Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 08-2021

1 Bài viết
1 Thành viên
2 Reactions
419 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Kết quả họp phiên thường kỳ tháng 8/2021 của Chính phủ

Từ ngày 23-24/8/2021, Thủ tướng Khamphanh Viphavanh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ Lào khóa IX với sự tham gia của các thành viên Chính phủ. Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã lắng nghe, nghiên cứu, đóng góp ý kiến và thông qua một số văn kiện quan trọng gồm:

trong tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2021 và tổng kết đánh giá kết quả tổ chức thực hiện, các biện pháp phòng chống, kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Báo cáo tiến độ Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc và công tác chuẩn bị trên tất cả các phương diện để chính thức khai thác, sử dụng tuyến đường này.

  1. Báo cáo tiến độ tổ chức thực hiện, biến động chi tiêu ngân sách đối với các đơn vị sử dụng ngân sách chi thường xuyên năm 2021.
  2. Dự thảo Kế hoạch khuyến khích và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp (Start Up) trong giai đoạn tiếp cận với nền kinh tế số.

     5. Dự thảo Báo cáo về Quy định đơn giá xây dựng hạ tầng cơ sở.

  1. Dự thảo Kế hoạch phát triển Công nghiệp chế biến và Tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025.
  2. Các Dự thảo Luật dự kiến sẽ đề xuất tại phiên họp thường kỳ Quốc hội khóa IX gồm: (i) Dự thảo Luật Chính phủ (sửa đổi); (ii) Dự thảo Luật Bưu chính viễn thông (sửa đổi); (iii) Dự thảo Luật Khoa học kỹ thuật cao cấp (mới); (iv) Dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi).
  3. Dự thảo Nghị định về Quản lý kinh doanh Casino.

Khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phankham đã kêu gọi các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ cùng nhau nâng cao trọng trách chính trị của mình, có ý thức sáng tạo và vận dụng kiến thức để việc nghiên cứu thảo luận, đóng góp xây dựng được tập trung, có trọng tâm, bảo đảm sự chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật đối với từng câu hỏi, chủ đề thảo luận để Cuộc họp đạt mục đích và mục tiêu đã đề ra. (KT-XH, 24/8/2021)  

Xu hướng lạm phát tăng và đồng Kíp yếu tác động tiêu cực lên nền kinh tế Lào

            Ngày 01/08/2021, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, Bộ Công Thương, tỷ lệ lạm phát tăng và tình trạng đồng Kíp yếu là những yêu tố góp phần làm cho kinh tế Lào tăng trưởng chậm.

            Trong năm tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lạm phát trung bình khoảng 2.66%, thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng đang có xu hướng tăng. Những nguyên nhân khác gây khó khăn cho nền kinh tế là tình trạng thiếu hụt cung ứng hàng hóa, chi phí vận tải tăng cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Lào. Giá nhiên liệu tăng và các biện pháp phòng chống Covid-19 cũng tạo ra nhiều thách thức đối với việc vận chuyển hàng hóa.

            Giá trị đồng Kíp yếu so với đồng Baht Thái và USD đã đẩy lạm phát tăng do phần lớn các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu thô và sử dụng các trang thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng Kíp mất giá đồng nghĩa với các loại chi phí tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.

            Trong sáu tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, chênh lệch tỷ giá giữa đồng Kíp và USD đã tăng 6,5%; trong khi đó, giữa đồng Kíp và Baht Thái tăng 9,9%.

            USD và các đồng tiền khác trong khu vực đều mạnh hơn so với đồng Kíp, điều đó có nghĩa là người dân Lào khi sử dụng đồng Kíp mua hàng hóa sẽ phải chi nhiều hơn, dẫn tới chi phí nhập khẩu tăng lên và lâm vào cảnh mắc nợ. Thu ngân sách cũng thấp hơn so với trước đây, chủ yếu do du lịch ảm đạm, giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài và giảm nguồn phí sử dụng không phận của ngành hàng không.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách trong 06 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 11,05 nghìn tỷ Kíp, tương đương 40% kế hoạch năm. Trong đó, thu nội địa đạt 9,9 nghìn tỷ Kíp, tương đương 40% kế hoạch năm. Bộ Tài chính dự báo thu ngân sách năm 2021 sẽ không đáp ứng kế hoạch, chỉ đạt khoảng 86% dự toán. Thu ngân sách sụt giảm sẽ gây tăng thâm hụt từ 3,9 nghìn tỷ Kíp (2,17% GDP lên 7,9 nghìn tỷ Kíp (4,33% GDP). (Vientiane Times, 02/08/2021)

Lào thiệt hại trên 05 nghìn tỷ Kíp do thiên tai trong 05 năm qua

Ngày 24/8/2021, Phó Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý thiên tai tỉnh Xayabuly Phetphixay Sounvilay đã chủ trì cuộc họp phổ biến Luật Quản lý thiên tai tới các cấp, ngành của tỉnh Xayabuly.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Phetphixay Sounvilay cho biết, vấn đề rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng ở Lào, với 235 trận lũ lụt, động đất, mưa bão trong vòng 05 năm qua, đã gây thiệt hại trên 05 nghìn tỷ Kíp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của trên 01 triệu dân, làm 100 người tử vong, 45 người bị thương, gây tổn hại đến đời sống xã hội, hoạt động sản xuất và hạ tầng cơ sở.

Riêng tỉnh Xayabuly là một trong những địa phương phải đối mặt với nhiều trận lũ lụt, mưa bão, gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống của người dân và hạ tầng cơ sở, tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội từ cấp cụm bản, huyện đến tỉnh. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân làm gia tăng các vụ thiên tai theo hướng thường xuyên hơn, không theo mùa và khó dự báo. Việc triển khai bộ Luật Quản lý thiên tai sẽ góp phần tăng tính chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân, giảm thiệt hại về người và của cải vật chất toàn xã hội. (KT-XH, 27/8/2021) 

Lào đã hoàn thành 86 nhà máy phát điện

Ngày 18/8/2021, báo KT-XH đưa tin, nhân chuyến thăm, kiểm tra công tác an toàn đập, Cục trưởng Cục Quản lý năng lượng, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào - Buathep Malaykham cho biết cho đến tháng 7/2021, Lào đã hoàn thành đưa vào vận hành 86 nhà máy điện có công suất từ 01 MW trở lên, đang xây dựng 19 nhà máy và có 03 nhà máy sẽ hoàn thành vào cuối năm.

Thông tin cho biết, trong 86 nhà máy trên có 73 nhà máy thủy điện, 08 nhà máy năng lượng mặt trời, 04 nhà máy điện đạm và 01 nhà máy nhiệt than, với tổng công suất lắp đặt là 10.448 MW; 19 nhà máy đang triển khai xây dựng có tổng công suất lắp đặt là 2.584 MW; 03 nhà máy sẽ vận hành tới đây: Namkong 1, Namou 7, Namkong 3.

Khi hoàn thành đưa vào vận hành sản xuất, điện từ các nhà máy phần lớn sẽ được xuất khẩu bán ra nước ngoài, còn lại để tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Lào, cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa; đặc biệt đóng góp tích cực cùng Chính phủ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo. Tính đến nay, đã có trên 95% số hộ dân của Lào được sử dụng điện lưới, hệ thống điện đã đến các vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống người dân vùng dự án.

Trong 06 tháng đầu năm 2021, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu Lào đạt 6.784 triệu USD, trong đó, lĩnh vực điện đóng góp rất quan trọng, suất siêu điện là 735 triệu USD, dự tính có thể tăng thêm 85 triệu USD. (KT-XH, 18/8/2021)  

Lào đối mặt với gia tăng thâm hụt ngân sách

Báo Vientiane Times ngày 29/7/2021 đưa tin, dự đoán thâm hụt ngân sách năm 2021 sẽ tăng từ 2,17% lên 4,33% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thâm hụt leo thang sẽ gia tăng gánh nặng nợ công lên Chính phủ, đặt ra thách thức cho Lào trong việc tìm kiếm nguồn xử lý thiếu hụt.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm nền kinh tế bị gián đoạn với nhiều cửa hàng và nhà máy đóng cửa. Du lịch và đầu tư, một trong số nguồn thu chính của Lào bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách 6 tháng đạt 11,05 tỷ Kip tương đương 40% kế hoạch cả năm. Trong số đó, thu nội địa đạt 9,9 tỷ Kip tương đương 40% mục tiêu cả năm. Bộ dự đoán thu sẽ không đạt mục tiêu của năm 2021, chỉ được 23,6 tỷ Kip, đạt 86% kế hoạch. Dự báo, việc giảm thu có thể khiến gia tăng thâm hụt ngân sách từ 3,9 tỷ Kip (2,7% GDP) lên 7,9 tỷ Kip (4,33% GDP).

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Bounchom Oubonpaseuth cho biết những khó khăn kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến việc thu ngân sách. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không điều chỉnh kế hoạch ngân sách cho năm nay mà tăng cường thu ngân sách và quản lý chi tiêu. Chính phủ sẽ xem xét các biện pháp bổ sung, được đề cập trong Chương trình nghị sự quốc gia về khó khăn kinh tế và tài chính. Chính phủ sẽ tìm cách tăng thu, đặc biệt từ nhập khẩu xăng dầu và một số hàng hóa khác bằng cách nỗ lực xử lý rò rỉ tài chính và nhập khẩu bất hợp pháp. Bên cạnh đó, việc tiến hành cải tiến công tác quản lý khai thác và xuất khẩu khoáng sản sẽ tạo thêm nguồn thu mới cho Chính phủ.

Chính phủ cần giới thiệu các hệ thống điện tử mới nhằm tăng thu ngân sách từ các nguồn trên cả nước. Trong 5 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực giảm nợ công bằng việc giảm thâm hụt tài chính và cắt giảm chi tiêu đối với những dự án không cần thiết, không đảm bảo hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm tìm cách chuyển đổi doanh nghiệp thua lỗ thành các doanh nghiệp liên doanh, đây là một phần trong việc cải tổ nhằm giảm gánh nặng nợ công tạo ra bởi doanh nghiệp nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ gần đây, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự định sẽ giảm thâm hụt ngân sách xuống mức trung bình 2% GDP hàng năm. Tuy nhiên, đó là cuộc chiến khó khăn để đạt được mục tiêu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Vientiane Times, 29/7/2021)

Lào ghi nhận thâm hụt thương mại 99 triệu USD trong tháng 7/2021

Theo số liệu được cập nhật mới nhất trên Cổng thông tin thương mại - Bộ Công Thương Lào, thâm hụt thương mại trong tháng 7/2021 là 99 triệu USD, vượt xa con số 62 triệu USD trong tháng 6, với giá trị kim ngạch xuất khẩu là 374 triệu USD và nhập khẩu 473 triệu USD, tổng kim ngạch hai chiều là 847 triệu USD. Tháng 6, giá trị kim ngạch nhập khẩu 497 triệu USD và xuất khẩu là 435 triệu USD.

Sản phẩm xuất khẩu chính trong tháng 7 là quặng đồng, chuối, vàng hỗn hợp (vàng thỏi), sắn, quần áo, phụ tùng camera, cà phê, đường, cao su, hoa quả (dưa hấu, chanh leo và me) và thuốc lá. Sản phẩm nhập khẩu chính là phương tiện (xe máy và xe đầu kéo), thiết bị điện tử, dầu diesel, thiết bị cơ khí (ngoài phụ tùng xe máy), thép, sản phẩm từ thép, xăng, phụ tùng ô tô (gồm lốp, kính và xích), sản phẩm nhựa, phân bón và chất thải thức ăn công nghiệp.

Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Đức và Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 6 là 149 triệu USD, Việt Nam là 71 triệu USD, Thái Lan là 54 triệu USD, Đức là 8 triệu USD và Mỹ là 8 triệu USD.

Lào nhập khẩu từ Trung Quốc 113 triệu USD, từ Việt Nam 59 triệu USD, từ Thái Lan 253 triệu USD, từ Nhật Bản 6 triệu USD và từ Mỹ 16 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Thái Lan. Kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan tháng 7 là 253 triệu USD tăng lên so với giá trị 225 triệu USD tháng 6 và 227 triệu USD tháng 5/2021.

Tháng 7, trong 374 triệu USD từ xuất khẩu, vàng nguyên chất chiếm 22 triệu USD, chuối chiếm 16 triệu USD, camera và phụ tùng 11 chiếm triệu USD, sản phẩm từ vàng 56 chiếm triệu USD, quần áo chiếm 22 triệu, cà phê thô chiếm 6 triệu USD, đường chiếm 4 triệu USD, cao su chiếm 16 triệu USD, hoa quả (dưa hấu, chanh leo và me) chiếm 4 triệu USD, thuốc lá chiếm 4 triệu USD.

Chính phủ đang làm việc với khu vực tư nhân để tăng sản xuất trong nước, giảm thâm hụt thương mại, đây được xem như một phần Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025 (Vientiane Times, 20/8/2021).

Lào đặt mục tiêu xuất khẩu 1,2 tỷ USD hàng nông sản hàng năm

Phát biểu tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra đầu tháng 8/2021, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm, tiến sỹ Phet Phomphiphak cho biết, Bộ Nông Lâm đang hướng đến thúc đẩy giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản lên 1,2 tỷ USD trong năm nay và năm tiếp theo và tăng lên 3,6 tỷ USD năm 2023. Trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 0,8 tỷ USD/năm.

Theo Tiến sỹ Phet, để đạt mục tiêu đặt ra cho 3 năm tới, Bộ sẽ tập trung vào hai ưu tiên là tăng cường trồng các loại cây đang phải nhập khẩu và các loại cây có thể chế biến để xuất khẩu. Đây là nguồn gia tăng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản.

Bộ sẽ cố gắng thúc đẩy đầu ra cho thức ăn chăn nuôi thông qua công đoạn chế biến, phân bón và hạt giống - hiện nay người dân đang sử dụng với số lượng nhiều và phần lớn là từ nhập khẩu. Bộ cũng hy vọng từ năm 2021-2023, sản xuất trong nước sẽ đạt ít nhất 3,5 triệu tấn gạo mỗi năm; trong đó 2,5 triệu tấn cho tiêu dùng nội địa, 400.000 tấn dự dữ, 100.000 tấn cung cấp cho các nhà máy - chủ yếu cho Công ty Bia Lào, và một số để xuất khẩu.

Bộ sẽ khuyến khích người nông dân chăn nuôi các loại gia súc, cá và trứng, phấn đấu đạt tổng lượng sản xuất 531.000 tấn, cho phép mức tiêu dùng bình quân 69,8kg/người/năm; khuyến khích nông dân trồng thêm rau, gồm cà chua, ngô ngọt và trái cây trên diện tích 261.710 ha đất/năm, với mục tiêu sản lượng hàng năm là 2,12 triệu tấn.

Để sản xuất thêm hàng hóa cho chế biến xuất khẩu, Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu cà phê 500.000 tấn vào cuối năm 2023 tương đương 175.500 tấn/năm và 1,9 triệu tấn ngô ngọt tương đương 636.900 tấn/năm. Các cây trồng khác là chuối, mía, sắn, chè, dưa hấu, đậu, cao su, khoai ngọt.

Để tăng cường hiệu quả nông nghiệp, Bộ sẽ tập trung nhiều hơn theo hướng nông nghiệp sạch với trọng tâm đảm bảo an toàn, xanh và chất lượng như đã nêu trong bộ tiêu chuẩn Sản phẩm nông nghiệp tốt và nông nghiệp hữu cơ phối hợp với sử dụng công nghệ. Bộ cũng tin tưởng rằng làm như vậy sẽ tạo được niềm tin người tiêu dùng và thị trường quốc tế.

Bộ sẽ xúc tiến đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay lãi suất thấp, hỗ trợ kinh doanh dễ dàng hơn và đảm bảo thị trường cho sản phẩm của doanh nghiệp. (Vientiane Times, 23/8/2021) .

Tỷ lệ lạm phát của Lào cao nhất các nước ASEAN

Báo Vientiane Times ngày 27/8/2021 đưa tin, Lào có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong các nước ASEAN do giá lương thực tăng và tỷ giá hối đoái chao đảo. Giá sản phẩm tăng cao gây áp lực cho người dân vốn đã bị quay cuồng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19.

Theo Tổng cục Thống kê Lào tỷ lệ lạm phát tháng 7 đã tăng lên là 4,7%, so với 3,96% của tháng 6. Tổng cục Thống kê Lào dẫn trên tờ Kinh tế Thương mại rằng tỷ lệ lạm phát ở Lào cao hơn Indonesia (1,52%), Thái Lan (0,45%), Philippin (4%), Singapore (2,5%), Malaysia (3,4%) và Việt Nam (2,64%). Tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc chỉ là 1%, trong khi ở Ấn Độ là 5,59%, Úc là 3,8%, Nhật -0,3% và Hàn Quốc 2,6%.

Theo các nhà kinh tế, tỷ lệ lạm phát tăng làm giảm sức mua ở Lào và tăng áp lực lên Chính phủ trong việc kiểm soát giá cả hàng hóa trên thị trường. Các nhà kinh doanh thường dựa vào thị trường song song để mua ngoại tệ, chủ yếu là đồng Baht Thái và đồng Đô la Mỹ để nhập khẩu hàng hóa. Tháng 7/2021, giá hàng nhập khẩu tăng 2,02% so với tháng trước và 6,86% so với cùng kỳ.

Giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 4,44%, giá thông tin liên lạc và vận tải tăng 6,78% so với cùng kỳ. Việc tăng này làm tăng giá ô tô, xe máy và xăng. Giá xăng tăng 25,44% so với cùng kỳ. Lạm phát tăng làm tăng chi phí sống ở Lào, khiến Lào trở thành đất nước tiêu dùng đắt đỏ trong khu vực.

Lào là nước nội lục, nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu gia tăng áp lực cho chính phủ quản lý tỷ giá hối đoái. Tại cuộc họp nội các hôm 23,24/8/2021, Chính phủ cam kết sẽ quản lý kinh tế vĩ mô hơn nữa và ổn định tỷ giá hối đoái. Chính phủ nhất trí tập trung vào việc tạo nguồn thu mới cùng với sử dụng hệ thống điện tử để quản lý nguồn thu. Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết thúc đẩy sản xuất trong nước cả cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu cùng với quản lý nhập khẩu. Một việc cần thiết là phân tích tiềm năng của Lào, kích thích sản xuất thương mại để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nâng cao năng suất để xuất khẩu là một trong những biện pháp của Chính phủ được nêu ra trong Chương trình nghị sự quốc gia về khó khăn kinh tế và tài chính. Chương trình này được Quốc hội phê duyệt hồi đầu tháng khuyến khích sự tham gia của tất cả các khu vực, đặc biệt các công ty tư nhân để sản xuất cho xuất khẩu. 

Một trong những thách thức chính là Lào phải nhập khẩu nhiều sản phẩm cho nông nghiệp, gồm máy móc, phân bón và thức ăn chăn nuôi. Tỷ giá hối đoái chao đảo làm chi phí sản phẩm tăng, khiến các nhà sản xuất bán sản phẩm với giá cao hơn. (Vientiane Times, 27/8/2021)

Xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Lào sáu tháng đầu năm đạt 6.784 triệu USD

Giá trị xuất-nhập khẩu của Lào 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6.784 triệu USD (kể cả xuất nhập khẩu điện) tương đương 52,3% kế hoạch năm 2021, so với cùng kỳ 2020 đã tăng 27,2%, trong đó, giá trị xuất khẩu khoảng 3.760 triệu USD, tăng 33,4% và đạt 57,1% kế hoạch năm 2021. Giá trị nhập khẩu đạt 3.025 triệu USD, tăng 20,2% và đạt 47,4% kế hoạch năm 2021. Những số liệu trên cho thấy trong 6 tháng đầu năm Lào xuất siêu 735 triệu USD. Tuy nhiên, nếu tính tổng xuất nhập khẩu điện thì Lào nhập siêu khoảng 85 triệu USD.

Hàng hóa xuất khẩu chính của Lào là điện, vàng, khoai, kim loại, giấy, chuối và đồ may mặc; nhập khẩu chủ yếu điện, phương tiện, phụ tùng, đồ điện. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng có mức sản xuất cao và xuất khẩu nhiều như vàng, tăng hơn 4 lần so cùng giai đoạn năm ngoái, đồ điện tăng 50,8%, sắn tăng 31%, chuối 26% và cao su tăng 103%.

Các thị trường xuất khẩu chính của Lào là Thái Lan với giá trị 1.331 triệu USD, Trung Quốc 1.312 triệu USD, Việt Nam 734 triệu USD, Nhật Bản 43 triệu USD và Đức 39 triệu USD. Trong khi đó, Lào chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan 1.480 triệu USD, Trung Quốc 660 triệu USD, Việt Nam 255 triệu USD, Nhật Bản 87 triệu USD và Mỹ 127 triệu USD. (Báo KT-XH, ngày 02/8/2021).

5 vấn đề lớn và 4 nguyên nhân chính gây khó khăn cho kinh tế - tài chính Lào

Nền kinh tế Lào phải đối mặt với các thách thức trên nhiều phương diện, bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Sự cạnh tranh và những rào cản thương mại - đầu tư, sự biến động của thị trường vốn quốc tế và sự mất ổn định an ninh chính trị của một số nước đã gây ra những khó khăn cho tình hình kinh tế trên nhiều nước trong đó có Lào. Hơn nữa, sự bùng phát của dịch Covid-19 từ năm 2020 và nạn thiên tai bão lũ hàng năm cũng góp phần gây ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm trong 5 năm qua, từ 7% năm 2016 xuống còn 3,3% năm 2020. Việc quản lý kinh tế vĩ mô khó khăn do thiếu ổn định và thiếu hụt sự luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế. Nợ ngày càng tăng cả trong hệ thống tài chính và tiền tệ, gây khó khăn về mặt kinh tế - tài chính. Tại Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa IX, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Sonexay Siphandone đã tổng kết và đưa ra 5 vấn đề lớn và 4 nguyên nhân chính gây ra khó khăn này như sau:

  1. Hạ tầng kinh tế chưa vững chắc, còn dựa phần lớn vào bên ngoài, chưa xây dựng nền tảng huy động vốn trong nước một cách đầy đủ và bền vững: việc phát triển kinh tế dựa vào dự án đầu tư lớn của nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng - khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng (sử dụng lượng vốn lớn, song một số dự án lại có hiệu quả thấp); sản xuất trong nước còn dựa vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa và chưa vững mạnh; môi trường kinh doanh và chính sách khuyến khích chưa tạo điều kiện và thu hút đầu tư có chất lượng theo thế mạnh của Lào.
  2. Thiếu cân đối ngân sách ở mức cao: thu ngân sách vào GDP giảm từ khoảng 17% các năm 2013-2015 xuống còn 15% năm 2019 và hiện nay chỉ còn ở ngưỡng 11-12% GDP. Nguyên nhân chính là do hệ thống thu ngân sách chưa vững chắc, hiện đại, gây thất thoát nhiều và một số cơ sở thu ngân sách đã bị dỡ bỏ; chi ngân sách cho những khoản không cần thiết và gây lãng phí; bộ máy nhà nước còn cồng kềnh và chồng chéo, chi phí cho việc vận hành còn cao; chi để khắc phục hậu quả thiên tai và trả nợ, dẫn đến thâm hụt ngân sách ở mức cao so với các nước trong khu vực (khoảng 5-10% GDP).
  3. Nợ công tăng cao: thiếu hụt ngân sách ở mức cao liên tục là nguyên nhân khiến Lào phải vay thêm, dẫn đến nợ công có xu hướng ở mức cao hơn 60%. Quan trọng hơn, việc vay vốn nước ngoài để đầu tư vào các dự án có giá trị lớn trong thời gian qua không tạo nền tảng kinh tế vững chắc, hiệu quả thấp, không tạo ra thu nhập trực tiếp để bù vốn đầu tư vay, nhiều dự án không thể trả được lãi suất tiền vay.
  4. Thiếu cân đối thanh khoản ngoại tệ ở mức cao: thiếu cân đối ngoại tệ đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, thu nhập ngoại tệ từ việc xuất khẩu không được quay vòng vào kinh tế trong nước do cơ chế quản lý nguồn thu ngoại tệ vẫn chưa chặt chẽ; đầu tư nước ngoài sử dụng vốn vay là chủ yếu; nhập khẩu nhiều hàng hóa cho nhu yếu phẩm và phục vụ sản xuất trong nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài ngày càng tăng khiến cho nhu cầu sử dụng ngoại tệ của Lào cao hơn khả năng cung cấp ngoại tệ, gây áp lực cho việc bảo đảm ổn định ngoại tệ quốc gia cũng như quản lý tỷ giá hối đoái và lạm phát.
  5. Thiếu ổn định trong hệ thống tài chính - ngân hàng: mức nợ sinh ra từ ngân hàng kinh doanh (NPL) ở mức cao vì công tác quản trị, quản lý thiếu vững mạnh.

04 nguyên nhân chính gây khó khăn cho kinh tế - tài chính đó là:

  1. Đảng và Chính phủ đã đề ra đường lối, chính sách kinh tế đúng đắn và phù hợp trong từng giai đoạn thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện trên thực tế của một số Bộ, ban, ngành và các địa phương cũng như việc triển khai kế hoạch, dự án và biện pháp thực tế vẫn còn chậm chạp, hiệu quả chưa cao và thiếu chủ động trong công việc.
  2. Việc quản lý nhà nước bằng pháp luật của các Bộ ban ngành và các tổ chức chính quyền nhiều nơi còn chưa nghiêm, là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong kinh tế - tài chính và nợ công cao, đặc biệt là vi phạm kỷ luật trong kế hoạch - tài chính, gây ra kẽ hở thất thoát ngân sách, Việc không tuân thủ pháp luật và tổ chức thực hiện dự án đầu tư nhà nước theo đúng quy định là yếu tố dẫn đến nợ tăng cao.
  3. Việc quản trị nhà nước còn chồng chéo, nhiều thủ tục phức tạp, việc phân cấp quản lý theo hướng “3 Xây” vẫn chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp giữa ngành dọc - ngành ngang một cách hài hòa dẫn đến kẽ hở, lợi dụng của nhà chức trách; môi trường kinh doanh vẫn chưa thuận lợi.
  4. Việc vận động nhân dân, nhà kinh doanh, các cơ quan trong xã hội để thúc đẩy sản xuất và dịch vụ và tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ mà nhà nước chưa được tốt và sâu sắc. (Báo KT-XH, ngày 06/8/2021).

Xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Lào đạt 528 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu nông sản từ Lào sang các nước đối tác thương mại đạt hơn 528 triệu USD, trong đó xuất khẩu rau củ đạt 524 triệu USD và gia súc đạt 4,8 triệu USD. Ngoài ra, Lào tiếp tục xem xét đàm phán và phê duyệt thỏa thuận xuất khẩu thêm 6 loại nông sản nữa sang Trung Quốc và thêm 5 loại nữa sang Thái Lan.

Tại Kỳ họp lần thứ 1 Quốc hội khóa IX, Bộ trưởng Nông - Lâm đã báo cáo: Chính phủ Lào cũng như Bộ Nông - Lâm đã tập trung thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp - chăn nuôi đối với các nước đã có thỏa thuận với các đối tác thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc, bao gồm 7 loại nông sản và gia súc trâu - bò; thúc đẩy thêm 16 loại với Việt Nam và 15 loại với Thái Lan. Có 91 loại rau củ ưu tiên được đề xuất tìm thị trường mới; ngoài ra, tiếp tục đàm phán để ký thỏa thuận xuất khẩu 20.000 con mỗi năm.

Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm cho biết Lào sẽ tiếp tục nỗ lực để đáp ứng được con số đã đàm phán và Bộ sẽ tiếp tục đàm phán từ nay đến năm 2023. Ngành Nông - Lâm sẽ tập trung triển khai trồng trọt trong các khu vực ưu tiên, nhất là khu vực đường sắt Lào - Trung cũng như tại các tỉnh có thế mạnh và có cơ sở sản xuất dành cho rau củ, hoa màu. Hiện nay có 7 dự án hỗ trợ cho hoa màu và các dự án hỗ trợ chăn nuôi từ ngân hàng ADB và ngân hàng Thế giới. (Báo KT-XH, ngày 11/8/2021).

Giá trị xuất khẩu chuối trong 06 tháng năm 2021 của Lào đạt 134 triệu USD

Ngày 29/7/2021, Vientiane Times đưa tin, chuối vẫn là nguồn thu hàng đầu trong tất cả các cây nông nghiệp của Lào với kim ngạch xuất khẩu đạt 134 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo Bộ Công Thương Lào, tháng 1, kim ngạch đạt 22,8 triệu USD, tăng lên 23 triệu USD; trong tháng 2, 3 lên 34 triệu USD, giảm xuống 22 triệu USD tháng 4, giảm tiếp xuống 17 triệu USD tháng 5 và tháng 6 chỉ còn 15 triệu USD do những hạn chế bởi dịch bệnh. 

Lào xuất khẩu các sản phẩm cây trồng chủ yếu sang Trung Quốc và Thái Lan với giá trị kim ngạch đạt 227,4 triệu USD năm 2020.

Số lượng chuối trồng để xuất khẩu ngày càng tăng vì có thêm nhiều trang trại theo hình thức hợp đồng canh tác sẵn sàng để xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư và các trang trại chuối lại giảm xuống do Chính phủ dừng cấp phép nhượng quyền cho các trang trại mới và chấm dứt hợp đồng với những công ty vi phạm quy định. Chính phủ yêu cầu các trang trại chuối phải hoạt động phù hợp với chính sách canh tác nông nghiệp sạch, xanh và bền vững. Xuất khẩu tăng trưởng là do sản xuất tăng dưới hệ thống hợp đồng canh tác.

Sự thay đổi nguồn cung chuối sang Trung Quốc từ các nước Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chuối của Lào. Với sự thành công của ngành công nghiệp chuối ở Trung Quốc, Chính phủ Lào đang làm việc với những người trồng những cây khác để tăng chất lượng, hy vọng sẽ tiếp cận được nhiều thị trường hơn.

Bộ Nông Lâm nghiệp đã lên danh sách các cây trồng được ưu tiên trong đàm phán tiếp cận thị trường Trung Quốc, gồm khoai ngọt, mít, long nhãn, cam, bưởi, thanh long, ớt, chanh dây, đậu xanh, lạc, cà, bắp cải và bí đỏ. Các cây trồng thương mại khác là cao su, sắn, cà phê hạt, đường và hoa quả (dưa hấu, chanh dây và me) với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt gần 1 tỷ USD.

Năm 2018, Lào thu được 600 triệu USD từ xuất khẩu nông sản, tăng lên 750,8 triệu USD năm 2019 và 943 triệu USD năm 2020. Khoảng 80% trong số này là từ thị trường Trung Quốc. (Vientiane Times, 29/7/2021)

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Quốc hội phê chuẩn các chương trình quốc gia, sửa đổi một số luật

            Ngày 10/08/2021, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội (QH) Khóa IX đã phê chuẩn 02 Chương trình quốc gia về các giải pháp giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính và vấn đề lạm dụng và buôn bán ma túy; đồng thời QH cũng đã phê chuẩn sửa đổi 05 luật về thuế, thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt và ma túy.

            Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch QH Xaysomphone Phomvihane đánh giá Kỳ họp đã hoàn thành tất cả mục tiêu theo kế hoạch.

            Chính phủ dự kiến triển khai các Chương trình quốc gia trong thời gian 2,5 năm đến năm 2023. Chương trình quốc gia về các giải pháp giải quyết khó khăn về kinh tế và tài chính đặt ra những mục tiêu chủ chốt đạt được vào năm 2023 như sau: (i) Giảm nợ công xuống mức không quá 64,5% GDP, nợ nước ngoài không quá 55.4% GDP, dự trữ ngoại tệ đủ tối thiểu 03 tháng nhập khẩu; (ii) Quản lý nợ xấu để duy trì tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3% tổng dư nợ.

            Kỳ họp QH đã phê chuẩn 05 kế hoạch hành động chủ chốt của Chính phủ nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính, bao gồm: (i) Đẩy mạnh sản xuất, giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu; (ii) Tăng cường thu ngân sách nhà nước; (iii) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo đầu tư công và chi tiêu có hiệu quả song song với việc trả nợ trong nước và nước ngoài; (iv) Ổn định giá trị đồng Kíp; (v) Tăng cường hiệu quả pháp quyền.

            Đồng thời, Kỳ họp QH cũng đã phê chuẩn các kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Chương trình quốc gia về phòng chống lạm dụng và buôn bán ma túy. (Vientiane Times, 11/08/2021)

Chính phủ công bố kế hoạch trả nợ công

            Báo cáo tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa IX, Bộ trưởng Tài chính Bounchom Ubonpaseuth cho biết, thu ngân sách từ các hoạt động khai khoáng, cải tổ doanh nghiệp nhà nước sẽ được sử dụng để trả nợ công, đã lên tới khoảng 14 tỷ USD hiện nay của Lào.

            Nợ nước ngoài đã lên đến khoảng 13 tỷ USD và nợ trong nước khoảng 900 triệu USD. Tiền đã được vay để cân đối ngân sách.

            Kế hoạch trả nợ được hoạch định cho giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo 2026-2030 với các dòng thu nhập được xác định để tạo nguồn vốn cần thiết. Chính phủ sẽ nỗ lực tăng thu ngân sách từ các nguồn mới và khai thác các nguồn tiềm năng chưa khai thác, đặc biệt là trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng. Với các nguồn thu mới này, Chính phủ dự kiến sẽ tạo ra nguồn thu bổ sung tối thiểu là 10.000 tỷ Kíp (1 tỷ USD) trong 5 năm tới. Hiện nay, Lào có 82 dự án đã được phê duyệt về khai thác và chế biến quặng khoáng sản. Thu nhập từ các khoản phí liên quan quan đến khai thác và nhượng quyền tài nguyên có thể lên đến 400 tỷ Kíp (khoảng 400 triệu USD)/năm. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chỉ riêng thuế lợi tức từ Công ty TNHH Khoáng sản Lane Xang và Công ty TNHH Phu Bia Mining đã có 170 tỷ Kíp/năm.

            Thanh toán nợ là một trong các giải pháp được lên kế hoạch để thực hiện chương trình quốc gia nhằm gải quyết khó khăn về kinh tế và tài chính đã được Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa IX phê chuẩn, trong đó đặt ra khung thời gian để thực hiện là 2,5 năm, đến cuối năm 2023.

            Thủ tướng Bounchom cho biết, Chính phủ đang cải tổ các doanh nghiệp nhà nước để làm cho các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, có khả năng thanh toán các khoản nợ mà họ đã vay. Trước đây, Chính phủ đã đứng ra vay tiền từ các nguồn nước ngoài để cho các doanh nghiệp nhà nước vay lại, nhưng các doanh nghiệp không có khả năng trả số tiền nợ cho Bộ Tài chính. Vì vậy, Chính phủ đã lên kế hoạch cải cách các doanh nghiệp nhà nước để họ có thể trả nợ với mức là 300 triệu USD/năm.

            Theo kế hoạch, cải cách DNNN sẽ bao gồm nhiều mặt như cơ cấu quản lý doanh nghiệp, tuyển dụng chuyên gia từ bên ngoài làm quản lý điều hành doanh nghiệp thay cho việc chỉ có cán bộ nhà nước như trước đây; xem xét thành lập liên doanh; bán cổ phần hoặc doanh nghiệp. Việc cải cách cũng sẽ nhằm đảm bảo là các giám đốc điều hành hoạt động một cách minh bạch và những người điều hành kém, dẫn đến kinh doanh thua lỗ sẽ bị sa thải.

            Phát biểu trước QH, Thủ tướng Bounchom nhấn mạnh, nếu tất cả các giải pháp thanh toán nợ được thực hiện theo đúng kế hoạch, Chính phủ có thể không phải vay thêm tiền hoặc có thể chỉ phải vay khoảng 200-300 triệu USD để trả nợ. (Vientiane Times, 16/08/2021)

Thủ tướng chỉ đạo thủ đô Viêng Chăn quan tâm 06 vấn đề

trong việc tổ chức thực hiện 02 Chương trình quốc gia

Ngày 20/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phankham Viphavanh tham dự và chủ trì Hội nghị tổ chức thực hiện 02 Chương trình quốc gia của thủ đô Viêng Chăn để giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính và phòng chống, ngăn chặn và xử lý vấn đề ma túy.

Hội nghị được nghe Đô trưởng Viêng Chăn Atsaphangthong Siphandone báo cáo kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về giải quyết những khó khăn về kinh tế-tài chính và Chương trình quốc gia về phòng chống, ngăn chặn và xử lý tệ nạn ma túy và ý kiến đóng góp của đại biểu về các vấn đề liên quan đến việc triển khai các chương trình quốc gia trên.

Chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phankham yêu cầu các cấp chính quyền từ huyện tới bản của thủ đô Viêng Chăn cần hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, nội dung 02 văn kiện Chương trình quốc gia để thực hiện biện pháp giảm bớt khó khăn về kinh tế-tài chính, trước nhất là vấn đề thất thoát thu nhập ngân sách nhà nước và các vấn đề mua bán ma túy. Cơ chế triển khai 02 văn kiện Chương trình quốc gia là lấy thủ đô Viêng Chăn làm trung tâm thực hiện dựa trên 03 nguyên tắc chính đó là: (i) đảm bảo nghiêm túc, chắc chắn; (ii) đảm bảo minh bạch, rõ ràng; (iii) đảm bảo tính khoa học, kỹ thuật có sự tham gia của quần chúng nhân dân và các thành phần liên quan.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Chính quyền các cấp quan tâm đến 06 vấn đề: (i)  Phải thống nhất cao giữa lãnh đạo với nhân dân, đặc biệt là chính quyền các cấp góp phần vào sự thành công trong việc tổ chức thực hiện các Chương trình quốc gia; (ii) Cần khẩn trương triển khai thành hiện thực các văn kiện Chương trình quốc gia, để Chính phủ thấy rõ thực tế việc xử lý khó khăn, không bao che né tránh, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ thiếu trung thực; (iii) Cần quan tâm ưu tiên và chú trọng xử lý các vấn đề cấp bách, trước hết phải tiết kiệm chi tiêu công, hạn chế thất thoát nguồn thu ngân sách, Chính phủ phải thực hiện trước và thủ đô Viêng Chăn thực hiện trước các địa phương khác; (iv) Cần đẩy mạnh sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu thông qua phối hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa để đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tiềm năng, xây dựng kế hoạch sản xuất trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng của xã hội; (v) Cần tập trung đăng ký lao động, phân loại và bồi dưỡng tay nghề lao động; giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội và Hội đồng Công nghiệp và Thương mại thực hiện; (vi) Cần cải cách cơ chế dịch vụ công cấp thành phố, huyện và bản cho vững mạnh, có sự đột phá; cấp bản là quan trọng nhất, cần quan tâm thúc đẩy, giám sát việc tổ chức thực hiện nghiêm túc. (KT-XH, 23/8/2021)

Chính phủ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu 8-10% giai đoạn 2021-2025

Tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu tháng 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tiến sỹ Khăm-pheng Xay-sỏm-pheng cho biết Chính phủ hướng đến tăng kim ngạch xuất khẩu mức 8-10% giai đoạn 2021-2025. Để đạt mục tiêu này, Bộ sẽ quan tâm nhiều hơn để tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là hàng nông sản cũng như khai thác tiềm năng của ngành. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2020 giảm vì dịch bệnh Covid-19 nhưng về tổng thể vẫn tăng. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, kim ngạch thương mại tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái với xuất khẩu là 33% và nhập khẩu 20%. Mặc dù, đất nước vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, Bộ vẫn nỗ lực xúc tiến bán hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Theo Tiến sỹ Khăm-pheng, những tháng gần đây, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông Lâm ký thỏa thuận bán 9 mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất thế giới, đó là đậu, bột sắn, thịt bò đông lạnh, hạt điều, xoài, sầu riêng, đậu nành, chuối và đường. Những thỏa thuận này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như đảm bảo thị trường cho sản phẩm Lào. Lào cũng được chính phủ Trung Quốc cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo và gia súc. Bộ Công Thương cũng chú ý việc sản xuất nông sản ở 3 tỉnh phía Bắc để xuất khẩu: ngô ngọt ở tỉnh Ô-đôm-xay, chè ở tỉnh Phong-sa-lỳ và gạo ở tỉnh Luông-nậm-thà. Tháng trước, Lào ra mắt lộ trình xuất khẩu cà phê để tăng cường xuất khẩu cà phê sang EU và các thị trường quốc tế khác cũng như các nước láng giềng. Bộ sẽ tập trung thúc đẩy 8 mục tiêu của ngành, gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các ngành công nghiệp gia đình để đạt được mục tiêu và khuyến khích số lượng nhà máy trong nhóm công nghiệp tăng lên 5%/năm. Thông qua việc thúc đẩy công nghiệp nhằm tăng giá trị hàng hóa chế biến từ 8-10%. (Vientiane Times, 12/8/2021)

Chính phủ dừng xem xét các kiến nghị dự án thí điểm khai thác quặng sắt

            Ngày 02/08/2021, theo Vientiane Times, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Khamjane Vongphonsy đã ký thông báo nêu rõ, Chính phủ sẽ tạm dừng xem xét các kiến nghị dự án mới về khảo sát, khai thác và xuất khẩu quặng sắt dưới dạng các dự án thí điểm.

            Theo thông báo, bắt đầu từ ngày 01/08/2021, Chính phủ sẽ tạm dừng xem xét các dự án nêu trên để rà soát hiệu quả và hiệu lực của các dự án khai khoáng triển khai trong những năm trước đây. Động thái này của Chính phủ là nhằm tối đa hóa lợi ích của các hoạt động khai khoáng, tránh thất thoát và ngăn chặn các hành vi thỏa thuận ngầm gây thiệt hại cho Lào.

            Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiến hành đánh giá các dự án quặng sắt. Kết quả đánh giá sau đó sẽ được Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thảo luận. Đồng thời, Bộ Năng lượng và Mỏ được chỉ thị khẩn trương xây dựng bản đồ về các khu vực có các hoạt động thăm dò và khai thác quặng sắt đã được phê duyệt, bao gồm cả diện tích đất sử dụng cho các dự án, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép tô nhượng.

            Kết quả thanh kiểm tra và bản đồ sẽ được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét đàm phán hợp đồng tô nhượng đối với các dự án thí điểm trước ngày 20/08/2021.

            Trong khi đó, Bộ Tài chính sẽ quyết định nghĩa vụ thuế phát sinh từ các hoạt động khai khoáng và phần thu nhập được để lại cho địa phương từ các dự án khai khoáng. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng CHDCND Lào để đảm bảo các nhà đầu tư khai khoáng nhanh chóng nộp thuế còn nợ đối với Chính phủ. Để tăng cường giám sát, Bộ Năng lượng và Mỏ sẽ làm việc với các chủ dự án để xây dựng kế hoạch khai thác khoáng sản, chi tiết hóa khung thời gian, phương pháp sử dụng và số lượng khoáng sản xuất khẩu hàng tháng.

            Thêm vào đó, Bộ Công chính và Vận tải sẽ phối hợp với các chính quyền địa phương để đảm bảo công tác bốc xếp quặng sắt và các khoáng sản khác lên xe tải phải tuân thủ các quy định pháp luật, tránh gây hư hại đường sá có thể nảy sinh từ các hoạt động khai khoáng và vận chuyển khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Năng lượng và Mỏ để đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

            Trong các thập kỷ vừa qua, nhiều vấn đề đã nổi lên liên quan đến các hoạt động khai khoáng, đáng chú ý là nhiều chủ đầu tư đã không tuân thủ hợp đồng và không thực hiện dự án đã ký kết với Chính phủ. (Vientiane Times, 02/08/2021)

Chính phủ cam kết cắt giảm chi mua sắm xe công

            Ngày 06/08/2021, báo cáo tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa IX, Thủ tướng Phankham Viphavanh cho biết, Chính phủ sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu mua sắm xe công.

            Trong những năm trước đây, một khoản ngân sách lớn đã được chi cho việc mua sắm xe công, đặc biệt là để phục vụ cán bộ nhà nước đã gây gánh nặng thêm đối với chi tiêu ngân sách chung.

            Báo cáo về chính sách tiết kiệm của Chính phủ, Thủ tướng Phankham nhấn mạnh, công việc ưu tiên số một mà Chính phủ sẽ tiến hành trong thời gian trước mắt là cắt giảm chi tiêu dành cho mua sắm xe công.

            Nỗ lực đầu tư và chi tiêu có hiệu quả là một trong những giải pháp Chính phủ đang áp dụng để khắc phục những khó khăn về kinh tế và tài chính hiện nay. Phấn đấu giải quyết vấn đề kinh niên này đã được chính thức thừa nhận và đưa vào chương trình quốc gia, đòi hỏi phải có hành động tập thể và cấp bách. Việc cắt giảm chi tiêu dành cho mua sắm xe công cũng nằm trong quá trình thực hiện chương trình quốc gia.

            Chính phủ cũng đã trình QH dự thảo Nghị định quy định chi tiết về số lượng xe ô tô cần thiết theo từng mục đích cụ thể. Theo dự thảo nghị định, một số lượng lớn xe công đang vượt tiêu chuẩn. Số xe vượt quá quy định sẽ được điều chuyển sang cho các cơ quan nhà nước đang thiếu xe để sử dụng cho mục đích công vụ.  Khi cân đối xong, Chính phủ sẽ dừng hẳn việc mua xe mới.

            Các ủy viên Bộ Chính trị sẽ được cung cấp 02 xe ô tô SUV và một xe Sedan, khác với trước đây được cấp nhiều xe. Cán bộ cấp cao nghỉ hưu sẽ không được cấp xe như trước đây. Như vậy, quy định mới sẽ được áp dụng cho tất cả cán bộ từ cấp ủy viên Bộ Chính trị.

            Công chúng ở Lào ca ngợi, đánh giá cao cam kết của Thủ tướng Chính phủ và bảy tỏ hy vọng cam kết sẽ được hiện thực hóa. (Vientiane Times, 09/08/2021)

Chính phủ yêu cầu các tỉnh tăng cường Trung tâm tiếp nhận lao động Lào trở về nước

Ngày 23/7/2021, tại Phủ Thủ tướng, Ban Chuyên trách phòng chống, ngăn chặn và giải quyết dịch Covid-19 cấp Trung ương đã tổ chức họp trực tuyến cùng với Ban chuyên trách các tỉnh và thủ đô Vientiane dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoun, Trưởng Ban chuyên trách phòng chống, ngăn chặn và giải quyết dịch Covid-19.

Cuộc họp nghe báo cáo tình hình dịch bệnh và biện pháp giải quyết tại thủ đô Vientiane và các tỉnh, thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực tế và trao đổi kế hoạch ứng phó trong thời gian tới đặc biệt là về những vấn đề quan trọng và khẩn cấp nhất nhằm triển khai công việc một cách nhanh chóng, phù hợp với tình hình, có hiệu lực, hiệu quả. Sau khi tổng kết nội dung cuộc họp, Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoun đã chỉ đạo Ban chuyên trách tại thủ đô và các địa phương quan tâm hơn nữa một số khía cạnh như tiếp tục nâng cao trách nhiệm, đảm bảo hướng chỉ đạo tập trung, phát huy sáng tạo và thế mạnh của địa phương một cách phù hợp với tình hình thực tế.

Để ứng phó với những trường hợp nhiễm bệnh là lao động Lào trở về từ các quốc gia láng giềng, cần quan tâm áp dụng các biện pháp phù hợp và khẩn cấp cũng như phát triển các trung tâm cách ly và trung tâm điều trị đáp ứng số lượng lao động Lào sẽ trở về, kiểm tra lại công tác chuẩn bị tại các địa điểm, đồng thời quản lý một cách có hệ thống. Chính phủ đưa ra một loạt các yêu cầu đối với các cơ quan chức năng liên quan: (i) Ban chuyên trách cấp trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương gửi dụng cụ, trang thiết bị y tế và thuốc, cùng với nghiên cứu ngân sách cho đầy đủ và kịp thời cho các tỉnh, đặc biệt là tỉnh có số người nhiễm cao; (ii) Bộ Y tế nghiên cứu cử đơn vị y tế và tình nguyên viên giúp các tỉnh có số lao động trở về nhiều để kiểm tra, phân tích xét nghiệm và chữa trị, đồng thời khẩn trương tiêm vắc-xin cho các đối tượng theo kế hoạch đã đề ra; (iii) Các tỉnh miền Trung và miền Nam đặc biệt là tỉnh Savannakhet và tỉnh Champasak hối hợp, trao đổi với các tỉnh có đường biên giới các nước láng giềng về việc lao động sẽ trở về nước để lên kế hoạch ứng phó cụ thể; (iv) Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch cùng chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như pháp luật cho người dân; (v) Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội thu thập dữ liệu và đăng ký lao động trở về một cách rõ ràng và chi tiết để làm cơ sở cho việc nâng cao tay nghề lao động đồng thời phối hợp với các ban ngành, Hội đồng Công thương quốc gia, các đơn vị lao động, dự án đầu tư trong việc tổ chức tìm việc cho lao đồng trong thời gian tới; (vi) Các đơn vị phụ trách ngân sách và hậu cần quan tâm tổ chức các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các nhà chức trách, y bác sĩ và tình nguyện viên; (vii) Thủ đô Vientiane và các tỉnh đưa thông báo của Thủ tướng ngày 20/7 và thông báo của Văn phòng Phủ thủ tướng ngày 19/7 vào triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc. (Báo KT-XH, ngày 28/7/2021).

Bộ Tài chính tăng cường hiện đại hóa quản lý tài chính

            Ngày 06/08/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị do Thứ trưởng Tài chính Bounchom Oubounpaseuth chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ và đại diện các cơ quan liên quan.

            Hiện nay, Bộ Tài chính có trên 30 dự án đang được thực hiện nhằm hiện đại hóa quản lý tài chính, mặc dù một số dự án và tiểu dự án đã được triển khai một cách hợp lý nhưng cần phải tập trung hơn. Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án liên quan đến hiện đại hóa tài chính, bao gồm quản lý tài chính công, thu thuế và ngân sách và các dự án phát triển IT (Công nghệ Thông tin).

            Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá, các dự án đã được triển khai một cách hợp lý, ứng dụng thực tế các chương trình đã phát triển, cải tiến các hệ thống IT.

            Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bounchom nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã triển khai các dự án liên quan đến IT, phát triển số hóa và sử dụng các hệ thống điện tử trong thu thuế và thuế quan tại các cửa khẩu trên cả nước. Mục đích của hội nghị là thảo luận về kết quả đạt được của các dự án phát triển IT trong việc thực hiện chính sách của Chính phủ về số hóa hệ thống tài chính nhằm giảm thiểu số lượng giấy tờ, nhưng phải tập trung hóa và hiện đại hóa.

            Thứ trưởng Bounchom cũng cho biết, những tiến triển gần đây trong Hệ thống khai báo hải quan điện tử được biết đến với tên gọi ASYCUDA, Hệ thống Thông tin Quản lý Thu Thuế (TAXRIS) đã trở thành công cụ trong hiện đại hóa quản lý tài chính công.

            TAXRIS là đầu tư của Chính phủ nhằm hiện đại hóa thu ngân sách phù hợp với kế hoạch chiến lược và thông lệ quốc tế tốt nhất về trách nhiệm và minh bạch. Các hệ thống thanh toán thông qua ngân hàng cũng đã được phát triển như Easy Tax và Smart VAT. Tuy nhiên, các hệ thống này vẫn chưa được tập trung hóa. Các hệ thống thanh toán phải được phát triển, tích hợp và kết nối để việc xử lý không gây mất thời gian và các nguồn lực. Ví dụ, ASYCUDA và TAXRIS phải được tích hợp và chia sẻ cùng một cơ sở dữ liệu. Thứ trưởng Tài chính Bounchom cũng bày tỏ ý định sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu tích hợp để hỗ trợ phát triển một cơ sở dữ liệu chung của Bộ Tài chính. Dự án này phải được bắt đầu ngay trong năm 2021 nhằm chuyển sử dụng văn bản giấy tờ sang các hệ thống kỹ thuật số hoặc điện tử, đồng thời với việc sửa đối các quy định pháp luật nhằm mở đường cho các vấn dề liên quan đến quản lý tài chính.

            Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý cho kế hoạch phát triển các hệ thống điện tử và bày tỏ sự ủng hộ, hợp tác trong phát triển đổi mới IT và các ứng dụng thanh toán thông qua ngân hàng mobile. (Vientiane Times, 08/08/2021)

Ngân hàng CHDCND Lào thực hiện biện pháp quản lý ngoại tệ

            Ngày 06/8/2021, báo cáo tại Cuộc họp thường kỳ lần thứ nhất, Quốc hội khóa IX, lãnh đạo Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã đánh giá về tỷ giá hối đoái, kho dự trữ ngoại hối và việc tiếp cận nguồn vốn nhằm góp phần xử lý khó khăn về kinh tế-tài chính hiện nay của Lào.

            Tỷ giá hối đoái là một trong những thách thức tới nền kinh tế Lào, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 6-7/2021 vừa qua, giá trị của đồng Kíp giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ (USD), đồng Baht Thái (B) và độ chênh lệch lớn tỷ giá trao đổi giữa hệ thống ngân hàng và thị trường tự do các đồng tiền trên; riêng tỷ giá giữa đồng Kíp và đô la Mỹ có thời điểm trượt đến 22,1% trong tháng 7/2021 và dần hồi phục ở mức 15,6% vào cuối tháng 7; mặt khác, tỷ giá trao đổi giữa trong và ngoài hệ thống ngân hàng có sự chênh lệch cao (9,98% với USD; 0,52% Baht so với Kíp).

            Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do giá trị của USD so với các đồng tiền khác và Baht so với USD trên thị trường quốc tế có giảm xuống; nhu cầu về ngoại tệ trong nước lớn hơn khả năng cung ngoại tệ, tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, dịch vụ và Lào đang trong giai đoạn trả nợ nước ngoài nhiều và còn lâu dài; đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách giảm mạnh; nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, thiết bị cho các dự án cao, trong khi lượng dự trữ ngoại tệ không đáp ứng được; bên cạnh đó, khả năng ứng phó về thị trường ngoại tệ của hệ thống ngân hàng thương mại giảm so với nhu cầu của xã hội đang ở mức cao; việc quản lý ngoại tệ của các thành phần còn lỏng lẻo và thiếu chặt chẽ, còn để cho hoạt động trao đổi ngoại tệ trái phép, không đúng quy định pháp luật; theo đó, do nhu cầu ngoại tệ của xã hội lớn trong khi nguồn cung tại các ngân hàng thương mại thiếu hụt làm cho các quầy trao đổi ngoại tệ đẩy giá cao hơn rất nhiều so với tỷ giá quy định của BOL.

            Trước tình trạng đó, ngày 12/8/2021, BOL tiến hành tổ chức cuộc họp khẩn, phổ biến biện pháp quản lý ngoại tệ bằng việc khẩn trương đưa hoạt động trao đổi ngoại tệ sáp nhập với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) chậm nhất không quá ngày 31/8/2021.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Khankeo Lamaningau cho biết, qua việc theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện thông báo dừng tiếp nhận các đơn đề nghị cấp phép hoạt động trao đổi tiền tệ trên toàn quốc số 122/CS ngày 18/7/2021 và thông báo chuyển các quầy trao đổi tiền tệ sáp nhập với hệ thống ngân hàng thương mại số 758/CS ngày 12/7/2021 và các hướng dẫn liên quan cho thấy việc sáp nhập trao đổi tiền của các cửa hàng bằng hệ thống ngân hàng còn chậm, chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra. Do vậy, BOL ban hành thông báo số 111/BOL ngày 12/8/2021 tới các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính vi mô, các cá nhân...về chủ trương khẩn cấp sáp nhập các quầy trao đổi tiền với hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo việc quản lý tiền tệ có hiệu quả, góp phần giải quyết những khó khăn về kinh tế-tài chính quốc gia; do đó, các quầy trao đổi tiền tệ đã được cấp phép khẩn trương phối hợp với các ngân hàng thương mại để ngân hàng thương mại tăng cường quan tâm, đàm phán, lựa chọn quầy trao đổi tiền sẽ làm đại lý cho mình; việc triển khai, ký kết hợp đồng hạn cuối đồng vào ngày 31/8/2021. (KT-XH, 16/8/2021)

Triển khai hệ thống Quỹ phát triển bản để giữ gìn tài nguyên thiên nhiên

Nhà điều phối tài chính nông thôn Hiệp hội tài chính vi mô thường trực tại tỉnh Salavanh Bounma Phommixay cho biết, Quỹ phát triển bản được hình thành từ Chương trình Carbon và Bio-diversity giai đoạn II của Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới thường trú tại Lào (WWF-Lao).

Mục đích hình thành Quỹ phát triển bản nhằm giữ gìn, tăng cường hợp tác, phối hợp của cộng đồng trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả và bền vững, khuyến khích có việc làm tạo thu nhập để cải thiện đời sống, ăn ở của nhân dân trong cộng đồng; Quỹ phát triển bản là đơn vị trực tiếp thực hiện cung cấp tài chính thay cho các Tổ chức tài chính vi mô tại Lào.

Trong giai đoạn đầu, Quỹ phát triển bản đang triển khai sổ hướng dẫn, hệ thống tài khoản và bản thảo mẫu để phục vụ cho việc thiết lập và quản lý quỹ; đồng thời triển khai đào tạo, tập huấn cho các thành viên của Chương trình Carbon và Bio-diversity giai đoạn II; giai đoạn đầu triển khai tại 06 bản mục tiêu tại khu vực rừng đầu nguồn quốc gia thuộc 03 huyện gồm: Kaleum (tỉnh Sekong), Samuoi, Taoi (tỉnh Salavanh). Việc hoạt động trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra lần thứ 2 được hoàn thành bước 1 Cuộc họp định hướng để chuẩn bị thành lập Quỹ phát triển bản tại 03 huyện mục tiêu tại hai tỉnh Sekong và Salavanh; hoàn thành bước 2 tổ chức Cuộc họp giới thiệu mục đích và mô hình thiết lập Quỹ phát triển bản và chuẩn bị thành lập Ban Quỹ cấp bản; đã hoàn thành bước 3 tổ chức cuộc họp lựa chọn Ban quản lý Quỹ và lựa chọn Ủy ban để mở tài khoản ngân hàng bản, tiếp theo là tập huấn cho Ban quản lý.

Việc hợp tác của các ngành, đơn vị liên quan cấp tỉnh với Ban quản lý quỹ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ bản đối với các hoạt động về lĩnh vực tài chính, tạo việc làm có thu nhập trực tiếp, đem lại lợi ích cho nhân dân, qua đó góp phần gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. (KT-XH, 23/8/2021)

Nhượng quyền vườn thuốc đông y quân đội cho doanh nghiệp tư nhân

Ngày 23/7/2021, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận nhượng quyền dự án trồng thuốc đông y và vườn thuốc truyền thống Quân đội nhân dân Lào giữa Tổng Cục Hậu cần quân đội và Công ty TNHH Tư vấn Ukham. Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ quốc phòng Thoongloi Sylivong và các cơ quan chức năng liên quan. Giám đốc Công ty Ukham cho biết: Dự án trồng cây thuốc và vườn thuốc đông y là dự án ưu tiên của Quân đội, được phép sử dụng diện tích đất trồng của Quân đội trên phạm vi cả nước với thời gian nhượng quyền là 50 năm. Phía Công ty sẽ phát triển dự án trên mọi lĩnh vực như xây dựng trung tâm nghiên cứu, xét nghiệm y học quân đội gắn với nông nghiệp khép kín, phát triển địa điểm du lịch sinh thái gắn với rau sạch, xây dựng nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế quân đội, sản phẩm tay nghề lao động thông qua kết nối với nhà máy may mặc quân đội và nhiều lĩnh vực khác. Tổng giá trị dự án ước tính khoảng 128 triệu USD. (Báo KT-XH, ngày 28/7/2021).

Nông nghiệp quy định 5 công tác trọng tâm để giải quyết vấn đề kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa IX Bộ trưởng Nông Lâm Phet Phomphiphak đã phát biểu: ngành nông nghiệp và lâm nghiệp đã quy định 5 công tác trọng tâm để tổ chức triển khai chương trình Quốc gia nhằm giải quyết khó khăn về kinh tế từ nay đến năm 2023, đó là:

  1. Tập trung thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp - chăn nuôi có thỏa thuận ký kết với các nước đối tác thương mại, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời tập trung xem xét ký thỏa thuận xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp đã được quy định trong danh mục nông sản ưu tiên, để xem xét mở thị trường với Trung Quốc và các nước láng giềng.
  2. Tập trung sửa đổi tiêu chuẩn hệ thống sản xuất nông nghiệp sạch so với tiêu chuẩn của ASEAN và thế giới, xây dựng và củng cố hành lang pháp lý để trở thành công cụ kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn sản xuất tại các cửa khẩu và tỉnh, tập trung đào tạo và phổ biến tiêu chuẩn nông nghiệp sạch và nông nghiệp tốt cho nhà sản xuất và đối tác, thành lập thanh tra cấp trung ương và cấp tỉnh về nông nghiệp sạch và tiêu chuẩn khác, củng cố cơ chế đề ra kế hoạch phối hợp và trao đổi thông tin sản xuất và thị trường đối với nông nghiệp xuất khẩu giữa cấp trung ương, địa phương và đối tác.
  3. Tập trung quy định danh mục nông sản để bù nhập khẩu và có chính sách khuyến khích một cách toàn diện, đi đôi với việc phát triển và củng cố lực lượng sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, Hội, mạng lưới công nhân,... và hình thức sản xuất khác rộng rãi và thực chất.
  4. Tập trung củng cố và phát triển thượng tầng sản xuất và kỹ thuật để giảm vốn sản xuất như: kho chứa hàng, phòng thí nghiệm, thị trường bán buôn bán lẻ và hệ thống vận tải nông sản, tập trung vào các trung tâm sản xuất, khu vực xử lý hàng hóa dọc đường sắt Lào - Trung, cửa khẩu quốc tế, khu vực kinh tế đặc biệt, khu kinh tế chuyên biệt.
  5. Tập trung ưu tiên và quy định khu vực đầu tư nông nghiệp, quan tâm theo dõi, kiểm tra dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, củng cố cơ chế đầu tư hình thức hợp tác  nhà nước - tư nhân, sản xuất nông nghiệp theo thỏa thuận, trong đó tập trung củng cố các hành lang pháp lý để thúc đẩy khuyến khích đầu tư, cắt giảm các thủ tục trong lĩnh vực nông nghiệp-lâm nghiệp, tiến hành khảo sát địa điểm sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh và điều kiện phù hợp, sử dụng công nghệ tân tiến và thân thiện với môi trường. (Báo KT-XH, ngày 10/8/2021).

HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM

Hội đàm trực tuyến giữa hai Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào và Việt Nam

            Ngày 13/8/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Oubonpaseuth đã hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phước về kết quả thực hiện kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian qua, đặc biệt chú trọng đến tập huấn, trao đổi bài học kinh nghiệm cho cán bộ chuyên viên Bộ Tài chính Lào; việc xây dựng, cải cách pháp lý, bộ máy tổ chức và hỗ trợ các trang thiết bị, xây dựng hạ tầng cơ sở cho ngành tài chính Lào.

            Tại hội đàm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Oubonpaseuth đã báo cáo ngắn gọn về tình hình kinh tế-tài chính Lào năm 2020, kết quả thực hiện kế hoạch 06 tháng đầu năm 2021, tình hình tài chính Lào hiện nay. Từ khi ký kết biên bản hợp tác lần đầu tiên vào năm 2004 cho đến nay, hai bên đã ghi nhận đạt được nhiều kết quả trong hợp tác, Bộ Tài chính Việt Nam đã giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên của Bộ Tài chính Lào, không ngừng vun đắp tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý kinh tế trong thời gian tới và tăng cường quan hệ hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, chuyên viên của hai ngành tài chính Lào và Việt Nam.

Trong giai đoạn qua, Bộ Tài chính Việt Nam đã hỗ trợ, giúp đỡ Bộ Tài chính Lào xây dựng chiến lược, chính sách, cải cách thể chế, công tác tổ chức, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn và hỗ trợ trang thiết bị cũng như xây dựng hạ tầng cơ sở của ngành tài chính Lào (xây dựng Học viện tài chính Đông-khăm-xạng).

Để tiếp tục củng cố, xây dựng hạ tầng cho ngành tài chính Lào, tại hội đàm Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Oubonpaseuth đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở tại Dự án Đại học Tài chính khu vực phía Bắc Lào, tại tỉnh Luang Prabang. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính Lào sẽ nâng cấp, cải tạo cơ sở này thành Trung tâm đào tạo, bối dưỡng cán bộ ngành tài chính trên toàn quốc. (KT-XH,16/8/2021)

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 như sau:

  1. Tháng 7/2021 đạt 80.959.956 USD, so với cùng kỳ tăng 7,5%, trong đó,

- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 49.648.741 USD, so với cùng kỳ giảm -12,3%.

Mặt hàng tiếp tục tăng: Hàng dệt may tăng mạnh 149%, đạt hơn 1,46 triệu USD (tháng trước tăng 232%); Phân bón tăng mạnh 155,1%, đạt hơn 1,6 triệu USD (tháng trước tăng 114,9%); Xăng dầu tăng 75%, đạt hơn 1,49 triệu USD (đây là tháng thứ tư tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019); Sản phẩm từ chất dẻo tăng 59%, đạt hơn 1,53 triệu USD (tháng trước tăng 10,7%); Sản phẩm từ sắt thép tăng 28,9%, đạt hơn 4,6 triệu USD (tháng trước tăng 20,7%); Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng chậm lại 5,1%, đạt hơn 2,5 triệu USD (tháng trước tăng 188,8%).

Mặt hàng tăng trở lại: Kim loại thường khác và sản phẩm tăng mạnh 198,4% (sau khi giảm -38,4% tháng trước). Dây điện và cáp điện tăng 59,4%, đạt gần 860.000 USD (Hầu như giảm từ đầu năm đến nay, chỉ tăng nhẹ hồi tháng 4/2021).

Các mặt hàng quay đầu giảm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm -1,9%, đạt hơn 4,5 triệu USD (sau 3 tháng tăng liên tiếp); Sản phẩm gốm sứ giảm -25,6%, đạt gần 620.000 USD; (tháng trước tăng 8,1%); Hàng hóa khác giảm -15,4%, đạt hơn 11,4 triệu USD (sau 4 tháng tăng liên tiếp); Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm -36,7%, đạt hơn 900.000 USD (sau khi tăng nhẹ 0,6% tháng trước).

Mặt hàng tiếp tục giảm: Mặt hàng rau quả giảm -92,2%, đạt gần 350 nghìn USD; (tháng trước giảm -50,8% đạt hơn 2,1 triệu USD);  Sắt thép các loại giảm -9,4%, đạt hơn 4 triệu USD (tháng trước giảm -48,7%); Cà phê giảm -61,9%, chỉ đạt hơn 25 nghìn USD (tháng trước giảm - 16,4%); Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -76,9%, đạt hơn 820 nghìn USD (tháng trước giảm -69,1%); Clanke và xi măng giảm 64%, đạt hơn 150 nghìn USD (tháng trước giảm -62,4); Giấy và sản phẩm từ giấy giảm -22,7%, đạt hơn 1 triệu USD (tháng trước giảm -35,8%);  Sản phẩm từ hóa chất giảm -31%, đạt hơn 370 nghìn USD (tháng trước giảm -14%).

- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 41.241.220 USD, tiếp tục tăng khá mạnh 37,5% so với cùng kỳ.

Mặt hàng tiếp tục tăng và tăng mạnh trở lại: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 241,5%, đạt hơn 7,8 triệu USD (tháng trước tăng 99,3%); Quặng và khoáng sản tăng 164,8%, đạt gần 6 triệu USD (tháng trước tăng 162,8%); Mặt hàng rau quả tăng 148,3%, đạt gần 830 nghìn USD (tháng trước tăng 12%).

 Mặt hàng giữ được đà tăng nhưng tỷ lệ tăng chậm lại: Cao su tăng 12,6%, đạt hơn 10,7 triệu USD  (tháng trước tăng 74,2%); Hàng hóa khác tăng 25,7%, đạt gần 14,6 triệu USD (tháng trước tăng 58,4%). 

Phân bón các loại tiếp tục giảm -66,7%, đạt hơn 1,3 triệu USD (tháng trước giảm -52,1%).

Mặt hàng kim loại thường khác tiếp tục không có kim ngạch nhập khẩu.

Như vậy, vẫn theo dự đoán, kim ngạch tháng 7 chỉ tăng nhẹ 7,5% và mức tăng là do tăng ở chiều nhập khẩu 37,5%, chiều xuất khẩu giảm -12,3% do dịch bệnh tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phong tỏa, giãn cách.

  1. Tổng kết 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch đạt 764.536.484 USD, so với cùng kỳ tăng 34,9%, trong đó xuất khẩu đạt 368.972.224 USD tăng 14,5%, nhập khẩu đạt 395.564.260 USD tăng 61,6%. So với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch, kim ngạch hai chiều tăng 15,3% và do tăng ở chiều nhập khẩu 53,3%, chiều xuất khẩu giảm nhẹ -8,9%.

Tháng 7/2021, tiếp tục ghi nhận nhập siêu với mức nhập siêu 1,522 triệu USD, (chỉ xuất siêu 10,826 triệu USD hồi tháng 5/2021). Tổng kết 7 tháng, Việt Nam nhập siêu từ Lào 26,592 triệu USD.

Dự kiến tháng 08/2021, kim ngạch tiếp tục có thể không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ do dịch bệnh ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. (Thương vụ Việt Nam tại Lào).

HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC

Lào - Trung Quốc

Hội nghị doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Lào lần thứ V

            Ngày 13/8/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonxay Siphandone và Đại sứ Trung Quốc tại Lào Chiengchaitong đã đồng chủ trì Hội nghị trao đổi giữa Chính phủ Lào với doanh nghiệp Trung Quốc lần thứ 5. Tham dự hội nghị có đại biểu của các Bộ, ngành và đơn vị liên quan.

            Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Sonxay cho biết, hội nghị lần này là một diễn đàn để Chính phủ Lào gặp mặt và lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư Trung Quốc đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư tại Lào, qua đó tìm biện pháp xử lý để cùng nhau phát triển.

            Tính từ năm 1989 đến nay, tổng số dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Lào là 813 trên hầu hết tất cả lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký khoảng 16 tỷ USD (vốn góp của nhà đầu tư Lào khoảng 2,9 tỷ USD), với đủ các loại hình doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có quy mô từ nhỏ, vừa đến lớn.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamchanh Vongsenboun đã đánh giá tình hình đầu tư của Trung Quốc tại Lào và cho biết năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 tác động đến môi trường đầu tư chung tại Lào nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tìm cơ hội đầu tư tại Lào, số dự án được cấp phép mới là 21, với tổng vốn đăng ký đạt 2,5 tỷ USD; trong đó, phần lớn đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ, năng lượng, nông nghiệp; ngoài ra, còn đầu tư vào một số lĩnh vực khác như xây dựng hạ tầng, thương mại, buôn bán nhỏ. Đặc biệt, các nhà đầu tư Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào các Đặc khu kinh tế, với 89 doanh nghiệp đã được cấp phép và tổng vốn đầu tư là 215 triệu USD.

Hội nghị lắng nghe ý kiến từ đại diện Hội đồng thương mại Trung Quốc thường trú tại Lào và 09 đại diện cho các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, tài chính, năng lượng, khai khoáng, phát triển khu kinh tế đặc biệt, nông nghiệp...về các khó khăn, vướng mắc lớn trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Lào hiện nay. (KT-XH, 17/8/2021)

Phát triển Đặc khu kinh tế tại ngã ba biên giới Lào-Trung Quốc-Việt Nam

Ngày 24/8/2021, lễ ký MOU giữa Văn phòng Chính quyền tỉnh Phongsaly với Tập đoàn công ty Youchong Trung Quốc được tiến hành.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khammala Souvong cho biết, trong thời hạn MOU, công ty Youchong triển khai thực hiện nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu để phát triển và xây dựng Đặc Khu kinh tế tại khu vực ngã ba biên giới ba nước Lào-Trung Quốc-Việt Nam tại huyện Nhót-ou, tỉnh Phongsaly, bao gồm: nghiên cứu, khảo sát; thu thập thông tin về sử dụng đất hiện nay và dự kiến thay đổi mục đích sử dụng đất, địa điểm, diện tích đất sinh sống của nhân dân và các công việc liên quan khác; nghiên cứu, khảo sát thiết kế dự án xây dựng đường giao thông, từ bản Ou-lua lớn đến ngã ba biên giới ba nước; nghiên cứu, khảo sát khu vực 250 km2; trong đó bao gồm khu dịch vụ, khu du lịch khoảng 100 km2 và khu nông nghiệp và công nghiệp 150 km2; nghiên cứu, khảo sát thực trạng đất tự nhiên, kinh tế-xã hội và đánh giá tác động môi trường xã hội; tổng hợp báo cáo khảo sát khu vực biên giới và bản đồ khu vực biên giới, khảo sát đo đạc; thống kê, tính toán các thửa đất; nghiên cứu khả thi kinh tế-kỹ thuật; kế hoạch giám sát, kiểm tra môi trường; kế hoạch giám sát kiểm tra xã hội; dự kiến kế hoạch phát triển dự án và quy hoạch xây dựng bước đầu...Sau khi hoàn thành các phần việc, báo cáo Chính quyền tỉnh về các khu vực phát triển chi tiết, đề xuất trình Chính phủ xem xét theo từng vấn đề phù hợp với quy trình, quy định của pháp luật Lào. (KT-XH, 26/8/2021)

Hoàn thành nhà ga Phonehong trong dự án đường sắt Lào - Trung

Tính đến ngày 23/7, nhà ga Phonehong thuộc dự án đường sắt Lào - Trung do Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc làm chủ thầu đã hoàn tất, là nhà ga đầu tiên có tất cả 10 tòa nhà được hoàn thiện toàn diện từ trong ra ngoài cũng như là một dấu mốc cho thấy việc xây dựng nhà ga đường sắt Lào - Trung đã tiến tới những công đoạn cuối cùng.

Nhà ga Phonehong đặt tại bản Phonehong, tỉnh Vientiane, với thiết kế gồm hai đường lên xuống tàu và 3 làn đường ray (đã bao gồm đường ray chính). Tòa nhà ga đặt tại bên trái làn chính, với sức chứa 300 người và diện tích xây dựng là 1.498,7 mét vuông. Đây được coi là nhà ga quy mô nhỏ.

Từ khi bắt đầu xây dựng, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc giai đoạn 3 đã khẳng định mục tiêu xây dựng dự án xuất sắc, nhằm phục vụ người dân, bảo đảm thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế, hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện, vượt qua mọi khó khăn để tiến hành xây dựng trong bối cảnh Covid-19 và trong mùa mưa. Nhà ga này được đánh giá là công trình xây dựng tiêu chuẩn của dự án đường sắt Boten-Vientiane. (Báo KT-XH, ngày 27/7/2021).

Nhà máy cao su mới sản xuất 60.000 tấn hàng năm để xuất khẩu

Báo Vientiane Times ngày 19/8/2021 đưa tin, một nhà máy sản xuất cao su mới đã bắt đầu được xây dựng ở tỉnh Viêng-Chăn, dự kiến sẽ sản xuất 60.000 tấn sản phẩm cao su xuất khẩu mỗi năm.

Theo Truyền hình quốc gia Lào, Chính quyền tỉnh đã bật đèn xanh cho một công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy chi phí 20 triệu USD. Lễ động thổ xây dựng nhà máy diễn ra đầu tháng 8/2021 ở làng Hinheup Neua, huyện Hinheup. Việc xây dựng sẽ tiến hành hai giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2022 và giai đoạn 2 năm 2024. Nhà máy sẽ mua cao su của nông dân ở các tỉnh phía Bắc và chế biến để xuất khẩu. Nhà máy sẽ tạo được hơn 1.000 việc làm cho người dân ở tỉnh Viêng-chăn.

Năm 2006, Công ty Trung Quốc đã xây dựng nhà máy tương tự ở tỉnh Luông-nậm-thà và đầu tư 155 triệu USD vào trang trại trồng cao su trên diện tích 8.600 ha ở 4 tỉnh Bắc Lào. Hiện tại, công ty có 3 nhà máy chế biến cao su ở Lào sản xuất 50.000 tấn/năm. Công ty cũng phối hợp với Bộ Nông Lâm xây dựng Trung tâm nghiên cứu cây nông nghiệp. (Vientiane Times, 19/8/2021).

Lào - Nhật Bản

Nhật Bản cam kết hỗ trợ Lào trang thiết bị trị giá 710.000 USD

Ngày 03/8, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết trong cuộc họp Chính phủ sẽ hỗ trợ Lào trang thiết bị y tế trị giá 710.000 USD để đối phó với làn sóng Covid-19 đang gia tăng tại Lào, theo đó, số tiền này sẽ dùng để mua 100 bình Oxy, 100 máy theo dõi sức khỏe và 100 máy phục vụ vệ sinh bệnh nhân để giúp Lào phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng có thể hỗ trợ Lào điều trị bệnh nhân một cách nhanh chóng đồng thời cam kết cung cấp cho Lào 600.000 liều vắc-xin AstraZeneca. (Báo KT-XH, ngày 05/8/2021).

Lào - Thụy Sỹ

Thụy Sỹ tăng cường quan hệ hợp tác, cam kết tiếp tục viện trợ cho Lào

Ngày 03/08/2021, một thỏa thuận đã đạt được giữa hai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, theo đó, Lào và Thụy Sỹ thống nhất tăng cường các mối quan hệ hợp tác lâu dài, Thụy Sỹ cam kết cung cấp khoản hỗ trợ dành cho Lào trị giá 65 triệu Francs Thụy Sỹ trong vòng 04 năm tới.

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ Ignazio Casis và phái đoàn đã có chuyến thăm chính thức Lào từ 03-04/08/2021. Đây là chuyến thăm chính thức Lào của một Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ. Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, hai bên đã thống nhất về phương hướng hợp tác trong tương lai và cách làm để tiếp tục đưa đối tác giữa hai nước lên tầm cao mới.

Theo thông cáo báo chí, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục khuyến khích và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, nông nghiệp, y tế, du lịch, thủy điện, quản trị, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhân đạo và các lĩnh vưc khác. Hai Bộ trưởng đã xem xét và đánh giá kết quả hợp tác Lào - Thụy Sỹ trong những năm vừa qua và lưu ý rằng, những thành tựu đáng kể đã đạt được dựa trên tình hữu nghị lâu dài và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.  Hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau và nhất trí sẽ tiếp tục hỗ trợ  nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu và Liên hợp quốc.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai nước, đồng thời tiếp tục các cuộc tham vấn chính trị giữa hai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong những năm tới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ Lào và Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ về Hợp tác Kỹ thuật, Văn hóa, Tài chính cũng như Hỗ trợ nhân đạo giai đoạn 2022-2025. (Vientiane Times, 04/08/2021)

Lào - Thái Lan

Lao động Lào tại Thái Lan trở về địa phương

Các địa phương hiện đang chuẩn bị các trung tâm cách ly dành cho lao động Lào trở về từ những nước có diễn biến Covid-19 phức tạp, đặc biệt từ Cầu Hữu nghị II (Savannakhet-Mukdahane). Hiện tại, trung tâm cách ly sân vận động Km4 có số lao động nhập cảnh tổng cộng 1.580 người và hiện vẫn đang tiếp tục nhận thêm người trở về mỗi ngày, gây ra sự ùn ứ. Do vậy, Ban Chuyên trách phòng chống Covid-19 đang trao đổi để đưa số lao động này về cách ly tại địa phương với tổng số khoảng hơn 180 người.

Ngày 21/7, Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet đã xuống theo dõi, kiểm tra địa điểm xây dựng khu cách ly dành cho người nghi nhiễm, đặc biệt là lao động trở về từ các nước láng giềng có số lượng ca lây nhiễm tăng cao từng ngày. Đoàn đã đến thăm một số trường học và quyết định chọn trường Kengkok Bắc làm khu cách ly do có điều kiện thuận lợi hơn cả về cơ sở vật chất như đường điện, nước máy, an ninh. Ngoài ra, đoàn cũng xuống kiểm tra công tác chuẩn bị của huyện Songkhon và nghe báo cáo tình hình chuẩn bị khu cách ly tạm thời tại Trường lý luận chính trị. (Báo KT-XH, ngày 27/72021).

Lào - Hàn Quốc

Chuẩn bị dự án phát triển hệ thống nước máy phía Nam

Ngày 22/7/2021, tại khách sạn Champasak Grand, thành phố Pakse, tỉnh Champasak đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận tư vấn khảo sát - thiết kế và quản lý Dự án phát triển hệ thống cung cấp nước máy khu vực Nam Lào tại 02 tỉnh: Champasak và Salavan.

Tại buổi lễ, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Vilayvong Butdakham đánh giá cao dự án phát triển hệ thống cung cấp nước máy tại hai tỉnh này và lợi ích của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân thông qua việc sử dụng nguồn nước sạch, an toàn, đặc biệt tại các bản, huyện nằm trong dự án. Dự án này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa tỉnh Champasak và Hàn Quốc. Tỉnh trưởng tỉnh Salavan và Đại diện Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc tại Lào Lee Dong Geon đã tham dự và phát biểu tại Lễ ký kết.

Giám đốc Dự án Basy Phonkeo cho biết: Dự án sửa đổi và xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch tại các huyện ở 2 tỉnh hiện vẫn chưa có nước máy nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân về mọi mặt, hạn chế bệnh tật gây ra do nước. Dự án trên được nghiên cứu tính khả thi từ giữa năm 2019, và được Chính phủ Lào ký thỏa thuận vay vốn từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc vào tháng 11/2020. Quá trình tư vấn dự án được tiến hành từ tháng 11/2020 và hoàn thành vào tháng 02/2021, thống nhất sử dụng Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc, giao Sở Giao thông Công chính tỉnh Champasak ký Thỏa thuận với công ty tư vấn JV thuộc Công ty Tư vấn và Cơ khí KUNWHA và Công ty ISAN ngày 15/3/2021. Dự án có tổng trị giá 4.128.000 USD, được chia làm 02 giai đoạn: giai đoạn khảo sát - thiết kế chi tiết và nhận thầu xây dựng; và giai đoạn theo dõi, kiểm tra xây dựng. Giám đốc Công ty Tư vấn dự án cho biết: Dự án phát triển hệ thống nước máy phía Nam được triển khai nhằm cung cấp nước sạch cho 306 bản thuộc tỉnh Champasak và 128 bản thuộc tỉnh Salavan. Trước hết, dự án sẽ triển khai xây dựng nhà máy bơm nước với công suất 47.350 m3/ngày và nhà máy sản xuất nước máy với công suất 20.600 m3/ngày.

Giám đốc Sở Giao thông công chính tỉnh Champasak Chanthavysuk Vanhsyli và Đại diện Công ty Tư vấn dự án đã ký kết thỏa thuận tư vấn đối với dự án. (Báo KT-XH, ngày 26/7/2021).

Lào - Pháp

Các nhà sản xuất cà phê ở các tỉnh Bắc Lào đánh giá thành tựu và thách thức

Trung tuần tháng 8/2021, các nhà hoạt động hỗ trợ sáng kiến Dự án Củng cố và Mở rộng ngành cà phê Lào (RECoSeL) đã nhóm họp chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến việc góp phần phát triển chuỗi giá trị cà phê sạch và công bằng ở Bắc Lào. Dự án RECoSeL là một trong những dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận được hỗ trợ vốn từ Chính phủ Pháp thông qua Văn phòng Phát triển Pháp (AFD).

Dự án được Bộ Nông Lâm triển khai từ năm 2017-2021; thông qua AFD, Chính phủ Pháp đã hỗ trợ ngành cà phê Lào từ năm 1998 qua một số chương trình, dự án nghiên cứu, phát triển, tổ chức tập huấn cho nông dân thực hiện quản lý và triển khai các chính sách của ngành.

Dự án nhằm củng cố ngành cà phê Lào, hỗ trợ quy trình chất lượng cà phê Lào theo tiêu chuẩn thị trường khu vực và quốc tế. Dự án đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện Chiến lược phát triển cà phê Lào đến năm 2025, thành lập Ban thư ký chương trình, Ban nghiên cứu cải cách Hiệp hội Cà phê Lào và đăng ký Chỉ dẫn địa lý cà phê Boloven.

Ở vùng cao Bắc Lào, sản xuất cà phê sẽ cung cấp các giải pháp bền vững cho lĩnh vực trồng trọt và thương mại dựa trên sự trao quyền, tự quản của người dân sản xuất các sản phẩm nông sản sạch.

Thông qua sự hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân địa phương (cán bộ ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ, các nhóm nông dân), RECoSeL đã thành lập 21 tiểu dự án ở 18 huyện của 08 tỉnh Bắc Lào nhằm mục đích giới thiệu, cải tiến và phát triển sản xuất cà phê sạch. Xây dựng chuỗi sản phẩm từ vườn đến tiêu dùng nhằm tăng khả năng tiêu thụ, giảm giá thành sản phẩm và ổn định thị trường cà phê, tác động tích cực tới niềm tin của người nông dân.

Bài học từ phát triển cà phê ở Nam Lào về thúc đẩy sản xuất cà phê sạch và công bằng dựa trên chứng chỉ “thương mại công bằng” và “hữu cơ” sẽ giúp định hướng thị trường cho nông dân nhắm tới thị trường tiểu ngạch ở nước ngoài, nơi có nhu cầu ngày càng tăng.

Gần đây, Chính phủ Pháp đã phê duyệt khoản tài trợ 03 triệu Euro cho dự án phát triển loại cà phê mới, sẽ được giải ngân vào đầu năm 2022. Dự án này khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ, lâu dài giữa chính phủ Pháp và Bộ Nông Lâm Lào, sẽ tạo ra những cơ hội để củng cố sự hợp tác với Bộ Công Thương. Bằng việc làm như vậy, Chính phủ Pháp kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò là người hỗ trợ trong các cuộc đối thoại về thể chế và kinh tế giữa các đối tác liên quan đến việc phát triển ngành cà phê Lào (Vientiane Times, 19/8/2021).

BẠN CẦN BIẾT

Chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến sắn lớn nhất Lào

Ngày 26/8/2021, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Champasak Vilayvong Poudakham chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Champasak 06 tháng đầu năm và kế hoạch 06 tháng cuối năm 2021. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampeng Xaysompheng, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Lào Phet Phomphibath và Chủ tịch Công ty AIDC Phoumasak cùng các Giám đốc Sở, Chủ tịch các huyện của tỉnh Champasak.

Tại Hội nghị, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Champasak Vilayvong Poudakham đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 06 tháng đầu năm 2021, phương hướng thực hiện 06 tháng cuối năm. Ông cho biết, tỉnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực tiềm năng, trong đó hướng đến kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản thành sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản là thế mạnh hiện nay của tỉnh; đồng thời thông báo sẽ xây dựng nhà máy chế biến sắn có quy mô lớn nhất Lào hiện nay, với công nghệ hiện đại.

Nhà máy chế biến sắn do Công ty AIDC là doanh nghiệp tư nhân Lào đầu tư tại huyện Bachieng, với tổng mức đầu tư 70 triệu USD, thị trường nguyên liệu chính tại huyện Paksong, chế biến từ nguyên liệu sắn tươi thành sắn khô, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. (KT-XH, 27/8/2021)

Giá cao su tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm

Theo Hiệp hội Cao su Lào, giá cao su tăng do tăng cầu trên các thị trường quốc tế. Giá cao su hiện nay trung bình là 9.400 Kíp/kg. Giá thấp nhất là 8.000 Kíp/kg nhưng sẽ tăng lên 10.000 Kíp/kg tới đây.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Cao su Lào Vilayvanh Phomkhe, khi đường sắt Lào-Trung đi vào hoạt động tạo điều kiện thông thương hàng hóa xuất khẩu nhanh và dễ dàng hơn, cộng thêm nguồn nhân công rẻ, có kinh nghiệm nhiều năm về sản xuất và thương mại sẽ khuyến khích thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm cao su tại Lào để xuất khẩu. Hiện nay, Lào có khoảng 300.000 ha cao su cả của công ty và cá nhân. Các trang trại cao su ở các tỉnh phía Bắc chủ yếu là của người Trung Quốc, còn phía Nam Lào chủ yếu là các công ty Việt Nam đầu tư.

Giá bán cao su ở Lào đạt đỉnh 15.000 Kíp/kg năm 2010 và giảm xuống 5.000 Kíp/kg hồi năm ngoái. Giá cao su thấp những năm gần đây khiến người trồng từ bỏ cây cao su để sang các mặt hàng khác. Hàng trăm ha cây cao su bị cắt bỏ để trồng cây khác vì người nông dân quyết định cắt lỗ khi giá cả lao dốc. Chính phủ đang tìm cách giúp người trồng hợp tác tiếp thị và đàm phán với các nước láng giềng.

Theo Bộ Công Thương, năm 2017, hạn ngạch cao su Trung Quốc dành cho Lào là 10.000 tấn và tăng lên 20.000 tấn vào năm 2020. Năm 2017, giá trị xuất khẩu cao su của Lào đạt 153,4 triệu USD, tăng lên 168,1 triệu USD năm 2018, gần 217,5 triệu USD năm 2019, giảm xuống 214,5 triệu USD năm 2020. Năm nay, kim ngạch tiếp tục giảm do dịch bệnh Covid-19.

Cao su rơi xuống vị trí thứ hai trong các mặt hàng nông sản sau khi đứng đầu năm 2018. Năm 2019 và 2020, đứng đầu giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản là trâu bò, gia súc. Năm 2019, Lào nhận được đơn hàng lớn cho cao su trồng ở tỉnh Luông-nậm-thà. (Vientiane Times, 25/8/2021)

Du lịch ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Lào đã gây ra ảnh hưởng nặng nề cho mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch do bị ngừng hoạt động trong nhiều tháng, dẫn đến người lao động không có việc làm và không có thu nhập nuôi sống gia đình. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã đề xuất với Chính phủ hỗ trợ các vấn đề quan trọng để phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19. Ngày 29/7, Chủ tịch Hội đồng Công Thương quận Hatxayphong Soysuda Inmuongxay đã đại diện doanh nghiệp du lịch có ý kiến đóng góp vào Cuộc họp giữa Chính quyền thủ đô Vientiane với doanh nghiệp-nhà đầu tư đang hoạt động tại thủ đô dưới sự chủ trì của Đô trưởng Vientiane Atsaphangthoong Siphandone. Đô trưởng cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài qua 2 đợt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch khiến cho thu nhập giảm sút, người lao động không có việc làm và không có thu nhập nuôi sống gia đình. Một số công ty vì lý do nhân đạo đã giữ lại 50% số cán bộ và duy trì trả lương hàng tháng song thực chất không có nguồn thu. Các công ty du lịch chủ yếu mua xe dịch vụ du lịch và xe dịch vụ đón khách, thông thường sẽ trả tiền thuê xe theo kỳ bằng USD hoặc Baht, song do không có nguồn thu ngoại tệ, cộng với việc các ngân hàng không nhận đồng Kíp, các công ty lữ hành buộc phải đổi tiền ngoài thị trường với tỷ giá bất lợi hơn rất nhiều so với thực tế.

Khối doanh nghiệp đề nghị nhà nước giúp doanh nghiệp phục hồi về dài hạn, các cơ quan chức năng thúc đẩy theo dõi và giải quyết giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch đã có thuế môn bài nộp tại Sở Công thương thủ đô. Đặc biệt sau khi đường sắt Lào - Trung đi vào hoạt động, đề nghị Chính phủ phối hợp với các nước đã triển khai tiêm đủ 2 mũi cho người dân và có giấy chứng nhận y tế mở cửa cho khách vào du lịch Lào. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan hữu quan giúp đầu tư cho vay nhằm phục hồi kinh doanh và tiếp cận dễ hơn với lãi suất thấp và duy trì mức lãi suất này trong 3 năm trở lên; giải quyết giá điện trong dài hạn, đưa giá điện kinh doanh về giá phổ thông. (Báo KT-XH, ngày 30/7/2021).

Cầu Konteun-Huoykeo đạt tiến độ 65%

Dự án xây dựng cầu bắc qua sông Konteun-Hoykeo là dự án xây dựng sử dụng 100% vốn đầu tư từ Chính phủ Lào với giá trị vốn vay Chính phủ là hơn 180 tỷ Kíp do Công ty doanh nghiệp xây dựng Giao thông nhận thầu, hiện đã đạt tiến độ 65%.

Cây cầu này được xây dựng tại huyện Paktha, tỉnh Bokeo có chiều dài 505 mét, rộng 12,5 mét có làn dành cho người đi bộ ở hai bên; dầm cầu được làm bằng sắt, có 7 nhịp, mỗi nhịp dài 65 mét, riêng nhịp ở giữa dài 110 mét, có thiết kế dạng cầu hỗn hợp.

Phó Trưởng ban Dự án Xayphone Phommavong cho biết: đến nay, việc xây dựng cầu Konteun-Houykeo đã cơ bản hoàn tất với 7 trụ cầu đã được xây dựng, hai trụ đầu cầu đã hoàn thiện 90%. Hiện nay, dầm cầu cơ bản đã được lắp đặt, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7/2021 cùng với việc tiến hành trải bê tông. (Báo KT-XH, ngày 28/7/2021).

Tỉnh Xaysomboun phê duyệt 17 dự án đầu tư mới

Ngày 30/7/2021, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Xaysomboun tổ chức cuộc họp tổng kết công tác khuyến khích và quản lý đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài trên toàn tỉnh 06 tháng đầu năm và phương hướng kế hoạch 06 tháng cuối năm 2021 dưới sự chủ trì của Tỉnh trưởng, Thiếu tướng Khamlieng Uthakaysone.

Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Xaysomboun đã tổng kết báo cáo tóm tắt về tình hình đầu tư tại tỉnh trong 06 tháng đầu năm 2021, cho biết đầu tư từ khối tư nhân trong nước và nước ngoài có dấu hiệu tốt. Tỉnh đã phê duyệt 17 dự án với tổng giá trị đầu tư hơn 748 tỷ Kíp, tương đương 78,44 triệu USD, so với năm 2021 đã vượt 473,27 tỷ Kíp, tương đương 172%.

Công tác nổi bật trong 06 tháng đầu năm là phê duyệt các dự án đầu tư để khảo sát nghiên cứu, tìm kiếm quặng khoáng sản, nghiên cứu khảo sát xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật cho 3 dự án du lịch, là những dự án mang lại lợi ích kinh tế-xã hội nhiều cho tỉnh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như đề ra phương hướng cho 06 tháng cuối năm 2021. (Báo KT-XH, ngày 03/8/2021).

Sử dụng gần 25 triệu USD để sửa chữa đường 13

Ngày 05/8/2021, Trưởng ban Dự án Cục Cầu đường Bộ Công chính và Vận tải Sucsakone Venvongsot và Giám đốc Công ty Doanh nghiệp Nhà nước xây dựng đường số 8 đã ký kết Thỏa thuận sửa chữa và nâng cấp đường 13 Nam giai đoạn 4 từ Km 268 đến Km 346 với tổng chiều dài 78 km.

Trưởng Ban Dự án Sucsakone Venvongsot cho biết, Dự án nâng cấp và sửa chữa đường 13 Nam bắt đầu từ Km 71 thuộc địa phận tỉnh Bolikhamxay đến Km 346 thuộc tỉnh Khammuan với tổng chiều dài 275 km, chia làm 04 gói thầu, giải ngân thành 02 giai đoạn: giai đoạn 1 thực hiện trong 03 năm, triển khai xây dựng; giai đoạn 2, bảo dưỡng, bảo trì công trình cầu đường từ nguồn đối ứng của Chính phủ Lào, thực hiện trong 07 năm. Tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 25 triệu USD. (Báo KT-XH, ngày 9/8/2021).

 

BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Trịnh Thị Tâm

Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa, Hà Bảo Trâm


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: