Notifications
Clear all
Topic starter
31/05/2023 10:17 sáng
TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3
Ngày 28/3/2023, Chính phủ họp thường kỳ tháng 3/2023 do Thủ tướng Sonexay Siphandone chủ trì, tham dự có các thành viên Chính phủ.
Tại Cuộc họp, Chính phủ kêu gọi các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng để chào đón du khách trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi nhanh chóng, tiếp thêm năng lượng cho nỗ lực hồi sinh nền kinh tế mỏng manh của Lào. Ngành du lịch, một nguồn ngoại tệ chính, đã được coi là một ngành then chốt để thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô của Lào.
Để thúc đẩy nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành liên quan tập trung công tác trả nợ cho nước ngoài và các công ty tư nhân để họ có thể tăng cường hoạt động của mình. Nhằm tạo nguồn tài chính cho chi tiêu công, Thủ tướng cũng kêu gọi tối đa hóa thu ngân sách bằng cách mở rộng hệ thống thu thuế số hóa để ngăn chặn thất thoát tài chính và giải quyết các khoản chi tiêu trùng lặp.
Việc đồng Kíp mất giá gây thêm những thách thức cho nền kinh tế Lào, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan cần hành động nhiều hơn để kiểm soát chính sách tiền tệ và điều chỉnh tỷ giá hối đoái, cũng như tìm các công cụ mới để cải thiện chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh lạm phát tràn lan, Chính phủ cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết để điều chỉnh các loại phí dịch vụ và giá cả hàng hóa trên thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý và giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Thông cáo báo chí của buổi họp Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc tái cấu trúc Ngân hàng Chính sách. Thành viên Chính phủ cũng được yêu cầu tích cực hành động theo các khuyến nghị được đưa ra trong Diễn đàn Doanh nghiệp Lào lần thứ 14 gần đây nhằm củng cố nền kinh tế vĩ mô.
Với việc người dân Lào đang phải đối mặt với khó khăn ngày càng tăng, số lượng tội phạm và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, bao gồm trộm cắp, cướp của và giết người cũng được ghi nhận trong thông cáo báo chí. Chính phủ Lào cũng cam kết hành động để giải quyết vấn đề buôn bán ma túy và lạm dụng chất kích thích, đồng thời giữ vững an ninh trật tự xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn. (Vientiane Times, ngày 31/3/2023)
Lạm phát vẫn cao chót vót ở mức 41% trong tháng 3
Ngày 06/04/2023, Vientiane Times đưa tin, báo cáo cập nhật của Cục Thống kê Lào cho biết, tỷ lệ lạm phát của Lào trong tháng 3 giảm nhẹ từ 41,3% vào tháng 2 xuống còn 41% . Tuy nhiên, giá hàng hóa thiết yếu và dịch vụ vẫn còn mức cao.
Theo Cục Thống kê, mức tăng giá cao nhất được ghi nhận ở nhóm các mặt hàng thực phẩm và đồ uống không cồn, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là nhóm dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc men (41,8%), nhóm truyền thông và vận tải (41,7%), khách sạn và nhà hàng (36,9%), hàng gia dụng (35%), cụ thể: giá gạo hạng A tăng mạnh từ 14.384 Kíp/kg vào tháng 2 lên 14.637 Kíp/kg trong tháng 3. Giá thịt lợn tăng từ 74.458 Kíp/kg vào tháng 2 lên 76.349 Kíp/kg và giá thịt bò loại A tăng từ 96.579 Kíp/kg lên 105.725 Kíp/kg.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4, khi người dân Lào đón năm mới và đây thường là thời điểm làm tăng đột biến nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Chính phủ cũng đã lệnh cho các ngành hữu quan có trách nhiệm kiểm tra sát sao giá sản phẩm được bán tại các chợ địa phương nhằm giảm thiểu tác động đối với những người nghèo nhất. Cục Thống kê cho biết rất khó có thể dự đoán lượng hàng hóa nhập khẩu trong những tuần tới, đồng thời cho rằng tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 có thể cao hơn mức được ghi nhận trong tháng 3. Lào hiện đang là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, áp lực lạm phát liên tục tăng ở Mỹ đã dẫn đến việc thắt chặt hơn các điều kiện tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả Lào. Để giải quyết những áp lực lạm phát này, một số quốc gia trong khu vực đã tăng lãi suất nội địa, giúp giảm bớt dòng vốn thoát ra ngoài và sụt giá đồng tiền. Tuy nhiên, việc tiếp tục thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế lớn có thể làm gia tăng áp lực tài chính cho các nền kinh tế trong khu vực.
Sự mất giá của đồng Kíp so với đồng đô la Mỹ và đồng Baht của Thái Lan là một trong những yếu tố chính làm gia tăng lạm phát ở Lào. Đồng Kíp yếu khiến chính phủ Lào gặp khó khăn trong việc kiềm chế sự gia tăng chi phí của hàng hóa và dịch vụ, nhất là khi 1/3 hàng hóa dùng để tính toán mức tăng của giá cả là hàng nhập khẩu. Theo các nhà kinh tế, Lào phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, nước này cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng cường sản suất trong nước, giảm nhập khẩu và thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng mang lại ngoại tệ cho đất nước. (Vientiane Times, ngày 06/04/2023)
Lạm phát khiến người Lào đi làm xuyên biên giới
Ngày 03/4/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với các nước lân cận (trong đó có Thái Lan) về việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động Lào đi làm việc tại các nước này, khi ngày càng nhiều người Lào tràn sang các nước để tìm kiếm việc làm trong bối cảnh tình trạng kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, chi phí tiêu dùng gia tăng.
Hơn 50% người Lào trở về từ Thái Lan trong thời gian đại dịch Covid-19 đã quay trở lại Thái Lan làm việc tại thời điểm tháng 01/2023 và hiện nay thông tin cho thấy đã có đến 70%, khoảng 200.000 người đã sang Thái Lan làm việc. Bộ Lao động cho rằng, con số này có thể tăng đến 500.000 người trong thời gian tới, với đa số là lao động có tay nghề, khi mà họ có thể kiếm được thu nhập tốt hơn tại Thái Lan.
Mức lương tại Lào hiện không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân, khi mức tăng lương những năm gần đây không thể theo kịp mức tăng lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng. Theo lãnh đạo Bộ Lao động, có một tình trạng là rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp vẫn cho rằng lao động Lào đa số là lao động phổ thông, không có tay nghề, do đó vẫn trả lương cào bằng cho các lao động có trình độ, tay nghề cao, là nguyên nhân chính khiến số lao động này tìm cách ra nước ngoài làm việc.
Chính phủ không thể can thiệp vào tình trạng này khi mà doanh nghiệp và người lao động đã đạt được thỏa thuận về mức lương và quyền lợi. Do đó, cách thức mà Chính phủ có thể hỗ trợ là tăng mức lương tối thiểu nhằm tương ứng với việc tăng chất lượng người lao động.
Hiện nay, rất nhiều lao động có tay nghề của Lào đang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác, chủ yếu trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngành nông nghiệp.
Đường sắt Lào-Trung Quốc tạo cơ hội cho Lào đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp
Ngày 21/4/2023, tại Viêng Chăn, Bộ Nông Lâm Lào phối hợp với FAO tổ chức Diễn đàn quốc gia về đầu tư vào nông nghiệp bền vững.
Tại Diễn đàn, Chính phủ Lào cam kết sẽ khuyến khích nhiều công ty tư nhân đầu tư vào nông nghiệp để khai thác tiềm năng mà tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Thongphat Vongmany cho biết, đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp sẽ không chỉ đảm bảo an toàn và an ninh lương thực mà còn giúp chống lại biến đổi khí hậu, nông nghiệp không chỉ hỗ trợ nền kinh tế quốc gia mà còn đảm bảo cung cấp thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng cho tất cả mọi người để có thể đóng góp cho sự phát triển của quốc gia; nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế nông thôn của Lào. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực công, khu vực tư, các đối tác phát triển và người dân cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ và các đối tác phát triển không thể làm điều đó một mình; khu vực tư nhân phải đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực toàn cầu này và cùng nhau hợp tác bằng cách đầu tư vào nông nghiệp xanh và bền vững.
Bộ Nông Lâm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp, từ đầu vào như phân bón đến khâu đóng gói, xuất khẩu và bán lẻ. Chính phủ đã đưa ra các ưu đãi, như miễn thuế, các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, tiếp cận tín dụng cho tất cả mọi người, kể cả Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), và hỗ trợ dòng vốn vào và ra khỏi đất nước.
Đại diện FAO tại Lào Nasar Hayat cho biết tầm quan trọng của việc tận dụng đầu tư của khu vực tư nhân để tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp, đồng thời cho biết những thách thức là rất lớn khi dân số thế giới sẽ đạt trên 8 tỷ người vào năm 2025. Các phương pháp và quy mô nông nghiệp truyền thống phải được xem xét lại, làm lại và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khu vực tư nhân có thể mang lại hiệu quả bằng sự đổi mới về chuyên môn và mở rộng đầu tư để đáp ứng những thách thức đang nổi lên này.
Tuyến đường sắt mới giữa Lào và Trung Quốc và việc cải thiện mạng lưới đường bộ giữa Lào và các nước láng giềng tạo cơ hội cho Lào là nước không giáp biển có thể phát triển hệ thống hậu cần và kết nối các nhà sản xuất Lào với thị trường toàn cầu. Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu của Lào, đặc biệt là nông sản. Năm 2021, Lào thu được hơn 900 triệu USD từ xuất khẩu nông sản, trong đó chuối được đánh giá là mặt hàng mang lại thu nhập cao nhất, tiếp theo là cao su, sắn, mía và dưa hấu.
Diễn đàn quốc gia là một phần của các sáng kiến do Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp chủ trì trong chương trình của FAO có tên “Sáng kiến chung tay”. Diễn đàn quy tụ các quan chức Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và các chuyên gia trong ngành để thảo luận về các cơ hội đầu tư nông nghiệp tại Lào. (Vientiane Times, ngày 24/4/2023)
Ngân hàng Thế giới nâng triển vọng tăng trưởng cho khu vực năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa trở lại
Ngày 04/4/2023, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng tại các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương bao gồm cả Lào được dự báo sẽ tăng tốc vào năm 2023 nhờ sự mở cửa và phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực có thể bị kìm hãm trong năm nay do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, giá hàng hóa tăng cao và các điều kiện tài chính thắt chặt nhằm đối phó với lạm phát dai dẳng.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V.Ferro cho biết, tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng từ 3,5% vào năm 2022 lên 5,1% vào năm 2023, do việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế nước này phục hồi từ 3% lên 5,1%. Tuy nhiên, tăng trưởng khu vực ngoài Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm xuống 4,9% so với mức phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19 là 5,8% vào năm 2022, do lạm phát và nợ hộ gia đình tăng cao ở một số quốc gia ảnh hưởng đến tiêu dùng. Trong số các nền kinh tế lớn hơn của khu vực, bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, phần lớn được dự đoán sẽ tăng trưởng khiêm tốn hơn vào năm 2023 so với năm 2022. Ông cho rằng, hầu hết các nền kinh tế lớn ở Đông Á và Thái Bình Dương đều đã vượt qua những khó khăn của đại dịch nhưng hiện phải điều chỉnh trong bối cảnh toàn cầu đã thay đổi. Các hoạt động kinh tế tại Lào đã có sự phục hồi tích cực sau khi mở cửa trở lại vào tháng 5/2022. Tuyến đường sắt Lào - Trung thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ hậu cần và du lịch ở Lào với việc ngày càng có nhiều hoạt động vận chuyển hàng hóa và người xuyên biên giới.
Trả lời phỏng vấn Vientiane Times, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Pakasith Chathapaya cho biết, Lào có thể gặp khó khăn tiếp nhận lượng du khách Trung Quốc dự kiến sẽ tăng đột biến sau 13/4/2023, khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Trung Quốc là nước có kim ngạch thương mại lớn thứ hai của Lào. Thương mại giữa hai nước láng giềng từ năm 2018 đến năm 2022 đạt giá trị 15,9 tỷ USD, tăng trung bình hàng năm 15,63%. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào, với giá trị các khoản đầu tư của Trung Quốc lên tới 13,67 tỷ USD. (Vientiane Times ngày 04/4/2023)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Ngân hàng Trung ương Lào sẽ xử lý mạnh việc kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp
Ngày 26/4/2023, Vientiane Times đưa tin, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) thông báo cảnh báo, việc mua bán ngoại tệ giữa cá nhân và pháp nhân trên thị trường tự do là vi phạm pháp luật và bị cấm, chỉ cho phép các ngân hàng thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ.
BOL sẽ hợp tác với Bộ Công an thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật nhằm xử lý các hình thức giao dịch tiền tệ bất hợp pháp. Trong thông báo nêu rõ, trong những năm gần đây BOL đã đóng cửa tất cả 419 điểm đổi tiền trên cả nước, đồng nghĩa với việc Lào không cho phép các điểm đổi tiền ngoài ngân hàng hoạt động.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh đồng Kíp mất giá và lạm phát tràn lan. Bên cạnh đó, BOL đã ủy quyền cho các ngân hàng thương mại thực hiện vai trò kinh doanh ngoại tệ, điều này sẽ giúp việc điều hành tỷ giá hối đoái trở nên dễ dàng hơn. Qua kiểm tra của BOL, mặc dù các điểm đổi tiền đã được lệnh đóng cửa, nhưng một số cá nhân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục mua bán ngoại tệ. Để đối phó với các hoạt động bất hợp pháp này, BOL đã hợp tác với Bộ Công an tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh tiền tệ, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp và những người có hành vi vi phạm.
BOL kêu gọi người dân sống trong khu vực, thương nhân, doanh nghiệp Lào và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Lào, công chức nhà nước, quân nhân các lực lượng vũ trang và người nước ngoài sống ở Lào sử dụng dịch vụ giao dịch tiền tệ do ngân hàng thương mại cung cấp hoặc dịch vụ giao dịch tiền tệ đã được ngân hàng trung ương ủy quyền. Không khuyến khích người dân sử dụng các nguồn bất hợp pháp khi mua và bán ngoại tệ và cho rằng mọi người cần thay đổi cách thức giao dịch tiền tệ, chuyển sang các nguồn hợp pháp khi có nhu cầu.
Tháng 01/2023, BOL đã chấm dứt, thu hồi giấy phép kinh doanh 113 điểm đổi tiền trực thuộc các ngân hàng thương mại. Chính phủ Lào cũng cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với ngoại tệ thu được từ xuất khẩu và dòng ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài, nhằm đảm bảo ngoại tệ được lưu thông chính ngạch nhiều hơn thay vì trôi nổi trên thị trường tự do. (Vientiane Times, ngày 26/4/2023)
Bộ Tài chính Lào yêu cầu chủ phương tiện nộp thuế đường bộ trước tháng 9
Ngày 26/4/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Tài chính mới có thông báo hướng dẫn và nhắc nhở các cá nhân, pháp nhân, tổ chức sở hữu, sử dụng các loại phương tiện phải nộp thuế đường bộ năm 2023 trước tháng 9. Nếu quá thời hạn này chủ phương tiện không nộp thuế sẽ bị phạt số tiền quy định tại Điều 4, Lệnh số 3455 do Bộ Tài chính ban hành tháng 10/2017, ngoài ra còn phải nộp số thuế bắt buộc quy định trong Pháp lệnh Phí. Đây là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước.
Thông báo cho biết chủ sở hữu các phương tiện mua tại các đại lý xe đã qua sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm nộp thuế đường bộ. Khi các phương tiện được mua và bán theo hình thức trả góp nhưng chưa có sự chuyển giao quyền sở hữu, trách nhiệm thuế đường bộ thuộc về người sử dụng phương tiện.
Thuế đường bộ có thể được thanh toán qua ngân hàng bằng ứng dụng của ngân hàng hoặc bằng tiền mặt thông qua Kho bạc Nhà nước. Các cá nhân, pháp nhân và tổ chức mua phương tiện mới trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2023 không phải nộp thuế đường bộ cho đến năm 2024.
Bộ Tài chính yêu cầu cảnh sát giao thông kiểm tra các phương tiện nộp thuế đường bộ và có biện pháp xử lý đối với các tài xế không xuất trình được chứng từ nộp phí. Cục Thuế cũng đã có hướng dẫn chi tiết về việc thu thuế đường bộ, trong đó đảm bảo tất cả các chủ phương tiện đều phải nộp thuế và không trốn tránh trách nhiệm của mình với tư cách là người tham gia giao thông.
Chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện đã được chỉ đạo phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo thu đủ thuế đường bộ vào năm 2023 và tất cả số tiền đã nộp đều đến ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cũng cho biết, các chủ phương tiện chưa nộp thuế đường bộ sẽ không được phép qua biên giới, theo biện pháp mới này buộc người dân phải nộp đủ thuế hàng năm. (Vientiane Times, ngày 26/4/2023)
Lào tìm kiếm thêm đầu tư quốc tế
Ngày 31/3/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa chủ trì một cuộc họp với sự hỗ trợ của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) để thảo luận về việc xây dựng quan hệ đối tác, tăng cường năng lực của các bộ ngành nhằm thu hút các khoản đầu tư mới, chất lượng cao và đa dạng hóa nền kinh tế Lào.
Cuộc họp còn nhằm thảo luận các cách thức để biến Lào thành một điểm đến đầu tư có tính cạnh tranh, giúp các nhà đầu tư hiện tại có thể kinh doanh hiệu quả, chia sẻ thông tin xúc tiến đầu tư và xây dựng một kế hoạch xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Cục Xúc tiến Đầu tư trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng tổ chức một khóa học hai ngày dành cho các cán bộ xúc tiến đầu tư của Bộ và các cơ quan liên quan để đào tạo về các công cụ và kỹ thuật thực tế để xúc tiến đầu tư. Tăng cường kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực xúc tiến đầu tư có thể giúp Lào chứng tỏ là một địa điểm đầu tư lý tưởng.
Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến đâu tư, các lĩnh vực tiềm năng của Lào cần thu hút đầu tư thời gian tới là nông nghiệp sạch, du lịch, logistics, năng lượng tái tạo và các ngành sản xuất chế biến trong chuỗi cung ứng khu vực. (Vientiane Times, ngày 31/3/2023)
Ngân hàng Trung ương ban hành các chính sách mạnh mẽ nhằm ổn định đồng Kíp
Ngày 19/4/2023, Vientiane Times đưa tin, ngân hàng trung ương Lào (BOL) sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm ổn định tỷ giá đồng Kíp và giảm bớt gánh nặng khó khăn cho người dân do vật giá ngày càng tăng.
Cục trưởng Cục Chính sách Tiền tệ Soulisack Thammavong cho biết, tỷ lệ lạm phát tháng 3/2023 đã có sự giảm nhẹ, giá hàng tiêu dùng cũng giảm 1,64% so với tháng 2. Tỷ giá hối đoái thời điểm này cũng đã tạm ổn định và cân bằng thương mại được ghi nhận kể từ năm 2020. BOL sẽ thường xuyên đánh giá các biện pháp nhằm kiểm soát tỷ giá ngoại tệ, đồng thời các biện pháp được thực hiện trong quý 1 năm nay sẽ tiếp tục được duy trì. BOL cũng đồng thời tạo môi trường lành mạnh cho việc đưa dòng ngoại tệ vào nền kinh tế, trong khi vẫn tiếp tục giám sát và kiểm soát chặt các hoạt động trao đổi ngoại tệ bất hợp pháp, giảm bớt tình trạng tăng giá hàng hóa tiêu dùng.
Bộ Lao động lên tiếng ủng hộ quyền của người lao động
Ngày 24/4/2023, Vientiane Times đưa tin, trước thực trạng nhiều người lao động Lào không biết hoặc không được bảo vệ đầy đủ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở nhiều địa phương, nhiều lao động đã ra nước ngoài làm việc. Trong tuần vừa qua Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã có thư ngỏ gửi người lao động Lào đang làm việc cả ở trong và ngoài nước về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định pháp luật Lào. Trong thư khuyến khích người lao động ở lại Lào để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, cũng như của đất nước thay vì tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, xa gia đình và làm cạn kiệt nguồn lao động của quốc gia.
Theo tin liên quan, để góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động có thu nhập thấp trong bối cảnh lạm phát gia tăng mạnh, giá cả các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng tại Lào đều tăng phi mã, Chính phủ Lào quyết định tăng mức lương cơ sở từ ngày 01/5/2023. Trước đó, năm 2022 Liên hiệp Công đoàn Lào đã đề nghị tăng mức cơ bản lên 1,5 triệu Kíp, tuy nhiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào đã phản đối do nếu tăng mức lương như vậy sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Thủ tướng Lào yêu cầu một nghiên cứu chuyên sâu về việc tăng lương cần hoàn thành trong Quý III/2023. (Vientiane Times, 24,27/4/2023)
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch Việt Nam-Lào 03 tháng đầu năm 2023
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào luỹ kế hết tháng 3 năm 2023 đạt 425,8 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể:
- Xuất khẩu Việt Nam sang Lào đạt 127,9 triệu USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Sắt thép các loại (đạt 11.8 triệu USD, giảm 48%); Hàng rau quả (đạt 10.4 triệu USD, tăng 144.6%); Sản phẩm từ sắt thép (đạt 10 triệu USD, giảm 27.7%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 9.9 triệu USD, tăng 47%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 7.5 triệu USD, giảm 32%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 3.7 triệu USD, giảm 3.4%); Sản phẩm gốm, sứ (đạt 3.7 triệu USD, tăng 18.7%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 3.5 triệu USD, giảm 2.4%); Phân bón các loại (đạt 3.3 triệu USD, giảm 67.9%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (đạt 2.3 triệu USD, giảm 1.8%); Hàng dệt, may (đạt 1.9 triệu USD, giảm 24.5%); Clanhke và xi măng (đạt 1.6 triệu USD, tăng 80.9%); Sản phẩm hóa chất (đạt 991 nghìn USD, giảm 16.6%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 919.4 nghìn USD, giảm 51.5%); Kim loại thường khác và sản phẩm (đạt 884.2 nghìn USD, tăng 24.7%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 473.8 nghìn USD, giảm 62%); Cà phê (đạt 148.6 nghìn USD, tăng 2.8%).
- Nhập khẩu Việt Nam từ Lào đạt 297,8 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng NK chính như: Cao su (đạt 43 triệu USD, giảm 20.7%); Gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 24.9 triệu USD, giảm 24.9%); Ngô (đạt 20.8 triệu USD, tăng 1159.7%); Phân bón các loại (đạt 17.2 triệu USD, giảm 5.8%); Hàng rau quả (đạt 892.8 nghìn USD, giảm 79.1%); Kim loại thường khác (đạt 73.6 nghìn USD).
Ước 4 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào đạt 592,9 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Chính phủ Lào - Việt Nam tăng cường hợp tác
Ngày 7/4/2023, Vientiane Times đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm và dự hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 được tổ chức tại Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Lào đã nhất trí thúc đẩy tiến độ hơn nữa trong các dự án hợp tác mà hai bên đã thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào vào tháng 1 năm nay.
Trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng hôm thứ Tư, 05/4/2023, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác cả về chính trị và kinh tế, triển khai các kế hoạch hợp tác do Chính phủ Lào và Việt Nam đề ra cho năm 2023 và đảm bảo rằng các dự án hợp tác và đầu tư đã được thống nhất tiến hành theo đúng kế hoạch. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ kinh tế. Hai bên cũng nhất trí triển khai Thỏa thuận hợp tác chiến lược Lào-Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định hợp tác song phương Lào-Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Lào, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2022, tăng 24% so với năm trước. Xuất khẩu của Lào sang Việt Nam trị giá hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái, với các mặt hàng xuất khẩu chính là gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón, cao su và ngô ngọt. Chính phủ Lào và Việt Nam mong muốn tăng giá trị thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong tương lai gần bằng cách tối đa hóa tiềm năng hợp tác thương mại mà hai nước có thể mang lại. Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Lào sau Trung Quốc và Thái Lan, với các công ty Việt Nam tham gia vào 238 dự án đang hoạt động với tổng số vốn cam kết là 5,34 tỷ USD.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại sân bay Huaphan
Ngày 21/4/2023, Vientiane Times đưa tin, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra tại sân bay Nong Khang mới ở tỉnh Huaphan và sân bay này sẽ chính thức hoàn thành vào cuối tháng này sau một giai đoạn xây dựng kéo dài bắt đầu vào năm 2014. Chuyến bay nhằm thử nghiệm hệ thống định vị và liên lạc của sân bay với sự tham gia của một chiếc máy bay do Công ty Vô tuyến Hàng không Thái Lan “AEROTHAI” cung cấp với các chuyến bay thử nghiệm diễn ra từ ngày 19 đến ngày 27/4. Trong thời gian này, các nhà thầu Việt Nam sẽ cố gắng đảm bảo hoàn thành toàn bộ nhà ga hành khách, tháp điều khiển và các công trình khác, hệ thống thoát nước, mặt bằng, tường bao và các hạng mục khác của sân bay trước ngày 30/4.
Sân bay tọa lạc tại huyện Xamneua, với đường băng dài 2.400m và rộng 30m, đã được xây dựng theo các tiêu chuẩn an toàn do Cục Hàng không Dân dụng ủy quyền và các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có thể tiếp nhận các loại máy bay 70-100 chỗ ngồi như ATR 72, Fokker 70, MA-60 và Fokker-100 hoặc tương đương. Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam (HAGL) bắt đầu xây dựng sân bay vào cuối năm 2014 nhưng phải tạm dừng công việc vào năm 2015 sau khi gặp khó khăn về tài chính. Đường băng ban đầu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016.
Sân bay Hủa-phăn được khánh thành và bàn giao ngày 15/5/2023, sẽ đưa thêm nhiều du khách đến tỉnh Hủa-phăn, nơi giáp biên giới với Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch và đầu tư cho địa phương.
Tuyến đường sắt Lào - Việt Nam có thể khởi công vào cuối năm 2023
Ngày 21/4/2023, Vientiane Times đưa tin, phát biểu tại cuộc tiếp lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Nhà nước Lào đến thăm công ty Petro Trade, ông Chanthone Sithixay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã cho biết, việc xây dựng tuyến đường sắt nối thủ đô Vientiane với cảng biển Vũng Áng ở tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam có thể bắt đầu vào cuối năm nay hoặc chậm nhất vào đầu năm sau.
Dự kiến, đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt được xây dựng sẽ là đoạn đường dài 139,18 km giữa biên giới Việt Nam và Thakhaek, Khammuan. Chi phí xây dựng tuyến đường sắt Vientiane-Vũng Áng dài 554 km được ước tính lên tới 5 tỷ USD.
Một nghiên cứu khả thi về tuyến đường sắt chạy bằng điện đã được thực hiện và nhà phát triển đang trong quá trình đề xuất một thỏa thuận nhượng quyền với chính phủ Lào. Tháng trước, công ty PetroTrade đã ký Thỏa thuận liên doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo cả của Việt Nam để thúc đẩy việc xây dựng đường sắt tại Việt Nam. Đoạn này sẽ nối huyện Mụ Giạ, tỉnh Quảng Bình với cảng biển Vũng Áng. Tuyến đường sắt này là một phần của dự án Liên kết Logistics Lào (LLL) mà PetroTrade đã được bật đèn xanh để hợp tác với Chính phủ Lào và Việt Nam phát triển và vận hành.
Thông qua cảng biển, hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa được vận chuyển từ khu vực Đông Bắc Thái Lan, sẽ có thể tiếp cận các thị trường ở khu vực Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, miền nam Trung Quốc, Nga, Indonesia và Philippines bằng dự án này. Được thiết lập để liên kết với Cảng cạn Thanaleng ở Viêng Chăn - nơi có các tuyến đường sắt Lào-Thái Lan và Lào-Trung Quốc - tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng, khi hoàn thành, cuối cùng sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt khu vực đã được lên kế hoạch nối Côn Minh với Singapore qua Lào, Thái Lan và Malaysia. Thông qua mạng lưới đường sắt Trung Quốc-Châu Âu, hàng hóa từ Đông Nam Á có thể đến các thị trường Châu Âu trong vòng 15 ngày - ngắn hơn nhiều so với tuyến đường biển mất khoảng 45 ngày như hiện nay.
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
Lào, Trung Quốc thắt chặt các mối quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế
Lào và Trung Quốc có kế hoạch sẽ tăng cường mối quan hệ song phương và mở rộng hợp tác kinh tế sau các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng hai nước tại Bắc Kinh.
Trong một thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao Lào cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith có chuyến viếng thăm Trung Quốc từ ngày 16-18/4 theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. Chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đồng thời thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng cùng chung tương lai giữa Lào và Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Lào cho biết, hai bên nhất trí sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc gặp mặt và trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nhà nước nhằm tăng cường tình hữu nghị và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất. Các cuộc hội đàm diễn ra chỉ bốn ngày sau khi chuyến xe lửa chở khách xuyên biên giới đầu tiên giữa Viêng Chăn và Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được khai trương vào ngày 13 tháng 4.
Hai Ngoại trưởng cam kết sẽ tăng cường giao lưu nhân dân nhiều hơn nữa và khuyến khích ngày càng nhiều khách du lịch hai bên đi nghỉ ở nước bên kia, cùng với tăng cường các nỗ lực thúc đẩy thương mại hai chiều qua việc sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung. Các Bộ trưởng cũng nhất trí khuyến khích các cơ quan chức năng của hai nước tổ chức đối thoại nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, giảm thời gian đi qua cửa khẩu biên giới Lào - Trung. Về lâu dài, hai bên sẽ hướng tới triển khai chuyến tàu một điểm dừng tại cửa khẩu biên giới Boten-Mohan để giúp việc di chuyển bằng tàu hỏa trở nên nhanh hơn.
Các Bộ trưởng nhất trí mở rộng thêm các làn đường kết nối tại cửa khẩu quốc tế để đáp ứng lượng hàng hóa đi qua biên giới Lào - Trung hiện đang ngày càng tăng. Hai bên cũng cam kết đẩy nhanh các nỗ lực chung để phát triển hành lang kinh tế dọc hai bên tuyến đường sắt, cũng như tạo điều kiện để tiếp cận thêm nguồn vốn và thị trường tại Trung Quốc - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào.
Bộ Ngoại giao Lào cho biết, phía Trung Quốc đã đồng ý với đề xuất của Lào về việc mở Tổng lãnh sự quán tại thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ và hợp tác. Hai bên cũng thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, chống tội phạm xuyên quốc gia và buôn người. Các Bộ trưởng cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Theo tờ Global Times, hai bên đã nhất trí tích hợp Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời nâng cấp hợp tác ASEAN-Trung Quốc lên một tầm cao mới. Bộ Ngoại giao Lào cho biết, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ và giúp đỡ Lào trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2024.
Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về sự giúp đỡ và hỗ trợ mà họ đã dành cho Lào trong những năm qua. Ngoại trưởng Lào cũng chúc mừng ông Tần Cương được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vào tháng trước.
Bộ trưởng Tần Cương cam kết sẽ khuyến khích các cơ quan chức năng của Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với những người đồng cấp Lào để thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí.
Trong chuyến viếng thăm của mình, ông Saleumxay cũng đã gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Phát biểu tại cuộc gặp, ông Saleumxay khẳng định Lào sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, cùng nhau xây dựng sáng kiến Vành đai và Con đường với chất lượng cao, xây dựng cộng đồng Lào-Trung Quốc cùng chung vận mệnh, và thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Về phần mình, ông Vương Nghị kêu gọi hai bên cùng nỗ lực nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ đa phương có lợi cho sự phát triển của khu vực. Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương Nghị, “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Lào để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì chủ nghĩa khu vực mở, bảo vệ ngôi nhà chung và tạo môi trường tốt hơn cho sự phát triển và phục hồi khu vực,” (Vientiane Times, ngày 20/04/2023)
Lào hợp tác với Asia-Potash hình thành Khu công nghiệp quốc gia mới
Ngày 24/3/2023, tại Viêng Chăn, Chính phủ Lào và Công ty TNHH SINO-KCL đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về dự án “Khu công nghiệp tuần hoàn thông minh quốc tế Asia-Potash” tại các huyện Thakhek và Nongbok, tỉnh Khammuan. Việc Chính phủ và Công ty TNHH Kali Quốc tế SINO-AGRI (SINOKCL) ký Biên bản ghi nhớ cho thấy dự án hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp sắp được triển khai sau hơn một năm chuẩn bị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Khamchan Vongsenboun và Giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc của SINOKCL, Tong Yongheng tham gia ký kết MOU. Ngoài ra, buổi Lễ còn có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào và đại diện các cơ quan chức năng của Lào gồm Văn phòng Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Năng lượng và Mỏ, Bộ Công nghiệp và Thương mại, Bộ Nông lâm nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin, Bộ Văn hóa và Du lịch, Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Hợp tác Lào-Trung Quốc, Lãnh đạo tỉnh Khammuan, cũng như các đại diện Thông tấn xã Tân Hoa chi nhánh Viêng Chăn, Phòng Thương mại Lào-Trung Quốc, Hiệp hội người Hoa tại Viêng Chăn, ICBC Limited Chi nhánh Viêng Chăn, Ngân hàng Trung Quốc Limited Chi nhánh Viêng Chăn, và các doanh nghiệp nổi tiếng của Trung Quốc và Lào.
Dự án nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa và đầu tư vào Lào đồng thời hiện đại hóa nông nghiệp và thúc đẩy ngành dịch vụ; Bao gồm ba phân khu: khu công nghiệp phân kali, khu công nghiệp phi kali và AsiaPotash Town, dự án có tổng diện tích khoảng 2.000 ha, vốn đầu tư ước tính 4,31 tỷ USD. Dự án sẽ tận dụng các lợi thế từ sự hỗ trợ của Chính phủ Lào, nguồn tài nguyên khoáng sản, cũng như năng lượng điện, chi phí lao động và đất đai để thúc đẩy Lào hình thành mô hình công nghiệp thay thế nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu để tăng thu ngoại tệ.
Dựa vào tài nguyên quặng kali, khu công nghiệp phân kali sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành phân bón kali, dự kiến sẽ đạt công suất 3 triệu tấn vào năm 2023 và 5 triệu tấn vào năm 2025, với mục tiêu cuối cùng là đạt 10 triệu tấn. Khu công nghiệp thể hiện tầm nhìn với việc thành lập doanh nghiệp trở thành nhà sản xuất và chế biến phân kali hàng đầu châu Á và đưa Lào trở thành cơ sở sản xuất phân kali lớn thứ tư thế giới.
Khu công nghiệp phi Kali sẽ thu hút đầu tư dựa vào các tài nguyên như khoáng sản hiện có tại mỏ kali, mỏ than và bauxite để phát triển chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng tài nguyên và tạo ra các tổ hợp sản phẩm đa dạng và có giá trị gia tăng cao.
Khu công nghiệp sẽ tận dụng các lợi thế ở đây, tự trang bị các nhà máy tự phát điện từ năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời và thực hiện việc chuyển giao các chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tài nguyên khoáng sản ở Lào, góp phần giúp Lào chuyển từ một cường quốc tài nguyên thành một cường quốc công nghiệp.
Thị trấn Asia-Potash được xây dựng như một khu phức hợp đô thị hiện đại, đa chức năng bao gồm các cơ sở y tế, giáo dục, thương mại, thể thao và dịch vụ. Một mặt, sẽ tận dụng lợi thế về chi phí lao động, đưa nông dân vào Thị trấn và đào tạo thành công nhân công nghiệp. Mặt khác, sẽ đóng vai trò là cửa sổ để Lào giới thiệu mình với thế giới, để thu hút các nhà đầu tư và doanh nhân toàn cầu đến Lào.
Tại lễ ký kết, Tong Yongheng, Giám đốc Điều hành kiêm Tổng Giám đốc SINO-KCL, đã phát biểu rằng Khu công nghiệp thông minh tuần hoàn quốc tế Asia-Potash là một nền tảng để phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa, cũng như thể hiện lợi thế phát triển của Lào và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Lào. Đây cũng là nền tảng để Lào nắm bắt cơ hội phát triển, thực hiện chuyển giao chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột địa chính trị. Hơn nữa, đây là một nền tảng tập hợp các doanh nghiệp và tài năng xuất sắc trên toàn thế giới để đầu tư, khởi nghiệp và tìm kiếm sự phát triển chung.
Sau khi dự án Khu công nghiệp Asia-Potash đi vào hoạt động, sẽ giúp Lào đạt doanh thu tài chính hàng năm khoảng 320 triệu USD, tăng dự trữ ngoại hối khoảng 1,7 tỷ USD và tạo việc làm cho 30.000 đến 50.000 người tại địa phương. Dự án góp phần quan trọng vào sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế và xã hội Lào, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Lào, xây dựng một cộng đồng tương lai chung giữa hai nước. (Vientiane Times, ngày 28/3/2023)
Con đường Tơ lụa Liên Á sẵn sàng cho chuyến tàu chở hàng Thái Lan-Lào-Trung Quốc
Theo tờ The Nation Thailand, vào ngày 19/4, PAS, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực hậu cần và vận chuyển hàng hóa của Thái Lan, cùng các đối tác của mình đã công bố một tuyến đường vận chuyển lịch sử từ ga Map Ta Phut ở Rayong đến Quảng Châu tại một buổi lễ có tiêu đề “Khai trương tuyến tàu hàng quốc tế Thái Lan-Lào-Trung Quốc”. Đây là chuyến tàu sẽ chở 25 container lạnh (đông lạnh) sầu riêng vượt quãng đường 3.453 km để đến Quảng Châu chỉ trong năm ngày.
Tham dự buổi lễ còn có các đối tác đầu tư chung của công ty PAS vào hệ thống vận tải đường sắt, Công ty Global Multimodal Logistics và Công ty vận tải đường sắt Kaocharoen. Cùng tham gia sự kiện này là các đối tác và công ty thành viên của nhiều công ty, trong đó bao gồm Công ty TNHH China Railway Express. Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Truyền thông Quảng Châu, Công ty TNHH Đường sắt Lào - Trung, Công ty TNHH Chuỗi cung ứng Eternal Asia Thâm Quyến, Công viên Logistics Viêng Chăn, Đường sắt Quốc gia Thái Lan, PTT Plc, Công ty TNHH Oriental Merchant Express và Công ty TNHH chuyển phát nhanh Asia Express.
PAS và các công ty con của mình cũng đã chuẩn bị 700-1.000 container lạnh để vận chuyển sản phẩm của các nhà xuất khẩu Thái Lan sang Trung Quốc, với các mặt hàng như sầu riêng, măng cụt và thủy sản đông lạnh.
Hành trình từ Map Ta Phut đến Côn Minh sẽ mất 3-4 ngày, trong khi đó Map Ta Phut-Trùng Khánh sẽ mất 4-5 ngày và Map Ta Phut-Quảng Châu sẽ mất 5-6 ngày. Công ty cho biết các tuyến đường nói trên sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn.
PAS là hãng vận tải hàng hóa quốc tế chuyên khai thác các chuyến tàu từ Thái Lan và các nước Asean đến Trung Quốc, Nga và các nước Châu Âu, cũng như khai thác các chuyến tàu nội địa trên tất cả các tuyến. Theo PAS cho biết sứ mệnh của Công ty là cung cấp các dịch vụ hậu cần và vận tải có hiệu quả, hiệu suất cáo để đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhóm khách hàng, bao gồm cả các nhà xuất khẩu quy mô lớn, nhỏ cho tới hộ nông dân muốn xuất khẩu sản phẩm của mình.
Dịch vụ đến tận cửa “Door to Door Service” của PAS, cho phép vận chuyển sản phẩm từ người gửi tới người nhận một cách thuận tiện ngay tại cửa của họ thông qua các đơn vị kho lưu động của công ty. PAS cũng tiếp nhận và xử lý tất cả các tài liệu, thủ tục liên quan tới hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm và đảm bảo đến đích một cách nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí.
Theo PAS cho biết, Công ty đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ đối tác với các công ty trong và ngoài nước, bao gồm Trung Quốc, Lào, Malaysia và Campuchia, để trên cơ sở đó tạo ra một nền tảng hạ tầng vận tải và logistics toàn diện với tiềm năng mở rộng hơn nữa trong tương lai. Cơ sở hạ tầng nói trên cũng sẽ giúp củng cố niềm tin của khách hàng vào khả năng mở rộng căn cứ hoạt động của công ty ở cả Thái Lan và nước ngoài.
Các dịch vụ vận tải và hậu cần của PAS bao gồm: 1) Vận tải hàng hóa sử dụng cả container thường và container lạnh, 2) Vận tải hàng hóa đa phương thức, 3) Tích hợp đối tác để tạo ra mạng lưới đường sắt bao trùm và 4) Phát triển hệ thống kỹ thuật số, đảm bảo giám sát trực tuyến vận tải hàng hóa 24/7. PAS cũng có một nhóm các công ty thành viên cung cấp dịch vụ một cửa cho vận tải nội địa, làm thủ tục hải quan cho xuất nhập khẩu và cho thuê kho bãi để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Công ty này cho biết, PAS cùng các công ty thành viên và đối tác của mình đã sẵn sàng và cam kết cung cấp các dịch vụ chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và vận tải qua các kênh đường biển, đường hàng không và đường bộ. Tập đoàn này cho biết họ cũng đã và đang không ngừng cải thiện dịch vụ để trở thành công ty quốc tế hàng đầu về logistics với một đội ngũ nhân sự hiệu quả, sử dụng công nghệ tiên tiến và chiến lược kinh doanh linh hoạt phù hợp với nhu cầu của khách hàng trước tình hình kinh tế và bối cảnh toàn cầu luôn thay đổi. (Vientiane Times, ngày 20/04/2023)
Lào, Trung Quốc hợp tác trong dự án khoa học công nghệ nông nghiệp
Vụ Nông nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm Lào đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về phát triển khoa học và công nghệ nông nghiệp nhiệt đới với Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Yangguang Jiarun (Lào) và Viện Nghiên cứu cây trồng cận nhiệt đới phía Nam của Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc. Biên bản ghi nhớ đã được ký bởi Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Vanthieng Phommasoulin; Tổng giám đốc Yangguang Jiaru Xie Fei; và Giám đốc Viện Nghiên cứu cây trồng cận nhiệt đới phía Nam Du Liqing.
Trong khuôn khổ MOU, các bên liên quan sẽ hợp tác hưởng ứng sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc nhằm thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ nông nghiệp, đẩy nhanh ứng dụng nghiên cứu cho toàn bộ nền nông nghiệp nhiệt đới; Góp phần thúc đẩy một mô hình hợp tác nông nghiệp mới giữa Trung Quốc và Lào.
Trong khuôn khổ Dự án Công nghiệp Nông nghiệp Sinh thái Yangguang Jiarun (Lào), ba bên sẽ thành lập một cơ sở trình diễn nông nghiệp quốc gia, một thư viện nguồn gen cây trồng nhiệt đới, các dự án nghiên cứu và thử nghiệm khoa học nông nghiệp nhiệt đới, một trung tâm đào tạo nông nghiệp ở Lào và hướng dẫn, áp dụng các tiêu chuẩn trồng trọt vào các sản phẩm nông nghiệp.
Các bên cũng sẽ thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp ở Lào và Trung Quốc và tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng như phát triển các công nghệ nông nghiệp then chốt, đào tạo nguồn nhân lực tài năng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng. Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng các tài năng nghiên cứu và phát triển, tăng cường ý thức cộng đồng giữa Lào và Trung Quốc, và thiết lập các trung tâm phát triển nông nghiệp hiện đại liên quan đến công nghệ, nhân tài, công nghiệp và thương mại.
Bí quyết của Trung Quốc sẽ được sử dụng để tăng cường phát triển nông nghiệp của cả hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và hội nhập kinh tế khu vực và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh tầm nhìn dự án sẽ yêu cầu các hành động cụ thể đáng tin cậy. Tất cả các bên sẽ chủ động chia sẻ tài nguyên và công nghệ thông qua hợp tác toàn diện, tạo điều kiện giao tiếp và hợp tác linh hoạt giữa các chuyên gia, dẫn đến phát triển nông nghiệp nhanh chóng ở cả hai nước. Dự án tạo điều kiện tăng trưởng ổn định các lợi ích về sinh thái, kinh tế và xã hội, đồng thời củng cố tình hữu nghị giữa Lào và Trung Quốc. (Vientiane Times, ngày 04/4/2023)
Hội chợ Lào-Trung Quốc “Sản xuất tại Tứ Xuyên” 2023 tổ chức tại Viêng Chăn nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư
Hội chợ Lào-Trung Quốc “Sản xuất tại Tứ Xuyên” 2023, diễn ra tại Vientiane vào ngày 31/3/2023, do Ban Tuyên giáo tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc tổ chức dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Lào với sự tham gia của một số quan chức Bộ, ngành của Lào, tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc và 56 doanh nghiệp đại diện cho gần 100 lĩnh vực.
Hội chợ Lào - Trung Quốc “Sản xuất tại Tứ Xuyên” 2023 được tổ chức nhằm thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư giữa Tứ Xuyên, Trung Quốc và Lào trong các lĩnh vực như sản xuất xe máy, ô tô, thiết bị năng lượng, máy móc thiết bị nông nghiệp, điện tử, du lịch, thông tin liên lạc, vận tải, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Ngoài ra, có hai khu vực triển lãm đặc biệt trưng bày các thành tựu hợp tác và các sản phẩm chất lượng cao “Sản xuất tại Tứ Xuyên”. Khu vực Hội chợ có tổng diện tích khoảng 2.000 m2.
Nhiều thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ đã được ký kết tại sự kiện. Tổng số tiền được ký trên trang web vượt trên 1,1 tỷ Nhân dân tệ. (Vientiane Times, ngày 10/4/2023)
Thủ tướng Lào: Chờ đợi sự đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn nữa
Ngày 31/3/2023, Vientiane Times đưa tin, trong buổi tiếp Bí thư tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) Vương Ninh, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã đề nghị tỉnh Vân Nam hỗ trợ kêu gọi các công ty Trung Quốc đầu tư vào Lào, đặc biệt là hai lĩnh vực thủy lợi và nông nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu lương thực, thực phẩm và sử dụng hết tiềm năng mà tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc mang lại để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước.
Lào có tiềm năng to lớn để phát triển ngành trồng trọt và chăn nuôi gia súc xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, nhờ các ưu đãi thương mại mà nước này dành cho Lào. Năm 2021, đã có hơn 300 công ty Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào nông nghiệp và lâm nghiệp ở Lào, với khoản đầu tư dự kiến đạt 1 tỷ USD nhằm tận dụng lợi thế của tuyến đường sắt Lào - Trung mang lại. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Lào sang Trung Quốc bao gồm chuối, cao su, sắn, mía, dưa hấu, trâu bò.
Với chuyến tàu chở khách xuyên biên giới đầu tiên dự kiến chạy trên tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc vào ngày 13/4, Thủ tướng Sonexay đảm bảo với phía Trung Quốc rằng Lào sẽ tích cực phối hợp để đảm bảo vận chuyển hàng hóa và người qua biên giới nhanh và thuận tiện hơn. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Thủ tướng Lào cũng đề nghị ông Vương Ninh khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục triển khai xây dựng đoạn Oudomxay-Boten của tuyến đường cao tốc Vientiane-Boten và Đường R3 từ biên giới Trung Quốc đến huyện Huayxai, tỉnh Bokeo. Hai bên cũng thảo luận về các phương thức phục hồi các chuyến bay thẳng giữa Lào và tỉnh Vân Nam như trước đại dịch Covid.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ở tỉnh Vân Nam đã đầu tư vào nhiều dự án tại Lào, nổi bật là đường cao tốc Vientiane-Vangvieng, Khu phát triển Saysettha, dự án đầu tư nông nghiệp tỉnh Vân Nam và Đặc khu kinh tế Boten.
Đường sắt Lào - Trung bắt đầu vận chuyển hành khách qua biên giới từ ngày 13/4/2023
Ngày 29/3/2023, trong chuyến làm việc tại tỉnh Luang Namtha, giáp biên giới Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho biết công tác chuẩn bị cho việc bắt đầu dịch vụ vận tải hành khách xuyên biên giới trên tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đang tiến triển tốt, với chuyến đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 13/4/2023, một ngày trước kỳ nghỉ Tết Năm mới (Pi Mai Lao) hàng năm của Lào, rơi vào ngày 14-16/4 hàng năm. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Saleumxay cũng kiểm tra các trạm kiểm soát nhập cư tại Ga Boten ở Luang Namtha, là điểm nhập cảnh chính vào Lào.
Tuyến đường sắt dài 1.035 km, bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2021 và nối thủ đô Vientiane với thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, cho đến nay mới chỉ cung cấp dịch vụ hành khách nội địa tại cả hai nước, mặc dù các chuyến tàu thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua biên giới Lào-Trung.
Chính phủ Lào rất quan tâm đến hoạt động du lịch xuyên biên giới của hành khách kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế do Covid-19 và mở cửa biên giới để cho phép du lịch quốc tế. Tại một cuộc họp nội các bất thường gần đây, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã kêu gọi lắp đặt khẩn cấp các quầy nhập cảnh tại các nhà ga để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách cả trong và ngoài nước đi lại.
Kế hoạch ra mắt dịch vụ hành khách đường sắt xuyên biên giới diễn ra đúng vào dịp Pi Mai Lao, cũng là Sankranta, Tết cổ truyền theo Phật lịch, cũng được tổ chức ở Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Lễ hội lớn hàng năm này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lưu lượng hành khách đi lại trên đường sắt trong dịp nghỉ lễ dài ngày.
Kể từ khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đã nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ của mình. Trong tháng 1 và tháng 2/2023, tuyến đường sắt đã vận chuyển 417.400 hành khách, tăng 256,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào những ngày bận rộn nhất, số lượng hành khách vượt quá 10.000 trên đoạn đường sắt Lào. Tuyến đường này cũng đã vận chuyển 647.700 tấn hàng hóa trong hai tháng đầu năm nay, tăng 320% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 12/4/2023, Vientiane Times đưa tin, chuyến tàu chở khách xuyên biên giới, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào sẽ bắt đầu chở khách giữa Côn Minh và Viêng Chăn từ thứ Năm ngày 13/4/2023. Tuyến đường dài 1.035 km, dừng tại 8 ga, tổng thời gian di chuyển là 10 giờ 30 phút (bao gồm cả thời gian thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới Boten-Bohan). Có 2 chuyến mỗi ngày, các chuyến tàu sẽ rời Viêng Chăn vào 8:08’ buổi sáng và đến Côn Minh vào 18:38 buổi tối cùng ngày, và ở chiều ngược lại tàu sẽ rời ga Côn Minh từ 7:08’ sáng và đến Viêng Chăn 17:38 tối. Việc thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh tại Boten và Bohan sẽ mất khoảng 90 phút/lần.
Ngày 20/4/2023, Vientiane Times đưa tin, ngày 13/4/2023 Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cùng phái đoàn đã nồng nhiệt chào đón nhóm khách du lịch Trung Quốc đầu tiên, với tổng số hơn 200 người, đi trên chuyến tàu chở khách xuyên biên giới đầu tiên tại ga Boten, tỉnh Luang Namtha một ngày trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết Pimai Lào. Đây được coi là một biểu tượng của tình hữu nghị Lào-Trung trong thời kỳ hiện đại. Đường sắt Lào-Trung đã vận chuyển 14,43 triệu hành khách trong hơn 500 ngày hoạt động.
Phó Thủ tướng Lào dẫn đầu đoàn doanh nghiệp dự Triển lãm Quốc tế Trung Quốc
Ngày 09/4/2023, Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Lào tham dự Hội chợ Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, phía Nam Trung Quốc. Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên thuộc loại này được tổ chức tại Hải Nam kể từ khi Trung Quốc công bố kế hoạch tổng thể nhằm biến tỉnh đảo phía nam này thành một cảng tự do thương mại.
Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng thương mại hàng tiêu dùng và hội chợ triển lãm này là triển lãm hàng tiêu dùng lớn nhất được tổ chức ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong thông điệp chúc mừng tại lễ khai mạc hội chợ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc sẵn sàng phát huy những lợi thế do cảng thương mại tự do Hải Nam mang lại bằng cách thử nghiệm các cải cách sâu rộng toàn diện và ban hành các chính sách mở cửa ở mức độ cao nhất.
Khoảng 65 quốc gia đã tham gia hội chợ, trưng bày hơn 3.000 loại sản phẩm, trong đó có khoảng 300 sản phẩm mới được đưa ra thị trường. Hội chợ nhằm thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc mở cửa rộng rãi hơn với thế giới và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế.
Sự kiện này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm cách hợp tác về thương mại, xây dựng niềm tin giữa những người mua và người bán tiềm năng, bao gồm cả người tiêu dùng Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Lào. Thương mại giữa hai nước láng giềng từ năm 2018 đến 2022 đạt giá trị 15,9 tỷ USD, tăng trung bình hàng năm 15,63%. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào, với giá trị đầu tư của Trung Quốc vào các khu tô giới và đặc khu kinh tế lên tới 13,67 tỷ USD, trải rộng trên 921 dự án. (Vientiane Times, 19/4/2023)
Lào - Thái Lan
Công Ty TNHH Vận Tải Quốc Tế “Tốc độ” Lào
vận chuyển trái cây tươi từ Thái Lan đi Trung Quốc nhanh chóng
Thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước là đưa Lào từ một nước không giáp biển trở thành một trung tâm liên kết đất liền, đồng thời sử dụng tuyến đường sắt Lào - Trung đạt hiệu quả tối đa, ngày 17/4/2023, Công ty TNHH Vận tải Quốc tế “tốc độ” Lào hợp tác với Công ty vận tải quốc tế “tốc độ” tại Thái Lan và Công ty hậu cần quốc tế Guangxi Dongxie Tongyun tại Trung Quốc để vận chuyển 23 container trái cây tươi bằng đường sắt. Lô hàng gồm 22 container sầu riêng và 1 container măng cụt.
Chuyến tàu khởi hành từ ga Laem Chabang vào ngày 16/4 lúc 13:55 và đến ga ở tỉnh Nong Khai, Thái Lan, vào sáng ngày 17/4 lúc 4:49 sáng. Sau khi qua trạm kiểm soát Nong Khai, đoàn tàu tiếp tục di chuyển và đến trạm kiểm soát Thabok Thanaleng, Vientiane lúc 9h23 để đi vào điểm trung chuyển giữa đường sắt Thái Lan và đường sắt Lào - Trung. Công tác kiểm tra hàng hóa, chứng từ kê khai thuế của cán bộ, cũng như việc bốc dỡ container từ tuyến đường sắt Thái Lan sang tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đã hoàn tất vào lúc 10h40.
Chuyến tàu Lào - Trung Quốc rời ga Nam Vientiane lúc 2h sáng 18/4, hướng đến ga Boten và đến lúc 8h56 để làm hồ sơ thông báo xuất bến và tiếp tục đến ga Mohan, Trung Quốc lúc 11h. Sau khi đến Mohan, việc nộp hồ sơ nhập khẩu và nộp thuế nhập khẩu mất 3-6 giờ. Sau đó, chuyến tàu tiếp tục đến ga Côn Minh như đã định, đến nơi vào lúc 7 giờ sáng ngày 19/4.
Như vậy, việc vận chuyển hàng hóa đường sắt từ điểm xuất phát tại Ga Laem Chabang đến điểm đến cuối cùng tại Ga Côn Minh mất khoảng 65 giờ hoặc khoảng hai ngày rưỡi. Đây là phương tiện vận chuyển nhanh, không tốn nhiều vốn và đảm bảo giữ được độ tươi, ngon của thực phẩm tươi sống.
Công ty TNHH Vận tải Quốc tế “Tốc độ” Lào cung cấp dịch vụ vận tải xuyên biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa qua hầu hết các cửa khẩu chính, bao gồm Huayxai, Boten, Viêng Chăn, Thakhaek, Naphao, Savannakhet và Dansavan. Ngoài ra, công ty có xe tải để giao hàng ở khu vực phía bắc giữa Huayxai-Boten-Mohan, Vientiane và khu vực trung tâm giữa Thakhaek và Savannakhet. (Vientiane Times, ngày 20/4/2023)
Lào - Hàn Quốc
Hàn Quốc tài trợ 12,5 triệu USD cho phát triển nông thôn ở Lào
Ngày 07/4/2023, Vientiane Times đưa tin, người dân sống ở các tỉnh Vientiane, Xieng Khuang và Borikhamxay sẽ có cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập thông qua một dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ trị giá 12,5 triệu USD.
Nguồn vốn bổ sung đã được cung cấp sau thành công của các dự án trước đó do KOICA hỗ trợ cho các chương trình dựa vào cộng đồng nhằm tăng cường phát triển nông thôn ở các làng được chọn từ năm 2013-2019.
Mục đích của tất cả các sáng kiến này là khuyến khích nông dân ở các vùng nông thôn trở nên tự cung tự cấp.
Là một phần của dự án, một Kế hoạch hành động về phát triển nông thôn và tạo thu nhập ở các khu vực miền Bắc và miền Trung Lào đã được đưa ra hôm thứ Năm tại Trung tâm Đào tạo Phát triển Nông thôn Lào-Hàn Quốc ở Vientiane. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Thongphat Vongmany; Giám đốc quốc gia KOICA tại Lào bà Myung jin Kim; các Phó Tỉnh trưởng Xieng Khuang, Borikhamxay và tỉnh Vientiane cùng các cán bộ có liên quan.
Dự án được triển khai từ năm 2021-2025, tại 14 bản và 7 huyện của các tỉnh Xieng Khuang, Borikhamxay và Vientiane. Mục tiêu dự án là hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nông thôn đồng thời tăng cường năng lực cho cán bộ cấp trung ương và địa phương để thực hiện thành công kế hoạch. Dự án tập trung vào việc cải thiện đời sống của nông dân ở các làng được chọn, đặc biệt là liên quan đến việc tạo thu nhập và cải thiện môi trường.
Lào - Anh
Chính phủ Anh thông qua cơ chế thương mại mới với Lào
Ngày 29/3/2023, trang Laotian Times đưa tin, Chính phủ Vương quốc Anh hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI), đã tổ chức một sự kiện tại thủ đô Vientiane để giới thiệu chương trình ưu đãi thương mại mới - Chương trình Thương mại dành cho các Quốc gia đang Phát triển (DCTS) nhằm hạn chế tình trạng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Lào và Anh đã giảm liên tục kể từ năm 2018 đến nay.
Xuất khẩu của Lào sang Vương quốc Anh có thể được hưởng lợi từ việc DCTS cung cấp các ưu đãi thuế quan hào phóng và tạo điều kiện tiếp cận thị trường Vương quốc Anh cho các sản phẩm của doanh nghiệp Lào trong nhiều ngành công nghiệp.
Chính phủ Vương quốc Anh đang triển khai DCTS để thay thế Chương trình ưu đãi tổng quát nhằm phát triển thương mại tự do và công bằng với một số quốc gia đang phát triển, bao gồm Lào, từ đó thúc đẩy nền kinh tế của họ. DCTS cung cấp một trong những ưu đãi thương mại hào phóng nhất trên thế giới và thể hiện cam kết của Vương quốc Anh trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài, cùng có lợi với các quốc gia như Lào.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Anh tại Lào John Pearson cho biết, đây là lần đầu tiên Vương quốc Anh tổ chức một sự kiện về Chương trình Thương mại dành cho các nước đang phát triển và tin chắc rằng chương trình sẽ tạo nền tảng cho mối quan hệ thương mại bền chặt hơn giữa Vương quốc Anh và Lào.
Các phiên thảo luận tập trung vào việc chia sẻ về các xu hướng hiện tại, tiêu chí mua hàng của thị trường Anh, các rào cản thương mại và những gì có thể được thực hiện để mở ra tiềm năng thương mại và đầu tư của Lào. Các thông tin quan trọng khác liên quan đến thương mại bao gồm chứng nhận chất lượng và các yêu cầu hải quan cũng được trao đổi tại sự kiện.
Lào - Áo
Các doanh nghiệp Lào - Áo tìm cơ hội kết nối thương mại - đầu tư
Ngày 31/3/2023, buổi tọa đàm B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp) giữa các đối tác Lào và Áo đã được tổ chức tại Phòng Thương mại Công nghiệp quốc gia Lào (LNCCI) nhằm tìm phương hướng hợp tác và thúc đẩy thương mại hai chiều Lào - Áo thời gian tới. Dẫn đầu đoàn Doanh nghiệp Áo là Đại sứ Áo tại Thái Lan và Lào Wilhelm Maximilian Donko.
Hai bên đã có những tham vấn và thảo luận về hợp tác thương mại và đầu tư, cũng như khả năng hợp tác trong tương lai về điện lực và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các vấn đề có liên quan đến kinh doanh để đặt nền móng cho hợp tác thời gian tới.
Lào có kết nối thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Lào là khoáng sản (gồm quặng vàng, vàng thỏi và quặng sắt), gỗ, các sản phẩm giấy, dệ may, cao su, sắn, chuối và các loại nông sản khác. Những năm gần đây, các loại hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Lào đều là nông sản và sản phẩm dệt may. Các mặt hàng Lào nhập khẩu từ Áo và các nước châu Âu là thiết bị điện, cơ khí máy móc, phụ tùng xe – máy và sản phẩm y tế. Cho đến tháng 3/2023, giá trị xuất khẩu của Lào sang Áo đạt 1,23 triệu USD, trong khi giá trị nhập khẩu (năm 2021) là 11,6 triệu USD.(Vientiane Times, 03/4/2023)
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC
Lào - WB
Tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương
Ngày 04/4/2023, báo cáo cập nhật Kinh tế tháng 4/2023 của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương công bố, nhờ đóng góp chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa và tiêu dùng cá nhân hoạt động kinh tế ở hầu hết các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) đã phục hồi sau những cú sốc gần đây; tuy nhiên, ở hầu hết các nước Thái Bình Dương, mức độ vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Tăng trưởng kinh tế khu vực trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng toàn cầu, dự kiến năm 2023 sẽ chậm hơn so với năm 2022, mặc dù các dự báo gần đây lạc quan hơn; việc điều chỉnh giá hàng hóa gần đây đã khiến giá lương thực và năng lượng giảm ở một số quốc gia EAP; và việc thắt chặt tài chính có thể sẽ tiếp tục xảy ra trước áp lực lạm phát ở Mỹ.
Trong hơn hai thập kỷ kể từ cuộc Khủng hoảng Tài chính Châu Á (AFC), tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương đã nhanh và ổn định hơn so với phần lớn các khu vực còn lại trên thế giới. Kết quả là trong thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo đói đã giảm rõ rệt, tỷ lệ bất bình đẳng cũng giảm. Trong cuộc đại suy thoái và đại dịch COVID, các nền kinh tế của khu vực tỏ ra kiên cường hơn hầu hết các nền kinh tế khác.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lỗ hổng trong các thành tựu này kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai: (i) sau AFC, các cải cách về cơ cấu để thúc đẩy năng suất chỉ đóng góp mức độ hạn chế trong việc quản lý kinh tế vĩ mô. (ii) Sự “hội tụ” của các nước EAP với các nước có thu nhập cao, trước đây nhanh hơn so với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác. (iii) Thiệt hại do đại dịch, chiến tranh và thắt chặt tài chính gây ra đối với người dân, doanh nghiệp và Chính phủ gần đây có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng và gia tăng bất bình đẳng. Ngoài ra, khu vực EAP còn đang phải đối mặt với những thách thức lớn của quá trình “phi toàn cầu hóa”, già hóa và biến đổi khí hậu; đây là những thách thức mà khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng vì sự phát triển của khu vực này chủ yếu từ thương mại, dân số đang già đi nhanh chóng và khu vực vừa là nạn nhân đồng thời góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Báo cáo đề xuất các hành động chính sách cần thiết thời gian tới gồm: (i) Cải cách tài chính vĩ mô để hỗ trợ phục hồi kinh tế ngày nay và tăng trưởng bao trùm trong tương lai. (ii) Cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và tăng năng suất trong toàn bộ nền kinh tế. (iii) Cải cách liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu để tăng cường khả năng phục hồi thông qua thích ứng hiệu quả. (iv) Hợp tác quốc tế khu vực, song phương và đa phương về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và đảm bảo sự cởi mở đối với các dòng chảy thương mại, đầu tư, công nghệ. (WB, tháng 4/2023)
Đánh giá thực hiện các quỹ tài chính do WB hỗ trợ Lào
Ngày 04/4/2023, giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Lào, ông Alexender Kremer và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Phonevanh Oudavong chủ trì Cuộc họp về Danh mục Tài chính của Ngân hàng Thế giới diễn ra hai năm một lần tại Viêng Chăn, với sự tham dự của hơn 50 cán bộ thuộc các bộ, cơ quan liên quan. Cuộc họp đã xem xét việc thực hiện tài chính các quỹ do Ngân hàng Thế giới cung cấp cho Lào để thực hiện các dự án mua sắm, quản lý tài chính, bảo vệ môi trường và các dự án khác. Ngân hàng Thế giới hiện đang tài trợ cho 24 dự án phát triển tại Lào, tổng vốn khoảng 903 triệu USD. (Vientiane Times, 05/4/2023)
Lào - ADB
Thị trường trái phiếu Chính phủ đồng nội tệ ASEAN hỗ trợ khả năng phục hồi trước những cú sốc toàn cầu
Theo ấn phẩm mới nhất về Giám sát trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trái phiếu Chính phủ bằng đồng nội tệ (LCY) của ASEAN mang lại sự ổn định tương đối cao hơn so với trái phiếu ở các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á và thế giới.
Năm thị trường mới nổi của ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) đã chứng kiến sự ổn định tương đối trên thị trường trái phiếu chính phủ LCY trong 2 năm qua, với mức biến động của lãi suất kỳ hạn 10 năm ở mỗi nền kinh tế dưới mức hỗn loạn của thị trường trong quý II năm 2020.
Ngân hàng Phát triển Châu Á công bố gần đây nhấn mạnh cách thức phát triển thị trường trái phiếu chính phủ LCY ở Lào có thể giúp tạo điều kiện phục hồi kinh tế và xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai. Tuy nhiên, theo báo cáo của ADB, cả hai nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thuộc loại thị trường cận biên, Lào và Campuchia, đều không có thị trường trái phiếu LCY hoạt động bình thường. Sự khác biệt lớn từ quan điểm của các nhà đầu tư quốc tế giữa hai nền kinh tế là trong khi Campuchia có mức lạm phát một con số tương đối thấp và tỷ giá hối đoái ổn định trong 2 năm qua, thì lạm phát của Lào bắt đầu tăng đáng kể vào giữa năm 2022 và đạt 39,3% trong tháng 12, với đồng Kíp mất hơn 50% giá trị so với đồng Đô la Mỹ vào năm ngoái.
Theo ADB, thị trường chứng khoán khu vực đã tăng 5,7% từ tháng 12 đến tháng 1, nhưng giảm 3,6% từ ngày 1/2 đến ngày 10/3 do những bất ổn về quan điểm tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang.
Báo cáo cho biết, mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Lào, tăng 31,9% trong giai đoạn do việc Trung Quốc mở cửa trở lại, dự kiến sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế thông qua tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc.
Thái Lan, đối tác thương mại chính của Lào, có lãi suất chính sách và lợi suất trái phiếu thấp nhất trong 5 nền kinh tế ASEAN. Là nền kinh tế có mức độ phụ thuộc vào du lịch cao nhất, Thái Lan mong muốn lượng khách du lịch tăng lên vào năm 2023, một phần là do việc mở cửa trở lại của Trung Quốc.
Philippines có thị trường trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ đáng kể, trong khi trái phiếu LCY đang lưu hành của Việt Nam chủ yếu được sở hữu bởi các ngân hàng trong nước, các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí. (Vientiane Times, ngày 30/3/2023)
Phục hồi trong ngành dịch vụ, đầu tư thúc đẩy tăng trưởng của Lào
Ngày 05/4/2023, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo “Triển vọng Phát triển Châu Á” kỳ tháng 4/2023 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Lào trong năm nay và năm sau khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng trên toàn khu vực. ADB dự đoán, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Lào trong năm nay và năm tới là 4%, tăng từ mức 2,5% mà ADB đưa ra vào năm ngoái.
ADB lạc quan cho rằng những khoản đầu tư mới vào năng lượng tái tạo, bao gồm Dự án Điện gió Gió mùa 600 megawatt được tài trợ bởi gói tài chính trị giá 692,55 triệu USD, và việc mở cửa lại biên giới sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi của Lào. Báo cáo nêu rõ, lượng khách du lịch quốc tế vào Lào dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 2,6 triệu vào năm 2023 so với một năm trước đó. Vận tải hàng hóa quá cảnh dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, với 1,3 triệu hành khách và 1,9 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc vào năm 2022.
Tuy nhiên, theo ADB, những thách thức vẫn còn. Áp lực lạm phát sẽ vẫn cao vào năm 2023, dự kiến ở mức 16%, trước khi có thể giảm xuống 5% vào năm 2024. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng dự kiến sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp chuyển chi phí từ hàng hóa nhập khẩu và tăng lương tối thiểu cho người lao động. Giá điện cũng đang chuẩn bị được các cơ quan liên quan điều chỉnh tăng lên. Do đó, sức tiêu dùng trong nước và thị trường việc làm tại Lào dự kiến sẽ vẫn yếu.
Tuy nhiên, báo cáo của ADB bày tỏ lo ngại rằng lạm phát cao và mức lương tương đối thấp có nghĩa là nhiều người lao động đang chọn làm việc ở các nước láng giềng, nơi họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội ước tính rằng số lượng công dân Lào rời quê hương của họ để tìm kiếm công việc được trả lương cao hơn ở Thái Lan có thể tăng lên tới 400.000-500.000 người. Trong khi đó, các nhà máy và doanh nghiệp tại Lào đang phải vật lộn để thuê đủ người để sản xuất hàng hóa và đảm bảo hoạt động kinh doanh thành công và có lãi.
Báo cáo của ADB khuyến nghị chính phủ xây dựng một chương trình toàn diện giải quyết các lỗ hổng kinh tế vĩ mô và các thách thức trong thị trường lao động. ADB nêu rõ, điều quan trọng là chính phủ phải hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương thông qua cải cách quy định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Lào - IMF
Lào có thể tăng trưởng 4% năm 2023
Ngày 13/4/2023, Vientiane Times đưa tin, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự đoán rặng kinh tế Lào sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2023 và 2024, bất chấp kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn.
Tại ấn phẩm Dự báo Kinh tế Thế giới kỳ tháng 4/2023, IMF cho biết, việc dỡ bỏ các hạn chế du lịch và Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế đã góp phần cho việc tăng trưởng kinh tế trong khu vực, trong đó có Lào. Việc Trung Quốc, một trong những đối tác kinh tế chính của Lào, mở cửa lại nền kinh tế đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa đầy tích cực cho các nước lân cận. IMF cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% năm 2023 và 4,5% năm 2024, trong khi kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt mức tăng 2,8% năm 2023 và tăng nhẹ lên 3% năm sau.
Cũng theo báo cáo của IMF, trong khi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm, triển vọng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Á đạt mức cao hơn các nước đã phát triển. Đối với Lào, một trong những thách thức lớn nhất nước này đang gặp phải là tình trạng lạm phát tăng cao, khi mà giá cả hàng tiêu dùng và dịch vụ gây nhiều khó khăn cho người dân. IMF cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của Lào tăng đến 15,1% năm nay, một trong số những nước tăng mạnh nhất trong các nước đang phát triển và mới nổi tại châu Á.
Lào - FAO
FAO hỗ trợ nông dân đẩy mạnh xuất khẩu gia súc sang Trung Quốc
Ngày 26/04/2023, Vientiane Times đưa tin, với mục tiêu chính là tăng xuất khẩu gia súc sang Trung Quốc, Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) hiện đang hợp tác với Bộ Nông Lâm Lào nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại gia súc an toàn giữa hai quốc gia.
Thông qua Dự án hợp tác Nam-Nam của FAO-Trung Quốc về kiểm soát dịch bệnh động vật xuyên biên giới khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Trung tâm khẩn cấp về dịch bệnh động vật xuyên biên giới của FAO đã trao cho Cục Chăn nuôi và Thủy sản hóa chất, bình xịt khử trùng và vắc xin lở mồm long móng và vắc xin bệnh nhược độc đậu dê cho gia súc.
Lễ bàn giao đã diễn ra tại Cục vào ngày 20/4/2023. Đây là sáng kiến được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (MARA). Các chuyên gia kỹ thuật từ Trung tâm khẩn cấp về dịch bệnh động vật xuyên biên giới của FAO và Trung tâm dịch vụ hợp tác quốc tế của MARA đã tiến hành chuyển giao kiến thức và cung cấp các khóa đào tạo về quản lý kiểm dịch động vật cho cán bộ kiểm dịch và cán bộ thú y, nông dân, người buôn bán gia súc và nhân viên thú y thôn bản ở huyện Sing, Tỉnh Luang Namtha, khu vực biên giới giữa Lào và Trung Quốc.
Việc đào tạo tập trung cho các yêu cầu về kiểm dịch và sức khỏe đối với gia súc xuất khẩu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông Lâm Lào ban hành vào năm 2019, sửa đổi vào năm 2022. Kiến thức thu được từ các khóa đào tạo sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây truyền các bệnh lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục trong chuỗi giá trị chăn nuôi gia súc. Trợ lý Đại diện FAO tại Lào, ông Chanthalath Pongmala, cho biết “thông qua các chiến dịch tiêm phòng do FAO, MARA và Cục Chăn nuôi và Thủy sản thực hiện ở cả 5 huyện của tỉnh Luang Namtha, sẽ có Ít nhất 40.000 gia súc sẽ được bảo vệ khỏi các dịch bệnh đang đe dọa. Việc tiêm phòng này sẽ đảm bảo cho phía Trung Quốc rằng bệnh lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục sẽ không gây cản trở cho xuất khẩu gia súc”.
Ông cũng nhấn mạnh lợi ích kinh tế của các chiến dịch tiêm phòng đối với tất cả các bên tham gia xuất khẩu gia súc sang Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh động vật xuyên biên giới trong việc cải thiện sinh kế của các cộng đồng nông nghiệp.
Trang thiết bị khử trùng và vắc xin cung cấp cho Cục Chăn nuôi và Thủy sản có giá trị hơn 138.000 USD, bao gồm 500kg bột và 3 xe phun khử trùng, 100 bình xịt điện đeo sau lưng và 75.000 liều vắc xin lở mồm long móng và nhược độc đậu dê. Số trang thiết bị và vacxin nói trên sẽ được phân phối tới tất cả 18 tỉnh thành của Lào để giúp người nông dân bảo vệ vật nuôi của mình trước các mối đe dọa dịch bệnh động vật, qua đó giúp họ cải thiện sinh kế.
BẠN CẦN BIẾT
Thu hút hơn 400 đại biểu trong ngoài nước tham dự diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ 14
Ngày 27/3/2023, Diễn đàn Doanh nghiệp Lào (LBF) thường niên lần thứ 14 đã diễn ra tại thủ đô Vientiane để đánh giá lại tiến trình đối thoại công tư nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Lào với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan ngoại giao và các đối tác phát triển.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Sonexay Siphandone ghi nhận tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ là đa dạng hóa nền kinh tế, phục hồi sau COVID-19 và đưa Lào thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển (LDCs) vào năm 2026. Thủ tướng cũng nêu bật những đặc điểm chung của các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao và bền vững, bao gồm sự cởi mở, kinh tế vĩ mô ổn định, hướng tới tương lai với mức tiết kiệm cao, phân bổ nguồn lực theo thị trường và quản trị hiệu quả.
Diễn đàn đã đánh giá lại những tiến bộ của quá trình đối thoại kể từ Diễn đàn lần thứ 13 và thể hiện sự ủng hộ đối với đối thoại về cấu trúc trong khuôn khổ Diễn đàn nhằm xác định và giải quyết các vấn đề chính ảnh hưởng đến khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Các diễn giả khu vực tư nhân cũng đánh giá cao những nỗ lực phối hợp của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Các thành tựu chính bao gồm giảm thời gian và chi phí thành lập doanh nghiệp ngoài danh mục hoạt động được kiểm soát, áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro trong cấp phép kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định, cải thiện khả năng tiếp cận luật pháp và các quy định liên quan đến thương mại và đầu tư, tiếp tục thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại song phương, khu vực và quốc tế, và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Kể từ LBF lần thứ 13, khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ liên quan đã đề ra 49 kiến nghị cần ưu tiên giải quyết liên quan đến thành lập doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, tiếp cận dịch vụ tài chính, thực thi luật và quy định, thúc đẩy du lịch bền vững và kinh tế nông nghiệp cho các cuộc đối thoại có cấu trúc, đến nay đã giải quyết được 21 kiến nghị, 20 kiến nghị khác hiện có tiến triển tốt, còn 8 kiến nghị chưa giải quyết được do còn một số vướng mắc chính đáng. Diễn đàn lần này cũng thống nhất kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục đối thoại và tìm giải pháp phù hợp cho 20 kiến nghị còn lại trong 12 tháng tới.
Thủ tướng Sonexay bày tỏ cam kết của Chính phủ trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả đối thoại công tư trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Lào thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết các vấn đề về chi phí, rủi ro và rào cản cạnh tranh. (Laotian Times, 27/3/2023)
Cũng tin liên quan ngày 05/4/2023, Vientianes Times đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã kêu gọi khu vực công và tư nhân đóng vai trò tích cực hơn trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt trong nỗ lực giải quyết các vấn đề còn đang vướng mắc. Tại sự kiện nêu trên, Thủ tướng Sonexay Siphandone ghi nhận tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ và lưu ý rằng sau LBF lần thứ 14 cần đưa ra các hành động thiết thực để giải quyết các vấn đề chưa giải quyết trong từng lĩnh vực, chứ không chỉ có kế hoạch bằng văn bản.
Cảng cạn Thanaleng tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa đường sắt Thái Lan-Lào-Trung Quốc.
Cảng cạn Thanaleng (TDP) ở Viêng Chăn đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến tàu chở hàng quốc tế Thái Lan-Lào Trung Quốc đi từ ga Map Ta Phut của Thái Lan ở Rayong đến Quảng Châu ở Trung Quốc qua Lào.
Công ty TNHH Con đường Tơ lụa Liên Á (PAS) và các đối tác khai trương chuyến tàu chở hàng đầu tiên chạy trên quãng đường 3.453 km, rút ngắn một nửa thời gian di chuyển xuống chỉ còn 5 ngày so với đường bộ, nhờ đó cung cấp hàng Thái tươi ngon hơn theo mùa. trái cây cho người tiêu dùng Trung Quốc. Mang theo 25 container lạnh (đông lạnh) sầu riêng, đoàn tàu rời ga Map Ta Phut vào ngày 19/4 và đến TDP vào ngày hôm sau.
Các nhà điều hành của TDP, trung tâm hậu cần tích hợp đầu tiên của Lào, và đại diện của các doanh nghiệp liên quan vào ngày 20/4 đã cùng chào đón chuyến tàu cập cảng cạn. “Chúng tôi đã tạo điều kiện cho việc kê khai tài liệu có thể được thực hiện trước 24 giờ. Điều này đã giúp giảm bớt các quy trình khi hàng hóa đến,” Viengkhone Sitthixay, Phó Chủ tịch của Vientiane Logistics Park Co., Ltd. - đơn vị phát triển cảng cạn đa phương thức cho biết.
“Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước, tạo điều kiện cho họ thực hiện và hoàn thành việc kiểm tra container trong vòng chưa đầy 30 phút cho mỗi chuyến tàu.” Ông nói thêm rằng việc thông quan tài liệu đã được đơn giản hóa đáng kể nhờ hoạt động của cảng cạn, nơi cũng có chức năng như một trạm kiểm soát biên giới quốc tế đối với hàng hóa. “Chúng tôi đã thông báo cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu cũng như các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển về các thủ tục hợp lý này để họ có thể tận hưởng dịch vụ nhanh hơn,” ông nói với truyền thông địa phương. Các container được chuyển từ đoàn tàu trên tuyến đường sắt 1m Lào Thái Lan sang đoàn tàu trên tuyến đường sắt Lào Trung Quốc khổ tiêu chuẩn tại cảng cạn trước khi khởi hành đi Quảng Châu.
Các đối tác đầu tư của PAS tham gia khai trương tuyến đường sắt lịch sử là Công ty TNHH Tiếp vận Đa phương thức Toàn cầu và Công ty TNHH Vận tải Tàu hỏa Kaocharoen. Các đối tác và chi nhánh khác tham gia sự kiện này là Đường sắt Quốc gia Lào, Công ty TNHH Đường sắt Lào-Trung Quốc, Đường sắt Nhà nước Thái Lan và Công ty TNHH Đường sắt Trung Quốc, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Truyền thông Quảng Châu, Công ty Chuỗi cung ứng Châu Á vĩnh cửu Thâm Quyến ., Ltd., PTT Plc, Oriental Merchant Express Co., Ltd. và Asia Express Logistics Co., Ltd.
PAS và các chi nhánh cũng đã chuẩn bị 700-1.000 container lạnh để các nhà xuất khẩu Thái Lan chuyển sản phẩm của họ - đặc biệt là sầu riêng, măng cụt và hải sản đông lạnh - sang Trung Quốc, theo hãng tin The Nation.
Công ty cho biết, hành trình từ Map Ta Phut đến Côn Minh sẽ mất 3-4 ngày, Map Ta Phut-Trùng Khánh sẽ mất 4-5 ngày và Map Ta Phut-Quảng Châu sẽ mất 5-6 ngày. Các tuyến đường này cung cấp phương thức vận chuyển hàng hóa rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn.
“Chuyển hàng bằng đường sắt giúp cắt giảm 30% chi phí vận chuyển,” Chủ tịch Công ty TNHH Vận tải Tàu lửa Kaocharoen của Thái Lan, Panya Paputsaro, nói với Vientiane Times trong hành trình vận chuyển của mình tại Cảng cạn Thanaleng.
Ông Panya, người đang theo dõi chuyến vận chuyển 25 container đến Quảng Châu, cho biết các nhà xuất khẩu Thái Lan đã nhận được số lượng đơn đặt hàng trái cây Thái Lan ngày càng tăng từ người mua Trung Quốc. Trong tháng này, công ty của ông sẽ gửi thêm hai chuyến hàng sầu riêng cho người mua ở Côn Minh và Quảng Châu.
Để cải thiện các dịch vụ xuất khẩu nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ông Viengkhone cho biết công ty của ông đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc để xây dựng một trung tâm kiểm dịch động thực vật (SPS) được Trung Quốc chứng nhận tại Khu hậu cần Vientiane. Khi trung tâm SPS đi vào hoạt động, các sản phẩm được dán nhãn SPS có thể trực tiếp vào thị trường Trung Quốc mà không phải trải qua kiểm tra SPS tại biên giới Trung Quốc.
Việc xây dựng trung tâm dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7 và sẽ mất từ 6 đến 8 tháng để hoàn thành. Khai trương vào tháng 12 năm 2021, cảng cạn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Nga.
Vientiane Logistics Park Co., Ltd. cũng đang phát triển một khu phức hợp hậu cần đẳng cấp thế giới bao gồm bảy khu vực, trong đó có một khu chế xuất, nơi các công ty có thể thiết lập các cơ sở như kho bảo quản theo chuỗi lạnh để giữ cho nông sản luôn tươi ngon.
Tập đoàn Sokxay và công ty cà phê Dao tăng thị phần cà phê trong nước, xuất khẩu
Ngày 11/4/2023, công ty TNHH cà phê Dao đã ký MOU với tập đoàn Sokxay về nghiên cứu khả thi việc phát triển dự án thành lập đại diện bán hàng của Công ty cà phê Dao tại Lào và nước ngoài và phát triển sản phẩm mới. Hiện nay Sokxay có hơn 300 chi nhánh và 3.000 cửa hàng đại lý trên toàn Lào. Hai công ty đã bắt đầu nghiên cứu khả thi và xuất khẩu một số sản phẩm ra nước ngoài trong một thời gian. Việc ký kết MOU giúp nâng cao chất lượng và quảng bá cà phê Dao ra quốc tế, góp phần giúp đất nước thu ngoại tệ, nâng cao đời sống người dân. (Vientiane Times, 13/4/2023)
Dự án điện gió đầu tiên tại Lào sẽ cung cấp năng lượng xanh trong khu vực
Tập đoàn xây dựng điện Trung Quốc (Power China) tổ chức lễ khởi công Dự án điện gió Monsoon có công suất 600MW tại Thủ đô Vientiane ngày 25/4/2023. Dự án triển khai tại huyện Dakcheung, tỉnh Xekong và huyện Samxay, tỉnh Attapeu. Điện năng được tạo ra sẽ bán cho bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á theo hợp đồng mua bán điện (PPA) 25 năm qua biên giới Việt Nam cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thông qua đường dây truyền tải 500 kv dài 22 km ở Lào và 44 km ở Việt Nam, kết nối với Trạm biến áp Thần Mỹ tỉnh Quảng Nam. (Vientiane Times, 27/4/2023)
Lượng du khách đến Luang Prabang tăng mạnh
Ngày 27/4/2023, Vientiane Times đưa tin, Trong 3 tháng đầu năm 2023, cố đô Luang Prabang đã thu hút hơn 273.000 du khách trong đó có 240.000 du khách quốc tế. Trong khi 10 tháng đầu năm 2022, lượng du khách đến Luang Prabang chỉ có 335.794 người. Tỉnh Luang Prabang ghi nhận lượng du khách này tạo ra khoảng 157 triệu USD doanh thu từ các đơn vị liên quan đến du lịch tại địa phương. Đây là một trong số các ngành mũi nhọn góp phần tích cực phục hồi kinh tế Lào sau hơn 3 năm bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19.
1.209 công ty đăng ký đầu tư vào các Đặc khu kinh tế của Lào
Kể từ năm 2003 đến nay có tổng cộng 22 đặc khu kinh tế tại 8 tỉnh, diện tích theo hợp đồng là hơn 34.000ha, song diện tích được phát triển thực tế chỉ đạt 13.000ha. chính vì vậy, nhiều đặc khu đã thúc đẩy chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đến nay đã có tổng cộng 1.209 công ty đầu tư, phần lớn là các công ty Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, trong đó ghi nhận số lượng đầu tư nhiều nhất tại các Đặc khu: Tam giác vàng, Boten, Savan-Seno, Xaysettha, Đầm Thatluang, Pakse-Nhật Bản,…
Bên cạnh đó, các đặc khu kinh tế cũng đã nộp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ Kíp, xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và tay nghề cho người Lào. Hiện nay có khoảng 63.000 lao động trong đó lao động Lào vào khoảng 32.000 người. Ngoài ra, đã phát triển các cơ sở hạ tầng khác như: 03 cảng cạn (đặc khu Savannakhet, đặc khu Vangtau-Phonthong và đặc khu Vientiane Logistics Park), Trung tâm dịch vụ vận chuyển hàng hoá (ICD) tại đặc khu boten và đặc khu Thakhek; sân bay quốc tế Bokeo ở đặc khu Tam giác vàng, hệ thống cầu đường và các cơ sở vật chất khác. (Báo KT-XH, ngày 13/4/2023)
Ký thoả thuận Dự án điện mặt trời công suất 1000 MW tại tỉnh Sekong
Ngày 11/4/2023, tại Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ dự án điện mặt trời công suất 1000 MW được đặt tại bản Nayong và bản Pakpoun, huyện Xaman, tỉnh Xekong. Lễ ký kết có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Sathabandith Insixiengmai, Thứ trưởng Bộ Năng lượng - Mỏ Sinava Souphanouvong và đại diện các cơ quan hữu quan khác.
Đại diện Công ty Năng lượng Xaysana, chủ đầu tư cho biết: Dự án điện mặt trời có công suất lắp đặt 1000 MW với diện tích được phép khảo sát vào khoảng 1.152ha, dự kiến tổng giá trị đầu tư là 1,2 tỷ USD. Đây được coi là nguồn năng lượng quy mô lớn với mục đích xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và sẽ tiến hành nghiên cứu tiềm năng xuất khẩu sang Singapore do cách đây không lâu, Lào đã ký Biên bản ghi nhớ với Singapore về việc hợp tác năng lượng. Dự án dự kiến sẽ mang lại lợi ích trên nhiều phương diện đối với Chính phủ và địa phuơng Lào. (Báo KT-XH, ngày 19/4/2023)
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Phan Minh Chiến
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương Thị Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm, Hồ Đức Dũng