TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO |
Hội nghị thường kỳ tháng 05 của Chính phủ
Ngày 21-22/05/2020, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chủ trì hội nghị thường kỳ tháng 05 của Chính phủ để đánh giá tác động của dịch Covid-19 và thảo luận các giải pháp ứng phó trong tương lai. Chính phủ thừa nhận rằng tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển quốc gia trong những tháng vừa qua đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và hiện nay Chính phủ đang tập trung triển khai các giải pháp để ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch Covid-19.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thực hiện kế hoạch phát triển quốc gia đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 và các loại thiên tai khác nhau.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển dọc theo Hành lang Kinh tế Lào – Trung Quốc; khuôn khổ hợp tác phát triển hành lang; kế hoạch tổng thể đối tác Lào – Trung hướng tới cùng chia sẻ vận mệnh. Quy hoạch phát triển dọc theo tuyến đường sắt Lào – Trung đang xây dựng được xem là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay của Chính phủ.
Tại hội nghị, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội đã báo cáo về hỗ trợ cho công dân Lào bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bao gồm cả lao động trở về từ nước ngoài. Hội nghị thống nhất về việc cung cấp phúc lợi cho người lao động bị mất việc làm có bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm Xã hội. Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động tổng hợp con số thống kê và xem xét các loại việc làm thay thế cho người lao động, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp QG Lào về sử dụng lao động.
Thủ tướng Thongoun Sisoulith yêu cầu Ủy ban Đặc trách QG Phòng chống Covid-19 tiếp tục các biện pháp nới lỏng và quyết định những hướng dẫn cần thiết sau ngày 02/6 để ngăn chặn làn sóng thứ hai của Covid-19. Thủ tướng chỉ thị cho Tiểu ban Đặc trách giải quyết tác động về kinh tế của dịch Covid-19 phải đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả các chính sách và giải pháp đã được Chính phủ phê duyệt để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nối lại hoạt động bình thường.
Liên quan đến thu ngân sách, Thủ tướng yêu cầu thuế và các loại thanh toán khác phải được thu từ tất cả các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phải ngăn chặn thất thu thông qua mở rộng việc áp dụng các biện pháp thanh toán điện tử. Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) phải quản lý chặt tỷ giá hối đoái, khuyến khích các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ và đảm bảo các hoạt động tài chính vi mô phải tuân thủ các chính sách và quy định hiện hành.
Hội nghị thường kỳ Chính phủ đã thảo luận Kế hoạch Phát triển Kinh tế -xã hội 5 năm lần thứ 9, các mục tiêu phát triển bền vững và các loại hình tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thảo luận về sản xuất lương thực, hỗ trợ SMEs, kiểm soát giá cả, nâng cấp các cơ sở du lịch và dịch vụ, chuẩn bị mở cửa trường học, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết và ứng phó biến đổi khí hậu. (Vientiane Times, 25/05/2020)
Nền kinh tế Lào cần bơm thêm tiền
Ngày 15/5/2020, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình QG Lào, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Công nghiệp Quốc gia Lào (LCCI) Daovone Phachanthavong cho rằng, cách tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp Lào là bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Chính phủ cần đẩy nhanh việc cung cấp các khoản vay đã có chủ trương để giúp các doanh nghiệp sống còn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
LCCI có 4.000 thành viên trên toàn quốc, đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SMEs). Ông Daovone nhấn mạnh, các doanh nghiệp Lào, đặc biệt là SMEs đang phải vật lộn sau khi hoạt động bị tạm dừng trên một tháng nhằm chống sự lây lan của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, CLB Golf và các nhà máy may mặc. LCCI hoan nghênh việc Chính phủ phân bổ khoản tín dụng ưu đãi trị giá 100 tỷ Kíp dành cho SMEs để giảm nhẹ tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các khoản vay lãi suất thấp sẽ được phân bổ cho SMEs thông qua 04 ngân hàng. Đây là nguồn tài chính rất cần thiết đối với các doanh nghiệp để họ có thể vượt qua những khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19. Theo LCCI, một tổ chức tài chính quốc tế đã cung cấp khoản vay trị giá 80 triệu USD cho Lào, 50% trong số đó là dành cho SMEs. Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý cung cấp gói tín dụng trị giá 300 triệu USD cho SMEs, trong đó, 100 triệu USD sẽ sớm được giải ngân.
LCCI kiến nghị Chính phủ thúc đẩy phát triển nông nghiệp để sản xuất nông sản xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường TQ, nơi có nhu cầu lớn về mặt hàng này. Hiện nay, hàng ngày có 300 xe tải vận chuyển nông sản từ Lào sang Trung Quốc. Một tác động tích cực của dịch bệnh là người Lào hiện nay chi tiêu ít hơn cho các loại hàng hóa xa xỉ; các doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh phương pháp vận hành, dịch vụ giao thức ăn và các dịch vụ trực tuyến đã phát triển mạnh hơn. (Vientiane Times, 19/05/2020)
Tác động của Covid-19 đến tăng trưởng và nợ công của Lào năm 2020
Theo báo cáo cập nhật Giám sát kinh tế CHDCND Lào của Ngân hàng thế giới (WB) (xuất bản 2 lần/năm) với tiêu đề "Lào trong giai đoạn covid-19", tăng trưởng kinh tế của Lào năm 2020 dự kiến sẽ giảm xuống 1% với kịch bản trung bình và âm 1,8% với kịch bản xấu nhất do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 và do việc tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Covid-19 cũng sẽ làm gia tăng thâm hụt tài chính năm 2020 lên từ 7,5 đến 8,8% GDP, so với 5,1% GDP năm 2019. Tương tự, nợ công dự kiến sẽ tăng từ 65 đến 68% GDP năm 2020 so với 59% GDP năm 2019, dự trữ ngoại hối dự kiến giảm năm 2020 và sẽ chỉ đủ phục vụ nhập khẩu trong thời gian hơn 1 tháng. Theo Giám đốc quốc gia WB tại Myanmar, Campuchia và Lào Mariam Sherman, trong thời gian này, điều quan trọng là làm giảm tác động của suy thoái kinh tế đối với hộ gia đình và các doanh nghiệp, hướng tới giảm gánh nặng về nợ nước ngoài và tiến hành cải tổ kinh tế vĩ mô, từ đó sẽ giúp Lào phát triển nền kinh tế tự chủ hơn để đối phó với những cú sốc.
Covid-19 tác động đáng kể đối với thị trường lao động và vấn nạn nghèo đói. Dự kiến, sự giảm mạnh trong lĩnh vực du lịch vốn chiếm 11% tổng số việc làm và 22% việc làm ở thành thị sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, khoảng 96.000-214.000 người sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói do ảnh hưởng của đại dịch.
Báo cáo cũng đề cập chuyên đề Xây dựng hệ thống y tế phục hồi. Thực tế cho thấy Lào cần đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng hệ thống y tế phục hồi để ứng phó hiệu quả với các tình huống y tế khẩn cấp, và quan trọng là cần đảm bảo nguồn lực đầy đủ để sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ y tế thiết yếu chất lượng cho người dân. (KPL, 22/5/2020)
Lào tiến hành tham vấn trước dự án thủy điện Sanakham
Ngày 11/5/2020, theo MRC (Ủy hội sông Mekong), Chính phủ Lào sẽ tiến hành quy trình tham vấn trước đối với dự án thủy điện Sanakham, là dự án thứ 6 được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mekong.
Theo thông báo trình Ban Thư ký MRC, Chính phủ Lào cung cấp một bộ tài liệu kỹ thuật và nghiên cứu khả thi, bao gồm đánh giá tác động môi trường của dự án, nghiên cứu về phù sa và nghề cá. Bộ tài liệu sẽ được chia sẻ với các thành viên khác của MRC là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Theo thông báo, dự án dự kiến sẽ bắt đầu khởi công xây dựng trong năm 2020 và hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện vào năm 2028; điện sản xuất ra chủ yếu sẽ bán sang Thái Lan.
Nằm giữa tỉnh Xayabury và tỉnh Viêng Chăn, dự án thủy điện Sanakham cách biên giới Thái Lan khoảng 2 Km về phía thượng nguồn ở tỉnh Loei. Dự án đập dựng này sẽ vận hành liên tục quanh năm với công suất 684 MW, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2,073 tỷ USD, nhà thầu của dự án là Công ty TNHH Năng lượng Datang Sanakham (Lào).
Giám đốc Điều hành Ban thư ký MRC An Pich Hatda cho biết, Lào đã nộp hồ sơ dự án sử dụng nước trong lưu vực trên dòng chính Mekong này theo thủ tục tham vấn trước (theo Hiệp định Mekong 1995). Việc nộp hồ sơ tham vấn trước sẽ tạo điều kiện để các quốc gia thành viên được thông báo về sử dụng tài nguyên nước của dự án, cũng như bất kỳ tác động nào phát sinh từ dự án này.
Theo quy định, quá trình tham vấn trước thường được kéo dài 06 tháng nhưng Ủy Ban Liên hợp có thể xem xét gia hạn thêm. Tuy nhiên, quá trình tham vấn không có chức năng thông qua hoặc thông qua dự án đề xuất.
Theo MRC, Chính phủ Lào đã nộp hồ sơ tham vấn trước dự án thủy điện Sanakham vào ngày 09/9/2019, không lâu sau khi nộp hồ sơ tham vấn trước đối với dự án thủy điện Luang Prabang. Tuy nhiên, để quá trình tham vấn có ý nghĩa, Ủy ban Liên hợp đã quyết định hoãn quá trình tham vấn trước đối với dự án Sanakham cho đến sau khi hoàn thành quá trình tham vấn trước dự án thủy điện Luang Prabang.
Ngoài thủy điện Sanakham, 05 dự án thủy điện khác trên dòng chính sông Mekong ở Lào đã được trình để tiến hành tham vấn trước gồm: Xayaboury, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang. (Vientiane Times, 13/05/2020)
Tình hình đầu tư tư nhân của Lào giai đoạn 1989-2019
Theo báo Vientiane Times ngày 14/5/2020, từ giữa những năm 1980s, Chính phủ Lào thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân sau khi mở cửa nền kinh tế, cho phép tư nhân có vai trò lớn hơn trong phát triển kinh tế. Chính phủ Lào đã phê duyệt hơn 6.000 dự án đầu tư, tổng vốn là 36 tỷ USD kể từ khi phát triển kinh tế theo định hướng thị trường. Theo số liệu của Bộ KHĐT, số lượng dự án đầu tư giai đoạn 1989–2019 là 6.144, tổng giá trị là 36,8 tỷ USD, trong đó số dự án đầu tư do doanh nghiệp tư nhân Lào thực hiện là 2.621, tổng giá trị là 13 tỷ USD, phần còn lại là từ doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất với 862 dự án, tổng trị giá đầu tư là 10 tỷ USD, Thái Lan và Việt Nam đứng thứ 2 và thứ 3 với tổng giá trị đầu tư tương ứng là 4,7 tỷ USD và 3,9 tỷ USD. Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật, Malaysia và Úc là những nước thuộc top 10 đầu tư tại Lào trong giai đoạn 1989-2019. Lĩnh vực đầu tư phổ biến trong giai đoạn này là sản xuất điện, thu hút nhiều đầu tư nhất, khoảng 14 tỷ USD, đứng thứ 2 là khai khoáng, với tổng giá trị đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD, các lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư khác là dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp và thủ công mỹ nghệ.
Chính sách này của Lào sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân trong những năm tới. Một trong những biện pháp khuyến khích đầu tư của Chính phủ là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và hoạt động tại Lào. Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ ban hành danh mục loại hình kinh doanh bắt buộc phải được cấp giấy phép hoạt động giúp doanh nghiệp lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp, thành lập dịch vụ một cửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xin cấp phép đầu tư và các thủ tục liên quan. (Vientiane Times, 14/5/2020)
Xuất khẩu gia súc của Lào tạo nguồn thu tốt
Theo báo Vientiane Times ngày 14/5/2020, Bộ Công Thương Lào cho biết, xuất khẩu gia súc và trâu bò tiếp tục là nguồn thu tốt trong bối cảnh thương mại với các nước láng giềng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu được 70 triệu USD trong quý I/2020, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng khi Chính phủ ưu tiên phát triển lĩnh vực này.
Năm 2019, xuất khẩu gia súc đứng đầu về nguồn thu trong lĩnh vực nông lâm và phát triển nông thôn với tổng giá trị khoảng 227,7 triệu USD. Nhu cầu về gia súc tại các nước láng giềng của Lào, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Theo số liệu xuất nhập khẩu năm 2019, gia súc đứng đầu top 2 mặt hàng xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 220 triệu USD, và thuộc top 20 sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, tổng giá trị là 7,5 triệu USD. Trong vài năm gần đây, mặc dù số lượng xuất khẩu gia súc tăng gấp đôi nhưng giá thịt bò tại thị trường trong nước vẫn đảm bảo ổn định.
Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu gia súc của Lào là 500.000 gia súc mỗi năm. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong một chuyến thăm làm việc tới Trung Quốc cho biết, đây là lĩnh vực cần ưu tiên nghiên cứu để đảm bảo Lào có thể đáp ứng yêu cầu về gia súc cho thị trường Trung Quốc. Lào có đất đai và nguồn tài nguyên phù hợp để chăn nuôi gia súc phục vụ xuất khẩu nhưng còn thiếu nguồn tài chính và thiếu chuyên gia về lĩnh vực này. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng ở trong nước và xuất khẩu, cần phải có hệ thống trang trại hiện đại để chăn nuôi gia súc phục vụ xuất khẩu. Lào và Trung Quốc đã đề ra kế hoạch hợp tác chăn nuôi gia súc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Việt Nam cũng có nhu cầu hàng năm nhập khoảng 300.000-400.000 trâu và gia súc, nhưng hiện Lào chưa đáp ứng đủ. Chính phủ đã bật đèn xanh cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này và ban hành một số chính sách đặc biệt liên quan hỗ trợ doanh nghiệp. (Vientiane Times, 14/5/2020)
Ngân hàng chính sách Lào sử dụng vốn đạt kết quả, đúng mục tiêu
Ngày 05/5/2020, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL), Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách đã chủ trì cuộc họp Hội đồng quản trị để đánh giá kết quả tổ chức thực hiện giải ngân tín dụng trong năm 2019. Tham dự có các thành viên Hội đồng quản trị và Giám đốc các Ngân hàng chính sách tại các tỉnh, thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách Voudthi Leunvilayvong cho biết, kết quả tổ chức thực hiện cung cấp tín dụng tính đến thời điểm cuối năm 2019 đạt doanh số 2.936,51 tỷ Kíp, đạt 103% kế hoạch năm (2.859,60 tỷ Kíp). Trong đó, tín dụng bản là 1.927,01 tỷ Kíp, cho 18 tỉnh, 125 huyện, 3.340 bản, 53.193 cụm, 190.234 hộ gia đình (40.203 hộ nghèo, chiếm 21%) và khoản tín dụng cá thể là 1.009,50 tỷ Kíp; có 2.484 khoản vay, với doanh số là 2.936,50 tỷ Kíp, trong đó: ngắn hạn là 266,17 tỷ Kíp, trung hạn 765,02 tỷ Kíp, dài hạn 1.905,31 tỷ Kíp. Tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất gồm: trồng trọt đạt 944,02 tỷ Kíp, chăn nuôi 1.712,18 tỷ Kíp, thủ công nghiệp là 35,77 tỷ Kíp, công nghiệp chế biến đạt 83,70 tỷ Kíp, dịch vụ 160,81 tỷ Kíp; cho các huyện mục tiêu là 1.903,10 tỷ Kíp, các huyện trọng điểm của Chính phủ-địa phương là 320,38 tỷ Kíp, bản "3 xây" là 296,38 tỷ Kíp và chương trình sản xuất hàng hóa là 416,75 tỷ Kíp. Qua đánh giá thực tế, tín dụng cho các chương trình mục tiêu như chăn nuôi bò đạt doanh số là 1.026,30 tỷ Kíp cho 52.552 hộ gia đình, dê là 75,63 tỷ Kíp, cho 4.009 hộ gia đình; nuôi lợn là 271,80 tỷ Kíp cho 10.853 hộ gia đình; trồng dưa là 74,78 tỷ Kíp, sắn là 152,95 tỷ Kíp…
Tổng Giám đốc Voudthi Leunvilayvong cho biết, theo kế hoạch năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng chính sách là tiếp tục cải cách. Củng cố bộ máy tổ chức nội bộ, chi nhánh; xây dựng chiến lược cung cấp tín dụng trong giai đoạn mới, sửa đổi thể chế, tập trung vào các quy định quản lý nhân sự, cơ chế chính sách…cho phù hợp với tình hình mới. Đề xuất nguồn vốn từ BOL để cung cấp tín dụng theo kế hoạch năm 2020, dự kiến nhu cầu cần 295,22 tỷ Kíp, trong đó, ngắn hạn là 37,56 tỷ Kíp, trung hạn là 92,74 tỷ Kíp, dài hạn là 164,92 tỷ Kíp. Tiếp tục giải ngân theo kế hoạch năm 2020 là 326,76 tỷ Kíp và một số nhiệm vụ trọng tâm khác. (Báo KT-XH, 08/5/2020)
Tiến độ triển khai chính sách tiền tệ giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19
Ngày 11/5/2020, báo KT-XH đưa tin, Phó Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Phouthaxay Sivilay, Trưởng nhóm tiền tệ, Tiểu ban chuyên trách về tài chính ngân hàng báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Xonxay Siphandone, Trưởng ban chuyên trách về kinh tế, Ủy ban Quốc gia Lào đặc trách về phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 về tiến độ tổ chức thực hiện các biện pháp về chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế Lào.
Ông Phouthaxay cho biết, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, kinh tế Lào đã bị ảnh hưởng nặng nề, BOL đã ban hành Quyết định số 238/NHTW ngày 26/3/2020 về các chính sách tín dụng áp dụng cho các ngân hàng thương mại nhằm giảm thiểu các tác động gồm: (i) gia hạn thời gian thanh toán nợ gốc và lãi; (ii) giảm lãi suất và phí cho khách hàng dựa trên cơ sở đàm phán cùng hợp tác với nhau; (iii) cung cấp gói vay mới cho khách hàng và cá nhân bị tác động ảnh hưởng bởi Covid-19 để khôi phục sản xuất; (iv) điều chỉnh lại vốn vay cho khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh bằng việc quy định lại thời hạn hợp đồng vay hoặc gói thanh toán và lãi suất cho phù hợp với khả năng của khách hàng, thời hạn trong vòng 01 năm hoặc tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa chủ nợ và người vay; song song với đó, ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính nào thực thi các biện pháp, chính sách do BOL quy định riêng sẽ miễn phải thực hiện quyết định số 512/NHTW ngày 29/6/2018 và số 02/NHTW ngày 04/2/2015 của BOL về các quy định liên quan đến các khoản nợ…
Qua theo dõi và đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới lĩnh vực tiền tệ, tổ chức tài chính và doanh nhân nhận thấy, một số ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính đã đưa ra các chính sách nhằm giảm thiểu tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng, một số đang nghiên cứu hoặc triển khai bước đầu. Ngày 20/3/2020, BOL đã chỉnh sửa chính sách tiền tệ, đặc biệt là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng tiền Kíp từ 5% xuống 4% và ngoại tệ từ 10% xuống 8% cho các ngân hàng thương mại để tăng nguồn vốn cung cấp tín dụng kích thích nền kinh tế; ngày 30/3/2020, BOL đã giảm lãi suất cơ bản xuống 1% theo 3 kỳ hạn tiền gửi là: (i) kỳ hạn không quá 7 ngày, từ 4% xuống 3%/năm; kỳ hạn từ 7-14 ngày, từ 5% xuống 4%/năm; kỳ hạn từ 14 ngày đến 01 năm, từ 10% xuống 9%/năm; đồng thời, phối hợp các ngành liên quan kiểm tra số liệu để thực hiện thanh toán nợ theo thỏa thuận của Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp SME, ông Phouthaxay cho biết, thực hiện văn bản số 967/VPTTg ngày 27/5/2018 của Văn phòng Thủ tướng, sẽ có 02 gói vốn hỗ trợ SME, mỗi gói 100 tỷ Kíp được giao cho Quỹ đầu tư, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện, hỗ trợ SME vay với lãi suất thấp, tập trung ưu tiên các ngành: (i) Trồng trọt và chăn nuôi; (ii) Chế biến nông sản; (iii) Thủ công nghiệp; (iv) Du lịch trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19; Quỹ đầu tư đã ra thông báo tới các SME thuộc các lĩnh vực trên có đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, để huy động nguồn cho quỹ đầu tư, BOL đang thúc đẩy việc thực hiện Hợp đồng vay đã ký kết với Ngân hàng phát triển Trung Quốc từ ngày 09/7/2019, với khoản vay 100 triệu USD. (Báo KT-XH, ngày 11/5/2020)
Bốn thế mạnh sẽ đưa Lào tiến xa hơn trong giai đoạn tới
Ngày 05/5/2020, tại thủ đô Viêng Chăn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone đã chủ trì hội nghị tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 5 lần thứ VIII (2016-2020) và thảo luận xây dựng Dự thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ IX (2021-2025) của Lào, với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành và đơn vị liên quan.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Sonexay đã đánh giá cơ bản tình hình chung trên toàn cầu và khu vực đang có diễn biến phức tạp, bất ổn về chính trị, sự tranh chấp, bất đồng giữa các cường quốc; mặc dù, vẫn giữ được sự ổn định toàn diện về mọi mặt chính trị, xã hội, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nhưng Lào đang đối mặt với những khó khăn về ngân sách, tác động của sự biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên đến đời sống, tài sản của nhân dân trong 2-3 năm gần đây; đồng thời, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới đang có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế-xã hội quốc gia, tác động đến hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt đối với ngành du lịch, dịch vụ, sản xuất, thương mại và đầu tư; tăng trưởng GDP vì thế sẽ giảm xuống, dự báo năm 2020 chỉ đạt khoảng 3,2%/năm, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (6,5%/năm).
Việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Lào cũng có những cơ hội trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Lào trong 05 năm tới; các yếu tố và động lực thúc đẩy phát triển đó là: (i) Dân số trẻ; (ii) Tài nguyên thiên nhiên phong phú; (iii) Sự hùng mạnh của Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và khối ASEAN, thế mạnh của Lào là nước nằm ở trung tâm của khu vực ASEAN, liền kề với các nước có nền kinh tế phát triển mạnh, tạo thành cơ sở phát triển vững chắc, nguồn lao động dồi dào, trẻ với độ tuổi dưới 25 chiếm đến 60% dân số, góp phần đóng góp vào sự phát triển; mặt khác, kinh tế Lào trong giai đoạn qua có sự ổn định, ngành năng lượng sạch vẫn là thế mạnh quan trọng, tài nguyên đất phong phú, phù hợp với việc phát triển nông nghiệp, tạo ra giá trị lớn và có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.
Phó Thủ tướng Sonexay nhấn mạnh, có 04 lĩnh vực chủ chốt sẽ đưa Lào tiến xa hơn trong giai đoạn tới đây gồm: Nông nghiệp, du lịch, năng lượng và giao thông vận tải. Về nông nghiệp, Lào là quốc gia có đất đai phong phú, diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, có thể phát triển nền nông nghiệp sạch, công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có nhiều sản phẩm nông sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu trong tương lai. Về du lịch, là quốc gia nằm ở trung tâm kết nối trong khu vực, có thiên nhiên hùng vĩ, sông hồ, núi non tạo cảnh quan tươi đẹp, có nhiều điểm du lịch về sinh thái, văn hóa nổi tiếng được nhiều khách du lịch quốc tế yêu thích đến tham quan du lịch ngày càng nhiều thêm. Về lĩnh vực năng lượng, trong giai đoạn qua, Lào không ngừng phát triển năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Về giao thông vận tải, mặc dù bị hạn chế bởi quốc gia lục địa, không có biển, nhưng trong những năm vừa qua Lào đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển hệ thống đường sắt, đường bộ cao tốc để kết nối khu vực và thông thương hàng hóa, tạo chuỗi thương mại, sản xuất với chính sách phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả, có chất lượng, chi phí thấp, gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững. (Báo KT-XH, ngày 13/5/2020)
Kim ngạch xuất khẩu của Lào tiếp tục giảm do dịch Covid-19
Báo Vientiane Times ngày 11/5/2020 đưa tin, kim ngạch xuất khẩu của Lào đã giảm từ 410 triệu USD trong tháng 01 xuống 209 triệu USD trong tháng 4/2020 do tác động của dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương Lào, kim ngạch xuất khẩu tháng 01 đạt 410 triệu USD, xuống 391 triệu USD vào tháng 02 và 343 triệu USD vào tháng 03 và tháng 04 chỉ đạt 209 triệu USD. Số liệu kim ngạch này chưa bao gồm số liệu xuất khẩu điện.
Kim ngạch nhập khẩu dao động từ 480 triệu USD tháng 01, xuống 378 triệu USD tháng 2, tăng lên 461 triệu USD tháng 3 và giảm xuống còn 320 triệu USD tháng 4.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Lào là bột gỗ và giấy thải loại, chuối, đồng và sản phẩm đồng, quặng vàng và vàng thỏi, sắn, hoa quả (dưa hấu, chanh dây và me), cà phê (chưa chế biến), quặng đồng, muối và quần áo. Thị trường xuất khẩu chính của Lào là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Thụy sỹ và Đức.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị cơ khí (không bao gồm xe máy), thép và sản phẩm thép, dầu diesel, gia súc, đồ uống, xe cộ (không gồm xe máy và đầu kéo), sản phẩm điện tử, đồ nhựa, dây thép và các sản phẩm thép khác và phụ tùng (lốp, gương, xích…). Thị trường nhập khẩu chính là Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật và Mỹ. (Vientiane Times, 11/5/2020).
Kim ngạch xuất khẩu sắn dự đoán tăng gấp đôi năm 2020
Báo Vientiane Times ngày 18/5/2020 đưa tin, kim ngạch xuất khẩu sắn của Lào dự báo tăng gấp đôi năm 2020 qua số liệu kim ngạch đạt được 04 tháng đầu năm 2020.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2019, Lào ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sắn đạt 111,5 triệu USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu sắn 04 tháng/2020 đã đạt 150 triệu USD,
Sắn cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu, kim ngạch xuất khẩu cao hơn các mặt hàng khác như cao su, chuối và cà phê, sản xuất và tiêu thụ sắn tạo ra thu nhập và việc làm cho người dân Lào. Thị trường chủ yếu sang Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, có xu hướng tăng trong mấy năm qua.
Kim ngạch xuất khẩu sắn năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm 2018; sang Việt Nam từ 13,8 triệu USD lên 14,1 triệu USD; sang Trung Quốc từ 1,2 triệu USD lên 18,8 triệu USD và Thái Lan từ 70,3 triệu USD lên 78,5 triệu USD.
Năm 2020, Lào dự tính sắn sẽ là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu, nếu vẫn giữ đà tăng như hiện nay đến cuối năm. (Vientiane Times, 18/5/2020)
Nguồn thu từ thuế ở Lào giảm do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 và việc thực hiện Luật Thuế sửa đổi
Ngày 25/5/2020, theo báo cáo của ngành Thuế tại hội nghị được tổ chức tại Viêng Chăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và việc thực hiện Luật thuế điều chỉnh, Lào sẽ không thể đạt được mục tiêu thu thuế năm nay.
Năm 2020, theo kế hoạch đề ra, thu ngân sách nhà nước từ thuế cần đạt 13.950 tỷ Kíp, chiếm khoảng 7,8% GDP, nhưng theo dự tính của Tổng Cục thuế, thu ước khoảng 9.682 tỷ Kíp, đạt 69,7% kế hoạch. Theo số liệu thống kế, tính đến ngày 20/5/2020, số thuế thu được là 2.877 tỷ Kíp, đạt 20,63% kế hoạch, giảm hơn 32,85% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương trị giá 1.407 tỷ Kíp; trong đó, thủ đô Viêng Chăn thu được 1.578 tỷ Kíp, đạt 18,54% kế hoạch năm, giảm 41% (1.097 tỷ Kip), các địa phương thu được 1.299 tỷ Kíp, giảm 19,25%, tương đương giá trị 309 tỷ Kíp. Dự kiến 06 tháng đầu năm 2020, sẽ thu được 3.587 tỷ Kíp đạt 56,81% kế hoạch đề ra; trong đó, thủ đô Viêng Chăn đạt khoảng 1.901 tỷ Kíp, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giá trị 1.248 tỷ Kíp, các địa phương thu khoảng 1.686 tỷ Kíp, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 405 tỷ Kíp.
Nguyên nhân chủ yếu do để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Song song với đó, việc thực hiện Luật Thuế sửa đổi từ đầu năm 2020 về việc điều chỉnh giảm mức thu đối với một số lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, tiêu thụ đặc biệt…cũng ảnh hưởng đến nguồn thu từ thuế. (Vientiane Times, 28/5/2020)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI |
Chính phủ ban hành nghị định mới bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính
Theo thông tin công bố trên Công báo tuần này, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về Bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính.
Nghị định được Thủ tướng Thongloun Sisoulith ký ban hành ngày 06/4/2020, theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính bao gồm các ngân hàng và định chế tài chính phải áp dụng các giải pháp để bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích của khách hàng. Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải cung cấp cho khách hàng các thông tin đầy đủ để họ tham khảo khi quyết định giao dịch với các đơn vị tài chính/ngân hàng. Những thông tin này bao gồm phí dịch vụ, điều kiện hợp đồng kinh doanh, khung thời gian hợp đồng, lợi suất đầu tư và rủi ro. Nghị định cũng yêu cầu thông tin cá nhân khách hàng phải được giữ bí mật.
Trước đây, khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính không được cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và phù hợp, đặc biệt là liên quan đến rủi ro đầu tư tài chính dẫn đến quyết định sai. Thêm vào đó, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thường quảng cáo sai sự thật về lợi suất đầu tư nhằm thu hút khách hàng.
Theo nghị định mới, các định chế tài chính cung cấp thông tin sai hoặc không cung cấp thông tin cho khách hàng về các vấn đề đầu tư sẽ bị xem là vi phạm nghị định. Ngoài việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải thiết lập kênh để khách hàng phản hồi. Cơ chế quan hệ với công chúng này sẽ tạo điều kiện để các định chế tài chính cải thiện dịch vụ của mình.
Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao để phục vụ khách hàng, qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nghị định cũng trao quyền cho BOL trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo quản lý và bảo vệ một cách có hiệu quả người sử dụng dịch vụ tài chính. BOL có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy định và các công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng dịch vụ tài chính. BOL cũng phải tạo cơ chế để giải quyết mọi tranh chấp phát sinh giữa người cung cấp và người sử dụng các dịch vụ tài chính. (Vientiane Times, 18/05/2020)
Chính phủ đẩy mạnh việc nối lại hoạt động của ngành công nghiệp chế tác
Chính phủ sẽ xúc tiến việc nối lại hoạt động của các nhà máy công nghiệp trên cả nước với điều kiện các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ các quy định và giải pháp do Ủy ban Chuyên trách phòng chống Covid-19 ban hành.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch nối lại hoạt động nhưng chỉ một số ít doanh nghiệp được cho phép vì đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng để bảo vệ người lao động phòng tránh Covid-19.
Theo Chỉ thị do Chính phủ ban hành để phòng và kiểm soát Covid-19 trong thời gian từ 02-18/06/2020, các nhà máy và doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động nhưng phải áp dụng các biện pháp bảo vệ người lao động khỏi virus Corona được cơ quan chức năng chứng nhận.
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế tác của Lào chiếm 9% GDP. Toàn ngành có tổng số 28.000 nhà máy, cung cấp việc làm cho 154.000 người.
Sự lây lan của dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu năm, đặc biệt là từ tháng 4 đến đầu tháng 5 đã buộc Chính phủ phải tạm dừng hoạt động của các nhà máy, gây ra những tác động lớn đối với các doanh nghiệp cả trong ngắn và dài hạn. Tình trạng này đã ảnh hưởng lên thu ngân sách nhà nước và dự báo sẽ không đạt chỉ tiêu dự toán ngân sách. Để đảm bảo kinh tế bền vững, thu ngân sách, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Chính phủ sẽ tăng cường điều phối các Bộ ngành liên quan và sẽ ban hành các chính sách để khu vực doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Chính phủ sẽ tiến hành các bước để quản lý giá cả sau khi quyết định mở cửa các cửa hàng, nhà hàng, chợ và các trung tâm mua sắm đã tạm thời đóng cửa do bệnh dịch. Khi dịch bệnh bùng phát trong tháng 4, nhiều người đã mua hàng hóa để tích trữ vì lo sợ thiếu nguồn cung đã làm cho giá cả hàng hóa như cá hộp, mì khô, gạo tăng đột biến. Tuy nhiên, hiện nay giá cả hàng hóa đang dần trở lại bình thường. (Vientiane Times, 18/05/2020)
Chính phủ hoãn việc thanh toán tiền thuế và thuế quan
Ngày 14/5/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Sonexay đã ban hành thông báo về việc sẽ giảm và hoãn việc thanh toán tiền thuế quan, các loại thuế và phí nhằm điều tiết giá cả hàng hóa, giải quyết các vấn đề khó khăn đối với người lao động trong thời gian dịch Covid.
Trước mắt, Chính phủ áp dụng một số biện pháp liên quan đến thuế để hạn chế tác động ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm giảm bớt khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu. Các giải pháp đó bao gồm: miễn thuế thu nhập đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và tư nhân có thu nhập hàng tháng dưới 5 triệu Kíp trong thời gian 3 tháng từ tháng 4-6/2020; miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp siêu nhỏ có thu nhập hàng năm từ 50-400 triệu Kíp (theo điều 29, chương 2 Luật Thuế thu nhập số 67/NA ngày 18/6/2019); miễn các loại thuế, phí, phí liên quan đến nhập khẩu hàng hóa sử dụng cho mục đích ngăn chặn, điều trị chống dịch covid 19. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng được miễn thuế trong thời gian 3 tháng kể từ tháng 5/2020.
Ngân hàng CHDCND Lào quy định một số biện pháp tín dụng đối với các ngân hàng thương mại như giảm lãi suất vay xuống còn từ 4-3%, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc; khuyến khích ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ gốc, lãi và cung cấp các khoản vay mới cho khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Sonexay yêu cầu các Bộ, các ngành liên quan xem xét giảm giá điện, nước, internet và các loại dịch vụ khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình, tạo điều kiện giảm giá sinh hoạt; xem xét các giải pháp phúc lợi đối với người lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan được yêu cầu tìm kiếm các nguồn tài chính từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và toàn xã hội để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Chính phủ sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình mới, duy trì tỷ giá hối đoái ổn định, giữ niềm tin của các nhà đầu tư thông qua việc đảm bảo các điều kiện và môi trường đầu tư thuận lợi. (Vientiane Times, 19/05/2020)
Chính phủ triển khai các bước để xúc tiến doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh sản xuất
Ngày 20/5/2020, trả lời phỏng vấn Vientiane Times, Thứ trưởng Bộ Công Thương Somchit Inthamith cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đang tập trung vào hai hoạt động chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm thay thế nhập khẩu và đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước khắc phục tác động của khủng hoảng dịch Covid-19.
Theo Thứ trưởng Somchit Inthamith, các hoạt động trên đều liên quan đến việc xúc tiến các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SMEs) và sản xuất các sản phẩm thương mại. Năm 2020, Chính phủ phân bổ 200 tỷ Kíp cho Quỹ Khuyến khích SMEs để cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và SMEs thông qua các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính với lãi suất 3%/năm và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị này để họ có thể tiếp cận các nguồn tài chính.
Tính đến cuối tháng 3/2020, Quỹ Khuyến khích SMEs đã nhận được 100 tỷ Kíp và đã cấp vốn cho 04 ngân hàng thương mại là Ngân hàng Phát triển Lào (27 tỷ Kíp), Ngân hàng Sài Gòn Thương tín Lào (30 tỷ Kíp), Ngân hàng Lào - Việt (30 tỷ Kíp) và Ngân hàng Muruhan Nhật bản, Lào (13 tỷ Kíp). Các khoản tín dụng này sẽ tập trung vào 04 lĩnh vực chính là chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và du lịch. Khoản vay tối đa cho các doanh nghiệp siêu nhỏ là 1,5 triệu Kíp/mỗi hợp đồng; doanh nghiệp nhỏ tối đa 3 triệu Kíp; doanh nghiệp vừa là 4 triệu Kíp. Các khoản tín dụng này được cung cấp với lãi suất đồng hạng là 3%.
SMEs thuộc diện vay vốn được xác định theo Nghị định số 15, ban hành ngày 16/01/2017 và doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh rõ ràng; chứng chỉ đào tạo nghề do ngành công thương hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp; có tài khoản theo Luật Kế toán; không có nợ xấu trong các ngân hàng hoặc định chế tài chính. Nguồn vốn cung cấp qua các ngân hàng thương mại để cho vay doanh nghiệp nhằm mục đích mở rộng sản xuất-kinh doanh, tạo việc làm, thay thế máy móc/cải tiến công nghệ để tăng năng suất, cải thiện dịch vụ. Bao gồm ICT, công tác hành chính/kiểm soát sản xuất, đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất, thiết kế và quản lý sản xuất – kinh doanh.
Bốn ngân hàng nêu trên có trách nhiệm lựa chọn SMEs đủ điều kiện vay vốn, đồng thời, Quỹ Khuyến khích SMEs sẽ giám sát và đánh giá việc thực hiện để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. (Vientiane Times, 22/05/2020)
Chính phủ Lào thảo luận gói hỗ trợ đối với lao động mất việc làm
Theo báo Vientiane Times ngày 5/5/2020, Chính phủ Lào hiện đang thảo luận các biện pháp thực tiễn hỗ trợ cho lao động Lào hiện đang bị mất việc làm và đối mặt với việc giảm thu nhập do đại dịch covid-19.
Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào (NIER) kêu gọi Chính phủ cần đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ người lao động, đây là việc làm cần thiết do dịch covid-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và không có thu nhập. Viện này cho rằng, nhóm đối tượng lao động đầu tiên trong kế hoạch phúc lợi xã hội được cấp trợ cấp là những người có bảo hiểm để thực hiện kế hoạch này. Tuy nhiên, Viện kêu gọi Chính phủ tham gia và dành ngân sách nhà nước cho quỹ bảo hiểm xã hội để có đủ nguồn tài chính thực hiện kế hoạch này, được biết hiện nay quỹ phúc lợi xã hội này còn khiêm tốn. Viện cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ những người lao động không tham gia bảo hiểm phúc lợi xã hội, trong đó có khoảng 100.000 người lao động trở về từ Thái Lan trong thời gian diễn ra đại dịch. Việc đầu tiên là Chính phủ nên khuyến khích lao động đang thất nghiệp tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp để có lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Ngoài hỗ trợ của nhà nước, NIER kêu gọi khối doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ nhà, chủ đất giảm giá cho thuê nhà cho người đi thuê, coi đây là một trong những biện pháp giảm tác động của covid-19 đến nhóm đối tượng liên quan. NIER cho rằng Chính phủ nên nâng cao năng lực của hệ thống phúc lợi xã hội trong dài hạn để có thể bảo vệ đối tượng liên quan trong bối cảnh khủng hoảng trong tương lai, Chính phủ cần đào tạo lực lượng lao động Lào có kỹ năng cơ bản để có thể làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Hiện nay, đa số người lao động bản địa không có đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu. Theo số liệu của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Lào phải thuê người nước ngoài làm trong các dự án đầu tư lớn do không thể cung cấp đủ lao động kỹ năng. Chính phủ hiện đang chú trọng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để đáp ứng nhu cầu nhằm gia tăng đầu tư và tăng trưởng kinh tế. (Vientiane Times, 5/5/2020)
Chính phủ đưa ra một số biện pháp xuất nhập khẩu hàng hóa thời Covid 19
Theo báo Vientiane Times ngày 11/5/2020, Chính phủ Lào đã ban hành các biện pháp và quy định mới nhằm phòng chống, kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid 19 từ các nước láng giềng có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn đối với Lào. Theo đó, Bộ Công chính và Vận tải đã ban hành các biện pháp và thủ tục mới như tiếp tục mở các cửa khẩu quốc tế chỉ áp dụng cho một số mặt hàng nhằm giảm bớt lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết nhanh chóng hàng hóa tồn kho như hàng nông nghiệp. Thông báo số 00283/MPWT ngày 24/4/2020 hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu yêu cầu Tổng cục hải quan và các công ty vận chuyển hàng hóa có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu cụ thể như sau: (i) Đối với hàng hóa nhập khẩu, lái xe nước ngoài khi nhập cảnh vào Lào tại cửa khẩu cụ thể cần tuân thủ nghiêm các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, được cơ quan thẩm quyền y tế của Lào đo nhiệt độ; không cho phép lái xe nước ngoài vận chuyển hàng hóa là hóa chất hoặc vật liệu liên quan dự án đường cao tốc, đập thủy điện và một số lĩnh vực khác, lái xe chỉ được phép vận chuyển hàng hóa đó tới địa điểm cụ thể đề cập tại thư đề nghị của chủ dự án hoặc đại diện dự án đó tại Lào. Trường hợp lái xe phải ở lại qua đêm, dự án có trách nhiệm đảm bảo an toàn, cung cấp nơi ăn ở riêng cho lái xe; (ii) Đối với việc xuất khẩu hàng hóa, các xe của Lào có thể bốc dỡ hàng hóa tại cửa khẩu cụ thể hoặc vận chuyển hàng hóa tới một địa điểm cụ thể nếu nước kia cho phép nhập cảnh. Cho phép xe tải rỗng và con-ten-nơ nhận hàng hóa tại biên giới của Lào với mục đích xuất khẩu hàng hóa. Lái xe nước ngoài và phụ lái phải tuân thủ nghiêm các biện pháp và quy trình phòng chống dịch của Cơ quan giám sát y tế công tại biên giới của Lào. (Vientiane Times, 11/5/2020)
Chính phủ cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại
Theo báo Vientiane Times ngày 12/5/2020, Chính phủ Lào bật đèn xanh cho các dự án phát triển nối lại hoạt động nhằm giảm bớt tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng cần tuân thủ các biện pháp ngăn chặn lây lan của dịch covid-19, gồm 20 dự án khai khoáng, 13 dự án điện, đường sắt và đường cao tốc, 20 nhà máy tại Khu liên hợp Xaysettha, 9 nhà máy tại Khu kinh tế chuyên biệt Savan-Seno và Khu kinh tế chuyên biệt Champasak được phép nối lại hoạt động. Hoạt động của các dự án trên đã bị tạm dừng khoảng 1 tháng trong thời gian phong tỏa vừa qua nhằm ngăn chặn lây lan của dịch covid 19.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Kikeo Chanthanboury cho biết, Tiểu ban đặc trách về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid đã ký MOU với các doanh nghiệp nói trên yêu cầu họ áp dụng các biện pháp do Tiểu ban đề xuất trong khi triển khai hoạt động. Liên quan đến dự báo tăng trưởng kinh tế do Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia và Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Thứ trưởng Kikeo cho biết, tăng trưởng kinh tế của Lào dự báo chỉ đạt 3,3-3,6% năm nay, giảm mạnh so với mục tiêu tăng trưởng bình quân trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Lào đặt ra là 7,2%, khả năng chỉ đạt 5,9%. Du lịch, lĩnh vực đóng góp nguồn thu vào ngân sách lớn thứ 2 của Lào bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đại dịch làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước do phải thực hiện các chính sách cắt giảm thuế, phí của người dân có thu nhập thấp. Doanh nghiệp thuê lao động được hướng dẫn phải tuân thủ Luật Bảo hiểm xã hội về việc thanh toán cho người lao động tham gia quỹ bảo hiểm và hiện chưa được thanh toán. Chính phủ đồng thời chú ý tới người lao động không tham gia quỹ bảo hiểm, việc này được quy định cụ thể trong nghị định về phúc lợi xã hội.
Trong thời gian phong tỏa quốc tế, Chính phủ đang xem xét tạo việc làm cho lao động Lào trở về từ nước ngoài, sau khi kết thúc thời gian cách ly, số lao động này có thể làm cho các công ty ở các đặc khu kinh tế tại Lào nếu có kỹ năng phù hợp. (Vientiane Times, 12/5/2020)
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM |
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 04 và 4 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 04 và 04 tháng đầu năm 2020 như sau:
1. Tháng 4/2020 đạt 61.433.841 USD, giảm 38,2% so với cùng kỳ. Trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 34.166.979 USD, giảm 46,2% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng tăng trong tháng 2 nay vẫn giữ được đà tăng: dây điện và cáp điện tăng 300,4%; Giấy và sản phẩm từ giấy 154,4%; Kim loại thường khác và sản phẩm tăng 21,8%; sản phẩm từ sắt thép tăng 19,7%; Hàng rau quả 12,9%; Sản phẩm từ hóa chất 12,6%; phân bón các loại 9,8%;
Các mặt hàng còn lại đều giảm, một số mặt hàng giảm khá mạnh so với tháng trước: Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm khá mạnh 90,8% (tháng trước 13,4%); Clanke và xi măng giảm 65,2% (tháng trước 36,7%); Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm 57,3% (tháng trước 9,2%); Sắt thép giảm 37,6% (tháng trước 9,6%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 44,8% (tháng trước 16,1%); Hàng hóa khác giảm 44% (tháng trước 13,6%). Hàng dệt may giảm 49% (tháng trước 37,9%); các mặt hàng giảm liên tục từ đầu năm: gỗ và sản phẩm gỗ giảm 71%; xăng dầu giảm 88% (giảm liên tục từ đầu năm 2019 cho đến nay); Cà phê không có kim ngạch nhập khẩu.
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 27.266.862 USD, giảm 24% so với cùng kỳ;
Trong các mặt hàng, chỉ có hàng rau quả tăng 28,9% sau khi giảm khá mạnh 63,2% vào tháng trước và hàng hóa khác tăng 46,1%. Kim loại thường tiếp tục ghi nhận nhập khẩu hơn 131.000 USD, trong khi cùng kỳ không có nhập khẩu.
Các mặt hàng còn lại đều giảm: Gỗ và sản phẩm gỗ đã quay đầu giảm 30,7% sau khi 3 tháng giữ được đà tăng; Phân bón các loại tháng trước giảm nhẹ nay đã giảm 71,4%. Các mặt hàng khác tiếp tục giảm với tốc độ giảm tăng lên: Cao su giảm 79,8%; Quặng và khoáng sản giảm 77,5%;
2. Tổng kết kim ngạch 4 tháng đạt 337.661.282 USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 184.126.738 USD giảm 18%; nhập khẩu đạt 153.534.544 USD giảm 1,1%;
- Về các mặt hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch và tăng mạnh là mặt hàng rau quả tăng 132,3%, đạt hơn 15,56 triệu USD. Tiếp đến là sản phẩm từ sắt thép đạt gần 13,59 triệu USD tăng 23,2%; Các mặt hàng khác ghi nhận tăng là: Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 181,9% đạt hơn 4 triệu USD; Dây điện và cáp điện tăng 63,6% đạt hơn 2,6 triệu USD; Kim loại thường và sản phẩm khác tăng 60,8% đạt 1,62 triệu USD; Sản phẩm từ chất dẻo tăng 31% đạt hơn 3,5 triệu USD; Sản phẩm từ hóa chất tăng 14% đạt hơn 2,2 triệu USD.
Mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhưng vẫn tiếp tục duy trì đà giảm: Xăng dầu giảm 58,6% đạt hơn 11,2 triệu USD; Sắt thép các loại giảm 23,3% đạt 23,5 triệu USD.
- Về các mặt hàng nhập khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị kim ngạch và tăng từ đầu năm đến nay là gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,8% đạt gần 19,5 triệu USD. Hàng hóa khác tăng 15,2 % đạt gần 84,5 triệu USD; Hàng rau quả tăng 10,5% đạt hơn 3,4 triệu USD. Kim loại thường khác tăng 183,8% đạt hơn 863.000 USD.
Dự kiến tháng 5/2020, kim ngạch có thể đạt được mức so với cùng kỳ năm 2019 do được nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ. (ĐSQVN tại Lào, ngày 05/5/2020)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC |
Lào-Trung Quốc
Tiến độ đường sắt Lào – Trung Quốc
Ngày 21/5/2020, Vientiane Times dẫn nguồn tin từ Xinhua cho biết, sau 37 tháng thi công, đường hầm Hữu nghị nối Bắc Lào với biên giới Trung Quốc đã khoan xong.
Đường hầm Hữu nghị xuyên biên giới Lào – Trung Quốc do Tập đoàn Đường sắt số 2 của Trung Quốc (CREC-2) xây dựng theo thiết kế của Công ty Đường sắt Eryaun, được khoan từ Boten, nằm cách Thủ đô Viêng Chăn 70 Km, hoàn thành vào này 20/5/2020. Việc khoan xong đường hầm này có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt Lào – Trung vào tháng 12/2020.
Đường hầm có chiều dài 9.959 m, trong đó, phần trên lãnh thổ Lào dài 2.425 m, độ sâu lớn nhất đạt 243 m, nằm trong vùng rừng núi của Lào. Ở dưới địa bàn nơi đường hầm đi qua gặp lớp muối dày 100m với độ mặn trên 80%, cực kỳ tác hại đối với an toàn của kết cấu đường hầm. Với điều kiện địa chất yếu kém, thường xuyên xuất hiện các dòng nước và sụt lún. Ban Quản lý dự án đã phải củng cố thông tin và tìm các giải pháp tối ưu để đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ dự án. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, các nhà thầu Trung Quốc đã phải tiến hành các giải pháp toàn diện để phòng chống dịch, vừa đảm bảo tiến độ xây dựng.
Đường sắt Lào – Trung Quốc là dự án có ý nghĩa chiến lược trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc và Chiến lược của Lào nhằm biến Lào từ một nước không có biển thành trung tâm kết nối đất liền. Dự án được khởi công vào tháng 12/2016 và dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành vào tháng 12/2021. (Vientiane Times, 21/05/2020)
Trung Quốc đầu tư vào nông nghiệp sạch tại tỉnh Bokeo
Báo Vientiane Times ngày 18/5/2020 đưa tin, theo chủ trương hiện nay của Chính phủ Lào coi lĩnh vực nông nghiệp là một mũi nhọn của nền kinh tế, khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, Công ty TNHH Sung Paper Holding Lao, một trong 500 doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc đã ký hợp đồng hợp tác với chính quyền tỉnh Bokeo để đầu tư khoảng 4,4 tỷ Kíp (khoảng 500.000 USD) vào nông nghiệp sạch trên 100 héc-ta đất ở huyện Meung, tỉnh Bokeo để trồng chuối, một số hoa màu khác và chăn nuôi gia súc. Dự án thực hiện theo cách thức chuyển nhượng đất, theo tiêu chuẩn GAP (thực tiễn nông nghiệp tốt). Hiện chính quyền địa phương đang khảo sát khu vực trồng chuối, công ty đang tiến hành cải tạo đường sá, hệ thống cầu cống giữa huyện Meung, Bokeo và huyện Long, Luang Namtha để tạo điều kiện về giao thông và vận chuyển hàng hóa giữa 2 tỉnh này với Trung Quốc.
Chủ đầu tư dự án dự kiến sẽ trồng cây theo mùa vụ, phát triển các trang trại nuôi cá, trồng cây lấy gỗ theo hướng sản xuất bền vững, tạo thu nhập cho người dân. Công ty TNHH Sung Paper Holding Lao gần đây cũng đã ký MOU với tỉnh Savannakhet, tài trợ hơn 177 tỷ Kíp (20 triệu USD) để triển khai một dự án phát triển nông nghiệp trên 800 héc-ta đất, đồng thời, chính quyền địa phương và công ty dự định phát triển khu vực dự án này thành điểm thu hút du lịch bằng việc đảm bảo sản xuất sạch và môi trường thiên nhiên trong lành. (Vientiane Times, 18/5/2020)
Lào-Trung Quốc thống nhất biện pháp xuất khẩu gia súc
Báo Vientiane Times ngày 05/5/2020 đưa tin, Lào và Trung Quốc thống nhất ban hành hướng dẫn cho việc xuất khẩu gia súc sang thị trường Trung Quốc.
Gia súc xuất khẩu là gia súc thuần chủng, con giống và gia súc lai với cân nặng không quá 350 kg và không quá 4 năm tuổi. Gia súc phải có nguồn gốc từ Lào hoặc có thể nhập khẩu nhưng phải nuôi ở Lào ít nhất 150 ngày.
Trang trại gia súc phải đăng ký hợp pháp ở Lào theo mẫu của Vụ Chăn nuôi và Thủy sản. Trang trại không có tiền sử về dịch bệnh nào bị nhiễm trong 6 tháng và phải có chứng nhận của các trung tâm nghiên cứu dịch bệnh động vật về các bệnh liên quan.
Trước khi xuất khẩu, gia súc phải được đưa đến bản Nakham, huyện Sinh, tỉnh Luông-nậm-thà và giữ lại trung tâm cách ly 45 ngày để kiểm soát dịch bệnh.
Các phương án quy hoạch trang trại phải được chính quyền địa phương và ngành liên quan phê duyệt; trang trại phải được đặt ở nơi phù hợp, không bị ngập lụt và cách xa cộng đồng, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, không gây ô nhiễm nguồn nước vùng dự án.
Gia súc phải đủ điều kiện về vệ sinh, dịch tễ trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc. (Vientiane Times, 05/5/2020)
Lào- Singapore
Công ty Singapore xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời tại Lào
Ngày 25/5/2020, tại Viêng Chăn, Công ty TNHH nValid Precision Engineering (nVPE) có trụ sở tại Singapore và Tổng công ty điện lực Lào (EDL) đã ký MOU phát triển dự án năng lượng mặt trời (SAPP) tại tỉnh Attapeu, Nam Lào, cam kết đạt công suất lắp đặt lên đến 76MW, với tổng năng lượng tạo ra là khoảng 128 GWh/năm trong thời gian 3 năm thông qua hệ thống tải điện 115kV từ nhà máy này tới trạm điện Saphaothong.
Công ty này hiện dự kiến triển khai và chuyển giao đầu tư dự án quang điện mặt trời trong 3 đến 5 năm tới, bao gồm các hạng mục như lắp đặt trên mái nhà, lắp đặt trên mặt đất, và các nhà máy quang điện mặt trời di động tại nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Lào, Campuchia, Việt Nam và Myanmar. (Vientiane Times, 28/5/2020)
Singapore và Lào ký MOU phát triển dự án nhiệt điện
Ngày 27/5/2020, tại Viêng Chăn, Thứ trưởng Bộ KHĐT Lào Khamchanh Vongseneboun, đại diện Chính phủ Lào đã ký MOU hợp tác với Phó Chủ tịch Công ty Xây dựng và sửa chữa cầu đường Khounmixay (KMX) Khamthanh Phomathat, đại diện cho Tập đoàn Đầu tư năng lượng Evolution (EPIC) của Singapore và KMX. Theo đó EPIC và KMX được phép tiến hành nghiên cứu khả thi về tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường của dự án nhà máy công nghệ nhiệt điện sạch 1.000 MW tại huyện Dakchung, tỉnh Xekong. Dự án này ước tính mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD, sẽ chuyển giao vào năm 2027, điện sản xuất ra sẽ xuất khẩu sang các nước láng giềng của Lào như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia và tiêu dùng trong nước. Dự án này sẽ sử dụng nguồn nhiên liệu trong nước để tạo ra điện phục vụ xuất khẩu, từ đó tăng thêm giá trị cho tài nguyên thiên nhiên trong nước và tăng ngoại tệ và dự kiến nghiên cứu sử dụng công nghệ lò hơi than nghiền thành bột (PC) và lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) hoạt động ở áp suất hơi thấp nhất (USC) nhằm đạt hiệu suất của nguồn nhiệt tiêu thụ.
Phó Chủ tịch KMX cho biết, nhiệt năng đã và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất điện hỗn hợp tại khu vực ASEAN và góp phần làm giảm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, điều quan trọng là công nghệ mới nhất được sử dụng để giảm thiểu những tác động như vậy. Đó chính là mục tiêu của dự án bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị điện để cung cấp năng lượng bền vững đáp ứng nhu cầu thực tế năng lượng trong tương lai một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất. Còn Giám đốc điều hành EPIC Don Lim cho biết, họ phấn khích khi đạt được hợp tác quan trọng này để phát triển dự án với Chính phủ Lào và tin rằng dự án sẽ góp phần đáng kể đến không chỉ lĩnh vực năng lượng của Lào mà còn đối với thị trường khu vực cũng như đáp ứng sự thiếu hụt năng lượng cơ bản như ở Việt Nam, và hy vọng dự án sẽ được triển khai với tiêu chuẩn cao.
EPIC là công ty tư vấn và phát triển năng lượng có trụ sở tại Singapore, thành lập năm 2018, cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển, tài chính, thương mại và kỹ thuật tích hợp cho các ngành năng lượng thông thường và năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Dựa trên hiểu biết sâu sắc về năng lượng và năng lượng toàn cầu, EPIC cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các nhà phát triển, quốc gia cho vay hỗ trợ phát triển dự án xanh, tái cấu trúc, sáp nhập, mua lại. Khách hàng của công ty là các tập đoàn, chủ dự án ở Đông Nam Á với tổng giá trị đầu tư của doanh nghiệp hoặc dự án từ 500 triệu đến 2 tỷ USD. KMX là công ty xây dựng có trụ sở tại Viêng Chăn, có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và sửa chữa cầu đường, đã xử lý nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở một số tỉnh của Lào, đặc biệt là ở tỉnh Xekong. (KPL, 29/5/2020)
Lào- Luxembourg
Luxembourg cam kết hỗ trợ Lào 3 triệu Euro để ứng phó với dịch Covid-19
Ngày 21/5/2020, theo thông cáo báo chí, Chính phủ Luxembourg cam kết hỗ trợ 3 triệu Euro để giúp Lào tăng cường năng lực hệ thống y tế quốc gia và cấp tỉnh ứng phó với dịch Covid-19, khoản tiền ban đầu trị giá 240.000 Euro đã được bàn giao cho Bộ Y tế ngày 21/5/2020.
Đại biện Lâm thời ĐSQ Luxembourg tại Lào Sam Schreiner, thay mặt Chính phủ Luxembourg đã trao khoản viện trợ khẩn cấp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phuonthone Moungpak tham dự buổi lễ bàn giao.
Theo nội dung thông cáo báo chí, mục đích của khoản hỗ trợ này là nhằm hỗ trợ nỗ lực quốc gia trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn được xác định trong Kế hoạch Khả năng Sẵn sàng và Ứng phó với dịch bệnh đa quốc gia và hỗ trợ song phương trực tiếp cho các tỉnh Khammoun, Borikhamxay và Viêng Chăn. Khoản viện trợ khẩn cấp nêu trên là một phần của gói hỗ trợ để giúp Lào ứng phó với đại dịch Covid-19, bao gồm mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị bảo vệ cá nhân và đồ dùng thiết yếu đã được trao cho các tỉnh. Các phần khác của gói hỗ trợ sẽ bao gồm 935.000 Euro đóng góp thông qua WHO; 250.000 Euro hỗ trợ Viện Paster Lào và 815.000 Euro để thực hiện Chương trình Hỗ trợ Y tế Luxembourg – Lào. Một dự án hỗ trợ về kinh tế và đời sống trị giá 1 triệu Euro hiện đang được triển khai thông qua Chương trình Phát triển Địa phương Luxembourg – Lào với các địa bàn ưu tiên là các tỉnh Viêng Chăn, Borikhamxay, Khammoun và Bokeo. (Vientiane Times, 22/05/2020)
Lào-Mỹ
Mỹ công bố bổ sung 3 triệu USD hỗ trợ Lào ứng phó với dịch Covid-19
Ngày 22/5/2020, theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Lào, Chính phủ Mỹ đã công bố kinh phí bổ sung trị giá 3,17 triệu USD để hỗ trợ Lào phòng chống dịch Covid-19.
Đại sứ Mỹ tại Lào Peter Haymond cho biết, nguồn kinh phí bổ sung này sẽ được cung cấp thông qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (USCDC) để nâng cao khả năng phòng chống và sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 tại Lào. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để xây dựng năng lực giám sát, thí nghiệm, phòng chống và kiểm soát lây lan, ứng phó khẩn cấp và tiêm phòng vắc-xin. Nguồn kinh phí bổ sung này nằm trong số 300 triệu USD đã được Chính phủ phê chuẩn cho CDC để ứng phó với dịch Covid-19 trên toàn cầu. Mỹ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Lào và cùng với toàn thế giới chống lại dịch Covid-19. Theo Đại sứ Haymond, với kinh phí bổ sung này, USCDC đã tăng gấp đôi kinh phí hỗ trợ Lào phòng chống Covid-19, đây là một phần trong hợp tác dài hạn về y tế của Mỹ tại Lào được bắt đầu triển khai từ năm 2006. (Vientiane Times, 25/05/2020)
HỢP TÁC LÀO - KHU VỰC |
Lào hợp tác năng lượng với các nước trong khu vực ASEAN
Ngày 14/02/2020, theo báo cáo của Bộ năng lượng và Mỏ Lào, phát triển năng lượng điện sẽ được Chính phủ tăng cường và đẩy mạnh theo hướng xuất khẩu sang các nước láng giềng và khu vực ASEAN ngày một tăng. Ngoài việc phát triển hệ thống đường dây truyền tải điện kết nối trong nước, Lào sẽ hợp tác với các nước láng giềng kết nối mạng truyền tải điện trong khu vực ASEAN để đưa điện của Lào đến với khu vực. Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết, trước mắt Lào đã ký kết xuất khẩu điện với 04 quốc gia láng giềng là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Myanmar, và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN trong thời gian tới đây.
Theo kế hoạch phát triển năng lượng giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, Lào sẽ cung cấp cho Thái Lan khoảng 9.000 MW, đến nay đã thực hiện mua bán được 5.620 MW từ các nhà máy thủy điện Huổi-khọ, Nậm-thơn 2, Nậm-ngừm 2, Thơn-Hỉn Bun, Xayabuly, Sepien-senamnoi, Nậm-nghiệp 1, dự kiến đến năm 2022 sẽ thêm 02 dự án là thủy điện Nậm-thơn 1 có công suất 520 MW và Nậm-ngừm 3 có công suất 460 MW, đến 2030 sẽ cung cấp đủ 9.000 MW như đã thỏa thuận. Với Campuchia, đến 2030 Lào sẽ xuất khẩu điện sang khoảng 6.000 MW, chia làm 04 giai đoạn, từ 2021-2023 nhà máy thủy điện Đôn-sa-hồng sẽ xuất khẩu 500 MW; giai đoạn tiếp theo sẽ xuất khẩu điện từ cụm nhà máy nhiệt điện tại huyện La-nam và Ka-lưm, tỉnh Sê-kông với tổng sản lượng là 2.400 MW (2024: 600 MW, 2025: 600 MW, 2026: 600 MW, 2027: 600 MW) và từ 2027-2030 sẽ cung cấp tiếp đến đủ 6.000 MW như đã thỏa thuận, toàn bộ lượng điện trên sẽ được truyền tải qua hệ thông đường dây 500 KV. Việt Nam và Lào đã ký kết hợp tác mua bán điện đến năm 2030 đạt khoảng 5.000 MW, chủ yếu từ các nhà máy thủy điện dọc theo tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam-Lào, điện được đấu nối tại các điểm đấu theo quy hoạch mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với Myanmar, Lào đã thỏa thuận mua bán điện với tổng lượng điện là 470 MW (2021: 60 MW, 2023: 100 MW, 2025: 300 MW), hiện tại đã xuất 10 MW, truyền tải qua hệ thống dây dẫn 22 KV.
Lào là quốc gia khởi xướng thiết lập hệ thống kết nối mạng truyền tải điện giữa các nước ASEAN và đã thỏa thuận bán điện cho Malaysia khoảng 300 MW qua hệ thống truyền tải Lào-Thái-Malaysia và đang từng bước đàm phán, trao đổi mua bán điện với Singapore qua đường truyền tải Lào-Thái-Malaysia-Singapore (L-T-M-S). (ĐSQVN tại Lào, 05/5/2020)
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ |
Lào-LHQ
LHQ hỗ trợ Lào ứng phó và phục hồi kinh tế do hậu quả dịch Covid-19
Ngày 20/5/2020, theo thông cáo báo chí chung của Liên hợp quốc (LHQ)-Lào, LHQ sẽ hỗ trợ Chính phủ Lào trong việc sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 trong khuôn khổ Quỹ Ứng phó với Covid-19 và Phục hồi hậu dịch.
Thông cáo chung cho biết, Quỹ nêu trên đã được Tổng Thư ký LHQ khai trương nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình để vượt qua khủng hoảng về sức khỏe và phát triển do đại dịch Covid-19, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương do khó khăn kinh tế và xã hội.
Hiện nay Chính phủ Lào đã và đang hợp tác với LHQ và các đối tác phát triển trong việc xây dựng chương trình ứng phó có hệ thống và kịp thời nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid-19.
Theo yêu cầu chính thức từ Bộ Ngoại giao, thay mặt Chính phủ Lào, một nhóm chuyên gia LHQ đã triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ, xây dựng các kiến nghị dự án sử dụng Quỹ của LHQ trị giá 1 triệu USD. Một trong các dự án sẽ tập trung hỗ trợ năng lực y tế cấp tỉnh trong việc sẵn sàng giám sát dịch bệnh ở các cửa khẩu. Dự án thứ hai nhằm hỗ trợ các dịch vụ y tế và dinh dưỡng cho các bà mẹ, trẻ em và người trưởng thành bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Điều phối viên Thường trú LHQ tại Lào Sara Sekkenes nhấn mạnh, với khuôn khổ này, LHQ tại Lào sẽ hỗ trợ việc đẩy nhanh khả năng sẵn sàng của hệ thống y tế công cộng, tiếp tục góp phần phân tích kinh tế - xã hội và triển khai các hoạt động bảo vệ và phục hồi kinh tế do hậu quả của đại dịch Covid-19. (Vientiane Times, 21/05/2020)
Lào-WB
Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Lào giảm thiểu tác động của Covid-19
Ngày 18/5/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone đã có buổi tiếp và làm việc với Giám đốc Quốc gia Ngân Hàng Thế giới (WB) tại Lào Nicola Pontara. Tại buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB thống nhất sẽ hợp tác nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 và thảo luận khuôn khổ chính sách để phục hồi kinh tế, củng cố ổn định vĩ mô và đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, đặc biệt là trong thời gian thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9 (NSEDP-9) 2021-2025.
Phó Thủ tướng Sonexay đánh giá cao chuyến thăm của ông Pontara và kỳ vọng sự hỗ trợ của WB trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Ông Pontara đã trao đổi về sự hỗ trợ của WB nhằm giúp Chính phủ Lào hồi phục kinh tế do hậu quả của bệnh dịch. Trong giai đoạn I của chương trình hỗ trợ, WB đã huy động được 18 triệu USD thông qua dự án Phản ứng nhanh với Covid-19 nhằm giúp Lào đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn, tăng cường hệ thống y tế quốc gia để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong dài hạn. Ông cũng cho biết, trong giai đoạn II sẽ có thêm hai dự án: (i) Dự án Chuyển Tiền mặt mới trị giá 40 triệu USD để hỗ trợ các cá nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19; và (ii) Dự án cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trị giá 40 triệu USD để bổ sung thanh khoản cho SMEs trong nỗ lực hồi phục kinh tế do hậu quả của Covid-19.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã thảo luận về NSEDP-9 (2021-25), tập trung vào mô hình tăng trưởng bao trùm, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Thoát khỏỉ địa vị của một nước kém phát triển (LDC) và tăng trưởng xanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo lần 1 NSEDP-9 với các mục tiêu tập trung vào việc đưa Lào thoát khỏi LDC, đạt các mục tiêu SDGs vào năm 2030, xúc tiến tăng trưởng xanh và bền vững. Kế hoạch đưa ra 06 mục tiêu tổng quát, bao gồm tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý xã hội. (Vientiane Times, 21/05/2020)
Lào-ADB
ADB phê duyệt 25 triệu USD hỗ trợ Lào ứng phó với dịch Covid-19
Ngày 25/5/2020, theo thông báo đăng tải trên trang website của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngân hàng này đã phê duyệt khoản vay ưu đãi 20 triệu USD để hỗ trợ Lào ứng phó với dịch Covid-19.
Theo ADB, đây là khoản vay bổ sung cho Dự án An ninh Y tế của Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) nhằm giúp Bộ Y tế Lào mua sắm trang thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị thí nghiệm, các bộ dụng cụ xét nghiệm, thiết bị y tế và xe cứu thương phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Khoản vay này cũng sẽ giúp Chính phủ Lào cung cấp vật tư và đào tạo các nhân viên y tế tuyến đầu trong phòng ngừa, kiểm soát sự lây lan của Covid-19, đồng thời hỗ trợ Chính phủ Lào có kinh phí để chi trả cho việc theo dấu, truy nguồn lây nhiễm.
Chuyên gia y tế ADB Ye Xu cho biết, khoản tài chính bổ sung này sẽ giúp tăng cường nguồn lực và năng lực của hệ thống y tế Lào nhằm ứng phó với tác động của đại dịch. Trong thời gian qua, Lào đã quản lý tương đối tốt sự bùng phát của Covid-19, tuy nhiên, vẫn cần phải duy trì sự sẵn sàng tối đa và tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe để có thể đối phó với mọi khả năng bùng phát trở lại của dịch Covid-19.
Đến thời điểm ngày 25/5/2020, Lào có 19 ca mắc Covid-19, trong đó 14 ca đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, theo ADB, Lào vẫn là quốc gia dễ bị tổn thương do tình hình dịch bệnh tại khu vực vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều lao động Lào trở về nước từ các quốc gia láng giềng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Hệ thống y tế của Lào vốn vừa thiếu, vừa yếu cả về nhân lực lẫn trang thiết bị có thể bị quá tải nếu có sự lây lan nhanh của vius. (Vientiane Times, 26/05/2020)
BẠN CẦN BIẾT |
Bộ KHĐT ra mắt website thông tin kinh tế và kinh doanh
Báo Vientiane Times ngày 29/5/2020 đưa tin, Bộ KHĐT Lào mới ra mắt website www.investlao.gov.lao, do Cục Khuyến khích đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin tổng quan về kinh tế và doanh nghiệp để kinh doanh tại Lào.
Website cung cấp dữ liệu giúp doanh nghiệp có thể sử dụng để phân tích xu hướng đầu tư tại Lào; các mẫu đăng ký đầu tư, cách thức để đăng ký visa kinh doanh tại Lào; các thông tin quan trọng về các đặc khu kinh tế tại Lào; các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, đăng tải các quyết định chính của chính phủ về hoạt động doanh nghiệp; biện pháp cải cách và cập nhật tiến độ cải thiện môi trường kinh doanh; cung cấp thông tin về vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan nhà nước liên quan đến việc thực hiện cải cách kinh doanh của Chính phủ, các bước thực hiện của từng bộ, ngành. Thông tin tại website là khá rõ ràng, nêu rõ thời gian cần thiết để thực hiện và trách nhiệm cung cấp dịch vụ của các cơ quan Chính phủ. (Vientiane Times, 29/5/2020)
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Lê Thị Phương Hoa |