt khảo sát các đơn vị kinh doanh trên cả nước. Đây là một phần của dự án xác lập bộ chỉ số khảo sát Tạo thuận lợi đầu tư và thương mại cho cấp tỉnh (ProFIT) giai đoạn 2023-2024.
Để chuẩn bị cho cuộc khảo sát, một cuộc hội thảo đã được tổ chức do Phó Chủ tịch LNCCI, Tiến sĩ Valy Vetsaphong và Giám đốc Viện Công nghiệp và Thương mai, ông Viengsavang Thipphavong đồng chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các tổ chức chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Mục tiêu của hội thảo là nhằm xem xét bảng câu hỏi và xác định những khía cạnh nào của Chỉ số ProFIT 3 cần được phát triển hơn nữa. Hội thảo cũng đánh giá các phương pháp nghiên cứu, khảo sát dân số và việc thiết kế lấy mẫu ngẫu nhiên, đồng thời thảo luận về kế hoạch thu thập dữ liệu để đáp ứng thời hạn ra mắt của báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN năm 2024.
ProFIT là bộ chỉ số có mục đích đo lường mức độ mà các tỉnh hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân, đặc biệt là thông qua các biện pháp quản lý kinh tế thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Báo cáo sẽ tập trung phân tích sáu lĩnh vực chính - sự dễ dàng trong khởi nghiệp, sự minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, gánh nặng của các quy định, phí không chính thức, sự nhất quán trong thực thi chính sách và sự thân thiện với doanh nghiệp của chính quyền cấp tỉnh. Chỉ số ProFIT đo lường công tác quản trị kinh tế của khu vực công nhằm phát triển doanh nghiệp tại Lào. Báo cáo đầu tiên đã được xuất bản vào năm 2018. Phiên bản thứ hai được xuất bản vào năm 2022 và phiên bản thứ ba sắp tới sẽ được chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2024. Hội thảo do Quỹ Châu Á tại Lào và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
Chính phủ cam kết các thanh toán xuất nhập khẩu sẽ qua hệ thống ngân hàng
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone cho biết, Chính phủ cam kết đảm bảo ít nhất 50% thanh toán xuất nhập khẩu được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2023, tuân thủ đúng theo nghị quyết đã được Quốc hội ban hành vào giữa năm nay. Quản lý ngoại tệ là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm giải quyết các thách thức kinh tế đang diễn ra, bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo ngoại hối thu được từ xuất khẩu và từ đầu tư nước ngoài sẽ phải thông qua hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng cho biết, năm 2022, chỉ có 34% thanh toán xuất nhập khẩu được thực hiện qua hệ thống ngân hàng của Lào. Con số này đã tăng lên 41,32% đến tháng 9/2023. Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các hoạt động trái pháp luật nhằm thao túng tỷ giá, các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ giám sát, xác định các tổ chức thực hiện hoạt động đổi tiền phi pháp. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là một phần trong các biện pháp nhằm giảm lượng ngoại tệ chi cho nhập khẩu. Chính phủ cũng sẽ nỗ lực chống các hoạt động buôn bán bất hợp pháp, đặc biệt là buôn lậu hàng hóa dọc biên giới với các nước láng giềng. Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích người dân Lào đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng các sản phẩm trong nước để giảm nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Vào ngày 22/8 vừa qua, Ngân hàng trung ương Lào đã triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế. Theo đó, 2.500 tỷ Kíp được phân bổ để thúc đẩy sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lãi suất ưu đãi cho các khoản vay của các doanh nghiệp từ các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, 4.500 tỷ Kíp cũng được phân bổ để thúc đẩy sản xuất trong nước và kích thích tăng trưởng kinh tế theo chính sách tín dụng mới nhằm bổ sung vốn cho các khu vực địa phương. Chính phủ cũng cam kết điều tiết giá lương thực để giảm thiểu tác động của chi phí sinh hoạt cao đối với người dân. Giá thức ăn chăn nuôi và phân bón cũng được kiểm soát chặt để giúp nông dân duy trì chi phí sản xuất hợp lý và tăng sản lượng nông nghiệp để xuất khẩu. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang tìm kiếm các nguồn tài chính mới để thanh toán các khoản nợ nước ngoài và giúp Lào không bị rơi vào tình trạng vỡ nợ. (Vientiane Times, 17/11/2023)
Các phương thức để quản lý các đơn vị xuất - nhập khẩu
Ngày 07/11/2023, Vientiane Times đưa tin, trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội về các giải pháp đối phó lạm phát và đồng Kíp yếu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Malaythong Kommasith cho biết, Chính phủ sẽ làm việc với các công ty có uy tín để phát triển một hệ thống đăng ký hiện đại và cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu để quản lý các đơn vị xuất nhập khẩu tốt hơn. Bộ trưởng cũng cho biết, dòng ngoại tệ cần phải được giám sát chặt chẽ qua hệ thống ngân hàng, đồng thời cần phải thúc đẩy sản xuất trong nước hơn nữa.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang làm việc với Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp quốc gia, thuộc Vụ Quản lý và Đăng ký doanh nghiệp để cải thiện hệ thống thông báo thuế tự động của Vụ Thuế nhằm hợp lý hóa và hiện đại hóa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đảm bảo mọi thông tin có liên quan đều có thể được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước. Bộ đã hoàn thành hệ thống đăng ký xuất nhập khẩu trực tuyến từ ngày 01/11, bước tiếp theo sẽ là tăng cường việc kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu thông qua hệ thống thông báo thuế tự động nói trên.
Hệ thống này sẽ xác định các công ty xuất nhập khẩu chưa đăng ký và chưa có tên trong cơ sở dữ liệu, qua đó khiến họ không thể kê khai hàng nhập khẩu với cơ quan hải quan. Thời gian tới, Bộ sẽ liên kết hệ thống thông tin này với Hệ thống quản lý vốn mà Ngân hàng Trung ương Lào đang phát triển. Trong khi chờ đợi triển khai hệ thống kết nối dữ liệu ổn định giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Lào, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua một kênh Whatsapp và một nhóm Google Drive chung.
Kể từ khi bắt đầu triển khai việc cập nhật thông tin về các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đã có 946 công ty đăng ký với Bộ Công Thương, trong đó 650 công ty đã được xác nhận, với 180 công ty nhập khẩu và 116 xuất khẩu. Nhằm tăng cường công tác quản lý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và các cơ quan khác trong việc quản lý và cấp phép cho từng chủng loại hàng hóa. Bộ trưởng Malaythong cho biết, Bộ cũng sẽ hướng dẫn và khuyến khích các Sở Công Thương địa phương tham gia việc thực thi, giám sát và chia sẻ ý tưởng về các quy định mới này.
Nhiều thách thức trong việc kiểm soát hoạt động khai thác mỏ
Ngày 08/11/2023, trả lời chất vấn của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Phoxay Sayasone cho biết, công tác phát triển các cơ chế quản trị, thực thi việc quản lý, giám sát và thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác mỏ hiện gặp nhiều thách thức. Thách thức chính của các nội dung này là tình trạng thiếu hụt nhân sự tại Bộ. Các kế hoạch đào tạo cần được cập nhật thứ tự ưu tiên và trọng tâm, trong khi việc phi tập trung hóa công tác quản lý cũng như phân quyền cho các địa phương cần được nhân rộng, đồng thời việc kiểm tra, giám sát, đánh giá cần phải được thực hiện nhanh chóng nhằm phòng ngừa các rủi ro.
Theo Bộ trưởng, khảo sát cung cấp thông tin cơ bản về tình hình địa chất, khoáng sản và đánh giá tiềm năng trên cả nước vẫn chưa thể được thực hiện, Bộ đã lập kế hoạch xin ngân sách từ Chính phủ. Chính phủ, thông qua Bộ Năng lượng và Mỏ cũng đã điều chỉnh các luật, nghị định về hoạt động khai thác khoáng sản để phù hợp và hiệu quả hơn. Nghị định về việc xử phạt và các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm, và nghị định về khai thác khoáng sản hiếm dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024 và 34 văn bản pháp quy khác cũng sẽ được triển khai. Chính phủ cũng sẽ nỗ lực giải quyết các khoản nợ tích lũy liên quan đến các dự án khai khoáng, phí tô nhượng và vốn đối ứng trong hợp đồng. Bộ Năng lượng và Mỏ hi vọng 33 nghiên cứu khả thi về kinh tế và kỹ thuật đối với việc tô nhượng các dự án khoáng sản sẽ được hoàn thành năm 2025. Đến nay, đã có 24 công ty với 50 dự án đã hoàn thành công tác nghiên cứu khả thi này.
Theo dự tính, Lào sẽ thu được 7,832 tỷ USD giá trị khoáng sản khai thác được trong giai đoạn 2021-2025, tăng 4% so với 5 năm trước đó. Hoạt động khai thác khoáng sản được Chính phủ Lào cho phép các công ty trong và ngoài nước bắt đầu thực hiện từ năm 1990 với ít nhất 570 vị trí trên cả nước. Trong giai đoạn 2021-2025, Lào cần tăng cường sản xuất nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường. Các đơn vị khai khoáng phải thuê công ty tư vấn để đảm bảo đúng luật và các yêu cầu khai thác mỏ như độ ổn định của đất, thu hồi lượng bụi phát ra, đảm bảo thông thoáng khí, tránh ô nhiễm nguồn nước và kiểm soát xói mòn. (Vientiane Times, 09/11/2023)
Bộ Tài chính trình dự thảo điều chỉnh Luật Kế toán trước Quốc hội
Ngày 15/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Santiphab Phomvihane đã trình Dự thảo điều chỉnh Luật Kế toán lên Quốc hội và cho biết, dự thảo điều chỉnh luật này nhằm tăng cường công tác thu ngân sách, đảm bảo sử dụng ngân sách đúng kế hoạch, minh bạch và có thể kiểm chứng dễ dàng, với các nội dung được điều chỉnh một cách rõ ràng, hoàn thiện, đặc thù, giúp quản lý và giám sát các hoạt động tài chính, kế toán của các cơ quan đơn vị nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc giúp hệ thống kế toán đạt hiệu quả hơn, dự thảo luật điều chỉnh này cũng sẽ hỗ trợ việc chuyển đổi phát triển kinh tế - xã hội Lào về nhiều mặt, giúp Lào tương thích với sự phát triển kinh tế của khu vực và quốc tế. Các doanh nghiệp được yêu cầu phải đảm bảo các tài khoản chính xác và hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống kế toán theo các phương thức kỹ thuật số tích hợp, phù hợp với luật Kế toán và các luật khác.
Dự thảo luật gồm 10 phần, 12 chương và 89 điều, trong đó có 67 điều được sửa đổi và 1 điều hoàn toàn mới. Khi được thông qua và ban hành, dự thảo luật điều chỉnh này sẽ trở thành cơ sở cho việc đặt ra các chính sách khuyến khích và tăng động lực cho các cơ quan Chính phủ trong việc giữ các sổ sách kế toán luôn đầy đủ và cập nhật. Ngoài ra, cũng tại dự thảo luật mới, việc có 2 hoặc nhiều sổ kế toán theo cách truyền thống sẽ bị hủy bỏ để hạn chế các sai sót kế toán phổ biến, qua đó sổ sách kế toán có thể được sử dụng như một cơ sở vững chắc cho việc quản lý thu chi ngân sách nhà nước.
Kế toán viên tại cả khu vực công và tư đều được yêu cầu tăng cường kiến thức, tiêu chuẩn công việc nhằm giúp thực hiện các báo cáo tài chính một cách minh bạch, cập nhật và có thể dễ dàng kiểm tra, đồng thời giúp xây dựng sự tin cậy đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Để đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước và nhân dân được đảm bảo, các cán bộ làm việc trong lĩnh vực tài chính, quản lý và kế toán cần phải tận tâm với công việc và tuân thủ pháp luật. (Vientiane Times, 17/11/2023)
Chính phủ chú ý đến hoạt động khai thác đất hiếm để thu ngoại tệ
Từ ngày 23 - 24/11/2023, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã chủ trì cuộc họp định kỳ hàng tháng tại thủ đô Vientiane với sự tham dự của các thành viên Chính phủ. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về việc thí điểm một dự án phát hành “token” về đất hiếm tại Lào để thu về nhiều ngoại tệ hơn trong bối cảnh nước này đang gặp khó khăn về kinh tế và tài chính. (Token: một dạng chữ ký số hoặc tiền số theo công nghệ chuỗi khối - blockchain, theo đó sẽ đại diện cho một vật phẩm trong thế giới thực).
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ cũng đang cân nhắc khả năng thành lập một ủy ban và soạn thảo các luật, quy định cần thiết để quản lý dự án thí điểm này nếu được tiến hành thực tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải thực hiện một nghiên cứu kỹ lưỡng về kế hoạch này, bao gồm cả triển vọng thị trường và xem xét các bài học rút ra từ hoạt động khai thác thí điểm trong những năm qua để tránh thiệt hại kinh tế cho quốc gia. Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Sonexay đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh việc soạn thảo chiến lược về đất hiếm hoặc kim loại quan trọng và các khoáng sản khác để đảm bảo quản lý hợp lý, hiệu quả các hoạt động khai thác mỏ ở Lào.
Thuật ngữ đất hiếm dùng để chỉ một nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong sản xuất điện thoại di động, ổ cứng máy tính và xe lửa, đồng thời cũng rất quan trọng đối với các công nghệ xanh bao gồm các tua-bin gió và xe điện. Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, chiếm 70% lượng đất hiếm được khai thác toàn cầu vào năm 2022. Vì nhu cầu đất hiếm ngày càng cao trên toàn cầu, Chính phủ Lào đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo Lào được hưởng lợi hoàn toàn từ việc khai thác các mỏ đất hiếm tại Lào.
Ngoài ra, cũng tại cuộc họp Chính phủ tháng 11, các bộ ngành liên quan đã được yêu cầu xử lý các vấn đề cấp bách và triển khai các biện pháp nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính mà Lào đang phải đối mặt. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là ổn định tỷ giá hối đoái, hiện đại hóa hệ thống thu ngân sách để tăng thu ngân sách và thúc đẩy xuất khẩu. Chính phủ đang nỗ lực đảm bảo rằng doanh thu từ xuất khẩu được thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng Lào để có nhiều ngoại tệ hơn cho ngân sách.
Chính phủ đã nhắc lại việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ và các loại hàng hóa có thể sản xuất trong nước. Các cơ quan Chính phủ được yêu cầu chấn chỉnh tình trạng quan liêu và cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Các ngành có trách nhiệm cần thanh tra các dự án đầu tư kém hiệu quả, không triển khai hoạt động hoặc đang có ý định bán lại cho nhà đầu tư khác. (Vientiane Times, 27/11/2023)

Lào xem xét tăng thuế VAT để tăng nguồn thu ngân sách
Ngày 31/10/2023, KPL đưa tin Bộ Tài chính Lào đang cân nhắc việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 10% từ mức 7% trong nỗ lực tăng nguồn thu của Chính phủ và hỗ trợ nền kinh tế quốc gia sau khi thuế VAT đã được giảm xuống 7% kể từ ngày 01/1/2022 vừa qua. Bộ đã chỉ ra một số yếu tố có lợi cho việc tăng thuế VAT, bao gồm cả thực tế là giá trị hiện tại không có hiệu quả trong việc kích thích nền kinh tế như dự đoán. Số lượng doanh nghiệp đăng ký theo Luật thuế giá trị gia tăng hiện thấp hơn dự kiến, Chính phủ cần tăng nguồn thu để giảm thâm hụt ngân sách và ổn định đồng tiền Kíp Lào.
Dự thảo luật mới nhằm tăng thuế suất VAT dự kiến sẽ được hoàn thiện trong năm nay và có hiệu lực vào đầu năm 2024. Ngoài việc tăng thuế suất VAT, Bộ cũng đang xem xét các biện pháp khác để cải thiện hệ thống thuế, bao gồm đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế hoàn trả cho doanh nghiệp các khoản thuế họ đã nộp thay vì miễn thuế, giúp giảm tổn thất tài chính của Chính phủ thông qua việc miễn thuế đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương. Chính phủ cũng đang xem xét lại hệ thống thanh kiểm tra (tài chính) để xác định nội dung nào cần được ưu tiên thực hiện và nội dung nào có thể giảm bớt hoặc loại bỏ. (Tổng hợp từ KPL, 31/10/2023 và Laotian Times, 27/10/2023)
Cơ quan thanh tra nhà nước đề xuất hủy kiểm tra 1.796 dự án phát triển
Ngày 09/11/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 9 đang diễn ra, Chủ tịch Cơ quan Thanh tra Nhà nước (SAI) Khamphanh Phommathat đã đề xuất giải pháp cho 1.796 dự án phát triển đang bị vướng mắc. Theo đó, ông cho rằng các dự án này không cần phải tiến hành thanh tra thêm vì mục tiêu chính của việc kiểm tra của SAI là thúc đẩy việc thương lượng nhằm giảm chi phí dự án, trong khi thực tế, không thể hạ thấp chi phí của các dự án này và cũng không tương xứng với chi phí cho việc thanh tra, do đó SAI đề nghị các bộ, ngành, địa phương và thủ đô Vientiane sở hữu các dự án phải chịu trách nhiệm lập kế hoạch thanh toán theo các công việc đã hoàn thành trên thực tế.
Ông Khamphanh đề nghị một số dự án cần phải thực hiện điều chỉnh như trừ giá trị chưa thực hiện khỏi tổng giá trị của một số dự án; thu hồi số tiền thanh toán thừa cho các công ty và các khoản thuế còn nợ nhà nước; nộp văn bản đề xuất giá trị của dự án nằm ngoài kế hoạch đã được thẩm định giá trị thực tế và trình hội đồng phê duyệt phương án tiếp tục thanh toán cho nhà thầu thi công. SAI sẽ tiếp tục điều tra trách nhiệm đối với các chủ dự án đã thanh toán cho nhà thầu nhiều hơn chi phí xây dựng thực tế theo Nghị quyết Quốc hội.
Chủ tịch SAI cũng đề xuất, dựa trên thực tế là công tác thanh toán cho các dự án sẽ kéo dài nhiều năm, cộng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, càng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thì các bên càng phải bám sát giá trị đã được thỏa thuận trong hợp đồng để làm căn cứ thanh toán, hạn chế việc đàm phán để thực hiện việc giảm giá thanh toán cho dự án. SAI đã chủ động triển khai kế hoạch công tác năm 2023 và gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực như thanh tra việc thu ngân sách từ các dự án thăm dò, xuất khẩu khoáng sản, dẫn tới đã nộp bổ sung cho ngân sách nhà nước tiền thuế là 548 tỷ Kíp và 97 triệu USD. Việc bồi thường cho những người bị thiệt hại sau vụ vỡ đập Xepien-Xenamnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu cũng được thanh tra và đánh giá chưa đạt mục tiêu đề ra. Các hộ gia đình phải di dời do tác động của việc xây dựng đường sắt Lào-Trung, với 1,552 tỷ Kíp đã được trả cho 6.073 gia đình cũng được SAI tiến hành kiểm tra.
Cảnh báo các doanh nghiệp tiền số sẽ bị phạt và thu hồi giấy phép nếu không hoạt động
Ngày 09/11/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Chính phủ sẽ đình chỉ hoạt động, phạt và thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác và mua bán tiền số không đáp ứng được các thỏa thuận đã ký. Trước đó, để tìm nguồn thu ngân sách mới, Chính phủ Lào đã cho phép 15 doanh nghiệp thực hiện thí điểm việc kinh doanh các tài sản điện tử liên quan đến việc khai thác và mua bán tiền số. Trong số này, có hai công ty hầu như không có hoạt động gì, một số khác thì chậm thanh toán phí cho Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác đã có tiến bộ và nộp các khoản thu đáng kể cho ngân sách.
Các khoản nợ chưa thanh toán trị giá khoảng 20 triệu USD (415,3 tỷ Kíp), một phần do giá trị tiền số (đồng bitcoin) trên thị trường toàn cầu đã mất tới hơn 50% so với khi Chính phủ định giá. Do đây là khoản thanh toán dựa trên giá trị toàn cầu, nghĩa là giá tăng thì khoản thanh toán sẽ tăng, Chính phủ Lào đã xem xét và quyết định giảm khoản thanh toán xuống 50%. Điều này đã gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và họ đã thanh toán dần các khoản nợ, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục giám sát và theo dõi các đơn vị kinh doanh này. Đơn vị nào không hoạt động, không hoàn thành các nghĩa vụ đã được thỏa thuận với Chính phủ sẽ bị đình chỉ hoạt động, bị phạt hoặc bị thu hồi giấy phép theo các luật hiện hành.
Cho đến nay, lĩnh vực thí điểm này đã mang lại cho ngân sách của Lào hơn 390 triệu USD (tương đương hơn 8.101 tỷ Kíp). Trong số này, lệ phí bản quyền trị giá khoảng 7 triệu USD (tương đương 145,4 tỷ Kíp), thuế 23,86 triệu USD (hơn 495,4 tỷ Kíp), tiền điện trả cho công ty điện lực Lào (EDL) trị giá hơn 359,96 triệu USD (hơn 7.476 tỷ Kíp).
Tình hình kim ngạch Việt Nam-Lào 10 tháng đầu năm 2023
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào luỹ kế hết tháng 10 đầu năm 2023 đạt hơn 1,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể như sau:
Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 441,9 triệu USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 38.3 triệu USD, tăng 20.6%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 36.7 triệu USD, giảm 29.7%); Sắt thép các loại (đạt 31.7 triệu USD, giảm 41%); Sản phẩm từ sắt thép (đạt 31.2 triệu USD, giảm 11.3%); Hàng rau quả (đạt 23.4 triệu USD, giảm 54.8%); Phân bón các loại (đạt 16.4 triệu USD, giảm 42.9%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 12.4 triệu USD, giảm 13.2%); Sản phẩm gốm, sứ (đạt 11.6 triệu USD, tăng 27.3%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 11.2 triệu USD, giảm 19.1%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (đạt 7.4 triệu USD, tăng 16.4%); Hàng dệt, may (đạt 6.6 triệu USD, giảm 29.5%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 6.2 triệu USD, giảm 17.5%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 5.5 triệu USD, tăng 4.7%); Sản phẩm hóa chất (đạt 4 triệu USD, tăng 24.9%); Clanhke và xi măng (đạt 3.8 triệu USD, tăng 34.8%); Kim loại thường khác và sản phẩm (đạt 3.2 triệu USD, giảm 25.2%); Cà phê (đạt 649.2 nghìn USD, giảm 17.2%).
Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 888,4 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: Cao su (đạt 139.8 triệu USD, giảm 27.8%); Phân bón các loại (đạt 83.2 triệu USD, tăng 4%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 81.7 triệu USD, giảm 30%); Ngô (đạt 25.4 triệu USD, tăng 12.8%); Hàng rau quả (đạt 6.9 triệu USD, tăng 31.7%); Kim loại thường khác (đạt 633.6 nghìn USD, tăng 402.8%). (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Hãng taxi điện GSM Việt Nam chuẩn bị lăn bánh lần đầu tiên tại Lào
Ngày 03/11/2023, facebook báo Pasaxon Lào đưa tin, những chiếc taxi điện đầu tiên của công ty Green and Smart Mobility (Di chuyển Xanh và Thông minh - GSM) đã hoàn thành công đoạn chuẩn bị cuối cùng và sẵn sàng phục vụ tại thị trường Lào. Trước đó, cuối tháng 10/2023 chiếc taxi điện Xanh SM đầu tiên của GSM đã chính thức đến thủ đô Vientiane, là điểm đến đầu tiên của kế hoạch bước vào thị trường nước ngoài của GSM.
Xe ô tô điện VinFast VF 5 Plus đã có mặt tại trụ sở chính của GSM tại đường Kaisone Phomvihan, làng Phakhao, huyện Xaythany, thủ đô Viêng Chăn. Theo thông báo, bước đầu GSM đã nhập 152 chiếc xe điện VinFast vào thị trường Lào để chính thức cung cấp dịch vụ taxi điện Xanh SM. Công tác lắp đặt biển số cho các xe taxi điện Xanh SM đã hoàn tất. Hệ thống điểm sạc đã được lắp đặt và hoạt động.
Mặc dù mới bước vào thị trường Lào nhưng GSM là công ty có điểm sạc và đầu sạc cho xe điện lớn nhất tại Viêng Chăn. Là một doanh nghiệp có tiếng tại Việt Nam, Taxi Xanh SM đã nhận được sự tin tưởng từ người dân trong "xứ sở Triệu Voi" trong việc triển khai dòng xe điện VinFast nổi tiếng. Những chiếc xe điện Xanh SM lần đầu tiên đến Lào sẽ có màu xanh nổi bật. Theo kế hoạch, Xanh SM sẽ đưa sang Lào đến 1.000 chiếc VF 5 Plus và VF e34. Bước đầu tại thị trường Lào, công ty sẽ phát triển dịch vụ taxi điện, tiếp theo sẽ phát triển hệ sinh thái dịch vụ toàn diện như dịch vụ cho thuê xe điện, đặt xe, du lịch, đặt xe cá nhân tương tự như tại Việt Nam.
Người tiêu dùng ở Lào khá cởi mở với các dòng xe điện và hiện nay tại Lào chưa có hãng taxi điện đạt tiêu chuẩn quốc tế nào, do đó Xanh SM sẽ có nhiều cơ hội để trở thành công ty dẫn đầu tại thị trường quốc tế đầu tiên của mình.
Các chuyên gia tin rằng với sản xuất xe chất lượng, không gây ồn, không phát thải và dịch vụ tốt, XanhSM sẽ từng bước xây dựng nhu cầu sử dụng những chiếc xe xanh, thông minh và thân thiện với môi trường trong cuộc sống hàng ngày tại Lào. Trước đây, tại Việt Nam, Xanh SM đã thành công tạo sự thay đổi lớn cho người tiêu dùng Việt Nam. Hơn sáu tháng kể từ ngày ra mắt, Xanh SM hiện đã ra mắt tại 20 tỉnh, thành phố, di chuyển hơn 35 triệu km không khí thải CO2, tương đương 1 triệu cây xanh tổng hợp O2 từ ánh sáng mặt trời trong 100 ngày và đóng góp 4 tỷ đồng vào quỹ "Vì một tương lai xanh" của Vingroup.
Cùng với thị trường Lào, trong tương lai gần, taxi XanhSM dự kiến sẽ có mặt tại các nước Đông Nam Á khác, giúp phát triển hệ thống giao thông bền vững cũng như xây dựng hệ sinh thái xanh cho khách hàng của các nước khu vực.

Lào - Trung Quốc
Trung Quốc trở thành nhà đầu tư đứng đầu tại Lào
Ngày 13/11/2023, báo cáo tại cuộc họp giữa các quan chức chính phủ Lào và các nhà điều hành doanh nghiệp Trung Quốc tại Viêng Chăn do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjane Vongphosy và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào, ông Wang Chang chủ trì, cho biết các công ty Trung Quốc hiện đang đầu tư hơn 900 dự án phát triển ở Lào với tổng số vốn hơn 13 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư đứng đầu tại Lào. Buổi làm việc cũng đã lắng nghe các báo cáo về những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời hai bên cùng nhau chia sẻ quan điểm và thảo luận các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng Khamjane cho biết, Chính phủ Lào hiện đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để hoạt động kinh doanh được dễ dàng, minh bạch và nhanh chóng hơn nhằm tạo lợi ích tối đa cho Lào và các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc. Ông cho biết thêm, cuộc gặp là cột mốc quan trọng trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư cho các hoạt động kinh doanh, thương mại và dịch vụ của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Lào thành công, đáp ứng các mục tiêu đặt ra về chất lượng cũng như tạo thêm việc làm cho người dân Lào. Hiện các công ty Trung Quốc đang tham gia vào các lĩnh vực ở Lào như đường sắt, tài chính, điện, nông nghiệp và lâm nghiệp, khai thác mỏ, cải thiện chính sách, pháp luật và một số lĩnh vực khác. Theo Bộ trưởng Khamjane, những đề xuất cải tiến đã được đưa ra trong cuộc họp để các cơ quan liên quan xem xét, tìm ra giải pháp khắc phục các vấn đề gặp phải, để mọi hoạt động đều được thực hiện theo đúng quy định.
Bên cạnh là nước có giá trị đầu tư cao nhất, Trung Quốc hiện cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Lào. Năm 2022, bất chấp suy thoái kinh tế do đại dịch Covid gây ra, giá trị thương mại giữa Lào và Trung Quốc vẫn tăng 31%. Cùng năm, 30 công ty Trung Quốc đã sở hữu hoặc nắm giữ các nhượng quyền hoạt động trị giá 339 triệu USD, trong đó bao gồm 18 dự án khai thác mỏ, một dự án năng lượng, ba dự án tư vấn, sáu dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, một dự án y tế công cộng và hai dự án trong các lĩnh vực khác. (Vientiane Times, ngày 16/11/2023)
Trung Quốc xuất khẩu thêm nhiều xe máy điện sang Lào
Ngày 01/11/2023, KPL đưa tin, Trung Quốc gần đây đã xuất khẩu xe máy điện (EV) sang Lào và kỳ vọng sẽ trở thành lá cờ đầu chia sẻ thị trường Lào. Trả lời phỏng vấn KPL, bà Lin Shaohua, Phó Chủ tịch huyện Cảng Bắc (Gangbei), thành phố Quý Cảng (Guigang), tỉnh Quảng Tây cho biết, năm 2023, xe máy điện sản xuất tại địa phương này đã được trưng bày tại Lào, Singapore, Philippines và một số quốc gia khác để giới thiệu cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Bà cho biết, hiện các công ty tại Cảng Bắc đã sản xuất hơn 100 mẫu xe như xe đạp điện, xe máy điện và xe máy điện tốc độ cao kể từ khi Cơ sở sản xuất xe điện mới Trung Quốc-ASEAN được thành lập vào năm 2015 tại đây. Hiện các doanh nghiệp tại trung tâm này như Emma, Luyuan, Tailg, Lima, Zuboo và OPAI… đang tìm cách tăng xuất khẩu xe máy điện sang khu vực ASEAN. Theo báo cáo hàng năm, các doanh nghiệp này đã sản xuất hơn 5 triệu xe điện hai bánh, 500.000 xe điện ba bánh và 5 triệu bộ phận xe điện.
Bà Shaohua cho biết: “Cơ sở sản xuất xe điện mới Trung Quốc-ASEAN đã trở thành một trong những cụm công nghiệp xe điện lớn ở Trung Quốc, với các sản phẩm được bán ở các nước ASEAN và các nước khác”. Năm 2022, giá trị thương mại xe điện của cơ sở này đạt hơn 8,7 triệu USD, với các thị trường chính như Thái Lan, Ấn Độ, Hà Lan, Nepal, Peru, Costa Rica và Madagascar.
Sân bay Bokeo bắt đầu khai thác các chặng quốc tế từ cuối năm 2023
Ngày 07/11/2023, Vientiane Times đưa tin, sân bay quốc tế Bokeo, tọa lạc tại huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo, dự kiến sẽ bắt đầu các chuyến bay quốc tế vào cuối năm nay sau khi các công tác xây dựng đã gần hoàn tất. Hiện nay, sân bay này chỉ có các chuyến bay khứ hồi quốc nội từ thủ đô Vientiane đến Bokeo trong các ngày thứ Hai, Tư và Bảy hàng tuần.
Tổng giá trị xây dựng của sân bay trị giá 175 triệu USD do công ty Greater Bay Area Investment tại Hongkong, Trung Quốc, một thành viên của tập đoàn Dok Ngiew Kham, là chủ đầu tư theo hình thức BOT trong thời hạn 50 năm. Các công việc hiện đang được hoàn thiện bao gồm: trang trí nội thất, lắp đặt các thiết bị cần thiết. Quá trình xây dựng đã bắt đầu từ tháng 9/2020 với các cấu phần đường băng, đường dẫn và bãi đỗ máy bay, tiếp theo là nhà ga hành khách và các hạng mục khác hiện đã gần hoàn tất.
Dự án sân bay mới này được xây dựng để chuẩn bị cho lượng khách du lịch ngày càng tăng đến địa phương, đặc biệt là Đặc khu kinh tế Tam giác vàng với nhiều địa điểm vui chơi giải trí thu hút du khách từ Trung Quốc. Sân bay được xây dựng gần đặc khu, có tổng diện tích 300 ha, là sân bay thứ hai của tỉnh Bokeo. Sân bay đầu tiên hiện ở huyện Huayxai, trung tâm hành chính của tỉnh chỉ có thể đón các máy bay cỡ nhỏ. Sân bay mới được thiết kế để có thể đón các máy bay loại to hơn như Boeing 747 hoặc Airbus 320. Nhà ga hành khách có thể phục vụ 600 khách cùng lúc hoặc 1,5 đến 2 triệu du khách mỗi năm khi hoạt động hết công suất.
Lào - Thái Lan
Bộ trưởng Ngoại giao Lào - Thái thảo luận về cầu đường sắt nối hai nước
Ngày 30/10/2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã có cuộc gặp người đồng cấp Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara tại thủ đô Vientiane và trao đổi về việc xây dựng cầu đường sắt qua sông Mekong giữa Vientiane, Lào và Nong Khai ở Thái Lan. Hai bên cũng thảo luận về việc mở rộng tuyến đường sắt xuyên biên giới từ Nong Khai đến ga Khamsavath (Vientiane), nhằm thúc đẩy du lịch và tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Lào, hai bên nhất trí khuyến khích các bộ ngành liên quan xem xét các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương bằng cách dỡ bỏ các rào cản thương mại hiện có và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của mỗi bên, tăng cường du lịch giữa Lào và Thái Lan thông qua việc sử dụng ga xe lửa Khamsavath (thủ đô Vientiane) mới được khánh thành, đặc biệt là trong Năm Du lịch Lào 2024. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về việc hoàn thành việc phân định biên giới và các nỗ lực chung nhằm giảm ô nhiễm không khí ở khu vực biên giới do hoạt động đốt rơm rạ, đồng cỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hai Bộ cũng sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng của nhau nhằm mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế ở hai nước.
Tại cuộc hội đàm, hai đoàn đại biểu bày tỏ cam kết tăng cường tình hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục các cam kết, thỏa thuận trước đây giữa hai bên, trong đó có Kế hoạch hành động 2022-2026 về quan hệ đối tác chiến lược vì sự tăng trưởng và phát triển bền vững của hai nước, đưa kết quả các cuộc họp do Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Song phương và Ủy ban Biên giới chung Thái-Lào tổ chức vào thực tiễn. Hai bên cũng xem xét nhiều khía cạnh hợp tác trước đây trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Trong những năm qua, Lào và Thái Lan đã hợp tác trong các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư, cầu đường, xây dựng cầu đường sắt, năng lượng, lao động, tài nguyên thiên nhiên và môi trường cũng như các lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Saleumxay thông báo tại cuộc họp về tiến độ chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN của Lào vào năm tới. Ông cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thái Lan đã tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Lào phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và bày tỏ hy vọng Thái Lan sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Lào trong tương lai, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN của Lào trong năm 2024.
Về phần mình, ông Parnpree Bahiddha-Nukara bày tỏ sự vui mừng và biết ơn trước sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ông và phái đoàn. Ông cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Lào và khuyến khích các cơ quan hữu quan của Chính phủ Thái Lan thực hiện các thỏa thuận song phương cũng như hỗ trợ Lào trong thời gian tới, đặc biệt là trong thời gian nước này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm tới. (Vientiane Times, 1/11/2023)
Thái Lan giảm lệ phí giấy phép lao động cho người từ Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar
Ngày 31/10/2023, trang Laotian Times đưa tin, Chính phủ Thái Lan vừa ban hành thông báo chính thức quy định mức phí mới cho việc kiểm tra và cấp phép lao động cho người lao động nước ngoài từ Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam nhằm thúc đẩy lao động hợp pháp, giải quyết tình trạng nhập cư phi pháp và ổn định thị trường lao động trong nước, đồng thời cũng sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể, mức phí thị thực mới là 500 THB (khoảng 13,84 USD), giảm từ 2.000 THB (55,36 USD). Phí đăng ký lưu trú tạm thời cũng đã giảm từ 1.900 THB (52,60 USD) xuống còn 500 THB.
Động thái này, được đưa ra tại một quyết định cấp bộ trưởng vào ngày 27/10, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/11, kéo dài 4 năm, áp dụng đối với người lao động nước ngoài từ bốn quốc gia này vào Thái Lan để làm việc dựa trên hợp đồng lao động hoặc Biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến việc tuyển dụng lao động. Chính phủ Thái Lan hy vọng rằng mức phí mới sẽ khuyến khích nhiều lao động nước ngoài hợp pháp hóa việc làm của họ khi vào nước này, đảm bảo rằng họ được bảo vệ theo luật lao động của Thái Lan và đóng góp cho hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Tính đến hết tháng 9/2023, Thái Lan có tổng cộng 2.593.439 lao động nước ngoài. Nước này, cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, là điểm đến phổ biến cho người dân Lào đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, có mức thu nhập khá hơn khi quốc gia này tiếp tục phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, chi phí sinh hoạt tăng, đồng Kíp mất giá và mức lương tối thiểu thấp.
Cầu hữu nghị Lào - Thái số 5 đạt 80% tiến độ, dự kiến khánh thành năm 2024
Ngày 29/11/2023, Vientiane Times trích dẫn thông tin từ truyền thông Thái Lan cho biết, cầu hữu nghị Lào-Thái thứ 5 bắc qua sông Mekong, nối tỉnh Bueng Kan của Thái Lan với tỉnh Bolikhamxay ở miền trung Lào hiện đã hoàn thành 80% và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Tại chuyến thị sát công tác xây dựng hôm 27/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan Manaporn Charoensri cho biết chiếc cầu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, con người và dịch vụ, đồng thời tăng giá trị trao đổi thương mại giữa Thái Lan, Lào và Việt Nam từ “hàng tỷ baht lên hàng chục tỷ baht”.
Cây cầu cùng với các đường dẫn có chiều dài 16,18 km, trong đó 12,13 km ở Thái Lan và phần còn lại ở Lào, là một phần của tuyến giao thông đường bộ mới đi qua các tỉnh Nong Khai, Bueng Kan, Nakhon Phanom và Sakhon Nakhon (phía Thái Lan). Khi thông xe, sẽ có thêm nhiều phương tiện sử dụng tuyến đường này nên các lộ tuyến tiếp cận cầu bằng đường một chiều hiện tại sẽ phải được nâng cấp và chuyển thành đường hai chiều.
Kế hoạch xây dựng cây cầu lần đầu tiên được đề ra vào năm 2014. Thiết kế của công trình đã được Chính phủ hai nước Lào và Thái Lan phê duyệt vào năm 2018 và việc xây dựng bắt đầu vào tháng 1 năm 2021. Chính phủ Lào đã bảo lãnh cho khoản vay 1,38 tỷ baht từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Kinh tế Các nước Láng giềng Thái Lan (NEDA) để xây dựng phần cầu phía Lào, trong khi Thái Lan chịu trách nhiệm xây dựng bên phía mình. Hợp phần phía Lào của dự án bao gồm xây dựng cầu ở phía Lào, đường dẫn lên cầu, khu văn phòng hải quan và nhập cảnh cũng như các công trình khác.
Hiện nay, có bốn cầu kết nối giữa Lào và Thái Lan qua sông Mekong. Cầu thứ nhất được xây dựng để kết nối thủ đô Vientiane và tỉnh Nong Khai, cầu thứ hai nối các tỉnh Savannakhet và Mukdahan, tuyến thứ ba nối các tỉnh Khammuan và Nakhon Phanom và tuyến thứ tư nối Bokeo và Chiang Khong.
Lào - Hàn Quốc
Lào - Hàn quốc hợp tác để đơn giản hóa thủ tục chuyển tiền xuyên quốc gia
Ngày 31/10/2023, trang Laotian Times đưa tin, Lào và Hàn Quốc đang hợp tác triển khai một dự án thí điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển tiền xuyên quốc gia cho người lao động Lào ở nước ngoài và người lao động nước ngoài tại Lào trong bối cảnh lao động Lào ở nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn khi cần chuyển tiền về quê nhà, bao gồm khó khăn khi mở tài khoản ngân hàng nước ngoài, thủ tục chứng từ chuyển tiền phức tạp và chi phí chuyển tiền cao, khiến họ phải sử dụng các kênh chuyển tiền trái phép và thường có rủi ro, phố biến là tỷ giá hối đoái không thuận lợi và những kẻ môi giới thiếu đạo đức gây tổn hại đến lợi ích của lao động Lào ở nước ngoài.
Trước những bất cập này, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đã phối hợp với Ngân hàng CHDCND Lào nghiên cứu các cơ chế, công cụ và kênh thanh toán hiệu quả nhằm tạo ra một hệ thống thuận tiện hơn cho người lao động gửi tiền về Lào qua ngân hàng. Hệ thống này sẽ không chỉ đơn giản hóa quy trình mà còn cho phép Chính phủ giám sát các giao dịch, thu thập dữ liệu và xây dựng các chính sách cũng như quy trình quản lý tiền tệ hiệu quả hơn. Được thực hiện thông qua quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Ngoại thương Lào và Công ty Mạng lưới khách hàng thân thiết toàn cầu (GLN) của Hàn Quốc, một dự án thí điểm bước đầu sẽ áp dụng cho các lao động tại thị trường Hàn Quốc, tương lai sẽ mở rộng mô hình này sang các nước như Thái Lan và Nhật Bản.
Quan hệ hợp tác này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới cải thiện quản lý tài chính cho lao động Lào ở nước ngoài và lao động nước ngoài tại Lào, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các hệ thống ngân hàng chính thức, tăng cường ổn định tiền tệ và giảm những rủi ro tiềm ẩn trong quản lý nhà nước (về tài chính, tiền tệ) có thể tác động xấu đến nền kinh tế quốc gia của Lào.
Hàn Quốc tiếp nhận lao động Lào làm nông nghiệp và nghề cá
Ngày 07/11/2023, lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Lao động – Phúc lợi Xã hội Lào và quận Goe-san (Hòe Sơn) thuộc tỉnh Chungcheong Bắc, Hàn Quốc đã diễn ra tại thủ đô Vientiane. Ông Song In-heon, quận trưởng quận Goe-san cho biết, hiện địa phương đang cần những lao động có tay nghề. Nhiều doanh nghiệp công – nông nghiệp tại Hàn Quốc cũng có nhu cầu lao động Lào, đồng thời hai bên cũng cần tăng cường hợp tác về lao động trong các lĩnh vực như thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch và môi trường. Theo ông Song, hiện nay Chính phủ Hàn quốc đang đề nghị Lào tăng lượng lao động làm việc tại Hàn quốc trong hai lĩnh vực nông nghiệp và nghề cá, ngoài mảng công nghiệp như hiện nay.
Việc ký MOU nói trên nhằm giúp đảm bảo sự minh bạch, đối xử công bằng đối với các lao động Lào đang và sẽ làm việc tại Hàn Quốc khi bất kỳ sự vi phạm hợp đồng lao động nào cũng có thể dẫn đến việc hủy bỏ và trả lao động về nước. Hiện nay, nhiều lao động Lào đã tìm được việc làm ở Hàn quốc thông qua hệ thống cấp phép lao động (EPS) theo các hợp đồng từ 3-5 năm (cho công nhân tại các nhà máy), hoặc các hợp đồng mùa vụ từ 3-6 tháng (đối với lao động nông nghiệp). Các ứng viên đều phải hoàn tất khóa tiếng Hàn cơ bản và nằm trong độ tuổi từ 18 đến 39.
Vụ trưởng Vụ Việc làm, Bộ Lao động Phúc lợi Xã hội Lào Anousone Khamsingsavath cho biết, Bộ đã ký thỏa thuận vào năm 2022 để cung cấp lao động thời vụ cho 47 địa phương tại Hàn Quốc, sau khi đã có 2.131 người đến làm việc tại các nơi này, bao gồm 989 phụ nữ. Lao động người Lào sẽ được học các kỹ năng làm việc mới, kiếm được nguồn thu nhập khá để giúp đỡ gia đình, đồng thời đóng góp cho đất nước cũng như hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các địa phương Hàn Quốc.
Hiện nay, có khoảng 4.588 người Lào đang làm việc tại Hàn Quốc, với 1.169 người trong số đó đang làm việc tại các nhà máy thông qua hệ thống EPS. Lao động Lào đã bắt đầu sang Hàn quốc làm việc từ năm 2016 khi hai Chính phủ ký thỏa thuận hợp tác lao động. (Vientiane Times, 09/11/2023)
Hàn Quốc hỗ trợ Lào tăng cường kỹ năng vận hành cảng hàng không
Ngày 23/11/2023, Vientiane Times đưa tin, thông qua chương trình ESG+ Toàn cầu, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) đã tổ chức chương trình đào tạo An toàn hàng không và Quy hoạch tổng thể các sân bay tại thành phố Luang Prabang với sự tham dự của các cán bộ nhà nước và đại diện các hãng hàng không tại Lào. Khóa đào tạo nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động sân bay thông qua các tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng tại Hàn Quốc.
Chương trình đào tạo An ninh an toàn hàng không và các sân bay đã được triển khai lần đầu tiên tại Vientiane và Luang Prabang từ năm 2022 và tiếp tục vào năm nay với các buổi huấn luyện chuyên sâu về an toàn hàng không và quy hoạch tổng thể các cảng hàng không. Các diễn giả từ Công ty Cảng hàng không Hàn Quốc và Công ty Cơ khí Dowha đã chia sẻ các góc nhìn về tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), các quy định về điều hành sân bay và những hướng dẫn liên quan đến an toàn hàng không và quy hoạch tổng thể cho việc vận hành các sân bay.
Lào - Singapore
Nghiên cứu khả thi về trang trại điện gió tại tỉnh Savannakhet được chấp thuận
Ngày 17/11/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào vừa ký bản ghi nhớ hợp tác để triển khai việc nghiên cứu khả thi dự án trang trại điện gió và trạm biến áp 500kV tại tỉnh Savannakhet với công ty Đầu tư - Phát triển tài nguyên tái tạo Naseng-Wayo (Lào) và công ty UPC Vietnam (Singapore). Dự án nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện tại huyện Vilabouly, Atsaphon và Phin của tỉnh Savannakhet nhằm triển khai trang trại điện gió, trạm biến áp 500kV cho phép truyền tải điện cho các nước láng giềng.
Với kinh nghiệm về phát triển các dự án điện gió và khả năng tìm nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế, công ty UPC được kỳ vọng sẽ triển khai dự án với các yêu cầu cao nhất về môi trường và các tiêu chuẩn do ngân hàng ADB và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đề ra. Nếu được Chính phủ thông qua, dự án sẽ góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương, tạo ra nhiều việc làm cho người dân tỉnh Savannakhet, đồng thời biến Savannakhet trở thành một trong những trang trại điện gió lớn nhất, thực hiện mục tiêu biến Lào thành “pin” của khu vực và kết nối với lưới điện của khu vực ASEAN. Dự án cũng sẽ thúc đẩy phát triển ngành nông - lâm nghiệp, tăng tín dụng carbon của Lào và góp phần phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Lào - Pháp
Chính phủ nỗ lực hiện đại hóa nông nghiệp để đảm bảo an ninh thực phẩm, tăng cường sinh kế người dân
Ngày 03/11/2023, Vientiane Times đưa tin, tại phiên họp thứ 25 của Nhóm làm việc về Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại thủ đô Vientiane vừa diễn ra với sự chủ trì của Bộ Nông Lâm nghiệp Lao, Đại sứ quán Pháp tại Lào và tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tại Lào, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Thongphath Vongmany cho biết, Bộ có kế hoạch hiện đại hóa ngành nông nghiệp để tăng giá trị nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiệt chất lượng sống của người dân.
Thứ trưởng Thongphath đã nêu bật tầm quan trọng của Nhóm làm việc và đề nghị các đơn vị tham gia cùng đối thoại chân thành và tích cực về các vấn đề chính sách chủ yếu để tăng hiệu quả của ngành nông nghiệp và các nhóm ngành phụ. Theo Thứ trưởng, nông nghiệp và phát triển nông thôn là hai động lực phù hợp nhất để loại bỏ tình trạng đói nghèo một cách bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế xã hội của các thảm họa tự nhiên, biến đổi khí hậu và các cú sốc khác, bao gồm cả dịch bệnh. Việc hiện đại hóa ngành nông lâm nghiệp sẽ giúp Lào tăng năng suất sản xuất nông sản và giảm chi phí nhập nguyên liệu thô.
Đại sứ Pháp tại Lào Siv Leng-Chhuor nhấn mạnh việc cần phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để đạt mục tiêu này. Điều này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh và mở cánh cửa tài chính tư nhân cho các lĩnh vực ưu tiên, tăng độ tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp MSME và nâng cao tính bền vững và khả năng tín dụng của các tổ chức tài chính. Bà Đại sứ cho rằng, xác định được cách thức hợp lý để giúp các hộ nông nghiệp nhỏ và ngành kinh tế nông nghiệp, những người trả tiền để có sự tăng trưởng xanh, hưởng lợi từ chính sách này là rất quan trọng.
Hiện đại hóa nông nghiệp cũng là một trong số các chiến lược của Chính phủ Lào để tăng sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu, cân bằng dự trữ ngoại tệ và ổn định giá trị đồng Kíp. Nông sản là ngành xuất khẩu chính của Lào, do đó nông nghiệp được xem là có tiềm năng lớn để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Phet Phomphiphak trước Quốc hội vào tháng 7 vừa qua, Lào đã xuất khẩu hơn 870 triệu USD nông sản trong nửa đầu năm 2023. Các loại nông sản chính của Lào bao gồm: chuối, cao su, khoai mì, mía đường, trâu bò và Trung Quốc là thị trường chính của các loại sản phẩm này.
Lào - Mông Cổ
Tổng thống Mông Cổ thăm chính thức Lào, ký 7 thỏa thuận hợp tác
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào của Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa và Phu nhân theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, sáng ngày 06/11/2023, đại diện các cơ quan Chính phủ Lào và Mông Cổ đã ký 7 văn kiện hợp tác nhằm xây dựng mối quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch với sự chứng kiến của hai lãnh đạo.
Tại buổi gặp gỡ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa đã thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Hai bên cũng nhất trí hỗ trợ lẫn nhau trên trường khu vực và quốc tế vì lợi ích của cả hai nước và tích cực thu xếp các chuyến thăm viếng lẫn nhau của các phái đoàn cấp cao hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cảm ơn Mông Cổ đã hỗ trợ Lào trong thời gian qua, đặc biệt là việc Mông Cổ hỗ trợ nâng cấp Bệnh viện Lào-Mông Cổ tại tỉnh Xieng Khuang và tặng 1.050 con cừu vào năm 2018. Ông cũng thông báo với người đồng cấp Mông Cổ về chương trình kích cầu du lịch Năm Du lịch Lào 2024 cũng như việc Lào đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Lãnh đạo Lào đã kêu gọi các doanh nghiệp Mông Cổ đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng tại Lào, đặc biệt liên quan đến phát triển nông nghiệp, hậu cần và vận tải dọc tuyến đường sắt Lào-Trung.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Ukhnaa cũng gặp Thủ tướng Sonexay Siphandone để trao đổi sâu hơn về hợp tác song phương. Thủ tướng Lào đề nghị Tổng thống Mông Cổ tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư bằng cách sắp xếp để các doanh nghiệp của hai nước gặp gỡ và thảo luận về các mối quan hệ hợp tác tiềm năng. (Vientiane Times, 07/11/2023)

Lào - EU, Hoa Kỳ
Bộ Công Thương và các đối tác phát triển tìm phương thức để thúc đẩy đầu tư vào Lào
Ngày 23/11/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Công Thương Lào vừa tổ chức cuộc họp Nhóm làm việc về Thương mại và khu vực kinh tế tư nhân để thảo luận về các hoạt động hợp tác nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Lào. Buổi họp được đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương Bountheung Douangsavanh, Đại sứ EU tại Lào Ina Marciulionyte và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Lào Michelle Y. Outlaw, nhằm cung cấp nền tảng cơ sở cho các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị kinh tế vừa và nhỏ và các đối tác phát triển có thể thảo luận những cách thức để tăng cường đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tại Lào. Hơn 80 đại biểu từ các cơ quan Chính phủ liên quan, các đại sứ quán, đối tác và doanh nghiệp trong ngoài nước đã tham dự buổi họp này.
Bà Michelle Y. Outlaw, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Lào cho biết, Nhóm làm việc nhằm xúc tiến thương mại và đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt trở nên quan trọng trong bối cảnh Lào đang đối mặt với những thách thức to lớn về kinh tế và tài chính đồng thời tận dụng tối đa những cơ hội mà Lào có thể có được trong thời gian đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024.
Các đại biểu dự họp đã được cập nhật về các trở ngại đối với các doanh nghiệp tư nhân như thiếu hụt lao động lành nghề (như báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây đã nêu), các kết luận và kiến nghị của Phòng Thương mại Công nghiệp Châu Âu tại Lào cũng như một khảo sát tình hình kinh doanh do thành viên của Phòng Thương mại Công nghiệp Châu Âu thực hiện. Các nội dung cải cách để cải thiện môi trường đầu tư và thương mại cũng được cập nhật bởi đại diện Cục Xúc tiến Đầu tư, Bộ KH-ĐT Lào, bao gồm việc sửa đổi Luật Kiểm soát và Khuyến khích đầu tư.
Nhóm làm việc về Thương mại và khu vực kinh tế tư nhân là một trong số 10 nhóm thuộc khuôn khổ “Bàn tròn” và là diễn đàn chính về đối thoại chính sách giữa Chính phủ Lào và các đối tác. Các buổi họp của Nhóm làm việc được tổ chức định kỳ nửa năm một lần để xác định các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại, xúc tiến đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và các trở ngại khác có tác động đến khu vực kinh tế tư nhân và thương mại tại Lào.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Pháp-Lào đến thăm Đặc khu kinh tế Savannakhet
Sau khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Pháp-Lào diễn ra tại Vientiane ngày 10/11, Các đại biểu Pháp do Trưởng Bộ phận Kinh tế, ông Emmanuel Ly-Batallan dẫn đầu đã đến thăm Khu C, Đặc khu kinh tế Savannakhet - Khu kinh tế Savan Park và cảng cạn Savannakhet, nhằm tăng cường, khuyến khích đầu tư cho khu vực này. Đón tiếp phái đoàn Pháp có Phó Tỉnh trưởng Savannakhet, Tiến sĩ Senesak Soulysak, Tổng Giám đốc Savan Park Khu C, ông Tee Chee Seng, và Giám đốc điều hành Cảng cạn Savannakhet, ông Jean Pierre Grzelczyk. Trong chuyến tham quan thực địa, các vị khách đã tìm hiểu về sự phát triển của Đặc khu kinh tế Savannakhet, Cảng cạn Savannakhet và dịch vụ hậu cần của Savan Park, về các cơ hội phát triển và đầu tư tại tỉnh và trong Đặc khu, cũng như hoạt động của các công ty Pháp trong khu vực.
Nằm trên vị trí chiến lược dọc Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), Đặc khu kinh tế Savannakhet là Đặc khu đầu tiên được thành lập tại Lào và cảng cạn Savannakhet là cảng cạn đầu tiên được UNESCAP công nhận. Cảng cạn Savannakhet tuân thủ yêu cầu của UNESCAP đã được Chủ tịch Bounnhang Vorachit ký phê chuẩn ngày 16/10/2019. Cảng nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây dài 1.450 km, bắt đầu từ Việt Nam, đi qua tỉnh Savannakhet của Lào đến Thái Lan và kết thúc ở Mawlamyine, Myanmar, nối Biển Andaman với Biển Đông.
Đặc khu kinh tế Savannakhet là một phần của chương trình phát triển Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Hiện đã có tổng cộng 82 công ty đăng ký tại Khu C Savan Park. Tổng giá trị nhập khẩu năm 2023 cập nhật vào tháng 10 được ghi nhận ở mức 140 triệu USD trong khi giá trị xuất khẩu là 160 triệu USD. Năm 2022 đạt mức kỷ lục nhập khẩu là 200triệu USD, xuất khẩu là 207 triệu USD. Giá trị hàng trung chuyển qua Cảng cạn Savannakhet năm 2022 là gần 6 tỷ USD. Đầu tư trong khu kinh tế Savan Park được quy định bởi Nghị định 177 của Thủ tướng Chính phủ, dành riêng cho Đặc Khu kinh tế Savannakhet.
Đến thăm Công ty TNHH Essilor Lào thuộc sở hữu của Pháp, Phái đoàn được thông báo về sự tăng trưởng mạnh mẽ và kế hoạch xây dựng thêm nhà máy trong Khu vực của công ty vào cuối năm nay. Đoàn cũng tham quan các địa điểm du lịch tại tỉnh Savannakhet bao gồm Bảo tàng Khủng long, phố cổ Kaysone Phomvihane, nghệ thuật Muiat và quảng trường Lào Charoen. Đặc khu kinh tế hiện đang ngày càng thu hút nhiều hơn du khách đến Savannakhet và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như đầu tư của tỉnh, nâng cao vị thế là điểm đến đầu tư lý tưởng. Đặc khu kinh tế Savannakhet (Savan Park Zone C) được phát triển trên 234 ha đất - trước đây là đất hoang - để trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại và hậu cần. Để đảm bảo có đủ lao động lành nghề đáp ứng số lượng nhà đầu tư ngày càng tăng, cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương, Cảng cạn Savannakhet đã hợp tác với Đại học Savannakhet mở Trung tâm Đào tạo Hậu cần và Vận tải vào năm 2022. Trung tâm đã và đang đào tạo sinh viên làm việc trong lĩnh vực logistics sau khi ra trường. (Vientiane Times, ngày 14/11/2023)
Bộ trưởng Công thương thăm hoạt động tại Cảng cạn Savannakhet
Ngày 27/11, một phái đoàn do Bộ trưởng Bộ Công thương, Malaythong Kommasith dẫn đầu đã đến thăm Đặc khu kinh tế Savannakhet C - Công viên Savannakhet và Cảng cạn Savannakhet. Đón tiếp Đoàn có Tổng Giám đốc Công viên Savannakhet, ông Tee Chee Seng và Giám đốc điều hành Cảng cạn Savannakhet, ông Phanomkone Dararasmy.
Với mục đích quan sát sự phát triển tại Đặc khu kinh tế Savannakhet C nhằm thúc đẩy đầu tư cũng như tăng cường phát triển của khu vực, đoàn đã xem xét quy hoạch phát triển cũng như tiến độ phát triển của Khu C cùng với hoạt động vận tải tại cảng, bao gồm cả việc hồ sơ, giấy tờ cũng như các phương tiện dịch vụ vận tải trong Khu.
Ông Tee Chee Seng cho biết hiện đang xây dựng một tuyến đường dài 3,9 km tại Đặc khu kinh tế Savannakhet SEZ, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm tới nhằm giảm lưu lượng giao thông trên đường chính. Tuyến đường xuất phát từ biên giới Lào-Thái Lan sẽ được sử dụng để vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan qua cảng cạn, nơi hàng hóa sẽ được các đơn vị bốc xếp di chuyển giống như trong các cảng biển. Đặc khu kinh tế Savannakhet có một bãi container lớn và cung cấp tất cả các dịch vụ hậu cần cũng như cơ sở vật chất cần thiết cho việc vận chuyển và giao nhận hàng hoá tại cảng cho các đại lý. Ông Tee Chee Seng đảm bảo rằng tất cả các hệ thống của Đặc khu đều hoạt động thông suốt, công khai và hiện đại, nhằm tăng uy tín đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Malaythong biểu dương cung cách quản lý hiệu quả của các doanh nghiệp điều hành Đặc khu kinh tế Savannakhet, qua đó mang lại cho người dân Lào, nhất là những người sống ở tỉnh Savannakhet, cơ hội học hỏi các công nghệ mới, sử dụng máy móc điện tử và có việc làm. Hiện có nhiều công ty trong khu vực đang xem xét đầu tư vào Lào do tình hình chính trị ổn định và có nhiều ưu đãi cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực thuế. (Vientiane Times, ngày 30/11/2023)
Các sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Lào 2024
Ngày 29/11/2023, Vientiane Times đưa tin, Năm Du lịch Lào 2024 sẽ có đến 79 sự kiện để du khách đến Lào có thể lựa chọn, với 14 sự kiện cấp quốc gia và 65 sự kiện địa phương được quảng bá tới du khách. Khởi đầu của năm sẽ là lễ hội năm mới của dân tộc Hmong được tổ chức ở tỉnh Vientiane và lễ hội Phabath Phonsan ở tỉnh Borikhamxay, cả hai đều diễn ra vào tháng Giêng. Tháng Giêng còn chứng kiến lễ hội người dân tộc và chợ đường phố ở tỉnh Bokeo và lễ hội tương tự ở tỉnh Oudomxay, phía bắc Lào, cũng như lễ hội lúa ở Xayaboury.
Lễ hội trà và cà phê cao nguyên Bolaven ở Champasack có thể được tổ chức vào tháng 2. Lễ hội hoa gạo ở tỉnh Bokeo sẽ mê hoặc du khách bởi vẻ đẹp của những cây hoa gạo nở vào thời gian này. Lễ hội Voi ở tỉnh Xayaboury, lễ hội Sikhottabong ở tỉnh Khammuan và lễ hội Đền Vat Phou ở tỉnh Champasack cũng sẽ diễn ra vào tháng 2.
Lễ hội Tết Lào (Bun Pi Mày) ở tỉnh Luang Prabang vào tháng 4 là một loạt các hoạt động giải trí vui nhộn và đầy màu sắc, bao gồm cả lễ rước Hoa hậu Lào. Du khách cũng có thể thưởng thức cuộc diễu hành đèn lồng Naga và xem các điệu múa truyền thống cũng như té nước lên những người xung quanh như một nghi thức cầu may mắn, bình an.
Vào tháng 10, Lễ Kết thúc Mùa Chay Phật giáo được tổ chức hoành tráng với việc thắp nến ở tỉnh Luang Prabang. Lễ hội Kong Khao Noy ở tỉnh Xieng Khuang, lễ hội That Luang ở Viêng Chăn, lễ hội tỏ lòng tôn kính kinh Phật (Hor Tay Pi Dok) ở tỉnh Saravan và lễ hội That Jieng Teuang ở tỉnh Luang Namtha đều diễn ra vào tháng 11.
Lễ hội dok khai pa (hoa đào) và hoa anh đào diễn ra vào tháng 12, khi hai loại cây này nở hoa rực rỡ trong bầu không khí mát mẻ tại tỉnh Huaphan. Lễ hội That Inhang ở tỉnh Savannakhet cũng diễn ra trong tháng này. Những du khách ưa mạo hiểm sẽ bị thu hút đến tỉnh Khammuan để khám phá một số hang động đá vôi và thuê một chiếc xe máy để đi vòng quanh những con đường quanh co và thơ mộng.
Năm Du lịch Lào 2024 đã chính thức khai mạc vào cuối tuần trước tại quảng trường Thạt Luang ở thủ đô Vientiane, trong khuôn khổ lễ hội Bun Thạt Luang truyền thống của người dân Lào. Đây là lần thứ tư kể từ năm 1999, Lào triển khai chương trình xúc tiến Năm Du lịch Lào. Chương trình năm nay lấy chủ đề “Thiên đường của Văn hóa, Thiên nhiên và Lịch sử” với logo chú voi ôm khèn là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Chính phủ Lào hy vọng sẽ thu hút ít nhất 2,7 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2024, tạo ra doanh thu khoảng 401 triệu USD, trong khi năm 2025 lượng khách du lịch được dự báo sẽ đạt 2,9 triệu và tạo thu nhập 434 triệu USD.

Chủ biên: Phan Minh Chiến
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hồ Đức Dũng


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: