Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 10-2022

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
468 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cam kết kiểm soát lạm phát, chống suy thoái kinh tế

Từ ngày 13-20/10/2022, Hội nghị BCH Trung ương của Đảng NDCM Lào thể lần thứ 5 khóa XI được tiến hành do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith chủ trì tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng lạm phát tăng vọt và quyết tâm chống lạm phát gia tăng, khủng hoảng kinh tế, giữ tỷ giá hối đoái trong tầm kiểm soát và thông qua các biện pháp để giải quyết những khó khăn về kinh tế mà đất nước hiện đang phải đối mặt.

Hội nghị đã thống nhất về sự cần thiết phải tối đa hóa doanh thu từ xuất khẩu và đảm bảo các khoản thanh toán được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng; nhất trí đẩy nhanh việc xây dựng lại và khôi phục cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhằm thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng; thông qua chương trình hành động để xem xét và đảm bảo cung cấp đủ điện cho các dự án phát triển lớn nhằm thúc đẩy năng suất và quy trình đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước Điện lực Lào; kêu gọi cần phải thúc đẩy hơn nữa sản xuất trong nước, giảm thiểu nhập khẩu và tăng xuất khẩu. Một số lượng nguồn tài trợ nhất định đã được phân bổ cho vấn đề này; nhấn mạnh nhu cầu tạo thêm việc làm cho công dân Lào, đồng thời quản lý chặt chẽ công dân nước ngoài làm việc tại Lào.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý khẩn trương điều tra và điều chỉnh các đặc khu kinh tế, nơi phát sinh các vấn đề nhạy cảm. Đưa ra các hành động để giải quyết tình thiếu hụt nhiên liệu như đã xảy ra vào đầu năm nay.

Bất chấp những khó khăn kinh tế và tài chính của đất nước và điều kiện toàn cầu không thuận lợi, GDP của Lào trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn đạt 4,2%. GDP bình quân đầu người tăng lên 1.841 USD. Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,9%, công nghiệp tăng 4,4% và khu vực dịch vụ tăng 4,9%. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khuyến nghị tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất là 4,5% vào năm 2023 và giao Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. (Vientiane Times, ngày 24/10/2022)

Đồng Kíp yếu tác động xấu đến nền kinh tế Lào

Ngày 06/10/2022, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo cập nhật từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, đồng Kíp đã giảm 37,4% giá trị so với đô la Mỹ và 32,9% so với đồng Baht trên thị trường chính thức từ tháng 1 đến tháng 8 . Theo cập nhật trong ấn phẩm hàng đầu của ADB, Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022, “Khoảng cách giữa thị trường ngoại hối chính thức và tự do là 38,6% vào giữa tháng 6, nhưng nó đã thu hẹp xuống mức trung bình 15,9% vào tháng 8”.

Do có sự chênh lệch cung cầu ngoại tệ, đồng Kíp tiếp tục giảm giá gây áp lực ngày càng tăng đối với các nhà nhập khẩu và là nguyên nhân làm tăng lạm phát. Việc phá giá tiền tệ đang có tác động xấu đến nền kinh tế Lào, đẩy giá sản phẩm lên cao và gây thêm nhiều khó khăn cho người nghèo. Theo ADB, tỷ lệ lạm phát hàng năm vào tháng 8 ở mức cao nhất trong 22 năm là 30%. Tỷ lệ trung bình là 15,5% trong tám tháng đầu năm nay. Từ tháng 1 đến tháng 9, giá nhiên liệu đã tăng 13 lần, khiến giá dầu diesel tăng 90,3% và giá xăng tăng 62,3%.

Lạm phát gia tăng và nợ công cao đã làm gia tăng áp lực kinh tế và tài chính đối với Lào. Để đối phó, tháng 6 vừa qua Chính phủ Lào đã tăng cường dự trữ ngoại hối cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu và phát hành tín dụng thư để tăng tích trữ nguồn cung cấp nhiên liệu. Ngân hàng Lào đã phát hành trái phiếu tiết kiệm trị giá 5 nghìn tỷ Kíp, tương đương 3% cung tiền, để giảm thanh khoản quá mức trong nền kinh tế và tăng nhu cầu đối với đồng Kíp.

Về cán cân thương mại, Lào nhập siêu đã làm tăng nhu cầu ngoại tệ của Lào để nhập khẩu hàng hóa. Theo cổng thông tin Thương mại Lào, chỉ tính riêng trong tháng 8, Lào đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại kỷ lục với 166 triệu USD, tăng so với mức 114 triệu USD trong tháng 7. Giá trị thương mại hai chiều giữa Lào và các nước đạt 1,02 tỷ USD, không bao gồm xuất khẩu điện. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Lào trong tháng 8 bao gồm khai thác mỏ và sản phẩm giấy, cao su, phân bón, quần áo, đồ uống, đường và giày dép, trong khi các mặt hàng nhập khẩu chính của nước này là nhiên liệu, thiết bị cơ khí và xe cộ.

Việc tăng giá có liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến các hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu dùng hàng ngày, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ. Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh khiến người nông dân và nhà sản xuất hạn chế mở rộng các hoạt động.

Ngoài ra, theo báo cáo của ADB, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm một nửa xuống còn 280 triệu đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2022, do số lượng các đối tác thương mại mới của Lào tăng trưởng chậm hơn, đóng góp của các đầu tư hiện tại thì giới hạn. (Vientiane Times, ngày 06/10/2022)

ADB dự báo nền kinh tế Lào phục hồi ổn định vào năm 2023

Ngày 18/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Lào sẽ dần phục hồi trong năm tới do sự gia tăng của đầu tư mới, tăng cường năng lượng tái tạo và sản lượng khai thác mỏ cao hơn.

Thông tin cập nhật trong ấn phẩm hàng đầu của ADB, Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 cho biết, một nhóm tổ chức tài chính đang chuẩn bị nguồn lực cho vay dự án điện Gió 600 megawatt. Đây là dự án năng lượng gió lớn nhất Đông Nam Á, dự kiến sau khi hoàn thành, điện sẽ được xuất khẩu hoàn toàn ra nước ngoài..

Năm 2022, Lào dự kiến sẽ có thêm 07 dự án thủy điện đi vào hoạt động, đạt khoảng 4,1 tỷ kWh, tăng thêm nguồn thu từ xuất khẩu điện của Lào. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thu hẹp từ 5% GDP vào năm 2021 xuống khoảng 4,5% vào năm 2022 nhờ tăng trưởng xuất khẩu vượt trội hơn nhập khẩu. ADB cũng nhận định rằng, thâm hụt tài khoản vãng lai lên 5,5% vào năm 2023 do nền kinh tế phục hồi sẽ kích thích tăng nhập khẩu vốn và hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, ADB đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Lào từ 3,4% xuống 2,5% và từ 3,7% xuống 3,5% vào năm 2023. Dự báo tốc độ tăng trưởng giảm được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt để quản lý lạm phát. ADB đã điều chỉnh dự báo lạm phát lên đến 17% năm 2022 do giá dầu dự kiến tăng cao và đồng Kíp yếu hơn. Lạm phát trong năm tới dự kiến sẽ giảm ở mức 4,5% do giá dầu toàn cầu giảm.

Theo ADB, các khoản vay với lãi suất thấp cho các nhà sản xuất lương thực địa phương để chi phí đầu vào cho ngành nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước và giảm áp lực lên giá lương thực.

Chi phí sinh hoạt tăng đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng và việc hạn chế nguồn cung đầu vào đã làm giảm triển vọng tăng trưởng ngành nông nghiệp và công nghiệp. Cùng với sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, đã làm trì hoãn sự phục hồi kinh tế ở Lào. (Vientiane Times, ngày 18/10/2022)

Ngày 17/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Lào sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,2% trong năm nay, trước khi tăng 3,1% vào năm 2023 và 4,3% vào năm 2027. Giá nhiên liệu tại Lào tăng chóng mặt và tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong tháng 5 và tháng 6 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và sản xuất. Sự gián đoạn nguồn cung và giá hàng hóa tăng cao đã làm gia tăng áp lực lạm phát lên nền kinh tế Lào.

Báo cáo của IMF lưu ý rằng môi trường bên ngoài vốn đã rất thách thức đối với nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Lào. Đồng USD tăng giá mạnh làm tăng thêm đáng kể áp lực giá cả trong nước và cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đối với các quốc gia này.

Thị trường vốn thúc đẩy nền kinh tế Lào

Ngày 18/10/2022, Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Lào (LSCO) và Sở giao dịch chứng khoán Lào (LSX) cùng với Chính phủ Luxembourg đã tổ chức hội thảo về Thị trường chứng khoán.

Tại hội thảo, Giám đốc điều hành LSX Souphak Thinxayphonem cho biết,  LSX chính thức được khai trương vào ngày 10/10/2010 và bắt đầu giao dịch vào ngày 11/01/2011. Từ năm 2010 đến năm 2022, LSX đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Lào. LSX đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là sự gia tăng số lượng công ty niêm yết từ hai công ty năm 2011 lên 11 công ty hiện nay. Tổng số tiền huy động được là 6.818 tỷ Kíp. Theo số liệu được cập nhật vào ngày 7/10/2022, giá trị vốn hóa thị trường của LSX tăng lên 10.689 tỷ Kíp. Ông Souphak cho biết, số lượng tài khoản chứng khoán đã tăng từ 4.122 lên 17.046 và giá trị giao dịch hiện tại là khoảng 1.867 tỷ Kíp với 357 triệu cổ phiếu.

Hệ thống giao dịch của LSX đã được cải thiện và phát triển, hiện nay sàn giao dịch đã liên kết với nhiều ngân hàng và sử dụng Hệ thống giao dịch tại nhà (HTS) và hiện đang trong tiến trình phát triển Hệ thống giao dịch qua thiết bị di động.

Hội thảo tập trung vào hai chủ đề lợi ích của trái phiếu doanh nghiệp và sự tăng trưởng các quỹ trên thị trường vốn. Trong quá trình thảo luận, các đại biểu gồm các chuyên gia trong nước và nước ngoài đến từ LSX, Luxembourg, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đã chia sẻ, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm của mình nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường vốn tại Lào thông qua hệ thống ngoại tuyến và trực tuyến.  (Vientiane Times, ngày 20/10/2022)

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Chính phủ Lào tập trung cải tiến việc thu thuế và giải ngân chi tiêu công thông qua hệ thống FinLink

Ngày 06/10/2022, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Lào đã ký thỏa thuận về việc sử dụng hệ thống FinLink cho việc thanh toán thuế, phí đăng ký và lệ phí dịch vụ. FinLink sẽ giúp cho việc thu thuế và giải ngân chi tiêu công được thực hiện hiệu quả hơn, trong khi các cá nhân khi sử dụng ứng dụng thanh toán qua các hệ thống ngân hàng khác nhau sẽ được thực hiện qua LAPNet với tên gọi Lao QR Pay.

Trước đây, việc thu thuế của các bộ ngành được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, tuy nhiên do chưa được tập trung nên rất khó khăn để kiểm tra giám sát, kết nối và tổng hợp dữ liệu, đồng thời tổng kết báo cáo nếu có sự cố xảy ra. Mục tiêu của dự án nhằm số hóa hệ thống tài chính, giúp đạt hiệu quả hơn, dễ sử dụng và chính xác hơn. Đồng thời, dự án cũng sẽ giúp việc thu - chi ngân sách trở nên minh bạch hơn, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số, thực hiện chiến lược tài chính quốc gia.

Ứng dụng LAPNet (Lao QR Pay) cho phép các cá nhân có thể thanh toán thuế, phí hải quan và các loại phí, lệ phí khác thông qua các ngân hàng. Hiện nay, đã có 6 ngân hàng tại Lào có thể sử dụng ứng dụng này, bao gồm: BCEL, JDB, BIC, ngân hàng Phát triển Nông nghiệp, Lào-Việt và Indochina. 3 ngân hàng khác sẽ được kết nối vào ứng dụng này cuối năm 2022 gồm: Ngân hàng Phát triển Lào, Maruhan và Kasikornthai. (Vientiane Times, 07/10/2022)

Bắt đầu kinh doanh tiền điện tử lần đầu tiên ở Lào

Ngày 10/10/2022, Vientiane Times đưa tin, tuần trước, nhà điều hành sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên ở Lào, Bitqik đã chính thức ra mắt hoạt động kinh doanh, với hơn 20 đồng tiền và mã được thông báo để giao dịch. Buổi ra mắt có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông, GS.TS Boviengkham Vongdara; Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tiến sĩ Phouthanouphet Xaysombath; Thống đốc Ngân hàng Lào, Tiến sĩ Bounleua Sinxayvoravong; Chủ tịch Bitqik, ông Ekaphanh Phapithack; Giám đốc điều hành Bitqik, ông Virasak Viravong; và các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.

Công ty TNHH Sole Bitqik là công ty con của Tập đoàn SMG, được Ngân hàng Lào chính thức cấp phép và quản lý hoạt động kinh doanh như một sàn giao dịch tiền điện tử thông qua trang web và các ứng dụng di động của mình. Nền tảng Bitqik cung cấp đầy đủ các dịch vụ môi giới và giao dịch bằng tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác, cả trong phạm vi nước Lào và khu vực.

Bitqik đã hợp tác với Ngân hàng hợp tác Phát triển (JDB), một ngân hàng thương mại hàng đầu ở Lào để tạo điều kiện cho các giao dịch từ tiền điện tử thành tiền pháp định và ngược lại được thuận lợi. Điều này có nghĩa là người dùng và nhà giao dịch Bitqik có thể đính kèm tài khoản ngân hàng JDB cá nhân của họ vào ví Bitqik một cách thuận tiện và dễ dàng. Ví bitqik là một ví bảo mật, nơi người dùng có thể gửi, nhận và lưu trữ tiền kỹ thuật số hoặc mã thông báo của họ.

Để trở thành người dẫn đầu trong ngành công nghiệp blockchain và web 3.0, sàn giao dịch có kế hoạch mang đến nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn cho thị trường bằng cách cho phép giao dịch giữa tiền điện tử với tiền pháp định. Công ty tự hào là sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên ở Lào, cho phép những người quan tâm tiếp cận với công nghệ có thể mang lại lợi ích cho họ. Bên cạnh việc phục vụ thị trường trong nước, Bitqik hướng đến khách hàng toàn cầu nhằm mang lại cơ hội và đầu tư cho Lào.

Văn phòng Bitqik được đặt tại Viêng Chăn và khách hàng có thể đến tham khảo ý kiến của nhóm hỗ trợ khách hàng hoặc nhận trợ giúp qua các kênh trực tuyến của công ty. Công ty cũng tổ chức các buổi đào tạo miễn phí hàng tuần cho những người dùng quan tâm đến đầu tư, giao dịch và công nghệ blockchain.

Bitqik xây dựng một lớp học điện tử truy cập mở nhằm cung cấp các kiến thức đào tạo về blockchain, về tài sản kỹ thuật số và các nguồn tài liệu liên quan đến tiền điện tử. Ngoài ra Bitqik còn có các buổi đào tạo ngoại tuyến cho những người quan tâm, với thông tin chi tiết được Bitqik cung cấp về phân tích tài chính và thông tin chi tiết về dữ liệu cho các nhà đầu tư. (Vientiane Times, ngày 10/10/2022)

Ngân hàng Trung ương Lào lưu thông đồng tiền mới

Ngày 17/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) đã thông báo sẽ đưa hai mẫu tiền giấy mới trị giá 10.000 Kíp và 20.000 Kíp vào lưu thông trong tháng 10/2022. Hai đồng tiền mệnh giá cũ đã được lưu thông từ năm 2003, là hai mệnh giá cao nhất tại thời điểm đó.

Sau 19 năm lưu thông trên thị trường, 2 đồng tiền này đã không còn đáp ứng được chất lượng lưu thông và không tương thích với các tiêu chuẩn an ninh so với các đồng tiền của các nước khác. Từ năm 2018, BOL đã bắt đầu nghiên cứu việc thay thế 2 đồng tiền này và Chính phủ đã thông qua 2 mẫu thiết kế mới từ năm 2020. Mẫu mới đẹp hơn và dễ dàng phân biệt hơn với các mệnh giá khác của đồng Kíp. Đồng 10.000 Kíp sẽ không có viền và có kích thước 153x72mm trong khi đồng 20.000 Kíp sẽ có kích thước 156x72mm và đều có màu sắc tương tự như 2 đồng tiền năm 2003.

Hai đồng tiền mới được bổ sung nhiều phương pháp chống làm giả. Quốc huy Lào sẽ ngả vàng khi được đặt dưới đèn màu đỏ, khi đưa ra ánh sáng, chân dung Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các số sẽ dễ dàng được thấy cả ở mặt trước và sau. Ngoài ra, hai số 10.000 và 20.000 ở mặt trước sẽ đổi màu khi hai tờ tiền mới này được lật qua lại.

Hai mẫu tiền mới sẽ được sử dụng song song với hai mẫu cũ và lãnh đạo BOL cho biết việc in 2 đồng tiền mới này không gây tác động tiêu cực nào cho nền kinh tế Lào. Ngân hàng cũng đề nghị người dân sử dụng đồng Kíp trong mọi giao dịch để tăng giá trị và duy trì tính ổn định của đồng nội tệ này. Các đồng tiền khác cũng sẽ tiếp tục được thay đổi để có thể lưu thông bền vững hơn và khó làm giả hơn.(Vientiane Time, ngày 17/10/2022)

Cấm các cơ sở đổi tiền bán ngoại tệ

Ngày 20/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) ban hành Quyết định cấm các đơn vị đổi tiền đại diện cho các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ từ ngày 11/10/2022 nhằm hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ, trao vai trò lớn hơn cho các ngân hàng thương mại trong việc mua bán ngoại tệ, đồng thời hạn chế vai trò của các đơn vị đổi tiền trong giao dịch tiền tệ.

Theo chính sách mới, người đổi tiền sẽ được phép mua ngoại tệ của khách hàng nhưng không được bán ngoại tệ khác ngoài đồng Kíp. Đây là bước đi mới nhất của BOL nhằm điều tiết ngoại tệ trong bối cảnh đồng Kíp tiếp tục giảm giá, khiến lạm phát gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Theo Quyết định do BOL ban hành, các đơn vị đổi tiền đại diện cho các ngân hàng có thể mua USD với tỷ giá +/- 3 % so với tỷ giá tham chiếu do Ngân hàng trung ương ban hành. Tỷ giá mua các loại tiền tệ khác không được vượt tỷ giá do các ngân hàng thương mại mà họ liên kết phát hành. Ngoài ra, các ngân hàng được phép áp dụng tỷ giá Kíp/USD trong phạm vi +/- 4,5 % so với tỷ giá tham chiếu do Vụ Chính sách tiền tệ của BOL ban hành hàng ngày. Chênh lệch tỷ giá mua và bán giữa Kíp so với USD, Baht, Nhân dân tệ và đồng Euro không được vượt quá 1%.

Theo BOL, các ngân hàng và công ty đổi tiền phải báo cáo tỷ giá hối đoái của họ trên các phương tiện truyền thông và cho BOL bằng cách sử dụng các nền tảng như trang web của riêng họ. Các ngân hàng thương mại có nghĩa vụ báo cáo tình hình tỷ giá hối đoái của họ và tỷ giá hối đoái của các đơn vị đổi tiền đại diện cho ngân hàng trung ương trước 4 giờ chiều của mỗi ngày làm việc chính thức. Báo cáo phải bao gồm giá trị tổng thể của đơn vị tiền tệ được giao dịch và giá trị của từng loại tiền tệ được giao dịch.

Vụ Chính sách tiền tệ của BOL sẽ phát hành tỷ giá tham chiếu Kíp/USD vào mỗi ngày làm việc chính thức lúc 8:10 sáng trên trang web của BOL; là căn cứ để các ngân hàng thương mại và các đơn vị đại diện của họ sử dụng để thiết lập tỷ giá hối đoái riêng.

Vào tháng 6/2022, BOL đã ban hành các quy định hạn chế đối với các đơn vị thu đổi ngoại tệ, chỉ cho phép họ đổi tiền cho cá nhân và khách du lịch, tối đa là 15 triệu Kíp/người/ngày. Cấm kinh doanh ngoại tệ với các tổ chức và công ty. Hiện nay, chỉ có các ngân hàng thương mại được phép mua, bán ngoại tệ với các nhà xuất nhập khẩu, nhà đầu tư và các pháp nhân khác. (Vientiane Times, ngày 20/10/2022)

HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:

1. Tháng 9/2022 đạt hơn 144,9 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ, trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt hơn 51 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ.

Tiếp theo đà tháng trước, một số mặt hàng tiếp tục tăng mạnh: Rau quả tăng 3.000,6% đạt gần 10,26 triệu USD (tháng trước tăng 2.848,6%); Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 230,3% đạt hơn 5,7 triệu USD (tháng trước tăng 312%); Xăng dầu tăng 177,8% đạt hơn 6,45 triệu USD (tháng trước tăng 231,3%, đây là tháng thứ 18 tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019); Cà phê tăng 114,5 % đạt gần 62,6 nghìn USD (tháng trước tăng 205,6%); Clanke và xi măng tăng 93,8% đạt hơn 229 nghìn USD (tháng trước tăng 6,3%); Sản phẩm từ chất dẻo tăng 45,7% đạt hơn 1,27 triệu USD (tháng trước tăng 36,9%); Hàng dệt may tăng 5,1% đạt hơn 890 nghìn USD (tháng trước tăng 62,4%); Giấy và sản phẩm giấy tăng 4,9% đạt hơn 1,85 triệu USD (tháng trước tăng 27,7%); Hàng hóa khác tăng 22,1% đạt hơn 13,2 triệu USD (tháng trước tăng 8,7% sau khi giảm suốt 5 tháng đầu năm).

Mặt hàng tăng trở lại: Phân bón tăng 26,4% đạt gần 2 triệu USD (tháng trước giảm -41,1%); Kim loại thường và sản phẩm tăng 57,1%  đạt hơn 442,4 nghìn USD (tháng trước giảm -81,2%); Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 13,1% đạt gần 645 nghìn USD đạt gần 660 nghìn USD (sau khi giảm suốt từ đầu năm); Sản phẩm từ hóa chất tăng 10,5% đạt hơn 283,3 nghìn USD (tháng trước giảm -18,4%).

Mặt hàng quay đầu giảm và tiếp tục giảm: Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -84,5% đạt hơn 78,3 nghìn USD (tháng trước giảm -86,7%); Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm -81% đạt hơn 744,2 nghìn USD (tháng trước giảm -68,8%); Sản phẩm từ sắt thép giảm -57,9% đạt hơn 2,69 triệu USD (tháng trước tăng 3,7%); Sắt thép các loại giảm -40,6% đạt gần 2,9 triệu USD (tháng trước giảm -28,3%); Dây điện và cáp điện giảm -25,7% đạt hơn 437,4 nghìn USD (tháng trước giảm -28,5% %); Sản phẩm gốm sứ giảm -10,2% đạt hơn 905 nghìn USD (tháng trước giảm -26,8%).

- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt hơn 93,94 triệu USD, tăng 55,7% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng tiếp tục tăng: Phân bón các loại tăng 190,9% đạt hơn 15,8 triệu USD (tháng trước tăng mạnh 968,1%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,6% đạt gần 9,3 triệu (tháng trước tăng 10%); Hàng hóa khác tăng 94,6% đạt hơn 37,7 triệu USD  (tháng trước tăng 118,2%).

Mặt hàng ngô tiếp tục ghi nhận số lượng nhập khẩu lớn 13.600 tấn đạt kim ngạch nhập khẩu gần 8,3 triệu USD.

Cao su quay đầu giảm nhẹ -2,1% đạt hơn 17,82 triệu USD sau khi tăng liên tục từ tháng 2 đến nay.

Mặt hàng tiếp tục giảm: Quặng và khoáng sản giảm -42,8% đạt gần 4,9 triệu USD   (tháng trước giảm -32,6%%). Hàng rau quả giảm -85,5% đạt hơn 115,6 nghìn USD (tháng trước giảm -89,9%).  

2. Tổng kết 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt hơn 1.221,47 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt hơn 465,71 triệu USD tăng nhẹ 4,1%; nhập khẩu đạt hơn 755,75 triệu USD tăng 51,2%.

- Về xuất khẩu:

+ Các mặt hàng tăng: Xăng dầu tăng 267,6% đạt hơn 52,35 triệu USD; Hàng rau quả tăng 230% đạt hơn 44,76 triệu USD; Phân bón các loại tăng 53,4% đạt hơn 26,46 triệu USD; Clanke và xi măng tăng 32,6% đạt hơn 2,66 triệu USD; Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 14,9% đạt hơn 45,53 triệu USD; Dây điện và cáp điện tăng 11,2% đạt gần 6,67 triệu USD; Hàng dệt may tăng 7,2% đạt hơn 8,77 triệu USD; Sản phẩm từ gốm sứ tăng 3,3% đạt hơn 8,41 triệu USD; Giấy và sản phẩm giấy tăng 3,5% đạt hơn 12,79 triệu USD.

+ Các mặt hàng giảm: Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm -43,4% đạt gần 5,7 triệu USD; Kim loại thường và sản phẩm giảm -42,1% đạt hơn 4 triệu USD; Cà phê giảm -37,9% đạt hơn 690 nghìn USD; Sản phẩm từ sắt thép giảm -42,9% đạt hơn 32,89 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -30,6% đạt gần 5,1 triệu USD; Sản phẩm từ hóa chất giảm -23,5% đạt hơn 3 triệu USD; Sản phẩm từ chất dẻo giảm -7,6% đạt gần 12,88 triệu USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm -16,6% đạt hơn 31,16 triệu USD; Sắt thép các loại giảm -7,4% đạt hơn 50,3 triệu USD.

Hàng hóa khác giảm -16,5% đạt hơn 111,4 triệu USD.

- Về nhập khẩu:

+ Mặt hàng tăng: Phân bón tăng 123,3% đạt hơn 67,4 triệu USD; Cao su tăng 58,7% đạt hơn 169,3 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 49,6% đạt hơn 106,2 triệu USD; Quặng và khoáng sản khác tăng 15,4% đạt hơn 66,93 triệu USD; Hàng hóa khác tăng 45,7% đạt gần 327,47 triệu USD.  

+ Mặt hàng giảm: Hàng rau quả giảm -41,1% đạt hơn 5,15 triệu USD; Kim loại thường khác giảm -55,7% đạt hơn 126 nghìn USD.

Như vậy, tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào tiếp tục tăng khá mạnh 31,6%, do xuất khẩu rau quả, xăng dầu tăng mạnh, đặc biệt xuất khẩu rau quả tăng mạnh hơn 3.000%, đạt hơn 10 triệu USD cao hơn nhiều so với kim ngạch xăng dầu, được coi là mặt hàng có nhu cầu lớn. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng (5, 6, 7, 8, 9) tăng liên tiếp, khiến cho kim ngạch xuất khẩu từ giảm -6% trong 6 tháng đã tăng 4,1% trong 9 tháng đầu năm. Kim ngạch nhập khẩu từ Lào vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu các mặt hàng này vẫn tăng trên thị trường thế giới.

Dự kiến tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp nối được đà tăng. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch vẫn tăng do nhu cầu các mặt hàng từ Lào vẫn tiếp tục tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)

Việt Nam - Lào hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, phát triển năng lượng

Ngày 03/10/2022, Vientiane Times đưa tin, hai công ty Lào và Việt Nam đã cùng hợp tác để phát triển nông nghiệp sạch, năng lượng xanh và triển khai một khu công nghiệp tại 5 huyện thuộc tỉnh Attapeu, Nam Lào. Hợp đồng đã được ký giữa công ty Dokchampakham, Lào và công ty WEALTH Power Group, Việt Nam với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Sthabandith Insysiengmai.

Dự án đầu tiên sẽ được triển khai về nông nghiệp sạch trên khu vực 68.000 ha đất. Dự án năng lượng xanh có tổng công suất thiết kế đạt 6.045 Megawatt, trong đó có 5.843 Mw từ năng lượng mặt trời, và trang trại điện gió, địa nhiệt được xây dựng trên diện tích 7.651 ha. Ngoài ra, một khu  công nghiệp cũng được xây dựng trên khu vực 1.100 ha. Ba dự án này được triển khai tại năm huyện của tỉnh Attapeu, bao gồm Xaysettha, Samakhixay, Sanxay, Phouvong và Sanamxay.

Ông Vathsady Khoumphetsavong, Chủ tịch công ty Dokchampakham cho biết, công ty là chủ dự án, tuy nhiên, cả hai bên sẽ cùng tiến hành triển khai đồng thời các bước, đưa lao động, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các công nghệ cần thiết cho từng giai đoạn của dự án. Dự án dự kiến sẽ thu hút 70% lao động địa phương, 30% lao động nước ngoài theo quy định của Luật Lao động Lào. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho Chính phủ, chính quyền và người dân địa phương nơi dự án được triển khai.

Việt Nam - Lào thúc đẩy hợp tác du lịch khu vực biên giới hai nước

Ngày 7/10/2022, Vientiane Times đưa tin, đại diện của 20 tỉnh dọc biên giới Lào - Việt Nam vừa tham dự cuộc hội thảo tại thành phố Điện Biên Phủ, Việt Nam, để thảo luận về cách thức thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch ở khu vực biên giới hai nước. Các chuyên gia du lịch nhận định, ngành du lịch tại khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng thực sự mà hai nước hiện có.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, VN-Lào có đường biên giới chung dài hơn 2.300km với 8 cửa khẩu quốc tế và 9 khu kinh tế cửa khẩu giữa hai nước có tiềm năng phát triển lớn, có vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Trên tuyến biên giới hai nước còn có một loạt các khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống thác nước và hang động với cảnh quan nguyên sơ, lý tưởng cho các chuyến du lịch bằng xe dã ngoại và đường bộ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty Ant Travel tại tỉnh Điện Biên, Việt Nam, cho rằng nhiều công ty du lịch ở các tỉnh biên giới và cả ở các thành phố lớn tỏ ra không mấy quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng ở khu vực biên giới hai nước. Chỉ vài hãng lữ hành đã và đang tổ chức các tour du lịch giá rẻ từ Hà Nội và Đà Nẵng đến Pakse, Vientiane và Luang Prabang của Lào. Thủ tục hành chính phức tạp và thiếu đồng bộ để đến khu vực biên giới, cơ sở hạ tầng giao thông kém và cơ sở lưu trú hạn chế là những yếu tố khiến các hãng lữ hành khó tung ra sản phẩm du lịch cho các khu vực này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Hà Văn Siêu cho biết hợp tác du lịch song phương đã có nhiều tiến triển trong thời gian qua nhờ mối quan hệ hữu nghị vĩ đại lâu đời, đoàn kết đặc biệt và đối tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam. Do đó, một số hoạt động hợp tác và xúc tiến du lịch đã được phối hợp tổ chức, thu hút các quan chức chính phủ, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp du lịch của cả hai bên.

Năm 2019, Việt Nam đón hơn 98.000 lượt khách từ Lào trong khi số lượng người Việt Nam đi du lịch Lào đạt hơn 920.000 lượt người. Khi hai nước mở lại biên giới cho du khách quốc tế, Việt Nam đã đón 47.000 lượt khách từ Lào. Trong khi đó, hơn 63.000 người Việt Nam đã đến thăm Lào trong sáu tháng đầu năm nay, chiếm 30% trong tổng số 211.898 lượt khách du lịch nước ngoài của cả nước, theo Cục Phát triển Du lịch của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch.

HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC

Lào - Trung Quốc

Lào, Trung Quốc hợp tác đảm bảo an toàn đập thủy điện

Ngày 10/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Năng lượng và Mỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Viện điều tra, nghiên cứu và thiết kế Thủy điện Côn Minh (KHIDI), Trung Quốc tổ chức cuộc họp để trao đổi biện pháp cải thiện sự an toàn cho các đập thủy điện ở Lào.

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Cục Quản lý An toàn Công nghiệp Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ Bouathep Malaykham cho biết, kể từ khi xảy ra thảm họa sập một đập ở tỉnh Attapeu vào năm 2018, Chính phủ Lào đã yêu cầu nâng cao hơn về tầm quan trọng của an toàn đập. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra (hoàn thành vào năm 2020) để giám sát mức độ an toàn của các đập ở Lào.

Gần đây Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp Dự án hỗ trợ kỹ thuật thông qua Hợp tác Mekong - Lan Thương, giao Trung tâm quản lý an toàn đập Lào hợp tác với Viện điều tra, nghiên cứu và thiết kế Thủy điện Côn Minh (KHIDI) thực hiện nghiên cứu và thu thập dữ liệu thiết yếu và xây dựng 10 hệ thống thông tin quản lý an toàn đập. Chính phủ Lào và Trung Quốc hy vọng sẽ đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và đập thủy điện ở hai nước sau thành công của 10 hệ thống thông tin quản lý an toàn đập này.

Kể từ khi dự án Hợp tác Mekong - Lan thương được thành lập vào năm 2016, 500 dự án hỗ trợ đã được cung cấp cho sáu quốc gia dọc theo sông Mekong. Lào là nước thụ hưởng 68 dự án trong số các dự án này, bao gồm cả hệ thống thông tin quản lý an toàn đập. (Vientiane Times, ngày 10/10/2022)

Vận tải hàng hóa qua tuyến đường sắt Lào - Trung đã vượt 1,4 triệu tấn

Ngày 03/10/2022, Vientiane Times đưa tin, 73% lượng hàng được chở từ Lào đến Trung Quốc qua tuyến đường sắt Lào - Trung là các sản phẩm khai mỏ, bao gồm 5 loại quặng và khoáng chất chính như quặng sắt, đồng, chì, kẽm và antimoan; 25% là các loại nông sản, và 2% còn lại là các loại hàng hóa khác. Đa số các loại nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc là cao su, sắn, khoai lang, gạo và các loại đậu.

Thời gian gần đây, vận tải hàng hóa qua tuyến đường sắt Lào-Trung tăng 23% hàng tháng khi ngày càng có nhiều công ty tận dụng hình thức vận tải nhanh chóng này. Các doanh nghiệp tại Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar đều sử dụng đường sắt để vận tải hàng đi Trung Quốc và ngược lại. Lượng hàng hóa xuyên biên giới qua tuyến đường sắt Lào-Trung đã lên tới hơn 1,4 triệu tấn kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 03/12/2021, với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 11,11 tỷ nhân dân tệ (hơn 1,54 tỷ USD).

Chủ tịch Công ty TNHH Công viên Logistics Viêng Chăn Chanthone Sitthixay, đơn vị phát triển Công viên Logistics Viêng Chăn và Cảng cạn Thanaleng ở thủ đô Vientiane cho biết tuyến đường sắt này là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Gần đây, lô hàng lớn nhất được vận chuyển bằng đường sắt từ Map Ta Phut của Thái Lan đã đến ga đường sắt Trùng Khánh của Trung Quốc. Chuyến tàu chở 25 container 40 feet chứa hạt nhựa nhiệt dẻo, được vận chuyển qua các tuyến đường sắt Lào-Thái Lan và Lào-Trung Quốc qua Cảng cạn Thanaleng.

Lào được kỳ vọng sẽ trở thành cánh cổng kết nối giữa ASEAN (thị trường có hơn 600 triệu dân) với Trung Quốc (hơn 1,4 tỷ dân) và châu Âu (500 triệu dân), cho phép Chính phủ thu hút thêm thương mại và đầu tư. Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã phát biểu rằng tuyến đường sắt nhằm phục vụ nhu cầu của các dân tộc Lào, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuyến đường sắt, vốn là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, sẽ đóng góp một phần quan trọng trong mạng lưới hạ tầng toàn cầu, giúp đưa Lào từ một nước không giáp biển thành một trung tâm kết nối giao thông trên bộ. Các doanh nghiệp cũng hi vọng tuyến đường sắt sẽ góp phần giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh khi so với vận tải bằng đường bộ như trước kia. Thông qua tuyến đường này và mạng lưới đường sắt Trung Quốc - châu Âu, hàng hóa từ Đông Nam Á có thể đến thị trường châu Âu trong vòng hai tuần, ngắn hơn nhiều so với thời gian di chuyển bằng đường biển, vốn mất khoảng 45 ngày.(Vientiane Times, ngày 03,19/10/2022)

Bộ Lao động Lào ký thỏa thuận hợp tác cung cấp nhân lực với công ty Sino-Agri Potash

Ngày 19/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Lao động - Phúc lợi xã hội Lào đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Sino-Agri Potash về việc cung cấp lao động cho các hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh của công ty thời gian tới. Công ty dự kiến việc xây dựng Khu công nghiệp muối mỏ kali và Khu công nghiệp Apotash sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026, cần một lượng lớn công nhân địa phương.

Công ty đang đẩy nhanh việc xây dựng mở rộng nhà máy muối mỏ kali từ 3 triệu đến 5 triệu tấn và đã hợp tác với chuỗi công nghiệp không chứa kali Apotash, sẽ dẫn đến nhu cầu lao động lớn hơn.

Bộ Lao động sẽ tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho người lao động và trang bị cho người lao động các kỹ năng chuyên môn cần thiết để đáp ứng nhu cầu của công ty, cũng như tạo điều kiện chuẩn bị các tài liệu để công ty có thể sử dụng công dân Lào và người nước ngoài.

Công ty TNHH Sino-Agri Potash sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động để đảm bảo tạo việc làm cho người lao động Lào. Hiện tại, 70% nhân viên của công ty là công dân Lào. Lãnh đạo công ty cam kết sẽ thuê thêm lao động Lào, đóng bảo hiểm an sinh xã hội, cung cấp chỗ ở miễn phí, trả lương xứng đáng với chi phí sinh hoạt tăng và các khoản phúc lợi.

Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội sẽ làm việc với công ty và các đơn vị giáo dục - dạy nghề để cung cấp đủ số lượng công nhân lành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty.

Lào - Thái Lan

Công viên Logistics Vientiane - cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan

Ngày 6/10/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Thái Lan, ông Anutin Charnvirakul, và đoàn tùy tùng đã đến thăm công viên logistics tích hợp đầu tiên của Lào, đang được phát triển tại Vientiane, gần cầu Hữu nghị Mê-kông Lào-Thái Lan. Công viên Logistics Vientiane và cảng cạn Thanaleng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Thái Lan. Khu logistic và cảng cạn Kết nối đường sắt Lào - Thái Lan và đường sắt Lào - Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ các nước trong khu vực đến Châu Âu bằng đường sắt thông qua mạng lưới đường sắt Trung Quốc - Châu Âu.

Tiếp đón đoàn, Chủ tịch Công ty TNHH công viên Logistics Vientiane, ông Chanthone Sitthixay cho biết khu Logistics này là một phần của dự án Liên kết Logistics Lào (LLL) tổng hợp, mà doanh nghiệp Lào đang hợp tác với Chính phủ Lào và Việt Nam để phát triển và vận hành. Dự án LLL bao gồm cảng biển Vũng Áng ở tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam và theo kế hoạch sẽ có một tuyến đường sắt nối Vientiane với cảng biển. Tuyến đường này dẫn đến các thị trường miền nam Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Indonesia.

Ông Chanthone nói với Phó Thủ tướng Thái Lan rằng việc vận chuyển hàng hóa từ vùng Isan của Thái Lan đến khu vực Thái Bình Dương thông qua tuyến đường này tiết kiệm chi phí hơn nhiều. “Hệ thống hậu cần mà tôi mô tả sẽ cắt giảm chi phí (đối với hậu cần của Thái Lan) không dưới 35%,” Chủ tịch Chanthone nói.

Giám đốc điều hành Cảng cạn Thanaleng, Sakhone Philangam cho biết cảng cạn là cửa ngõ quan trọng giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Thái Lan đã vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc qua tuyến đường này từ khi cảng cạn đi vào hoạt động vào ngày 4/12/2021.

Với các phương tiện vận tải đa phương thức, cùng sự liên kết với nhiều trung tâm Logistics khác nhau trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ trung chuyển giữa các nước như Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc.

Trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 13.000 containers đi qua Cảng cạn Thanaleng.

Một dự án trị giá 727 triệu USD do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản nghiên cứu cũng đang phát triển nhiều khu vực đầu tư khác nhau để khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh tại đây. Dự án gồm một khu chế xuất, được kỳ vọng sẽ trở thành một cơ sở sản xuất xuất khẩu cho các nước Đông Nam Á và thị trường tiêu dùng toàn cầu. Ngoài ra, sẽ có một khu thương mại tự do, là nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh chủ yếu (bao gồm trung tâm Halal và khu sản xuất nông nghiệp, khu công nghệ, khu văn phòng, khu SME và khu thương mại).

Phó chủ tịch công ty công viên Logistics Vientiane, ông Tee Chee Seng, một doanh nhân Malaysia cho biết dự án sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt: các nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh tại đây có thể hưởng lợi từ nhiều ưu đãi khác nhau, bao gồm giảm thuế tới 16 năm. Các nhà sản xuất cũng sẽ được hưởng các đặc quyền thương mại mà các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu đã mở rộng cho Lào.

Ông cho biết: “Các sản phẩm sản xuất tại Lào xuất khẩu sang thị trường châu Âu được hưởng quy chế miễn thuế với hạn ngạch không giới hạn”. Chi phí điện rẻ là một động lực khác giúp tăng khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, các nhà sản xuất có thể nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và chế biến, đổi thương hiệu hoặc đóng gói lại sản phẩm của họ để phân phối và có thể hình dung việc xây dựng các trung tâm mua sắm kiểu Thâm Quyến và Hong Kong trong các khu vực đầu tư.

Ông Tee Chee Seng cũng dự đoán lượng khách du lịch nước ngoài đến Lào sẽ tăng lên dưới tác động của tuyến đường sắt Lào-Trung và khi các nước trong khu vực nới lỏng các hạn chế của Covid-19. Điều này sẽ thúc đẩy việc kinh doanh mua sắm. “Đây là cơ hội cho các doanh nhân Lào và Thái Lan trong lĩnh vực kinh doanh đa quốc gia”.

Phó Thủ tướng Thái Lan đề nghị Lào và Thái Lan hợp tác để cùng phát triển và liên kết các hệ thống Logistics với nhau vì lợi ích chung. Trong chuyến thăm của mình, ông Anutin và phái đoàn cũng đã đến thăm cảng cạn và các điểm Logistics khác. (Vientiane Times, ngày 10/10/2022)

Dự án đường sắt Thái Lan-Lào dự kiến hoạt động vào giữa năm 2023

Theo báo The Nation Bangkok, Công ty Đường sắt quốc gia Thái Lan (SRT) cho biết dự án đường sắt Thái Lan-Lào nối đường sắt Lào-Trung đang được triển khai, với các dịch vụ dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa năm 2023 và cả hai quốc gia đồng ý ga Thanaleng ở quận Hadxaifong, Viêng Chăn sẽ là ga quốc tế.

SRT cho biết, trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng trước với đại diện của Cơ quan Đường sắt Quốc gia Lào đã đồng ý cử người điều hành tàu, nhân viên bảo trì và các cán bộ liên quan sang Thái Lan đào tạo. Khóa đào tạo dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022, sau đó hai nước Lào-Thái Lan sẽ thảo luận về các hoạt động và phí của đoàn tàu, cũng như các vấn đề liên quan khác. Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ kết thúc trước ngày khai trương dự kiến vào giữa năm 2023.

Dự án đường sắt sẽ nối tỉnh Nọng Khai với thủ đô Viêng Chăn, là nơi kết nối với tuyến đường sắt Lào-Trung chạy đến Côn Minh, Trung Quốc. Đoạn đường này đã đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái.

Tuyến đường sắt Thái Lan-Lào-Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và thương mại xuyên quốc gia giữa ba nước.

Giai đoạn đầu, tuyến đường sắt Thái Lan-Lào sẽ có 4 ga - Na Tha và Nong Khai ở Thái Lan cùng với Thanaleng và Vientiane Khamsavath ở Lào. Hoạt động của tàu bắt đầu vào giữa năm 2023 với bốn chuyến khứ hồi mỗi ngày. Tuyến đường cũng sẽ chạy qua Cảng cạn Thanaleng.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ năm 2024, SRT sẽ mở rộng tuyến đường đến các ga Udon Thani và Nakhon Ratchasima, với hai chuyến tàu chạy hàng ngày từ Nakhon Ratchasima đến Vientiane Khamsavath và ngược lại.

Giai đoạn cuối, từ năm 2025 tuyến đường sẽ được mở rộng hơn nữa đến Ga Bang Sue Grand, với hai chuyến khứ hồi mỗi ngày giữa Bangkok và Vientiane Khamsavath. (Vientiane Times, ngày 10/10/2022)

Ngày 11/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ trưởng Bộ Công chính Vận tải Lào Viengsavath Siphandone đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan Saksayam Chidchob trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Chidchob đến Lào để thảo luận về việc xây dựng một tuyến đường sắt nối Vientiane và tỉnh Nong Khai, đồng thời cũng kết nối với Đường sắt Lào-Trung.

Hai bên đã thảo luận về việc kết nối vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường sắt, khả năng sử dụng cầu đường sắt cũ và việc xây dựng khu vực kiểm soát chung tại Thanaleng ở Vientiane và tại các ga Nong Khai và Na Tha ở miền Bắc Thái Lan.

Hai bên cũng xem xét việc xây dựng một cây cầu đường sắt mới bắc qua sông Mekong, thảo luận về thiết kế của cây cầu đường sắt mới cũng như vị trí của dự án. Dự án này thuộc phạm vi tuyến đường sắt nối Nong Khai với Vientiane, qua đó sẽ kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung chạy đến Côn Minh của Trung Quốc, góp phần thuận lợi cho ngành du lịch và thương mại của cả ba nước.

Cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5 hoàn thành hơn 50%

Ngày 28/10/2022, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chủ trì lễ khởi công chính thức xây dựng cây cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5 được tổ chức ở cả hai bên biên giới tại tỉnh Borikhamxay của Lào và tỉnh Bueng Kan của Thái Lan. Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào, Tiến sĩ Viengsavath Siphandone cho biết hai nước đã thống nhất cùng thực hiện dự án này; và tháng 8 năm 2019, cơ quan Hợp tác phát triển kinh tế các nước láng giềng của Thái Lan (NEDA) đã cho Chính phủ Lào vay 1,380 triệu Baht để triển khai dự án.

Dự án gồm hai hợp phần - xây dựng cầu bắc qua sông Mekong và xây dựng đường dẫn vào cầu cùng với các công trình phụ trợ khác. Việc xây dựng được tiến hành đồng thời ở hai bên, bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 1 năm 2021, đến nay đã hoàn thành hơn 56% và dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023, khai trương vào đầu năm 2024.

Cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5 kết nối giữa Borikhamxay và Bueng Kan là một cây cầu bê tông chịu lực với thiết kế cột tháp lấy cảm hứng từ đặc điểm của “Khèn”, nhạc cụ truyền thống bằng tre thường thấy ở khu lưu vực sông Mekong. Cầu gồm hai làn đường, mỗi làn một chiều với vỉa hè và thành cầu, tổng chiều dài 1.350m, gồm một nhịp cầu dài 810m, các đoạn đường dẫn vào cầu dài 130m ở phía Lào và 410m ở phía Thái Lan. Cầu sẽ nối với các đoạn đường bốn làn xe để kết nối với mạng lưới đường cao tốc ở cả hai quốc gia. Các tuyến đường phía Lào sẽ tiếp tục kết nối đến Việt Nam và miền nam Trung Quốc.

Cây cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5 là kết quả hợp tác giữa Chính phủ Lào và Thái Lan, là một phần của hệ thống cơ sở hạ tầng mới kết nối vùng và người dân hai bờ sông Mekong nhằm tăng cường mạng lưới giao thông trong khu vực, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch xuyên quốc gia, tăng trưởng kinh tế bền vững ở hai nước và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước láng giềng.

Cây cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5 cũng sẽ biến vùng biên giới tỉnh Borikhamxay Lào và tỉnh Bueng Kan Thái Lan thành cửa ngõ kinh tế quan trọng của khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan đến miền Nam Trung Quốc và từ khu vực miền Trung Lào đến cảng Laem Chabang Thái Lan và trung chuyển đến các khu vực khác. (Vientiane Times, ngày 31/10/2022)

Thái Lan sẽ cấp giấy phép lao động và thị thực cho lao động bất hợp pháp của Lào

Ngày 13/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Thái sẽ cấp giấy phép lao động và thị thực cho các lao động Lào hiện đang làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan để họ có thể tiếp tục làm việc trong hai năm tới. Các trung tâm hỗ trợ sẽ được mở để giúp những lao động Lào đã có thẻ tím (giấy phép lao động) nhằm đảm bảo họ hoàn toàn hợp pháp và được đăng ký đầy đủ với các cơ quan liên quan.

Thẻ tím được cấp cho những công nhân nước ngoài chưa có đủ giấy tờ hợp lệ, được coi như một biện pháp tạm thời nhằm giúp công nhân có thêm thời gian để xin các giấy tờ cần thiết bao gồm giấy phép lao động, thị thực và cả hộ chiếu sau khi xác nhận quốc tịch với nước nơi họ là công dân. Tất cả lao động Lào có thẻ tím đều được làm việc hợp pháp tại Thái Lan trong thời gian hai năm, với đa số là trong ngành đánh bắt hải sản và các công việc chân tay khác.

Theo Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, lao động từ Lào hiện chiếm khoảng 10% trong tổng số 1,5 triệu lao động chân tay đang làm việc tại Thái Lan (số còn lại từ hai nước Myanmar và Campuchia).

Hãng hàng không Thai Smile mở đường bay thẳng từ Bankok đến Luang Prabang

Ngày 21/10/2022, Vientiane Times đưa tin, hãng hàng không Thai Smile Airways sẽ khai trương các chuyến bay thẳng hàng ngày từ Bangkok đến Luang Prabang (Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên ở Lào), dự kiến bắt đầu vào ngày 30/10 sau khi chuyến bay thứ hai hàng ngày từ Bangkok đến Vientiane được công bố vừa. Hiện hãng phục vụ đường bay đến Vientiane với hai chuyến sáng và chiều.

Sử dụng đội bay A320, Thai Smile sẽ bay hàng ngày đến Luang Prabang, khởi hành từ sân bay Bangkok Suvarnabhumi lúc 08h45 (WE576) và đến Luang Prabang lúc 10h20. Chuyến bay khứ hồi (WE577) sẽ khởi hành từ Luang Prabang lúc 11h20 và đến Bangkok lúc 1255. Giá vé khứ hồi rẻ nhất trên Thai Smile là 197 USD với thời gian bay là 1 giờ 25 phút.

Ngay sau đó, hãng Bangkok Airways cũng sẽ nối lại các chuyến bay hàng ngày đến Luang Prabang vào ngày 1/11 từ sân bay Bangkok Suvarnabhumi của hãng với giá vé khứ hồi bắt đầu từ 473 USD.

Giám đốc Bộ phận Thương mại của Lao Airlines Noudeng Chanthaphasouk cho biết nhiều hãng hàng không thường khai thác các chuyến bay đến Luang Prabang trong những tháng mùa đông để đáp ứng lượng du khách ngày càng tăng đến thành phố Di sản Thế giới. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch covid-19, sự suy thoái kinh tế toàn cầu, các chuyến bay kết nối đến đây bị hạn chế dẫn đến sự sụt giảm mạnh về lượng khách từ châu Âu và các vùng xa xôi khác.

Lào - Hàn Quốc

Lào xúc tiến đầu tư từ Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng

Ngày 07/10/2022, Vientiane Times đưa tin, tuần lễ Năng lượng Lào – Hàn quốc đã được tổ chức từ ngày 4-5/10/2022 tại khách sạn Mường Thanh với sự tham dự của các doanh nghiệp năng lượng và nhà đầu tư từ Hàn quốc, lãnh đạo các công ty năng lượng Lào và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.

Mục đích của sự kiện này nhằm xúc tiến quan hệ đối tác công - tư (PPP), thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Sinava Souphanouvong cho biết, Chính phủ Lào sẽ tạo cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn quốc với các công ty điện lực trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu cho các nước láng giềng.

Những năm qua, Chính phủ Lào đã xem năng lượng như một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và là một trụ cột nền tảng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Lào hiện có 91 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế đạt 10.971 megawatts và tạo ra lượng điện tương đương 56.096 gigawatt/giờ một năm. Trong số này, 81,35% là từ thủy điện, 17,11% là từ nhiệt điện và số còn lại là từ quang điện và điện sinh khối.

Kế hoạch phát triển năng lượng và mỏ 5 năm lần thứ 9 của Chính phủ Lào đề ra 12 mục tiêu, trong đó có việc xây dựng 45 nhà máy điện với tổng công suất 7.000 megawatts, phần lớn từ thủy điện. Điều này sẽ giúp đảm bảo lượng điện tiêu dùng trong nước với lượng điện dư cho xuất khẩu.

Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Malaythong Kommasith; Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Sinava Souphanouvong; Đại sứ Lào tại Hàn Quốc Songkane Luangmunithone; cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Shin Sung-Soon và đại diện lãnh đạo các cơ quan khác của hai nước.

Cũng trong hợp tác năng lượng giữa Lào và Hàn Quốc, ngày 13/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Viện Phát triển Doanh nghiệp Energy Valley (EVEDI), Công viên Công nghệ Gwangju (GJTP), Công viên Công nghệ Jeonnam (JNTP) và Hiệp hội Công nghiệp Văn hóa Quốc tế (ICIA) / Hiệp hội Giao lưu Văn hóa và Công nghiệp Hàn Quốc-Lào (KLICEA) của Hàn Quốc sẽ hợp tác với Chính phủ Lào để phát triển ngành năng lượng tại đây.

Bốn đơn vị này sẽ tìm hiểu các lĩnh vực cùng quan tâm và đầu tư vào các dự án liên quan đến năng lượng tại Lào đồng thời chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và tiếp thị thông qua đầu tư vào Lào của các doanh nghiệp tại thành phố Gwangju và tỉnh Jeollanam-do của Hàn Quốc.

Thỏa thuận về quan hệ đối tác giữa bốn đơn vị này đã được ký với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Năng lượng và Mỏ của Hàn Quốc và Lào. Theo thỏa thuận, các bên sẽ thực hiện các lĩnh vực hợp tác thông qua việc cùng tham gia vào các dự án nghiên cứu và nội dung của chương trình hợp tác, đồng thời thúc đẩy chia sẻ thông tin liên quan đến công nghệ mới và chuyển giao công nghệ. Các công ty năng lượng của Lào và Hàn Quốc đang tiến hành một nghiên cứu khả thi về việc xây dựng và nâng cấp các trạm biến áp thông thường thành các trạm biến áp cách nhiệt bằng khí.

Lào - Australia

Các doanh nghiệp chăn nuôi Úc thăm và tìm cơ hội hợp tác tại Lào

Từ ngày 20-21/10/2022, đoàn các doanh nghiệp chăn nuôi của Australia đến thăm Lào để tìm hiểu các cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp Australia trong việc mở rộng chăn nuôi bò thịt và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Lào. Đoàn bao gồm đại diện cấp cao của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia; Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade); Hội đồng chăn nuôi Gia súc Australia; Công ty Meat and Livestock Australia và Ngân hàng ANZ.

Cơ hội phát sinh từ tiềm năng kinh tế, vị trí chiến lược của Lào và chiến lược trở thành “trung tâm kết nối đất liền” của Lào với hệ thống cơ sở hạ tầng mới và kết nối tốt hơn.

Ông Michael Whitehead, đại diện ngân hàng ANZ cho biết: “Lào cho thấy một sự kết hợp tuyệt vời giữa chính phủ và khu vực tư nhân muốn xây dựng dựa trên lợi thế nông nghiệp tự nhiên của mình; vị trí địa lý lý tưởng cho giao thương với các nước trong khu vực; và một dân số ngày càng tăng mà nhu cầu về thịt bò sẽ tiếp tục tăng”.

Đại biện Đại sứ quán Australia tại Lào Dan Heldon cho biết “Australia hoan nghênh cơ hội hỗ trợ ngành nông nghiệp của Lào và các ưu tiên phát triển rộng lớn hơn của Lào. Australia là quốc gia được công nhận hàng đầu thế giới về sản xuất thịt bò, tính bền vững và đổi mới nông nghiệp. Việc tăng cường hợp tác của chúng tôi trong các lĩnh vực này sẽ cho phép Lào hưởng lợi từ chuyên môn của Australia”.

Lào và Australia kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay. Chuyến thăm này được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ mạnh mẽ và mở rộng cho giáo dục cơ bản và phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chất lượng và khả năng chống chịu với môi trường - và sự hỗ trợ của Australia đối với ngành y tế và phục hồi kinh tế của Lào sau đại dịch COVID-19. Chính phủ Australia coi đầu tư vào Lào và các nước Đông Nam Á khác là một con đường để tăng cường sự thịnh vượng, an ninh và khả năng phục hồi của khu vực này.

Lào - Đức

Đức cung cấp thêm nhiều gói hỗ trợ mới cho Lào

Ngày 03/10/2022, Vientiane Times đưa tin, Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Jochen Flasbarth cam kết trong chuyến thăm Lào cuối tháng 9/2022 Đức sẽ hỗ trợ cho Lào thêm 38 triệu Euro trong các năm sắp tới, theo sau việc phục hồi hợp tác song phương giữa hai nước.

Tại Vientiane, ông Flasbarth đã có các buổi làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cùng lãnh đạo các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công chính và Vận tải, Giáo dục và Thể thao và Bộ Nông Lâm nghiệp để thảo luận về các hoạt động hợp tác giữa hai nước sau khi Đức mở lại quan hệ hợp tác song phương với Lào từ tháng Sáu năm nay. Ông cho biết, đối với Lào, gói hỗ trợ mới này nhằm tăng cường các dự án hợp tác song phương như quản lý rừng và phát triển cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, giúp các khu vực này kết nối tốt hơn với thị trường, giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, hai nước cũng có thể cùng làm việc để tìm ra các lĩnh vực hợp tác mới có lợi cho cả đôi bên.

Đức cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào trong các khung hợp tác đa phương tiêu biểu như Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế khác. Chính phủ Đức không thể yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào một đất nước, một lĩnh vực cụ thể, họ chỉ đầu tư khi có thể thu được lợi nhuận. Do đó, với vị trí là trung tâm kết nối đường bộ, Lào có thể nâng cao tính cạnh tranh của mình đối với các doanh nghiệp Đức. Tuy nhiên, không chỉ là cơ sở hạ tầng giao thông, Lào cũng cần có chế độ quản lý nhà nước hiệu quả hơn và các chính sách ưu đãi đầu tư.

Lào và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1958, sau đó có những hợp tác song phương từ năm 1963. Cho đến nay, Đức đã hỗ trợ phát triển hơn 560 triệu Euro cho Lào. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt mức 159 triệu euro. Lào hiện có khoảng 3.000 người được học tập và đào tạo tại Đức.

HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC

Lào - UNDP

Cán bộ Nhà nước Lào dự khóa bồi dưỡng về Đối tác Công - Tư (PPP)

Ngày 04/10/2022, KPL đưa tin, Cục Xúc tiến Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức khóa đào tạo về Hợp đồng Mẫu quan hệ đối tác công tư (PPP) vào ngày 22-23/9 tại thủ đô Vientiane trong khuôn khổ Chương trình Hành động Nghèo đói-Môi trường vì Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (PEA) với sự tham gia của 55 cán bộ Chính phủ từ các bộ ngành khác nhau. Các học viên đã tìm hiểu về các nguyên tắc chính trong việc soạn thảo một hợp đồng PPP hoàn thiện bao gồm các điều kiện, phân bổ rủi ro, nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và các điều khoản quan trọng khác dựa trên các thông lệ quốc tế.

Ông Abduvakkos Abdurahmanov, đại diện UNDP tại Lào cho biết, việc thúc đẩy đầu tư thông qua quan hệ đối tác công tư càng trở nên quan trọng để hỗ trợ phục hồi kinh tế Lào trong thời điểm kinh tế thế giới gặp nhiều thách thức như hiện nay. Ngoài ra, các khoản đầu tư xanh và chất lượng cũng sẽ giúp Lào đạt được các mục tiêu trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) cũng như Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội Quốc gia lần thứ 9.

Hình thức hợp tác quan hệ đối tác công tư (PPP) đã được thực hiện thành công trên toàn thế giới và Chính phủ Lào đã và đang thúc đẩy các hình thức PPP một cách hiệu quả để giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng và cung cấp dịch vụ công bằng nguồn vốn của khu vực tư nhân. Hơn nữa, hình thức này cũng giúp Lào tiếp nhận các công nghệ mới và chuyên môn cao, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Kinh tế - Xã hội Quốc gia và Chiến lược Tăng trưởng Xanh Quốc gia. Sau khi Nghị định về PPP được thông qua vào năm 2020, Chính phủ đã tích cực xây dựng các khung pháp lý và công cụ cần thiết để điều chỉnh hiệu quả các hình thức PPP hiện đang ngày càng gia tăng.

Kể từ năm 2018, Cục Xúc tiến Đầu tư và chương trình Hành động Nghèo đói-Môi trường vì Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (PEA) đã và đang triển khai các công cụ và kỹ năng để tăng cường xúc tiến và quản lý đầu tư có chất lượng tại Lào. Bên cạnh việc phát triển Hợp đồng mẫu PPP, PEA đã hỗ trợ xây dựng Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) và Hướng dẫn về các Đề xuất được giải quyết và Mô hình tài trợ cho các hình thức PPP. PEA được tài trợ bởi UNDP, các nước Áo, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển và Liên minh Châu Âu.

Các công ty Lào nỗ lực đạt được các tiêu chuẩn quốc tế

Ngày 27/10/2022, Vientiane Times đưa tin, các doanh nghiệp Lào được yêu cầu tuân thủ các quy định của quốc gia và thống nhất các hoạt động của họ theo tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, luật môi trường và quyền con người.

Tại buổi đào tạo về các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm do Viện Thực hành Kinh doanh có trách nhiệm thuộc UNDP tổ chức cho hơn 80 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Lào, Phó Trưởng đại diện UNDP thường trú tại Lào Catherine Phuong phát biểu, những năm gần đây, các tranh luận đã xuất hiện về vai trò của doanh nghiệp trong việc định hình cuộc sống và môi trường tốt đẹp. Một mặt, doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bằng việc sản xuất ra các sản phẩm hỗ trợ cuộc sống, tạo việc làm cho người khiếm khuyết và đóng góp tài chính cho các dự án xã hội thông qua việc nộp thuế, mặt khác, doanh nghiệp cũng bị phê phán vì cổ súy việc tiêu thụ quá nhiều, phá hủy tài nguyên thiên nhiên và đặt lợi nhuận của chủ doanh nghiệp lên trên phúc lợi của người lao động.

Trên bình diện toàn cầu, các cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự và các liên đoàn lao động đang yêu cầu các công ty phải tối thiểu hóa các tác hại và tối đa hóa các đóng góp của họ cho xã hội. Các nhà đầu tư cũng quan tâm đến các công ty có trách nhiệm với xã hội và môi trường hơn. Về phía Chính phủ, họ cũng thông qua các luật để quy định các hoạt động kinh doanh không gây tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Thông qua khóa đào tạo, các doanh nghiệp tham dự đã tìm hiểu nguyên nhân tại sao các công ty phải thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế và một số ví dụ điển hình có thể thực hiện tại Lào. Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiếp cận thị trường tài chính và mới nổi, xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực và thu hút, giữ nhân các nhân tài. Các bằng chứng cho thấy, 59% các doanh nghiệp có trách nhiệm tại cả châu Á, châu Mỹ và châu Âu đều tăng lợi nhuận. Trong khi đó, tại Lào, 62% các doanh nghiệp được khảo sát hiểu rất ít hoặc không hiểu các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm là gì, và không có doanh nghiệp nào nắm được về tác động của hoạt động kinh doanh của mình đối với xã hội và môi trường.

Một số công ty đã nhận thức được về CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) nhưng có khi lại đang gây hại đến môi trường. Việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ khiến doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19. Đại diện công ty điện lực EDL Generation Public cho biết, sau hai năm đại dịch, nhờ vào việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm và minh bạch, công ty sẽ sớm quay lại mức doanh số như trước dịch và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Lào.

Viện Thực hành Kinh doanh có trách nhiệm được thành lập thuộc dự án “Nâng cao hiệu quả, trách nhiệm, hành vi và minh bạch của các doanh nghiệp tại Lào”, còn được gọi là IMPACT Biz, do Bộ Công Thương, Phòng Thương mại Công nghiệp Quốc gia Lào và UNDP phối hợp triển khai với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản.

BẠN CẦN BIẾT

Lao Airlines tạm dừng các chuyến bay trên tuyến Viêng Chăn-Oudomxay

Hãng hàng không Lao Airlines đã dừng các chuyến bay giữa thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Oudomxay sau khi lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân sụt giảm được xác định do hành khách ưa chuộng tuyến đường sắt Lào-Trung với chi phí rẻ hơn.

Hãng hàng không Lao Airlines đã thông báo về việc hủy các chuyến bay trên trang Facebook của mình vào ngày 3/10/2022, giám đốc Bộ phận Thương mại của Lao Airlines, Ông Noudeng Chanthaphasouk cho biết “Chúng tôi đã gánh chi phí giá nhiên liệu tăng trong khi mỗi chuyến bay thường chỉ có khoảng 10 đến 20 hành khách”, “Trước khi đưa ra quyết định hủy chặng Viêng Chăn-Oudomxay, chúng tôi đã cung cấp ba chuyến bay một tuần cũng như giá vé khuyến mãi đặc biệt để thu hút thêm hành khách, nhưng lượng khách tăng lên rất ít”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ đóng cửa tuyến bay này cho đến khi có dấu hiệu lượng hành khách tăng lên đáng kể”.

Ông Noudeng cũng cho biết số lượng hành khách đang giảm trên chặng Vientiane-Luang Prabang, nhưng hãng hàng không sẽ tiếp tục khai thác tuyến này trong tương lai gần. Hiện mỗi ngày có một chuyến bay từ Viêng Chăn đến Luang Prabang, giảm so với trước đại dịch Covid-19 là ba hoặc bốn chuyến bay/ngày.

Theo Lao Airlines, hiện nay một tuần có 8 chuyến bay từ Vientiane đến Luang Prabang, 4 chuyến đến Xieng Khuang, 11 chuyến đến Pakse, 6 chuyến đến Savannakhet và hàng ngày có một chuyến bay đến Luang Namtha. Trên các đường bay quốc tế, hãng có các chuyến bay hàng ngày từ Viêng Chăn đến Bangkok; một tuần có 4 chuyến đến Hà Nội từ Vientiane, 2 chuyến từ Pakxe đến thành phố Hồ Chí Minh và 3 chuyến từ Luang Prabang đến Bangkok. (Vientiane Times, ngày 06/10/2022)

Lao Airlines tìm cách tăng lượng khách trên các tuyến miền Trung và Nam Lào

Ngày 7/10/2022, Vientiane Times đưa tin, các tỉnh miền Trung và Nam Lào đã trở thành điểm đến chiến lược của hãng hàng không Lao Airlines sau khi hãng hủy đường bay đến tỉnh Oudomxay và giảm bớt số chuyến đến Luang Prabang, miền Bắc Lào do lượng hành khách giảm mạnh và chuyển sang đi tàu cao tốc Lào – Trung.

Số chuyến bay từ Vientiane đi Savannakhet được tăng từ 3 chuyến/tuần lên 1 chuyến/ngày. Trong khi đó, số chuyến từ Vientiane đi Luang Prabang từ 3 chuyến/ngày giảm xuống chỉ còn 1 chuyến/ngày. Riêng đường bay đến tỉnh Luang Namtha, cũng là một tỉnh Bắc Lào vẫn có được lượng khách đáng kể do nhà ga tàu cao tốc được đặt khá xa khu trung tâm tỉnh. Hãng vẫn duy trì 2 chuyến /ngày đến tỉnh này.

Hiện nay lượng khách đi các tỉnh Trung, Nam Lào chiếm đến 70-80% tổng lượng khách của hãng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các chuyến bay có thể giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho hành khách nếu so sánh với đường bộ, khi mà tuyến đường quốc lộ số 13 Nam vẫn đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp.

Lao Airlines là một trong số năm doanh nghiệp nhà nước được đưa vào danh sách cải cách của Chính phủ và đã được Quốc hội Lào thông qua gần đây nhằm góp phần giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chính của đất nước. Chính phủ Lào đã lập ra một ủy ban cải cách để đảm bảo rằng những doanh nghiệp đầu ngành của đất nước có thể tự chủ về tài chính, thu được lợi nhuận và trở nên chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động kinh doanh của mình.

Chợ ven sông ở Tam giác vàng SEZ hoàn thành 50%

Việc xây dựng chợ văn hóa quốc tế hay chợ ven sông trong đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo, hiện đã hoàn thành 50%. Chợ nằm trong Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, là một dự án quan trọng được xây dựng nhằm tăng cường thu hút nhiều du khách đến với khu vực này. Ngân sách thực hiện dự án là hơn 100 triệu đô la Mỹ, trên diện tích 7 ha. Dự án bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Đặc khu kinh tế Tam giác vàng do Tập đoàn Dok Ngiew Kham quản lý với hợp đồng thuê trên 10.000 ha trong vòng 99 năm, trong đó diện tích Đặc khu kinh tế là 3.000 ha và 7.000 ha là khu bảo tồn. Đặc khu bao gồm tổ hợp các khách sạn, một khu chợ ven sông, các quán cà phê, nhà hàng và các địa điểm vui chơi giải trí được thiết kế kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống với nét hiện đại sẽ trở thành một điểm thu hút khách du lịch Lào và trên thế giới. Đặc khu ngày càng phát triển không chỉ về cơ sở hạ tầng, đầu tư kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khách sạn, khu dân cư, vui chơi giải trí.

Đặc khu phát triển làm chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp theo là thu hút các nhà đầu tư, và cuối cùng là xây dựng các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm vui chơi giải trí, cũng như hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp của người dân địa phương.

Hiện nay, một số lượng lớn các tòa nhà đã được xây dựng, cũng như đường sá, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác. Đặc khu cũng đang hỗ trợ cộng đồng địa phương với việc xây dựng các chùa chiền, trường học và hạ tầng thiết yếu khác. Đặc khu đang phát triển như một trung tâm đô thị mới và là trung tâm du lịch, bảo vệ môi trường và tăng cường giao thương giữa Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. (Vientiane Times, ngày 06/10/2022)

Phó Thủ tướng giám sát hoạt động tại cảng cạn Tha Bok-Vang Tao

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Vilay Lakhamfong, vừa có chuyến thăm cảng cạn Tha Bok-Vang Tao ở tỉnh Champassak, nơi tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát hàng hóa qua lại giữa Lào và Thái Lan. Cảng cạn nhận và giao hàng, vận hành kho hàng và giám sát việc thanh toán phí dịch vụ và thuế hải quan bằng hệ thống ASYCUDA và Smart Tax.

Trong chuyến thăm của Phó thủ tướng vào ngày 9 tháng 10, Giám đốc cơ sở, ông Oudone Keoduangdee, đã báo cáo về các khoản thuế đã thu và nộp cho chính phủ trong sáu tháng qua bao gồm hơn 3 tỷ Kíp tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) và hơn 212 triệu Kíp thuế thu nhập. Từ ngày 8 tháng 4 đến ngày 5 tháng 10, cơ quan thuế tại Tha Bok-Vang Tao đã thu hơn 98 tỷ Kíp các khoản thanh toán. Tổng cộng có 62.627 xe vận chuyển hàng hóa tại kho cạn, trong đó có 41.366 xe chở các loại sản phẩm và 21.261 xe chở sắn.

Tướng Vilay khuyến cáo chính quyền Champassak phối hợp với các quan chức tại cảng cạn để đảm bảo rằng các hoạt động được thực hiện đầy đủ và chính xác; triển khai lực lượng an ninh phải hiệu quả và phù hợp; đảm bảo tất cả các loại thuế được thu và các nhà chức trách phải biết những sản phẩm nào được miễn thuế, để có thể phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương.

Cảng cạn Tha Bok-Vang Tao là một phần của Đặc khu Kinh tế Vang Tao-Phonthong ở tỉnh Champassak, do Công ty Xây dựng cầu đường Duang Dee xây dựng. (Vientiane Times, ngày 12/10/2022)

Tỷ giá ngoại tệ gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng cho người sở hữu phương tiện giao thông tại Lào

Ngày 26/10/2022, trang Laotian Time đưa tin, giá trị của đồng Kip giảm giá so với ngoại tệ, đặc biệt là USD đã làm cho người dân ngày càng khó khăn hơn trong việc mua trả góp ô tô hoặc xe máy do phải trả gần gấp đôi số tiền Kíp so với thời điểm họ nhận xe. Một số chủ xe đã mua xe trả góp với khoản trả trước bằng USD hoặc đồng Baht của Thái Lan hiện đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do phải trả thêm tiền do tỷ giá hối đoái bất lợi. Một số người thậm chí đã phải trả lại xe vì không thể thanh toán đúng hạn.

Ông Phim, một chủ sở hữu ô tô, nói với Vientiane Times rằng ông đã mua chiếc xe của mình theo phương thức trả trước cách đây 3 năm khi tỷ giá hối đoái vào khoảng 8.500 Kíp / USD nhưng hôm nay tỷ giá đã gần 19.000 Kíp/USD. Ông sẽ mất 5 năm để trả toàn bộ số tiền 150 triệu Kíp, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, số tiền này đã tăng lên hơn 300 triệu Kíp trong khi thu nhập của ông vẫn giữ nguyên .

Ngân hàng CHDCND Lào gần đây đã ra thông báo cho phép các doanh nghiệp đổi tiền chỉ được mua ngoại tệ nhưng cấm họ bán bất kỳ loại ngoại tệ nào khác ngoài Kip. Chính phủ cũng đã cam kết giải quyết lạm phát và những khó khăn kinh tế khác tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vừa diễn ra vào tuần trước.

Hiệp hội Dệt may Lào lập kế hoạch thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nội địa

Ngày 05/10/2022, trang Laotian Times đưa tin, Hiệp hội Công nghiệp May mặc Lào (ALGI) kì vọng sắp tới mỗi làng bản tại Lào sẽ có ít nhất một cửa hàng may mặc bán các loại quần áo được sản xuất tại địa phương. Nỗ lực này nhằm giảm nhập khẩu quần áo và góp phần kiểm soát tỷ lệ lạm phát của đất nước.

Chủ tịch Hiệp hội Xaybandith Raspone cho biết, cần khuyến khích người Lào mua hàng hóa sản xuất tại Lào nhiều hơn để thay thế hàng nhập khẩu. Việc hạn chế chi tiêu bằng ngoại tệ cũng rất quan trọng, để ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu bất hợp pháp và bị định giá cao hơn mức cần thiết. Hiệp hội hy vọng tất cả các nhà máy may mặc trong nước, bất kể quy mô của họ, hợp tác chặt chẽ, phối hợp và cùng nhau giải quyết các vấn đề còn tồn tại của hiệp hội.

Ngoài ra, ALGI cũng có kế hoạch tăng cường sản xuất đồng phục học sinh thương hiệu Champadaeng với giá thành hợp lý để phụ huynh có thể mua, thay vì chọn đồng phục nhập khẩu cho con em mình. Trước đó, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã sản xuất đồng phục nhãn hiệu này nhưng chỉ có một số cửa hàng nhập về dẫn đến còn ít người mua sản phẩm.

Hiệp hội hiện có 77 nhà máy trực thuộc, trong số đó có 50 nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu và 27 nhà máy sản xuất hàng may mặc phục vụ nhu cầu trong nước. Có 72 nhà máy ở Thủ đô Vientiane, hai nhà máy ở Champasak, hai nhà máy ở Savannakhet và một nhà máy ở tỉnh Viêng Chăn. Hiện có khoảng 25.000 công nhân viên đang làm việc tại các nhà máy, 90% trong số đó là phụ nữ. Các nhà máy này sản xuất nhiều loại quần áo, bao gồm đồng phục, áo sơ mi, áo phông, áo thun polo, đồ công sở, áo khoác, quần jean, chăn, giày và các mặt hàng khác. 80% lượng hàng may mặc của Lào được xuất khẩu sang châu Âu, 9% sang Nhật Bản, 4% sang Hoa Kỳ và 2% sang Canada với tổng trị giá khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Hiệp hội may mặc Lào đã phải chịu thiệt hại đáng kể trong đại dịch Covid-19 khiến họ phải đóng cửa nhiều nhà máy của mình. Tình trạng thiếu công nhân cũng khiến việc giao sản phẩm bị chậm trễ. Ông Xaybandith đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ mở cửa trở lại thành công tất cả các nhà máy may mặc trong nước nhằm thúc đẩy tạo việc làm và doanh thu trong lĩnh vực này.

Tỉnh Xekong thu 56 tỷ Kíp tiền thuế trong 9 tháng đầu năm 2022, triển khai TAXRIS trong toàn tỉnh

Ngày 13/10/2022, Vientiane Times đưa tin, tỉnh Xekong đã thu được 56 tỷ Kíp tiền thuế trong 9 tháng đầu năm nay, đạt 79,69% so với kế hoạch năm 2022, tăng 73,19% (tương đương 23 tỷ Kíp) so với cùng kỳ năm 2021. Để đạt được kế hoạch đã đặt ra cho cả năm, ngành thuế địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hệ thống thông tin quản lý công tác thu thuế mới (TAXRIS) cho các doanh nghiệp siêu nhỏ tại nhiều huyện.

Hệ thống này được giới thiệu nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế phù hợp với chính sách của Chính phủ và các thực tế tốt nhất của quốc tế về tính giải trình và minh bạch, đòi hỏi các doanh nghiệp phải sử dụng các chương trình kế toán có lưu lại các thanh toán thuế Giá trị gia tăng và có thể kiểm tra tất cả các khoản truy thu thuế còn tồn trên hệ thống.

Hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế là một trong số các biện pháp của chính phủ để giải quyết các khó khăn về kinh tế, tài chính hiện nay. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn các cơ quan thuế địa phương sử dụng hệ thống TAXRIS cho công tác thu thuế nhằm hỗ trợ Chính phủ hiện đại hóa công tác nộp thuế và nâng cao tính minh bạch trong lĩnh vực tài chính. Đến nay, đã có hơn 3.500 doanh nghiệp thực hiện việc nộp thuế qua hệ thống này và ngành tài chính đang được yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn với các tỉnh thành để thúc đẩy các doanh nghiệp cùng tham gia vào hệ thống.

Hội chợ cà phê ở Luang Prabang nhân Ngày Cà phê Quốc tế (1/10/2022)

Cục Nông nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm nghiệp Lào với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Văn phòng EU tại Lào, USDA, Dự án Winrock CLEAN, ARISE Plus và các đối tác quốc tế khác cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Luang Prabang (LPCCI) tổ chức một sự kiện về cà phê kéo dài trong ba ngày (08-10/10) tại Luang Prabang trong khuôn khổ lễ hội Sabaidee Luang Prabang. Sự kiện này nhằm quảng bá cà phê của Lào cũng như nâng cao nhận thức của giới trẻ Lào về giá trị của cà phê, của người trồng cà phê về việc sản xuất cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn, bền vững.

Đại diện Cục Nông nghiệp cho biết, sự kiện này là cơ hội để khách tham quan hiểu về tiềm năng to lớn của ngành cà phê, chia sẻ thông tin về chuỗi trồng - chế biến - thương mại các sản phẩm cà phê theo các chính sách thương mại xanh và công bằng. Khách đến dự có thể nếm 1 tách cà phê, chia sẻ cảm nhận với các đơn vị kinh doanh và tìm kiếm cơ hội hợp tác để mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Năm 2021, Lào đã ghi nhận kỷ lục sản xuất cà phê với tổng khối lượng đạt hơn 150 ngàn tấn, được xuất khẩu đi hơn 20 nước với doanh thu hơn 100 triệu USD. Tổng diện tích trồng cà phê tại Lào hiện nay đạt hơn 98.000 ha, đa số tại các tỉnh phía Nam như Champassak, Saravan và Xekong với hơn 90% diện tích.

Từ ngày 29/9 đến 02/10/2022, những người trồng, chế biến, pha chế, chủ quán cà phê và các cơ quan Chính phủ, tư nhân đã cùng tổ chức Ngày cà phê quốc tế tại Vientiane Center để trao đổi kinh nghiệm, thưởng thức và chia sẻ đam mê về thức uống đặc biệt này. Mục đích chính của sự kiện nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cà phê bền vững cả trong nước và quốc tế, phát triển thêm ngành du lịch và giáo dục giới trẻ về cà phê Lào. Sự kiện do Hội người yêu cà phê Lào, Hiệp hội Cà phê Lào và Vientiane Center, phối hợp với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và tổ chức Winrock International đồng tổ chức.

Diễn ra trong 4 ngày, sự kiện đã thu hút hơn 30.000 nghìn khách tham quan, 40 nhóm nông dân, quán cà phê và các doanh nghiệp liên quan. (Vientiane Times, 03/10/2022)

Lào mời các nước trong khu vực cùng dự Hội chợ Thương mại trong khuôn khổ lễ hội That Luang

Ngày 21/10/2022, trang Laotian Times đưa tin, Chính quyền thủ đô Vientiane đã mời các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tham gia hội chợ thương mại diễn ra từ 4-8/11/2022 trong khuôn khổ lễ hội That Luang. Mục đích của hội chợ thương mại nhằm thúc đẩy kinh tế và bảo tồn truyền thống văn hóa của đất nước.

Giám đốc Sở Công Thương Vientiane Vanmany Phimmasane cho biết “Năm nay, các lễ hội và hội chợ thương mại sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi hơn sau khi bị hủy bỏ trong hai năm qua vì đại dịch Covid. Các doanh nghiệp từ Việt Nam tham gia sự kiện như một phần của các hoạt động đánh dấu năm quan trọng kỷ niệm quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào”.

Các doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia hội chợ. Ngoài ra, các đơn vị từ tỉnh Nong Khai của Thái Lan và từ thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam và tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc cũng được mời tham gia hội chợ.

Ban tổ chức cho biết các sản phẩm do Lào sản xuất sẽ được trưng bày và bán tại hội chợ, là dịp để khách hàng mua hàng hóa địa phương và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kết nối và thiết lập thị trường trong khu vực. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể trao đổi ý tưởng và học hỏi các bài học, bao gồm cả hoạt động kinh doanh trên khắp Lào và nước ngoài.

Hội chợ có cả một triển lãm du lịch và những sáng tạo mới bao gồm triển lãm đường sắt, đường cao tốc và các khu hậu cần, trưng bày các sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa được sản xuất trong khuôn khổ Đề án Mỗi huyện một sản phẩm của Lào. Khu trưng bày sẽ được đặt tại phố đi bộ và quảng trường That Luang với ít nhất 800 gian hàng sẽ trưng bày và bán hàng hóa, bao gồm các loại thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm tiêu dùng thông thường.

Lễ hội That Luang sẽ được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 8/11/2022, và sẽ có các buổi biểu diễn văn hóa vào ngày đầu tiên, lễ rước Phả-sạt-phọng (tháp trang trí bằng sắp ong) truyền thống vào ngày thứ ba; lễ cúng dường và trận đấu khúc côn cầu vào ngày thứ tư. Lễ rước Phả-sạt-phọng là nghi thức chính nhằm đánh dấu sự hồi sinh của lễ hội sau khi lễ hội bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19.

BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Phan Minh Chiến

Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Lê T.Phương Hoa, Hà Bảo Trâm,

Đàm Đức Cường

 


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: