TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11
Từ ngày 21-22/11, phiên họp thường kỳ tháng 11 được tiến hành do Thủ tướng Phankham Viphavanh chủ trì với sự tham gia của các thành viên Chính phủ.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phankham Viphavanh yêu cầu cần cụ thể hóa nội dung Hội nghị toàn thể lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: (i) hưởng ứng phong trào yêu nước, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển nông thôn và công tác giảm nghèo; (ii) thực hiện chương trình “ba xây” và (iv) sửa đổi 10 bộ luật mà Chính phủ sẽ trình tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội sắp tới; đồng thời, dự thảo nghị định sửa đổi quy định về doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghị định về Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự thảo nghị định về cấp mã số thuế. Các thành viên Chính phủ thống nhất, thông qua.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi nội dung của nghị định theo khuyến nghị Chính phủ nhằm đảm bảo việc quản lý doanh nghiệp và thuế được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả. Cần tiếp tục thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu ngân sách, nghị định về tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm nghị định về quản lý và sử dụng xe công. Yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 10 năm 2021 của Chính phủ và giải quyết vấn đề thất nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động của người lao động Lào để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Cuộc họp thống nhất tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các kết quả đạt được tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41, các thỏa thuận đạt được giữa Lãnh đạo Đảng, Chính phủ với lãnh đạo các nước láng giềng, chuẩn bị đầy đủ, toàn diện cho chuyến thăm chính thức Lào của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, tham dự Kỳ họp lần thứ 45 Ủy liên Chính phủ Lào-Việt Nam và tổng kết Năm đoàn kết, hữu nghị Lào-Việt Nam 2022. (Vientiane Times, KPL, 23/11/2022)
Cần thiết cải cách để ổn định kinh tế Lào
Ngày 22/11/2022, Vientiane Times đưa tin, báo cáo cập nhật kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Lào công bố, hiện Lào đang phải đối mặt với những thách thức tiếp tục gia tăng do sự mất giá đồng Kíp, tỷ lệ lạm phát tăng cao mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi kinh tế vào đầu năm 2022.
Báo cáo Giám sát kinh tế Lào tháng 10/2022 đã đề xuất những cải cách đầy tham vọng để giải quyết các lỗ hổng kinh tế vĩ mô nhằm giúp nước này khôi phục ổn định kinh tế và duy trì tăng trưởng. Theo báo cáo, riêng trong năm nay tính tới thời điểm tháng 10 đồng Kíp đã mất 68% giá trị so với đồng đô la Mỹ, làm suy yếu quá trình phục hồi và gia tăng lạm phát, từ đó dẫn tới tiêu dùng và đầu tư tư nhân bị thắt chặt. Nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ dự kiến sẽ vượt 100% GDP vào cuối năm nay. Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Lào xuống còn 2,5%, so với dự báo trước đó là 3,8% và cho rằng, mặc dù việc làm đã tăng vào giữa năm 2022, nhưng thu nhập của người dân đã không theo kịp tốc độ lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm đã tăng lên 37% vào tháng 10 năm 2022, trong đó giá lương thực tăng gần 39%. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân nghèo thành thị, một số gia đình buộc phải cắt giảm tiêu dùng.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, hai phần ba số hộ gia đình được hỏi cho biết đã cắt bớt chi tiêu cho y tế và giáo dục, về lâu dài điều này có thể làm suy yếu sự phát triển con người trong tương lai.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Lào Ông Alex Kremer cho biết, Ngân hàng Thế giới và một số đối tác phát triển đang tiến hành thảo luận với Chính phủ Lào về một lộ trình cải cách nhằm giúp ổn định tình hình, bảo đảm các khoản chi tiêu thiết yếu cho giáo dục, y tế và phúc lợi, đồng thời tạo ra một môi trường vững chắc cho sự phục hồi lâu dài.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra 5 đề xuất cải cách quan trọng: (i) cắt giảm những quy định miễn trừ thuế lớn để tăng thu ngân sách và bảo đảm chi tiêu xã hội; (ii) cải cách quản lý đầu tư công, PPP và quản lý doanh nghiệp nhà nước; (iii) tái cơ cấu nợ công thông qua các cuộc đàm phán; (iv) ổn định của khu vực tài chính bằng các công cụ và chế tài pháp lý, và (v) cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu thông qua cải cách nâng cao hiệu quả thực thi các quy định.
Báo cáo đưa ra một triển vọng trung hạn với giả định kinh tế Lào sẽ dần được phục hồi, nhờ được thúc đẩy bởi du lịch và xuất khẩu, tuy nhiên điều đó vẫn phụ thuộc vào sự thành công của các cuộc đàm phán nợ với các chủ nợ song phương. Ngoài ra, triển vọng kinh tế của Lào vẫn tiếp tục phải chịu những rủi ro đáng kể từ bên ngoài, trong đó bao gồm các chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu bị thắt chặt và các tác động kéo dài của cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Vientiane Times, ngày 22/11/2022)
Tháng 10 năm 2022, tỷ lệ lạm phát Lào đạt đỉnh mới 36.75%
Ngày 07/11/2022, Vientiane Times đưa tin, Cục Thống kê Lào thông báo, lạm phát tại Lào đã đạt đỉnh mới 36,75% trong tháng 10/2022, tăng hơn 2,7% so với tháng 9/2022 (34,05%), tiếp tục gây khó khăn cho người dân trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Theo Cục Thống kê, thực phẩm và đồ uống có cồn đã tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước, do bị ảnh hưởng bởi giá gạo và các mặt hàng thực phẩm hàng ngày khác bao gồm thịt lợn, gia cầm, cá, hải sản, trứng, dầu thực vật, trái cây và rau. Vận tải hành khách và hàng hóa tăng 58,1% do chi phí nhiên liệu cao. Quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thiết bị y tế và thuốc men cũng tăng. Chi phí vật liệu xây dựng tại Thủ đô Vientiane cũng tăng cao buộc một số công ty phải hủy bỏ các dự án xây dựng.
Chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng đang ảnh hưởng nặng nề đến người dân Lào, trong đó những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất dù Lào đã tăng mức lương tối thiểu lên 1.200.000 LAK (tương đương 70 USD)/tháng vào tháng 8/2022.
Ngày 23/11/2022, Vientiane Times đưa tin, giá của hầu hết các mặt hàng hóa đều leo thang, từ thực phẩm đến năng lượng, cho đến cả giao thông đi lại đã khiến cho tỷ lệ lạm phát trung bình 10 tháng đầu năm 2022 của Lào đạt mức 19,69%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn dự đoán, tỷ lệ lạm phát cả năm 2022 sẽ tăng lên 17% sau khi giá dầu mỏ thế giới tăng cao hơn dự báo và đồng Kíp trở nên yếu hơn. Ngân hàng này chỉ ra “Lạm phát gia tăng và tỷ lệ nợ công cao của Lào càng củng cố tâm lý tránh rủi ro của các nhà phân tích và đầu tư”. Nông dân Lào hiện nay đang bị áp lực nặng nề khi chi phí sản xuất ngày càng tăng khiến sản xuất nông nghiệp tại Lào ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Giá trị xuất khẩu nông sản của Lào đạt 522 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022
Ngày 03/11/2022, Cổng Thương mại Lào của Bộ Công Thương cho biết, giá trị xuất khẩu nông sản của Lào đạt 522 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022 với ba sản phẩm chủ lực là sắn, chuối và cao su, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của Lào trong khoảng thời gian này. Riêng xuất khẩu sắn đã đạt mức 249 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu chuối đạt 141 triệu USD và cao su đạt 132 triệu USD.
Các nước nhập khẩu nông sản chính của Lào là Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc khi Lào đã ký các hiệp định thương mại tự do và hiệp định thương mại song phương với các nước này. Do hàng rào thuế quan đã được cắt giảm nên lượng hàng hóa xuất khẩu đến ba nước này cũng tăng cao. Trong năm 2022, các nhà xuất khẩu sắn của Lào hi vọng có thể tăng thêm lượng xuất khẩu và giảm bớt chi phí vận chuyển do tận dụng được lợi thế của tuyến đường sắt Lào – Trung. (Vientiane Times, 03/11/2022)
Ngành du lịch Lào tìm giải pháp với lượng khách du lịch tăng cao
Đầu tháng 11/2022, ngành du lịch Lào tiến hành cuộc họp tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến lượng khách du lịch đang có dấu hiệu tăng nhanh thời gian tới với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Hiệp hội Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Lào (LAOSME). Cuộc họp này nằm trong khuôn khổ chương trình đào tạo và thí điểm nền tảng du lịch kỹ thuật số của Lào.
Phát biểu tại buổi họp, Cục trưởng Cục Quản lý kinh doanh du lịch Darany Phommavongsa cho biết, Lào hiện đã bắt đầu quá tải khách du lịch. An toàn du lịch cũng cần phải được chú trọng song song với xúc tiến du lịch và ngành du lịch cần phải nỗ lực hết sức để du khách an toàn và vui vẻ khi đến Lào. Công tác chuyển đổi số cũng cần phải được chú trọng và không chỉ coi là một sự lựa chọn tăng thêm. Bà Darany cho rằng khi Trung Quốc dỡ bớt các lệnh hạn chế đi lại do tình hình Covid-19 vào đầu năm 2023, lượng khách du lịch tới Lào qua tuyến đường sắt Lào - Trung chắc chắn sẽ tăng mạnh. Khi đó, ngành du lịch Lào cần có đủ năng lực để đáp ứng lượng du khách mới này.
Hiện tại, Lào không thể tiếp nhận thông tin về lượng khách du lịch qua các ứng dụng phổ biến như booking.com, agoda.com hay expedia.com, điều này khiến cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp dễ bị các tác động tiêu cực. Theo kiến nghị của LAOSME, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã triển khai chương trình đào tạo và thí điểm nền tảng du lịch kỹ thuật số của Lào, giúp kết nối ngành du lịch với các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan.
Đại diện ngành du lịch cũng kêu gọi các tập đoàn lớn, các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế, phi chính phủ cùng chung tay hỗ trợ để ngành có thể vượt qua các khó khăn trước mắt. Tổng đài du lịch 1507 cũng đã được triển khai hoạt động đồng thời với hệ thống thông tin du lịch trên nền tảng đám mây của ứng dụng 8booking.biz.
Ngành du lịch là ngành được đánh giá sẽ phục hồi nhanh nhất sau đại dịch, chủ yếu do hiệu ứng của tuyến đường sắt Lào - Trung, cũng như việc Trung Quốc mở cửa lại đất nước vào năm tới. Do đó, nếu tất cả các đơn vị tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch và cả các du khách, hướng dẫn viên đều đăng ký cơ sở dữ liệu chung (Big Data) thì ngành du lịch có thể phân tích và đưa ra được các giải pháp kịp thời nhất với các chính sách, chiến lược và sự giám sát chặt chẽ trong việc triển khai các kế hoạch hoạt động của ngành.
Ngày 18/11/2022, KPL đưa tin, Lào đã đón hơn 1,7 triệu khách du lịch trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số này có khoảng 650 nghìn khách quốc tế và hơn một triệu lượt khách trong nước. 5 nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Lào là Thái Lan (chiếm đa số, hơn 365 nghìn lượt khách), Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Campuchia. Lãnh đạo ngành du lịch Lào hi vọng lượng khách quốc tế đến Lào trong ba tháng cuối năm nay sẽ đạt con số 300 nghìn lượt người. (Vientiane Times, 07/11/2022)
Đặc khu Kinh tế Savannakhet thu hút 584 triệu USD vốn đầu tư
Ngày 09/11/2022, Phó Chủ tịch nước Bounthong Chitmany đã có chuyến thăm Đặc khu Kinh tế Savannakhet (Savannakhet SEZ) và Cảng cạn Savannakhet.
Công viên Savan và Cảng cạn Savannakhet có vị trí lý tưởng ở vị trí chiến lược gần Thái Lan và Việt Nam, với hệ thống hậu cần được liên kết với khu vực đồng thời được hỗ trợ bởi tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc. Tại đây hiện có 193 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư đạt 584 triệu USD, trong đó 74 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 17 công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại và 102 công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; 56% giá trị đầu tư đến từ các công ty nước ngoài, các công ty Lào chiếm 28% và 16% còn lại đến từ các công ty liên doanh.
Giám đốc điều hành Savannakhet SEZ Phanomkone Dararasmy cho biết, giá trị xuất nhập khẩu của Savannakhet SEZ đạt 9,5 tỷ USD vào năm 2021 và từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay đạt gần 4,7 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ Kíp thu từ tiền thuế.
Đặc khu kinh tế Savan Seno (Khu công viên Savan C) có vị trí chiến lược trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (dài 1.450 km từ Việt Nam, đi qua tỉnh Savannakhet của Lào đến Thái Lan và kết thúc ở Mawlamyine, Myanmar, nối biển Andaman với biển Đông). Đây là đặc khu kinh tế đầu tiên ở Lào và Cảng cạn Savannakhet là cảng cạn đầu tiên được phê duyệt và được UNESCAP công nhận. Lào đã phát triển SEZ với tên gọi Cơ quan Đặc khu Kinh tế Savan Seno (SEZA), cung cấp dịch vụ một cửa cho tất cả các nhà đầu tư trong khu vực.
Theo quy định tại Nghị định 510 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp hoạt động đầu tư trong khu vực này sẽ được miễn thuế thuê đất từ 2-10 năm, thuế lợi nhuận doanh nghiệp thu mức 8%-10%, thuế thu nhập cá nhân 5%, thuế VAT bằng 0, thuế hải quan bằng 0 và các ưu đãi khác cho các doanh nghiệp đầu tư vào đặc khu Savannakhet trong thời hạn 75 năm. SEZA có thể cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm “Sản xuất tại Lào”, được xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia với thuế nhập khẩu bằng 0 hoặc ở mức tối thiểu.
Tổng giám đốc Công viên Savan Tee Chee Seng cho biết, kế hoạch phát triển Khu kinh tế đặc biệt Savannakhet C và các dịch vụ hậu cần tại đây sẽ thành lập Trạm kiểm soát quốc tế đối với hàng hóa theo thỏa thuận liên chính phủ của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) của Liên hợp quốc về các cảng cạn. (Vientiane Times, ngày 11/11 và 15/11/2022)
Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, tỉnh Bokeo thu hút 81 dự án đầu tư
Ngày 15/11/2022, Vientiane Times đưa tin, Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng tại tỉnh Bokeo đã thu hút 81 dự án đầu tư trong các lĩnh vực: hạ tầng kinh tế, nông nghiệp, chăn nuôi, khách sạn, khu dân cư và giải trí với tổng vốn đầu tư đã đạt 1,6 tỷ USD, trong đó, riêng tập đoàn Dok Ngiew Kham của Trung Quốc đã có 36 dự án với tổng vốn khoảng 1 tỷ USD.
Dự án lớn nhất đang được xây dựng trong đặc khu chính là sân bay quốc tế Tonpheung, hiện đã đạt 85% tiến độ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2023. Đường băng sân bay đã được Chính phủ Lào chấp thuận kéo dài từ 2500 mét lên 3200 mét, đủ để đón các loại máy bay Boeing 747 và Airbus 320.
Tập đoàn Dok Ngiew Kham là chủ đầu tư của Đặc khu kinh tế này trên tổng diện tích hơn 10.000 héc ta, trong đó 3000 héc ta cho sản xuất và 7000 héc ta phòng hộ. Đặc khu được thành lập năm 2007 bởi tập đoàn Kings Romans Group, còn được biết với tên gọi là Tập đoàn Dok Ngiew Kham tại Lào và Tập đoàn Golden Kapok tại Trung Quốc. Chính phủ Lào đã cho phép Đặc khu được thuê đất trong 99 năm, để Dok Ngiew Kham có thể phát triển một khu đô thị và điểm kết nối du lịch cũng như thương mại khu vực biên giới 4 quốc gia Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Vị trí đặc biệt của Đặc khu này giúp các nhà đầu tư có thể tiếp cận một khu vực thị trường tiêu thụ và lao động rộng lớn, thuộc tiểu vùng sông Mekong tại Hành lang Kinh tế Đông Tây, với phía Bắc tiếp giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bằng đường R3A và phía Nam nối với cảng biển Laem Chabang phía Nam Thái Lan.
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Hội nghị tiếp cận dịch vụ tài chính năm 2022
Ngày 15/11/2022, Hiệp hội tài chính vi mô phối hợp với Vụ Quản lý tiền tệ, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã tổ chức Hội nghị tiếp cận dịch vụ tài chính thường niên năm 2022 tại Lào. Vụ trưởng Vụ Quản lý tài chính, BOL Phoukhong Chanthachac, Chủ tịch hội đồng quản trị Hiệp hội tài chính vi mô Somphonsi Senglat và Giám đốc tài chính vi mô Panuon Phetha đồng chủ trì hội nghị, dưới sự tài trợ của tổ chức ADA (Blockchain Cardano), Luxembourg với chủ đề “Bước vào một tương lai bình đẳng và bền vững”, đảm bảo cung cấp một mô hình dịch vụ tài chính có trách nhiệm với xã hội và tin cậy. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan Chính phủ, Viện Tài chính vi mô, các nhà tài trợ và khách mời.
Hội nghị này được tổ chức thường niên tại Lào với mục đích để các nhà tài chính vi mô trao đổi kinh nghiệm sâu rộng trong hoạt động tài chính vi mô, các tiềm năng trong lĩnh vực này và hướng đi tiếp theo trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự chắc chắn, chất lượng và tin cậy của xã hội trong hoạt động dịch vụ tài chính; đồng thời thông báo một số kết quả liên quan đến hoạt động tài chính bình đẳng và tin cậy trong tương lai.
Tại hội nghị, sẽ tổ chức 04 diễn đàn để thảo luận liên quan đến sự bình đẳng và tin cậy của nền tài chính, trong đó đặc biệt đối với các tổ chức tài chính không chỉ quan tâm đến vấn đề tăng trưởng, vững mạnh về số lượng mà còn cần xây dựng nền tài chính hoạt động minh bạch, có trách nhiệm với xã hội, tự chủ trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động tài chính, giám sát quản lý tới các tác động đột biến và hiểu rõ các tác động từ sự biến đổi khí hậu, thiên tai đến hiệu quả hoạt động tài chính. Các ngành chức năng cần nắm bắt các cơ hội để để tiếp cận được các nguồn tài chính xanh và dịch vụ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với chủ đề “Bước vào một tương lai bình đẳng và bền vững”, hội nghị đã đưa ra tiêu chí hoạt động cho Hiệp hội tài chính vi mô trong thời gian tới phải bảo đảm sự chắc chắn, chất lượng và tin cậy của xã hội trong hoạt động dịch vụ tài chính. (Báo KT-XH, ngày 15/11/2022)
Hội thảo nhóm công tác lĩnh vực cơ sở hạ tầng lần thứ 14
Ngày 11/11/2022, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ trưởng Bộ công chính và vận tải Lào Viengsavath Siphandone, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Kenichi Kobayashi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Lào Alexander Kremer và Giám đốc Quốc gia ADB tại Lào Sonomi Tanaka đồng chủ trì hội thảo nhóm công tác lĩnh vực cơ sở hạ tầng (ISWG) lần thứ 14. Tham gia cuộc họp có đại diện các cơ quan Chính phủ Lào, các tổ chức quốc tế, đại diện đại sứ quán các nước.
Hội thảo cập nhật cho các Đối tác Phát triển về tiến độ triển khai các kế hoạch xây dựng các công trình công cộng và giao thông kể từ ISWG lần thứ 13. Hội thảo trao đổi các cách thức, biện pháp lồng ghép kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia Lào (NSEDP) lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025, Chương trình nghị sự quốc gia 2021-2023 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của ngành giao thông vận tải.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan cập nhật quy hoạch chiến lược ngành, kết nối khu vực và kết nối nội khối; các dịch vụ vận tải, hiệu quả và an toàn đường bộ; phát triển đường sắt, các tiến độ và kế hoạch phát triển ngành đường sắt, cũng như phát triển đô thị bền vững, phát triển xã hội...
Cuộc thảo luận diễn ra với ba chủ đề (i) Làm thế nào để các nước phát triển có thể hỗ trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế trong các hành lang kinh tế được tốt nhất? (ii) Các đối tác phát triển và khu vực tư nhân nên hợp tác như thế nào để đóng góp cho các kế hoạch phát triển ngành và quốc gia, đồng thời giải quyết các vấn đề chính sách liên quan đến nợ, tác động của biến đổi khí hậu, hậu cần, kết nối, giao thông xuyên biên giới và an toàn đường bộ? (iii) Làm thế nào để các đối tác phát triển có thể hỗ trợ cải thiện hiệu quả, hiện đại hóa doanh nghiệp và phát triển năng lực thể chế để giúp ngành giao thông của Lào thích ứng tốt hơn với sự thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu và khu vực?
Hội thảo đã thống nhất một số vấn đề chính cần được giải quyết vào năm 2023, khẳng định sự hỗ trợ của các đối tác phát triển là rất quan trọng, trong một vài tháng tới ban thư ký sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với đối tác để giải quyết mọi vấn đề cần làm rõ, cung cấp thông tin chi tiết, xác định mức độ và hình thức hỗ trợ. Ban thư ký sẽ thống nhất một lịch trình cho các cuộc họp theo chủ đề hàng quý trong các nhóm nhỏ hơn để có được những kết quả cụ thể hơn.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Viengsavath Siphandone rút kinh nghiệm về việc chưa thảo luận được một số lĩnh vực chính sách quan trọng, sẽ đề cập trong cuộc họp tới. Ông khẳng định những thách thức và cơ hội mà ngành phải đối mặt đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Chính phủ và các đối tác phát triển, chỉ rõ hạn chế lớn nhất hiện nay là nguồn lực thực hiện. Ông sẽ đưa các vấn đề trên ra thảo luận tại các phiên họp Chính phủ và cam kết đưa ra các quyết định nghiêm túc, minh bạch và chuyên nghiệp. (ĐSQ Việt Nam tại Lào)
Thu hồi giấy phép kinh doanh nhiều đại lý đổi tiền trên toàn Lào
Ngày 17/11/2022, báo KT-XH đưa tin, tính đến cuối năm 2021, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã cấp phép cho 550 đại lý cho các ngân hàng thương mại, trong đó đến ngày 31/8/2021 đã cấp 419 đại lý trao đổi ngoại tệ, 131 đại lý trả lại giấy phép, dừng hoạt động.
Qua kiểm tra, theo dõi, phần lớn các đại lý trao đổi tiền tệ hoạt động chưa đúng theo quy định đã được BOL đề ra, báo cáo không đúng với số liệu thực tế giao dịch trao đổi ngoại tệ. Do đó, để bảo đảm hoạt động trao đổi tiền tệ dần vào hệ thống ngân hàng thương mại, song song với việc cải thiện dịch vụ đổi tiền tự do cho phù hợp với quy định của BOL cần kiểm tra lại hoạt động đổi tiền của các đại lý trên toàn quốc, sẽ rút giấy phép của các đại lý hoạt động không hiệu quả, trái quy định pháp luật.
Theo thông báo của BOL số 340/BOL ngày 14/11/2022, kế hoạch đến tháng 12/2022 sẽ rút giấy phép kinh doanh của 306 đại lý trên toàn Lào, trong đó thủ đô Viêng Chăn có 123 đại lý, 183 đại lý ở các tỉnh, chỉ còn 113 đại lý được phép hoạt động (Viêng Chăn 76, các tỉnh 37). Tuy nhiên, việc theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh đổi tiền của các đại lý vẫn tiến hành thường xuyên và yêu cầu các đại lý phải tuân thủ nghiêm các quy định BOL đã ban hành, đảm bảo uy tín, chất lượng, đáp ứng yêu cầu trao đổi tiền tệ của xã hội.
Để bảo đảm việc thực thi, theo dõi, giám sát có hiệu quả, BOL kêu gọi toàn xã hội hưởng ứng, phối hợp và nghiêm khắc xử lý các trường hợp đại lý vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh tiền tệ. (Báo KT-XH, 17/11/2022)
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào
Ngày 28/11/2022, nhân dịp kỷ niệm 47 năm Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cùng đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam đến chúc mừng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommachit.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đánh giá cao sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao Lào với Đại sứ quán, trong đó cá nhân Phó Thủ tướng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước ngày càng có chiều sâu, hiệu quả thiết thực, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, gắn kết bền chặt. Đại sứ khẳng định, đã từ lâu, hai dân tộc Lào và Việt Nam luôn sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù chung, nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập tự do cho mỗi nước, càng những lúc khó khăn, hai dân tộc càng thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, một lòng cùng nhau vượt qua mọi thách thức. Hai nước Việt Nam và Lào đang chịu ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và nhiều tác động khác từ thiên tai, sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đến đời sống nhân dân. Nhưng với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, hai dân tộc Việt-Lào tiếp tục đứng vững và cùng bên nhau vượt qua những khó khăn, đưa hai nước ngày càng phát triển. Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là kết quả triển khai các hoạt động kỷ niệm hai ngày lễ lớn của Việt Nam và Lào, hợp tác kinh tế giữa hai nước hiện vẫn chưa thực sự xứng tầm với quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác đầu tư chưa hiệu quả, một số dự án đầu tư còn chậm, tiến độ ảnh hưởng chung đến hợp tác kinh tế giữa hai nước, kim ngạch thương mại hai chiều có tăng trưởng nhưng chưa bền vững. Với sự quyết tâm chính trị của hai Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước, các khó khăn, vướng mắc sẽ được hai bên sớm giải quyết dứt điểm trong năm 2022 để năm 2023 hai bên tiếp tục hợp tác triển khai các dự án lớn hơn nhằm thúc đẩy kinh tế hai nước.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommachit cảm động trước tình cảm chân thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào cũng như những ý kiến thiết thực của Đại sứ Nguyễn Bá Hùng về quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong suốt chặng đường lịch sử đã qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào, hai nước Lào và Việt Nam vẫn mãi mãi bên nhau, đoàn kết một lòng như anh em trong một gia đình, không bao giờ tách biệt. Phó Thủ tướng nhất trí với các ý kiến của Đại sứ, khẳng định sẽ luôn sát cánh cùng Đại sứ quán trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt quan tâm đến hợp tác kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư của Việt Nam vào Lào ngày một nhiều hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội Lào ngày ngày phát triển.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế cao hơn, xứng tầm hơn nữa, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng thấy rằng hai bên nhất thiết cần phải xây dựng một cơ chế hợp tác chung, riêng biệt với tinh thần cao nhất “đặc biệt của đặc biệt” mới có thể vượt qua điểm nghẽn trong hợp tác kinh tế giữa hai nước hiện nay. (ĐSQVN tại Lào, 28/11/2022)
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 như sau:
- Tháng 10 năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 140,7 triệu USD, giảm 2,9% so với tháng 9, trong đó:
+ Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 46,3 triệu USD, giảm 9,2% so với tháng 9/2022 (51 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu chính trong tháng 10/2022 gồm: Hàng rau quả đạt 7 triệu USD, giảm 31%, xăng dầu các loại đạt 5,7 triệu USD, giảm 11%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 6,6 triệu USD, tăng 15,8%; sắt thép các loại đạt 3,4 triệu USD, tăng 17,4%.
+ Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 94,4 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng 9/2022. Mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Ngô đạt 10,6 triệu USD, tăng 28%; cao su đạt 24,5 triệu USD, tăng 37,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 10,5 triệu USD, tăng 13%; phân bón các loại đạt 12,5 triệu USD, giảm 20,8%.
- 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch XNK Việt Nam - Lào đạt 1,36 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2021 (1,06 tỷ USD). Trong đó:
+ Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 512,3 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2021 (493,9 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: hàng rau quả, giá trị 51,7 triệu USD, tăng mạnh 260,7%; xăng dầu các loại đạt 58 triệu USD, tăng 247%; phân bón các loại đạt 29 triệu USD, tăng 55,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác đạt 52,1 triệu USD, tăng 4,5%; sắt thép các loại đạt 53,7 triệu USD, giảm 8%.
+ Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 849,5 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2021 (568,3 triệu USD). Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: cao su đạt 193,4 triệu USD, tăng 49%; phân bón các loại đạt 80 triệu USD, tăng 113,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 116,6 triệu USD, tăng 47,7%; quặng và khoáng sản khác đạt 71,9 triệu USD, tăng 4,4%.
Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai nước như hiện nay, ước cả năm 2022, tổng KNTM hai nước đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại Kỳ họp lần thứ 44 UBLCP về hợp tác song phương Việt Nam - Lào (tăng từ 10% trở lên/năm). (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Tọa đàm kết nối đầu tư, thương mại và du lịch giữa thủ đô Viêng Chăn và thủ đô Hà Nội
Ngày 05/11/2022, tại khách sạn Mường Thanh, thủ đô Viêng Chăn, Đô trưởng Viêng Chăn, Lào Adsaphangthoong Siphandone và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì tọa đàm kết nối đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai thủ đô hai nước Lào và Việt Nam, với sự tham gia của đại biểu hai bên và khách mời.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Đô trưởng Viêng Chăn Adsaphangthoong cho biết, diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường và phát triển hợp tác về thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai thủ đô hai nước Lào và Việt Nam ngày càng phát triển, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai thủ đô kết nối, xây dựng mối quan hệ, đối tác về thương mại, đầu tư và du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi thủ đô ngày càng lớn mạnh. Ông kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp hai bên tham dự tọa đàm lần này tích cực trao đổi, đàm phán kết nối để nâng tầm hợp tác kinh doanh giữa hai bên ngày càng có hiệu quả thiết thực.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, nhưng quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước vẫn tăng trưởng, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hàng năm đạt trên 10%, năm 2021 đạt 33,3%, tương ứng với giá trị 1,37 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang Lào ngày một nhiều hơn, đến nay có 214 dự án, với tổng vốn đăng ký 5,33 tỷ USD. Đầu tư của các doanh nghiệp Lào tại Hà Nội là 7,99 triệu USD, trong đó có 04 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn là 3,65 triệu USD; 02 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn là 4,34 triệu USD; các dự án đầu tư của Lào tại Hà Nội tập trung vào một số lĩnh vực thương mại, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ sửa chữa ô tô. Về thương mại, 07 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào đạt 98,7 triệu USD, nhập khẩu 99,3 triệu USD. Số liệu trên cho thấy dư địa rộng lớn về hợp tác kinh tế giữa hai thủ đô chưa được khai thác và tận dụng, đặc biệt hai thủ đô được đánh giá là những thị trường thuận lợi và đầy tiềm năng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, đây là yêu cầu đối với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế để cùng phát triển. Chính quyền hai bên cần có trách nhiệm quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế chính sách thông thoáng để tạo sự cạnh tranh và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư hơn, tạo lập các cơ chế, diễn đàn để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm và tiếp cận thị trường. Tọa đàm lần này là cơ hội giao lưu, tìm hiểu, thiết lập đối tác về đầu tư, thương mại và du lịch trong điều kiện bình thường mới giữa hai nước Lào-Việt Nam nói chung và giữa hai thủ đô Viêng Chăn-Hà Nội nói riêng; đây cũng là cơ hội và thế mạnh trong thu hút đầu tư của hai thủ đô, phát huy cơ hội, tiềm năng về kinh tế và tài nguyên sẵn có để thúc đẩy phát triển. Hợp tác kinh tế là trụ cột chính, là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam. Thủ đô Viêng Chăn và thủ đô Hà Nội sẽ không ngừng đổi mới phương pháp hợp tác kinh tế ngày càng hiệu quả, thiết thực vì lợi ích của nhân dân hai nước, hai thủ đô.
Phát biểu tọa đàm với các doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Công nghiệp thủ đô Viêng Chăn Sangkhom Chansouk thông tin về một số chính sách thu hút đầu tư của thành phố và cho biết đến nay trên địa bàn thành phố, có 433 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh với tổng vốn đăng ký 125,034 tỷ Kíp, tập trung 03 lĩnh vực chính: sản xuất chiếm 22,79%, thương mại chiếm 41,30% và dịch vụ 35,89%, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại thủ đô Viêng Chăn. (ĐSQVN tại Lào, 05/11/2022)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
Trung Quốc giúp Lào khai thác tiềm năng thủy điện, đẩy mạnh xuất khẩu điện
Đầu tư của Trung Quốc, chiếm khoảng 70% trong số đó vào các nhà máy thủy điện của Lào, là một minh chứng sinh động về cách hai nước đã thúc đẩy hợp tác theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong, với chuyến thăm Trung Quốc của TBT, CTN Lào Thongloun Sisoulith nhằm tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế song phương và đưa quan hệ đối tác hiệu quả lên một tầm cao mới. Hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Lào đã mang lại cơ hội phát triển mới cho các ngôi làng xa xôi ở vùng núi của quốc gia Đông Nam Á này, hỗ trợ quốc gia giàu thủy điện tận dụng nguồn nước và thúc đẩy xuất khẩu điện.
Tháng 11/2022, Power Construction Corp of China (Power China) đã ký hợp đồng với một công ty Lào để xây dựng một nhà máy điện gió 600 megawatt (MW) ở miền nam Lào. Đây là dự án điện gió đầu tiên ở Lào và sẽ xuất khẩu điện sang Việt Nam và cũng là lần đầu tiên Lào tham gia truyền tải điện xanh và điện tái tạo xuyên biên giới.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, năm 2021, các nhà máy thủy điện của Lào đã tạo ra 8.349 MW điện, chiếm 1/3 công suất tiềm năng.
Tháng 9/2021, một dự án BRI mang tính bước ngoặt khác - nhà máy thủy điện trên sông Nam Ou, do PowerChina phát triển - đã được kết nối với lưới điện. Dự án bao gồm 07 nhà máy thuỷ điện bậc thang dọc trên sông Nam Ou – phụ lưu lớn nhất của sông Mekong tại Lào, có tổng công suất 1,272 triệu KW và công suất phát điện trung bình hàng năm là 5 tỷ KWh.
PowerChina cho biết kế hoạch xây dựng là hợp lý nhất vì nó hạn chế số lượng cư dân địa phương cần phải di dời và tác động đến môi trường. Công ty Trung Quốc cũng đã giúp xây dựng cầu đường, nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản ở các làng bản để hỗ trợ sinh kế địa phương.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Lào, khoản đầu tư kết hợp của PowerChina chiếm hơn 12% tổng nguồn cung cấp điện của Lào và công suất điện của công ty này chiếm 30% tổng công suất của cả nước trong mùa khô. Một nguồn tin cho biết: “Lào đang bắt kịp trong việc khai thác các nguồn thủy điện, nhưng tình trạng thiếu hụt đường dây truyền tải và hệ thống phân phối vẫn còn nghiêm trọng, điều này làm giảm khả năng tăng xuất khẩu điện của nước này. Các công ty Trung Quốc đã giúp đỡ điều này”
Xuất khẩu điện đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Lào. Theo báo cáo của giới truyền thông Lào, điện đã đóng góp hơn 10% GDP và 30% khối lượng xuất khẩu của Lào trong nhiều năm. Các thị trường xuất khẩu chính là các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Singapore.
Zhou Rong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết các khoản đầu tư BRI của Trung Quốc đã giúp Lào xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, tạo việc làm và hỗ trợ các ngành công nghiệp, mở đường cho một nền kinh tế phát triển nhanh. Hợp tác năng lượng Trung Quốc-Lào đóng vai trò mẫu mực trong việc thể hiện những lợi ích rõ ràng do BRI mang lại ở Đông Nam Á. (The Global Times, ngày 29/11/2022)
Tìm kiếm cơ hội trao đổi thương mại - Hội chợ Thương mại Thượng Hải, Trung Quốc
Từ ngày 05-11/11/2022, Bộ trưởng Công Thương Lào Malaythong Kommasith tham dự trực tuyến Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc diễn ra tại thành phố Thượng Hải; các doanh nghiệp Lào tham gia bày bán sản phẩm trực tiếp tại Hội chợ. Sự kiện này được xem như cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh Lào tới thị trường các nước khu vực.
Trong khuôn khổ Hội chợ, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Lào đã ký Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc về hợp tác xây dựng “Diễn đàn hợp tác kinh tế-thương mại cấp cao”. Biên bản ghi nhớ là một phần của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà hai nước là thành viên.
Hợp tác giữa Lào và Trung Quốc được coi là động lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hội nhập và phát huy tiềm năng thị trường sau khi tham gia RCEP, góp phần thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của khu vực và khôi phục sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Thượng Hải là trung tâm vận chuyển quốc tế lớn nhất thế giới về container trong 12 năm liên tiếp. Tuyến đường sắt Lào – Trung sẽ mở ra cơ hội, tiềm năng để trở thành cầu nối thông thương quan trọng giữa Lào và Thượng Hải. (Vientiane Times, 07, 09/11/2022)
Vận chuyển hàng hóa, du lịch qua tuyến đường sắt Lào-Trung
Ngày 03/11/2022, Vientiane Times đưa tin, Thái Lan rất muốn tiếp nhận lượng khách du lịch thông qua tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn vào năm 2023.
Hiệp hội các đại lý du lịch Thái Lan (ATTA) ước tính rằng, có ít nhất 03 triệu người Trung Quốc sẽ đi qua tuyến đường sắt Lào-Trung khi đất nước này mở cửa cho phép đi du lịch nước ngoài. Chủ tịch Hiệp hội nhà hàng và khách sạn Lào Pakasith Chathapaya cũng cho biết các doanh nghiệp thành viên hiệp hội đang cải tiến dịch vụ tại các khách sạn và nhà hàng thông qua chương trình xây dựng năng lực; nâng cấp các điểm du lịch nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài hơn, bao gồm cả du khách Trung Quốc.
Tổng thư ký danh dự của ATTA Adith Chairattananon cho biết, Thái Lan phải tận dụng cơ hội để đáp ứng lượng khách du lịch từ phía Lào tràn vào, vì ông tin rằng Lào có thể không đáp ứng được lượng khách du lịch lớn như dự kiến, xét về cơ sở vật chất và chỗ ở. Khoảng một triệu du khách Trung Quốc đã đến thăm Lào vào năm 2019 trước đại dịch Covid-19, trong đó 80% đến bằng đường hàng không. Ông ước tính con số này có thể lên tới 4-5 triệu vào năm tới, dự báo phần lớn du khách sẽ sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc từ Côn Minh đến Vientiane khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Trong tổng số 211.898 lượt khách du lịch nước ngoài đến Lào trong 6 tháng đầu năm nay vẫn có hơn 4.600 lượt đến từ Trung Quốc bất chấp các hạn chế đi lại của Chính phủ nước này. Ngày 07/11/2022, Cục Đường sắt Côn Minh Trung Quốc cho biết, khối lượng vận chuyển hàng hóa của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã vượt ngưỡng 10 triệu tấn sau khi có sự gia tăng công suất vận tải trong vài tháng liên tiếp gần đây kể từ khi khai trương vận hành vào tháng 12/2021. Cho đến nay, 25 thành phố và tỉnh ở Trung Quốc đã mở các tuyến dịch vụ vận chuyển cho tàu hàng Trung Quốc-Lào, và số lượng các chuyến tàu hai chiều được điều động đã tăng từ một chuyến lên sáu chuyến mỗi ngày.
Tàu hàng Lancang-Mekong Express có tốc độ 120 km/h, khởi hành từ ga Tây Wangjiaying ở Côn Minh, phía Tây Nam Trung Quốc và đến thủ đô Vientiane sau 26 giờ. Chuyến tàu này vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn các hình thức vận tải khác. Hàng hóa được vận chuyển bằng tàu hiện đã đến các nước Đông Nam Á bao gồm Lào, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Hàng hóa được giao cũng tăng từ hơn 100 loại lên hơn 1.200 loại, từ thiết bị điện tử đến trái cây, với giá trị thương mại xuyên biên giới đã vượt 12 tỷ nhân dân tệ (1,66 tỷ USD). (Vientiane Times, 11/11/2022)
Lào - Thái Lan
Lào có thể hưởng lợi từ việc thiếu điện của Thái Lan
Ngày 09/11/2022, trang Laotian Times đưa tin, Thái Lan hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và Bộ Năng lượng nước này có kế hoạch đóng cửa sớm các quán rượu, trạm xăng và cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ nếu tình hình không được cải thiện. Các đơn vị kinh doanh và công nghiệp cũng phải phối hợp để tiết kiệm sử dụng năng lượng trong nước. Máy điều hòa được điều chỉnh nhiệt độ ở mức 27 độ C, các trạm xăng phải đóng cửa trước 11 giờ đêm, các bảng quảng cáo phải tắt bớt và thời gian mở cửa của các trung tâm mua sắm cũng như các tòa nhà và trung tâm thương mại được giảm bớt. Các đơn vị kinh doanh như trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và địa điểm vui chơi giải trí sẽ được yêu cầu tắt máy lạnh một giờ trước khi đóng cửa hoặc sớm hơn nếu có thể. Chính phủ cũng sẽ yêu cầu các đơn vị sản xuất công nghiệp tìm kiếm các thiết bị tiết kiệm năng lượng và họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin, khuyến nghị và một số chi phí đầu tư của họ.
Thứ trưởng thường trực Bộ Năng lượng Kurit Sombatsiri cho biết giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng và đồng Baht yếu có thể gây ảnh hưởng xấu đến chi phí năng lượng trong năm tới. Văn phòng Kế hoạch và Chính sách Năng lượng (EPPO) đã có buổi họp với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vào thứ Hai, 7/11 để báo cáo về các biện pháp khả thi chống lại cuộc khủng hoảng này, trong đó một trong những phương án chính là tìm kiếm thêm nguồn năng lượng từ các nhà máy thủy điện của Lào.
Đầu năm 2022, Thái Lan đã ký một thỏa thuận mới cho phép họ tăng lượng điện mua của Lào từ 9.000 MW lên 10.500 MW, cho phép họ mở rộng nguồn cung từ các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, Thái Lan đang và dự kiến mua điện từ sáu nhà máy thủy điện ở Lào bao gồm Nam Ngum 3, các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong tại Pak Lai, Luang Prabang và Pak Beng và 2 dự án Sekong 4A và 4B.
Doanh nhân Thái tìm kiếm đối tác đầu tư, thương mại tại Lào
Ngày 11/11/2022, đoàn doanh nhân Thái Lan đã sang thăm và làm việc với Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) nhằm tăng cường sự kết nối trong cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và tìm kiếm cơ hội kết nối thương mại và đầu tư tại Lào.
Tại văn phòng LNCCI, đoàn đã được Phó Chủ tịch điều hành LNCCI Daovone Phachanthavong và Ban Giám đốc tiếp đón. Ông Daovone đã thông báo khái quát với đoàn về tình hình thương mại, đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Lào sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo ông Daovone, doanh nghiệp Lào và Thái Lan là những cộng đồng có sự gắn kết nhiều nhất, do có nhiều điểm tương đồng về truyền thống, văn hóa và ngôn ngữ. Người Lào và người Thái có thể giao tiếp với nhau mà không cần thông dịch viên và hai nước có đường biên giới rất gần. Đây là một yếu tố thuận tiện cho cả Lào và Thái Lan với tư cách là những nước xuất và nhập khẩu hàng hóa. Đây là cuộc gặp rất quan trọng cho hai bên vì thông qua đó sẽ tạo điều kiện kết nối kinh doanh và mang đến các cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại cho khu vực tư nhân của cả Lào và Thái Lan. Việc tổ chức các đoàn doanh nhân thăm viếng lẫn nhau là một cách tốt để cộng đồng doanh nghiệp Lào, Thái tiếp cận và hiểu biết lẫn nhau đồng thời trao đổi liên lạc, cũng như tăng cường hợp tác nhằm hướng tới sự kết nối rõ ràng và hiệu quả hơn trong những năm tới.
Tham gia đoàn doanh nhân Thái Lan có đại diện 13 công ty là các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty kiến trúc dân dụng và các công ty hoạt động trong ngành du lịch. Đây là những công ty của Thái Lan đang mong muốn tìm kiếm đối tác kinh doanh, cổ đông và cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực tại Lào. Sau cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp tại Viêng Chăn, đoàn sẽ tới Luang Prabang để tiếp tục thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Lào và Thái Lan là hai nước đã có quan hệ thương mại và kết nối từ xa xưa dựa trên sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ. Hàng năm, Thái Lan xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá hàng trăm triệu USD sang Lào. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan sang Lào là nhiên liệu, phương tiện đi lại và phụ tùng, sắt, thép, thiết bị cơ khí, thiết bị điện, dây, cáp điện, nhựa, hóa chất, xi măng, đường, đồ uống và trái cây. Các mặt hàng chính Lào xuất khẩu sang Thái Lan bao gồm điện, đồng, xi măng, muối cà ri, khung và bộ phận máy quay video, thiết bị điện, gỗ đã qua xử lý, giày dép và thiết bị cơ khí. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Lào bao gồm đường, cà phê thô, lạc, đậu nành, bắp cải, khoai tây và các loại rau củ khác. Thương mại hai chiều giữa Thái Lan và Lào không ngừng tăng lên hàng năm. (Vientiane Times 14/11/2022)
Các đối tác đầu tư Lào, Thái cung cấp các dịch vụ vận tải và logistics với chi phí hiệu quả
Ngày 01/11/2022, Công ty TNHH Vientiane Logistics Park (VLP Co Ltd, Lào) và các đối tác Thái Lan - PTT Public Company Limited và Nathalin Group đã ký một thỏa thuận trực tuyến để nâng cấp hệ thống hậu cần và vận tải nhằm cung cấp các dịch vụ hiệu quả về chi phí qua tuyến đường sắt và các cơ sở hậu cần hiện đại.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch Công ty TNHH VLP Viengkhone Sitthixay cho biết, ba bên đã ghi nhận tính hiệu quả và hiệu quả của vận tải đường sắt vì đã mang lại các giải pháp tiết kiệm chi phí. Công ty của ông đang tìm kiếm các đối tác có trình độ và kinh nghiệm tầm cỡ thế giới để hợp tác nâng cấp hệ thống giao thông và chuẩn hóa các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Lào, Thái Lan và toàn khu vực.
Thông qua Đường sắt Lào-Trung Quốc và Đường sắt Lào-Thái Lan (đều kết nối với Công viên Logistics Vientiane, cảng cạn tích hợp đầu tiên của Lào), cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng giữa Đông Nam Á và Trung Quốc và xa hơn nữa.
Phó chủ tịch điều hành cấp cao của công ty TNHH PTT Public Chansak Chuenchom nhấn mạnh sự cần thiết để cải thiện hệ thống hậu cần và vận tải nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa các nước trong khu vực và Lào, nước có biên giới với các nền kinh tế trọng điểm trong khu vực là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đồng thời đóng vai trò là trung tâm trung chuyển trên bộ.
Công viên Logistics Vientiane và Cảng cạn Thanaleng đã bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2021, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ vận tải xuyên biên giới và quá cảnh cho các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc. Chỉ trong 09 tháng đầu năm 2022, đã có khoảng 41.000 container được vận chuyển (xuất nhập khẩu, quá cảnh) qua khu vực này. (Vientiane Times, 03/11/2022)
Lào - Nhật Bản
Phái đoàn thương mại Nhật Bản tìm hiểu về các cơ hội thương mại, đầu tư tại Lào
Ngày 16/11/2022, Đoàn đại biểu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã đến thăm Khu Công viên Logistics Viêng Chăn và Cảng cạn Thanaleng để tìm hiểu về các cơ hội thương mại và đầu tư.
Đây là một hoạt động trong chương trình thăm Lào của Phái đoàn Đầu tư Sản xuất của JETRO với thành viên là giám đốc điều hành của các doanh nghiệp Nhật Bản tới trung tâm logistic lần đầu tiên được tích hợp các dịch vụ, hiện đang trong quá trình xây dựng trên một địa điểm tại thủ đô Viêng Chăn, gần biên giới với Thái Lan.
Chuyến thăm của Phái đoàn thương mại Nhật Bản do Phó chủ tịch điều hành của JETRO Aoyama Shigetoshi dẫn đầu, diễn ra sau khi Công ty TNHH Công viên Logistics Viêng Chăn và JETRO ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tại thủ đô Lào vào hồi tháng 3/2021, với mục tiêu cùng nhau thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào khu logistics thông qua một số ưu đãi trong đó bao gồm cả ưu đãi về thuế quan.
Phó Chủ tịch điều hành Ban Thương mại và Pháp lý của Công ty TNHH Pacific Trust Link Holding (PTL), công ty mẹ của Công ty TNHH Công viên Logistics Viêng Chăn Sila Viengkeo cho biết, chuyến thăm của đoàn nhằm tìm hiểu về tiềm năng đầu tư và thương mại, qua đó sẽ giúp tăng cường, phát triển mối quan hệ kinh tế giữa Lào và Nhật Bản. Ông cho biết Công viên Logistics và Cảng cạn là một phần chiến lược của Chính Phủ và dự án Liên kết Logistics Lào (LLL) nhằm biến Lào từ một nước nằm sâu trong đất liền thành một quốc gia đa liên kết trên bộ, kết nối với các nước trong khu vực và phần còn lại của thế giới. Phó chủ tịch điều hành cũng tin tưởng chuyến thăm của Phái đoàn sẽ tạo tiền đề thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Khu Công viên Logistics Viêng Chăn.
Giám đốc điều hành Cảng cạn Thanaleng Sakhone Pilangam cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được ưu tiên khi đầu tư vào Khu Công viên Logistics và Cảng cạn. Lý do của điều này là do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản là người đã giúp xây dựng kế hoạch tổng thể của Lào về hệ thống logistics với đề xuất phát triển cảng cạn, và sau đó nghiên cứu khả thi đầu tiên cũng do một công ty Nhật Bản thực hiện. Theo ông Sakhone, dự án Công viên Logistics và Cảng cạn là dự án trị giá 727 triệu USD, được xây dựng trên 382 ha đất bao gồm 5 khu vực - cảng cạn, trang trại xe bồn, công viên logistic, khu thương mại tự do và khu chế biến xuất khẩu. Ông cũng cho biết khi đầu tư vào các khu này, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể được giảm thuế trong vòng từ 8-16 năm, tùy thuộc vào loại hình đầu tư và có thể cũng được miễn thuế giá trị gia tăng.
Nằm trong danh sách các quốc gia kém phát triển nhất, Lào cũng được hưởng các đặc quyền thương mại của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó bao gồm Liên minh châu Âu, cho phép các sản phẩm sản xuất tại Lào được miễn thuế khi vào thị trường của họ. (Vientiane Times 22/11/2022)
Lào - Hàn Quốc
Công ty Hàn Quốc triển khai siêu dự án tại Lào
Ngày 14/11/2022, Vientiane Times đưa tin, Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an Lào vừa ký văn bản đồng ý cấp quyền sử dụng khu đất có diện tích 1.200 ha do Bộ Công an quản lý tại khu vực Km 62, tỉnh Viêng Chăn cho Công ty TNHH Oriental Pearl, một công ty tư nhân của Hàn Quốc, sử dụng để đầu tư xây dựng một Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng tại Lào trị giá 2,9 tỷ USD.
Trước đó, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng Thongsouk Yaeulaoly và Tổng giám đốc Công ty TNHH Oriental Pearl Jeong Taejin đã ký thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Công an, Tướng Kongthong Phongvichith và Chủ tịch Công ty Kim Won Pyo, cùng nhiều quan chức khác của hai bên.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng Nouchone Konethongdam cho biết, năm 2015, Công ty TNHH Oriental Pearl đã đệ trình một đề xuất lên Bộ Công An trong đó đưa ra ý tưởng phát triển diện tích 1.200 ha tại Km 62 nói trên. Tháng 2/2016, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) dự án làm tài liệu chứng nhận pháp lý để tiến hành khảo sát và thiết kế. Cuối tháng 10/2022, hai bên đã đạt được thỏa thuận phát triển dự án, cho phép nhà đầu tư tiến hành xây dựng Khu tổ hợp nghỉ dưỡng tại Lào với tổng trị giá lên tới 2,9 tỷ USD.
Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ tiến hành xây dựng một khu đô thị mới, một khu du lịch và một trung tâm dịch vụ tổng hợp. Dự án được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Theo dự kiến, dự án sẽ là một cú hích đối với những dự án đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) địa phương, đặc biệt là đối với các đại lý, nhà cung cấp ở huyện Phonhong, tỉnh Viêng Chăn. (Vientiane Times, 14/11/2022)
Công ty Hàn Quốc tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Lào
Ngày 21/11/2022, Vientiane Times đưa tin, The Riverfront Apartments là dự án căn hộ dịch vụ đầu tiên được tài trợ và vận hành bởi tập đoàn tài chính KB, Hàn Quốc với 39 căn hộ cao cấp tại Vientiane, đánh dấu bước phát triển đáng kể trên thị trường bất động sản của Lào với đối tượng khách hàng chính là các doanh nghiệp.
Lễ khai trương khu căn hộ này đã diễn ra tại Vientiane vào tuần trước với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Suanesavanh Vignaket, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phonevanh Outhavong, Giám đốc điều hành KB Capital Co Ltd SooNam Hwang, Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Yungsoo Jung và Giám đốc điều hành Công ty TNHH KB Kolao Sikyung Yi.
Dự án The Riverfront Apartments đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2021 và hoàn thành vào tháng 9/2022, là dự án đầu tiên do tập đoàn tài chính KB trực tiếp đầu tư và vận hành tại Lào. Dự án này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường bất động sản Lào và các thị trường tài chính liên quan, tạo nhu cầu đầu vào cho thị trường mới mẻ này. The Riverfront Apartments có chín tầng với 39 căn hộ chất lượng cao, tọa lạc tại bản Phanman, quận Sisattanak, thủ đô Vientiane với các tiện ích như hồ bơi trên tầng mái, nhà hát, sân golf mô phỏng trong nhà và phòng tập thể dục cho cư dân nội khu.
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tham gia mở rộng sân bay quốc tế Luang Prabang
Ngày 22/11/2022, trang Laotian Times đưa tin, Chính phủ Lào và các nhà chức trách ngành hàng không hiện đang tìm kiếm một đối tác tư nhân có thể đầu tư 150 triệu USD để mở rộng và quản lý sân bay Luang Prabang trong 50 năm tới. Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã chọn Tập đoàn Cảng hàng không Hàn Quốc (Korea Airports Corporation – KAC) để thực hiện công tác nghiên cứu khả thi mở rộng Sân bay quốc tế Luang Prabang.
KAC, đơn vị hiện đang vận hành 14 sân bay tại Hàn Quốc, đã báo cáo kết quả cuộc nghiên cứu khả thi lần thứ ba về việc mở rộng sân bay Luang Prabang với lãnh đạo Bộ Công chính và Vận tải, Ban quản lý sân bay Quốc tế Luang Prabang và các cơ quan liên quan khác. KAC dự định sẽ ký kết hợp tác với Chính phủ Lào để mở rộng và phát triển sân bay Quốc tế Luang Prabang.
Tại buổi báo cáo, KAC đã đưa ra các kế hoạch cải tạo và mở rộng cho phép sân bay có thể đón hơn 4,61 triệu hành khách so với công suất hiện tại là 1,2 triệu hành khách. Với kinh nghiệm 42 năm quản lý các sân bay tại Hàn Quốc, KAC đề xuất tu sửa và mở rộng các nhà ga và đường băng của sân bay. Họ cũng đưa ra kế hoạch xây dựng các cơ sở thương mại như khu ẩm thực và quầy dịch vụ cho thuê xe ô tô. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch xây dựng thêm một nhà ga rộng 55.000 mét vuông để phân biệt ga trong nước và quốc tế, đồng thời giúp tăng hiệu quả vận chuyển hành khách.
Lãnh đạo KAC cho biết công ty đang tìm cách xây dựng một kế hoạch phát triển cân bằng giữa việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực đồng thời thúc đẩy ngành du lịch và nền kinh tế địa phương, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác thân thiết với Chính phủ Lào trong lĩnh vực vận tải hàng không và các ngành có liên quan.
Hàn Quốc hỗ trợ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Lào
Ngày 21-22/11/2022, Hội thảo xúc tiến thương mại toàn quốc đã được tổ chức tại Luang Prabang với sự chủ trì của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương Lào), KOTRA Vientiane và Chương trình Chia sẻ Kiến thức (KSP) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Hội thảo nhằm mở rộng chương trình KSP ở quy mô cấp địa phương của Lào để nâng cao sự nhận thức và hợp tác trong tương lai, phát triển, cải thiện và triển khai các chính sách thương mại ở cấp trung ương và địa phương thông qua việc phát triển nền kinh tế dựa trên xuất khẩu với các bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ Công Thương, Bộ Công nghệ và Truyền thông cùng đại diện thủ đô Vientiane, các tỉnh Oudomxay, Luang Prabang, Savannakhet và Champassak, cũng như đại diện Kotra và công ty Green Goods (Hàn Quốc).
Lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao năng lực của cán bộ các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như khởi nghiệp, đặc biệt là các đơn vị có những ý tưởng sáng tạo, đột phá, có sự chuyển đổi nhanh chóng, phù hợp với biến động kinh tế toàn cầu và sự chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh.
Ông Kim Pil Seong, Giám đốc Cơ quan Thương mại Hàn Quốc tại Vientiane (Kotra Vientiane) đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp cho những người dự hội thảo dựa trên những kinh nghiệm từ thực tiễn của Hàn Quốc trước đây, bao gồm ba hướng đi chính: thành lập doanh nghiệp thương mại tổng hợp nhà nước, xây dựng trung tâm nghiên cứu thương mại và xây dựng cơ sở dữ liệu về thương mại quy mô toàn quốc để sử dụng lâu dài. (Vientiane Times, 23/11/2022)
Hợp tác đầu tư dự án sản xuất xăng sinh học tại Lào
Ngày 01/11/2022, tại khách sạn Lao Plaza, Công ty xăng dầu quốc doanh Lào và Công ty Gaia Petro Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án sản xuất xăng sinh học, với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Bunphon Vannachith, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bunthong Duongsavanh và Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Sinava Souphanouvong, cùng đại diện các bên liên quan.
Trước đó, ngày 06/6/2022, Công ty xăng dầu quốc doanh Lào và Gaia Petro đã ký bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất xăng sinh học tại Lào, hai bên đã tiến hành thử nghiệm và đạt kết quả được loại xăng sinh học mới, đáp ứng tiêu chuẩn và hoàn toàn có thể cung ứng ra ngoài thị trường. Ngày 21/10/2022, Công ty xăng dầu quốc doanh Lào và Gaia Petro đã tổ chức lễ giới thiệu sản phẩm xăng sinh học trên. Với việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, sản phẩm xăng sinh học này được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung nhiên liệu của Lào, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, kiềm chế lạm phát và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Công ty xăng dầu quốc doanh Lào Sisangkhom Khotnhotha cho biết, thực hiện chính sách phát triển năng lượng bền vững của Chính phủ Lào, Công ty đã tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới bên cạnh việc nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác với các đơn vị có khả năng tự sản xuất như Gaia Petro. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong 12 năm, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, trong đó Gaia Petro góp 55% vốn, Công ty xăng dầu quốc doanh Lào góp 22,5% vốn và các nhà đầu tư trong nước khác góp 22,5% vốn còn lại; năm đầu tiên phấn đấu đạt sản lượng khoảng 500.000 lít/ngày hoặc 10 triệu lít/tháng, kể từ năm thứ 2 trở đi sẽ tăng 20% sản lượng/năm. (Báo KT-XH, 03/11/2022)
Lào - Australia
Lào, Australia mở rộng hợp tác song phương
Ngày 18/11/2022, Vientiane Times đưa tin, Đại sứ Australia tại Lào Kelly cho biết, Lào và Australia dự kiến sẽ mở rộng phạm vi hợp tác song phương sau khi hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ lên cấp đối tác toàn diện. Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 70 năm Lào Australia Mittaphab Gala tại khách sạn Landmark ở Viêng Chăn, ông Paul Kelly cho hay “tuần này, Thủ tướng Lào Phankham và Thủ tướng Australia Albanese đã công bố ý định nâng cấp mối quan hệ của hai bên lên thành đối tác toàn diện”.
Việc nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước sẽ tạo ra những phương cách để mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác song phương và hợp tác trong khu vực trên một số lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, biến đổi khí hậu và tội phạm xuyên quốc gia. Theo Đại sứ Kelly, hỗ trợ đầu tư, kết nối cũng là một trong những lĩnh vực được trông đợi sẽ trở nên nổi trội trong mối quan hệ đang trên đà phát triển của hai nước”. Trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Saleumxay Kommasith cùng một số quan chức cấp cao khác của Chính phủ Lào tại buổi dạ tiệc, Đại sứ Kelly cho biết Australia coi Lào là đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức ở cấp khu vực cũng như toàn cầu, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ Lào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Austratlia sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào để nước này chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2024.
Australia là một trong những đối tác phát triển quan trọng của Lào. Nước này đã tài trợ xây dựng cây cầu hữu nghị Lào-Thái đầu tiên được khánh thành vào năm 1994. Đây là cây cầu biểu tượng cho sự mở cửa của Lào và quá trình hội nhập với cộng đồng quốc tế để biến nước này từ một quốc gia không giáp biển thành một nước có khả năng liên kết mạnh trên đất liền.
Australia cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển nguồn nhân lực của Lào. Kể từ năm 1989, hơn 1.300 sinh viên trẻ Lào đã có cơ hội học tập tại Australia theo chương trình Học bổng toàn phần. Hiện tại, các cựu học sinh Lào tại Australia làm việc trong cả khu vực nhà nước và tư nhân đã và đang có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Lào. Australia cũng đang cung cấp viện trợ cải thiện chương trình giảng dạy tiểu học cho Lào thông qua chương trình giáo dục BEQUAL hàng đầu của mình.
Ngoài các đầu tư vào khu vực nhà nước, Australia còn tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân chất lượng cao vào Lào. Theo Đại sứ Kelly, đầu tư kinh doanh chất lượng cao của Australia là một trong những nét đặc trưng điển hình của mối quan hệ giữa hai nước. Đây là một lĩnh vực được trông đợi là sẽ tiếp tục theo đà phát triển. Theo Đại sứ, Chiến lược kinh tế Đông Nam Á có thể sẽ giúp chỉ ra các cơ hội đang mở ra ở Lào và từ đó thu hút sự quan tâm, chú ý của doanh nghiệp Australia. Điều náy sẽ mang lại lợi ích tốt cho cả hai nước.
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC
Lào - WB - ADB
Đề xuất lộ trình cải cách đối với Lào
Ngày 21/10/2022, WB và ADB đã có cuộc họp với nhóm điều hành kinh tế vĩ mô Lào để trình bày về lộ trình cải cách, thực hiện chương trình Nghị sự quốc gia Lào. Lộ trình cải cách WB và ADB đưa ra nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc đánh giá các tiến độ đã đạt được so với mục tiêu đặt ra và đề xuất các cải cách cụ thể nhằm giảm bớt các lỗ hổng kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng. Theo đề xuất, thực hiện cải cách vào cuối năm 2023, lộ trình thực hiện gồm 37 giải pháp/cải cách được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, quan trọng theo 5 nhóm: (i) tăng nguồn thu ngân sách với 2 cải cách ưu tiên, (ii) quản lý chi tiêu hiệu quả và quản lý nợ với 3 cải cách ưu tiên, (iii) Thúc đẩy xuất khẩu, (iv) ổn định tài chính tiền tệ với 1 ưu tiên cải cách và (v) xây dựng nhà nước pháp quyền.
Theo các tổ chức này, tháng 8/2021, Quốc hội Lào đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về giải quyết khó khăn về tài chính giai đoạn 2021-2023 trong đó đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, các ưu tiên để giải quyết các lỗ hổng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước; ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và hướng tới việc đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế gần đây chậm lại, không gian tài khóa hạn chế mặc dù đã được hoãn nợ nhưng mức nợ công vẫn ở mức cao và đang tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, sự mất cân đối ngoài nước đã khiến đồng Kíp của Lào giảm mạnh, việc gia tăng giá cả hàng hóa quốc tế đã khiến lạm phát Lào tăng cao. Trong số 15 mục tiêu đặt ra, ngoài 2 chỉ tiêu chưa đánh giá được, có đến 9 chỉ số đạt được thấp hơn mục tiêu hoặc không chắc chắn, đều là những chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP, thu nội địa, dự trữ ngoại hối và nợ xấu.
Theo WB và ADB, Chính phủ Lào trước mắt nên ưu tiên thực hiện 5 cải cách để tránh cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội sâu sắc tiếp theo gồm (1) Sửa Luật Khuyến khích đầu tư, hạn chế các ưu đãi và miễn giảm thuế; (2) Khôi phục thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, giảm các khoản miễn thuế VAT; (3) Định hướng lại chi tiêu cho các lĩnh vực xã hội; (4) Tiếp tục cơ cấu lại nợ công và (5) Tăng cường giám sát ngân hàng, cần thiết thực hiện các thỏa thuận khẩn cấp. (ĐSQ Việt Nam tại Lào)
HỢP TÁC LÀO - KHU VỰC
Lào hợp tác với các nước Đông Dương, Thái Lan, Myanmar để phát triển du lịch
Ngày 07/11/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ trưởng du lịch của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan đã kêu gọi liên kết các điểm du lịch hàng đầu của họ thông qua một kế hoạch hành động chung nhằm hồi sinh ngành du lịch của khu vực sau đại dịch Covid-19 tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 5 và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 6 được tổ chức tại thành phố Siem Reap, Campuchia.
Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động để khôi phục du lịch đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN tại Campuchia vào đầu năm 2022, kết hợp với các ngành liên quan bao gồm các nhà khai thác kinh doanh du lịch, nhằm khôi phục lượng khách trở lại và thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Các nước thành viên sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, tổ chức các chiến dịch tiếp thị, thiết lập tiêu chuẩn du lịch, kết nối hoạt động du lịch, giới thiệu du lịch kỹ thuật số để khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Các dịch vụ và nhân sự liên quan đến du lịch cũng được khuyến khích cải thiện chất lượng. Các cơ quan du lịch sẽ hợp tác với các nước đối tác và các tổ chức quốc tế nhằm đưa du lịch ASEAN mạnh hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch.
Các đại biểu bày tỏ sự hài lòng với thành công của việc thực hiện dự án hợp tác du lịch năm ngoái, chẳng hạn như các chính sách phòng chống Covid-19 gây ảnh hưởng đến ngành du lịch và việc mở cửa trở lại đối với khách du lịch nước ngoài, trong đó chú trọng đến việc đảm bảo sức khỏe và an toàn của du khách. Các nước trong tiểu vùng đã xây dựng các chính sách và biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong vùng và du khách nước ngoài.
Từ sau đại dịch, lượng khách du lịch nước ngoài đến các nước ACMECS và CLMV giảm mạnh đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nước ngoài đến các nước ACMECS chỉ đạt hơn 4,7 triệu lượt, trong đó chỉ có hơn 2 triệu khách là từ các nước ACMECS, chiếm 42,5%. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam ước tính đạt 3,9 triệu lượt, trong đó chỉ có hơn 600.000 khách quốc tịch của các nước này, chiếm 15,7% tổng số khách du lịch.
Từ năm 2023-2025, các nước khu vực ACMECS và CLMV sẽ tiếp tục hợp tác để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, chia sẻ thông tin, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tạo thuận lợi hơn nữa cho các tuyến đường bộ và đường bay thẳng đến các điểm du lịch lớn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa - Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket cho biết ngành du lịch Lào có kế hoạch phát triển một loạt các hoạt động du lịch và lễ hội nhằm thu hút nhiều du khách hơn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, hơn 600.000 du khách nước ngoài đã đến Lào và dự kiến con số này sẽ tăng lên một triệu lượt du khách vào cuối năm nay.
BẠN CẦN BIẾT
Đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào-Thái Lan
Ngày 22/11/2022, Vientiane Times đưa tin, theo tờ Global Times một chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Thái Lan cho biết tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào - Thái Lan được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối khu vực, tiếp tục rút ngắn thời gian và hạ thấp giá thành vận chuyển so với mức hiện nay.
Vào cuối tuần qua, ông Nattaporn Triratanasirikul, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (KResearch) có trụ sở tại Bangkok, nói với Global Times rằng tuy dự án vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng khi hoàn thành, nó sẽ là một phần của hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ cho thương mại, buôn bán giữa hai nước, nhất là đối với những loại hàng hóa dễ bị hư hỏng như nông sản và các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trong đó vấn đề tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy thương mại và tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng.
Ngày 19/11/2022, Trung Quốc và Thái Lan đã nhất trí xây dựng một cộng đồng Trung -Thái ổn định, thịnh vượng và lâu bền, cùng hướng tới một tương lai chung, mà các nhà quan sát coi là một bước đột phá quan trọng, nâng cao hơn nữa mối quan hệ hai bên vốn đã tốt đẹp lên một tầm cao chiến lược mới.
Theo ông Triratanasirikul, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào, khai trương vào tháng 12 năm 2021, đã mang lại lợi ích cho Thái Lan. Theo ước tính của KResearch, đường sắt này đã mở ra một tuyến vận tải mới giúp cắt giảm khoảng 30% chi phí và tiết kiệm khoảng 50% thời gian vận chuyển.
Theo dữ liệu từ Kresearch, tổng kim ngạch thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc qua tuyến đường sắt cao tốc đã đạt 11 tỷ Baht (307 triệu USD) tương đương với 5,3% tổng thương mại xuyên biên giới giữa Thái Lan và Trung Quốc. Các sản phẩm của Trung Quốc xuất sang Thái Lan bao gồm phân bón, ô tô và thiết bị y tế với tổng kim ngạch trị giá 9,4 tỷ Baht, trong khi đó hàng xuất khẩu của Thái Lan vào Trung Quốc bao gồm trái cây và máy tính và các sản phẩm điện tử với khối lượng ít hơn trị giá khoảng 1,5 tỷ Baht.
Theo ông Triratanasirikul, Trung Quốc đã cấp “luồng xanh” hải quan và chỉ định tuyến vận tải riêng để tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản và các mặt hàng dễ bị hư hỏng khác từ Thái Lan sang Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt cao tốc Trung-Lào. Ông Triratanasirikul cho biết “Chúng tôi hy vọng khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào-Thái Lan hoàn thành, nó sẽ cắt giảm hơn nữa giá thành vận chuyển và tiết kiệm thời gian lên tới hơn 70%”. Nhờ có tuyền đường sắt cao tốc, việc tăng cường khả năng kết nối sẽ được hiện thực hóa trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư sâu giữa hai nước đã trở nên sâu rộng hơn.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Thái Lan đã tăng từ 720 triệu USD năm 2020 lên 1,14 tỷ USD vào năm 2021. Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, thương mại song phương tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 131,18 tỷ USD vào năm 2021. Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như SAIC, Great Wall và BYD cũng đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện ở Thái Lan và chọn Thái Lan là trung tâm sản xuất của các hãng này tại Đông Nam Á.”
Ông Triratanasirikul cho rằng khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát và căng thẳng địa chính trị gia tăng, việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Thái Lan, cũng như giữa các thành viên ASEAN thông qua tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, đồng thời hỗ trợ thành lập chuỗi cung ứng Trung Quốc tại ASEAN sẽ là việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực. Theo ông “có lẽ điều đó sẽ đóng vai trò như một tấm gối đệm, giúp chống đỡ với bất kỳ tác động bất lợi nào từ những thách thức như trên ở hiện tại và cũng có thể là trong cả tương lai mà chúng ta phải đối mặt.”
Hãng hàng không Lào mở lại các đường bay quốc tế
Ngày 03/11/2022, Vientiane Times đưa tin, hãng hàng không Lào Airlines sẽ mở lại các đường bay quốc tế đến và đi từ Luang Prabang, bao gồm: Vientiane - Luang Prabang - Chiang Mai (Thái Lan), Luang Prabang - Hà Nội và Luang Prabang - Pakxe - Siem Reap (Campuchia), trong đó 2 tuyến đầu được mở vào thứ Tư - Sáu và Chủ nhật hàng tuần, còn tuyến thứ ba vào thứ Ba - Năm và Bảy.
Do tác động nặng nề của dịch Covid-19, hãng Lào Airlines đã phải phải cắt giảm hầu hết các chuyến bay quốc tế trừ các chuyến thuê riêng từ Vientiane đi Inchon (Hàn Quốc) và Kunming (Trung Quốc). Hiện nay, hãng đã mở lại các chuyến bay hằng ngày đến Inchon, và tăng lên đến 11 chuyến mỗi tuần từ Vientiane đến Bangkok (Thái Lan).
Các chuyến bay trong nước cũng được phục hồi, với 8 chuyến mỗi tuần từ Vientiane đến Luang Prabang, mỗi ngày một chuyến từ Vientiane đến Luang Namtha, 4 chuyến mỗi tuần đến Xieng Khuang, 11 chuyến mỗi tuần đến Pakxe và 6 chuyến mỗi tuần đến Savannakhet.
Khảo sát phát triển dự án điện gió tại tỉnh Salavan
Tỉnh Salavan đã tổ chức lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về việc nghiên cứu khả thi trong phát triển điện gió. Buổi lễ có sự tham dự của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Salavan Khamphon Manisengsuk, Giám đốc Sở Năng lượng và Mỏ tỉnh Salavan Phothinha Vongchomsy cùng Chủ tịch Công ty TNHH năng lượng B.Grimm Lào Sulasak Phanluongvong, với sự chứng kiến của Phó Tỉnh trưởng phụ trách kinh tế - xã hội tỉnh Salavan Phouthong Khammanivong.
Dự án phát triển điện gió công suất 5 MW dự kiến sẽ được đặt ở huyện Taoy, tỉnh Salavan, do Công ty TNHH năng lượng B.Grimm Lào (đăng ký kinh doanh trong khuôn khổ Đặc khu kinh tế Phukhieu, huyện Thakhek, tỉnh Khammouan), là dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Salavan, nhất là trong việc sản xuất và đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước và xuất khẩu. Sau khi ký kết Bản ghi nhớ, Công ty TNHH năng lượng B.Grimm Lào sẽ khẩn trương nghiên cứu, tham vấn các bên liên quan và đánh giá về các nội dung thành phần của dự án như diện tích triển khai, dự kiến phân bổ đầu tư, bản đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, bản đánh giá tác động môi trường… nhằm bảo đảm triển khai dự án đạt hiệu quả cao nhất. (Báo KT-XH, ngày 02/11/2022)
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Phan Minh Chiến
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm, Hồ Đức Dũng