Hội nghị thường kỳ tháng 6 của Chính phủ
Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chủ trì hội nghị thường kỳ tháng 6 của Chính phủ để thảo luận các chính sách giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, biểu giá điện và tiến độ triển khai cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Một chủ đề quan trọng khác của hội nghị là thảo luận về việc chuẩn bị cho Kỳ họp sắp tới của Quốc hội.
Tại hội nghị, các thành viên Chính phủ cũng đã tập trung thảo luận báo cáo của Chính phủ sẽ được trình bày tại kỳ họp sắp tới của QH, bao gồm tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng, đặc biệt là kế hoạch thực hiện 10 điểm chính sách, 09 giải pháp nhằm giảm tác động kinh tế của dịch Covid-19. Các thành viên Chính phủ cho rằng cần thiết phải xác định và tiếp tục triển khai các siêu dự án, tiến hành thanh kiểm tra các dự án đầu tư của Chính phủ để giảm chi phí của các dự án này tối thiểu là 20%. Vấn đề tạo việc làm và thu nhập cho lao động Lào trở về từ nước ngoài cũng đã được thảo luận.
Tại hội nghị, Chính phủ đã nghe báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ về cơ cấu biểu giá điện mới; báo cáo của các cơ quan liên quan về cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của khu vực doanh nghiệp. Các thành viên Chính phủ nhấn mạnh rằng, các ngành, các cấp liên quan cần tăng cường kế hoạch, phối hợp và giám sát để giải quyết những vấn đề tồn đọng, đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ sửa đổi các quy định liên quan.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Thongloun Sisoulith chỉ ra những công việc cần phải thực hiện trong nửa tháng 6 còn lại và trong tháng 7/2020, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thiết phải duy trì sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, tăng cường ngăn chặn và giải quyết các tệ nạn xã hội, giám sát việc sử dụng các mạng xã hội để ngăn chặn việc lan truyền tin giả và kích động cộng đồng.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung đẩy mạnh thu ngân sách, quản lý chi tiêu, đảm bảo việc trả lương cho cán bộ công chức, quản lý tỷ giá hối đoái trong phạm vi cho phép, sản xuất thương mại và giải quyết việc trả nợ cho các doanh nghiệp để họ có thể tiếp tục hoạt động. Triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch Covid-19 để đảm bảo không có làn sóng lây nhiễm lần thứ hai ở Lào, đồng thời xác định những giải pháp mới để giảm nhẹ tình hình sau ngày 30/6. Tiểu ban chuyên trách về tác động kinh tế cần tiếp tục củng cố và triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp đã được Chính phủ phê duyệt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường và phát triển mạnh hơn.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các chính quyền địa phương giải quyết sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết; Bộ Giáo dục và Thể thao hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục về giáo trình và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; Bộ Nông Lâm về việc hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp mùa mưa; Bộ Công Thương về việc quản lý giá cả; Bộ Ngoại giao về việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36, theo dõi tình hình khu vực và thế giới với những tác động về chính trị, xã hội và kinh tế đối với đất nước. (Vientiane Times, 18/6/2020)
Chính phủ chuẩn bị báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm
và nhiệm vụ trong thời gian tới
Ngày 22/6/2020, Người Phát ngôn của Chính phủ Chaleun Yiapaoher cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách 5 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2020 trình Phiên họp thứ 9, Quốc hội Khóa VIII sắp tới.
Theo Người phát ngôn của Chính phủ, Chính phủ dự kiến sẽ kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 từ 6,5% xuống 3,3-3,6%. Chính phủ nhận thấy cần thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu khác vì tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo tháng 4/2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, tốc độ tăng trưởng GDP của Lào dự báo chỉ tăng trưởng 3,3% năm 2020, thấp nhất kể từ năm 1986 khi Lào lần đầu tiên áp dụng chính sách đổi mới định hướng thị trường.
Tác động trực tiếp của dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành/lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế Lào như du lịch, thương mại và đầu tư, làm giảm mạnh tăng trưởng kinh tế. Riêng ngành du lịch đã thiệt hại trên 450.000 USD trong hai tháng đầu năm. Để giảm thiểu tác động của đại dịch, Chính phủ đã ban hành chính sách 10 điểm và 09 giải pháp, bao gồm cả cắt giảm thuế. Kết quả thực hiện các chính sách và giải pháp này sẽ được trình bày trước Quốc hội. Trong Phiên họp dự kiến kéo dài 1-tuần, các thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu QH. (Vientiane Times, 23/6/2020)
Phó Thủ tướng thăm Khu Kinh tế Chuyên biệt Tam giác Vàng
Ngày 04/6/2020, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone đã dẫn đầu đoàn quan chức Chính phủ đến thăm Khu Kinh tế Chuyên biệt (SEZ) Tam giác Vàng tại huyện Tôn Phợng, tỉnh Bokeo nhằm tìm hiểu tác động của Covid-19, các giải pháp phòng chống virus, tình hình đầu tư, khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư và kế hoạch phát triển của SEZ.
Đoàn đã được nhiệt liệt chào đón bởi Chủ tịch SEZ Chio Wai, Tỉnh tưởng Bokeo Bouakhong Nammavong cùng đông đảo quan chức địa phương và các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của ông Chio Wai, với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Lào và các cơ quan hữu quan các cấp từ khi thành lập năm 2007 – 2019, tổng số 2 tỷ USD đã được đầu tư vào SEZ này. Tiền đầu tư bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án xây dựng, khách sạn, nhà hàng, chợ, các tổ chức tài chính và giáo dục, bệnh viện, các khu vui chơi giải trí, sòng bạc (casino) cùng với các điểm xúc tiến du lịch và nông nghiệp.
Chính phủ Lào đã nhận được 15 triệu USD từ SEZ Tam giác Vàng dưới hình thức tiền thuế, bao gồm cả từ casino. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tổng số có 50.000 người sống và làm việc trong SEZ, năm nay chỉ có 20.000 cư dân và khoảng 600.0000 khách du lịch.
Ông Chio Wai cho biết, hiện nay SEZ đang tập trung vào thực hiện các dự án quan trọng và phòng chống Covid-19, đồng thời triển khai các hoạt động du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế và logistics. SEZ đã chi 946.000 USD để thực hiện dự án, phòng chống virus và phân công 300 nhân viên để kiểm tra sức khỏe trong khu nhưng chưa phát hiện ca mắc Covid-19 nào. Casino đã bị đóng cửa, số lượng khách giảm và đó là nhân chính dẫn đến chi phí cao hơn thu nhập.
Trong kế hoạch giai đoạn 2020-2025, SEZ dự định sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, khoảng 1,5 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp các hệ thống điện nước, viễn thông, thoát nước và xử lý rác và nước thải. Đáng chú ý, 150 triệu USD sẽ được đầu tư để xây dựng sân bay quốc tế và 12 triệu USD sẽ được đầu tư để mở rộng cảng sông quốc tế; 200 triệu USD sẽ đầu tư để phát triển nông nghiệp xanh, bao gồm trồng trọt và chăn nuôi; 150 triệu USD sẽ được đầu tư vào các dự án du lịch (Vientiane Times, 8/6/2020)
Thị trường bất động sản Lào giảm mạnh trong năm 2020
Theo báo Vientiane Times ngày 5/6/2020, Giám đốc điều hành của Rentsbuy.com, ông Hounphan Sayalath cho biết, thị trường bất động sản ở Lào sẽ giảm 15-20% năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và suy thoái kinh tế. Mặc dù đã giảm giá khá nhiều nhưng các chủ nhà, chủ đất vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh. Trong thời gian từ 2016-2017, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, đã đầu tư nhiều tại Lào và dùng tiền để mua hoặc thuê nhà/đất, việc buôn bán bất động sản khá thuận lợi. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đổ ra nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc không thể chuyển vốn ra nước ngoài, do đó tạo ảnh hưởng tới nhu cầu về bất động sản ở các nước khác, trong đó có Lào.
Khủng hoảng do dịch covid 19, nhiều người lo ngại về việc cung cấp thực phẩm tại Lào và muốn đầu tư vào kinh doanh nông nghiệp, điều này đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước mua hoặc thuê đất làm nông nghiệp, dẫn đễn thị trường đất trở nên sáng sủa hơn. Ngoài ra, chủ đất ở ngoại ô Viêng Chăn cũng có thể bán những mảnh đất nhỏ cho người có nhu cầu đất để xây nhà.
Tuy nhiên, Chính phủ cần có các hệ thống luật tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài hơn, thu hút họ đầu tư vào thị trường bất động sản tại Lào. (Vientiane Times, 5/6/2020)
Việc đền bù cho người dân mất đất làm đường sắt gặp khó khăn
Cư dân các tỉnh Oudomxay và Viêng Chăn cho biết họ chưa được đền bù thỏa đáng về việc họ bị mất đất và các tài sản khác do dự án xây dựng đường sắt Lào-Trung. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, QH khóa VIII.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Ban Chỉ đạo và công ty đường sắt đã có kế hoạch thanh toán đền bù nhưng gặp nhiều khó khăn và đã không có khả năng thực hiện việc đền bù theo kế hoạch. Đường sắt Lào – Trung được cấp vốn bởi Chính phủ Lào và Chính phủ Trung Quốc. Tiền đền bù được lấy từ các nguồn khác nhau, bao gồm từ dự án, ngân sách của Chính phủ, các khoản vay và viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, vì ngân sách Chính phủ hạn hẹp nên hiện nay không đủ tiền để thanh toán tiền đền bù. Người dân phàn nàn là số tiền đền bù được đưa ra là không thỏa đáng và một số người đã từ chối chấp nhận mức đền bù. Một số người từ chối mức đền bù đối với tài sản trên đất, nông sản và trang trại, đòi mức cao hơn cho đất đã được sử dụng làm đường sắt. Một số cư dân nói, họ chỉ mới được đề nghị đền bù một phần đất để xây dựng dự án chứ không phải là toàn bộ diện tích đất mà họ đã mất. Vì những lý do trên, việc đền bù chưa được giải ngân ở các tỉnh Oudomxay và Viêng Chăn. Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục làm việc với các chủ đất để tìm giải pháp cho vấn đề này. (Vientiane Times, 30/6/2020)
Xuất khẩu của Lào theo GSP năm 2019 đạt 1,3 tỷ USD
Theo KPL ngày 8/6/2020, Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Lào cho biết, giá trị xuất khẩu của Lào theo hệ thống thuế quan ưu đãi (GSP) năm 2019 đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 22,65% tổng xuất khẩu cả nước, trong đó 361 triệu USD xuất khẩu sang Thái Lan, 322 triệu USD sang Trung Quốc và 312 triệu USD sang Việt Nam. Năm 2019, tổng giá trị nhập khẩu của Lào theo GSP vào khoảng 665 triệu USD, chiếm 11,60% tổng giá trị nhập khẩu của Lào, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là từ Thái Lan, sau đó là Trung Quốc, Việt Nam. (KPL, 8/6/2020)
Hội nghị đánh giá việc thực hiện SDGs của Lào
Ngày 12/6/2020, tại Viêng Chăn, Thứ trưởng Ngoại giao Lào Thongphan Savanphet đã chủ trì Hội nghị các quan chức chính phủ nhằm đánh giá tiến độ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Thongphan nhấn mạnh tiến bộ và kết quả nổi bật trong việc thực hiện SDGs tại Lào trong những năm qua và đề nghị đại biểu tham dự tập trung vào các biện pháp giải quyết khó khăn, thách thức do đại dịch Covid 19 gây ra, tất cả các ngành, lĩnh vực cần tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện SDGs thông qua việc sử dụng và hướng tới công nghệ số. Ứng dụng di động SDGs tạo điều kiện tiếp cận thông tin và thống kê số liệu của tất cả các lĩnh vực trong xã hội liên quan đến thực hiện SDGs của Lào. Cuộc họp này cũng là một trong những cơ chế thực hiện SDGs sau khi Chính phủ Lào thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được tất cả các nước thành viên LHQ thông qua năm 2015, bao gồm 17 SDGs của LHQ và SDG 18 hay còn gọi là "An toàn sự sống từ bom mìn chưa nổ" do Lào thông qua năm 2016.
Chính phủ Lào đã thành lập Ủy ban liên ngành triển khai công việc nhằm đảm bảo đạt được SDGs do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng KHĐT. Chính phủ Lào hiện phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển hành động hướng tới SDGs, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hoàn thành các điều kiện để ra khỏi tình trạng nước kém phát triển (LDC). (Vientiane Times, 16/6/2020)
Nông dân đang phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt
Ngày 18/6/2020, theo Vientiane Times, những người nông dân ở nhiều vùng trên cả nước đang phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt làm giảm mạnh diện tích trồng lúa vì hạn hạn trong mùa khô và tiếp đến là lượng mưa thấp và đến muộn trong mùa mưa.
Ở một số vùng trên cả nước, từ tháng 11/2019-4/2020, thu hoạch lúa bị thất thu nặng, những người nông dân thậm chí không đủ gạo để tự nuôi sống bản thân, họ phải chuyển sang trồng chuối và dưa để lấy tiền mua lương thực. Nông dân ở nhiều cộng đồng đang cầu cứu ngành nông nghiệp cung cấp cho họ trợ giúp kỹ thuật để cải tiến sản xuất và giống lúa phù hợp để có thể ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan. Việc đảm bảo khả năng tiếp cận các giống lúa mới cho những người nông dân bị tác động bởi biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng ở nhiều vùng nông thôn nơi sản xuất lúa gạo là sinh kế, đồng thời là cách để giảm nghèo đói ở các cộng đồng.
Theo các chuyên gia môi trường, biến đổi khí hậu dự báo sẽ làm cho hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng ở Lào, năng suất trồng trọt có thể giảm 10% vào năm 2020 và 30% vào năm 2050. Tình trạng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên an ninh lương thực, giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng và xúc tiến nông nghiệp bền vững vào năm 2030.
Theo Bộ Công Thương, thị trường lúa gạo ở Lào có thể sẽ biến động mạnh vì sản lượng thu hoạch không đạt chỉ tiêu hàng năm. Giá cả mặt hàng gạo thường dao động trong mùa mưa từ tháng 6-9, phụ thuộc vào sản lượng thu hoạch và nguồn cung trên thị trường. (Vientiane Times, 18/6/2020)
Xuất khẩu dệt may của Lào dự báo giảm do dịch bệnh Covid-19
Báo Vientiane Times ngày 8/6/2020 đưa tin, năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Lào dự báo giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy dệt may phải tạm dừng hoạt động.
Theo ông Bountham Chanthavong, người đứng đầu Hiệp hội dệt may, dịch bệnh Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt may do việc xuất nhập khẩu nguyên liệu bị ảnh hưởng, khiến cho nhiều nhà máy không thể sản xuất đủ công suất. Một số lượng lớn công nhân bị tạm nghỉ việc, phải trở về quê để tránh lây lan dịch bệnh theo chỉ đạo của chính phủ. Điều này có thể sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm, tuy nhiên không thể dự đoán sẽ giảm bao nhiêu.
Hiện nay, Lào có hơn 70 nhà máy may, phần lớn nằm xung quanh khu vực thủ đô Viêng Chăn, trong đó 48 nhà máy sản xuất quần áo xuất khẩu, hơn 20 nhà máy sản xuất cho các nhà xuất khẩu và thị trường nội địa, tạo ra hơn 26.000 việc làm cho dân địa phương, với trên 90% là lao động nữ.
Năm 2016, Lào xuất khẩu quần áo sang EU hơn 33 triệu sản phẩm với trị giá 140 triệu USD, sang Nhật Bản hơn 1,4 triệu sản phẩm, trị giá 9,6 triệu USD, sang Mỹ 1,3 triệu sản phẩm, trị giá 4,5 triệu USD và sang Canada 166.515 sản phẩm, trị giá 410.140 USD; các nước khác là 436.174 sản phẩm, trị giá hơn 9,9 triệu USD. Năm 2019, giá trị xuất khẩu sang các thị trường trên đạt 170 triệu USD. (Vientiane Times, 28/5/2020)
Tại cuộc họp đánh giá công tác của ngành Hải quan 5 tháng đầu năm và đề ra các biện pháp thu ngân sách trong 7 tháng còn lại của năm 2020, thông báo của Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính, ông Phoukhaokham Vannavongxay, ngành Hải quan thu được 2.586 tỷ Kíp trong 5 tháng đầu năm 2020, giảm 402 tỷ Kíp so với cùng kỳ, trong đó, Tổng Cục Hải quan thu được 9 tỷ Kíp, Hải quan khu vực I thu được 163,68 tỷ Kíp, Hải quan Khu vực II thu được 21,35 tỷ Kíp, Hải quan Khu vực III thu được 370 tỷ Kíp và Hải quan Khu vực IV thu được 41,23 tỷ Kíp; Hải quan Khu vực V thu được 1,193 tỷ Kíp; Hải quan Khu vực VI thu được 443 tỷ Kíp và Hải quan Khu vực VII thu được 341,64 tỷ Kíp. Nguồn thu chính là thuế từ gas, phụ tùng phương tiện, thiết bị điện…và các khoản phí khác.
Theo báo cáo, việc thực hiện kế hoạch ngân sách của chính phủ đối với ngành hải quan gặp khó khăn do nền kinh tế thế giới chao đảo và do chính sách miễn thuế, ưu đãi thuế.
Dự báo, chính quyền không thể đạt được kế hoạch năm vì dịch bệnh Covid-19 do việc giảm nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế; thiếu hụt sản phẩm do đóng cửa các nhà máy; việc đóng cửa các cửa khẩu phụ; việc tái cấu trúc chi phí xăng dầu năm 2020 (giảm thu phí đối với dự trữ dầu) và chính sách miễn thuế và các phí khác khi nhập nguyên liệu thô, thiết bị và phương tiện như (giảm thuế tiêu thụ đặc biệt khi lắp đặt nhà máy, chính sách khuyến khích đầu tư, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10% xuống 5% với phụ tùng phương tiện nhập khẩu).
Thêm vào đó, việc thực hiện thông lệ về thông báo hải quan, thu tiền nhập khẩu xe không đúng quy định tại một số địa phương chưa nghiêm và việc buôn lậu và trốn thuế tăng lên đặc biệt đối với xăng dầu và hàng hóa tiêu dùng. (Vientiane Times, 9/6/2020)
Kim ngạch xuất khẩu Lào tháng 5 tăng nhưng vẫn trong tình trạng thâm hụt thương mại
Theo Bộ Công Thương Lào, kim ngạch xuất khẩu của Lào tháng 5/2020 cao hơn tháng 4 nhưng vẫn trong tình trạng thâm hụt thương mại.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 chỉ đạt 209 triệu USD do tác động của dịch Covid-19 nhưng tháng 5/2020 đã tăng lên khoảng 264 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2020 là 447 triệu USD, thâm hụt thương mại 183 triệu USD. Con số trên chưa bao gồm giá trị xuất khẩu điện.
Hàng xuất khẩu chủ yếu là quặng đồng, đồng và sản phẩm đồng, bột gỗ, giấy vụn, chuối, đồ uống, quần áo, thiết bị điện tử, hoa quả (dưa hấu, me, xoài), vàng thỏi và phụ tùng camera.
Hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị cơ khí (không bao gồm xe máy), thép và sản phẩm thép, dầu diesel, phương tiện đường bộ, xe đầu kéo, đồ uống, thiết bị điện tử, sản phẩm nhựa, thép dây, phụ tùng xe (lốp, gương, xích), phân bón.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào, tiếp đó là Việt Nam và Thái Lan.
Theo dự tính, giá trị xuất khẩu tháng 6 sẽ tăng khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng. (Vientiane Times, 12/6/2020)
Công ty xăng dầu Lào giảm 10% nhập khẩu trong quý 3/2020
Báo Vientiane Times ngày 12/6/2020 đưa tin, Công ty xăng dầu nhà nước Lào quyết định giảm 10% nhập khẩu và cung cấp trong nội địa trong quý 3 năm nay do khả năng phục hồi kinh tế chưa chắc chắn, sau tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo kế hoạch, năm 2020, Công ty sẽ nhập 295 triệu lít xăng dầu, nhưng do kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty đã điều chỉnh mục tiêu kinh doanh để phù hợp với nhu cầu thực tế và có thể tiếp tục cắt giảm trong quý 4, nếu khả năng phục hồi kinh tế của Lào không có tiến triển tốt hơn.
Đầu tháng 6/2020, Chính phủ đã công bố chiến thắng bước đầu với dịch bệnh Covid-19, nới lỏng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, cho phép người dân trở lại cuộc sống bình thường, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thị trường nội địa tăng trở lại, các nước xuất khẩu xăng dầu toàn cầu đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã hai lần tăng giá xăng dầu (5 và 6/2020) để thích ứng với sự biến động của thị trường thế giới.
Giá tăng đã gây tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó giá dịch vụ, hàng hóa tăng (tỷ lệ trượt giá tháng 1/2020 là 6,94%; tháng 2/2020 là 6,24%, tháng 3 giảm còn 6,14%, tháng 4 là 5,84% và tháng 5 là 5,46%) gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Quyền Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu và gas Anousini cho biết nhu cầu tiêu dùng xăng dầu có tăng, nhưng không nhiều do các lĩnh vực dịch vụ vận tải, sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động ở mức thấp, cầm chừng. Trong giai đoạn dịch bệnh, việc nhập khẩu xăng dầu vẫn hoạt động và đảm bảo cung ứng đầy đủ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. (Vientiane Times, 18/6/2020).
Kim ngạch xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2020 tăng dù diện tích trồng giảm
Báo Vientiane Times ngày 22/6/2020 đưa tin, diện tích trồng cà phê của Hiệp hội cà phê Lào (LCA) giảm khoảng 5-10% trong 5 tháng đầu năm 2020 khi người trồng chuyển sang trồng sắn để tìm kiếm thu nhập cao hơn do giá cà phê giảm và dịch bệnh trong những năm gần đây.
Theo ông Sivilay Xayasaeng, nhà điều phối chính của Hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Lào tăng do giá cà phê tăng. 05 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu cà phê đạt gần 20.000 tấn, trị giá khoảng 37 triệu USD, cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 8.000 tấn, tương đương giá trị 12,1 triệu USD. Sản phẩm xuất khẩu gồm các loại hạt cà phê Arbica, Robusta, Exelsa và một số sản phẩm đã qua chế biến.
Việt Nam là thị trường lớn nhất của Lào, chiếm 65% lượng cà phê xuất khẩu, tiếp đó là Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia, Bỉ, Thụy Sĩ và Mỹ.
Diện tích trồng cà phê ở Champasak hiện tại là 50.250 ha, Saravan là 19.716 ha, Sekong là 10.131 ha và Attapu là 2.216 ha.
Do áp dụng biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ các nước, hầu hết các nhà sản xuất cà phê của Lào đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, đơn hàng từ các đối tác tạm dừng. Các công ty rất khó khăn trong việc tìm được khách hàng mới do các biện pháp phòng tránh bệnh nghiêm ngặt. (Vientiane Times, 22/6/2020).
Lào thiếu hụt nguồn ngoại tệ
Ngày 25/6/2020, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Sonexay Sitphaxay báo cáo tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa VIII cho biết, Lào cần ít nhất 4 tỷ USD hàng năm, chưa bao gồm nhập khẩu dịch vụ và thanh toán nợ ở nước ngoài, nhưng chỉ có khả năng đáp ứng được 2 tỷ USD.
Từ năm 2018, nhu cầu ngoại tệ tăng là thách thức lớn trong việc cân đối thanh khoản cán cân tiền tệ, gặp khó khăn trong quản lý tỷ giá, các ngân hàng thương mại và nhà nước không thể mua hơn 2 tỷ USD, bình quân giảm 53% so với 3 năm trước.
Nguồn cung ngoại tệ thấp do tác động bởi hai yếu tố trong và ngoài nước, làm suy yếu giá trị đồng tiền Kíp. Từ năm 2018, Lào rất khó khăn trong việc duy trì sự ổn định tỷ giá, khi giá trị đồng USD và đồng Baht Thai biến động trên thị trường thế giới.
Kinh tế Lào phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, nợ nước ngoài đến kỳ cần phải thanh toán cả gốc và lãi, trong khi nguồn ngoại tệ giảm do nguồn cung ngoại tệ từ dòng vốn viện trợ và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, càng tạo áp lực cho ngành tài chính-ngân hàng. Bên cạnh đó, cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài của các nước đang phát triển khiến cho dòng ngoại tệ vào Lào hiện nay giảm mạnh, chỉ đạt 755 triệu USD, bằng 44% của năm 2018 (1,3 tỷ USD) và 55% so với năm 2017 (1,38 tỷ USD).
Theo ông Sonexay, nhu cầu ngoại tệ tăng, nguồn cung hạn chế đã làm giảm dự trữ ngoại tệ, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường ngoại hối của Lào. Cùng với đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu sẽ gây sự khó khăn hơn trong việc ổn định tỷ giá của Lào. Đồng thời, sự mất ổn định kinh tế toàn cầu gây nên sự biến động giá cổ phiếu, vàng, giá xăng…trên thị trường quốc tế, đồng USD mạnh lên so với đồng Euro và đồng Yên Nhật, giá trị đồng Baht Thái tăng lên, việc duy trì sự ổn định tỷ giá càng vấp phải nhiều khó khăn hơn đối với Lào là nước phụ thuộc vào nhập khẩu và dịch vụ. (Vientiane Times, 29/6/2020)
Thu ngân sách dự kiến sẽ giảm 6.322 tỷ Kíp năm 2020
Ngày 23/6/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Somdy Duangdy báo cáo tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa VIII cho biết, năm 2020, dự kiến thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 6.322 tỷ Kíp, ước đạt khoảng 20.388 tỷ Kíp, không đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn thu từ thuế dự báo giảm 3.930 tỷ Kíp so với kế hoạch là 13.950 tỷ Kíp do: Áp dụng luật thuế sửa đổi và triển khai các giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (theo Quyết định số 31/TTg); thuế doanh nghiệp giảm do hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh bị đình trệ; thu thuế nhập khẩu dự tính giảm 1.161 tỷ Kíp so với kế hoạch (8.200 tỷ Kíp), giá xăng dầu giảm từ 55 USD xuống 33 USD/thùng và việc giảm tiêu thụ; thu từ dịch vụ quá cảnh không phận giảm 401 tỷ Kíp so với kế hoạch 2.220 tỷ Kíp; doanh nghiệp nhà nước nộp NSNN dự kiến giảm khoảng 830 tỷ Kíp so với kế hoạch 2.340 tỷ Kíp…do phải trả vốn vay đến hạn.
Để cân đối, Chính phủ dự kiến giảm chi ít nhất 2.600 tỷ Kíp và đề nghị giảm chi hành chính công và quỹ khác của các cơ quan, tổ chức hưởng lương ngân sách nhà nước khoảng 30% kế hoạch năm.
Cắt giảm đầu tư công ít nhất 50%, trừ một số khoản chi cấp thiết đối với các chương trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường giải tỏa dự án đường sắt Lào-Trung và quỹ của dự án Hỗ trợ phát triển chính thức trong nước.
Bộ Tài chính đề xuất giảm các chi tiêu khác của chính phủ như cắt giảm các hoạt động quan trọng, ngân sách ASEAN và dự trữ tích lũy; đảm bảo các chi tiêu quan trọng. (Vientiane Times, 29/6/2020).
Khu kinh tế mới Siphandone xanh triển khai giai đoạn 1 dự án
Ngày 01/6/2020, Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh Champasak do Chủ tịch huyện Khong, bà Khamphou Lithisak dẫn đầu đã đến hiện trường khu kinh tế mới Siphandone theo dõi việc triển khai giai đoạn 1 dự án theo kế hoạch năm 2018-2020. Giai đoạn 1 của dự án đang được triển khai xây dựng bao gồm các hạng mục: tuyến đường bao quanh đảo Không bằng bê tông, khách sạn Siphandone International và tuyến đường chính số 1.
Thông tin ban đầu từ chuyên gia dự án cho biết, hiện nay đang tiến hành xây dựng và phát triển dự án khu Resort Khonephapheng thành khu du lịch khép kín với đầy đủ các tiện ích như: khách sạn 5 sao, nhà nghỉ sinh thái, sân golf, khu giải trí, trung tâm dịch vụ khách du lịch...; đối với kế hoạch sắp tới sẽ tiếp tục triển khai xây dựng khách sạn Dokchampa, xây dựng sân golf, xây dựng trục đường đi nội bộ ban đêm, sửa chữa các điểm du lịch thác nước Khonephapheng và thác Somphamid, cũng như hạ tầng du lịch để tiếp nhận khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan với số lượng ngày một tăng.
Bước đầu, dự án triển khai tuyến đường bê tông quanh huyện lỵ huyện Không, là một trong những hạng mục cần sửa chữa trong hệ thống hạ tầng giao thông thương mại và du lịch trong huyện Không, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút khách du lịch; dự án xây dựng đường bê tông này được tiến hành theo 3 giai đoạn với tổng chiều dài 41 km, giá trị đầu tư là 12 triệu USD bằng nguồn vốn viện trợ từ chương trình dự án và sẽ hoàn thành vào năm 2021. (Báo KT-XH, ngày 03/6/2020)
Khả năng phục hồi kinh tế của Lào sau khi đại dịch Covid-19 suy giảm
Ngày 08/6/2020, tại thủ đô Viêng Chăn, Quyền Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Liber Libuapao đã có buổi trao đổi và trả lời trước báo chí về khả năng phục hồi kinh tế của Lào sau đại dịch Covid-19. Theo ông, trước mắt, Lào cần thúc đẩy du lịch trong nước, Lào là quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống và các "bun hội" của các bản làng, địa phương trên toàn quốc, việc giao lưu giữa các khu vực, vùng miền để tham gia các lễ hội đó của người dân góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trong nước, tạo nguồn thu, tạo việc làm cho người dân bằng chính nguồn lực trong nước.
Ông cho biết, đối với việc khôi phục lại kinh tế, trong ngắn hạn, Lào có thể sử dụng các nguồn lực quốc gia, đặc biệt về du lịch trong nước, về sản xuất nông-lương; là cơ hội tốt khuyến khích sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường nội địa; sự thiếu hụt hàng hóa nhập khẩu là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trẻ của Lào đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm hàng hóa thay thế nhập khẩu, cung cấp cho thị trường nội địa, giảm sự lo lắng về khả năng cạnh tranh với các mặt hàng vẫn phải nhập khẩu trước dịch Covid-19.
Để khuyến khích và thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa trong nước, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ; tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải chủ động, tận dụng cơ hội phát triển trong giai đoạn chưa có sự cạnh tranh của hàng hóa ngoại nhập; cần đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thiết yếu, cần thiết đang thiếu hụt trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng với hàng ngoại khi đại dịch trên toàn cầu chấm dứt, chuỗi cung ứng hàng hóa được phục hồi trở lại. (Báo điện tử KPL, ngày 08/6/2020)
Trong 05 tháng đầu năm 2020 đã triển khai 2.384 dự án đầu tư trên toàn quốc
Ngày 25/6/2020, tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa VIII, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone đã báo cáo về chính sách, phương pháp và biện pháp thúc đẩy và khuyến khích đầu tư nhằm đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, ngày 24/11/2016, Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giai đoạn 04 năm (2017-2020) của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VIII, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu tăng GDP bình quân cho giai đoạn này được đặt ra là 7,2% (năm 2017 đạt 7%, năm 2018 là 7%, 2019 là 7,3% và năm 2020 là 7,5%); dự kiến tổng nhu cầu vốn phát triển cần là 173.329 tỷ Kíp, tương đương 21,4 tỷ USD, chiếm 29% GDP; trong đó, đầu tư công chiếm từ 12-15% tổng vốn đầu tư, nguồn từ vốn viện trợ phát triển chính thức chiếm từ 15-24%, đầu tư tư nhân trong và ngoài nước chiếm từ 40-49% và vốn trong hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 21-23% tổng vốn đầu tư phát triển.
Qua việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đạt được, bình quân GDP chỉ đạt khoảng 5,9%, giảm 1,3% so với kế hoạch đề ra (7,2%); cung cấp nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 04 năm không đạt theo kế hoạch. Do đó, để kinh tée tiếp tục tăng trưởng theo hướng bền vững, Chính phủ đã hết sức quan tâm thu hút và quản lý việc tổ chức thực hiện 04 nguồn lực để phát triển một cách có hiệu quả bằng các chính sách, pháp luật và nhiều biện pháp; đặc biệt là việc sửa đổi, xây dựng hệ thống pháp luật, các văn bản pháp quy về đầu tư, các văn bản hướng dẫn, nghị định, quyết định...; đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm các bước, trình tự thủ tục đầu tư, tổ chức đánh giá, kiểm tra rà soát việc thực hiện các quy định của các dự án đầu tư; thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư công đã được quốc hội, hội đồng nhân dân thông qua theo kế hoạch nhằm đảm bảo đạt mục tiêu mà quốc hội đã đề ra.
Phó Thủ tướng Sonexay cho biết thêm, Chính phủ đã quan tâm xử lý nợ đối với các dự án đầu tư công theo trình tự, phê duyệt kế hoạch dự án đầu tư của nhà nước; riêng năm 2020, Quốc hội đã thông qua 2.600 tỷ Kíp (400 tỷ Kíp vốn đối ứng cho dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung) và 05 tháng đầu năm 2020 đã thực hiện 2.384 dự án, với tổng giá trị 1.044 tỷ Kíp. (Báo KT-XH, ngày 26/6/2020)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP
Ngày 24/6/2020, tại phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, Thủ tướng Thongloun Sisoulith, thay mặt Chính phủ trình QH phê chuẩn việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 do tác động của dịch Covid-19.
Theo đề nghị của Chính phủ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh giảm từ 6,5% xuống 3,3 - 3,6%. Đồng thời, Thủ tướng Thongloun cũng đề nghị QH phê chuẩn việc hạ các chỉ tiêu về thu và chi ngân sách, tương ứng từ 28.997 tỷ Kíp xuống 22.725 tỷ Kíp; và từ 35.693 tỷ Kíp xuống 33.043 tỷ Kíp.
Liên quan đến chi ngân sách, Chính phủ kiến nghị cắt giảm chi hành chính 30% đối với các cơ quan trung ương và 10% đối với địa phương. Chính phủ cũng kiến nghị cắt giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 50% giá trị tổng đầu tư.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện dự toán chi ngân sách, Chính phủ đề nghị QH phê chuẩn tăng mức thâm hụt ngân sách từ 3,77% GDP lên 5,87%, theo giá trị tuyệt đối sẽ tăng từ 6.696 tỷ Kíp lên 10.318 tỷ Kíp.
Thủ tướng Thongloun tin tưởng rằng, Chính phủ sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP điều chỉnh, căn cứ vào năng lực thực tế của nền kinh tế và khả năng khống chế được dịch Covid-19.
Các giải pháp Chính phủ dự kiến tiến hành trong 06 tháng cuối năm bao gồm: thực hiện một cách có hiệu quả kế hoạch thu ngân sách; đảm bảo cung ứng tiền tệ hợp lý; giải quyết nợ xấu đảm bảo ổn định tỷ giá hối đoái; tăng cường sản xuất hàng hóa để đảm bảo an ninh lương thực; cắt giảm nhập khẩu, xuất khẩu; hồi phục ngành du lịch bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong 06 tháng tới, Chính phủ cũng sẽ tập trung xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, củng cố các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước; tăng cường kỹ năng của người lao động và giảm nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Ngày 3/7/2020, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã phê chuẩn kiến nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô nêu trên. (Vientiane Times, 25/6; 03/7/2020)
Nghị định mới của Chính phủ về lao động Lào làm việc ở nước ngoài
Báo Vientiane Times ngày 8/6/2020 đưa tin, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã ký ban hành nghị định mới về việc đưa lao động Lào ra nước ngoài thay thế nghị định trước đây ban hành ngày 28/5/2002 nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi của lao động Lào làm việc ở nước ngoài. Theo đó, Chính phủ Lào cấm các tổ chức tuyển dụng lao động đưa người lao động Lào đến các quốc gia hoặc khu vực rủi ro, bao gồm các nước hoặc vùng lãnh thổ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, chưa ký hiệp định hợp tác lao động song phương với Lào; các nước có tuyên bố chiến tranh hoặc các nước không an toàn; các nước hoặc khu vực rò rỉ chất thải hóa học nguy hiểm tới sức khỏe; các khu vực có bệnh truyền nhiễm từ người sang người.
Lao động Lào cũng không được phép làm các công việc không phù hợp với văn hóa, truyền thống của Lào như mại dâm, dịch vụ tình dục. Các công việc khác bị cấm do có rủi ro bao gồm sản xuất thiết bị vật liệu nổ, sản xuất chất hóa học, nơi làm việc có độ ồn cao, các công việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Công dân Lào không được phép tham gia hoạt động buôn bán người hoặc môi giới mại dâm và dịch vụ tình dục. Lao động Lào đi làm việc ở nước ngoài phải có độ tuổi ít nhất là 18, sức khỏe tốt và không vi phạm pháp luật.
Các tổ chức tuyển dụng lao động phải có văn phòng đại diện tại các quốc gia tiếp nhận lao động Lào, bảo đảm ký kết hợp đồng lao động, hỗ trợ lao động Lào trong trường hợp cần thiết, có trách nhiệm đưa lao động Lào về nước trong trường hợp kết thúc hợp đồng, vi phạm hợp đồng và các trường hợp khẩn cấp khác. (Vientiane Times, 8/6/2020)
Cơ quan chức năng dự kiến nâng cấp các địa danh để hồi phục ngành du lịch
Ngày 8/6/2020, trả lời phỏng vấn Vientiane Times, Vụ trưởng Vụ Tiếp thị du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Soun Manivong cho biết, hiện nay Bộ đang xây dựng kế hoạch để nâng cấp và khôi phục các điểm du lịch trên toàn quốc để hồi phục ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19.
Ông Soun Manivong cho biết, sau khi hoàn thành dự thảo kế hoạch, ngành du lịch sẽ tổ chức hội nghị để thảo luận nội dung, tham vấn với các công ty du lịch nhằm chia sẻ ý tưởng để hoàn thiện kế hoạch và triển khai thực hiện.
Sự bùng phát của virus Corona đã gây tác động mạnh lên nhiều lĩnh kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, Chính phủ đang rất quan tâm nâng cấp các điểm du lịch để thu hút du khách.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng Thongloun Sisoulith chỉ đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch phải có kế hoạch để nâng cấp các điểm du lịch, cải tiến dịch vụ để chuẩn bị cho việc mở cửa lại nền kinh tế sau đại dịch.
Nhiều nhân viên khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đã phải nghỉ việc, tất cả các điểm du lịch trên cả nước đã phải tạm thời đóng cửa, các chuyến bay trong nước và quốc tế đã phải tạm ngừng, các tour du lịch đã bị cấm tổ chức để phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến nhiều thiệt hại.
Hiện nay, các công ty du lịch ở Vang Viêng đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi lệnh phong tỏa đã từng bước được nới lỏng.
Trong hai tháng đầu năm 2020, ngành du lịch đã thiệt hại 450.000 USD vì khách du lịch từ Trung Quốc và Thái Lan đã giảm tương ứng là 16% và 5%. Trong ba tháng đầu năm 2020, Lào đã thu hút được 886.440 khách du lịch trong nước và quốc tế, giảm 17% so cùng kỳ năm 2019. (Vientiane Times, 10/06/2020)
Dịch vụ một cửa vẫn chưa được thực hiện
Báo Vientiane Times ngày 26/6/2020 đưa tin, phát biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 8 ngày 25/6/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone cho biết, dịch vụ một cửa mà Chính phủ phê duyệt, cho phép các nhà đầu tư hoàn thành tất cả các thủ tục tại một địa điểm, vẫn chưa được triển khai hiệu quả, họ vẫn phải được sự chấp thuận của bộ, ngành chịu trách nhiệm về lĩnh vực liên quan cụ thể. Theo ông, nguyên nhân là do tồn tại các quy định của pháp luật và các quy định quản lý liên ngành, đòi hỏi các bộ, ngành liên quan vẫn phải tham gia vào quá trình phê duyệt, ví dụ: nếu muốn đầu tư vào một dự án khai khoáng hay thủy điện, các nhà đầu tư được Bộ KHĐT cấp phép, nhưng vẫn phải nhận được sự chấp thuận của Bộ Năng lượng và Mỏ; hoặc đối với dự án vận hành bệnh viện thì phải được phê duyệt của Bộ Y tế. Ông cũng cho biết, vấn đề sắp xếp tất cả các dịch vụ tại một cửa đã được bàn thảo tại các cuộc họp của Chính phủ, có sự đóng góp ý kiến của đại diện tất các ngành liên quan để triển khai văn phòng dịch vụ một cửa. Phó Thủ tướng Sonexay cam kết sẽ thúc đẩy thực hiện dịch vụ một cửa này khi có luật lệ và quy định phù hợp.
Trong thời gian qua, Lào không tăng hạng trong bảng xếp hạng thuận lợi hóa kinh doanh của Ngân hàng thế giới (WB) mặc dù Chính phủ thể hiện mong muốn cải thiện xếp hạng của Lào lên 2 con số vào năm 2020. Hiện Lào xếp thứ 154 hai năm liên tiếp trong bảng xếp hạng này của WB. (Vientiane Times, 26/6/2020)
Chính phủ đặt mục tiêu thu 21.286 tỷ Kíp từ ngành năng lượng
Ngày 24/6/2020, theo báo cáo của Thủ tướng Thonloun Sisoulith tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa VIII, Chính phủ dự tính thu được 21.286 tỷ Kíp từ 41.340 kwh điện, tăng nhẹ so với kế hoạch được phê duyệt. Đến nay, Lào đã sản xuất được 18.808 kwh điện, tương đương giá trị 9.792 tỷ Kíp. Doanh thu 5 tháng đầu năm 2020 đạt 46% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Năng lượng và Mỏ cơ cấu lại giá điện sau khi tái cấu trúc biểu giá điện. Biểu giá điện được tái cấu trúc nhằm để người dân có thể chi trả chi phí sử dụng điện phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh. (Vientiane Times, 25/6/2020).
Chính phủ thông qua Chiến lược huy động vốn ODA 2030
Ngày 23/6/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ công bố thông qua Chiến lược huy động vốn ODA 2030. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Kikeo Chanthaboury, Đại biện Đại sứ quán Luxembourg Sam Schreiner và đại diện các ngành liên quan.
Chiến lược huy động vốn ODA 2030 xác định tầm nhìn, hướng đi, quy định và chuẩn mực huy động vốn cũng như kiểm tra, sử dụng vốn hiệu quả tối đa và phát triển bền vững.
Theo chiến lược, Lào cần huy động vốn ODA từ các đối tác phát triển, giai đoạn từ 2021 đến năm 2030, với nhu cầu bình quân 700 triệu USD/năm. Việc ban hành và các hoạt động của chiến lược huy động vốn ODA 2030 được triển khai qua dự án "LAO/033 đẩy mạnh hiệu quả quản lý vốn ODA ở Lào" do Chính phủ Luxembourg hỗ trợ.
Theo ông Kikeo Chanthaboury, nội dung của chiến lược bao gồm chiến lược khung tổng thể và các điều chỉnh bổ sung chính sách phát triển quốc gia được thảo luận chi tiết trên cơ sở bối cảnh toàn cầu và trong nước bởi các chuyên gia tư vấn với các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển; xem xét tại Cuộc họp tư vấn cấp cao, thành phần là Bộ trưởng các Bộ, ngành.
Cũng theo ông Kikeo, năm nay, kinh tế toàn cầu suy giảm do dịch bệnh Covid-19, kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch bệnh sẽ chậm và kéo dài hơn dự kiến, kinh tế Lào gặp nhiều khó khăn trong quý tới, thậm chí cả năm tiếp theo. (Vientiane Times, 25/6/2020).
Chính phủ quy định 10 chính sách, 9 biện pháp giải quyết tác động từ dịch Covid-19
Ngày 24/6/2020, tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa VIII, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội quốc gia trong 06 tháng đầu năm, tác động của dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc và những khó khăn trước mắt và lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế của Lào.
Để giải quyết các tác động của Covid-19, Thủ tướng Thongloun cho biết, Chính phủ đã đề ra 10 chính sách để các ngành triển khai thực hiện gồm: (i) miễn thuế thu nhập cho người lao động có mức lương dưới 05 triệu Kíp trở xuống và miễn thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp nhà nước trong 03 tháng (4,5 và 6); (ii) miễn thuế hải quan, các phí đối với hàng hóa trang thiết bị sử dụng trong việc phòng chống Covid-19; (iii) được giãn lùi nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong thời gian 03 tháng, tính từ tháng 4/2020; (iv) gia hạn thời gian báo cáo tài chính và hoạt động thường niên của các doanh nghiệp năm 2019; (v) gia hạn việc thanh toán phí giao thông; (vi) giảm và gia hạn thanh toán tiền điện, nước; (vii) giảm giá sử dụng dịch vụ internet và điện thoại; (viii) giảm lãi suất cơ bản của ngân hàng CHDCND Lào (BOL) và lãi suất tiền gửi bắt buộc đối với ngân hàng thương mại; (ix) ban hành chính sách tín dụng về việc giãn thời gian trả gốc và lãi đối với khách vay; (x) đảm bảo nguồn vốn 200 tỷ Kíp, trước mắt giành 100 tỷ Kíp để hỗ trợ các doanh nghiệp SME thông qua các ngân hàng thương mại với khung lãi suất là 3%/năm và cho phép các ngân hàng trên giải ngân cho vay với lãi suất 5,5%/năm để khôi phục các cơ sở sản xuất hàng hóa và giãn thời hạn thanh toán bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.
09 biện pháp của Chính phủ bao gồm: (i) nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; (ii) tăng cường quản lý chặt chẽ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; (iii) chú trọng các nguồn thu có thể từ các đơn vị không bị tác động từ dịch bệnh Covid-19, đặc biệt đối các khoản thu phát hiện qua kết quả thanh tra, kiểm toán; (iv) quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách, tiết kiệm và giảm một số khoản chi có thể, các chi phí quản lý, tăng cường thúc đẩy công tác kiểm tra và xem xét lại các dự án đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án lớn nhằm giảm bớt hạng mục không cần thiết, thực hiện nghiêm túc kế hoạch-tài chính; (v) khuyến khích, thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa, sớm triển khai gói vốn kích thích đối với các SME; (vi) triển khai thúc đẩy hoạt động du lịch trong nước; (vii) theo dõi, quản lý lao động Lào từ nước ngoài về; (viii) giải quyết tiền hỗ trợ cho người lao động mất việc có bảo hiểm xã hội; (ix) củng cố và chuẩn bị các điều kiện để tái hoạt động kinh doanh trở lại cho Tổng công ty hàng không Lào. (Báo KT-XH, ngày 25/6/2020)
Ngân hàng CHDCND Lào áp dụng nhiều biện pháp giữ ổn định tiền tệ quốc gia
Ngày 29/6/2020, báo cáo tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa VIII, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Sonexay Sithphaxay cho biết sẽ thực hiện các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái theo kế hoạch đã đề ra nhằm đảm bảo lượng tiền lưu thông có thể hấp thụ được trong nền kinh tế, không gây áp lực tạo lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại cuộc họp, Thống đốc BOL thông báo tình hình về tiền tệ quốc gia, tỷ giá hối đoái, chỉ số lạm phát, các biện pháp giải quyết trong thời gian qua và việc thực hiện các chính sách tiền tệ và tỷ giá bao gồm: (i) cung cấp gói kích thích kinh tế bằng nguồn tài chính thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để cho phép các cá nhân hoặc tổ chức thực sự tiếp cận các nguồn vốn với chi phí thấp hiệu quả hơn, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất hàng tiêu dùng, các ngành du lịch, dịch vụ, sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; (ii) nhanh chóng thực hiện cơ chế trao đổi tiền tệ giữa Kíp và đồng nhân dân tệ với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và mở rộng sang các ngân hàng đối tác khác để tạo điều kiện tăng khả năng dự trữ ngoại hối quốc gia và giảm áp lực phụ thuộc đối với bất kỳ ngoại tệ nào; (iii) tiếp tục hợp tác với các bên liên quan trong việc tổ chức thực hiện Luật quản lý ngoại tệ nhằm quản lý chặt chẽ nguồn ngoại tệ ra vào; (iv) phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu kho bạc thông qua đấu thầu tại BOL để cân đối ngân sách; (v) phối hợp thường xuyên với cơ quan liên quan Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết hiệu quả và kịp thời các vấn đề liên quan đến bình ổn giá.
Thống đốc BOL cho biết thêm, những khó khăn về ngoại tệ và tỷ giá hối đoái trong điều kiện kinh tế của Lào chưa thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều. Trong sáu tháng đầu năm 2020, từ sự bùng phát của dịch Covid-19, đã có tác động tàn phá đối với nền kinh tế thế giới, việc duy trì sự ổn định tiền tệ quốc gia còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, BOL đã chuẩn bị phát hành lượng trái phiếu chính phủ để thu hút nguồn lực, giải quyết tiền tệ, thực hiện giải pháp duy trì sự ổn định tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Báo điện tử KPL, ngày 29/6/2020)
HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 5 và 5 tháng đầu năm năm 2020
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 như sau:
1. Tháng 5/2020 đạt 72.556.327 USD, tăng ấn tượng 18,1% so với tháng 4/2020 nhưng vẫn giảm 34% so với cùng kỳ, trong đó:
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 44.567.673 USD, giảm 34% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng giữ được đà tăng: dây điện và cáp điện tăng 168%; Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 128%; Kim loại thường khác và sản phẩm tăng 83% và 21,8%; Sản phẩm từ hóa chất tăng 15%;
Sản phẩm gốm sứ tháng 4 giảm nay đã tăng ấn tượng trở lại 97%.
Tất cả các mặt hàng còn lại đều giảm. Một số mặt hàng tháng trước tăng nay đã quay đầu giảm: Hàng rau quả giảm 29%; phân bón các loại giảm 1%; sản phẩm từ sắt thép giảm 1%;
Một số mặt hàng giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại so với tháng trước: Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 59% (tháng trước -90,8%); Clanke và xi măng giảm 25% (tháng trước -65,2%); Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm 34% (tháng trước -57,3%); Sắt thép giảm 20% (tháng trước -37,6%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 44% (tháng trước -44,8%); Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 59% (tháng trước -90,8%); Hàng hóa khác giảm 29% (tháng trước -44%).
Một số mặt hàng giảm sâu hơn tháng trước: Sản phẩm từ chất dẻo giảm 15% (tháng trước -8%); Hàng dệt may tiếp tục giảm sâu 57% (tháng trước -49%);
Các mặt hàng giảm liên tục từ đầu năm: gỗ và sản phẩm gỗ giảm 54%; xăng dầu giảm 89% (giảm liên tục từ đầu năm 2019 cho đến nay); Cà phê đã xuất khẩu trở lại nhưng số lượng không đáng kể, giảm 97% so với cùng kỳ.
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 27.988.654 USD, giảm 35% so với cùng kỳ.
Trong các mặt hàng, chỉ có phân bón các loại tháng trước giảm sâu nay đã tăng trở lại 13%.
Tất cả các mặt hàng còn lại đều giảm: Hàng rau quả quay đầu giảm 46%; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 59% (tháng trước -30,7%) sau 3 tháng giữ được đà tăng; Kim loại thường giảm 80% và hàng hóa khác quay đầu giảm 38%.
Các mặt hàng khác tiếp tục giảm tuy nhiên tốc độ giảm chậm lại: Cao su giảm 51% (tháng trước -79,8%); Quặng và khoáng sản giảm 15% (tháng trước -77,5%) ;
2. Tổng kết kim ngạch 5 tháng đầu năm 2020 đạt 409.563.820 USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 226.808.425 USD giảm 22,3%; nhập khẩu đạt 182.755.395 USD giảm nhẹ 7,9%
- Về các mặt hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch và tăng mạnh là mặt hàng rau quả 87,9% đạt hơn 19,24 triệu USD. Tiếp đến là sản phẩm từ sắt thép đạt gần 17,09 triệu USD tăng 16,6%; Các mặt hàng khác ghi nhận tăng là: Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 164,8% đạt hơn 5,66 triệu USD; Dây điện và cáp điện tăng 73,3% đạt hơn 3,6 triệu USD; Kim loại thường và sản phẩm khác tăng 54,3% đạt 2,15 triệu USD; Sản phẩm từ chất dẻo tăng 15,9% đạt gần 4,66 triệu USD; Sản phẩm từ hóa chất tăng 13,8% đạt hơn 2,7 triệu USD. Các mặt hàng này vẫn giữ được đà tăng trong tháng trước.
Mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhưng vẫn tiếp tục duy trì đà giảm: Xăng dầu giảm 64,1% đạt hơn 12,6 triệu USD; Sắt thép các loại giảm 25,1% đạt hơn 29 triệu USD; Máy móc thiết bị và phụ tùng giảm 16,2% đạt hơn 12,6 triệu USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 33,6% đạt hơn 16,7 triệu USD.
- Về các mặt hàng nhập khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch là gỗ và sản phẩm gỗ, tuy giảm khá mạnh trong tháng 5/2020 nhưng 5 tháng vẫn tăng nhẹ 7% đạt hơn 21,4 triệu USD. Hàng hóa khác tăng 3,2 % đạt gần 98,4 triệu USD; Kim loại thường khác tăng 76,4% đạt hơn 904.000 USD, các mặt hàng còn lại đều giảm.
Dự kiến tháng 6/2020, kim ngạch vẫn chưa thể hổi phục do Chỉ thị 06 của Thủ tướng Lào về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tuy đã nới lỏng nhưng các quy định về cách ly và xuất nhập cảnh vẫn tiếp tục áp dụng đến 30/6/2020 (Thương vụ Việt Nam tại Lào).
Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào ký thỏa thuận hợp tác với Sacombank
Ngày 30/5/2020, tại Viêng Chăn, với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Savankhone Razmountry, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào Oudet Souvannavong và Giám đốc Ngân hàng Sacombank Phạm Quang Phú đã ký thỏa thuận hợp tác giám sát vốn vay dành cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Lào.
Ông Oudet cho biết, việc giám sát các khoản cho vay thông qua việc hợp tác như thế này là một giải pháp khá sáng tạo đối với Lào. Hiện nay, chủ doanh nghiệp và người nông dân muốn vay vốn ngân hàng thì phải thế chấp bất động sản (đất hoặc nhà) trước khi vay. Nhưng theo hình thức giám sát vốn vay mới này, SME cần vay vốn không nhất thiết phải đến Sacombank để đàm phán việc chuyển khoản vì Quỹ Nang Fa (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào) sẽ ủy quyền cho vay và đứng ra đảm bảo với ngân hàng. Điều này có nghĩa là chủ doanh nghiệp và nông dân không phải thế chấp đất hoặc nhà với ngân hàng để đảm bảo nữa. Ông Phạm Quang Phú cho biết, hệ thống mới này sẽ tạo điều kiện cho SME phát triển mà không bị chịu áp lực về việc thế chấp tài sản. (Vientiane Times, 2/6/2020)
Bộ Khoa học-Công nghệ và Unitel hợp tác nghiên cứu khả thi chuyển đổi công nghệ số
Ngày 19/7/2020, theo Vientiane Times, Bộ KH&CN và Công ty TNHH Star Telecom (Unitel) đã ký MOU về nghiên cứu khả thi nâng cấp ngành kỹ thuật số của Lào lên công nghệ 4.0.
MOU được ký kết giữa Vụ trưởng Công nghệ Kỹ thuật số Keonakhone Xaysoulien, Vụ trưởng Kế hoạch và Hợp tác Khamphet Vongdara và Tổng Giám đốc Unitel Lưu Mạnh Hà. Chứng kiến lễ ký kết có Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Boviengkham Vongdara và Thứ trưởng An ninh – Thiếu tướng Onesy Senesouk.
Phát biểu tại lễ ký, ông Keonakhone nhấn mạnh, hiện nay Bộ KH&CN đang đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp công nghệ kỹ thuật số và giao dịch điện tử trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là lĩnh vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự hợp tác giữa Vụ Công nghệ Kỹ thuật số và Unitel sẽ tạo điều kiện để hai bên cùng tiến hành nghiên cứu và phát triển hệ thống dịch vụ kỹ thuật số tại Lào. Dự án nhằm mục đích phát triển các nền tảng kỹ thuật số, các chương trình phần mềm và ứng dụng để hỗ trợ và xúc tiến quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ hàng đầu cho Chính phủ và xã hội phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Chính phủ.
Tổng Giám đốc Unitel Lưu Mạnh Hà cho biết, sau 12 năm hoạt động tại Lào, Unitel đã tạo ra cơ sở hạ tầng viễn thông lớn nhất tại Lào với công nghệ tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Công ty đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ viễn thông cho nhân dân Lào, thậm chí ở các vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 hiện nay, Unitel dự kiến bước vào giai đoạn mới để đưa công ty trở thành người dẫn đầu trong mạng lưới công nghệ và là mạng lưới đầu tiên sử dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại trong quản lý hành chính và phục vụ người dân có cuộc sống số hiện đại. Unitel cam kết sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các cơ quan Chính phủ, các Bộ và các ngành chuẩn bị chuyển đổi sang xã hội kỹ thuật số và đón đầu xu hướng toàn cầu trong tương lai. (Vientiane Times, 19/06/2020)
HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC
Lào-Trung Quốc
Đường sắt Lào – Trung hoàn thành gần 90%
Theo báo Vientiane Times ngày 9/6/2020, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Lào Bounthong Chimany, Giám đốc điều hành Công ty TNHH tuyến đường sắt Lào – Trung (LCRC) Xiao Qianwen cho biết, tính đến cuối tháng 5/2020, tuyến đường đã hoàn thành được 89,43%, xây dựng được 65 hầm, cầu. Tuyến đường này dài 409 km, đi qua thủ đô Viêng Chăn và 4 tỉnh là Viêng Chăn, Luang Prabang, Oudomxay và Luang Namtha, nối đến biên giới Trung Quốc, gồm có 75 hầm đường bộ với tổng chiều dài hầm là 197,83 km. Giai đoạn 2 của tuyến đường sắt là mở rộng tuyến đường từ nhà ga trung tâm ở Viêng Chăn tới khu con-ten-nơ ở bản Thanalaeng, huyện Hadxaifong, tỉnh Viêng Chăn.
Phó Thủ tướng Bounthong, Chủ tịch Ủy ban Giám sát xây dựng dự án đường sắt Lào – Trung yêu cầu công ty nắm rõ tầm quan trọng của dự án và đảm bảo tiến độ. Theo kế hoạch ban đầu, dự án trị giá 5,986 tỷ USD dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Hiện chủ dự án đang tìm kiếm nguồn nhân lực tham gia các chương trình đào tạo phục vụ hoạt động của tuyến đường sắt, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2022. Ông yêu cầu chủ đầu tư, chính quyền các địa phương liên quan tăng cường tiếp xúc, trao đổi với người dân bị ảnh hưởng khi triển khai giai đoạn 2, giúp họ cảm thấy yên tâm để dự án được triển khai đúng tiến độ. Đề cập đến dịch covid-19 hiện nay, ông yêu cầu công ty thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch của Chính phủ Lào để ngăn chặn dịch bệnh không lây lan tới khu vực dự án. (Vientiane Times, 9/6/2020)
Lào-Nhật Bản
Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại trên 123 tỷ Kíp hỗ trợ Lào ứng phó Covid-19
Ngày 5/6/2020, việc trao đổi công hàm về dự án "Chương trình Phát triển Kinh tế - Xã hội" đã được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Lào, theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá trên 123 tỷ Kíp (1,5 tỷ Yên) để mua sắm trang thiết bị nhằm hỗ trợ Lào ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế.
Khoản viện trợ không hoàn lại nêu trên chủ yếu sẽ được sử dụng để mua sắm trang thiết bị như xe cứu thương và giường bệnh. Trong khi Lào đã cơ bản khống chế được sự lây lan của Covid-19, cần thiết phải củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc để sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ hai của loại dịch bệnh này. Nhật Bản đã không ngừng nỗ lực trong việc hiện thực hóa diện bao trùm của hệ thống y tế như một phần của các Mục tiêu Phát triển Bền vững theo quan điểm "Không ai bị để lại phía sau", trang thiết bị y tế được cung cấp trong khuôn khổ dự án kỳ vọng sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả trên toàn nước Lào, đặc biệt là ở các cộng đồng địa phương nơi hệ thống y tế còn yếu kém.
Năm 2020 là năm kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm đối tác chiến lược song phương Lào – Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ trao đổi công hàm, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Keizo nhấn mạnh, Nhật Bản, với tư cách là đối tác chiến lược của Lào sẽ luôn luôn tôn trọng và hỗ trợ Lào đặc biệt là trong tình hình khó khăn hiện nay. Thông qua chương trình viện trợ không hoàn lại này, Nhật Bản mong muốn chung tay cùng Chính phủ và nhân dân Lào vượt qua khó khăn. (Vientiane Times, 8/6/2020)
Lào-Úc
Úc tăng ODA giúp Lào phục hồi kinh tế do Covid-19
Ngày 19/6/2020, Chính phủ Australia đã công bố sẽ tăng Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) dành cho Lào lên gần 25% năm 2020, với nguồn vốn bổ sung 4,8 triệu AUD để giúp Lào giảm thiểu tác động về kinh tế, xã hội và sức khỏe do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Khoản vốn bổ sung này sẽ hỗ trợ Chính phủ Lào tăng cường hệ thống y tế, phục hồi kinh tế và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Phát biểu tại lễ công bố, Đại sứ Australia tại Lào Jean-Bernard Carrasco nhấn mạnh, Australia cam kết hỗ trợ Lào ổn định lại tình hình và tiếp tục phát triển thịnh vượng càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, bao gồm việc đảm bảo các nhóm dân cư yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái không bị bỏ lại phía sau. Khoản vốn bổ sung 4,8 triệu AUD bao gồm 01 triệu AUD hợp tác với Bộ Công Thương nhằm cải cách môi trường kinh doanh và phát triển khu vực tư nhân – là khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Kết quả dự kiến sẽ tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nữ. Australia cũng sẽ hỗ trợ Lào tăng cường hệ thống y tế và Trung tâm Cấp cứu để ứng phó với dịch Covid-19 ở các cấp trung ương và địa phương, cải tiến việc bảo vệ trẻ em và phòng ngừa bạo lực giới, xây dựng năng lực về các vấn đề nhân quyền liên quan đến dịch bệnh; hỗ trợ các sáng kiến về y tế, dinh dưỡng ở cấp cộng đồng. Australia cung cấp trên 40 triệu AUD ODA hàng năm cho Lào, 4,8 triệu AUD là khoản bổ sung đặc biệt cho năm nay. (Vientiane Times, 19/6/2020)
Lào-Đức
Đức tiếp tục hỗ trợ bảo vệ rừng và khí hậu ở Lào
Ngày 17/6/2020, lễ ký kết thỏa thuận triển khai dự án kỹ thuật giữa đại diện Bộ Nông Lâm và Cơ quan Phát triển Quốc tế Đức (GIZ) đã được tổ chức tại Viêng Chăn với sự chứng kiến của Thứ trưởng Nông Lâm Thongpath, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Bounkham Vorachit và Đại sứ Đức tại Lào Jens Lutkenherm.
Đây là dự án nhằm thực hiện thỏa thuận, theo đó, Chính phủ Đức tiếp tục đóng góp trên 22,6 triệu Euro để hỗ trợ Lào triển khai chương trình giảm khí thải thông qua cải tiến quản trị và quản lý rừng bền vững. Thời gian thực hiện thỏa thuận là 4 năm (2020-2024), trong đó, Chính phủ Đức hỗ trợ 6,5 triệu Euro, đóng góp đồng tài trợ của Quỹ Khí hậu Xanh thông qua GIZ là 16,4 triệu Euro. Thỏa thuận nhằm mục tiêu thực hiện giai đoạn mới của Dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua tránh phá rừng (CLIPAD) và Chương trình Quản trị Thực hiện, Cảnh quan Rừng và Đời sống".
Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Thongpath nhấn mạnh, thỏa thuận phản ánh sự cam kết liên tục và tăng cường hợp tác song phương giữa Chính phủ Lào và Đức. Trong giai đoạn trước của dự án (2009-2019) Lào đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng đất và ngành lâm nghiệp. Giai đoạn mới của dự án sẽ giảm tương đương 5,6 triệu tấn Dioxide Carbon. Dự án sẽ mang lại lợi ích cho 355.800 người hưởng lợi trực tiếp ở các tỉnh Bắc Lào là Xayaboury, Luang Prabang và Hủa Phăn. (Vientiane Times, 18/6/2020)
Lào-Pháp
Pháp khôi phục khu dân sinh tỉnh Attapeu và Sekong
Ngày 03/6/2020, báo KT-XH đưa tin, nước Cộng hòa Pháp đã giúp khôi phục lại lương thực, thổ nhưỡng và đời sống dân sinh cho cộng đồng dân cư tỉnh Attapeu và Sekong bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Chương trình này do Tổ chức lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức nông lương (FAO) của Liên hợp quốc thực hiện.
Theo tin từ WFP, các cụm bản trong nhiều khu vực của Lào đã bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như: bị lũ lụt, hạn hán đã tác động đến nguồn cung lương thực, thực phẩm; ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 đang lan tràn trên toàn cầu, việc đóng cửa biên giới, cách ly khu vực cũng gây thiệt hại không nhỏ đến mọi mặt kinh tế-xã hội; do đó, Pháp và Tổ chức nông lương thế giới đã hỗ trợ 546.000 USD cho nhân dân bị ảnh hưởng tại hai tỉnh Attapeu và Sekong, với tổng số hơn 16,5 nghìn người; thời hạn thực hiện dự án trong vòng 01 năm. Triển khai chương trình xây dựng, sửa chữa hạ tầng để người dân tham gia xây dựng, tạo việc làm, thu nhập.
Bên cạnh đó, tổ chức các mô hình phát triển cây trồng, chăn nuôi, quay vòng thời vụ vv...; hướng dẫn nông dân hiểu và thực hiện, qua đó nâng cao nhận thức cũng như tạo thêm thu nhập và xây dựng an ninh lương thực cho người dân vùng dự án. (Báo KT-XH, ngày 03/6/2020)
HỢP TÁC LÀO-KHU VỰC
Lào - ASEAN hợp tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Ngày 10/6/2020, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển (trực tuyến), Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Khampheng Saysompheng cho biết, Lào và các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid 19 thông qua các cơ chế hợp tác hiện có, trao đổi thông tin, thúc đẩy các vấn đề liên quan đến lao động. Hội nghị thảo luận về biện pháp ứng phó với sự lây lan của đại dịch nhằm giảm thiểu tác động đến nhóm người dân dễ bị tổn thương và cập nhật tình hình Covid 19 diễn ra tại các nước thành viên. Ông cho biết, Lào chỉ có 19 trường hợp bị nhiễm covid 19, tất cả bệnh nhân đều đã ra viện, nhưng Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch để đảm bảo không xuất hiện thêm ca nhiễm mới nào.
Các Bộ trưởng lao động ASEAN nhấn mạnh các biện pháp mang tính quyết định nhằm khắc phục sự lây lan của dịch bệnh thông qua việc chia sẻ thông tin nhanh chóng và các nỗ lực khác nhằm ngăn chặn đại dịch và bảo vệ người dân dễ bị tổn thương. Các Bộ trưởng ra tuyên bố chung về dịch bệnh, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải hợp tác trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch, tăng cường chính sách lao động, đối thoại và trao đổi thông qua các cơ chế hiện có như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN trực tuyến về phúc lợi xã hội và phát triển, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để khắc phục hậu quả của Covid 19, tính đến các cấp độ khác nhau về phát triển của lĩnh vực lao động trong khu vực.
Hội nghị cũng thảo luận về những nỗ lực để đảm bảo rằng người dân dễ bị tổn thương sẽ được nhận trợ cấp xã hội của Chính phủ phù hợp với chính sách lao động của mỗi nước thành viên, nhất trí giúp đỡ người dân dễ bị tổn thương với virus được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu và các hỗ trợ khác khi cần, ngăn cấm phân biệt đối xử với người bị nhiễm bệnh. Các Bộ trưởng cam kết nỗ lực để giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với phát triển kinh tế-xã hội; duy trì ngoại giao nhân dân trong khu vực, sẽ nối lại và tăng cường trao đổi, hợp tác tùy theo diễn biến của đại dịch; tiếp tục thúc đẩy chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của trẻ em, người già, người khuyết tật; tiếp tục cập nhật tình hình Covid 19 và tác động đến nhóm người dễ bị ảnh hưởng trong khu vực nhằm giảm bớt các rào cản mà những người thiệt thòi phải đối mặt. (Vientiane Times, 12/6/2020)
Ủy ban sông Mekong nhất trí khung thời gian tham vấn đập Sanakham
Cuối tháng 5 năm 2020, sau phiên họp đặc biệt xử lý kéo dài quá trình tham vấn trước của Dự án thủy điện Luang Prabang 1.460 MW đến ngày 30/6/2020, Ủy ban sông Mekong (MRC) ra thông báo nhất trí khung thời gian tham vấn trước dự án thủy điện Sanakham trên dòng chính Mekong.
Tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Lào đã đệ trình dự án Luông Prabang, một kế hoạch sử dụng nước trong lưu vực suốt cả năm trên kênh chính của sông Mekong, một đối tượng cho quá trình tham vấn trước của MRC. Quá trình tham vấn 6 tháng bắt đầu chính thức ngày 8/10/2019, dự kiến kết luận vào ngày 7/4/2020, nhưng do dịch Covid-19, cơ quan điều hành MRC chỉ có thể họp vào ngày 4/6/2020.
Đập Luang Prabang là dự án thứ năm được thực hiện tham vấn trước bởi MRC. Ở vị trí 25km từ cố đô Luang Prabang, dự án được phát triển bởi Công ty TNHH Năng lượng Luông Prabang, được thành lập bởi chính phủ Lào và Công ty điện lực dầu khí Việt Nam theo MOU 2007.
Chính phủ Lào đã đệ trình Dự án Sanakham 684MW để tham vấn trước vào ngày 9/9/2019, ngay sau khi đệ trình dự án Luang Prabang. Do việc tham vấn của dự án Luang Prabang vẫn đang thực hiện, nên Ủy ban quyết định sẽ tham vấn dự án Sanakham vào tháng 6 hoặc sau khi kết thúc dự án Luang Prabang.
Đập Sanakham là dự án thứ sáu được đưa ra MRC thực hiện quá trình tham vấn trước. Dự án đặt cách Viêng Chăn 155 km về phía Bắc, tổng mức đầu tư ước tính 2,073 tỷ USD do Công ty Thủy điện Sanakham Datang (Lào), chi nhánh của Công ty TNHH Sản xuất điện quốc tế Datang Trung Quốc thực hiện. (Vientiane Times, 9/6/2020)
Bộ trưởng thương mại các nước ASEAN đối thoại để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại
Ngày 23/6/2020, Bộ trưởng thương mại các nước Asean và các đối tác đối thoại của nhóm đã họp trực tuyến do Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chủ trì, hy vọng thúc đẩy thương mại khu vực và toàn cầu, thực hiện tiếp các quyết định tại cuộc họp Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) lần thứ 3 tổ chức ở Băng Kốc năm ngoái .
Cuộc họp đã quy tụ các lãnh đạo RCEP để thảo luận và cung cấp các gợi ý để xử lý các vấn đề còn lại thông qua đàm phán để Hiệp định thương mại tự do có thể được ký kết vào cuối năm nay tại Việt Nam.
Bộ trưởng Công Thương Lào, bà Khemmani Pholsena tham gia cuộc họp trực tuyến với các quan chức thương mại cấp cao tại phòng họp của Bộ.
Cuộc họp ưu tiên đàm phán để kết thúc Hiệp định RCEP, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với chuỗi cung ứng khu vực, thương mại và đầu tư đã bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
RCEP được xem là hiệp định thương mại tự do lớn nhất và đàm phán bắt đầu từ năm 2012 trong 10 nước ASEAN và 6 đối tác là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Newzealand. Hiệp định dự định ký kết năm nay sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất với cam kết mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy định về xuất xứ hàng hóa và dự định đặt nền móng cho phát triển chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thúc đẩy kinh tế của các nước thành viên ASEAN, trong đó có Lào và các nước đối tác. (Vientiane Times, 24/6/2020).
HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
JICA hỗ trợ nâng cấp sân bay quốc tế Wattay
Ngày 10/6/2020, tại Viêng Chăn, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cục Hàng không dân dụng Lào đã ký Bản ghi nhớ thỏa thuận thực hiện dự án nâng cấp sân bay quốc tế Wattay, bao gồm nâng cấp nhà ga, mở rộng đường băng, một số tiện ích bên trong sân bay. Theo đó, JICA sẽ tiến hành khảo sát để xác định các khu vực cần nâng cấp, và hy vọng dự án sẽ bắt đầu được triển khai vào cuối năm nay. Dự án đồng thời dự báo nhu cầu dịch vụ hàng không tại sân bay trong thời gian 20-30 năm tới, đề cập đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mở rộng sân bay về trung và dài hạn, điều chỉnh kế hoạch phát triển sân bay.
Sân bay Wattay phục vụ được khoảng 1,8 triệu hành khách mỗi năm, theo dự kiến trước đây đạt khoảng 1,5 triệu hành khách năm 2020, sau khi hoàn thành mở rộng nhà ga số 2, sẽ phục vụ được khoảng 3 triệu người mỗi năm. JICA đã cử chuyên gia đến Lào khảo sát để tiến hành việc mở rộng. Theo một báo cáo chính thức, năm 2014, sân bay này phục vụ 690.000 hành khách quốc tế và 300.000 hành khách nội địa, nhưng đến 2023, dự kiến lượng hành khách là khoảng 1,51 triệu quốc tế và 460.000 nội địa. Chính phủ Nhật đã hỗ trợ dự án mở rộng nhà ga phục vụ hành khách của sân bay, với diện tích mở rộng khoảng 13.500m2, cải tạo 3.300m2, xây dựng nhà ga nội địa 7.200m2 và một số tiện ích tạm thời của nhà ga nội địa trên 1.000m2, xây dựng khu bảo dưỡng máy móc, thiết bị diện tích 500m2, bắt đầu năm 2015 và hoàn thành sau 32 tháng, vào cuối năm 2018. (Vientiane Times, 16/6/2020)
BẠN CẦN BIẾT
BOL ra mắt hệ thống xử lý và thanh toán tài chính
Ngày 1/6/2020, tại Viêng Chăn, với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Sonxay Sithphaxay, Thứ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Bounsaleumsay, BOL đã chính thức ban hành hệ thống thanh toán và ổn định tài chính Lào (LaPASS) để thúc đẩy hệ thống tài chính thuận tiện hơn. Đây là bước quan trọng trong việc phát triển hệ thống thanh toán tại Lào, giúp kết nối các cá nhân tham gia với nhau, thay thế cho việc thanh toán trên giấy tờ bằng thanh toán qua mạng và kiểm soát trực tuyến tài khoản, giúp hoạt động kinh doanh của khu vực công và khu vực tư hiệu quả hơn khi hệ thống thanh toán chấp nhận những khoản giao dịch lớn.
Thống đốc BOL Sonxay cho biết, hệ thống này bao gồm nhiều thành phần tham gia như các ngân hàng, các bộ, ngành, ưu tiên cao nhất là an toàn ngân hàng nhằm tránh rủi ro hoặc xảy ra lỗi khi thực hiện giao dịch. Hiện BOL đang tập trung dự thảo quy định và quy trình pháp lý nhằm đảm bảo giải quyết được mọi rủi ro của hệ thống tài chính. Ông cho rằng, hệ thống ổn định này được thiết kế hoạt động không chỉ trong giờ hành chính và có thể thanh toán các khoản tiền lớn và được sử dụng với 3 mục đích chính là cho phép thanh toán ngân sách nhà nước, thanh toán thông thường và thanh toán bằng séc. Hiện tất cả 39 ngân hàng thương mại tại Lào, Bộ Tài chính, Công ty TNHH Thanh toán quốc gia Lào và Ủy ban chứng khoán Lào (LSX) đều là thành viên của hệ thống thanh toán này. (Vientiane Times, 3/6/2020)
Lào áp dụng chữ ký điện tử trong dịch vụ công chứng
Báo Vientiane Times ngày 18/6/2020 đưa tin, theo cổng thương mại điện tử Lào, Lào sẽ ban hành dịch vụ công chứng chữ ký điện tử để xác định, quản lý trực tuyến đối với các cá nhân, pháp nhân và tổ chức, một trong những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn, hiện đại, đảm bảo và nhanh chóng. Chữ ký điện tử được xác định bằng chữ cái, biểu tượng, số hóa, âm thanh hoặc những điều khoản điền trong mẫu đăng ký điện tử nhằm xác định người ký và xác minh thông tin. Hai cơ quan được cung cấp dịch vụ này là Cơ quan Công chứng quốc gia do Trung tâm Internet quốc gia (LANIC) ủy quyền, cung cấp dịch vụ công chứng điện tử cho Cơ quan công chứng cấp thấp hơn, cơ quan công chứng cấp thấp hơn được chia làm 4 phòng chức năng: công chứng công, công chứng Chính phủ, công chứng cho người nước ngoài và công chứng tư nhân.
Dịch vụ này bao gồm công chứng số, lớp đảm bảo an ninh, đóng dấu và các dịch vụ khác do Bộ Bưu chính Viễn thông quy định. Pháp nhân và tổ chức dự định áp dụng chữ ký điện tử trong hoạt động cần phải đăng ký cấp phép với Bộ Bưu chính Viễn thông và Cơ quan công chứng quốc gia. Hồ sơ đăng ký được gửi cùng với hồ sơ người quản lý, cán bộ kỹ thuật và chứng nhận đào tạo, bản photo giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp hoặc thư xác nhận thành lập, chứng nhận thành lập văn phòng, luận chứng kinh tế - kỹ thuật, sao kê của ngân hàng và các giấy tờ liên quan khác. Yêu cầu đối với cơ quan công chứng công phải có vốn đăng ký là 10 tỷ Kíp, không trong tình trạng bị vỡ nợ, phá sản hay xử lý pháp luật. Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ xem xét cấp phép cho Cơ quan công chứng công trong vòng 45 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đăng ký. Nếu việc đăng ký bị từ chối, Bộ này sẽ thông báo lý do bằng văn bản trong vòng 10 ngày làm việc. Giá trị thời hạn của các loại giấy phép khác nhau: Giấy phép do Cơ quan công chứng công cấp có giá trị tối thiểu là 3 năm và tối đa là 5 năm, và được gia hạn; do công chứng Chính phủ cấp có giá trị từ 1 đến 3 năm; do công chứng cho người nước ngoài cấp có giá trị không quá 3 năm; và do công chứng tư nhân cấp có giá trị không quá 5 năm. (Vientiane Times, 18/6/2020)
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng
Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Lê Thị Phương Hoa