Notifications
Clear all
Topic starter
11/07/2023 2:35 chiều
TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Thủ tướng Chính phủ Lào cam kết giải quyết khó khăn về kinh tế
Ngày 26/6/2023, tại thủ đô Vientiane, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 9 được tiến hành, báo cáo tại phiên khai mạc Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tăng trưởng kinh tế Lào đã đạt mục tiêu 4,8% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Thủ tướng nêu những thách thức về kinh tế và tài chính mà Lào đang phải đối mặt và đề ra các biện pháp giải quyết. Dự kiến kinh tế Lào sẽ đạt mức tăng trưởng 4,9% trong quý II/2023, với tương ứng giá trị 118.467 tỷ Kíp. Nền kinh tế Lào tiếp tục bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài và bên trong. Giá nhiên liệu tăng, nợ công cao, lượng ngoại tệ thu hút từ các khoản vay và đầu tư nước ngoài giảm đã gây áp lực buộc Lào phải tìm kiếm thêm, đặc biệt là đồng Baht Thái Lan và USD để nhập khẩu hàng hóa. Đồng Kíp bị ảnh hưởng, suy yếu do tác động từ việc tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).
Thủ tướng Sonxay cho biết, kinh tế Lào dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài. Năm 2022, tuy thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD, nhưng chỉ có khoảng hơn 30% doanh thu xuất khẩu vào hệ thống tài chính, ngân hàng Lào, việc nhập khẩu trái phép hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới địa phương và truyền thống vẫn là mối lo ngại lớn.
Thủ tướng cam kết, Chính phủ quyết không để Lào vỡ nợ, sẽ ổn định tỷ giá hối đoái, kiềm chế lạm phát và điều tiết giá cả hàng hóa. Trong 6 tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ sẽ nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thu ngân sách, tạo các nguồn thu mới, khắc phục những thất thoát tài chính, siết chặt chi tiêu ngân sách và theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng để tăng thu ngân sách, tích lũy trả nợ. Khoản nợ 8.000 tỷ Kíp của các doanh nghiệp tư nhân cũng được cam kết cơ cấu lại các khoản nợ, chuyển nợ của các công ty tư nhân sang các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân có thể duy trì được dòng tiền, vượt qua các khó khăn về nguồn vốn.
Chính phủ sẽ bảo đảm tăng nguồn ngoại tệ cho các công ty nhập khẩu nhiên liệu, hiện đại hóa dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, cải cách hệ thống giao dịch tài chính xuất nhập khẩu, kiểm soát ngoại tệ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian phê duyệt các dự án, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án có quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng; cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Kỳ họp thường kỳ thứ 5 của Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 26/6/2023 đến 18/7/2023, tại Kỳ họp này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thông qua dự thảo 04 bộ luật mới liên quan đến sức khỏe cộng đồng, tạo việc làm, thuế đất đai và thanh niên Lào và sửa đổi 06 luật hiện hành liên quan đến ngân hàng thương mại, thủy sản, động vật hoang dã, in ấn, bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, tòa án quân sự. (Vientiane Times, 27/6/2023)
Những bất ổn chính về kinh tế tại Lào
Nền kinh tế ở Lào bị đè nặng bởi những thách thức về cấu trúc, bất ổn kinh tế vĩ mô và môi trường bên ngoài xấu đi. Tăng trưởng GDP ước tính đạt 2,7% vào năm 2022 chủ yếu do sự phục hồi dần dần của ngành du lịch và các dịch vụ khác. Tuyến đường sắt Lào-Trung và cảng cạn mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại và du lịch, với các hoạt động xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên khả năng phục hồi kinh tế đã bị suy giảm do sự bất ổn kinh tế vĩ mô và các yếu tố khách quan. Yêu cầu thanh toán các khoản nợ nước ngoài lớn cùng với giá nhập khẩu cao và ngoại hối hạn chế đã tác động đến sự sụt giảm của đồng Kíp, gây ra lạm phát cao, làm suy yếu thu nhập, tiêu dùng và đầu tư.
Đồng Kíp mất giá, lạm phát cao ở mức 40% trong năm (tính đến tháng 4/2023). Giá hàng hóa toàn cầu tăng, đặc biệt là nhiên liệu và phân bón, dẫn đến việc tăng chi phí nguyên vật liệu và các mặt hàng sản xuất trong nước. Lạm phát giá lương thực lên tới 52% so với cùng kỳ năm ngoái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ nghèo thành thị.
Thu nhập hộ gia đình bị lạm phát gây ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù tỷ lệ hộ gia đình mất thu nhập đã giảm, song thu nhập của gần 2/3 người lao động giữ nguyên hoặc giảm sút trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao. Đến cuối năm 2022, 64% gia đình Lào đang sống với mức ngân sách bằng hoặc thấp hơn so với 01 năm trước đó.
Củng cố tài khóa được thúc đẩy qua việc thắt chặt chi tiêu và tăng nhẹ khoản thu nội địa. Thâm hụt ngân sách giảm nhẹ. Cán cân cơ bản, không bao gồm các khoản thanh toán lãi, cho thấy thặng dư nhỏ. Tuy nhiên, doanh thu vẫn thấp hơn so với trước đại dịch và nghĩa vụ trả nợ còn cao. Việc thiếu không gian tài khóa đang hạn chế khả năng của Chính phủ trong việc hỗ trợ các hộ nghèo hoặc đầu tư vào y tế và giáo dục.
Nợ công và nợ được bảo lãnh đã đến mức nghiêm trọng, làm suy yếu sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng phát triển. Lào phải đối mặt với những thách thức cả về khả năng thanh toán và thanh khoản, với khoản nợ ước tính lên tới hơn 110% GDP vào năm 2022. Ngành năng lượng chiếm khoảng 37% tổng nợ vào năm 2021. Trung Quốc nắm giữ khoảng một nửa tổng nợ nước ngoài và các khoản đến hạn vào năm 2023-2026. Do tỷ lệ thanh toán nợ trên thu nội địa tăng từ 35% lên 61% từ năm 2017 đến năm 2022, chi tiêu cho giáo dục và y tế đã giảm từ 4,2% GDP xuống còn ước tính 2,6% trong cùng kỳ.
Mất cân bằng đối ngoại vẫn ở mức cao trong bối cảnh nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu và trả nợ còn cao. Xét theo tỷ lệ so với GDP, cán cân tài khoản vãng lai xấu đi một chút vào năm 2022 do thặng dư thương mại thấp hơn và các khoản thanh toán thu nhập ròng tăng lên. Tăng trưởng xuất khẩu được bù đắp một phần bởi giá nhập khẩu cao hơn, đặc biệt là nhiên liệu. Dòng vốn vào vẫn hạn chế khi đầu tư nước ngoài giảm. Với chỉ một phần ba doanh thu xuất khẩu vào khu vực ngân hàng trong nước, mức ngoại hối là không đủ.
Nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 3,9% vào năm 2023 và tăng tốc lên mức trung bình 4,3% trong trung hạn, nhờ sự phục hồi liên tục của các ngành dịch vụ và xuất khẩu. Nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ giúp duy trì xuất khẩu nông nghiệp và sản xuất, trong khi ngành công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ đầu tư vào ngành điện và các đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến sẽ vẫn ở dưới mức trước Covid, do những điểm yếu về cơ cấu. Lạm phát sẽ vẫn tăng cao vào năm 2023, một phần do giá hàng hóa cao và đồng Kíp mất giá. Nếu sự mất cân bằng cơ cấu được giải quyết, nền kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn.
Triển vọng kinh tế chịu rủi ro suy giảm đáng kể. Rủi ro bên ngoài bao gồm tăng trưởng thấp và nhu cầu trong các nền kinh tế khu vực. Mặt khác, lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến có thể khiến lãi suất tăng thêm và gây áp lực mới lên đồng Kíp. Rủi ro trong nước bao gồm các vấn đề về tái cấp vốn nợ nước ngoài, cải cách cơ cấu chậm tiến độ và bảng cân đối ngân hàng xấu đi. Tình trạng thiếu lao động do di cư để có mức lương tốt hơn cũng có thể làm suy yếu triển vọng phục hồi trong nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ. (Theo World Bank, 19/5/2023)
Tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ xuống 38,86% vào tháng 5/2023
Ngày 05/6/2023, Vientiane Times đưa tin, theo thông báo mới nhất của Cục Thống kê Lào, lạm phát tháng 5/2023 của Lào đã giảm xuống 38,86%, tuy nhiên các chỉ số vẫn còn rất cao khiến cho thu nhập của người dân giảm, sức tiêu thụ và đầu tư đều kém hơn. Đồng Kíp mất giá là một trong số các nguyên nhân chính của tình trạng lạm phát này khi mà 1/3 số hàng hóa của Lào đều phải nhập khẩu và thanh toán bằng ngoại tệ. Bốn tháng đầu năm, đồng Kíp đã mất đến 32% giá trị so với đồng Baht Thái và 43% đối với đồng USD.
Trong tháng Năm, giá hàng tiêu dùng bị đẩy cao bởi giá thực phẩm và thức uống không cồn, tăng đến 52,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là dịch vụ chăm sóc y tế và dược phẩm (tăng 40,78%), nhà hàng - khách sạn (tăng 38,73%), đồ dùng gia đình (tăng 35,65%) và quần áo - giày dép (tăng 28,34%).
Chính phủ Lào đã cam kết sẽ thắt chặt tỷ giá hối đoái và chi tiêu công, đồng thời nỗ lực tăng nguồn thu trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều cần thiết là Lào phải thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm giảm hàng nhập khẩu, hiện Lào phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng hóa, nguyên nhiên liệu từ nước ngoài.
Kim ngạch thương mại hai chiều tháng 5 đạt 1 tỷ USD, nhưng nhập siêu tăng cao
Ngày 23/6/2023, Cổng thông tin Thương mại Bộ Công Thương Lào công bố, giá trị thương mại hai chiều tháng 5/2023 đạt 1.087 triệu USD. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm giá trị lượng điện Lào bán cho các quốc gia khác.
Theo số liệu cập nhật, trị giá xuất khẩu tháng 5/2023 ước đạt khoảng 520 triệu USD, trong khi đó nhập khẩu ước đạt 567 triệu USD, thâm hụt thương mại là 47 triệu USD, tăng đáng kể so với mức thâm hụt 17 triệu USD được ghi nhận trong tháng Tư. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Lào trong tháng 5 bao gồm vàng và vàng miếng, muối kali, giấy và các sản phẩm từ giấy, quặng sắt và quặng vàng, trong khi tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất bao gồm dầu diesel, xe cộ, thiết bị cơ khí, thép và đồ uống. Theo dự đoán xuất khẩu nông sản bao gồm chuối sẽ tăng trong những năm tới khi có nhiều thị trường mở ra do những cải tiến về giao thông của tuyến Đường sắt Lào-Trung Quốc.
Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan là trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của các sản phẩm của Lào, và cũng là các đối tác thương mại nhập khẩu hàng hóa chủ yếu của Lào. (Vientiane Times, ngày 26/6/2023)
Khu vực công và tư tìm kiếm các giải pháp để kiềm chế lạm phát
Ngày 16/6/2023, tại thủ đô Vientiane, Viện Khoa học xã hội và kinh tế Lào đã tổ chức buổi tham vấn nhằm tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp để kiềm chế lạm phát và tình trạng giá cả hàng tiêu dùng ngày càng leo thang tại Lào, với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp khu vực công và tư.
Tại buổi tham vấn, nhiều vấn đề và giải pháp được các đại biểu thảo luận như: thực thi đầy đủ và hiệu quả các luật, quy định mà Chính phủ Lào đã ban hành, đặc biệt là chính sách quản lý ngoại tệ. Đại diện doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần có cơ quan đặc biệt để giám sát việc thi hành các luật, quy định này; đề nghị cấm nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, hoặc sản phẩm mà Lào đã có thể tự sản xuất, nuôi trồng, chế biến trong nước để đối phó với việc giá cả hàng hóa ngày càng leo thang. Đồng Kíp yếu, chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thị trường tự do và trong hệ thống ngân hàng cao, gây ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Giải pháp trước mắt được đề xuất đó là các doanh nghiệp khu vực tư nhân cần đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để tìm nguyên nhân thực sự của tình trạng lạm phát gia tăng nhằm biện pháp giải quyết vấn đề này. (Vientiane Times, 19/6/2023)
Đầu tư vào các dự án tô nhượng giảm, lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng lên.
Ngày 01/6/2023, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Lào (LAS), năm 2022, mặc dù các dự án tô nhượng và đặc khu kinh tế ở Lào sụt giảm, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng lên đáng kể.
Năm 2020, giá trị đầu tư dự án tô nhượng đã giảm từ 7,39 tỷ USD xuống chỉ còn 2,41 tỷ USD vào năm 2021 và 2,14 tỷ USD vào năm 2022. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự sụt giảm lớn trong đầu tư vào các dự án thủy điện vào năm 2021 và 2022. Năm 2021, giá trị đầu tư vào các đặc khu kinh tế đã giảm 69%, từ 210,1 triệu USD xuống chỉ còn 65,7 triệu USD vào năm 2022, do Đặc khu kinh tế Savan Seno không có khoản đầu tư mới đăng ký. Ngược lại, năm 2022, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký tại Lào tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021 (13.392), khoảng 18.218 doanh nghiệp đăng ký mới; với tổng vốn đăng ký tăng từ 82,87 nghìn tỷ Kíp vào năm 2021 lên 138,03 nghìn tỷ Kíp năm 2022, tăng 67%; trong đó, ngành thương mại bán buôn, bán lẻ và sửa chữa phương tiện chiếm lượng vốn đăng ký lớn nhất, chiếm 31,4% tổng số; tiếp theo là cung cấp điện/khí đốt/điều hòa không khí (13,5%), kinh doanh tài chính và bảo hiểm (12,8%), khai khoáng (9,3%) và công nghiệp chế biến (7,8%); vốn đăng ký trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng vọt từ 6,39 nghìn tỷ Kíp năm 2021 lên 17,63 nghìn tỷ Kíp năm 2022. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp ở Lào.
Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký mới phản ánh nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của Chính phủ Lào khi khuyến khích nhiều đơn vị tham gia kinh doanh, từ đó tạo việc làm và tạo thêm nguồn thu cho Chính phủ. Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như hàng không, đại lý du lịch, khách sạn, dịch vụ vận tải, nhà hàng, tiệm massage, câu lạc bộ golf đang phục hồi.
Đặc khu Kinh tế tại Vientiane giúp tạo việc làm và tối đa hóa thu ngân sách
Ngày 30/5/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu tại sự kiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) nhằm thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng; Giám đốc Văn phòng Quản lý Đặc khu Kinh tế Vientiane Thanongxay Khoutphaythoune cho biết Đặc khu kinh tế (SEZ) tại Vientiane tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo cơ hội đầu tư và việc làm cho người dân địa phương. Thỏa thuận nói trên sẽ cho phép các ngân hàng của Lào cung cấp các dịch vụ ngân hàng đáp ứng một cách cụ thể yêu cầu của các nhà đầu tư, thương nhân và người lao động, trong đó bao gồm các dịch vụ gửi và rút tiền mặt cũng như trao đổi ngoại tệ.
Hiện tại, có tổng cộng 190 công ty trong và ngoài nước đã đăng ký tại các SEZ ở Vientiane, với vốn đăng ký là 894 triệu USD và dự kiến kế hoạch đầu tư lên tới 5,9 tỷ USD. Lượng xuất, nhập khẩu tại các khu kinh tế được cấp phép của Vientiane hiện đạt giá trị hơn 3,8 tỷ USD. Theo thông báo của Văn phòng Xúc tiến và Quản lý Đặc khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi thành lập Đặc khu kinh tế đầu tiên vào năm 2003, tổng cộng đã có 21 SEZ được thành lập tại 7 tỉnh với diện tích hơn 34.000 ha, trong đó đã triển khai thực tế trên diện tích 13.000 ha.
Tổng cộng có 1.209 công ty Lào và nước ngoài hiện đang hoạt động kinh doanh tại các SEZ, tạo ra hơn 63.000 việc làm, trong đó có 32.000 lao động là người Lào. Hơn 1 nghìn tỷ Kíp đã được nộp vào ngân sách nhà nước và hàng hóa xuất khẩu từ các Đặc khu Kinh tế có trị giá tới 3 tỷ USD.
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Thủ tướng Lào thúc đẩy việc thực hiện nền kinh tế số, xã hội số
Ngày 26/5/2023, Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào, với sự hỗ trợ từ ngân hàng Metabank Singapore tổ chức Hội nghị nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Lào.
Các công nghệ được đề xuất bao gồm blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), internet tốc độ cao, internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, ví điện tử, chuyển tiền và thanh toán trực tuyến, thực tế ảo và tương tác thực thế (Augmented Reality).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã kêu gọi các cơ quan liên quan cần hành động quyết liệt nhằm phát triển 03 trụ cột số (kinh tế, Chính phủ và cộng đồng) nhằm tạo bước đột phá cho kinh tế-xã hội quốc gia. Theo Thủ tướng Sonexay, công nghệ sẽ mang lại các cơ hội và dịch vụ mới để tạo ra những chuyển biến nhanh chóng và thúc đẩy tiến độ của quá trình phát triển kinh tế xã hội và quản lý đất nước. Đây là xu hướng chung toàn thế giới, các nước đều đang tận dụng để phát triển đô thị thông minh, chính quyền thông minh, các nền kinh tế - cộng đồng và cuộc sống thông minh.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Lào đã triển khai Tầm nhìn phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 2021-2040, Chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng Sonexay nhấn mạnh về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, đi cùng với các nền tảng pháp lý cần thiết để hỗ trợ các nội dung trên cũng như quá trình chuyển đổi số tại Lào.
Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara cho biết, Bộ đã hợp tác với Ngân hàng Metabank nhằm phát triển Cơ sở hạ tầng chuỗi khối quốc gia của Lào để hỗ trợ việc số hóa. Một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ chuỗi khối và một quỹ chuyển đổi số đã được thành lập nhằm hỗ trợ việc phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Theo đại diện ngân hàng Metabank Singapore, nền kinh tế số của Lào, thông qua chương trình mẫu giai đoạn 2023-2025 được dự đoán có thể tạo ra doanh thu hơn 7 tỷ USD. Con số này bao gồm hơn 1 tỷ USD năm 2023, tăng lên hơn 2 tỷ USD năm 2024, trước khi nhảy vọt lên 4 tỷ USD năm 2025.
Hiện nay, đã có 150/195 nền kinh tế trên thế giới phát triển các chiến lược kinh tế số cho quốc gia với tổng giá trị của nền kinh tế số toàn cầu đã vượt qua 20 nghìn tỷ USD. (Vientiane Times, 29/5/2023)
Chính phủ và các đối tác rà soát những vấn đề ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư
Ngày 06/6/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Manothong Vongsay và Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Lào, bà Ina Marciulionyte đồng chủ trì cuộc họp Nhóm Công tác về Thương mại và Khu vực Tư nhân lần thứ 20, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các bộ ngành, đại sứ quán, các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Cuộc họp tập trung thảo luận các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường thương mại và đầu tư, công tác chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN của Lào vào năm 2024 và một số chủ đề quan trọng khác.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Manothong khuyến khích các cơ quan Chính phủ tăng cường vai trò then chốt trong việc hoạch định chính sách đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền tài sản và thuế, cung cấp cơ sở hạ tầng, hoạt động của thị trường tài chính và lao động. Ông quan tâm, trao đổi quan điểm về các điều kiện ưu tiên tác động đến môi trường thương mại và đầu tư ở Lào, đồng thời đưa ra các hành động chính sách kịp thời trước khi các vấn đề trở thành rào cản ràng buộc các bên trong thương mại và đầu tư.
Bà Ina Marciulionyte cho rằng, khu vực tư nhân tiếp tục đối mặt với tình trạng khó khăn do lạm phát ở mức rất cao, đồng tiền của Lào giảm giá trị, chi tiêu công bị thắt chặt và dịch chuyển lao động. Bà nhấn mạnh, trong tình hình kinh tế và tài chính khó khăn như hiện nay buộc Chính phủ phải giảm mạnh chi tiêu công, để góp phần đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội Quốc gia lần thứ 9, cần thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài là việc làm cấp thiết hơn bao giờ hết. (Vientiane Times, ngày 08/6/2023).
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Lào được hỗ trợ để tăng tính cạnh tranh
Ngày 01/6/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng TM-CN Quốc gia Lào, và sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong dự án Môi trường Kinh doanh Lào, đã trao các chứng nhận doanh nghiệp cho các doanh nghiệp tham dự chương trình Mạng lưới cố vấn doanh nghiệp Asean (AMEN) tại Lào. Chương trình kéo dài 12 tuần cho 27 doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng cao tại Lào, nhằm giúp họ có thể tăng tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận nguồn vốn và phân tích thị trường.
AMEN là một chương trình đào tạo theo từng mô-đun được thiết kế cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và được thực hiện bởi các cố vấn có kinh nghiệm, uy tín. Chương trình đã được thử nghiệm tại Malaysia, Indonesia và Philippine vào năm 2019, và hiện nay được triển khai trên khắp các nước Asean. Đại diện USAID đã phát biểu tại buổi trao chứng nhận rằng, Lào có tiềm năng khởi nghiệp dồi dào, và việc hoàn thành chương trình AMEN là một cam kết của USAID để hỗ trợ Chính phủ cũng như Phòng TM-CN QG Lào nhằm phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Theo kết quả Điều tra kinh tế Lào lần 3 do Cục Thống kê Lào thực hiện trong năm 2019-2020, các doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đa số kinh tế Lào với khoảng 94,2% trong tổng số 133.997 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đa số tập trung ở khu vực miền Trung và các thành phố lớn, trong khi có ít doanh nghiệp tại phía Nam và khu vực nông thôn nơi hệ thống giao thông còn kém phát triển. Kết quả điều tra cũng cho thấy, các doanh nghiệp siêu nhỏ này chiếm tỷ lệ ít nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, trong khi lại chiếm tỷ lệ tổng số doanh nghiệp nhiều nhất
Ngân hàng CHDCND Lào triển khai kế hoạch mới, ổn định đồng Kíp
Ngày 14/6/2023, Vientiane Times đưa tin, hiện nay tỷ giá hối đoái trên thị trường Lào tiếp tục có sự biến động do tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài như nhu cầu ngoại tệ của xã hội, việc niêm yết tỷ lệ lãi suất của ngân hàng và các yếu tố khác.
Nhằm quản lý tỷ giá hối đoái trên thị trường, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã thực thi 02 biện pháp: (i) xác định tỷ giá tham chiếu và thông báo tỷ giá qua trang điện tử của ngân hàng vào 08h10’ mỗi ngày làm căn cứ để các ngân hàng thương mại xác định tỷ giá hối đoái của họ theo giới hạn do BOL quy định; (ii) Một số nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái: xác định tỷ giá mua/bán đồng Kíp và USD không vượt quá +/- 4,5%, chênh lệch giữa tỷ giá mua/bán không vượt quá 1% khi quy đổi đồng Kíp với đồng Baht, Nhân dân tệ và đồng Euro.
Theo tin liên quan, ngày 19/62023, Thống đốc Ngân hàng trung ương Bounleua Sinxayvoravong ban hành Quyết định về tỷ giá mua bán đồng Kíp/USD của ngân hàng thương mại không được chênh lệch quá +/-7,5% so với tỷ giá tham chiếu hàng ngày của BOL. Trước đây, theo quy định mua bán đồng Kíp/USD của các ngân hàng, tỷ giá bán được phép thay đổi không quá +/- 4,5% so với tỷ giá tham chiếu.
Việc áp dụng các tỷ giá trao đổi, độ chênh lệch không được vượt quá 2%. Trước đây, chênh lệch giữa tỷ giá mua và bán của đồng Kíp so với đô la Mỹ, euro, Baht, Nhân dân tệ và các đồng tiền khác quy định không được phép vượt quá 1%. Chính sách mới sẽ cho phép các ngân hàng thương mại mua và bán ngoại tệ với tỷ giá sát gần với tỷ giá của thị trường tự do. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại nếu các Ngân hàng thương mại không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tiếp tục chênh cao.
Động thái mới này của Ngân hàng trung ương nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, giảm bớt những khó khăn tài chính mà toàn xã hội hiện đang gặp phải.
Ngân hàng CHDCND Lào tái lập Cục Quản lý ngoại hối
Ngày 01/6/2023, tại trụ sở chính ở thủ đô Vientiane, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã khôi phục Cục Quản lý Ngoại hối (QLNH) sau hơn 20 năm ngừng hoạt động để quản lý ngoại tệ trong nước trong bối cảnh đồng Kíp vẫn tiếp tục mất giá. Cục QLNH đã được thành lập từ năm 2001 nhằm quản lý lưu thông ngoại tệ tại Lào, sau đó được sát nhập với Vụ Chính sách tiền tệ.
Theo BOL, hiện nay Lào ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với các đối tác nước ngoài về thương mại và đầu tư, nhu cầu ngoại tệ ngày càng gia tăng. Lào đã ban hành thông báo số 04/PCO của Văn phòng TƯ Đảng ngày 13/01/2023 và Thông báo số 09/PM của Văn phòng Thủ tướng Lào ngày 27/01/2023 về việc BOL xem xét khả năng lập một đơn vị quản lý ngoại hối. Đơn vị này có chức năng kiểm soát nguồn thu ngân sách nhà nước từ thương mại, dịch vụ và đầu tư và các khoản nợ, tín dụng thương mại quốc tế, đồng thời giám sát các dòng tiền vào và ra khỏi nền kinh tế Lào. Cục QLNH đã được khôi phục trở lại, giữ vai trò quản lý thương mại, dịch vụ, đầu tư, nợ và các khoản vay thương mại quốc tế, quản lý đồng nội tệ và giám sát việc sử dụng ngoại tệ trong nước.
BOL sẽ hoàn thiện các chức năng của Cục QLNH và phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý ngoại hối theo hệ thống, khuyến khích sử dụng đồng Kíp và kiểm soát, hạn chế việc sử dụng ngoại tệ trong thanh toán nội địa của các doanh nghiệp và người dân. (Tổng hợp từ Vientiane Times ngày 05/6/2023 và Laotian Times ngày 03/6/2023).
Ngân hàng CHDCND Lào phổ biến đề án chính sách tín dụng kích cầu kinh tế
Ngày 01/6/2023, Vientiane Times đưa tin, thực hiện Nghị quyết số 56/QH ngày 08/7/2022 của Quốc hội, Thống đốc BOL Bounleua Sinxayvoravong thông báo tới các bộ ngành có liên quan về mục tiêu của chính sách tín dụng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu tổng quát của chính sách tín dụng là kích thích tăng trưởng kinh tế theo định hướng. BOL xúc tiến cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng doanh nghiệp trong nước. Chính sách tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có ý nghĩa quyết định để thay thế nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong nước, tạo việc làm, ổn định tài chính vĩ mô và chính sách tiền tệ, phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nhà nước tiếp cận các nguồn vốn.
Chính sách tín dụng kích cầu kinh tế được chia thành 2 nhóm gồm: (i) cấp bù lãi suất và (ii) phân bổ nguồn vốn cho địa phương, cụ thể:
Nhóm chính sách cấp bù lãi suất sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn vay, thông qua sử dụng vốn từ các ngân hàng thương mại, cấp bù lãi suất với nguồn ngân sách nhà nước 500 tỷ Kíp/năm hoặc 2.500 tỷ Kíp/5 năm. Lãi suất được tính toán theo cơ chế thị trường và tỷ lệ bù lãi suất. Lãi suất cho kỳ hạn ngắn không quá một năm sẽ là 5% và không quá 60% lãi suất của các ngân hàng thương mại. Lãi suất trung hạn từ 1 năm đến 3 năm là 4% và không quá 50% lãi suất ngân hàng thương mại. Còn đối với kỳ hạn dài từ 3 năm đến 5 năm, lãi suất sẽ không quá 40% lãi suất ngân hàng thương mại.
Nhóm chính sách phân bổ vốn cho các khu vực địa phương sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn vay, chẳng hạn như sử dụng vốn của BOL với số tiền lên tới 1.500 tỷ Kíp trong thời hạn không quá 5 năm. Nguồn vốn từ BOL sẽ được phân bổ cho các ngân hàng thương mại với lãi suất 3%/năm, các ngân hàng thương mại sẽ cho các doanh nghiệp vay với lãi suất từ 5,5% đến 6%/năm. Hỗ trợ lãi suất vay được quy định bằng đồng Kíp.
Theo chính sách cấp bù lãi suất, các khoản vay sẽ được cung cấp, phân bổ theo thứ tự ưu tiên cho bốn lĩnh vực: nông-lâm nghiệp (40%), công nghiệp-chế biến (25%), dịch vụ, du lịch và thủ công mỹ nghệ (25%) và lĩnh vực thương mại (10%). Theo kế hoạch về chính sách tín dụng phân bổ vốn cho địa phương, thủ đô Vientiane và các tỉnh Savannakhet, Champassak mỗi tỉnh sẽ được tiếp cận 100 tỷ Kíp và các tỉnh Phongsaly, Luang Namtha, Oudomxay, Bokeo, Luang Prabang, Xayaboury, Huaphan, Xieng Khuang, tỉnh Vientiane, Borikhamxay, Khammuan, Saravan, Xekong, Attapeu và Xaysomboun sẽ nhận 80 tỷ Kíp mỗi tỉnh.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và một số doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực ưu tiên sẽ được hưởng lợi từ chính sách cấp bù lãi suất. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các lĩnh vực ưu tiên đã nhận được chứng nhận kỹ thuật và toàn diện từ các ngành liên quan của địa phương sẽ đủ điều kiện để hưởng lợi từ chính sách phân bổ vốn cho địa phương. Điều kiện đối với đơn vị nhận vốn yêu cầu doanh nghiệp không được có nợ xấu (NPL) và có phương án kinh doanh rõ ràng, chính xác.
Các ngân hàng có thể tham gia dự án bao gồm: ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, ngân hàng thương mại liên doanh nhà nước và ngân hàng có vốn đầu tư tư nhân trong nước. BOL hiện đang thành lập một số ủy ban để thực hiện hai chính sách nhỏ này ở cấp trung ương và cấp tỉnh, đồng thời xây dựng các quy định, biện pháp và nguyên tắc có thể được sử dụng làm cơ sở tham khảo cho việc thực hiện dự án trên thực tế.
Ngân hàng CHDCND Lào tăng cường hợp tác ứng phó với các khó khăn kinh tế
Ngày 26/6/2023, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 9, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Bounleua Sinxayvoravong cho biết, BOL sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi vẫn tăng cường hợp tác với các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo sự ổn định về đường lối, chính sách trong 06 tháng cuối năm 2023.
Theo Thống đốc, kinh tế toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh Nga - Ucraine và sự phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19. Kinh tế Lào rơi vào tình trạng mất cân bằng cung-cầu ngoại tệ, dẫn đến tỷ giá tiếp tục biến động và nhiều thách thức để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 9% mà Quốc hội đã đề ra. Lào vẫn đang trong quá trình phục hồi, tuy nhiên tiến trình là khá chậm do phải đối mặt với các khó khăn về kinh tế, tài chính, đồng thời cơ cấu kinh tế vĩ mô vẫn thiếu cân bằng, ngân sách và tiền tệ vẫn bị thâm hụt, nợ công và dự trữ ngoại tệ vẫn còn tồn tại. Năng lực sản xuất vẫn còn yếu, là một thách thức chính của việc duy trì sự ổn định của đồng Kíp và kinh tế vĩ mô của đất nước.
Thời gian tới, BOL sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện kế hoạch hành động sáu tháng cuối năm thông qua việc thúc đẩy chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, quản lý sự bền vững của các cơ sở tài chính và hệ thống quản trị thanh toán. BOL sẽ thực hiện chính sách tín dụng để điều tiết nền kinh tế, phát triển thị trường vốn, tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan, bộ phận trong và ngoài ngành. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị cho hội nghị ngành ngân hàng khu vực ASEAN và ASEAN + 3 vào năm 2024 trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN của Lào. (Vientiane Times, 27/6/2023)
Khuyến khích sử dụng các đồng tiền bản địa của các nước láng giềng trong thương mại và đầu tư
Ngày 29/5/2023, Vientiane Times đưa tin, BOL đang phối hợp với các đơn vị nhà nước và tư nhân để tìm kiếm giải pháp nhằm khuyến khích sử dụng các đồng tiền bản địa của các nước láng giềng trong các hoạt động thương mại và đầu tư, giảm sử dụng ngoại tệ mạnh và ngăn chặn tình trạng chênh lệch cao về tỷ giá hối đoái.
Các đối tác chính của Lào trong thương mại và đầu tư là 3 nước láng giềng: Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, từ tháng 01/2020, việc sử dụng đồng tiền bản địa đã được thực hiện khi BOL ký thỏa thuận với Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa về việc sử dụng đồng tiền hai nước trong các giao dịch mua bán. Hơn nữa, theo đại diện BOL, trên quy mô toàn cầu và tại khu vực ASEAN, các nước cũng đã có xu hướng sử dụng các đồng tiền bản địa để thúc đẩy thương mại và tránh phụ thuộc vào một loại tiền tệ mạnh nào đó.
Việc ký thỏa thuận với Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa được coi là một sáng kiến về chính sách. Còn nhiều vấn đề cần được thực hiện như việc chuẩn bị của các ngân hàng thương mại về chuyển tiền thanh toán, biên nhận ký gửi, xác định tỷ giá trao đổi trực tiếp mà không qua đồng tiền trung gian, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hoạt động này. BOL cũng đang tích cực mở rộng hoạt động hợp tác với các đối tác lớn của Lào về thương mại, đầu tư nhằm tăng cường hợp tác tài chính, giảm phụ thuộc vào các loại ngoại tệ mạnh và ổn định tỷ giá đồng Kíp.
Chính phủ dự thảo luật về các đặc khu kinh tế
Ngày 07/6/2023, Vientiane Times đưa tin, tại tỉnh Oudomxay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tiến hành tổ chức cuộc họp thảo luận dự thảo luật về Đặc khu kinh tế (ĐKKT) tại Lào nhằm điều tiết hoạt động của các ĐKKT nhằm thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tham dự có đại diện các các Bộ, ngành liên quan.
Luật về ĐKKT nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý, xây dựng lòng tin cho các đơn vị phát triển và các nhà đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh về thương mại, thu hút thêm đầu tư và điều tiết hiệu quả hoạt động của các ĐKKT.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lào Khamchan Vongsenboun cho biết, hiện nay Lào có 21 ĐKKT trên 7 tỉnh thành với hơn 1.000 doanh nghiệp đã đầu tư và tổng vốn đăng ký đạt hơn 64 tỷ USD, nộp thuế và lệ phí khác hơn 800 tỷ Kíp, thu hút hơn 63 nghìn lao động tại các ĐKKT này. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tìm phương pháp để thúc đẩy hoạt động của các ĐKKT có chất lượng, hiệu quả.
Theo Nghị quyết Quốc hội Lào, giai đoạn 2020-2025 phải hoàn thành dự thảo và ban hành Luật ĐKKT, giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo nội dung Luật, với tiêu chí đảm bảo các khoản thuế đều được thu đủ, lao động địa phương được tuyển dụng và hoạt động của các ĐKKT không ảnh hướng xấu đến cộng đồng dân cư.
Tháng 10/2022, Bộ KH-ĐT bắt đầu triển khai soạn thảo, với sự tư vấn của các chuyên gia. Dự kiến, cuối năm 2023 sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội thảo luận và thông qua.
Phó thủ tướng Lào yêu cầu ĐKKT Bokeo sử dụng đồng Kíp trong các giao dịch tài chính
Ngày 21/6/2023, Vientiane Times đưa tin, tại buổi làm việc với chính quyền tỉnh Bokeo và Ban Quản lý Đặc khu kinh tế Bokeo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công an Vilay Lakhamfong đã yêu cầu sử dụng đồng Kíp trong các giao dịch tài chính tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng. Ông khuyến cáo Ban quản lý Đặc khu sử dụng đồng Kíp khi mua bán, trao đổi, thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, đồng thời các vấn đề phát sinh trong khu cần được giải quyết theo chỉ đạo của chính quyền cấp trên.
Tập đoàn Dok Ngiew Kham, đơn vị điều hành Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng, gần đây đã đưa ra thông báo rằng các cửa hàng trong Đặc khu phải treo bảng hiệu bằng cả tiếng Lào và tiếng Trung Quốc, do Văn phòng Quản lý và Xúc tiến Đặc khu Kinh tế cung cấp. Tất cả các doanh nghiệp trong Đặc khu hiện được yêu cầu chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng Kíp. Nhiều năm qua, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Baht Thái Lan là đồng tiền được sử dụng tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng.
Phó Thủ tướng cũng đã đề nghị cho các cơ quan chính quyền và Ủy ban Quản lý Đặc khu Kinh tế tỉnh Bokeo đẩy nhanh việc công bố và thực hiện Luật Quản lý Ngoại tệ trong Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng và chuyển sang sử dụng đồng Kíp trong việc mua bán hàng hóa và dịch vụ, như một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm nâng cao giá trị của đồng Kíp. Ngoài ra, ông nhấn mạnh việc cần phải đăng ký lao động trong đặc khu, quản lý lao động Lào và nước ngoài một cách có hệ thống, rõ ràng và phân bổ nhiều việc làm hơn cho người Lào. Trên hết, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh trật tự trong khu vực. Ban quản lý của khu cần hành động tích cực để chống lại nạn buôn người, mại dâm, tội phạm mạng, hoạt động Internet bất hợp pháp và quản lý phương tiện giao thông.
Các nhà quản lý khu vực nhượng quyền của Đặc khu kinh tế Tam giác vàng được yêu cầu đảm bảo rằng tất cả các hình thức phát triển đều phải tính đến yếu tố môi trường và hệ sinh thái, nhằm bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng được cải thiện để đảm bảo an toàn, tiện lợi và mỹ quan.
Bộ Lao động đặt mục tiêu tìm việc làm cho hơn 392 nghìn lao động trong năm 2024
Ngày 26/5/2023, Cục trưởng Cục Phát triển kỹ năng lao động, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Anousone Khamsingsavath cho biết, Bộ đang kỳ vọng sẽ tạo được việc làm và đào tạo nghề cho tối thiểu 392 nghìn lao động trẻ trong năm tới, trong số này có khoảng 15 nghìn việc làm mới, khoảng 1.700 người được kiểm tra tay nghề lao động theo tiêu chuẩn quốc gia. Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực tạo thêm nhiều việc làm mới cho thanh niên cả khu vực thành thị và nông thôn, với mục tiêu tìm việc cho khoảng 355.620 người hiện đang thất nghiệp, đa số là lao động di cư buộc phải hồi hương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua.
Chương trình tạo việc làm và đào tạo nghề được Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội thực hiện với sự phối hợp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua chương trình Đối tác ILO-Nhật Bản nhằm giúp tái hòa nhập cho người lao động nhằm đối phó với hậu quả của đại dịch Covid-19. Dự án của ILO sẽ xác định cung cầu của thị trường lao động tại các địa phương mục tiêu, các kỹ năng cần thiết và việc phát triển các kỹ năng lao động tại các địa phương này, góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người lao động để đáp ứng được công việc tại cả các khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. (Vientiane Times, 31/5/2023)
Quyết định chọn tuyến cho đề xuất đường cao tốc Vangvieng - Longcheng-Anouvong
Ngày 06/6/2023, Vientiane Times đưa tin, lộ trình của tuyến cao tốc theo kế hoạch giữa huyện Vangvieng của tỉnh Vientiane và các huyện Longchaeng, Anouvong tỉnh Xaysomboun đang được các quan chức Xaysomboun hoàn tất phương án.
Tuần trước, nhà thầu của dự án đã đưa ra báo cáo về ba phương án khả thi cho tuyến đường tại một cuộc họp do Tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun, ông Phoykham Hungbounyuang, chủ trì. Trước đó, việc khảo sát, thu thập dữ liệu và tiến hành nghiên cứu khả thi cho tuyến đường cao tốc đề xuất đã được Nhà thầu thực hiện theo Biên bản ghi nhớ ký kết với đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay mặt cho Chính phủ Lào.
Việc xây dựng đường cao tốc sẽ được chia thành hai đoạn, một đoạn nối huyện Vangvieng thuộc tỉnh Vientiane và huyện Anouvong thuộc tỉnh Xaysomboun và đoạn thứ hai giữa các huyện Anouvong và Longchaeng. Ba phương án chạy tuyến đã được đề xuất, trong đó mỗi phương án đều có các khoảng cách khác nhau. Chính quyền tỉnh Xaysomboun đã tiến hành thảo luận về những ưu và nhược điểm khác nhau của từng tuyến và thống nhất chọn tuyến đường ngắn nhất. Đây là tuyến chạy gần các khu dân cư và sẽ có ít tác động nhất đối với môi trường và cộng đồng địa phương.
Tỉnh Xaysomboun yêu cầu nhà thầu thực hiện môt số điều chỉnh đối với các nút giao thông giữa các huyện Vangvieng và Anouvong, đồng thời sắp xếp lại một số điểm kết nối được đề xuất giữa các huyện Anouvong và Longchaeng để thuận lợi hơn cho việc đi lại và phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Theo dự tính, với địa hình đồi núi nằm tương đối xa xôi của Lào, đường cao tốc sẽ gia tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa, giúp hành khách đi lại dễ dàng hơn và cải thiện điều kiện lái xe ở khu vực này.
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch Việt Nam-Lào 05 tháng đầu năm 2023
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào lũy kế đến hết tháng 5 năm 2023 đạt 701,4 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 224.9 triệu USD, giảm 12.1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Sắt thép các loại (đạt 19.5 triệu USD, giảm 46.6%); Hàng rau quả (đạt 17.7 triệu USD, giảm 3.5%); Sản phẩm từ sắt thép (đạt 16.7 triệu USD, giảm 20.1%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 16 triệu USD, giảm 36.9%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 14.4 triệu USD, giảm 28.6%); Phân bón các loại (đạt 8.8 triệu USD, giảm 48.7%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 6.6 triệu USD, giảm 5.6%); Sản phẩm gốm, sứ (đạt 6.2 triệu USD, tăng 16%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 6 triệu USD, giảm 13.5%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (đạt 3.7 triệu USD, tăng 10.7%); Hàng dệt, may (đạt 3.7 triệu USD, giảm 13.4%); Clanhke và xi măng (đạt 2.4 triệu USD, tăng 53.5%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 2.3 triệu USD, giảm 25.7%); Sản phẩm hóa chất (đạt 1.8 triệu USD, giảm 5.5%); Kim loại thường khác và sản phẩm (đạt 1.7 triệu USD, giảm 41.3%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 844.5 nghìn USD, giảm 70.6%); Cà phê (đạt 230.5 nghìn USD, giảm 8.9%).
Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 476.5 triệu USD, tăng 9.5% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: Cao su (đạt 66.3 triệu USD, giảm 23.5%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 46.4 triệu USD, giảm 28.2%); Phân bón các loại (đạt 33.7 triệu USD, giảm 20.2%); Ngô (đạt 21.1 triệu USD, tăng 398.6%); Hàng rau quả (đạt 1.4 triệu USD, giảm 70.3%); Kim loại thường khác (đạt 73.6 nghìn USD).
Ước 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào đạt 850,9 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Ký kết Thỏa thuận thanh toán qua biên giới giữa Việt Nam - Lào - Campuchia
Ngày 21/6/2023, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) thông báo sẽ tham gia vào việc mở rộng sử dụng đồng Riel bằng cách ký thỏa thuận với Ngân hàng trung ương Lào (BOL), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) và các nước khác trong khu vực nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ của mỗi nước trong nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng trực tuyến Bakong của họ.
Sáng kiến này được thực hiện sau khi NBC liên kết hệ thống thanh toán với Thái Lan, một điểm nhấn cho quyết định mở rộng thanh toán bằng đồng Riel đối với các nước khác. Phát biểu tại một sự kiện ở tỉnh Kampong Thom nhân dịp kỷ niệm 43 năm ra mắt đồng Riel, bà Chea Serey, Phó Thống đốc NBC nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng tiền này trong việc tăng cường sự phục hồi của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong khủng hoảng.
Bà Serey chỉ ra rằng, khi dự án kết nối được hoàn thiện, người có tài khoản Bakong tại Campuchia sẽ có thể thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, Lào, Thái Lan bằng đồng Riel. Và công dân của 4 nước cũng có thể chuyển sang tiền Riel nếu hiện diện tại Campuchia. Mục đích của dự án nhằm tăng giá trị và mở rộng sử dụng các đồng nội tệ khu vực đồng thời tạo thuận lợi cho việc thanh toán khi đi lại của người địa phương. Khi khách du lịch đến thăm Campuchia, người bán cần có mã QR cho phép họ quét bằng đồng Riel để thanh toán, do đó, nếu họ đặt mã QR bằng USD tại quầy của họ, khách du lịch sẽ không thể quét để thanh toán cho họ. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng Riel trong nước thay cho đồng USD.
Bà Serey chỉ ra rằng nhu cầu sử dụng Riel đang tăng dần khi lưu thông Riel ở Campuchia đã tăng trung bình 16,6%/năm lên khoảng 14,1 nghìn tỷ Riel (3,4 tỷ USD) vào năm 2022 từ mức xấp xỉ 356 triệu Riel vào năm 1998, nhưng xu hướng tăng Đồng USDvẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế Campuchia, đặc biệt là lạm phát về ngoại hối. Đồng thời việc đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác cũng có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch của đất nước vì khách du lịch nước ngoài cần chuyển đổi đồng nội tệ tương ứng sang USD để thanh toán cho các sản phẩm hoặc dịch vụ ở Campuchia mặc dù giá của chúng không đổi.
Việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng Riel và các đồng tiền nội tệ khác là một phần trong nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm tránh việc quá phụ thuộc vào đồng USD trong thanh toán quốc tế, dẫn đến khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất để cứu nền kinh tế nước mình thì gây tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác, đặc biệt trong thời gian vừa qua khi toàn cầu đều bị khủng hoảng kinh tế bởi đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga - Ucraina. (Tổng hợp từ KPL, ngày 21/6/2023)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
Giới chức ngoại giao và lãnh đạo truyền thông nhất trí cho rằng dự án BRI của Lào mang lại các lợi ích hữu hình chứ không phải là bẫy nợ
Ngày 06/6/2023, phát biểu trước giới truyền thông Lào và Trung Quốc cùng các vị khách tại sự kiện truyền thông điểm lại những thành tựu đạt được trong hợp tác BRI giữa Lào và Trung Quốc trong thập kỷ qua do Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, báo Paxason và Hiệp hội Nhà báo Lào phối hợp tổ chức tại Khu Phát triển Saysettha ở Vientiane, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Lào Savankhone Razmountry cho rằng tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, một phần của sáng kiến BRI, là một ví dụ điển hình về sự hợp tác hiệu quả giữa Lào và Trung Quốc trong khuôn khổ BRI.
Mở cửa phục vụ vào năm 2021, tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD nối thủ đô Vientiane của Lào với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, với khoảng cách hơn 1.000 km đã kết nối Lào với các quốc gia trong tiểu vùng, trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Việc kết nối được tăng cường đã thúc đẩy thương mại song phương và giao lưu nhân dân giữa Lào và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Đến Vientiane bằng đường sắt, Ma Xiao Ning, Giám đốc Ban Tin tức Quốc tế của Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc, cho biết lãnh đạo hai nước đã làm hết sức mình để đưa tuyến đường sắt hiện đại này thành hiện thực. Phát biểu tại sự kiện, bà cho rằng Đường sắt Lào-Trung Quốc là một dự án mang tính biểu tượng của sự hợp tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuyến đường sắt đã được đưa vào sử dụng tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tạo thuận lợi cho cuộc sống hàng ngày của người dân.
Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng kiêm Tổng Biên tập Báo Paxason Vanxay Tavinyarn ghi nhận BRI đã tạo ra những cơ hội to lớn và lợi ích rõ ràng cho các nước tham gia. Ông nói tại sự kiện “BRI đã tăng cường các mối quan hệ đối tác và giữ vững con đường đoàn kết, hợp tác, kết nối và cùng phát triển trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng có cùng chung tương lai cho nhân loại”.
Tổng Biên tập báo tiếng nước ngoài của Lào Thonglor Duangsavanh, cho biết hợp tác Lào-Trung Quốc trong khuôn khổ BRI đã mở rộng sang các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, năng lượng, giáo dục, y tế, du lịch và nông nghiệp. Theo ông, hợp tác BRI đã tạo ra những lợi ích thực sự cho Lào chứ “không phải là một cái bẫy nợ” như một số nhà phê bình đã tuyên bố sai lầm.
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào Wei Yanxiong đã mô tả tuyến đường sắt là một “tuyến đường vàng”, kết nối chặt chẽ sự phát triển của Lào và Trung Quốc. Nhà ngoại giao cho biết “đường vàng này sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và du lịch của Lào hướng tới mùa xuân, mang lại hy vọng mới cho việc giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế ở Lào”.
Các bình luận trên đây đã lặp lại quan điểm của Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith, người đã nói rằng Đường sắt Lào-Trung Quốc là một “cơ hội, không phải là một cái bẫy nợ” khi trả lời phỏng vấn hãng Nikkei bên lề hội nghị Tương lai châu Á tổ chức tại Nhật Bản mới đây. Theo ông, tuyến đường sắt thắp lên hy vọng phát triển kinh tế và sẽ mở đường cho một tương lai tốt đẹp hơn. Thuyết âm mưu bẫy nợ không phải là thực tế mà Lào phải đối mặt.
Theo số liệu chính thức, cho đến nay trên toàn thế giới, 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế đang tham gia BRI. Trong thập kỷ qua, BRI đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp toàn cầu, với hơn 3.000 dự án hợp tác trị giá gần một nghìn tỷ USD. Các dự án này đã tạo ra 420.000 việc làm và đưa gần 40 triệu người thoát khỏi đói nghèo, biến sáng kiến này trở thành con đường thực sự dẫn đến sự phát triển và thịnh vượng.
Một điểm quan trọng khác về những lợi ích mà BRI mang lại cho Lào đó là một đường cao tốc đang được xây dựng để nối Vientiane với biên giới Trung Quốc cùng với đó là một hành lang kinh tế Lào-Trung Quốc đang được phát triển dọc theo tuyến đường sắt. (Vientiane Times, ngày 08/6/2023)
Trung Quốc ủng hộ đề án thay thế cây thuốc phiện
Ngày 06/6/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Công an Lào hiện đang hợp tác thực hiện một dự án do Trung Quốc hỗ trợ nhằm thay thế trồng cây thuốc phiện bằng các loại cây trồng hợp pháp. Dự án trồng thay thế cây thuốc phiện là một sáng kiến phù hợp với các mục tiêu của Chính phủ nhằm kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn ma túy đang ngày càng gia tăng. Dự án đang khuyến khích người dân ở Bắc Lào trồng cà phê, khoai tây, cao su và chè thay cho cây thuốc phiện, nhằm giúp họ kiếm sống hợp pháp đồng thời thay đổi lối sống của mình.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Khamking Phouilamanivong, cùng với các quan chức từ các cơ quan có liên quan, đã tiếp đón một phái đoàn từ một nhóm các công ty Trung Quốc nhằm thảo luận về ý tưởng thực hiện dự án. Các công ty này đã triển khai nhiều hoạt động thay thế cây thuốc phiện từ năm 2006 tại các tỉnh Phongsaly, Bokeo, Luang Namtha, Luang Prabang, Vientiane và Xayaboury. Những việc làm đó giúp kiềm chế và giải quyết các vấn đề về ma túy ở những khu vực nói trên, đặc biệt là kiểm soát việc buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp, điều trị cho người nghiện ma túy, củng cố kinh tế địa phương, giúp cải thiện cộng đồng, đồng thời khuyến khích người dân trồng nông sản hàng hóa, mang lại cho họ một nghề nghiệp ổn định.
Cơ sở hạ tầng của cộng đồng địa phương đã được xây dựng, cải thiện thông qua đầu tư thành công của các công ty. Trong thời gian tới, nhóm công ty này sẽ tăng cường đầu tư vào các tỉnh phía Bắc Lào, trong đó có lĩnh vực trồng trọt, nhất là việc tặng cường trồng thêm nhiều loại ngô ngọt. Các chuyên gia sẽ được cử sang Lào để giúp đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật và nhân sự của Lào, nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình. Các công ty mong muốn Chính phủ Lào, Bộ Công an và các bên liên quan tại địa phương tiếp tục hỗ trợ và đóng vai trò lớn hơn trong quá trình triển khai dự án.
Trung tướng Khamking Phouilamanivong đã xem xét các hoạt động dự án do các công ty thực hiện cho đến thời điểm hiện tại, trong đó có sự xác nhận là phù hợp với các mục tiêu của Chính phủ nhằm giải quyết nạn buôn bán và sản xuất ma túy đang gia tăng, bằng cách cắt đứt các đường cung cấp trong đó bao gồm cả việc trồng thuốc phiện. Ông ca ngợi nỗ lực của các công ty nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân phía bắc Lào, giúp họ trồng cây lương thực và tạo ra sinh kế bằng các phương tiện hợp pháp.
Thứ trưởng bày tỏ lòng biết ơn và tin rằng các công ty tham gia dự án có khả năng tiếp tục và mở rộng phạm vi công việc của mình, đồng thời cho biết thêm rằng Bộ Nông lâm Lào cũng rất sẵn lòng cung cấp thông tin hữu ích để hỗ trợ các nhân viên dự án trong nỗ lực giảm thiểu vấn đề ma túy.
Lào hưởng lợi ích từ việc giảm thuế của khu vực RCEP
Ngày 13/6/2023, Vientiane Times đưa tin, Lào sẽ được hưởng lợi từ chính sách cắt giảm thuế quan của Trung Quốc sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực đầy đủ.
Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Chanthavong Seneamatmontry, người dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự Diễn đàn Hợp tác Chính quyền địa phương và các thành phố hữu nghị RCEP 2023 tại thành phố Hoàng Sơn, Trung Quốc cho biết, Chính phủ hai nước Lào và Trung Quốc hiện đang đàm phán về tỷ lệ phần trăm cắt giảm thuế quan. Ông cho biết chính sách cắt giảm thuế quan sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn trong thương mại và đầu tư giữa Lào và Trung Quốc cũng như thúc đẩy nền kinh tế của các nước thành viên RCEP. Để tối đa hóa những lợi ích do hội nhập và hợp tác mang lại, điều cần thiết là các đối tác kinh doanh của Lào phải hiểu đầy đủ và đàm phán chi tiết về bất kỳ thỏa thuận nào mà họ ký kết đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn được thị trường chấp nhận.
Hiệp định RCEP hiện có hiệu lực đối với tất cả 15 thành viên. Ông Chanthavong cho biết Trung Quốc là thị trường lớn nhất và đang tăng cường vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực nhằm xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-ASEAN hội nhập chặt chẽ hơn với một tương lai chung. Trung Quốc coi trọng quan hệ với Lào và sẵn sàng cùng Lào thúc đẩy quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước và làm sâu sắc thêm sự tin cậy chính trị lẫn nhau. Việc thực hiện kế hoạch hành động về xây dựng cộng đồng cùng chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và Lào sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn, dẫn đến kết quả đôi bên cùng có lợi.
Chính phủ Trung Quốc trước đây đã đưa ra các chính sách thuận lợi về thương mại và cắt giảm thuế quan đối với một số mặt hàng và giờ đây sẽ mở rộng thêm nhiều thuận lợi hơn nữa. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN trong đó có Lào để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và ký kết các thỏa thuận trong khuôn khổ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực để cùng đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.
Lào sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để đạt được kết quả cùng có lợi hơn, thông qua hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quản trị và tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch và nông nghiệp, cũng như tối đa hóa lợi ích của Đường sắt Lào-Trung Quốc, đồng thời sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào Lào và các nước khác trong khu vực.
Dự án khai thác Brom được khởi động tại tỉnh Khammuan
Ngày 31/5/2203, lễ kỷ niệm vận hành thành công dự án không chứa Kali đầu tiên của tập đoàn Asia-Potash International, dự án sản xuất brom của công ty Asia New Materials Limited với sản lượng 10.000 tấn/năm, đã được tổ chức long trọng tại Khu công nghiệp tuần hoàn thông minh Asia-Potash International tại tỉnh Khammuan, Lào. Dự án được bắt đầu xây dựng vào tháng 11/2022 và được đưa vào hoạt động vào tháng 5/2023. Đến chiều ngày 30/5, nhà máy đã vận hành ổn định trong 72 giờ, với sản lượng brom tối đa mỗi ngày trên 36 tấn, đạt 120% công suất thiết kế. Điều này đánh dấu việc đưa vào vận hành thành công cũng như hoàn thành vượt mức công suất thiết kế, sự gia nhập của Asia-Potash International vào các ngành công nghiệp sản xuất phi kali.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Malaythong Kommasith đánh giá Asia-Potash International đã đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp và khai khoáng, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia và phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo uy tín cho ngành khai khoáng ở Lào, đặc biệt là ngành khai thác, chế biến kali.
Là một dự án công nghiệp, khu công nghiệp quốc tế Asia-Potash có thể tăng cường sự phát triển của nền kinh tế và mang lại nhiều thay đổi ở Lào, bao gồm nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng nguồn nhân lực, phát triển hệ thống chuỗi ngành công nghiệp và hệ thống cung cầu, sự xuất hiện của các cụm doanh nghiệp nhỏ và vừa kèm theo, phổ biến tri thức, khoa học và công nghệ, thu hút đầu tư, tạo thu nhập cho đất nước và người dân.
Hoạt động thành công của dự án sản xuất brôm với sản lượng 10.000 tấn/năm của Asia-Potash International thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp kali và phi kali, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Lào và tỉnh Khammuan.
Vào tháng 3 năm nay, Asia-Potash International và Chính phủ Lào đã chính thức thực hiện Biên bản ghi nhớ cho dự án có tên “Khu công nghiệp tái chế thông minh quốc tế Asia-Potash” tại tỉnh Khammuan, gồm ba phần: khu công nghiệp phân bón kali, khu công nghiệp phi kali và Thị trấn Asia-Potash. Dự án sẽ tận dụng những lợi thế từ sự hỗ trợ của Chính phủ Lào, tài nguyên khoáng sản, năng lượng điện, chi phí lao động và đất đai để hình thành mô hình khu công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu và một phần xuất khẩu. Các hoạt động trong khu công nghiệp được ước tính sẽ mang lại doanh thu hàng năm khoảng 320 triệu USD, tăng dự trữ ngoại hối khoảng 1,7 tỷ USD và tạo ra 30.000-50.000 cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Dự án brôm là dự án đầu tiên được triển khai sau khi ký kết Biên bản ghi nhớ, đánh dấu bước đầu tiên trong việc phát triển các nguồn tài nguyên phi kali thuộc Asia-Potash International. Dựa trên quy hoạch của Asia-Potash International, với năng lực sản xuất phân kali đạt 5 triệu tấn, dự án bromide của Asia Advanced Materials cũng sẽ phấn đấu đạt công suất sản xuất brom từ 50.000-70.000 tấn và hiện thực hóa nhiều các dòng sản phẩm vật liệu mới dựa trên brom vào cuối năm 2025, nhằm biến cơ sở sản xuất của Lào thành một cơ sở sản xuất toàn cầu cho ngành công nghiệp vật liệu mới dựa trên brom.
Hiện tại, các dự án phi kali ngoài dự án bromine cũng đang tiến triển một cách toàn diện. Trong số đó, dự án clo-kiềm, dự án vật liệu chống cháy và dự án muối đã được triển khai hoặc đã được phê duyệt và sẽ sớm được triển khai. Dự án phân bón phức hợp cũng đang trong quá trình chuẩn bị tích cực. Ước tính công suất xây dựng của giai đoạn I là 300.000 tấn. Tính toán sơ bộ cho thấy điều này có thể giúp Lào cắt giảm chi tiêu ngoại hối khoảng 150 triệu USD và tạo thêm 1.000 việc làm.
Trong giai đoạn xây dựng này, Asia-Potash cũng sẽ tiến hành thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản khác như mỏ than và bauxite để phát triển, tận dụng chuỗi công nghiệp và cung ứng tài nguyên, tạo ra các cụm sản phẩm đa dạng và có giá trị gia tăng cao. Asia-Potash cũng trang bị các nhà máy điện từ năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời để tự cấp điện cho các hoạt động sản xuất của mình. (Vientiane Times, 05/6/2023)
Lào tăng cường quan hệ với thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc
Ngày 30/5/2023, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào cho biết sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác sâu rộng với thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc trong các lĩnh vực chính trị, đầu tư, văn hóa, giáo dục và xuất khẩu nông sản. Đây là sự hợp tác nhằm hướng tới lợi ích cho người dân cả hai bên, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực tạo ra một cộng đồng chung vận mệnh Lào-Trung Quốc.
Cam kết về tăng cường hợp tác của Lào với Trùng Khánh được đưa ra trong lễ khai mạc Hội chợ Đầu tư và Thương mại Quốc tế miền Tây Trung Quốc lần thứ 5 và Diễn đàn Mới về Hợp tác Quốc tế Hành lang Đất và Biển năm 2023 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Yuelai ở Trùng Khánh vào tuần trước.
Trước lễ khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Viên Gia Quân và Thị trưởng Trùng Khánh Hồ Hoành Hoa đã hội kiến với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, bà Sounthone Xayachack.
Tham dự Lễ khai mạc Hội chợ Đầu tư và Thương mại Quốc tế miền Tây Trung Quốc còn có Đại sứ Lào tại Trung Quốc Bà Khamphao Ernthavanh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Thể thao của Lào Tiến sĩ Bounseng Khammounty, Trưởng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCIC) Thongmala Keola và Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào tại Trùng Khánh (LNCCIC) Allan Yang.
Hội chợ kéo dài trong bốn ngày với hơn 900 doanh nghiệp từ 40 quốc gia và khu vực, 29 tỉnh (khu tự trị và thành phố) và hai đặc khu hành chính ở Trung Quốc. Phái đoàn của Lào cũng đã đến thăm Thành phố logistics của Trùng Khánh để tìm hiểu rõ hơn về các quy trình liên quan đến việc thành lập các trung tâm và hành lang thương mại quốc tế.
Kỳ vọng Trung Quốc nối lại các Tour du lịch nước ngoài theo nhóm
Với ngành du lịch ở Lào đang dần phục hồi, chính phủ Lào kỳ vọng rằng việc Trung Quốc nối lại các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài sẽ là một cú hích mạnh mẽ cho ngành du lịch Lào. Trong 03 tháng đầu 2023, Lào đón hơn 831.000 du khách nước ngoài đến thăm. Theo thống kê của Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào, trong tổng số lượt khách trên, có 344.405 du khách đến từ Thái Lan, khoảng 180.000 đến từ Việt Nam, 143.312 đến từ Trung Quốc và 45.756 đến từ Hàn Quốc.
Ngày 23/5/2023, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ Lào, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan Nhà nước tổ chức hội đàm với các doanh nghiệp du lịch và chia sẻ các ý tưởng cũng như hoạt động sẽ được tổ chức trong Năm Du lịch Lào 2024 để hồi sinh ngành du lịch và thúc đẩy nền kinh tế. Du lịch được Chính phủ Lào xác định là ưu tiên hàng đầu trong việc phục hồi nền kinh tế Lào với mục tiêu thu hút 1,4 triệu du khách quốc tế vào cuối 2023, đạt doanh thu lên tới 340 triệu USD.
Ngày 26/5/2023, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đón du khách Trung Quốc, Ông Ounthuang Khaophan, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào cho biết, thị trường du lịch Trung Quốc là một nguồn thu lớn, do đó nhiều quốc gia đã có các kế hoạch xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc. Một trong những động lực lớn cho sự tăng trưởng của thị trường này là Đường sắt Trung Quốc - Lào cho phép đi lại thuận tiện và nhanh chóng giữa Lào và Trung Quốc, song song với đó, nhiều chuyến bay giữa thủ đô Vientiane và một số thành phố của Trung Quốc đang được mở ra, càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đi lại.
Chính phủ Lào ước tính khoảng 368.000 du khách Trung Quốc sẽ đến thăm Lào vào năm 2023, tăng 21% so với năm ngoái. Chính phủ Lào đã và đang chuẩn bị nhiều cơ sở vật chất, dịch vụ đồng thời cải tiến các sản phẩm du lịch và hiện đại hoá ngành du lịch để phù hợp với thị trường Trung Quốc. (Bangkok Post, ngày 01/6/2023)
Đường sắt Lào-Trung Quốc vận chuyển hơn 4 triệu tấn hàng hóa, đưa nhiều du khách TQ đến Lào hơn
Ngày 8/6/2023, Vientiane Times đưa tin, theo số liệu của nhà ga Nam Vientiane, từ khi mở cửa vào tháng 12 năm 2021 cho đến ngày 5 tháng 6 năm 2023, lượng hàng hóa xuất nhập qua biên giới được vận chuyển bởi Đường sắt Lào-Trung Quốc đã đạt hơn 4 triệu tấn. Trong số này, khoảng 3.450.000 tấn được vận chuyển từ Lào sang Trung Quốc và 650.900 tấn từ Trung Quốc sang Lào. Hàng hóa vận chuyển từ Lào sang Trung Quốc chủ yếu gồm cao su, quặng sắt, quặng kẽm, trái cây các loại, khoai tây, trong khi các sản phẩm được vận chuyển từ Trung Quốc sang Lào bao gồm trang thiết bị điện, phụ tùng, đồ gia dụng.
Thái Lan cũng vận chuyển trái cây sang Trung Quốc qua Lào và cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc bằng đường sắt Lào-Trung. Trong thời gian tới, Thái Lan mong muốn sử dụng tuyến đường sắt này để vận chuyển nhiều nông sản hơn đến Trung Quốc, nhất là hoa lan, cao su, sắn, dầu cọ, thủy sản và một số sản phẩm chăn nuôi khác. Trái cây Thái Lan vận chuyển bằng đường sắt có thể đến Trùng Khánh chỉ trong 1-2 ngày.
Các doanh nghiệp kinh doanh ở Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar hiện đang sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung chạy từ cửa khẩu biên giới Mohan-Boten đến Vientiane để vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Trung Quốc. Đây là tuyến đường sắt bên ngoài đầu tiên kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc và tạo thành một phần của tuyến đường sắt Côn Minh-Singapore dự kiến sẽ đi qua Lào, Thái Lan và Malaysia.
Ngày 21/6/2023, Vientiane Times đưa tin, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Lào đã tăng đáng kể kể từ khi khai trương dịch vụ hành khách xuyên biên giới trên tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc ngày 13/4. Theo số liệu của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, hơn 1,11 triệu du khách nước ngoài đã đến thăm Lào trong 4 tháng đầu năm nay. Trong đó, nhiều nhất là Thái Lan với 430.979 lượt, tiếp theo là Việt Nam với 224.461 lượt và Trung Quốc với 223.350 lượt. Số lượng du khách Trung Quốc đã tăng từ 16.283 vào tháng 1 lên 53.837 vào tháng 2, 73.192 vào tháng 3 và 80.038 vào tháng 4. Tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đã vận chuyển 25.000 lượt hành khách xuyên biên giới kể từ khi dịch vụ mới được khai trương vào ngày 13/4.
Đại diện đơn vị kinh doanh du lịch tại Luang Prabang cho biết, kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại với du lịch quốc tế vào tháng 01/2023, đã có thêm nhiều người Trung Quốc đến Lào và tin tưởng rằng lượng du khách Trung Quốc có thể vượt con số được ghi nhận vào năm trước đại dịch Covid (hơn 1 triệu du khách Trung Quốc đến Lào năm 2019). Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào lĩnh vực khách sạn bằng cách thành lập các công ty lữ hành và hợp tác với các công ty du lịch địa phương để đáp ứng số lượng khách du lịch Trung Quốc ngày càng tăng. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở Lào đang cung cấp các khóa đào tạo tiếng Trung cho hướng dẫn viên du lịch và cải thiện các dịch vụ và cơ sở vật chất để đón nhiều khách du lịch hơn đến Lào.
Các doanh nhân Lào cho biết khách du lịch Trung Quốc đặc biệt thích môi trường tự nhiên và các hoạt động mạo hiểm của Lào, chẳng hạn như đu dây, mà họ có thể trải nghiệm ở huyện Vangvieng, tỉnh Viêng Chăn. Người Trung Quốc cũng quan tâm đến các điểm tham quan văn hóa của Lào và thành phố di sản thế giới Luang Prabang là một trong những điểm đến yêu thích của họ.
Khu Kinh tế phức hợp Xaysettha không ngừng phát triển
Khu kinh tế phức hợp Xaysettha là dự án hợp tác cấp Nhà nước giữa Chính phủ hai nước Lào - Trung Quốc. Dự án này là khu vực hợp tác thương mại quốc tế duy nhất của Trung Quốc tại Lào và cũng là Đặc khu kinh tế của Lào. Khu Kinh tế này hiện đang được ghi nhận có tốc độ phát triển không ngừng.
Tính đến nay, Khu kinh tế đã hoàn thành xây dựng các cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá, nước máy, đường tải điện, đường truyền thông tin, văn phòng thuế và các cơ sở vật chất khác. Hiện nay khu kinh tế này đang tập trung xây dựng khu vực thương mại du lịch và khu thành phố mới giai đoạn 2 để nâng cấp hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở hạ tầng. Tính đến nay, khu kinh tế đã tiếp nhận đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó 600 triệu USD được dành để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tổng giá trị do doanh nghiệp đầu tư tại Khu kinh tế vào khoảng 700 triệu USD.
Hiện nay Khu kinh tế phức hợp Xaysettha thủ đô Vientiane ghi nhận sự đầu tư từ 126 doanh nghiệp, trong đó có 62 doanh nghiệp đã tiến hành sản xuất và 64 doanh nghiệp đang chuẩn bị để tiến hành xây dựng nhà máy. Các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Lào, Mỹ, Thuỵ Sĩ,…bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn và có tiếng như Trụ sở chính Công ty Đường sắt Lào - Trung, Tập đoàn Hy Vọng Mới - Nhà máy sản xuất thực phẩm lớn và chất lượng, Tập đoàn Hoya - một Tập đoàn có tiếng của Nhật Bản với số lượng lao động được sử dụng vào khoảng 5000 người, Công ty May mặc Peter - công ty May mặc sử dụng công nghệ cao, tập trung số lượng lao động khoảng 1000 người. (Báo KT-XH, ngày 02/6/2023)
Lào - Thái Lan
Cầu Hữu Nghị Lào - Thái số 5 dự kiến hoàn thành năm 2024
Ngày 15/6/2023, Vientiane Times đưa tin, Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune có chuyến thăm huyện Pakxan, tỉnh Borikhamxay nhằm xem xét tiến độ xây dựng cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5 đang được xây dựng qua sông Mekong, dự kiến khánh thành vào đầu năm 2024 nhằm thúc đẩy du lịch vùng biên giới giữa Lào - Thái Lan và trao đổi thương mại với các quốc gia khác trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Cây cầu dài 1.350 m nối tỉnh Borikhamxay của Lào với tỉnh Bueng Kan, Thái Lan, hiện đã hoàn thành 70%. Việc xây dựng đang vượt tiến độ và cây cầu dự kiến sẽ thông xe vào đầu năm 2024. Kế hoạch xây dựng cây cầu lần đầu tiên được đưa ra năm 2014, sau khi thực hiện khảo sát tiền khả thi. Thiết kế kiến trúc cầu được Chính phủ Lào và Thái Lan phê duyệt vào năm 2018, cây cầu bắt đầu được xây dựng vào tháng 1 năm 2021.
Cây cầu Hữu nghị Lào-Thái thứ 5 sẽ là một phần của cơ sở hạ tầng mới kết nối các khu vực và người dân ở cả hai bờ sông Mekong và củng cố mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch xuyên biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường quan hệ giữa hai nước láng giềng. Cây cầu cũng sẽ giúp biến các khu vực biên giới của tỉnh Borikhamxay và tỉnh Bueng Kan thành trung tâm kinh tế quan trọng.
Bốn cây cầu đầu tiên được xây dựng bắc qua sông Mekong giữa Lào và Thái Lan nối liền các địa phương Vientiane-Nong Khai, Savannakhet-Mukdahan, Khammuan-Nakhon Phanom và Huayxai-Chiang Khong.
Lào - Hàn Quốc
Hàn Quốc hỗ trợ Lào số hóa nền kinh tế
Ngày 07/6/2023, Vientiane Times đưa tin, theo sáng kiến của Cầu nối toàn cầu kỹ thuật số khu vực với các nước châu Á, một phái đoàn thương mại từ Hàn Quốc đến Lào đã được tổ chức theo chủ đề 'Sứ mệnh thương mại công nghệ thông tin Đông Nam Á'. Sự kiện diễn ra tại thủ đô Vientiane vào đầu tháng 6, do Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin - Truyền thông Hàn Quốc và NIPA (Cơ quan Xúc tiến công nghiệp Công nghệ thông tin quốc gia Hàn Quốc) chủ trì và Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Vientiane tổ chức. Sự kiện đã thu hút hơn 50 đơn vị bao gồm các công ty tư nhân và các tổ chức Chính phủ với hơn 100 người tham gia và 75 cuộc gặp trực tiếp đã được sắp xếp với 10 công ty Hàn Quốc. Tại sự kiện, 3 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 3 công ty Hàn Quốc và 3 công ty Lào đã được ký kết.
Phái đoàn thương mại bao gồm các công ty hàng đầu về CNTT đến từ Hàn Quốc như công ty The Company, doanh nghiệp hàng đầu về hệ thống kiểm tra tầm nhìn AI; công ty ARASOFT, chuyên gia về nền tảng sách điện tử sản xuất, chia sẻ và phân phối sách điện tử đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam; công ty KOPENS chuyên về Nền tảng IoT công nghiệp có thể cung cấp các giải pháp Nhà máy thông minh đang được xuất khẩu sang Trung Quốc; công ty SINNOTECH chuyên về thiết bị giám sát và điều khiển cấp nước công suất thấp dựa trên IoT; và công ty ONESOFTDIGM, chuyên gia về nền tảng quản lý sức khỏe và phân tích thành phần cơ thể di động đang được xuất khẩu sang Mỹ, Anh, Đức và Nga và nhiều công ty khác.
Các nhà phát triển dự án, nhà máy và công ty hàng đầu của Lào tham dự sự kiện này bao gồm Tập đoàn Xây dựng Phát triển Doungchaleun, Công viên Logistics Vientiane, Coca Cola Lào, công ty điện lực EDL-Gen, Toyo Lao, Lao Pipe, ALO Technology, MMG Business Service cũng như các công ty tư vấn quốc tế như Lao Consulting Group, GDMS, LTECH và các nhà phát triển và nhập khẩu dựa trên CNTT khác, những đơn vị đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc sử dụng công nghệ thông tin của Hàn Quốc để phát triển kinh doanh sau các cuộc gặp trực tiếp.
Ngoài ra, đại diện một số bộ ngành của Lào đã tham gia các cuộc họp nhằm tìm hiểu các công nghệ mới để áp dụng cho các dự án trong tương lai, bao gồm Bộ Công chính và Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục Đào tạo và Thể thao và các cơ quan chính phủ khác.
Thêm lao động Lào sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp
Ngày 20/6/2023, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào sẽ gửi thêm lao động sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, với hy vọng người lao động khi sang làm việc sẽ học hỏi kinh nghiệm và chuyên môn của nông dân Hàn Quốc.
Ngày 14/6/2023, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào Baykham Khattiya, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội và tỉnh Gyeongsangnam-do của Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về trao đổi lao động nông nghiệp. Biên bản ghi nhớ đã được ký kết tại tỉnh Gyeongsangnam-do giữa Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội của Lào, bà Anousone Khamsingsavat, và Thị trưởng của các thành phố Namhae, Geochang, Goseong, Haman và Sacheon của Hàn Quốc. Theo Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội, chương trình này sẽ giúp nâng cao năng lực và chất lượng sản xuất nông nghiệp của Lào, trong đó mục tiêu đề ra là đưa 1.500 đến 2.000 công dân Lào sang làm việc cho Hàn Quốc mỗi năm.
Trước đó, Bộ Lao động Lào đã ký một biên bản ghi nhớ khác về việc sử dụng lao động thời vụ ở các huyện Changnyeong-Gun, Miryang-Si, UiryeongGun, Sancheong-Gun và Namhae-Gunin tỉnh Gyeongsangnam-do. Lào hiện có ít nhất 2.800 công dân đang làm việc tại Hàn Quốc theo các hợp đồng ngắn hạn từ năm 2022 đến năm 2023. Cho đến nay, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã ký thỏa thuận về lao động thời vụ với 28 thành phố ở Hàn Quốc, tại đây người lao động sẽ làm việc trong 90 ngày hoặc 5 tháng trong các lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản.
Lào hiện đứng thứ 7 trong danh sách các nước ASEAN có công dân làm việc tại Hàn Quốc, đứng đầu là Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Lào và Hàn Quốc hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa
Ngày 30/5/2023, Vientiane Times đưa tin, Khoa Nông nghiệp, Đại học Quốc gia Lào (NUOL) và Trường Cao học Công nghệ Nông nghiệp Quốc tế, Đại học Quốc gia Seoul (GSIATKorea) đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác dự án về tái cấu trúc mô hình chăn nuôi. Chứng kiến có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Kingmano Phommahaxay; Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Jung Yung Soo; Trưởng khoa GSIAT-Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Seoul, ông Kim Ju Kon và các quan chức khác của hai bên.
Bộ Giáo dục của Hàn Quốc hiện đang tài trợ một dự án trị giá 1.785.714 USD cho Cục Chăn nuôi Lào nhằm tái cấu trúc các mô hình chăn nuôi, trong đó Đại học Quốc gia Seoul sẽ tài trợ bổ sung thêm 333.361 USD cho dự án bắt đầu từ năm nay với mục tiêu tổ chức các khóa đào tạo chăn nuôi bò sữa.
Với mục đích triển khai một khóa chăn nuôi và tăng cường chăn nuôi bò sữa ở Lào, dự án hướng tới việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa một cách bền vững và sản xuất sữa chất lượng tốt cho người tiêu dùng. Học viên sau khi được đào tạo về chăn nuôi bò sữa sẽ được khuyến khích cùng với người chăn nuôi là nông dân Lào thành lập ra các hợp tác xã chăn nuôi. Dự án được coi là một bước thúc đẩy quan trọng trong chăn nuôi bò sữa và mở rộng quy mô hoạt động hiện tại vẫn còn nằm ở mức quy mô nhỏ tại Lào.
Đại học Quốc gia Seoul sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương ở Lào để hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó Đại học Hàn Quốc sẽ cung cấp các chuyên gia thúc đẩy chăn nuôi bò sữa và đào tạo công dân Lào trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư xây dựng Đảo sân golf và resort tại thủ đô Vientiane
Ngày 05/6/2023, Vientiane Times đưa tin, Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Seojin (Hàn Quốc) và Chính quyền thủ đô Vientiane đã ký Biên bản ghi nhớ nghiên cứu khả thi về kế hoạch xây dựng một khu giải trí - sân golf và resort có tên “Dream Land Lao” (Vùng đất Lào trong mơ) tại đảo Don Kangkhong, huyện Sangthong, trên dòng sông Mekong nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa điểm này.
Khách hàng mục tiêu của dự án là các nhóm khách du lịch gồm những người hâm mộ thể thao dưới nước và chơi golf cũng như những người tìm kiếm các cơ sở chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp chất lượng tại Lào.
Đại diện công ty Seojin cho biết, dù hiện nay tại hòn đảo đã có một số điểm du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhóm khách đặc biệt này. Ước tính tổng chi phí dự án là 200 triệu USD, nếu được phê duyệt sẽ nằm cách trung tâm thành phố chỉ hơn 60 km về phía Bắc.
Bản đề xuất dự án của công ty có năm khu vực, bao gồm trung tâm mua sắm và dịch vụ, chỗ lưu trú cho người chơi golf, sân golf, khu sinh sống của dân địa phương và khu vực canh tác cho người dân địa phương sử dụng. Trung tâm mua sắm và dịch vụ sẽ bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, khách sạn, hội trường, nhà hàng, trung tâm mua sắm, địa điểm giải trí và biểu diễn ngoài trời, công viên công cộng và cơ sở xử lý nước thải.
Trong giai đoạn đầu, chủ đầu tư ước tính rằng dự án sẽ thu hút khoảng 500-1.000 khách mỗi tháng. Tạo công ăn việc làm và tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người dân địa phương cũng là một trong những cam kết của chủ đầu tư Hàn Quốc. Ngoài ra, họ cũng cam kết đây sẽ là một dự án thân thiện với môi trường, một hình mẫu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, với các tòa nhà tại địa điểm có các tấm pin mặt trời trên mái nhà, đồng thời hướng tới mục tiêu không tạo ra chất thải rắn trong tương lai.
Lào-Pháp
25 tấn gạo Lào được xuất khẩu sang Pháp, kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ
Ngày 20/6/2023, Vientiane Times đưa tin, sau chuyến xuất khẩu đầu tiên 50 tấn vào đầu năm nay, Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Champahom Trading, một công ty chế biến gạo có trụ sở tại Viêng Chăn, đã gửi chuyến hàng thứ hai gồm 25 tấn gạo nếp sang Pháp. Sự kiện đã được đánh dấu bằng một buổi lễ do Công ty Champahom Trading tổ chức tại Viêng Chăn vào ngày 14/6/2023.
Buổi lễ có sự tham dự của Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Xaysomphet Norasingh, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêng Chăn, ông Sangkhom Chansouk và các quan chức khác.
Chủ tịch Công ty Champahom, bà Bounheing Phommixay, cho biết lần xuất khẩu gạo này là theo hợp đồng đã ký vào cuối năm 2022. Đây được coi là một bước tiến quan trọng của các nhà sản xuất gạo Lào, đặc biệt là đối với các thương hiệu đã có mặt tại các thị trường quốc tế như Pháp, Bỉ. Bà Bounhieng cho biết, công ty hiện có kế hoạch ký thêm nhiều hợp đồng và thâm nhập các thị trường lớn hơn, đặc biệt là Hoa Kỳ. Công ty Champahom đã thúc đẩy việc trồng lúa chất lượng cao ở Viêng Chăn từ cuối năm 2008 thông qua việc cung cấp hạt giống và phân bón và thu mua lúa từ người trồng. Hơn 600 nông dân ở các huyện khác nhau của tỉnh Viêng Chăn và Xieng Khuang hiện đang sản xuất lúa cho công ty trên diện tích hơn 600 ha
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC
Lào - WB
Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cải thiện lưới điện của Lào
Ngày 06/6/2023, Vientiane Times đưa tin, dự án Cải thiện Phân phối Điện trị giá 51 triệu USD đã được Ngân hàng Thế giới phê duyệt nhằm nâng cao công suất và hiệu quả của mạng lưới điện, đồng thời tăng cường quản lý tài chính cho Công ty điện lực nhà nước Lào.
Công ty điện lực nhà nước (EDL) hiện thiếu các nguồn lực cần thiết để bảo trì và nâng cấp hệ thống, việc đó khiến EDL không thể đầu tư vào các trang thiết bị và hệ thống cần để giải quyết nhu cầu ngày điện càng tăng cùng với thực trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp và sự mất cân bằng trong cung cấp điện theo mùa của Lào.
Theo ông Alex Kremer, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Lào, những tổn thất tài chính kéo dài của ngành điện trong những năm qua đã góp phần gây ra sự bất ổn kinh tế và nợ công của quốc gia này. Dự án của WB sẽ giúp EDL đối mặt với hai thách thức về đáp ứng đủ nhu cầu điện năng hiện tại và cải thiện tình hình tài chính của ngành điện. Theo dự kiến, dự án sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư nâng cấp các trạm biến áp của EDL để tăng lưu lượng truyền tải, qua đó tăng doanh thu và giảm thất thoát điện. Tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng từ khoản đầu tư này sẽ cải thiện tình hình tài chính của EDL và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc đầu tư cũng sẽ được thực hiện cho các hệ thống giám sát và bảo vệ mạng lưới điện để cải thiện tính ổn định hoạt động của mạng lưới.
Để tăng cường quản lý tài chính của EDL, hệ thống công nghệ thông tin của công ty sẽ được nâng cấp và tích hợp toàn bộ các hệ thống nội bộ nhằm cung cấp đầy đủ dữ liệu, hỗ trợ công tác quản lý và khả năng tài chính của mạng lưới. Việc nâng cấp, cải tiến cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ lập báo cáo tài chính và kiểm toán, nâng cao tính minh bạch của thông tin và dữ liệu tài chính cho các bên liên quan.
Lào - ASEAN
Lào đủ điều kiện chứng tỏ lợi thế kinh doanh của mình tại khu vực
Ngày 06/06/2023, Vientiane Times đưa tin, các doanh nghiệp của Lào, dù là doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) hay doanh nghiệp lớn được hoan nghênh tham gia các sự kiện quan trọng hàng đầu được tổ chức tại Jakarta, Indonesia vào tháng 9 tới để chia sẻ kinh nghiệm.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) Arsjad Rasjid dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm Lào cho rằng, sự tham gia của Lào vào các sự kiện quan trọng này sẽ tăng cường hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN và tạo dựng sự hợp tác với các đối tác đối thoại trong khu vực. Đó như là một phần của nỗ lực thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế toàn diện của khu vực. Theo ông Rasjid, các doanh nghiệp tại Lào sẽ có cơ hội thu được những lợi ích to lớn từ ba sự kiện quan trọng hàng đầu được tổ chức tại Indonesia và cũng sẽ có cơ hội tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Kinh doanh ASEAN, Giải thưởng Doanh nhân ASEAN và Diễn đàn Triển vọng hợp tác kinh tế ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông cho biết thêm, đại biểu tham dự không chỉ đến từ các nước thành viên ASEAN mà còn cả các đối tác đối thoại của khu vực, các nhà doanh nhân đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ASEAN. Các đại diện doanh nghiệp của Lào sẽ có cơ hội thảo luận về chuyển đổi kỹ thuật số, về phát triển bền vững, khả năng phục hồi sức khỏe, an ninh lương thực và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Tại chuyến thăm Lào, Ông Rasjid cùng đoàn đến thăm Công viên Logistics Vientiane, một điển hình cho cơ hội đầu tư và liên kết thương mại của ASEAN. Ông cho rằng, Lào có đủ năng lực, điều kiện sẵn sàng cho hợp tác kinh doanh. Vì vậy, đã đến lúc Lào cần thể hiện thế mạnh của mình và nắm bắt cơ hội thương mại, đầu tư và hợp tác trong khu vực.
Lào - FAO
Cần thu hút Đầu tư nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Ngày 26/6/2023, Vientiane Times đưa tin, theo Đại diện FAO tại Lào Nasar Hayat cho rằng, Lào có tiềm năng rất lớn để thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc để xuất khẩu.
Năm 2021, Lào thu được hơn 900 triệu USD từ xuất khẩu nông sản, trong đó chuối là mặt hàng mang lại thu nhập cao nhất, tiếp đến là cao su, sắn, mía đường và dưa hấu. Đường sắt Lào - Trung đang biến Lào từ một nước không giáp biển trở thành một quốc gia gắn kết trên đất liền, biến Lào từ bất lợi về mặt địa lý sang địa thế có lợi.
Theo Ông Nasar Hayat, chỉ riêng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã là một thị trường khổng lồ mang lại tiềm năng to lớn cho những người nông dân Lào để sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu. Lào cần xúc tiến mạnh hơn để quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của mình ra thế giới nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài, Lào cần cải thiện môi trường đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
BẠN CẦN BIẾT
Cảng cạn Thanaleng mang đến cơ hội liên kết cho khu vực
Ngày 06/6/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu trước các đoàn Đại sứ Malaysia tại Lào Edi Irwan Mahmud, đoàn Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia khi đến thăm Cảng cạn Thanaleng để tìm hiểu trực tiếp về các cơ hội được cung cấp bởi trung tâm hậu cần tích hợp của Lào, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Công viên Logistic Vientiane Tee Chee Seng cho biết, Mạng lưới cảng cạn đã đến Malaysia và Singapore và dự định sẽ đến Indonesia trong tương lai gần. Qua mạng lưới này, Indonesia có thể kết nối với các thị trường Trung Quốc và châu Âu trên đất liền qua tuyến đường sắt qua Lào. Ông nhấn mạnh, Lào đã trở thành một trung tâm logistics cho khu vực, với Cảng cạn Thanaleng và đường sắt đóng một vai trò thiết yếu trong khả năng kết nối. Hiệu quả chi phí từ việc cải thiện trong các hoạt động logistics và khả năng kết nối với các dịch vụ hiệu quả cao đã mở ra cơ hội sinh lời cho các doanh nghiệp. Từ khi khai trương vào tháng 12/2021, mạng lưới của Cảng cạn đã vươn tầm bao phủ tới nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Malaysia.
Với cửa khẩu hàng hóa quốc tế nằm trong nội khu vực cảng, Thanaleng là điểm hội tụ của các tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc và Lào-Thái Lan từ đó hàng hóa từ Đông Nam Á có thể tiếp cận với thị trường Trung Quốc - một thị trường đang phát triển nhanh chóng - và tới các thị trường cao cấp của châu Âu qua mạng lưới các dịch vụ có tính cạnh tranh cao mà các tuyến đường sắt này cung cấp. Hàng hóa từ Trung Quốc đến Vientiane bằng đường sắt, sau đó có thể tiếp tục đến Malaysia và Singapore bằng đường bộ.
Ông Tee Chee Seng cho rằng, Lào từ một nước không giáp biển giờ đã trở thành một quốc gia liên kết trên đất liền, Cảng cạn Thanaleng là một điểm kết nối giữa ASEAN và Trung Quốc và điểm kết nối hậu cần này sẽ thúc đẩy nhanh sự hoán đổi của các trung tâm sản xuất hàng hóa của ASEAN.
Ông khuyến nghị, các nhà đầu tư từ Malaysia - một thị trường quan trọng đối với dòng thực phẩm Halal cho người Hồi giáo - nên tập trung cho các cơ hội chế biến thực phẩm Halal tại Lào. Ông cho biết, công ty của ông đang chuẩn bị để hỗ trợ với các khía cạnh liên quan cho các doanh nghiệp có dự định như vậy. Ông hy vọng các cơ quan chức năng của Lào và Malaysia sẽ ủng hộ việc chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm Halal tại Lào. Với Indonesia, ông Tee cho rằng tăng trưởng kết nối là một lợi ích chung thúc đẩy tiềm năng trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng của Indonesia, khi các nhà đầu tư đang xem Đông Nam Á là một lựa chọn thay thế hấp dẫn để di dời các nhà máy sản xuất của họ khỏi các địa điểm cũ hoặc thành lập những cái mới ở Indonesia. Việc mở rộng liên kết hậu cần giữa Vientiane và Indonesia là một giải pháp hậu cần khác cho các nhà đầu tư trong khu vực.
Với vốn đầu tư khỏang 727 triệu USD, Cảng cạn Thanaleng và công viên logistics Vientiane đã thiết lập một khu phức hợp hậu cần bao gồm bảy khu chế xuất được sắp xếp theo nhóm ngành nông nghiệp, dược phẩm và chế biến thực phẩm halal để xuất khẩu. Các ưu đãi đặc biệt được giới thiệu cho nhà đầu tư bao gồm miễn thuế doanh nghiệp từ 8-16 năm và giảm thuế giá trị gia tăng cùng nhiều ưu đãi khác. Chi phí điện rẻ cũng là một ưu đãi khác khuyến khích các cơ hội kinh doanh sinh lợi. Cảng cạn Thanaleng là một phần của dự án Liên kết Hậu cần (LLL) toàn phần của Lào. Chỉ riêng năm ngoái, cảng cạn đã vận chuyển gần 50.000 containers đi các nước như Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc. (Vientiane Times, 05/6/2023)
Ngày 13/6/2023, lãnh đạo chính quyền thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam và các doanh nghiệp Trung Quốc đã đến thăm Cảng cạn Thanaleng và Công viên logistics Vientiane để chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tích hợp dịch vụ vận tải đường sắt khứ hồi giữa Hoài Hóa và Lào, đồng thời nhằm tìm cơ hội thâm nhập thị trường ASEAN nhờ các dịch vụ hiệu quả về chi phí do hai đơn vị này cung cấp. Việc ký thỏa thuận giữa hai bên là nền tảng quan trọng để Hồ Nam kết nối với các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và ASEAN. (Vientiane Times, 15/6/2023)
Vientiane tổ chức Ngày Du lịch Núi Quốc tế
Các sự kiện của Ngày Quốc tế Du lịch Núi lần thứ 5 diễn ra tại Vientiane vào ngày 29/5/2023 với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các phóng viên từ Lào, Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Chủ đề của ngày sự kiện là “Tận hưởng kỳ quan của những ngọn núi, chia sẻ cuộc sống tươi đẹp và cùng thúc đẩy phục hồi du lịch”. Đây được coi là cơ hội để Lào khôi phục ngành du lịch của mình sau cú sốc của đại dịch Covid-19 và cũng là cơ hội để Lào chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch Lào 2024, nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động của ngành du lịch và khuyến khích du khách đến thăm Lào.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, ông Ounthuang Khaophan thay mặt Chính phủ Lào cảm ơn Liên minh Du lịch và Núi quốc tế đã chọn Lào là quốc gia đăng cai Ngày Du lịch núi quốc tế năm 2023. Đây là sự kiện nhằm khuyến khích khách du lịch khám phá vẻ đẹp tự nhiên của Lào, đặc biệt là các khu vực hoang dã, một hoạt động ngày càng phổ biến đối với khách du lịch.
Các sự kiện được tổ chức cho Ngày Du lịch Miền núi Quốc tế bao gồm triển lãm về các cơ hội du lịch miền núi, hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm du lịch khác của Lào nhằm giới thiệu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham dự sự kiện hiểu sâu hơn về những danh lam thắng cảnh và cảnh quan ấn tượng của đất nước Lào, đặc biệt là ở các khu vực miền núi phía bắc.
Ngày Du lịch Núi Quốc tế được Liên minh Du lịch Núi Quốc tế giới thiệu vào năm 2018 và được tổ chức lần đầu tiên tại Nepal vào tháng 5/2019. Đây được xem là bước hợp tác quan trọng trong hoạt động du lịch miền núi quốc tế nhằm mục tiêu chung xây dựng mối quan hệ hợp tác, tăng cường tham vấn và chia sẻ vì sự phát triển của du lịch miền núi. (Vientiane Times, ngày 30/5/2023)
Lào nhập khẩu hơn 80.000 phương tiện trong năm 2022 và hơn 25 nghìn phương tiện trong 4 tháng đầu năm 2023
Ngày 5/6/2023, Hiệp hội Công nghiệp ô tô Lào (LAIA) thông báo, Lào đã nhập khẩu 80.708 phương tiện bao gồm ô tô, xe máy và xe điện trong năm 2022. Trong số 80.708 xe nhập khẩu có 21.887 xe ô tô và 1.408 xe là phương tiện khác, 58.893 xe còn lại là xe máy. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, có 6.884 ô tô được nhập khẩu, trong khi con số xe máy và phương tiện còn lại lần lượt ở mức 17.796 và 526.
LAIA tập hợp các doanh nghiệp nhập khẩu tất cả các loại phương tiện, phụ tùng và thiết bị sản xuất. Hiện tại, hiệp hội bao gồm 34 công ty thành viên, bao gồm 25 nhà phân phối thương hiệu, sáu nhà phân phối phụ tùng xe và máy hạng nặng, ba văn phòng đại diện và các công ty nghiên cứu dữ liệu. Hiệp hội trước đây cũng đã làm việc với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội để phát triển các chương trình đào tạo lực lượng lao động nhằm nâng cao tiêu chuẩn quốc gia về sửa chữa ô tô và phát triển hơn nữa ngành công nghiệp ô tô ở Lào.
Tuy nhiên hiện nay, hiệp hội vẫn còn một số thách thức cần vượt qua như thuế tiêu thụ của phụ tùng còn cao, miễn thuế nhập khẩu và một số đại lý ô tô chưa gia nhập hiệp hội. (Tổng hợp KPL và Laotian Times, 6/6/2023)
Sân bay quốc tế Bokeo dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2023
Ngày 27/6/2023, Vientiane Times đưa tin, theo thông tin từ Ban quản lý Đặc khu Kinh tế Tam Giác Vàng, công tác xây dựng sân bay quốc tế Bokeo tại huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo đã đạt 90% tiến độ, và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay. Chi phí xây dựng trị giá 175 triệu USD được hỗ trợ tư Công ty Đầu tư và Phát triển Greater Bay Area có trụ sở tại Hongkong, Trung Quốc, một công ty con của tập đoàn Dok Ngiew Kham. Các hạng mục còn lại bao gồm phần trang trí bên trong và ngoài của nhà ga hành khách, lắp đặt các thiết bị liên lạc hàng không, hệ thống an ninh và một số cơ sở vật chất khác.
Sân bay đã tổ chức các chuyến bay đến và đi Vientiane vào thứ Hai, Tư và Bảy hàng tuần. các chuyến bay quốc tế sẽ được tiến hành khi sân bay đi vào hoạt động hoàn toàn. Công tác xây dựng đã được bắt đầu từ tháng 9/2020, bắt đầu với đường cất - hạ cánh, đường lăn và bãi đỗ máy bay. Nhà ga hành khách và các tiện ích đang được hoàn thiện. Sân bay được xây dựng dựa trên lượng khách du lịch ngày càng tăng đến khu vực này, đặc biệt là Đặc khu kinh tế Tam Giác vàng, nơi có nhiều khu vui chơi giải trí và thu hút khách chính từ Trung Quốc.
Sân bay tọa lạc gần ĐKKT, và có diện tích khoảng 300 ha, có thể tiếp nhận các loại máy bay hiện đại như Boeing 747 và Airbus 320. Đây là sân bay thứ hai tại địa phương, sau sân bay Huayxai nằm trong trung tâm tỉnh lị và chỉ có thể tiếp nhận máy bay cỡ nhỏ. Sau khi hoàn thiện, sân bay có thể cùng lúc tiếp nhận 600 hành khách và tổng hành khách 1 năm đạt 1,5-2 triệu lượt.
Dự án sân bay Bokeo được triển khai theo hình thức Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) và nhà đầu tư được Chính phủ Lào trao quyền tô nhượng trong vòng 50 năm. Hiện nay, Lào có các sân bay tại thủ đô Vientiane và các tỉnh như Luang Prabang, Oudomxay, Savannakhet, Champassak, Huaphan…
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Phan Minh Chiến
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm,
Hồ Đức Dũng
Ban Quản trị and Ban Quản trị reacted