Notifications
Clear all
Topic starter
08/09/2020 5:30 chiều
TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Hội nghị thường kỳ tháng 8 của Chính phủ
Ngày 20-21/8/2020, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chủ trì Hội nghị thường kỳ tháng 8 của Chính phủ để bàn các giải pháp ứng phó với làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ chỉ thị các cơ quan chức năng thắt chặt biên giới để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép qua các đường mòn, lối mở.
Về kinh tế, Chính phủ chỉ thị cho các cơ quan liên quan phải cải thiện các chính sách nhằm xúc tiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Các chính sách này bao gồm: điều chỉnh lãi suất cho vay; đơn giản thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh và dễ dàng Quỹ Xúc tiến SMEs; theo dõi chặt chẽ và tăng cường hỗ trợ SMEs để các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả. Các cơ quan chức năng liên quan phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo quản lý tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị cũng kêu gọi thanh toán nợ cho các doanh nghiệp tư nhân để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Chính phủ yêu đẩy nhanh việc thực hiện các siêu dự án đang triển khai như Dự án đường sắt Lào – Trung, các đường cao tốc và kế hoạch phát triển kinh tế dọc theo tuyến hành lang đường sắt để đảm bảo các dự án này được thực hiện đúng tiến độ nhằm thúc đẩy kinh tế. Chính phủ yêu cầu Tiểu ban Xúc tiến Sản xuất và Tiêu dùng trong nước xác định các tiềm năng chưa được khai thác để khuyến khích sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu. Ngành tài chính phải tiếp tục hiện đại hóa các cơ chế thu ngân sách để xóa bỏ các kẽ hở, tránh gây thất thoát nguồn thu.
Tại Hội nghị, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận dự thảo chính sách và kế hoạch hành động để hỗ trợ người tàn tật. Chính phủ đã thông qua về nguyên tắc 03 dự thảo luật, gồm: Giao thông đường bộ, Giáo dục Đại học và Hợp tác Quốc tế chống Tội phạm. Các dự thảo luật này sẽ trình Phiên họp Thường kỳ sắp tới của Quốc hội, dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2020. Chính phủ đã thảo luận dự thảo nghị định về quản lý quỹ thiên tai, đưa ra các nguyên tắc và quy định về sử dụng quỹ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Chính phủ đồng thời đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục xúc tiến chiến dịch "Lào du lịch Lào" và chuẩn bị đẩy mạnh các hoạt động du lịch hậu Covid-19. (Vientiane Times, 24/08/2020)
Chính phủ dự tính giải quyết nợ đối với doanh nghiệp
Ngày 21/8/2020, Hội nghị thường kỳ tháng 8 của Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã thảo luận vấn đề trả nợ đối với các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian còn lại của năm 2020 để duy trì thanh khoản và tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn kinh tế.
Tiền sẽ được huy động từ các nguồn khác nhau, bao gồm phát hành trái phiếu và chuyển các khoản nợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp sang các ngân hàng thương mại. Động thái này là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 mặc dù Chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính.
Từ đầu năm 2018 – đầu năm 2019, trên 3.000 tỷ Kíp nợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân đã được chuyển sang các ngân hàng thương mại. Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ Khampay Somsana cho biết, đa số các doanh nghiệp ủng hộ sáng kiến này vì giúp họ có thể trả nợ ngân hàng. Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ sáng kiến giải ngân nợ 03 bên này và đang trông đợi sáng kiến này được tiếp tục thực hiện trong năm nay.
Đến thời điểm cuối năm 2019, có 2.091 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành nhưng chi phí xây dựng với tổng số lên tới 10,14 nghìn tỷ Kíp vẫn chưa được thánh toán. Hiện vẫn chưa có báo cáo chính thức về số nợ chính xác của Chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân năm 2020 vì Chính phủ đang thanh tra các dự án đã hoàn thành có đội vốn và tuân thủ pháp luật hay không.
Hàng năm, Chính phủ phân bổ một phần ngân sách để trả nợ cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ tiếp tục hoạt động. Trong bối cảnh thu ngân sách dự kiến chỉ đạt 78% kế hoạch năm 2020 buộc Chính phủ phải cắt giảm chi đối với các khoản không thiết yếu . Chính phủ dự tính sẽ cắt giảm các khoản chi không những đối với các hoạt động hành chính, mà còn hoãn chi đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 50% sang năm tài chính tiếp theo để giảm thiểu căng thẳng ngân sách.
Năm 2020, kinh tế Lào dự báo sẽ tăng trưởng chỉ khoảng 3,3 - 3,5% so với mức 6,5% năm 2019; thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ sẽ càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19. (Vientiane Times, 25/08/2020)
Tác động hai mặt của việc kiểm soát tỷ giá hối đoái
Ngày 23/8/2020, trả lời phỏng vấn Vientiane Times, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Rattanatay Luanglabandith cho rằng, các giải pháp kiểm soát tỷ giá hối đoái có những tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế Lào trong bối cảnh đồng Kíp đang bị mất giá so với các đồng ngoại tệ khác, đặc biệt là USD và Baht Thái.
Tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường chính thức đang tiếp tục gây mất cân đối cung – cầu và tạo chênh lệch giữa các tỷ giá chính thức và chợ đen, đây là hậu quả của dự trữ ngoại tệ bị suy giảm.
Mặt tốt của việc kiểm soát tỷ giá là để giữ cho tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và tạo niềm tin về đồng nội tệ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì Lào nhập khẩu nhiều hơn so với xuất khẩu, sự biến động về tỷ giá sẽ có tác động lên giá cả hàng hóa trên thị trường trong nước, cũng như đối với nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Lào phải nhập khẩu với số lượng lớn xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc và trang thiết bị điện và đồng Kíp yếu sẽ làm tăng giá mua các sản phẩm này. Sự mất giá của đồng Kíp cũng sẽ có tác động lớn đối với giá trị của các khoản nợ quốc gia vì phần lớn tiền nợ phải thanh toán bằng USD hoặc Bath Thái, nghĩa là Lào phải mua các ngoại tệ này để trả nợ.
Theo các nhà quan sát, tình hình của Lào khác với nhiều nước khác vì nhiều người Lào sở hữu ngoại tệ và không giao dịch tài chính qua các ngân hàng. Số lượng ngoai tệ trao đổi trên thị trường chợ đen rất lớn trong khi giao dịch chính thức rất khan hiếm.
Ông Rattanatay nhấn mạnh, mặt trái của việc kiểm soát tỷ giá hối đoái là ở chỗ làm cho đồng Kíp mạnh hơn so với giá trị thực và ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Việc kiểm soát tỷ giá hối đoái cũng làm xói mòn dự trữ ngoại tệ quốc gia vì Ngân hàng Trung ương phải cung ứng ngoại tệ cần thiết ra thị trường.
Tỷ giá hối đoái thả nổi có thể có tác động tích cực vì chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và chợ đen sẽ được giảm thiểu. Thị trường sẽ tự điều tiết dựa trên các nguyên tắc cung – cầu và vấn đề chệnh lệch này sẽ được giải quyết.
Theo báo cáo của Chính phủ (6/2020), tỷ giá chính thức giữa đồng Kíp/USD đã giảm 3,8% trong 06 tháng đầu năm 2020. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, chỉ trong tháng 7/2020, đồng Kíp đã mất giá 8% so với USD, trong khi Kíp/Bath chỉ mất giá 1%. Tuy nhiên, theo tỷ giá trên thị trường chợ đen, đồng Kíp đã mất giá 9% trong tháng 4/2020 so với cuối năm 2019. Tình trạng đồng Kíp tiếp tục mất giá sẽ dẫn đến làm tăng lạm phát, gánh nặng tài chính và trả nợ nước nước ngoài của Chính phủ. (Vientiane Times, 24/08/2020)
Chính phủ cấp đất dự án trồng cây công nghiệp ở tỉnh Viêng Chăn
Ngày 31/7/2020, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Khamchanh Vongsenboun đã ký thỏa thuận nhượng quyền 2.000 ha đất cho Công ty TNHH Nông lâm Burapha, một công ty tư nhân để thực hiện dự án trồng cây công nghiệp ở Khu Bảo tồn Rừng quốc gia ở tỉnh Viêng Chăn với thời gian nhượng quyền 50 năm.
Theo bà Souphayvanh Thiengchanhxay, Phó Giám đốc Công ty Burapha, mục đích của công ty là mở rộng dự án trồng cây công nghiệp ở tỉnh Viêng Chăn do công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy ván ép ở huyện Hinheup, tỉnh Viêng Chăn. 2.000 ha chính phủ cấp nằm ở 03 huyện Xanakham, Meuangfeuang và Hinheup, Công ty sẽ hoàn thành việc trồng cây trong năm nay.
Đến nay, Công ty TNHH Nông lâm Burapha đã trồng được hơn 5.000 ha bạch đàn và keo ở 30 làng thuộc quận Xaythany và Sangthong của Thủ đô Viêng Chăn, huyện Paklai của tỉnh Xayaboury và huyện Phonhong, Hinheup, Keo-oudom, Xanakham và Neun của tỉnh Viêng Chăn và kế hoạch mở rộng vùng trồng lên hơn 60.000 ha sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất gỗ trong tương lai. Hàng nghìn người dân và hơn 120 người lao động tham gia vào việc trồng cây của công ty.
Qua nhiều năm, sản phẩm gỗ chế biến của công ty đã có mặt ở những thị trường nước ngoài, đáp ứng nhu cầu của người mua với chất lượng tốt. (Vientiane Times, 3/8/2020)
Lào sẽ mất hàng triệu USD kiều hối lao động chuyển về nước vì dịch Covid-19
Ngày 06/08/2020, theo Vientiane Times, năm 2020, Lào dự tính sẽ mất hàng triệu USD kiều hối do hàng nghìn lao động Lào đã phải về nước do đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô Lào 06 tháng đầu năm 2020, năm 2019, lượng tiền lao động Lào chuyển về nước, chủ yếu là từ Thái Lan, đạt 42 triệu USD, tương đương 0,22% GDP.
Dự kiến, đại dịch cũng làm tăng mạnh số người lao động mất việc làm ở Lào. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 dự báo tối thiểu ở mức 20%, tăng 9,4% so với năm 2017. Con số này bao gồm cả lao động Lào từ Thái Lan trở về nước, ước khoảng 130.000 người.
Chính phủ đã hỗ trợ người lao động với một số giải pháp như cung cấp gói trợ cấp thất nghiệp cho 3.738 người thuộc 140 doanh nghiệp với số tiền trợ cấp trị giá 4,85 tỷ Kíp. Trong những năm gần đây, người lao động đã nhận được hỗ trợ nhiều hơn vì hệ thống an sinh xã hội đã được mở rộng tới phần lớn người dân.
Tuy nhiên, báo cáo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa VIII, Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội Khampheng Saysompheng cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Lào, phần lớn người lao động, kể cả mất việc làm tạm thời và thường xuyên đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Khamkheng, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội đã thành công trong việc đảm bảo tất cả lao động, kể cả lao động trở về từ nước ngoài và lao động trong nước bị sa thải do tác động của dịch Covid-19 đều nhận được hỗ trợ hợp lý từ người sử dụng lao động. Đồng thời, họ cũng nhận được trợ cấp thất nghiệp từ Chính phủ.
Hiện nay, Chính phủ, cụ thể là Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội đang thu thập thông tin về số lượng lao động thuộc diện ngoài hệ thống an sinh xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Civid-19. Sở Lao động và Phúc lợi xã hội các tỉnh trên cả nước đã được chỉ thị phải cung cấp thông tin chi tiết về số lượng lao động mất việc làm, cũng như khả năng cung cấp việc làm ở các tỉnh và thủ đô Viêng Chăn.
Các cấp chính quyền đang tích cực tìm kiếm các giải pháp để tạo việc làm cho người lao động. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đang hợp tác với các nước ASEAN để có hành động chung ứng phó với dịch bệnh, hợp tác nhằm giảm thiểu tác động đối với nhóm người dân dễ bị tổn thương, đồng thời cập nhật cho nhau thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở mỗi nước thành viên.
* Trong một tin liên quan, ngày 11/8/2020, Vientiane Times trích dẫn nguồn từ Kyodo News đăng tải nội dung báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, lượng kiều hối khu vực châu Á – Thái Bình dương nhận được trong năm 2020 sẽ giảm 54,3 tỷ USD do lao động tại nước ngoài mất việc làm vì hậu quả của đại dịch Covid-19. Theo ADB, lượng kiều hối bị giảm nêu trên tương đương 19,8% dòng kiều hối chuyển về khu vực trong năm 2018. Lao động di cư từ châu Á – TBD chiếm 33% tổng lao động di cư trên thế giới năm 2019, lượng kiều hối chuyển về khu vực năm 2019 đạt 315 tỷ USD, đó là nguồn thu nhập đối với nhiều hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương. Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nhấn mạnh, đại dịch đe dọa những thành tựu về phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á – TBD, làm đảo ngược tiến bộ về giảm nghèo, đưa các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các quốc gia có tỷ trọng kiều hối lớn trong GDP và bình quân đầu người như Tonga, Samoa và các quốc gia TBD chắc chắn sẽ đối mặt với tác động nghiêm trọng hơn từ dòng kiều hối giảm sút do tác động của dịch Covid-19. Dòng kiều hối chuyển về khu vực giảm chủ yếu từ Trung Đông – giảm 22,5 tỷ USD, tương đương 41,4% lượng kiều hối bị mất. Tiếp theo là Mỹ - 20,5 tỷ USD, chiếm 37,9% lượng kiều hối bị mất.
Theo ADB, để đảm bảo dòng kiều hối chuyển về khu vực châu Á – TBD, cần có chính sách tạm thời miễn cho các nhà cung cấp dịch vụ kiều hối các quy định như yêu cầu công khai, ưu đãi thuế để giảm chi phí chuyển tiền…. (Vientiane Times, 06/8/2020, 11/8/2020)
Chính phủ thúc đẩy thu ngân sách quốc gia
Ngày 06/8/2020, theo Vientiane Times, Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy ký yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tăng ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2020.
Thông tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán E-tax, tăng cường sự minh bạch trong ngành tài chính. Nhiều đơn vị kinh doanh sẽ được chỉ thị chuyển sang hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) vì nhiều doanh nghiệp có doanh thu trên 400 triệu Kíp chưa thực hiện quy trình VAT. Thông tư cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra lại các nguồn thu để đảm bảo việc thu đủ cho nhà nước.
Đây là động thái được tiến hành vì nguồn thu ngân sách Lào bị sụt giảm do hậu quả của đại dịch Covid-19; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tác động nặng nề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
Tháng 6/2020, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh dự toán ngân sách bằng cách giảm chỉ tiêu thu ngân sách từ 28,99 tỷ Kíp xuống 22,72 tỷ Kíp. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng từ 3,77% lên 5,87% GDP vì khu vực doanh nghiệp đã và đang chịu tác động kéo dài của dịch bệnh. Chính phủ nhận thấy cần mở rộng hệ thống thanh toán E-tax ở tất cả các tỉnh và ở nhiều lĩnh vực hơn. Năm 2019, Chính phủ đã áp dụng hệ thống thông tin quản lý thu thuế mới (TAXRIS) ở các thị xã của 07 tỉnh. Nhờ đó, thu ngân sách đã tăng 20% trong 06 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Chính phủ sẽ lắp đặt hệ thống TAXRIS ở 40 huyện trên cả nước. Chính phủ cũng sẽ rà soát các dự án đầu tư đã được cấp phép miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị, nguyên vật liệu và nhiên liệu. Đây là động thái nhằm giải quyết những kẽ hở các doanh nghiệp thường lợi dụng để nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều hơn và bán ra trên thị trường địa phương. Người dân và doanh nghiệp được khuyến khích thanh toán thuế và phí sử dụng đất qua tài khoản ngân hàng và các hệ thống điện tử.
Phó Thủ tướng Somdy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thanh toán tiền thuế qua các hệ thống kỹ thuật số và việc tạo điều kiện thuận lợi cho người thanh toán thuế để thực hiện nghĩa vụ. Hệ thống thanh toán thuế E-tax là công cụ để Chính phủ đạt chỉ tiêu thu ngân sách. Qua Thông tư của Bộ Tài chính, Chính phủ cũng sẽ tăng cường nỗ lực để quản lý các cửa khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa. (Vientiane Times, 06/8/2020)
Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh ở Lào
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Lào thông qua việc phát hành sách hướng dẫn "Cải cách môi trường kinh doanh ở Lào" để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể tìm hiểu về các thủ tục đăng ký kinh doanh và hoạt động tại Lào.
Sách hướng dẫn này được hỗ trợ bởi một dự án hợp tác Lào – Đức thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Đức (GIZ). Dự án nhằm cải thiện vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh ở Lào. Năm nay Lào được xếp thứ 154/190 trong bảng xếp hạng thường niên của WB; vị trí này không thay đổi từ năm 2018.
Ngày 05/08/2020, Hội nghị về kế hoạch hành động tạo thuận lợi về kinh doanh giai đoạn 2020-2022 đã được tổ chức tại Viêng Chăn với sự tham dự của các đại biểu từ các Bộ ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Hội nghị do Phó Thủ tướng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone và Đại sứ Đức tại Lào Peter Lukenherm đồng chủ trì.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, Chính phủ đã tiến hành các giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh ở Lào, bao gồm việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng CP số 002/2018 về cải tiến các quy định và cơ chế phối hợp để thuận lợi hóa môi kinh doanh; Chỉ thị số 003 tháng 01/2020 của Thủ tướng CP về cải tiến thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư và kinh doanh; Chỉ thị số 12 tháng 12/2019 của Thủ tướng CP về cải tiến các thủ tục xuất-nhập khẩu hàng hóa, qua lại các cửa khẩu, tạm nhập và vận tải hàng hóa ….
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành cải tiến 10 chỉ tiêu về xếp hạng môi trường kinh doanh. Cuốn sách đã giới thiệu kế hoạch hành động về cải cách môi trường kinh doanh ở Lào giai đoạn 2020-2022 và đã phát hành để phổ biến thông tin tới các cơ quan và cá nhân quan tâm.
Đại sứ Lukenherm nhấn mạnh, các giải pháp quyết liệt Chính phủ áp dụng để phòng chống dịch Covid-19 đã giúp ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng cũng mang lại các tác động to lớn về kinh tế và xã hội. Tháng 4/2020, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Lào năm 2020 sẽ không vượt quá 1%. Trong Báo cáo Giám sát Kinh tế Lào (5/2020), WB dự báo thâm hụt ngân sách của Lào sẽ ở mức 8% và nợ công sẽ tăng lên mức khoảng 65-68% GDP. Cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh ở Lào có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Môi trường thuận lợi về kinh doanh và đầu tư là tiền đề then chốt đối với sự phát triển bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu khủng hoảng; góp phần đa dạng hóa kinh tế, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ sử dụng tài nguyên sang các ngành sử dụng nhiều lao động và tri thức. (Vientiane Times, 06/8/2020)
Tác động về kinh tế của dịch Covid-19 đối với Lào tồi tệ hơn khủng hoảng toàn cầu năm 2008
Trả lời phỏng vấn Vientiane Times gần đây, nhà kinh tế độc lập – TS. Mama Sounmthichak và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Valy Vetsaphong cho rằng đại dịch Covid-19 gây ra tác động tiêu cực tồi tệ hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Khủng hoảng 2008 gây ra bởi cho vay dưới chuẩn và quản lý rủi ro kém trong hệ thống ngân hàng dẫn đến hệ lụy kinh tế. Cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ Mỹ, sau đó lan sang châu Âu và các nước trên thế giới. Còn đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng cả về sức khỏe và kinh tế, đưa lại những tổn thất nặng nề về sinh mạng con người và làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Theo TS. Mama Sounmthichak, trong khủng hoảng 2008, hệ thống ngân hàng là một phần của vấn đề, nhưng hiện nay các tổ chức tài chính là một phần của giải pháp. Ở Lào, cuộc khủng hoảng 2008 dẫn đến sự sụt giảm về đầu tư và du lịch, làm cho số lượng khách du lịch đến Lào giảm, tuy nhiên, trong những tháng gần đây, khách quốc tế đến Lào đã lao đốc xuống gần bằng zero vì các lệnh phong tỏa để phòng chống Covid-19.
Lào thực hiện phong tỏa hoàn toàn vào ngày 30/3/2020, yêu cầu người dân phải ở nhà ngoại trừ những hoạt động thiết yếu như mua thực phẩm, khám chữa bệnh và thực hiện nhiệm vụ nhà nước. Sau đó, đến giữa tháng 04/2020, lệnh phong tỏa tiếp tục được gia hạn. Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đã gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế, nhiều gia đình không có thu nhập vì mất việc làm và các nhà máy đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải sa thải lao động, hoạt động thương mại đình trệ …. Hàng nghìn lao động, đặc biệt là từ Thái Lan phải về nước góp phần làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao từ mức bình thường hàng năm 2% lên 25% trong tháng 5/2020.
Phó Chủ tịch LNCCI Valy Vetsaphong cho biết, các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch bị tác động mạnh nhất bởi đại dịch Covid-19. Số lượng khách du lịch lao dốc không chỉ ảnh hưởng đến các công ty du lịch mà còn hàng không, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan, gây tổn thất nặng nề đối với thu ngân sách nhà nước. Các hoạt động đầu tư và thương mại bị đình trệ dẫn đến khó khăn về nguồn ngoại tệ và quản lý ngoại hối. Tác động đối với GDP thực tế sẽ phụ thuộc vào đại dịch Covid-19 kéo dài bao lâu và các biện pháp hồi phục kinh tế thời kỳ hậu dịch. (Vientiane Times, 17/8/2020)
Thâm hụt ngân sách tạo áp lực đối với Chính phủ Lào
Thâm hụt ngân sách leo thang dẫn đến nợ công ngày càng tăng đang gây áp lực lên khả năng trả nợ quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chính phủ ước tính thâm hụt ngân sách sẽ tăng từ 6,69 nghìn tỷ Kíp, tương đương 3,7% GDP lên 10,3 nghìn tỷ Kíp, tương đương 5,7% GDP.
Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài Chính và Kiểm toán của Quốc hội Leeber Leebouapao gần đây cho biết, Chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề nợ quốc gia khi thu ngân sách tiếp tục giảm. Có 02 loại nợ: (i) Nợ phát sinh từ việc cấp vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; và (ii) Nợ do Chính phủ bảo lãnh các khoản vay của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Các giải pháp Chính phủ có thể giải quyết vấn đề nợ bao gồm: chuyển nợ thành đầu tư – đàm phán để cơ cấu lại nợ và bán cổ phần hoặc tài sản của các doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ đã bảo lãnh vay nợ. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn hoặc vay thêm tiền từ các nguồn khác nhau để trả nợ và giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách dự kiến.
Các nhà quan sát cho rằng, vay thêm tiền để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách là khả thi trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, thâm hụt ngân sách sẽ đẩy đất nước vào tình trạng nợ kinh niên, ngày càng trầm trọng. Về dài hạn, Chính phủ cần có chiến lược quản lý thâm hụt và đảm bảo nợ trong tầm kiểm soát.
Theo báo cáo cập nhật "Giám sát Kinh tế CHDCND Lào" của WB (tháng 6/2020), nợ nước ngoài của Lào đang có xu hướng tăng và nghiêng về nợ song phương. WB dự báo nợ công của Lào sẽ tăng lên mức 65-68% GDP trong năm 2020, đưa Lào vào nguy cơ khủng hoảng nợ cao. Gánh nặng trả nợ nước ngoài (gốc và lãi) dự tính sẽ tăng lên trên 1,2 tỷ USD trong năm 2020 (từ mức 842 triệu USD năm 2019).
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính, thanh toán nợ nước ngoài sẽ vào khoảng 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2023, tương đương 1,1 tỷ USD hàng năm (khoảng 55% thu ngân sách trung bình/năm)
Trước đó, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã báo cáo Quốc hội là Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm 2020 để trả nợ. Chính phủ cũng sẽ chuyển các khoản nợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân sang các ngân hàng thương mại. Đồng thời, Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực thu ngân sách, cắt giảm các khoản chi đầu tư đối với các dự án không thật sự thiết yếu, không có khả năng sinh lời.
Các nhà kinh tế kiến nghị, Chính phủ cần hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể giảm chi phí sản xuất nhằm tăng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Lào cần phải cải thiện một cách nghiêm túc môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu mà về dài hạn sẽ rất quan trọng đối với nền kinh tế. (Vientiane Times, 21/08/2020)
Một số khía cạnh tích cực của nền kinh tế Lào
Ngày 19/8/2020, Vientiane Times trích dẫn báo cáo cập nhật về kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NIER) Lào cho biết, kinh tế Lào đã có những dấu hiệu tích cực trong những tháng đầu năm 2020 bất chấp sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và bối cảnh khó đoán định trên toàn thế giới.
Theo NIER, số lượng việc làm do các doanh nghiệp công bố trong tháng 6 và tháng 7/2020 đã tăng sau khi tỷ lệ việc làm đã giảm đến mức thấp nhất hồi tháng 4/2020. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Từ tháng 6/2020, các hoạt động xuất khẩu cũng đã bắt đầu tăng nhẹ khi các cơ quan chức năng tăng cường nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới giữa Lào và các nước láng giềng. Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, giảm 60% trong 06 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, với chính sách khuyến khích du lịch trong nước qua chiến dịch "Lào du lịch Lào" để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và giảm thiểu tác động tiêu cực do lượng khách quốc tế đến Lào giảm.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động được phê duyệt trong 06 tháng đầu năm 2020 tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2019.
Các ngành dịch vụ, bao gồm ngân hàng, viễn thông và dịch vụ công tiến triển tốt hơn mặc dù đất nước bị phong tỏa để phòng chống dịch bệnh. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính đã được yêu cầu hoãn thanh toán nợ và áp dụng lãi suất phù hợp với điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Trong 06 tháng đầu năm 2020, cho vay thương mại đối với các doanh nghiệp đã tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2019.
Theo dự báo của NIER, tỷ lệ lạm phát của Lào năm 2020 sẽ tăng lên mức khoảng 5%, chủ yếu do lương thực-thực phẩm, thuốc chữa bệnh, quần áo và các loại hàng hóa tiêu dùng khác. (Vientiane Times, 19/8/2020)
Lào cần quản lý tốt hơn các hồ chứa nước và ứng phó với trường hợp khẩn cấp
Ngày 08/8/2020, Hội nghị về quản lý các đập thủy điện và kế hoạch ứng phó với các trường hợp khẩn cấp đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Khammany Inthirath, với sự tham gia của các đại biểu từ các cơ quan Chính phủ và các nhà phát triển thủy điện.
Mục đích của Hội nghị nhằm tham vấn và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các đập thủy điện và kế hoạch ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Trong năm 2019-2020, Bộ Năng và Mỏ đã tích cực giám sát và thanh tra việc quản lý nước của các nhà máy thủy điện trên cả nước. Bộ đã thiết lập ban chuyên trách về công tác này với chức năng nhiệm vụ phối phợp chặt chẽ với kế hoạch hóa, bao gồm xây dựng các quy chế của ngành; đã tăng cường sự phối hợp và hợp tác với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông Lâm, Bộ Công chính và Vận tải, chính quyền các tỉnh và huyện nơi có các dự thủy điện.
Tất cả các nhà máy thủy điện đã thành lập các đơn vị chuyên trách theo dõi thời tiết, giám sát 24/24 dòng chảy, mực nước, vận hành nhà máy, phát điện, cảnh báo hạ du khi có sự bất thường và đơn vị ứng phó với thảm họa.
Bộ trưởng Khammany nhấn mạnh, các giải pháp này nhằm giúp mỗi nhà máy thủy điện ở Lào có kế hoạch hành động tốt về quản lý nguồn nước, sản xuất điện và sẵn sàng ứng phó với trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, Lào cần tăng cường thêm công tác này vì việc quản lý các hồ đập vẫn mang tính độc lập, chưa có sự phối hợp và hợp tác chung; chưa có các quy định rõ ràng trong công tác quản lý. Một số dự án hoạt động chưa tốt vì chưa có trung tâm quản lý nước dẫn đến những hạn chế trong điều phối, kế hoạch hóa, trao đổi và phân tích thông tin…
Hiện nay, Lào có 78 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 9.972 MW, có khả năng sản xuất 52.211 triệu kWh; 01 nhà máy nhiệt điện than; 04 dự án khí sinh khối và 06 dự án điện mặt trời. (Vientiane Times, 10/8/2020)
Xuất khẩu cà phê của Lào đạt gần 40 triệu USD 6 tháng đầu năm 2020
Báo Vientine Times ngày 27/8/2020 đưa tin, trong 6 tháng đầu năm 2020, Lào xuất khẩu gần 22.300 tấn cà phê hạt, trị giá gần 40 triệu USD, tăng gần 20 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê Lào, ông Sivixay Xayaseng, kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng là do giá tăng trên thị trường toàn cầu cũng như cây cà phê cho quả tốt hơn năm ngoái. Số lượng cà phê hạt sản xuất hàng năm phụ thuộc nhiều yếu tố như khí hậu và dịch bệnh. Do thời tiết năm nay thuận lợi, cây cà phê cho quả đến tận tháng 1. Các biện pháp thắt chặt hơn của chính phủ khiến cho các nhà buôn nước ngoài khó khăn hơn khi mua cà phê bất hợp phát từ nông dân và đây là lý do chính cho việc tăng xuất khẩu năm nay. Những năm trước, một số nhà buôn nước ngoài mua cà phê từ nông dân, sau đó vận chuyển đến nước khác rồi chế biến và xuất khẩu sang nước thứ ba. Việc xuất khẩu bất hợp pháp như vậy gây khó khăn cho các nhà kinh doanh trong Hiệp hội vì các nhà buôn nước ngoài mua cà phê mà không trả bất kỳ thứ thuế nào còn các nhà kinh doanh Lào phải trả thuế cho chính phủ khiến cho chi phí sản xuất cà phê Lào tăng cao.
Năm nay, các nhà kinh doanh mua cà phê Arabica từ người nông dân là 1.500 Kíp đến 3.200 Kíp/kg tùy chất lượng cà phê. Giá cà phê hạt tổng thể từ 15.000 đến 16.000 Kíp/kg. Giá cà phê Robusta dao động từ 11.000 Kíp đến 12.500 Kíp/kg.
Lào xuất khẩu cà phê sang hơn 26 nước ở Châu Âu, Châu Á và Mỹ. Năm 2019, Lào xuất được gần 23.000 tấn cà phê trị giá gần 53 triệu USD, giảm xuống so với năm 2018 là 33.000 tấn trị giá hơn 63 triệu USD.
Hiện nay, có 08 công ty mua cà phê của nông dân Lào để xuất khẩu và bán trong nước. (Vientiane Times, 27/8/2020)
Tình hình lạm phát ở Lào đến tháng 7/2020
Báo Vientiane Times ngày 28/8/2020 đưa tin, chỉ số giá tiêu dùng ở Lào (CPI) vẫn cao mặc dù chính phủ gia tăng các biện pháp để kìm chế tăng giá trên thị trường. Theo báo cáo từ Cục Thống kê của Lào, CPI đã đạt đến 113,15 điểm trong tháng 7, khiến tỷ lệ lạm phát là 5,12%.
Sự mất ổn định về tỷ giá hối đoái, thiếu cung ngoại tệ là nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát, doanh nghiệp phải mua ngoại tệ ngoài thị trường tự do với mức giá cao hơn để nhập khẩu hàng hóa. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng (thực phẩm, đồ uống không cồn, thuốc lá, quần áo, giày dép và thuốc) kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác; mặc dù, tỷ lệ lạm phát về hàng thực phẩm và đồ uống không cồn tháng 7 đã giảm so với tháng 6 nhưng vẫn đứng ở mức cao. Tháng 6, giá thực phẩm và đồ uống tăng 8,79% so với cùng kỳ do Lào nhập khẩu số lượng lớn thực phẩm, trong đó có hải sản từ các nước láng giềng. Giá gạo tăng 16,8%, thịt lợn tăng 19,38%, thịt bò 7.9%, gia cầm 6,3%, cá và hải sản 4,3% và hoa quả 3%. Giá quần áo và giày dép tăng 5,25%, đồ dùng gia đình tăng 5,22%, thuốc và đồ chăm sóc sức khỏe 5,49% và dịch vụ 10.23%.
Theo Cục Thống kê Lào, kinh doanh quần áo và giày dép trực tiếp liên quan đến tỷ giá hối đoái và đồng Kip Lào đã giảm 10,23% so với đồng Baht Thái từ năm ngoái.
Theo Ngân hàng CHDCND Lào (BOL), năm 2019, tỷ lệ lạm phát trung bình ở mức 3,32%. Năm 2020, tỷ lệ này lên mức 6,94% vào tháng 1, tháng 2 giảm xuống 6,24%, tháng 3 là 6,14%, tháng 4 là 5,84%, tháng 5 là 5,46% và tháng 6 là 5,28%.
Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động đến nền kinh tế Lào, ảnh hưởng đến du lịch, đầu tư và xuất khẩu, là lĩnh vực tạo nguồn thu nhập chủ yếu, tác động đến chuỗi cung ứng khiến nhiều công ty tạm dừng một phần hoạt động. Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất, trogn đó, nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên phát triển nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, một số hàng hóa và rau quả cho thị trường trong nước bị thiếu hụt. Mặc dù, Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát giá thực phẩm (thịt lợn) nhưng do tác động của tỷ giá nên việc kiểm soát giá hàng hóa nhập khẩu còn gặp nhiều thách thức. (Vientiane Times, 28/8/2020)
Tình hình kim ngạch xuất khẩu của Lào 7 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu từ Bộ Công Thương Lào, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 của Lào là 2.326 triệu USD trong khi mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm là 6.422 triệu USD.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7 cao hơn kim ngạch xuất khẩu các tháng 3, 4, 5 và 6 khi Chính phủ đưa ra những biện pháp mở cửa lại kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt được 410 triệu USD, giảm còn 391 triệu USD vào tháng 2, 343 triệu vào tháng 3, chỉ còn 209 triệu USD trong tháng 4, tháng 5 tăng lên 264 triệu USD, tháng 6 tăng, đạt 337 triệu USD và tháng 7 là 372 triệu USD.
Mặt hàng xuất khẩu chính là quặng đồng và sản phẩm đồng, chuối, bột gỗ và giấy thải, camera và phụ tùng, đồ uống (gồm cả nước). Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Lào, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan.
Do dịch Covid-19, đầu năm nay, đặc biệt tháng 4 và tháng 5, Chính phủ tạm dừng hoạt động các nhà máy, làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu.
Sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 trong nước, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng đang đối mặt với thách thức mới do nhu cầu tiêu dùng giảm, nhập khẩu nguyên liệu và thiếu hụt nguồn lao động gặp khó khăn do áp dụng Chỉ thị 06 của Chính phủ về phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.(Vientiane Times, 28/8/2020)
Nợ công Lào tăng do dịch Covid-19
Báo Vientiane Times ngày 7/8/2020 đưa tin, năm nay, nợ công của Lào có thể tăng lên 65% đến 68% GDP sau khi thu ngân sách quốc gia giảm mạnh cùng với sự gia tăng các khoản vay.
Theo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động của dịch Covid-19 khiến cho nợ công tăng cao ở các nước đang phát triển khoảng 0,8 đến 1,1% GDP. Nợ công của Lào cũng dự đoán ở mức cao.
Theo báo cáo của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Somdy Duangdy tại phiên họp thường kỳ lần thứ 9 Quốc hội khóa VIII, thu ngân sách của Lào năm nay giảm khoảng 6.322 tỷ Kip.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ở mức thấp chỉ đạt khoảng 2.600 triệu USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành quan trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến và xây dựng cho thấy khuynh hướng giảm, trong đó có xi măng, sản xuất vàng và đồng. Một số mặt hàng xuất khẩu như quần áo, sắn, chuối, cà phê, bột giấy, giấy và thiết bị điện tử dự kiến bị tác động mạnh do kinh tế của các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam bị ảnh hưởng.
Đầu tư cũng dự kiến giảm. Giá trị các dự án đầu tư được phê duyệt qua hệ thống nhượng quyền trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ là 151 triệu USD so với 2.383 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Ngành du lịch cũng dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong 6 tháng cuối năm 2020. Số lượng khách du lịch đến Lào trong 6 tháng đầu năm chỉ là 887.447, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), triển vọng kinh tế sẽ phụ thuộc vào độ sâu và độ bền của sự bùng phát toàn cầu và hiệu quả của các biện pháp cứu trợ kinh tế. Theo kịch bản tăng, dự kiến tăng trưởng sẽ dần phục hồi ở mức trung bình 4,5% trong hai năm tới. Tuy nhiên, theo kịch bản giảm, tăng trưởng sẽ ở mức trung bình 2,5%.
Triển vọng trung hạn có những rủi ro đáng kể, bao gồm dịch Covid 19 kéo dài và nghiêm trọng cả toàn cầu, khu vực và trong nước kèm theo sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại chính của Lào; thách thức gia tăng trong việc đáp ứng các nghĩa vụ dịch vụ nợ công nước ngoài; các sự kiện liên quan đến thời tiết bất lợi, tác động đáng kể hơn đến khu vực tư có thể gây nên các vấn đề thanh khoản trong kinh doanh và các vụ vỡ nợ, làm trầm trọng thêm tình hình tài khóa vốn đã mong manh và làm suy yếu hơn nữa khu vực tài chính (Vientiane Times, 7/8/2020).
Hội nghị Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp SMEs Lào lần đầu tiên
Ngày 01/8/2020, Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp SMEs Lào tiến hành tổ chức Hội nghị lần thứ nhất do Cục trưởng Cục Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào Bountheung Duangsavanh và Phó Chủ tịch Hội đồng thương mại và công nghiệp Lào Chanthachone Vongxay đồng chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các Vụ Thương mại trong nước, Vụ Phát triển thị trường và Dịch vụ và các đại biểu.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Bountheung Duangsavanh đánh giá cao việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác chuẩn bị các văn kiện quan trọng, trong đó có dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hiệp hội.
Hội nghị đã chấp thuận danh sách Ban Quản trị, Ban Thường trực và Ban Kiểm tra của Hiệp hội, theo đó, Chủ tịch Hiệp hội là Lythikay Phoumasack và 04 Phó Chủ tịch.
Thay mặt Ban Quản trị Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Lythikay Phoumasack thông qua Kế hoạch hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2020-2023 với nguyên tắc chính là tập hợp các thành viên của Hiệp hội và tạo sự vững mạnh cho doanh nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Lào; trao đổi các kinh nghiệm, thông tin và hợp tác trong nước và quốc tế.(Báo KT-XH, ngày 04/8/2020)
Khu kinh tế đặc biệt Đầm Thatluang sẽ thu hút khách du lịch và đầu tư
Ngày 25/8/2020, KPL đưa tin, Khu kinh tế đặc biệt Đầm Thatluang nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Viêng Chăn phát triển thành khu đô thị mới, hiện đại; dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2030 sẽ thu hút lượng khách du lịch và đầu tư ngày càng nhiều lên.
Trả lời phỏng vấn trước báo chí, nhà đầu tư phát triển Khu kinh tế đặc biệt Đầm Thatluang Phouchien và Huangsyuveune cho biết, dự án bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2012, trên mặt bằng có tổng diện tích là 365 ha, được quy hoạch phát triển theo từng khu chức năng khác nhau bao gồm khu văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trường học, khu tâm linh, trung tâm tài chính...theo mô hình hiện đại, hài hòa với văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay, nhiều hạng mục công trình đã được hoàn thành như: san lấp mặt bằng tổng thể dư án; hạ tầng chìm, xây dựng được 30 km đường nội bộ, khu nhà ở dân sinh, chợ nông sản, phố kinh doanh thương mại.
Khu kinh tế đặc biệt Đầm Thatluang là một trong các dự án bất động sản, phát triển hạ tầng đô thị của Trung Quốc (Khu Seagame, Đông-phu-xỉ, Đầm Thatluang) tại thủ đô Viêng Chăn, khi hoàn thành, khu kinh tế đặc biệt này có thể đón nhận được khoảng hơn 300.000 người đến nghỉ ngơi, làn việc và kinh doanh, tạo ra khoảng từ 5.000-10.000 công ăn việc làm. Song song với đó, khu kinh tế này sẽ thu hút nhiều khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng và đầu tư ngày một nhiều hơn. (Báo điện tử KPL, ngày 25/8/2020)
Khu du lịch phức hợp Nampien Yolapa chuẩn bị khai trương
Ngày 15/7/2020, báo KT-XH đưa tin, chuẩn bị khai trương khu du lịch Nampien Yolapa phức hợp được xây dựng bởi một doanh nghiệp Lào theo mô hình hiện đại, khép kín với đầy đủ dịch vụ cho khách du lịch.
Trả lời phỏng vấn báo KT-XH, Giám đốc khu du lịch Nampien Yolapa Somphet Maopaseuth cho biết, khu du lịch này bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2019, có tổng mức đầu tư là 06 triệu USD, với mục đích tăng thêm các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để đón khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức môi trường thiên nhiên trong sạch.
Đến nay, công trình đã hoàn thành 100%, theo kế hoạch dự kiến sẽ vận hành thí điểm các dịch vụ và chính thức đưa vào hoạt động trong tháng 8/2020 với 08 chương trình tour và 10 loại hình dịch vụ. Địa điểm của khu du lịch tại bản Xiengletha, huyện Pakngeum, thủ đô Viêng Chăn. (Báo KT-XH, ngày 15/7/2020)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Phó Thủ tướng Somdy Duangdi chỉ đạo cần phát triển thị trường vốn vững mạnh
Ngày 31/7/2020, Hội nghị thường niên năm 2020 của Ủy ban quản lý chứng khoán (UBQLCK) lần thứ II được tiến hành tại thủ đô Viêng Chăn dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Somdy Duangdy. Tham dự Hội nghị có Thống đốc Ngân hàng nước CHDCND Lào (BOL), Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quản lý chứng khoán Sonxay Sithphaxay, Giám đốc chứng khoán Saisamon Chanthachack và đại diện các đơn vị liên quan.
Hội nghị lần này nhằm tổng kết đánh giá kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ VIII (2016-2020), định hướng phát triển cho giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần nội dung tại Nghị quyết X của Đảng nhân dân Cách mạng Lào và kết quả Kỳ họp lần thứ IX, Quốc hội khóa XIII đối với lĩnh vực tài chính.
Sau Hội nghị thường niên lần thứ I năm 2020, UBQLCK tập trung tổ chức thực hiện công tác quản lý các hoạt động về chứng khoán, đặc biệt là đã hoàn thành việc sửa đổi, điều chỉnh Luật Chứng khoán và hoàn thành việc nghiên cứu cho phép phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Công ty Aneco Dynamic.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ II, Giám đốc chứng khoán Saisamone Chanthachack báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết hội nghị lần I; báo cáo tiến độ chuẩn bị sẵn sàng là thành viên chính thức của Tổ chức quản lý chứng khoán quốc tế (IOSCO). Đồng thời, các đơn vị đã đề xuất 03 dự thảo về pháp lý, dự thảo Quy định về quản lý nhà đầu tư trong nước đầu tư chứng khoán tại nước ngoài (mới) và dự thảo Quy định về việc phát hành cổ phiếu (mới)...
Phó Thủ tướng Somdy Duangdy tổng kết Hội nghị, đánh giá cao các kết quả đạt được trong thời qua đã góp phần phát triển thị trường vốn từng bước vững mạnh; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch thường UBQLCK Sonxay Sithphaxay khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan triển khai tinh thần Hội nghị lần này, cụ thể hóa các nội dung mà đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm; theo dõi giám sát và tổng kết rút kinh nghiệm phù hợp theo từng giai đoạn; từ đó, có đánh giá tổng thể việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, báo cáo tại hội nghị lần tới. (Báo KT-XH, ngày 03/8/2020)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép mục tiêu giảm rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 12/8/2020, Hội nghị lấy ý kiến về nội dung lồng ghép mục tiêu giảm rủi ro thiên tai vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm lần thứ 9 (2021-2025) đã được tổ chức tại Viêng Chăn với sự tham gia của các đại biểu từ các Bộ ngành liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Kế hoạch hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phonevanh Outhavong cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa nội dung này vào kế hoạch 5 năm sắp tới trong bối cảnh thiên tai đang ngày càng đe dọa đến phát triển và đời sống của nhân dân, đặc biệt là lũ lụt, hạn hán và động đất. Trong thời gian 2-3 năm vừa qua, Lào đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa và thiên tai, đặc biệt là sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-namnoy, lũ lụt ở ba miền Bắc – Trung – Nam, dịch bệnh gia súc và đại dịch Covid-19. Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 dự kiến sẽ tập trung vào 05 mục tiêu ưu tiên: (i) Tăng trưởng kinh tế quốc gia bền vững, cân đối và chất lượng; (ii) Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu và áp dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất và sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao; (iii) Nâng cao mức sống của nhân dân; (iv) Bảo vệ môi trường và giảm thiểu rủi ro thiên tai; (v) Đẩy mạnh hợp tác liên ngành, khu vực và quốc tế; và (vi) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua pháp quyền và thống nhất xã hội.
Tại Hội nghị, đại diện của Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội đã giới thiệu Luật Quản lý Thiên tai và Chiến lược giảm thiểu rủi ro thảm họa. (Vientiane Times, 13/8/2020)
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 7 và 7 tháng năm 2020
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 7 và 7 tháng 2020 như sau:
1. Tháng 7/2020 đạt 75.285.138 USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 45.298.179 USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng giữ được đà tăng: rau quả tăng 77%; sản phẩm từ hóa chất 71,4%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 69,4% (tăng suốt từ đầu năm đến nay); sản phẩm gốm sứ 89,3%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 375,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 21,1%.
Mặt hàng quay đầu giảm: dây điện và cáp điện đã quay đầu -54,3% và sản phẩm từ sắt thép -7,6% (sau 5 tháng tăng liên tiếp); sắt thép các loại -45,5% (tháng trước tăng 43,1%);
Một số mặt hàng giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại so với tháng trước: hàng dệt may 16,6% (tháng trước -55,6%); sản phẩm từ chất dẻo -11,7% giảm 21,5% (tháng trước -21,5%); phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 38,9% (tháng trước -59,3%); hàng hóa khác giảm 0,8% (tháng trước -20,5%).
Các mặt hàng còn lại tiếp tục giảm. Giảm sâu là: cà phê -88,6%; xăng dầu -83,7% (giảm liên tục từ đầu năm 2019 cho đến nay); phân bón các loại -77,5%; clanke và xi măng -72,7%; gỗ và sản phẩm gỗ -36,4%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc -11,3%
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 29.986.959 USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ.
Mặt hàng giữ đà tăng: quặng và khoáng sản tăng nhẹ 7,6%; cao su tăng mạnh 51,6%; hàng hóa khác tăng 8,5%.
Mặt hàng tiếp tục giảm: phân bón các loại giảm 35,6%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 13,5% (tháng trước -20%); hàng rau quả tiếp tục giảm sâu 69,6% (tháng trước -68,2%);
Kim loại thường khác tháng 7 tiếp tục không ghi nhận kim ngạch nhập khẩu.
2. Tổng kết kim ngạch 7 tháng đạt 566.890.698 USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 322.225.087 USD giảm 20,4%; nhập khẩu đạt 244.775.661 USD giảm nhẹ 5,1%
- Về các mặt hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch và tăng mạnh là mặt hàng rau quả 87,9% đạt hơn 28,18 triệu USD. Tiếp đến là sản phẩm từ sắt thép đạt hơn 24,84 triệu USD tăng 19,2%. Các mặt hàng vẫn giữ được đà tăng: giấy và sản phẩm từ giấy tăng 147,5% đạt hơn 8,6 triệu USD; dây điện và cáp điện tăng 45,4% đạt gần 6 triệu USD; kim loại thường và sản phẩm khác tăng 73,2% đạt gần 3 triệu USD; sản phẩm gốm sứ tăng 36,2% đạt 5,91 triệu USD; sản phẩm từ hóa chất tăng 21,5% đạt hơn 3,78 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo tăng 2,9% đạt gần 6,8 triệu USD.
Mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhưng vẫn tiếp tục duy trì đà giảm: xăng dầu giảm 68,9% đạt hơn 14,5 triệu USD (giảm suốt từ đầu năm 2019 đến nay); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 56,6% đạt hơn 15,3 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 37,5% đạt hơn 20,2 triệu USD; sắt thép các loại giảm 18,9% đạt hơn 44,1 triệu USD; máy móc thiết bị và phụ tùng giảm 7% đạt hơn 20,2 triệu USD.
- Về các mặt hàng nhập khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch là gỗ và sản phẩm gỗ, tuy tiếp tục giảm trong tháng 7/2020 nhưng 7 tháng vẫn tăng nhẹ 0,3% đạt hơn 27,3 triệu USD. Hàng hóa khác tăng 5,7% đạt hơn 124,73 triệu USD. Kim loại thường khác tháng 7 tiếp tục không ghi nhận kim ngạch nhập khẩu nhưng 7 tháng tăng 6,6% đạt hơn 904.000 USD. Các mặt hàng còn lại đều giảm.
Dự kiến tháng 8/2020, kim ngạch có thể không tăng do các quy định về cách ly và xuất nhập cảnh vẫn tiếp tục áp dụng, hàng hóa vận chuyển khó khăn hơn do Việt Nam bùng nổ dịch bệnh Covid-19 lần hai và nhu cầu tiêu dùng tại Lào yếu (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Unitel tiếp tục ủng hộ thiết bị hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Lào
Ngày 24/8/2020, Unitel đã trao tặng các thiết bị về thông tin liên lạc cho Bộ Y tế Lào nhằm phục vụ công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 được kịp thời nhanh chóng, với tổng giá trị khoảng 2,4 tỷ Kíp.
Tổng Giám đốc Unitel Lưu Mạnh Hà cho biết, ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, việc tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch của các đơn vị liên quan là rất cần thiết. Unitel đóng góp, giúp cho các cơ quan chức năng của Chính phủ đảm bảo thông tin liên lạc dễ dàng, nhanh chóng, rõ ràng, chính xác và cập nhật tình hình dịch bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Y tế tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và khắc phục ổ dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc; giúp giảm các khoản chi ngân sách của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Lào Bounkong Sihavong trực tiếp đón nhận thiết bị, cảm ơn Công ty Unitel đã có tinh thần giúp đỡ Chính phủ Lào trong công tác phòng chống dịch bệnh và khẳng định sẽ sử dụng các thiết bị một cách có hiệu quả nhất.
Ngoài ra, Unitel sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong việc nghiên cứu tính khả thi và phát triển dự án chuyển đổi số cho việc quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Lào như hệ thống kết nối và quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống thẻ bệnh nhân thông minh, hệ thống y tế cơ sở, cổng thông tin toàn bộ y tế, hệ thống y tế công cộng, hệ thống khám sức khỏe cộng đồng. (Báo điện tử KPL, 24/8/2020)
Unitel được trao hai giải thưởng Stevie châu Á- Thái bình dương
Ngày 14/8/2020, theo Vientiane Times, Unitel đã được trao hai giải thưởng của giải Stivie châu Á – TBD năm 2020.
Các giải thưởng này được trao cho thành tích tiên phong và thúc đẩy chuyển đổi công nghệ số ở Lào. Stivie châu Á – TBD được công nhận là một trong các giải thưởng hàng đầu của thế giới. Năm 2020, Giải thưởng Stivie châu Á – TBD đã nhận được trên 1.000 đề cử từ 29 quốc gia. Unitel là doanh nghiệp duy nhất ở Lào nhận được giải thưởng vì thành tích phát triển các sản phẩm và hệ thống công nghệ thông tin (IT). Đối với dịch vụ ví điện tử với tên gọi U-Money, Unitel giành được giải Bạc về Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng. Unitel đã được Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) cấp phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money năm 2018 và là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ này, đảm bảo các giao dịch vụ mới, an toàn và nhanh chóng cho trên 6 triệu người.
Năm 2019, Unitel đã tham gia dự án quản lý dân sự của Bộ Nội vụ thông qua việc đưa cơ sở dữ liệu của hệ thống quản lý thông tin dân sự vào phần mềm và qua đó cải tiến công tác quản lý dữ liệu liên quan đến những thông tin như ngày sinh, tình trạng hôn nhân và khai tử….
Unitel giành giải thưởng "Đổi mới sáng tạo trong các dịch vụ của Chính phủ" vì thành tích đạt được trong công tác Đăng ký dân sự và và số liệu thống kê thiết yếu" (CRVS).
Gần đây, Unitel đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Lào để thực hiện các dự án như dự án Chính phủ điện tử và số hóa các cơ quan y tế. Đây là hợp tác nhằm chuyển đổi công nghệ số ở Lào dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, Unitel đã tăng cường và thúc đẩy sự phối hợp với nhiều Bộ, ngành và các doanh nghiệp để xúc tiến việc phát triển và sử dụng công nghệ hiện đại trong cuộc sống hàng ngày. (Vientiane Times, 14/8/2020)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào-Trung Quốc
Lào, Trung Quốc triển khai cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương
Ngày 24/8/2020, với tư cách đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 3, Lào và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung đồng ý hiệp lực (synergy) cơ chế hợp tác hiện tại giữa 05 nước Mekong và Trung Quốc với sáng kiến của Trung Quốc về Hành lang Thương mại đất liền-biển quốc tế, tin rằng việc này sẽ cung cấp kết nối đa chiều giữa các nước Đông Nam Á với Âu Á qua khu vực phía tây của Trung Quốc.
Qua Tuyên bố chung, hai đồng Chủ tịch tái khẳng định cam kết thúc đẩy kết nối, thương mại, đầu tư và khả năng sản xuất bằng việc tạo thuận lợi thương mại, khai thác thêm các cơ sở kết nối đất liền và đường biển, thực hiện các hình thái thương mại và đầu tư đa dạng, các hoạt động sản xuất và xây dựng thêm chuỗi cung ứng, công nghiệp linh hoạt và bền vững hơn để thúc đẩy khu vực Mekong-Lan Thương có cuộc sống chất lượng cao.
Trong việc hỗ trợ giải pháp mới, hai nước tăng cường hợp tác kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để giảm thiểu có hiệu quả tác động xấu của dịch bệnh, tạo việc làm, tiếp tục sản xuất và phục hồi kinh tế.
Hai nước cũng dựa vào cơ chế và các diễn đàn hiện có như Nhóm làm việc chung về các lĩnh vực ưu tiên của MLC và các cuộc họp quan chức cấp cao trước đây đối với Hành lang Thương mại đất liền-biển quốc tế mới trong việc thúc đẩy hiệp lực.
Các nhà lãnh đạo của hai nước giao nhiệm vụ cho Trung tâm toàn cầu nghiên cứu Mekong thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng về lợi ích tiềm năng của việc sắp xếp, hiệp lực MLC và Hành lang Thương mại đất liền-biển quốc tế mới với một thị trường rộng lớn. Kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày trước cuộc họp các lãnh đạo cấp cao MLC và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao để ưu tiên lĩnh vực hợp tác được thông qua bởi các nhà lãnh đạo MLC tại Hội nghị thượng đỉnh MLC tới.
Trong Tuyên bố chung, Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc đại diện hai Chính phủ công nhận MLC là cơ chế hợp tác tiểu vùng mới có tư vấn sâu rộng, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích giữa hai nước và 4 nước Mekong khác. (Vientiane Times, 26/8/2020)
Lào-Pháp
Pháp giúp tỉnh Xiêng-khoảng phát triển kinh tế địa phương
Ngày 10/8/2020, Trưởng điều phối kế hoạch phát triển vùng cao khu vực phía Bắc Lào giai đoạn III Khamsone Sisayouk (NUDP3) cùng đoàn chuyên gia đến làm việc với Phó Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng-khoảng Buasone Sinounthong về chương trình phát triển nghề nghiệp bền vững tại các địa phương trong tỉnh.
Trưởng điều phối NUDP3 Khamsone Sisayouk cho biết, mục đích của chuyến công tác là bước chuẩn bị báo cáo đề xuất thực hiện Dự án quản lý hệ thống các hồ nước quy mô nhỏ gắn với tổ chức nghề nghiệp ổn định cho người dân vùng cao trong tỉnh. Nguồn vốn để thực hiện chương trình này do Chính phủ Pháp tài trợ thông qua Tổ chức tài chính Pháp (AFD); ngoài tỉnh Xiêng-khoảng, Pháp còn hỗ trợ cho 03 tỉnh phía Bắc Lào là Hủa-phăn, Luông-pha-bang, Phông-sa-li.
Phó Tỉnh trưởng Buasone Sinounthong đánh giá cao việc Chính phủ Pháp sẽ cung cấp nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để triển khai Dự án quản lý hồ nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển nông nghiệp, là rất cần thiết cho người dân có thể sản xuất nông nghiệp được hai vụ trong năm, bảo đảm cho cây trồng, bảo vệ môi trường đất đai, nước, rừng và từ đó sẽ làm thay đổi lối sống phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên của người dân vùng cao; đồng thời, người dân có thêm đất sản xuất bảo đảm cuộc sống ổn định, góp phần giải quyết vấn đề đói, nghèo.
Xiêng-khoảng là tỉnh có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, Dự án trên sẽ triển khai theo mô hình hợp tác giữa người dân với nhà đầu tư để hình thành các cụm sản xuất thí điểm, mang tính bền vững. (Báo KT-XH, ngày 12/8/2020)
Lào-Mỹ
USAID cung cấp thiết bị y tế hỗ trợ Lào ứng phó dịch Covid-19
Ngày 07/8/2020, lễ bàn giao trang thiết bị y tế trị giá trên 170.000 USD của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm hỗ trợ Lào ứng phó với dịch Covid-19 đã được tổ chức tại Viêng Chăn. Tham dự lễ bàn giao có Quyền Giám đốc USAID tại Lào Patrick Bowers, Quyền trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Howard Sobel và Thứ trưởng Bộ Y tế Phouthone Muongpak, đại diện Chính phủ Lào – nhận bàn giao.
Số trang thiết bị y tế này được viện trợ thông qua WHO nhằm hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ Lào trong việc ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.
Phát biểu tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Y tế Phouthone bày tỏ sự cám ơn đối với USAID về việc viện trợ trang thiết bị cho Lào để ứng phó với Virus Corona. Ông nhấn mạnh, USAID là đối tác lâu năm và có hiệu quả của Bộ Y tế từ các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm và đe dọa của các dịch bệnh như dịch cúm gia cầm đến đại dịch Covid-19 hiện nay.
Quyền Giám đốc USAID tại Lào Patrick Bowers cho biết, ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ đã cam kết tăng cường năng lực của Lào trong công tác phòng chống và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh thông qua các hoạt động của các tổ chức khác nhau. Việc trao trang thiết bị y tế lần này chỉ là một phần gần nhất trong hỗ trợ không ngừng của Mỹ dành cho Lào và cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Ông bày tỏ tự hào được dại diện cho Mỹ cùng sát cánh với Lào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. (Vientiane Times, 11/8/2020)
HỢP TÁC LÀO - KHU VỰC
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đánh giá tiến trình của Kế hoạch tổng thể kinh tế
Từ ngày 24 đến 29/8/2020, Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 họp qua hình thức trực tuyến thảo luận về tiến trình của Kế hoạch tổng thể 2025 Cộng đồng kinh tế ASEAN do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chủ trì.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN, hướng đến thiết lập nhóm phản ứng chung đối với dịch bệnh Covid-19 và thực thi Kế hoạch hành động Hà Nội về Tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và Kết nối chuỗi cung ứng trong việc đối phó với dịch bệnh, tìm kiếm duy trì dòng hàng hóa thiết yếu trong khu vực.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN nêu bật tầm quan trọng của việc đầu tư và thị trường trong khu vực đối với chuỗi sản xuất một số hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế.
Các Bộ trưởng kêu gọi hợp tác, phối hợp giữa khu vực công và tư để nới lỏng các biện pháp không cần thiết là rào cản cho thương mại và đầu tư như là một phần nỗ lực của ASEAN để xử lý khủng hoảng kinh tế hiện tại.
Các bộ trưởng ASEAN thông qua 09 văn kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực ưu tiên theo các trụ cột kinh tế ASEAN do Việt Nam đề xuất; Kế hoạch hành động ASEAN + 3 để giảm thiểu tác động của khủng hoảng Covid-19 và báo cáo đánh giá đầu tư năm 2020.
Cùng ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khểm-mạ-ni Phôn-sể-na đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV). Cuộc họp thông qua việc thực thi kế hoạch năm 2021-2022 và giao trách nhiệm cho các công chức mở rộng sự phát triển của CLMV những năm tiếp theo. (Vientiane Times, 26/8/2020)
Lào chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 3
Ngày 24/8/2020, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 3 được tiến hành trực tuyến, Thủ tướng Thongloun Sisoulith và người đồng cấp Lý Khắc Cường đồng chủ trì cuộc họp.
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung”, Hội nghị tập trung đánh giá sự phối hợp trong 05 nước Mekong và Trung Quốc, thảo luận và tán thành một số văn kiện hợp tác mới. Tại hội nghị, Lào sẽ bàn giao vị trí đồng chủ tịch cho Mianma, thay mặt các nước Mekong đồng chủ trì với Trung Quốc trong hai năm tới.
Cơ chế MLC được thành lập là cơ chế hợp tác “3+5” đề cập đến 3 trụ cột hợp tác: (i) an ninh chính trị; ‘ii) kinh tế và phát triển bền vững; (iii) giao lưu văn hóa và con người và 5 lĩnh vực kết nối ưu tiên chính: (i) năng lực sản xuất, (ii) hợp tác kinh tế xuyên biên giới, (iii) nguồn nước, (iv) nông nghiệp; (v) xóa đói giảm nghèo.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, Mianma, Thái Lan và Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Lào. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Mekong đạt 220 tỷ USD. Tổng đầu tư của Trung Quốc vào 5 nước hơn 42 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng hơn 20%.
Hội nghị các nhà lãnh đạo Mekong-Lan Thương lần thứ nhất được tổ chức ở Tam Á miền Nam Hải Nam của Trung Quốc tháng 3/2016, tại đó mục tiêu xây dựng vì một cộng đồng tương lai hòa bình và thịnh vượng chung cho các nước MLC được xác nhận. Kế hoạch hành động 5 năm (2018-2022) được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh MLC lần thứ hai tại Phnom Penh, Campuchia đầu năm 2018. (Vientiane Times, 21/8/2020)
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
Lào-EU
EU tài trợ dự án mới nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19
Ngày 19/8/2020, tại Viêng Chăn, Phái đoàn châu Âu (EU) tại Lào phối hợp với tổ chức Plan Internatioal và hai tổ chức xã hội dân sự là Hội Y tế tế Bao trùm Cộng đồng và Hội Phát triển Nông nghiệp và Môi trường Bền vững đã khai trương dự án mới do EU tài trợ.
Dự án với tên gọi: "Hành động của Xã hội dân sự nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19" được EU tài trợ với khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,5 triệu Euro.
Phát biểu tại lễ khai trương dự án, Đại biện EU Bryan Fornary cho biết, mục tiêu của dự án là nhằm hỗ trợ Chính phủ Lào trong việc giảm thiểu những tác động về sức khỏe, xã hội và kinh tế của đại dịch, đồng thời, tăng cường sự hợp tác có hiệu quả với các tổ chức xã hội dân sự.
Giám đốc QG của Plan Internatioal Soumya Buha nhấn mạnh, dự án sẽ giúp ứng phó với tình hình dịch bệnh, tập trung vào y tế và các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo và nông thôn. Giá trị của của dự án là phép thử đối với sự hỗ trợ không ngừng của EU đối với xã hội dân sự ở Lào. Các tổ chức dân sự có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2020 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Dự án cũng sẽ tăng cường năng lực của khoảng 20 tổ chức xã hội dân sự trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng để tuyên truyền về phòng chống Covid-19, giảm thiểu rủi ro và xây dựng khả năng ứng phó dựa vào cộng đồng. Thời gian thực hiện dự án là 03 năm, bắt đầu từ tháng 9/2020, địa bàn dự án là 09 tỉnh và thủ đô Viêng Chăn. (Vientiane Times, 20/8/2020)
ADF và EU hỗ trợ Lào bảo tồn đa dạng sinh học
Ngày 06/8/2020, theo Vientiane Times, Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã thống nhất cung cấp 6,5 triệu Euro để hỗ trợ Lào bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện việc quản lý tổng thể các địa bàn phong phú về đa dạng sinh học ở Lào.
Dự án được thực hiện bởi Tổ chức Phi Chính phủ Bảo tồn Thiên nhiên (WCS) nhờ viện trợ không hoàn lại của EU trị giá 5 triệu Euro và 1,5 triệu Euro của AFD. Sáng kiến sẽ triển khai việc quản lý tổng thể 03 địa bàn đa dạng sinh học là Công viên Quốc gia Nam Ét Phou Louey, tỉnh Hủa Phăn, một số địa bàn của tỉnh Borikhamxay và vùng đầm lây Champhone Ramsar ở tỉnh Savannakhet.
Dự án sẽ sử dụng cách tiếp cận phong cảnh tổng thể gắn với cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng và hộ gia đình trong môi trường của họ thông qua phát triển của các doanh nghiệp bảo tồn sinh học, lôi kéo sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc giảm thiểu những tác động về môi trường và xã hội của các dự án đầu tư lớn, bao gồm cả các dự án cơ sở hạ tầng. Dự án sẽ được thực hiện song song với các chính quyền trung ương và địa phương nhằm đưa ra những kiến nghị cho chính sách quốc gia và tăng cường quản lý các địa bàn bảo tồn ở Lào.
Lào có mạng lưới các khu bảo tồn quốc gia chiếm khoảng 15% tổng diện tích đất của cả nước. Mặc dù đã có quy định về các khu bảo tồn từ những năm 1990; tuy nhiên, diện tích rừng và đa dạng sinh học đã và đang bị ảnh hưởng mạnh bởi các hoạt động của con người. (Vientiane Times, 06/8/2020)
BẠN CẦN BIẾT
Doanh nghiệp, cá nhân có thêm lựa chọn vay vốn
Báo Vientiane Times ngày 3/8/2020 đưa tin, doanh nghiệp, cá nhân có thêm lựa chọn vay vốn, cải tiến hoạt động kinh doanh với việc ra mắt tổ chức tài chính vi mô không đặt cọc của Krungsri Money Lào.
Theo ông Viboon Jirapatanakul, Chủ tịch Krungsri Money Lào, tổ chức tài chính vi mô này sẽ cung cấp khoản cho vay mà không cần tài sản thế chấp hoặc người bảo lãnh để đáp ứng nhu cầu dân chúng. Khoản cho vay sẽ từ 1 triệu đến 50 triệu Kip cho các công chức của chính phủ và các công ty tư nhân, doanh nghiệp, người buôn bán và các cá nhân khác. Lịch sử tài chính của người vay sẽ được kiểm tra trước khi khoản vay được phê duyệt và toàn bộ quá trình để có được khoản vay mất từ 1 đến 3 ngày. Khoản vay gấp khoảng 3 lần so với lương của công chức và 3 lần so với thu nhập hàng tháng của người buôn bán và doanh nhân. Tổ chức sẽ giám sát việc kinh doanh của người vay để cung cấp khoản cho vay phù hợp. Quá trình kinh doanh được giám sát kỹ để đảm bảo khách hàng trả được tiền đã vay. Quá trình này rất quan trọng đối với khách hàng vì nếu không thanh toán đúng hạn, khách hàng sẽ bị ảnh hưởng đến tín dụng trong tương lai.
Tổ chức tài chính vi mô không đặt cọc của Krungsri Money Lào được thành lập tháng 6/2020 với vốn đăng ký 9 tỷ Kip và khả năng sẽ tăng lên. Chủ sở hữu tổ chức này là Công ty TNHH dịch vụ cho thuê Krungsri được thành lập năm 2014, cung cấp đa dạng các sản phẩm tài chính và phát triển nhanh chóng.
Lào có 05 kiểu kinh doanh tài chính vi mô, gồm: tổ chức tài chính vi mô có đặt cọc, tổ chức tài chính vi mô không đặt cọc, liên hiệp tiết kiệm và tín dụng, công ty cho thuê và các cửa hàng cầm đồ. Có hơn 100 doanh nghiệp tài chính vi mô khắp cả nước.
Để đảm bảo giám sát có hiệu quả các tổ chức này, Ngân hàng nhà nước Lào (BOL) ban hành thông báo, BOL có thể tạm dừng cấp phép các doanh nghiệp này từ tháng 5/2017. Thông báo vẫn có hiệu lực cho đến khi có nghị định cập nhật ban hành năm 2019. (Vientiane Times, 3/8/2020)
Hội chợ Top 3 Expo của Lào hoãn sang năm 2021
Báo Vientiane Times ngày 05/8/2020 đưa tin, nhà tổ chức 03 triển lãm hàng đầu của Lào thông báo, triển lãm Lao Build 2020; Thực phẩm, Khách sạn Lào 2020; Cà phê Lào 2020 sẽ được dời sang ngày 17 - 19/6/2021 để phù hợp với các biện pháp liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Địa điểm các triển lãm vẫn tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (NCC) Km6 ở Viêng Chăn.
Phòng Thương mại Công nghiệp Quốc gia Lào, Hiệp hội Kiến trúc sư và Kỹ sư xây dựng Lào, Hiệp hội Khách sạn, Nhà hàng Lào và Hiệp hội Cà phê Lào là 03 nhà tổ chức chủ trì của Triển lãm Top 3 Lào.
Sự kiện ban đầu được dự định vào ngày 11 - 13/6/2020, sau đó được điều chỉnh sang ngày 15 - 17/10/2020 do dịch Covid-19.
Triển lãm dự kiến thu hút hàng ngàn khách kinh doanh và các chuyên gia ngành công nghiệp trên toàn nước Lào. Năm ngoái, hơn 150 công ty và chi nhánh ở Lào và 12 nước khác gồm Trung Quốc, Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Thái Lan đã tham dự triển lãm, trưng bày sản phẩm, công nghệ và dịch vụ. Triển lãm hướng đến kết nối cơ hội kinh doanh giữa các công ty Lào và quốc tế, giúp các thành viên tham dự những cơ hội mới đến các nước châu Á và hơn thế.
Triển lãm được xem là sân chơi hoàn hảo cho hàng nghìn nhà kinh doanh, khách chuyên nghiệp để khai thác cơ hội kinh doanh, xem sản phẩm mới nhất, cải tiến đối với ngành vật liệu xây dựng, khách sạn và nhà hàng, sản phẩm thực phẩm và đồ uống. (Vientiane Times, 5/8/2020)./.
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trịnh Thị Tâm
Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa
Ban Quản trị and Ban Quản trị reacted