Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 07 - 2023

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
589 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Quốc hội tập trung thảo luận vấn đề lạm phát gia tăng và mất giá đồng Kíp

Ngày 30/6/2023, Vientiane Times đưa tin, các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Lào khóa IX đã kêu gọi Chính phủ cần có các hành động mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề lạm phát và tỷ giá hối đoái leo thang nhằm giảm thiểu những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt. Các đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn các thành viên Chính phủ, bày tỏ những lo ngại về tình trạng nền kinh tế tiếp tục khó khăn, ngày càng có nhiều người rời bỏ Lào để tìm công việc được trả lương cao hơn ở nước ngoài.

Theo báo cáo của Chính phủ, lạm phát trong 5 tháng qua ở mức trung bình là 40,26%, trong đó mức cao nhất là 41,3% vào tháng Hai. Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải nhanh chóng có biện pháp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, do tiền lương được trả không theo kịp với sự gia tăng từng ngày của chi phí sinh hoạt, đồng Kíp tiếp tục mất giá, chi phí sinh hoạt tăng, nhiều nhà máy ở Lào đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động; cần xem xét lại mức lương tối thiểu sát với giá cả thực tế; tăng cường sản suất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước, giảm nhập khẩu; tuyên truyền mạnh mẽ và khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước. Khó khăn kinh tế đang ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình, ảnh hưởng đến việc đến trường của học sinh, giáo viên và tác động xấu đến hệ thống giáo dục. Các đại biểu yêu cầu chính phủ tăng lương cho cán bộ công chức nhà nước, đặc biệt là giáo viên hòng nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục ở Lào. Cần phải ổn định đồng Kíp và giao dịch tiền tệ phải bằng đồng Kíp.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào Bounleua Sinxayvoravong cho biết, Chính phủ đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với lạm phát; sẽ có những biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách và điều tiết ngoại tệ; sẽ tăng cường hơn nữa việc điều tiết giá hàng hóa trên thị trường, kìm hãm sự tăng giá cả hàng tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương sẽ kiểm soát nguồn thu ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và du lịch bằng hệ thống ngân hàng thương mại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết, rủi ro lớn hiện nay là Chính phủ sẽ không thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 9% trong năm mặc dù tỷ lệ lạm phát tháng 5 và tháng 6 đã giảm so với mức đỉnh vào tháng 2/2023 tương ứng 38,86% và 28,8%.

Phát biểu trước Quốc hội Lào, Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone cho rằng việc giải quyết lạm phát, sự sụt giá của đồng Kíp và nợ công là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong các tháng tới. Chính phủ cam kết sẽ giảm thâm hụt tài chính và điều tiết ngoại tệ, đồng thời thúc đẩy đầu tư nước ngoài và du lịch. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng điều quan trọng đối với Lào là phải tăng sức sản xuất trong nước nhằm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu, đó là giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững, lâu dài. Các nhà kinh tế cũng cho rằng cần cắt giảm chi phí cho nhà đầu tư và doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách đẩy nhanh quá trình phê duyệt các đề xuất dự án phát triển, tạo động lực cho nhà đầu tư mang ngoại tệ vào Lào.

Phiên họp Chính phủ mở rộng

Ngày 06/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone đã kết thúc phiên họp mở rộng kéo dài ba ngày với sự tham dự của các thành viên Chính phủ, Đô trưởng Viêng Chăn, các tỉnh trưởng và đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại thủ đô Vientiane với các cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút ngoại tệ vào Lào nhiều hơn.

Các thành viên tham dự đã thông qua các biện pháp và chính sách quan trọng để giải quyết các thách thức kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo rằng dòng ngoại tệ thu được từ đầu tư và xuất khẩu sẽ vào Lào thông qua hệ thống ngân hàng.

Tại buổi họp báo sau cuộc họp, người phát ngôn Chính phủ kiêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Thipphakone Chanthavongsa đã thông báo các nội dung chính của cuộc họp là tập trung giải quyết đối với tất cả các vấn đề phát sinh liên quan đến đầu tư, trong đó đặc biệt là liên quan đến các khu vực đất chồng lấn của các dự án khai thác mỏ đã được duyệt. Tình trạng trốn thuế của các nhà đầu tư, cũng như các khoản phí nhượng quyền chưa thanh toán, các dự án ma và các vấn đề liên quan đến tác động xã hội và môi trường cũng được cam kết giải quyết. Hiệu quả của các dự án khai thác khoáng sản (bao gồm các dự án thí điểm) cũng sẽ được xem xét và hoàn thành vào cuối tháng này.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị khoáng sản khai thác 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10.805 tỷ Kíp, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, đến năm 2030, doanh thu từ các dự án khai thác khoáng sản ước đạt 2,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 40% so với giai đoạn 2011-2020. Một số vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận và tìm hướng giải quyết (Vientiane Times, 07/7/2023)

Thâm hụt thương mại của Lào tăng cao

Ngày 21/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Cổng Thương mại điện tử Bộ Công Thương Lào cho biết, trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Lào đạt trên 01 tỷ USD, chưa bao gồm giá trị xuất nhập khẩu điện; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 458 triệu USD và nhập khẩu đạt 584 triệu USD.

Thâm hụt thương mại của Lào đã lên mức 126 triệu USD, tăng vọt so với tháng 5/2023 (47 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính là muối kali (53 triệu USD), vàng và vàng thỏi (48 triệu USD), giấy và sản phẩm từ giấy (42 triệu USD), vàng quặng (36 triệu USD), đường (33 triệu USD), quặng sắt (24 triệu USD); nhập khẩu nhiều nhất là dầu diesel (66 triệu USD), phương tiện (54 triệu USD), phụ tùng (39 triệu USD), thiết bị điện (48 triệu USD) và thiết bị cơ khí (43 triệu USD).

Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Lào trong tháng 6 với tổng giá trị đạt 172 triệu USD, trong khi Thái Lan là đối tác xuất khẩu lớn nhất cho Lào với tổng giá trị đạt 297 triệu USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Lào sẽ tiếp tục bị thâm hụt thương mại nếu như hàng nhập khẩu không giảm, sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hiện nay.

Thách thức đối với lĩnh vực sản xuất tại Lào

Ngày 06/7/2023, Vientiane Times đưa tin, tại Kỳ họp Quốc hội Lào, Chính phủ cho biết đã rất nỗ lực thúc đẩy tăng năng suất sản xuất hàng hóa để có thể thay thế hàng nhập khẩu, giảm nhập khẩu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Chansouk Sengphachanh cho biết, những nỗ lực này đang bị cản trở bởi một số hàng hóa do Lào sản xuất có chất lượng kém và chi phí sản xuất cao, mẫu mã thiết kế và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, quảng cáo về các sản phẩm của Lào còn hạn chế, một bộ phận lớn người dân chưa tin tưởng về chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Lào thông qua các lớp đào tạo, chương trình triển lãm các sản phẩm của Lào; lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; hợp tác với các ngành khác như ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính để cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp, lập kế hoạch cung cấp thêm nhiều gói hỗ trợ tài chính, điều tiết giá cả hàng tiêu dùng và phân loại sản phẩm theo danh mục bình ổn giá. Bộ Nông Lâm đã xây dựng quy trình tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để cung cấp cho các nhà sản xuất và công nghiệp chế biến tại Lào,nhằm giảm nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết, nhập khẩu nông sản và sản phẩm gia súc đã giảm 11,54 triệu USD; mặc dù đã có chương trình khuyến khích sản xuất phân sinh học, hạt giống và giống lúa để sử dụng trong nước, nhưng việc phát triển cơ sở sản xuất vẫn còn hạn chế (năm 2022, Lào có 95 nhà máy chế biến phân bón sinh học, công suất 100.077 tấn, dân tự sản xuất 600.000 tấn; 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, với công suất sản xuất 40.000 tấn), số lượng này chưa đủ đáp ứng nhu cầu trồng trọt (khoảng 02 triệu tấn/năm) và chăn nuôi.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa, giá hang hóa đang tiếp tục tăng cao, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài để bảo đảm tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đồng Kíp yếu, các chi phí đầu vào cho sản xuất (phân bón và thức ăn chăn nuôi) cao, đã khiến nhiều nông dân bỏ ruộng và chăn nuôi, các nhà sản xuất, kinh doanh nông sản càng gặp khó khăn hơn.

Theo Cục Thống kê Lào, trong 5 tháng qua, số tiền chi cho thực phẩm và đồ uống nhập khẩu là 728 triệu USD, chiếm 11% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Chính phủ tìm giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn về tài chính

 Ngày 29/6/2023, Vientiane Times đưa tin, tại kỳ họp lần thứ V, Quốc hội khóa IX, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, dự kiến tổng vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài của Lào đạt khoảng 159 nghìn tỷ Kíp (khoảng 9,2 tỷ USD); trong 5 tháng đầu năm đã cấp phép mới cho 8.673 dự án với tổng giá trị đạt 155 nghìn tỷ Kíp (tương đương 9 tỷ USD); trong đó, các ĐKKT đã thu hút được 42 doanh nghiệp (36 công ty nước ngoài, 3 công ty Lào và 3 công ty liên doanh), dự kiến sẽ thu hút được 54 công ty, với tổng vốn đầu tư khoảng 343 triệu USD, tương đương 33,75% kế hoạch năm (160 công ty).

Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Chính phủ đang nỗ lực cải cách các quy định, cơ chế pháp lý để quản lý đầu tư hiệu quả hơn, đặc biệt là Luật Xúc tiến đầu tư; tăng cường đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp về các khó khăn, thách thức để có các giải pháp phù hợp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cải cách các quy định, quy chế để thúc đẩy hình thức đầu tư theo hướng đối tác công tư (PPP) nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Chính phủ hi vọng môi trường đầu tư sẽ được cải thiện, quy trình cấp phép sẽ nhanh và minh bạch hơn; đồng thời, Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư, thu hút nhiều dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường và việc triển khai các dự án đầu tư công tại các địa phương.

Với nỗ lực bịt kín các lỗ hổng thất thoát ngân sách, tiết kiệm chi tiêu công, Chính phủ kỳ vọng trong quý II/2023, GDP sẽ đạt tăng trưởng 4,9%, tương ứng 118.467 tỷ Kíp. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các dự án phát triển sẽ được quan tâm, triển khai nhiều dự án quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Vientiane Times, 29/6/2023)

Tăng lương tối thiểu, tìm biện pháp tăng thu nhập cho người có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 27/6/2023, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 9, đại biểu Quốc hội đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu hàng tháng từ 1.300.000 Kíp lên 2 triệu Kíp do mức lương hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động.

Mặc dù Chính phủ đã có các giải pháp kìm hãm sự trượt giá của đồng Kíp và tăng khả năng hỗ trợ cho người lao động, trao đổi đề xuất với các doanh nghiệp tăng mức thu nhập cho lao động nhưng không thể đáp ứng được việc tăng mức lương cơ sở trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chính phủ đang xem xét khả năng tăng lương nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định về con số chính xác và thời gian thực hiện.

Phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu về khả năng đáp ứng của ngân sách để hỗ trợ tài chính cho các cán bộ, công chức có thu nhập thấp, đồng thời Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội cũng làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào để tìm cách tăng lương tối thiểu cho công nhân các doanh nghiệp tư nhân. Theo Thủ tướng, việc hỗ trợ tài chính chỉ dành cho các công chức có thu nhập thấp và công nhân viên hiện đang hưởng mức lương tối thiểu. Trọng tâm có chọn lọc này được đưa ra khi Lào đang gặp khó khăn nghiêm trọng về ngân sách quốc gia và nhiều bất ổn về kinh tế tài chính. Người đứng đầu Chính phủ cam kết sẽ tăng mức lương tối thiểu này để đáp ứng chi phí sinh hoạt tại Lào, tuy nhiên, con số chính xác và thời gian thực hiện vẫn chưa được thông qua. (Vientiane Times, 21/7/2023)

Doanh thu bán điện 6 tháng đầu năm 2023 tăng 1,69% so với cùng kỳ năm 2022

Ngày 11/7/2023, Vientiane Times đưa tin, báo cáo tại kỳ họp lần thứ V, Quốc hội khóa IX, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết, nguồn thu từ bán điện tăng 1,69% trong 6 tháng đầu năm 2023; Lào đã sản xuất được 24.300 triệu Kwh điện, thu về 22.000 tỷ Kíp; trong đó điện tiêu thụ trong nước đạt 5.073 triệu Kwh, với giá trị 324 triệu USD, tăng 12,65%; điện xuất khẩu sang các nước Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Singapore đạt 19.033 triệu Kwh, giá trị 1.192 triệu USD, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện có tổng cộng 94 nhà máy sản xuất điện tại Lào gồm 81 nhà máy thủy điện, 12 nhà máy năng lượng tái tạo khác và 1 nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất thiết kế đạt 11.661 MW, có thể tạo ra tổng sản lượng điện 58.813 Gwh/năm.

Chính phủ Lào hiện đang đàm phán với các nước, đặc biệt là Trung Quốc về việc đấu nối lưới điện nhằm có thể giảm thiếu hụt điện vào mùa khô và thừa điện trong mùa mưa lũ tại Lào. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Lào cũng đã phải nhập điện với tổng giá trị 24 triệu USD, tăng 1,6% so với năm ngoái.

Bộ trưởng Khamjane cho biết, các trang trại điện gió hiện đang là nguồn bổ sung đáng kể cho thủy điện. Hoạt động với các luồng gió ổn định, các tua-bin có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm và có hiệu suất tốt hơn các tấm panel năng lượng mặt trời. Theo kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030, Lào vẫn sẽ duy trì tỷ lệ thủy điện như hiện tại, chuyển dần tỷ lệ 30% năng lượng từ nhiệt điện sang các loại năng lượng tái tạo. Các nước láng giềng đều tăng nhu cầu về năng lượng tái tạo để giảm dần mức phát thải carbon.

Lào đặt mục tiêu 4,6 triệu khách du lịch trong Năm Du lịch Lào 2024

Ngày 07/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch hy vọng sẽ thu hút ít nhất 4,6 triệu du khách trong Năm Du lịch Lào 2024, với doanh thu mục tiêu là 712 triệu đô la Mỹ; trong đó, dự kiến khách nước ngoài chiếm trên 50% và chi tiêu ít nhất 401 triệu đô la Mỹ.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ quảng bá các lễ hội đầy màu sắc của đất nước để thu hút du khách, chẳng hạn như Lễ hội That Luang ở Viêng Chăn, lễ mừng năm mới (Bun Pi Mai) của Lào và các buổi lễ ở Luang Prabang để đánh dấu sự kết thúc Mùa Chay của Phật giáo. Ngoài ra, Lễ hội Bảo tháp Sikhottabong ở tỉnh Khammuan, Lễ hội Bảo tháp Ing Hang ở tỉnh Savannakhet, Lễ hội Vat Phou ở tỉnh Champassak và các hang động ở tỉnh Huaphan sẽ được quảng bá rộng rãi. Các lễ hội đặc trưng của các tỉnh khác cũng sẽ được tuyên truyền rộng rãi cho du khách. Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch cũng đã lập danh sách 25 hoạt động văn hóa, du lịch cấp địa phương cho Năm du lịch Lào 2024.

Chương trình xúc tiến du lịch Năm Du lịch Lào 2024 nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài đến Lào, tạo việc làm cho người dân và tăng thu ngoại tệ. Bộ đang hợp tác với các công ty du lịch và hãng hàng không để lên danh sách các hoạt động phù hợp cho khách du lịch, đồng thời chọn logo và chủ đề để quảng bá Năm Du lịch Lào 2024. Tháng 8/2023, Ban chỉ đạo quốc gia sẽ họp để xem xét các sự kiện được đề xuất và lập ngân sách phân bổ và trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.

Lịch Du lịch Lào Năm 2024 sẽ được sản xuất, cũng như các video quảng bá và quà lưu niệm, đồng thời chiến dịch sẽ được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và trên các trang web vào tháng 9 và tháng 10. Trong tháng 11 và 12, Bộ sẽ tổ chức họp báo và khai mạc Năm Du lịch Lào 2024.

Trong Năm du lịch Lào 2018, lượng khách du lịch đạt 4,1 triệu lượt, tăng 8,2% so với năm 2017. Trong Năm du lịch Lào-Trung Quốc 2019, Lào đã đón 4,58 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9% so với năm 2018.

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Bộ Chính trị lập Tổ công tác cấp cao để giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính

Ngày 19/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Chính trị Lào vừa ra nghị quyết thành lập Tổ công tác cấp cao để giải quyết khó khăn kinh tế, tài chính, lạm phát cao, tỷ giá hối đoái bất ổn, vật giá leo thang và nợ nước ngoài cao. Thủ tướng Sonexay Siphandone được phân công là tổ trưởng Tổ công tác, hai phó Tổ trưởng là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Vilay Lakhamfong và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Saleumxay Kommasith. 5 thành viên còn lại là Bộ trưởng hoặc người đứng đầu các Bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Thủ tướng và Ngân hàng Trung ương Lào.

Động thái này được đưa ra khi Lào vẫn đang vật lộn để vượt qua nhiều khó khăn về kinh tế và tài chính nghiêm trọng, một phần do tác động bởi môi trường quốc tế bất ổn hiện nay. Nhiệm vụ chính của Tổ công tác là nỗ lực tìm mọi giải pháp cho các khó khăn về kinh tế, tài chính và tiền tệ hiện nay. Các vấn đề cốt yếu được Bộ Chính trị nêu ra để tổ công tác tập trung giải quyết là lạm phát, tỷ giá hối đoái bất ổn và giá cả tiêu dùng tăng cao.

Tổ công tác được yêu cầu phải đưa ra các giải pháp, chính sách và công cụ cần thiết để ổn định nền kinh tế cùng với việc kiểm soát giá cả. Các biện pháp cũng phải được đưa ra để xác định, kiểm soát và quản lý việc xoay vòng, sử dụng ngoại tệ thông qua hệ thống ngân hàng trong nước, tăng giá trị đồng Kíp so với các ngoại tệ khác. Tổ công tác cũng được ủy quyền tháo gỡ các rào cản và cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại và đầu tư. Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, tổ công tác sẽ được huy động mọi nguồn lực có thể có và làm việc với các nước thân thiện và các đối tác phát triển để tìm cách giải quyết các khó khăn của Lào hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ cam kết sẽ hành động ngay lập tức để giải quyết các vấn đề về kinh tế, tài chính

Ngày 03/7/2023, phát biểu tại kỳ họp lần thứ V, Quốc hội khóa IX, Thủ tướng Sonexay Siphandone cam kết Chính phủ sẽ tiến hành nhiều biện pháp khẩn cấp để giải quyết các khó khăn về kinh tế, tài chính của đất nước, bao gồm việc ngăn chặn tình trạng lạm phát gia tăng, tỷ giá hối đoái bất ổn và giá cả tiêu dùng ngày càng leo thang hiện nay. Thủ tướng cho rằng, điều này cần phải có sự nỗ lực hết sức mình, hành động nhanh chóng của các thành viên Chính phủ, cùng với sự hợp tác của toàn xã hội.

Thủ tướng cho biết, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Lào đã đề ra một số giải pháp, tuy nhiên còn cần phải đi vào chi tiết hơn nữa. Trong số này, giải pháp đầu tiên cần được thực thi là tái cấu trúc cán cân thương mại với các đối tác hiện đang bị thâm hụt. Tiếp theo là đảm bảo các giao dịch tài chính cần phải được thông qua hệ thống ngân hàng, và các ngân hàng thương mại này được cung cấp đủ số lượng đơn vị ngoại tệ. Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên cải thiện thị trường ngoại tệ và cải tiến công tác quản lý các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Quy trình đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ được quy định chi tiết để các khoản thanh toán xuất - nhập khẩu phải được thực hiện qua các tài khoản tại các ngân hàng thương mại trong nước.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục xử lý các điểm trao đổi ngoại tệ trái phép, được cho là gây ra các tác động tiêu cực đến tỷ giá ngoại tệ trong nước hiện nay. Công tác thu hồi nợ công cũng cần được tiến hành song song với việc điều chỉnh các thỏa thuận đã được ký trước đây.

Đối với các giải pháp  trung - dài hạn, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ phù hợp, bao gồm: cho phép các ngân hàng thương mại được đặt ra các tỷ giá trao đổi ngoại tệ linh hoạt hơn, đẩy mạnh việc quản lý ngoại tệ để đảm bảo dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng trong nước nhiều hơn. (Vientiane Times, 05/7/2023)

Quốc hội Lào thảo luận dự án Luật

Luật Thuế đất đai

Ngày 10/7/2023, Vientiane Times đưa tin, các đại biểu Quốc hội Lào đã kiến nghị sửa đổi một số điều trong dự thảo luật và thuế đất để đảm bảo hệ thống thu thuế được xác định rõ ràng hơn.

Thuế đất của Lào lần đầu tiên được luật hóa theo Sắc lệnh của Chủ tịch nước năm 2000, để phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế, nghị định đã được sửa đổi năm 2007 và có hiệu lực cho đến nay. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định khó thực hiện và số tiền thuế đất thu được thấp, không phù hợp với mục tiêu là nguồn thu nhập lớn cho Chính phủ góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước. Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng nâng cấp nghị định lên thành Luật. Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rõ loại đất chịu thuế, đất miễn thuế cũng như làm rõ cách tính thuế, cách đánh thuế đối với đất bị chiếm dụng/lấn chiếm; các đại biểu đặt ra câu hỏi về cách xác định thuế đối với đất bị lũ lụt hoặc các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác phá hoại, đất cho các gia đình nghèo… và khung thời gian nộp thuế.

Dự thảo luật gồm 9 phần, 4 chương, 48 điều. Ông Santiphab Phomvihane, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nếu luật được thông qua và ban hành sẽ thúc đẩy nguồn thu từ thuế đất và giải quyết các vấn đề chính gặp phải trong quá khứ. Thuế đất được áp dụng cho bất kỳ ai có quyền sở hữu đất hoặc tài liệu khác xác nhận quyền sử dụng đất của họ. Ông Santiphab cho biết dự thảo luật sẽ đảm bảo một hệ thống thu thuế công bằng hơn, với các mức cơ bản và giá đất được đánh giá sẽ được sử dụng làm cơ sở để tính số tiền thuế phải nộp. Luật cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề chiếm dụng hoặc lấn chiếm đất đai sai trái liên quan đến việc nộp thuế và cho phép thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng này.

Ông Santiphab cho biết, Chính phủ sẽ thu được nhiều hơn từ thuế đất, phù hợp với mức độ tăng trưởng kinh tế đang thay đổi, ngay cả khi thuế suất không thay đổi; việc thu thuế đất phải bằng hệ thống hiện đại, hiệu quả, minh bạch và có thể kiểm toán được. Chính phủ mong muốn phát triển phần mềm ghi mã số, hệ thống tính toán và thanh toán thông qua các hình thức khác nhau để hỗ trợ người nộp thuế thông qua việc cung cấp thông tin cho họ, cũng như theo dõi các cá nhân và tổ chức chưa nộp thuế đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính sẽ chia sẻ cùng một cơ sở dữ liệu.

Sửa đổi Luật ngân hàng thương mại

Điều chỉnh lại luật ngân hàng thương mại sửa đổi nhằm thống nhất với các quy định khác và quản lý đối tượng này chặt chẽ hơn. Các ý kiến đề xuất về xác định vốn đăng ký, vốn đầu tư và việc trao đổi tiền tệ giữa các ngân hàng thương mại, quyền và nghĩa vụ của ban giám sát, hệ thống giải quyết khủng hoảng và cơ chế phá sản ngân hàng; đề nghị cần làm rõ sự khác biệt trong hoạt động của một số ngân hàng thương mại đặc thù và các ngân hàng còn lại, quy định về bảo vệ các khoản tiền gửi, giấy phép kinh doanh, vốn đăng ký và vốn đầu tư tối thiểu cũng như vai trò của các ngân hàng thương mại trong việc trao đổi tiền tệ.

Luật ngân hàng thương mại có vai trò chính trong việc quản lý và giám sát các ngân hàng thương mại với mục đích chính đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng được lành mạnh và ổn định. Luật sửa đổi gồm 12 phần, 14 chương và 114 điều. Một phần mới và 8 điều đã được bổ sung, 51 điều được sửa đổi và 55 điều được giữ nguyên. Theo Thống đốc ngân hàng trung ương Bounleua Sinxayvoravong, các nội dung điều chỉnh sẽ hỗ trợ sự phát triển của hệ thống ngân hàng cả về chất lượng và số lượng.

Hiện nay, Lào có 42 ngân hàng thương mại, bao gồm 1 ngân hàng thương mại quốc doanh, 1 ngân hàng chuyên trách, 5 ngân hàng liên doanh, 8 ngân hàng tư nhân, 8 ngân hàng thương mại là ngân hàng con của ngân hàng nước ngoài và 19 chi nhánh của các ngân hàng thương mại nước ngoài. Ngoài ra, có 114 chi nhánh ngân hàng, 538 phòng giao dịch và 1.496 trạm ATM. Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của các ngân hàng này đã tăng 33,25%, lượng tiền gửi tăng 28.78% và các khoản cho vay tăng 32.77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự thảo Luật việc làm

Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Baykham Khattiya đã đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật việc làm nhằm bảo vệ quyền của cả người lao động và người sử dụng lao động, trong bối cảnh nhiều thách thức và khó khăn đang tác động đến sinh kế của người dân và cả nền kinh tế Lào.

Các nội dung trong luật bao gồm: sa thải, nghỉ phép năm, lương, phân biệt đối xử dựa trên độ tuổi và giới tính. Một số điểm đáng chú ý khác gồm: hành hung, quấy rối, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, tôn giáo, hợp đồng lao động, thời gian làm việc…

Luật được ban hành nhằm điều chỉnh việc tuyển dụng lao động, đảm bảo công tác tuyển dụng sẽ được kiểm soát và cho phép mọi người đều có được sự hài lòng khi đi làm việc. Trong khi đó, các đơn vị sử dụng lao động, bất kể là công hay tư đều cần tạo thêm nhiều việc làm và đảm bảo việc tuyển dụng, điều kiện làm việc luôn công bằng và chấp nhận được. Ngoài ra, theo bà Baykham, nhà nước và các cơ quan liên quan cũng cần xây dựng chính sách phát triển lao động cho khu vực nông thôn nhằm khuyến khích nhiều người tự sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, thương mại và dịch vụ để tăng thu nhập và phát triển nền kinh tế. Những nỗ lực mạnh mẽ và lâu bền cần được đặt mục tiêu vào việc giải quyết vấn đề lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, và lượng lớn người lao động đang tìm việc ở nước ngoài hiện nay.

Điều 29 của dự luật này yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động cần phải tuân thủ tất cả các quy định liên quan đến việc làm, do đây là phần tất yếu của việc điều hành và phát triển doanh nghiệp. Luật cũng nhằm bảo vệ doanh nghiệp và vạch ra các nghĩa vụ của họ đối với người lao động, các hình thức hỗ trợ họ có thể nhận được nếu xảy ra tai nạn lao động, phá sản hoặc các tình huống bất khả kháng khác. Luật nhằm duy trì mối quan hệ hài hòa, lành mạnh giữa người sử dụng lao động và người lao động. (Vientiane Times, 11/7/2023)

Tăng cường kiểm soát, thêm nguồn thu ngoại tệ ổn định tỷ giá

Ngày 03/7/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào Bounleua Sinxayvoravong đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản của việc thiếu hụt ngoại tệ và đưa ra các giải pháp cho tình trạng này. Theo ông, việc thiếu hụt ngoại tệ này lần đầu diễn ra từ năm 2010, với việc dòng tiền đi vào ít hơn dòng tiền chảy ra nước ngoài, tạo ra sự mất cân bằng cung cầu. Trước đó, những năm sau năm 2010, dòng vốn đầu tư và các khoản vay nước ngoài đã giúp cân bằng thu - chi ngân sách và giữ mức thâm hụt ngoại tệ trong vòng kiểm soát.

Tuy nhiên, từ năm 2018, do tình trạng nợ công gia tăng, Chính phủ Lào buộc phải hạn chế các khoản vay, dẫn đến việc mất cân bằng cán cân thanh toán. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 ập đến năm 2020 càng khiến Lào mất đi nhiều nguồn thu ngoại tệ từ ngành du lịch và các dự án đầu tư nước ngoài. Theo Thống đốc Bounleua, chỉ riêng trong năm 2018 và 2019, mỗi năm du lịch giúp Lào có thêm 900 triệu đến 1 tỷ USD. Việc mất nguồn thu ngoại tệ từ du lịch trong khi nhu cầu lại không giảm theo đã khiến Lào lại càng thiếu hụt ngoại tệ.

Cũng tại Kỳ họp lần thứ V, Quốc hội khóa IX, Thủ tướng Chính phủ Lào cho biết, sẽ cố gắng đảm bảo ít nhất 50% doanh thu xuất khẩu sẽ vào Lào trong những năm tới để đảm bảo nguồn ngoại tệ thu từ xuất khẩu luôn sẵn có để Chính phủ có thể giải quyết sự thiếu hụt trong cán cân thanh toán. Hiện nay, chỉ có khoảng 30% vận đơn xuất khẩu vào Lào thông qua hệ thống ngân hàng. Như năm 2022, giá trị xuất khẩu đạt 8,19 tỷ USD nhưng thực tế chỉ có 2,7 tỷ USD vào Lào. Điều này là do các nhà đầu tư được phép trả nợ ở nước ngoài đối với các khoản vay để thực hiện dự án phát triển ở Lào, đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện và khai thác mỏ.

Thủ tướng cho biết trong tương lai, việc mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại ở Lào sẽ là một trong những yêu cầu chính đối với các nhà xuất nhập khẩu để xử lý các giao dịch tài chính của họ. Bộ Công thương sẽ làm việc với các ngành, bao gồm cả Ngân hàng CHDCND Lào, để xử lý các vấn đề hiện nay. Bộ Công Thương cũng sẽ làm việc với Bộ Nông Lâm để giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và phân bổ nguồn cung cho các ngành sản xuất trong nước để có thể sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn như cà phê, khoai tây và ngô ngọt.

Chính phủ cũng muốn hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ và không thiết yếu cần lượng ngoại tệ lớn, đồng thời giảm việc sử dụng ngoại tệ không cần thiết ở Lào. Trong trung và dài hạn, Chính phủ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm áp lực ngoại tệ, vì điều này sẽ dẫn đến việc đồng Kíp tiếp tục mất giá. Thủ tướng thừa nhận rằng giá nhiên liệu tăng cao và nợ công cao đã buộc Chính phủ phải huy động thêm ngoại tệ, đặc biệt là đồng Baht và USD, để mua hàng nhập khẩu trong bối cảnh lượng ngoại tệ được tạo ra từ các khoản vay, du lịch và ngoại hối ngày càng giảm.

Ngày 14/7/2023, Vientiane Times đưa tin, các doanh nghiệp đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Lào ổn định tỷ giá hối đoái và đảm bảo có thêm ngoại tệ cho doanh nghiệp hoạt động. Trao đổi với Vientiane Times, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Daovone Phachanthavong cho rằng có thể có một số giải pháp khả thi để giải quyết sự biến động của tỷ giá hối đoái như: (i) thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài và cộng đồng người Lào ở nước ngoài đến chi tiêu tại Lào; (ii) trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài mang ngoại tệ tới Lào, nhất là các đầu tư cho trồng cao su, chuối và các loại cây trồng xuất khẩu; (iii) đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản; (iv) khuyến khích kiều hối từ người lao động Lào ở hải ngoại; (v) tìm cách tăng vốn ODA và đưa ngồn vốn đó vào trong nền kinh tế để ổn định tỷ giá hối đoái.

Về tổng thể, ông Daovone đồng ý với động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Chính phủ, nhưng theo ông việc đóng cửa các điểm giao dịch ngoại hối đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người cần ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu thiết yếu cho hoạt động. Ông đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu bài học kinh nghiệm ở Campuchia, nơi chấp nhận ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ, trong các giao dịch kinh doanh. Theo ông điều quan trọng là phải tạo thuận lợi cho ngoại tệ chảy vào trong nước và đảm bảo có đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp, từ đó sẽ tạo ra nhiều ngoại tệ hơn để tăng dự trữ ngoại hối.

Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã ký quyết định ban hành Chỉ thị nhằm đảm bảo ngân sách sẽ thu được nhiều ngoại tệ từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đồng thời tiếp tục khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong nước. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Lào được yêu cầu xúc tiến hệ thống thanh toán điện tử và kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ tại các đặc khu kinh tế. Bộ Tài chính sẽ triển khai thu thuế và các khoản thu ngân sách khác bằng ngoại tệ từ các doanh nghiệp xuất khẩu và các đơn vị có doanh thu bằng ngoại tệ. Bộ Công Thương sẽ phát triển hệ thống dữ liệu điện tử để kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải tạo tài khoản giao dịch tài chính tại các ngân hàng trong nước. Nếu cần giữ ngoại tệ tại ngân hàng nước ngoài (để thanh toán các khoản nợ trực tiếp), doanh nghiệp cần phải có sự chấp thuận của Ngân hàng Trung ương Lào.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu hợp tác với Ngân hàng trung ương và các ngành liên quan khác để phát triển hệ thống dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để điều tiết đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, các ngành liên quan được yêu cầu điều chỉnh và kiểm tra dòng ngoại tệ thu được từ các khoản đầu tư nước ngoài và thường xuyên báo cáo tình hình cho Ngân hàng Trung ương. Một trong những thách thức chính đối với Lào là dòng vốn đầu tư nước ngoài thực tế qua hệ thống ngân hàng thấp hơn nhiều so với giá trị thỏa thuận của vốn đầu tư đăng ký, và điều này dẫn đến sự mất cân đối tổng thể trong thanh toán trong nước.

Các khoản mua bán đất đai và nhà ở, thanh toán phí dịch vụ vận chuyển, hợp đồng xây dựng, dịch vụ giáo dục, thể thao, thuốc men và điều trị, dịch vụ truyền thông, dịch vụ hướng dẫn viên du lịch, và các khoản thanh toán cho khách sạn, nhà hàng và hàng hóa tại thị trường địa phương cần phải được thực hiện bằng nội tệ.

Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải kiểm tra, xác định cơ cấu giá và đảm bảo việc kinh doanh phương tiện giao thông, kim loại quý và thanh toán phí dịch vụ tư vấn được thực hiện bằng đồng Kíp thông qua hệ thống điện tử. Các doanh nghiệp được yêu cầu phải hiển thị giá hàng hóa và dịch vụ của họ bằng đồng Kíp, kể cả những doanh nghiệp hoạt động trực tuyến. Việc trả lương và tiền công cũng phải được thực hiện bằng đồng Kíp, trừ trường hợp người lao động và chuyên gia nước ngoài có thể trả lương bằng ngoại tệ. (Vientiane Times, 19/7/2023)

Ngày 25/7/2023, Vientiane Times đưa tin, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị ký ngày 14/7 về việc kiểm soát sự chênh lệch tỷ giá quá lớn giữa ngoại tệ và đồng Kíp Lào gây ra tình trạng lạm phát cao trong nước, Cục quản lý ngoại hối, ngân hàng trung ương Lào đã tổ chức một buổi phổ biến chính sách về quản lý ngoại hối vào ngày 21/7 cho các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Ngân hàng Trung ương Lào, với đầu mối chính là Cục quản lý ngoại hối, sẽ tiếp tục làm việc với các bên có liên quan để triển khai các quy định, hướng dẫn trong luật hiện hành về chính sách tiền tệ của Chính phủ thông qua việc tiếp nhận các ý kiến góp ý, ý tưởng nhằm đảm bảo thu được nhiều ngoại tệ cho ngân sách từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Ngân hàng trung ương Lào sẽ phát triển hệ thống thanh toán điện tử cho các giao dịch tài chính và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng ngoại tệ tại các đặc khu kinh tế trên khắp cả nước.

Lào chuẩn bị phát hành trái phiếu trị giá 3,61 tỷ Baht cho các nhà đầu tư Thái Lan

Ngày 13/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Tài chính Lào chuẩn bị phát hành 3,61 tỷ Baht trái phiếu trong hai đợt (31/7 và 2-3/8/2023). Đợt 1 có thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,1%/năm, đáo hạn năm 2026, đợt 2 có lãi suất 6,6%/năm và đáo hạn năm 2027. Lãi suất của cả hai đợt đều được thanh toán mỗi 3 tháng 1 lần. Trái phiếu đang được chào cho các nhà đầu tư ở mức 1.000 Baht mỗi đơn vị với số lượng đặt mua tối thiểu là 100 đơn vị. Số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu này, Bộ Tài chính sẽ dùng để tái cấp vốn cho các trái phiếu đáo hạn vào năm 2023.

Đối tượng chính của 2 đợt trái phiếu này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính Lào, là các nhà đầu tư tại Thái Lan khi kể từ năm 2013, họ đã rất hào hứng với trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành. Kể từ quý 3 năm 2020, kim ngạch thương mại của Lào đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, cụ thể với giá trị xuất khẩu năm 2021 là 7.695 triệu USD và tăng vọt lên 8.198 triệu USD một năm sau đó. Các sản phẩm xuất khẩu chính là điện, khoáng sản, sản phẩm gỗ, bột gỗ và giấy và các sản phẩm nông nghiệp bao gồm cao su, sắn, chuối, mía đường và cà phê sang các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Úc và Singapore.

Kết quả này là từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn đang dần được hoàn thiện, chẳng hạn như Đường sắt Lào-Trung Quốc, dự án xây dựng Đặc khu Kinh tế Mới (Dự án Tha Bok-Tha Nalang, công viên Logistics Vientiane) và Đường cao tốc Vientiane-Boten. Đường cao tốc giúp giảm chi phí vận chuyển khoảng 30-40%, giảm thời gian vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu từ Lào sang Trung Quốc và ASEAN.

Lào được ưu đãi về lợi thế địa lý với diện tích lưu vực nước rộng lớn bao phủ 202.000 km2, chiếm 85% tổng diện tích của cả nước, đặc biệt phù hợp với việc sản xuất thủy điện, cho phép nước này xuất khẩu điện sang các nước láng giềng bao gồm Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Malaysia và Singapore. Đến năm 2030, Lào dự kiến sẽ sở hữu tổng công suất phát điện lắp đặt là 20.000 MW, tăng 80% so với tổng công suất 11.000 MW hiện tại.

Trong khi đó, quốc gia này cũng đang trở thành một cửa ngõ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, một trung tâm hậu cần và một liên kết quan trọng trong khu vực thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Lào dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 4,5-5% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025.

Chính phủ khẩn trương tiến hành cải cách 19 doanh nghiệp nhà nước

Ngày 26/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đang có kế hoạch tiếp tục cải thiện mạnh mẽ việc cải cách hoạt động của 19 doanh nghiệp nhà nước nhằm ngăn chặn việc thất thoát ngân sách và kiềm chế nợ công vẫn đang tăng thêm.

Phát biểu trước Quốc hội trong tháng này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết, Chính phủ sẽ nắm giữ toàn bộ hoặc phần đa vốn sở hữu đối với 14 doanh nghiệp, bán lại toàn bộ cổ phần của 01 và giải thể 04 doanh nghiệp khác. Đối với Công ty điện lực Lào (EDL), các quy định về quản lý đang được sửa đổi và vai trò của Ủy ban Điều chỉnh Điện lực cũng như Quỹ An ninh Điện lực Lào đang được xem xét. EDL cũng đang cải thiện cơ cấu giá cấp điện cả ở Lào và cho xuất khẩu.

Công ty phát điện Lào (EDL Gen) sẽ giữ nguyên phương thức hoạt động như hiện nay và hoạt động tách biệt với EDL, nhưng được cải tiến toàn diện dưới sự điều hành của một ban quản lý mới để đảm bảo công ty này tuân thủ các quy tắc bắt buộc đối với các công ty nhà nước đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Lào (LSX).

Lao Airlines đã hoàn thành kế hoạch cải cách và đang làm việc với Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) để cơ cấu lại các khoản nợ của mình. Công ty Nhiên liệu Nhà nước Lào (LSFC) cũng đã hoàn thành kế hoạch cải tổ và đệ trình báo cáo lên Chính phủ, đồng thời tiến hành sửa đổi quy định, chính sách để cải thiện phúc lợi. Công ty cũng đang xem xét việc hiện đại hóa các trạm nhiên liệu và dịch vụ cũng như quyền hạn và vai trò của 9 phòng ban, 4 chi nhánh cấp tỉnh.

Công ty Phát triển Công nghiệp Nông nghiệp và Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Lào hiện đang trong quá trình thu thập thông tin để đưa ra kế hoạch cải cách phù hợp.

Thủ tướng cam kết hành động quyết liệt hơn để cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 14/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone cam kết sẽ sửa đổi luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh khốc liệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh của mình. Chính phủ sẽ tiến hành sửa đổi Luật Khuyến khích Đầu tư và các luật liên quan theo hướng tìm kiếm và áp dụng các biện pháp khuyến khích với ưu đãi lớn hơn để thu hút đầu tư tư nhân.

Theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng sẽ được giao nhiệm vụ thúc đẩy việc phân loại đất đai để có thể nhanh chóng cấp giấy tô nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với các dự án đầu tư cụ thể sau khi được phê duyệt. Ông cho rằng mỗi tỉnh phải có số liệu rõ ràng về các loại đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và dân cư. Việc tập trung vào phân loại đất đai được đưa ra sau khi có thông tin có những dự án đã hoàn thành nghiên cứu khả thi nhưng không thể tiếp tục thực hiện vì không có đủ đất cho kế hoạch đề xuất. Ngoài các hình thức tô nhượng đất đai của Nhà nước như đã làm từ trước đến nay, Chính phủ sẽ xem xét các mô hình hợp tác để tô nhượng đất tư nhân cho các dự án đầu tư.

Thủ tướng Sonexay cũng cam kết sẽ đơn giản hóa các thủ tục để đẩy nhanh việc ký kết Biên bản ghi nhớ liên quan đến các dự án đầu tư. Ông cho biết, để thúc đẩy và thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Chính phủ sẽ đa dạng hóa lộ trình khuyến khích đầu tư thông qua các chương trình quảng bá hình ảnh của Lào. Ngoài các diễn đàn xúc tiến thông thường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia cùng các bộ liên quan thực hiện trong các chuyến thăm nước ngoài chính thức hoặc cấp nhà nước của các nhà lãnh đạo nhà nước, Chính phủ đang khuyến khích chính quyền cấp tỉnh hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài tổ chức các diễn đàn tương tự, nhất là những nhà đầu tư đang điều hành các đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp tại Lào.

Thủ tướng Sonexay đã trích dẫn một hội nghị xúc tiến gần đây như một ví dụ thành công do chính quyền tỉnh Khammuan và Sở Công Thương tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc phối hợp tổ chức thông qua một công ty Trung Quốc đầu tư tại Lào. Sau sự kiện nói trên, dự kiến sẽ có 10 hợp đồng đầu tư trị giá hơn 800 triệu USD được ký kết. Ông cho rằng các tỉnh của Lào đều có điều kiện thuận lợi trong quan hệ, hợp tác quốc tế và cho biết thêm, hiện nay nhiều tỉnh của Lào đã kết nghĩa với các tỉnh của các nước khác.

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết Chính phủ sẽ làm nhiều hơn nữa để khuyến khích sản xuất hàng hoá, cải thiện giao thông vận tải, tạo thuận lợi cho thương mại và đàm phán để tiếp cận nhiều hơn với thị trường nước ngoài. Ông cũng cho biết thêm, các cơ quan nhà nước sẽ làm việc với khu vực tư nhân để đẩy nhanh việc cải thiện các dịch vụ du lịch bao gồm cả cơ sở hạ tầng liên quan.

Lào triển khai giao dịch mã QR với các nước láng giềng

Ngày 26/7/2023, Vientiane Times đưa tin, tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa qua, trả lời câu hỏi của các Đại biểu Quốc hội về việc liệu ngân hàng có kênh nào cho phép người lao động Lào ở nước ngoài gửi tiền hiệu quả, nhanh chóng về Lào hay không, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tiến sĩ Bounleua Sinxayvoravong cho biết Lào sẽ bắt đầu sử dụng các giao dịch mã QR với các nước láng giềng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền và thanh toán của người lao động cũng như khách du lịch ở các quốc gia này. Theo ông Bounleua Sinxayvoravong, Lào sẽ thí điểm sử dụng thanh toán bằng mã QR với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia trong quý IV năm nay.

Khi hệ thống giao dịch bằng mã QR được triển khai sẽ giúp công dân Lào ở các nước khác chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, tiết kiệm chi phí dịch vụ, đồng thời tránh được những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng các hệ thống khác. Hiện tại, người lao động nhập cư gửi tiền về nhà thông qua các kênh không được kiểm soát, gồm cả việc trả một khoản phí để nhờ người khác mang theo tiền mặt khi họ trở lại Lào. Hiện có 303.391 công dân Lào đang làm việc ở các nước láng giềng. Trong số này, 100.230 người có việc làm hợp pháp và 203.161 người không có giấy phép lao động. Mỗi năm, lao động nhập cư gửi về Lào khoảng 426 triệu USD. Đây là một đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và là nguồn thu ngoại tệ của đất nước.

Theo tiến sĩ Bounleua, thông qua hệ thống mã QR được áp dụng, các vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết và tiết kiệm tiền cho người lao động. Thông qua hệ thống ngân hàng, các giao dịch có thể được giám sát. Thống đốc cho biết, theo đề xuất ngân hàng trung ương của các nước liên quan đang làm việc với các ngân hàng thương mại để kết nối hệ thống giao dịch. Ông cho biết thêm các vấn đề kỹ thuật đã được giải quyết đầy đủ, những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống sẽ được đánh giá trong chương trình thí điểm trong quý IV.

Sau khi được đưa vào sử dụng, hệ thống QR sẽ cho phép thanh toán không dùng tiền mặt. Điều đó giúp cho khách du lịch đến Lào chi tiêu một cách tiện lợi và dễ dàng hơn. Khách du lịch Thái Lan và Việt Nam chỉ cần quét mã QR của họ để thanh toán và tiền sẽ được luân chuyển trong hệ thống ngân hàng. Đây là kế hoạch được khởi xướng như một phần trong nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm cải thiện toàn diện các dịch vụ cho khách du lịch nhằm thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài - một nguồn thu nhập và ngoại tệ quan trọng. Trong năm 2018 và 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, du lịch trung bình đã tạo ra 900 đến một tỷ USD mỗi năm cho Lào.

Chính phủ hỗ trợ dự án quản lý dữ liệu lớn (Big Data)

Ngày 26/6/2023, Bộ Kế hoạch Đầu tư và công ty Saysana Group Sole đã ký biên bản ghi nhớ về việc Bộ sẽ ủy quyền cho công ty tiến hành nghiên cứu khả thi về dự án mang tính quốc gia và toàn diện có tên là Quản lý Dữ liệu lớn với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Khamjane Vongphosy. Đại diện công ty, ông Saysana Visathep, cho biết nghiên cứu khả thi sẽ bao gồm một nghiên cứu và khảo sát về dịch vụ thông tin dưới hình thức Chính phủ - Chính phủ (G2G), Chính phủ - Doanh nghiệp (G2B, Chính phủ - Người dân địa phương, Doanh nghiệp - Doanh nghiệp (B2B) và Doanh nghiệp - Người dân địa phương, bao gồm mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề và mọi hoạt động có liên quan. Ông Saysana cũng cho biết, nếu được thông qua, dự án sẽ được phát triển thành một dự án PPP và khi hoàn thiện đầy đủ sẽ có tổng giá trị đến 5 tỷ USD.

Dữ liệu lớn (Big Data) hiện có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế thế giới, cho phép các bên liên quan tiếp cận thông tin dễ dàng, rõ ràng và nhanh chóng hơn. Dữ liệu lớn là quá trình xử lý thông tin giúp hỗ trợ việc chuyển đổi thông tin nhanh chóng như các giao dịch tài chính và lưu trữ dự liệu quy mô lớn, bao gồm quản lý hành chính nhà nước và xã hội. Dữ liệu lớn cũng giúp quản lý hiệu quả việc kiểm soát tội phạm và an ninh mạng.

Theo đại diện công ty Saysana, Lào hiện đang áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công và doanh nghiệp nhưng với quy mô hạn chế và thực hiện một cách phân tán. Mỗi khu vực lại thực hiện theo một hệ thống riêng, gây lãng phí tài nguyên và tiền của. Nếu dự án được thực hiện, Lào sẽ có thể phát triển một hệ thống quản lý nhà nước hiện đại, giảm chi tiêu ngân sách, đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế số và phát triển nền công nghiệp 4.0 trên con đường hướng tới công nghiệp 5.0. Dự án cũng sẽ tạo ra lợi ích khổng lồ, không chỉ về lợi nhuận trực tiếp từ nguồn thu thuế mà còn là lợi ích gián tiếp cho người dân qua việc tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và liên kết gần hơn với thương mại và đầu tư quốc tế. (Vientiane Times, 29/6/2023)

HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM

Tình hình kim ngạch Việt Nam-Lào 06 tháng đầu năm 2023

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào luỹ kế hết tháng 6 năm 2023 đạt 833,6 triệu USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 267,9 triệu USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Sắt thép các loại (đạt 23.2 triệu USD, giảm 43.7%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 21 triệu USD, giảm 23%); Sản phẩm từ sắt thép (đạt 20.7 triệu USD, giảm 11.8%); Hàng rau quả (đạt 20.5 triệu USD, giảm 8.4%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 17.4 triệu USD, giảm 29.9%); Phân bón các loại (đạt 10.3 triệu USD, giảm 49.2%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 7.9 triệu USD, giảm 5.8%); Sản phẩm gốm, sứ (đạt 7.4 triệu USD, tăng 23.4%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 7.1 triệu USD, giảm 12.7%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (đạt 4.3 triệu USD, tăng 13.7%); Hàng dệt, may (đạt 4.2 triệu USD, giảm 23%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 3 triệu USD, giảm 41.3%); Clanhke và xi măng (đạt 2.8 triệu USD, tăng 44.8%); Sản phẩm hóa chất (đạt 2.3 triệu USD, tăng 0.4%); Kim loại thường khác và sản phẩm (đạt 2 triệu USD, giảm 40.3%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1 triệu USD, giảm 70.2%); Cà phê (đạt 284.9 nghìn USD, giảm 33.3%).

Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 565,7 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: Cao su (đạt 78.2 triệu USD, giảm 28.5%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 55.3 triệu USD, giảm 27.1%); Phân bón các loại (đạt 42.6 triệu USD, giảm 7.1%); Ngô (đạt 21.1 triệu USD, tăng 398.6%); Hàng rau quả (đạt 1.4 triệu USD, giảm 69.9%); Kim loại thường khác (đạt 141.1 nghìn USD). (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Lào)

Hội chợ kết nối giao thương giữa Lào, Việt Nam

Chính phủ Lào và Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy thương mại hai nước thông qua hội chợ thương mại diễn ra tại trung tâm triển lãm Lao-ITECC, thủ đô Vientiane. Đại diện doanh nghiệp Lào và Việt Nam trưng bày các sản phẩm tại hội chợ diễn ra từ ngày 27-31/7. Phát biểu khai mạc hội chợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith cho biết, hội chợ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh hai nước, thúc đẩy thương mại hai chiều và khởi xướng quan hệ đối tác kinh doanh. Thông qua sự kiện cho phép các nhà kinh doanh hai nước chia sẻ ý tưởng và xác định cách thức trao đổi mới trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Tổng cộng có 216 gian hàng, trong đó phía Lào có 96 gian với 45 gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp và nhà sản xuất, bao gồm đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ; Phía Việt Nam có 120 gian hàng, với 76 gian trưng bày các loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống, hàng thủ công dệt may, đồ nội thất, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng phổ thông.

Năm 2022, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Lào, với số vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng trọt, chế biến cao su, sản xuất và chế biến ngũ cốc, thực phẩm và sữa. Hầu hết các dự án này đều rất hiệu quả và đã mang lại nguồn thu quan trọng cho Chính phủ Lào thông qua việc nộp thuế và các khoản đóng góp khác lên tới khoảng 200 triệu USD hàng năm.

 Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Lào và Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể và hiện ước đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm. (Vientiane Times, ngày 31/7/2023)

Hiệp hội cao su Lào và Việt Nam hợp tác để phát triển

Ngày 24/7/2023, Vientiane Times đưa tin, nhằm giúp tăng cường phát triển ngành cao su của cả hai nước đạt được các mục tiêu bền vững, tuần trước Hiệp hội Cao su Lào và Hiệp hội Cao su Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ quan hệ đối tác tại thủ đô Vientiane. Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Chủ tịch Hiệp hội Cao su Lào, Tiến sĩ Bounthong Buahom và Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận. Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Nông lâm Lào, Tiến sĩ Phet Phomphiphak cùng nhiều đại diện cơ quan thuộc Chính phủ khác.

Các lĩnh vực hợp tác được hai bên thống nhất trong Bản ghi nhớ bao gồm hệ thống báo cáo phát triển ngành cao su của mỗi nước; chia sẻ bài học kinh nghiệm giữa hai hiệp hội; hỗ trợ sản xuất bền vững cho các công ty cao su Việt Nam hoạt động tại Lào, hướng tới đạt được các chứng chỉ bền vững; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi. Hai bên nhất trí việc Hiệp hội Cao su Lào cần mở rộng và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp chế biến cao su đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Việt Nam cũng như cho các quốc gia khác.

Bộ Nông Lâm Lào đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đa dạng hóa thị trường cao su. Bộ sẽ thay mặt Chính phủ xây dựng các quy định về quản lý và phát triển sản xuất cao su bền vững, đặc biệt là các quy định về quản lý tiêu chuẩn cao su của Lào. Việc trồng cây cao su ở Lào đã phát triển nhanh chóng từ năm 2000-2010, khi giá trị của cây cao su tăng cao và Chính phủ khuyến khích đầu tư nước ngoài. Hiện tại Lào có khoảng 300.000 ha cao su, trong đó 46% của các công ty nước ngoài theo thỏa thuận tô nhượng, 24% theo thỏa thuận hợp tác với các cá nhân và 30% thuộc sở hữu của người dân địa phương.

Năm 2012, Chính phủ Lào đã ngừng cấp phép trồng cao su, bạch đàn do các vấn đề môi trường và tranh chấp đất đai, tuy nhiên việc trồng cao su vẫn tiếp tục diễn ra ở một số địa phương. Hiện tại, khoảng 85% tổng số cây cao su trồng ở Lào đã có thể thu hoạch. Giá cao su trên thị trường thay đổi liên tục theo năm, thậm chí theo tháng tùy theo tình hình. Toàn bộ cao su sản xuất tại Lào được xuất khẩu dưới dạng thô do không có nhà máy chế biến trong nước. Các thị trường chính của cao su Lào là Trung Quốc và Việt Nam. Mỗi thị trường đều đặt ra các tiêu chuẩn của riêng mình. Tuy nhiên, mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ Lào đã xây dựng tiêu chuẩn sản xuất, nhưng thực tế Lào không tuân thủ vì không có phòng thí nghiệm để chứng nhận. Trung tâm Phân tích Cao su tại Viện Nghiên cứu nông lâm Quốc gia Lào hiện đang thành lập phòng thí nghiệm phân tích và thiết lập các tiêu chuẩn cho sản phẩm cao su Lào.

Sản xuất cao su là một trong bốn dự án lớn của Chính phủ trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia giai đoạn 2016-2021, tầm nhìn 2025-2030. Xuất khẩu cao su ngày càng tăng, đến năm 2022 giá trị đã vượt 650 triệu USD. Cao su hiện là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Lào, với khối lượng ít nhất khoảng 350.000 tấn/năm. Có 21 nhà máy chế biến mủ cao su trên cả nước, tất cả đều thuộc sở hữu của nước ngoài.

Ngày 27/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Hiệp hội Cao su Lào đã đề nghị Chính phủ nhanh chóng đưa ra các quy định để thắt chặt việc quản lý và phát triển ngành cao su. Hiện nay, theo Hiệp hội, Lào chưa có quy định về sản xuất, chế biến, mua bán và xuất khẩu cao su. Chính phủ cũng chưa có thông tin về giá cả hàng hóa cho người trồng, sản xuất và chế biến cao su, bao gồm cả thông tin thị trường. Hiện có một số điểm thu nhận cao su trên cả nước, tuy nhiên việc quản lý các điểm này chưa thành hệ thống hoàn chỉnh và dễ xảy ra tình trạng thất thoát. Tiêu chuẩn cao su Lào cũng cần phải được đề ra để quản lý chất lượng cao su và là công cụ tham khảo cho các nhà xuất khẩu cao su chính thức do hiện nay Lào chưa có bất kỳ tiêu chuẩn nào liên quan đến vấn đề này. Chính phủ cũng cần lập ra một ủy ban quản lý ngành này để đảm bảo việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan được thông suốt, hiệu quả.

Doanh nghiệp Lào - Việt Nam ký thỏa thuận dự án trồng trọt

Ngày 12/7/2023, Vientiane Times đưa tin, các doanh nghiệp Lào và Việt Nam vừa tiến hành khai trương một dự án hợp tác trồng ngô ngọt và khoai tây ở các tỉnh Phongsaly và Oudomxay, giúp nông dân Lào tăng thu nhập. Biên bản ghi nhớ hợp tác liên doanh đã được đại diện của hai công ty (Tập đoàn CNC và Công ty TNHH MTV bukit xavixay cattle farm) ký kết tại Việt Nam gần đây. Theo thỏa thuận, phía công ty Lào sẽ cung cấp cho nông dân hạt giống, phân bón, thuốc diệt cỏ và các nhu yếu phẩm khác để đảm bảo sản xuất theo yêu cầu của công ty Việt Nam. Cả hai loại cây trồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn do phía Việt Nam quy định, được sấy khô theo quy trình tiêu chuẩn và chỉ bán cho công ty Việt Nam.

Công ty Việt Nam đặt yêu cầu tối thiểu 10.000-15.000 tấn ngô ngọt sấy khô/tháng và cam kết sẽ mua với giá phù hợp với thị trường, không thấp hơn giá mà các công ty hoặc cá nhân khác mua trong cùng khu vực và trong cùng khoảng thời gian, cũng như thanh toán đầy đủ và chính xác theo thời gian do hai bên chỉ định. Ngoài ra, công ty Việt Nam cam kết sẽ cử các chuyên gia nghiên cứu về thổ nhưỡng, xác định các giống ngô ngọt và khoai tây phù hợp nhất với điều kiện của địa phương, nhằm đạt năng suất cao cả về số lượng và chất lượng.

Biên bản ghi nhớ có hiệu lực trong 24 tháng kể từ ngày ký, với khả năng tiếp đến là một hợp đồng liên doanh trong tương lai.

Việt Nam sẽ mua của Lào 20 triệu tấn than mỗi năm

Ngày 25/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng - Mỏ Lào vừa ký một bản ghi nhớ vào cuối tuần qua, theo đó phía Việt Nam sẽ nhập khoảng 20 triệu tấn than đá mỗi năm, liên tục trong 5 năm tới. Lào vốn là nhà cung cấp than và các loại khoáng sản khác cho Việt Nam những năm gần đây. Năm 2022, 1,8 triệu tấn quặng và khoáng sản trị giá 78,2 triệu USD đã được xuất cho Việt Nam, và riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, 900 nghìn tấn quặng, khoáng sản trị giá 31,6 triệu USD đã được xuất qua biên giới.

Nhằm tăng cường nhập khẩu than hơn nữa từ Lào, một doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị xây dựng dự án băng tải than dài 160km từ Lào về tỉnh này, với khả năng vận chuyển 1.500-1.600 tấn than mỗi giờ, và có thể đạt đến 15-20 triệu tấn than mỗi năm.Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ở mọi hình thức của Việt Nam ngày càng tăng cao. Tổng Công ty Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) 6 tháng đầu năm 2023 đã sản xuất được 21,3 triệu tấn than đá dùng cho phát điện, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 55% kế hoạch sản xuất năm.

Lào và Việt Nam hiện có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng như các nhà máy thủy điện và hệ thống kết nối lưới điện giữa hai nước bằng đường dây 220kv. Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ nhập khẩu 3.000mw điện từ Lào và tăng lên 5.000mw vào năm 2030.

Lao Airlines hợp tác với VietJet Air bảo trì máy bay

Ngày 12/7/2023, tại Thủ đô Vientiane, Lao Airlines đã ký kết Thỏa thuận bảo trì máy bay với VietJet Air, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự hợp tác của hai hãng hàng không. Thỏa thuận được ký bởi Giám đốc điều hành Lao Airlines, ông Khamla Phommavanh, và Giám đốc điều hành của VietJet Air, ông Đinh Việt Phương với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Gnampasong Meuangmany và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.

Bằng việc sử dụng khu vực đỗ máy bay được xây dựng vào năm 2012, Thỏa thuận cho phép Lao Airlines cung cấp dịch vụ bảo trì chất lượng cao và tiết kiệm chi phí cho đội bay của VietJet Air. Ông Đinh Việt Phương tin rằng sự hợp tác này sẽ là khởi đầu cho sự hợp tác tiếp theo trong việc đào tạo phi công, tiếp viên hàng không và nhân viên kỹ thuật, cũng như các hoạt động thương mại của hãng.

Đội bay của hãng gồm khoảng 100 máy bay hiện đại, khai thác trên 160 đường bay nội địa và quốc tế đến Úc, Ấn Độ, Kazakhstan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia. VietJet đang mở rộng mạng đường bay đến các điểm đến mới khắp Châu Á - Thái Bình Dương, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng không của mọi hành khách. (Vientiane Times, ngày 14/4/2023)

HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC

 Lào - Trung Quốc

Nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Quốc để kiềm chế giá cả leo thang

Ngày 12/7/2023, Vientiane Times đưa tin, theo Bộ Công Thương Lào, Chính phủ đang cân nhắc tìm các nhà cung cấp nhiên liệu tiềm năng khác, nhằm mua nhiên liệu với chi phí hợp lý, đảm bảo nguồn cung ổn định và kiểm soát được giá bán lẻ trên thị trường. Lào hiện mua 95% nhiên liệu từ Thái Lan, phần còn lại là từ Việt Nam, Malaysia và Singapore.

Hiện tại, Chính phủ Lào đang xem xét việc mua nhiên liệu thường xuyên từ Trung Quốc sau khi nhập khẩu khoảng 300.000 lít xăng dầu từ nước này vào tháng trước. Quan chức Bộ Công Thương này cho biết, những chuyến hàng đầu tiên đã đến Lào sau khi Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Doanh nghiệp Nhà nước Dầu khí Viêng Chăn với SINOPEC Hong Kong và SINOLAO. Thỏa thuận đã đề ra các nguyên tắc hợp tác trong việc mua nhiên liệu phục vụ cho bán buôn và bán lẻ tại Lào.

Quan chức Bộ Công Thương cho biết thêm, mặc dù có một lựa chọn khác về các nhà cung cấp nhiên liệu là điều tốt cho Lào nhưng cũng khó có thể nói liệu việc mua nhiên liệu từ Trung Quốc sẽ làm giảm giá bán lẻ trong trong thời gian ngắn hay lâu dài. Giá nhiên liệu cao trên thị trường toàn cầu và ngày càng tăng ở Lào phản ánh tỷ lệ lạm phát cao và lượng dự trữ ngoại tệ ngày càng giảm của Chính phủ.

Đã xuất hiện những lo ngại về khả năng thiếu hụt nhiên liệu nhập khẩu từ nhà cung cấp thường xuyên Thái Lan, vì vậy Chính phủ Lào phải tiến hành xem xét các giải pháp thay thế. Lào và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực với mục tiêu chung hợp tác đôi bên cùng có lợi, theo Sáng kiến Vành đai và Con đường và cam kết xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh của hai quốc gia. Năm 2022, Ngân hàng Trung ương Lào và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ cho các giao dịch trong tương lai. Hai ngân hàng đã thiết lập hệ thống trao đổi tiền tệ riêng, không sử dụng đồng USD làm tiền tệ trung gian. Mục tiêu của việc này là để các doanh nghiệp và tổ chức tài chính hai nước sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch qua biên giới, thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương.

Cũng trong các nỗ lực để tìm nguồn nhiên liệu khác, các quan chức của Bộ Công thương và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã gặp đại diện của Chính phủ Nga và một số nước sản xuất dầu mỏ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài và đã không được tiếp tục theo đuổi do nhiều vấn đề trong đó có chi phí vận chuyển cao và không phù hợp. Bộ Công Thương Lào cho biết các quốc gia gần hơn đã miễn cưỡng bán nhiên liệu cho Lào vì họ cần đảm bảo đủ lượng dự trữ cho nguồn cung trong nước họ.

Lào hỗ trợ việc đầu tư vào Khu công nghiệp thông minh quốc tế Asia-Potash của Trung Quốc tại Khammuan

Từ ngày 03-06/7/2023 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Bộ Công Thương Lào và Chính quyền tỉnh Khammuan đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và Lễ ký kết Biên bản hợp tác đầu tư Khu công nghiệp thông minh quốc tế Asia-Potash nằm tại tỉnh Khammuan. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư công nghiệp tại nước ngoài đầu tiên của Lào với kết quả đạt được bao gồm các Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại tỉnh Khammuan có trị giá lên tới 835 triệu USD.

Khác với các hoạt động xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trước đây của Chính phủ Lào, Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là sự kiện xúc tiến đầu tư công nghiệp quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại nước ngoài. Sự kiện bao gồm ba phần: đàm phán cấp cao giữa Chính phủ và doanh nghiệp; hội nghị xúc tiến đầu tư doanh nghiệp; hội nghị xúc tiến đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.

Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư, 10 dự án đã được ký kết với tổng vốn đầu tư 835 triệu USD (khoảng 15,1 nghìn tỷ Kíp). Các dự án đầu tư được ký bao gồm dự án chuỗi công nghiệp clo-kiềm, xử lý sâu brom, pin lưu trữ năng lượng dòng kẽm-brôm cũng như các dự án của một số ngành công nghiệp mới như khoa học sinh học và sản xuất thông minh. Sau khi tất cả đi vào hoạt động, tổng giá trị đầu ra của các dự án sẽ đạt hơn 2 tỷ USD (khoảng 36,2 nghìn tỷ Kíp).

Đây là giải pháp cụ thể nhằm thực hiện triệt để những chỉ đạo quan trọng của Đảng, Chính phủ và Quốc hội Lào về ổn định kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường ngoại hối và thay thế nhập khẩu. Hơn nữa, đây còn là hành động thiết thực dựa trên sự đồng thuận về phát triển kinh tế và là một mốc điểm trong tiến trình phát triển kinh tế của Lào.

Chủ tịch Asia-Potash International, ông Guo Baichun, cho biết những khó khăn hiện nay đối với nền kinh tế Lào chỉ là tạm thời, và phát triển là giải pháp hiệu quả nhất. Bằng cách duy trì sự ổn định và nhất quán của chính sách mở cửa, những thế mạnh riêng biệt của Lào về tài nguyên, năng lượng, lao động và thị trường sẽ thu hút đầu tư ngày càng nhiều và theo đó mọi vấn đề sẽ dễ dàng được giải quyết. Về việc này, Asia-Potash International sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ Lào. Với việc sử dụng Khu công nghiệp thông minh quốc tế Asia-Potash làm nền tảng thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Lào đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư và tổ chức tài chính Trung Quốc. Lào nên nắm bắt các cơ hội thuận lợi từ nước ngoài, cụ thể như hiện nay của các doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó tận dụng lợi thế đặc thù của Lào để liên kết với thị trường toàn cầu, kích hoạt sức sống và động lực phát triển nội sinh của nền kinh tế Lào.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith cho biết, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở và toàn diện hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ họ phát triển và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Lào. Theo Bộ trưởng Malaythong Kommasith, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, Lào vẫn cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 4,8% - một mức tăng trưởng đáng khen ngợi. Lào và Trung Quốc đã cam kết tăng cường các cơ chế hợp tác và thiết lập một cộng đồng chung vận mệnh trên tất cả các lĩnh vực. Lào khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực như khai khoáng, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và vận tải. Theo Bộ trưởng Malaythong Kommasith thông qua nền tảng của Khu công nghiệp thông minh quốc tế Asia-Potash hy vọng có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cho Lào.

Tỉnh trưởng tỉnh Khammuan, ông Vanhxay Phongsavanh, mô tả chi tiết ba lợi thế cốt lõi của Khammuan bao gồm năng lượng và khoáng sản; nông lâm nghiệp; dịch vụ và du lịch. Ông cho biết Asia-Potash International là một doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng với tốc độ và chất lượng phát triển hàng đầu ở Khammuan, thậm chí trên toàn Lào. Các dự án đầu tư của công ty chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Khu công nghiệp thông minh quốc tế Asia-Potash có triển vọng và tiềm năng phát triển to lớn, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư từ Trung Quốc được hoan nghênh đầu tư vào đây và tỉnh Khammuan cam kết sẽ tạo điều kiện thuận tiện và hỗ trợ tối đa cho họ.

Trong Kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến của Lào giai đoạn 2021-2025, chế biến khoáng sản và hóa chất là một trong tám ngành công nghiệp ưu tiên và cùng với đó Khammuan đã được xác định là một trong năm trung tâm phát triển kinh tế ở Lào. Từ những cân nhắc chiến lược nói trên, Chính phủ Lào cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện cho sự phát triển của khu công nghiệp này. Với sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, Khu công nghiệp thông minh quốc tế Asia-Potash được kỳ vọng sẽ trở thành một mô hình nổi bật cho sự phát triển toàn diện của ngành công nghiệp khai khoáng, góp phần tạo nguồn thu ngân sách quốc gia đồng thời phát triển địa phương và nâng cao uy tín cho quốc gia.

Ông Ma Yingjun, Tổng Giám đốc của Asia-Potash International, thay mặt cho Asia-Potash International bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Lào. Ông cho biết, Asia-Potash International đã trở thành doanh nghiệp phân bón Kali quốc tế với lượng tài nguyên Kali lớn nhất châu Á, quy mô lớn nhất Đông Nam Á và tốc độ sản xuất nhanh nhất thế giới. Là một dự án có tính bước ngoặt trong khuôn khổ hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và Lào, dự án Khu công nghiệp thông minh quốc tế Asia-Potash là sự tích hợp của các lĩnh vực công nghiệp hóa, đô thị hóa và nông nghiệp hiện đại, đồng thời thúc đẩy toàn diện sự phát triển nhanh chóng của các ngành dịch vụ; Nâng cao hiệu quả khả năng phát triển bền vững của các doanh nghiệp và thúc đẩy Lào hình thành một mô hình công nghiệp trong đó giảm nhập khẩu đồng thời thu được ngoại tệ từ xuất khẩu. Trên mảnh đất màu mỡ đang phát triển nhanh chóng để đầu tư vào Lào, Asia-Potash International tự tin có thể tạo động lực mới cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Lào.

Ông Tong Yongheng, Phó Tổng Giám đốc của Asia-Potash International và Giám đốc Cơ sở Phân bón Kali Lào, cho biết Khu công nghiệp Thông minh Quốc tế AsiaPotash, đã tận dụng những lợi thế độc đáo về tài nguyên, năng lượng, tiếp cận thị trường và hiệu quả chi phí để mở ra cơ hội tập hợp các doanh nghiệp hàng đầu trên toàn cầu. Đây là mô hình phát triển theo cụm công nghiệp và nó sẽ tạo hiệu ứng tổng hợp mạnh mẽ giữa các ngành. Cụm công nghiệp sẽ bao gồm ba khu vực chính: khu công nghiệp Kali, khu công nghiệp phi Kali và thị trấn Asia-Potash với tổng diện tích 2.000 ha và dự kiến thu hút tổng vốn đầu tư 4,31 tỷ USD. Hiện dự án đang ở giai đoạn xúc tiến đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2026, sẽ hoàn thành đề án trung hạn với khu công nghiệp muối hoá có quy mô 5 triệu tấn phân Kali; tất cả các đề án khác dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2028.

Diễn đàn Lào-Trung thúc đẩy hợp tác kinh tế

Ngày 27/7/2023, diễn đàn triển vọng hợp tác kinh tế Lào-Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Đặc khu kinh tế Đầm Thatluang, thủ đô Vientiane. Diễn đàn được coi là một động thái tích cực trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước và thu hút thêm đầu tư nước ngoài để thúc đẩy thương mại và đầu tư. Đoàn đại biểu đại diện các doanh nghiệp Lào tham dự Diễn đàn do Đô trưởng Thủ đô Vientiane Atsaphangthong Siphandone dẫn đầu. Phía Trung Quốc là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế Châu Á của Trung Quốc, ông Shunji Quan cùng đại diện các công ty hàng đầu Trung Quốc tại Lào.

Ông Shunji Quan cho biết đây là diễn đàn nhằm tăng cường hiểu biết và mối liên kết giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc tại Lào. Quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-Lào đã được mở ra những cơ hội mới để phát triển nhờ sự tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc-ASEAN và được nhấn mạnh bằng việc khai trương tuyến đường sắt Lào-Trung. Ông cho biết thêm, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Lào và xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn giữa hai nước trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy điện, nông nghiệp, du lịch cũng như một số lĩnh vực khác. Đặc khu kinh tế Đầm Thatluang là một ví dụ về sự thành công của hợp tác Trung Quốc-Lào.

Ông Atsaphangthong cho biết, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Thủ đô Vientiane. Các dự án hợp tác Lào-Trung như đường sắt Lào-Trung và đường cao tốc Viêng Chăn-Vangvieng là những nhân tố đóng vai trò mạnh mẽ trong sự phát triển kinh tế và mang lại triển vọng tốt cho sự hợp tác trong tương lai.  Đường sắt Lào-Trung Quốc và đường cao tốc Viêng Chăn-Vangvieng là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường và đang mang lại những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế và người dân Lào.

Ông Sonepaseuth Dalavong, Trưởng phòng Xúc tiến và Quản lý Đặc khu kinh tế cho biết, Đặc khu kinh tế Đầm Thatluang là một trong 21 Đặc khu kinh tế của Lào và là một trong 5 Đặc khu của thủ đô Vientiane. Trong tương lai, khu vực này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp du lịch, kinh doanh, giải trí trong Vành đai kinh tế châu Á, mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương và tăng thu ngân sách cho cả Trung ương và địa phương.

Diễn đàn cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, những người hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về Lào thông qua các cuộc thảo luận diễn ra tại đây.

Nhà máy xi măng Vangvieng chuẩn bị chuyển đổi mục đích du lịch

Ngày 20/7/2023, Vientiane Times đưa tin, hai nhà máy xi măng ở Vangvieng, một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Vientiane, nằm dọc theo Đường sắt Lào Trung Quốc, đã ngừng hoạt động và sẽ được phát triển thành một khu phức hợp du lịch. Kế hoạch được công bố sau khi các nhà máy bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19 và chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xi măng. Nhà máy xi măng Vangvieng số I, do chính phủ Lào sở hữu và vận hành từ năm 1994 và Nhà máy xi măng Vangvieng II, đi vào hoạt động năm 2001 dưới sự liên doanh giữa Lào và Trung Quốc, đều ngừng hoạt động năm 2020.

Sau khi đề xuất nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, các nhà đầu tư đã quyết định tiến hành kế hoạch phát triển một khu phức hợp du lịch. Khu phức hợp bao gồm một vườn bách thảo, một sở thú và một nhà hát biểu diễn của các nghệ sĩ Lào đa sắc tộc và sẽ có một bản sao của thành phố cổ Lanxang (tên cũ của Vương quốc Lanxang), những con phố với các cửa hàng quà tặng, khách sạn; Các buổi biểu diễn và diễu hành voi cũng như dịch vụ cưỡi voi cho khách du lịch v.v… Ước tính cần khoảng 100 triệu USD trong 5 năm đầu tiên để thực hiện dự án; nguồn tài chính được xác định từ phía đối tác Trung Quốc, Công ty TNHH Công nghệ Qianhan Vân Nam, một công ty có tiềm lực tài chính mạnh.

Các nhà đầu tư hiện đang xử lý các thủ tục cần thiết với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào để đổi tên công ty, kéo dài thời gian nhượng quyền (thêm 50 năm) và hy vọng sẽ được chấp thuận và cấp giấy phép đầu tư trong vài tháng tới, cho phép khởi công xây dựng vào cuối năm nay. Bản thân các nhà máy xi măng sẽ được bảo tồn và biến thành các cơ sở du lịch. Nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 35% cổ phần trong công ty, doanh nghiệp nhà nước Lào sở hữu 34% cổ phần và phần còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông khác đã mua cổ phần khi Công ty Xi măng Lào được niêm yết trên sàn chứng khoán. Tất cả các bên liên quan đã đồng ý và sẵn sàng biến khu vực này thành một khu phức hợp du lịch, ưu tiên cho người dân địa phương khi tuyển dụng lao động.

Lào-Trung Quốc hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ

Ngày 4/7/2023, Vientiane Times đưa tin, mới đây, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng kỹ thuật điện tử Trùng Khánh, Trung Quốc với Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào về chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và nghiên cứu khoa học về công nghệ thế hệ mới nhằm đào tạo, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng cho Lào trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và môi trường. Dự kiến năm 2023 sẽ đào tạo được khoảng 100 học viên Lào qua hình thức online và trực tiếp tại Lào và Trung Quốc. Ngoài ra phía Trung Quốc cung cấp các khóa đào tạo dài hạn và hai bên sẽ xây dựng kế hoạch, chiến lược tổng thể cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ thế hệ mới Quốc gia Lào.

 Lào - Trung Quốc đánh giá hiệu quả của sáng kiến Vành đai - Con đường

Ngày 05/7/2023, các học giả Lào và Trung Quốc đã tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Lào - Trung tại thủ đô Vientiane để đánh dấu kỷ niệm 10 năm triển khai Sáng kiến Vành đai - Con đường, qua đó thảo luận về tiến trình và lợi ích của sáng kiến này đối với Lào. Đại diện phía Lào là Viện Công Thương, trực thuộc Bộ Công Thương, còn phía Trung Quốc là Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc. Nguyên Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lengsavad đã tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Somsavad, Sáng kiến Vành đai - Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra với mục đích giúp các quốc gia thuộc vành đai phát triển hơn nữa, theo đó hơn 150 quốc gia trên thế giới có thể tham gia dự án khổng lồ này. Sáng kiến này cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho Lào, một quốc gia thành viên của Sáng kiến từ thời gian đầu, đồng thời tăng cường quan hệ giữa hai nước Lào - Trung Quốc. Quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng phát triển dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, thể hiện rõ qua tuyến đường sắt Lào - Trung và các dự án phát triển khác tại Lào. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân của mình tham gia đầu tư vào Lào, đặc biệt là tại các đặc khu kinh tế ở nhiều tỉnh thành của Lào. Ngoài ra, năng lượng, khai khoáng và nông nghiệp cũng là những ngành được Trung Quốc đầu tư nhiều tại Lào. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ xây dựng tuyến đường cao tốc Vientiane - Vangvieng, và thời gian tới sẽ tiếp tục với tuyến Oudomxay - Boten và từ Boten đến Huayxai. Hợp tác giáo dục cũng được đẩy mạnh với việc hàng nghìn sinh viên Lào đang theo học tại Trung Quốc, cũng như viện nghiên cứu Khổng Tử được Chính phủ Lào cho phép hoạt động tại Đại học Quốc gia Lào tại thủ đô Vientiane. (Vientiane Times, ngày 07/7/2023)

Lào - Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại năng lượng

Ngày 17/7/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Khamjane Vongphosy cho biết, hai doanh nghiệp nhà nước lớn của hai nước - Điện lực Lào (EDL) và Công ty Lưới điện Hoa Nam (CSG) - đã ký thỏa thuận mua bán điện bằng đường dây 500kV. Đường dây truyền tải điện cao thế này sẽ cho phép khối lượng giao dịch nhiều hơn và cân bằng tốt hơn tình trạng thừa và thiếu điện ở cả hai bên khi Lào thường sản xuất điện dư thừa vào mùa mưa do lượng nước trong các hồ chứa cao nhưng lại thiếu điện vào mùa khô.

Hai bên đã ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) để xuất khẩu điện năng dư thừa từ vùng Bắc Lào sang Trung Quốc và nhập khẩu trở lại Lào trong thời gian thiếu hụt thông qua đường dây nối lưới 115kV hiện có. Đến cuối năm 2022, Trung Quốc có thặng dư thương mại điện năng với Lào, đã truyền tải 1.228 GWh điện năng cho nước này.

CSG hiện đang cung cấp điện cho các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Hải Nam, Hồng Kông và Macao, kết nối lưới điện với Hồng Kông, Macao và các nước Đông Nam Á. Năm 2020, EDL và CSG đã ký thỏa thuận để cùng thành lập Công ty TNHH Truyền tải Điện lực Lào (EDL-T). Thời gian tới, công ty liên doanh này có kế hoạch đầu tư khoảng 2 tỷ USD để xây dựng lưới điện đường trục quốc gia của Lào và kết nối lưới điện xuyên biên giới cho Lào và các nước láng giềng, thúc đẩy các dự án như kết nối lưới điện Lào-Campuchia và kết nối lưới điện Lào-Trung Quốc, đồng thời mua quyền sử dụng các tài sản truyền tải điện hiện có của EDL ở cấp điện áp 230kV trở lên.

Chính phủ Lào hiện đang thúc đẩy đầu tư vào các dạng năng lượng xanh khác như trang trại điện gió nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo. Một số công ty nước ngoài đang xây dựng các trang trại điện gió lớn tại Lào nhằm xuất khẩu điện năng cho các nước xung quanh.

Lộ trình đường sắt Lào - Trung Quốc giảm được thêm 1 giờ tàu chạy

Ngày 25/7/2023, Vientiane Times đưa tin, kể từ ngày này, thời gian chạy của đoàn tàu Lào - Trung sẽ được cắt giảm thêm 1 giờ di chuyển nhờ cải tiến các dịch vụ hành khách. Cụ thể, chuyến đi từ Vientiane đến Kunming trước đây đến lúc 19g36p, hiện nay sẽ đến lúc 18g34p. Ngược lại, chuyến tàu từ Kunming sẽ đến nhà ga Vientiane lúc 16g34p, thay vì 17g38p như trước đây.

Dịch vụ vận chuyển hành khách xuyên biên giới bằng đường sắt Lào - Trung đã được đi vào hoạt động từ ngày 13/4/2023, giảm bớt rất nhiều thời gian di chuyển giữa hai thành phố, cho phép du khách có thể di chuyển trong một ngày. Theo thông tin từ văn phòng cửa khẩu Mohan, Trung Quốc, chỉ trong ngày thứ Bảy, 22/7, sau 100 ngày hoạt động, đã có 200 chuyến tàu xuyên biên giới hoàn thành, vận chuyển 41.735 du khách từ 49 nước và vùng lãnh thổ, với khoảng 22.066 du khách đến Trung Quốc, và 54% trong số này là khách du lịch.

Tuyến đường sắt Lào - Trung ngày càng trở nên phổ biến và thu hút nhiều du khách nhờ sự thuận tiện, nhanh chóng và giá cả hợp lý. Để đảm bảo dịch vụ luôn thông suốt, công ty đường sắt Lào - Trung sẽ liên tục giám sát số lượng hành khách và chủ động lập kế hoạch chạy tàu. Việc sắp xếp lộ trình và mua vé tàu cũng sẽ được cải thiện, cho phép du khách đặt vé sớm hơn để có chuyến đi thuận tiện hơn. Nhờ đó, tuyến đường sắt này đã trở thành trụ cột trong tăng cường vận chuyển giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế và xúc tiến du lịch khi cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Lào - Malaysia

Lào, Malaysia nhất trí thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và du lịch

Từ ngày 26-27/6/2023, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim thăm chính thức Lào theo lời mời của Thủ tướng Sonexay Siphandone.

Hai bên đã đạt được thỏa thuận thống nhất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, an ninh, lao động, ngân hàng và quốc phòng giữa hai nước Lào và Malaysia

 Lào và Malaysia hiện đang chuẩn bị nối lại các chuyến bay thẳng giữa Viêng Chăn và Kuala Lumpur vào tháng 8 nhằm thúc đẩy du lịch, thương mại và đầu tư, vào thời điểm khi Lào đang chuẩn bị khởi xướng năm du lịch “Hãy đến thăm Lào” và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2024. Bắt đầu từ ngày 4/8, AirAsia sẽ khai thác các chuyến bay thẳng từ Vientiane đến Kuala Lumpur, với 03 chuyến mỗi tuần vào thứ Hai, thứ Sáu và Chủ Nhật.

Trong cuộc hội đàm diễn ra tại Vientiane, phía Lào đã đề nghị Malaysia tăng lượng mua điện của Lào từ 300MW lên 500MW và coi đây như một biện pháp để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác năng lượng giữa hai nước.

Tờ The Straits Times dẫn lời Thủ tướng Lào Sonexay cho biết, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giao thông đường sắt để tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa và tăng cường hơn nữa việc hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa xã hội, y tế công cộng, cũng như hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong phát triển nguồn nhân lực và hợp tác kỹ thuật.

Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Keretapi Tanah Melayu Berhad (KTMB) và Doanh nghiệp Nhà nước Đường sắt Quốc gia Lào, giữa Công ty Mutiara Perlis Sdn Bhd (MPSB) và Cảng cạn Thanaleng. Hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ trao đổi Biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNB Power Generation và Điện lực nhà nước Lào (EDL).

Hai bên đánh giá cao sự hợp tác kinh tế đang diễn ra hiện nay và nhất trí sẽ tiếp tục tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác tiềm năng và thúc đẩy giao lưu nhân dân thông qua tăng cường kết nối giao thông. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương dựa trên tiềm năng sẵn có của hai nước, đặc biệt là xuất khẩu nông sản nhờ kết nối khu vực ngày càng chặt chẽ.

Malaysia là nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 5 tại Lào, với 46 dự án đầu tư trị giá 924 triệu USD. Các dự án đầu tư của Malaysia chủ yếu trong lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, nông nghiệp, xây dựng, tài chính, ngân hàng, dịch vụ khách sạn và công nghiệp chế biến gỗ. Giá trị thương mại giữa Lào và Malaysia tăng 68,65%, từ 75,78 triệu USD năm 2021 lên 241,7 triệu USD năm 2022, chủ yếu do nhu cầu tăng đối với các sản phẩm điện tử của Malaysia. Ngoài ra, Malaysia đã hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại Lào với 1.690 suất học bổng được cấp cho Lào trong giai đoạn 1991-2023. Malaysia và Lào đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/7/1966. (Vientiane Times, ngày 28/6/2023)

Ngày 03/7/2023, Vientiane Times đưa tin, trước đó, vào ngày 05/6/2023, phái đoàn công ty KTMB đã có chuyến thăm và làm việc với công ty LNRE để thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác toàn diện với mục tiêu xây dựng hệ thống vận tải đường sắt linh hoạt, nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Theo thỏa thuận được ký, phía KTMB sẽ cung cấp nguồn tài chính cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành đường sắt Lào và các đơn vị liên quan thông qua các khóa học của Viện Đường sắt KTMB. Ngược lại, phía Đường sắt Lào sẽ cho phép các chuyến tàu của KTMB được hoạt động trên hệ thống đường sắt tại Lào, và ngược lại. Hai bên cũng nhất trí sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về trọng tải và cấu trúc đường sắt, qua đó cho phép các đoàn tàu hai bên có thể lưu thông xuyên biên giới trong khi áp dụng theo các yêu cầu của Ủy ban Hợp tác Kinh tế Xã hội LHQ (UNESCAP) ở mức B (thay đầu máy) hoặc mức C (thay người lái tàu). Cuối cùng, hai bên sẽ xúc tiến việc phát hành một loại vé chung để khuyến khích du khách đi lại bằng đường sắt giữa Lào, Malaysia và các nước khác.

Ngày 04/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Lào-Malaysia ký thỏa thuận khai thác tuyến thương mại mới, cảng cạn Thanaleng-Lào đã ký kết thỏa thuận với Cảng Perlis-Malaysia để thiết lập một tuyến thương mại mới với chi phí hiệu quả. Dự kiến tuyến đường thương mại mới sẽ không đi qua các cảng biển ở Thái Lan và eo biển Malacca mà thay vào đó là đường bộ, sẽ kết nối với Ấn Độ, các nước Trung Đông và châu Âu thông qua một tuyến đường Biển. Hai bên sẽ thành lập một nhóm đặc biệt để giải quyết các vấn đề chi tiết đối với các quy định liên quan. Quan hệ đối tác mới sẽ giúp Lào và Malaysia tăng cường khả năng đàm phán với các nước khác về việc mở các tuyến thương mại mới.

Lào - Ấn Độ

Lào, Ấn Độ triển mở thêm các cơ hội hợp tác

Ngày 27/7/2023, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Phoxay Khaykhamphithoune và người đồng cấp Ấn Độ Saurabh Kumar tại Thủ đô Vientiane hai bên đã đạt được thỏa thuận nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, không chỉ về thương mại và đầu tư mà còn cả về giáo dục, y tế, văn hóa, nông lâm nghiệp, quốc phòng và cơ sở hạ tầng.

Từ ngày 26-29/7, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar có chuyến viếng thăm và làm việc tại Lào để trao đổi về các biện pháp nhằm củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Hai bên đánh giá cao mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng tăng giữa hai nước, với giá trị thương mại hai chiều đạt 54 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay. Giá trị xuất khẩu của Lào sang Ấn Độ đạt 43 triệu USD và lượng nhập khẩu hàng hóa của Lào từ Ấn Độ trị giá 11 triệu USD. Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Phoxay đề nghị phía Ấn Độ thiết lập một chương trình trao đổi thương mại nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân hai nước tìm hiểu và khám phá các cơ hội thúc đẩy đầu tư và thương mại.

Sau hội đàm, hai Thứ trưởng Ngoại giao đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ bàn giao cho Lào 5 dự án phát triển trong khuôn khổ Hợp tác Mekong-Sông Hằng. Năm dự án có tổng trị giá 248.226 USD, bao gồm dự án xây dựng trường tiểu học ở tỉnh Xayaboury; xây dựng trung tâm đào tạo CNTT và cung cấp thiết bị cho tỉnh Xayaboury; xây dựng trung tâm y tế ở tỉnh Xekong: xây hệ thống cấp nước ở tỉnh Xieng Khuang; và xây dựng trường trung học cơ sở tại tỉnh Savannakhet.

Mối quan hệ giữa Lào và Ấn Độ đã và đang ngày càng phát triển trong 67 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1956. Đây là mối quan hệ thân thiện, gần gũi và hỗ trợ lẫn nhau bắt nguồn từ lịch sử và dựa trên mối liên hệ sâu sắc về văn hóa, tôn giáo, qua các hoạt động giao lưu nhân dân với tư cách là những nền văn minh cổ đại. Tại Bodha Gaya (Phật Đạo Tràng) ở Ấn Độ, Wat Lao (chùa Lào) của CHDCND Lào đã được xây dựng vào năm 2011, cách không xa chùa Mahabodhi, nơi Đức Phật thành đạo.

Lào - Hungary

Lào, Hungary nhìn lại sự thành công của dự án phát triển nông nghiệp

Ngày 27/7/2023 tại Vientiane, trong khuôn khổ hợp tác giữa Lào và Hungary thuộc Dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng Nông nghiệp nhằm tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm tại Lào, đã diễn ra một cuộc họp tổng kết đánh giá cuối cùng chương trình cho vay viện trợ có điều kiện của Hungary giai đoạn 3. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Nông lâm Tiến sĩ Phet Phomphiphak, Đại sứ Hungary tại Thái Lan, Tiến sĩ Sandor Sipos, đồng chủ trì.

Giai đoạn 3 của Dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng Nông nghiệp bao gồm 8 hợp phần: cải thiện quản lý đất đai, duy trì cân bằng sinh thái lành mạnh; phát triển hệ thống trồng trọt theo trang trại; cải thiện quản lý và sử dụng nguồn nước; phát triển chăn nuôi đại gia súc; phát triển chăn nuôi cá; công nghệ sau thu hoạch; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm; và phát triển nguồn nhân lực. Dự án hiện đang được triển khai tại thủ đô Vientiane và các tỉnh Oudomxay, Luang Prabang, Xayaboury, Xieng Khuang, Xaysomboun, tỉnh Vientiane.

Mục tiêu chung của dự án nhằm nâng cao chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm cho các sản phẩm sản xuất từ nguồn tài nguyên xanh từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Dự án tập trung phát triển hệ thống quản lý chuỗi an toàn thực phẩm và tạo mô hình chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp nhằm góp phần phát triển nông thôn, tăng cường an ninh lương thực đồng thời phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác giữa các ngành liên quan của Lào và Hungary. Dự án có tổng kinh phí thực hiện 35 triệu USD, do các cơ quan thực hiện của hai bên gồm Vụ Kế hoạch và Hợp tác, Bộ Nông lâm Lào và Công ty TNHH Vitafort Agro Asia của Hungary.

Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sĩ Phet cho biết, Giai đoạn 1 của Dự án Phát triển chăn nuôi và thủy sản trị giá 8,6 triệu USD, Giai đoạn 2 trị giá 30 triệu USD và giai đoạn 3 của dự án với kinh phí 35 triệu USD. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với 7 tỉnh miền Trung và miền Bắc Lào. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án được gia hạn thêm 18 tháng đến ngày 30 tháng 9 năm 2023.

Lào - Úc

Đặc phái viên Chính phủ Úc thăm Lào để tăng cường hợp tác

Ngày 13/7/2023, Đặc phái viên của Úc về Đông Nam Á Nicholas Moore đã đến thăm Cảng cạn Thanaleng và Công viên logistics Vientiane để tìm hiểu về các cơ hội hợp tác với các cơ sở này.

Tại buổi gặp gỡ, Giám đốc điều hành cảng cạn Sakhone Philangam cho biết, Lào đã trở thành cửa ngõ thương mại quan trọng giữa các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và châu Âu nhờ vào hoạt động của tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, kết nối với tuyến đường sắt Lào-Thái Lan tại cảng cạn ở thủ đô Vientiane của Lào, giáp với Thái Lan. Ông Sakhone cho biết mạng lưới đường sắt đã biến nước Lào không giáp biển thành một điểm liên kết đường bộ. Tuyến đường sắt đi từ Vientiane có thể đến thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) và từ đó đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan trước khi đến Duisburg ở Đức. Bằng đường sắt, mất khoảng hai tuần để vận chuyển hàng hóa từ Đông Nam Á đến châu Âu, so với 45 ngày bằng đường biển. Tại Trùng Khánh, mỗi ngày có bốn chuyến tàu chở hàng khởi hành đến châu Âu và chỉ mất 11 ngày để đến Duisburg.

Về phía Nam, cảng cạn Thanaleng kết nối với các quốc gia khác trong ASEAN thông qua  cảng nước sâu chính của Thái Lan Laem Chabang, cách Bangkok khoảng 150 km về phía nam. Từ Bangkok, tuyến đường thương mại kết nối với thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và tiếp tục đến Singapore. Bằng đường sắt, thời gian vận chuyển hàng hóa từ ASEAN đến Trung Quốc đã giảm 4 giờ so với 12 giờ thông thường bằng đường bộ.

Việc vận chuyển nông sản qua cảng cạn và đường sắt thậm chí sẽ còn thuận tiện hơn khi một trung tâm kiểm tra SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật) được xây dựng và đối tác Trung Quốc chứng nhận ngay tại cảng. Các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa khối ASEAN gồm 10 thành viên và Trung Quốc, cũng như FTA của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó tập hợp tất cả các thành viên của ASEAN và năm đối tác của khối này, bao gồm cả Úc và Trung Quốc cũng sẽ có tác động to lớn đến các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của cảng cạn và hệ thống đường sắt.

Ông Nicholas Moore được Thủ tướng Úc chỉ định là Đặc phái viên về khu vực Đông Nam Á từ tháng 10/2022 với nhiệm vụ phát triển Chiến lược kinh tế khu vực Đông Nam Á của Chính phủ Úc đến năm 2040. Ông đã có chuyến thăm thủ đô Vientiane từ ngày 11 đến ngày 13/7 trong khuôn khổ các cuộc tham vấn khu vực của ông nhằm giúp định hướng phát triển Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Úc.

Trong chuyến thăm, ông đã có các buổi làm việc với các bộ ngành liên quan của Chính phủ Lào nhằm trao đổi việc thúc đẩy thương mại – đầu tư giữa hai nước. Ông cũng gặp đại diện một số doanh nghiệp lớn tại Vientiane, trong đó có cảng cạn Thanaleng và Công viên logistics Vientiane, cũng như một số doanh nghiệp về năng lượng và khai mỏ, các lĩnh vực mà phía Úc có thế mạnh và quan tâm đầu tư vào Lào. (Tổng hợp Vientiane Times, 17/7/2023 và Laotian Times, 11/7/2023)

Các doanh nghiệp Úc triển khai chiến lược hỗ trợ nông dân Lào

Ngày 11/7/2023, Vientiane Times đưa tin, hai doanh nghiệp ngành nông nghiệp Úc hiện đang triển khai các chiến lược rất đặc biệt để hỗ trợ nông dân Lào. Trong đó, 1 dự án là thương mại, trao đổi miễn phí các sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho gia súc với nông dân để lấy lại các tín chỉ cắt giảm khí mê-tan; dự án còn lại là một công ty sữa, sẽ thuê trâu nái của nông dân trong khoảng 6-8 tháng và chăn nuôi trên các cánh đồng của mình để lấy sữa, đồng thời trả cho người dân 100 USD/đầu trâu cho thuê.

Chick Olsson, một nhà sản xuất len và dinh dưỡng gia súc vùng Goulburn vừa mở một nhà máy sản xuất hộp thức ăn gia súc tại tỉnh Luang Prabang với tên gọi AgcoTech. Nhà máy này sẽ tẩm một loại thuốc chống giun sán vào hộp có chứa mật mía cho gia súc ăn hàng ngày, nhờ đó có thể cho nhiều sữa hơn, góp phần nâng tỷ lệ bê con sống khỏe mạnh hơn. Trong hộp thức ăn này, công ty còn thêm sả, giúp giảm tỷ lệ khí thải mê-tan xuống 25%. Theo chuyên gia thú y cho biết, quá trình lên men thức ăn trong dạ cỏ của gia súc sẽ sản sinh ra rất nhiều khí mê-tan, và khi người nông dân bổ sung thêm sả vào thành phần thức ăn, gia súc sẽ giảm các loại vi khuẩn có hại, và giảm lượng mê-tan sản xuất ra.

Đặc biệt, do nông dân thường khó có thể mua được các hộp thức ăn này, công ty AgcoTech đã có sáng kiến trao đổi miễn phí cho họ, đó là mua quyền sản xuất carbon của người nông dân. Ông Olsson cho biết, nếu Lào có thể cho mọi con gia súc ăn hộp thức ăn đặc biệt trên, họ có thể đáp ứng được cam kết carbon Paris. Tuy nhiên, đối với người nông dân Lào, họ không quan tâm mấy đến khí mê-tan, trao đổi chứng chỉ carbon, điều quan trọng nhất là gia súc họ nuôi, sau một thời gian ăn các hộp thức ăn trên đã trở nên béo tốt, khỏe mạnh và đạt giá trị thương phẩm cao.

Một doanh nghiệp Úc khác ngay bên cạnh AgcoTech, nhà máy sữa trâu Lào (LDB) được thành lập cách đây 7 năm bởi nữ doanh nhân Susie Martin cùng chồng là Steven Mcwhirter và đầu bếp người Mỹ Rachael O’Shea. Họ đã sống ở Singapore, từng nếm hương vị sữa trâu tại Sri Lanka và thắc mắc tại sao người Lào không biết uống loại sữa này, do đó đã thành lập một nhà máy chỉ sản xuất sữa và pho-mát từ trâu nuôi tại Lào. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là họ không sở hữu bất kỳ con trâu nào. Chiến lược đặc biệt của họ là thuê trâu của các hộ nông dân, chăm sóc theo một quy trình đặc biệt trong 6-8 tháng để lấy sữa, và đồng thời hộ nông dân sẽ được trả 100 USD cho mỗi con mà mình mang đến nhà máy. Hết thời gian thuê, nhà máy sẽ trả lại gia súc cho nông dân khi đã được tiêm ngừa đầy đủ, có nghé con và có khi còn đang mang thai lứa tiếp theo.

Hiện tại, các hộ dân quanh vùng đang nuôi loại trâu có nguồn gốc từ Sri Lanka, to hơn và sản xuất nhiều sữa hơn. Trước đại dịch Covid-19, nhà máy nhận thuê 200 con trâu, hợp tác với hơn 200 hộ dân ở 20 ngôi làng xung quanh. Do tác động của đại dịch, một số đơn hàng đã tạm ngưng, tuy nhiên, lãnh đạo LDB tin chắc rằng họ sẽ sớm đạt lại số lượng trâu thuê như trước, và thậm chí còn chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Úc và Anh hợp tác để phát triển năng lượng mặt trời nổi tại Lào

Ngày 11/7/2023, Vientiane Times đưa tin, Đại sứ quán Úc tại Lào, Văn phòng Ngoại giao, Thịnh vượng và Phát triển Vương quốc Anh (Bộ Ngoại giao Anh) đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty Doanh nghiệp Nhà nước Lào (Lao Holding State Enterprise – LHSE) chuyên phát triển, xây dựng và quản lý các dự án thủy điện để lên kế hoạch, tài trợ vốn và quản lý các dự án năng lượng mặt trời nổi trên sông tại Lào. Đây là hình thức thu năng lượng mặt trời từ các tấm pin đặt nổi trên các bề mặt nước lặng, giúp giảm sử dụng đất nông nghiệp, thu nhiều điện hơn do có nước làm mát, giảm lượng nước bay hơi, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng các vùng nước mặt hiện có, đặc biệt là tại các dự án thủy điện.

Được triển khai thông qua Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng của Vương quốc Anh và Úc, các nội dung hỗ trợ kỹ thuật cho công ty LHSE bao gồm: các hội thảo phát triển năng lực về năng lượng tái tạo và kỹ thuật năng lượng mặt trời nổi, tư vấn tài chính về xây dựng và điều hành các dự án năng lượng nổi, đi cùng với việc tham quan học kinh nghiệm của một dự án tương tự tại Thái Lan.

Theo Đại sứ Úc tại Lào Paul Kelly, năng lượng mặt trời nổi là một lựa chọn công nghệ mới cho Lào khi có thể kết hợp với các dự án thủy điện để cung cấp năng lượng ổn định quanh năm. Cả Anh và Úc đều đã có những dự án tương tự trong nước, do đó có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp Lào. Việc kết hợp với Vương quốc Anh trong mô hình sản xuất năng lượng mới này là một phận trong thỏa thuận hợp tác Đối tác Năng lượng Bền vững Lào - Úc, được Ngoại trưởng Úc ký vào tháng 5/2023 vừa qua.

Lào - Hàn Quốc

KOTRA Vientiane tổ chức Hội thảo thương mại Chungbuk

Ngày 04/7/2023, Hội thảo Thương mại Chungbuk Hàn Quốc đã diễn ra tại thủ đô Vientiane để thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp Lào và Hàn Quốc, được tổ chức và hỗ trợ bởi KOTRA Vientiane, tỉnh Chungcheongbuk-Do và Cơ quan Thương mại tỉnh Chungbuk. Nhiều loại mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp chất lượng cao, giá cả phải chăng của Hàn Quốc đã được giới thiệu tới các doanh nghiệp và công chúng Lào. Sự kiện nhằm tạo thị trường và cơ hội cho các doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Lào thảo luận về chiến lược kinh doanh, tiếp thị và phát triển kinh doanh với các đối tác Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất và cung cấp hàng tiêu dùng Hàn Quốc hy vọng sẽ mở rộng thị trường tại Lào thông qua việc thúc đẩy và mở rộng kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù Lào là một thị trường nhỏ nhưng có cơ hội thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài xúc tiến, đầu tư và mở rộng kinh doanh. Theo Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) Vientiane, mối quan hệ kinh doanh, hợp tác và hợp tác giữa các nhà điều hành doanh nghiệp Hàn Quốc và Lào đã được cải thiện, đi đúng hướng và có thể gặt hái thành công.

Mười công ty của tỉnh Chungbuk đã tham gia sự kiện này để quảng bá sản phẩm của họ, đặc biệt là các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm kiểu Hàn Quốc, thực phẩm đóng gói và thực phẩm chức năng. Các sản phẩm của Hàn Quốc đã nổi tiếng và được chấp nhận trên toàn thế giới, Hàn Quốc là một trong những nước xếp hạng đầu thế giới về xuất khẩu mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp với doanh số ngành hàng này đã tăng rất nhiều trong những năm gần đây.

Trong hội thảo thương mại thương mại lần này, ít nhất 77 cuộc kết nối kinh doanh trực tiếp giữa các công ty Hàn Quốc và Lào đã diễn ra, với sự tham gia của 43 công ty Lào. Các bên đã gặp gỡ, trao đổi thông tin, thảo luận chi tiết về sản phẩm, tìm hiểu về tầm nhìn và văn hóa kinh doanh của Hàn Quốc cũng như cách thức nhập khẩu và tìm nguồn cung ứng các sản phẩm của Hàn Quốc phù hợp với thị trường Lào. Sau sự kiện, một số doanh nghiệp Lào cho biết có một số sản phẩm chắc chắn sẽ thành công tại thị trường Lào như thực phẩm ăn nhanh, một số loại mỹ phẩm.

Ông Kim Pilseong, Tổng giám đốc KOTRA Vientiane cho biết, KOTRA không chỉ giới thiệu, tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao từ Hàn Quốc cho các công ty Lào mà còn giúp giao lưu, liên kết hai nước trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và xử lý khâu nhập khẩu cho các doanh nghiệp Lào, đồng thời, hỗ trợ các công ty Hàn Quốc quan tâm và muốn nhập khẩu các sản phẩm truyền thống của Lào sang Hàn Quốc, chẳng hạn như cà phê và các sản phẩm có nguồn gốc từ mỏ khoáng sản.

Chungbuk là một tỉnh không giáp biển sạch đẹp của Hàn Quốc, được bao quanh bởi các ngọn núi và nằm ở khu vực Hoseo ở trung tâm phía nam của Bán đảo Triều Tiên, với dân số hơn 1,5 triệu người. Tỉnh này chuyên trồng nhân sâm, thuốc lá và là một trung tâm kinh tế của Hàn Quốc. (Vientiane Times, 05/7/2023)

Hàn Quốc đề nghị thay đổi quy định quản lý lao động Lào

Ngày 4/7/2023, Vientiane Times đưa tin, theo Thỏa thuận Cam kết dịch vụ dựa trên hệ thống tính điểm giữa Lào và Hàn Quốc ký năm 2016, từ đó mỗi năm có khoảng 500 người Lào được chọn để sang Hàn Quốc sau khi vượt qua bài kiểm tra do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức. Tiếp nối thỏa thuận này, tuần trước, phái đoàn Hàn Quốc đã làm việc với Chính phủ Lào để xác định lại những điều khoản và điều kiện của công dân Lào tại Hàn Quốc, đặc biệt là liên quan đến việc tranh chấp với người sử dụng lao động. Hai bên đã trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến việc thực thi Luật Lao động Lào, điều chỉnh một số quy định và cách thức cung cấp lao động có tay nghề của Lào cho Hàn Quốc. Phía Lào cam kết sẽ tăng cường kiểm tra lao động và tay nghề người lao động trước khi đưa sang Hàn Quốc.

BẠN CẦN BIẾT

Bán gạo dự trữ để giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay

Ngày 28/7/2023, Vientiane Times đưa tin, sau khi giá lương thực tăng hơn 20% trong những tháng gần đây, Chính quyền Vientiane đã phê duyệt việc bán gạo dự trữ nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, hộ gia đình có thu nhập thấp. Gạo sẽ bán từ ngày 26/7-26/8 với giá 12.000 Kíp/kg. Tổng cộng có 285 tấn gạo nếp loại B. Trong 6 tháng đầu năm 2022 và năm 2023, giá gạo tại Vientiane liên tục biến động. Giá các loại gạo đã tăng 70-76% so với 6 tháng đầu năm ngoái, do chi phí lao động tăng 42,85%; chi phí sinh hoạt, chi phí vận tải đều tăng. Gạo nếp loại B hiện có giá trung bình 12.750 Kíp/kg so với 7.242 Kíp năm ngoái.

Thông thường, vào thời điểm này trong năm, nguồn cung cấp gạo sẽ giảm khoảng 30% do người nông dân không bán gạo mà để dự trữ cho tiêu dùng cá nhân. Đây là một phần trong kế hoạch quản lý gạo của Chính phủ nhằm cung cấp nguồn cung ở mức giá thấp hơn một chút so với giá thị trường nhằm đảm bảo sự ổn định, cân bằng thị trường và là một động thái để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt gạo trên thị trường, tránh tăng giá bất hợp lý.

Cơ quan chức năng Bokeo cảnh báo về gian lận trực tuyến tại các SEZ

Ngày 18/7/2023, Vientiane Times đưa tin, gần đây, chính quyền Đặc khu kinh tế ở Bokeo đã họp thảo luận về các quy định, việc kiểm tra và biện pháp trấn áp liên quan đến gian lận/lừa đảo trực tuyến thực hiện bởi các doanh nghiệp và cá nhân trong Đặc khu kinh tế Tam giác vàng. Trưởng ban chỉ huy cảnh sát đặc khu, Đại tá Anousin Sackpaseuth cho biết, cuộc hội đàm được thực hiện trên cơ sở nghị quyết được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Bộ Công an hai nước Lào và Trung Quốc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công an Lào, Đại tướng Vilay Lakhamfong. Nghị quyết kêu gọi hành động để giải quyết các cuộc gọi về việc lừa đảo và các hình thức lừa đảo trực tuyến khác được thực hiện bởi các doanh nghiệp và cá nhân trong Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải trấn áp các hoạt động đó. Ngoài ra, Khu vực này có liên quan đến buôn bán ma túy và cưỡng chế tuyển dụng lao động nước ngoài.

Nghị quyết kêu gọi chấm dứt việc chuyển công nhân từ công ty này sang công ty khác, sử dụng lao động bất hợp pháp, sở hữu và sử dụng vũ khí bất hợp pháp và các hoạt động tội phạm khác.

Giám đốc Tập đoàn Dok Ngiew Kham điều hành Đặc Khu, ông Wang Yepao, kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong đặc Khu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và ủng hộ các mục tiêu của Đảng và nhà nước Lào nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất trong đặc Khu. Ông cho biết các công ty và nhà điều hành kinh doanh khác trong Đặc khu kinh tế Tam giác vàng sẽ được khuyến khích tuân thủ luật pháp và không gây hại cho sự phát triển trong khu vực nhằm đảm bảo khu vực được phát triển theo chính sách của Đảng-Nhà nước và ngày càng lớn mạnh. Đặc khu kinh tế Tam giác vàng đã được phát triển dưới sự điều hành của Tập đoàn Dok Ngiew Kham từ năm 2007 và được nhượng quyền trên 10.000 ha đất, 3.000 ha trong số đó là Khu kinh tế đặc biệt và 7.000 ha.

Lào, WB, Úc rà soát dự án tăng cường liên kết kinh tế vùng

Ngày 05/7/2023, Bộ Công chính và Vận tải Lào, WB và Úc gặp nhau để giải quyết những thách thức và xây dựng kế hoạch triển khai dự án kết nối và hành lang kinh tế khu vực Đông Nam Á tại Lào sau 9 tháng thực hiện. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Ngampasong Muongmany và Đại sứ Úc tại Lào Paul Kelly đồng chủ trì.

Dự án nhằm hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là biến Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm quan trọng về kết nối và hội nhập thương mại, sản xuất, du lịch và hậu cần của khu vực và quốc tế. Dự án đóng góp tích cực vào việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết các khó khăn kinh tế, tài chính của Lào; là một ưu tiên của Chính phủ và được coi là một bước ngoặt trong sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào. Đây là dự án đầu tiên áp dụng cách tiếp cận toàn diện để phát triển, có sự tham gia của 7 Bộ và 5 tỉnh phía Bắc Lào nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của Lào bằng cách cải thiện kết nối giữa các khu vực sản xuất nông nghiệp và trung tâm hậu cần dọc theo hành lang Đường sắt Lào-Trung Quốc.

Đến nay, các hoạt động về tăng cường năng lực như đào tạo khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp, mô hình kinh doanh nông nghiệp, phân vùng sản xuất cây trồng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới đã được tiến hành, dự kiến sẽ đạt được kết quả đáng kể vào tháng 8. Trong 6 tháng tới, các chuyên gia tư vấn sẽ có mặt vào tháng 8 để triển khai quy trình mua sắm, thành lập phòng thí nghiệm, tổ chức các cuộc họp song phương với các đối tác thương mại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, đào tạo xúc tiến thương mại, hỗ trợ giải quyết các thủ tục, chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật…(Vientiane Times, ngày 6/7/2023)

Chính phủ cùng với doanh nghiệp tư nhân thành lập công ty vận tải để tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản

Ngày 28/06/2023, trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất và phân phối hàng hóa nội địa tại thị trường trong nước và quốc tế, Chính phủ Lào đã ký một thỏa thuận với một công ty tư nhân để thành lập một liên doanh vận tải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc và các điểm đến nước ngoài khác thông qua Đường sắt Lào-Trung. Thỏa thuận được ký kết bởi Tổng cục trưởng, Tổng cục cải cách Doanh nghiệp Nhà nước và Bảo hiểm của Bộ Tài chính, đại diện cho Chính phủ, ông Sonephet Inthavong và ông Khamseng Soutthaly, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Khamseng. Đại diện Bộ Nông Lâm nghiệp và đại diện Công ty cũng đã tiến hành ký kết các văn bản hợp tác.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phet Phomphiphak, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounpone Vannachit và một số cán bộ cấp cao của hai Bộ. Theo Bộ Tài chính, ý tưởng thành lập Trung tâm Nông sản Lào và Doanh nghiệp Vận tải Quốc tế Nhà nước ban đầu do Bộ Nông lâm đề xuất và được trình Chính phủ để phê duyệt. Sau đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông lâm và Bộ Tài chính tiến hành nghiên cứu, đàm phán và dự thảo thỏa thuận liên doanh với Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Khamseng. Chính phủ nắm giữ 51% cổ phần trong công ty liên doanh và Công ty Khamseng 49% cổ phần.

Dự kiến Công ty liên doanh mới sẽ góp phần tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm sản xuất trong nước sang Trung Quốc và các thị trường nước ngoài khác thông qua tuyến đường sắt Lào-Trung. Ngoài ra, công ty liên doanh sẽ tăng cường tạo việc làm cho người dân địa phương và khuyến khích nông dân sản xuất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, phù hợp với các chương trình, chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm xóa đói giảm nghèo và tạo nguồn thu nhập mới.

Chính phủ Lào hiện đang đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nỗ lực giảm nhập khẩu các mặt hàng có thể sản xuất tại Lào.

3 doanh nghiệp được chọn để đầu tư xây dựng cảng cạn tại Luang Namtha

Ngày 27/7/2023, Vientiane Times đưa tin, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 9 vừa diễn ra, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã cho biết, Chính phủ vừa chọn ra 3 công ty trên tổng số 9 đơn vị dự thầu để cùng phát triển khu cảng cạn (được đặt gần nhà ga Nateuy của đường sắt Lào - Trung) tại tỉnh Luang Namtha, phía Bắc Lào nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư dọc theo tuyến đường sắt Lào - Trung. 3 đơn vị này gồm: công ty đường sắt Lào - Trung, tập đoàn Amata (Thái Lan) một đơn vị phát triển và điều hành bất động sản công nghiệp, và một doanh nghiệp vận tải hàng hóa quốc tế của Lào.

Chính phủ đã đồng ý để công ty đường sắt Lào - Trung sẽ nắm cổ phần chi phối trong dự án cảng cạn này. Tuy nhiên, công ty đường sắt quốc doanh Lào, vốn chiếm 30% cổ phần trong công ty đường sắt Lào - Trung, kết hợp với doanh nghiệp vận tải hàng hóa quốc tế của Lào sẽ chiếm hơn 50% cổ phần của cảng cạn, đáp ứng đúng quy định của luật pháp Lào. Thủ tướng cho biết, các bộ phần kỹ thuật đang tính toán về tỷ lệ cổ phần của các bên. Sau khi thống nhất, việc xây dựng cảng cạn sẽ được triển khai.

Hệ thống các cảng cạn là một thành phần quan trọng trong chiến lược biến Lào thành điểm kết nối trên bộ. Chúng đều được xây dựng dọc theo hoặc được kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung, tuyến đường kết nối xương sống với chi phí vận tải hợp lý, hiệu quả giữa các quốc gia Đông Nam Á đến Trung Quốc, và mở rộng đến tận châu Âu.

Hội chợ hàng nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu

Hội chợ Nông sản Lào đã diễn ra từ ngày 24/6-02/7/2023 tại Trung tâm triển lãm Lào ITECC nhằm giới thiệu các loại nông sản sạch và xúc tiến các phương thức để xuất khẩu nông sản Lào  cũng như có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của khu vực và thế giới. Hội chợ cũng là cơ hội để các đơn vị nuôi trồng tại Lào tìm các thị trường tiềm năng, đặc biệt là tại Trung Quốc, một trong số các thị trường lớn nhất thế giới.

Bộ Nông Lâm Lào cùng với các bộ ngành và doanh nghiệp đã khuyến khích việc tăng sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng - chất lượng để bán tại thị trường trong nước, giảm dần nhập khẩu nông sản cùng loại và tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là thành viên của ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN, nông dân Lào phải đối mặt với nhiều trở ngại mới do các quy định mà họ phải tuân theo. Tiêu biểu như Thỏa thuận về Vệ sinh cây trồng - vật nuôi của WTO phải được tuân thủ chặt chẽ để có thể đáp ứng được các điều kiện của các nước đối tác thương mại. Cùng với đó, giá thành sản xuất còn cao, sự đa dạng sản phẩm thấp, quy trình chế biến - đóng gói cũng là trở ngại cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp Lào.

Tăng trưởng ngành nông nghiệp Lào hiện ở mức 2,9%, chiếm 17,5% GDP với lượng nông sản xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 1,7 tỷ USD. Nông nghiệp Lào cũng có 1 số tiềm năng nhất định, tiêu biểu nhất là đất đai còn rộng rãi, màu mỡ, rất thuận lợi để người nông dân và các đơn vị sản xuất có thể áp dụng nông nghiệp sạch.

Hơn 140 trang trại chăn nuôi gia súc xuất khẩu sang Trung Quốc

Ngày 07/7/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu trước Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Khamjane Vongphosy cho biết, hiện nay Lào có 143 trang trại chăn nuôi có thể cung cấp gia súc cho thị trường Trung Quốc. Theo Bộ trưởng, năm 2022 Lào có 2.164 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng sản lượng hơn 5,7 triệu con, bao gồm các loại như trâu, bò, dê, lợn, gà và vịt. Riêng đối với trâu bò, Trung Quốc đã cấp cho Lào quota xuất khẩu 500.000 đầu gia súc vào thị trường nước này. Đây là một thị trường đầy triển vọng cho việc đầu tư nuôi gia súc tại Lào dù vẫn còn nhiều thách thức.

Các khách hàng Trung Quốc yêu cầu, gia súc không được quá 4 năm tuổi và có cân nặng không thấp hơn 350kg, có nghĩa là người chăn nuôi phải nuôi với quy mô lớn, với các tiêu chuẩn đặc biệt để có thế đáp ứng hai yêu cầu chính này. Gia súc cũng phải được đảm bảo không có dịch bệnh trước khi xuất sang Trung Quốc.

Để hỗ trợ nông dân Lào đáp ứng các tiêu chuẩn này, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) gần đây đã tổ chức một khóa huấn luyện về quy trình cách ly động vật tại huyện Sing, tỉnh Luang Namtha, phía Bắc Lào, ngay sát biên giới Trung Quốc. Một biên bản cũng được ký giữa Bộ Nông Lâm Lào và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc năm 2019 và được điều chỉnh năm 2022, theo đó gia súc cần được vỗ béo trong khu vực riêng biệt trong 45 ngày, sau đó tiếp tục được cách ly tại khu vực riêng tại huyện Sing trong 30 ngày trước khi được vận chuyển sang Trung Quốc. Quy trình này nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh lở mồm long móng và da sần, hai dịch bệnh phổ biến của gia súc.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022 Trung Quốc nhập hơn 2,3 triệu tấn thịt bò từ khắp thế giới, trong đó thịt bò Lào chỉ chiếm không đến 1%. Tổng lượng gia súc Lào xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay chỉ mới đạt khoảng 50 triệu USD/năm, và Chính phủ Lào đang nỗ lực tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này lên 100 triệu USD trong năm 2023.

 

 BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Phan Minh Chiến

Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm,

Hồ Đức Dũng


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: