TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Quốc hội Lào thảo luận các vấn đề quan trọng của quốc gia
Ngày 28/10/2021, tại Tòa nhà Quốc hội thủ đô Viêng Chăn, Lào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào thông báo Kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội Khóa IX CHDCND Lào chính thức diễn ra từ ngày 01-17/11/2021 nhằm thảo luận và thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước, với nội dung cơ bản sau:
1. Nhiệm vụ của Chính phủ đối với việc tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2021 và phương hướng năm 2022; việc tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2021 và phương hướng năm 2022; việc tổ chức thực hiện Kế hoạch ngân sách nhà nước và chính sách tiền tệ quốc gia năm 2021 và phương hướng năm 2022; Kế hoạch phát triển năng lượng Lào giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển năng lượng và mỏ 05 năm giai đoạn 2021-2025; Tầm nhìn 20 năm giai đoạn 2021-2040; Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế số 05 năm giai đoạn 2021-2025.
2. Nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra Nhà nước và Cơ quan kiểm tra Quốc gia đối với việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2021 và phương hướng năm 2022; kết quả kiểm toán, tổng kết sơ bộ việc tổ chức thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2020; việc tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2021 và phương hướng năm 2022; kiểm tra kết quả kiểm toán việc thực hiện kế hoạch ngân sách năm 2019.
3. Nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân tối cao và Cơ quan Công tố nhân dân; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Tòa án năm 2021 và phương hướng kế hoạch năm 2022; báo cáo của Cơ quan Công tố nhân dân về việc thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2021 và kế hoạch năm 2022; thảo luận, thông qua đề xuất bổ nhiệm công tố viên của Tòa án Nhân dân tối cao.
4. Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2021 và phương hướng kế hoạch năm 2022 của Quốc hội.
Thảo luận, thông qua việc xây dựng và sửa đổi 11 bộ luật, trong đó dự thảo 04 bộ luật mới gồm: Luật giao thông đường bộ, Luật biên giới Quốc gia, Luật Đo đạc và Bản đồ, Luật phát triển công nghệ cao. Sửa đổi, bổ sung 07 bộ luật: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Giám định tư pháp; Luật Phán quyết của Tòa; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Luật Thông tin, truyền thông; Luật Di sản Quốc gia. (Báo KT-XH, 29/10/2021)
LHQ phê chuẩn Lào trở thành nước thuộc nhóm các nước đang phát triển
Tờ Thời báo Viêng Chăn đưa tin, theo đề nghị của Ủy ban Chính sách Phát triển, Đại hội đồng LHQ trong phiên họp toàn thể lần thứ 40, Khóa 76 đã thông qua nghị quyết chuyển Lào sang nhóm các nước đang phát triển, đánh dấu sự chuyển đổi vị trí của nước này hiện đang trong danh sách các nước chậm phát triển (LDC). Cùng với Nê-pal và Băng-la-đét, Lào sẽ chính thức được LHQ công nhận là nước đang phát triển vào năm 2026 với thời gian chuẩn bị cho sự chuyển đổi là 05 năm thay vì 03 năm như trước đây.
Đại sứ, Đại diện thường trực của Lào tại LHQ bày tỏ lòng biết ơn của Lào với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để Lào có được vị thế mới, tạo đà cho phát triển như nghị quyết của LHQ thừa nhận. Tuy nhiên cũng cho rằng, điều quan trong là Lào cần giữ vững được chất lượng và sự ổn định để tránh rơi trở lại danh sách các nước chậm phát triển (LDC) sau khi đã thoát ra khỏi.
Theo người phát ngôn của LHQ, ba quốc gia nói trên sẽ được kéo dài thời hạn chuẩn bị thành 05 năm thay vì 03 năm theo quy định nhằm giúp cho các nước này vừa chuẩn bị thoát ra khỏi hiện trạng là nước chậm phát triển (LDC) vừa phục hồi những tổn thất về kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Nghị quyết của LHQ cũng nêu rõ, việc thoát ra khỏi danh sách LDC không gây ra những gián đoạn hay thay đổi nào với các kế hoạch cũng như chương trình, dự án phát triển cho các nước này.
Các nước thuộc danh sách chậm phát triển LDC được LHQ xác định dựa trên ba tiêu chí: bình quân đầu người trên tổng thu nhập quốc dân, chất lượng nguồn lực con người và mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế. Trong năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Lào là 2.479USD, trong khi đó yêu cầu tối thiểu để ra khỏi danh sách LDC là 1.230USD.
Hiện trên thế giới có 46 quốc gia nằm trong danh sách các nước chậm phát triển. Danh sách LDC được đánh giá lại theo chu kỳ 03 năm một lần. (Vientiane Times 29/11/2021)
Kế hoạch Hành động Quốc gia theo Tuyên bố Viêng Chăn (VDCAP)
Ngày 12/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức cuộc họp trực tuyến bên lề Hội nghị Bàn tròn cấp cao lần thứ 13 để tham vấn ý kiến quốc tế về Báo cáo tổng kết giữa kỳ Kế hoạch Hành động Quốc gia theo Tuyên bố Viêng Chăn (VDCAP) do bà Phonevanh Outhavong, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào chủ trì. Báo cáo Tổng kết đưa ra Bối cảnh của Kế hoạch VDCAP và quá trình đánh giá giữa kỳ Kế hoạch; các phát hiện chính trong quá trình đánh giá, tổng kết giữa kỳ l; và những thông điệp về các bước tiếp theo để gửi lên cho Hội nghị Bàn tròn cấp cao lần thứ 13.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chính phủ Lào cùng hơn 30 đối tác đã ký Tuyên bố Viêng Chăn tại Hội nghị bàn tròn cấp cao lần thứ 12 vào năm 2015. Kế hoạch Hành động Quốc gia (2015-2025) được phê duyệt vào năm 2016 và việc giám sát, báo báo tình hình thực hiện VDCAP được thực hiện 3 năm/lần với sự tham gia của các đối tác quốc tế về hiệu quả của việc hợp tác phát triển.
Kết quả đánh giá:
Chất lượng lập Kế hoạch Phát triển Quốc gia của Lào khá cao (đạt 87% theo thang đánh giá) so với các nước nằm trong danh sách các nước chậm phát triển (LDC) khác (79%). Kế hoạch VDCAP đã đưa ra được khung xác định ưu tiên kết nối tốt hơn giữa quá trình lập kế hoạch và phân bổ ngân sách. Các đầu ra, kết quả của Kế hoạch, dự toán chi phí và phân bổ ngân sách được liên kết chặt chẽ với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việc áp dụng các hệ thống, thủ tục kiểm toán và quy trình đấu thầu ở Lào có điểm số được đánh giá thấp hơn so với bình quân điểm số của các nước trong danh sách LDC năm 2019, lần lượt là: Lào 28% - LDC 52% và Lào 31% - LDC 45%. Một số chỉ số đánh giá cho năm 2019 của Lào thấp hơn so với kết quả đánh giá năm 2017, cụ thể như Khả năng dự đoán hàng năm trong hợp tác phát triển năm 2017 Lào đạt điểm số 93% nhưng năm 2019 giảm xuống còn 70%; Chất lượng đối thoại công-tư từ 60% năm 2017 giảm xuống còn 55% năm 2019.
Các bước tiếp theo - thông điệp cho Hội nghị bàn tròn lần thứ 13:
Tiếp tục khẳng định mức độ liên quan, ý nghĩa, hiệu quả và tầm quan trọng của VDCAP. Tập trung nâng cao tiến bộ của việc thực hiện Kế hoạch, ít nhất mỗi nội dung Kế hoạch (08 nguyên tắc lớn) cần đạt được một điểm tiến bộ chính. Trong 28 điểm trọng tâm được đề xuất cần tập trung trong giai đoạn 2021-2025 và thời gian còn lại của việc thực hiện Kế hoạch, một số điểm đề xuất đáng lưu ý được nêu ra có liên quan tới: (i) đảm bảo sự nhất quán trong hiểu biết và thực hiện kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, nhất là cách tiếp cận dựa trên hiệu suất công việc (PBA), (ii) nâng cao khả năng phối hợp liên ngành trong thực hiện, (iii) tăng cường khả năng minh bạch, chất lượng và khả năng tiếp cận thông tin, số liệu về ODA, (iv) nỗ lực tăng cường cơ chế đối thoại công-tư PPD để lôi kéo sự tham gia toàn diện của các chủ thể khu vực tư nhân, hướng tới sự tham gia rộng hơn của khu vực tư nhân nằm ngoài phạm vi của cơ chế PPD. (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, 12/11/2021)
Tình hình kinh tế Lào cuối năm 2021 và triển vọng năm 2022
Tháng 10/2021, Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Lào đã tổ chức đánh giá tình hình kinh tế Lào cuối năm 2021 và triển vọng năm 2022.
Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 tại Lào đang diễn ra phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trên hầu hết các tỉnh, thành phố của Lào, đặc biệt tại thủ đô Viêng Chăn, các thành phố lớn Luang Prabang, Pakse và một số Đặc khu kinh tế đã tác động mạnh đến nền kinh tế Lào vốn đang trong tình trạng khó khăn lại càng nguy cập hơn. Với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, nặng nề, Chính phủ Lào buộc phải áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn làm sóng lây lan và hạn chế các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nền sản xuất, kinh doanh vào tình trạng khó khăn, thiếu nguyên vật liệu, thiếu lao động và đứt gẫy dòng vốn quay vòng; các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lưu trú bị ảnh hưởng nặng nề; đặc biệt, du lịch là một trong các lĩnh vực quan trọng đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước bị đình trệ, kéo theo hàng loạt các dịch vụ đi kèm khác phải đóng cửa, dừng hoạt động.
Tăng trưởng kinh tế Lào năm 2021 dự báo chỉ đạt khoảng 3%, thấp hơn dự báo đầu tháng 7/2021 (3,7%); tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phú đã chú trọng vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như năng lượng, khai khoáng và sản xuất hàng hóa; trong 09 tháng đầu năm ngành năng lượng tăng 5,8%, đạt 30,723 triệu kWh, dự kiến đến hết năm ước đạt 42,028 triệu kWh và có thể đạt 44,429 triệu kWh trong năm 2022. Về khai khoáng, đã thực hiện đạt 12,602 tỷ Kíp, tăng 63,60% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là các loại khoáng sản vàng, bạc, đồng, sắt, than đá, ba-rít; dự kiến hết năm 2021 ước đạt 15,889 tỷ Kíp. Đối với nền sản xuất hàng hóa và xuất khẩu, tập trung ưu tiên sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn khu vực và quốc tế để xuất sang thị trường truyền thống Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và hướng đến thị trường các quốc gia phát triển. Theo báo cáo, 06 tháng đầu năm sản xuất sản phẩm nông sản tăng 34% (khoảng 105.621 tấn), đạt giá trị xuất khẩu khoảng 662 triệu USD, tăng 9.5%. Xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng từ (-) 3.1% năm 2020 lên 5.9% năm 2021 và ước đạt 4.9% năm 2022.
Đầu tư tư nhân (trong nước và nước ngoài) giảm, trong 09 tháng đầu năm 2021 thu hút cấp phép đạt 806 triệu USD, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (3.572 triệu USD). Dự báo hết năm 2021 và năm 2022 đầu tư tư nhân tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nếu Lào chậm cải cách môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh sẽ mất cơ hội chuyển dịch và thu hút đầu tư nước ngoài. (Báo cáo Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội quốc gia Lào, 10/2021)
Bộ Tài chính Lào xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2022
Ngày 26/10/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lào Phouthanouphet Saysombat chủ trì cuộc họp đánh giá việc thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022 với sự tham gia của các lãnh đạo cấp Cục, Vụ và các đơn vị liên quan.
Mục đích của cuộc họp lần này nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch ngân sách năm 2021 và thảo luận kế hoạch ngân sách năm 2022, đặc biệt là giao trần chỉ tiêu thu ngân sách cấp trung ương và địa phương trong tháng 11/2021 và kế hoạch thu ngân sách bổ sung gói 2000 tỷ Kíp (thu từ nguồn thí điểm khai thác khoáng sản sắt 1.500 tỷ Kíp; Bitcoin 500 tỷ Kíp) theo điều 15 luật ngân sách nhà nước; đồng thời, lên kế hoạch thanh toán vốn vay và lãi suất trong nước và nước ngoài nhằm xây dựng số liệu chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022 hoàn thành trước Kỳ họp quốc hội lần thứ 2, khóa IX.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phouthanouphet Saysombat đã đánh giá két quả công tác tổ chức thực hiện kế hoạch ngân sách năm 2021 và phương hướng, mục tiêu kế hoạch ngân sách năm 2022. (Báo KT-XH, 28/10/2021)
Kinh tế Lào dự kiến tăng trưởng 3% năm 2021, thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 20,4 nghìn tỷ Kíp
Năm 2021, Lào phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn về ngân sách kéo dài nhiều năm. Dự kiến năm 2021, kinh tế Lào tăng trưởng 3%, giảm so với mục tiêu trên 4% Quốc hội đã thông qua; thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 20.436 tỷ Kíp tương đương 74% kế hoạch năm, dự kiến đến hết năm 2021 sẽ đạt 98% kế hoạch đã đề ra.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực triển khai và giải quyết các vấn đề khó khăn, bước đầu áp dụng một số biện pháp như tích cực thu ngân sách, thắt chặt chi tiêu, nỗ lực thanh toán nợ trong nước và nước ngoài, kêu gọi doanh nghiệp trong nước tham gia đóng góp vào việc trả nợ nước ngoài, không để kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng, tiến tới đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 3% vào cuối năm 2021.
Chính phủ cho biết thêm: Năm 2021, ngành nông nghiệp tăng 2,5%, công nghiệp tăng 4,9%, dịch vụ tăng 1,2% và thu thuế tăng 2,8%. Các ngành thế mạnh, có tiềm năng, đưa hệ thống kinh tế vĩ mô tiếp tục phát triển là ngành xây dựng, truyền thông, khoáng sản, sửa chữa phương tiện, bán buôn - bán lẻ, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và năng lượng điện; các lĩnh vực ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế, không đạt chỉ tiêu trong ngành dịch vụ đó là: nhà hàng, khách sạn và vận tải. Tuy nhiên, lĩnh vực vận tải hành khách dự kiến sẽ nối lại vào Quý IV với việc khánh thành đường sắt Lào - Trung.
Trong 10 tháng đầu năm, Chính phủ đã thu ngân sách đạt 20.436 tỷ Kíp, tương đương với 74% kế hoạch năm, cho thấy vẫn còn những thách thức trong khoảng thời gian còn lại, song Chính phủ sẽ cố gắng thúc đẩy việc thu ngân sách và khai thác nguồn ngân sách từ ngành khai thác khoáng sản, huy động doanh nghiệp tư nhân tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước. Dự kiến thu ngân sách đến hết năm 2021 đạt 26.957 tỷ Kíp, tương đương 98% kế hoạch năm.
Trong 10 tháng đầu năm, Chính phủ đã dành 19.012 tỷ Kíp cho chi tiêu công, tương đương 60% kế hoạch năm, trong đó phần lớn là chi trả lương và chế độ chính sách, xử lý các vấn đề liên quan đến thu đổi ngoại tệ.
Trong 9 tháng vừa qua, tổng giá trị xuất khẩu đạt được 5.611 triệu USD, tương đương 85% kế hoạch (Nghị quyết Quốc hội đề ra 6.582 triệu USD); tổng giá trị nhâp khẩu đạt 4.452 triệu USD tương đương 69,7% kế hoạch (Nghị quyết Quốc hội đề ra 6.384 triệu USD), xuất siêu khoảng 1.160 triệu USD.
Trong lĩnh vực đầu tư, 9 tháng đầu năm Nhà nước đã đề xuất mở mới 5.047 dự án với tổng giá trị khoảng 2.176,62 tỷ Kíp tương đương 56% kế hoạch và đã chi qua hệ thống kho bạc Bộ Tài chính 1.378,76 tỷ Kíp tương đương 35,35% kế hoạch. (Báo KT-XH, ngày 02/11/2021)
Những tác động và giải pháp giúp Lào ra khỏi danh sách LDC thành công
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 11/11/2021 do Bộ Ngoại giao Lào phối hợp với LHQ tổ chức về việc “Hướng tới chiến lược chuyển tiếp thuận lợi sau khi ra khỏi danh sách nước kém phát triển nhất tại Lào”, trao đổi về những tác động và giải pháp giúp Lào ra khỏi danh sách LDC thành công. Tác động đến lĩnh vực Thương mại đáng kể nhất là việc xuất khẩu sang Châu Âu (chiếm khoảng 6% xuất khẩu của Lào). Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) ước tính việc Lào ra khỏi LDC có thể dẫn đến thiệt hại thương mại 102 triệu USD, tương ứng với gần 1,2% xuất khẩu dự kiến của Lào trong năm 2026, trong đó 73 triệu USD là sang thị trường EU. Các sản phẩm bị ảnh hưởng chủ yếu liên quan đến ngành may mặc (56 triệu USD theo ước tính của ITC), tiếp theo là đường, giày dép và lúa gạo. Lào sẽ không được hưởng lợi chính sách theo các hiệp định WTO đối với các nước trong danh sách LDC, cũng như một số nguồn hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực liên quan đến thương mại…
Đối với việc hỗ trợ phát triển, Lào sẽ mất một số nguồn dành riêng cho các nước trong danh sách LDC (sau giai đoạn chuyển tiếp) - viện trợ không hoàn lại chuyển dần sang cho vay ưu đãi hoặc với lãi suất cao hơn từ một số đối tác phát triển.
Hợp tác phát triển được cho là sẽ có tác động không lớn ở Lào. Lào không còn được tiếp cận với các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính dành riêng cho các nước LDC bao gồm Quỹ LDC để thích ứng với biến đổi khí hậu, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) ...
Các yếu tố quyết định đến quá trình chuyển tiếp suôn sẻ ở Lào gồm (1) Mức độ ưu tiên của Chiến lược chuyển tiếp quốc gia (STS), sự lãnh đạo sâu sát ở tầm quốc gia và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. (2) Các ưu tiên: (i) Tiếp cận nhiều hơn với nguồn tài chính ưu đãi cho phát triển; (ii) Thực hiện các cam kết ODA; (iii) Dùng vốn ODA làm đòn bẩy để tiếp cận thêm nguồn tài chính từ khu vực công và khu vực tư nhân; (iv) Tăng cường phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế; (v) Hợp tác phát triển Nam-Nam và hình thành các tam giác phát triển. và (3) Các ưu tiên Lào nên tập trung: (i) Giảm mạnh nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô; (ii) Chuyển đổi cơ cấu kinh tế bền vững và toàn diện; đa dạng hóa kinh tế; hội nhập khu vực; (iii) Giảm bất bình đẳng nông thôn/thành thị và các bất bình đẳng khác; (iv) Xây dựng khả năng chống chịu với thiên tai và đảo ngược suy thoái môi trường. (Bộ Ngoại giao Lào, 11/11/2021)
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 10 và 10 tháng năm 2021
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021 như sau:
1. Tháng 10/2021 đạt 115.390.607 USD, so với cùng kỳ tăng 46,9%, so với tháng 9 tăng 16,4%, trong đó:
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 46.398.765 USD, so với cùng kỳ tăng 4,4%.
Đa số mặt hàng tiếp tục giảm, chỉ có một số mặt hàng tăng. Xăng dầu tiếp tục tăng và tăng mạnh 184,5% đạt gần 2,43 triệu USD (tháng thứ bảy tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019). Mặt hàng quay đầu tăng khá mạnh là phân bón các loại tăng 130,9% đạt gần 1,56 triệu USD (tháng trước giảm -6,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 106,1% đạt gần 10,4 triệu USD (tháng trước giảm -76,2%). Mặt hàng tiếp tục giảm: gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục giảm -67,8% chỉ đạt hơn 300 nghìn USD; rau quả giảm -61,5% đạt hơn 760 nghìn USD; cà phê giảm -61,1% đạt gần 70 nghìn USD.
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 68.991.842 USD, tăng mạnh 102,1% so với cùng kỳ.
Tất cả các mặt hàng đều tăng. Mặt hàng tăng mạnh: Quặng và khoáng sản tăng 393,5% đạt hơn 11,18 triệu USD; phân bón các loại tăng 194,8% đạt hơn 7,2 triệu USD; hàng rau quả tăng 104,9% đạt hơn 800 nghìn USD; cao su tăng 126,5% đạt hơn 23 triệu USD.
Mặt hàng ngô ghi nhận nhập khẩu 1.000 tấn trị giá 100 nghìn USD sau 9 tháng không có kim ngạch nhập khẩu (khá tương tự với năm 2020, chỉ có lượng nhập khẩu hơn 1000 tấn vào tháng 12)
Như vậy, kim ngạch tháng 10 tăng 46,9% và mức tăng là do tăng mạnh ở chiều nhập khẩu 70,5%, chiều xuất khẩu tăng nhẹ 4,4% do dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp, lực cầu yếu.
2. Tổng kết 10 tháng năm 2021, kim ngạch đạt 1.062.416.240 USD, so với cùng kỳ tăng 30,3%, trong đó xuất khẩu đạt 493.798.890 USD tăng 6,2%, nhập khẩu đạt 568.617.350 USD tăng 62,1%. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch, kim ngạch hai chiều tăng 14,4% và mức tăng này là do tăng ở chiều nhập khẩu 56,4%, chiều xuất khẩu giảm -12,7%.
- Về các mặt hàng xuất khẩu:
+ Mặt hàng tăng: Sản phẩm từ sắt thép đạt gần 62,7 triệu USD tăng 55,9%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt hơn 50 triệu USD tăng 39,8%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt gần 39,5 triệu USD tăng 11%; Phân bón các loại đạt hơn 18,7 triệu USD tăng 37%; Sản phẩm từ chất dẻo đạt hơn 15,3 triệu USD tăng 58,6%; Giấy và sản phẩm từ giấy đạt gần 14 triệu USD tăng 6,9%; Hàng dệt may đạt hơn 9 triệu USD tăng 45,3%; Sản phẩm gốm sứ đạt hơn 9 triệu USD tăng 8,5%; Kim loại thường và sản phẩm đạt gần 7,3 triệu USD tăng 28,5%; Hàng hóa khác đạt hơn 145,8 triệu USD tăng 12,8%.
+ Mặt hàng giảm: Sắt thép các loại đạt gần 58,4 triệu USD giảm -0,8%; Xăng dầu các loại đạt gần 16,7 triệu USD giảm -5,9%; Hàng rau quả đạt hơn 14,3 triệu USD giảm -59,8%; Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc đạt hơn 11 triệu USD giảm -7,6%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 7,6 triệu USD giảm -65,5%; Dây điện và cáp điện đạt gần 6,7 triệu USD giảm -21,5%; Sản phẩm từ hóa chất đạt hơn 4,38 triệu USD giảm -19,2%; Clanke và xi măng đạt hơn 2,1 triệu USD giảm -55,8%; Cà phê đạt gần 1,9 triệu USD giảm -45,8%;
- Về các mặt hàng nhập khẩu:
+ Mặt hàng tăng: Cao su đạt hơn 130 triệu USD tăng 61,6,1%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 79 triệu USD tăng 79,9%; Quặng và khoáng sản đạt hơn 69 triệu USD tăng 202,4%; Hàng rau quả đạt hơn 9,5 triệu USD tăng 54,1%; Hàng hóa khác đạt hơn 243,1 triệu USD tăng 53,7%.
+ Mặt hàng giảm: Phân bón các loại đạt hơn 37,4 triệu USD giảm -2,2%; Kim loại thường khác hơn 564 nghìn USD, giảm -43,9%.
+ Mặt hàng ngô ghi nhận nhập khẩu 100 nghìn USD sau 9 tháng không có kim ngạch nhập khẩu.
Tháng 10/2021, Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhập siêu với mức nhập siêu 22,59 triệu USD (chỉ xuất siêu 10,826 triệu USD hồi tháng 5/2021). Tổng kết 10 tháng, Việt Nam nhập siêu từ Lào hơn 74,8 triệu USD. Tình trạng nhập siêu không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với thị trường Trung Quốc, nhập siêu từ Lào hơn 840 triệu USD.
Dự kiến tháng 11/2021, kim ngạch sẽ tăng do nhu cầu cuối năm tăng và sẽ tăng nhiều ở chiều nhập khẩu do dịch bệnh ở Lào vẫn diễn biến phức tạp, thủ đô Viêng-chăn và nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục thực hiện phong tỏa chống dịch, việc đi lại khó khăn, lực cầu yếu. (Thương vụ Việt Nam tại Lào).
Tháng 10/2021, Lào ghi nhận thâm hụt thương mại hơn 45 triệu USD
Theo Cổng thông tin thương mại Lào, tháng 10/2021, Lào ghi nhận thâm hụt thương mại 45 triệu USD, với kim ngạch hai chiều 819 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 387 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 432 triệu USD.
Thâm hụt thương mại tăng so với các tháng trước, đặc biệt tháng 8/2021, thâm hụt thương mại chỉ 24 triệu USD.
Hàng xuất khẩu chính của Lào là quặng đồng, chuối, vàng hỗn hợp (vàng thỏi), sắn, quần áo, cà phê hạt, đường, cao su, ngô, thuốc lá và gỗ chế biến.
Hàng nhập khẩu chính là phương tiện (không gồm xe máy và xe đầu kéo), dụng cụ và thiết bị điện tử, thiết bị cơ khí (không bao gồm phương tiện xe máy), xăng dầu và phụ tùng ô tô (lốp, kính và xích) và sản phẩm nhựa.
Tháng 10/2021, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Lào với kim ngạch xuất khẩu đạt 149 triệu USD, thứ hai là Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 96 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan chỉ 35 triệu USD, sang Ấn Độ 24 triệu USD và Đức 4 triệu USD.
Thái Lan là thị trường nhập khẩu hàng đầu của Lào với kim ngạch nhập khẩu 188 triệu USD trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc là 84 triệu USD, từ Việt Nam là 25 triệu USD, từ Nhật Bản và Mỹ, mỗi nước 18 triệu USD. (Vientiane Times, 26/11/2021)
Kim ngạch xuất khẩu điện của Lào 9 tháng đầu năm 2021 tăng 12%
Theo báo cáo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sỹ Sonxay Siphandone tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 9, kim ngạch xuất khẩu điện của Lào đạt 2.012 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng điện sản xuất ra là 30.723 kWh, đạt 73,29% kế hoạch 41.916 kWh. Trong 3 tháng tới, Lào có thể sản xuất 11.305 triệu kWh trị giá 5.939 tỷ Kip và dự kiến lượng điện sản xuất sẽ đạt kế hoạch.
Điện là một trong nguồn thu chính của Lào, đặc biệt bán cho Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Bộ Năng lượng và Mỏ dự tính, giai đoạn 2021-2025, các nhà máy năng lượng sẽ sản xuất thêm 79% lượng điện cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu so với giai đoạn 2016-2020, ước tính là 276.096 triệu kWh trị giá 140.879 tỷ Kip và tin rằng nhờ đó sẽ giảm lượng điện nhập khẩu xuống 2.880MW và cho phép Lào xuất khẩu ít nhất 5.000MW.
Nhu cầu về điện ở Lào dự kiến tăng trung bình 8,1-10,7%/năm, tương ứng công suất lắp đặt là 2.132MW đến 2.880MW. Trong tổng số 28.628MW triệu kWh cần để cung cấp cho Lào, trị giá 2.431 triệu USD, có 28.176 triệu kWh trị giá 1.731 triệu USD mua từ những nhà máy tư nhân và nhập khẩu khoảng 3.000 triệu kWh, trị giá 172 triệu USD.
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ hồi tháng 1/2021, Lào có hơn 80 nhà máy điện với công suất hơn 10.000 MW, tạo ra 53.000 triệu kWh, gồm nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, sinh học và năng lượng mặt trời. Nhiều nhà máy đã được xây dựng bổ sung trong 5 năm vừa qua. Một số nhà máy đang được nghiên cứu khả thi và một số khác đang xây dựng.
Hiện nay, khoảng 95% hộ gia đình trên cả nước đã được tiếp cận với điện, 93% số làng có điện, tất cả các tỉnh và thị trấn được kết nối với mạng lưới. (Vientiane Times, 05/11/2021).
Lào xuất khẩu hơn 6.423 MW điện sang các nước ASEAN
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, Tiến sỹ Daovong Phonekeo, tại Kỳ họp lần thứ 9 của Quốc hội, Lào đã xuất khẩu hơn 6.423 MW, chủ yếu là sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, vẫn cần hàng tỷ USD để phát triển ngành năng lượng.
Hiện tại, Lào có 86 nguồn năng lượng với công suất lắp đặt hơn 10.400MW trong đó hơn 80% là từ các đập thủy điện.
Đối với Thái Lan, năng lượng sản xuất từ 8 nhà máy với công suất lắp đặt 5.421MW đang được bán cho Thái Lan; hai nhà máy năng lượng khác với công suất lắp đặt 982 MW dự kiến sẽ đi vào hoạt động và sản xuất điện bán cho Thái Lan vào năm 2027; 4 nhà máy nữa với công suất 3.734 MW sẽ được xây dựng và vận hành sau năm 2027. Lào và Thái Lan đã nhất trí sửa MOU để Thái Lan mua thêm điện từ Lào.
Đối với Việt Nam, điện từ 3 nhà máy khác với công suất 572 MW đang được bán cho Việt Nam; 6 nhà máy có công suất 519 MW đã ký thỏa thuận mua bán điện xuất khẩu sang Việt Nam. Lào và Việt Nam cũng đang chuẩn bị ký thỏa thuận bán điện từ 13 nhà máy khác với công suất 874 MW.
Đối với Campuchia, hiện nay, Lào bán 320MW điện sang Campuchia, có kế hoạch tăng lên 600 MW năm 2025-2026 và lên 1.800MW năm 2026-2027.
Đối với Myanmar, Lào hiện chỉ xuất khẩu 10 MW điện sang Myanmar, có kế hoạch tăng lên 100 MW năm 2023 và 300 MW năm 2025.
Với các quốc gia ASEAN khác, Lào đang bán 100 MW sang Malaysia và sẽ tăng lên khoảng 300 MW thời gian tới. Lào đang tiếp tục đàm phán để bán 100 MW năng lượng tái tạo sang Singapore qua Thái Lan.
Trong 5 năm năm qua, 53 nhà máy thủy điện đã được xây dựng và đi vào hoạt động với tổng công suất là 4.723 MW. Điện là nguồn thu khổng lồ cho Lào, đặc biệt qua việc xuất khẩu sang các nước láng giềng và các nước Asean.
Chính phủ cam kết khai thác tiềm năng của ngành năng lượng, từ thủy điện, năng lượng mặt trời và gió, để có thêm điện xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Từ năm 2021-2025, Lào có kế hoạch sản xuất 1.807 MW điện, trong đó thủy điện chiếm 57%, nhiệt điện 19% và năng lượng mặt trời chiếm 24%. (Vientiane Times, 16/11/2021)
Nông nghiệp là thế mạnh trong việc giải quyết khó khăn về kinh tế của Lào
Ngày 21/10/2021, báo KT-XH đưa tin, Chính phủ xác định lĩnh vực nông nghiệp là một trong những thế mạnh để giải quyết những khó khăn về kinh tế hiện nay của Lào, Bộ Nông Lâm đã xây dựng các biện pháp thực hiện để hoàn thành các mục tiêu của chương trình quốc gia đến năm 2023.
Bộ Nông Lâm đang xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trước mắt từ nay đến năm 2023 tập trung tổ chức thực hiện tại các trọng điểm, khu vực ưu tiên, đặc biệt là các khu vực dọc theo tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung sẽ hoàn thành đưa vào vận hành cuối năm 2021; điều chỉnh các tiêu chuẩn hệ thống sản xuất nông nghiệp sạch (OA, GAP và các tiêu chuẩn khác) phù hợp với khối ASEAN và quốc tế đối với 57 loại sản phẩm nông sản; quy định danh mục các loại hàng hóa nông sản để thay thế hàng nhập khẩu và chính sách khuyến khích đầy đủ đi đôi vói cải thiện năng lực sản xuất và xây dựng mô hình mới điển hình để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thay thế cho nhập khẩu...; củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, kỹ thuật nhằm giảm chi phí trong sản xuất: xưởng sấy, bóc tách hạt, kho bảo quản lạnh, phòng phân tích...; thị trường bán lẻ, bán buôn, vận chuyển sản phẩm nông sản, tập trung tại các điểm, khu vực theo dọc tuyến đường sắt, cửa khẩu quốc tế, khu kinh tế đặc biệt...; thực hiện ưu tiên và quy định khu vực đầu tư nông nghiệp, chú trọng theo dõi, kiểm tra và thúc đẩy các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp triển khai, thực hiện các điều khoản hợp đồng đã ký kết; điều chỉnh cơ chế đầu tư theo mô hình hợp tác nhà nước-nhân dân, mô hình 2+3, PPP...
Để cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Bộ Nông Lâm đưa ra 05 biện pháp gồm: (i) Thúc đẩy và tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp, thương nhân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt để đạt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nông sản có tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất, thương nhân với việc đầu tư liên quan đến mô hình hợp tác đầu tư sản xuất nhằm hình thành hệ thống chuỗi giá trị gia tăng từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ; (ii) Tiếp tục cải thiện và phát triển đối tác chuyên gia trong việc tổ chức thực hiện để hội nhập với quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của tổ chức quốc tế và thương mại quốc tế (SPS-WTO); (iii) Tăng cường củng cổ bộ máy tổ chức, cơ chế quản lý, phối hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật, trung tâm nghiên cứu, phân tích...để đảm bảo đúng, đủ sản phẩm hàng hóa nông sản, gia súc có chất lượng xuất khẩu; (iv) Thúc đẩy thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật về đàm phán mở thị trường xuất-nhập khẩu theo hợp đồng, theo điều ước quốc tế, song song với việc theo dõi, kiểm tra, xác nhận tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt; (v) Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và khuyến khích các hộ gia đình nông dân và lao động Lào bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19 trở về quê hương tiếp tục sản xuất, thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành các liên doanh theo mô hình 2+3, PPP...để thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông sản, giảm nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu. (Báo KT-XH, 27/10/2021).
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Thủ tướng Lào báo cáo Quốc hội về việc chuẩn bị mở cửa lại đất nước
Tờ Thời báo Viêng Chăn cho biết, trong bài phát biểu sau diễn văn khai mạc phiên họp thường kỳ lần thứ 2, Quốc Hội khóa IX của Chủ tịch Quốc hội, Tiến sỹ Xaysomphone Phomvihane, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh nhấn mạnh nhu cầu cần có các bước chuẩn bị để mở cửa lại đất nước trong đó có việc bắt đầu triển khai các dịch vụ đường sắt Lào-Trung. Phiên họp thường kỳ của Quốc hội Lào lần này có sự tham gia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloune Sisulith và các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào, đã diễn ra với nhiều ý kiến tranh luận về cách thức đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế đất nước.
Theo Thủ tướng Phankham Viphavanh, Lào cần có một kế hoạch chiến lược với những bước chuẩn bị toàn diện để mở cửa lại đất nước trong đó bao gồm dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung vào ngày 2/12/ 2021 như đã thống nhất với phía Trung Quốc. Trước dự báo của các chuyên gia quốc tế về việc đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục kéo dài, để mở cửa đất nước Chính phủ sẽ tăng cường tập trung tiêm vắc-xin cho người dân, hướng tới đạt 70% dân số người lớn sẽ được tiêm chủng vào cuối năm 2021, cao hơn mục tiêu dự kiến đề ra ban đầu là 50%.
Nêu khái quát kế hoạch phát triển năm 2022, Thủ tướng Lào cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước cho các dự án quy mô lớn như đường cao tốc, các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, du lịch và khách sạn. Chính phủ cam kết sẽ có những bước đột phá trong việc xây dựng nền kinh tế số, nâng cao sản xuất thương mại, dịch vụ và tăng cường xuất nhập khẩu.
Một trong những nhiệm vụ “quan trọng và cấp bách” theo Thủ tướng Phankham Viphavanh là đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã đầu tư rất nhiều cho các doanh nghiệp nhà nước, hy vọng sẽ trở thành những trụ cột của nền kinh tế, song hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này vẫn rất thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất, tăng thêm gánh nặng cho Chính phủ.
Các lĩnh vực quan trọng khác cũng được nêu ra như hiện đại hóa hệ thống thu ngân sách trong nước, đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp, trả nợ công của Chính phủ, biến động giá trị tiền tệ, thâm hụt ngân sách, thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước.
Chính phủ cũng sẽ đưa ra Quốc hội xem xét Kế hoạch Phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chiến lược 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Tầm nhìn 20 năm giai đoạn 2021-2040. (Vientiane Times 08/11/2021)
Chiến lược và Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng Lào giai đoạn 2021-2025
Ngày 10/11/2021, Bộ Công chính và Vận tải Lào phối hợp với ĐSQ Nhật Bản, WB, và ADB tại Lào đồng tổ chức họp trực tuyến về Chiến lược và Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021-2025 bên lề Hội nghị Bàn tròn cấp cao lần thứ 13 tổ chức tại Lào.
Về chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng:
Theo thông tin từ Bộ Công chính và Vận tải Lào, từ năm 2019, số lượng đối tác phát triển (DPs) của ngành lần lượt tăng lên (năm 2019 có 16 DPs, năm 2020 là 17 DPs, và năm 2021 là 19 DPs). Các lĩnh vực tiếp tục được hợp tác, hỗ trợ của DPs gồm: 9 lĩnh vực, trong đó có: xây dựng cầu đường, kết nối hạ tầng nông thôn, giao thông đô thị, phục hồi, tiếp cận nguồn nước, khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên… Các lĩnh vực đang tiếp tục được thảo luận, bổ sung, đặc biệt để phục hồi do Covid-19 gồm: giao thông phục vụ phát triển du lịch, thương mại, tích hợp đa phương thức kết nối với đường sắt, hoàn thành mục tiêu phát thải nhà kính 0% vào năm 2050…
Các lĩnh vực hợp tác, hỗ trợ của ngành đều gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (NSEDP) lần thứ 9 (2021-2025) của Lào.
Để phát triển hệ thống giao thông quy mô rộng, tích hợp đa chiều Lào sẽ tiếp cận theo cách mới: (i) Sẽ tập trung vào chiến lược kết nối các tiểu dự án với hệ thống giao thông chung của cả nước (ii) hệ thống giao thông cả nước gồm 4 cấp độ: giao thông liên quốc gia, kết nối vùng; liên đô thị; giao thông nội đô thị và giao thông kết nối khu vực nông thôn. Ngoài việc phân chia về không gian, sẽ có sự đan xen về chức năng như vận chuyển, logistic, hay các liên kết giao thông để phục vụ một vùng chức năng kinh tế. Vì vậy, hệ thống giao thông được xây dựng sẽ là sự kết hợp giữa yếu tố không gian và mục đích kinh tế.
Hệ thống giao thông được xây dựng với mục đích lâu dài, chia làm nhiều giai đoạn gối nhau trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2016-2025, Kế hoạch 5 năm 2026-2030, 2031-2031 và Chiến lược 10 năm 2026-2035, Kế hoạch phát triển 5 năm 2036-2040 nằm trong Chiến lược 10 năm 2036-2045…
Về Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng 5 năm giai đoạn 2021-2025 tại Lào:
Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đưa ra với 10 Mục tiêu tổng thể và 8 Mục tiêu hỗ trợ quản lý nhằm hoàn tất 6 kết quả lớn và và 25 đầu ra cụ thể trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 9. Các mục tiêu tổng thể có sự liên hệ mật thiết với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được 10 Mục tiêu tổng thể, cần thực hiện 59 hoạt động ưu tiên nằm trong 11 Chương trình được phân theo ngành dọc, trong đó có: (1) Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối vùng thông qua các hình thức đầu tư công, BOT, PPP…, (2) Phát triển hệ thống Logistic và giao thông, (3) Phát triển hệ thống đường sắt, (4) Phát triển Cảng biển Lào-Việt Nam và các cảng qua sông Mê kông, phát triển, bảo vệ bờ sông và các chi lưu sông Mê Kông, (5) Phát triển hàng không dân dụng, (6) Phát triển thành phố thông minh thân thiện môi trường, (7) Phát triển cấp nước và an toàn…
Theo báo cáo cập nhật tháng 10/2021 của Bộ Công chính và Vận tải Lào, Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 của ngành gồm 648 dự án trị giá 82.317 tỷ Kíp trong đó có 365 dự án đang tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện, 57 dự án đang đàm phán, 81 dự án đang trình MPI, 21 dự án đã được Quốc hội phê duyệt, 124 dự án đang thực hiện. Trong 60 dự án đầu tư công với tổng vốn là hơn 2.500 tỷ Kíp và 1.300 triệu USD thuộc Chương trình Nghị sự quốc gia thì có 33 dự án còn đang tìm kiếm nguồn tài trợ với tổng vốn khoảng 950 tỷ Kíp, 340 triệu USD.
Bộ Công chính và Giao thông Lào xác định có 2 thách thức lớn hiện nay là: (i) Đảm bảo nguồn vốn cho các dự án/hoạt động và (ii) Tăng cường năng lực để thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 9. Trong thời gian tới dự kiến: Nửa đầu của giai đoạn 5 năm tới từ năm 2021-2023 tiếp tục thực hiện các dự án đã tìm được nguồn hỗ trợ, thời gian còn lại, từ 2023-2025 là dành cho các dự án đang tìm kiếm nguồn tài trợ. (Bộ Công chính và Vận tải Lào, 10/11/2021)
Ngành Công Thương công bố kế hoạch thúc đẩy thương mại
Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ 5 của ngành Công Thương diễn ra từ ngày 11-13/11/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Somchit Inthamit, thay mặt Bộ công bố Kế hoạch 5 năm tới để thúc đẩy thương mại và cung ứng hàng hóa cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Đại hội có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Lào, ông Bounthong Chitmany, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Tiến sỹ Khampheng Saysompheng, các quan chức chính phủ và các đảng viên.
Kế hoạch đầu tiên là hướng đến hội nhập tốt hơn với kinh tế khu vực và quốc tế, hy vọng mở cửa sẽ xuất khẩu nhiều hơn, đẩy mạnh thương mại biên giới và dịch vụ kết nối logistics với hội nhập khu vực.
Kế hoạch thứ hai là phát triển công nghiệp gắn với thúc đẩy thương mại để kết nối thị trường tốt hơn, đặc biệt là phát triển các nhóm ngành và các ngành mới.
Kế hoạch thứ ba là cải thiện môi trường kinh doanh, quản ký kinh doanh tốt hơn, tạo cơ sở dữ liệu và mở rộng việc sử dụng công nghệ trong ngành. Tăng số doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy cạnh tranh thương mại, cải thiện quản lý chất lượng, đẩy mạnh hệ thống sản xuất và thanh tra hoạt động thương mại.
Kế hoạch thứ tư là cải thiện thương mại thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê, phương pháp điện tử và các cải tiến mới, cùng với đó là các quy định cứng rắn hơn và quản lý thương mại chặt chẽ hơn.
Kế hoạch thứ năm là tập trung quản lý vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tuân thủ theo các quy định, mệnh lệnh, quyết định và nghị định của chính phủ.
Các công chức ngành công thương sẽ nỗ lực tăng cường nâng cao năng lực, đẩy mạnh quản lý tổ chức và thực hiện mục tiêu Ba xây dựng của Đảng.
Trong kế hoạch 2021-2025, ngành hướng đến tăng giá trị hàng hóa và dịch vụ lên ít nhất 80% GDP, trong đó giá trị xuất khẩu chiếm 50%. (Vientiane Times, 03/11/2021).
Lào hướng đến lợi ích thương mại và đầu tư tại cuộc họp AEM-Canada lần thứ 10
Ngày 17/11/2021, theo hình thức trực tuyến, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM)-Canada, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính-Kinh tế của Brunei và Bộ trưởng Ngoại thương, Xúc tiến xuất khẩu, Phát triển kinh tế và doanh nghiệp nhỏ của Canada đồng tổ chức họp và nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada.
Cùng với các nước ASEAN khác, Lào hy vọng hưởng lợi từ những nỗ lực hướng đến hội nhập thương mại và đầu tư với Canada. Đoàn Lào do Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Somchit Inthamith tham gia thảo luận về việc phục hồi kinh tế sau đại dịch và các vấn đề liên quan như xúc tiến thương mại và đầu tư.
Cuộc họp điểm qua những tiến bộ đáng kể đã đạt được đến nay trong việc thúc đẩy Hiệp định ASEAN-Canada. Cuộc họp tán thành tài liệu tham khảo FTA, nhất trí khởi động đàm phán hiệp định và giao nhiệm vụ cho các quan chức xây dựng kế hoạch làm việc để tiến hành cuộc đàm phán càng nhanh càng tốt.
Điều này ghi một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ ASEAN-Canada và có ý nghĩa trong cam kết mới của Canada về tham gia thương mại và kinh tế trong khu vực.
Theo ông Somchit, cuộc họp hy vọng sẽ đưa hai bên lại với nhau để hoàn tất một FTA, thu hẹp khoảng cách cho các nước kém phát triển nhất có thể tiếp cận thị trường.
Tại cuộc họp cũng thảo luận về việc hỗ trợ kỹ thuật cho ASEAN đối với kế hoạch chiến lược về thương mại và đầu tư, đối thoại chính sách phát triển và thương mại. Cuộc họp khẳng định lại cam kết của tất cả các bên sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường phục hồi kinh tế thông qua mở cửa thị trường cho thương mại, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác kết nối chuỗi cung ứng, thương mại điện tử và phát triển bền vững. Cuộc họp cũng đánh giá những tiến bộ trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác theo Kế hoạch công việc 2021-2025 để thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-Canada về Thương mại và Đầu tư, chỉ ra những nỗ lực song phương, đẩy mạnh mối quan hệ ASEAN-Canada ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo số liệu thống kê của Canada, kim ngạch thương mại hai chiều Canada-ASEAN đạt 19,9 tỷ USD năm 2020, giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ. Cuối năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ Canada vào ASEAN đạt 12,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ trong khi từ ASEAN vào Canada chỉ 1,2 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ.
Cùng ngày, một cuộc thảo luận với đại điện của Hội đồng kinh doanh ASEAN-Canada (CABC) cũng được tổ chức, điểm lại việc giới thiệu của CABC về đàm phán FTA ASEAN-Canada, mở cửa lại biên giới, triển khai vắc xin ở ASEAN. (Vientiane Times, 18/11/2021)
Năng lượng và mỏ Lào tăng trưởng 11%/năm
Bộ Năng lượng và Mỏ đã tổng kết giai đoạn 5 năm vừa qua ngành năng lượng và mỏ có tỷ lệ tăng trưởng trung bình 11%/năm, tổng giá trị sản xuất đạt 132.038 tỷ Kíp, tăng 29% so với Kế hoạch 5 năm lần thứ VII (2011-2015) (ngành năng lượng tăng 146% và ngành mỏ giảm 5%). Nguyên nhân dẫn đến ngành mỏ giảm sút đó là thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản số 13/TTg ngày 11/6/2012 yêu cầu tạm hoãn xem xét dự án mới và tập trung kiểm tra đánh giá kết quả các dự án đã được phê duyệt. Ngành năng lượng và mỏ đã đóng góp vào GDP không dưới 16% mỗi năm.
Phó Bí thư Đảng bộ Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết: Trong 05 năm, ngành đã tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước 2.064,1 triệu USD, trong đó ngành năng lượng là 1.255,7 triệu USD và ngành mỏ là 838,4 triệu USD. Ngoài ra còn nộp tiền nghĩa vụ vào 6 quỹ khác theo thoả thuận. Hiện nay khắp cả nước có 86 cơ sở sản xuất năng lượng điện có công suất 1 MW trở lên (73 đập thuỷ điện, 8 nhà máy điện mặt trời, 4 nhà máy khí sinh học và 1 nhà máy nhiệt điện than) với công suất tổng cộng là 10,4 nghìn MW, sản xuất được 54,05 nghìn giờ/năm; hoàn thiện 19 dự án kéo đường dây tải điện gồm 02 dự án 500kV, 03 dự án 230kV và 14 dự án 115kV với tổng chiều dài 67.643km; đã phát triển và xây dựng 24 trạm điện, nâng tổng số trạm trên cả nước lên 84 trạm, tỷ lệ sử dụng điện trên cả nước đạt 95%.
Ngoài ra còn xuất khẩu điện đến 05 quốc gia khác là Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Malaysia. Sản xuất điện trong 5 năm tới có xu hướng tăng, sản xuất năng lượng đạt 161.923 triệu kWh, trị giá 78.271 tỷ Kíp, tăng 146% so với kế hoạch sản xuất của Kế hoạch 5 năm (2010-2015); xuất khẩu điện đạt 129.605 triệu kWh, trị giá 7.203 triệu USD, tăng 164% so với Kế hoạch 5 năm (2011-2015) và tăng 78% so với Kế hoạch 5 năm lần thứ VIII (2016-2020).
Trong giai đoạn 5 năm lần thứ VIII (2016-2020) ngành năng lượng và mỏ có tổng cộng 51 công ty trong đó 33 công ty có thoả thuận tìm kiếm và khảo sát, 18 công ty có thoả thuận khai thác và chế biến khoáng sản; có tổng diện tích tô nhượng là 5.783,9 km2, tương đương 2,48% diện tích cả nước. Hiện nay có 217 công ty được phép tìm kiếm, khảo sát và khai thác quặng kim loại và đang tiến hành 316 hoạt động. Trong đó, có 96 công ty thực hiện 116 hoạt động mỏ địa chất và 121 công ty thực hiện 200 hoạt động khai thác mỏ, tổng giá trị sản xuất khoáng sản và sản phẩm khoáng sản đạt 7.526,5 triệu USD; tổng giá trị phân phối khoáng sản và sản phẩm khoáng sản đạt 8.092,3 triệu USD, tăng 2,5% so với Kế hoạch 5 năm (2011-2015). (Báo KT-XH, ngày 12/11/2021)
Bộ Nông Lâm công bố kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông Lâm, Tiến sỹ Phet Phomphiphak tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 9, Bộ Nông Lâm Lào sẽ tập trung vào hai kế hoạch ưu đãi chính để ngành nông nghiệp giải quyết các khó khăn của ngành và góp phần nhiều hơn cho nền kinh tế.
Ưu đãi thứ nhất là tăng sản xuất cây trồng để giảm nhập khẩu và giảm chi tiêu tiền tệ ra nước ngoài. Hiện tại, hầu hết các nhu cầu nông nghiệp của Lào được đáp ứng qua việc nhập khẩu thực phẩm và các sản phẩm cần thiết để sản xuất thực phẩm như hạt, thức ăn gia súc, phân bón và phân trộn.
Theo Tiến sỹ Phet, để giảm nhập khẩu thực phẩm, trong 3 năm tới, Lào cần sản xuất lúa gạo ít nhất 3,5 tấn/năm, trong đó 2,5 tấn tiêu dùng trong nước, 400.000 tấn dự trữ và 100.000 tấn làm hạt giống. Phần còn lại để sản xuất bia và một số xuất khẩu. Bộ cũng hướng đến sản xuất thịt, cá và trứng với tổng số 531.000 tấn, số lượng trung bình cho tiêu dùng là 69,8 kg/năm. Mục tiêu khác là trồng hoa màu và rau tươi trên 261.710 ha/năm với sản lượng hàng năm là 2,12 triệu tấn để tiêu dùng, ủ phân, sản xuất phân bón và thức ăn gia súc.
Ưu đãi thứ hai là trồng nhiều cây hơn cho chế biến. Nếu nông nghiệp phục vụ cho thương mại, sẽ có nhiều sản phẩm hơn tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu, mang thêm ngoại tệ về cho đất nước.
Theo Tiến sỹ Phet, trong 3 năm tới, Bộ sẽ hướng đến xuất khẩu nông sản khoảng 3,6 tỷ USD (1,2 tỷ USD/năm). Cây trồng chính là cà phê, ngô, gạo, chuối, mía, sắn, khoai ngọt, chè, dưa hấu, đậu và cao su. Bộ đã đưa ra nhiều biện pháp để đạt được số lượng như mục tiêu đề ra, đặc biệt trong xúc tiến và bảo vệ sản xuất trong nước (gồm giảm thuế, tuân thủ vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật, giảm nhập khẩu nông sản). Ngoài ra, phát triển nông nghiệp xanh bằng nông nghiệp sạch và hữu cơ được đẩy mạnh, song song với đó là cải tiến chất lượng và năng suất cây trồng thông qua việc sử dụng nhiều phương pháp canh tác cơ học và công nghệ hơn. Bộ sẽ làm việc chặt chẽ với các ngành liên quan, tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân, đặc biệt là giúp họ tiếp cận khoản vay lãi suất thấp dễ dàng hơn, được cung cấp thông tin về cung ứng thị trường và chính sách nhập khẩu. Ngoài ra, các trung tâm nông nghiệp sẽ được cải thiện trong việc thực hiện nghiên cứu cải tiến giống lúa, hạt giống và vật nuôi, tập huấn về sử dụng công nghệ trong canh tác cho các nhóm sản xuất tại địa phương. (Vientiane Times, 10/11/2021)
Chính phủ đang trông đợi khoản lợi 2.000 tỷ Kíp từ việc đào Bitcoin
Theo tờ Thời báo Viêng Chăn, Chính phủ Lào dự kiến sẽ thu về 2.000 tỷ Kíp từ việc đào bitcoin. Đây là lần đầu tiên một khoản thu ngân sách của chính phủ đến từ việc đào và mua bán đồng tiền kỹ thuật số này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Uponpaseuth phát biểu tại phiên họp thường kỳ lần thứ hai, Quốc Hội khóa 9 vào thứ Hai ngày 1/11/2021 cho biết, đây sẽ là nguồn thu ngân sách mới, đóng góp cho tổng thu ngân sách nội địa theo kế hoạch đề ra là 28.962 tỷ Kíp năm tài khóa 2022. Dự kiến, nhờ nguồn thu mới này, thu ngân sách trong năm 2022 sẽ tăng 20% so với mục tiêu của năm 2021.
Thời gian gần đây, Chính phủ đã bật đèn xanh cho 6 công ty tiến hành thí điểm một chương trình đào và mua bán tiền kỹ thuật số, trong đó có đồng Bitcoin. Sáu công ty gồm: Công ty Công nghệ Wap Data Lào, Công ty xây dựng công trình cầu đường Phongsubthavy, Công ty Xây dựng Sisaket, Công ty Khảo sát, thiết kế cầu đường Boupha, Ngân hàng phát triển chung (JDB) và Tập đoàn Phú Sỹ.
Bộ Công nghệ và Viễn thông được giao chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ An ninh và Tập đoàn Điện lực Lào dự thảo các quy định pháp lý đối với việc đào và giao dịch tiền kỹ thuật số.
Theo kế hoạch dự kiến, trong phần tăng thu ngân sách 3.754 tỷ Kíp (so với năm 2021), có 2000 tỷ Kíp sẽ đến từ đào Bitcoin. Đây sẽ là khoản tiền giúp Chính phủ tăng chi tiêu cho các chương trình ưu tiên như hỗ trợ phụ cấp sinh hoạt cho cán bộ công chức và nhân viên các lực lượng vũ trang, các chi phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và để trả nợ.
Theo Kế hoạch tài khóa năm 2022, Lào sẽ chi 34.595 tỷ Kíp trong đó 6.750 tỷ Kíp là từ các dự án vốn vay và viên trợ không hoàn lại. Thu ngân sách trong nước của Lào chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự báo, mức tăng chi trong năm 2022 là 3.011 tỷ Kíp so với năm 2021, chiếm 18,14% GDP của nước này. (Vientiane Times 03/11/2021)
Cắt giảm chi tiêu không cần thiết của Trung ương và địa phương
Ngày 11/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Ouponpasueth chủ trì Hội nghị trực tuyến để tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2021, kế hoạch ngân sách trong 02 tháng cuối năm. Tham dự có các Thứ trưởng, lãnh đạo Cục, Vụ và địa phương.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phouthanouphet Xaysombath báo cáo tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2021, dự kiến kế hoạch chi tiêu cuối năm và phương hướng năm 2022. Thứ trưởng cho biết, năm 2021 là bước khởi đầu thực hiện Kế hoạch phát phát triển kinh tế-xã hội 05 năm lần thứ IX, Kế hoạch ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong tình trạng kinh tế-tài chính quốc gia gặp rất nhiều khó khăn trước tác động của dịch Covid-19. Qua việc tổ chức thực hiện kế hoạch ngân sách 10 tháng đầu năm 2021 (từ 01/01-01/9/2021), thu nhập ngân sách được 20.789 tỷ Kíp, đạt 70% kế hoạch thu ngân sách, trong đó, thu cấp Trung ương được 17.183 tỷ Kíp, đạt 78% kế hoạch; địa phương được 3.605 tỷ Kíp, đạt 65% kế hoạch. Chi ngân sách là 19.782 tỷ Kíp, đạt 63% kế hoạch (trung ương 13.273 tỷ Kíp, đạt 58%; địa phương 6.509 tỷ Kíp, đạt 75% kế hoạch năm). Huy động vốn để cân đối ngân sách (trong và ngoài nước) đạt 8.672 tỷ Kíp, đạt 43% kế hoạch năm; chuyển đổi nguồn từ vốn vay để cân đối ngân sách là 7.411 tỷ Kíp, đạt 45% kế hoạch năm.
Theo dự kiến, đến hết năm 2021, thu ngân sách đạt khoảng 26.957 tỷ Kíp, đạt 98% kế hoạch năm, trong những tháng cuối năm vẫn cần chi tiêu một số nhiệm vụ cần thiết của Chính phủ, chi quản lý điều hành công, lương. Qua nghiên cứu, để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, cần thiết phải cắt giảm chi tiêu cấp trung ương 15%, địa phương 10% trong những tháng còn lại cuối năm 2021. Đồng thời, tăng thu ngân sách, bịt lỗ hổng thu, ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong chi tiêu và áp dụng các biện pháp chống gian lận thương mại, đặc biệt về nhập khẩu xăng, dầu...nhằm thực hiện kế hoạch ngân sách đạt mục tiêu Quốc hội đã đề ra. (Báo KT-XH, 16/11/2021).
Thanh tra phát hiện trên 2,24 nghìn tỷ Kíp bị thất thoát do tham nhũng
Theo kết quả các đợt thanh kiểm tra tiến hành vào năm ngoái, Thanh tra Nhà nước Lào đã phát hiện hơn 2,24 nghìn tỷ Kíp (14,2 triệu USD) bị thất thoát trong các vụ việc liên quan tới tham nhũng. Tờ Thời báo Viêng Chăn đưa tin, cơ quan Thanh tra cho biết đã có một lượng tiền lớn bị chiếm đoạt trong đó gồm 1,86 nghìn tỷ Kíp, 24,88 triệu USD (tương đương 24,88 tỷ Kíp) và 384,81 triệu Bath Thái (tương đương 120,89 tỷ Kíp). Báo cáo trước Quốc hội ngày 5/11/2021, Chủ tịch Cơ quan Thanh tra Nhà nước Tiến sỹ Khamphanh Phommathat cho biết Thanh tra đã tiến hành 39 vụ trong đó đặc biệt tập trung vào các dự án phát triển do ngân sách Nhà nước đầu tư. Trong tổng số tiền bị biển thủ nói trên, mới chỉ có 331,71 tỷ Kíp được các cơ quan chức năng thu hồi, số còn lại 1,9 nghìn tỷ Kíp tiếp tục cam kết sẽ được hoàn lại cho Nhà nước.
Theo Cơ quan Thanh tra, 183 dự án do nhà nước đầu tư bị phát hiện là nâng giá xây dựng, cao hơn 20% so với giá dự toán các cơ quan chuyên môn đưa ra. Tổng số tiền nâng giá của các dự án này vào khoảng 3,12 nghìn tỷ Kip. Các cơ quan hữu quan của Chính phủ sẽ tiến hành thương thảo lại giá với nhà thầu để đảm bảo các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước được hưởng mức giá công bằng.
Tiến sỹ Khamphanh Phommathat cho biết, theo kế hoạch thanh tra sẽ tiến hành đối với 12 đặc khu kinh tế, song do tình hình Covid-19 nên mới chỉ thực hiện được 1 trong số đó. Ngoài ra, các thanh tra viên cũng phát hiện nhiều ngân hàng nhà nước cho vay không đúng đối tượng và việc định giá tài sản thế chấp cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Tình trạng này là do một số cán bộ ngân hàng đã nhận tiền hối lộ từ doanh nghiệp trong quá trình cho vay, dẫn tới hệ quả là các khoản vay hoạt động không hiệu quả và ngân hàng không thể thu hồi nợ gốc. 26 doanh nghiệp xăng dầu cũng được tiến hành thanh tra việc nộp thuế với số tiền truy thu và phạt từ 11 công ty lên tới 186,19 tỷ Kíp. Tuy nhiên, số tiền nói trên vẫn chưa được nộp cho ngân sách Nhà nước.
Theo báo cáo, đã có 24 quan chức bị truy tố về tội biển thủ ngân sách, trong đó có một số là lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều dự án ngân sách nhà nước đầu tư đã không tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là các quy định về đấu thầu, gây thất thoát lớn cho ngân sách. (Vientiane Times 08/11/2021)
Kế hoạch ngoại tệ đối mặt với khó khăn về nhiều mặt
Việc triển khai thực hiện kế hoạch ngoại tệ tại Lào còn đối mặt với nhiều thách thức do giá trị ngoại tệ nước ngoài các dòng chính, giá vàng, dầu thô, giá thực phẩm ở thị trường thế giới tăng cao, nhu cầu chi trả nước ngoài cao trong khi nguồn thu ngân sách giảm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Sonexay Sidphaxay cho biết: 9 tháng qua, Lào thâm hụt trong lĩnh vực dịch vụ và thâm hụt ngân sách cấp 1 với nước ngoài khiến dòng tiền chảy ra nước ngoài nhiều hơn dòng tiền thu vào khoảng 303 triệu USD tương đương 34 triệu USD/tháng. Nhiều lĩnh vực sản xuất đã bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh gia súc. Để giải quyết vấn đề trên Ngân hàng Nhà nước đã (i) tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp với tình hình Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế qua việc tiến hành duy trì tỷ giá lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước; (ii) tiếp tục giải quyết chính sách tín dụng cho 503 trường hợp để thúc đẩy sản xuất và giải quyết ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến tháng 9/2021 đã sử dụng hơn 1.665 tỷ Kíp, trong đó, tín dụng cho ngành nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi chiếm 58% tổng số cho vay, còn lại dành cho ngành thủ công, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ xung quanh và kinh doanh khác; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu trên cả nước. Theo thống kê, thủ đô Viêng Chăn chiếm 39%, tỉnh Viêng Chăn chiếm 18%, Champasak chiếm 11% tổng số cho vay; (iii) cung cấp 100 tỷ Kíp vốn đầu tư khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần giải quyết tình hình khó khăn về ngân sách bằng nhiều hình thức như: triển khai bán trái phiếu cho Ngân hàng kinh doanh và các quỹ tổng cộng 968 tỷ Kíp, bán trái phiếu Chính phủ qua thị trường chứng khoán hơn 1.073 tỷ Kíp và 33,3 triệu USD; (iv) tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nổi bật là sửa đổi cơ chế quản lý cửa hàng đổi tiền trong tháng 6/2021 và tiến hành chuyển cửa hàng đổi tiền thành cửa hàng trao đổi đại diện của Ngân hàng kinh doanh trong việc trao đổi tiền tệ. (Báo KT-XH, ngày 03/11/2021)
Bộ Công Thương đề ra 05 chính sách trong công tác công nghiệp và thương mại
Ngày 02/11, tại Hội nghị đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ V, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung triển khai 05 chính sách để triển khai các công việc của ngành công thương đạt kế hoạch đã đề ra giai đoạn 05 năm tới (2021-2025). Theo đó:
(1) Hội nhập và kết nối kinh tế với khu vực và thế giới, tập trung hợp tác và đàm phán thương mại trong khuôn khổ song phương, đa phương, tiểu vùng và khu vực để mở rộng cơ hội xuất khẩu; khuyến khích phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại xuyên biên giới gắn với logistics trong thời đại kết nối;
(2) Phát triển công nghiệp và sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, khuyến khích phát triển nhóm công nghiệp hiện có và công nghiệp có thế mạnh mới; tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm và sản xuất; tập trung phát triển cơ sở vật chất hỗ trợ công nghiệp chế biến; khu công nghiệp, khu vực công nghiệp chính, công nghiệp và thương mại theo từng phần.
(3) Tạo môi trường thuận lợi và củng cố vững vàng cho khối kinh doanh bằng cách tập trung vào quản lý doanh nghiệp, xây dựng nền tảng thông tin và phát triển công nghiệp thành hệ thống hiện đại; tạo môi trường thuận lợi và củng cố vững vàng cho khối kinh doanh; bảo vệ người tiêu dùng, phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2% mỗi năm; khuyến khích sự cạnh tranh thương mại; quản lý và điều chỉnh nhà máy; quản lý tiêu chuẩn, đo đạc và chất lượng đồng thời quản lý và khuyến khích bảo vệ tài sản trí tuệ; đề cao kiểm tra thương mại.
(4) Tăng cường khuyến khích và phát triển thương mại phát triển phù hợp với tình hình mới, tập trung xây dựng nền tảng thông tin, thông tin dữ liệu và phát triển hệ thống thương mại hiện đại qua hệ thống điện tử và sáng kiến mới, nghiên cứu, điều chỉnh các văn bản pháp lý quy định, phân tích quản lý giá hàng hoá, quản lý xuất nhập khẩu.
(5) Tăng cường hiệu quả quản lý vĩ mô và phân cấp quản lý tại địa phương, lãnh đạo việc tổ chức kinh doanh và các đơn vị kinh doanh thuộc Đảng bộ, tập trung nghiên cứu phát huy đường lối, kế hoạch, nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội có liên quan, xây dựng kế hoạch đầu tư, kế hoạch hợp tác, tổng kết, phân tích và cung cấp thông tin dữ liệu; củng cố hiệu quả việc tiến hành của ngành công thương; phát triển năng lực của nhân lực ngành công thương; sửa đổi cơ chế tổ chức và quản trị cùng với thực hiện công tác “3 Xây” một cách hiệu quả; tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển trường cao đẳng thương mại; sửa đổi và phát triển doanh nghiệp của ngành công thương; khuyến khích và cung cấp dịch vụ của Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào và tập trung kiểm tra nhà nước.
Mục tiêu chính của ngành là đến năm 2025 đạt mức độ mở của thương mại (giá trị thương mại hàng hoá và dịch vụ đối với GDP không dưới 80%), xuất khẩu hàng hoá công nghiệp chiếm 50%, đưa ngành công nghiệp chế biến và thương mại đóng góp 22-23% tổng số GDP cả nước; các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 18%/năm với số lượng tăng 2%/năm. (Báo KT-XH, ngày 04/11/2021)
Một số trạm xăng đóng cửa tạm thời vì không kịp nhập khẩu xăng
Xăng là hàng hoá thiết yếu có ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và cuộc sống của người dân. Lào không có cơ sở sản xuất xăng, phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài và sự biến động giá cả của thế giới. Do vậy, Chính phủ có chính sách nhập khẩu, sử dụng xe chạy bằng điện để thay thế xe sử dụng xăng dầu.
Đại biểu Quốc hội đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu cơ cấu giá xăng dầu, do giá xăng có xu hướng tăng thường xuyên, đòi hỏi điều chỉnh giá nhiều lần mỗi năm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và đời sống của nhân dân. Trong tuần đầu tháng 11/2021, một số cây xăng bán lẻ tại thủ đô đã tạm ngừng cung cấp dịch vụ do nhập khẩu xăng không đủ trong khi nhu cầu người dân tăng cao. Phía cung cấp cho biết: nguồn cung thiếu khiến cho giá xăng bên ngoài tăng, nhập về lỗ khiến cho một số cây xăng - công ty ngừng bán để giảm thiệt hại. Các công ty lớn vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ theo chính sách, mặc dù thiếu vốn vẫn phải phục vụ nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và xã hội; song đã xuất hiện tình trạng một vài trạm xăng đóng cửa nhiều lần, đặc biệt là khi dịch Covid-19 còn kéo dài, thâm hụt thương mại khiến thu ngoại tệ trở nên khó khăn, xăng dầu khó đặt hàng và hầu hết được mua lại từ Thái Lan.
Hiện nay, có 11 công ty được phép nhập khẩu xăng chính thức từ nước ngoài. Vấn đề thiếu hụt xăng dầu đã diễn ra nhiều lần, chỉ có 20% doanh nghiệp nhà nước xăng dầu Lào có thị phần tại Lào thường xuyên nhập khẩu và chia lại cho các cây xăng khác. Các trạm xăng tư nhân đóng cửa trạm xăng do nhiều yếu tố như không muốn nhập về bán sợ lỗ; một phần do Chính phủ đã ngăn chặn vận chuyển xăng lậu, Nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu, miễn thuế khiến cho thất thoát ngân sách nhập khẩu khoảng 1.000-2.000 tỷ Kíp; một số trang mạng xã hội thông tin không đầy đủ khiến người dân hoảng hốt và kéo nhau đi đổ xăng giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát mạnh. (Báo KT-XH, ngày 08/11/2021)
Chính phủ Lào quy định 12% diện tích quỹ đất bảo tồn và cấm khai thác khoáng sản
Lào có tổng diện tích 236.800 km2, trong đó Chính phủ quy định 12% quỹ đất được dành để bảo tồn khoáng sản và quản lý trong tương lai, tạo cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác, bảo đảm phát triển khoáng sản được tiến hành một cách đúng mức theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo đã đề xuất Kế hoạch phát triển năng lượng điện của Lào giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển Năng lượng và Mỏ lần thứ IX (2021-2025): Về địa chất và mỏ, hiện nay diện tích nghiên cứu tìm kiếm, khảo sát khai thác khoáng sản vào khoảng 72.174,3 km2 chiếm 30,5% diện tích cả nước trong đó diện tích khai thác chế biến khoảng 0,9%; diện tích nghiên cứu kinh tế kỹ thuật 0,7%; diện tích tìm kiếm khảo sát 29%.
Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định khu vực bảo tồn khoáng sản số 308/TTg (ngày 10/5/2021) nhằm xác định 12 vùng có thế mạnh về khoáng sản là khu vực bảo tồn với tổng diện tích 28.268,50 km2, tương đương 12% diện tích cả nước để duy trì và quản lý trong tương lai, cân đối giữa việc khai thác sử dụng và việc bảo tồn, bảo đảm phát triển khoáng sản tiến hành theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường gắn với 3 mục tiêu trong Kế hoạch phát triển năng lượng và mỏ trong giai đoạn 5 năm lần thứ IX (2021-2025).
Dự kiến giá trị sản xuất và phân phối khoáng sản giai đoạn 2021-2025 là 7.832 triệu USD, tăng 4% so với kế hoạch 5 năm lần thứ VIII (2016-2020) với tổng giá trị 7.526 triệu USD, dự kiến việc phân phối khoáng sản đạt 8.336 triệu USD tăng 3%, trong đó: dự kiến phân phối trong nước đạt 1.974 triệu USD (tăng 38%) và phân phối ra nước ngoài 6.362 triệu USD (giảm 5%). Dự kiến thu ngân sách trong giai đoạn 5 năm lần thứ IX đạt 880 triệu USD (tăng 5%).
Phương hướng đề ra là khuyến khích, thúc đẩy xây dựng nhà máy chế biến và luyện kim đối với các khoáng sản cơ bản như: vàng, đồng, thiếc, sắt... Hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước phát triển khoáng sản Lào đã hợp tác với Công ty nước ngoài xây dựng nhà máy luyện kim tại đặc khu kinh tế tỉnh Khammuan có diện tích 123 ha và đang hướng đến xuất khẩu quặng chế biến muối mỏ Kali với việc sử dụng đường sắt Lào - Trung làm tuyến vận chuyển chính. (Báo KT-XH, ngày 10/11/2021)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
Các chính sách thúc đẩy hoạt động đường sắt cao tốc Lào-Trung
Ngày 24/11/2021, báo KT-XH đưa tin, Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc đã đạt tiến độ 100%, hoàn thành và dự kiến bàn giao vào 02/12/2021, nhân kỷ niệm 46 năm ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào.
Dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc được bắt đầu khởi công xây dựng từ 02/12/2015 đến nay đã hoàn thành với thời gian thực hiện 05 năm. Đây là dự án quan trọng thể hiện sự hợp tác giữa hai nước Lào-Trung Quốc, với tổng mức đầu tư 5.950 triệu USD từ nguồn vốn vay lãi suất thấp của Chính phủ Trung Quốc (70%, lãi suất 3%/năm) và vốn góp đối ứng của Chính phủ Lào (30% vay từ Trung Quốc, lãi suất 2,3%/năm). Tổng chiều dài tuyến đường là 426,5 km, có 33 nhà ga; tốc độ tàu chở khách chạy trung bình trên đoạn miền núi đạt 160 km/h, đoạn đồng bằng 200 km/h; chở hàng là 120 km/h; giai đoạn đầu, trọng tải đạt 3.000 tấn/chuyến, và sẽ tăng đạt 4.000 tấn/chuyến. Dự án được triển khai và vận hành bởi doanh nghiệp nhà nước Trung quốc.
Để khai thác, vận hành tuyến đường sắt trên, Chính phủ Lào đã ban hành 06 chính sách đặc biệt nhằm thúc đẩy hoạt động của dự án gồm: chính sách liên quan đến việc sử dụng đất đai; thuế; phí thường niên; phí tài nguyên; thuế hải quan; phí lưu trú, ăn nghỉ và làm việc của cán bộ, nhân viên trong dự án hỗ trợ kỹ thuật. (Báo KT-XH, 24/11/2021)
Lào-Trung Quốc tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế
Ngày 19/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonxay Siphandone và Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính trị, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, Trung Quốc Hà Lập Phong tiến hành cuộc họp trực tuyến nhằm trao đổi, đánh giá và triển khai các văn kiện mà hai ngành hai bên đã thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn vừa qua gồm: Hiệp định hợp tác thúc đẩy Chiến lược “Một vành đai-Một con đường”; Khung hợp tác phát triển hành lang kinh tế Lào-Trung Quốc giai đoạn 2019-2030; Hiệp định khung về tăng cường năng lực sản xuất và thúc đẩy đầu tư; các Biên bản ghi nhớ về hợp tác trao đổi chuyên gia giưa hai ngành.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Sonxay Siphandone đã đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội Lào giai đoạn 05 vừa qua có tốc độ tăng trưởng bình quân 5,8%/năm; hai năm qua, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp tác động đến nền kinh tế, thương mại và đầu tư Lào, đặc biệt các lĩnh vực dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Lào-Trung Quốc vẫn hợp tác thúc đẩy các chương trình, dự án lớn theo cam kết, đảm bảo tiến độ, góp phần khôi phục kinh tế Lào sau đại dịch. Các chương trình hợp tác như: chú trọng thúc đẩy sản xuất nông sản trong nước dựa trên tiềm năng của Lào; quan tâm giải quyết các vấn đề khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản; thúc đẩy đầu tư nước ngoài; thông báo về công tác triển khai hai Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế-tài chính và xử lý các vấn đề ma túy của Chính phủ Lào trong 03 năm tới.
Ngoài ra, hai bên đã thống nhất một số vấn đề mà hai ngành cần quan tâm tiếp tục triển khai, tiếp tục thúc đẩy thực hiện có kết quả nội dung khung hợp tác phát triển hành lang kinh tế giữa hai nước Lào-Trung Quốc; Trung Quốc tiếp tục giúp Lào trong việc triển khai thúc đẩy sản xuất nông sản; thúc đẩy đầu tư nước ngoài; thúc đẩy các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, khai khoáng, hạ tầng giao thông...; và trao đổi chuyên gia; phía Lào tiếp tục đề nghị Trung Quốc hỗ trợ các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT và các dự án PPP...
Kết thúc buổi gặp mặt, hai bên đã ký kết 02 văn kiện hợp tác gồm: Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban điều phối chung để tổ chức thực hiện khung hợp tác hành lang kinh tế Lào-Trung Quốc; Thỏa thuận về việc cùng thúc đẩy “Dự án hợp tác trọng điểm trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư” giai đoạn 3 giữa hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc. (Báo KT-XH, 22/11/2021)
Lào tìm kiếm cơ hội thương mại với Trung Quốc tại Expo
Ngày 5/11/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Tiến sỹ Khampheng Saysompheng đã tham dự Lễ khai trương Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triễn lãm quốc gia tại Thượng Hải từ ngày 5-11/11/2021.
Sự kiện là minh chứng cho việc Trung Quốc hỗ trợ thương mại đa phương và xúc tiến thương mại tự do. Tại Expo, Trung Quốc đã thiết lập triển lãm công nghệ số với công nghệ 3D trình bày những hình ảnh, video và cung cấp những thông tin về thương mại và đầu tư của quốc gia.
Năm nay, 03 công ty của Lào tham dự Expo nhằm quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, vải, chè, cà phê, trái cây, gia súc, đồ nội thất và du lịch. Những hàng hóa này có tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác. Các doanh nhân Lào trưng bày ảnh và băng hình có phụ đề, mô tả cơ hội đầu tư và hoạt động du lịch ở Lào.
Mới đây, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Lào đã ký thỏa thuận hợp tác với các công ty Trung Quốc xuất khẩu 9 loại nông sản sang Trung Quốc, gồm 100.000 tấn lạc, 100.000 tấn sắn, 100.000 tấn thịt bò khô và đông lạnh, 200.000 tấn hạt điều, 50.000 tấn sầu riêng, 100.000 tấn chuối, 100.000 tấn xoài, 200.000 tấn đậu nành và 500.000 tấn đường. Tổng kim ngạch xuất khẩu các nông sản này trong 5 năm từ 2021-2026 trị giá 1,5 tỷ USD. Việc hợp tác này giữa Lào và Trung Quốc hy vọng sẽ cải thiện được cuộc sống của hàng trăm gia đình, thêm nguồn thu cho chính phủ và phát triển cơ sở hạ tầng cho người dân địa phương.
Với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Chính phủ, các công ty Trung Quốc đang tiến hành trồng cây thương mại, và chuẩn bị đất cho việc trồng cây trên diện tích 100.000 ha ở nhiều vùng khác nhau ở Trung và Nam Lào. (Vientiane Times, 08/11/2021)
Lào - Nhật Bản
Nhật Bản tăng cường hỗ trợ người dân bị đe dọa ô nhiễm vật liệu nổ bom mìn (UXO)
Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 118.000 USD để trang bị kiến thức về rủi ro bom mìn, đào tạo nghề và tăng thu nhập cho người dân của tỉnh Xiêng-Khoảng.
Tờ Thời báo Viêng Chăn đưa tin, theo Đại sứ quán Nhật Bản hợp đồng viện trợ nói trên gần đây đã được ký kết giữa Bộ Trưởng, Phó Đại sứ Nhật Bản ông Iwamoto Keiichi và Đại diện Văn phòng tổ chức phi chính phủ Terra Renaissance tại Lào ông Limura Hiroshi. Đây là khoản viện trợ sẽ dành cho các hoạt động của dự án “Hỗ trợ kinh tế, giáo dục khu vực rủi ro bom mìn UXO”, một dự án kéo dài trong 12 tháng với mục tiêu đào tạo kiến thức về rủi ro bom mìn giúp ngăn chặn thương vong cho trẻ em lứa tuổi từ 3-5 do tại nạn UXO. Dự án cũng sẽ hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình ảnh hưởng thông qua đào tạo nghề và thúc đẩy mua bán các mặt hàng nông sản và dệt thổ cẩm. Đối tượng của dự án là trẻ em nghèo có hoàn cảnh kinh tế-xã hội dễ bị tổn thương nhất của tỉnh Xiêng-Khoảng. Thông qua dự án, số trẻ em được hưởng lợi sẽ có cơ hội được đi học ở các cấp học cao hơn.
Dự án đã bắt đầu đi vào thực hiện từ tháng 3 năm 2020 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2022.
Terra Renaissance là tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản có mặt tại Lào từ năm 2009 triển khai nhiều dự án giúp người dân sống trong các khu vực có nguy cơ ô nhiễm vật liệu nổ bom mìn UXO. Với hiệu quả của việc hỗ trợ cho nhiều người dân sống tại các khu vực nguy cơ rủi ro vật liệu nổ, tổ chức Terra Renaissance đã được Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao các nỗ lực hoạt động trên thực địa tại cấp cơ sở của mình, đặc biệt là sự tiếp nối các hoạt động dự án bất chấp tình trạng bùng phát của dịch Covid-19. Đại sứ quán Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ cho các hoạt động của tổ chức này. Từ năm 1998, Chính phủ Nhật bản đã và đang tích cực ủng hộ cho các hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn sau chiến tranh tại Lào. (Vientiane Times 10/11/2021)
Lào - Đức
Đức hỗ trợ tài chính cho công nhân ngành may mặc của Lào
Gần 21.000 công nhân may mặc bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19 đã nhận được hỗ trợ tài chính khẩn cấp với tổng số tiền lên tới trên 18,6 tỷ Kíp (khoảng 1,85 triệu USD) với mức 900.000 Kíp/người (khoảng 85USD). Đây là số tiền hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua một dự án do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO triển khai thực hiện. Phát biểu trong sự kiện đóng dự án hỗ trợ thu nhập ứng phó trước hậu quả của đại dịch covid-19 vào ngày 24/11/2021 được tổ chức kết hợp cả trực tuyến và trực địa, Tổng giám đốc An sinh Xã hội Lào (SSO) bà Keo Chanthavoxay cho biết đã có 47 nhà máy nhận được hỗ trợ bằng tiền mặt và các gói hỗ trợ được phân phát trực tiếp tới từng người từ tháng Ba tới tháng Mười trong năm nay. Tiền trợ cấp đã giúp cho công nhân bị mất thu nhập và giúp các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động tuy phải cắt giảm lao động. Người hưởng lợi bao gồm cả những công nhân là thành viên mạng lưới An sinh Xã hội và người chưa là thành viên chính thức do mới đóng bảo hiểm ít hơn 12 tháng.
Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào ông Pandeumphone Sonthany cho biết, việc hỗ trợ tài chính khẩn cấp của dự án là sự hỗ trợ vô cùng thiết yếu cho các gia đình công nhân may mặc trong giai đoạn khó khăn và giữ vững hệ thống chi trả của SSO. Giám đốc Quốc gia Tổ chức ILO cho ba nước Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia ông Graeme Buckley cho biết dự án đã cùng với hệ thống An sinh Xã hội SSO giúp giảm gánh nặng chi phí hành chính và đẩy nhanh thời gian thực hiện. Tiền hỗ trợ được SSO giải ngân qua mạng lưới điện thoại di động đối với những người không có tài khoản ngân hàng. Dự án cũng hỗ trợ Hiệp hội May mặc Lào nâng cao các điều kiện về an toàn và sức khỏe lao động cũng như các khu nhà tập thể cho công nhân may mặc và các vật dụng phòng ngừa Covid-19 cùng với hỗ trợ một trung tâm cách ly.
Theo ILO, ngành may mặc của Lào hiện có 26.000 công nhân, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với nhiều nhà máy phải đóng cửa, cắt giảm sản xuất và sa thải lao động. (Vientiane Times 29/11/2021).
Lào - Hàn Quốc
KOICA viện trợ không hoàn lại 13 triệu USD nâng cấp quốc lộ 8
Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Lào và Bộ Công chính và Vận tải Lào vừa ký kết Văn bản thảo luận dự án ‘nâng cấp 6 cây cầu và hệ thống phụ trợ an toàn tuyến Quốc lộ 8 (Xa lộ ASEAN 15)’. Văn kiện được ký kết trực tuyến giữa Quyền giám đốc Quốc gia KOICA tại Lào ông Sangjun Kim và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, ông Litta Khattiya và Tổng cục trưởng Tổng cục Vận tải, ông Bounta Onnavong, hai đơn vị trực thuộc Bộ Công chính và Vận tải của Lào.
Tờ Thời báo Viêng Chăn đưa tin, theo Văn phòng KOICA dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 với khoản viện trợ không hoàn lại 13 triệu USD từ tổ chức KOICA. Tuyến quốc lộ 8 nối Quốc lộ 13 từ phía nam của tỉnh Bolikhamsai tới cửa khẩu Lào - Việt với tổng chiều dài 132km. Mục tiêu của dự án là nâng cấp 06 cây cầu và nâng cao mức độ an toàn của tuyến đường lên mức Xa lộ ASEAN Cấp II, mở rộng lưu lượng kết nối giữa Lào với hai nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan, đồng thời tăng cường khả năng kết nối cho mạng lưới giao thông trên cả nước.
Từ 2016 đến 2018 KOICA đã hợp tác với Tổng cục Đường bộ tiến hành nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp Quốc lộ 8 nằm trong mạng lưới Xa lộ ASEAN (AH15) với tổng kinh phí là 3,5 triệu USD do KOICA cung cấp. Nghiên cứu khả thi đã được hoàn thành và cho kết quả tích cực. Phát biểu với giới báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ ông Litta Khattiya cho biết “tôi muốn cám ơn tổ chức KOICA đã tài trợ cho dự án này. Dự án Quốc lộ 8 là ưu tiên hàng đầu của Bộ Công chính và Vận tải. Đây là tuyến đường kết nối với mạng lưới Xa lộ ASEAN 15, vì vậy Bộ muốn nâng cấp tuyến quốc lộ này lên mức độ yêu cầu của Xa lộ ASEAN để hòa chung với mạng lưới. Việc này sẽ cắt giảm chi phí vận tải và nâng cao mức độ an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em sống hai bên quốc lộ 8”.
Văn phòng KOICA tại Lào tin tưởng dự án sẽ cải thiện khả năng tiếp cận của Lào tới các nước láng giềng và giải quyết những vấn đề khó khăn trong công tác vận tải. Người dân trong khu vực cũng sẽ hưởng lợi từ dự án thông qua sử dụng tuyến đường được nâng cấp và được nâng cao ý thức về an toàn giao thông. (Vientiane Times 03/11/2021)
Quỹ EDCF cho tỉnh Champasak vay ưu đãi 13 triệu USD, viện trợ nghiên cứu khả thi Dự án Quản lý Tổng hợp Sông Mê-kông cho tỉnh Khăm Muồn
Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc EDCF do Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc điều hành đã nhất trí cung cấp một khoản vay ưu đãi khoảng 13 triệu USD cho Dự án Quản lý Tổng hợp Sông Mê-Kông (MIGP) tại tỉnh Champasak. Theo tờ Thời báo Viêng Chăn, hiệp định vay vốn ban đầu đã được ký kết giữa Bộ Công chính và Vận tải, đại diện cho Chính phủ Lào và Quỹ EDCF vào năm 2016. Tuy nhiên do có sự thay đổi trong các yêu cầu định cư của người dân địa phương và sự thay đổi các điều kiện trên địa bàn thực hiện dự án, cùng một số nguyên nhân khác như lũ lụt xảy ra năm 2019, chi phí phụ do thời gian hoàn thiện kéo dài, làm chi phí dự án trên thực tế bị vượt quá so với chi phí đề ra.
Từ những lý do trên, Chính phủ Lào đã đề nghị Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc cung cấp thêm nguồn vốn dưới dạng tài trợ bổ sung từ Quỹ EDCF để việc thực hiện dự án được hiệu quả và thuận lợi. Nguồn vốn này nằm trong Thỏa thuận khung được ký kết giữa hai Chính phủ Lào và Hàn Quốc cho giai đoạn 2020-2023. Nguồn tài trợ bổ sung sẽ được sử dụng cho chi phí xây dựng và dịch vụ tư vấn cùng với ngân sách đối ứng khoảng 2,3 triệu USD từ Chính phủ Lào để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và quản lý hành chính, thuế, phí hải quan của dự án.
Biên bản Thảo luận đồng hợp tác đã được ký ngày 19/11/2021 tại Bộ Công chính và Vận tải giữa Trưởng đại diện Quỹ EDCF tại Lào ông Lee-Dong-Geon và các đại diện Bộ Công chính và Vận tải và Bộ Tài chính Lào trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Viengsavath Siphandone và các quan chức của hai bộ Công chính & Vận tải và Tài chính.
Dự án Quản lý Tổng hợp Sông Mê-Kông (MIGP) là dự án có mục tiêu bảo vệ sinh mạng và tài sản cho người dân địa phương khỏi các đợt lũ lụt, sạt lở ven bờ hàng năm và tăng cường hoạt động du lịch nâng cao thu nhập và đời sống người dân trên địa bàn thông qua xây dựng các khu công viên và khu vui chơi, giải trí dọc ven bờ. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong vòng 17 tháng kể từ ngày hiệp định vốn bổ sung được ký kết, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào khoảng đầu năm 2022. (Vientiane Times, Báo KT-XH, 22/11/2021)
Trước đó, theo tờ Thời báo Viêng Chăn đưa tin, Quỹ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) đã hỗ trợ một khoản ngân sách không hoàn lại để tiến hành nghiên cứu khả thi cho Dự án Quản lý tổng hợp Sông Mê-Kông tại tỉnh Khăm-Muồn. Nếu kết quả nghiên cứu khả thi đáp ứng các điều điều kiện mà Quỹ đưa ra, dự án có thể sẽ nhận được khoản vốn vay từ Quỹ để thực hiện. EDCF là Quỹ do Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc điều hành.
Việc phê duyệt khoản ngân sách cho nghiên cứu khả thi dự án được thông báo tại cuộc họp giữa Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải, bà Vilaykham Phosalath, với Trưởng đại diện Ngân hàng Eximbank của Hàn Quốc tại Lào, ông Lee-Dong-Geon, và Chủ tịch tỉnh Khăm-Muồn, ông Vanxay Phongsavanh, cùng nhiều quan chức của tỉnh. Đây là một trong những dự án được ưu tiên cao do Chính phủ Lào đề xuất với Quỹ EDCF xem xét tài trợ trong giai đoạn tài chính 2020-2023. Nếu đi vào thực hiện, dự án sẽ giúp tỉnh Khăm-Muồn bảo vệ bờ sông, ngăn chặn việc mất đất đai, tài sản và tính mạng của người dân hai bên bờ. Dự án sẽ cải thiện mức sống và nâng cao thu nhập người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Lee-Dong-Geon cho biết “việc hỗ trợ nghiên cứu khả thi lần này của dự án được cân nhắc do vào mùa mưa, hai bên bờ sông thường xuyên bị ngập úng và sạt lở, ngoài ra cũng căn cứ vào kết quả của một nghiên cứu khả thi trước đây do Bộ Công chính và Vận tải Lào cùng với Quỹ EDCF thực hiện.” Theo kế hoạch, việc tuyển tư vấn sẽ được thực hiện vào cuối năm nay và nghiên cứu khả thi sẽ diễn ra vào đầu sang năm và hoàn thành trong khoảng thời gian 4 tháng.
Ông Lee-Dong-Geon cũng cho biết thêm “Tuy nhiên, để vốn vay được phê duyệt, kết quả nghiên cứu khả thi cần đáp ứng những tiêu chí mà Quỹ đưa ra cho giai đoạn thẩm định tiếp theo, sẽ tiến hành trước khi vốn vay được phê duyệt. Chúng tôi, EDCF, hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ, thống nhất giữa Bộ Công chính và Vận tải Lào cùng các sở, ngành của tỉnh Khăm-Muồn và tư vấn sẽ đưa ra được kết quả tích cực, quan trọng cho nghiên cứu khả thi để bước sang giai đoạn tiếp theo’.
EDCF là quỹ đã cung cấp nhiều khoản vay ưu đãi cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào trong đó có Dự án Phát triển Cấp nước các tỉnh phía Nam cho Chăm-Pa-Sắc và Sa-Vẳn-Nà-Khẹt và Dự án Quản lý tổng hợp Sông Mê-Kông cho thủ đô Viêng - Chăn và tỉnh Chăm-Pa-Sắc, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào. (Vientiane Times 08/11/2021)
Lào - Mỹ
USAID hỗ trợ đào tạo kỹ năng thúc đẩy đối thoại công-tư cho CCCI
Theo tờ Thời báo Viêng Chăn, Dự án cải thiện môi trường kinh doanh Lào do USAID tài trợ phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào (LNCCI) và Chi nhánh tại tỉnh Champasak (CCCI) tổ chức hai ngày hội thảo tập huấn cho Ban thư ký CCCI và các điều phối viên Đối thoại công-tư địa phương (LPPD) về kỹ năng thúc đẩy đối thoại công-tư. Đây là hoạt động nằm trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Lào trên quy mô toàn quốc thông qua các hoạt động nâng cao năng lực và phổ biến chính sách. Hội thảo được tổ chức tại Thành phố Pakse thủ phủ tỉnh Champasak từ ngày 23 đến ngày 24/11/2021.
Hội thảo tập huấn có mục tiêu cung cấp cho học viên những kiến thức hiểu biết toàn diện về cơ chế LPPD với trọng tâm tập trung cho việc xây dựng và phát triển kỹ năng thúc đẩy cho các điều phối viên LPPD để đội ngũ này có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một trong những nội dung khác cũng được hội thảo tập trung đó là kỹ năng xây dựng và thực hiện các bài trình bày trước các cơ quan nhà nước hữu quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch CCCI bà Bounheuang Carol Linddung cho rằng hội thảo tập huấn là cơ hội lớn cho các học viên trao đổi kiến thức và các bài học kinh nghiệm trong công việc. Theo bà Linddung, các chủ đề đào tạo mà hội thảo đưa ra sẽ rất có ích đối với các điều phối viên LPPD để thực hiện tốt vai trò và công việc của mình.
Dự án Cải thiện môi trường kinh doanh Lào do USAID tài trợ là dự án hiện đang hỗ trợ cho Chính phủ Lào nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh của nước này. (Vientiane Times 24/11/2021)
BẠN CẦN BIẾT
Tăng cường quản lý lao động tại khu kinh tế đặc biệt Tam giác vàng
Ngày 23/10/2021, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào phối hợp với Chính quyền tỉnh Bokeo và Nhà phát triển khu kinh tế đặc biệt Tam giác vàng tiến hành cuộc họp đánh giá và trao đổi các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và giải quyết vấn đề lao động tại khu kinh tế đặc biệt khu Tam giác vàng, tỉnh Bokeo.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Paykham Khathiya cho biết, hiện có 303 công ty đang đầu tư tại khu kinh tế đặc biệt Tam giác vàng, tỉnh Bokeo; trong đó có 12 công ty trong nước, 290 công ty nước ngoài, 01 công ty liên doanh giữa doanh nghiệp Lào với nước ngoài; có 05 công ty đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, 76 công ty hoạt động về thương mại, 222 công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; với tổng vốn đăng ký là 6,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,8 tỷ USD, tạo 51.238 việc làm cho người lao động, trong đó, lao động Lào là 19.984 người, còn lại là lao động nước ngoài 37.254 người.
Theo Thứ trưởng, khu kinh tế đặc biệt Tam giác vàng là một khu kinh tế lớn bậc nhất Lào hiện nay, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bokeo, tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động; do vậy, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề sử dụng lao động, về công tác tổ chức việc làm, tổ chức tập huấn tay nghề; về tiền công, tiền lương nhằm bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, nghĩa vụ của người lao động tại khu vực này đối với Chính phủ theo quy định của pháp luật Lào.
Trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19, lao động trong khu kinh tế có nhiều biến động, hiện Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đang tiến hành rà soát, kiểm tra nắm số lượng lao động tại khu vực trên, kiểm tra sức khỏe, phân loại lao động theo ngành nghề, số lao động trong các công ty, số lao động tự do, số lượng cần tập huấn tay nghề, số lao động muốn tiếp tục ở lại làm việc và số lượng lao động dự định quay trở về địa phương để tổ chức đăng ký lại lao động nhằm quản lý lao động được chính xác trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty hoạt động. (Báo KT-XH, 28/10/2021)
Hội thảo về biện pháp tiếp cận các nguồn tài chính để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Lào
Ngày 22/10/2021, Hiệp hội Tài chính vi mô Lào phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các đơn vị liên quan tiến hành tập huấn trực tuyến với chủ đề “Tiếp cận nguồn tài chính-Cung cấp vốn cho doanh nghiệp”.
Tổ chức tập huấn nhằm giúp các nhà kinh doanh, sản xuất và MSME hiểu biết, nắm được các điều kiện, yếu tố để có thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính, lựa chọn nguồn cung vốn cho các dự án của các doanh nghiệp từ các ngân hàng, đặc biệt từ Quỹ khuyến khích SME.
Hiện nay, vấn đề vốn đang là mối quan tâm của xã hội, đặc biệt trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 đã tác động đến toàn dân cũng như các nhà kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) gặp phải những khó khăn. Việc ban hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh đang được Chính phủ, Quỹ khuyến khích doanh nghiệp (SME) và các đơn vị liên quan cố gắng tìm các biện pháp hỗ trợ. Đối với gói vay lãi suất thấp từ nguồn vốn Chính phủ, thông qua hệ thống ngân hàng giải ngân cho chương trình mỗi huyện một sản phẩm, với lãi suất từ 6,5-9%/năm, thời hạn không quá 07 năm. Đối với gói vay mà SME có thể tiếp cận để thực hiện sản xuất kinh doanh, với lãi suất từ 7-11%, với thời hạn không quá 07 năm, thông qua 04 ngân hàng thương mại đã được xác định...; và các khoản vay ngắn hạn khác, các doanh nghiệp có thể tiếp cận thông qua hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, với thời hạn và hạn mức vay không quá 50 triệu Kíp không hợp đồng với lãi suất 1%/tháng hay 12%/năm.
Thông qua đợt tập huấn, đại biểu tham dự nắm được phương thức, biết tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung phù hợp với điều kiện, yếu tố của doanh nghiệp mình để tiếp cận nguồn vốn. (Báo KT-XH, 26/10/2021)
Chính phủ phê duyệt khai thác quặng sắt ở tỉnh Hủa-phăn và Xiêng-khoảng
Tuần cuối tháng 10/2021, Chính phủ đã bật đèn xanh cho Công ty Tập đoàn Phát triển mỏ Niksan (Công ty Niksan) thực hiện khai thác quặng sắt và chế biến ở tỉnh Hủa-phăn và Xiêng-khoảng để xuất khẩu thành phẩm bằng việc ký kết Hợp đồng dự án giữa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Khamchanh Vongseneboun và Chủ tịch Công ty, ông Niksan Phommavichith.
Tham dự Lễ ký còn có Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, ông Thongphath Inthavong; Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tiến sỹ Bounleua Sinxayvoravong; Tư vấn cho Công ty Niksan, ông Bounyou Sisan và các công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư hai tỉnh.
Việc khai thác và chế biến quặng được thực hiện tại làng Thamla và Phanlor của huyện Hiem, tỉnh Hủa-phăn và huyện Kham của tỉnh Xiêng-khoảng trên diện tích 12,56 km2, thời gian nhượng quyền 14 năm.
Cũng tại buổi lễ, công ty đã thanh toán đợt đầu 2 triệu USD cho chính phủ để sữa chữa 32km đường từ thị trấn đến huyện Hiem, địa điểm khai thác và đây cũng là phần đóng góp cho địa phương.
Theo chính phủ, dự án này sẽ tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân địa phương cũng như tạo ra nguồn thu cho phát triển kinh tế quốc gia và địa phương. (Vientiane Times, 01/11/2021)
Lào có thể mất hàng triệu USD do cửa khẩu Bò-tèn bị đóng cửa và cập nhật tình hình tại cửa khẩu Bò-tèn đến ngày 22/11/2021
Báo Vientiane Times ngày 10/11/2021 đưa tin, Lào có thể mất hàng triệu USD kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc do chính quyền Trung Quốc đóng cửa khẩu quốc tế Bò-tèn, một tuyến du lịch và thương mại chính giữa hai nước.
Theo một quan chức chính quyền tỉnh Luông-nậm-thà, Trung Quốc đóng cửa khẩu do việc lây lan Covid-19, hàng hóa Lào không thể vận chuyển qua biên giới trong tương lai gần. Cửa khẩu đã đóng cửa nhập hàng hóa Lào từ ngày 05/10/2021 và chưa biết khi nào sẽ mở cửa trở lại, nhiều tấn hàng nông sản có thể bị thối rữa. Việc đóng cửa khẩu là do một số tài xế xe tải Trung Quốc bị dương tính với Covid-19. Điều này cho thấy các tài xế xe tải của Lào không tuân thủ các biện pháp phòng tránh dịch của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 Lào cũng như các biện pháp phòng dịch do chính quyền Trung Quốc ban hành. Nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh được ghi nhận ở đặc khu kinh tế Bò-tèn.
Ban phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đã đưa ra các biện pháp quản lý du lịch và an toàn đối với vi-rút, nhưng một số tài xế xe tải của Lào thiếu hiểu biết về những biện pháp này. Chính quyền đang cố gắng nâng cao nhận thức cho các tài xế xe tải về đại dịch.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào, và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào. 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 1,72 tỷ USD, thặng dư thương mại 775 triệu USD. Dự tính 3 tháng tới, giá trị kim ngạch giữa Lào và Trung Quốc sẽ giảm đáng kể do việc đóng cửa khẩu này.
Ngày 15/11/2021, theo ông Thongsy Kanthachak, một quan chức Lào tại cửa khẩu, thông tin Chính quyền Trung Quốc đã mở thử cửa khẩu Bò-tèn trong 3 ngày từ ngày 15 đến ngày 17, tất cả các tài xế xe tải Lào phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trung Quốc. Nếu chính quyền Lào đảm bảo các tài xế xe tải tuân thủ nghiêm ngặt quy định và không có trường hợp Covid nào được ghi nhận trong 3 ngày này thì chính quyền Trung Quốc sẽ mở cửa lại cửa khẩu. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trung Quốc yêu cầu tất cả tải xế xe tải của Lào phải cách ly 21 ngày, mặc đồ bảo hộ cá nhân, làm sạch và khử trùng xe tải trước khi chuyển cho các tài xế Trung Quốc tại cửa khẩu phía Trung Quốc. Cửa khẩu Bò-tèn là tuyến du lịch và thương mại chính giữa Lào và Trung Quốc nên cần thiết phải được mở lại càng nhanh càng tốt để tránh tổn hại cho xuất khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng vì các cửa khẩu khác đã bị đóng cửa trong nhiều tháng. Khoảng 600 xe sản phẩm quặng và quặng, cao su và các sản phẩm nông nghiệp khác đang chờ ở cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc. Sau khi cửa khẩu đóng cửa, các nhà trồng chuối ở Lào đã phát hàng trăm tấn chuối cho người dân địa phương vì trái cây không thể xuất khẩu sẽ bị hỏng.
Tới ngày 22/11/2021, vẫn theo thông tin từ ông Thongsy, chính quyền Trung Quốc tiếp tục việc mở thử Cửa khẩu Bò-tèn do Ban Phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc vẫn phát hiện thấy một số tài xế dương tính với vi-rút trong 3 ngày mở thử. Trong 3 ngày này, đã có 60 xe tải/ngày qua cửa khẩu. Cửa khẩu Bò-tèn sẽ bị đóng cửa trở lại hoặc được mở cửa hoàn toàn hay không, cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định vì chính quyền Trung Quốc vẫn lo ngại về việc lây lan dịch bệnh. (Vientiane Times, 11, 16 và 22/11/2021)
Lào dự kiến thu được 463 triệu USD từ khoáng sản trong 3 tháng cuối năm nay
Theo báo cáo của Phó Thủ tướng, Tiến sỹ Sonexay tại Kỳ họp lần thứ 9 của Quốc hội, Lào dự kiến sẽ thu được 463 triệu USD từ việc bán khoáng sản trong nước và xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm nay, trong 9 tháng đầu năm đã thu được 1.464 triệu USD. Giá trị bán khoáng sản dự kiến tăng 15,04% so với kế hoạch. Giá trị bán khoáng sản 9 tháng đầu năm 2021 là 12.601 tỷ Kip, đạt 91,21% so với 13.812 tỷ Kip được Quốc hội phê duyệt. Giá trị cả năm dự kiến đạt 15.889 tỷ Kip.
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ tại Đại hội Đảng bộ của Bộ hồi đầu tháng 11, khoảng 124 công ty đang hoạt động 209 dự án khai thác và chế biến khoáng sản cũng như nghiên cứu khả thi kinh doanh khoáng sản, trong đó 14 công ty đang xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong 5 năm qua từ 2016-2020, giá trị khoáng sản và sản phẩm khoáng sản sản xuất tăng lên 7.526 triệu USD; giá trị khoáng sản sản xuất, cung ứng trong nước và xuất khẩu đạt 8.092 triệu USD.
Giai đoạn 5 năm 2021-2025, giá trị khoáng sản và sản phẩm khoáng sản dự kiến đạt 7.832 triệu USD, tăng 4% so với giai đoạn trước, trong đó giá trị cung cấp trong nước đạt 1.974 triệu USD, tăng 38% so với giai đoạn trước và giá trị xuất khẩu dự kiến giảm 5% xuống 6.362 triệu USD.
Lào là một trong những nước có nguồn tài nguyên giàu có nhất châu Á với hơn 570 mỏ đã được xác định, gồm vàng, đồng, kẽm, sắt, kali, đá vôi và chì. Trong việc sử dụng nguồn tài nguyên để thúc đẩy phát triển, chính phủ khuyến khích chế biến khoáng sản và giảm việc xuất khẩu khoáng sản chưa chế biến nhằm gia tăng giá trị cho xuất khẩu. Cải tiến vùng mỏ để việc khai thác không tác động xấu đến môi trường và xã hội. Đào tạo nhiều hơn cho lực lượng lao động các kỹ thuật khai thác mỏ và kỹ thuật địa lý cũng như thiết lập cơ chế tài chính bền vững để quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. (Vientiane Times, 19/11/2021)
Lào ký thoả thuận khai thác chế biến và xuất khẩu quặng sắt
Ngày 28/10, Chính phủ Lào và Tập đoàn Phát triển Mỏ quặng Nít-sẳn đã ký thoả thuận về khai thác, chế biến và xuất khẩu quặng sắt tại tỉnh Houaphan với diện tích 12,56 km2 trong thời hạn 14 năm. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Khamchanh Vongsenboun, đã đại diện Chính phủ Lào và Chủ tịch Tập đoàn Nít-sẳn tham gia ký kết. Cùng dự lễ ký có Thứ trưởng bộ Năng lượng - Mỏ Thongphat Inthavong, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounleua Sinxayvorlavong; lãnh đạo các Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Houaphan và tỉnh Xiengkhoang. Tại buổi lễ, Chủ tịch và đoàn công tác của Tập đoàn phát triển mỏ quặng Nít-sẳn đã nộp 2 triệu USD phí nghĩa vụ cho Chính phủ và cam kết nâng cấp đường từ điểm khai thác quặng sắt đến sân vận động huyện, có chiều dài khoảng 32km, góp phần phát triển kinh tế các tỉnh Xiengkhoang, Houphan nói riêng và của quốc gia nói chung. (Báo KT-XH, ngày 01/11/2021)
Lào đã thu giữ 101,5 triệu viên ma tuý tổng hợp trong 03 tháng
Chương trình Quốc gia về phòng chống ma tuý đã trở thành công cụ quan trọng của Chính phủ nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn ma tuý. Kể từ khi ban hành, Chính phủ đã triển khai xử lý nhiều vụ việc lớn, đặc biệt tại tỉnh Bokeo. Chỉ trong 3-4 tháng vừa qua, cả nước đã thu giữ tổng cộng 101,5 triệu viên thuốc lắc và nhiều loại chất gây nghiện khác.
Trong ngày đầu khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá IX, Chính phủ cho biết: Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc quan tâm giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế - tài chính của đất nước, Chính phủ cũng tích cực quan tâm đến đường lối an ninh - quốc phòng toàn dân toàn diện của Đảng và tiếp tục tập trung cụ thể hoá Chương trình Quốc gia về phòng chống ma tuý thành các văn bản pháp lý, kế hoạch và phân công nhiệm vụ. Từ tháng 8/2021 đến nay Chính phủ đã phá dỡ số lượng lớn cơ sở sản xuất, bóc gỡ các mạng lưới vận chuyển và phân phối, tổng số 1.106 vụ, bắt giữ 1.562 người, thu giữ 10.158 kg thuốc lắc (101.586.361 viên) và số lượng lớn chất gây nghiện khác. (Báo KT-XH, ngày 02/11/2021)
Lào sản xuất hơn 10 nghìn MW điện và đã xuất khẩu 72%
Việc sản xuất năng lượng điện tại Lào ngày càng phát triển. Tính đến cuối năm 2020, Lào có tổng cộng 82 cơ sở sản xuất điện với công suất 10.091MW, trong đó đập thuỷ điện chiếm tới 80,41%, điện than chiếm 18,61%; sản xuất trung bình khoảng 17%/năm và xuất khẩu điện đạt 72%.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá IX, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, Daovong Phonekeo, đã đề xuất Kế hoạch Phát triển Năng lượng điện của Lào (2021-2030) và Kế hoạch Phát triển Năng lượng và Mỏ lần thứ IX (2021-2025), cho biết việc phát triển năng lượng điện còn nhiều thách thức cần biện pháp giải quyết chặt chẽ và khẩn trương hơn nữa trong thời gian tới đặc biệt là các vấn đề về hệ thống điện trong nước và vấn đề hệ thống điện xuất khẩu trực tiếp của nhà sản xuất điện tư nhân.
Đặc biệt, Kế hoạch phát triển Năng lượng và Mỏ 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ưu tiên, coi trọng phát triển ngành năng lượng và mỏ trên cơ sở phù hợp với xu thế chung phát triển của khu vực và thế giới, góp phần quan trọng trong thu ngân sách cho đất nước, với tốc độ tăng trưởng có chất lượng theo mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Để thúc đẩy tổ chức triển khai kế hoạch trên, cần có kế hoạch hợp tác, thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài cũng như đầu tư của Nhà nước (đặc biệt đầu tư của Nhà nước tập trung phát triển hệ thống mạng lưới tới các vùng nông thôn vùng sâu vùng xa), ưu tiên 02 mục tiêu: (i) phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống mạng lưới tại tỉnh Xaysomboun; (ii) phát triển mạng lưới tại 03 tỉnh có tỷ lệ sử dụng điện thấp nhất cả nước là Houaphan, Phongxaly và Xekong. Ngoài ra chú trọng phát triển hệ thống tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, phấn đấu tỷ lệ sử dụng điện đạt 98% vào năm 2025.
Dự kiến các cơ sở sản xuất điện sẽ cho 276.096 triệu giờ, trị giá 140.879 tỷ Kíp (tăng 79% so với giai đoạn 2016-2020); dự kiến nhu cầu điện trong nước năm 2021-2025 trung bình tăng 8,1%/năm; phân phối điện trong nước khoảng 28.624 triệu KW giờ với tổng giá trị 2.431 triệu USD. (Báo KT-XH, ngày 05/11/2021)
Vì sao Doanh nghiệp nhà nước phát triển thụt lùi?
Kể từ khi đổi mới theo Nghị quyết lần thứ IV của Đảng, Lào đã tiến hành cải cách kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường dưới sự điều tiết của Nhà nước. Thời gian đó, mô hình doanh nghiệp Nhà nước, nhà nước chung vốn,..mọc lên như nấm trong mọi lĩnh vực và tại nhiều địa phương, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, góp phần vào phát triển đất nước và địa phương, nhiều doanh nghiệp đã trở thành hình mẫu trong sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo phúc lợi xã hội tốt, làm xã hội tự hào với sự tiến bộ của các doanh nghiệp Nhà nước; song hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhà nước có tiếng trong thời gian qua trở nên lạc hậu, giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi; một số công ty đang thoi thóp và một số đã phá sản. Một số doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ nhiều về vốn, phương tiện, nguyên liệu thô. Song nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ cả trong nước và nước ngoài, một số doanh nghiệp nợ quá nhiều, Nhà nước không thể hỗ trợ nên buộc phải chuyển sang hình thức chung cổ phần, chung vốn với các nhà đầu tư - doanh nghiệp trong nước và nước ngoài điển hình như Công ty Điện lực Lào, Ngân hàng Phát triển Lào và một số công ty khác.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này song những nguyên nhân chính đó là do yếu tố nhà quản trị, người lập kế hoạch, người tổ chức có kiến thức còn hạn chế, không có chuyên môn, trưởng nhóm sản xuất và cả người thực hiện chưa chuẩn xác; bộ máy tổ chức cồng kềnh, chủ doanh nghiệp hưởng lương nhiều, bên trung gian hưởng lợi nhiều hơn nhà sản xuất trực tiếp; nạn tham nhũngtràn lan, bất bình đẳng giữa các cá nhân trong doanh nghiệp; đồng thời, còn có sự can thiệp từ phía trên, người quản trị phần lớn lạm quyền, không lắng nghe hoặc cùng tham gia sản xuất, chỉ đạo mà không có kiến thức chuyên môn; chi tiêu lãng phí vào các hoạt động đón khách, du lịch, xây dựng chính sách có lợi cho nhóm lợi ích, thiếu kiểm tra giám sát. (Báo KT-XH, ngày 11/11/2021)
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trịnh Thị Tâm
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Lê T.Phương Hoa, Hà Bảo Trâm