Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 08 - 2023

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
364 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 do Thủ tướng Sonexay Siphandone chủ trì kết thúc vào thứ Sáu (1/9), Chính phủ chỉ đạo thanh tra các công ty khai thác mỏ đã ký thỏa thuận nhượng quyền với Chính phủ và những công ty không thực hiện dự án sẽ bị thu hồi thỏa thuận. Bà Thipphakone Chanthavongsa, người phát ngôn của Chính phủ, trao đổi với truyền thông địa phương, việc tiến hành thanh tra để đảm bảo không có nhà đầu tư nào chỉ giữ mà không thực hiện các dự án. Tại cuộc họp, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra chặt chẽ và chứng nhận chính xác chất lượng, số lượng khoáng sản được khai thác nhằm tối đa hóa lợi ích của nhà nước, đồng thời bảo vệ môi trường.

Cuộc họp thường kỳ trong hai ngày đã đề cập đến nhiều nội dung chương trình nghị sự nhằm tăng cường thu ngân sách, tạo và quản lý ngoại tệ, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính dễ dàng cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng nỗ lực hết sức để triển khai Năm Du lịch Lào 2024. Các cơ quan liên quan được chỉ đạo thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng, địa điểm du lịch, chỗ ở, hoạt động du lịch và sản xuất đồ lưu niệm. Đại biểu tham gia cuộc họp nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực để có thể cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho khách du lịch trong mùa du lịch năm tới. Lào cũng sẽ đảm nhận chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2024. Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 2,7 triệu khách du lịch nước ngoài và tạo ra doanh thu du lịch 401 triệu USD vào năm tới. Điều này sẽ đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Lào hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương Lào tạo điều kiện thuận lợi để giúp các doanh nghiệp tiếp cận tài chính và thu hút đầu tư dễ dàng hơn. Cuộc họp đã đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các chính sách tín dụng nhằm kích thích nền kinh tế và phân phối tài chính cho các doanh nghiệp ở cấp địa phương. Trong bối cảnh tỷ giá hối đoái biến động, Chính phủ đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc quản lý ngoại tệ.

Cuộc họp đã thông báo tóm tắt về thiệt hại do lũ lụt gần đây gây ra tình trạng ngập lụt ở một số tỉnh và những nỗ lực cứu trợ cho đến nay; thảo luận về kế hoạch xử lý các thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra.

Chính phủ đã thống nhất về nguyên tắc dự thảo Luật điều trị mới được soạn thảo và dự thảo sửa đổi Luật Du lịch. Cuộc họp đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ trong tháng 8 và thảo luận về kế hoạch hoạt động trong tháng 9. (Vientiane Times, ngày 28/8/2023)

Bộ Chính trị Lào quyết tâm hành động nhằm đối phó các khó khăn kinh tế

Ngày 03/8/2023, Vientiane Times đưa tin, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng NDCM Lào lần thứ 6 vừa qua đã thông qua Nghị quyết hành động để vượt qua các khó khăn về kinh tế đang diễn ra và ngăn không để Lào rơi vào tình trạng vỡ nợ, đảm bảo đạt mức tăng trưởng 4,5% trong năm nay, giảm tỷ lệ lạm phát và chặn đà mất giá của đồng Kíp.

Hội nghị đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài đã tác động tới nền kinh tế Lào gần đây; những diễn biến phức tạp trên thế giới, căng thẳng và mâu thuẫn có ảnh hưởng tiêu cực tới Lào; đồng thời, Lào đang đối diện với rất nhiều thách thức về thâm hụt ngoại tệ, lạm phát tăng phi mã, đồng Kíp mất giá và chi phí sinh hoạt leo thang. Những thách thức này đã ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ.

Hội nghị yêu cầu từ Trung ương đến địa phương cần vào cuộc cùng với Chính phủ để vượt qua các thách thức và duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước; Chính phủ cần hành động hơn nữa để thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thể sản xuất nội địa; Nông dân và các cơ sở sản xuất cần được hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; Các ngân hàng thương mại cung cấp thêm ưu đãi tín dụng để thúc đẩy sản xuất, thương mại.

Một trong các vấn đề quan trọng được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ ra đó là cần đảm bảo nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu, đầu tư nước ngoài phải đi vào hệ thống ngân hàng trong nước, thay vì chảy ngược ra nước ngoài. 6 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tại Lào đã tăng đến 38,06%, gắn liền với việc đồng Kíp mất giá nghiêm trọng, Lào cần phải tìm ra các nguồn thu thuế mới, ngăn chặn các lỗ hổng thất thoát tài chính, triển khai các chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm giảm chi tiêu công; thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, tích cực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư.

Chính phủ quyết tâm giải quyết khó khăn kinh tế, nỗ lực khắc phục các khu vực bị ảnh hưởng lũ lụt

Ngày 21/8/2023, tại kỳ họp bất thường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone yêu cầu các cơ quan liên quan cần hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết khó khăn kinh tế của đất nước và khẩn trương phục hồi các địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt nghiêm trọng vừa qua.

Đối với các thách thức kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ ngành cần hành động quyết liệt để kìm hãm lạm phát, ổn định tỷ giá tiền tệ và nỗ lực giải quyết nợ công. Đề ra các biện pháp phù hợp, nỗ lực giải quyết các khó khăn kinh tế. Giá xăng dầu 2 tháng qua cũng liên tục được điều chỉnh tăng, gây tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước tăng mạnh.

Đối với việc khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, yêu cầu các đơn vị liên quan nỗ lực phục hồi các khu vực sản xuất, sửa chữa đường sá và khôi phục sinh kế cho người dân các khu vực bị ảnh hưởng. Riêng tỉnh Khammuan, tổng chi phí thiệt hại do lũ lụt đã lên tới 111.8 tỷ Kíp. Lãnh đạo địa phương cho biết, thiệt hại gây ra cho ruộng vườn và khu vực rừng núi đã vượt trên 104 tỷ Kíp trong khi giá trị thu hoạch dự kiến đạt 92 tỷ Kíp cũng bị mất. Ngoài ra, máy móc nông nghiệp bị hư hỏng do lũ lụt có giá trị 619 triệu Kíp, thiệt hại cho các trang trại chăn nuôi và nhà nuôi cá là hơn 11 tỷ Kíp. Các công trình giao thông công chính cũng phát sinh thiệt hại nhiều tỷ Kíp, 6 con đường có tổng chiều dài 33,702km bao gồm cả đường số 8 và số 12 đều bị ảnh hưởng.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thông qua về nguyên tắc hai dự thảo luật mới và ba dự thảo luật sửa đổi, dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận vào thời gian cuối năm nay. (Vientiane Times, 23/8/2023)

Lạm phát tháng 7/2023 giảm nhẹ

Ngày 01/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Cục thống kê Lào công bố, tỷ lệ lạm phát của Lào tháng 7/2023 giảm nhẹ, ở mức 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn ở mức cao. Lào được ghi nhận là một trong số các nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực.

Riêng tháng 7, thực phẩm và thức uống không cồn là những ngành hàng dẫn dắt chỉ số giá tiêu dùng tại Lào, khi tăng đến 37,81% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là ngành nhà hàng - khách sạn (tăng 32,8%), quần áo - giày dép (tăng 28,5%), đồ gia dụng (tăng 24,7%), dịch vụ y tế và dược phẩm (tăng 20,8%), vận tải hành khách - hàng hóa (tăng 14,5%). Theo Cục Thống kê, lạm phát tháng 7 tăng 2,27% so với tháng 6, do tác động của hai nhóm hàng hóa - dịch vụ chính là dịch vụ y tế và dược phẩm (tăng 4,97%), vận tải hành khách - hàng hóa (tăng 4,22%).

Hiện nay, Lào phải nhập đến 70-80% lượng hàng hóa tiêu dùng và nguyên vật liệu sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải định giá sản phẩm dựa trên giá nguyên vật liệu mà họ phải nhập và thanh toán bằng ngoại tệ, vốn tăng giảm hoàn toàn theo cán cân cung - cầu.

Thâm hụt thương mại tháng 7/2023 lên đến 166 triệu USD

Ngày 09/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Cổng Thương mại Lào thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 7, Lào thâm hụt thương mại 166 triệu USD, tăng 40 triệu USD so với tháng 6/2023 và là lượng thâm hụt thương mại cao nhất trong năm nay.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 của Lào đạt 1,025 tỷ USD, nhập khẩu đạt 595 triệu USD, xuất khẩu đạt 429 triệu USD (chưa tính giá trị xuất khẩu điện). Trong đó, muối kali vẫn duy trì vị thế dẫn đầu xuất khẩu với tổng giá trị đạt 55 triệu USD, còn dầu diesel là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất với 65 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu khác bao gồm: giấy và sản phẩm giấy, quặng đồng, quặng sắt, vàng hỗn hợp và vàng thỏi, bột giấy và giấy vụn, đường, quần áo, nước uống, giầy dép. Lào nhập khẩu các mặt hàng bao gồm: phụ tùng, phương tiện giao thông đường bộ, thép và sản phẩm từ thép, thiết bị điện tử, sản phẩm nhựa, xăng dầu và phân bón.

Thái Lan vẫn duy trì là nước xuất khẩu lớn nhất vào Lào, đạt 254 triệu USD, tiếp theo là Trung Quốc (192 triệu USD), Việt Nam (29 triệu USD), Hoa Kỳ (27 triệu USD), Hàn Quốc (15 triệu USD). Các thị trường xuất khẩu chính của Lào bao gồm: Trung Quốc (196 triệu USD), Việt Nam (90 triệu USD), Thái Lan (48 triệu USD), Hongkong Trung Quốc (13 triệu USD) và Hoa Kỳ (11 triệu USD).

Sự thâm hụt thương mại ngày càng tăng của Lào hiện đang là mối quan tâm lớn của Chính phủ khi có thể gây giảm lượng dự trữ ngoại tệ. Các nhà điều hành đất nước đang khuyến khích tăng cường xuất khẩu, giảm nhập khẩu để giữ cân bằng cán cân thương mại. Ngân hàng Trung ương Lào cũng đề xuất siết chặt việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ để giảm thâm hụt thương mại.

Áp dụng mức lương tối thiểu mới từ tháng 10/2023

Ngày 21/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đã thông qua việc tăng mức lương tối thiểu từ 1.300.000 Kíp lên 1.600.000 Kíp, bắt đầu từ tháng 10/2023. Mức lương này chỉ áp dụng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, sau rất nhiều đề nghị nhằm giúp người lao động có thể giảm bớt khó khăn do vật giá ngày càng leo thang. Thông báo của Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào không đề cập đến thu nhập của công chức nhà nước, những người có mức lương cơ bản hiện tại ở mức 1,5-2 triệu Kíp mỗi tháng.

Theo thông tin từ Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, đề xuất tăng lương tối thiểu đã được đưa ra trong phiên họp định kỳ hàng tháng của Chính phủ từ tháng 5/2023 nhằm giảm bớt khó khăn do lạm phát, đồng Kíp mất giá và giá tiêu dùng ngày càng tăng. Các đơn vị đề nghị áp dụng ngay từ tháng 8/2023, tuy nhiên Chính phủ đã phải trì hoãn đến tháng 10/2023 với mức tăng thấp hơn đề nghị (1,6 triệu so với đề nghị là 1,8 triệu Kíp/tháng). Việc tăng lương này được hàng triệu người lao động mong chờ khi đang phải vật lộn với tình trạng khó khăn do kinh tế đi xuống, đồng thời cũng có thể góp phần động viên giới trẻ giảm bớt tình trạng qua Thái Lan tìm việc làm có thu nhập tốt hơn, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào. Cơ quan chức năng bày tỏ sự lo ngại khi ngày càng có nhiều lao động Lào, đa số là trẻ và có kỹ năng đã rời đất nước để đi tìm việc làm mới tại các nước láng giềng, vốn sẽ có thu nhập khá hơn, tiêu biểu như tại Thái Lan. Theo thống kê của Bộ Lao động, Lào hiện có hơn 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, đa số là tại Thái Lan. Các cơ quan chuyên môn cũng đề nghị phía chủ doanh nghiệp cần có sự thông cảm và chia sẻ với người lao động bằng cách tăng lương khi người lao động cũng sẽ góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thực tế tại Lào cho thấy, cho dù mức lương tối thiểu đã tăng thường xuyên trong suốt 30 năm qua, tuy nhiên vẫn không thể theo kịp đà tăng của giá lương thực thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Nhập khẩu năng lượng của EDL tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2023

Ngày 14/8/2023, Vientiane Times đưa tin, tại cuộc họp bán thường niên của Công ty Điện lực Lào (EDL), Giám đốc điều hành EDL Chanthaboun Soukaloun cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay việc nhập khẩu năng lượng của (EDL) đã tăng 208,86% và mức chi tiêu tăng 522,47% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng điện sản xuất ở Lào thấp hơn kế hoạch, nên EDL buộc phải mua điện từ các quốc gia khác để bù đắp cho phần thiếu hụt.

EDL đã mua 1.129 GWh từ Cục sản xuất điện quốc gia Thái Lan (EGAT), bằng 187,52% so với mục tiêu cả năm với tổng trị giá 1.312 tỷ Kíp, tương đương 217,33% so với kế hoạch. Tổng lượng điện mà EDL mua từ các nhà cung cấp điện nước ngoài tại Lào và từ các quốc gia khác là 7.852 GWh, bằng 90,91% kế hoạch năm và có tổng trị giá 9.007 tỷ Kíp tương đương 106,60% kế hoạch năm 2023 và 97,86% năm 2022.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, EDL đã phân phối 7.249 GWh điện, bằng 90,21% so với mục tiêu của năm, với doanh thu 8.187 tỷ Kíp, chỉ bằng 85,35% so với mục tiêu năm 2023. Tuy nhiên ông Chanthaboun cũng cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán điện của EDL cao hơn 100,40% và doanh thu tăng 145,89%. Việc này là do những thay đổi từ doanh thu của các khách hàng không phải là cư dân.

Lào đặt mục tiêu tăng lượng khách du lịch vào năm tới

Ngày 22/8/2023, Vientiane Times đưa tin, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19, lượng khách nước ngoài và nguồn thu từ du lịch của Lào bị sụt giảm mạnh. Trong thời kỳ hậu đại dịch, Chính phủ Lào coi du lịch là ưu tiên hàng đầu nhằm vực dậy nền kinh tế và mang lại nguồn ngoại tệ giúp Lào vượt qua thách thức đang gặp phải. Năm 2024 sẽ là một năm vàng cho ngành du lịch khi Lào với kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện lớn như Diễn đàn Du lịch ASEAN, Hội nghị liên Nghị viện ASEAN lần thứ 45, Năm Du lịch Lào 2024 và hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Vụ trưởng Vụ Tiếp thị Du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Khom Douangchantha cho biết, Chính phủ đang quyết tâm tạo ra động lực lớn để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch và trong bối cảnh biến động toàn cầu vào năm 2024 và 2025. Chính phủ Lào hy vọng năm tới sẽ thu hút ít nhất 4,6 triệu du khách, trong đó khoảng 2,72 triệu du khách nước ngoài và 1,88 triệu du khách trong nước, đạt mục tiêu doanh thu là 712 triệu USD. Để đạt được các mục tiêu này, Lào đang có kế hoạch tăng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện cơ sở vật chất, đào tạo hướng dẫn viên du lịch, sản xuất tài liệu quảng bá du lịch, phát triển mã QR cho các điểm du lịch và xây dựng sổ tay du lịch toàn diện cho du khách.

Từ ngày 22-27/01/2024, Diễn đàn Du lịch ASEAN thường niên sẽ diễn ra tại Thủ đô Vientiane với chủ đề “Du lịch chất lượng và có trách nhiệm duy trì tương lai ASEAN”. Diễn đàn sẽ bao gồm một triển lãm về du lịch, trong đó trưng bày, giới thiệu và mua bán sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Sự kiện sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch Lào tiếp cận trực tiếp với các thị trường mục tiêu của họ đồng thời có thể mua bán các sản phẩm du lịch thông qua các giao diện trực tiếp từ sự kiện.

Ông Khom cho biết, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch đang tập trung cải thiện các sản phẩm du lịch, trong đó đưa hoạt động lễ hội du lịch trọng điểm trở thành loại hình du lịch sự kiện của Lào, giúp các công ty du lịch dễ dàng đưa du khách trải nghiệm môi trường tự nhiên và văn hóa của Lào. Du khách sẽ được đón nhận với sự chào đón nồng nhiệt và lòng hiếu khách chân thành cũng như trải nghiệm những truyền thống văn hóa có nhiều nét độc đáo của Lào. Ngoài ra, chiến dịch quảng bá Năm Du lịch Lào 2024 cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể, các hình ảnh về Du lịch Lào 2024 sẽ được sản xuất cùng với video và quà lưu niệm, đồng thời chiến dịch sẽ được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và trên các trang web vào tháng 9 và tháng 10. Trong tháng 11 và tháng 12, Bộ sẽ tổ chức họp báo và khai mạc Năm Du lịch Lào 2024.

Theo dữ liệu do Cục Phát triển Du lịch thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào công bố, trong sáu tháng đầu năm nay đã có hơn 1,6 triệu du khách quốc tế đến thăm Lào. Số lượng du khách nhiều nhất đến từ Thái Lan (668.595), tiếp theo là Việt Nam (398.937), Trung Quốc (317.604), Hàn Quốc (72.958) và Hoa Kỳ (30.455). Năm 2024, khi Lào đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ 3, Chính phủ hy vọng các đại biểu nước ngoài tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các cuộc họp khác, cũng sẽ dành cơ hội để tới thăm một số điểm danh lam, thắng cảnh ở Lào. Số lượng du khách nước ngoài dự kiến sẽ tăng lên 2,95 triệu người vào năm 2025 và 3,17 triệu người vào năm 2026 trong khi số lượng khách du lịch trong nước dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu vào năm 2025 và 2,14 triệu vào năm 2026.

Một trong những thách thức lớn đối với Lào là thu hút thêm nhiều khách du lịch cao cấp. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lo ngại rằng nếu không khảo sát và quy hoạch đất đai hợp lý cho các dự án phát triển, có thể dẫn đến những thay đổi về môi trường và ảnh hưởng đến du lịch sinh thái ở Lào. Nếu ngành du lịch được phát huy đúng mức, Lào có thể trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, cùng với việc nước này đang dần trở thành một trung tâm kết nối trên đất liền của khu vực.

Ngành du lịch nâng cao kỹ năng cho các hướng dẫn viên để đón làn sóng du khách 2024

Ngày 15/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Viện trưởng Viện Truyền thông đại chúng, Văn hóa và Du lịch trực thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Khamla Nhoisaykham cho biết, năm 2023, khoảng 150 hướng dẫn viên du lịch của các địa phương đã được đào tạo các nội dung về: các quy định về du lịch, luật nhập cảnh, kỹ năng sơ cấp cứu, ngoại ngữ (tiếng Pháp, Anh, Trung và Việt). Để chuẩn bị cho Năm Du lịch Lào 2024, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo cho hơn 80 hướng dẫn viên đồng thời gia hạn chứng chỉ hành nghề cho 120 hướng dẫn viên khác. Các khóa học tiếng Trung sẽ được tổ chức để chuẩn bị cho làn sóng du khách nước này đến Lào

Các địa phương cũng chuẩn bị nhiều chương trình, hoạt động cho năm tới để các đơn vị tổ chức tour có thể xây dựng các tour trọn gói với nhiều lựa chọn hơn. Đồng thời, Bộ đang thiết kế logo, khẩu hiệu cho Năm Du lịch Lào 2024. Vào tháng 9 và tháng 10 năm nay, Ủy ban chỉ đạo quốc gia sẽ họp để xem xét về kế hoạch và ngân sách cho các hoạt động cụ thể năm sau để trình Chính phủ thông qua. Sau đó, vào tháng 11 và 12, Bộ Văn hóa sẽ tổ chức họp báo giới thiệu về Năm Du lịch Lào 2024.

Trước đại dịch Covid-19, Lào đã tổ chức một số chiến dịch xúc tiến du lịch và đạt kết quả tốt, tiêu biểu như năm Du lịch Lào 2018 (thu hút 4,1 triệu du khách, tăng 8,2% so với năm 2017), Năm Du lịch Lào - Trung 2019 (thu hút 4,58 triệu du khách, tăng 9% so với năm 2018), Người Lào du lịch Lào 2022 nhằm phục hồi du lịch sau đại dịch.

Ngành may tiếp tục thiếu lao động

Ngày 28/8/2023, Vientiane Times đưa tin, đại diện Mascot International A/S đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, bà Baykham Khattiya, khi bà đến thăm công ty ở Vientiane vào tuần trước rằng công ty cần hơn 2.000 công nhân Lào trong năm nay (cả lao động có tay nghề và chưa có kinh nghiệm). Nhu cầu của công ty phản ánh nhu cầu của ngành may mặc ở Lào, vốn đòi hỏi hơn 10.000 công nhân trong năm nay.

Một cán bộ ngành lao động cho biết, Bộ trưởng đã đến thăm công ty để kiểm tra việc tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành của các công ty, đặc biệt là việc cung cấp phúc lợi xã hội cho người lao động và thúc đẩy việc mở rộng chương trình an sinh xã hội của Chính phủ sang khu vực tư nhân. Mascot International là một công ty dệt may quốc tế do gia đình điều hành có trụ sở chính tại Parup, phía tây Silkeborg ở Đan Mạch. Mascot International mở nhà máy tại Việt Nam vào năm 2008 và tại Lào vào năm 2013. Bằng cách sở hữu các nhà máy, công ty có thể kiểm soát hoàn toàn quá trình sản xuất để đảm bảo kế hoạch và chất lượng sản xuất tối ưu cho khách hàng của mình.

Tình trạng thiếu lao động trong ngành may mặc, bao gồm cả Mascot International, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này đã làm giảm xuất khẩu hàng may mặc, mặc dù nhu cầu tăng lên.

Số lượng lao động trong ngành may mặc đã giảm kể từ năm 2021 và một nguyên nhân dẫn đến điều này là do lao động Lào mong muốn tìm cơ hội việc làm tốt hơn ở nước ngoài. Theo Hiệp hội May mặc Lào, điều này tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của Lào. Tình trạng thiếu lao động trong ngành may mặc liên quan đến những vấn đề về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và mức lương tương đối thấp. Ngoài ra còn do người lao động hiện có nhiều lựa chọn việc làm hơn như dịch vụ, xây dựng và chế biến. Theo Hiệp hội May mặc Lào, công nhân cũng đã di cư sang các nước láng giềng.

Với gần 2/3 dân số Lào đang trong độ tuổi lao động, đất nước này có tiềm năng rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có lo ngại rằng lạm phát cao, kết hợp với mức lương tương đối thấp, có nghĩa nhiều người lao động chọn làm việc ở các nước láng giềng nơi họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo báo cáo của Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội vào tháng 4, trong năm nay, tổng cộng 31.394 công nhân lành nghề đã rời Lào để làm việc ở nước ngoài, trong đó có hơn 30.200 người sang Thái Lan. Bất chấp mức lương tối thiểu tăng nhẹ trong tháng này, người lao động Lào vẫn phải vật lộn để kiếm sống và tìm kiếm cơ hội việc làm ở các nước láng giềng và các quốc gia khác.

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Ngân hàng Lào yêu cầu được tăng cường hỗ trợ trong quản lý ngoại tệ

Ngày 10/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, ngân hàng CHDCND Lào Phetsathaphone Keovongvichith cho biết, Lào hiện đang lạm phát cao và thiếu dự trữ ngoại hối, tuy vậy nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa cần thiết lại tăng lên. Tỷ lệ lạm phát của Lào hiện thuộc hàng cao nhất trong khu vực, Chính phủ Lào lại đang rất cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài.

Ông Phetsathaphone khẳng định “chúng tôi chắc chắn rằng nếu ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng sẽ tăng dự trữ, giảm lạm phát, sẽ không còn là vấn đề khó khăn như hiện nay”. Tất cả các cơ quan hữu quan của Chính phủ, đặc biệt là các bộ như Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin, Văn hóa và Du lịch cần đảm bảo ngoại tệ thu được từ việc bán đất phải được đưa vào lưu chuyển trong kênh phù hợp, đồng thời với đó đồng Kíp nên được sử dụng trong mua bán các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ khách sạn.

Ông Phetsathaphone kêu gọi người dân và doanh nghiệp chỉ đổi ngoại tệ tại các ngân hàng, để có thể tăng dự trữ ngoại tệ phục vụ cho nhập khẩu. Theo ông Phetsathaphone, ở hầu hết các nước phát triển, chỉ hệ thống ngân hàng là được phép thu đổi ngoại tệ, điều này sẽ đảm bảo việc quản lý tỷ giá hối đoái, kìm hãm lạm phát.

Vụ Quản lý Ngoại hối đang khuyến khích sử dụng đồng Kíp cho tất cả các giao dịch thay vì sử dụng các đồng ngoại tệ như đô la Mỹ, Baht Thái Lan. Theo ông, tập quán thanh toán bằng ngoại tệ cần phải thay đổi, mặc dù việc thay đổi tập quán lâu đời này sẽ không hề dễ dàng. Chính phủ cần nhanh chóng áp dụng Luật Quản lý ngoại hối và triển khai Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát sử dụng ngoại tệ. Nếu mọi cá nhân và mọi tổ chức tuân thủ các quy định đưa ra, tình hình sẽ được cải thiện.

Dự trữ ngoại tệ của Lào hiện chỉ đủ để mua hàng hóa nhập khẩu trong thời gian ba tháng. Điều này hoàn toàn khác với các quốc gia khác trong khu vực nơi có dự trữ ngoại tệ lớn hơn nhiều, đủ để mua hàng hóa nhập khẩu trong 8-10 tháng. Ông Phetsathaphone tin rằng với tiềm năng to lớn của Lào trong xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là khoáng sản, bên cạnh việc nước này ngày càng tăng cường thương mại và đầu tư với các đối tác nước ngoài, cùng với tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, sẽ đảm bảo nền kinh tế Lào phục hồi và giảm tỷ lệ lạm phát.

Trong thời gian tới, Vụ Quản lý Ngoại hối sẽ đưa ra các chiến lược liên quan đến vay nợ nước ngoài, chỉ nên vay theo khả năng trả nợ của mình, sẽ cố gắng khuyến khích sử dụng nhiều hơn đồng Kíp trong thanh toán, đặc biệt là ở các khu vực biên giới, thông qua hợp tác với chính quyền địa phương, đồng thời xác lập các mục tiêu và áp đặt mô hình để thực hiện. Chính phủ sẽ yêu cầu thương nhân chỉ được mua bán sản phẩm bằng đồng Kíp và tất cả hàng hóa đều được quảng cáo theo đồng Kíp. (Vientiane Times, ngày 02/8/2023)

Thủ tướng ủng hộ chuyển đổi nhanh kỹ thuật số

Ngày 03/8/2023, tại phiên khai mạc của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số dưới sự chủ trì của Thủ tướng Sonexay Siphandone, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông, Giáo sư Tiến sĩ Boviengkham Vongdara cho biết, việc chuyển đổi kỹ thuật số được coi là một nhiệm vụ cách mạng quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Lào. Hiện Lào đã và đang đạt được nhiều tiến bộ trong chiến lược tạo dựng một nền kinh tế kỹ thuật số, một xã hội kỹ thuật số và một Chính phủ kỹ thuật số theo định hướng trong tầm nhìn phát triển nền kinh tế số quốc gia 20 năm (2021-2040), Chiến lược phát triển nền kinh tế số quốc gia 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển nền kinh tế số quốc gia 5 năm (2021-2025).

Theo Bộ trưởng Boviengkham, quá trình này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Lào cả trước mắt cũng như lâu dài. Việc tạo ra một nền kinh tế số sẽ cải thiện hiệu quả và gia tăng giá trị cho các hoạt động kinh tế, thương mại, sản xuất, giao nhận, mua bán hàng hoá, dịch vụ và quản lý. Bộ trưởng cho biết thêm, một xã hội kỹ thuật số sẽ cho phép công chúng tiếp cận một cách rộng rã các dịch vụ khác nhau và sẽ giảm bớt sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Một Chính phủ số cũng sẽ giúp quản lý minh bạch hơn các dịch vụ công, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là việc cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT. Bộ Công nghệ và Truyền thông đang chuẩn bị mở rộng việc áp dụng thử nghiệm 5G, đưa Lào thành một trung tâm kết nối và cổng kỹ thuật số của khu vực, đồng thời đảm bảo mức độ an ninh mạng cao.

Thủ tướng Sonexay Siphandone yêu cầu tất cả các bộ, ngành và các tổ chức nghiên cứu xây dựng chi tiết kế hoạch hành động gắn với tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế kỹ thuật số quốc gia và phác thảo các đề xuất cũng như dự án ưu tiên đến năm 2025. Thủ tướng chỉ đạo các bộ đẩy nhanh phát triển hệ thống công nghệ, nhất là mạng viễn thông, internet; nâng cấp Trung tâm Thông tin quốc gia, thiết lập chứng minh nhân dân điện tử và tạo cơ sở dữ liệu số tại mỗi bộ. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải liên kết kỹ thuật số giữa các bộ để có thể chia sẻ dữ liệu, cũng như nâng cấp toàn bộ hệ thống kỹ thuật số của Chính phủ và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong thu chi ngân sách. Các hệ thống kỹ thuật số cũng nên được sử dụng rộng rãi trong tìm kiếm nguồn tài trợ và hỗ trợ ngân sách từ cộng đồng quốc tế.

Theo Thủ tướng, cần có sự hợp tác nhiều hơn với khu vực tư nhân và giành nguồn ngân sách để hỗ trợ cho những hoạt động và dự án được ưu tiên. Những dự án này cần được giám sát chặt chẽ và được báo cáo tiến độ kịp thời để đảm bảo hiệu quả kinh tế và tránh đầu tư trùng lặp. Cuối cùng, thủ tướng cho rằng tất cả cán bộ, nhân viên đều phải có các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản. Kiến thức về kỹ thuật số nên được giới thiệu trên toàn quốc và nên có sự học hỏi các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác. (Vientiane Times, ngày 04/8/2023)

Chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh

Ngày 04/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đang chỉ đạo các ngành liên quan cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, ban hành luật và thực thi một số giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian và các chi phí liên quan khi kinh doanh tại Lào.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết, các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp đã giảm từ 9 xuống còn 2, thời gian đã rút ngắn từ trung bình 173 ngày xuống còn dưới 5 ngày và đăng ký kinh doanh hiện chỉ mất 10 ngày.

Chính phủ đã hoàn thành việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ra mắt trang web cơ sở dữ liệu về chứng nhận hoạt động kinh doanh, thiết lập hệ thống đăng ký kinh doanh và tài khoản doanh nghiệp trực tuyến và sửa đổi các luật khác liên quan đến 15 Bộ. Theo Cục Xúc tiến Đầu tư, tất cả các hoạt động kinh doanh tại Lào đều phải đăng ký, ngoại trừ những hoạt động không bắt buộc phải đăng ký theo quy định của pháp luật có liên quan (như các hoạt động kinh doanh theo mùa vụ).

Theo WB, với số liệu những năm gần đây cho thấy Lào đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng tác động đối với việc giảm nghèo còn thấp, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Để tăng trưởng bền vững hơn và tăng cường tác động tích cực đối với toàn xã hội, Lào đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm. Giải pháp phát triển khu vực tư nhân mạnh là rất quan trọng, và tăng cường tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt là một ưu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Quốc gia hiện nay.    

Theo số liệu của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Lào được xếp hạng 154 trong số 190 quốc gia về Chỉ số Môi trường Kinh doanh năm 2020. Điều đó phản ánh môi trường kinh doanh tại Lào phức tạp và thiếu minh bạch, với nhiều rào cản thương mại và hội nhập khu vực, làm hạn chế sức hấp dẫn của quốc gia này với tư cách là một điểm đến đầu tư. Các nhà đầu tư tại Lào phàn nàn về chi phí kinh doanh cao, thiếu môi trường kinh doanh minh bạch, năng động và hợp lý. Nhìn chung, nền kinh tế Lào hướng nội, chỉ một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với rất ít khoản đầu tư hoặc sự đổi mới của các doanh nghiệp địa phương.

Để hỗ trợ tăng trưởng khu vực tư nhân và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, Lào cần phải tăng cường cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện kết nối với các nền kinh tế láng giềng và nâng cao năng suất của các doanh nghiệp địa phương. Điều đó đòi hỏi phải đơn giản hóa các quy định, làm cho môi trường kinh doanh và thương mại trở nên minh bạch và dễ dự đoán hơn, qua đó tạo sân chơi bình đẳng, khuyến khích gia nhập và tăng cường cạnh tranh. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt mệnh lệnh cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện cam kết cải cách ở lãnh đạo cấp cao.

HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM

Tình hình kim ngạch Việt Nam-Lào 07 tháng đầu năm 2023

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào luỹ kế hết tháng 7 năm 2023 đạt 959 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 309,5 triệu USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Sắt thép các loại (đạt 25.5 triệu USD, giảm 42.8%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 24.3 triệu USD, giảm 28%); Sản phẩm từ sắt thép (đạt 23.9 triệu USD, giảm 9.9%); Hàng rau quả (đạt 21.1 triệu USD, giảm 16.8%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 20.2 triệu USD, giảm 30.4%); Phân bón các loại (đạt 12.1 triệu USD, giảm 48.6%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 8.7 triệu USD, giảm 16.5%); Sản phẩm gốm, sứ (đạt 8.4 triệu USD, tăng 23.1%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 8.1 triệu USD, giảm 14.3%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (đạt 5.2 triệu USD, tăng 18.3%); Hàng dệt, may (đạt 5 triệu USD, giảm 22.9%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 3.6 triệu USD, giảm 37.3%); Clanhke và xi măng (đạt 3.1 triệu USD, tăng 41.9%); Sản phẩm hóa chất (đạt 2.6 triệu USD, tăng 6%); Kim loại thường khác và sản phẩm (đạt 2.3 triệu USD, giảm 34.7%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 2.2 triệu USD, giảm 55.1%); Cà phê (đạt 349.1 nghìn USD, giảm 36%).

Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 649,6 triệu USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: Cao su (đạt 88.9 triệu USD, giảm 31.8%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 59.3 triệu USD, giảm 32.1%); Phân bón các loại (đạt 50.6 triệu USD, tăng 4.1%); Ngô (đạt 21.1 triệu USD, tăng 398.6%); Hàng rau quả (đạt 1.6 triệu USD, giảm 66.8%); Kim loại thường khác (đạt 141.1 nghìn USD, tăng 12%). (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Lào)

HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC

Lào - Trung Quốc

Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn diện với Lào

Ngày 16/8/2023, bên lề Hội chợ triển lãm Trung Quốc-Nam Á lần thứ bảy tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Chánh Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu khi gặp Phó Chủ tịch nước Lào bà Pany Yathotou “Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với Lào”.

Với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Lào đều là các nước xã hội chủ nghĩa có cùng chung lý tưởng và cùng chia sẻ lợi ích chiến lược. Theo Ông, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Lào trên tinh thần tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường sự thống nhất trong chiến lược phát triển nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho hai quốc gia, hai dân tộc. Trung Quốc ủng hộ Lào đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2024 và ủng hộ Lào ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực và trên trường quốc tế. Ông cũng nói thêm Trung Quốc hy vọng Lào sẽ có những đóng góp mới cho hợp tác Trung Quốc-ASEAN.

Về phần mình, bà Pany cho biết Lào sẵn sàng cùng Trung Quốc triển khai những đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã thống nhất, tiếp tục duy trì tiếp xúc chặt chẽ cấp cao, làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy chính trị lẫn nhau, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cùng nhau xây dựng mô hình Cộng đồng chung vận mệnh Lào - Trung.

Đánh giá cao kết quả tốt đẹp của việc hai bên cùng xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường”, bà Pany cho biết việc khai trương và vận hành hiệu quả Tuyến đường sắt Lào-Trung đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân Lào. Bà khẳng định Lào luôn tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng tham gia tích cực vào các chương trình sáng kiến về phát triển, an ninh và văn minh toàn cầu. (Vientiane Times, ngày 18/8/2023)

Lào và Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế

Ngày 21/8/2023, tại Vientiane, Phòng Thương mại Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI), đại diện cho các cộng đồng doanh nghiệp Lào đã có buổi tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc do Ủy ban Hợp tác Công nghiệp RCEP, Hội đồng kinh doanh Trung Quốc - ASEAN (Hội đồng Trung Quốc) dẫn đầu. Hai bên đã trao đổi về các cách thức nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại và đầu tư của Trung Quốc tại Lào.

Trung Quốc hiện nay là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, đối tác thương mại lớn thứ hai và thương mại song phương vẫn tiếp tục gia tăng trong bối cảnh lạm phát của Lào vẫn tiếp diễn. Lào xuất khẩu một lượng lớn nông sản sang Trung Quốc bao gồm: chuối, sắn, ngô, cao su, gạo và dưa hấu, tuy nhiên các tiêu chuẩn đóng góp vẫn còn thô sơ. Tại buổi tọa đàm, đại diện phía Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp Lào về phương thức tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm, trong đó có khâu đóng gói. Các thành viên tham dự tọa đàm cũng trao đổi về các cách thức hợp tác trong thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu và các dự án giáo dục tại Lào.

Ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch LNCCI cho biết, hội thảo đã giúp tăng cường liên kết kinh doanh giữa hai nước, tăng tốc độ phát triển nông nghiệp và được đầu tư tài chính hiệu quả hơn. Lào sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2024, do đó tọa đàm này sẽ là cơ hội tốt cho LNCCI và Hội đồng Trung Quốc thảo luận về cách thức hợp tác và hỗ trợ cho Chính phủ Lào. (Vientiane Times, 25/8/2023)

Khu vực thăm dò quặng kali của Tập đoàn Asia-Potash International dự kiến sẽ hoàn thành trước thời hạn

Ngày 17/7/2023, Cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã tổ chức một cuộc Hội thảo nhằm đẩy nhanh đẩy nhanh tiến độ việc thăm dò dự án trọng điểm quặng kali mới trên diện tích rộng 48.52 km2 ở bản Nonglome, huyện Nongbok, tỉnh Khammuan. Đây là dự án của Tập đoàn Asia-Potash International và dự kiến sẽ hoàn thành vượt trước thời hạn một năm. Dự án được hoàn thành sớm sẽ đóng góp thêm một khoản thuế trị giá 30 triệu USD cho Chính phủ Lào và tăng giá trị khai thác lên hơn 1 tỷ USD.

Hội thảo do Bộ Năng lượng và Mỏ tổ chức dựa trên tiến độ thực hiện thỏa thuận của Asia-Potash International và nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc điều chỉnh mở rộng quyền khai thác cho Tập đoàn này. Tại buổi hội thảo, Cục Địa chất và Khoáng sản đã giới thiệu với các bộ ngành hữu quan chi tiết về dự án và các nội dung của bản thỏa thuận, trong đó tập trung cho việc phân công trách nhiệm của từng bộ ngành nhằm hỗ trợ tiến độ triển khai dự án nhanh chóng và hiệu quả.

Dự kiến, việc cấp phép khai thác đối với 48,52 km2 sẽ thực hiện trước thời hạn 01 năm và toàn bộ dự án sẽ bước vào giai đoạn khai thác trước thời hạn 01 năm. Phó Giám đốc Sở Năng lượng và Mỏ tỉnh Khammuan Khaophone Souklaphan cho biết, công việc thăm dò tổng thể của Asia-Potash International đã và đang tiến triển nhanh chóng. Sau khi ký kết thỏa thuận, Asia-Potash International đã hợp tác với các ban ngành liên quan của Khammuan tiến hành thăm dò và khoan tại khu vực. Chỉ mất 106 ngày để hoàn thành toàn bộ 36 lỗ khoan, phát hiện trữ lượng tài nguyên quặng, nghiên cứu cấu trúc địa chất, thu thập số liệu sử dụng đất trong khu vực. Công ty hiện đã hoàn thành việc tổng hợp tất cả các dữ liệu thăm dò, thông tin địa chất và nộp báo cáo thăm dò chi tiết cho Sở.

Vào tháng 4/2022, Asia-Potash International bắt đầu nộp đơn xin cấp quyền khai thác đối với 48,52 km2 quặng kali tại làng Nonglome. Ngày 28/11/2022, Chính phủ và Asia-Potash International đã chính thức ký kết thỏa thuận thăm dò. Cho đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Asia Potash International đã được cấp phép khai thác với diện tích 214,8 km2 quặng kali tại Lào và đang tiếp tục thăm dò 48,52 km2, dự tính trữ lượng tài nguyên của Tập đoàn là một tỷ tấn kali clorua tinh khiết. Đây là nền móng vững chắc để Tập đoàn này trở thành nhà cung cấp phân kali hàng đầu và đưa Lào trở thành cơ sở sản xuất phân kali lớn thứ tư thế giới.

Phó Tổng Giám đốc Chi nhánh Phân bón Kali Lào của Asia Potash International, ông Zhu Xiangli, cho biết tiến độ ngoài mong đợi của dự án sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội to lớn. Nếu dự án thăm dò hoàn thành trước thời hạn 01 năm, Tập đoàn có thể trả thêm 30 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ Lào. Điều đó cũng sẽ làm cho giá trị đầu ra của dự án tăng hơn 1 tỷ USD và tạo ra hơn 5.000 cơ hội việc làm.

Asia-Potash International là công ty đầu tiên tại Lào sản xuất phân kali công nghiệp và cũng là công ty đầu tiên đạt sức sản xuất một triệu tấn. Asia-Potash International đã trở thành nhà cung cấp phân kali lớn nhất ở Đông Nam Á. Hiện công ty đang duy trì tốc độ theo phương châm “thêm 01 triệu tấn/năm” và dự kiến trong năm nay sẽ đưa dự án 1 triệu tấn thứ 2 đạt tối đa công suất thiết kế và dự án 1 triệu tấn thứ 3 đưa vào vận hành trong năm. Tập đoàn có kế hoạch đạt được công suất sản xuất phân kali là 5 triệu tấn/năm vào khoảng năm 2025 và có mục tiêu trung và dài hạn là 7 đến 10 triệu tấn/năm. Trên cơ sở đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung phát triển và sử dụng toàn diện các nguồn tài nguyên khoáng sản liên quan, đồng thời mở rộng phát triển các dự án chuỗi công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn quặng kali thông qua xúc tiến đầu tư. (Vientiane Times, ngày 08/8/2023)

Đường sắt Trung Quốc-Lào phục vụ hơn 20 triệu lượt hành khách

Theo Global Times, tính đến ngày 15/8/2023, đường sắt Trung Quốc-Lào đã thực hiện vận chuyển tổng cộng 20,09 triệu lượt hành khách, trở thành một kênh “vàng” trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và liên lạc thương mại giữa hai nước và khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại song phương và tăng trưởng cao.

Ngày 13/4/2023, tuyến đường sắt Lào-Trung bắt đầu vận chuyển hành khách xuyên biên giới giữa thủ đô Vientiane, Lào và Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Côn Minh và Viêng Chăn xuống chỉ còn một ngày. Đến tháng 8/2023, tổng cộng 53.000 hành khách từ 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đã di chuyển xuyên biên giới bằng tàu hỏa bắt đầu từ Mohan ở Vân Nam.

Đường sắt Trung Quốc-Lào đã thúc đẩy hiệu quả kết nối khu vực và các lợi ích chung, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, xã hội dọc theo tuyến. Dự án là sự kết nối giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc đề xuất và chiến lược chuyển mình từ quốc gia không giáp biển thành một trung tâm kết nối đất liền của Lào.

Đến nay, tổng cộng 25 tỉnh của Trung Quốc đã sử dụng các chuyến tàu chở hàng xuyên biên giới trên tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, bao gồm các quốc gia và khu vực trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, như Lào, Thái Lan và Myanmar, với các loại hàng hóa bao gồm phân bón và hàng bách hóa, đến các sản phẩm điện tử và trái cây tươi. Tuyến đường sắt này là một kênh hậu cần ổn định và hiệu quả. (Vientiane Times, ngày 22/8/2023)

Lào, Trung Quốc hợp tác sử dụng đồng nội tệ để thúc đẩy thương mại và đầu tư

 Ngày 07/8/2023, Vientiane Times đưa tin, trước dư luận xã hội lo ngại việc đồng tiền của Trung Quốc sẽ đóng vai trò chi phối nền kinh tế Lào sau khi Lào và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác song phương về việc sử dụng đồng tiền nội tệ giữa hai nước thời gian gần đây; Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, ngân hàng Trung ương Lào Phetsathaphone Keovongvicith khẳng định thỏa thuận hợp tác này nhằm mục đích thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước, giảm thiểu rủi ro khi thị trường toàn cầu bất ổn. Nhiều nước đã ký thỏa thuận hợp tác về đồng nội tệ với Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, trong đó có cả các quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc.

Ông Phetsathaphone nói “Trung Quốc là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sự ổn định trong lĩnh vực tài chính và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, chúng tôi đảm bảo rằng sự hợp tác này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư tại Lào”. Sự hợp tác cũng sẽ tăng cường hợp tác tiền tệ và tài chính giữa hai nước. Ông hy vọng việc triển khai hợp tác này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi thị trường toàn cầu bất ổn. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Lào. Giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh trong vài năm qua. Thương mại tăng cao hơn nữa khi Đường sắt Lào-Trung bắt đầu hoạt động.

Lào hiện đang gặp khó khăn trong việc duy trì tỷ giá hối đoái ổn định giữa đồng Kíp và các ngoại tệ như USD, Baht Thái. Giá trị của đồng Baht và USD luôn tăng bất chấp Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để quản lý tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, Chính phủ Lào đang thực hiện các hành động khẩn trương để thúc đẩy tất cả các ngành và mọi người dân trong nước sử dụng đồng Kíp để đảm bảo ổn định kinh tế.

Lào - Thái Lan

Savannakhet - các tỉnh Thái Lan thảo luận khả năng xây dựng đường cao tốc

Ngày 18/8/20232, Vientiane Times đưa tin, cuộc họp gần đây giữa chính quyền tỉnh  và các cựu quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng và Bộ Thương mại Thái Lan, cùng đoàn đại biểu đến từ các tỉnh Sakon Nakhon, Mukdahan, Pattani và Trang của Thái Lan, được tổ chức tại trung tâm hành chính tỉnh Savannakhet nhằm thảo luận về khả năng xây dựng đường cao tốc nối thủ phủ tỉnh Savannakhet với biên giới Lào-Việt, dài 160 km. Cuộc họp diễn ra với sự tham dự của Phó Tỉnh trưởng Savannakhet, Tiến sĩ Sensak Soulisak, và các quan chức từ các ngành liên quan trong tỉnh.

Tiến sĩ Sensak đã trình bày tổng quan về sự phát triển kinh tế ở Savannakhet đồng thời đưa ra các đề xuất liên quan đến các lĩnh vực phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là khả năng xây dựng đường cao tốc giữa trung tâm của tỉnh đến Cửa khẩu Dansavan-Lao Bao, biên giới giữa Việt Nam và Lào. Tuyến đường cao tốc sau khi được xây dựng sẽ nối vùng đông bắc Thái Lan với Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động kinh tế giữa Lào, Thái Lan, Việt Nam và xa hơn là với các quốc gia khác. Tại cuộc gặp, tỉnh Savannakhet đề xuất xây dựng một khách sạn 5 sao và một sân gôn, bên cạnh các đề xuất cải thiện giao thông giữa Lào và Thái Lan.

Tiến sĩ Sensak cho biết, các dự án điện gió là lĩnh vực đang thu hút nhiều đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, bên cạnh nông nghiệp và các lĩnh vực phát triển khác. Phía Thái Lan đã nêu ra các mục tiêu và dự định liên quan đến đầu tư vào các trang trại điện gió tại Savannakhet, xây dựng đường cao tốc cũng như một số dự án đầu tư phát triển kinh tế khác trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và năng lượng. Phía Thái Lan cũng đưa ra các kiến nghị về những nỗ lực phối hợp chung giữa hai bên để hiện thực hóa các kế hoạch phát triển và tìm nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân hỗ trợ cho các chính sách phát triển của tỉnh Savannakhet.

Savannakhet là tỉnh nằm trên Hành lang kinh tế Đông-Tây giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan. Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn và có nhiều tiềm năng. Đây là những điều kiện không chỉ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp mà còn có thể mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân địa phương. Hiện có 21 công ty nước ngoài đang hoạt động tại tỉnh Savannakhet. Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất trong tỉnh, Thái Lan đứng ở vị trí thứ hai.

Bốn chi nhánh ngân hàng Thái Lan ngừng cung cấp dịch vụ tại Lào

Ngày 24/8/2023, Vientiane Times đưa tin, văn phòng Bảo vệ tiền gửi (DPO) Ngân hàng Trung ương Lào thông báo các chi nhánh của 04 ngân hàng thương mại Thái Lan tại Lào đã tự nguyện chấm dứt là thành viên trong DPO và đóng cửa hoạt động do trụ sở chính thay đổi chiến lược kinh doanh. Bốn ngân hàng liên quan là Ngân hàng Quân đội Thái Lan ở Thủ đô Vientiane, Ngân hàng Krungsri Ayudhya ở tỉnh Savannakhet, Ngân hàng CIMB Thai ở tỉnh Vientiane và Ngân hàng Bangkok Pakse ở tỉnh Champassak. Các ngân hàng này khuyến cáo khách hàng đóng tài khoản và rút tiền trước ngày đóng tài khoản. Hầu hết đã thực hiện nhưng vẫn có một số người chưa liên hệ với ngân hàng để rút tiền.

Các chi nhánh ngân hàng này đã chuyển các tài khoản hoạt động dưới 6 năm sang các ngân hàng thương mại khác ở Lào. Tiền gửi tại Ngân hàng Quân đội Thái Lan tại Thủ đô Vientiane đã được chuyển sang Ngân hàng Phát triển Liên hợp (JDB), tiền gửi tại Ngân hàng Krungsri Ayudhya ở tỉnh Savannakhet đã được chuyển sang chi nhánh Ngân hàng Krungsri Ayudhya ở Thủ đô Vientiane, tiền gửi tại Ngân hàng CIMB Thai tại tỉnh Vientiane đã được chuyển cho Ngân hàng Phát triển Lào (LDB), và những khoản tại Ngân hàng Bangkok chi nhánh Pakxe đã được chuyển đến chi nhánh Ngân hàng Bangkok tại Thủ đô Vientiane.

Các tài khoản tiền gửi đã hoạt động hơn 6 năm đã được chuyển sang Ngân hàng Trung ương Lào. Văn phòng Bảo vệ Tiền gửi, với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thông báo cho những người đã gửi tiền vào các ngân hàng Thái Lan này rằng số tiền này đã được chuyển sang các ngân hàng khác, nơi họ sẽ được DPO bảo vệ theo quy định. Chủ tài khoản được mời liên hệ với ngân hàng hiện đang xử lý tài khoản của họ để yêu cầu rút tiền hoặc cho phép các ngân hàng này tiếp tục giữ tài khoản dưới tên của họ.

Tập đoàn Amata nhận hỗ trợ tài chính để đầu tư đô thị thông minh tại Bắc Lào

Ngày 06-8/2023, công ty Amata City Lao, một doanh nghiệp phát triển đô thị thông minh tại phía Bắc Lào đã ký hợp đồng cấp tín dụng với ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM bank), theo đó, Exim bank sẽ cấp khoản vay trị giá 150 triệu baht cho nhà đầu tư để phát triển một khu công nghiệp phức hợp, dự kiến có vị trí tại huyện Natuey, tỉnh Luang Namtha. Đầu năm 2022, tập đoàn Amata, một đơn vị hàng đầu về phát triển và điều hành bất động sản công nghiệp tại Thái Lan đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng khu công nghiệp phức hợp tại huyện Natuey, nơi có tuyến đường sắt Lào – Trung đi qua. Công ty cho biết đã nhận được giấy phép tô nhượng phát triển dự án giai đoạn 1 với diện tích 419 héc-ta và có thể mở rộng đến 200 km2 (20 nghìn héc-ta) trong tương lai.

Khoản cấp tín dụng được ngân hàng Exim bank cấp do nhận thấy triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong việc xây dựng một dự án thông minh, thân thiện môi trường cùng với chính sách không rác thải của Amata City. Đại diện ngân hàng cho biết, ngân hàng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan cùng hội nhập vào chuỗi cung ứng và xây dựng một hệ sinh thái để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tương lai.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Amata, ông Vikrom Kromadit phát biểu rằng, công ty sẽ phát triển một khu công nghiệp phức hợp là hình mẫu của một khu công nghiệp hiện đại có cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng và quản trị môi trường bền vững. Dự án được thiết kế nhằm phục vụ các nhà đầu tư quốc tế trong các ngành logistics, kho vận, cơ khí, cao su và sản phẩm nhựa, công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, hóa – dược phẩm.

Amata là một trong 3 công ty được Chính phủ Lào cho phép xây dựng cảng cạn tại huyện Nateuy để phát triển các dịch vụ giao nhận, vận tải phục vụ tuyến đường sắt Lào – Trung, biến khu vực này thành cửa ngõ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Cùng với tại Nateuy, Amata cũng được Chính phủ Lào cho phép phát triển một dự án đô thị thông minh khác tại huyện Namor, tỉnh Oudomxay, bên cạnh tỉnh Luang Namtha với chi phí đầu tư giai đoạn đầu dự tính khoảng 500 triệu USD. (Vientiane Times, 09/8/2023)

Thai Airways nối lại đường bay Vientiane-Bangkok

Ngày 15/8/2023, buổi lễ công bố quyết định phục hồi đường bay Vientiane-Bangkok của hãng hàng không Thai đã diễn ra sau khi đường bay này bị đình trệ từ tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19. Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Thái Lan tại Lào Morakot Sriswasdi cho biết các đường bay này sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành du lịch Lào, đặc biệt là trong năm 2024 khi Lào đảm nhận cương vị chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với rất nhiều hoạt động, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27 cũng như Triển lãm Du lịch ASEAN lần thứ 42 tại Vientiane vào tháng 01/2024 và chương trình “Du lịch Lào 2024” do Bộ Du lịch Lào tổ chức. Theo thông báo từ Thai Airways, sẽ có hai chuyến bay từ sân bay quốc tế Wattay đến Bangkok vào lúc 13h30 và 20h30 mỗi ngày với tối đa 160 hành khách mỗi chuyến. (Vientiane Times, ngày 17/8/2023)

Lào - Campuchia

Lào và Campuchia triển khai hệ thống thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới.

Ngày 18/8/2023, tại hội thảo lần thứ 13 giữa hai ngân hàng tại thủ đô Vientiane, Ngân hàng Trung ương Lào và Campuchia đã giới thiệu hệ thống thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ bằng mã QR xuyên biên giới dành cho người Campuchia khi đến Lào du lịch hoặc công tác (có tên là KHQR scan LAOQR) bằng cách quét mã QR tại các cửa hàng có QR của ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán. Hình thức tương tự cho người Lào đi Campuchia (LAOQR scan KHQR) cũng sẽ được triển khai vào quý 4 năm nay. Đây là thành quả của việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về đổi mới tài chính và hệ thống thanh toán giữa hai ngân hàng trung ương vào năm 2022 tại Phnompenh. Thỏa thuận cũng cho phép sử dụng song song hai đồng nội tệ, Kíp Lào và Riel Campuchia cho các giao dịch mua bán.

Việc thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR này được thực hiện thông qua liên kết giữa hai hệ thống thanh toán di động LAPNet (Hệ thống Thanh toán quốc gia Lào) và Sponsoring (Ngân hàng ACILIDA Campuchia). 8 ngân hàng tại Lào đang áp dụng hệ thống này bao gồm: BCEL, ACLEDA, Kbank, BIC, APB, LVB, Indochina và STB.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng thảo luận các nội dung liên quan đến kinh tế vĩ mô, triển khai các chính sách tiền tệ, phát triển kinh tế, quản lý ngoại hối, phát triển khu vực ngân hàng và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, các báo cáo về tiến độ kết nối thanh toán giữa hai nước, tình hình hợp tác giữa hai ngân hàng trung ương và kế hoạch cụ thể năm 2023 cũng được trình bày tại sự kiện này. (Vientiane Times, 21/8/2023)

Tìm tuyến mới cho hàng hóa Campuchia sang Trung Quốc

Theo The Phnom Penh Post/ANN, Bộ công chính và vận tải Campuchia đang nỗ lực tìm giải pháp cải thiện việc vận chuyển nông sản Campuchia sang thị trường Trung Quốc do các tuyến đường hiện tại qua Thái Lan và Việt Nam được đánh giá là ngày càng đắt đỏ và thủ tục không đơn giản. Theo đề xuất tuyến đường thương mại mới sẽ từ Phnom Penh qua các tỉnh Kampong Cham, Tbong Khmum, Kratie và Stung Treng đến Lào, sau đó đến Trung Quốc bằng tàu cao tốc. Vì Campuchia, Lào và Trung Quốc đã thiết lập các thủ tục và thỏa thuận cho việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới nên tuyến đường sẽ không gặp trở ngại gì. Tuyến đường được đánh giá tuy xa hơn một chút nhưng chi phí thấp hơn và thủ tục dễ dàng hơn rất nhiều. (Vientiane Times, 31/7/2023)

Lào - Hàn Quốc

Phái đoàn Thương mại Jeju Hàn Quốc hướng tới mở rộng thị trường tại Lào

 Ngày 09/08/2023, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) chủ trì tổ chức Phái Đoàn Thương mại Jeju thăm và làm việc tại Vientiane để quảng bá các sản phẩm từ Hàn Quốc tại Lào và kết nối hai nước trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng nhằm tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc, hướng tới quảng bá, kết nối, mở rộng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Hàn Quốc cho người tiêu dùng Lào.

Jeju là hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc và là một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ đường bờ biển và những bãi biển tuyệt đẹp. Nhiều đặc sản và sản phẩm tiêu dùng đặc biệt tại đây đã được trưng bày và giới thiệu với các doanh nghiệp và công chúng của Lào, như Quýt đảo Jeju nổi tiếng với hương vị tuyệt vời, các loại đồ ăn nhẹ, ngọt như Socola Jeju, đá núi lửa Halla, Coffee Bean Rock, Matcha hữu cơ, các sản phẩm quà lưu niệm, xếp hình nam châm, các sản phẩm chăm sóc da và răng miệng, gà sạch bản địa vv..

Trong thời gian làm việc của Phái đoàn, đã có ít nhất 35 phiên kết nối kinh doanh trực tiếp một-một giữa các công ty Hàn Quốc và Lào, với sự tham gia của 19 công ty Lào. Hai bên đã gặp gỡ, chia sẻ thông tin, thảo luận chi tiết về sản phẩm, tìm hiểu về tầm nhìn và văn hóa kinh doanh của Hàn Quốc, tiềm năng nhập khẩu và nguồn cung ứng sản phẩm của Hàn Quốc cho thị trường Lào.

Theo Ông Kim Pilseong, Tổng giám đốc KOTRA Vientiane cho biết, KOTRA không chỉ giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao từ Hàn Quốc cho các công ty Lào mà còn giúp giao lưu, kết nối doanh nghiệp hai nước và xử lý quy trình nhập khẩu cho các khách hàng Lào. Phái đoàn thương mại là cầu nối giữa các công ty Hàn Quốc và các công ty Lào để chia sẻ, hợp tác, hình thành quan hệ đối tác và quảng bá sản phẩm, tạo cơ hội kinh doanh, nhập khẩu thương mại và tìm nguồn cung ứng các sản phẩm Hàn Quốc cho thị trường Lào.

Ông Kim cho rằng “Lào có thể là một thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng và cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài xúc tiến, đầu tư và mở rộng kinh doanh, đặc biệt khi nền kinh tế Lào được dự báo sẽ tăng 4% vào năm 2023.” (Vientiane Times, ngày 10/8/2023)

Năm 2023, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 2.000 lao động Lào

Ngày 17/8/2023, Vientiane Times đưa tin, năm 2023, khoảng 2000 lao động Lào sẽ có việc làm tại Hàn Quốc qua Hệ thống cấp phép lao động (Employment Permit System - EPS) sau khi vượt qua các kỳ thi ngôn ngữ, kiểm tra y tế và được nhà tuyển dụng phía Hàn Quốc phỏng vấn. Các thông số này được đưa ra tại hội thảo giữa Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Thông tin, văn hóa và du lịch, Đại sứ quán Hàn quốc tại Lào, Trung tâm EPS và các cơ quan truyền thông nhằm giúp tuyên truyền, quảng bá thông tin chính xác đến người lao động Lào.

Theo đại diện Đại sứ quán Hàn quốc, lao động nước ngoài tại Hàn quốc được chia thành hai loại, lao động thời vụ và lao động được tuyển dụng theo chương trình ESP với thị thực nhập cảnh E-9. Với lao động thời vụ làm việc tại các trang trại, Chính phủ Hàn Quốc hiện nay đã thắt chặt các quy định nhằm đảm bảo lao động không trốn ra ngoài.

Được chính phủ Hàn Quốc triển khai từ năm 2004, EPS hiện nay có văn phòng đại diện tại 16 quốc gia, trong đó có Lào. Trung tâm này giúp các lao động nước ngoài có thể tìm được việc làm hợp pháp tại các nhà máy vừa và nhỏ tại Hàn Quốc với đầy đủ các quyền lợi như công nhân bản địa. Thông qua EPS, Chính phủ Hàn quốc cấp quota năm 2023 cho Lào 2.000 lao động với yêu cầu có mong muốn làm việc tại Hàn quốc, sức khỏe tốt và nỗ lực cải thiện kỹ năng làm việc. Ứng viên cần thông qua hai vòng tuyển dụng, ngôn ngữ tiếng Hàn và kỹ năng lao động.

Trước đó, ngày 07/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Lào huy động vốn hỗ trợ lao động tìm việc làm tại Hàn Quốc. Lào đã thành công trong việc cung cấp tài chính hỗ trợ người có thu nhập thấp có khả năng tìm việc tại Hàn Quốc thông qua Công ty TNHH hỗ trợ vốn BNK (thuộc tập đoàn tài chính BNK Hàn Quốc). BNK cho biết, từ nửa đầu năm 2022, MNK đã cung cấp dịch vụ tài chính trị giá 43,5 tỷ Kíp cho 1.074 trường hợp với các khoản vay thông qua công ty dịch vụ việc làm của Lào để người lao động có hoàn cảnh khó khăn có vốn cần thiết để bắt đầu công việc tại Hàn Quốc.

Nông nghiệp là một trong những ngành có nhu cầu lượng lao động lớn. Người lao động sẽ phải hoàn trả số tiền vay vào cuối mỗi tháng, sau khi nhận lương. Mức lương cơ bản cho một lao động Lào thời vụ tại Hàn Quốc là 1.700 USD đến 1.800 USD/tháng.

Hàn Quốc ủng hộ phát triển sản xuất lúa gạo ở Pakngum

Ngày 25/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Lào và Hàn Quốc đang hợp tác phát triển hệ thống sản xuất lúa gạo hiệu quả ở huyện Pakngum, Vientiane thông qua Chương trình cải thiện sản xuất lúa gạo thực hiện bởi Chương trình Hàn Quốc về Nông nghiệp Quốc tế tại Lào (KOPIA) và Viện Nghiên cứu Nông Lâm Quốc gia (NAFRI). Đây không phải là một dự án độc lập do Trung tâm KOPIA điều hành mà là một dự án trọn gói có liên kết chặt chẽ với KRC, một cơ quan của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc và do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Theo đề án, các cánh đồng lúa sẽ được sắp xếp lại để phù hợp với việc sử dụng thiết bị cơ giới hóa và cung cấp nước cho nông dân trên 1.212ha đất, để có thể trồng trọt cả mùa mưa và mùa khô. Dự án sẽ lắp đặt hệ thống thủy lợi hiện đại để cung cấp đủ nước cho trồng lúa. Các hoạt động được thực hiện trong năm nay bao gồm đào tạo về kỹ thuật sản xuất lúa gạo cho 149 thành viên của một nhóm nông dân để họ có thể trồng lúa thương mại, cung cấp 4 xe máy để tạo điều kiện phối hợp giữa cán bộ huyện và bản, và chuẩn bị đất đến nhà máy sấy nhân tạo, kho chứa gạo và các cơ sở khác.

Lào - Nhật Bản

Chính phủ Nhật hỗ trợ phát triển nghề cá tại Xiengkhoang và Savannakhet

Ngày 31/7/2023, Vientiane Times đưa tin, thông qua Chương trình Phát triển Kinh tế Xã hội, Đại sứ Nhật tại Lào Kenichi Kobayashi, đại diện cho Chính phủ Nhật đã trao tặng khoản hỗ trợ các trang thiết bị trị giá khoảng 1,8 triệu USD cho Bộ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp Phet Phomphiphak để nâng cấp nghề đánh bắt cá tại Lào, bao gồm các cơ sở sản xuất cá rô phi giống để các trại nuôi cá tại hai tỉnh Xieng Khuang và Savannakhet có thể tăng năng suất phục vụ người dân.

Đại sứ Kenichi Kobayashi cho biết, cá nước ngọt từ lâu đã là một trong số các nguồn cung cấp đạm động vật, dinh dưỡng quan trọng nhất tại Lào. Đảm bảo nguồn chất đạm và dinh dưỡng này là một vấn đề cấp bách, tuy nhiên cơ sở vật chất cho việc nuôi và đánh bắt cá tại Lào vẫn còn chưa được hoàn thiện. Chính phủ Nhật hi vọng thông qua chương trình, ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tại Lào có thể phát triển và củng cố vững chắc hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Phet Phomphiphak cảm ơn sự hỗ trợ của Nhật và cho biết, chương trình hỗ trợ nghề cá của Nhật đã được bắt đầu từ năm 2001. Thêm nữa, các tình nguyện viên của JICA, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản cũng đang hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao kỹ thuật nghề cá cho Lào.

Lào - Indonesia

Indonesia muốn phát triển liên kết du lịch với Lào

Ngày 31/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Đại sứ quán Indonesia tại Lào phối hợp với Cục Tiếp thị Du lịch, Cục Phát triển Du lịch thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã tổ chức sự kiện Xúc tiến Du lịch Indonesia với chủ đề “Du lịch Indonesia tuyệt vời: Khám phá các điểm đến kỳ quan mới” tại khách sạn Lao Plaza, thủ đô Vientiane tuần qua. Sự kiện được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự bảo trợ của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia và sự tham gia của các lãnh đạo bộ ngành cấp cao, các doanh nghiệp hai nước và các đơn vị tổ chức tour du lịch nội địa Indonesia cũng như các đơn vị tổ chức tour nước ngoài của Lào.

Đại diện Đại sứ quán Indonesia cho biết, sau hơn hai năm đại dịch Covid-19, tình hình du lịch trên thế giới đã có những biến đổi hết sức tích cực, và hai nước cần tận dụng cơ hội để phát triển ngành du lịch của mình, trong đó có phát triển lượng khách Lào du lịch đến Indonesia (5 tháng đầu năm 2023, mới chỉ có 1.150 khách Lào đi du lịch Indonesia). Đại sứ quán Indonesia đề nghị cần tăng cường hợp tác sâu rộng hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp ngành du lịch cả hai nước.

Bà Phonemaly Inthaphone, Cục trưởng Cục Phát triển Du lịch Lào đã chia sẻ về kế hoạch kết nối đường bay giữa Luang Prabang và Bali (Indonesia), tổ chức các khóa huấn luyện về món ăn Indonesia cho nhân viên khách sạn tại Lào và thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước tại sự kiện.

Lào - Brunei

Brunei hướng tới việc mua gạo hữu cơ của Lào

Ngày 08/8/2023, Vientiane Times đưa tin, một phái đoàn Brunei do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Du lịch, Tiến sĩ Abdul Manaf Metussin dẫn đầu, gần đây đã đến thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Ban Chaeng của Mạng lưới Nông dân Lào để nghiên cứu về hệ thống canh tác và chế biến lúa gạo hữu cơ hướng tới việc mua gạo hữu cơ từ Lào, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp theo thỏa thuận của Chính phủ hai nước.

HTX hiện có 32 thành viên trồng lúa với diện tích 180 lày tương đương khoảng 30 ha ở khu vực Ban Chaeng, huyện Thoulakhom, tỉnh Viêng Chăn sản xuất các loại gạo thương phẩm để bán ở thị trường địa phương và cung cấp cho công ty Công ty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Phool Ngeun, bao gồm cả gạo tẻ và gạo nếp. Các thành viên hợp tác xã trồng lúa với diện tích 180 lày trong mùa mưa và 150 lày vào mùa khô, và tổng sản lượng là 30 tấn đến 40 tấn một năm.

Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Phool Ngeun tại quận Xaythany, Viêng Chăn là một trong những nhà sản xuất gạo hàng đầu tại Lào và nhận được sự hỗ trợ tốt từ Chính phủ, đặc biệt là Bộ Nông lâm. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty, bà Dalyvanh Sitpraxay hy vọng chuyến thăm của phái đoàn Brunei sẽ cho phép công ty bắt đầu đàm phán xuất khẩu các sản phẩm gạo của mình sang thị trường nước ngoài. Chuyến thăm cũng là một phần của các cuộc gặp giữa đoàn đại biểu của Chính phủ Lào và Brunei vào cuối tháng trước.

Lào - Úc

Quan hệ đối tác năng lượng bền vững Lào-Úc

Ngày 16/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Lào và Úc sẽ tham gia hợp tác năng lượng tái tạo quan trọng để đảm bảo ngành năng lượng hai nước ổn định, đáng tin cậy và có lợi nhuận. Chương trình Đối tác Năng lượng Bền vững Lào-Úc (LASEP) đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Lào, tập trung vào quy hoạch năng lượng và công nghệ năng lượng tái tạo. Ngân sách dự kiến cho giai đoạn đầu của LASEP là 3 triệu đô la Úc. Cuộc họp ban chỉ đạo LASEP đã diễn ra tại Viêng Chăn trong tuần với đại diện của Chính phủ Lào và Úc và các chuyên gia kỹ thuật nhằm đưa ra định hướng chiến lược cho các hoạt động của LASEP để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Lào; thống nhất kế hoạch làm việc, bao gồm hỗ trợ lập kế hoạch năng lượng toàn diện, tìm hiểu các phương án lưu trữ và phát triển các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và hydro xanh ở Lào…

Úc giúp nông dân Lào làm cỏ bằng máy móc thay thế phương pháp thủ công

Ngày 03/8/2023, Vientiane Times đưa tin, một dự án của Đại học Queensland do Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc tài trợ dự án cải thiện việc kiểm soát cỏ bằng máy cho nông dân Lào khi việc chuyển đổi từ lúa cấy sang gieo thẳng tuy có thể tiết kiệm rất nhiều lao động - khoảng 25 'ngày công'/ha - nhưng lại đang tạo ra một thách thức lớn trong việc kiểm soát cỏ dại mọc quá nhanh. Các nhà khoa học đang cố gắng mang lại một giải pháp khả thi để khai thác tiềm năng lớn của việc hỗ trợ cơ giới hóa trong cải thiện chất lượng cuộc sống cho nông dân ở các nước đang phát triển.

Tiến sĩ Vial cho biết: “Thuốc diệt cỏ có thể được sử dụng nhưng rất khó sử dụng chúng trong mùa mưa ở vùng nhiệt đới, vì vậy chúng tôi đã bắt tay vào một dự án cải thiện khả năng kiểm soát cỏ dại bằng cơ học”. Giải pháp của họ là điều chỉnh máy xới đất giữa các hàng lúa mà không làm hại cây trồng. Với kỹ thuật hiện đại được đưa ra, có thể giúp giảm ¾ số lao động cần thiết hoặc hơn để trồng lúa.

HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC

Lào - EU

Doanh nghiệp xuất khẩu Lào tăng cường đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng nông sản sang EU và Trung Quốc

Ngày 21/8/2023, Bộ Nông Lâm nghiệp Lào với sự hỗ trợ của dự án Hệ thống các Cơ chế tăng cường An toàn trong thương mại (SYMST), dự án ARISE Plus và Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào đã tổ chức một cuộc họp thảo luận về yêu cầu an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật cho nông sản xuất khẩu sang EU tại Vientiane. Những người tham gia cuộc họp gồm hơn 100 nhà xuất khẩu Lào và các quan chức Chính phủ (cả trực tiếp và trực tuyến). Cuộc họp tập trung vào việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật trong xuất khẩu nông sản sang Liên minh Châu Âu và Trung Quốc.

EU là một thị trường sinh lời cho các nhà xuất khẩu của Lào, với tổng giá trị thương mại đạt 533 triệu Euro vào năm ngoái. Các mặt hàng EU nhập khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép và nông sản. Theo số liệu năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Lào, sau Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, chiếm 4,2% tỷ trọng thương mại của Lào. Quan hệ thương mại Lào - EU đang ngày càng lớn mạnh, nhiều tiềm năng tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là các nhà xuất khẩu của Lào cần phải hiểu rõ các quy định và yêu cầu nhập khẩu của EU cũng như các biện pháp kiểm dịch thực vật để đảm bảo cho sự thành công của các giao dịch thương mại. Để xuất khẩu thành công, các nhà xuất khẩu Lào cần tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn cũng như các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS). Đây là những biện pháp được thiết kế để bảo vệ sức khỏe cho cả con người và động, thực vật tránh khỏi những rủi ro liên quan đến sâu bọ, dịch bệnh và các chất gây ô nhiễm.

Để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Lào, dự án ARISE Plus do EU tài trợ thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào đã thành lập một nhóm Chuyên gia nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng cho các mặt hàng xuất khẩu, nhất là việc duy trì các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và Trung Quốc. Giám đốc Dự án SYMST, bà Margareta Funder cho biết, Dự án SYMST đã tạo được sự đồng nhất và hợp lực với dự án ARISE Plus thông qua các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức cho các công ty để cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường. Hỗ trợ kỹ thuật cũng là một nội dung được dự án đưa ra nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, dự án cũng làm việc với các tổ chức cấp quốc gia để nâng cao khả năng thực thi các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Trưởng phòng Hợp tác, Phái đoàn EU tại Lào, Vincent Vire, cho biết “Là một quốc gia nằm trong danh sách các nước kém phát triển nhất, Lào được hưởng nhiều ưu đãi của EU theo chương trình “Mọi thứ trừ vũ khí”. Chương trình này cho phép tất cả các sản phẩm, ngoại trừ vũ khí, được miễn thuế và miễn quota vào thị trường EU, mang lại cho các nhà xuất khẩu Lào nhiều lợi thế và tăng khả năng cạnh tranh của họ”. Trong khi EU là thị trường quan trọng cho nông sản Lào thì các thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, với dân số đông và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn.

Hiểu được các yêu cầu nhập khẩu và các biện pháp kiểm dịch thực vật dành riêng cho từng thị trưởng, các nhà xuất khẩu Lào có thể thâm nhập thị trường EU và Trung Quốc một cách thành công. Và với các sáng kiến như dự án SYMST và ARISE Plus, các nhà xuất khẩu Lào có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ của mình trên thị trường quốc tế. (Vientiane Times, ngày 24/8/2023)

BẠN CẦN BIẾT

Ngân hàng Trung ương Lào phản hồi tin đồn về việc rút ngoại tệ tại Lào

Ngày 21/8/2023, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng CHDCND Lào (BoL) đã ra thông báo về việc chủ tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại tại Lào có thể rút tiền hoặc nhận lãi tiền gửi bằng ngoại tệ tương ứng. Động thái này được đưa ra sau khi một số tin đồn lan truyền trên các trang mạng xã hội rằng chủ tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Lào hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào tài khoản ngân hàng tại Lào sẽ không được rút ngoại tệ, bắt đầu từ tháng 9/2023. Đại diện BOL đề nghị các cá nhân hoặc doanh nghiệp gửi tiền không nên bị tác động bởi các tin đồn vô căn cứ và chỉ tiếp nhận các thông báo từ các nguồn chính thống.

Từ đầu năm 2023, BOL đã yêu cầu 113 điểm đổi ngoại tệ có liên kết với các ngân hàng thương mại ngừng hoạt động, thu giấy phép của các đơn vị này đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại chấm dứt hợp đồng ủy nhiệm đổi tiền. Đây là một trong số các biện pháp mà BoL triển khai nhằm hạn chế tình trạng loạn tỷ giá ngoại tệ tại Lào hiện nay.

Các công trình chức năng khu vực giáp biên của Đặc khu Kinh tế Tam Giác Vàng

sẽ hoàn thành đúng hạn vào năm 2024

Ngày 14/8/2023, Vientiane Times đưa tin, với mục đích thu hút thêm nhiều du khách, các dự án xây dựng cảng đường sông và khu làm việc cửa khẩu biên giới quốc tế của Đặc khu Khu kinh tế Tam giác vàng thuộc huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm tới.

Việc xây dựng bắt đầu được tiến hành vào ngày 5 tháng 5 năm 2023. Công trình của hai dự án nằm trên bờ sông Mekong, gần biên giới, được thiết kế với cảnh quan  đẹp mắt, phù hợp với môi trường tự nhiên. Khu vực xây dựng có diện tích 8.195 m2, dự kiến cuối năm 2024 sẽ được đưa vào sử dụng, bao gồm một toà hành chính với các văn phòng cho hải quan, công an, thuế, một quán cà phê và các khu chức năng khác. Cổng vào tòa nhà văn phòng chính được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống với không gian hiện đại và mang hình ảnh của các dân tộc Lào.

Các doanh nghiệp điều hành Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng cũng đang tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác trong đó có sân bay Quốc tế mới Bokeo. Sân bay được xây dựng tại huyện Tonpheung với chi phí xây dựng 175 triệu USD do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Greater-BayArea (HK) có trụ sở tại Hồng Kông, một thành viên của Tập đoàn Dok Ngiew Kham tài trợ. Sân bay hiện đã hoàn thành hơn 90% và dự kiến khai trương vào cuối năm nay với khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn bao gồm Boeing 747 và Airbus 320.

Tỉnh Bokeo và công ty Huakhong ký thỏa thuận phát triển dự án công viên Hồ Nongthan

Ngày 15/8/2023, Vientiane Times đưa tin, tỉnh Bokeo và công ty Huakhong vừa ký thỏa thuận tô nhượng để xây dựng công viên Hồ Nongthan tại huyện Huayxai. Công viên có tổng diện tích 40 héc-ta được chia thành 20 khu với nhiều chức năng khác nhau như: khách sạn, căn hộ, chung cư, resort, trung tâm thương mại, nhà hàng và bến thuyền với kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 10 triệu USD vốn đầu tư. Chính quyền địa phương hi vọng công viên này sẽ tận dụng các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và điểm du lịch tại chỗ và trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, bền vững với nhiều hoạt động thể dục thể thao, giải trí và thương mại.

Cập nhật tiến độ một số dự án năng lượng tái tạo tại Nam Lào

Ngày 12/8/2023, các tuốc-bin điện gió và cánh quạt đầu tiên đã được vận chuyển từ Thái Lan đến tỉnh Xekong để chuẩn bị lắp đặt cho dự án điện gió Monsoon (Gió Mùa) trên tổng diện tích 1.000 héc-ta tại hai huyện Dakcheung, tỉnh Xekong và huyện Sanxay, tỉnh Attapeu. Tỉnh trưởng Xekong Leklay Sivilay đã đại diện chính quyền địa phương tiếp nhận các trang thiết bị. Với 133 tuốc bin và tổng công suất 600Mw, đây là dự án điện gió lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á và là dự án đầu tiên loại này tại Lào.

Chính phủ Lào đã cho phép cho Công ty TNHH Điện gió Monsoon thực hiện dự án điện gió 600MW tại huyện Dakcheung, tỉnh Xekong và huyện Sanxay ở tỉnh Attapeu. Vào tháng 12/2022, công ty đã ký Biên bản ghi nhớ về việc xây dựng trang trại gió đầu tiên ở Lào và lớn nhất ở ASEAN và sẽ bán lượng điện sản xuất ra cho Việt Nam. Công ty đã đầu tư 930 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành việc lắp đặt các tuabin vào năm 2025. Thời gian nhượng quyền kéo dài 25 năm kể từ khi bắt đầu vận hành, dự án có diện tích khoảng 1.000 ha trải trên 25 ngôi làng. Việc tạo ra năng lượng từ năng lượng gió thân thiện với môi trường và dự án sẽ mang lại lợi ích cho người dân địa phương thông qua cung cấp nhiều cơ hội việc làm.

Liên quan đến sản xuất điện, tháng 10/2022, Chính phủ Lào đã ký bản ghi nhớ với hai công ty Xây dựng Homespun và công ty Công nghệ Môi trường Yangzhou Saiyu để triển khai nghiên cứu khả thi trang trại điện mặt trời tại huyện Khong, tỉnh Champassak. Công tác nghiên cứu khả thi có tổng giá trị 130 triệu USD và được triển khai trong 8 tháng trên diện tích 150,47 héc-ta. Nếu được chấp thuận triển khai thực tế, các tấm panel năng lượng mặt trời với tổng công suất 160 Mw sẽ được lắp đặt trên huyện đảo này và có thể tăng lên đến 500Mw nếu chính quyền địa phương chấp thuận diện tích đất tô nhượng cho dự án là 450-500 héc-ta. (Vientiane Times, 15/8/2023)

Chính phủ ký thỏa thuận cho phép nghiên cứu khả thi dự án điện gió tại tỉnh Savannakhet

Ngày 31/7/2023, đại diện cho Chính phủ Lào, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sathabandith Insisiengmay đã ký bản ghi nhớ với Giám đốc điều hành công ty TNHH Phát triển Năng lượng Savan (SPDC) Surasak Chaiyen để tiến hành nghiên cứu khả thi về dự án điện gió trên khu vực 12.914 héc-ta tại huyện Nong, tỉnh Savannakhet với tổng công suất lắp đặt dự kiến 1.000 MW, sẽ xuất khẩu điện cho Việt Nam thông qua trạm biến áp 500 KV Sepon 2, được kết nối với trạm biến áp Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. SPDC là một công ty con của tập đoàn Nathalin (Thái Lan) chuyên về vận tải dầu - khí, vận tải biển và đầu tư năng lượng sạch (gió, mặt trời) tại các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.

SPDC được đăng ký tại Đặc khu kinh tế Savan Seno, thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet và được chia thành hai nhánh chính. Thứ nhất là kinh doanh về năng lượng (thủy điện, điện gió và năng lượng mặt trời, bao gồm cả đường dây truyền tải và trạm điện) và thứ hai là các trang trại nông nghiệp, công nghiệp hiện đại tại huyện Sepon, cũng như các bất động sản dọc theo hành lang đường sắt Lào - Trung và các đặc khu kinh tế khác.

Dự án được ký sẽ phát triển trang trại điện gió tại địa phương, là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính của tình trạng ấm lên toàn cầu. Dự án cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Lào, vốn có tiềm năng về năng lượng và lợi thế tự nhiên để sản xuất điện, đồng thời cũng tương đồng với mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế hiện đại với chất lượng, thân thiện môi trường và bền vững của Lào. Đây cũng là cơ hội để phát triển chuỗi giá trị năng lượng tuần hoàn, có thể tăng thu nhập, đóng góp cho phát triển công nghiệp và cải thiện điều kiện sinh hoạt, tác động đến các chỉ dấu quan trọng như GDP, việc làm và hệ thống phúc lợi. (Vientiane Times, 11/8/2023)

BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Phan Minh Chiến

Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hồ Đức Dũng


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: