TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Các thành viên Chính phủ mới nhậm chức
Ngày 22/03/2021, Kỳ họp thứ nhất, QH khóa IX đã phê chuẩn nội các mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phankham Viphavanh. Tiếp theo đó, nhiều thành viên của Chính phủ mới đã chính thức nhậm chức.
Ngày 02/04/2021, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bounkham Vorachit đã chính thức nhậm chức Bộ trưởng thay ông Sommad Pholsena được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.
Cùng ngày, nguyên Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo đã chính thức nhậm chức Bộ trưởng thay ông Khammany Inthirath nghỉ hưu.
Ngày 01/04/2021, lễ bàn giao chức vụ Bộ trưởng Y tế đã được tổ chức, theo đó, nguyên Thứ trưởng Bounpheng Phoummalaysith được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng thay thế người tiền nhiệm Bounkong Syhavong. Cùng ngày, PGS. Phouth Simmalavong đã chính thức nhậm chức thay Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Sengdeunane Lachanthaboun, nghỉ hưu.
Ngày 29/03/2021, nguyên Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Viengsavath Siphandone đã chính thức giữ chức vụ Bộ trưởng thay thế người tiền nhiệm Bounchanh Sinthavong. Cùng ngày, ông Phayvy Siboulipha đã chính thức giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp thay ông Xaysi Santivong.
Ngày 24/03/2021, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Baykham Khattiya đã chính thức nhậm chức Bộ trưởng thay thế ông Khampheng Saysompheng, người được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương thay bà Khemmany Pholsena. Bà Khemmany Pholsena được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước thay ông Khammeung Phongthady.
Kỳ họp thứ nhất của QH cũng đã phê chuẩn cơ cấu Chính phủ, bao gồm 17 Bộ, 02 cơ quan ngang Bộ là Văn phòng Thủ tướng và Ngân hàng CHDCND Lào. Cơ cấu này đã giảm sau khi giải tán-sáp nhập Bộ Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Chủ tịch nước được tách ra khỏi Chính phủ. (Vientiane Times, 05/04/2021)
Chính phủ khóa mới họp phiên đầu tiên, phân công nhiệm vụ Thủ tướng và Phó Thủ tướng
Ngày 08/4/2021, Kỳ họp đầu tiên của Chính phủ khóa IX chính thức được khai mạc tại Phủ Thủ tướng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phankham Viphavanh và tham dự đầy đủ của 21 thành viên Chính phủ đến từ 17 Bộ và 2 Cơ quan ngang Bộ.
Tại Kỳ họp, các thành viên Chính phủ nghe, thảo luận, đóng góp ý kiến và xem xét thông qua một số văn kiện quan trọng gồm: (i) phổ biến Quyết định của Thủ tướng về việc phân công nhiệm vụ cho Thủ tướng và các Phó Thủ tướng; (ii) dự thảo Kế hoạch của Chính phủ khóa IX giai đoạn 5 năm 2021-2025; (iii) dự thảo Quyết định về quy định và cơ chế làm việc của Chính phủ khóa IX; (iv) dự thảo văn kiện quốc gia về việc giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính; (v) dự thảo văn kiện quốc gia về việc giải quyết vấn đề chất gây nghiện.
Phát biểu tại Kỳ họp, Thủ tướng đã yêu cầu các Phó Thủ tướng và tất cả thành viên Chính phủ phải nâng cao trách nhiệm chính trị, tập trung mọi trí tuệ và năng lực, đóng góp ý kiến xây dựng cho nội dung dự thảo các văn kiện, một cách thẳng thắn, chính xác, phù hợp với pháp luật đối với từng lĩnh vực và tranh luận chất vấn để cuộc họp đạt kết quả cao như mục tiêu đề ra, xứng với sự kỳ vọng của nhân dân trước một Chính phủ khóa IX: nói được, làm được, mẫn cán, trung thực, tiết kiệm, vì nhân dân. (Báo KT-XH, ngày 09/4/2021)
Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4
Từ ngày 22-23/4/2021, Chính phủ khóa IX tiến hành họp thường kỳ tháng 4 do Thủ tướng Khamphan Viphavanh chủ trì, với sự tham gia đầy đủ của các thành viên Chính phủ.
Tại cuộc họp, các thành viên đã nghe, trao đổi và đóng góp ý kiến cho 07 văn kiện quan trọng gồm: (i) Báo cáo tổng thể về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong tháng 4 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 5; (ii) Dự thảo văn kiện Chương trình phát triển nền kinh tế số quốc gia 20 năm giai đoạn 2021-2040; Chiến lược phát triển nền kinh tế số quốc gia 10 năm giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển nền kinh tế số 05 năm, giai đoạn 2021-2025; (iii) Dự thảo văn kiện tăng cường phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới; (iv) Dự thảo về Chiến lược phát triển hệ thống tổ chức tài chính-tín dụng của CHDCND Lào giai đoạn 05 năm (2021-2025) và tầm nhìn đến năm 2030 (bản sửa đổi); (v) Dự thảo Nghị định về sử dụng xe công, xe phục vụ lãnh đạo cấp cao; dự thảo quyết định thành lập Ban nghiên cứu các quy định về quản lý xe công; kế hoạch mua sắm xe công năm 2021; (vi) Báo cáo về tiến độ thực hiện việc chuyển đổi nhóm cơ cấu ngân sách thường xuyên năm 2021 và (vii) Báo cáo về việc thiết kế trang phục truyền thống quốc gia.
Kết thúc, Thủ tướng Khamphanh yêu cầu các thành viên Chính phủ nâng cao vai trò trách nhiệm chính trị của mình, phối hợp chặt chẽ cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao, đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện phù hợp với quy định của luật hiện hành nhằm đạt được yêu cầu mục đích của cuộc họp. (Báo KT-XH, 23/4/2021)
Năm 5 tới Chính phủ Lào sẽ tập trung giải quyết các khó khăn gây trì trệ sự phát triển kinh tế-xã hội quốc gia
Ngày 22/3/2021, báo cáo tại Kỳ họp Quốc hội khóa IX về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Lào Khamphanh Viphavanh cho biết giải quyết những khó khăn về kinh tế-tài chính trong giai đoạn 05 năm tới là một diễn đàn quốc gia để các thành phần trong xã hội cùng tham gia, góp phần vào việc tái cơ cấu ngân sách nhà nước, cân đối cán cân thu chi ngân sách, có dự trữ nhằm đảm bảo thanh toán nợ quốc gia.
Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để tạo thêm nguồn thu, thu đúng đủ; điều chỉnh các hạn chế của luật ngân sách, giữ mức trần chi tiêu công như hiện nay để đảm bảo tăng nguồn dự trữ quốc gia; phấn đấu thu đầy đủ các nguồn hiện nay, chống thất thu và ban hành các chính sách mới nhằm tạo nguồn thu mới theo hướng bền vững để tăng thu nội địa đạt từ 10-13%/năm; tái cơ cấu lại nguồn chi ngân sách nhà nước, quy định mức trần chi tiêu đối với từng lĩnh vực như: chi tiêu quản lý thường xuyên không quá 84% của thu nhập trong nước, trong đó chi trả lương và tiền chính sách theo hướng giảm khoảng 52% trong năm 2021 (trung bình 05 năm không vượt quá 45% của thu nhập nội địa), chi quản lý, mua sắm mới và sửa chữa cải tạo không vượt quá 14% của thu nhập trong nước; đồng thời, thực hiện chính sách tiết kiệm, thắt chặt các khoản chi tiêu không thật sự cần thiết khác như: tiền điện, nước, bồi dưỡng, trang thiết bị văn phòng, phương tiện công, tổ chức hội nghị hội thảo, công tác trong và ngoài nước; song song đó, tái cơ cấu một số đơn vị hưởng ngân sách nhà nước để giảm chi tiêu chính phủ. Cùng với đó, cần tái cơ cấu và quản lý lại nợ công trong tầm kiểm soát được nhằm đảm bảo độ an toàn bằng việc xây dựng kế hoạch xử lý nợ trong và ngoài nước thành hệ thống có sự đóng góp của các thành phần; có kế hoạch chi tiết, phân rõ trách nhiệm đối với từng ngành, địa phương; có biện pháp giám sát, kiểm tra và thẩm địch kết quả thực hiện tiến độ các dự án đang triển khai.
Quản lý, thẩm định chặt chẽ luận chứng kinh tế các gói vay vốn mới của các chương trình dự án nhằm đảm bảo tính cấp thiết, có hiệu quả kinh tế, tránh rủi ro. (Báo KT-XH, 24/3/2021)
Thủ tướng đề xuất 5 vấn đề để ngăn chặn Covid-19 và triển khai chương trình tiêm vắc-xin cho toàn xã hội
Ngày 19/4/2021, Văn phòng Thủ tướng Lào tổ chức buổi họp báo về tình hình ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Lào do Thủ tướng Chính phủ Phankham Viphavanh chủ trì.
Trả lời trước báo chí, Thủ tướng Phankham cho biết, Đảng và Chính phủ Lào xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, ban hành nhiều thông báo, chính sách và biện pháp ngay từ ngày đầu bùng phát dịch bệnh. Các chính sách đó đã trở thành hành động thực tế của toàn dân và có sự thống nhất cao; song song với đó, các nước bạn bè, láng giềng anh em cũng hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế, chuyên gia trong việc giúp Lào đạt kết quả tốt hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới về ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh.
Giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong dịp tết cổ truyền Pun-pi-mai, để bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của người dân trên toàn quốc, Chính phủ đã ban hành thông báo bổ sung về việc tăng cường bảo vệ và ngăn chặn dịch bệnh; đồng thời, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Kikeo Khaykhamphithoune làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về phòng chống và ngăn chặn Covid-19. Qua thực tế triển khai thực hiện thông báo bổ sung, đa phần mọi người dân đã thực hiện tốt các quy định, tuy vậy, còn một số nhóm người tại địa phương đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh làm tăng số người mắc covid-19 ngay trong dịp tết cổ truyền.
Để tiếp tục tăng cường phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, ngoài việc áp dụng các biện pháp bảo vệ đã đề ra, Thủ tướng Khamphanh đề nghị:
(1) Cán bộ, binh sỹ, nhân dân và các công dân nước ngoài đang làm việc tại Lào cần biết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên sắc lệnh, hướng dẫn, chỉ thị của UBQG chuyên trách về phòng chống và ngăn chặn Covid-19. Quan tâm, theo dõi thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh, không phao tin thiếu sự thật gây hoang mang trong xã hội.
(2) Yêu cầu người dân Lào cũng như công dân nước ngoài xuất nhập cảnh từ Lào cần kê khai chính xác các thông tin liên quan tới nhà chức trách, không xuất nhập cảnh trái phép, mang dịch bệnh vào Lào. Tăng cường theo dõi, kiểm tra chặt chẽ dọc tuyến biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép; đặc biệt, đối với tuyến biên giới với các nước láng giềng đang bùng phát mạnh dịch bệnh, nếu phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép cần cho kiểm tra Covid-19 và cách ly tập trung 14 ngày.
(3) Tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin chống covid-19, ưu tiên các nhóm đối tượng cần thiết và triển khai tới các cán bộ, nhân viên nhà nước, quân đội, công an, giáo viên, nhân viên bán hàng, khách sạn, nhà hàng, tiểu thương…theo kế hoạch đã đề ra.
(4) Các Tiểu ban Covid-19 các cấp điều chỉnh biện pháp, khoanh vùng khu vực và thực hiện hiện nghiêm túc các biện pháp đã quy định.
(5) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm các biện pháp mà Chính phủ đã ban hành cũng như các quy định khác do từng cấp ban hành sẽ có biện pháp cử lý hành chính, kinh tế và theo pháp luật liên quan.
Trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình và cảnh báo theo từng thời điểm, ban hành biện pháp phù hợp, phổ biến tuyên truyền tới mọi người dân toàn xã hội biết để chủ động thực hiện. Đến nay, Chính phủ Lào đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng chống Civd-19 cho người dân đạt gần 180 nghìn người, phấn đấu đến cuối năm 2021 đạt khoảng 22% số dân trên toàn quốc. (Báo KT-XH, 20/4/2021)
Cửa khẩu Hữu Nghị 1 Lào-Thái thu thuế hải quan Quý I/2021 tại đạt hơn 851 tỷ Kíp
Ngày 12/4/2021, tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch Quý I và nhiệm vụ Quý II của Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị I Lào-Thái, Giám đốc hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị I Bouneng Phanthavong cho biết Quý I đơn vị này đã thu thuế hải quan được 851 tỷ Kíp, đạt 93,20% kế hoạch quý, tương đương 23,30% kế hoạch năm, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.
Đánh giá kết quả tổ chức thực hiện chuyên môn Quý I và phương hướng cho Quý II, Giám đốc Bouneng Phanthavong cho rằng, nguyên nhân chủ yếu để đạt được kết quả trên là do đơn vị đã triển khai hàng loạt các giải pháp đổi mới phương thức hoạt động, cải tiến công tác quản lý, xử lý dịch vụ hàng hóa xuất nhập tại cửa khẩu ngày càng thông thoáng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trong Quý I/2021, do dịch bệnh Covid-19, lượng hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu tăng do nhu cầu trong nước tăng; thu nhập của người dân cũng tăng nên lượng phương tiện nhập khẩu tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2020, nhập khẩu xăng dầu cũng tăng theo.
Theo báo cáo tại hội nghị, riêng Quý I/2021, tổng thu thuế nhập khẩu tại cửa khẩu trên đạt 851 tỷ Kíp, trong đó, lượng phương tiện nhập khẩu là 886 chiếc, tương đương giá trị 135,24 tỷ Kíp; còn lại là thuế nhập các loại hàng hóa xăng dầu, hàng tiêu dùng khác. (Báo KT-XH, 20/4/2021)
Lạm phát tiếp tục tăng trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19
Theo Tổng cục Thống kê Lào, tỷ lệ lạm phát tháng 03/2021 so với cùng kỳ năm trước ở Lào tiếp tục tăng trong bối cảnh suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt mức 114,42 điểm trong tháng 03 dẫn đến tỷ lệ lạm phát là 2,42% so cùng kỳ năm trước. Con số này của tháng 02/2021 là 1,91%.
Các nhà kinh tế quan ngại về sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế do làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 và các giải pháp phong tỏa buộc phải áp dụng ở Viêng Chăn và các tỉnh khác có thể tiếp tục ảnh hưởng lên giá cả hàng hóa ở các thị trường trong nước.
Giá cả lương thực – thực phẩm và sự yếu đi của đồng Kíp so với đồng Baht Thái và USD là những nguyên nhân chính của lạm phát tại Lào bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý giá cả hàng hóa trên thị trường trong nước.
Giá gạo, thịt và các mặt hàng tươi sống vấn tiếp tục tăng, đồng thời giá nhiên liệu cũng leo thang do tăng thuế nhập khẩu.
Viêng Chăn phụ thuộc nhiều vào các hàng hóa do các tỉnh cung cấp, bao gồm thịt bò, thịt lợn, rau quả và việc hạn chế đi lại có thể tác động lên giá cả lương thực – thực phẩm ở Thủ đô.
Theo Tổng cục Thống kê, chi phí lương thực – thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng mạnh 2,81% so cùng kỳ năm trước và 0,94% so với tháng trước. Ví dụ, giá gạo đã tăng 1,41%, cá và hải sản tăng 2,03% so với tháng trước. Giá thịt lợn tăng 14,25%, thịt bò tăng 8,8%, gia cầm tăng 1,3% và rau quả tăng 8,62% so cùng kỳ năm trước. (Vientiane Times, 28/04/2021)
ADB lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Lào bất chấp khủng hoảng Covid-19
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của ADB công bố ngày 28/04/2021, tăng trưởng kinh tế của Lào dự báo sẽ đạt 4.0% trong năm 2021 và 4,5% năm 2022.
Dự báo nêu trên căn cứ vào sản xuất nông nghiệp được cải thiện và phát điện ổn định sẽ giúp bù lại hồi phục chậm của ngành dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh. Kinh tế Lào sẽ hồi phục sau tăng trưởng âm 0,5% trong năm 2020 và 4,7% năm 2019.
Giám đốc Quốc gia ADB tại CHDCND Lào Sosomi Tanaka cho rằng, Lào đang lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, sự bùng phát mới của dịch Covod-19 và những thách thức về cơ cấu đang tạo ra một sự đe dọa lớn đối với quá trình hồi phục kinh tế. Việc triển khai nhanh chương trình tiêm vắc-xin cùng với các giải pháp tăng cường quản lý kinh tế mô, cải thiện môi trưởng đầu tư có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ hồi phục kinh tế và bảo vệ phúc lợi của các hộ gia đình.
Việc hạn chế đi lại năm ngoái đã giúp ngăn chặn khủng hoảng về y tế công cộng quy mô lớn ở Lào nhưng đồng thời cũng đã hạn chế nhu cầu trong và ngoài nước, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao.
Nền tài chính công đã bị giáng một đòn mạnh với việc các tổ chức xếp hạng hạ xếp hạng tín dụng của Chính phủ Lào vì áp lực thanh khoản và khả năng tái cấp vốn hạn chế.
Theo ADB, sự phục hồi khá của ngành nông nghiệp dự báo trong năm 2021 chủ yếu nhờ tăng trưởng của chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành trồng trọt lại bị trì hoãn do thời tiết lạnh và thiếu nước. Tăng trưởng công nghiệp sẽ được thúc đẩy nhờ sản lượng điện tăng. Đầu vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, khai khoáng và bất động sản đô thị dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2021 và 2022 sẽ giúp tạo việc làm và hỗ trợ sức mua của các hộ gia đình. Tăng trưởng của ngành dịch vụ trong năm 2021 sẽ được hỗ trợ bởi sự hồi phục của tiêu dùng trong nước sau khi hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm đường cao tốc Viêng Chăn – Vang Viêng mà sẽ thúc đẩy du lịch trong nước. Theo ADB, việc đi lại của chuyên gia và du lịch quốc tế dự kiến sẽ được bình thường hóa trở lại trong năm 2022, các đầu tàu lôi kéo sự hồi phục kinh tế trong trung hạn dự kiến sẽ bao gồm thương mại bán buôn, bán lẻ, giao thông vận tải và viễn thông.
Tỷ lệ lạm phát ở Lào đã lên đến 5,1% trong năm 2020, chủ yếu bị đẩy lên bởi giá lương thực – thực phẩm do tác động cua dịch bện và thiên tai. Năm 2021, tỷ lệ lamk phát sẽ giảm xuống 4,5%, trước khi tăng lên 5% trong năm 2022 do áp lực từ hàng hóa nhập khẩu, đồng Kíp mất giá một phần sẽ được bù đắp lại do sản xuất trong nước được cải thiện.
Những khó khăn hiện nay trong việc huy động các nguồn lực trong nước đi đôi với thách thức cơ cấu và quản lý yếu kém càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của dịch bệnh. Tình trạng thâm hụt tài khóa chắc chắn sẽ còn leo thang trong thời gian tới. Khung khổ kinh tế vĩ mô của Lào còn mong manh do rủi ro khủng hoảng nợ, áp lực trả nợ tăng và tỷ lệ tái cấp vốn cao. Để tạo ra không gian về tài khóa cần thiết cho tăng trưởng có khả năng chống chịu cao hơn, Lào cần cải cách để minh bạch và quản lý nợ công tốt hơn. (Vientiane Times, 29/04/2021)
Chính phủ Lào tiến hành thanh tra hơn 04 nghìn mục tiêu, phát hiện thiệt hại hơn 5,6 nghìn tỷ Kíp
Ngày 25/3/2021, tại Kỳ họp Quốc hội khóa IX, Thủ tướng Chính phủ Khamphanh Phomathat báo cáo kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn 05 năm 2016-2020 đã phát hiện nhiều vi phạm của tổ chức cá nhân trong quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.
Theo báo cáo của Thủ tướng, giai đoạn 2016-2020, Thanh tra Chính phủ đã nỗ lực trong công tác chuyên môn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao trong việc thanh kiểm tra các chương trình, dự án đầu tư công. Thanh tra được tổng số 4.129 mục tiêu, trong đó theo dõi và kiểm tra thường xuyên 1.435 mục tiêu, kiểm tra theo sắc lệnh 1.014 mục tiêu, kiểm tra lại từ đầu 535 mục tiêu, thẩm tra kết quả thanh tra 1.145 mục tiêu; thu hồi và truy thu giá trị đầu tư công của hơn 4.601 dự án; trong đó đã hoàn thành kiểm tra 692 dự án, phát hiện thiệt hại hơn 5.689,12 tỷ Kíp, 31,77 triệu USD và 38,89 triệu Baht. Song song đó, tiến hành kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 15/TTg, phát hiện vi phạm 1.119 trường hợp (127 cán bộ nhà nước, 246 doanh nhân, 746 cá nhân); tiếp nhận hơn 4.817 đơn khiếu tố, giải quyết được 1.524 đơn.
Các kết quả trên đã góp phần quan trọng cho công tác quản lý của nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội bằng pháp luật, xử lý và làm giảm thiểu sự tham ô tham nhũng trong bộ máy nhà nước. (Báo KT-XH, 25/3/2021)
Lào thặng dư thương mại 42 triệu USD tháng 2/2021
Báo Vientiane Times ngày 9/4/2021 đưa tin, Lào ghi nhận thặng dư thương mại 42 triệu USD tháng 2/2021 cho dù giá trị hàng hóa xuất khẩu sang hai đối tác thương mại chính là Trung Quốc và Việt Nam giảm so với tháng 1/2021.
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước là 849 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 446 triệu USD và nhập khẩu 404 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm từ 167,4 triệu USD tháng 1 xuống 150,5 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam giảm từ 121,2 triệu USD xuống 99 triệu USD.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan tăng từ 90 triệu USD lên 105,6 triệu USD, chưa bao gồm kim ngạch xuất khẩu điện.
Hàng hóa xuất khẩu chính là quặng đồng và sản phẩm đồng, chuối, phụ tùng máy ảnh, vàng thỏi, sắn, quần áo, cà phê chưa chế biến, cao su và trái cây (dưa hấu, chanh dây và me).
Hàng hóa nhập khẩu chính là phương tiện (trừ xe máy và xe đầu kéo), xăng dầu, thiết bị cơ khí, thép, sản phẩm thép, thép từ tính, phụ tùng ô tô, gas, sản phẩm nhựa, đường, sản phẩm hóa chất và chất thải sợi và chất thải từ công nghiệp chế biến thực phẩm.
Thị trường xuất khẩu chính của Lào là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản. Thị trường nhập khẩu chính là Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản.
Khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng ở châu Á và các nước khác trên thế giới, chính phủ Lào tiếp tục áp dụng các biện pháp cẩn trọng để bảo vệ cuộc sống người dân và đảm bảo nền kinh tế vĩ mô trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới được kiểm soát chặt chẽ bởi Ủy ban đặc trách phòng chống Covid để tránh lây lan virut vào Lào, đang tăng lên ở một số nước châu Á khác (Vientiane Times, 9/4/2021)
Cả nước cấy vụ mùa đạt 90%
Theo báo cáo của Bộ Nông Lâm, cả nước đã cấy vụ mùa đạt trên 82.743 hecta, tương đương với 90% diện tích, tăng 32% so với tháng trước. Cụ thể, các tỉnh phía Nam đạt 103%, các tỉnh miền Trung đạt 90% và miền Bắc đạt 69%. Nguyên nhân tỷ lệ cấy thấp là do thay đổi thời tiết, nhất là các tỉnh miền Bắc trong khoảng tháng Giêng thời tiết lạnh, ở miền Trung và miền Nam mực nước sông Mê Công, phụ lưu và các hồ chứa xuống thấp, gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, nông dân cần chú ý chăm sóc kỹ càng, bón phân và đề phòng sâu bệnh.
Ngoài ra, các địa phương cũng khuyến khích nông dân trồng hoa màu mùa khô một cách rộng rãi, đặc biệt là hoa màu ngắn ngày, trồng được nhiều mùa, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, hiện nay ngành này đã thúc đẩy địa phương điều chỉnh hệ thống tưới tiêu, để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất cho mùa khô.
Cho đến nay, rau các loại đã được trồng trên tổng cộng 91.052 hecta, tương đương 60% kế hoạch. Thực vật được trồng nhiều nhất là cây ăn quả đạt 31.874 hecta, rau đạt 26.201 hecta, mía 11.206 hecta, khoai 5.244 hecta, ngô 2.366 hecta và ngô ngọt 1.748 hecta. Khu vực trồng nhiều hoa màu nhất là miền Trung 39.829 hecta, kế đến là miền Bắc 30.199 hecta và miền Nam đạt 21.024 hecta. Nhiều loại rau đã thu hoạch được nhiều vụ như: đỗ, rau xà lách, rau thơm, hành, rau cải, húng,.. (Báo KT-XH 5/4/2021)
Giá xi măng tăng do ảnh hưởng từ đồng Baht Thái
Ngày 12/4/2021, Vientiane Times đưa tin, giá xi măng tăng lên khoảng 500.000 Kip/tấn do đồng Baht Thái mạnh lên.
Theo nhà bán lẻ xi măng ở Viêng-chăn cho biết giá tăng có nghĩa người dân Lào giờ đây phải trả thêm 100.000 Kíp/tấn khi mua xi măng. Giá tăng từ 370.000 Kíp/tấn lên 420.000 Kíp/tấn loại xi măng hiệu Hongshi Lion của Trung Quốc, hiệu Tiger của Thái tăng từ 620.000 Kíp/tấn lên 665.000 Kíp/tấn. Giá bán lẻ loại Hongshi Lion hiện là 480.000-500.000 Kíp/tấn, loại Tiger là 680.000-700.000 Kíp/tấn.
Theo Ngân hàng ngoại thương Lào (BCEL), tháng 4/2020, tỷ giá giữa đồng Baht Thái với Kíp Lào là 297.000 giá mua và 327.000 Kíp giá bán nhưng hiện nay tỷ giá là 324.000 Kíp và 327.000 Kíp tương ứng.
Hiện nay, Lào có thể thu được kim ngạch từ xuất khẩu xi măng sau khi có thêm nhà máy đi vào sản xuất. Năm 2017, Lào bắt đầu thu được kim ngạch từ xuất khẩu xi măng và dần dần giảm nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại.
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, Lào thu được 62 triệu USD xuất khẩu xi măng, tăng lên 68 triệu năm 2020. Nhập khẩu xi măng giảm từ 107 triệu USD năm 2018 xuống 25,1 triệu USD năm 2020.
Thái Lan vừa là nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu xi măng cho thị trường Lào, còn Trung Quốc là nhà đầu tư chính sản xuất xi măng ở Lào.
Hiện nay, các nhà máy xi măng ở Thủ đô Vientiane, Xiengkhoang, Xayabuly, Luang Prabang, Khammuon, Savanakhet, Saravanh, Oudomxay và tỉnh Vientiane. Những nhà máy này có thể sản xuất khoảng 10 triệu tấn xi măng/năm cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Việc tăng lên các nhà máy sản xuất xi măng giúp giảm nhập khẩu và tạo cơ hội việc làm. (Vientiane Times, 12/4/2021)
Năm 2020, tỉnh Attapeu đạt xuất sắc trên nhiều phương diện
Ngày 19/4/2021, báo KT-XH đưa tin, Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu Let Xaynhaphone cho biết năm vừa qua, kinh tế tỉnh Attapeu tăng trưởng 4,6%, thu nhập trung bình quân đạt 2.011 USD/người, tương đương 18,6 triệu Kíp/người, nộp ngân sách nhà nước hơn 146 tỷ Kíp, vượt kế hoạch đề ra khoảng 20%, tương đương hơn 25 tỷ Kíp, giá trị xuất khẩu đạt hơn 120 triệu USD, vượt kế hoạch 12%, tương đương 14,4 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: điện, đường cát, cao su, chuối, thanh long, khoai; đặc biệt, tỉnh đã xuất khẩu đường organic sang thị trường 10 nước châu Âu. Văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác của tỉnh cũng có nhiều đột phá, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ - đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang và nhân dân được nâng cao, nghèo đói từng bước được đẩy lùi, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn dần được thu hẹp.
Tỉnh trưởng Let Xaynhaphone cho biết thêm, năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 9 của tỉnh, tỉnh sẽ phấn đấu vượt qua khó khăn để đạt các mục tiêu đã đề ra. (Báo KT-XH, 19/4/2021)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Hối thúc Chính phủ tiếp tục cải cách cơ cấu
Ngày 09/04/2021, tại Kỳ họp lần thứ nhất của Chính phủ nhiệm kỳ mới do Thủ tướng Phankham Viphavanh chủ trì được tổ chức ngay sau Phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa IX phê chuẩn các thành viên của Chính phủ mới, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã chỉ đạo:
- Chính phủ tiếp tục cải cách các cơ quan Bộ và tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý; các Vụ, phòng thuộc các Bộ và chính quyền các tỉnh phải xem xét và tái cơ cấu, xóa bỏ các rào cản đang cản trở sự phát triển của đất nước; xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm và phân công hợp lý nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Tỉnh tưởng và Đô trưởng Viêng Chăn; công tác điều hành, quản lý nhà nước bằng pháp luật.
- Các thành viên Chính phủ phải nghiên cứu sáng tạo, xây dựng hệ thống quản lý, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu mà nhà nước giao; các thành viên Chính phủ phải là những tấm gương, trung thực và có trách nhiệm về hành động của mình để tạo niềm tin đối với nhân dân, khích lệ cán bộ Chính phủ hoạt động một cách minh bạch, có trách nhiệm với quốc gia và nhân dân.
Tại Kỳ họp, Thủ tướng Phankham Viphavanh đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phải khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành liên quan hoàn thành việc sáp nhập các Vụ (của Bộ Khoa học và Công nghệ vào các Bộ theo chức năng), phân định rõ ràng vai trò của các Bộ ngành của Chính phủ.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận 05 vấn đề quan trọng: (i) Nghe Quyết định của Thủ tướng về phân công trách nhiệm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng; (ii) Thảo luận dự thảo kế hoạch hành động 05 năm của Chính phủ nhiệm kỳ mới 2021-2025, xác định trách nhiệm của các Bộ ngành và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian 5 năm tới; (iii) Thảo luận quy định và cơ chế làm việc của Chính phủ để xóa bỏ quan liêu nhằm đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của quản lý công. Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tiến các cơ chế phối hợp giữa các cấp trung ương và địa phương, đồng thời, thực hiện dịch vụ một cửa và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chính phủ trên phạm vi cả nước; (iv) Thảo luận dự thảo văn kiện về chương trình quốc gia nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính. Chính phủ thống nhất về nguyên tắc với dự thảo sau khi rà soát những nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề đang phải đối mặt và những giải pháp để giải quyết nhằm khắc phục những thách thức kinh tế; (v) Thống nhất về nguyên tắc dự thảo chương trình quốc gia về kiểm soát buôn bán và sử dụng ma túy giai đoạn 2021 – 2025. Các thành viên Chính phủ thừa nhận rằng, việc buôn bán và sử dụng chất ma túy là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, đang cản trở phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách giải quyết vấn nạn này để đưa lại tương lai tươi sáng cho thanh niên và đất nước nói chung. (Vientiane Times, 12/04/2021)
Chính phủ thúc đẩy kết nối giao thông giữa đường sắt và các địa điểm sản xuất
Báo cáo tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng đường sắt và đường cao tốc trong hành lang kinh tế Lào – Trung.
Việc xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối các khu kinh tế với tuyến hành lang kinh tế Lào – Trung có ý nghĩa thiết yếu để Lào có thể hưởng lợi lớn từ hội nhập khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay nhấn mạnh, về cơ bản Chính phủ Lào tập trung vào xây dựng đường sắt, đặc biệt là 04 nhà ga mà dự kiến sẽ trở thành các trung tâm của các thị trấn hiện đại mới. Dự án đường sắt Lào – Trung dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021 và đường cao tốc Vientiane – Boten đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ đã thành lập một Ban đặc biệt để thúc đẩy phát triển hai dự án giao thông trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và Chiến lược chuyển Lào từ một nước không có biển thành quốc gia kết nối đất liền.
Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, trong chương trình hợp tác Lào – Trung, 03 thị trấn mới sẽ được xây dựng. Thị trấn thứ nhất nằm ở Trung Quốc, thị trấn thứ hai nằm giữa các tỉnh Luang Prabang và Oudomxay. Thị trấn thứ ba nằm ở Viêng Chăn, trong Khu Phát triển Saysettha.
Trong những năm gần đây, Ủy ban Hợp tác Lào – Trung đã làm việc với chính quyền 10 tỉnh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và du lịch giữa hai nước.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất của Lào được khuyến khích canh tác các loại cây trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các loại sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế tin rằng, việc hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất dọc theo tuyến hành lang Lào – Trung sẽ có tác động lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế và hấp dẫn đầu tư vào khu vực. (Vientiane Times, 01/04/2021)
Mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp đến năm 2025
Ngày 21/04/2021, Vientiane Times trích dẫn lời Bộ trưởng Nông Lâm Phet Phomphiphak cho biết, Lào đặt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trung bình hàng năm đạt 3,4% đến năm 2025, đóng góp khoảng 19% vào tăng trưởng GDP cả nước.
Để đạt mục tiêu kế hoạch, Bộ Nông Lâm sẽ thúc đẩy sản xuất thịt, sữa và cá tối thiêu đạt 577.000 tấn vào năm 2025 với dự kiến trung bình mỗi người dân tiêu thụ ít nhất 73 kg sản phẩm từ thịt hàng năm. Bộ sẽ xúc tiến nuôi đàn bò 250.000 con để xuất khẩu trong thời gian 5 năm tới. Bộ Nông Lâm sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để cải tiến tiêu chuẩn chăn nuôi của Lào, bao gồm công tác quản lý, thiết lập cơ sở pháp lý, xây dựng các khu miễn dịch, tiêm chủng và kiểm tra dịch bệnh. Những giải pháp này sẽ giúp tăng cơ hội có được chứng chỉ để xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đặt mục tiêu sản xuất lúa gạo đạt 4 triệu tấn/năm với diện tích 384.000 ha trong thời gian gian 5 năm tới. Bộ sẽ tập trung hỗ trợ nông dân tăng năng suất, khôi phục lợi nhuận và đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho mọi người trên cả nước, đặc biệt là đối với các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đây là những sáng kiến nhằm tăng cường thương mại hóa nông nghiệp phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong những năm vừa qua, Lào bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai xảy ra ở nhiều tỉnh, sâu bệnh hoành hành phá hoại mùa màng, bùng phát dịch tả châu Phi ở nhiều địa bàn trên cả nước.
Hiện nay, Bộ Nông Lâm đang nỗ lực nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và những thách thức phải đối mặt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai. (Vientiane Times, 21/04/2021)
Công ty viễn thông Lào ký hợp tác phát triển hệ thống dịch vụ Chính phủ điện tử
Ngày 18/3/2021, Giám đốc Trung tâm dịch vụ điện tử Chính phủ, Bộ Bưu chính và Viễn thông Thavisak Manotham và Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông Lào Souphon Chanthavilay đã ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống dịch vụ điện tử Chính phủ. Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Thansamai Kommasith và các đại biểu liên quan.
Mục đích của thỏa thuận này để tổ chức đợt thi lập trình “Makerthon Lào” và hợp tác phát triển hệ thống quản lý và dịch vụ điện tử Chính phủ. Đồng thời, qua đợt thi lập trình “Makarthon Lào” sẽ dúc rút kinh nghiệm, tìm kiếm các nhà tài năng về IT, chuẩn bị cho cuộc thi đấu cấp ASEAN.
Cuộc thi lập trình trên sẽ mở ra cơ hội cho các chuyên gia IT thể hiện tài năng, sáng tạo của mình trong lĩnh vực lập trình, đóng góp sản phẩm trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ điện tử Chính phủ, cải cách quản lý nhà nước bằng công nghệ thông tin và Bigdata trong hầu hết các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp. (Báo KT-XH, 22/3/2021)
Điện lực Lào triển khai các biện pháp để vượt qua khủng hoảng
Từ ngày 05-06/4/2021, Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và phương hướng năm 2021 của ngành Điện lực Lào được tiến hành do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Điện lực Lào Sithisone Thepphasi và Tổng Giám đốc Chanthaboun Soukaloune chủ trì, với sự tham gia của các thành viên Ban thư ký và các đại biểu.
Báo cáo tại hội nghị, Điện lực Lào cho biết, trong giai đoạn qua, Đảng và Chính phủ Lào rất quan tâm và chỉ đạo sát sao để TCT Điện lực Lào có thể vượt qua khủng hoảng, cố gắng xử lý các vấn đề vướng mắc, tồn đọng như: tình trạng thiếu vốn trong suốt 10 năm qua, tình trạng nợ đọng và tạo lòng tin cho người dân và trấn an dư luận xã hội khi điều chỉnh giá điện mới; tái cơ cấu bộ máy quản lý; đàm phán với các nguồn sản xuất IPP như đã thỏa thuận hợp tác trong việc thanh toán tiền điện bằng đồng Kíp nhằm xử lý các vấn đề về tỷ giá hối đoái; dừng các dự án chưa cần gấp, điều chỉnh lại các hạng mục đối với các dự án đang phát triển và đàm phán lại giá cả các dự án do nhà đầu tư nước ngoài nhận thầu; điều chỉnh giảm giá dịch vụ của Điện lực Lào xuống 20% nhằm vượt qua khủng hoảng trên; điều chỉnh khung giá kinh doanh điện mới trong nước, tái cơ cấu cổ đông từ 11 xuống còn 08 và sát nhập 03 văn phòng thành 01, xây dựng cơ chế thẩm tra cán bộ, nhân viên bằng hệ thống KPI, quản lý hồ sơ bằng hệ thống E-Office để giúp cho công tác quản lý điều hành được thuận lợi, nhanh chóng.
Thời gian tới, Điện lực Lào tiếp tục rà soát, giảm biên chế trong toàn ngành xuống 9%, tiếp tục xử lý nợ đọng trong thanh toán tiền điện từ các cá nhân, hộ gia đình; chuẩn bị nguồn cung cấp điện và hệ thống truyền tải để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng theo như hợp đồng đã ký. Quản lý dự án đảm bảo chất lượng, an toàn, làm tốt công tác nhân sự để tìm kiếm và sử dụng nhân lực có chất lượng cho ngành điện lực. (Báo KT-XH, 07/4/2021)
Ban đặc trách về kinh tế tìm biện pháp giải quyết tác động của dịch Covid-19
Ngày 28/4/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonxay Siphandone chủ trì cuộc họp lần thứ 2 của Ban đặc trách về kinh tế, Ủy ban đặc trách quốc gia về phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 Lào để bàn biện pháp giải quyết tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Lào trong giai đoạn qua.
Trao đổi tại cuộc họp, các thành viên Ban đặc trách kinh tế đánh giá lại kết quả các biện pháp đã triển khai trong giai đoạn 1 của dịch bệnh Covid-19, thảo luận biện pháp sẽ thực hiện để giải quyết các tác động đối với giai đoạn 2 đang diễn ra, bao gồm 05 vấn đề: (i) về chính sách tài chính, chính sách tín dụng; (ii) chính sách về lao động; (iii) việc quản lý sản xuất; (iv) giá cả hàng hóa, lưu thông và vận chuyển hàng hóa; (v) các chính sách về xã hội và cộng đồng cư dân.
Chính sách tài chính được các thành viên trao đổi kỹ và bổ sung nhiều vấn đề liên quan đến chính sách giảm thuế, phí và lệ phí để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và các hộ gia đình; về chính sách tín dụng, sẽ đánh giá lại các doanh nghiệp tiếp tục bị tác động bới dịch bệnh, tìm biện pháp tháo gỡ, bổ sung thêm các phương án tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục kinh tế, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Thẩm định lại năng lực của Quỹ bảo hiểm xã hội và nghiên cứu biện pháp hỗ trợ đối với những người có bảo hiểm bị ảnh hưởng do dịch bệnh; thống kê số lao động bị ảnh hưởng trên toàn quốc để xây dựng kế hoạch hỗ trợ tại chỗ và tổ chức tìm công ăn việc làm cho người lao động. Về quản lý sản xuất, giá cả hàng hóa, lưu thông và vận chuyển hàng hóa sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ từ khâu cung ứng đến tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trên toàn quốc; tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, vùng miền. Đối với chính sách xã hội và cộng đồng cư dân, nghiên cứu và bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu như: điện, nước, viễn thông, dịch vụ rác thải…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Sonxay chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu kỹ, sâu, cụ thể các chính sách và biện pháp giải quyết ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. (Báo KT-XH, 30/4/2021)
HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM
Lào, Việt Nam cam kết làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, đoàn kết đặc biệt
Ngày 05/04/2021, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc điện đàm với tân Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Thongloun Sisoulith đã chúc mừng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã được tín nhiệm, bầu đảm trách chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam và bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh qua đó sẽ nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; tin tưởng dưới sự lãnh đạo Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị và đoàn kết đặc biệt giữa Lào và Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng cường, đơm hoa kết trái.
Chủ tịch hai nước đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên thời gian qua, đặc biệt là trong việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao; hài lòng về việc triển khai các thỏa thuận đã được ký kết tại hội nghị Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ 43; đồng thời, hai Chủ tịch cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để tăng cường các mối quan hệ và đoàn kết đặc biệt giữa hai nước lên tầm cao mới.
Chủ tịch Thongloun cảm ơn người đồng cấp Việt Nam về sự hỗ trợ dành cho Lào trong những năm qua trong việc khắc phục những ảnh hưởng do các thảm họa xảy ra tại Lào gần đây. Đánh giá cao Việt Nam là một trong các nước đầu tiên giúp Lào ứng phó với đại dịch Covid-19; hỗ trợ tinh thần và vật chất ngăn chặn suy thoái kinh tế; cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại hơn 100 triệu USD để xây dựng Tòa Nhà Quốc hội mới.
Hai nhà lãnh đạo thảo luận về hợp tác trong thời gian tới, thống nhất sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi các đoàn cấp cao; đồng thời, sẽ tiếp tục giám sát và thúc đẩy việc thực hiện các thảo thuận đã cam kết. Hai bên thống nhất sẽ tổ chức kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào – Việt Nam 2022, kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác Lào – Việt Nam. (Vientiane Times, 07/04/2021)
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 3 và quý I năm 2021
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 3 và quý I năm 2021 như sau:
- Tháng 3/2021 đạt 127.909.761 USD, so với cùng kỳ năm 2020, tăng 31,1% (so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch tăng 16,1%), trong đó: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 62.601.734 USD, so với cùng kỳ tăng 12,8% (so với năm 2019, giảm 2,4%). Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 65.308.027 USD, tăng mạnh 55,1% so với cùng kỳ năm 2020 (so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch tăng 41,8%).
Như vậy, sau khi giảm mạnh vào tháng 02/2021 kim ngạch hai chiều đã quay đầu tăng mạnh so với cùng kỳ và mức tăng khá ấn tượng. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch bệnh thì kim ngạch đã tăng 16,1%, tuy nhiên, mức tăng này là do tăng ở chiều nhập khẩu 41,8%, chiều xuất khẩu vẫn giảm nhẹ -2,4%.
- Tổng kết quý I năm 2021, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 338.575.948 USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020 (so với cùng kỳ năm 2019 tăng 20,8%), trong đó: xuất khẩu đạt 159.099.575 USD tăng 6,4%; nhập khẩu đạt 178.976.873 USD tăng 41,7%.
Tháng 3/2021, Việt Nam nhập siêu từ Lào khoảng 2,7 triệu USD, tổng giá trị nhập siêu 03 tháng đầu năm hơn 19,8 triệu USD. Theo dự kiến tháng 04/2021 kim ngạch hai chiều sẽ tiếp tục tăng. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC
Lào-Trung Quốc
Thủ tướng Lào và Thủ tướng Trung Quốc điện đàm về quan hệ song phương
Ngày 23/04/2021, Thủ tướng Phankham Viphavanh và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường qua điện đàm đã thống nhất hợp tác cùng nhau để tiếp tục củng cố quan hệ song phương giữa hai nước.
Năm nay, Lào và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Lào – Trung 2021.
Cuộc điện đàm giữa hai Thủ tướng nhằm mục đích tiếp tục củng cố đối tác chiến lược toàn diện Lào – Trung Quốc với tinh thần 04 tốt: Láng giềng, bạn bè, đồng chí và đối tác tốt cũng như cộng đồng cùng chung vận mệnh.
Qua Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Phankham Viphavanh, thay mặt Chính phủ và nhân dân Lào, thể hiện sự cám ơn sâu sắc đối với Trung Quốc về sự hỗ trợ Lào trong việc ứng phó đại dịch Covid-19, bao gồm việc cung cấp hơn 1 triệu liều Vắc-xin.
Thủ tướng Phankham chúc mừng Trung Quốc về những thành tựu vĩ đại mà đất nước đã đạt được trong công cuộc giảm nghèo. Qua Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Phankham chuyển lời hỏi thăm nồng nhiệt của Tổng Bí thư Thongloun Sisoulth tới Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời thông báo, Tổng Bí thư Thongloun vui vẻ nhận lời mời sang thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chúc mừng ông Phankham nhân dịp ông được bầu giữ chức vụ Thủ tướng Lào, đồng thời cam kết sẽ làm việc với ông Phankham để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, chống dịch Covid-19 và thúc đẩy hợp tác song phương nhằm đạt được những kết quả thực tế.
Hai Thủ tướng đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với tinh thần 04-tốt giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân Lào và Trung Quốc; ca ngợi những thành tựu của hợp tác song phương, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Những dự án này bao gồm đường cao tốc nối Viêng Chăn tới Boten tại tỉnh Luang Namtha, sát biên giới Trung Quốc. Đoạn thứ nhất của đường cao tốc từ Viêng Chăn – Vang Viêng đã được thông tuyến. Trong khi việc xây dựng tuyến đường sắt Lào – Trung dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. (Vientiane Times, 26/04/2021)
Trung Quốc hỗ trợ phát triển nông thôn và giảm nghèo ở Lào
Ngày 30/03/2021, lễ triển khai chính thức giai đoạn I dự án do Trung Quốc tài trợ về phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và giảm nghèo tại các tỉnh Viêng Chăn và Luang Prabang đã được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Trung Khemmani Pholsena và Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong, với sự tham dự của các đại diện từ các Bộ ngành, các tỉnh liên quan và cán bộ dự án.
Dự án bước đầu sẽ được thực hiện tại hai tỉnh Bắc Lào và sẽ cung cấp nước sạch cho 17 bản, xây dựng 07 bệnh viện cộng đồng, lắp đặt điện ở 16 bản và cung cấp truyền hình kỹ thuật số cho 30 bản.
Thời gian thực hiện dự án tổi thiểu là 18 tháng. Việc chuẩn bị dự án đã được tiến hành bởi Ủy ban Hợp tác Lào – Trung và các nhóm giám sát dự án Trung Quốc.
Dự án do Trung Quốc tài trợ có 08 phần cấu thành đã được Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí trong chuyến thăm nhà nước tới Lào năm 2017. Bốn ưu tiên chính của dự án được gọi tắt là "4 X 100", bao gồm việc xây dựng các hệ thống nước sạch ở 100 bản, xây dựng 100 bệnh viện cộng đồng và cung cấp điện cho các hộ gia đình ở 100 bản, lắp đặt truyền hình vệ tinh kỹ thuật số cho 100 bản.
Để giảm thiểu khó khăn trong việc thực hiện 400 dự án cùng một lúc, dự án sẽ được chia thành các giai đoạn khác nhau, tập trung vào các mục tiêu ưu tiên. Điều này sẽ giúp đảm bảo thực hiện có hiệu quả ở các địa phương của Lào. Các dự án đầu tiên sẽ được triển khai ở các tỉnh Luang Prabang và Viêng Chăn. Sau khi kết thúc 18 tháng, các dự án mới sẽ được tiến hành ở các tỉnh khác.
Phát biểu tại lễ triển khai dự án, bà Khemmani đã bày tỏ sự cám ơn Chính phủ Trung Quốc về việc tài trợ cho dự án phát triển nông thôn ở Lào và chỉ đạo các nhà thầu dự án đảm bảo thực hiện dự án có hiệu quả, chất lượng cao để mang lại lợi ích cho các cộng đồng nông thôn. (Vientiane Times, 01/04/2021)
Tiến độ đường sắt đoạn qua tỉnh Luang Namtha
Ngày 7/4/2021, ông Chanthachone Keolakhon, Trưởng Ban chỉ đạo dự án đường sắt Lào - Trung cho biết, Dự án xây dựng đường sắt Lào - Trung bắt đầu từ Boten (biên giới Lào - Trung), tỉnh Luongnamtha tới thủ đô Viêng Chăn dài 409 km, trong đó đoạn đường sắt chạy qua tỉnh Luang Namtha dài 16,9 km, gồm có ga Boten là điểm xuất nhập cảnh, nhà ga Na-tơi là nhà ga trung chuyển hàng hóa; có 07 cầu và 03 hầm chui (Hữu nghị Lào – Trung; Bo-ten và Tintok).
Đến nay, các Công ty Kỹ thuật đường sắt của Trung Quốc nhận thầu hợp đồng số 1, đoạn qua tỉnh Luang Namtha đã hoàn thành tiến độ 100% 03 hầm chui, có tổng chiều dài 10.051,5m, 07 cầu và đã lắp đặt hoàn chỉnh đường ray; nhà ga Boten đã hoàn thành 45% và nhà ga Natoi đạt 73%; dự kiến sẽ hoàn thành hạng mục về hệ thống thoát nước của hai nhà ga vào tháng 10/2021 và hoàn thành trạm phát điện, mạng lưới điện cung cấp cho nhà ga Natoi và đoàn tàu vào tháng 6/2021.
Đến nay, tiến độ dự án đường sắt Lào - Trung đoạn qua Luang Namtha đạt 97%; hệ thống đường ray từ thủ đô Viêng Chăn đến Boten đã hoàn thành 324km (đến khu vực Muangxay, tỉnh Udomxay), tương đương 79,2% tổng chiều dài đường sắt. (Báo KT-XH, ngày 13/4/2021).
Lào xuất khẩu lô hàng gia súc đầu tiên sang Trung Quốc
Ngày 01/4/2021, Vientiane Times đưa tin, Lào có kế hoạch sẽ xuất khẩu lô hàng 3.000 con gia súc sang Trung Quốc dự kiến vào ngày 27, 28/4/2021.
Chủ tịch huyện Sing của tỉnh Luang Namtha Chanphiphak Kongchampa cho biết, hiện đàn gia súc xuất khẩu đang ở trung tâm kiểm dịch động vật. Hai Chính phủ Lào và Chính phủ Trung Quốc đã ký hợp đồng hợp tác về chăn nuôi gia súc để xuất sang Trung Quốc, lựa chọn huyện Sing nơi triển khai dự án. Phần lớn lượng gia súc được nhập khẩu từ Úc, được nuôi dưỡng tại dự án trước khi xuất sang Trung Quốc.
Bộ Nông Lâm Lào cho biết, tổng hạn ngạch xuất gia súc sang Trung Quốc được hai bên ký kết giai đoạn từ 2021-2023 là 500.000 con; dự kiến năm 2021 sẽ xuất 100.000 con, năm 2022 200.000 con và năm 2023 là 200.000 con.
Theo báo cáo của Chính phủ tại Đại hội Đảng lần thứ 11 gần đây, số lượng gia súc ở các trang trại của Lào đã tăng từ 1,92 triệu con vào năm 2016 lên 2,66 triệu con trong năm 2020. Năm 2016, Lào thu được 45,5 triệu USD từ việc xuất khẩu gia súc, năm 2020 tăng trên 300 triệu USD, thị trường chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc.
Để bảo đảm điều kiện xuất khẩu gia súc sang thị trường Trung Quốc, ngày 31/3/2021, Bộ Nông Lâm Lào đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn quản lý đầu tư ABC về kỹ thuật chăm nuôi, kiểm định chất lượng. Theo đó, hai bên sẽ ban hành, sửa đổi các quy định, tiêu chuẩn liên quan để nghiên cứu và quản lý các căn bệnh cho động vật ở Lào, nâng cấp phòng thí nghiệm bệnh động vật đạt tiêu chuẩn CMA và CNAS, điều tra dịch bệnh động vật, công bố hồ sơ động vật và dự đoán tăng trưởng vật nuôi. Đối với dịch vụ thú y, hai bên sẽ phát triển việc đăng ký hồ sơ động vật để kết nối với hệ thống gia súc của Trung Quốc bằng hình thức gắn số tai cho tất cả vật nuôi qua FRID. (Vientiane Times, 1,2/4/2021).
Trung Quốc đã viện trợ khẩn cấp 300 ngàn liều vắc-xin Covid-19 cho Lào
Ngày 27/4/2021, tại Bộ Y tế Lào đã tiến hành buổi lễ giao nhận 300.000 liều vắc-xin phòng bệnh Covid-19 giữa Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong, thay mặt Chính phủ Trung Quốc và Phó Thủ tướng Chính phủ Kikeo Khaykhamvithoune, thay mặt Chính phủ Lào, với sự chứng kiến của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế Lào và đại diện các đơn vị liên quan.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Kikeo, thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào có lời cảm ơn tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã kịp thời viện trợ vắc-xin để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tại Lào, đặc biệt tại thủ đô Viêng Chăn. Đây là hoạt động mang tính nhân văn và thể hiện tình hữu nghị, tình anh em, đối tác chiến lược, toàn diện, lâu dài và cùng chung vận mệnh giữa hai nước Lào-Trung Quốc, Trung Quốc-Lào ngày càng phát triển. Phó Thủ tướng Kikeo đánh giá cao nguồn viện trợ từ trước tới nay của Trung Quốc cho Lào về trang thiết bị y tế, khẩu trang, kít thử và vắc-xin Covid-19 có chất lượng tốt qua cả đường không chính thức và chính thức rất kịp thời để phòng chống Covid-19 trong suốt thời gian qua. Chính phủ Lào đã sử dụng nguồn hàng viện trợ này một cách có hiệu quả, hữu hiệu.
Nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong rất hài lòng về chuyến hàng viện trợ lần này đến đúng thời điểm dịch bệnh Civid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn nước Lào, góp phần giúp Chính phủ Lào trong công tác ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã viện trợ vắc-xin Covid-19 cho Lào đến nay là 04 đợt, với tổng số 1.403.000 liều, tương đương trị giá 1,4 triệu USD.
Gần đây nhất, ngày 04/5/2021, Trung Quốc tiếp tục viện trợ trang thiết bị y tế, cử đoàn chuyên gia sang giúp Lào chống dịch bệnh, tổng giá trị trang thiết bị khoảng 10 triệu CNY, tương đương khoảng 1,5 triệu USD. (Báo KT-XH, 28/4/2021, ĐSQVN tại Lào)
Lào-Nhật Bản
Lào, Nhật Bản cam kết tăng cường quan hệ hợp tác
Ngày 07/04/2021, Thủ tướng Phankham Viphavanh đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, hai bên cam kết sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ hợp tác về chính trị và kinh tế vì lợi ích chung của hai nước.
Qua điện đàm, hai Thủ tướng đã thảo luận về hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng, đầu tư của Nhật Bản tại Lào và hỗ trợ phát triển.
Thủ tướng Phankham bày tỏ sự sẵn sàng làm việc với Thủ tướng Suga để tiếp tục tăng cường các mối quan hệ hữu nghị và truyền thống hợp tác, đồng thời đẩy mạnh đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai bên cũng đã trao đổi về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Quan hệ giữa Lào và Nhật Bản đã phát triển mạnh từ khi hai nước nâng quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2015. Lào xem Nhật Bản là đối tác chủ chốt dựa trên lịch sử lâu đời và hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Trong cuộc điện đàm, hai bên bày tỏ hài lòng về việc kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm đối tác chiến lược giữa gai nước được tổ chức trong năm 2020. Bất chấp đại dịch Covid-19, Lào và Nhật Bản đã tổ chức kỷ niệm thành công các sự kiện lịch sử nêu trên.
Thủ tướng Phankham cám ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về sự hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Nhật Bản đã giúp Lào ứng phó với dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế.
Quan hệ Lào – Nhật Bản đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, Nhật Bản hiện là nước cung cấp viện trợ lớn nhất đối với Lào, trung bình hàng năm khoảng 90-100 triệu USD.
Năm 2017, Nhật Bản là nước đầu tư FDI lớn thứ sáu tại Lào. Tính đến năm 2020, có 165 công ty Nhật Bản đầu tư tại Lào, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế tác và xây dựng. Nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vào các đặc khu kinh tế, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Nhật Bản đóng góp lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, rà phá bom mìn chưa nổ và phát triển cộng đồng ở Lào.
Theo Văn phòng JICA, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Lào bắt đầu từ năm 1958. Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm và các cơ sở cung cấp nước tại Viêng Chăn đã được Nhật Bản tài trợ xây dựng trong những năm 1960 và 1970 đã trở thành những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ở Lào. (Vientiane Times, 08/04/2021)
HỢP TÁC LÀO-KHU VỰC
Lào-ASEAN
Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN 2021
Ngày 24/3/2021, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith dẫn đầu đoàn đại biểu nước CHDCND Lào sang tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN được tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia dưới sự chủ trì của Thủ tướng Perdana Menteri Negara Brunei Darussalam, với chủ đề của hội nghị là “Chúng ta quan tâm. Chúng ta sẵn sàng. Chúng ta thịnh vượng”.
Đây là hội nghị đầu tiên các nhà Lãnh đạo ASEAN có dịp gặp nhau kể từ khi đại dịch Civid-19 bùng phát vào cuối năm 2019. Tại hội nghị các nhà Lãnh đạo đánh giá cao sự cố gắng và là khối đoàn kết của ASEAN trong việc ngăn chặn, kiểm soát và giải quyết các tác động đến sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội; đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025; đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN; xây dựng Kế hoạch giai đoạn IV (2021-2025) của Sáng kiến Hội nhập ASEAN…Ngoài ra, tại hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN ghi nhận những biến động chiến lược phức tạp, nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế cùng sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống và những thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường các nỗ lực tập thể ứng phó với các tác động của dịch bệnh, thúc đẩy và phục hồi toàn diện và bền vững thông qua triển khai các sang kiến thiết thực như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; Khung chiến lược ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch thực hiện. Các nhà Lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí xem xét việc Thành lập hành lang đi lại ASEAN và khởi động tiến trình thành lập Trung tâm ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi…
Phát biểu tại hội nghị, Đặc phái viên, Bộ trưởng Saleumsay Kommasith đánh giá cao kết quả đã đạt của ASEAN trong thời gian qua, thúc đẩy các cơ quan liên quan của ASEAN tiếp tục tập trung khôi phục các khu vực trong ASEAN bị tác động ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, trước hết là tổ chức triển khai kế hoạch khôi phục toàn diện khu vực ASEAN; xây dựng hành lang đi lại đặc biệt ASEAN; việc chuyển đổi kinh tế số, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để có thể tiến hành hoạt động kinh doanh bằng phương thức số hóa; kết nối ASEAN; phát triển nguồn nhân lực. (Báo KT-XH, 27/4/2021)
HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
Lào-LHQ
Đoàn đại biểu Lào tham dự trực tuyến Khóa họp lần thứ 77 của Ủy ban kinh tế-xã hội Liên hợp quốc về khu vực Chấu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP)
Này 27/4/2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Bounleuy Phandanouvong cùng đoàn đại biểu Lào tham dự trực tuyến Khóa họp lần thứ 77 của UNESCAP do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi chủ trì với chủ đề “Xây dựng lại tốt hơn sau khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 thông qua hợp tác khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. Tham dự có đại biểu các quốc gia thành viên và quan sát viên đến từ quốc gia khác, Tổ chức truyền thông khu vực của Liên hợp quốc.
Đây là khóa họp thường niên để trao đổi, thảo luận về hợp tác của các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về vấn đề phát triển kinh tế-xã hội. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, năm nay hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận về việc khôi phục lại kinh tế-xã hội sau dịch bệnh; ngoài ra, hội nghị đánh giá lại việc tổ chức thực hiện các cam kết của quốc tế; phương thức hợp tác giữa các nước trong việc xử lý các ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề khác.
Tại hội nghị, thay mặt đoàn đại biểu Lào, Thứ trưởng Bounleuy coi trọng sự hợp tác đa phương trong việc sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và khôi phục lại kinh tế; khẳng định sự hợp tác của Lào đối với chương trình COVAX Fa-cilities nhằm đảm bảo cho các quốc gia có thể tiếp cận được vắc-xin và kêu gọi sự hỗ trợ tích cực tới các quốc gia có rủi ro cao từ dịch bệnh. Thứ trưởng Bounleuy đồng thuận với 04 vấn đề hợp tác cần thiết mà nhóm ký ESCAP rất quan tâm đề xuất: việc bảo vệ xã hội; việc đầu tư khôi phục kinh tế bền vững; kết nối chặt chẽ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa và việc bảo vệ môi trường; khẳng định Lào đã, sẽ hợp tác kết nối với quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 và rất cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nước bạn bè, anh em. (Báo KT-XH, 28/4/2021)
Chính phủ, LHQ hợp tác tăng cường sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước
Ngày 31/03/2021, phát biểu tại hội nghị tổ chức tại Viêng Chăn, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Lào Sara Sekkenes cho biết, các cơ quan của LHQ sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Lào để tiếp tục tăng cường thiết chế quốc gia nhằm quản lý tài chính từ các nguồn khác nhau để sử dụng một cách có hiệu lực và hiệu quả các nguồn lực sẵn có.
Các cơ quan LHQ sẽ hỗ trợ Chính phủ Lào một dự án bằng vốn viện trợ không hoàn lại trị giá trên 9,3 tỷ Kíp (01 triệu USD) từ Quỹ Phát triển Vốn của LHQ (UNCDF), UNDP, UNFPA và hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF và WHO. Dự án sẽ được thực hiện bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Y tế từ nay đến tháng 7/2022.
Dự án nhằm mục đích hỗ trợ Chính phủ Lào tiếp tục tăng cường khả năng trong việc tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có từ các khu vực nhà nước, tư nhân và quốc tế để phát triển có chất lượng, tập trung, xanh và bền vững.
Các hoạt động của dự án bao gồm triển khai cách tiếp cận có căn cứ khoa học trong việc ra quyết định phân bổ ngân sách thông qua thí điểm trong ngành y tế, triển khai phương pháp đổi mới sáng tạo cho phép chi tiêu thực tế gắn với các ưu tiên.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ KH&ĐT Phonevanh Outhavong nhấn mạnh, để đạt được 06 kết quả trong số 25 kết quả đặt ra trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải xác định những chiến lược và chính sách phù hợp nhất để sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực tài chính khan hiếm. Đồng thời, cần thiết phải đặt thứ tự ưu tiên trong các chính sách nhằm thực hiện chương trình phát triển quốc gia. (Vientiane Times, 05/04/2021)
Lào-ADB
Tiến độ 02 dự án ven sông Mekong tại tỉnh Luang Namtha
Ngày 26/3/2021, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Namtha Khamlay Sipaseuth chủ trì đoàn tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện dự án phát triển khu đô thị ven sông Mekong tại tỉnh Luang Namtha từ nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).
Dự án phát triển đô thị dọc theo khu vực Tiểu vùng sông Mekong tại hai huyện của tỉnh Luang Namtha được triển khai từ nguồn vay ADB với tổng kinh phí là 52 triệu USD, thời gian thực hiện dự án từ 2016-2021, chia làm 07 dự án thành phần; đến nay, 01 dự án mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom rác thải đã hoàn thành tiến độ 100%; 06 dự án đang tích cực triển khai để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra cho năm 2021.
Tại thực địa, Tư vấn trưởng Nhóm nghiên cứu TMS 2 Chery Manoul và Tư vấn trưởng nhóm nghiên cứu tỉnh Luang Namtha Thanousin Indavong cho biết tiến độ của dự án phát triển đô thị ven sông khu vực Tiểu vùng sông Mekong tại hai đô thị huyện Luang Namtha, tỉnh Luang Namtha do Công ty xây dựng Khamphong group là nhà thầu thực hiện các dự án: cải tạo tuyến đường và hệ thống thoát nước trong thời gian 18 tháng, đạt tiến độ 54,2%; dự án xây dựng cầu vượt sông Tha và đường dẫn lên cầu đạt tiến độ 78,70%; dự án cải tạo công viên công cộng, chợ đêm và sân vận động có mái che đạt 61,9% tiến độ; dự án cải tạo hệ thống nước thải và hồ chứa nước thải đạt 30,46%; dự án xây dựng khu chứa rác thải của tỉnh Luangnamtha đạt 74,8% tiến độ; dự án.
Trong đợt kiểm tra, Tỉnh trưởng Luang Namtha đã chỉ đạo các đơn vị liên quan của tỉnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà nhà thầu và các công ty xây dựng đang gặp phải nhằm đảm bảo tiến độ công trình đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra. (Báo KT-XH, 30/3/2021)
BẠN CẦN BIẾT
Năm qua kinh tế Lào thiệt hại hơn 4,6 nghìn tỷ Kíp do tai nạn
Ngày 31/3/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Cục trưởng Cục Vận tải, Bộ Công chính và vận tải Lào, Thư ký Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông đường bộ Bounta Onavong đã chủ trì phát động tuần lễ quốc gia về an toàn giao thông năm 2021 lần thứ 6 dưới chủ đề “Khi điều khiển xe phải thắt dây an toàn giao thông. Tham dự cuộc vận động có Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ An ninh Phosi Souphanatoune, Phó Cục trởng Cục Tuyên truyền, Bộ Thông tin, văn hóa và du lịch Bounthap Souliyo và các khách mời.
Tại buổi phát động, Cục trưởng Bounta Onavong cho biết, tình hình tai nạn giao thông trên tuyến đường bộ có tỷ lệ ngày một tăng cao, gây thiệt hại đáng kể về người, tài sản và làm sụt giảm sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức vệ sinh an toàn thế giới cho biết hàng năm tai nạn đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người, làm bị thương hơn 23 triệu, kéo tăng trưởng GDP tụt giảm 3%, tương đương 2,5 nghìn tỷ USD. Đối với Lào, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trung bình hàng năm số người chết do tai nạn giao thông đường bộ khoảng 1.000 người, bị thương khoảng 8.000 người, thiệt hại về kinh tế khoảng 500 triệu USD/năm, tương đương hơn 4,6 nghìn tỷ Kíp.
Ngày 02/4/2021, Tổng Cục cảnh sát giao thông cho biết, năm 2020 số vụ tai nạn xảy ra là 6.774 vụ, làm chết 1.031 người, bị thương 4.500 người, nguyên nhân chủ yếu do say rượu bia, người ngồi trên xe không thắt dây an toàn, chạy quá tốc độ quy định, chuyển làn đường không bật đèn báo hiệu, kỹ thuật xe không đảm bảo khi vận hành. Riêng trong mấy tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 156 vụ tai nạn, làm chết 190 người, bị thương 781 người, 36 phương tiện hư hỏng hoàn toàn, tương đối nặng là 1.445 chiếc và nhẹ là 826 chiếc.
Hàng năm, tổ chức phát động về an toàn giao thông là rất cần thiết, quan trọng nhằm kêu gọi các cá nhân trong toàn xã hội hiểu và có ý thức trong việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ nhằm giữ gìn mạng sống con người, tài sản và kinh tế quốc gia. (Báo KT-XH, 01/4/2021)
Ký thỏa thuận phát triển Dự án điện mặt trời tại 2 tỉnh Sekong và Champasak
Ngày 06/4/2021, thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào Khamchan Vongsenboun đã ký thỏa thuận phát triển dự án (PDA) điện năng lượng mặt trời tại huyện Lamam tỉnh Sekong và huyện Khong và huyện Pathoumphone, tỉnh Champasak với Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Quốc gia Xaythani Chanthavongsa. Tham dự có đại diện Chính quyền các tỉnh Sekong, Champasak và các khách mời.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Xaythani Chanthavongsa cho biết, việc ký kết hợp đồng phát triển nguồn năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đúng với chủ trương mà Chính phủ đã định hướng, ưu tiên nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường sinh thái, hướng đến sự phát triển bền vững. Hai dự án điện năng lượng mặt trời trên đang được nhà đầu tư hoàn tất các hạng mục FS, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiến hành lắp đặt thiết bị. Đây là dự án mà nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, hiện đang có một số công ty của Việt Nam mong muốn được tham gia đầu tư.
Dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Lamam tỉnh Sekong có công suất lắp đặt 500 MW, tại huyện Khong và huyện Pathunphone tỉnh Champasak có công suất lắp đặt 80 MW, khi hoàn thành, đi vào vận hành sản xuất, dự kiến điện sẽ được bán sang Việt Nam qua hệ truyền tải và đấu nối đã được Chính phủ hai bên thống nhất. Dự án sẽ tạo thêm nguồn thu nhập đóng góp vào ngân sách nhà nước và hỗ trợ hai tỉnh Sekong và Champasak trong thời gian tới đây. (Báo KT-XH, ngày 09/4/2021)
Khai trương dịch vụ vận tải Logistics khu vực Nam Lào
Ngày 20/3/2021, tại tỉnh Champasac, lễ khai trương dịch vụ vận tải Logistics khu vực Nam Lào của Công ty TNHH một thành viên AIDC LOGISTICS được tổ chức. Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasac Vilayvong Boudakham, đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh Champasak và các đại biểu khách mời từ 04 tỉnh Nam Lào tham dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên AIDC LOGISTICS Peuthsapha Phoumasak cho biết, công ty đã tìm hiểu từ các công ty trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực như: xây dựng hạ tầng, năng lượng, bất động sản, thương mại và tìm thấy cơ hội mới đầu tư về lĩnh vực dịch vụ giao thông vận tải tại Lào. Để triển khai dịch vụ Logistics, giai đoạn đầu công ty đã đầu tư 25 phương tiện vận tải với tổng giá trị đầu tư khoảng 03 triệu USD; theo kế hoạch dự kiến, số phương tiện sẽ được nâng lên 120 chiếc vào giữa năm 2021 với tổng giá trị đầu tư khoảng trên 10 triệu USD và sẽ đạt 500 chiếc trong giai đoạn 05 năm 2021-2025.
Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Vilayvong Boudakham khẳng định, hoạt động của AIDC LOGISTICS là cơ sở thúc đẩy phát triển dịch vụ giao thông vận tải cho Champasak và khu vực Nam Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa khu vực Nam Lào với các tỉnh thành trong nước, đặc biệt là đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang các nước láng giềng và quốc tế. Việc hình thành dịch vụ vận tải Logistics sẽ hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất và nông dân vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa được sản xuất ra nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Phương thức vận tải này được hình thành và định hướng phát triển theo chuẩn mực chất lượng quốc tế ISO 9001 về vận tải. (Báo KT-XH, 22/3/2021)
Xayabuly khảo sát và xây dựng 22 nhà máy sản xuất điện
Ngày 01/4/2021, Sở Năng lượng và Mỏ, tỉnh Xayabuly tiến hành tổng kết kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2020 và phương hướng thực hiện năm 2021 do Giám đốc Khamlek Keovilayphone chủ trì với sự tham gia của các đại biểu, khách mời.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Khamlek Keovilayphone cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên toàn tỉnh có 22 dự án đầu tư về lĩnh vực sản xuất năng lượng, với tổng công suất thiết kế khoảng 6.867,2 MW; trong đó, cấp trung ương cấp phép 09 dự án, có tổng công suất là 6.794 MW, tỉnh cấp phép 13 dự án, tổng công suất lắp đặt là 73,2 MW. Hiện có 02 nhà máy đã đi vào sản xuất điện, đạt 14.471,11 GWh; đang triển khai xây dựng 01 dự án quy mô nhỏ, với công suất thiết kế 15 MW; đang chuẩn bị xây dựng và nghiên cứu khả thi về kinh tế, kỹ thuật 16 dự án, dự kiến có tổng công suất thiết kế là 3.689,2 MW; thu hồi 03 dự án không đạt hiệu quả kinh tế. Hiện tại tỉnh có 05 trạm biến thế 115/34, 5/22 kV và sẽ lắp đặt thêm 02 trạm vào năm 2021, hệ thống đường dây truyền tải 115 kV dài 488,39 km, 22 kV dài 2.176, 381 km và mạng lưới truyền tải công suất 0,4 kV dài 1.131,121 km.
Cho đến năm 2020, trên toàn tỉnh, điện lưới đã được cung cấp tới 429 bản, đến 77.642 hộ, đạt 98,40% số hộ sử dụng điện, tăng 891 hộ, tương đương 1,14 % so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, có 423 bản sử dụng từ hệ thống truyền tải Điện lực Lào, còn lại 06 bản sử dụng từ nguồn điện do các nhà máy công suất nhỏ sản xuất. (Báo KT-XH, 02/4/2021)
Tỉnh Bolikhamxay kiểm tra 137 mục tiêu, phát hiện thiệt hại hơn 300 tỷ Kíp
Hội nghị công tác kiểm tra toàn tỉnh Bolikhamxay giai đoạn 5 năm (2016-2020) và tổ chức triển khai nội dung tinh thần của Hội nghị công tác kiểm tra toàn quốc 5 năm (2016-2020) diễn ra vào ngày 02/4/2021 dưới sự chủ trì của đồng chí Souvanny Xaysana, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bolikhamxay. Tham dự có các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban kiểm tra Tỉnh ủy, Ban kiểm tra Huyện ủy của 07 huyện và các cơ quan hữu quan.
Đồng chí Sengduon Bolichak, Phó Chủ tịch Ban kiểm tra Tỉnh ủy đã đánh giá công tác tổ chức thực hiện trong 05 năm qua gồm các nội dung: theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ tỉnh Bolikhamxay và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; kiểm tra nội dung sửa đổi về công tác xây dựng cơ sở đảng vững mạnh, lãnh đạo toàn diện trong giai đoạn vừa qua và công tác xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết giai đoạn tới.
Qua công tác theo dõi, kiểm tra nhận thấy, Đảng bộ các cấp đã tổ chức nghiên cứu quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X với tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu theo hướng pháp luật, là kế hoạch, dự án cụ thể được cấp ủy chỉ đạo thực hiện thành công trên nhiều phương diện; đã thay đổi phương thức làm việc cho phù hợp với nguyên tắc của Đảng. Đảng ủy và phần lớn đảng viên giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có trách nhiệm cao trong nhiệm vụ chính trị được giao, việc sửa đổi xây dựng đảng theo 5 nguyên tắc, 3 phương hướng chỉ đạo của Đảng đã xây dựng tổ chức đảng, đảng viên trưởng thành và phát triển cả về chất và lượng.
Ban kiểm tra đã theo dõi, kiểm tra 183 chương trình mục tiêu, trong đó, kiểm tra theo chỉ thị số 15/TTg gồm 16 chương trình; kiểm tra kết quả thanh tra 96 chương trình (phát hiện 31 trường hợp bị thất thoát); kiểm tra 17 chương trình theo đề nghị của Chính quyền tỉnh, phát hiện 8 chương trình bị thất thoát và kiểm tra các dự án đầu tư công, phát hiện thất thoát 364 tỷ Kíp, 1.800 USD, 4,31 triệu Baht, thu về được 14,84 tỷ Kíp, 1.800 USD, 1,43 triệu Baht; xử lý tồn đọng vốn 727,47 triệu Kíp, giải quyết âm giá trị dự án giảm 49,3 tỷ Kíp; thu về được 1,24 tỷ Kíp, 2,88triệu Baht và còn âm giá trị dự án 298,3 tỷ kip.
Ngoài ra, đoàn còn kiểm tra 25 dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư từ 10 tỷ Kíp trở lên và 46 dự án có tổng mức đầu tư dưới 10 tỷ Kíp. (Báo KT-XH, 08/4/2021)
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trịnh Thị Tâm
Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa, Hà Bảo Trâm