Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 10-2020 ​

1 Bài viết
1 Thành viên
2 Reactions
1,396 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 8 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Các vấn đề kinh tế là chương trình nghị sự hàng đầu trong Kỳ họp của Quốc hội

          Ngày 20/10/2020, Tổng thư ký Quốc hội Suansavanh Viyaket cho biết, kinh tế là một trong các chủ đề thảo luận chính của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII tổ chức từ 27/10 -17/11/2020.

          Theo chương trình, có 13 báo cáo và 05 Luật (bao gồm cả dự thảo luật sửa đổi) sẽ được thảo luận tại kỳ họp của Quốc hội. Báo cáo thứ nhất là về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và phương hướng năm 2021. Báo cáo thứ hai là về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020 và dự toán năm 2021. Chính phủ sẽ báo cáo về các thành công trong phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây và những khó khăn thách thức trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế. Quốc hội cũng sẽ nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm vừa qua (2016-2020) và kế hoạch 5 năm tới (2021-2025); Quy hoạch đô thị thủ đô Viêng Chăn; Báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước (SAO) năm 2019; Kiểm toán Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2021-2025. Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận và phê chuẩn báo cáo của Thanh tra Chính phủ trên cơ sở kiến nghị của SAO….

          Theo chương trình, 04 dự luật được các đại biểu thảo luận gồm: Luật cấp bậc ngoại giao; Luật thanh niên, hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm; Luật đại học và Luật sửa đổi về kiểm toán nhà nước.

          Quốc hội sẽ xem xét kết quả công tác của Quốc hội  trong 5 năm vừa qua và thảo luận dự thảo kế hoạch 5 năm của Quốc hội Khóa IX. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo về kết quả giám sát thực thi luật trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. (Vientiane Times, 22/10/2020)

Dự kiến kinh tế Lào năm 2020 tăng trưởng đạt kế hoạch điều chỉnh

         Ngày 27/10/2020, báo cáo tại Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII của Lào, Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith cho biết, tăng trưởng GDP của Lào năm 2020 dự kiến đạt khoảng 3,3%, đạt kế hoạch đã điều chỉnh (3,3-3,6%), tương đương giá trị 173.138 tỷ Kíp.

         Theo kế hoạch điều chỉnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 67,79% mục tiêu đề ra, tương đương 75.267 tỷ Kíp, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 4.278 triệu USD, tương đương 70,84% kế hoạch (6.039 triệu USD); nhập khẩu đạt 3.824 triệu USD, đạt 64,68% kế hoạch (5.912 triệu USD), thặng dư thương mại 454 triệu USD, vượt kế hoạch 127 triệu USD. Dự kiến đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt mục tiêu đề ra là 11.951 triệu USD, tương đương 111.024,79 tỷ Kíp, lưu chuyển hàng hóa thực hiện được 45.967 tỷ Kíp, đạt 70,34% kế hoạch; dự kiến đến hết năm việc lưu chuyển hàng hóa sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra, đạt 65.347,02 tỷ Kíp.

         Thủ tướng Thongloun cho biết thêm, trong năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và việc áp dụng biện pháp thắt chặt để ngăn chặn dịch bệnh, các cửa khẩu biên giới với các nước bị đóng lại, nhưng hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông thường xuyên với sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ; giá cả hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và tiêu dùng thiết yếu của xã hội vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ, với mức giá ổn định.

         Về lĩnh vực năng lượng và mỏ, Thủ tướng cho biết, việc sản xuất điện đạt 29.787 triệu Kwh, tương đương giá trị 15.395 tỷ Kíp, đạt 71,85% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt mục tiêu là 20.964 tỷ Kíp; về khoáng sản, sản xuất đạt giá trị 7.704 tỷ Kíp, tương đương 71% kế hoạch điều chỉnh. (Báo KT-XH, 28/10/2020)

Tăng trưởng kinh tế Lào sẽ phục hồi 4,9% trong năm tài chính tới

         Ngày 01/10/2020, Vientiane Times đưa tin, năm 2021-2022, tăng trưởng kinh tế Lào dự báo phục hồi lên 4,9% và tỷ lệ nghèo sẽ trở lại mức trước khi khủng hoảng, sớm nhất vào khoảng năm 2022.

         Theo Ngân hàng thế giới (WB), thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao, làm tăng tỷ lệ nợ/GDP trong trung hạn, dẫn đến các khoản thanh toán nợ nước ngoài khoảng 1,1 tỷ USD/năm trong 3 năm tiếp theo. Cùng với thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao, dự trữ ngoại tệ dự kiến sẽ không đủ.

         Dự báo trong trung hạn vẫn còn các lỗ hổng kinh tế vĩ mô, nếu việc cải cách cơ cấu kinh tế không được thực hiện quyết liệt. Mục tiêu then chốt của việc cải cách nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân để đa dạng hóa thành phần kinh tế.

         Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ ở mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua, ước tính trong khoảng -0,6% theo kịch bản cơ sở và -2,4%  theo kịch bản tiêu cực trong năm 2020. Do tác động của dịch Covid-19, lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới, khiến lượng khách du lịch suy giảm; chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngành công nghiệp; nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thời tiết xấu. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% vào tháng 5/2020, tăng hơn nhiều so với cuối năm 2019 (16%).

          Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân. Tuy nhiên, các biện pháp đạt hiệu quả thấp do hạn chế bởi năng lực tài chính, do đó, nhiều gia đình rơi vào ngưỡng chuẩn nghèo (được tính bằng 3,2 USD/ngày, theo PPP năm 2011), dự tính tăng lên ít nhất 1,7 điểm % tỷ lệ nghèo năm 2020 so với kịch bản không có Covid-19.

          Năm 2020, thu nội địa thấp, ước đạt khoảng 10,2% GDP, giảm hơn so với  năm 2019 (13,5%). Thâm hụt ngân sách dự báo tăng lên 7,6% GDP so với mức 5,1% của năm 2019, nếu kiểm soát được kế hoạch chi tiêu và không phát sinh nợ công. Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 gây đình trệ các hoạt động thương mại và du lịch, lượng kiều hối ước giảm khoảng 50%, cộng thêm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài đến hạn sẽ làm tài khoản vãng lai thâm hụt trong năm 2020.

          Dự trữ ngoại tệ thấp, chỉ đảm bảo được dưới một tháng nhập khẩu tác động xấu đến cán cân thương mại của Lào và tạo sự chênh lệch cao giữa tỷ giá hối đoái chính thức và thị trường tự do.

          Lạm phát trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng do đồng Kíp suy yếu. (Vientiane Times, 01/10/2020)

Lào đạt 762 triệu USD kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 8

          Ngày 17/9/2020, trang web Thương mại Lào thông tin, Lào đạt được 762 triệu USD kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 8/2020, trong đó, xuất khẩu đạt 377 triệu USD, nhập khẩu đạt 384 triệu USD, nhập siêu 07 triệu USD.

          Trong 377 triệu USD xuất khẩu, quặng đồng chiếm 30 triệu USD; đồng và sản phẩm đồng 15 triệu USD; chuối 16 triệu USD; bột gỗ và giấy thải 28 triệu USD; khung và các bộ phận của máy ảnh 21 triệu USD; vàng và vàng thỏi 97 triệu USD; quần áo 18 triệu USD;  thiết bị điện tử 9 triệu USD; cà phê 5 triệu USD và cao su 24 triệu USD.

          Trong 384 triệu USD nhập khẩu, phương tiện (không bao gồm xe máy và xe đầu kéo) chiếm 24 triệu USD; thiết bị điện 21 triệu USD; dầu 25 triệu USD; thiết bị cơ khí 43 triệu USD; sản phẩm sắt thép 22 triệu USD; phụ tùng phương tiện (lốp, kính, xích) 9 triệu USD; sản phẩm nhựa 13 triệu USD; xăng 6 triệu USD; phân bón 7 triệu USD và chất thải thực phẩm công nghiệp 8 triệu USD. 

         5 thị trường xuất khẩu chính của Lào là Trung Quốc 102 triệu USD, Việt Nam 75 triệu USD, Thái Lan 120 triệu USD, Ấn Độ 14 triệu USD và Đức 6 triệu USD.

         5 thị trường nhập khẩu chính là: Thái Lan 204 triệu USD; Trung Quốc 84 triệu USD; Việt Nam 44 triệu USD; Nhật Bản 21 triệu USD và Mỹ 10 triệu USD. (Vientiane Times, 09/10/2020)

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Lào

          Báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2020 của IMF dự báo kinh tế Lào sẽ chỉ tăng trưởng 0,2%, thấp hơn mức 0,7% đưa ra vào tháng 06/2020.

          Nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp của Lào là do kinh tế toàn cầu suy thoái, hậu quả của đại dịch Covid-19. Một trong các yếu tố quan trọng nhất đó là việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, tác động nghiệm trọng và kéo dài đối với du lịch, đầu tư và thương mại.

          Theo các nhà kinh tế, sự co lại của các lĩnh vực nêu trên đã dẫn đến sự đổ bể của nhiều doanh nghiệp, gây hiệu ứng domino khiến thất nghiệp gia tăng và giảm sút nguồn thu ngân sách nhà nước.

          Các biện phòng chống dịch bệnh đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu; thêm vào đó, ngành nông nghiệp lại bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán kéo dài và lũ lụt. Năm 2020, tác động của dịch Covid-19 lại càng trở nên trầm trọng hơn do lũ lụt. Tám huyện của tỉnh Savannaket bị ngập lụt buộc hàng nghìn hộ gia đình phải sơ tán, mùa màng và tài sản bị phá hại.

          Báo cáo của IMF nhận định, các nền kinh tế trên thế giới bao gồm cả Lào đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong quá trình trở lại trạng thái trước khi có dịch Covid-19. Ở khu vực ASEAN, trong năm 2020, kinh tế Campuchia co lại 2,8%, Indonesia 1,5%, Philippines -8,5%, Myanmar 2%, Việt Nam 1,6% và Thái Lan -7,1%. Năm 2021, dự báo Malayssia sẽ hồi phục mạnh nhất (7,8%), tiếp theo là Phillippnes (7,4%), Campuchia (6,8%), Việt Nam (6,7%), Indonesia (6,1%), Myanmar (5,7%) và Singapore (5%).

          Theo dự báo trung hạn của IMF, năm 2025, kinh tế Lào sẽ tăng trưởng 6,1%, cao hơn phần lớn các nước trong khu vực. (Vientiane Times, 22/10/2020)

Lạm phát tháng 9 vẫn cao

         Ngày 07/10/2020, theo báo cáo của Cục Thống kê Lào, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 đã giảm nhưng cao hơn tháng trước, tạo ra gánh nặng cho người dân nghèo. CPI ở mức 114,97 điểm trong tháng 9, lạm phát ở mức 4,63%, giảm hơn cùng kỳ tháng 8 (5,84%).

         Tỷ lệ lạm phát được đẩy lên bởi giá thực phẩm và các mặt hàng nhập khẩu khác do Lào nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Nhu cầu mua ngoại tệ ở thị trường tự do tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nhà kinh doanh gây biến động tỷ giá hối đoái, đẩy chi phí sinh hoạt ở Lào tăng cao.

         Du lịch và đầu tư nước ngoài bị đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19, làm giảm nguồn thu ngoại tệ chính cho Lào. Bên cạnh đó, do năng lực sản xuất yếu, nhu cầu nhập khẩu trang thiết bị lớn đã tác động đến giá cả sản phẩm tại Lào. Giá thực phẩm và đồ uống tăng 7,7% so với cùng kỳ và tăng 0,45% so với tháng trước, do Lào phải nhập khẩu lượng lớn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu từ các nước láng giềng để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước đang gặp khó khăn do sản xuất bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

         So với cùng kỳ, giá thịt lợn tăng 26,32%; thịt bò tăng 11,62%, gia cầm tăng 6,02%, cá và hải sản tăng 5,15%; dầu ăn tăng 5,99%;  hoa quả tăng 4,4% và rau tăng 14,88%; quần áo và giày dép tăng 3,89%, giá quần áo tăng 4,15%; đồ trang trí nội thất tăng 7,7% và đồ nhà bếp tăng 3,8%; dịch vụ bưu chính viễn thông tăng 6.59%. Giá khách sạn và nhà hàng giảm 2,09% so với cùng kỳ do dịch bệnh Covid-19. Giá hàng tiêu dùng tăng 0,39% so với tháng trước và 4,87% so với cùng kỳ; giá thuốc tăng 0,17% so với tháng trước và 5,66% so với cùng kỳ.

          Theo Ngân hàng CHDCND Lào (BOL), năm 2019, tỷ lệ lạm phát trung bình là 3,32%, đỉnh điểm lên mức 6,94% vào tháng 1, giảm xuống 6,24% tháng 2, tháng 3 còn 6,14%, tháng 4 là 5,84%, tháng 5 là 5,46%; tháng 6 là 5,28%; tháng 7 là 5,12%.

         Theo Tổng cục thống kê Lào, trong tháng 7, giá trị đồng Kíp giảm 4,29% so với đồng USD và 10,3% so với đồng Baht Thái so với cùng kỳ năm ngoái.

         Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính nhằm kích thích sản xuất hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu, kiềm chế tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, việc sản xuất hàng hóa ở Lào không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, hàng hóa chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ Thái Lan. (Vientiane Times, 07/10/2020)

Thủ tướng Thongloun hối thúc Luang Prabang khai thác các lợi thế phát triển

         Ngày 02-03/10/2020, phát biểu chỉ đạo tại đại hội đảng bộ tỉnh Luang Prabang, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đề nghị lãnh đạo tỉnh phải hiện thực hóa các tiềm năng và lợi thế của tỉnh để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu xóa nghèo.

          Thủ tướng Thongloun Sisoulith biểu dương những thành tựu tỉnh đạt được trong 5 năm qua. Trong thời gian tới, Ban chấp hành tỉnh ủy mới cần tiếp tục duy trì ổn định chính trị, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội. Tỉnh cần xác định rõ các giải pháp căn cứ vào thế mạnh của nền kinh tế và phát huy tối đa lợi thế các nguồn tài nguyên phong phú để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, đạt được các mục tiêu xóa nghèo. Thủ tướng Thongloun yêu cầu lãnh đạo tỉnh chú trọng công tác giáo dục thông qua thanh kiểm tra chất lượng các trường học và cơ sở giáo dục. Các ngành giáo dục, lao động và kế hoạch phải tìm biện pháp để cải thiện phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Cán bộ công chức của tỉnh phải tăng cường trách nhiệm trong việc cung cấp các dịch vụ công để người dân thực sự thấy nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

          Trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ XI, ngày 05/10/2020, các đảng bộ Phongsaly và Bokeo cũng đã tiến hành đại hội.

          Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của tỉnh Bokeo đạt 7,4% trong 5 năm qua, GDP bình quân đầu người đạt 17 triệu Kíp/năm  (khoảng 1.900 USD). Tỉnh còn 03 huyện, 78 bản thuộc diện nghèo. (Vientiane Times, 06/10/2020)

Công ty đường dây tải điện mới sẽ tối đa hóa tiềm năng phát điện của Lào

          Ngày 05/10/2020, Vientiane Times trích dẫn một quan chức cấp Lào cho rằng, doanh nghiệp đường dây tải điện mới mà các doanh nghiệp Lào và Trung Quốc đã thỏa thuận thành lập dự kiến sẽ giúp tối đa hóa tiềm năng phát điện của Lào.

          Tháng 9/2020, tại Viêng Chăn, Tổng công ty Điện lực Lào (EDL) và Công ty Lưới điện Nam Trung Hoa (CSG) đã ký Thỏa thuận Cổ đông thành lập Công ty TNHH Truyền tải điện (EDLT). Kế hoạch của EDLT là xây dựng các đường dây điện cao thế 230 Kv và mạng lưới phân phối điện có khả năng truyền tải khối lượng lớn điện, qua đó, tạo điều kiện cho các nhà máy điện tăng năng lực phát điện. Mạng lưới hạ thế hiện nay của Lào với khả năng truyền tải hạn chế đang cản trở các nhà máy điện lớn chạy hết công suất, đặc biệt là trong mùa mưa.

          Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Khammany Inthirath, một số nhà máy thủy điện lớn của Lào không chạy hết công suất vì đường dây truyền tải hạn chế buộc phải xả nước một cách lãng phí; do đó, hàng năm, Lào bị thiệt hại lớn.

          EDLT dự kiến sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD để xây dựng mạng lưới điện "xương sống" (backbone) và đường dây kết nối xuyên biên với các nước láng giềng, thúc đẩy các dự án như dự án kết nối mạng lưới điện Lào – Trung Quốc với việc mua quyền sử dụng các tài sản truyền tải điện hiện có từ 230 Kv trở lên từ EDL.

          Bộ trưởng Khammany Inthirath nhấn mạnh, EDLT có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển hệ thống điện lực của Lào, giúp tối đa hóa tiềm năng phát điện và giảm chi phí sản xuất. Mạng lưới điện backbone quốc gia sẽ thúc đẩy nỗ lực của Chính phủ Lào trong việc sản xuất nhiều điện, phát huy tiềm năng to lớn của đất nước để xuất khẩu sang các nước láng giềng.

          Hiện nay, Lào có 78 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt 9.972 MW, vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo Vụ Kế hoạch và Hợp tác, Bộ Năng lượng và Mỏ, nhu cầu tiêu thụ điện của Lào giao động khoảng 2.132 – 2.880 MW từ nay đến năm 2025.

          Bên cạnh 78 nhà máy thủy điện, Lào có 01 nhà máy nhiệt điện than, 04 nhà máy điện sinh khối và 06 nhà máy điện mặt trời. Lào có tiềm năng lớn phát triển bổ sung thủy điện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Hiện nay, Lào đang xuất khẩu điện sang 05 nước là Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Malaysia đạt 12,97 tỷ KWh trong 5 năm (2016-2020), mang lại kim ngạch trên 7,2 tỷ USD, tăng 164% so cùng kỳ 5 năm trước. Sản lượng điện trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ đạt 27,7 tỷ Kwh, trị giá trên 15,2 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ 5 năm trước.

          Chính phủ đã ký thỏa thuận với Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Malaysia để xuất khẩu điện với công suất lắp đặt 17.800 MW so với con số xuất khẩu hiện nay chỉ với 6.500 MW. Ước tính, trên 5.000 MW bổ sung sẽ được xuất khẩu trong giai đoạn 5 năm tới, bao gồm 100 MW dự kiến xuất khẩu sang Singapore. (Vientiane Times, 05/10/2020)

 Số lượng các hộ gia đình làm việc trong nông nghiệp giảm 10%

          Ngày 22/10/2020, hội nghị về kết quả khảo sát kinh tế và đăng ký hộ gia đình quốc gia lần thứ 3 do Tổng cục Thống kê thực hiện đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy.

          Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy - Trưởng ban Chỉ đạo Khảo sát Kinh tế Quốc gia lần thứ ba nhấn mạnh kết quả của cuộc khảo sát có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

          Cuộc khảo sát được thực hiện từ 2019-2020 cho thấy ở Lào có 851.257 hộ gia đình làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tương đương 69% tổng số hộ gia đình, giảm 10% so với khảo sát kỳ trước. Trong đó, 74% hộ gia đình tham gia trồng trọt. Số hộ gia đình làm nghề chăn nuôi tăng 2% (303.000 hộ) so với 10 năm trước. Tổng diện tích đất nông nghiệp ở Lào hiện có khoảng 1,7 triệu ha.

          Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Thống kê Thế giới (20/10) với chủ đề: "Kết nối Thế giới với các số liệu chúng ta có thể tin cậy". Chủ đề này phản ánh tầm quan trọng của sự tin cậy, số liệu của cơ quan có thẩm quyền và sản phẩm công cộng trong hệ thống thống kê quốc gia. (Vientiane Times, 23/10/2020)

 

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

BCH Trung ương Đảng Lào ra nghị quyết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch

          Ngày 16/10/2020, Hội nghị BCH TW lần thứ 11 Khóa X Đảng NDCM Lào đã bế mạc với nghị quyết tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu gây tác động nặng nề lên nền kinh tế Lào.

          Theo Văn phòng TW Đảng, tại hội nghị kéo dài năm 05 ngày, Tổng Bí thư Bounnhang Vorachit đã yêu cầu các cơ quan chức năng cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân; Chính phủ cần khuyến khích sản xuất trong nước để tạo ra nhiều hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để làm được viêc này, phải tiếp tục giảm tệ hành chính quan liêu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, xây dựng nhanh các nhà máy, xí nghiệp để sản xuất phục vụ xuất khẩu.

          Mặc dù Lào đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, các tác động lên nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, vẫn rất nặng nề. Theo ADB, trước đại dịch, ngành du lịch của Lào đang trong xu thế phát triển. Khách du lịch năm 2019 đạt 4,7 triệu lượt người, tăng 14,4% so với năm 2018, tạo thu nhập khoảng 834 triệu USD.

          Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính đã nỗ lực mở rộng hệ thống thanh toán thuế điện tử ở tất cả các tỉnh và ngành trên cả nước. Năm 2019, Chính phủ đã áp dụng hệ thống thông tin quản lý thuế ở các địa bàn đô thị của 7 tỉnh. Kết quả, thu thuế đã tăng đã tăng 20% trong 06 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ năm trước.

          Tháng 6/2020, Chính phủ dự báo Lào sẽ bị tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ đạt vào khoảng 3,3-3,6%.

          Tuy nhiên, một loạt các siêu dự án phát triển đang tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch. Tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc hiện đã đạt trên 90% tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm sau. Đường cao tốc Viêng Chăn - Vang Viêng cũng đã hoàn thành trên 90%, dự kiến sẽ thông tuyến vào tháng 12/2020. Các dự án lớn về khai khoáng, đặc khu kinh tế và du lịch cũng đang tiến triển tốt. Đồng thời, các cơ quan chức năng đang tiến hành khống chế giá lương thực-thực phẩm nhập khẩu trong bối cảnh tỷ giá hối đoái biến động mạnh. (Vientiane Times, 19/10/2020)

Chính phủ thành lập Quỹ thúc đẩy năng lượng tái tạo

         Ngày 5/10/2020, Công báo Lào đăng tải Chỉ thị của Thủ tướng Thongloun Sisoulith ký ngày 7/8/2020 cho phép thành lập và hoạt động Quỹ phát triển và xúc tiến năng lượng Lào để huy động tài chính, thúc đẩy và phát triển năng lượng tái tạo khi nhu cầu về sản xuất năng lượng sạch và bền vững tăng cao. Quỹ sẽ được dùng để xử lý những vấn đề không mong muốn liên quan đến năng lượng và kinh doanh sản xuất năng lượng tái tạo phù hợp với chiến lược phát triển xanh của đất nước.

         Quỹ được quản lý bởi Bộ Năng lượng và Mỏ, thành viên Ban quản lý Quỹ gồm đại diện từ 5 Bộ. BOL là cơ quan hoạch định chính sách. Văn phòng Quỹ sẽ hoạt động như Ban thư ký có nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch đã được phê duyệt, tạo nguồn thu để đầu tư và chi tiêu thường xuyên.

         Quỹ sẽ được cung cấp tài chính từ ngân sách nhà nước, trợ cấp và khoản cho vay, tài trợ từ các cá nhân và ngành năng lượng, tiền lãi thu được từ tiền gửi và khoản phí từ quản lý năng lượng và dịch vụ.

         Quỹ sẽ cung cấp khoản cho vay cho việc phát triển và xúc tiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, xăng sinh học và gas. Các dự án thủy điện nhỏ cũng được hưởng lợi từ hỗ trợ tài chính này. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ cung cấp tài chính cho việc mở rộng cung cấp điện cho vùng nông thôn, cho nông nghiệp và xúc tiến việc sử dụng có hiệu quả nguồn điện. Quỹ cũng sẽ được sử dụng để khảo sát, nghiên cứu và phát triển các dự án xanh và bền vững.

         Quỹ cũng hướng đến phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng về sản xuất năng lượng tái tạo, tài trợ chi phí quản lý, hoạt động của Quỹ và duy trì cung cấp điện cho các làng. Đây là chính sách của Lào để tăng cường sản xuất điện phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

         Một trong những điều khoản đặc biệt của Chỉ thị là hệ thống kế toán của Quỹ thực hiện theo Luật Ngân sách, Ban quản lý Quỹ tự xây dựng kế hoạch thu, chi trình Chính phủ phê duyệt. Khoản kinh phí chưa giải ngân trong năm tài chính sẽ được chuyển sang năm tiếp theo để sử dụng vào những nhiệm vụ cần thiết khác.

         Nhiều dự án lớn đã hoàn thành đi vào sản xuất và cung cấp điện, phần lớn người dân trong nước được sử dụng điện, nhưng mức giá vẫn cao so với mức thu nhập bình quân. Vì vậy, Chính phủ đang tìm giải pháp điều chỉnh chính sách để đưa ra mức giá phù hợp nhất đối với cả nhà đầu tư và người tiêu dùng. (Vientiane Times, 08/10/2020)

Ngành thuế tăng cường quản lý thuế điện tử

          Ngày 06/10/2020, theo Vientiane Times, Bộ Tài chính đang triển khai công tác tăng cường kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thuế cấp huyện trong việc sử dụng hệ thống kỹ thuật số nhằm quản lý người nộp thuế theo kế hoạch chiến lược số hóa quản lý ngành tài chính.

          Cán bộ thuế từ 20 trong số 40 huyện mục tiệu trên cả nước được tập huấn trong thời gian 5 ngày từ 5-9/10 về sử dụng Hệ thống Thông tin Quản lý Thu thuế (TaxRis), tập trung vào phần quản lý người nộp thuế. Trong khuôn khổ dự án Cải cách quản lý Tài chính Công do EU tài trợ thông qua WB với mục tiêu cải cách đảm bảo hiệu quả trong quản lý tài chính công dựa trên tính minh bạch, thống nhất và kiểm toán.

          Phó Vụ trưởng Vụ Thuế, Bộ Tài chính Thammaloth Rasphone cho biết, mục đích của khóa đào tạo là nhằm tập huấn cho cán bộ thuế trở nên chuyên nghiệp hơn, nắm bắt và sử dụng được TaxRis. Hệ thống này là lựa chọn quản lý thu thuế tốt nhất. Hệ thống sẽ tiếp tục được mở rộng trên cơ sở phát triển hạ tầng ở các địa phương. Trong năm 2020, việc tập huấn sẽ được triển hai đối với 40 huyện trên cả nước. Hiện nay, TaxRis đang được vận hành ở 5 huyện của thủ đô Viêng Chăn, dự kiến sẽ được nhân rộng thêm ở 35 huyện trong năm nay.

          Bộ Tài chính đang nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thu thuế nhằm tăng cường tính minh bạch trong ngành tài chinh. Thông qua TaxRis, người nộp thuế được khuyến khích thanh toán thông qua các ngân hàng nhằm giảm thiểu các lỗ hổng tài chính, tăng thu ngân sách nhà nước. (Vientiane Times, 06/10/2020)

Cải thiện môi trường kinh doanh có thể thu hút các doanh nghiệp bố trí lại địa điểm sản xuất

          Ngày 01/10/2020, phát biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo cập nhật kinh tế châu Á - Thái Bình dương của WB, chuyên gia kinh tế cao cấp Aaditya Mattoo hối thúc các quốc gia, bao gồm cả Lào, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất mới.

          Ông Aaditya Mattoo nhấn mạnh, những diễn biến của tình hình quốc tế hiện nay đang làm gia tăng áp lực đối với các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm các cơ sở sản xuất mới. Trả lời báo chí về lời khuyên các nước phải làm gì để thu hút các công ty đa quốc gia bố trí lại địa điểm sản xuất, ông Aaditya Mattoo cho rằng, việc bố trí lại cơ sở sản xuất không phải là một hiện tượng mới, mà đã xuất hiện sau sự cố Tsumany ở Nhật Bản trước đây. Sự cố thảm họa đã buộc các công ty phải đa dạng hóa cơ ở sản xuất của mình sang các nước khác để tránh phụ thuộc vào một quốc gia, đồng thời giảm rủi ro về đầu tư và vận hành doanh nghiệp khi các hoạt động sản xuất ở một quốc gia bị gián đoạn.

          Các bài học rút ra cho thấy, một số công ty không muốn trở về nước mình mà tìm kiếm nước khác nơi có những ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Để thu hút các công ty nước ngoài, các quốc gia cần khởi xướng "cải cách trong nước", đồng thời, cải thiện kết nối khu vực, nâng cấp các điều kiện về giao thông, viễn thông, tài chính và dịch vụ.

          Theo ông Aaditya Mattoo, trong số các nước trong khu vực, Việt Nam là ví dụ điển hình về việc thực hiện hàng loạt đổi mới để thu hút các công ty nước ngoài bố trí lại cơ sở sản xuất.

          Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp QG Lào Doavone Phachanthavong cho biết, Chính phủ đã có chính sách rõ ràng về cải thiện môi trường kinh doanh ở Lào để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai hoạt động ở Lào, trong khi một số khác đã bày tỏ ý định mở rộng sản xuất sang Lào nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Lào trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi và tuyến đường sắt Lào – Trung sắp hoàn thành. Lào có thể trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nhờ các lợi thế so sánh, bao gồm điều kiện xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Lào sang các nước phát triển như EU với thuế quan thấp.

          Theo các nhà quan sát, Lào có thể thu hút các công ty quốc tế đang tìm kiếm cơ hội làm ăn với các đối tác Trung Quốc vì Lào có vị trí gần Trung Quốc và có kết nối giao thông với Trung Quốc, một thị trường với 1,4 tỷ dân. (Vientiane Times, 02/10/2020)

 

HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM

Lào, Việt Nam tăng cường hợp tác, nỗ lực phòng chống Covid-19

          Ngày 01/10/2020, hội nghị giữa hai Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào đã được tổ chức tại cửa khẩu Savan-Lao Bảo để rà soát việc thực hiện các kế hoạch hợp tác song phương gần đây và thảo luận phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

          Tại hội nghị, hai bên thống nhất tiếp tục hợp tác và tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng và kiểm soát dịch Covid-19. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của virus Corona mà hai nước đã và đang triển khai nghiêm ngặt.

          Hội nghị được đồng chủ trì bởi Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam Khampheuy Keokinaly và Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Văn Trung. Trên 100 đại biểu từ các Bộ và cơ quan chức năng của hai nước đã tham dự hội nghị.

          Hai bên hài lòng ghi nhận, sự hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh được duy trì thường xuyên thông qua trao đổi nhân dân trong bối cảnh các biện pháp phòng chống Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt. Hai bên đã thảo luận về thỏa thuận hợp tác 10 năm 2021-2030 và các văn kiện chủ chốt khác, bao gồm tổng kết thực hiện kế hoạch hợp tác 5 năm 2016-2020.

          Thương mại hai chiều giữa Lào và Việt Nam 09 tháng đầu năm 2020 ước đạt 419,7 triệu USD, giảm 14,76% so cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, nhiều dự án đầu tư của Việt Nam cũng bị tạm dừng.

          Hai bên bày tỏ quyết tâm thực hiện các thỏa thuận đã được hai Chính phủ ký kết, bao gồm việc xây dựng Tòa nhà Quốc hội, mua bán điện, xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, đường sắt Lào - Việt Nam và cảng Vũng Áng 1,2,3, dự án muối mỏ Kali tại tỉnh Khammuan và sân bay Noong Khang ở tỉnh Hủa Phăn. (Vientiane Times, 06/10/2020)

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 9 và 9 tháng năm 2020

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 9 và 9 tháng 2020 như sau:

  1. Tháng 9/2020 đạt 89.485.110 USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó,

- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 54.100.089 USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ.

Mặt hàng giữ được đà tăng và tăng mạnh: Dây điện và cáp điện tăng 163,2%  (tháng trước tăng 121,7% ); Sản phẩm từ sắt thép tăng 194,6% (tháng trước tăng 4,3%); Giấy và sản phẩm từ giấy 124% (tháng trước tăng 44%); Sản phẩm từ hóa chất tăng 91,4% (tháng trước tăng 23,1%); Sản phẩm gốm sứ 67,1% (tháng trước 90,9%); Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 20,6% (tháng trước tăng nhẹ 3,5%); Hàng hóa khác tăng 11,3% (tháng trước 11,9%).

Mặt hàng tăng trở lại sau nhiều tháng giảm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng ấn tượng 204,7% (tháng trước giảm -9,8%); Hàng dệt may tăng 80,3% (sau 6 tháng giảm liên tiếp từ tháng 3); Phân bón tăng 37,3% (sau 4 tháng giảm liên tiếp từ tháng 5); Sắt thép các loại tăng 11,7% (sau 2 tháng giảm); Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng nhẹ 4,8% (sau 7 tháng giảm liên tiếp từ tháng 2).

Các mặt hàng quay đầu giảm: Rau quả giảm mạnh -78,1% (sau khi tăng gần như liên tục từ đầu năm); Gỗ và sản phẩm gỗ giảm trở lại -16,8% (giảm suốt từ đầu năm, mới quay đầu tăng trong tháng 8); Kim loại thường khác và sản phẩm giảm nhẹ -0,8% (sau nhiều tháng tăng mạnh)

Các mặt hàng khác tiếp tục giảm: Cà phê -45,7% (tháng trước -76,9%); Clanke và xi măng -76,4% (tháng trước -81,2%); Sản phẩm từ chất dẻo giảm -35,7% (tháng trước giảm -17,6%); Xăng dầu giảm -74,2% (giảm suốt từ đầu năm 2019 đến nay)

- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 35.385.021 USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ.

Mặt hàng giữ đà tăng: Quặng và khoáng sản tăng 76,1% (tháng trước tăng 144,4%; Cao su tăng 76,2% (tháng trước 41,8%);

Mặt hàng quay đầu tăng mạnh sau 4 tháng giảm liên tiếp: Rau quả tăng mạnh 190,1%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 80,7%.

Kim loại thường khác đã nhập khẩu trở lại sau 3 tháng liên tiếp không ghi nhận kim ngạch nhập khẩu nhưng giảm mạnh -82,4% so với cùng kỳ.

Mặt hàng tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm chậm lại: Phân bón các loại giảm -2,5% (tháng trước -27,2%); Hàng hóa khác tiếp tục giảm nhẹ -7,3% (tháng trước -29,2%).

  1. Tổng kết kim ngạch 9 tháng đạt 738.837.758 USD, giảm -10,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 422.163.187 USD giảm -16,4%; nhập khẩu đạt 316.674.571 USD giảm nhẹ -2%

        - Về các mặt hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch và ghi nhận tăng là: mặt hàng sản phẩm từ sắt thép đạt gần 35,9 triệu USD tăng 32%; Rau quả đạt gần 33,7 triệu USD tăng 14,7%; Máy móc thiết bị và phụ tùng đạt gần 31 triệu USD tăng 10,6% (do tăng rất mạnh trong tháng 9)

         Các mặt hàng vẫn giữ được đà tăng: Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 124,4% đạt hơn 11,7 triệu USD; Dây điện và cáp điện tăng 61,3% đạt gần 7,85 triệu USD; Kim loại thường và sản phẩm khác tăng 73% đạt hơn 4,4 triệu USD; Sản phẩm gốm sứ tăng 43,8% đạt 7,6 triệu USD; Sản phẩm từ hóa chất tăng 27% đạt gần 4,7 triệu USD.

         Sản phẩm từ chất dẻo tiếp tục giảm nhẹ -6% đạt gần 8,7 triệu USD do tháng 9 tiếp tục giảm với mức giảm tăng lên.

        Mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhưng vẫn tiếp tục duy trì đà giảm: Xăng dầu giảm -69,3% đạt gần 16,9 triệu USD (giảm suốt từ đầu năm 2019 đến nay); Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -47,4% đạt gần 21,3 triệu USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm -26,9% đạt gần 31 triệu USD; Sắt thép các loại giảm -15,9% đạt hơn 55 triệu USD.

         - Về các mặt hàng nhập khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch quặng và khoáng sản khác tăng 15,7% đạt hơn 20,7 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng nhẹ 2,6% đạt hơn 36,4 triệu USD do tăng khá mạnh trong tháng 9; Hàng hóa khác tăng nhẹ 1,4% đạt hơn 146,6 triệu USD.  

         Kim loại thường khác đã nhập khẩu trở lại trong tháng 9, nhưng 3 tháng liên tục không có kim ngạch nhập khẩu nên so cùng kỳ giảm -30,7% đạt hơn 940.000 USD.

         Mặt hàng cao su mặc dù tăng trong hai tháng 8 và 9 với mức tăng khá ấn tượng nhưng tổng kết 9 tháng vẫn giảm nhẹ -6,7% đạt hơn 70,3 triệu USD; Phân bón giảm -10,9% đạt gần 35,8 triệu USD.  

         Như vậy, tốc độ giảm kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đã chậm lại (mức giảm -10,8% (8 tháng giảm -13%; 7 tháng giảm -14,5%) do kim ngạch cả hai chiều Việt Nam-Lào tháng 9 đã biến chuyển rõ rệt. Nếu tháng 8 kim ngạch xuất khẩu giảm -1,6%  so với cùng kỳ, thì tháng 9 đã đổi chiều tăng nhẹ 1,8%. Kim ngạch ghi nhận tháng 9 đã cho thấy tín hiệu tốt, xu hướng khả quan cho việc thực hiện kim ngạch cả năm sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được Việt Nam kìm chế và kiểm soát tốt, phía Lào không phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, kim ngạch tháng 10 có thể không đạt được mức tăng như đà tăng của tháng 9 do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam có thể sẽ gây gián đoạn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa (Thương vụ Việt Nam tại Lào)

Tiến triển trong dự án đường sắt Thakhaek – Vũng Áng

         Ngày 22/10/2020, công ty Petro Trade Lào và tập đoàn National Consulting Group Sole, Lào đã ký thỏa thuận triển khai nghiên cứu đánh giá tác động môi trường – xã hội để bảo đảm dự án đường sắt Lào – Việt Nam được triển khai phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

         Tháng 10/2019, sau khi được phép của chính phủ Lào, Petro Trade đã hợp tác với các đối tác như Tập đoàn Phát triển đường sắt Indonesia và Công ty Thiết kế kỹ thuật giao thông Việt Nam để triển khai thiết kế dự án. Đây là một dự án phát triển hậu cần có ý nghĩa chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Lào, được cả hai nước ưu tiên cao. Dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội hai nước với việc kết nối thương mại và hậu cần giữa Thakhaek, tỉnh Khammuane và cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự án này cũng phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia của Lào nhằm giảm chi phí vận tải, hậu cần và khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng giao thông. Dự kiến dự án 240km đường ray đơn sẽ được khởi công vào cuối năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. (Vientiane Times, 22/10/2020)

Hợp tác nghiên cứu khả thi trong việc quản lý điều hành phân phối nguồn nước hệ thống thủy lợi bằng công nghệ kỹ thuật số

         Ngày 20/10/2020, tại thủ đô Viêng Chăn, Tổng Giám đốc Unitel Lưu Mạnh Hà và Cục trưởng Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông Lâm Lào Bounkham Sidavong đã tiến hành ký kết Biên bản hợp tác nghiên cứu khả thi trong việc chuyển đổi phương thức quản lý hệ thống tưới tiêu, thủy lợi bằng kỹ thuật số. Tham dự lễ ký có Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Thongphat Vongmani, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Onsi Sengsouk và các khách mời.

Việc ký kết biên bản hợp trên tác nhằm tạo điều kiện để hai bên cùng nhau nghiên cứu, phát triển và dịch vụ chuyên gia, kỹ thuật trong việc quản lý nguồn tài nguyên nước, lao động và chi phí trong sản xuất nông nghiệp bằng kỹ thuật số với trang thiết bị hiện đại, góp phần vào việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030.

         Tại buổi lễ, Cục trưởng Bounkham Sidavong cho biết, việc hợp tác nghiên cứu khả thi với Unitel trong việc chuyển đổi phương thức quản lý điều hành bằng kỹ thuật số là mô hình đang được áp dụng thí điểm, là nội dung hợp tác được ký kết giữa hai bên theo từng lĩnh vực; đặc biệt, nghiên cứu, phát triển hệ thống quản lý điều hành, phân phối nguồn nước tưới trong các hồ chứa nước nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro lũ lụt, hạn hán và nghiên cứu quản lý điều hành hệ thống tưới tiêu cho vùng cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tăng sản lượng cho cây trồng; đảm bảo việc sử dụng nguồn tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả trong từng hộ dân, trang trại và tại các dự án phát triển cây công nghiệp, nông trang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Đồng thời, việc áp dụng mô hình quản lý, điều hành phân phối nguồn nước tưới tiêu thủy lợi bằng kỹ thuật số sẽ giảm thiểu lao động, chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

         Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Unitel Lưu Mạnh Hà cho biết, với sự tin tưởng về uy tín, khả năng cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, công nghệ thông tin của Unitel, Bộ Nông Lâm đã lựa chọn hợp tác với Unitel để nghiên cứu khả thi chương trình quản lý và điều hành hệ thống thủy lợi trong việc phân phối nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi phù hợp với giai đoạn phát triển công nghệ kỹ thuật số 4.0, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu, phát triển trong các lĩnh vực như: Quản lý điều hành phân phối nguồn nước tưới tiêu; quản lý điều hành chăn chăn nuôi; thủy sản; đồng thời qua các chương trình hợp tác sẽ đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin cho Lào. (Báo điện tử KPL, ngày 21/10/2020)

 

HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC

Lào-Trung Quốc

Lào, Trung Quốc tăng cường kết nối khu vực

          Ngày 1/10/2020, theo Vientiane Times, Trung Quốc đã thông tuyến thêm một đường cao tốc nối Nam Trung Hoa tới biên giới Lào như một phần của những nỗ lực nhằm tăng cường kết nối khu vực và thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

          Bên cạnh đó, đường cao tốc Viêng Chăn - Boten đang được xây dựng sẽ kết nối Viêng Chăn với hệ thống đường cao tốc của Trung Quốc giúp giảm thời gian đi lại giữa hai nước.

          Chính phủ Lào và Trung Quốc tin rằng việc tăng cường kết nối thông qua các tuyến đường cao tốc sẽ cải thiện hệ thống đường bộ trong khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch không những chỉ giữa Lào và Trung Quốc mà còn trong toàn bộ khu vực. Đường Tự Xiaomengyang – Mohan được xây dựng năm 2017 hình thành một phần quan trọng Đường cao tốc Côn Minh – Bangkok qua Lào.

          Theo Tân Hoa xã, đường cao tốc thứ hai với chiều dài 49 Km nối từ tỉnh Vân Nam, Đông Nam Trung Quốc tới biên giới Lào mới đây cũng đã được thông tuyến.

          Chính phủ Lào và một công ty Trung Quốc từ Vân Nam hiện đang xây dựng đường cao tốc dài 40 Km nối Viêng Chăn – Boten theo hình thức BOT. Chính phủ Lào nắm giữ 5% cổ phần trong dự án này, trong khi công ty TQ nắm giữ 95% cổ phần với thời hạn nhượng quyền 50 năm. Đoạn Viêng Chăn – Vang Viêng của đường cao tốc này dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành vào cuối năm 2020. Đoạn đường cao tốc này có chiều dài 109,1 Km với chi phí đầu tư 1,3 tỷ USD. Ba đoạn cao tốc dự kiến khác bao gồm cao tốc Vang Viêng – Luang Prabang, Luang Prabang – Oudomxay và Oudomxay – Boten.

          Công ty Liên doanh Phát triển Cao tốc Lào – Trung Quốc dự kiến bắt đầu giai đoạn II của dự án vào cuối năm nay nhưng còn tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ Lào. Hiện vẫn chưa có thông tin khi nào toàn bộ tuyến cao tốc Viêng Chăn – Boten sẽ hoàn thành và kết nối với hệ thống đường cao tốc của Trung Quốc.

          Bên cạnh đó, Trung Quốc đã xây dựng xong tuyến đường sắt tới biên giới Lào để kết nối với đường sắt Lào – Trung. Tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc với chiều dài 414 Km nối Viêng Chăn - Boten với tổng mức đầu tư 5,9 tỷ USD dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. (Vientiane Times, 13/10/2020)

Trung Quốc công bố tăng cường hỗ trợ Lào

          Ngày 14/10/2020, nhân chuyến thăm chính thức Lào theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Vương Nghị công bố Trung Quốc nhất trí hỗ trợ Lào 03 dự án như một phần của các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.

          Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao, 03 dự án bao gồm: (i) Cung cấp vật chất giúp Lào chống dịch sốt xuất huyết; (ii) Thực hiện giai đoạn II dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; và (iii) Cung cấp Chế độ Ưu đãi Chung GSP) đối với 97 sản phẩm xuất khẩu của Lào. Hai bên nhất trí về nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa qua biên giới giữa Lào và Trung Quốc.

          Bên cạnh đó, hai bên nhất trí thực hiện chính sách nhập cảnh nhanh đối với Trung Quốc, qua đó cung cấp một số ưu tiên nhất định cho các cá nhân làm thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt là các nhà ngoại giao, chuyên gia kỹ thuật và lao động nước ngoài cần thiết cho các dự án đặc biệt. Các biện pháp này nhằm thuận lợi hóa hoạt động kinh tế ở Lào trong khi vẫn đảm bảo tiếp tục triển khai các dự án phát triển của Trung Quốc tại Lào trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

          Tại hội đàm, hai Bộ trưởng đã thảo luận về hợp tác trong tương lai, đặc biệt là kế hoạch kỷ niệm 60 năm ngày quan hệ ngoại giao Lào-Trung Quốc trong năm 2021. Hai nước cam kết hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn làn sóng thứ hai của virus Corona.

          Ông Vương Nghị cũng đến thăm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và dừng chân tại Singapore trong thời gian 11-15/10 để củng cố quan hệ với các nước ASEAN.

          Đây là chuyến thăm Lào lần thứ hai của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong năm 2020. Tháng 01/2020, ông Vương Nghị đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về dịch virus Corona và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ 5 tổ chức tại Viêng Chăn.

          Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào với 785 dự án phát triển và tổng giá trị đầu tư là 12 tỷ USD. Các công ty Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực khai khoáng, thủy điện, nông nghiệp, trung tâm mua sắm, đặc khu kinh tế và công nghiệp. Đồng thời, năm 2019, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Lào với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2018.

          Lào ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, tin tưởng rằng sáng kiến này sẽ giúp Lào từ một nước không có biển thành quốc gia kết nối đất liền trong khu vực. (Vientiane Times, 15/10/2020)

Triển khai dự án giảm nghèo do TQ tài trợ tại các tỉnh Luang Prabang và Viêng Chăn

          Ngày 06/10/2020, giai đoạn I của dự án do Trung Quốc tài trợ về giảm nghèo ở các địa bàn nông thôn đã được khai trương nhằm cải thiện đời sống nhân dân ở 30 bản thuộc các tỉnh Luang Prabang và Viêng Chăn.

          Thỏa thuận dự án đã được ký kết giữa Văn phòng Ủy ban Hợp tác Lào – Trung Quốc và đại diện doanh nghiệp Trung Quốc dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Kikeo Chanthaboury. Dự án được tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại 04 tỷ NDT của Trung Quốc nhằm cải thiện cấp nước sạch cho 100 bản, 100 trung tâm y tế, nâng cấp hệ thống điện ở 100 bản và lắp đặt truyền hình kỹ thuật số ở 100 bản. Theo Văn phòng Ủy ban Hợp tác Lào – Trung, sáng kiến này có tên gọi là Dự án 4 x100.

          Giai đoạn I sẽ được thực hiện trong thời gian 18 tháng trên địa bàn 30 bản ở các tỉnh Luang Prabang và Viêng Chăn, trong đó, nước sạch sẽ được cung cấp ở 17 bản thông qua xây dựng một hồ chứa nước và các cơ sở vật chất khác. Trung tâm y tế sẽ được cung cấp cho 7 bản; điện cho 16 bản và tuyền hình kỹ thuật số cho 30 bản. Thời gian bảo hành của dự án là 02 năm. Các giai đoạn II, III, và IV của dự án hiện đang được chuẩn bị.

          Văn  phòng Ủy ban Hợp tác Lào - Trung được Ủy Ban Hợp tác Lào - Trung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ nghiên cứu, giám sát, điều phối các Bộ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thực hiện các hoạt động liên quan đến hợp tác giữa Lào và Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, văn hóa và các lĩnh vực phát triển khác. (Vientiane Times, 08/10/2020)

Lào-Trung hợp tác trong lĩnh vực phát triển khu kinh tế đặc biệt

         Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Ủy ban phát triển và Cải cách Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác nhằm tăng cường năng lực sản xuất và đầu tư trong các khu kinh tế đặc biệt. Đến nay, trong tổng số 12 khu kinh tế tại Lào, Trung Quốc đã xây dựng và đang triển khai 05 khu kinh tế (Saysettha, Boten, Mahana Siphandone, Phoukhieu) và Dự án Nhà máy lọc dầu.

         Khu Kinh tế hỗn hợp Saysettha, thủ đô Viêng Chăn được hình thành từ năm 2011, với tổng diện tích 1.149 ha, do Tập đoàn Đầu tư nước ngoài tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hợp tác với Chính phủ Lào theo tỷ lệ vốn góp 70/30. Hiện đã thu hút được 83 công ty vào đầu tư, riêng Trung Quốc 60 công ty, phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 1 tạo được 653 việc làm. Đặc khu kinh tế Boten, tỉnh Luangnamtha được nâng cấp từ dự án thông thường, đầu tư 100% vốn nước ngoài, với tổng diện tích là 1.640 ha, hoạt động đầu tư đa lĩnh vực; hiện đã triển khai phát triển được 817,59 ha, xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, quy hoạch phân khu, hệ thống kiểm soát ra, vào của cư dân, hệ thống thoát nước, xây dựng các khu văn phòng, khu vui chơi giải trí, kho bãi hàng hóa. Khu kinh tế Phoukhieu, tỉnh Khammuon, thành lập từ 2010, do một doanh nghiệp tư nhân trong nước làm chủ đầu tư, vị trí nằm trên trục đường kết nối giữa tỉnh Khammuon, Lào với Nakhonphanom, Thái Lan; diện tích 4.850 ha, đã có 50 công ty đăng ký đầu tư; đến nay việc đền bù giải phóng mặt bằng được 4.152 ha; đã hoàn thành được một số hạng mục về giao thông, hạ tầng văn phòng, trung tâm thương mại. Khu kinh tế Mahana Siphandone, tỉnh Champasak được hình thành từ 2018, vốn Trung Quốc 80%, doanh nghiệp tư nhân trong nước 20%, thời hạn 50 năm, trên tổng diện tích 9.848 ha, mục tiêu của dự án là phát triển đô thị du lịch. Nhà máy lọc dầu Trung Quốc được xây dựng từ 2014, nằm trong Khu kinh tế hỗn hợp Saysettha, là liên doanh với nhiều thành phần kinh tế, trong đó, Chính phủ Lào góp 20%, còn lại là các doanh nghiệp Trung Quốc, mục đích sản xuất chế biến các sản phẩm liên quan đến xăng, dầu để xuất khẩu và tiêu dùng nội địa Lào; đến nay việc xây dựng nhà máy đã hoàn thành 95%, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đi vào sản xuất các sản phẩm đầu tiên là Diezel, xăng, ga để thông rửa hệ thống ống dẫn, bồn chứa.

          Theo số liệu thống kê, đến nay Lào có tổng số 12 khu kinh tế đặc biệt, thu hút khoảng 5.503 triệu USD, tương đương 46.430 tỷ Kíp, vốn thực hiện đạt 2.697 triệu USD, tương đương 24.880 tỷ Kíp; nộp ngân sách nhà nước 297,26 tỷ Kíp, tạo 43.833 việc làm (Lào có 6.956 lao động, chiếm 16%); nhập khẩu vật tư, nguyên liệu đạt 2.849 triệu USD, tương đương 26.286 tỷ Kíp; xuất khẩu sản phẩm hàng hóa đạt 220 triệu USD, tương đương 2.099 tỷ Kíp. (Nguồn báo cáo của Cục KKĐT, BKHĐT Lào)

Lào-Thái Lan

Hợp tác năng lượng Lào-Thái Lan

          Theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, giai đoạn 2016-2020, Lào và Thái Lan đã ký kết các thỏa thuận hợp tác năng lượng đến 2022 và thời gian tiếp theo. Nhiều công trình dự án thủy điện, nhiệt điện được xây dựng tại Lào, khi hoàn thành đi vào sản xuất sẽ xuất khẩu điện sang Thái với tỷ trọng lớn.

          Theo báo cáo, hiện nay Lào có 05 nhà máy sản xuất điện với tổng công suất lắp đặt là 4.220 MW do tư nhân đầu tư bán điện sang Thái Lan. Tính đến thời điểm hiện nay, Lào đã xuất khẩu điện sang Thái được 3.577,6 MW, đạt 39,75% kế hoạch mua bán mà hai bên đã ký kết. Theo kế hoạch đến năm 2022, sẽ có 04 dự án sẽ hoàn thành, với tổng công suất lắp đặt là 2.635 MW, sẽ xuất khẩu sang Thái là 2.357,3 MW, tương đương 26,19% tổng nhu cầu mua điện của Thái Lan với Lào.

          Các nhà máy điện đã hoàn thành và xuất bán cho Thái Lan từ 2018 bao gồm: Namtheun-Hinboun (500 MW), bán cho Thái là 440 MW, chiếm 87% công suất lắp đặt; Huoiho (152 MW), bán 126 MW, chiếm 83% công suất lắp đặt; Hongsalicnay (1.878 MW), bán sang Thái 1.600 MW, chiếm 78% công suất; Namngum 2 (615 MW), bán sang Thái 615 MW, chiếm 100% công suất; Namthon 2 (1.075 MW), bán sang Thái 960 MW, chiếm 88% công suất.

Hiện có 04 dự án đang triển khai, sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2022 gồm: Namnghiep 1 (290 MW-bán 272 MW), Namkhong Sayabuly (1.286 MW-bán 1.180 MW), Sepien Senamnoi (410 MW-bán 370 MW) và Namtheun 1 (650 MW-bán 520 MW). Các nhà máy trên khi đi vào vận hành sản xuất điện với tổng công suất lắp đặt là 2.636 MW, sẽ xuất bán cho Thái như đã thỏa thuận là 2.342 MW.

          Như vậy, dự kiến đến hết năm 2022, Lào sẽ xuất bán điện sang Thái Lan đạt 5.934,9 MW, tương đương 65,94% lượng điện mà hai bên ký kết vào năm 2016 là 9.000 MW, số còn lại là 3.065,1 MW hai bên sẽ thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. (Nguồn báo cáo của Bộ Năng lượng và mỏ Lào, 20/9/2020)

Lào-Nga

Ủy ban Hợp tác Lào - Nga rà soát các hoạt động hợp tác song phương

          Ngày 06/10/2020, các thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ Lào - Nga về Hợp tác Thương mại, Khoa học và Kỹ thuật đã nhóm họp để xem xét kết quả hợp tác Lào -  Nga và thảo luận kế hoạch trong thời gian tới.

          Hội nghị được chủ trì bởi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Nga. Tại hội nghị, các thành viên Ủy ban và đại biểu từ các Bộ ngành đã sơ kết kết quả hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua và thảo luận phương hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là về các giải pháp thúc đẩy tiếp tục hợp tác theo hướng đưa lại lợi ích tốt nhất đối với Lào. Hai bên thống nhất tăng cường hợp tác song phương và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Để kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ hợp tác song phương giữa Lào và Liên bang Nga, ngày 07/10/2020, Đại sứ quán Nga tại Lào đã tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể với sự tham dự của lãnh đạo Lào và đại diện của tất cả các Bộ ngành.

          Hợp tác giữa Lào và Nga đang tiến triển tốt, thực hiện có kết quả Hội nghị Ủy ban Liên Chính phủ về Thương mại, Kinh tế, và Khoa học - kỹ thuật tổ chức ngày 8/92019 tại Moscow, Nga. Các hoạt động hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, công nghiệp, năng lượng và mỏ, công nghệ viễn thông và thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa và du lịch. Các thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, Ngân hàng CHDCND Lào và Công ty TNHH về hộ chiếu điện tử, dự án in trái phiếu và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục từ 2010 - nay đã được xem xét.

          Hiện nay, khoảng 283 sinh viên Lào đang học tập tại Nga, các lớp tiếng Nga đang được tổ chức tại Trung tâm Khoa học và Văn Hóa Lào - Nga tại Viêng Chăn. (Vientiane Times, 08/10/2020)

Lào-Mỹ

Lào khai trương Văn phòng hỗ trợ pháp lý

          Ngày 12/10/2020, Vientiane Mai đưa tin, lần đầu tiên Bộ Tư pháp Lào mở Văn phòng hỗ trợ pháp lý tại thủ đô Viêng Chăn bằng nguồn viện trợ của Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Bounsavath Boupha, Phó Đô trưởng Viêng Chăn Sihoun Sithiluxay, Đại sứ Mỹ tại Lào Piter Hemon và đại diện các cơ quan liên quan.

          Dự án trên nằm trong chương trình hợp tác tổng thể giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ Chính phủ Lào thực hiện công tác quản lý nhà nước bằng luật pháp, hỗ trợ người dân tiếp cận được hệ thống luật pháp nhiều hơn. Đồng thời, việc hỗ trợ trên nhằm giúp cho Lào là một nước thành viên của ASEAN phát triển một cách tự chủ, độc lập, vững mạnh và hùng cường.

Đây là dự án được triển khai theo nội dung Nghị định thư giữa hai Chính phủ về hỗ trợ tiếp cận đầy đủ hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người dân, với mục tiêu xây dựng một xã hội có an ninh tốt, văn minh và giàu mạnh. Dự án này sẽ hỗ trợ Bộ Tư pháp mở rộng hệ thống Văn phòng Tư pháp tại nhiều tỉnh, địa phương của Lào như Udomxay, Phongsaly, Luang Prabang, Savanakhet, Xayabuly, Salavan, Champasak và tỉnh Viêng Chăn, với hơn 90 văn phòng hỗ trợ pháp lý cấp huyện.

          Chương trình hợp tác hỗ trợ về lĩnh vực tư pháp phù hợp với mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội Quốc gia Lào, giúp Chính phủ Lào thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. (Báo điện tử Vientiane Mai, 12/10/2020)

 

HỢP TÁC LÀO-TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Lào-EU

Lào, EU thảo luận mục tiêu thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp

         Ngày 01/10/2020, Hội nghị Chuyên viên Chung (JEM) về Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về thực thi Luật bảo vệ rừng, quản trị và thương mại các sản phẩm lâm nghiệp (FLEGT) đã được tổ chức tại  Viêng  Chăn với sự tham dự của các đại diện của EU, Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự.

         Hiệp định nhằm xây dựng hệ thống để chứng thực tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ do Lào thu hoạch và xuất khẩu. Hệ thống này sẽ giúp xúc tiến thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp, cải tiến quản trị rừng và tiếp tục đấu tranh chống chặt phá rừng trái phép.

         Vụ trưởng Vụ Lâm nghiệp, Bộ Nông Lâm Sousath Sayakoumamne cho biết, với sự hỗ trợ của EU và Chính phủ Đức thông qua dự án "Bảo vệ và Sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học" (ProFEB) đang được triển khai. Việc phát triển và xác định tính hợp pháp của gỗ có ý nghĩa quan trọng để đạt tới VPA.

         Từ hội nghị lần thứ 3, Lào đã ban hành Luật Đất đai (6/2019), Nghị định về khuyến khích trồng cây thương mại, Nghị dịnh về đánh giá tác động môi trường và các văn bản pháp quy quan trọng khác. Những thay đổi này sẽ giúp làm rõ thêm về những gì được xem là hợp pháp trong VPA giữa Lào và EU. Tại hội nghị, Lào và EU đã rà soát lại 05 định nghĩa về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ. Lào đã đạt được những tiến bộ trong việc xác định tính hợp pháp của gỗ từ các khu bảo tồn, trang trại, rừng bản, đất của các pháp nhân và thể nhân, gỗ tịch thu và nhập khẩu. Lào cũng đã đề ra các hoạt động để kiểm tra trên thực địa việc kiểm soát chuỗi cung ứng và hệ thống chứng nhận nguồn gỗ.

Đại diện Cao ủy châu Âu về Môi trường Gordana Topic nhấn mạnh, EU đang chờ đợi kết quả tiếp theo của công tác về hệ thống bảo đảm tính hợp pháp của gỗ - là thành tố trọng tâm của VPA. (Vientiane Times, 02/10/2020)

Lào-FAO

Chính phủ và FAO cải thiện môi trường đầu tư nông nghiệp

          Ngày 1/10/2020, Chính phủ Lào và Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã khai trương dự án với mục đích tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nhiệp và hệ thống lương thực – thực phẩm.

          Dự án với tài trợ từ Chính phủ Đức nhằm tăng cường kỹ năng của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan để hỗ trợ đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp.

          Phát biểu tại lễ khai trương dự án tại Viêng Chăn với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các Bộ ngành và các đối tác phát triển, Đại diện FAO tại Lào Nasar Hayat nhấn mạnh, để khai thác tiềm năng của ngành nông nghiệp, Lào cần khoảng 41 triệu USD vốn bổ sung hàng năm để đạt hai Mục tiêu Phát triển Bền vững đầu tiên vào năm 2030, trong đó, 34 triệu USD cần đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của Lào. Mặc dù sử dụng 2/3 dân số nhưng nông nghiệp của Lào chỉ đóng góp 16% GDP của cả nước vì năng suất thấp, chưa được hiện đại hóa và các vấn đề khác. Cần thiết phải tăng đẩu tư từ cả khu vực tư nhân và nhà nước để tăng năng suất và thu nhập nông nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Đồng thời, cần thiết phái đảm bảo các khoản đầu tư này có trách nhiệm, có tính bền vững hơn là đánh đổi về môi trường. Dự án sẽ tập trung hỗ trợ các bên liên quan phù hợp với các khung khổ pháp luật, thể chế và khuyến khích đầu tư theo hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp. (Vientiane Times, 19/10/2020)

Lào-UNICEF

UNICEF viện trợ vật tư y tế cho Lào

          Ngày 16/10, tại Viêng Chăn, Trưởng đại diện UNICEF tại Lào Pia Rebello Britto đã trao cho Thứ trưởng Bộ Y tế Lào Phouthone Moungpak gói viện trợ vật tư y tế thiết yếu trị giá 1,16 triệu USD giúp Lào phòng chống Covid 19. Vật tư viện trợ bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị hỗ trợ hô hấp do EU cung cấp tài chính, sẽ được phân phối cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế như Cục Phục hồi – Điều dưỡng, Cục Vệ sinh…

          Phát biểu tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Phouthone Moungpak cho biết Lào đã kiểm soát thành công Covid 19 nhờ sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, song vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng thứ hai. Bà Pia Britto ghi nhận sự hỗ trợ của các đối tác phát triển và các khu vực kinh tế khác nhau đã góp phần nâng cao năng lực của hệ thống y tế Lào trong phòng chống Covid 19. (Vientiane Times, 21/10/2020)

Lào-KOICA

KOICA viện trợ dự án lưu vực sông Nam Ngum

         Ngày 19/10, tại Viêng Chăn, Trưởng đại diện KOICA tại Lào, bà Jeonghee Im và ông Bouathep Malaytham, Tổng Cục trưởng Cục Năng lượng, Bộ Năng lượng – Mỏ cùng ông Phouvong Luangxaysana, Tổng Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã ký Bản ghi nhớ hợp tác, theo đó KOICA sẽ viện trợ 11 triệu USD cho dự án thiết lập hệ thống quản lý nguồn nước và nâng cao năng lực ứng phó thiên tai tại lưu vực sông Nam Ngum.

         Khu vực này là một trong những vùng chứa nước lớn của Lào, chiếm khoảng 44% tổng công suất thủy điện quốc gia với các đập thủy điện được xây dựng trong khu vực.

         KOICA đã triển khai một dự án xây dựng kế hoạch tổng thể về quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Nam Ngum từ năm 2016 đến 2019 và nâng cao năng lực ứng phó thiên tai. Bản ghi nhớ mới đây là bước đi đầu tiên của KOICA triển khai trên thực tế. Thông qua dự án, KOICA sẽ thiết lập một hệ thống quản lý nước cho lưu vực sông Nam Ngum, lớn thứ 4 tại Lào, xây dựng cơ chế dự báo, cảnh báo lũ, kế hoạch sơ tán trong trường hợp hạn hán, lũ lụt. Ngoài ra, dự án cũng giúp nâng cao năng lực tổng thể của các cơ quan liên quan quản lý nước, người dân địa phương và các tổ chức dân sự xã hội tại Lào trong việc quản lý nguồn nước và ứng phó thiên tai, thiết lập và vận hành một hình mẫu quản trị, quản lý nguồn nước. KOICA cũng sẽ triển khai các cuộc diễn tập giả định để bảo đảm an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại tài sản trong tình huống khẩn cấp. (Vientiane Times, 22/10/2020)

 

BẠN CẦN BIẾT

Công ty Công nghiệp thương mại và xây dựng Daovieng Vichit không được chấp thuận thực hiện lập báo cáo khả thi và xây dựng hai dự án đường giao thông theo hình thức BOT

          Ngày 17/8/2020, Cục Khuyến khích đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào ra thông báo tới Công ty Công nghiệp thương mại và xây dựng Daovieng Vichit về việc Chính phủ không chấp thuận đề xuất của Công ty trong việc lập báo cáo khả thi và đầu tư xây dựng hai tuyến đường bộ cao tốc dọc theo triền sông Mekong, từ Nongnokkhien biên giới Lào-Campuchia đến thủ đô Viêng Chăn, có chiều dài 752 km và tuyến đường cao tốc từ biên giới Việt Nam qua tỉnh Attapeu đến tỉnh Champasak, chiều dài 260 km, theo hình thức BOT.

          Tại cuộc họp của Ủy ban Khuyến khích và Quản lý đầu tư lần thứ 12, ngày 30/7/2020 đề xuất của Công ty Daovieng Vichit đã được nghiên cứu, xem xét tính khả thi của dự án và nhu cầu sử dụng đường giao thông bộ hiện nay; theo đó, việc xin phép thực hiện lập báo cáo khả thi và đầu tư xây dựng hai tuyến đường trên của Daovieng Vichit không được chấp thuận.

          Trước đó, Công ty Daovieng Vichit đã tự thuê xây dựng báo cáo khả thi, chia các gói thầu khác nhau để mời chào các nhà đầu tư nước ngoài gồm Úc, Việt Nam tham gia xây dựng các tuyến đường trên. Theo yêu cầu, nhà đầu tư lựa chọn gói thầu và đặt cọc khoản tiền nhất định để có thể tham gia dự án. Tổng số tiền của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đã đặt cọc cho Daovieng Vichit là không nhỏ, lên đến hàng chục tỷ đồng. Gần đây, Daovieng Vichit vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư, yêu cầu cọc tiền tại Việt Nam khi dự án đã được thông báo không chấp thuận.

Một số nhà đầu tư đã đến cơ quan đại diện của Việt Nam đề nghị hỗ trợ lấy lại số tiền đặt cọc cho Daovieng Vichit; tuy nhiên, sự việc này rất khó tháo gỡ do Daovieng Vichit là doanh nghiệp Lào đã từng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Attapeu bị phá sản, không có khả năng trả lại các khoản tiền cọc cho nhà đầu tư.

Để tránh rơi vào tình trạng theo đuổi dự án không có thật, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư, đề nghị các tổ chức, cá nhân Việt Nam không tham gia đấu thầu xây dựng hai dự án trên do Công ty Daovieng Vichit kêu gọi. (ĐSQVN tại Lào, 08/10/2020)

Công ty Phongsubthavy mua 24% cổ phần ở EDL-Gen

         Ngày 8/10/2020, Ủy ban chứng khoán Lào đã chấp thuận Công ty TNHH Xây dựng cầu đường và Thủy lợi Phongsubthavy mua 24% cổ phần của Công ty đại chúng EDL (EDL-Gen) là công ty con của Tổng công ty Điện lực Lào (EDL) và hiện là chủ sở hữu của 14 nhà máy thủy điện.

         6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện do EDL-Gen sản xuất được 881,60 GWh, đạt 85,88% kế hoạch (1.026 GWh). Tổng thu chủ yếu từ bán điện cho EDL, thu thực tế được 463.983 triệu Kíp đạt 11,86% kế hoạch, gồm 435.483 triệu từ bán điện tương đương 93,86% và thu khác là 28.500 triệu Kíp. Chi là 690.988 triệu Kíp tương đương 148,93% tổng thu. Hoạt động kinh doanh lỗ 167.904 triệu Kíp, trong khi lợi nhuận từ cổ phiếu của công ty liên kết và công ty liên doanh lên tới 152.374 triệu Kíp. Tổng lợi nhuận ròng là 15.530 triệu Kíp.

         EDL-Gen được thành lập tháng 12/2010, là công ty đầu tiên đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán Lào (LSX) với vốn đăng ký là 2.605 tỷ Kíp. Hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện. Công ty sau đó đã mua lại 7 nhà máy thủy điện từ EDL là Nậm ngừm 1, Nam leuk, Nậm Mang 3, Nam Song, Xeset 1 và 2 và Selabam.  (Vientiane Times, 08/10/2020)

Sử dụng hệ thống CORS trong việc giám sát và đo đạc đất đai tại Lào

          Ngày 09/10/2020, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào tiến hành tổ chức lễ bàn giao đưa và sử dụng hệ thống Trạm Giám sát và Đo đạc đất đai (CORS) giữa Cục trưởng Cục Tài nguyên đất Anongsone Phommachanh và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Unitex Chanthavong Southitham. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Sommath Phonsena và các đại biểu, khách mời cùng tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Tài nguyên đất Anongsone Phommachanh cho biết kế  hoạch xây dựng hệ thống các CORS được triển khai trên toàn quốc từ năm 2016-2022, cho đến nay đã hoàn thành việc xây dựng 77 trạm, có 22 trạm  đang tiến hành nhập thông tin dữ liệu, lấy điểm tham chiếu CORS, cắm mốc tọa độ theo hệ tiêu chuẩn WGS84. Đến nay, có 22 trạm đã đưa vào sử dụng, triển khai đo đạc, cắm mốc tọa độ, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Theo kế hoạch tiếp sẽ hoàn thành 55 trạm tại 55 huyện, trên 17 tỉnh, thành của Lào đúng kế hoạch đã đề ra.

Việc sử dụng hệ thống GNSS CORS Network là công nghệ hiện đại vào công tác giám sát và đo đạc đất đai là bước tiến mới, lâu dài. Với độ chính xác cao, sử dụng ít nhân lực trong công tác đo đạc trên thực địa, thời gian thực hiện nhanh, chi phí đo đạc thấp, CORS sẽ giúp Chính phủ Lào thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên đất, chính xác, rõ ràng trên toàn quốc trong thời gian tới đây một cách thuận lợi và nhanh chóng. (Báo điện tử Vientiane Mai, 12/10/2020)

Hợp tác dịch vụ thanh toán giữa Ngân hàng ngoại thương Lào và Vadala

          Ngày 25/9/2020, Tổng Giám đốc Ngân hàng ngoại thương Lào (BCEL) Viengsouk Chounthavonghong và Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Phonexay Vadala đã ký kết hợp đồng hợp tác thanh toán các chi phí dịch vụ qua BCEL, trước sự chứng kiến của các cán bộ, chuyên viên hai tổ chức.

          Hợp tác với BCEL để thanh toán các chi phí dịch vụ của Vandala bằng nhiều kênh thông các quầy thanh toán của BCEL, qua điện thoại và BCEL I-bank. Các chi phí dịch vụ công cộng thông qua hệ thống ngân hàng được BCEL triển khai từ năm 2012 và đã được áp dụng rộng rãi trong việc thanh toán các chi phí như điện, nước, tiền điện thoại, thuế, phiếu xăng dầu và lệ phí các loại. Tính đến tháng 6/2020, BCEL đã thiết lập nhiều điểm giao dịch, hơn 400 cây ATM, BCEL One và hơn 16.000 thẻ I-bank I-bank, chiếm thị phần lớn lượng khách hàng sử dụng thẻ thanh toán điện tử trên toàn hệ thống ngân hàng thương mại Lào.

          Việc hợp tác giữa BCEL và Tổ chức tài chính vi mô Vadala tạo thành liên kết mới trong hệ thống thanh toán nhằm mở rộng hoạt động dịch vụ đối với khách hàng, tạo điều kiện cho việc thanh toán các chi phí tiêu dùng thường xuyên của dân chúng ngày một thuận lợi hơn, qua đó góp phần thúc đẩy dịch vụ thu phí dịch vụ xã hội nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí cho xã hội, phù hợp với chủ trương cải cách, đổi mới hoạt động ngân hàng và các tổ chức tín dụng tại Lào ngày càng tiếp cận gần với hệ thống giao dịch quốc tế. (Báo KT-XH, 30/9/2020)

Mexico cấm nhập khẩu thịt lợn từ Lào và 56 nước khác

Ngày 14/10/2020, Vientiane Times đưa tin, Đại sứ quán Mexico tại Lào thông báo Mexico dừng nhập khẩu lợn và sản phẩm lợn từ 57 nước, trong đó có Lào, do sự bùng nổ bệnh tả lợn Châu Phi (ASF) ở khu vực. Theo thông báo, người dân đã lưu trú hoặc quá cảnh qua 57 quốc gia trên phải có xác nhận không tiếp xúc với bất kỳ vật nuôi nào ở trang trại hoặc sở thú trong thời gian lưu trú tại đó trước khi bay tới Mexico.

Đến nay, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu từ Lào sang Mexico chủ yếu là quần áo, thiết bị điện tử, nhựa và cao su. Sản phẩm thịt lợn chưa nằm trong danh mục hàng xuất sang Mexico. Tuy nhiên, do đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại Lào vào tháng 6 năm ngoái, ở một số bản thuộc tỉnh Saravanh, làm chết gần 1.000 con, sau đó, dịch bệnh đã lan đến một số tỉnh miền Trung, miền Bắc và mới nhất ở quận Xienghone, dịch bệnh tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 11 bản trong quận, Chính phủ Lào đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cấm người dân ăn hoặc vận chuyển thịt lợn, tạm dừng nhập khẩu và quá cảnh thịt lợn từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.

Do dịch bệnh, Trung Quốc và Thái Lan cũng đều cấm thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Lào. (Vientiane Times, 14/10/2020)

BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Trịnh Thị Tâm

Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa, Nguyễn Trung Việt

This topic was modified 4 năm trước by Ban Quản trị

   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: