Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 07-2021 ​

1 Bài viết
1 Thành viên
2 Reactions
606 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Hội nghị Chính phủ mở rộng lần thứ nhất năm 2021

Từ ngày 06-08/7/2021, Hội nghị Chính phủ khóa IX lần thứ nhất mở rộng đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đồng thời kết nối trực tuyến với các tỉnh, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cùng sự tham dự của thành viên Chính phủ, Lãnh đạo các tỉnh thành, đại diện các cơ quan trung ương.

Hội nghị lần này đã nghe, thảo luận và đóng góp vào 3 vấn đề quan trọng là: (i) Tổng kết, đánh giá công tác triển khai của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2021 và công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm; tổng kết tình hình nổi bật tháng 6 và kế hoạch trọng tâm tháng 7; (ii) tổng kết, đành giá việc tổ chức, triển khai kết quả triển khai các biện pháp phòng chống dịch  Covid-19 trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm, chính sách của Chính phủ đối với người bị ảnh hưởng; (iii) tổng kết đánh giá việc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021; đồng thời, Chính phủ chỉ đạo thực hiện 08 nhiệm vụ:

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ ổn định chính trị và trật tự xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho tiếp tục phát triển trong nước.

2. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết vấn đề khó khăn về mặt kinh tế - tài chính theo định hướng chuyển đổi vững chắc, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện chương trình quốc gia về giải quyết những khó khăn kinh tế - tài chính gắn với việc thực hiện các biện pháp như: tiết kiệm ngân sách, sửa đổi cơ chế xúc tiến đầu tư, đổi mới việc thu ngân sách và quản lý chi tiêu, xuất nhập khẩu hàng hóa và hóa chất tại biên giới...

3. Tiếp tục chuẩn bị nội dung và tham gia Kỳ họp Quốc hội khóa IX vào tháng 8/2021, đồng thời chuẩn bị trả lời chất vấn trước Quốc hội.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định về quy định, cơ chế làm việc của Chính phủ khóa IX, đột phá sửa đổi cơ chế phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và tổ chức thực hiện thu ngân sách thuận tiện, nhanh chóng, minh bạch, thuận lợi cho việc kiểm tra; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, giảm sự cản trở phát triển đất nước.

5. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

6. Tiếp tục phối hợp với các nước đối tác chiến lược, phát huy quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước khác bao gồm cả các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội hợp tác, hỗ trợ, thực hiện các thỏa thuận Chính phủ đã cam kết.

7. Các thành viên Chính phủ, cơ quan Trung ương, Đô trưởng Viêng Chăn và các Tỉnh trưởng quan tâm, theo dõi thúc đẩy và kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ thuộc mình phụ trách.

8. Các tổ chức Đảng, Thanh tra nhà nước, Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân và các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các Bộ, ngành và Chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện, hợp tác và thúc đẩy thực hiện vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội 13 của Đảng và việc triển khai các Chương trình Quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế - tài chính và Chương trình Quốc gia giải quyết vấn đề ma túy một cách chi tiết, trên tinh thần đổi mới, sâu sắc và toàn diện. Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu và cho ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao, trao đổi thẳng thắn, chặt chẽ, sáng tạo và có giải pháp. (Báo KT-XH, ngày 7/7/2021)

Hội nghị thường kỳ tháng 07 của Chính phủ

    Ngày 26-27/07/2021, tại Viêng Chăn, Hội  nghị thường kỳ của Chính phủ đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phankham Viphavanh, với sự tham dự của các thành viên Chính phủ.

    Tại hội nghị, Chính phủ đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng chuẩn bị cho việc chính thức khai trương tuyến đường sắt Lào – Trung và Năm Du lịch trong điều kiện bình thường mới dự kiến vào tháng 12/2021.

    Các thành viên Chính phủ thông qua 05 dự luật mới để làm căn cứ thực hiện 02 chương trình quốc gia nhằm giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính và vấn đề ma túy, sẽ trình tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 8/2021, bao gồm: (i) Luật sửa đổi luật thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) Luật phòng chống ma túy; (iii) Luật về biên giới quốc gia; (iv) Luật về di tích quốc gia và (v) Luật về kiểm soát thuốc lá.

    Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công chính & Vận tải và Bộ Thông tin, Văn hóa & Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị khai trương tuyến đường sắt Lào – Trung với tổng mức đầu tư 5,9 tỷ USD. Đồng thời, Năm Du lịch trong điều kiện bình thường mới cần được triển khai phù hợp với các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, góp phần hồi phục kinh tế.

     Tháng 07/2021 nảy sinh nhiều thách thức đối với Chính phủ, xử lý nợ công đang tồn đọng, thâm hụt ngân sách gia tăng; lạm phát tăng cao do giá cả leo thang trên thị trường trong nước gây áp lực lớn lên đời sống của người dân; thêm vào đó, những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thiên tai, lao động mất việc làm trở về từ Thái Lan đã gây nhiều khó khăn, áp lực đối với Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch đề ra.

    Chính phủ quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất, thu hút nhiều hơn đầu tư vào Lào. Đồng thời, Chính phủ cam kết sẽ khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 bằng cách kiểm soát chặt chẽ biên giới, chuẩn bị tốt việc đón lao động Lào trở về từ Thái Lan. Với thách thức ngày càng lớn, Chính phủ sẽ phát huy mọi trí tuệ và khả năng để khắc phục khó khăn kinh tế, đưa đất nước phát triển theo hướng bền vững thông qua sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển quốc gia. (Vientiane Times, 28/07/2021)

Dự báo năm 2021 Lào thu ngân sách Lào chỉ đạt 86%,

đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng tăng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thâm hụt tài khóa năm 2021 của Lào dự báo sẽ tăng lên 4,33% GDP, vượt xa mục tiêu đề ra là 2,17%.

Thâm hụt ngân sách leo thang sẽ làm tăng gánh nặng nợ công, gây thách thức lớn đối với Lào trong việc tìm nguồn vốn để bù đắp thiếu hụt. Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, nhiều cơ sở kinh doanh và nhà máy đã phải đóng cửa. Các lĩnh vực du lịch và đầu tư – các nguồn thu nhập chính của Lào cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounleuy Sinxayvoravong cho biết, việc thực hiện kế hoạch thu ngân sách nhà nước trong 06 tháng đầu năm 2021 (tính từ 01/01-30/6) đạt 11.052 tỷ Kíp; trong đó, thu nội địa đạt 9.997 tỷ Kíp, tương đương 40% kế hoạch năm, bao gồm nguồn thu do trung ương quản lý đạt 8.043 tỷ Kíp, đạt 41% kế hoạch năm và nguồn thu từ địa phương đạt 1.954 tỷ Kíp, đạt 35 % kế hoạch năm; nguồn thu từ viện trợ không hoàn lại là 1.055 tỷ Kíp, đạt 44% kế hoạch năm. Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước cả năm 2021 ước khoảng 23.683 tỷ Kíp, đạt 86% kế hoạch đã đề ra; trong đó, thu nội địa ước khoảng 21.333 tỷ Kíp, đạt 85% kế hoạch (tăng so với năm 2020 922 tỷ Kíp), giảm 3.946 tỷ Kíp (trung ương khoảng 3.109 tỷ Kíp, địa phương khoảng 927 tỷ Kíp); thu từ nguồn viện trợ không hoàn lại dự kiến đạt kế hoạch đề ra.

    Theo số ước tính, trong năm 2021 nếu nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 86% kế hoạch đề ra thì sẽ thiếu hụt chi tiêu ngân sách nhà nước khoảng 3.946 tỷ Kíp, mất cân đối thu chi khoảng 3.955 tỷ Kíp (tương ứng 2,17% GDP) và GDP ước đạt khoảng 182.603 tỷ Kíp. Để đảm bảo cân đối thu chi, Chính phủ cần huy động thêm nguồn lực. Tuy nhiên, theo luật ngân sách, nếu vượt quá 5% phải đề nghị Quốc hội phê chuẩn, là vấn đề khó khăn đối với ngành tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Bouchom Oubonpaseuth cho biết, khó khăn kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã có tác động trực tiếp lên thu ngân sách. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không điều chỉnh kế hoạch ngân sách năm 2021 mà sẽ quyết tâm đẩy mạnh tăng thu và quản lý chặt chi ngân sách. Bộ trưởng Bouchom nhấn mạnh, Chính phủ sẽ xem xét các giải pháp bổ sung trong chương trình quốc gia để giải quyết các khó khăn kinh tế và tài chính. Chính phủ sẽ tìm kiếm giải pháp để tăng thu, đặc biệt là từ thuế nhập khẩu nhiên liệu và các loại hàng hóa khác, nỗ lực giải quyết rò rỉ tài chính và nhập khẩu trái phép. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường cải tiến quản lý công tác khai khoáng và xuất khẩu khoáng sản để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Việc áp dụng hệ thống điện tử cũng là một phần trong biện pháp của Chính phủ để tăng cường quản lý thu ngân sách. Trong 5 năm vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực giảm nợ công bằng cách kiềm chế thâm hụt tài khóa, cắt giảm chi đối với các dự án chưa thật sự cần thiết, không đưa lại lợi nhuận kinh tế.

Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban chuyên trách tìm kiếm các giải pháp, cổ phần hóa DNNN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, liên doanh liên kết với các đối tác, chuyển tài sản thành vốn nhằm giảm gánh nặng nợ trong các DNNN. Từ năm 2021-2025, Chính phủ dự kiến sẽ giảm thâm hụt ngân sách xuống mức trung bình 2% GDP hàng năm. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc chiến vô cùng cam go trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Báo KT-XH, ngày 13/7/2021; Vientiane Times, 29/07/2021)

Lào ghi nhận kim ngạch thương mại 932 triệu USD trong tháng 6/2021

Theo Cổng thông tin thương mại Lào ngày 14/7/2021, Lào đạt giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 932 triệu USD trong tháng 6/2021 nhưng ghi nhận thâm hụt thương mại 62 triệu USD với giá trị nhập khẩu là 497 triệu USD, cao hơn giá trị 435 triệu USD của xuất khẩu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 435 triệu USD, tăng nhẹ so với con số 425 triệu USD hồi tháng 5, trong đó quặng đồng là 27 triệu USD (tháng 5 là 26 triệu USD), chuối 15 triệu USD, vàng hỗn hợp 75 triệu USD, sắn 3 triệu USD (giảm so với 6 triệu USD tháng 5), quần áo 16 triệu USD (tăng so với 11 triệu USD tháng 5), cà phê thô 10 triệu USD, đường 5 triệu USD (tháng trước 3 triệu USD), cao su 15 triệu USD, hoa quả (dưa hấu, chanh dây và me) 5 triệu USD và gỗ xẻ 3 triệu USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 497 triệu USD, gồm phương tiện 51 triệu USD (tháng trước 45 triệu USD), dầu diesel 40 triệu USD, thiết bị cơ khí 33 triệu USD (không bao gồm xe máy), thép và sản phẩm thép 17 triệu USD, đồ uống 30 triệu USD (nước, sô-đa, và đồ uống tăng lực), phụ tùng ô tô 30 triệu USD, sản phẩm nhựa 16 triệu USD, phân bón 11 triệu và chất thải công nghiệp thực phẩm 11 triệu.

Hầu hết các sản phẩm được Lào xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt giá trị 158 triệu USD (giảm xuống từ giá trị 168 triệu USD tháng trước); xuất khẩu sang Việt Nam đạt 90 triệu USD (giảm xuống so với giá trị 106 triệu USD tháng 5); xuất khẩu sang Thái Lan đạt 72 triệu USD (tăng lên so với giá trị 60 triệu USD tháng 5) và xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 8 triệu USD, sang Mỹ đạt 7 triệu USD.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào, trong khi Thái Lan vẫn là một trong những nước nhập khẩu chính của Lào với giá trị nhập khẩu đạt 225 triệu USD (giảm so với giá trị 227 triệu USD tháng 5). Giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 126 triệu USD (tăng lên so với con số 117 triệu USD tháng 5); nhập khẩu từ Việt Nam là 34 triệu USD (giảm so với giá trị 39 triệu USD tháng trước); nhập khẩu từ Nhật Bản là 14 triệu USD (giảm từ giá trị 16 triệu USD tháng 5); từ Mỹ là 24 triệu USD (giảm so với 31 triệu USD tháng 5).

Lào phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nhưng hy vọng sản xuất nội địa như sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo sức mạnh cho đất nước. (Vientiane Times, 26/7/2021)

Mỏ vàng-đồng Sepon tạo thu nhập trực tiếp cho Lào 1,5 tỷ USD

    Ngày 16/7/2021, Tổng Thanh tra Nhà nước, Chủ nhiệm Cơ quan Giám sát Quốc gia và Trưởng ban chống tham nhũng Trung ương Khamphanh Phommaphat cùng các thành viên đến thăm mỏ vàng Sepon, trực tiếp theo dõi việc nâng năng lực sản xuất vàng và kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn sản xuất, biện pháp phòng chống Covid-19, việc phát triển cộng đồng và sự hợp tác với chính quyền địa phương.

    Công ty TNHH Mining Langxang (LXML) là một doanh nghiệp kiểu mẫu tại Lào, đã nhận được bằng khen cấp cao nhất (A+) của Chính phủ Lào giao quyền cho Bộ Năng lượng và Mỏ trao tặng vì đã thực hiện theo đúng quy chuẩn quốc tế về khai thác vàng.

    Tổng Giám đốc LXML Saman Aneka cho biết, LXML rất vinh dự được hợp tác, làm việc và là đối tác phát triển cùng Chính phủ; tự hào về sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội Lào. Trong quá trình triển khai hoạt động, công ty đã tạo nhiều công ăn việc làm cho nhân dân vùng dự án, ký kết nhiều hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp Lào, trong đó có doanh nghiệp nhà nước trong việc mua bán điện, nhiên liệu và nhiều dịch vụ khác, góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Công ty đã đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án; có khoảng 40.000 người tại huyện Vilabuly, tỉnh Savanakhet đã được hưởng lợi ích từ dự án vàng-đồng Sepon với tổng giá trị lên đến 13 triệu USD; thu nhập của các doanh nghiệp địa phương thông qua các gói thầu cũng tăng lên khoảng 33 triệu USD.

    Hiện LXML có khoảng 5.000 lao động để phục vụ cho giai đoạn phát triển dự án và lắp đặt thiết bị mới nhằm tăng công suất sản xuất vàng và duy trì thời hạn dự án vàng-đồng Sepon.

    Là đối tác phát triển và doanh nghiệp đóng góp thuế quan trọng cho Chính phủ Lào, LXML là một doanh nghiệp hoạt động tốt nhất về lĩnh vực khai khoáng tại Lào hiện nay. (Báo KT-XH, ngày 19/7/2021)

Quản lý Tổ chức tài chính vi mô bền vững

    Ngày 22/7/2021, Vụ trưởng Vụ Quản lý Tổ chức tài chính, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Phoukhong Chanthachac cho biết, 06 tháng đầu năm 2021 việc triển khai thực hiện công tác quản lý, khuyến khích thúc đẩy hoạt động các tổ chức tài chính trên toàn quốc theo hướng vững mạnh, bền vững đạt kết quả đáng ghi nhận.

    Theo thông báo của Vụ trưởng Phoukhong Chanthachac, với hệ thống Tổ chức tài chính rộng khắp trên toàn quốc đã góp phần đáp ứng được nhu cầu giao dịch tiền tệ trong xã hội, đặc biệt đã góp phần cải thiện cuộc sống, sản xuất của nhân dân vùng sâu xa, hỗ trợ công tác xóa nghèo của Chính phủ.

    Tính đến 06 tháng đầu năm 2021, trên toàn Lào có 200 Tổ chức tài chính vi mô thuộc diện quản lý của BOL, trong đó có 21 Tổ chức tài chính vi mô có nhận tiền gửi, 88 Tổ chức tài chính vi mô không nhận tiền gửi tiết kiệm, 27 Tổ chức tính dụng, 29 Công ty cho thuê tài chính và 34 Tổ chức cầm cố. Trung ương quản lý 122 tổ chức và 78 chi nhánh. Theo số liệu của các tổ chức tài chính trên, trong 06 tháng đầu năm 2021 đạt tổng giá trị tài sản khoảng 7.280 tỷ Kíp, tăng 4,91% so với cùng kỳ năm 2020, nợ tín dụng là 5.404 tỷ Kíp, tăng 10,63% so với cùng kỳ năm 2020, tổng số tiền gửi đạt 1.659 tỷ Kíp, tín dụng đạt 5.232 tỷ Kíp, giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 16,27%, chỉ số nợ tính dụng chậm trả là 3,47%.

Vụ trưởng Phoukhong cho biết, để đảm bảo việc hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19, Vụ Quản lý Tổ chức tài chính, BOL đã triển khai hàng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm xử lý các tác động của dịch Covid-19, gồm: (i) ban hành thông báo số 108/QLTC ngày 27/4/2021 tới các Tổ chức tài chính vi mô về việc thực hiện các chính sách giảm lãi suất để đảm bảo duy trì sản xuất và hỗ trợ giảm tác động của dịch Covid-19; (ii) Tổ chức hội nghị giữa các tổ chức cho thuê tài chính với doanh nghiệp nhằm trao đổi các biện pháp, đề xuất cơ chế chính sách tín dụng; (iii) thực hiện rà soát, kiểm tra các Tổ chức tài chính năm 2020; (iv) ký kết hợp tác với các dự án tài chính vi mô khu vực nông thôn để giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn.(Báo KT-XH, ngày 22/7/2021)

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Chính phủ cung cấp 1,5 tỷ Kíp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 31/06/2021, Chính phủ đã phê duyệt khoản ngân sách 1,5 tỷ Kíp để hỗ trợ người nghèo và phụ cấp cho gần 6.000 lao động mất việc làm do dịch Covid-19.

Ước tính khoảng 6.000 người gặp khó khăn về tài chính bởi dịch Covid-19, trong đó những lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Giám đốc Sở Lao động và Phúc lợi Xã hội Viêng Chăn Salaphith Sounvoravong cho biết, Chính phủ đã phân bổ khoản ngân sách 625 triệu Kíp bằng tiền mặt để trợ cấp kịp thời cho các đối tượng sống, làm việc tại thủ đô Viêng Chăn, ước tính khoảng 2.500 người, giúp họ ổn định cuộc sống trong giai đoạn dịch bệnh.

Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội đã xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá trên quy mô toàn quốc về số hộ nghèo, hộ thu nhập thấp cần hỗ trợ khẩn cấp, đã hoàn thành ngày 01/05/2021; đồng thời, chỉ đạo tiếp tục triển khai điều tra, khảo sát về các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, do tác động của đại dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống của họ càng trở nên trầm trọng hơn. (Vientiane Times, 01/07/2021)

Thủ tướng đề nghị tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 28/07/2021, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 13 tổ chức tại Viên Chăn, Thủ tướng Phankham Viphavanh nhấn mạnh, Chính phủ cam kết sẽ tăng cường phối hợp giữa khu vực công và tư nhân để giải quyết các vấn đề tồn đọng mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Diễn đàn lần này nhằm rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các cam kết trong Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 12 về đối thoại công – tư để cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng Phankham đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức diễn đàn, chương trình nghị sự, cho rằng những vấn đề tồn tại chưa được giải quyết mà khu vực tư nhân nêu lên tại Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 12 về cải thiện môi trường kinh doanh là có căn cứ, thực tế đang diễn ra. Hợp tác với khu vực tư nhân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với khu vực công trong việc cung cấp các dịch vụ, thực hiện các chiến lược, chính sách và thực thi pháp luật. Chính phủ sẽ giao các Bộ trưởng và các cơ quan chức năng xác định, giải quyết cụ thể từng vấn đề và phối hợp với khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề đó, không được chậm trễ, lãng phí thời gian. Khu vực tư nhân đã khuyến nghị về những thách thức và khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp; những ý kiến đưa ra rất có ý nghĩa và quan trọng để các cơ quan chức năng tham khảo, đánh giá việc thực thi pháp luật của các Bộ ngành và các cơ quan quản lý nhà nước.

Thủ tướng Phankham kêu gọi khu vực tư nhân triển khai các hoạt động sản xuất – kinh doanh một cách đồng bộ, tăng cường xây dựng mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài theo định hướng mới. Thủ tướng khẳng định "Với tư cách là cơ quan hoạch định và tạo lập chính sách, Chính phủ sẵn sàng hợp tác với khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề tồn tại".

Đại biểu đại diện cho khu vực tư nhân cho biết, những nỗ lực của Chính phủ trong việc khống chế một cách có hiệu quả dịch Covid-19, giảm thiểu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 bằng các cơ chế, chính sách miễn và giãn thuế, cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và phúc lợi xã hội thông qua các chương trình an sinh xã hội nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch bệnh.

Diễn đàn thống nhất xây dựng kế hoạch hành động, tiếp tục tổ chức đối thoại nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp để giải quyết 32 vấn đề tồn đọng trong thời gian 12 tháng tới.  Tại Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 12, 40 vấn đề được ưu tiên đối thoại, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, thuận lợi hóa thương mại, khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, thực thi luật và quy định, xúc tiến du lịch bền vững và doanh nghiệp nông nghiệp. (Vientiane Times, 29/07/2021)

Lào tăng cường thúc đẩy sản xuất nông sản

Ngày 16/7/2021, Bộ Nông Lâm Lào đã tổ chức hội thảo kế hoạch 5 năm thúc đẩy sản xuất nông sản và dịch vụ để thay thế nhập khẩu. Theo đó, việc tăng cường sản xuất nông sản sẽ góp phần xóa giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực trong nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn chất lượng tốt để hỗ trợ các đơn vị sản xuất trong nước phát triển sản xuất theo phương thức hiện đại theo định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp nhằm thúc đẩy chương trình an ninh lương thực quốc gia và giảm nghèo ở các khu vực nông thôn.

Đến nay, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang dự thảo một số luật và quy định về quản lý nông nghiệp và lâm nghiệp để áp dụng tại các khu vực nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Bộ Nông Lâm cũng sẽ điều chỉnh, sửa đổi bổ sung nội dung chiến lược, tập trung vào lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2021, Bộ Nông Lâm dự kiến sẽ dự thảo Chiến lược mở rộng sản xuất nông sản để phấn đấu nâng sản lượng gạo hàng năm lên hơn 4,4 triệu, 160.000 tấn cà phê, 01 triệu tấn ngô ngọt, 2,28 triệu tấn sắn, 199.210 tấn thịt...

Năm 2021-2022, Lào phấn đấu sản xuất đạt 2,94 triệu tấn gạo trên diện tích 706.000 ha đất ruộng và đạt 180.000 tấn trên diện tích 88.730 ha đất nương rẫy trên toàn quốc. Việc trồng rau và hoa màu, cho đến nay đã đạt 105% kế hoạch, dự kiến sản lượng sẽ đạt 126.000 tấn, trong đó ngô ngọt đạt 86.100 tấn, các loại rau đạt 7.700 tấn; khoai các loại đạt 74.200 tấn và hoa quả 234.000 tấn.

Thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ yếu sang Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Châu Âu. Theo dự kiến, ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng 3,4% vào năm 2025. (Báo KT-XH, 01/7/2021; Vientiane Times, ngày 20/7/2021).

Lào tăng cường xuất khẩu cà phê sang EU

Ngày 02/7/2021, Bộ Công Thương Lào và Bộ Nông Lâm vừa phối hợp ban hành Quy trình xuất khẩu cà phê Lào, một dự án do EU tài trợ nhằm nâng cao chất lượng, số lượng cà phê Lào xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Quy trình này giúp tăng năng suất, tạo ổn định trong sản xuất và chế biến, nâng cao năng lực của các nhà xuất khẩu Lào, cải thiện nền kinh tế trong nước và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Ngoài ra, Quy trình xuất khẩu cà phê Lào cũng hướng dẫn để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy tính năng động của ngành và tính kết nối với thị trường quốc tế. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể được hưởng lợi của quy trình về xây dựng năng lực, tổ chức và thông tin thương mại.

Ngành cà phê ở Lào có tiềm năng lớn, cà phê là cây trồng được nhiều hộ nông dân phát triển. Hiện cà phê là sản phẩm đứng thứ ba trong danh mục xuất khẩu của Lào, thị trường xuất chủ yếu sang hơn 26 quốc gia thuộc các khu vực châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay ngành cà phê Lào đang đối mặt với những khó khăn, thách thức  trong việc tiếp cận thị trường tiềm năng cao cấp, hạn chế về hệ thống quản lý chất lượng và khả năng tăng năng suất và phát triển bền vững của ngành, làm hạn chế nỗ lực tham gia vào thị trường cà phê toàn cầu và khu vực. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng, phức tạp thêm các vấn đề tồn tại, ảnh hưởng đến tương lai của các nông dân và doanh nghiệp cà phê Lào.

Quy trình xuất khẩu cà phê Lào phù hợp với chính sách ưu tiên của Chính phủ, hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành cà phê Lào đến năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Xaysompheng cho biết, ngành cà phê đã trở thành một nguồn quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu nông sản, có nhiều tiềm năng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.

Tỉnh trưởng Champasak Vilayvong Boudakham cho biết, tiềm năng xuất khẩu cà phê sang thị trường EU là rất lớn, đặc biệt là sản phẩm cà phê hữu cơ, được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng. (Báo Vientiane Times, ngày 06/7/2021)

Chính phủ khuyến khích người dân nuôi trâu, bò để xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 500.000 con

Ngày 30/04/2019, Lào và Trung Quốc đã thống nhất về điều kiện kiểm tra dịch tễ để tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa cũng như việc nuôi trâu, bò của Lào xuất khẩu sang Trung Quốc theo kế hoạch.

Trước đó, ngày 21/01/2021, Trung Quốc đã thông qua vùng dịch tễ an toàn tại huyện Sing, tỉnh Luang Namtha và hai bên đã tiến hành xuất thử nghiệm 2.013 con trâu bò từ Lào sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Pang Hay, huyện Sing, tỉnh Luang Namtha từ ngày 28/04-04/05/2021.

Bộ Nông Lâm nhận thấy tầm quan trọng của việc chăn nuôi trâu, bò để xuất khẩu sang Trung Quốc và coi đây là cơ hội tốt đối với Lào. Do vậy, Bộ trưởng ra Chỉ thị về việc khuyến khích phong trào nuôi trâu, bò để xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời yêu cầu các cơ quan hữu quan tổ chức tuyên truyền phổ biến tới cho các cơ quan nhà nước và tư nhân, nông dân và doanh nghiệp trên khắp cả nước việc Trung Quốc chính thức mở thị trường trâu bò với Lào.

Do vậy, yêu cầu các cơ quan tận dụng cơ hội, đầu tư phát triển nghiêm túc, đưa sản phẩm trâu, bò thành mặt hàng xuất khẩu chính thức, đáp ứng nhu cầu về chất lượng (mỗi con có trọng lượng từ 350 kg và có độ tuổi từ 4 năm trở lên), với số lượng khoảng 500.000 con sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu về thức ăn cho đàn trâu bò, Cục Chăn nuôi và Ngư nghiệp phối hợp với Sở Nông Lâm tỉnh, thành thúc đẩy phong trào trồng cỏ trong nhân dân (Báo KT-XH, ngày 30/6/2021).

Chính phủ kéo dài lệnh cấm nhập khẩu gia súc và sản phẩm từ thịt bò

và cho phép nhập khẩu trở lại hải sản tươi và đông lạnh

Ngày 13/7/2021, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ đã kéo dài lệnh cấm nhập khẩu gia súc và các sản phẩm khác từ bò, do bùng nổ chứng bệnh gia sần ở bò vẫn tiếp tục lan rộng nhiều vùng trên cả nước.

Biện pháp được đưa ra là giám sát, kiểm tra việc lây lan bệnh và xử lý việc thiếu hụt thịt trâu bò nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vụ Chăn nuôi và Thủy sản, Bộ Nông Lâm nghiệp đã ban hành hướng dẫn cho ngành chăn nuôi và thủy sản về việc đặt các điểm kiểm tra việc vận chuyển trâu bò cho đến khi dịch bệnh giảm dần.

Song song đó, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu hải sản tươi và đông lạnh, dỡ bỏ lệnh cấm nhập hải sản vì các nghiên cứu đã chứng minh Virus Covid-19 không lây truyền qua thực phẩm. Thông báo trên được ban hành có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan ở Lào, gồm Bộ Công Thương, Tổ chức sức khỏe Thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu hải sản chỉ được thực hiện qua cửa khẩu quốc tế cùng với các chứng nhận vệ sinh từ nước xuất khẩu phù hợp với hướng dẫn của Bộ Nông Lâm. Bộ yêu cầu các cơ quan liên quan giám sát việc nhập khẩu hải sản đông lạnh tránh nhập khẩu bất hợp pháp. (Vientiane Times, 13/7/2021)

Bộ Công Thương phân bổ vốn thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ

Ngày 14/7/2021, tại Viêng-chăn, Vụ Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thuộc Bộ Công Thương đã ký Thỏa thuận phân bổ 16 triệu USD cho 5 ngân hàng thương mại để cung cấp khoản vay thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Saysompheng và các quan chức cấp cao của các bộ và ngân hàng.

Vụ đã giao cho 5 ngân hàng thương mại giải ngân vốn để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Lào tiếp cận hỗ trợ khẩn cấp nhằm phục hồi sản xuất (Dự án MSME A2F-ESR). Tổng số 16 triệu USD sẽ được phân bổ cho 5 ngân hàng thương mại VietinBank, Sacombank Lào, Lào-Việt, Maruhan Nhật Bản và Công ty TNHH ngân hàng Lào-Trung để cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp MSME trong giai đoạn dịch Covid-19; đồng thời, Chính phủ cũng phân bổ 94 tỷ Kíp bổ cho các ngân hàng thương mại: Ngân hàng phát triển Lào, Sacombank Lào, Lào-Việt  và Maruhan Nhật Bản và phân bổ 05 tỷ Kíp cho Quỹ Phát triển Xaysomboun để cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp 3%/năm cho nhân dân tỉnh Xaysomboun.

Theo ông Alexander Kremer, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng thế giới WB tại Lào, dịch bệnh đã gây ra suy giảm tăng trên toàn thế giới, đặc biệt khiến các MSME bị tổn thương. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2013 của Tổng Cục Thống kê Lào, MSME đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Lào, chiếm khoảng 99% tổng số các doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 82% tổng số việc làm được tạo ra. Dự án MSME A2F-ESR được ra đời trong dịch bệnh và là dự án tiếp theo sau khi thực hiện thành công Dự án tiếp cận tài chính của SME (SME A2F). Dự án giúp các nhà kinh doanh nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh;

Cuộc Khảo sát Doanh nghiệp năm 2018 cho thấy, việc tiếp cận nguồn vốn là một trong ba trở ngại nhất mà MSME phải đối mặt. Dự án MSME A2F-ESR sẽ tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các MSME trong bối cảnh Covid-19 và thúc đẩy phục hồi thông qua phối hợp với nguồn tín dụng (LOCs) tới MSMEs, hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực của các Tổ chức tài chính vi mô trong việc giải ngân cho MSMEs và tăng cường năng lực của các MSME. Dự án sẽ hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ thiết lập Cơ sở đảm bảo tín dụng một phần để giúp ngân hàng cho MSME vay; hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Bộ Công Thương (MOIC) trong việc phát triển và thực thi chính sách hỗ trợ đối với các MSME Lào.

Bộ trưởng Khampheng cho rằng sự hỗ trợ tài chính thông qua Dự án MSME A2F-ESR giúp Chính phủ thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, việc đảm bảo các nguồn vốn cho MSME và SME hoạt động hiệu quả là mục tiêu quốc gia.

Đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng, việc tiếp cận tài chính đối với SME không khó nếu họ đáp ứng đủ các điều kiện vay của ngân hàng. (Vientiane Times, 15/7/2021)

HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 6 và 6 tháng năm 2021

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021 như sau:

1. Tháng 6/2021 đạt 100.859.878 USD, so với cùng kỳ tăng 22,1% (so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch tăng 18,1%), trong đó,

- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 49.648.741 USD, so với cùng kỳ giảm nhẹ -1,6% (so cùng kỳ năm 2019, giảm -9,8%).

Mặt hàng tiếp tục tăng và tăng mạnh: Hàng dệt may tiếp tục tăng mạnh 232% đạt hơn 1 triệu USD (tháng trước tăng 154%); Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 188,8% đạt gần 5 triệu USD (tháng trước tăng 53,1%)

Các mặt hàng tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ tăng đã chậm lại: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 63,1% đạt gần 5 triệu USD (tháng trước tăng 642,5%); Xăng dầu tăng 51,4% đạt hơn 1,5 triệu USD (tháng trước tăng 118,5% và đây là tháng thứ ba tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019, tuy nhiên giảm về tỷ lệ tăng và giá trị kim ngạch gần 1,9 triệu USD của tháng trước); Sản phẩm từ sắt thép tăng 20,7% đạt hơn 5 triệu USD (tháng trước tăng 88,2%); Sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,7% đạt gần 1,3 triệu USD (tháng trước tăng 52,7%); Sản phẩm gốm sứ tăng 8,1% đạt gần 1 triệu USD (tháng trước tăng 163,3%); Hàng hóa khác tăng 15,4% đạt gần 13,6 triệu USD (tháng trước tăng19,5%).

Mặt hàng quay đầu tăng: Phân bón tăng 114,9% đạt hơn 3,4 triệu USD (tháng trước giảm -24,8%); Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng nhẹ 0,6% (tháng trước giảm nhẹ -5,6%)

Mặt hàng quay đầu giảm: Mặt hàng rau quả giảm -50,8% đạt hơn 2,1 triệu USD (tháng trước tăng 68,4% sau 4 tháng giảm liên tiếp); Sắt thép các loại giảm -48,7% đạt gần 5,5 triệu USD (tháng trước tăng 13,9%); Cà phê giảm 16,4% đạt hơn 100 nghìn USD (tháng trước tăng 10,4%); Kim loại thường khác và sản phẩm giảm -18,4% đạt gần 200 nghìn USD (tháng trước tăng 10,1%);

Mặt hàng tiếp tục giảm: Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -69,1% đạt gần 1,1 triệu USD; Clanke và xi măng giảm -62,4 đạt hơn 200 nghìn USD;  Dây điện và cáp điện giảm -47,2% đạt hơn 1 triệu USD; Giấy và sản phẩm từ giấy giảm -35,8% đạt hơn 1 triệu USD;  Sản phẩm từ hóa chất giảm -14% đạt hơn 400 nghìn USD;

- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 51.211.137 USD, tiếp tục tăng khá mạnh 59,3% so với cùng kỳ  (so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch tăng 69%).

Mặt hàng tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ tăng đã chậm lại so với tháng trước: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 99,3% đạt hơn 7,3 triệu USD (tháng trước tăng 547,3%); Quặng và khoáng sản tăng 162,8% đạt gần 5,8 triệu USD (tháng trước tăng 491,6%);  Cao su tăng 74,2% đạt hơn 12,3 triệu USD (tháng trước tăng 153%);

Hàng hóa khác tăng 58,4% đạt hơn 23,3 triệu USD (tháng trước tăng 38,5%).  

Phân bón các loại quay đầu giảm -52,1% đạt hơn 1,9 triệu USD (tháng trước tăng 61,4% và tăng mạnh 282,1% tháng trước đó).

Mặt hàng rau quả tiếp tục giảm 12% đạt hơn 500 nghìn USD. Mặt hàng kim loại thường khác tiếp tục không có kim ngạch nhập khẩu.

Như vậy, kim ngạch tháng 6 tiếp tục tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng không nhiều 22,1% (giảm hơn một nửa so với mức tăng 56,7% của tháng trước), và mức tăng là do tăng ở chiều nhập khẩu 59,3%, chiều xuất khẩu giảm nhẹ -1,6%. Nếu so cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch bệnh thì kim ngạch hai chiều tăng 18,1%, và tương tự như tháng 5, mức tăng này là do tăng ở chiều nhập khẩu 69%, chiều xuất khẩu vẫn giảm nhẹ -9,8%.

2. Tổng kết 6 tháng năm 2021, kim ngạch đạt 671.167.950 USD, so với cùng kỳ tăng 36,5%, trong đó xuất khẩu đạt 329.721.719 USD tăng 19,1%, nhập khẩu đạt 341.446.231 USD tăng 58,9%. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch, kim ngạch hai chiều tăng 16,6% và mức tăng này là do tăng ở chiều nhập khẩu 49,3%, chiều xuất khẩu giảm nhẹ -5%.

Tháng 6/2021, với mức nhập siêu 1,562 triệu USD, tình trạng nhập siêu quay trở lại như 4 tháng đầu năm 2021 (sau khi xuất siêu 10,826 triệu USD hồi tháng 5/2021). Tổng kết 6 tháng, Việt Nam nhập siêu từ Lào với mức 11,724 triệu USD.

Dự kiến tháng 07/2021, kim ngạch có thể sẽ không tăng do dịch bệnh ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)

PVOIL Lào ngày càng phát triển

    PVOIL Lào là đơn vị thành viên, 100% vốn sở hữu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL Việt Nam) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. PVOIL Việt Nam đã tham gia đầu tư vào thị trường xăng dầu Lào từ năm 2010 sau khi đàm phán thành công, mua lại toàn bộ hệ thống xăng dầu của Tập đoàn Shell tại thị trường Lào. Đến nay, PVOIL Lào có đầy đủ cơ sở vật chất, kho tàng, nhân sự, quy trình quản lý hoạt động và hệ thống CHXD phân phối rộng khắp 16/18 tỉnh thành trên đất nước Lào. Bộ máy vận hành của PVOIL Lào mang tính chuyên nghiệp cao, chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác kinh doanh, phát triển thị phần xăng dầu với đầy đủ các nghiệp vụ của 01 doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

    Theo qui định của Chính phủ Lào về quản lý kinh doanh xăng dầu, PVOIL Lào đã chia tách thành 02 công ty: Công ty TNHH MTV Xăng dầu Dầu khí Lào (viết tắt: PVOIL Lào) thực hiện chức năng xuất nhập khẩu xăng dầu, cung cấp xăng dầu cho các Công ty phân phối xăng dầu nội địa Lào và cho một số dự án lớn của Chính phủ Lào và Công ty TNHH MTV kinh doanh xăng dầu nội địa PVOIL Lào (viết tắt: PVOIL Lao Trading) thực hiện chức năng mua bán xăng dầu trong nội địa Lào.    

PVOIL chấp hành nghiêm túc các quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ ngân sách theo quy định của Chính phủ, nộp ngân sách nhà nước Lào trên 30 triệu USD/năm; riêng trong năm 2020, PVOIL Lào và PVOIL Lào Trading đã nộp thuế hơn 90 triệu USD cho nhà nước, được Bộ Tài Chính/Tổng cục Hải quan Lào trao tặng giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc trong công tác nộp ngân sách (PVOIL Lào được giải Nhì và PVOIL Lào Trading được giải Nhất).

Thời gian qua, PVOIL Lào hoạt động khá hiệu quả, luôn giữ vững thị phần, hệ thống phân phối, góp phần tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho hơn 140 lao động Lào trong công ty, luôn chú trọng công tác an sinh xã hội. Trong điều kiện hoạt động kinh doanh xăng, dầu của các doanh nghiệp tại Lào gặp không ít khó khăn từ cơ chế chính sách của Chính phủ và ảnh hưởng của dịch Covid-19, PVOIL Lào đã chủ động, tích cực tìm các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu từ các nhà cung cấp Việt Nam và Thái Lan. Ngày 21/7/2021, PVOIL Lào đã nhập khẩu lô hàng đầu tiên (120.000 lít dầu DO) từ Tổng Công ty xuất khẩu sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn với sự phối hợp từ Tổng Công ty, PVOIL Nghi Sơn PVOIL Trans và PVOIL Thanh Hoá, vận chuyển đến kho PVOIL Lào tại Xiêng Khoảng. Tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu từ Việt Nam kỳ vọng sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Thương hiệu PVOIL Lào trải qua 11 năm phát triển đã khẳng định vị trí trên thị trường và đối với người tiêu dùng tại Lào về chất lượng sản phẩm (các sản phẩm nhập khẩu của PVOIL Lào tiêu chuẩn Euro 4). Có thể nói, PVOIL Lào đã có được nền tảng vững chắc trên thị trường Lào, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển hiện nay và sắp tới. (Báo cáo của PVOIL Lào, 22/7/2021)

Nhà máy thủy điện Sekaman 3 sẽ vận hành phát điện trở lại vào Quý III/2022

Từ ngày 14-16/7/2021, Đoàn Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo đã đến kiểm tra và thúc đẩy tiến độ sửa chữa nhà máy thủy điện Sekaman 3 tại huyện Dakchueng, tỉnh Sekong. Tham gia đoàn có Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong Leklay Sivilay, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và một số lãnh đạo cấp Cục của Bộ Năng lượng và Mỏ.

     Nhà máy thủy điện Sekaman 3 được xây dựng trên sông Pagnou, nhánh chính của sông Sekaman là nhánh cấp 2 của sông Sekong tại huyện Dakchueng, tỉnh Sekong, có công suất lắp đặt 250 MW, bao gồm hai tổ máy (công suất 125 MW x 2), có tổng mức đầu tư là 311 triệu USD do Công ty TNHH Điện Sekaman 3 làm Chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Điện Việt Lào là Nhà đầu tư, theo hình thức BOT. Nhà máy được xây dựng từ tháng 05/4/2006, phát điện thương mại tổ máy 1 vào ngày 20/6/2013, tổ máy 2 vào ngày 15/7/2013. Trong giai đoạn vận hành thử nghiệm đã xảy ra 02 lần sự cố đường ống áp lực, lần 1 vào ngày 06/10/2013 và lần 2 vào ngày 16/12/2016. Kinh phí khắc phục sự cố dự kiến khoảng 296 triệu USD, đến khi hoàn thành, phát điện trở lại, tổng mức đầu tư nhà máy lên 607 triệu USD.

    Tại hiện trường, Phó Chủ tịch Thường trực CTCP Điện Việt Lào Kim Mạnh Hà cho biết, hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án xử lý đường ống áp lực và mái đào thượng lưu nhà máy Sekaman 3 được Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 lập theo tiêu chuẩn và giải pháp quốc tế, được Viện thiết kế thủy công Matcova (Tư vấn của Chủ đầu tư) thẩm tra, Công ty TNHH Norconsul New Zealand (Tư vấn độc lập của Chính phủ Lào) thẩm tra, Cục Quản lý năng lượng, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào chấp thuận. Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, các gói thầu cơ bản đáp ứng được tiến độ dự án, đảm bảo hoàn thành và vận hành phát điện trở lại vào Quý III/2022. Tuy nhiên, tiến độ phụ thuộc chính vào 03 phần việc: (i) Công tác đào và gia cố đường hầm; (ii) Công tác lắp đặt đường ống áp lực; (iii) Công tác lắp đặt thiết bị nhà máy. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên thế giới, khu vực và tại Lào, việc vận chuyển trang thiết bị, đưa chuyên gia và cán bộ kỹ thuận sang triển khai các phần việc việc gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến tiến độ sửa chữa công trình.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào luôn quan tâm theo dõi, tích cực phối hợp, cử cán bộ tham gia đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ đến kiểm tra tại hiện trường trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, tìm các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất đáp ứng yêu cầu sửa chữa sự cố, đảm bảo tiến độ dự án; đến nay, các khó khăn cơ bản đã được giải quyết kịp thời, việc khắc phục sự cố dự kiến sẽ hoàn thành và nhà máy sẽ phát điện trở lại đúng kế hoạch. (ĐSQVN tại Lào, ngày 20/7/2021)

Lào tìm kiếm thêm nguồn phân bón từ Việt Nam

    Ngày 30/6/2021, Vientiane Times dẫn nguồn từ Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, Lào nhập khẩu 14 triệu USD phân bón từ Việt Nam, 35 triệu USD phân bón từ Trung Quốc và 29 triệu USD phân bón từ Thái Lan.

Từ đầu năm nay đến giữa tháng 6/2021, Việt Nam xuất khẩu gần 616.000 tấn phân bón trị giá 213 triệu USD tăng 49% về khối lượng và tăng 1,76 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân bón là một trong những sản phẩm nông nghiệp chính được Lào nhập khẩu và giá trị nhập khẩu tăng liên tục trong vài năm gần đây. Giá trị nhập khẩu năm nay giảm so với năm ngoái do dịch bệnh Covid-19 gây ra những khó khăn đối với thương mại.

Để nhập khẩu phân bón, nhà nhập khẩu cần phải có giấy phép từ cơ quan chức năng Nông lâm nghiệp tỉnh hoặc Viêng Chăn để đảm bảo môi trường và sức khỏe của con người. Để xuất nhập khẩu phân bón, hàng hóa phải được dán tem tiếng Lào với thông tin điều kiện cần thiết và việc xuất khẩu phân bón phải được đóng gói trong kiểu công ten nơ cụ thể.

Nhà cung cấp phân bón chính ở Lào là Công ty TNHH BIOFER, Công ty TNHH đồn điền và bột giấy Birla Lào, Công ty TNHH một thành viên khai thác mỏ Lao Kaiyuan, Công ty Thuốc lá Lào, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Soukhin, Công ty TNHH CNL TaeYeon và Công ty TNHH XNK Hàng hóa Thavone.

Lào phải nhập khẩu phân bón từ các nước láng giềng, thiếu phân bón hữu cơ và tiêu chuẩn phân bón sinh học cung cấp cho người nông dân canh tác gạo, rau, chè, cà phê chất lượng tốt hơn để xuất khẩu. Chính phủ và Bộ Nông Lâm nghiệp khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhà máy chế biến phân bón hữu cơ, sinh học để phát triển nông nghiệp sạch ở Lào. (Vientiane Times, 30/6/2021)

Tỉnh Khammuan giúp tỉnh Hà Tĩnh phòng chống Covid-19

Ngày 06/7/2021, tại cửa khẩu Namphao, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khammuan Bounmy Phimmasone cùng đoàn đại biểu đã trao tặng vật tư hỗ trợ phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho tỉnh Hà Tĩnh gồm tiền mặt trị giá 20.000 USD và 5 tấn gạo. Tham dự và tiếp nhận có Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Tú Anh cùng các đồng chí đến từ Văn phòng, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế và các cơ quan hữu quan của hai bên.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khammuan Bounmy Phimmasone đã thông tin về tình hình dịch bệnh ở Lào, cho biết dịch đã lan rộng ra nhiều tỉnh trên khắp cả nước, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Đến nay, Lào đã ghi nhận hơn 2000 ca nhiễm và có 3 ca tử vong. Đối với tỉnh Khammuan có 24 ca nhiễm là lao động nhập cảnh từ các nước láng giềng, trong đó đã điều trị khỏi cho 6 người và còn 18 ca đang được điều trị.

Ông Trần Tú Anh gửi lời cảm ơn lãnh đạo tỉnh Khammuan cũng như Hội đồng Nhân dân và nhân dân tỉnh đã lo lắng, quan tâm và giúp đỡ tỉnh Hà Tĩnh phòng chống Covid lần này, đồng thời hy vọng hai nước Việt Nam - Lào cũng như hai tỉnh Hà Tĩnh - Khammuan sẽ luôn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19. (Báo KT-XH, ngày 9/7/2021).

HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC

Lào-Trung Quốc

Đầu tư hơn 35 nghìn tỷ Kíp cho cao tốc Boten - Huoixai

Ngày 30/6/2021, đơn vị khảo sát thiết kế dự án xây dựng tuyến cao tốc Bokeo-Boten đã có cuộc trao đổi, làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Bokeo Buakhong Nammavong cùng các cơ quan liên quan sau khi khảo sát thực địa tại tỉnh Bokeo để lập Luận chứng kinh tế-kỹ thuật Dự án xây dựng đường cao tốc Bokeo-Boten nhằm bảo đảm tính chính xác, tiết kiệm cho ngân sách và hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực.

Dự án xây dựng đường cao tốc mới từ Boten (tỉnh Luang Namtha) đến Huoixai (tỉnh Bokeo) được Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải phê duyệt, có tuyến đường bắt đầu từ biên giới Boten (biên giới Lào - Trung) đến biên giới Huoixai (biên giới Lào - Thái) với tổng chiều dài 176,3km, chiều rộng 21m, gồm 04 làn đường xe chạy với vận tốc cho phép là 80km/h, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24,126 tỷ Yuan (tương đương 3,8 tỷ USD hay 35,7 nghìn tỷ Kíp). Sau khi dự án hoàn thành, từ Boten đi Huoixai chỉ mất thời gian 1,5 tiếng đồng hồ.

Tỉnh trưởng tỉnh Bokeo cho biết, công trình được khởi công sẽ tạo điều kiện cho việc lưu thông của người dân trở nên thuận tiện, tiết kiệm thời gian, ngân sách và đảm bảo an toàn tuyến giao thông vận tải hàng hóa giữa các địa phương và các nước láng giềng, thúc đẩy đầu tư, thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bokeo. (Báo KTXH, 02/7/2021).

Lào-Trung hợp tác phát triển năng lượng xanh

    Ngày 06/7/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và Công ty Hợp tác kỹ thuật năng lượng Côn Minh, Trung Quốc tiến hành ký kết Hợp tác chuyên gia khoa học và công nghệ quốc tế về năng lượng xanh. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Sinava Souphanouvong, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc Ruan Chao QI và các đại biểu liên quan.

    Thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2025 của Chính phủ với mục tiêu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đạt 30% trong tổng nguồn cung năng lượng và khuyến khích phát triển năng lượng sạch trên toàn lãnh thổ. Năng lượng mặt trời là một trong các nguồn năng lượng tái tạo đang được quan tâm phát triển trong kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội lần thứ VIII của Chính phủ theo định hướng đưa nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại dựa trên tiêu chí phát triển phải đảm bảo môi trường xanh và bền vững.

    Việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay đã mạnh lên do khoa học và công nghệ phát triển, giá thành thiết bị công nghệ năng lượng tái tạo giảm xuống, từ đó các dự án năng lượng thay thế xuất hiện nhiều hơn lên, giúp giảm tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xuất hiện ngày một nhiều hơn các sản phẩm tiêu dùng, phương tiện do các nước tiên tiến nghiên cứu, sản xuất và đưa vào khai thác sử dụng.

    Việc hợp tác giữa Bộ Năng lượng và mỏ với Công ty Hợp tác kỹ thuật năng lượng Kunming Trung Quốc là bước tiến mới trong ngành năng lượng của Lào nhằm đạt mục tiêu phát triển năng lượng sạch đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội lần thứ VIII của Chính phủ. Sau khi thỏa thuận được ký kết, ngành năng lượng và mỏ Lào sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định cho phù hợp với tình hình phát triển năng lượng mới hiện nay.Thông qua hợp tác, sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ sẽ đáp ứng nhu cầu đảm bảo sạc điện cho các thiết bị đường sắt Lào-Trung tới đây trong quá trình vận hành. (Báo KT-XH, ngày 08/7/2021)

Lào-Nhật Bản

Nhật Bản hỗ trợ Lào 03 triệu USD để phát triển nguồn nhân lực

Ngày 15/7/2021, tại Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Thongphan Savanphet và Đại sứ Nhật Bản tại Lào Takewaka Keizo đã ký kết văn kiện, theo đó Chính phủ Nhật Bản đã trao tặng Chính phủ Lào 313 triệu Yên (tương đương 3 triệu USD) để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại Lào.

Gói hỗ trợ sẽ được triển khai trong khuôn khổ Dự án dành cho Học bổng Phát triển Nguồn nhân lực, cung cấp học bổng cho các quan chức chính phủ từ trung ương đến địa phương theo học chương trình thạc sỹ và tiến sỹ tại các trường Đại học Nhật Bản. Dự án tạo điều kiện cho cán bộ trẻ của Lào nâng cao kiến thức và kỹ năng, đáp ứng nhu cầu phát triển của Lào.

Giai đoạn 2000-2020, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp 464 học bổng cho quan chức chính phủ Lào theo học tại Nhật Bản (454 suất thạc sỹ và 10 suất tiến sỹ), chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng. Nhật Bản đóng vai trò là nước hỗ trợ hàng đầu cho Lào. Năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 đầu tư tại Lào. Tính đến năm 2020, có 165 công ty Nhật Bản đã đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, sản xuất và xây dựng và là nước hỗ trợ tích cực cho Lào ứng phó với Covid-19. (Vientiane Times, 14/7/2021).

Lào-Hàn Quốc

Hàn Quốc hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Lào phòng chống Covid-19

Ngày 05/7/2021, Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Moohong Im, đại diện Chính phủ Hàn Quốc đã trao tặng trang thiết bị giúp phòng chống Covid-19 gồm dung dịch xét nghiệm và trang thiết bị y tế với tổng trị giá hơn 100.000 USD cho Chính phủ Lào. Bộ trưởng Y tế Bounfeng Phommalaysith thay mặt Chính phủ Lào tiếp nhận món quà này.

Đại sứ Moohong Im cho biết, trước đây, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Lào tủ lưu mẫu xét nghiệm các ca nghi nhiễm và một số trang thiết bị cho Lào để sử dụng trong công tác phòng chống Covid-19. Sau khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Lào, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường hỗ trợ Lào các trang thiết bị hỗ trợ xét nghiệm bởi Hàn Quốc hiểu rằng việc lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi nhiễm là hết sức quan trọng. Hiện nay hai nước vẫn duy trì 2-3 chuyến bay/tháng, do vậy, có thể vận chuyển 58.000 bộ kít xét nghiệm tới Lào một cách nhanh chóng.

Với kinh nghiệm phòng chống dịch thành công ở Hàn Quốc cùng với việc tăng cường thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng Covid-19 rộng rãi trong nhân dân hai nước, Đại sứ tin tưởng trong tương lai không xa nhân dân hai nước Lào - Hàn Quốc có thể đi lại thuận tiện, góp phần mang lại thịnh vượng cho cả hai nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Bounfeng Phommalaysith bày tỏ sự vui mừng và cám ơn Hàn Quốc đã hỗ trợ kịp thời trang thiết bị cần thiết cho Lào. Ông cho biết thêm, mặc dù nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào đã giảm xuống, song số lượng ca nhiễm nhập cảnh vẫn tăng cao mỗi ngày. (Báo KT-XH, 07/7/2021).

Lào-Đức

Đức cung cấp bổ sung 5,5 triệu Euro hỗ trợ phát triển nông thôn ở Lào

Ngày 01/07/2021, Vientiane Times dẫn lời cán bộ dự án Phát triển Nông thôn giai đoạn III cho biết, Chính phủ CHLB Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Lào cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn ở tỉnh Hủa Phăn với kinh phí trị giá 5,5 triệu Euro.

Chương trình Phát triển Nông thôn giai đoạn III sẽ bắt đầu triển khai vào cuối năm 2021 và sẽ kéo dài đến năm 2024. Với 1/3 dân số của Lào sinh sống tại các vùng nông thôn, cộng đồng dân cư nông thôn, đặc biệt là ở các địa bàn miền núi có tỷ lệ nghèo cao vì điều kiện giao thông hạn chế, nhất là trong mùa mưa. Việc kết nối kém về cơ sở hạ tầng cơ sở như chợ, bệnh viện, trường học và nước sạch dẫn đến tỷ lệ nghèo cao.

Trong những năm gần đây, một số hành lang kinh tế (các tuyến đường bộ, đường sắt) đang được quy hoạch và mở rộng nhằm xúc tiến hội nhập kinh tế khu vực của Lào. Vùng phụ cận của các hành lang này tương đối hẹp vì thiếu kết nối với các địa bàn nông thôn, điều đó có nghĩa là tác động tích cực đối với dân cư nông thôn sống xa các hành lang vẫn còn rất hạn chế so với thành thị. Kết quả là phát triển kinh tế của các địa bàn nông thôn có thể tụt hậu. Vì không có triển vọng kinh tế, việc di cư, đăc biệt là của thanh niên tới các thành phố là khá phổ biến.

Từ năm 194, Chính phủ Đức đã cam kết hỗ trợ Lào trong lĩnh vực phát triển nông thôn. Trog khuôn khổ hợp tác Lào – Đức, khoảng 100 triệu Euro đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua ngân hàng KFW.

Hỗ trợ ban đầu của Đức tập trung vào duy tu bảo dưỡng các đường quốc lộ ở Trung Lào, các hoạt động gần đây ưu tiên vào việc thực hiện duy tu bảo dưỡng và sửa chữa đường sá bị hư hỏng do lũ lụt ở Nam Lào.

Với kinh phí bổ sung, giai đoạn III của dự án sẽ tập trung vào công tác đào tạo kỹ năng cho cán bộ ngành công chính và vận tải cấp tỉnh và huyện; đóng góp cho việc duy tu bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các bản, địa phương có nhận hoạt động đào tạo. Các khoản đầu tư nhỏ hơn cho các dự án đường sá nhằm cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa bàn nông thôn. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là đóng góp đầu tư  để cải thiện mạng lưới giao thông quốc gia và các hành lang giao thông mới, cải tiện đời sống cho các cộng đồng dân cư nghèo. (Vientiane Times, 01/07/2021)

Lào- Luxembourg

Lào - Luxembourg tái khẳng định hợp tác phát triển

Ngày 08/7/2021, tại Kỳ họp Ủy ban Đối tác Song phương lần thứ 13 giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Luxembourg, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Sonexay Siphandone và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển và Các vấn đề Nhân đạo Luxembourg Franz Fayot đã ký kết thỏa thuận hợp tác 5 năm trị giá 95 triệu Euros, theo đó Luxembourg tái khẳng định cam kết với tư cách là đối tác tin cậy và dài hạn của Lào.

Chương trình Hợp tác Chỉ dẫn lần thứ V (2022-2026) sẽ ưu tiên các lĩnh vực y tế và dinh dưỡng, phát triển địa phương, đào tạo nghề, thúc đẩy pháp quyền và quản lý hành chính toàn diện tại các tỉnh Bokeo, Bolikhamxay, Khammuan và Vientiane. Các dự án được Luxembourg tài trợ trong tương lai kỳ vọng sẽ hỗ trợ cùng sự cố gắng thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng của Lào nhằm đưa nước Lào thoát khỏi nhóm các quốc gia chậm phát triển nhất.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Franz Fayot cho biết, khoản viện trợ mới nhằm tăng cường năng lực và khả năng quản trị để hướng đến mục tiêu giảm nghèo, phát triển con người.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone, Luxembourg là một trong các đối tác chính và đóng góp đáng kể cho Lào thực hiện nhiều dự án phát triển; đồng thời, cũng thay mặt Chính phủ Lào gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Luxembourg đã viện trợ cho Lào vật tư y tế để tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến nay, với tổng giá trị hơn 4 triệu Euro. (Vientiane Times, 09/7/2021).

Lào-Pháp

Chính phủ và các cổ đông của Nhà máy Thủy điện Nậm-thơn 2

phát triển dự án năng lượng mặt trời nổi hỗn hợp lớn nhất thế giới

Ngày 12/7/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Khamchan Vongsenboun, thay mặt Chính phủ Lào và Giám đốc điều hành bộ phận quốc tế của EDF Beesatrice Buffon đại diện các cổ đông của Nhà máy Thủy điện Nậm-thơn 2 do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) làm Chủ đầu tư đã ký Thỏa thuận phát triển dự án năng lượng mặt trời nổi hỗn hợp lớn nhất thế giới tại tỉnh Khăm-muộn. Dự án có công suất lắp đặt 240MWp, sẽ xây dựng trên hồ chứa Nậm-thơn 2, một trong những dự án thủy điện lớn nhất ở Lào. Lễ ký kết được tiến hành trực tiếp và trực tuyến, có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của các Bộ, ngành liên quan, các Đại sứ và đại diện các công ty.

Liên doanh phát triển dự án do EDF đứng đầu hợp tác với Doanh nghiệp Nhà nước Lào (LHSE) và Công ty TNHH MTV Phát điện công cộng (EGCO) của Thái Lan dự định triển khai xây dựng dự án vào năm 2022 và bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

Theo Công ty Năng lượng Nậm-thơn 2, liên doanh điện mặt trời sẽ là dự án năng lượng mặt trời nổi hỗn hợp lớn nhất trên thế giới trên diện tích 3,2 km2 (ít hơn 1% diện tích hồ chứa khi mực nước đầy). Việc lắp đặt hỗn hợp sẽ cho phép kết nối hệ thống điện năng lượng mặt trời với năng lượng thủy điện (1.080MW) nhằm mục tiêu là tiết kiệm nước khi có ánh nắng mặt trời, sẽ giảm sử dụng nước đối với nhà máy thủy điện, đảm bảo tích nước cho mùa khô. Tính trung bình, tổng lượng phát điện của Nhà máy Nậm-thơn 2 sẽ tăng 6%.

Theo Phó Chủ tịch EDF châu Á Jean-Philippe Buison, Dự án Nậm-thơn 2 sẽ cung cấp điện sạch, an toàn, đáng tin cậy và cạnh tranh, không gây ra tác động môi trường và xã hội. Khái niệm tiết kiệm nước cho phép năng lượng mặt trời biến đổi thành năng lượng thủy điện bổ sung và ổn định, là một cải tiến để tạo ra năng lượng tái tạo theo cách tin cậy hơn. Với dự án Năng lượng mặt trời Nậm-thơn 2, EDF rất vui được viết tiếp câu chuyện NT2 với chính phủ Lào và các đối tác EGCO và LHSE.

Bắt đầu hoạt động thương mại năm 2010, Dự án thủy điện Nậm-thơn 2 (1.080MW) hoạt động theo phương thức đối tác công tư (PPP). Chính phủ Lào nắm giữ 25% cổ phần qua LHSE, EDF 40% cổ phần và EGCO 35%, thời hạn 25 năm. Nhà máy sản xuất được 6.000 GWh điện hàng năm, 5% tiêu dùng trong nước, còn lại xuất bán sang Thái Lan 95%. (Vientiane Times, 14/7/2021)

Lào-Nga

Lào-Nga tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực

    Ngày 07/7/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Viktorovich Lavrov nhân chuyến thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 06-07/7/2021.

     Tại hội đàm, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác song phương và đa phương trong thời gian qua đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ, không ngừng phát triển xuất phát từ sự hiểu biết lẫn nhau về mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài. Tháng 7/2021, hai nước kỷ niệm tròn 60 năm quan hệ hợp tác và tròn 10 năm đối tác chiến lược bền vững trong khu vực ASEAN-PACIFIC.

Trên tinh thần đó, hai bên thống nhất tăng cường thúc đẩy quan hệ trong nhiều lĩnh vực như: hợp tác về kinh tế-thương mại, đầu tư, năng lượng giáo dục, quân sự, khoa học kỹ thuật, du lịch và nhiều lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm và cùng có lợi ích.

Hai bên cũng đánh giá cao về hợp tác khu vực ASEAN-Nga. Năm 2021, hợp tác Nga với khu vực ASEAN vừa tròn 30 năm. Suốt giai đoạn qua, Nga đã góp phần thúc đẩy ổn định chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội cũng như các tệ nạn gian lận thương mại xuyên quốc gia và nhiều lĩnh vực khác của khu vực ASEAN.

Nhân dịp này, hai bên đã ký kết kế hoạch hợp tác đào tạo giữa hai Bộ Ngoại giao Lào và Nga trong giai đoạn tới. Bộ trưởng Saleumxay Kommasith thay mặt Chính phủ Lào cảm ơn Chính phủ, nhân dân Nga đã hỗ trợ, giúp đỡ Chính phủ và nhân dân Lào vắc-xin, trang thiết bị y tế để ngăn chặn, phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua.

Bộ trưởng Sergey Viktorovich Lavrov đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Bộ trưởng Saleumxay Kommasith để ghi nhận sự đóng góp của Bộ trưởng trong việc thúc đẩy hợp tác hữu nghị, truyền thống lâu dài và đối tác chiến lược giữa hai nước Lào-Nga ngày càng thắt chặt và phát triển trong giai thời gian qua. (Báo KT-XH, ngày 14/7/2021)

HỢP TÁC LÀO-KHU VỰC

Sơ kết thực hiện các chương trình, dự án GMS 06 tháng đầu năm 2021

    Ngày 14/7/2021, Hội nghị Ban chỉ đạo các dự án trong khuôn khổ GMS tiến hành sơ kết 06 tháng đầu năm 2021 và tổ chức trao tặng bằng, giấy khen cho các đơn vị, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện triển khai các dự án dọc tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây khu vực GMS thuộc địa phận tỉnh Savankhet do Phó Tỉnh trưởng Viengthavisone Thephachanh chủ trì với sự tham gia của các đại biểu liên quan.

    Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Viengthavisone Thephachanh đã đánh giá mặt mạnh và hạn chế trong việc thực các nhiệm vụ, cũng như tiến độ triển khai các dự án thành phần trong chương trình GMS trong 06 tháng đầu năm 2021 dọc tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây; đồng thời trao đổi, thảo luận tìm giải pháp xử lý các vấn đề tồn tại trong quá trình triển khai các dự án nhằm đảm bảo tiến độ kế hoạch đã đề ra. Từ 2013 đến nay đã hoàn thành 100% 07 dự án thành phần tại Densavanh, huyện Sepon, tỉnh Savanakhet; 02 dự án đang trong giai đoạn bảo hành (dự án thoát nước sông Longkong; dự án kè chống sạt lở tuyến sông Longkong), kinh phí để thực hiện giai đoạn 2 của dự án trên được lấy từ nguồn kinh phí tiết kiệm trong quá trình triển khai dự án xây dựng tuyến đường Phangeum 2 (chiều dài 100m) và đóng cửa bãi rác thải cũ tại bản Sok.

    Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc chương trình dự án GMS Phomma Vongphachit cho biết, việc triển khai các dự án thành phần từ đầu năm đến nay và kế hoạch thực hiện 06 tháng cuối năm 2021, đề xuất các khó khăn, vướng mắc để các đại biểu tham gia hội nghị bàn thảo, tìm hướng xử lý. (Báo KT-XH, ngày 19/7/2021)

HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Lào-EU  

EU cam kết cung cấp 42,9 triệu Euro hỗ trợ Lào

giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19 đối với giáo dục và dinh dưỡng

Ngày 28/07/2021, Vientiane Times cho biết, Đại sứ EU Liên minh châu Âu (EU) Ina Marciulonyte đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Tài chính Bounchom Oubonpaseuth và thông báo, Ban Chỉ đạo Hỗ trợ Ngân sách Chiến lược về Giáo dục và Dinh dưỡng của EU đã phê chuẩn khoản ngân sách trị giá 42,9 triêu Euro (515 tỷ Kíp) cho chương trình hỗ trợ ngân sách giáo dục và dinh dưỡng tại Lào.

Trong số này, 26,4 triệu Euro (318 tỷ Kíp) sẽ được dành cho Chương trình Hỗ trợ Giáo dục và 16,4 triệu Eurro cho Chương trình Hỗ trợ Ngân sách Dinh dưỡng. Đại sứ EU tại Lào Ina Marciulonyte nhấn mạnh, việc hỗ trợ ngân sách cho các lĩnh vực giáo dục và dinh dưỡng là hỗ trợ đặc biệt về tính chất cũng như số lượng. Chương trình này nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược Phát triển Giáo dục và Thể thao giai đoạn 2016-25 và Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia 2016-25. Chương trình không nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách hoặc nghĩa vụ tài chính cho bên thứ ba mà nhằm để giúp Chính phủ đương đầu với đại dịch Covid-19 và nhu cầu của học sinh và nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở Lào. Lào cũng sẽ được hưởng lợi từ cải cách quản lý công để cải tiến báo cáo tài chính, nâng cao năng lực trong công tác thu ngân sách, mua sắm công và thực hiện dự toán ngân sách. Chương trình sẽ hỗ trợ Chính phủ Lào cải tiến hệ thống dữ liệu tài chính minh bạch và đẩy mạnh cải cách quản lý tài chính công.

EU là một trong những đối tác phát triển quan trọng của Lào về viện trợ không hoàn lại dành cho phát triển và các chương trình nhân đạo. Giáo dục và dinh dưỡng là những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác song phương EU-Lào. (Vientiane Times, 23/07/2021)

Chính phủ và các đối tác rà soát Dự án cà phê và chế biến gỗ

Ngày 15/7/2021, Cuộc họp của Ủy ban Rà soát Dự án ARISE lần thứ 4 đã diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn dưới sự đồng chủ trì của Bộ Công thương và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Lào dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự cuộc họp có đơn vị triển khai dự án là Trung tâm Thương mại Quốc tế cùng hơn 50 đại biểu khu vực công và tư nhân.

Môi trường kinh doanh chung tại Lào, đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê và chế biến gỗ đang tăng lên với các doanh nghiệp hiện đã có mặt trong chuỗi giá trị quốc tế. Sự kiện này nhằm nhìn lại, đánh giá quá trình và thảo luận về phương hướng trong thời gian tới của ARISE. Cuộc họp đã đề cập đến tiến độ dự án, bao gồm cả những thành tựu nổi bật, những thách thức và ưu tiên. Dự án bắt đầu từ năm 2018 với cam kết nâng cao môi trường kinh doanh và tăng cường tham dự vào chuỗi giá trị, đặc biệt là trong hai lĩnh vực: cà phê và chế biến gỗ.

Cam kết này nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tính dễ tổn thương và tạo việc làm tại Lào. Trong 6 tháng đầu năm, Dự án đã triển khai thành công: Lộ trình xuất khẩu cà phê và chế biến gỗ; chuỗi đào tạo trong hai ngành trên; Lộ trình đàm phán Ngoại thương hiện đã được thông qua; chương trình Nhà vô địch chất lượng theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án “ARISE + Lào” trong việc giải quyết các vấn đề từ việc điều hành giữa các đối tác phát triển cho đến nâng cao năng lực của lĩnh vực tư nhân trong các ngành cà phê và chế biến gỗ cũng như đóng góp của dự án này đối với tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. (Báo Vientiane Times, ngày 21/7/2021).

Lào-JICA

Lào - JICA tăng cường năng lực phát triển đô thị

Ngày 12/7/2021, cán bộ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có cuộc làm việc với Chính phủ Lào tại Cuộc họp Ban Điều phối Dự án lần thứ nhất để thảo luận về các hoạt động tăng cường năng lực kiểm soát phát triển đô thị và Dự án thúc đẩy, đồng thời báo cáo kết quả các hoạt động dự án trong giai đoạn chuẩn bị và thảo luận về giai đoạn triển khai đối với các hoạt động này.

Đại diện JICA và các quan chức Bộ Công chính và Vận tải (CCVT) Lào đã ký một thỏa thuận xác nhận cuộc trao đổi. Các hoạt động dự kiến trong dự án bao gồm xây dựng năng lực trong phát triển đô thị, thúc đẩy mạnh mẽ hơn các dự án phát triển đô thị cũng như nâng cao năng lực xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Chính phủ Lào, JICA đã thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị cho Phát triển năng lực về Kiểm soát Phát triển Đô thị và các Dự án thúc đẩy cũng như các cách thức củng cố trong lĩnh vực này.

Dự án sẽ được triển khai sau khi Thỏa thuận được ký kết. Thứ trưởng Bộ CCVT Lào Vilaykham Phosalath cho biết, việc nâng cao kiến thức của cán bộ liên quan đến quản lý phát triển đô thị trong lĩnh vực công và quản lý thủ đô gắn với tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quốc gia là rất quan trọng.

Phó Đô trưởng Viêng Chăn cho biết “Đất đô thị sử dụng ở thủ đô Viêng Chăn và độ cao của các tòa nhà cần được nâng lên, và đất sử dụng trong thành phố phải đáp ứng nhu cầu về môi trường và phát triển. Đồng thời cần chi tiết hóa bản đồ ở mỗi khu vực trong thành phố để thúc đẩy phát triển hơn nữa. (Báo Vientiane Times, ngày 14/7/2021).

BẠN CẦN BIẾT

Thủ đô Viêng Chăn thả hàng triệu cá giống để đảm bảo an ninh lương thực-thực phẩm

Ngày 13/7/2021, Giám đốc Sở Nông Lâm thủ đô Viêng Chăn cho biết thủ đô Viêng Chăn dự kiến thả thêm 2 triệu cá giống ra sông để đạt mục tiêu của Chính phủ đã đề ra trong năm nay là thả 58 triệu cá giống nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Sự kiện có sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Bounkhouang Khambounheuang.

Lào hiện có 885 khu bảo tồn cá trên khắp cả nước và đang có kế hoạch để bảo vệ các loài cá sông tự nhiên. Các khu bảo tồn này được đặt tại 308 làng tại 44 huyện. Tính đến nay, có tổng cộng 32 trung tâm nuôi cá và hơn 50 trung tâm nuôi cá giống tư nhân để cung cấp cho nông dân trên cả nước. Năm 2020, cả nước đã thả 55 triệu cá giống và năm nay dự kiến thả 58 triệu con để nâng sản phẩm thịt, trứng, cá lên ít nhất 577.000 tấn trước năm 2025, đảm bảo mỗi người dân có đủ 73kg thịt mỗi năm. Đây là một phần trong nỗ lực chung của Chính phủ Lào nhằm đảm bảo cá và các nguồn thủy sản tự nhiên của sông Mekong (Báo Vientiane Times, ngày 14/7/2021).

Tỉnh Luang Namtha thúc đẩy nguồn cung cấp nước

Tỉnh Luang Namtha có thể sản xuất được 6.300 m3 nước mỗi ngày cho 15 bản ở khu vực đô thị quận Luang Namtha. Đây là kết quả của hệ thống cung cấp nước mới lắp đặt đang chuẩn bị hoàn thành. Phó GĐ Công ty Cung cấp nước huyện Luang Namtha Sitthikon Phanalai mới đây đã có báo cáo về Dự án cung cấp nước được khởi động từ năm 2018 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Dự án cung cấp 2.787 đường ống nước cho gần 4.000 hộ gia đình tại 15 bản. Công ty Xây dựng Kỹ thuật Songmei đã thắng thầu với hợp đồng trị giá 2,8 triệu USD. Ngân hàng ADB chịu trách nhiệm 70% và Công ty Cung cấp Nước chịu trách nhiệm 30% còn lại với lãi suất 6,4% và thời gian hoàn trả là 25 năm. Dự án nhằm nâng cao hệ thống cung cấp nước của huyện Luang Namtha thông qua mở rộng đường ống cung cấp, nhằm hỗ trợ môi trường đô thị bền vững.

Năm 2019, Ngân hàng ADB đã thông qua gói hỗ trợ 23 triệu USD dành cho Lào trong các dự án cung cấp nước và vệ sinh. Dự án hướng đến hỗ trợ 137.000 người ở 120 bản được tiếp cận với nước sạch, hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ nhằm bảo đảm 80% dân số đô thị được tiếp cận với nước sạch đến cuối năm 2020. (Vientiane Times, 22/7/2021).

Số lượng nhà máy gỗ tại Lào giảm hơn 1000 cơ sở

Ngày 01/7/2021, tại Sở Công Thương tỉnh Champasak, Bộ Công Thương đã phổ biến Quyết định về việc quản lý, theo dõi gỗ xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh miền Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Xaysompheng. Tham dự cuộc họp có Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Somboun Heoungvongsa cùng lãnh đạo các Cục, Sở, Ban ngành liên quan của 4 tỉnh miền Nam Champasak, Salavanh, Xekong và Attapeu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Khampheng Xaysompheng cho biết, năm 2006, ngành công thương đã nhận chuyển 2.103 nhà máy chế biến gỗ từ ngành Nông - Lâm. Tính đến năm 2020, Bộ Công Thương đã điều chỉnh, cân đối và đã giải thể nhiều nhà máy chế biến, cho đến nay số lượng chỉ còn 1.090 nhà máy, trong đó có 6 nhà máy xẻ, 364 nhà máy chế biến gỗ hoàn thiện hình, 599 nhà máy nội thất và 121 nhà máy chế biến theo hình thức gia đình, trong đó có 78 nhà máy sử dụng cây trồng. 969 nhà máy chế biến gỗ (không bao gồm số nhà máy chế biến gỗ theo hình thức gia đình) có tổng số lượng gỗ là 256.779,2 m3, trong đó thể tích gỗ tại 4 tỉnh miền Nam là 69.540,61 m3 tương đương 26,97% số lượng gỗ trên cả nước.

Việc làm này nhằm tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn quản lý, theo dõi, kiểm tra việc cung cấp gỗ và trao đổi gỗ của các nhà máy chế biến. Các cơ sở chế biến tiếp tục tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường nghiêm quản lý và kiểm tra việc khai thác gỗ, vận chuyển gỗ. Do đó, ngày 25/8/2020, Bộ Công thương đã ra Quyết định về việc Quản lý, theo dõi gỗ xuất nhập khẩu nhằm quy định việc tổ chức triển khai trên cả nước, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gỗ có hệ thống quản trị tốt hơn.

Quyết định của Bộ trưởng Công thương bao gồm 8 Điều và 32 Khoản, với mục đích xác định các nguyên tắc, quy định về việc quản lý, theo dõi và kiểm tra việc khai thác gỗ và xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ, nhằm quản lý gỗ một cách hiệu quả và đúng theo quy định pháp luật, khuyến khiachs sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hiện đại và bền vững. (Báo KT-XH, 02/7/2021).

Tỉnh Xaysomboun cấp phép 02 công ty khảo sát khoáng sản

Ngày 02/7/2021, Chính quyền tỉnh Xaysomboun đã tiến hành ký kết 02 Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH MTV Ximbioxy và Công ty Bualay Mangkonthong, theo đó cho phép hai công ty này khai thác, khảo sát và nghiên cứu tính khả thi về kinh tế - kỹ thuật quặng sắt, thiếc ở bản Xiengkhong, huyện Thathom và ở bản Thamlo, huyện Anouvong, tỉnh Xaysomboun. Lễ ký kết được tổ chức dưới sự chủ trì của Tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun Khamlieng Outhakaysone; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Tỉnh trưởng, lãnh đạo các huyện  cùng đại diện các Sở ngành có liên quan đã tham dự buổi lễ.

Mỗi Biên bản ghi nhớ bao gồm 20 Điều với thời hạn hiệu lực là 24 tháng, trong đó phạm vi dự án được thực hiện đó là: khai thác - khảo sát quặng sắt đã được phê chuẩn, xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật và bản đánh giá tác động đối với môi trường, xã hội và tự nhiên, trong đó Công ty Ximbioxy được khai thác trên diện tích 156,56 km2, Công ty Bualay Mangkonthong được phép khai thác trên diện tích 189,4 km2, số tiền đảm bảo cho dự án của mỗi công ty 1 triệu USD, ngoài ra còn có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ thúc đẩy tỉnh thực hiện các nghĩa vụ trong 8 quỹ khác của tỉnh và của huyện như trong Biên bản ghi nhớ đã quy định. (Báo KTXH, 06/7/2021).

Đập thủy điện Namtheun 1 đạt tiến độ 90%

Dự án đập thủy điện Namtheun 1 đặt tại sông Kading tỉnh Bolikhamxay được phát triển bởi Tập đoàn Phonsak đã ký Biên bản ghi nhớ phát triển dự án với Chính phủ Lào vào năm 2012, đến năm 2016 đã thành lập Công ty Điện Namtheun 1, đồng thời ký Hiệp định nhượng quyền dự án và ký Hợp đồng mua - bán điện với Công ty Thái Lan EGAT và Công ty Điện lực Lào năm 2017.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Điện Namtheun 1 cho biết: Dự án này thuê thiết kế và quản lý xây dựng bởi công ty POYRY Energy (Thụy Sỹ), bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 6/2016 và quy định ngày mua - bán điện chính thức là tháng 5/2022, có thời gian nhượng quyền là 27 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất điện chính thức với ngân sách sử dụng trong dự án tổng cộng là 1.335 triệu USD, trong đó 70% là tiền vay của ngân hàng Thái Lan và 30% là từ các cổ đông. Công việc chính trong việc xây dựng bao gồm: xây dựng nhà nghỉ cán bộ và văn phòng; xây dựng tháp chứa nước, thân đập, máy phát điện, tháp dẫn nước và cửa xả nước, gắn máy sản xuất điện và hệ thống trang thiết bị quản lý, đồng thời xây dựng đường dây tải điện 500 KV xuất sang Thái Lan và đường tải điện 115KV xuất cho Điện lực Lào. Ngoài ra, còn quan tâm đến công tác xã hội và môi trường như bố trí công ăn việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng thủy điện hoặc khuyến khích công việc cho người dân. Từ ngày khởi công xây dựng, dự án đã đạt tiến độ 90% và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch đã đề ra. (Báo KT-XH, 29/6/2021).

Ngành may mặc ở Lào cần thêm 10.000 lao động

Hiện nay ngành công nghiệp may mặc ở Lào cần thêm 10.000 -15.000 lao động bao gồm cả người có và chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Hội Công nghiệp may mặc Lào Xaybandith Rasaphone cho biết, số lượng lao động này sẽ góp phần vào số lao động cắt may ở các Đặc khu kinh tế bởi ở những khu vực này cần số lao động nhiều hơn cả. Ngoài ra còn bổ sung vào lực lượng lao động may mặc ở thủ đô Viêng Chăn theo nhu cầu thực tế. Lao động sẽ phải trải qua quy trình khám sức khỏe đặc biệt là kiểm tra Covid-19 và phải tiêm đủ các mũi phòng Covid-19. Đồng thời, Hội công nghiệp may mặc sẽ phối hợp với các ngành liên quan của thủ đô để bố trí nơi ăn chốn ở cho các lao động từ tỉnh khác tới ứng tuyển. Các nhà máy sẽ tự tiến hành phỏng vấn và tuyển công nhân vào làm việc tùy theo nhu cầu và vị trí thực tế, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có thể tiến hành kinh doanh. (Báo KT-XH, 07/7/2021).

Hoàn thành văn phòng dã chiến Dự án Đối tác các-bon rừng

Ngày 06/7/2021, tại Văn phòng Nông Lâm huyện Loong tỉnh Luang Namtha đã diễn ra Lễ bàn giao Văn phòng dã chiến Dự án Đối tác các-bon rừng tại huyện Loong tỉnh Luang Namtha. Tham dự có Giảm đốc Phòng Quản trị và Tổ chức, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông Lâm Phetsom Phone Vonghachak, Giám đốc ngành Lâm nghiệp Sở Nông lâm tỉnh Luang Namtha Khammueng Dengmany và các cơ quan hữu quan. Buổi lễ đã thông qua báo cáo kết quả việc sửa chữa Văn phòng dã chiến Dự án Đối tác các-bon rừng tại huyện Loong. Văn phòng được bắt đầu xây dựng, sửa chữa từ 13/1/2021 cho đến nay đã hoàn thành 100%, do công ty xây dựng Xayphachan phụ trách với trị giá hơn 287,9 triệu Kíp. Đây là công trình do Dự án Đối tác các-bon rừng tài trợ. Ngoài ra còn ký Biên bản bàn giao và cắt băng khánh thành chính thức đưa Văn phòng vào sử dụng. (Báo KT-XH, 09/7/2021).

Hơn 200.000 lao động Lào về nước do dịch Covid-19

Ngày 09/7/2021, Cục Phát triển kỹ năng lao động và Tổ chức lao động (Lào) đã phối hợp với Cục Tổ chức lao động (Thái Lan) tổ chức cuộc họp chuyên môn Lào - Thái theo hình thức trực tuyến nhằm cùng thảo luận về các hình thức quản lý lao động Lào tại Thái Lan trong bối cảnh dịch Covid-19 nhằm đưa công tác quản lý lao động Lào làm việc tại Thái Lan ngày càng đi vào chiều sâu và bảo đảm tuân thủ luật lao động. Tham dự cuộc họp có Cục trưởng Cục Phát triển kỹ năng lao động và Tổ chức lao động, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Anousone Khamsingsavath đồng chủ trì với Giám đốc Cục Tổ chức lao động, Bộ Lao động Thái Lan.

Cục trưởng Anousone Khamsingsavath cho biết, cuộc họp trực tuyến lần này được triển khai theo Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động Lào - Thái nhằm đảm bảo lao động được bảo vệ và quản lý theo chính sách của hai nước, nhất là trong giai đoạn Covid-19, không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi của của lao động mà còn nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai nước. Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước và việc lao động Lào nôn nóng trở lại quê hương đã đặt ra gánh nặng cho Chính phủ trong việc hỗ trợ lao động về nước về mọi mặt. Do đó, việc trao đổi chuyên môn giữa hai bên để giúp đỡ lao động lào còn mắc kẹt ở Thái Lan và lao động Lào có ý định quay trở lại Thái Lan làm việc là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của Chính phủ.

Cục Phát triển kỹ năng lao động và Tổ chức lao động cho biết thêm: trong thời gian dịch bệnh, có rất nhiều công dân Lào trở về từ Thái Lan, tính đến tháng 5/2021 có tổng cộng 246.757 người, hiện tại đều đang trong tình trạng thất nghiệp. Do đó, cuộc họp lần này còn thảo luận về việc giúp đỡ những lao động bị mất việc, việc tiêm vắc-xin và xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh, sự tạo điều kiện của Thái Lan trong việc gia hạn hộ chiếu. (Báo KT-XH, 12/7/2021).

Saysomboun dừng nhận đăng ký mới các dự án đầu tư về lĩnh vực khoáng sản

    Ngày 08/7/2021, báo KT-XH đưa tin, tỉnh Saysomboun là một trong những tỉnh có giàu tài nguyên trong lòng đất và tài nguyên nước được bao phủ bởi các dãy núi trùng điệp, có nhiều loại khoáng sản giá trị, do vậy trong thời gian qua nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến Saysomboun để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khai  khoáng.

    Tuy nhiên, gần đây Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban thư ký khuyến khích và quản lý đầu tư tỉnh Xayadeth Vongsaravanh đã ban hành thông báo về việc tỉnh sẽ không tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới đối với các dự án đầu tư về lĩnh vực khoáng sản kim loại từ ngày 15/7/2021; đồng thời đã và tiếp tục thu hồi các dự án đã được chấp thuận từ Ban phát triển mục tiêu Trung ương và các dự án mà tỉnh đã tổ chức thực hiện để làm kinh tế.

    Đối với việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, năng lượng, dịch vụ kết nối và xây dựng các nhà máy công nghiệp vẫn tiếp tục tiếp nhận hồ sơ để xem xét, nghiên cứu cấp phép. (Báo KT-XH, 08/7/2021)

Dự án thủy điện Nậm Công 3 và Nậm Công 1 sắp hoàn thành

    Ngày 17/7/2021, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo đã đến thăm và làm việc tại dự án thủy điện Nậm Công 3 và Nậm Công 1 tại tỉnh Attapeu.

    Dự án thủy điện Nậm Công 3 được khởi công xây dựng vào ngày 20/12/2020, tại bản Vangkhen, huyện Phouvong, tỉnh Attapeu, có tổng diện tích ngập nước khu vực thượng lưu là 646 km2, diện tích hồ chứa nước là 39 km2 với khối lượng nước khoảng 573.500.000 km3, đập cao 65 m, rộng 58,7 m, hầm dài 824 m; công suất thiết kế 54 MW, hệ thống truyền tải điện 116 KV. Đến nay, tiến độ xây dựng dự án đạt 99,17%, trong đó: hạng mục đập đạt 97,73%; hệ thống xả nước đạt 99,2%; hầm dẫn nước đạt 100%...; việc lắp đặt thiết bị, máy 97,9%; hệ thống truyền tải, trạm biến thế đạt 95%.

Theo kế hoạch, tháng 10/2021 dự án sẽ hoàn thành, vận hành phát điện và xuất bán về Việt Nam 100% sản lượng.

Dự án thủy điện Nậm Công 1 nằm ở hạ lưu của dự án Nậm Công 3, có công suất lắp đặt 150 MW, tiến độ xây dựng đạt gần 100%, sau khi hoàn thành sẽ xuất bán điện sang Campuchia. (Báo KT-XH, 20/7/2021)     

 

 

BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Trịnh Thị Tâm

Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa, Hà Bảo Trâm


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: