TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX
Ngày 26/03/2021, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa IX, sau 5 ngày làm việc đã bế mạc với kết quả bầu ra các chức danh lãnh đạo nhà nước và phê chuẩn các chỉ tiêu phát triển.
Các đại biểu QH đã thông qua các nghị quyết của Kỳ họp, bầu nguyên Thủ tướng Thongloun Sisoulith giữ chức Chủ tịch nước Lào; nguyên Chủ tịch QH Pany Yathotou và nguyên Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước; nguyên Phó Chủ tịch Phankham Viphavanh giữ chức Thủ tướng CP thay ông Thongloun; Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước Xaysomphone Phomvihane giữ chức Chủ tịch QH.
Kỳ họp đã phê chuẩn báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8 giai đoạn 2016-2020. Trong 5 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,8%, không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Lào đã thành công trong việc đạt được 02 trong 03 tiêu chí yêu cầu để thoát khỏi địa vị của một nước kém phát triển (LDC). Năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 2.664 USD. Hộ gia đình nghèo đã giảm xuống còn 62.384 hộ, tương đương 5,16% tổng số hộ gia đình.
Kỳ họp cũng đã phê chuẩn Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP trung bình hàng năm tối thiểu là 4%. Vào năm 2025, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đặt ra là 2.880 USD và thu nhập quốc dân bình quân đầu người đạt 2.280 USD. Các chỉ tiêu chính khác được đặt ra cho giai đoạn 5 năm tới bao gồm: (i) tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 2,5%; (ii) công nghiệp và thương mại là 4,1%; dịch vụ là 6%; hải quan và thuế là 5,8%.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9 cũng đặt mục tiêu đưa Lào thoát khỏi địa vị LDC vào năm 2025 và phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình đến trung bình cao vào năm 2030.
Các văn kiện khác được Kỳ họp QH phê chuẩn bao gồm báo cáo tinh hình thực hiện kế hoạch 5 năm vừa qua và nhiệm vụ 5 năm tiếp theo của Viện Kiểm sát Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Nhà nước. Đồng thời, QH cũng đã thông qua kế hoạch xây dựng và sửa đổi các luật trong nhiệm kỳ QH khóa IX. (Vientiane Times, 29/03/2021)
Chính phủ nỗ lực khống chế nợ quốc gia
Ngày 30/03/2021, theo Vientiane Times, mặc dù khó khăn về tài khóa, từ năm 2017, Chính phủ đã thanh toán trên 11 nghìn tỷ Kíp nợ đọng đối với doanh nghiệp tích tụ trong nhiều năm qua.
Việc thanh toán nợ được thực hiện dưới dạng tiền mặt và qua sáng kiến giải ngân nợ ba bên, theo đó, Chính phủ chuyển nợ đối với doanh nghiệp sang các ngân hàng thương mại. Con số thanh toán 11 nghìn tỷ Kíp này chiếm 90% tổng nợ đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Báo cáo tại Kỳ họp thứ nhất QH khóa IX, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực hạn chế số lượng các dự án mới không đảm bảo hiệu quả kinh tế lớn. Chính phủ sẽ thanh tra và rà soát các dự án để xác định dự án nào nên tiếp tục và dự án nào nên dừng. Chính phủ sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án phát triển của nhà nước thông qua đối tác công – tư (PPP), đặc biệt là các dư án xây dựng đường sá, hệ thống thủy lợi và các dự án công ích khác. Điều đó sẽ thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào phát triển, giảm gánh nặng nợ đối với ngân sách nhà nước. Một số dự án đã được triển khai bằng hình thức PPP.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã công bố, việc thực hiện các dự án đầu tư nhà nước phải tuân thủ pháp luật, số lượng các dự án không được phê duyệt đúng thẩm quyền và dự án do tư nhân ứng vốn sẽ bị hạn chế.
Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề nợ đối các chủ nợ chính bằng cách chuyển nợ thành vốn, bao gồm việc cấp tô nhượng sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong 5 năm qua, Chính phủ đã cố gắng giảm gánh nặng nợ bằng cách cắt giảm đầu tư vào các dự án không thực sự cần thiết; chuyển nợ thành vốn, bán tài sản nhà nước và bán cổ phần trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. (Vientiane Times, 30/03/2021)
Lào đã vượt qua tình trạng quốc gia nội địa và thúc đẩy tăng trưởng như thế nào
Lào là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Từ năm 2010 đến 2018, Lào có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về xuất khẩu cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Việt Nam. Điều này càng đáng chú ý vì đây là quốc gia lục địa (không có biển) duy nhất tại Đông Nam Á: khoảng 80% thương mại thế giới là qua đường biển; thương mại của các quốc gia nội địa chậm hơn nhiều (từ 9%-130%) và đắt hơn nhiều (từ 8% - 250%).
Lào đã chủ động thiết lập các mạng lưới kinh tế-thương mại bằng cách tham gia các thỏa thuận hội nhập khu vực và tự do thương mại. Điều này gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế và khu vực rằng Lào mở cửa về kinh tế và chính trị và cam kết với cải cách trong nước. Năm 1991, Lào ký Hiệp định thương mại khu vực với Thái Lan và trở thành thành viên của Khu vực tự do thương mại ASEAN sau khi gia nhập tổ chức này năm 1997. Là thành viên ASEAN, Lào tham gia hàng loạt hiệp định thương mại khu vực với các thành viên là Trung Quốc (2007), Nhật Bản (2008), Hàn Quốc (2008), Úc, New Zealand và Ấn Độ (2011). Đồng thời, Lào chủ động tham gia Hiệp định Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (APTA) với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Sri Lanka năm 1975.
Lào đã khai thác thành công tiềm năng thương mại của các hiệp định này. Năm 2018, 05 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào bao gồm Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Ấn Độ. Tăng trưởng xuất khẩu theo CAGR 8 năm sang Thái Lan tăng 13%, sang Trung Quốc tăng 27% và sang Việt Nam tăng 28%. Đây cũng là các quốc gia quá cảnh lớn nhất của Lào. Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn gần gũi về địa lý trong khuôn khổ các thỏa thuận thương mại hay hội nhập khu vực đương nhiên là điều đáng chú ý song không phải quá ngạc nhiên.
Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường xa xôi đáng quan tâm hơn nhiều. Tăng trưởng xuất khẩu CAGR sang Nhật đạt 16%, sang Ấn Độ đạt 156%. Dù các nước này chỉ chiếm chưa đến 5% kim ngạch xuất khẩu của Lào năm 2018, nhưng thành công của việc tăng trưởng xuất khẩu tới các thị trường ngoài các nước láng giềng trực tiếp trong bối cảnh là quốc gia nội địa là điều hiếm có.
Lào đã tận dụng tốt các cơ hội để tăng trưởng thương mại và đa dạng hóa thương mại trong một môi trường thương mại ngày càng hiệu quả. 5 trong 8 hiệp định thương mại của Lào bao gồm cả thương mại hàng hóa và dịch vụ. Lào cũng đang trong quá trình thực thi Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO. Lào đã áp dụng công nghệ trong thuận lợi hóa thương mại. Để nâng cao hiệu suất của hải quan, Lào đã thiết lập Hệ thống tự động cho dữ liệu hải quan tại 24 cửa khẩu. Đây là cơ chế tiết kiệm chi phí và thời gian quan trọng đối với lưu chuyển hàng hóa qua biên giới nói chung, song là điều then chốt xét đến tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trong thương mại quốc tế của Lào.
Lào đã lập các kênh đầu tư vào nâng cấp hạ tầng và năng lực sản xuất. Khu vực sản xuất của Lào tăng trưởng CAGR 8 năm đạt 7%, khu vực dịch vụ đạt 12% CAGR 2010-2018. Lào đang tham gia vào Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc với dự án đường sắt Lào – Trung, sẽ giúp tăng cường mạng lưới xuất nhập khẩu vốn đã mạnh của Lào với các đối tác lớn và quan trọng nhất là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Các dự án hạ tầng quan trọng khác trong đó có cao tốc Viêng Chăn – Boten sẽ khiến di sản thế giới Luang Prabang trở nên dễ tiếp cận hơn đối với du khách. Việc nâng cấp các kết nối hạ tầng cùng với việc tăng cường năng lực sản xuất sẽ đặt Lào vào vị trí mạnh mẽ để mở rộng hơn nữa sự hội nhập kinh tế trong khu vực rộng lớn hơn. Lào cũng đã thành công trong đa dạng hóa nền kinh tế dựa vào tài nguyên. Chỉ số công nghiệp cạnh tranh (CIP) của Lào tăng 4% CAGR 8 năm, đã bác bỏ cái gọi là “lời nguyền tài nguyên”: quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và không có khả năng mở rộng khu vực kinh tế giá trị gia tăng.
Lào vẫn còn cơ hội để tăng trưởng hơn nữa, bao gồm việc tăng cường thu hút FDI. Đưa vào thực tế các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và sở hữu trí tuệ là điều thiết yếu để thu hút FDI và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Các chính sách cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các sáng kiến của doanh nghiệp để thiết lập doanh nghiệp số. Điều này đòi hỏi phải có các quy định phù hợp và hạ tầng vật chất để nâng cao tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và internet. Lào cũng cần tiếp tục đa dạng hóa các đối tác thương mại và đa dạng hóa nền kinh tế. Các cơ hội này cần được nhìn nhận trên cơ sở các kết quả tích cực mà Lào đã đạt được. Dù là một quốc gia lục địa, Lào đạt tăng trưởng xuất khẩu CAGR 8 năm ở mức 15%, GDP 12% và GNI đầu người 10%. Có thể trông đợi Lào sẽ vượt qua các thách thức tăng trưởng tương lai. Đây là một ví dụ lớn về việc “một cỗ máy nhỏ có thể làm gì”. (Eastasiaforum.org ngày 06/3/2021)
Lào dự kiến đưa đất nước thoát khỏi địa vị của một nước kém phát triển vào năm 2026
Ngày 02/03/2021, Vientiane Times dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith cho biết, trong kỳ xét danh sách Các nước Kém phát triển (LDCs) của Ủy ban Chính sách Phát triển của LHQ, Lào được khuyến nghị kéo dài thêm 5 năm chuẩn bị đến năm 2026.
Việc tốt nghiệp địa vị LDC là mục tiêu dài hạn của Chính phủ Lào đặt ra từ năm 2020 thông qua việc cam kết mạnh mẽ và nhất quán trong quá trình thực hiện các Kế hoạch Phát triển Kinh tế-xã hội quốc gia. Việc ra khỏi sách LDC không có nghĩa là không còn đói nghèo, nhưng phải đạt được những thành tựu lớn trong nhiều lĩnh vực. Quyết định của Ủy ban Chính sách Phát triển của LHQ mở đường cho giai đoạn chuẩn bị thuận lợi trước khi tốt nghiệp LDC.
Năm nay, Ủy ban đã cân nhắc những tác động của đại dịch Covid-19 đối với tiến độ phát triển và đã khuyến nghị kéo dài thời gian chuẩn bị. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có sự tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi.
Điều phối viên Thường trú LHQ tại Lào Sara Sekkenes nhấn mạnh, tốt nghiệp khỏi LDC là mục tiêu phát triển của Lào trong nhiều năm, được đặt ra trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia và ưu tiên chính sách. Vì vậy, rất đáng khích lệ khi thấy tiến bộ mà đất nước đã đạt được thể hiện qua hàng loạt các chỉ tiêu bất chấp những thách thức phải đối mặt, bao gồm sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Việc gia hạn thời gian chuẩn bị đối với Lào là cần thiết.
Ủy ban Chính sách Phát triển của LHQ, cơ quan trực thuộc của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của LHQ, xem xét danh sách LDC 03 năm một lần để kiến nghị Hội đồng và Đại hội đồng LHQ quyết định đưa nước nào vào hoặc ra khỏi danh sách LDCs.
Hiện nay trên thế giới có 46 quốc gia nằm trong danh sách LDCs. Việc xem xét căn cứ vào các tiêu chí định lượng – Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người; Chỉ số Tài sản con người và Chỉ số dễ bị tổn thương về kinh tế và môi trường và thông tin bổ sung đặc thù của mỗi nước. (Vientiane Times, 02/03/2021)
Tình hình hoạt động của các khu kinh tế đặc biệt tại Lào
Theo báo cáo của Văn phòng khuyến khích và quản lý Khu kinh tế đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, khu kinh tế đặc biệt (KKTĐB) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội Lào trong những năm vừa qua.
Báo cáo cho biết, từ năm 2003-2021, Lào đã quy hoạch phát triển được 12 KKTĐB trên toàn quốc bao gồm: Savan-Seno, Boten-Denngam, Tam giác vàng, Khu Công nghiệp và Thương mại Viêng Chăn-Nonthong, Phoukhieu, Khu phát triển hỗn hợp Saysettha, Đầm Thatluang, Dongphousi, Long Thành-Viêng Chăn, Thakhec, Champasak, Luang Prabang. Có 1.044 công ty đã đầu tư vào các KKTĐB trên, với tổng vốn đầu tư khoảng 40,112 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 6,558 tỷ USD; đóng góp nghĩa vụ đối với Chính phủ Lào đạt khoảng trên 432 tỷ Kíp; tạo được 36.686 việc làm; giá trị nhập khẩu và xây dựng hạ tầng cơ sở đạt khoảng trên 4,69 tỷ USD; xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa đạt khoảng 2,065 tỷ USD. Riêng năm 2020, thu hút được 136 nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư trên 3,663 tỷ USD, nộp nghĩa vụ đối với nhà nước đạt gần 83 tỷ Kíp.
Trong số 12 KKTĐB, đứng đầu trong việc nộp nghĩa vụ đối với nhà nước Lào là khu Tam giác vàng, đạt trên 16 tỷ Kíp, tiếp đến là khu Boten-Denngam đạt trên 8,25 tỷ Kíp, còn lại các khu khác đang từng bước phát triển và có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội Lào. (VP Quản lý KKTĐB, 30/3/2021)
Đại dịch Covid-19 có thể đảo ngược tiến bộ giảm nghèo ở Lào
Theo kết quả khảo sát chi tiêu và tiêu dùng ở Lào do Trung tâm Nghiên cứu chính sách phát triển (Bộ KH&ĐT), EU, UNDP, UNICEF và UNFPA phối hợp thực hiện, do hậu quả của đại dịch Covid-19, khoảng 10% dân số có khả năng sẽ rơi trở lại vào diện nghèo.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 06/2021 cho thấy, tỷ lệ nghèo quốc gia đã giảm xuống còn 23,2% hiện nay (từ mức 33,5% năm 1992-1993), tuy nhiên, khoảng 80% dân số của Lào vẫn sống sát ngưỡng cận nghèo (thu nhập dưới 2,50 USD/ngày). Điều này có nghĩa là, xác suất 10% dân số sẽ có nguy cơ rơi trở lại vào diện nghèo, tác động của dịch Covid-19 càng làm cho vấn đề trầm trọng hơn.
Nghèo có xu hướng tập trung ở các vùng nông thôn nơi có nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số sinh sống. Ở các hộ gia đình, nơi đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nghèo có có thể chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác theo 02 cách. Thứ nhất, vì khó khăn, người bảo hộ buộc phải giảm chi tiêu vào giáo dục và y tế cho trẻ em. Vì trọng tâm của giáo dục là nhằm để tăng năng suất lao động và tìm kiếm việc làm trong nền kinh tế chính thức, cú sốc dịch bệnh có thể làm tăng số lượng trẻ em phải trải qua nghèo đa chiều và dễ rơi vào bẫy nghèo. Trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo thường phải đối mặt với nhiều thiệt thòi như suy dinh dưỡng, bệnh tật và vốn xã hội hạn chế. Vì vậy, nghèo có xu hướng tự sinh ra nghèo.
Thứ hai, hiện tượng khá phổ biến để đối đầu tổn thất là bán tài sản gia đình như đất đai, gia súc và trang thiết bị. Cách làm này thường khó đảo ngược tình thế vì làm giảm khả năng đương đầu với khó khăn trong tương lai; do đó, làm tăng thêm khả năng dễ đổ vỡ.
Báo cáo khuyến nghị Chính phủ cần có hỗ trợ khẩn cấp cho tất cả hoặc những hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất để giảm thiểu cái giá phải trả đối với tăng trưởng và phát triển quốc gia trong dài hạn.
Tác động của dịch Covid-19 là sâu rộng, ảnh hưởng lên tất cả mọi người, kể cả những người khá giả. Tuy nhiên, tối thiểu Chính phủ cũng nên hỗ trợ tiền mặt cho những người đang sống dưới hoặc cận nghèo.
Các đối tác phát triển được khuyến nghị tăng cường khả năng ứng phó của Chính phủ theo nhiều cách, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để thiết kế và thực hiện chuyển giao tiền mặt khẩn cấp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nhóm người dễ bị tổn thương nhất- phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, người già, dân tộc thiểu số và các hộ di cư. (Vientiane Times, 10/03/2021)
Sản phẩm chè của Lào có được thị trường ngách ngày càng tăng ở các thị trường phương Tây
Báo Vientiane Times ngày 01/3/2021 đưa tin, chè trồng ở Lào đã sang được thị trường ngách ở các nước phương Tây do sản phẩm của Lào có nguồn gốc tin cậy và còn hoang sơ.
Ngày 26/02/2021, hội thảo về sự phát triển của ngành chè Lào được tổ chức tại Viêng Chăn để giới thiệu “Dự án chè Mekong”. Đại sứ Pháp tại Lào Florence Jeanblanc-Risler, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Linkham Duangsavanh đồng chủ trì, với sự tham dự của các quan chức chính phủ và đại biểu liên quan.
Theo bà Anna-Maria Phayouphorn, chuyên gia Dự án Chè Mekong cho biết, ở phương Tây nhu cầu về sản phẩm chè độc lạ, chất lượng, thân thiện môi trường và sạch từ những nguồn nhập khẩu ngày được nhiều người mua tìm kiếm; vì thế, Lào là quốc gia có tiềm năng phát triển về lĩnh vực này đối với doanh nghiệp nhỏ, góp phần tăng trưởng kinh tế. Hiện ngành chè của Lào vẫn chưa được coi trọng, chưa được hiện đại hóa trong sản xuất, phần lớn sản phẩm được sản xuất theo phương thức truyền thống nên năng suất thấp. Với tiềm năng về đất đai, loại chè có chất lượng cao là điểm mạnh tạo cơ hội cho chè của Lào có vị trí trên thị trường quốc tế. Nếu quản lý tốt, chế biến trà hoang dã và trồng rừng sinh thái nông nghiệp có thể bảo vệ rừng già, phục hồi, tăng cường đa dạng sinh học, tăng cường hấp thụ các-bon trong đất và có thể được xem là nông nghiệp tái sinh, chủ động góp phần vào mục tiêu phát triển quốc gia và toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Linkham, ngành chè của Lào đang phát triển và ngày càng góp phần vào tăng trưởng kinh tế, phù hợp với chính sách của chính phủ về tăng trưởng xanh và phát triển nông nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Dự án Chè Mê-kông được Chính phủ Pháp ký thỏa thuận với Chính phủ Lào vào tháng 3/2019, với mức tài trợ 1,5 triệu Euro (gần 17 tỷ Kíp) thông qua Cơ quan phát triển Pháp, thời gian thực hiện 03 năm, giai đoạn từ 2019-2022. Địa điểm triển khai tại huyện Xaysathan, tỉnh Xayabury và quận Meung, tỉnh Bokeo nhằm mục đích là tăng thu nhập cho các hộ nông dân nghèo bằng việc xây dựng chuỗi giá trị từ nguồn gốc sản phẩm đến thị trường tiêu thụ với chứng nhận sản phẩm chất lượng cao. Dự án hy vọng sẽ tạo được mô hình tổ chức sản xuất bền vững, ngành chè sẽ trở thành một nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy cải cách phương thức quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Dự án Chè Mê-kông được thực hiện bởi Vụ Nông nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm với hỗ trợ kỹ thuật của AVSF nhằm hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo từ năm 1977, triển khai tại Lào từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2022. (Vientiane Times, 01/3/2021)
Chính phủ cải tiến công tác quản lý xuất khẩu gỗ
Báo Vientiane Times ngày 01/3/2021 đưa tin, Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan chứng nhận, giám sát, kiểm tra các sản phẩm gỗ theo quy định tại Chỉ thị số 12 của Thủ tướng.
Thời gian qua, việc chứng nhận, giám sát các sản phẩm gỗ xuất khẩu không được các ngành chức năng thực hiện đồng bộ và có nhiều mâu thuẫn; mặc dù các sản phẩm xuất khẩu đã được kiểm tra, chứng nhận trước khi xuất xưởng, trong quá trình vận chuyển và tại thời điểm trước khi xuất khẩu vẫn bị các lực lượng chức năng kiểm tra, gây sự chậm trễ.
Vấn đề trên thể hiện việc thực hiện thiếu nghiêm túc, không đúng mục tiêu của Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm giảm chi phí và thời gian xuất khẩu sản phẩm, gây mất thời gian và tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên để việc thực thi chỉ thị được nghiêm túc, hiệu quả, Bộ Công Thương đã đưa ra hai giải pháp lựa chọn: (i) các ngành chức năng sẽ kiểm tra, ký thỏa thuận và cho phép hoặc chứng nhận xuất khẩu sản phẩm gỗ trước khi vận chuyển ra khỏi nhà máy, không được kiểm tra hàng hóa trên đường vận chuyển đến biên giới, trừ trường hợp có vấn đề bất thường; (ii) không thực hiện kiểm tra sản phẩm tại nơi sản xuất, sẽ kiểm tra tại biên giới.
Thống nhất áp dụng một trong hai phương pháp trên hy vọng sẽ hạn chế được các mâu thuẫn trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 12, giúp đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư tại Lào. (Vientiane Times, 01/3/2021)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Chính phủ ký hợp đồng nhượng quyền với EDL-T
Ngày 14/03/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng KH&ĐT Sonexay Siphandone, Phó Chủ tịch Tập đoàn Mạng lưới Điện Nam Trung Hoa (CSG) Zhang Wenfeng, Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong cùng các quan chức từ các Bộ KH&ĐT, Bộ Năng lượng và Mỏ đã tham dự lễ ký kết hợp đồng nhượng quyền giữa Chính phủ Lào và Công ty Truyền tải điện Lào (EDL-T), một liên doanh giữa CSG và Tổng Công ty Điện lực Lào (EDL).
Theo hợp đồng ký kết, EDL-T được trao quyền, dưới sự giám sát của Chính phủ Lào, vận hành mạng lưới điện quốc gia; tiến hành đầu tư, xây dựng và vận hành các mạng lưới điện 230 KV trở lên tại Lào; thực hiện các dự án kết nối mạng lưới điện giữa Lào và các nước láng giềng.
Dự kiến, EDL-T sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân thông qua việc đảm bảo truyền tải điện an toàn và bền vững. EDL-T sẽ giúp phát huy tiềm năng thủy điện, chuyển nguồn tài nguyên nước thành lợi ích kinh tế và xây dựng Lào trở thành bình điện của Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Khamchan Vongsanaboun cho biết, dự án được Chính phủ ưu tiên, đánh giá cao và việc ký kết hợp đồng nhượng quyền này được xem là một thắng lợi lớn.
EDL-T sẽ tạo điều kiện quản lý và vận hành một cách có hệ thống mạng lưới điện quốc gia, cung cấp điện một cách ổn định hơn, cho phép phát triển công nghiệp quy mô lớn ở Lào; giúp tăng cường xuất khẩu điện sang các nước láng giềng và các nước Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS), qua đó trực tiếp mở rộng phát triển ngành điện lực.
Đại sứ Jiang Zaidong ca ngợi việc ký kết hợp đồng, cho rằng với vai trò là trụ cột của ngành công nghiệp, điện lực là yếu tố then chốt trong xây dựng Cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Lào, sẽ có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc thiết lập EDL-T có ý nghĩa đòn bẩy khơi dậy sức mạnh của cả hai bên, hy vọng các doanh nghiệp sẽ hợp tác chặt chẽ và sớm triển khai vận hành một cách có hiệu quả. "Đây sẽ là một ví dụ điển hình của quan hệ hữu nghị Trung Quốc – Lào, góp phần kỷ niệm Năm Hữu nghị Trung Quốc – Lào 2021, một đóng góp quan trọng cho việc xây dựng Cộng đồng Cùng chung Vận mệnh Trung Quốc – Lào", ông Jiang Zaidong nói.
Phát biểu tại lễ ký, ông Zhang Wenfeng nhấn mạnh, trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích và hợp tác cùng thắng, CSG và EDL đã có quan hệ hợp tác lâu dài, sâu rộng và sẽ tiếp tục phát huy các mối quan hệ hợp tác hữu nghị này. CSG sẽ hợp tác với EDL để triển khai các công việc liên quan đến EDL-T, tối ưu hóa việc xây dựng và nâng cao năng lực vận hành an toàn và ổn định mạng lưới truyền tải điện của Lào. (Vientiane Times, 15/03/2021)
Lào là quốc gia thứ 9 trên thế giới sẽ bán lượng khí thải giảm các-bon giá trị gần 400 tỷ Kíp
Ngày 27/01/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị khai trương chương trình hợp tác giữa Chính phủ Lào và Ngân hàng thế giới về việc mua bán hạn ngạch lượng khí thải giảm để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính tại 6 tỉnh khu vực Bắc Lào.
Đây là chương trình đầu tiên của Chính phủ Lào sẽ bán các-bon rừng cho WB với giá trị cao, khoảng 42 triệu USD, tương đương 360,6 tỷ Kíp, người dân các dân tộc khu vực trên sẽ được hưởng lợi ích từ chương trình trên.
Theo số liệu thống kế của WB thường trú tại Lào cho biết điều kiện quan trọng của việc mua các-bon rừng từ chương trình này là Chính phủ Lào tự chuẩn bị các tiêu chí và phần việc để giảm thiểu các hoạt động phá rừng song song với khuyến khích khôi phục lại rừng, cải thiện nơi ăn chốn ở và hệ sinh thái đó. Chương trình có vai trò quan trọng tới việc quản lý rừng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Bộ Tài chính và Bộ Nông Lâm thay mặt Chính phủ Lào hợp tác ký kết mua bán hạn ngạch lượng khí thải giảm (ERPA) với WB vào cuối tháng 12/2020 vừa qua. Theo điều khoản hợp đồng đã ký kết, WB sẽ thanh toán khoản tiền cho Chính phủ Lào để trao đổi tín dụng các-bon của chương trình với khối lượng khoảng 8,4 triệu tấn khí các-bon níc, với mức giá là 5 USD/tấn. Phía Lào phải đảm bảo kết quả xử lý các vấn đề phá rừng làm nương rẫy tại tỉnh Huaphanh, Luang prabang, Oudomxay, Luangnamtha và Xayabuly. Ngoài ra cần phải tiến hành quy trình đánh giá, thẩm định và xác nhận tín dụng các-bon với khối lượng 8,4 triệu tấn trước khi thực hiện việc ký hợp đồng bán cho WB giai đoạn 2020-2025.
Lý do đầu tiên của việc lựa chọn 06 tỉnh Bắc Lào là vì khu vực trên chiếm 1/3 diện tích rừng cả nước, bên cạnh đó, trong giai đoạn 2005-2015 nạn phá rừng và làm nương rẫy lấn rừng ở tỷ lệ cao, khoảng 40% diện tích rừng bị xâm hại trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông Lâm cho biết, đây là chương trình rất quan trọng trong việc khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, qua việc chú trọng sử dụng đất đai tại khu vực nông thôn theo hướng tập trung, có quy hoạch tổng thể để tạo thế chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu.
Lào là quốc gia thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Indonesia và Việt Nam, là quốc gia thứ 9 trên thế giới đã ký kết Hiệp định ERPA hợp tác với WB. (Báo KT-XH, ngày 01/02/2021)
Khai trương dự án mới nhằm triển khai chính sách công nghiệp xanh
Ngày 16/03/2021, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) đã ký kết thỏa thuận về việc triển khai các dự án mới nhằm đẩy nhanh việc áp dụng thực tế phát triển bền vững trong ngành công nghiệp ở Lào.
Theo đó, GGGI sẽ hỗ trợ dự án "Chính sách Công nghiệp Xanh ở Lào" để triển khai chính sách này trong ngành năng lượng ở Lào. Đồng thời, Quỹ Môi trường Xanh cũng cung cấp viện trợ không hoàn lại cho việc "chuẩn bị thị trường để nâng cao hiệu quả ngành năng lượng ở Lào" – Chương trình 18 tháng do GGGI là đối tác thực hiện.
Trong khuôn khổ dự án, những khiếm khuyết về chính sách năng lượng xanh hơn và hiệu quả hơn sẽ được giải quyết, kế hoạch hành động về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng sẽ được xây dựng, việc phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân sẽ được tăng cường.
Về trung hạn, dự án sẽ tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân để nâng cao hiệu quả của ngành năng lượng. Những tác động dài hạn, bao gồm khuyến khích các loại hình công nghiệp sử dụng ít năng lượng, giảm phát thải và chuyển ngành công nghiệp sang con đường phát triển bền vững.
Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo dự án cũng đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trường Bộ Công Thương Somchit Inthamit và Phó đại diện quốc gia GGGI tại Lào Christophe Assicot. Phát biểu tại cuộc họp, ông Christophe Assicot cho biết, các dự án này sẽ giúp đẩy nhanh việc áp dụng thực tiễn phát triển bền vững trong ngành công nghiệp. Đây là những bước đi quan trọng tiến tới hồi phục kinh tế theo hướng xanh, có khả năng chống chịu từ đại dịch Covid-19.
Ngành công nghiệp là ngành sử dụng điện lớn nhất ở Lào và là ngành duy nhất sử dụng than đá. Tiêu thụ than tăng trưởng với tốc độ trung bình 9,8% hàng năm trong 20 năm qua. Đây cũng là ngành tạo ra một số lượng ngày càng tăng rác thải rắn và lỏng làm tổn hại đến sự bền vững của môi trường. Thông qua các chính sách, mô hình đổi mới sáng tạo, cơ chế tài chính, kết hợp với các loại công nghệ có hiệu quả về chi phí … BGGI tin rằng tỷ lệ tiết kiệm năng lượng toàn cầu có thể đạt 3%/năm. (Vientiane Times, 17/03/2021)
Lào sẽ triển khai giai đoạn I Dự án nâng cấp cải tạo đoạn đường 13 Nam
từ tỉnh Bolykhamxay đến tỉnh Khammuon Lào
Ngày 11/3/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Công chính và Vận tải Lào đã tiến hành lễ ký kết hợp đồng giai đoạn I, đoạn đường quốc lộ số 13 Nam của Lào từ km 71 đến km 111 thuộc tỉnh Bolykhamxay giữa Cục Cầu đường, Công ty liên doanh Thăng Long và Công ty tư vấn thiết kế xây dựng và cầu đường Souphaphone.
Đây là giai đoạn I của Dự án cải tạo và nâng cấp đường quốc lộ 13, đoạn từ km 71 (Bolykhamxay) đến km 346 (Khammuon), có tổng chiều dài là 275 km được sử dụng vốn vay từ WB để cải tạo nâng cấp các đoạn điểm ngập lụt và mở rộng mặt đường cũ từ 09m lên 12m, có 02 làn xe chạy, mỗi làn có bề mặt rộng 3,5m và lề đường mỗi bên rộng 2,5m; xây dựng mới 02 cầu thay cho cầu cũ với bề mặt rộng 12m, dài 25m; mặt đường được thảm bê tông at-phan.
Đơn vị thực hiện dự án sẽ được lựa chọn qua phương thức đấu thầu quốc tế. Công ty trúng thầu sẽ triển khai xây dựng trong thời gian 02 năm và tiếp tục duy tu bảo dưỡng thêm 08 năm tiếp theo. Giá trị hợp đồng xây dựng đoạn đường này là 17,5 triệu USD; giải ngân theo 02 giai đoạn, mỗi lần là 3,5 triệu USD (giai đoạn 1 là xây dựng trong 02 năm và giai đoạn 2 vận hành, duy tu bảo dưỡng trong thời gian 08 năm) từ nguồn xây dựng cầu đường của Chính phủ Lào.
Dự án cải tạo và nâng cấp đoạn đường 13 Nam từ km 71 (Bolykhamxay) đến km 346 (Khammuon) sẽ được chia thành 04 gói thầu, nguồn vốn thực hiện được vay với lãi suất thấp từ các tổ chức tài chính: Ngân hàng WB, ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng Châu Á (AIB) và từ nguồn ngân sách xây dựng cầu đường với tổng kinh phí là 157,5 triệu USD; trong đó, kinh phí để nâng cấp cải tạo 275km là 125 triệu USD, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 1,7 triệu USD, chi phí tư vấn 05 triệu USD và dành cho duy tu bảo dưỡng là 25,8 triệu USD; thời gian thực hiện dự án trong khoảng 10 năm từ 2021-2031, giai đoạn xây dựng từ 2-3 năm, còn lại là thời gian duy tu bảo dưỡng từ 7-8 năm. (Báo KT-XH, 12/3/2021)
Chính phủ Lào sẽ chấm dứt hợp đồng 30 dự án về lĩnh vực khai khoáng
Đầu tháng 02/2021, tại huyện Văng Viêng, tỉnh Viêng Chăn, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Chansone Senpoutavanh chủ trì cuộc họp tổng kết ngành địa chất và khoáng sản năm 2020 và kế hoạch năm 2021. Tham dự cuộc họp có Phó Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn Phouvong Bounsou và các đại biểu từ các Sở, ban ngành trên toàn quốc Lào.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Chansone Senpoutavanh đã đánh giá kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2020 đạt nhiều thành tích nhưng bên cạnh đó cũng có các hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng vi phạm hợp đồng đã cam kết với Chính phủ còn xảy ra, chủ yếu là không thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, chuyển nhượng sự án trái phép, chưa đúng quy định pháp luật, việc thực hiện các dự án không đúng theo quy trình kỹ thuật mà Chính phủ yêu cầu; tiến độ triển khai dự án kéo dài, chậm trễ không theo kế hoạch đã gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành, quản lý và tác động ảnh hưởng đến kế hoạch chung của toàn ngành năng lượng và mỏ. Thứ trưởng yêu cầu các Sở, ban ngành tại địa phương cần thực hiện tốt các quy định, theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện các nội dung của hợp đồng đối với các nhà đầu tư kể cả của nhà nước và tư nhân.
Tại cuộc họp Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Keo Khamphavong cho biết, ngày đầu tháng 01/2020 đã có 85 công ty đăng ký cấp phép hoạt động trên 102 lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đến 12/2020 tăng lên 94 công ty với 114 lĩnh vực hoạt động; trong đó có 39 công ty trong nước, 34 công ty Trung Quốc, 09 công ty Việt Nam; còn lại đến từ các nước khác. Trong năm 2020, cấp phép mới cho 11 công ty hoạt động trên 11 lĩnh vực địa chất và khai khoáng; đề xuất xem xét để ký kết hợp đồng 31 dự án, thông báo đến 33 dự án phải dừng hoạt động và đã hết hạn hợp đồng với Chính phủ.
Trong năm 2020, Chính phủ Lào đã cấp phép tô nhượng diện tích thực hiện khai thác và chế biến khoáng sản cho 82 công ty với 144 lĩnh vực; trong đó có 19 công ty trong nước hoạt động trên 36 lĩnh vực. Có 63 công ty hoạt động trên 108 lĩnh vực đang triển khai giai đoạn xây dựng nhà máy chế biến, 11 công ty hoạt động với 25 lĩnh vực đang tiến hành khai thác và chế biến, 71 công ty với 119 lĩnh vực đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. (Báo KT-XH, ngày 04/3/2021)
Chính phủ ban hành nghị định về quản lý và xử phạt lao động nước ngoài trái phép
Ngày 10/03/2021, theo Vientiane Times, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21 về quản lý và xử phạt lao động nước ngoài và người sử dụng lao động trái phép ở Lào, có hiệu lực từ ngày 12/03/2021.
Mục đích của Nghị định là để quy định chế tài xử phạt lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động trái phép nhằm quản lý vấn đề này theo pháp luật. Theo đó, bất cứ người nước ngoài nào làm việc mà không có giấy phép hợp pháp do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp thì sẽ bị phạt theo các mức tùy theo mức độ vị phạm.
Theo Điều 16 của Nghị định số 21 quy định mức phạt và các giải pháp đối với cá nhân vi phạm luật và quy định xuất – nhập cảnh và quản lý người nước ngoài - người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 02 triệu Kíp. Mức phạt sẽ tăng lên 3-5 triệu Kíp tương ứng đối với những trường hợp vi phạm lần thứ hai và thứ ba. Đối với trường hợp vi phạm lần thứ ba sẽ bị tước giấy phép cư trú và cấm nhập cảnh trở lại vào Lào.
Nghị định được ban hành sau nhiều cáo báo cáo cho thấy có nhiều người từ các nước láng giềng lao động trái phép tại Lào. Có một số khách du lịch nhập cảnh Lào nhưng không trở về nước, có một số lao động hợp pháp sang làm việc cho các dự án phát triển nhưng không trở về nước sau khi dự án kết thúc. Thay vào đó, họ tìm việc làm hoặc tiến hành kinh doanh bất hợp pháp, họ thường làm việc hoặc kinh doanh quy mô nhỏ là những lĩnh vực theo quy định chỉ dành cho công dân Lào.
Các cơ quan chức năng đã cảnh báo người nước ngoài hoặc không rõ quốc tịch hoạt động kinh doanh ở Lào không có giấy phép hoặc không đăng ký sẽ bị phạt và xử lý theo các hình phạt tăng dần. Theo Điều 17 của Nghị định, công dân nước ngoài hoạt động kinh doanh không có giấy phép sẽ bị phạt 04 triệu Kíp đối với trường hợp vi phạm lần đầu. Mức phạt sẽ tăng lên đến 7 triệu Kíp đối với vi phạm lần hai, đồng thời kinh doanh bị tạm dừng. Mức phạt sẽ tăng lên 10 triệu Kíp đối với vi phạm lần ba, đồng thời, kinh doanh bị đóng cửa. Thêm vào đó, người vi phạm sẽ bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại vào Lào.
Người nước ngoài thuê giấy phép kinh doanh từ cá nhân, thể nhân và tổ chức cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật. Vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 5 triệu Kíp; lần thứ hai 10 triệu Kíp, đồng thời người vi phạm sẽ bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại vào Lào.
Cá nhân cho người nước ngoài thuê giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt và xử lý theo các hình thức tăng dần. Mức phạt từ 4-7-10 triệu Kíp tương ứng đối với vi phạm lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Chủ doanh nghiệp có thể bị tước giấy phép kinh doanh nếu tái phạm. (Vientiane Times, 10/03/2021)
Oudomxay sẽ dừng 09 dự án về lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản
Năm 2020, tỉnh Oudomxay đã tạm dừng 07 và hủy hợp đồng 02 dự án về lĩnh vực khai khoáng không thực hiện đúng cam kết về khai thác và chế biến khoáng sản. Hiện trên địa bàn tỉnh có 33 công ty đang tiếp tục hoạt động với 36 dự án về lĩnh vực về khai thác và chế biến khoáng sản.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Giám đốc Sở Năng lượng và Mỏ Aloun Bounvilay cho biết tỉnh Oudomxay đã tiến hành lập bản đồ khảo sát địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1/200.000, hoàn thành tiến độ 100%, phát hiện được 59 điểm mỏ, có 11 loại khoáng sản. Hiện nay có 33 công ty đầu tư hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, trong đó có 26 công ty do tỉnh cấp phép, 07 công ty do cấp trung ương cấp phép, trên tổng diện tích tô nhượng đất đai hơn 9.844 ha. Đối với cấp tỉnh cấp chủ yếu cho các công ty khai thác và chế biến đá công nghiệp (dăm, phiến) phục vụ cho nhu cầu xây dựng hạ tầng và nhu cầu sử dụng của xã hội. Trong số 07 công ty được trung ương cấp phép hoạt động tại 11 điểm tô nhượng để khai thác khoáng sản đồng, muối mỏ, than đá, sắt, thạch cao, than, vàng, trên tổng diện tích tô nhượng là 9.763 ha.
Năm 2020, ngành khai khoáng đã đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế-xã hội, trong đó riêng sắt đã xuất khẩu sang Trung Quốc được 140.000 tấn, giá trị khoảng 9,6 triệu USD; xuất được 157.889,32 gram vàng với trị giá 9,6 triệu USD. Tuy nhiên, qua đượt phối hợp kiểm tra với Bộ Năng lượng và Mỏ đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng tại địa bàn địa phương, đã phát hiện nhiều sai phạm, không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết với địa phương và Chính phủ, sẽ dừng 07 dự án và rút giấy phép đối với 02 dự án chế biến và khai thác khoáng sản. (Báo KT-XH, 02/3/2021)
HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM
Lào sẽ tổ chức phiên khai mạc Quốc hội khóa IX tại Tòa nhà Quốc hội mới
Theo nguồn tin từ Quốc hội, phát biểu tại buổi lễ gắn Logo Quốc gia Lào tại Tòa nhà, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Ketkeo Sihalath cho biết, Việc xây dựng tòa nhà QH mới hiện đã gần hoàn thành, dự kiến sẽ tổ chức phiên khai mạc Quốc hội khóa mới.
Tòa nhà QH mới tọa lạc trên quảng trường That Luang, Thủ đô Viêng Chăn đang trong quá trình hoàn thiện và các nhà xây dựng đang gấp rút hoàn thành để bàn giao công trình. Công trình được xây dựng bằng vốn viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Việt Nam trị giá 100 triệu USD (khoảng 831 tỷ Kíp). Lễ động thổ xây dựng dự án được tiến hành vào tháng 11/2017. Các nhà xây dựng hiện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án để kịp thời tổ chức phiên khai mạc của Quốc hội khóa IX.
Lào vừa hoàn thành bầu cử các đại biểu QH và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Kết quả dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới. Sau đó, các phiên khai mạc sẽ tiến hành bầu lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, bao gồm Chủ tịch Nước, Thủ tướng và bổ nhiệm các thành viên Chính phủ.
Hiện nay, việc trang trí phòng họp chính, các phòng khách và các phòng chức năng khác đang được tiến hành để chuẩn bị phục vụ phiên khai mạc.
Nhà nước và nhân dân Việt Nam tài trợ dự án như một quà tặng cho Nhà nước và nhân dân Lào. Công trình bao gồm tòa nhà 5 tầng và 01 tầng hầm. Có sức chứa 800-1.000 người. Khu vực đỗ xe đủ chỗ cho 273 xe ô tô, 03 xe buýt và 270 xe máy.
Đây là công trình hiện đại, đồng thời phản ánh bản sắc văn hóa và phong cách kiến trúc Lào. Kết cấu xây dựng vững chắc của Tòa nhà có khả năng phục vụ cơ quan lập pháp trong thời gian ít nhất là 100 năm. (Vientiane Times, 04/03/2021)
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 02 và hai tháng năm 2021
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 2 và 2 tháng năm 2021 như sau:
1. Tháng 2/2021 đạt 83.232.826 USD, so với cùng kỳ giảm -17,4%. Trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 37.242.961 USD, giảm -28,6% so với cùng kỳ.
Mặt hàng tiếp tục tăng: Sản phẩm từ chất dẻo tăng 74,9%; Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,7%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 32,7%;
Mặt hàng quay đầu giảm: Dây điện và cáp điện giảm -94,7%; Sắt thép các loại giảm -60,3%; Kim loại thường khác và sản phẩm giảm -39%; Sản phẩm từ hóa chất giảm -38%; Sản phẩm gốm sứ giảm -30,6%; Hàng hóa khác giảm -25,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm -23,2%; Phân bón giảm -18,5%; Sản phẩm từ sắt thép giảm -6%.
Mặt hàng tiếp tục giảm: Xăng dầu giảm -74,5%; (giảm suốt hai năm qua từ đầu năm 2019 đến nay); Clanke và xi măng giảm -74,4%; Cà phê giảm -52,3%; Rau quả giảm -42,6%; Hàng dệt may giảm -28,1%; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -4,3%.
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 45.989.865 USD, giảm -5,4% so với cùng kỳ.
Mặt hàng tiếp tục tăng: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 68,4%; Rau quả tăng 16%; Đặc biệt hàng hóa khác tăng 7,3%.
Mặt hàng quay đầu giảm: Phân bón các loại giảm -55%; Cao su giảm -11,7% (sau khi tăng mạnh 111,1% tháng trước);
Mặt hàng tiếp tục giảm: Quặng và khoáng sản quay đầu giảm -70,1%.
Kim loại thường khác không ghi nhận kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, sau khi tăng mạnh vào tháng 1, tháng 02/2021 kim ngạch hai chiều đã giảm mạnh so với cùng kỳ do đây là tháng Tết cổ truyền của Việt Nam, phù hợp quy luật là kim ngạch thường giảm.
2. Tổng kết 2 tháng năm 2021, kim ngạch đạt 210.762.583 USD tăng 16,9% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 97.025.823 USD tăng 1,2% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 113.736.760 USD tăng 34,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, từ tháng 12/2020, đã xuất hiện tình trạng Việt Nam nhập siêu từ Lào. Tháng 12/2020 mức nhập siêu là 9,34 triệu USD tuy nhiên cả năm 2020, kim ngạch Việt Nam-Lào vẫn đạt xuất siêu. Tình trạng nhập siêu tiếp tục trong tháng 1/2021 với mức nhập siêu 7,92 triệu USD, tháng 2 mức nhập siêu là 8,74 triệu USD, tổng 2 tháng năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Lào 16,71 triệu USD. Đây cũng là tình trạng chung, không chỉ riêng Việt Nam, tổng kim ngạch tháng 2/2021 Lào xuất siêu 42 triệu USD. Trong số 3 đối tác thương mại hàng đầu, tháng 1 và tháng 2 năm 2021, Lào đều xuất siêu sang Trung Quốc và Việt Nam.
Dự kiến tháng 03/2021, kim ngạch có thể tăng trở lại nhưng mức tăng không nhiều do dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hẳn tại Việt Nam. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC
Lào-Trung Quốc
Người dân vườn cao su sẽ được vay vốn không lãi suất
Ngày 24/3/2021, Công ty TNHH Đầu tư cao su Quảng Tây tổ chức buổi lễ giải ngân vốn vay không lãi suất cho người dân vườn cao su tại tỉnh Luangnamtha. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bountham Inthaviseuth, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao su Quảng Tây Zaoche và 08 cụm dân cư tại tỉnh Luangnamtha tham dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao su Quảng Tây Zaoche cho biết việc tổ chức thực hiện giải ngân vốn vay không lãi suất cho người dân vườn cao su trong năm 2020 và thông qua kế hoạch hợp tác với người dân vườn cao su trong việc giải ngân năm 2021. Việc cho vay vốn không lãi suất của công ty trong thời gian qua được chú trọng nhằm góp phần phát triển cây cao su trong địa phương dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các đơn vị liên quan của tỉnh Luangnamtha, công ty bắt đầu hợp tác với người dân trồng cao su từ năm 2012.
Từ năm 2012-2020 công ty đã ký kết hợp tác với 136 bản, đã giải ngân được 13,6 tỷ Kíp để người dân trực tiếp hưởng lợi ích, tạo quan hệ hợp tác lâu dài. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu, hạn hán nặng nề, nhằm hỗ trợ giảm khó khăn cho người dân vườn cao su, công ty tiếp tục giải ngân vốn vay không lãi suất cho người dân với tổng giá trị 02 tỷ Kíp và hỗ trợ trang thiết bị, tài trợ cho Chính quyền tỉnh trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh 100 triệu Kíp.
Theo kế hoạch, năm 2021 công ty sẽ tiếp tục cung cấp vốn cho 28 bản, với tổng giá trị 04 tỷ Kíp, xây dựng kế hoạch thu mua mủ cao su với khối lượng khoảng 90 triệu tấn, tương đương giá trị 540 tỷ Kíp và khuyến khích người dân phát triển thêm diện tích trồng cây cao su nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo thu nhập cho người dân, đào tạo tay nghề, xây dựng các cơ sở hạ tầng tại vùng dự án. (Báo KT-XH, 29/3/2021)
Trung Quốc xây dựng 16 đập thủy điện và triển khai gần 80 lĩnh vực khai khoáng trên toàn quốc gia Lào
Ngày 01/3/2021, theo báo KT-XH, hợp tác Lào-Trung Quốc để phát triển lĩnh vực năng và mỏ là hợp tác quan trọng hàng đầu có số lượng và giá trị đầu tư cao tại Lào, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và mỏ Daovong Phonkeo cho biết tính đến năm 2020 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là 11 dự án với 16 đập thủy điện, có tổng công suất lắp đặt là 2.256 MW, trong đó các nhà máy có công suất cao cung cấp 44% lượng điện trên toàn Lào. Trong giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư Trung Quốc triển khai nhiều dự án về năng lượng tại Lào, thực hiện từ khâu lập báo cáo khả thi đến thầu xây dựng các công trình.
Trung Quốc là nhà đầu tư đứng số 1 trong các nước đầu tư tại Lào về lĩnh vực khai khoáng. Tính đến nay, số dự án về địa chất khoáng sản đã được Chính phủ Lào cấp phép cho các nhà đầu tư Trung Quốc có tổng số 52 doanh nghiệp, với 79 dự án tìm kiếm, thăm dò và nghiên cứu khả thi; cấp phép khai thác cho 35 công ty với 67 dự án.
Trong thời tới, với khả năng về tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm và đông đảo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ sang Lào đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Lào. (Báo KT-XH, 01/3/2021)
Xuất khẩu đậu hạt sang Trung Quốc tạm dừng do dịch bệnh Covid-19
Báo Vientiane Times ngày 03/3/2021 đưa tin, người nông dân Lào trồng đậu đang chờ đợi quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu từ Trung Quốc để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này sau khi việc mua bán đã bị tạm dừng do dịch bệnh Covid-19, họ đang gặp khó khăn vì không thể xuất khẩu hàng sang Trung Quốc và lệnh cấm trên không biết đến khi nào mới được dỡ bỏ.
Một quan chức ngành nông nghiệp của tỉnh Luangnamtha Manith Sengthonghack cho biết, những nhà kinh doanh Trung Quốc đã khuyến khích người nông dân ở Bắc Lào phát triển các loại đậu và việc mua bán thuận lợi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc do lo ngại về chất lượng cây trồng và muốn áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng mới bằng hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật, chuẩn hóa các tiêu chí thương mại biên giới lên thương mại quốc tế. Do vậy, việc xuất khẩu sản phẩm đậu đã sản xuất sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, không có lựa chọn thị trường nào khác vì toàn bộ cây trồng đều do các công ty Trung Quốc tài trợ, trong khi các loại sản phẩm khác như chuối, cao su, sắn, ngô ngọt và gạo đang được xuất khẩu sang Trung Quốc bình thường. Vấn đề này đã được đề xuất lên các ngành liên quan và Chính phủ để phía Trung Quốc xem xét nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Gần đây, Bộ Nông Lâm nghiệp đã phê duyệt danh sách các loại cây trồng, sản phẩm cây trồng và các chất bị kiểm soát được ưu tiên đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu với Trung Quốc. Cây trồng được ưu tiên đầu tiên là khoai ngọt, thuốc lá, mít, long nhãn, cam, bưởi, thanh long, ớt, chanh dây, đậu nành, đậu xanh, lạc, cà tím, bắp cải và bí đỏ. Cây trồng được ưu tiên thứ hai là chè, hạt ý dĩ, cao su, dưa, mía, chanh, dứa, dừa, đu đủ, chôm chôm, ổi, ngô ngọt và thảo quả.
Từ năm 2012 đến 2019, Bộ Nông Lâm đã ký nhiều Nghị định thư với Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Chất lượng, An toàn và Kiểm dịch Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu 6 loại cây trồng là ngô, sắn, chuối, gạo, dưa hấu và khoai ngọt. Sau khi các Nghị định thư được ký kết, việc xuất khẩu các loại hàng này sang Trung Quốc dễ dàng, nhanh chóng, minh bạch, phù hợp với luật và quy định của hai nước Lào và Trung Quốc.
Lào coi trọng và nỗ lực thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. (Vientiane Times, 01/3/2021)
Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các nước xếp hạng tín dụng thấp
Theo báo cáo mới đây của tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch, Trung Quốc được trông đợi đóng vai trò quan trọng trong cung cấp tài chính hỗ trợ các nước bị xếp hạng CCC bao gồm Sri Lanka, Maldives và Lào, là các nước có các khoản nợ rất lớn với các ngân hàng Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang giúp Maldives rất nhiều và đã cho phép một sự đánh đổi trên cơ sở một chương trình hợp tác với IMF. Điều này phần nào phản ánh tầm quan trọng địa chính trị chiến lược của các quốc gia này trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Ấn ở khu vực.
Chính sách của Trung Quốc về gia hạn nợ hoặc cho phép tái cơ cấu nợ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nợ bền vững của 3 nước xếp hạng CCC nói trên. Ngoài sự hỗ trợ chính thức của Trung Quốc, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cũng là những nhà cung cấp tín dụng thương mại lớn của 3 nước này. Tại Lào, khoảng 50% số nợ là của Trung Quốc. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép Lào trao đổi nợ. Chính phủ mới của Lào đã thể hiện mong muốn được trả bằng cổ phần trong tương lai thay vì trả nợ tài chính, điều mà Trung Quốc có thể đóng vai trò then chốt. Các nhà phân tích cho rằng Lào có sự bất ổn tiền tệ, trong khi Maldives điều hành tiền tệ tốt nhất trong 3 nước. Báo cáo cho rằng riêng việc phục hồi kinh tế không đủ để cải thiện xếp hạng tín dụng của các nước CCC trở lại mức trước đại dịch. Khả năng hạn chế thanh khoản nước ngoài dẫn đến các dấu hiệu vỡ nợ là nguồn gốc chính của việc hạ xếp hạng tín dụng. (Economytext.com 17/3/2021)
Lào-Thái Lan
Xuất khẩu của Lào sang Thái Lan giảm mạnh tháng 1/2021
Báo Vientiane Times ngày 03/3/2021 đưa tin, kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Thái Lan tháng 01/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do những hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ Công Thương, tháng 01/2020, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Thái đạt 135 triệu USD nhưng tháng 1 năm nay giảm xuống chỉ còn 89 triệu USD. Giá trị này chưa bao gồm giá trị xuất khẩu điện.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái vào Lào vẫn duy trì ổn định ngay cả khi Lào cấm nhập khẩu hải sản tươi sống và đông lạnh từ Thái Lan hồi tháng 12/2020 do bùng phát dịch mới ở Thái.
Người trồng bắp cải ở bản Nongsoung, huyện Pakxong, tỉnh Champassak là một trong số những người bị ảnh hưởng bởi kiểm soát biên giới chặt chẽ sau khi hai người nhập cảnh từ Thái Lan vào tỉnh này dương tính với Covid-19 gần đây. Chính quyền tỉnh kiểm soát mọi người vào tỉnh cũng như phương tiện qua biên giới chở hàng hóa từ Thái vào Lào. Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Champassak Bounnhadeth Thongsavanh, kiểm soát tại biên giới chặt chẽ làm cho việc mua bán bắp cải giữa Lào-Thái gặp khó khăn, hàng ngàn tấn bắp cải không xuất được sang Thái; bên cạnh đó, giá một số mặt hàng như ngô ngọt lại sụt giảm, khiến người kinh doanh ngô ngọt ở tỉnh Xayaboury đang chật vật do giá xuống.
Tuy nhiên, Thái lan vẫn tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Lào trong các nước ASEAN với kim ngạch song phương tăng hàng năm. Theo Bộ Công Thương, Thái Lan tiếp tục giữ vị trí hàng đầu với mặt hàng điện nhập khẩu lớn nhất từ Lào. Điện là mặt hàng đứng đầu, tiếp đó là đồng và sản phẩm đồng, sản phẩm điện, máy ảnh và các mặt hàng khác như phương tiện, phụ tùng và hàng nông sản.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Lào sang Trung Quốc và Việt Nam tăng so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ 115 triệu USD lên 167 triệu USD, sang Việt Nam tăng từ 83 triệu USD lên 121 triệu USD (Vientiane Times, 04/3/2021)
Lào-Nhật Bản
Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại 2,9 triệu USD cho Ủy hội sông Mekong
Ngày 26/02/2021, thỏa thuận về dự án tài trợ đã được ký kết tại Viêng Chăn, theo đó Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ không hoàn lại trị giá 2,9 triệu USD cho Ủy hội Sông Mekong (MRC) để thực hiện kế hoạch chiến lược mới nhằm thúc đẩy phát triển có trách nhiệm trong khu vực.
Phát biểu tại lễ ký, CEO Ban Thư ký MRC Pich Hatda cho biết, nguồn kinh kinh phí mới đến vào đúng thời điểm của những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt hiện nay và trong tương lai.
Mekong và các phụ lưu của dòng sông này hỗ trợ gần 70 triệu dân ở vùng hạ lưu, cung cấp sinh kế, an ninh lương thực và làm giàu hệ sinh thái. Các nước trong khu vực đã đã chịu nhiều tổn thất do mực nước xuống mức thấp kỷ lục trên sông Mekong trong năm 2019 và đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.
Kéo dài trong thời gian 04 năm (2021-2024), khoản kinh phí hỗ trợ sẽ tăng khả năng của các nước thành viên Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong việc giám sát và đánh giá môi trường của dòng sông cũng như thích ứng với những biến đổi phổ biến. Các hoạt động chính được tài trợ sẽ bao gồm nâng cấp mạng lưới giám sát, năng lực dự báo và thiết lập các trạm quan trắc mới trên sông Mekong.
Khoản viện trợ không hoàn lại sẽ được sử dụng để tăng cường thông tin chung về lũ lụt và hạn hán thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo để các cộng đồng địa phương và các chính phủ được thông tin kịp thời để triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro thích hợp.
Khoản viện trợ không hoàn lại này là bổ sung mới bên cạnh khoản viện trợ Nhật Bản đã cung cấp năm 2020 để nâng cấp hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán của MRC.
Nhật Bản là đối tác lâu dài của MRC, từ năm 2001, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp trên 21 triệu USD để hỗ tợ quản lý lũ lụt và hạn hán, quản lý thủy lợi, biến đổi khí hậu và môi trường. (Vientiane Times, 03/03/2021)
Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại cho 05 dự án phát triển
Ngày 05/0/2021, theo Vientiane Times, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1,8 triệu USD cho 05 dự án phát triển thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGO) Nhật bản.
Kinh phí sẽ được tài trợ cho công tác rà phá bom mìn chưa nổ (UXO) tại tỉnh Xiêng Khoảng, 02 dự án giáo dục tại tỉnh Savannakhet và Viêng Chăn, 01 dự án y tế nha khoa tại thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Viêng Chăn, Borikhamxay, Khammuan và Savannakhet và 01 dự án dạy nghề tại TĐ Viêng Chăn.
Ngày 01/03/2021, thỏa thuận tài trợ đã được ký kết giữa Đại diện Đại sứ Nhật Bản tại Lào và đại diện của các tổ chức NGOs Nhật Bản bao gồm Japan Mine Atction, Tầm nhìn Thế giới, Tổ chức Hành động vì trẻ em và IV-Japan.
Phát biểu tại lễ ký kết, Công sứ - Người thứ hai của ĐSQ Nhật Bản tại Lào Iwamoto Keiichi nhấn mạnh, ĐSQ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của các NGOs Nhật Bản trong việc cải thiện đời sống của người dân ở cộng đồng cơ sở tại Lào bất chấp đại dịch Covid-19 và khẳng định sự cam kết của Chính phủ Nhật bản trong việc hỗ trợ các hoạt động của họ. (Vientiane Times, 05/03/2021)
HỢP TÁC LÀO-KHU VỰC
Lào, Campuchia, Việt Nam thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn
Ngày 10/03/2021, Thủ tướng Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có hội nghị trực tuyến ba bên nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng – an ninh, kinh tế và thương mại.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo 03 nước thường gặp nhau bên lề các hội nghị cấp cao ASEAN, tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19, các cuộc gặp này phải tổ chức trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã bày tỏ sự vui mừng về cơ hội được thảo luận với Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị và đoàn kết lâu đời giữa ba nước tiếp tục được củng cố bấp chấp tình hình phức tạp trong khu vực và trên thế giới như dịch bệnh, tranh chấp về chính trị, kinh tế và thương mại.
Ba nhà lãnh đạo đánh giá cao các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác được duy trì thông qua các cơ chế hợp tác mạnh như trao đổi các đoàn cấp cao, hội nghị Bộ Chính trị, Cuộc họp Chính phủ thường niên Lào – Việt Nam, Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Lào- Campuchia.
Ba Thủ tướng đã xem xét hợp tác giữa ba nước, đặc biệt là Khu vực Tam giác Phát triển CLV, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 và hoàn thiện quy hoạch tổng thể đến năm 2030. Ba bên thảo luận về nỗ lực tìn kiếm nguồn vốn cho các dự án ưu tiên và các chương trình phát triển trong khuôn khổ hợp tác CLV; tiến bộ đạt được trong việc thực hiện thỏa thuận của Hội nghị cấp cao lần thứ VIII để thu hút hỗ trợ thông qua các cơ chế hợp tác khác nhau. Các cơ chế này bao gồm Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong, Tiểu vùng Mekong Mở rộng, ASEAN-ASEM, Hợp tác Mekong – Lan Thương, Hợp tác Mekong – sông Hằng, Hợp tác Mekong – Nhật Bản, Hợp tác Mekong – Hàn Quốc và Mekong – Mỹ.
Ba Thủ tướng đã nêu bật những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và ứng phó với dịch Covid-19, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith bày tỏ sự cám ơn đối với Chính phủ Việt Nam và Campuchia về sự hợp tác, giúp đỡ dành cho Lào trong việc ứng phó với dịch Covid-19 mặc dù sự bùng phát dịch bệnh ở các nước này nặng hơn so với Lào. (Vientiane Times, 11/03/2021)
HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
Lào-LHQ
Lào, LHQ tăng cường hợp tác phát triển
Ngày 04/0/2021, theo Vientiane Times, LHQ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Lào trong Khung khổ Hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ xây dựng Chiến lược Phát triển đất nước.
Phát biểu tại hội nghị Ủy ban Điều phối chung về Khung khổ Đối tác (UNPF) LHQ-CHDCND Lào, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Lào Sara Sekkenes nhấn mạnh, Khung khổ Hợp tác được xây dựng dựa trên đóng góp đầu vào từ tất cả các bên liên quan chủ chốt, bao gồm hệ thống các cơ quan LHQ và các đối tác phát triển để đảm bảo phù hợp với các ưu tiên chiến lược quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển và đạt mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao Maythong Thammavongsa cho biết, đối tác chặt chẽ giữa Chính phủ và hệ thống LHQ giúp tranh thủ được đóng góp quan trọng về hỗ trợ chính sách, chuyên môn và các nguồn lực để theo đuổi các ưu tiên phát triển quốc gia. Đến nay, các bên liên quan đã thống nhất về việc phát hành Báo cáo kết quả UNPF năm 2019, các lĩnh vực dự kiến ưu tiên của khung khổ hợp tác mới. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã thảo luận về đề cương Khung khổ Hợp tác Phát triển bền vững CHDCND Lào – LHQ giai đoạn 2022-2026 theo định hướng của Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9.
Ông Maythong nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quyền làm chủ của Chính phủ trong việc thiết kế khung khổ hợp tác chiến lược mà có thể đáp ứng được các ưu tiên quốc gia và đặt nền móng cho quá trình đưa đất nước thoát khỏi địa vị của một nước kém phát triển.
Hội nghị cấp cao của Chính phủ Lào và Ủy ban Điều phối chung LHQ dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa năm 2021 để chính thức phê chuẩn Khung khổ Hợp tác mới. (Vientiane Times, 04/03/2021)
Lào-WB
Lào cần đẩy nhanh cải cách để tối đa hóa lợi ích của tuyến đường sắt Lào – Trung
Ngày 26/03/2021, WB đã công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Đông Á và Thái Bình dương qua hội nghị trực tuyến. Theo đó, các nhà kinh tế WB thể hiện sự ủng hộ đối với Chính phủ Lào trong việc đẩy nhanh cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước tối đa hóa lợi ích của tuyến đường sắt Lào – Trung.
Theo báo cáo cập nhật, các chuyên gia kinh tế của WB xem tuyến đường sắt Lào – Trung dự kiến bắt đầu vận hành vào cuối năm 2021 là tiến triển tích cực đối với Lào. Tuy nhiên, để tối đa hóa các lợi ích từ dự án này, Lào cần phải nhanh chóng tạo được môi trường kinh doanh thân thiện, thuận lợi, nếu không sẽ thất bại trong việc thu hút đầu tư mà thông thường hay hấp dẫn bởi dự án siêu lớn như vậy.
"Lào cần đẩy nhanh các cải cách đối với môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối với các chuỗi giá trị khu vực và đầu tư vào vốn con người. Chỉ có như vậy Lào mới có thể tối đa hóa được lợi ích từ tuyến đường sắt Lào – Trung", báo cáo nhấn mạnh. Tuyến đường sắt Lào – Trung sẽ giúp chuyển đổi Lào từ một đất nước không có biển thành quốc gia kết nối đất liền. Kết nối giao thông khu vực sẽ tạo cơ hội để Lào trở thành trung tâm logistics trong khu vực Mekong.
Báo cáo chỉ ra rằng, Lào dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại ưu đãi, đặc biệt là với Trung Quốc và RCEP mới được ký kết chừng nào đất nước thực hiện thành công cải cách kinh tế.
Chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phankham Viphavanh đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong Kỳ họp thứ nhất QH khóa IX (ngày 22/03) rằng Chính phủ sẽ tăng cường cải cách kinh tế phù hợp với chính sách mở cửa của Đảng NDCM Lào. Chính sách này được khởi xướng vào năm 1986 nhằm xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung và cho phép các khu vực nhà nước và tư nhân cũng như thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp có vai trò làm động lực đối với tăng tưởng kinh tế.
Thủ tướng Phankham nhấn mạnh, "Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực trong quản lý kinh tế vĩ mô với tất cả các giải pháp sẵn có, bao gồm cải cách tài khóa và tài chính công. Điều này sẽ cho phép đảm bảo tăng trưởng kinh tế có chất lượng và bền vững".
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Chính phủ đã tích cực tìm kiếm các giải pháp để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước đây, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nay các nguồn này đang trở nên cạn kiệt. Chính phủ hiện nay phải đa dạng hóa cơ sở kinh tế, kiến tạo nền kinh tế dựa vào tri thức, đồng thời giảm phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên.
Theo báo cáo của WB, bất chấp những khó khăn kinh tế, tổn thất nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, triển vọng kinh tế của đất nước Lào vẫn tích cực trong trung hạn. Tăng trưởng dự báo sẽ dần hồi phục trong trung hạn nhưng vẫn thấp xa so với mức trước đại dịch. Hồi phục từng bước dự báo sẽ được hỗ trợ bởi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hoạt động dịch vụ được cải thiện và tiêu dùng của khu vực tư nhân tăng.
Mặc dù triển vọng kinh tế khá sáng sủa trong tương lai nhưng trước mắt Lào đang phải đương đầu với những thách thức lớn cần phải giải quyết cấp bách và hợp lý. Những rủi ro Lào đang đương đầu bao gồm khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ công và tính mong manh dễ vỡ của ngành tài chính. Sự phục hồi chậm ở các đối tác thương mại chính; thiên tai, dịch Covid-19 kéo dài, tiêm chủng vắc-xin trì hoãn cũng là những thách thức mà Lào phải vượt qua.
Bộ Tài chính thừa nhận rằng Lào đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Để khắc phục khó khăn này, Bộ trưởng Tài chính mới Bounchom Oubonpaseut cho biết, Chính phủ cần cắt giảm chi tiêu hành chính công, nỗ lực cân đối ngân sách từng bước trong những năm tới như những giải pháp nhằm ngăn chặn đất nước rơi vào khủng hoảng tài chính. (Vientiane Times, 29/03/2021)
BẠN CẦN BIẾT
Dừng và kiểm tra lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng trên toàn quốc
Ngày 25/3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ban hành thông báo số 1423/TN-MT về việc dừng và kiểm tra lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đối với cá nhân, pháp nhân và tổ chức trong khu vực đất rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên toàn quốc.
Trong thời gian qua, qua đánh giá cho thấy đã có nhiều tổ chức, cá nhân lấn chiếm bừa bãi không tuân thủ pháp luật đến khu vực đất rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; đồng thời, có một số khu vực đất rừng mà người dân đã ở và sản xuất đã được các cơ quan chức năng liên quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi Sở Tài nguyên và Môi trường quy định thuộc rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là nguyên nhân làm phát sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý đất rừng.
Để tăng cường quản lý đất rừng, đảm bảo việc thực hiện vai trò quản lý của nhà nước và tính nghiêm túc của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông báo trên nhằm rà soát, đánh giá và chấn chỉnh việc sử dụng đất rừng của các tổ chức, cá nhân và giao Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Nông Lâm triển khai thực hiện dừng và kiểm tra lại việc cấp giấy quyền sử dụng đất rừng trên toàn quốc từ ngày ký ban hành thông báo. (Bộ TN-MT, 30/4/2021)
Giải thể Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo Quyết định ngày 25/02/2021 của Bộ Chính trị Đảng NDCM Lào, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giải thể sau 10 năm tồn tại.
Theo đó, mảng khoa học và nhân sự được sáp nhập thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Thể thao; mảng công nghệ và nhân sự sẽ sáp nhập vào Bộ Bưu chính và Viễn thông. Công tác đo lường, tiêu chuẩn và sở hữu trí tuệ sẽ được sáp nhập vào Bộ Công thương. Viện Đa dạng sinh học và công nghệ sinh thái sẽ do Bộ Nông Lâm điều hành. Công tác năng lượng tái tạo và vật liệu chuyển sang trực thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ. Các vụ và đơn vị còn lại sẽ được sáp nhập vào các vụ có chuyên môn tương tự của các Bộ khác.
Sau khi giải thể Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay Lào có 17 Bộ và 03 cơ quan ngang Bộ. Việc giải thể Bộ Khoa hoc và Công nghệ là một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm quy mô của các cơ quan nhà nước đã trở nền cồng kềnh, không cần thiết và sử dụng một số lượng quá lớn cán bộ công chức.
Bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ nhiệm kỳ thứ 8 do Thủ tướng Thongloun Sisoulith lãnh đạo đã xem việc giảm quy mô các cơ quan nhà nước như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Kết quả là trong những năm gần đây, nhiều cơ quan Chính phủ có chức năng nhiệm vụ chồng chéo đã được sáp nhập bao gồm như: Ủy ban QG về Đặc khu kinh tế trước đây trực thuộc Văn phòng Thủ tướng đã được sáp nhập vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban QG về Phát triển Nông thôn và Xóa nghèo trước đây trực thuộc Văn phòng Thủ tướng đã được sáp nhập vào Bộ Nông Lâm; Ủy ban QG về Khống chế và Giám sát Ma túy chuyển sang trực thuộc Bộ An Ninh; Ủy ban QG về Cải tiến Môi trường Kinh doanh trước đây trực thuộc Văn phòng Thủ tướng đã được chuyển sang Bộ Tài chính. (Vientiane Times, 02/03/2021)
Chính phủ phê duyệt biểu giá điện mới
Ngày 08/03/202, Vientiane Times trích dẫn thông báo của Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã phê duyệt cơ cấu giá điện mới, theo đó giá điện chung sẽ tăng 02%, bắt đầu từ tháng 03/2021.
Chính phủ cho phép EDL áp dụng 06 mức giá, tùy thuộc vào lượng điện tiêu thụ - chế độ đã áp dụng trong thời gian 2016-2019.
Theo cơ cấu giá điện mới, các hộ gia đình sử dụng nhiều điện hơn sẽ phải chi trả nhiều hơn. Các mức giá áp dụng sẽ như sau: tiêu thụ từ 0-25 KWh mức giá là 355 Kíp/KWh; 26-150 KWh mức giá là 422 Kíp/KW; 151-300 KWh mức giá là 151-300 Kíp/KWh; 301-400 KWh mức giá là 898 Kíp/KWh; 401-500 KWh mức giá là 984 Kíp/KWh; trên 500 KWh mức giá sẽ là 1.019 Kíp/KWh.
Khách hàng không phải là hộ gia đình kết nối với mạng lưới điện 0,4 KV sẽ áp giá như sau: đại sứ quán và các tổ chức quốc tế sẽ chi trả 1.448 Kíp/KWh; kinh doanh chung 1.123 Kíp/KWh; cơ sở giáo dục và thể thao 882 Kíp/KWh; cơ sở giải trí 1.487 Kíp/KWh; văn phòng quản lý nhà nước 882 Kíp/KWh; nông nghiệp và thúy lợi 537 Kíp/KWh; các nhà máy chế biến nông sản 795 Kíp/KWh.
Khách hàng kết nối với mạng lưới điện 22 KVsẽ áp giá như sau: kinh doanh chung sẽ chi trả sẽ chi trả 954 Kíp/KWh; cơ sở giáo dục và thể thao 749 Kíp/KWh; cơ sở giải trí 1.413 Kíp/KWh; nông nghiệp và thúy lợi 457 Kíp/KWh; các nhà máy chế biến nông sản sử dụng dưới 5 MW sẽ chi trả 6755 Kíp/KWh.
Doanh nghiệp sử dụng 115 KW hoặc mạng lưới điện cao hơn sẽ phải chi trả 728 Kíp/KWh.
Các mức giá nêu trên không bao gồm thuế VAT theo quy định.
Theo thông báo, các dự án đã có hợp đồng mua điện với EDL sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của biểu giá mới. Các dự án này bao gồm dự án khai thác vàng Xepon, Khai mỏ Pubia, Đặc khu Kinh tế Boten ở tỉnh Luang Namtha…
Hiện nay, EDL đang được khuyến nghị tiếp tục nghiên cứu cơ cấu và chính sách giá điện theo mùa mưa và mùa khô. (Vientiane Times, 08/03/2021)
Công tác chuẩn bị cho dự án thủy điện Luang Prabang đã gần hoàn thành
Ngày 18/03/2021, theo Vientiane Times, công tác chuẩn bị cho việc xây dựng dự án thủy điện trên sông Mekong tại tỉnh Luang Prabang đã đạt 80% tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 07/2021.
Trong khi đó, việc chính thức xây dựng nhà máy thủy điện còn chờ Chính phủ phê duyệt. Dự án thủy điện Luang Prabang với công suất lắp đặt 1.460 MW nằm cách thành phố Luang Prabang khoảng 25 km, dự kiến sẽ sản xuất điện chủ yếu dành cho xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam khi vận hành thương mại sẽ bắ đầu vào năm 2027.
Công tác chuẩn bị bao gồm việc xây dựng 11 km đường vào dự án (đã hoàn thành 80%), cầu dài 500m qua sông Mekong (đã hoàn thành 41%); 03 cầu cảng tạm thời đã được xây dựng; đường dây tải điện 115 Kv và 22 Kv và một trạm điện nhỏ đã hoàn thành. Khoảng 69% tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã được thực hiện.
Các phần cấu thành khác của dự án như phát triển địa điểm, nhà ở cho cán bộ dự án, kết nối điện và nước đã hoàn thành khoảng 98-99%.
Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xaysomphone Phomevihane được nghe cán bộ dự án báo cáo về tiến độ trong chuyến thăm dự án vào tuần trước. Ông đã chỉ đạo các cán bộ dự án phải tuân thủ tiến độ đã đề ra và phải xem xét kỹ các tác động đối với môi trường, đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ và công nhân trong tình hình dịch covid-19.
Vị trí của Dự án thủy điện này nằm cách đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam 2.036 Km. Năm ngoái, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã tiến hành Cuộc họp tham vấn trước để các cơ quan chức năng của Lào thảo luận với các quốc gia Mekong trước khi tiến hành xây dựng dự án. Cuộc họp đã thảo luận về những tác động tiềm năng của đập thủy điện và xem xét Chiến lược phát triển hạ lưu giai đoạn 2021-2030; phương hướng chiến lược đối với quy hoạch phát triển 10 năm trong khu vực.
Cuộc họp lưu ý, đây là chiến lược đầy tham vọng nhưng được xem là tích cực trong việc giải quyết các vấn đề vùng hạ lưu. Trong số các khuyến nghị đưa ra đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, củng cố hợp tác giữa các nước thành viên MRC, tăng cường chia sẻ thông tin một cách công khai và minh bạch. (Vientiane Times, 18/03/2021)
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trịnh Thị Tâm
Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa, Nguyễn Trung Việt