Notifications
Clear all

Bản tin kinh tế số tháng 02-2022

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
589 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Phó Thủ tướng Lào chỉ ra 05 trọng tâm để tạo thuận lợi cho thương mại

Ngày 25/01/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương thuận lợi thương mại Sonxay Siphandone chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Thuận lợi Thương mại toàn quốclần thứ IV, với sự tham dự của các cơ quan liên quan cấp trung ương và địa phương.

    Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó chủ tịch Ủy ban thuận lợi thương mại Khampheng Xaysompheng cho biết, việc tổ chức thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại năm 2021 thể hiện sự quan tâm lo lắng của Đảng, Chính phủ và sự sốt sắng trong công việc của các thành phần nhằm cải thiện và giải quyết các vấn đề còn tồn tại đạt kết quả tốt hơn; bao gồm: việc xây dựng và cải cách các thể chế pháp lý liên quan tới nhiều ngành, điểm nào chưa phù hợp hoặc cản trở việc phát triển kinh tế, thương mại; nhanh chóng triển khai 51 biện pháp của năm 2021 đã đề ra và 09 biện pháp mới bổ sung (đến nay mới đang triển khai thực hiện được 28 biện pháp); nâng cấp dịch vụ, bảo đảm sự tiện lợi, nhanh chóng, gọn gàng và minh bạch của các bộ phận thường trực tại các cửa khẩu bằng việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro trong việc kiểm hóa, xây dựng cơ chế phối hợp kiểm tra giải phóng hàng hóa, thúc đẩy khuyến khích vận chuyển hàng qua dịch vụ đường sắt tuyến Lào-Trung để giảm áp lực cho vận tải bộ (đối với hàng hóa xuất sang Trung Quốc).  

    Mặc dù nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành và sửa đổi, nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn chưa đúng và không nghiêm túc theo quy định đã đề ra như: việc thu phí, lệ phí chưa đúng với Nghị định số 558/CP; việc kiểm tra vận chuyển hàng hóa nội địa chưa thực hiện đúng tinh thần của Sắc lệnh số 12/TTg...

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Sonxay chỉ ra 05 vấn đề trọng tâm cần thực hiện gồm: (i) Kiểm tra việc thu phí tại các cửa khẩu quốc tế liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các bộ phận thường trực tại cửa khẩu phải đúng với nội dung đã quy định tại Nghị định 558/CP; (ii) phân trách nhiệm, cải tiến phương thức, thời gian và văn bản trong việc cấp phép vận chuyển hàng hóa và xuất khẩu sản phẩm gỗ, than trắng sau khi giao nhận tại nhà máy có sự kiểm chứng của các ngành Công thương, Nông lâm; (iii) cần nghiên cứu kỹ đối với việc thu thuế GTGT, thuế thu nhập, thuế thầu khoán đối với vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh còn chưa phù hợp với luật và quy định đã đề ra; (iv) các ngành liên quan cần kiểm tra lại việc thành lập các điểm kiểm tra của công an trên các tuyến đường để kiểm tra hàng hóa và giấy tờ vận chuyển hàng nội địa gây phiền phức, khó khăn và tăng các chi phí trong vận chuyển hàng hóa nội địa; (v) nghiên cứu tìm hướng tăng hiệu quả trong việc vận chuyển hàng hóa đi Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Boten-Bohan như tăng cường nhân viên lái xe tạm thời, tăng thời gian làm việc, không mở thêm các cửa khẩu Lào-Trung khác...; thực hiện quy định về thời gian quota xuất hàng đi Trung Quốc của dự án cây trồng thay thế cho cây thuốc phiện. (Báo KT-XH, 26/01/2022)

 

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Lào giảm gần một nửa

Ngày 27/01/2022, Vientiane Times đưa tin, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Lào giảm gần một nửa do những hạn chế phòng tránh dịch bệnh Covid-19 của các thị trường trên thế giới.

Theo Bộ Công Thương Lào, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 52,7 triệu USD, năm 2021 chỉ còn 35 triệu USD. Gạo của Lào hầu hết xuất khẩu sang Trung Quốc, sau đó là Việt Nam, một lượng rất ít xuất khẩu sang Châu Âu.

Chính phủ Trung Quốc cấp cho Lào hạn ngạch xuất khẩu gạo là 50.000 tấn nhưng do dịch bệnh Covid-19, số lượng xuất khẩu chưa đạt được. Tháng 10/2021, Trung Quốc đóng cửa khẩu Boten để phòng tránh Covid từ Lào vào Trung Quốc, khiến hàng hóa xuất khẩu từ Lào vào Trung Quốc bị chậm đáng kể, tuy nhiên đến đầu tháng 11/2021, Trung Quốc đã mở lại cửa khẩu kèm theo các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt.  

Lào đã xuất khẩu 50 tấn gạo đầu tiên sang Châu Âu vào cuối năm ngoái qua Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Champahom với giá trị 29.000 USD và là một phần trong dự án thúc đẩy sản xuất gạo thương mại của Bộ Nông Lâm được Ngân hàng thế giới WB hỗ trợ khoản vay. Công ty đã khuyến khích nông dân trồng lúa ở huyện Pakngum và Xaythany ở Viêng Chăn trên diện tích 600ha. Theo bà Bun-hiêng Phom-mi-xay, Giám đốc Công ty, công ty dự định làm việc với các ngành chức năng để khuyến khích người nông dân trồng thêm lúa và tăng năng suất để có thể xuất khẩu 3.000 tấn/năm.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu nông sản chính từ Lào và nhập khẩu hơn 80% các sản phẩm nông sản như sắn, chuối, dưa hấu, mía và cao su. Đường sắt Lào-Trung hoạt động hy vọng sẽ đẩy nhanh việc xuất khẩu nông sản và thúc đẩy thương mại giữa Lào và Trung Quốc.

Lào nhập khẩu ít xi măng do sản lượng sản xuất trong nước tăng

Ngày 27/01/2022, Vientiane Times đưa tin, Lào có thể giảm số lượng xi măng nhập khẩu do sản lượng sản xuất trong nước tăng đáng kể.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020 Lào nhập khẩu xi măng trị giá 25,1 triệu USD từ các nước láng giềng nhưng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu chỉ là 16,1 triệu USD, giảm gần 10 triệu USD.

Hiện nay, Lào có 14 nhà máy xi măng đang hoạt động ở các tỉnh Vientiane, Khammuane, Savannakhet, Saravan, Oudomsay và Luang Prabang.

Công ty Xi măng Lào ở huyện Vangvieng, tỉnh Vientiane là một trong những nhà cung cấp xi măng lớn nhất ở Lào, đã lên sàn chứng khoán Lào năm 2018. Công ty tin tưởng rằng, nhu cầu xi măng ở Lào tiếp tục tăng và đầu tư vào sản xuất xi măng là chắc chắn có lợi. Công ty là một đơn vị được ưu tiên trong những dự án hợp tác công nghệ và kinh tế giữa chính phủ Lào và Trung Quốc, gồm những dự án được vay từ nguồn vay Trung Quốc dành cho Lào.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 hai năm qua, nhiều dự án xây dựng bị trì hoãn và hoặc tiến triển chậm. Tuy nhiên, với việc Lào nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch bệnh và dần mở cửa lại với thế giới, nền kinh tế hy vọng sẽ phục hồi và ngành xây dựng sẽ tăng trưởng trở lại, nhu cầu xi măng trong nước sẽ tăng theo. (Vientiane Times, 28/01/2022)

Lào dự kiến thu ngân sách 271 triệu USD từ ngành du lịch

Ngày 14/2/2022, Báo KT-XH đưa tin, kể từ năm 2020, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch của Lào. Các nhà đầu tư đã tạm dừng dịch vụ; các hạn chế về xuất, nhập cảnh gây sụt giảm nghiêm trọng lượng khách du lịch. Năm 2022, Bộ Thông tin-Văn hoá-Du lịch sẽ tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi thu hút khách du lịch khu vực và quốc tế hướng tới đạt mức 01 triệu lượt khách và doanh thu dự kiến đạt 271 triệu USD.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết công tác TT-VH-DL năm 2021 và đề ra phương hướng năm 2022, Thứ trưởng Bộ TT-VH-DL Lào Vansy Kuanua cho biết, Lào dự kiến sẽ thu hút hơn 01 triệu lượt khách trong khu vực và quốc tế, tạo doanh thu khoảng 271 triệu USD, đồng thời Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xây dựng các hoạt động du lịch nhằm thúc đẩy chiến dịch “Người Lào du lịch Lào” (Lao thiew Lao), phấn đấu đạt 1,966 triệu lượt khách nội địa, thu ngân sách vào khoảng 153,3 triệu USD; điều chỉnh kế hoạch chiến lược du lịch mang bản sắc Lào giai đoạn 2023-2030; phối hợp với các cơ quan hữu quan trung ương và địa phương lên kế hoạch phát triển du lịch; khảo sát, quy định khu vực, mốc giới và ban hành giấy chứng nhận 5 vùng du lịch; phấn đấu nâng cấp 03 thành phố đạt tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch của ASEAN; sửa đổi kế hoạch phát triển du lịch một số điểm du lịch nổi tiếng như Vangvieng, đập thuỷ điện Nam Nguem 1, … (Báo KT-XH, ngày 14/02/2022)

Tháng 01/2022, Lào thặng dư thương mại 41 triệu USD

Ngày 16/2/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Công Thương Lào ghi nhận thặng dư thương mại 41 triệu USD tháng đầu tiên của năm 2022, tổng kim ngạch thương mại tháng 01/2022 đạt 1.156 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 598 triệu USD và nhập khẩu 557 triệu USD (con số này chưa bao gồm giá trị xuất khẩu điện) và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào.

Sản phẩm xuất khẩu chính của Lào là vàng hỗn hợp (vàng thỏi), giấy và sản phẩm giấy, quặng đồng, bột gỗ và giấy thải, cao su, sắn, chuối, quần áo, thủy tinh, sản phẩm từ thủy tinh và bột sắn.

Sản phẩm nhập khẩu chính là phương tiện (không phải xe máy và xe đầu kéo), dầu diesel, thiết bị cơ khí (không phải dùng cho phương tiện), phụ tùng ô tô (gồm lốp, kính bảo hộ và xích), dây điện, cáp, nhựa, gas, chất thải thực phẩm và từ công nghiệp thực phẩm, sản phẩm hóa chất và dược phẩm.

Về xuất khẩu, Lào xuất sang Trung Quốc 217 triệu USD, Việt Nam 110 triệu USD, Thái Lan 141 triệu USD, Úc 42 triệu USD và Nhật 12 triệu USD.

Về nhập khẩu, Lào nhập từ Thái Lan 254 triệu USD, Trung Quốc 108 triệu USD, Việt Nam 27 triệu USD, Thụy Sĩ 59 triệu USD và Mỹ 41 triệu USD.

Năm 2021, Lào thặng dư thương mại 1 tỷ USD với tổng kim ngạch xuất khẩu là 7 tỷ USD và nhập khẩu 6 tỷ USD.

Chính phủ hy vọng đường sắt Lào-Trung sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Lào, tin rằng đường sắt sẽ khiến nhiều ngành tăng trưởng như du lịch, thương mại, đầu tư, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến và giúp Lào hồi phục sau đại dịch.

Lạm phát gia tăng gây nhiều lo lắng cho người dân Lào

Ngày 16/2/2022 và 23/2/2022, Vientiane Times đưa tin, giá nhiên liệu tăng liên tục 4 lần kể từ đầu năm 2022 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống của người dân Lào, giá hàng tiêu dùng tăng phi mã, thịt lợn loại A đã tăng lên đến 55 nghìn Kíp/kg, thịt bò tăng lên 95-100 nghìn Kíp/kg.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phouphet Kyophilavong, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Lào cho biết, việc giá xăng dầu tăng mạnh chính là một trong các nguyên nhân chính của tình trạng lạm phát hiện nay. Do Lào hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn xăng dầu nhập khẩu, việc tăng giá nhiên liệu cũng đồng nghĩa tác động lên giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng, cũng như chi phí vận chuyển, đi lại. Hiện nay, giá nhiên liệu tại Vientiane đang ở mức 16.190 Kíp cho 1 lít xăng chất lượng cao, 14.280 Kíp cho 1 lít xăng thường và 12.520 Kíp cho dầu diesel.

Năm 2021, tỷ lệ lạm phát ở Lào trung bình là 3,74%, cao hơn 3% so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Riêng từ tháng 9 đến tháng 12, lạm phát đã tăng trên 4%, do giá lương thực, nhiên liệu tăng trong khi đồng Kíp lại giảm giá so với đồng Baht của Thái Lan và USD, điều này càng khiến cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao.

Đến tháng 1/2022, tỷ lệ lạm phát tại Lào đã đạt đỉnh mới, ở mức 6.25% so với cùng kỳ năm 2020, gây thiệt hại nặng nề cho túi tiền của người dân. Giá cả hàng hóa, dịch vụ tiếp tục leo thang từ tháng 3/2021 và đạt mức 5.04% vào tháng 11, trước khi chạm mốc 5.27% tháng 12/2021. Chính phủ Lào đã thúc giục các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp hơn nữa để thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm nhập khẩu, cũng như đưa ra các biện pháp khuyến khích thu hút đầu tư vào Lào để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Chi phí viễn thông, vận tải, y tế, nhà hàng – khách sạn, hàng hóa thiết yếu là những tác nhân chính của sự gia tăng chi phí tiêu dùng trong tháng 1/2022, trong đó riêng giá vận tải tăng 1.26% so với tháng 12/2021 và đến 13.72% so với cùng kỳ tháng 1/2021.

Theo Tổng cục Thống kê Lào, một trong những nguyên nhân nội tại khiến cho vật giá leo thang thời gian này là do Tết Nguyên đán của người Việt Nam và Trung Quốc đã khiến cho nhu cầu hàng hóa, thực phẩm, thức uống không cồn tại Lào gia tăng.

Chính phủ Lào hiện đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu, kiểm soát giá xăng dầu để giảm tác động lên nền kinh tế và đời sống người dân.

Chính phủ nỗ lực hoàn thành các chương trình quốc gia tại kỳ họp định kỳ tháng 2/2022

Ngày 21-22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phankham Viphavanh chủ trì cuộc họp định kỳ hàng tháng của Chính phủ Lào nhằm thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình nghị sự quốc gia để giải quyết các khó khăn về kinh tế, tài chính của Lào hiện nay.

Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án khai thác khoáng sản, thí điểm các ngành nghề kỹ thuật số và các dự án đầu tư đã được chính phủ phê duyệt. Ngành thuế cũng được yêu cầu hiện đại hóa hơn nữa để tối đa hóa nguồn thu cho chính phủ. Các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý về việc nhập khẩu trái phép các phương tiện đã qua sử dụng, tối ưu hóa việc sử dụng ô tô công nhằm cắt giảm chi tiêu công. Ô tô – xe máy điện cũng được kêu gọi sử dụng rộng rãi hơn để giảm bớt chi phí nhiên liệu nhập khẩu và giảm ô nhiễm môi trường.

Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch dọc theo hành lang kinh tế bên cạnh tuyến đường sắt Lào-Trung. Các cơ quan được đề nghị tích cực phối hợp với các đối tác nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, đồng thời đảm bảo thực thi nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19.

Các ngành tài chính, thương mại cần nỗ lực đảm bảo ổn định tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái trong biên độ ấn định. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, giá hàng hóa và xăng dầu cũng cần phải được kiểm soát tốt nhằm giảm tác động tiêu cực đến người dân.

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ thảo luận về dự thảo các luật, nghị định mới bao gồm: Dự thảo sửa đổi Luật khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, Dự thảo sửa đổi Nghị định về tổ chức tài chính vi mô, Dự thảo sửa đổi Chiến lược phát triển thị trường vốn của CHDCND Lào giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, và Dự thảo Chiến lược về phát triển hàng không dân dụng 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Bản Dự thảo cuối cùng của các luật, nghị định này sẽ được trình lên tại kỳ họp định kỳ lần thứ ba sắp tới của Quốc hội khóa 9 để thảo luận và thông qua. (Vientiane Times, 24/2/2022)

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Sẽ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu cho lao động Lào trong thời gian tới

Ngày 31/01/2022, báo KT-XH đưa tin, theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 3/2022, Tổng Công đoàn Lào, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội và Bộ Công Thương sẽ tiến hành hội thảo về việc tăng mức lương tối thiểu cho người lao động Lào. Sau 08 lần điều chỉnh, từ 01/5/2018 đến nay người lao động đang hưởng mức lương tối thiểu 1,1 triệu Kíp/người/tháng.

Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Lào Phonsan Vilaymeung cho biết, lương tháng cho người lao động được điều chỉnh và thực hiện bắt đầu từ giữa tháng 5/2018 đến nay không còn phù hợp với thực tế do lạm phát đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, tác động đến cuộc sống của người lao động. Qua khảo sát 3.600 người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và xây dựng tại 18 tỉnh, thành phố, đều nhận được ý kiến đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động lên mức mới.

Trong thời gian qua Tổng Công đoàn Lào, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Công Thương đã nhiều lần thảo luận về vấn đề trên, cơ bản đã thống nhất đề xuất nâng mức lương tối thiểu cho người lao động từ 1,1 triệu Kíp lên 1,5 triệu Kíp/người/tháng. Dự kiến sẽ tổ chức hội thảo lần cuối vào tháng 3/2022 để đưa ra quyết định cuối cùng về mức lương tối thiểu như thế nào cho phù hợp trong điều kiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như người sử dụng lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người sử dụng lao động.

Ông Phonsan khẳng định, lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh, tuy nhiên tăng lên mức nào sẽ cần phải được cân nhắc kỹ tại hội thảo giữa 03 Bộ, ngành trong thời gian tới.

58 nhà máy điện mặt trời đã được lên kế hoạch triển khai

Ngày 01/2/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Năng lượng và Mỏ tổ chức cuộc họp giữa các quan chức của trung ương và địa phương bàn về đường hướng phát triển điện mặt trời trong thời gian tới. Tại cuộc họp, nhiều chính sách và biện pháp phát triển điện mặt trời đã được đưa ra xem xét.

Phát biểu trong cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, Ts. Daovong Phonekeo cho rằng điện mặt trời là một chiến lược quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng bền vững và sử dụng các nguồn năng lượng sạch do Đại hội Đảng lần thứ XI của Lào đề ra. Theo Ts. Daovong Phonekeo, sự đa dạng và khả năng làm ra điện với chi phí thấp sẽ tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào và ổn định cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Lào hiện đang trải qua những thay đổi nhanh chóng về kinh tế-xã hội và việc cung cấp đủ năng lượng sẽ là một nhân tố vô cùng quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển. Ông cho biết, với những tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Lào trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới lĩnh vực này.

Đại diện của Viện Năng lượng tái tạo Lào cho biết, Viện đã hợp tác với Bộ Năng lượng và Mỏ đưa ra bốn mục tiêu chính cho phát triển năng lượng mặt trời, bao gồm: i) xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn; ii) phát triển điện mặt trời trong dải hiệu điện thế từ 22kW đến 0,4 kW; ii) phát triển điện mặt trời để tự tiêu thụ và iv) phát triển điện mặt trời cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo ước tính, tiềm năng điện mặt trời của Lào có thể vào khoảng từ 10.000 đến 15.000MW.

Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi và tiến hành việc lắp đặt 58 nhà máy điện mặt trời trên toàn quốc với tổng công suất lên tới 7.656 MW. Tám trong số nhà máy điện mặt trời nói trên đã hoàn thành và 50 trong số đó vẫn đang trong quá trình xây dựng. Chính phủ đã quyết tâm đa dạng hóa các nguồn năng lượng thông qua việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió, điện nhiệt than nhằm đáp ứng trước sự thiếu hụt điện năng trong mùa khô khi các hồ chứa thủy điện bị suy giảm mức nước. Nguồn điện tạo ra từ đó sẽ giúp Lào tăng lượng điện xuất khẩu và giảm lượng tái nhập khẩu điện từ các nước láng giềng vào mùa khô.

Viêng Chăn tập trung phát triển các khu kinh tế

Ngày 14/02/2022, Vientiane Times đưa tin, Ban Quản lý và Phát triển các khu kinh tế Vientiane có kế hoạch tiếp tục tập trung giám sát việc triển khai các dự án và tăng cường cơ sở vật chất của các khu kinh tế trong năm nay, bao gồm:

(i) Khu Kinh tế Phát triển Saysetha với nhu cầu tổng vốn đầu tư 200 triệu USD trong đó hướng tới mục tiêu thu hút 10 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, đóng góp 141 tỷ Kíp cho ngân sách nhà nước và tạo ra ít nhất 2.200 việc làm cho các công ty trong khu vực. Nhiều dự án xây dựng đã được lập kế hoạch trong đó có một trạm phát điện, các khu nhà cao tầng, khu quản lý rác thải và một công viên có hồ chứa nước;

(ii) Đặc khu Kinh tế Thatluang với tổng mức đầu tư 30 triệu USD trong đó dự kiến sẽ có 8 doanh nghiệp thiết lập hoạt động, đóng góp 1,3 tỷ Kíp cho ngân sách và tạo ra ít nhất 120 việc làm. Các dự án xây dựng trong khu bao gồm các tòa chung cư, các tòa dịch vụ tài chính và một bức tượng Phật.

(iii) Đặc khu Kinh tế Longthanh-Vientiane với tổng mức đầu tư theo Ủy ban ước tính là 9 triệu USD. Nhiều công trình dự kiến sẽ được xây dựng ở đây như nâng cấp đường số 8 và số 9, hai mạng lưới truyền tải điện hạ thế cùng nhiều dự án xây dựng khác.

(iv) Công viên Logistics Viêng Chăn với mức đầu tư 150 triệu USD, dự kiến sẽ thu hút 7 doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp 200 triệu Kíp cho ngân sách nhà nước. Các hoạt động theo dự kiến kế hoạch bao gồm xây dựng đường giao thông, cầu vượt đường sắt và gỡ bỏ các chướng ngại vật cho việc xây dựng đường như đường dây điện thoại, cột điện vv…

Giám đốc Ban Thanongxay Khoutphaythoun cho biết, Ban sẽ tập trung nâng cao chất lượng Dịch vụ Một cửa, ưu tiên làm việc cùng ngành thuế thủ đô Viêng Chăn trong vấn đề thu thuế tại các đặc khu kinh tế, đồng thời thiết lập thêm các Đơn vị đầu tư Một cửa tiếp tục đánh giá sự phát triển của các khu vực trong khuôn khổ các thỏa thuận tô nhượng đã ký kết. Ủy ban cũng sẽ thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng trong các đặc khu kinh tế để cùng với các sở ngành liên quan thông báo cho công nhân có nhu cầu việc làm, đồng thời tiến hành các đánh giá tác động môi trường và sẽ có sự thay đổi trong các vị trí nhân sự của Ủy ban.

Chính phủ Lào nỗ lực bình ổn giá nhiên liệu và giảm thuế VAT để hỗ trợ kinh tế hậu Covid-19

Ngày 16/2/2022 và 23/2/2022, Laotian Times và Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đang tìm mọi phương án để kiềm chế sự gia tăng giá nhiên liệu, giảm tác động lên nền kinh tế và cuộc sống của người dân trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động. Do thuế và phí hiện chiếm từ 31-46% trong giá nhiên liệu, Chính phủ đã quyết định cắt giảm thuế VAT từ 10% xuống 7% từ năm nay. Nội dung này được quy định tại Pháp lệnh của Chủ tịch nước số 231/P ký ngày 21/12/2021 và có hiệu lực từ 01/1/2022, đồng thời bổ sung thêm một số hoạt động được miễn thuế VAT, cũng như cách tính VAT mới cho 2 ngành nghề là khai khoáng và các hoạt động liên quan đến điện lực.

Ngoài ra, Cục Thương mại Nội địa, Bộ Công Thương Lào cho biết Chính phủ cũng sẽ cắt giảm toàn bộ dự trữ nhiên liệu, đồng nghĩa việc giá dầu dự trữ của Lào sẽ bằng 0. Không những thế, Lào cũng sẽ xem xét lại về Quỹ Bảo trì Đường bộ, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập, cũng như chi phí cho các đơn vị nhập khẩu nhằm ngăn chặn giá xăng dầu leo thang đến mức không thể chấp nhận nổi.

Các Bộ ngành khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Các công ty cũng bị cảnh cáo về mức phạt nếu để xảy ra hiện tượng tích trữ hoặc tăng giá nhiên liệu khi không được phép của các cơ quan chức năng.

Kể từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu tại Lào đã tăng 4 lần liên tiếp, gây ra sự lo lắng của người dân và doanh nghiệp về giá tiêu dùng và chi phí sản xuất ngày càng leo thang. Đồng Kíp đang mất giá càng khiến cho việc kiềm chế giá nhập khẩu xăng dầu và giảm lạm phát càng khó khăn hơn.

Lào là một trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Tốc độ phát triển kinh tế đã xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, và giảm đến 0,6% trong năm 2020. Dù Ngân hàng Thế giới dự đoán năm 2022 Lào có thể đạt trở lại mức tăng trưởng 4.5% và 4.8% trong năm 2023, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình từ 6 đến 8% trong thập kỷ qua. Lào đồng thời cũng đang có mức lạm phát cao nhất trong khu vực với việc giá trị đồng Kíp Lào đã xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua.

Các lĩnh vực được miễn thuế VAT mới được bổ sung bao gồm xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu – nhập khẩu điện và cung cấp điện cho các công ty, nhà máy điện tại Lào.

Các cơ quan chính phủ tìm giải pháp đăng ký cho người lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Lào

Ngày 22/02/2022, Vientiane Times đưa tin, quy trình phức tạp, phí và lệ phí cao làm cho việc đăng ký cho lao động nước ngoài tại Lào trở nên khó khăn và khiến nhiều người nước ngoài chấp nhận làm việc bất hợp pháp.

Tại buổi làm việc với Sở Lao động và Phúc lợi xã hội Vientiane gần đây, Bà Baykham Khattiya, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đã cho biết, việc đăng ký lao động tùy thuộc vào sự tự giác của doanh nghiệp; lợi ích của việc đăng ký đầy đủ không rõ ràng; mức phạt cho việc không đăng ký còn thấp; và lệ phí của các khâu trung gian cao là những yếu tố chính khiến cho nhiều lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Lào. Tuy nhiên bà Baykham cho biết các cán bộ ngành Lao động cả nước đang nỗ lực để đưa lao động nước ngoài vào danh sách đăng ký nhằm thể chế hóa các cách thức tiếp nhận lao động và tạo ra các cơ sở pháp lý vững chắc về quy định nhập cư. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải thống nhất các quy định đăng ký lao động nhập cư với luật pháp của trung ương.

Một cán bộ Cục Quản lý Lao động, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội cho biết, dù lao động nhập cư bất hợp pháp là vấn đề không thể tránh khỏi trong thế giới hiện nay nhưng mọi quốc gia đều phải nỗ lực tìm cách quản lý trong khuôn khổ luật pháp nước mình, các biện pháp mà nhà nước đưa ra đều nhằm mục đích thu thập thông tin, xác định số người làm việc bất hợp pháp qua đó các cơ quan có thể kiểm soát tình hình và tránh những tình huống phức tạp có thể xảy ra.

Hiện nay, có khoảng 24.000 lao động nhập cư bất hợp pháp tại Lào trong tổng số 54.000 lao động nước ngoài, đa số là từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, làm việc chủ yếu trong các công trường xây dựng. Chính phủ Lào đã nỗ lực tìm cách đăng ký cho các lao động nhập cư nước ngoài từ năm 2012 nhằm đảm bảo trật tự và bảo vệ quyền lợi người lao động theo các quy định chung của Cộng đồng Kinh tế Asean.

HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 01 năm 2022

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 1 năm 2022 đạt 136.416.291 USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ, trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 42.536.400USD, giảm -28,9% so với cùng kỳ.

+ Các mặt hàng tăng:

Hàng dệt may tăng 87,3% đạt gần 1,4 triệu USD; Xăng dầu tăng 78,2% đạt hơn 2,46 triệu USD (đây là tháng thứ 10 tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019); Dây điện và cáp điện tăng 71,9% đạt gần 800 nghìn USD; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 47,3% đạt hơn 630 nghìn USD; Phân bón tăng 41,1% đạt gần 1,8 triệu USD; Clankhe và xi măng tăng 27,4% đạt hơn 270 nghìn USD; Sắt thép các loại tăng 8,7% đạt gần 7,2 triệu USD.

+ Các mặt hàng giảm (mức giảm trên 50%): Kim loại thường khác và sản phẩm giảm -87,8% đạt hơn 260 nghìn USD; Rau quả giảm -76,7% đạt hơn 560 nghìn USD; Cà phê giảm -61,1% chỉ đạt hơn 57 nghìn USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm -58,1% đạt gần 2,5 triệu USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tiếp tục giảm -56,8% đạt hơn 1,7 triệu USD; Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm -50,6% đạt hơn 900 nghìn USD; Các mặt hàng còn lại đều giảm.

- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt93.879.891 USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ.

Tất cả các mặt hàng đều tăng. Mặt hàng tăng mạnh: Quặng và khoáng sản tăng 338,1% đạt hơn 7,9 triệu USD; Hàng rau quả tăng 82,9% đạt hơn 1,73 triệu USD; Cao su tăng 50,8% đạt hơn 24,1 triệu USD; Phân bón các loại tăng 42,4% đạt hơn 4,3 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 38,3% đạt hơn 14,55 triệu USD; hàng hóa khác tăng 16,7% đạt hơn 41,2 triệu USD.  

Mặt hàng ngô tiếp tục ghi nhận nhập khẩu tháng thứ 4 liên tiếp với số lượng 200 tấn trị giá 46 nghìn USD sau 9 tháng/2021 không có kim ngạch nhập khẩu.

Như vậy, kim ngạch tháng 1/2022 tăng nhẹ, tăng do chiều nhập khẩu tăng. Chiều xuất khẩu giảm do tháng 1 cũng là tháng Tết cổ truyền tại Việt Nam. Dự đoán tháng 02/2022, kim ngạch hai chiều sẽ tăng và vẫn tiếp tục tăng nhiều ở chiều nhập khẩu. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)

Unitel hợp tác với EDL nghiên cứu các giải pháp công nghệ và viễn thông

Ngày 01/02/2022, Vientiane Times đưa tin, Công ty Viễn thông Ngôi sao (UNITEL) và Điện lực Lào (EDL) vừa ký Biên bản ghi nhớ Thỏa thuận thống nhất thực hiện một nghiên cứu khả thi để hợp tác tìm ra các giải pháp về công nghệ và viễn thông. Tham dự và chứng kiến có Tổng giám đốc UNITEL Đỗ Mạnh Hà và Giám đốc Điều hành EDL Chanthaboun Soukaloun cùng các lãnh đạo của hai bên.

Theo Thỏa thuận, hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu về việc tích hợp sử dụng cáp quang OPGW trên toàn quốc do EDL cung cấp để cùng cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong và ngoài nước, đồng thời nghiên cứu sử dụng sản phẩm công nghệ IT - Đồng hồ thông minh Samart AMR/AMI - để cung cấp thông tin sử dụng dịch vụ điện qua tin nhắn và gói internet cho EDL. Hai bên cũng sẽ tiến hành một nghiên cứu khả thi xem xét việc sử dụng hạ tầng cơ sở của EDL như các cột, trung tâm và trạm điện của EDL để hỗ trợ mở rộng phủ sóng viễn thông và sử dụng hạ tầng cáp quang của EDL với hệ thống đồng hồ đo thông minh để cung cấp dịch vụ FTTH (Cáp quang tới tận nhà) cho người sử dụng tại 4 quận của Viêng Chăn.

Hai bên cũng nhất trí nghiên cứu dịch vụ thanh toán hóa đơn điện qua Mobile Wallet (ví di động) trên nền tảng dịch vụ U-money nhằm giúp cho việc trả tiền điện trở nên dễ dàng hơn cho các khách hàng của EDL tại thủ đô và các vùng nông thôn sâu, xa. Các bên cũng thống nhất nghiên cứu trao đổi nguồn nhân lực kỹ thuật cho bảo trì, sửa chữa các hệ thống điện lực và viễn thông nhằm giảm chi phí cũng như tiếp nối truyền thống hợp tác chia sẻ trong công việc để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Hai bên sẽ nghiên cứu việc áp dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ số như Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), Kiểm tra xâm nhập (pen test), Giám sát đám mây sử dụng các chỉ số chính KPI và các hệ thống khác mang lại lợi ích cho khách hàng và hai bên đối tác.

Phát biểu trong lễ ký kết, ông Bounmy cho biết, việc hợp tác của hai doanh nghiệp hàng đầu tại Lào nhằm khuyến khích và nâng cao sử dụng các hệ thống số và công nghệ mới, tăng cường công tác quản lý và cung cấp dịch vụ cho các khách hàng trong và ngoài nước. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, việc nâng cao chất lượng quản lý và dịch vụ đóng vai trò quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của cả hệ thống chính phủ và toàn xã hội. Đây là nội dung có trong kế hoạch của Chính phủ Lào trong phát triển công nghệ số hóa.(Vientiane Times, 1/2/2022)

Nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến truyền tải điện sang Việt Nam

Ngày 08/2/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào vừa cho phép hai công ty tư nhân thực hiện nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến tuyền tải điện 220kV từ năm nhà máy điện khu vực Bắc Lào sang Việt Nam. Nếu được phê duyệt, tuyến điện lưới sẽ được xây dựng để truyền tải điện từ các nhà máy Nậm U 3,4,5,6 và 7 thuộc hai tỉnh Luang Prabang và Phongsaly tới biên giới Việt Nam. Đây là động thái nằm trong một phần chiến lược của Lào hướng tới gia tăng lượng điện xuất khẩu sang Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng của ngành công nghiệp nước này.

Bản ghi nhớ Thỏa thuận đã được hai bên ký kết giữa đại diện cho phía Chính phủ, bà Khamchan Vongsanaboun, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một bên là các đại diện cho Công ty TNHH một thành viên Nhóm Phát triển CDC và Công ty Cổ phần Xây dựng Vũ Thư (của Việt Nam).

Nghiên cứu khả thi dự kiến sẽ kéo dài trong 18 tháng, bao gồm thiết kế tổng quan dự án và dự toán chi phí xây dựng. Các công ty tham gia tin tưởng rằng với năng lực kỹ thuật và tài chính của mình, họ sẽ thực hiện tốt dự án, góp phần mang lợi ích cho cả hai quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào hồi tháng 11 năm ngoái, Việt Nam dự kiến đến năm 2025 sẽ mua 3.000MW điện của Lào. Con số này sẽ tăng lên thành 5.000MW điện trong giai đoạn 2026-2030. Báo cáo cũng cho biết, Lào đã có thêm 3 nhà máy điện với công suất 572MW đang xuất khẩu cho Việt Nam.

HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC

Lào-Trung Quốc

Lào chuẩn bị sản phẩm nông, công nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc

    Ngày 27/01/2022, tại thủ đô Viêng Chăn, lễ ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh vận chuyển hàng hóa từ Lào sang Trung Quốc được tiến hành giữa Công ty Công nghiệp và Nông nghiệp Lào và Công ty Huapei, Trung Quốc. Tham dự và chứng kiến có Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Phet Phomphiphac, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thongchanh Manixay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Manothong Vongxay; Tham tán kinh tế Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào, Chủ tịch Hiệp hội kinh tế và văn hóa Lào-Trung và đại diện một số công ty liên quan hai bên.

    Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lao Công nghiệp và Nông nghiệp cho biết, trên cơ sở tiềm năng vận tải của Lào đến Trung Quốc ngày càng thuận lợi thông qua tuyến đường sắt cao tốc mới được đưa vào vận hành; theo chủ trương, đường lối của Chính phủ tập trung thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Lào ra thị trường quốc tế, Trung Quốc chính là cơ hội lớn đối với Công ty Lao Công nghiệp và Nông nghiệp. Công ty sẽ hợp tác thúc đẩy trồng trọt và mua sản phẩm từ người dân, đóng gói theo quy chuẩn để xuất sang Trung Quốc; trong năm 2022, dự kiến sẽ có 03 loại sản phẩm của Lào sẽ được xuất gồm: (i) Nước dứa (nhu cầu cần 800 tấn nguyên liệu để chế biến); (ii) Nước cọ 300.000 hộp (lượng nguyên liệu khoảng 400 tấn); và (iii) Tỏi.

     Công ty Lao Công nghiệp và Nông nghiệp thành lập từ năm 1995, là một trong những doanh nghiệp uy tín tại Lào với sản phẩm truyền thống là sản xuất nước ngô non đóng chai, tiêu dùng nội địa 100%, nguyên liệu được thu mua tại các tỉnh Viêng Chăn, Bolykhamxay, Saysomboun và Xiengkhuang. Đối với hàng xuất khẩu, công ty có 03 sản phẩm: nước ngô đóng lon xuất đi Anh với số lượng khoảng 5.000 tấn/năm; quả cọ đóng hộp để xuất sang thị trường Thái Lan, Việt Nam, Malaysia với số lượng khoảng 1.200 tấn/năm và ngô bao tử (ngô non); ngoài ra còn có một số sản phẩm được sản xuất chế biến từ ngô, tỏi củ...(Báo KT-XH, 31/01/2022)

Doanh nghiệp Trung Quốc tuyển dụng 2.000 công nhân may

Ngày 18/2/2022, Vientiane Times đưa tin, công ty TNHH Best Garment Lào, một chi nhánh của Tập đoàn Best Garment Trung Quốc đang có nhu cầu tuyển dụng 2.000 công nhân cho nhà máy của công ty này đặt tại Đặc khu Kinh tế Saysetha, thủ đô Vientiane. Công ty đang chuẩn bị đi vào sản xuất sau khi việc kiểm định hoàn tất nhằm xác nhận nhà máy này có thể vận hành đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế trên tất cả các hệ thống, trong đó gồm cả các vấn đề về an toàn.

Giám đốc Sản xuất của nhà máy, ông Jiang Hong Xian cho biết, để hoạt động hết công suất, nhà máy sẽ cần khoảng 2.200 công nhân. Hiện tại công ty đã tuyển được 200 người và đang đào tạo về kỹ thuật và quy chế của nhà máy. Ông Jiang Hong Xian cho biết việc kiểm định nhà máy sẽ do một cơ quan quốc tế đảm nhiệm và sẽ triển khai trong tháng Ba, tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19. Sau đó nhà máy sẽ tuyển dụng thêm công nhân để đáp ứng đủ theo yêu cầu.

Công ty cam kết sẽ bảo đảm tốt chế độ phúc lợi cho công nhân nhà máy với chỗ ở miễn phí và hỗ trợ các suất ăn. Về mức lương của công nhân, công ty sẽ tuân thủ theo các quy định của chính phủ Lào. Người dân trong khu vực lân cận sẽ được hưởng lợi từ nhà máy với công việc ổn định và mức thu nhập đáp ứng đủ đời sống.

Công ty Best Garment Lào sẽ sản xuất nhiều loại mặt hàng may mặc để xuất khẩu sang châu Âu với mục tiêu đạt 6 triệu sản phẩm mỗi năm. Nguyên liệu sử dụng cho sản xuất của công ty hoàn toàn được nhập từ Trung Quốc. Ông Jiang Hong Xian tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu sản xuất đề ra trong vòng hai năm tới khi trình độ, kỹ năng của công nhân đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cũng như tốc độ.

Tập đoàn may mặc Best Garment của Trung Quốc quyết định xây dựng nhà máy tại Lào với hai nguyên nhân là Lào đang được hưởng quy chế của Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalised Scheme Preference) do EU đưa ra trong đó hàng may mặc sản xuất tại Lào sẽ được miễn thuế nhập khẩu và Lào đã có đường xe lửa nối Trung Quốc với Viêng Chăn và trong tương lai sẽ nối với Thái Lan, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và hạ tầng vận tải cho các nhà đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Tập đoàn Best Garment Trung Quốc được thành lập từ năm 2001, có trụ sở tại Jiangsu, hiện đang sản xuất khoảng 35 triệu mặt hàng may mặc mỗi năm, trong đó có 55 phần trăm sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo thông tin chính thức, hiện nay có khoảng 150 công ty đầu tư vào hoạt động tại Đặc khu Kinh tế Saysetha, tuy nhiên mới chỉ có 50 công ty bắt đầu sản xuất. Số còn lại đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng.

Lào - Nhật Bản

Lào, Nhật Bản cùng nhìn lại thành công trong chính sách khuyến khích đầu tư

Ngày 02/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp về khuyến khích đầu tư Lào – Nhật với sự tham dự của đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản tại Lào (JCCIL), Tổ chức Thương mại ngoài nước Nhật Bản (JETRO) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) Nhật Bản.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ts. Sonexay Siphandone cho biết, trong vòng 10 năm kể từ năm 2008, khi hai chính phủ Lào và Nhật Bản ký kết hiệp định khuyến khích đầu tư, các công ty của Nhật đã đầu tư hơn 160 dự án vào Lào với tổng giá trị trên 311 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư của Nhật bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, may mặc, xây dựng, thương mại, nhà hàng, khách sạn, sản xuất điện, tư vấn và giáo dục. Quan hệ hữu nghị Lào-Nhật đã có lịch sử từ lâu với những kết quả hợp tác tốt đẹp và đã được nâng lên thành mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2015. Năm 2022 là năm đánh dấu kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ts. Sonexay Siphandone cũng cho biết Nhật Bản là nước đứng đầu trong các quốc gia viện trợ phát triển (ODA) cho Lào. Bình quân mỗi năm Nhật Bản cung cấp cho Lào 90-100 triệu USD vốn ODA và đã tài trợ cho Lào trị giá khoảng 20 triệu USD cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Chính phủ Lào đánh giá cao nội dung của cuộc họp, qua đó đã cung cấp những thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư Nhật Bản về các chính sách khuyến khích đầu tư trong khối tư nhân của Lào. Chủ đề của cuộc họp năm nay tập trung cho vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, một phần trong chiến lược chuyển đổi kinh tế-xã hội để giúp Lào vượt qua rào cản là một quốc gia không có biển thành trung tâm kết nối khu vực và vươn ra quốc tế, qua đó nâng cao vị thế của Lào trong khu vực.

Cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư, Chính phủ Lào đang tích cực triển khai Kế hoạch Phát triển KT-XH lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025, trong đó hướng tới việc đưa Lào ra khỏi danh sách các nước chậm phát triển trở thành quốc gia phát triển bền vững, có chất lượng và phù hợp với các mục tiêu về phát triển xanh và hài hòa với tầm nhìn đến năm 2030. (Vientiane Times, 3/2/2022)

Nhật Bản giúp Lào xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai

Ngày 02/02/2022, tại Bộ Ngoại giao Lào, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Kobayashi Kenichi và Thứ trưởng Ngoại giao Phoxay Khaykhamphithoun đã đại diện Chính phủ hai nước ký Thoả thuận tiếp nhận khoản hỗ trợ không hoàn lại ngoài ngân sách của Chính phủ Nhật Bản dành cho Lào nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai. Tham dự lễ ký kết có nhiều cán bộ của hai bên và đại diện các bộ ngành liên quan.

Khoản hỗ trợ này được sử dụng để xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai tại 06 tỉnh Nam Lào là Champasak, Salavanh, Savannakhet, Xekong, Attapeu và Khammuan với tổng giá trị dự án 1 tỷ Yên, tương đương 8,78 triệu USD. Dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng về thời tiết và cảnh báo để đối phó kịp thời tại 06 tỉnh nói trên, giúp giảm thiểu ảnh hưởng và thiệt hại cho người dân. Vào tháng 8 và tháng 9 năm 2019, khu vực 6 tỉnh này đã bị ảnh hưởng nặng nề do bão áp thấp nhiệt đới dẫn đến mưa lớn và lũ lụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và cơ sở hạ tầng tại khu vực.

Tại buổi ký kết, Thứ trưởng Ngoại giao Lào đã bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Lào trong từng giai đoạn. Sự hỗ trợ lần này cũng nhằm tái khẳng định cam kết của Chính phủ Nhật Bản trong việc hỗ trợ Lào triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025. (Báo KT-XH, ngày 04/02/2022)

Nhật sẽ hỗ trợ Lào nâng cao năng lực Quản lý đầu tư công

Ngày 15/2/2022, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức cuộc họp lần thứ 2 của Ủy ban Điều hành Nâng cao năng lực Quản lý đầu tư công do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Phonevanh Outhavong chủ trì để thúc đẩy hợp tác Lào và Nhật về công tác quản lý đầu tư công (PIM) trong Kế hoạch hành động 2022-2030, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, đóng góp tích cực cho kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phonevanh cho biết: “Những năm tới, Lào sẽ phải chú trọng vào mô hình phát triển tập trung vào chất lượng, có trọng tâm, bền vững và thân thiện với môi trường”. Bà Phonevanh cảm ơn chính phủ Nhật và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hợp tác, hỗ trợ Lào trong công tác quản lý đầu tư công hơn một thập kỷ qua. Việc hợp tác này sẽ giúp cung cấp các nội dung chuyên môn để Ủy ban Điều hành có thể soạn thảo Kế hoạch hành động phù hợp. Chính phủ Lào sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác, trong đó có Nhật Bản, để nâng cao năng lực quản lý đầu tư công khoa học, hiệu quả và có trách nhiệm, nhằm tránh những món nợ xấu như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Lào hiện đang có nhu cầu cấp thiết về phát triển ổn định, bền vững và chất lượng cũng như yêu cầu ngày càng cao về quản lý chi tiêu công. Nhật tiếp tục là nước tài trợ hàng đầu cho Lào những năm qua với nguồn tài chính bình quân ở mức 90-100 triệu USD mỗi năm. Năm 2017, Nhật là nhà đầu tư lớn thứ sáu vào Lào, và đến năm 2020, có 165 công ty Nhật hoạt động tại Lào trong các lĩnh vực về nông nghiệp, chế tạo và xây dựng. (Vientiane Times, 16/2/2022)

Lào - Campuchia

Lào - Campuchia tăng cường hợp tác nhiều mặt

Từ ngày 15-17/2/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Nam Á (AMM Retreat). Hiện nay, tình hình hợp tác giữa Lào và Campuchia ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Theo đó, từ mức thương mại song phương hai nước chỉ khoảng 10 đến 20 triệu USD mỗi năm trước đây, đến năm 2020 đã đạt mốc hơn 100 triệu USD. Hiện nay, có khoảng 30 doanh nghiệp Campuchia đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký khoảng 107 triệu USD. Đồng thời, các doanh nghiệp hàng đầu của Lào cũng tham gia đầu tư vào thị trường Campuchia, góp phần đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.  

Ngoài cam kết thúc đẩy các ngành có trách nhiệm thảo luận và hoàn thành việc phân định biên giới chung của hai nước và nhất trí duy trì an ninh, trật tự dọc biên giới (Lào và Campuchia có kế hoạch ký hiệp ước biên giới trên 465 km đường biên giới chung, tương đương 86% tổng chiều dài biên giới 535 km), hai Bộ trưởng còn nhất trí về việc tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch và năng lượng, trong đó Lào sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán điện từ các nhà máy thủy điện và nhiệt điện sang Campuchia. Hai bên cũng đồng ý sẽ tiếp tục ủng hộ bên còn lại trong các vấn đề khu vực và quốc tế tại các tổ chức như Liên Hợp Quốc, ASEAN và khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn căng thẳng, hai nước Lào và Campuchia vẫn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội. Hợp tác về quốc phòng, an ninh, giáo dục, thể thao cũng được đẩy mạnh. Về hợp tác địa phương, Vientiane và Phnompenh, Champasak và Siem Reap là hai cặp thành phố kết nghĩa của hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí tiếp tục thực hiện các nội dung theo Biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Ủy ban Liên hợp Lào – Campuchia vào năm 2019. (Vientiane Times, 18/2/2022)

Lào -Thái Lan

Lào - Thái Lan dự kiến xây cầu đường bộ - đường sắt Hữu nghị thứ hai qua sông Mekong

Ngày 07/2/2022, Vietnamplus đưa tin, Chính phủ Thái Lan đã chấp thuận Dự án xây dựng cầu đường bộ - đường sắt Hữu nghị thứ hai qua sông Mekong nối Thái và Lào tại cuộc họp cuối tháng 1/2022 vừa qua.

Bộ trưởng Giao thông Thái Lan, ông Saksaiyam Chidchob cho biết, dự án có tổng kinh phí khoảng 120 triệu đô la Mỹ (4 tỷ Baht) và do 2 nước cùng chia sẻ, sẽ được xây dựng tại tỉnh Nong-khai, vùng đông bắc Thái Lan và thủ đô Vientiane, Lào. Cục Cao tốc Thái Lan sẽ chịu trách nhiệm công tác nghiên cứu thiết kế, dự kiến chi phí khoảng 4,25 triệu đô la Mỹ (140 triệu Baht) từ nguồn ngân sách chính phủ Thái. Đây là một phần của giai đoạn 3 tuyến đường sắt cao tốc nối liền Thái Lan và Trung Quốc, và là cây cầu thứ bảy nối giữa hai nước Thái Lan - Lào.

Ông Chidchob cho biết, dự án sẽ được xây dựng trong vòng 1 năm, cách vị trí cầu Hữu nghị đầu tiên khoảng 50m và sẽ được hoàn thành trước khi giai đoạn hai của tuyến đường sắt cao tốc đi vào hoạt động, dự kiến trong năm 2028, nối liền Nakhonratchasima và Nongkhai. Hiện nay, giai đoạn 1 của tuyến đường sắt này đang được thi công tại Thái Lan, nối Bangkok và Nakhonratchasima, dự kiến hoàn thành năm 2026 (Vietnamplus, 07/2/2022)

Lào - Nga

Lào - Nga thúc đẩy hợp tác du lịch, văn hóa

Ngày 24/2/2022, Vientiane Times đưa tin, tại cuộc gặp với bà Suanesavanh Vignaket, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào, Đại sứ Nga tại Lào Vladimir A. Kalinin đề nghị hai nước tăng cường hơn nữa về hợp tác du lịch nhằm giúp người dân có thể dễ dàng đi lại giữa hai bên.

Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách một thị thực chung cho các nước Đông Nam Á nhằm khuyến khích người Nga thăm Lào và các nước ASEAN cùng lúc. Năm 2019, Lào tiếp đón hơn 4,791 triệu khách du lịch quốc tế, trong đó chỉ có khoảng hơn 12 nghìn du khách đến từ Nga.

Đại sứ Nga rất quan tâm thúc đẩy hợp tác về văn hóa với Lào, sẽ đưa nội dung này trao đổi trong cuộc họp của Ủy ban liên hợp Lào - Nga, dự kiến diễn ra sau 3 tháng. Về hợp tác truyền thông, hai cơ quan báo chí của Lào là Thông tấn xã Lào (Lao New Agency) và Tổ hợp Báo Ngoại ngữ Lào đã ký thỏa thuận hợp tác với 2 trang tin lớn của Nga là Itar Tass News Agency và Sputnik News để giúp nhân dân hai nước nắm rõ về tình hình nội bộ của nhau. Ông mong muốn phía Lào bổ sung thêm tiếng Nga trên các trang tin du lịch của Lào, và cam kết rằng phía Nga cũng sẽ làm tương tự để người dân hai nước có thể tìm hiểu về các địa điểm du lịch của nhau và đề nghị các đơn vị tổ chức du lịch của hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau để xây dựng các gói du lịch hiệu quả.

Theo tin liên quan, Lào và Nga hiện đang có nhiều hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, năng lượng, khai khoáng, truyền thông, công nghệ thông tin, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa và du lịch. Rất nhiều sinh viên Lào đang theo học tại các cơ sở giáo dục tại Nga, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Trung tâm Văn hóa - Khoa học Nga đã được tái mở cửa tại Lào vào năm 2013 sau hơn 20 năm đóng cửa. Nga cũng là một trong những nước đầu tiên tặng vắc-xin Covid-19 cho Lào, cũng như đã viện trợ 12 triệu USD để nâng cấp bệnh viện Mittaphab, một trong số các bệnh viện chính của Lào. (Laotian Times, 24/2/2022)

Lào - Anh

Đối tác Chính phủ Lào nghiên cứu sử dụng xe máy điện

Ngày 01/2/2022 tại Vientiane, Lào ký thỏa thuận với Đại sứ quán Anh tại Lào và Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) thực hiện nghiên cứu khả thi về hệ thống hoán đổi pin cho xe máy điện nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ hướng tới 30% sử dụng xe điện vào năm 2030.

Tham dự và chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phonevanh Outhavong, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phouvong Luangxaysana, và Đại sứ Anh tại Lào John Pearson. Đây là nghiên cứu nhằm xem xét khả năng tài chính và tính bền vững về môi trường của việc triển khai mô hình hệ thống hoán đổi pin cho xe hai bánh chạy điện ở Viêng Chăn.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Oula Somchanmavong, cho biết sự hợp tác này sẽ góp phần đáng kể vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ 9, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; hỗ trợ việc thực hiện chương trình nghị sự quốc gia về các vấn đề kinh tế và tài chính bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và từ đó cải thiện sự ổn định kinh tế. Đại sứ John Pearson cho rằng điện khí hóa ngành giao thông hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh của Lào vì Lào có thể hưởng lợi từ các nguồn năng lượng tái tạo trong nước chưa được khai thác với chi phí thấp, trong khi hiện tại nước này phải nhập khẩu toàn bộ nhiên liệu dầu mỏ.

Phó Đại diện quốc gia của GGGI Lào, ông Christophe Assicot, cho biết “Được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo thị trường toàn cầu như Gogoro, chúng tôi đang theo dõi sự phát triển nhanh chóng của hệ thống hoán đổi pin như một giải pháp thích hợp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang di chuyển bằng xe 2 bánh chạy điện, đó là phương thức vận tải chính ở Lào.”

Kết quả của nghiên cứu tiền khả thi sẽ được tổng hợp thành một báo cáo cuối cùng và được trình bày cho các bên liên quan vào cuối tháng 3 năm 2022.

Lào đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông như một phần của các biện pháp nhằm chuyển chính sách của chính phủ thành kế hoạch hành động cho đến năm 2025, chiến lược 2030 và tầm nhìn tới năm 2050. Thủ tướng Phankham Viphavanh mới đây đã phê duyệt chính sách mới về việc sử dụng phương tiện đi lại trên đường cao tốc, nhằm giảm thiểu nhập khẩu nhiên liệu và giảm phát thải khí độc hại.

Chính sách này là một phần trong những nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính của đất nước, chủ yếu thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giảm nhập khẩu các phương tiện sử dụng nhiên liệu kém hiệu quả và thúc đẩy sử dụng năng lượng điện. (Vientiane Times 8/2/2022)

Lào – Đức

Hơn 9.000 hộ gia đình được tiếp cận với nước sạch

Ngày 21/02/2022, phát biểu tại Hội nghị Chỉ đạo dự án phát triển cơ sở hạ tầng nước sạch và dinh dưỡng (SUNWIP), Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính Vilaykham Phosalath cho biết, dự án SUNWIP do Ngân hàng phát triển Đức KfW phối hợp với Chính phủ Lào triển khai thông qua viện trợ của Liên minh Châu Âu nhằm giúp Lào giảm nghèo và tình trạng thiếu lương thực, đồng thời giúp hơn 9.000 hộ gia đình, tương đương khoảng 100.000 người được tiếp cận với nước sạch.

Dự án này được triển khai tại 02 huyện của tỉnh Khammuan (huyện Hinboun và Nyommalath) và 04 huyện tại tỉnh Savannakhet (huyện Nong, Atsaphone, Sepon và Outhounphone), cung cấp vốn trong việc xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống nước máy hiện có và xây mới tại các vùng ngoại ô. Dự án này đã góp phần giúp Lào đạt 02 mục tiêu phát triển bền vững là SDG 2 “Xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao dinh dưỡng, khuyến khích nông nghiệp bền vững” và SDG 6 “Bảo đảm có nước dùng, quản trị nguồn nước bền vững và vệ sinh cho mọi người dân”. Bên cạnh đó, SUNWIP còn đóng góp trực tiếp vào việc triển khai chiến lược dinh dưỡng quốc gia đến năm 2025.

Đại sứ EU tại Lào Ina Marčiulionyte cho biết, dự án sẽ giúp người dân Lào tại 62 bản (khoảng 61.000 hộ gia đình) tại hai tỉnh Khammuan và Savannakhet tiếp cận với khoảng 15.000m3 nước sạch qua hệ thống dẫn nước dài hơn 400km cho đến khi sản xuất nước qua hệ thống mới. Dự kiến trong 20 năm tới đây, dự án sẽ giúp 90.000 hộ gia đình tiếp cận được nguồn nước sạch.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển Đức KfW Jan Wiegelmann cho biết, dự án không chỉ giúp người dân các huyện trên được tiếp cận với nước sạch mà còn hướng dẫn người dân xây dựng 91 khu vệ sinh tự hoại tại 13 bản ưu tiên của dự án đồng thời cung cấp 11 bộ thiết bị rửa tay cho các trường học với hơn 900 học sinh và giáo viên.

Sử dụng nước sạch và vệ sinh một cách đầy đủ là chìa khoá quan trọng để giảm lây lan dịch bệnh qua đường nước sinh hoạt. Tính đến nay Lào đã có hơn 9.000 hộ gia đình được tiếp cận với nước sạch thông qua dự án SUNWIP. (Báo KT-XH, ngày 23/02/2022)

HỢP TÁC LÀO - TỔ CHỨC QUỐC TẾ

 Lào – WB

Lào đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các dự án tiếp cận vốn

Ngày 02/02/2022, tại buổi tiếp Giám đốc Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Lào Alexander Kremer, Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Xaysompheng đã kiến nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế của Lào trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 và sau khi dịch bệnh kết thúc, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận gói hỗ trợ MSME A2F-ESR trị giá 40 triệu USD để đối phó với tác động xấu và phục hồi sau khủng hoảng Covid-19, đồng thời tìm cách thức giải ngân nhanh nhất có thể.    

Bộ trưởng Khampheng Xaysompheng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Lào sau khi kết thúc dự án LCT (Dự án Cạnh tranh và Thương mại Lào) nhằm tiếp tục phát huy và thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và Kế hoạch 5 năm của Bộ Công Thương, theo đó chú trọng vào 3 nhiệm vụ chính: hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và tạo điều kiện sẵn sàng cho doanh nghiệp cạnh tranh; đề nghị hỗ trợ củng cố môi trường kinh doanh trong đó có việc cho phép tiến hành các hoạt động công nghiệp chế biến để tạo cơ sở dữ liệu công nghiệp điện tử (e-manufaturing licenses database) để hội nhập hệ thống quản lý thông tin nhà máy trên khắp cả nước và kết nối vào hệ thống dữ liệu quốc gia. (Báo KT-XH, ngày 03/02/2022)

Lào - JICA

Ngày 18/2/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có buổi trao đổi trực tuyến lần đầu tiên về Diễn đàn Quản lý Đô thị nhằm thảo luận về các chính sách và vấn đề tồn tại trong việc phát triển đô thị. Tại cuộc họp, hai bên đã đánh giá lại tình hình thực tế, pháp lý và công tác quản lý đất đai hiện nay, các thách thức gặp phải và phương hướng để quản lý đất đai hiệu quả tại thủ đô Vientiane.

Đại diện JICA, ông Tetsuji Goto cho biết Diễn đàn Quản lý Đô thị là một trong số các hoạt động của Dự án Kiểm soát và Thúc đẩy Nâng cao năng lực Phát triển Đô thị, được xây dựng để thảo luận về các khó khăn hiện tại trong việc quản lý đô thị, không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà còn cả những thành phần khác như người dân, các doanh nghiệp và các viện, trường. Bà Souvan Keophantai, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai Vientiane cho biết, trọng tâm của phòng là hiện đại hóa hệ thống cấp quyền sử dụng đất và điều chỉnh cơ sở pháp lý bằng cách chuyển từ hệ thống dựa trên giấy tờ sang hệ thống điện tử trực tuyến nhằm rút ngắn quy trình, giảm thời gian, giảm các khoản phí và minh bạch hóa các bước thực hiện.

Phòng hiện đang xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về đất đai tại ba quận Xaythani, Sangthong và Pak Ngum, trong đó áp dụng hệ thống GPS để đo đạc và tính toán về quyền sử dụng đất. Các bên tham gia hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận và tìm giải pháp cho một số vấn đề tồn tại và thách thức hiện nay đối với công tác quản lý đất đai tại Lào như: hạn chế về cơ sở pháp lý liên quan, sự thiếu hụt các chuyên gia kỹ thuật lành nghề, ngân sách để hỗ trợ chuyển đổi dữ liệu, mua các công cụ và thiết bị khảo sát và thành lập mô hình mẫu về trung tâm dịch vụ đất đai.

BẠN CẦN BIẾT

Donsahong, nhà máy thủy điện đầu tiên xuất bán điện sang Campuchia

Ngày 27/01/2022, báo KT-XH đưa tin, nhà máy thủy điện Donsahong là một trong 88 nhà máy thủy điện trên toàn quốc Lào, nằm tại tỉnh Champasak, cách thành phố Pakse khoảng 160 km về phía Nam, có công suất lắp đặt 260 MW, là đập thủy điện thứ 2 khu vực hạ lưu sông Mekong địa phận Lào.

Nhà máy thủy điện Donsahong là nhà máy đầu tiên sản xuất điện xuất bán sang Campuchia, theo hợp đồng mua bán đã được ký kết giữa Công ty Điện lực Lào (EDL) và Công ty Điện lực Campuchia (EDC), điện được truyền tải qua hệ thống cao thế 230 KV, hòa vào hệ thống truyền tải của Lào đến trạm điện bản Hat, nối với trạm bản Na và xuất bán qua Campuchia tại trạm điện Khampongsalao và Stung Treng.

Theo thông tin từ Công ty Điện lực Lào cho biết, nhà máy thủy điện Donsahong được xây dựng tại điểm cuối của nhánh Sahong đổ xuống dòng Mekong sát tuyến biên giới giữa Lào và Campuchia, nằm trong lưu vực Siphandone có nhiều cù lao, đảo nổi, có chiều dài dọc theo sông khoảng 10 km; tại đây dòng Mekong được chia làm 07 nhánh chính. Đập Donsahong có chiều dài 05 km, nằm giữa trung tâm đảo Donsadam và Donsahong, cách biên giới Lào-Campuchia khoảng 02 km và nằm giữa hai thác Khonphapheng và thác Liphi, trên nhánh Donsahong lớn thứ 3 trong các nhánh chính trong khu vực. Theo số liệu khảo sát, có khoảng 5% lưu lượng nước được chảy qua nhánh Donsahong, còn lại là chảy qua các nhánh khác thuộc lưu vực Siphandone.

Dự án xây dựng đập thủy điện Donsahong có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, gồm 3 cổ đông: Công ty sản xuất điện Lào chiếm 20%; Công ty Ground Roses Ltd chiếm 79% và Công ty Siver Acreage Ltd 1%. Công trình được khởi công từ năm 2016, hoàn thành năm 2019, nhà thầy là Công ty Sinohydro Trung Quốc; thời hạn dự án 25 năm, hết hạn vào năm 2045.

Ký kết Thỏa thuận tô nhượng xây dựng cảng cạn Thakhek

Ngày 28/1/2022, Chính phủ Lào và Công ty TNHH Cảng cạn Thakhek đã ký kết Thỏa thuận tô nhượng Dự án Cảng cạn Thakhek kéo dài trong 30 năm. Thỏa thuận được ký kết giữa bà Khamchanh Vongseneboun, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt cho Chính phủ Lào và Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Cảng cạn Thakhek, ông Phutphomxai Luanglath. Lễ ký đã diễn ra trước sự chứng kiến của Tỉnh trưởng Khammuan, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công chính và Vận tải, các sở ngành liên quan trong tỉnh, Doanh nghiệp Quốc doanh Logistics Lào và đại diện của các khu vực nhà nước và tư nhân.

Dự án Cảng cạn Thakhek với tổng giá trị 15,7 triệu USD được đặt tại khu vực gần Cầu hữu nghị Lào-Thái số 3 tại tỉnh Khammuan. Dự kiến dự án này sẽ trở thành một trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và quốc tế, một cửa ngõ kết nối Lào với các thị trường bên ngoài qua cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh Khammuan. Đây là một phần trong kế hoạch chiến lược của Chính phủ Lào “Phát triển ngành Logistics và Chuyên chở hàng hóa tại CHDCND Lào” nhằm biến Lào từ một đất nước “bị đất liền phong tỏa” trở thành một điểm “kết nối trên bộ” hoặc “điểm dịch vụ quá cảnh” nâng cao tiềm năng vận tải và logistics của Lào.

Cảng cạn Thakhek sẽ là một trạm trung chuyển tập kết và phân phối các sản phẩm và dịch vụ logistics tích hợp, hiện đại, giúp cắt giảm chi phí chuyên chở hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Lào liên kết kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Cảng cạn Thakhek nằm trên quận Thakhek, tỉnh Khammuan, một vị trí thuận lợi dễ dàng tiếp cận Quốc lộ 12 nối Phnom Pênh, Cam-pu-chia và Thái Lan với cửa khẩu Cha Lo của Việt Nam. Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất từ Lào sang Việt Nam và nối với Quốc lộ 13, một tuyến đường huyết mạch của Lào.

Dự kiến, Cảng cạn Thakhek sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh Borikhamsay và Savanakhet để xuất khẩu, đồng thời là điểm nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan, sau đó sang Việt Nam và lên tàu chuyển tiếp tới Trung Quốc. Đây sẽ là điểm bốc dỡ hàng hóa, lưu trữ kho bãi, đóng mở phân bố công-ten-nơ theo các điều khoản quy định của hiệp định quốc tế.

Công ty TNHH Cảng cạn Thakhek được thành lập vào ngày 6 tháng 10 năm 2021 là một liên doanh với 30% cổ phần của Nhà nước do Doanh nghiệp Quốc doanh Logistics Lào thay mặt nắm giữ, 70% còn lại thuộc về ba công ty tư nhân do Công ty Logistics Mekong đứng ra đại diện. (Vientiane Times, 31/1/2022)

Nghiên cứu tính khả thi của dự án phát triển Don Pung

Ngày 28/01/2022, tại tỉnh Bokeo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bokeo và Giám đốc Công ty Houngaloun Logistic đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) để nghiên cứu tính khả thi của dự án phát triển Don Pung thành khu thương mại, dịch vụ và du lịch với nhiều hoạt động dưới nước tại huyện Huoixai. Tham gia lễ ký kết có Tỉnh trưởng tỉnh Bokeo và các cơ quan chức năng liên quan.

Theo Biên bản ghi nhớ, Công ty được phép nghiên cứu trên khu đất rộng 15ha với giá trị đầu tư khoảng 3 triệu USD, theo đó giao cho Công ty khảo sát khu vực, thu thập thông tin, khai hoang, thiết kế, phát triển, xây dựng, huy động vốn, buôn bán, tiến hành quản lý dự án trên theo kế hoạch phát triển. Chính quyền tỉnh Bokeo sẽ chịu trách nhiệm cung cấp đất và hỗ trợ về mặt chính sách công liên quan đến phát triển dự án. Biên bản ghi nhớ có thời hạn 18 tháng kể từ ngày ký.

Dự án phát triển Don Pung sẽ được thiết kế - quy hoạch thành 03 khu: Khu A gồm các hoạt động vui chơi, nhà hàng, khu vực trình diễn nghệ thuật truyền thống và quốc tế, tổ chức triển lãm, lễ hội truyền thống Lào; Khu B là khách sạn, nhà hàng, gian hàng bán sản phẩm truyền thống, quầy bán hàng miễn thuế, công viên trồng hoa, bãi đỗ xe dành riêng cho khách du lịch tới tham quan và Khu C gồm khách sạn và resort hạng sang. Ngoài ra còn có các hoạt động giải trí như bơi thuyền, du thuyền ngắm cảnh, mô-tô nước và các hoạt động khác. (Báo KT-XH, ngày 01/02/2022)

Đặc khu kinh tế Tam giác vàng còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Ngày 07/02/2022, phát biểu tại Cuộc họp trao đổi và giải quyết các vấn đề vướng mắc của Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, Quyền Chánh Văn phòng Cục Khuyến khích và Quản lý Đặc khu kinh tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Sonepaseuth Dalavong cho biết: Đặc khu kinh tế Tam giác vàng tại huyện Tonpheuong, tỉnh Bokeo có diện tích 827 ha, được khởi công xây dựng từ ngày 26/4/2007 theo Thoả thuận Phát triển Đặc khu kinh tế và Điểm du lịch khép kín ASEAN Tam giác vàng giữa Chính phủ Lào (nắm 20% cổ phần) và Tập đoàn Dok Ngew Kham (nắm 80% cổ phần) với thời hạn tô nhượng 75 năm. Năm 2010, Chính phủ Lào ra Nghị định nâng cấp khu này thành đặc khu kinh tế có thời hạn tô nhượng kéo dài 99 năm với tổng diện tích 3.000ha bao gồm cả 827ha và diện tích rừng phòng hộ 7.000ha để đặc khu kinh tế bảo tồn và sử dụng như một điểm du lịch sinh thái. Năm 2014, Thoả thuận này được điều chỉnh để phù hợp với việc nâng cấp đặc khu kinh tế năm 2010, theo đó nâng giá trị đầu tư từ 86,6 triệu USD lên 1 tỷ USD, theo Thoả thuận năm 2007, Chính phủ vẫn nắm 20% cổ phần, nhà đầu tư nắm 80% cổ phần tại khu đất có diện tích 827ha; 2.173ha còn lại do nhà đầu tư nắm giữ 100% cổ phần.

Nhìn lại quá trình triển khai Thoả thuận năm 2007 và bản sửa đổi năm 2014 có thể thấy dự án đã phát triển thực tế đạt tiến độ đề ra, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Bokeo nói riêng, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, điện nước, viễn thông, xây dựng thị trấn mới tại các vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân, nâng cao tay nghề lao động).

Cùng với những thành công đã đạt được trong phát triển dự án, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc tại Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng như việc góp 20% vốn tại diện tích 827ha vẫn chưa được triển khai, vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề đất đai vẫn còn tồn tại dư luận trong xã hội, còn sử dụng hệ thống bảo đảm an toàncủa nước ngoài, chưa làm tốt công tác khuyến khích lao động Lào vào làm việc tại đặc khu, phần lớn nhân công vẫn là người nước ngoài, vấn đề thực hiện thu thuế nộp ngân sách Nhà nước, sử dụng ngoại tệ, sử dụng tài khoản của doanh nghiệp,… (Báo KT-XH, ngày 10/02/2022)

Tập đoàn Nickson chuẩn bị khai thác đồng và vàng tại tỉnh Xiengkhuang và Huaphanh

Ngày 10/02/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Khamchanh Vongsenboun và Chủ tịch Tập đoàn Nickson Phommavichit - nhà đầu tư nắm 100% cổ phần đã ký kết Thoả thuận khai thác, chế biến, xuất khẩu quặng đồng và quặng vàngtại tỉnh Xiengkhoang và Huaphanh, dưới sự tham gia chứng kiến của Tỉnh trưởng tỉnh Xiengkhoang, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ cùng các cơ quan chức năng khác.Theo đó, Công ty TNHH Nickson được phép tiến hành dự án trên khu đất có tổng diện tích 18,28 km2 với thời hạn kéo dài 20 năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là 46 triệu USD.

Tại Lễ ký kết, Tập đoàn Nickson đã nộp tiền nghĩa vụ cho Chính phủ số tiền 2 triệu USD và hỗ trợ sửa chữa không tính phí và không tính vào vốn đầu tư đoạn đường từ huyện Kham, tỉnh Xiengkhoang đến huyện Hiem, tỉnh Huaphanh với chiều dài 48km và tổng giá trị khoảng 24 tỷ Kíp. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. (Báo KT-XH, 14/02/2022 và Vientiane Times, 15/2/2022)

Ký Thoả thuận khai thác khoáng sản tại tỉnh Xaysomboun

Ngày 15/02/2022, tại Văn phòng chính quyền tỉnh Xaysomboun, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Xaysomboun và Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Lekxay đã Ký kết Biên bản ghi nhớ về khai thác, khảo sát và nghiên cứu tính khả thi kinh tế - kỹ thuật đối với quặng vàng, đồng, bạc tại bản Thongphak, bản Thongkhun và bản Aotaiy,huyện Anouvong, bản Namkhien huyện Hom và huyện Longxan. Tham dự lễ ký kết có Tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun Phoykham Hungbounnheuong và các cơ quan chức năng khác.

Biên bản ghi nhớ bao gồm 20 điều, quy định dự án được triển khai trên khu đất có diện tích 85,68 km2 với thời hạn trong 24 tháng, phạm vi công việc mà dự án được phép triển khai là: thăm dò - khảo sát các quặng trong diện tích được phép đồng thời xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật và tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng đối với môi trường và xã hội. Ngoài ra, phía Công ty phải nộp phí đảm bảo dự án 50.000 USD, đóng góp 30 triệu Kíp vào quỹ phát triển xã hội của tỉnh, 60 triệu Kíp vào quỹ phát triển địa phương tại 3 huyện, đóng góp 10 triệu Kíp cho mỗi tỉnh để phục vụ đào tạo nhân lực và đóng góp vào các quỹ khác. (Báo KT-XH, 17/02/2022)

Tuyến đường sắt Lào – Trung có tác động tích cực đến kinh tế Lào

Ngày 15/2/2022, Vientiane Times đưa tin, chính phủ Lào tin rằng tuyến đường sắt Lào  - Trung sẽ là một cú hích lớn cho hợp tác kinh tế - thương mại giữa Lào – Trung Quốc những năm sắp tới.

Năm 2021, tổng giá trị thương mại giữa hai nước đạt mức 4.35 tỷ USD, tăng 21.4% so với năm 2020, trong đó kim ngạch hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 1.67 tỷ USD, tăng 11.9% và kim ngạch hàng xuất khẩu đạt 2.68 tỷ USD, tăng 28.2%. Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu chính của Lào, đặc biệt là các mặt hàng nông sản với hơn 900 triệu USD năm 2021. Chuối là mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất với khoảng 225 triệu USD, tiếp theo là cao su (214 triệu USD), khoai mì (196 triệu USD). Trung Quốc cũng là nước đầu tư lớn nhất vào Lào với 821 dự án tính từ năm 1989 đến nay, có tổng giá trị 16 tỷ USD, theo phát biểu của ông Xaysana Sitthiphone, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Trung. Ông cho biết, chỉ riêng năm 2021, Trung Quốc đã đầu tư 20 dự án vào Lào với giá trị hơn 1 tỷ USD.

Theo báo Xinhua, Trung Quốc, tuyến đường sắt Lào – Trung đã vận chuyển hơn 1 triệu lượt hành khách, hơn 500.000 tấn hàng, trong số đó có 100.000 tấn xuyên biên giới kể từ khi bắt đầu vận hành vào đầu tháng 12/2021. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar đều đang sử dụng tuyến đường sắt này để xuất và nhập khẩu hàng hóa qua Trung Quốc.

Ngoài ra, ngày 21/2/2022, Vientiane Times tiếp tục đưa tin, Công ty Đường sắt Lào – Trung sẽ khai thác thêm 1 chuyến tàu có tốc độ thấp hơn để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của hành khách. Chuyến tàu này sẽ chạy với tốc độ 120km/giờ và chở tối đa 1,000 khách mỗi chuyến, dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2022. Giá vé cho chuyến tàu này sẽ rẻ hơn 30% so với giá vé hiện nay, đồng thời hành khách cũng được mang theo nhiều hành lý hơn so với định mức 20kg . Trước đó, kể từ ngày 14/2/2022, công ty cũng đã gia tăng số chuyến tàu cao tốc lên hai chuyến mỗi ngày, từ thứ Hai đến thứ Năm, tương tự như 3 ngày cuối tuần, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm chuyến cho 3 ngày cuối tuần thời gian tới. Công ty cũng đồng thời thông báo sẽ sớm mở một quầy bán vé tại Trung tâm Thương mại Vientiane ở trung tâm thủ đô để hành khách không phải di chuyển ra các nhà ga để mua vé, đồng thời hiện đang xây dựng một hệ thống bán vé điện tử, được kỳ vọng sẽ bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2022 nhằm hạn chế việc mua bán vé chợ đen với giá cao hiện nay.

Ngày 18/2/2022, Vientiane Times đưa tin, để phục vụ cho hoạt động của tuyến đường sắt Lào – Trung, trường Cao đẳng Kỹ thuật nghề Đường sắt đang được xây dựng tại làng Nongkham, quận Xaythany, Vientiane và dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2023. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại Công ty Đường sắt Lào – Trung trong các bộ phận như: vận chuyển đường sắt, lái tàu, cấp điện, toa xe, kỹ thuật, tín hiệu và thông tin liên lạc. Hiện nay, công tác xây dựng đã hoàn thành 30% tiến độ, với việc cất nóc tại tòa nhà chính, bao gồm các phòng học, ký túc xá, phòng nhân viên, thư viện và các phòng thể dục thể thao. Cục Giáo dục Dạy nghề và Kỹ thuật, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cho biết, trường sẽ có 6 chương trình đào tạo và dự kiến thu hút khoảng 990 sinh viên khi đi vào hoạt động. Đồng thời, một khóa học về quản lý tín hiệu đường sắt cũng được tổ chức tại Cao đẳng kỹ thuật Pakpasak từ cuối tháng 1/2022 với các nội dung về cách sử dụng phần mềm tín hiệu, học tiếng Trung Quốc để có thể đọc hiểu các tài liệu kỹ thuật, và các phần học về lý thuyết, thực hành khác.

Ga chở hàng thứ 4 được mở tại Luang Prabang

Theo Vientiane Times ngày 22/02/2022, một ga chở hàng mới trên tuyến xe lửa Lào-Trung đã được đưa vào hoạt động cùng ngày tại tỉnh Luang Prabang nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang ngày một gia tăng. Việc mở thêm ga mới nói trên đã nâng tổng số các ga chuyên chở hàng hóa lên 4 ga với 3 ga hiện có tại Viêng Chăn, Nateuy và Vang Viêng. Theo thông báo của Công ty TNHH Đường sắt Lào-Trung, trước mắt, ga sẽ được sử dụng để xuất khẩu sắt, quặng và xi măng cũng như nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu và than đá.

Theo ông Vongthong Souphanthong, Phó kỹ sư trưởng của Công ty cho biết, kể từ khi bắt đầu đi vào sử dụng từ ngày 3/12/2021 cho tới ngày 13/2/2022, tuyến đường sắt Lào-Trung đã vận chuyển được 157.568 tấn hàng hóa, bình quân 2.188 tấn/ngày với thời điểm cao nhất ghi được là 6.748 tấn/ngày. Công-ten-nơ hàng hóa từ các nước trong khu vực được vận chuyển qua tuyến đường sắt sau đó tiếp tục sang các nước Châu Âu. Tương tự như vậy, hàng hóa từ những khu vực khác và Trung Quốc được vận chuyển qua tuyến đường sắt để vào các nước Đông Nam Á.

Ông Chanthone Sitthixay,Chủ tịch Công ty Công viên Logistics Viêng Chăn trước đó cho biết các chuyến hàng từ Đông Nam Á đi Châu Âu qua tuyến đường sắt Lào-Trung hiện chỉ mất chưa đầy 2 tuần, nhanh hơn rất nhiều so với vận tải bằng đường biển, mất khoảng 45 ngày. Ông Chanthone rất tin tưởng với hiệu quả sử dụng của tuyền đường sắt Lào-Trung, Lào sẽ trở thành một mắt xích lớn trong chuỗi cung cấp toàn cầu.

Để tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc vận tải hàng hóa, các công tác chuẩn bị đang được công ty tiến hành để mở các nhà ga chở hàng tiếp theo tại quận Kasy, tỉnh Vientiane và quận Xay, tỉnh Oudomxay thời gian sắp tới.

Phía công ty sẽ bố trí nhân viên có thể nói được ba ngôn ngữ Lào, Trung Quốc và tiếng Anh để phục vụ khách hàng. Bên cạnh việc vận chuyển hàng hóa, lượng hành khách đi trên tuyến đường sắt sẽ ngày càng nhiều hơn. Từ khi dịch vụ vận chuyển hành khách bắt đầu (ngày 4/12) đến 13/2/2022, đã có 124.225 lượt khách đi tàu, trung bình 1.725 lượt/ngày và ngày cao nhất có thể lên đến 2.800 khách.

Cảng cạn Thanaleng và Công viên Logistics Viêng Chăn vận hành tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Ngày 17/2/2022, Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Vientiane Saisamone Chanthachack dẫn đầu đoàn đại biểu gồm lãnh đạo các công ty chứng khoán tới thăm Cảng cạn và Công viên Logistics Vientiane để tìm hiểu về hoạt động của doanh nghiệp này.

Phó chủ tịch Công ty TNHH Công viên Logistics Viêng Chăn, ông Viengkhone Sitthixay và Giám đốc điều hành Cảng cạn Thanaleng, Sakhone Philangam đã tiếp đoàn và cập nhật về tình hình hoạt động của Cảng cạn và Công viên Logistics. Dự án có tổng mức đầu tư 727 triệu USD, bắt đầu đi vào hoạt động cung cấp dịch vụ từ tháng 12 năm 2021. Có vị trí gần ga đường sắt Lào-Thái và cầu Hữu nghị Mekong Lào-Thái 1, dự án được kỳ vọng sẽ giảm 40% chi phí vận chuyển hiện tại qua biên giới giữa hai nước, nhất là vận chuyển qua cầu Hữu nghị, vào năm 2025. Theo ông Sakhone, việc cắt giảm chi phí tập trung vào giải quyết tình hình thực tế hiện nay giá vận chuyển đang cao do nhiều xe tải chỉ chở hàng một chiều từ Thái Lan sang Lào (chiều trở về không có hàng).

Cảng cạn Thanaleng và Công viên Logistics Viêng Chăn đã áp dụng các trang thiết bị và công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để thực hiện các dịch vụ vận tải và Logistics. Với vai trò là một cửa khẩu hàng hóa quốc tế giống như một cảng biển, Cảng cạn Thanaleng đã áp dụng các quy trình, thủ tục rút gọn, tạo điều kiện cho các dòng xe tải hàng hóa được vận hành thuận lợi.

Theo ông Sakhone, cảng cạn sẽ kéo dài thời gian hoạt động đến sau giờ hành chính để đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn xe tải chở hàng hóa thường phải xếp hàng chờ do dịch vụ thuế quan đóng cửa. Đồng thời, việc này cũng làm giảm tải số lượng xe chở hàng qua cầu Hữu nghị trong ngày. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 600 xe tải chở hàng từ Thái Lan sang Lào qua cầu Hữu nghị, gây khó khăn cho giao thông trong khu vực.  

Mặc dù Thái Lan và Lào đã có kết nối đường sắt, tuy nhiên, đường sắt chưa được sử dụng để chuyên chở hàng hóa giữa hai nước, mà mới chỉ dùng để chở hàng quá cảnh cho nước thứ ba. Trước sự gia tăng các chuyến hàng mà Thái Lan muốn xuất khẩu sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt Lào-Trung, một tuyến đường sắt nối hai tuyến xe lửa Lào-Thái và Lào-Trung hiện đang được xây dựng trong cảng cạn. Dự kiến, công trình xây dựng nối hai tuyến đường ray sẽ hoàn tất trong tháng Ba năm nay. Hiện tại, Công ty Công Viên Logistics Viêng Chăn đang sử dụng khoảng 40-50 xe tải để vận chuyển hàng hóa miễn phí từ cảng cạn tới ga xe lửa Viêng Chăn thuộc tuyến đường sắt Lào-Trung.

Ông Sakhone Philangam cho rằng tổ hợp các khu vực của dự án bao gồm Cảng cạn Thanaleng – trung tâm xuất nhập khẩu quốc tế với tất cả các dịch vụ hải quan; Trung tâm xe vận tải nhiên liệu – phân phối nhiên liệu xăng dầu của Lào; Công viên Logistics– trung tâm kho bãi, phân phối; và các khu vực thương mại tự do, chế biến xuất khẩu thuộc dự án, sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp.

Dự án Cảng cạn và Công viên Logistics bắt đầu xây dựng từ năm 2020 là dự án tô nhượng kéo dài 50 năm nằm trên diện tích 382 ha do Công ty TNHH Logistics Sitthi của Lào nắm giữ 70% và Chính phủ Lào nắm giữ 30% tổng vốn đầu tư. Dự án có thể được gia hạn thêm 49 năm nữa sau khi hiệp định tô nhượng lần thứ nhất kết thúc. Nhà phát triển Cảng cạn Thanaleng và Công viên Logistics Viêng Chăn đã thông báo với các công ty chứng khoán cho biết thời gian vừa qua Cảng cạn Thanaleng và Công viên Logistics Viêng Chăn đã gia tăng tốc độ vận tải hàng hóa, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp. (Vientiane Times, 21/02/2022)

Tăng cường năng lực và xây dựng kế hoạch chiến lược cho Trung tâm dịch vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 17/02/2022, tại tỉnh Champasak, Hội nghị nâng cao năng lực và khả năng xây dựng kế hoạch chiến lược của Trung tâm Dịch vụ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (TTDNNVV) được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Bountheung Duangsavanh, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Oudeth Souvannnavon, Giám đốc TTDNNVV Sieusavath Savengseuksa.

Hội nghị lần này nhằm đánh giá lại kết quả đã đạt được, những điểm hạn chế và tìm hướng đi mới phù hợp; đồng thời, cũng là cơ hội để nâng cao năng lực và khả năng lập kế hoạch chiến lược cho TTDNNVV trung ương và địa phương trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bountheung Duangsavanh cho biết, theo số liệu điều tra năm 2020 của Đảng, Chính phủ, hiện số doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế quốc gia, chiếm tỷ lệ 99,8%; luôn phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo sự vững mạnh đối với việc triển khai các chính sách của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hướng đi đa dạng hơn.

TTDNNVV là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ với các doanh nghiệp Lào thông qua Cục Khuyến khích DNNVV, Bộ Công Thương hợp tác với Hội đồng Thương mại và Công nghiệp quốc gia, dưới sự tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh và thương mại tại Lào. (Báo KT-XH, 18/02/2022)

Lễ hội cà phê-chè tại Pakse, Lào

Từ ngày 17-19/02/2022, Lễ hội cà phê-chè thường niên năm 2022 với tên gọi Triển lãm Cà phê - trà cao nguyên Bolaven 2022 được tổ chức tại thành phố Pakse, tỉnh Champasak. Khai mạc và tham dự lễ hội có Đại tướng Chansamon Chanyalath, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Vilayvong Boudakham, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Phet Phomphiphac và các đại biểu từ trung ương, địa phương.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Vilayvong Boudakham cho biết, việc tổ chức lễ hội cà phê-chè năm 2022 nhằm khuyến khích người trồng cà phê-chè tại tỉnh, các nhà kinh doanh cà phê-chè trên toàn quốc,tuyên truyền về lịch sử phát triển của các loại cà phê-chè trên khu vực cao nguyên Bolaven, sự phong phú của các loại cà phê, cuộc sống của người dân vùng Paksong gắn với việc nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cà phê-chè trên vùng đất cao nguyên; tạo chuỗi giá trị sản xuất, xúc tiến thị trường mua-bán, liên kết, kết nối đối tác kinh doanh và xuất khẩu từ khâu sản xuất thông qua quá trình lựa chọn chất lượng hạt cà phê-chè, sấy, chế biến qua nhiều bước, đến việc trình diễn hương vị đặc sắc của cà phê-chè cao nguyên.

Cà phê-chè là mặt hàng chiến lược của tỉnh Champasak, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và là nguồn hàng xuất khẩu của quốc gia. Năm 2021, tỉnh Champasak đạt giá trị xuất khẩu là 300 triệu USD, trong đó riêng cà phê-chè đạt 70 triệu USD, chiếm 23,33 % giá trị và được xuất sang 20 nước trên thế giới.

Tại lễ hội, khách tham quan được hiểu thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm cà phê-chè cao nguyên qua trưng bày, bán các sản phẩm hàng hóa và cà phê-chè, rau quả vùng khí hậu ôn đới và sản phẩm ODOP từ các vùng lân cận tỉnh Champasak; nếm thử hương vị cà phê-chè từ các địa phương khác trên toàn quốc; hội thảo khoa học với chủ đề chiến lược phát triển cà phê Lào, những cơ hội tiếp cận thị trường, thách thức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; các cuộc thi về cách chế biến và chất lượng cà phê Barista và thăm vườn cà phê tại địa phương. (Báo KT-XH, 15/2/2022 và 21/02/2022)

Hội chợ Made in Laos 2022 khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Lao-ITECC

Ngày 23/2/2022, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã dự Lễ khai mạc chính thức Hội chợ Made in Laos 2022 lần thứ 9, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Lao-ITECC. Cùng dự lễ khai mạc còn có Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Tiến sĩ Khampheng Saysompheng, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Oudet Souvannavong cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan ngoại giao và đại diện các doanh nghiệp. Hội chợ diễn ra trong 10 ngày với các sản phẩm từ khắp các địa phương trong cả nước với tổng lượng giá trị hàng hóa đạt mức 12 tỷ Kíp, và doanh thu dự kiến đạt hơn 3 tỷ Kíp.

Bà Chanthachone Vongsay, Phó chủ tịch LNCCI cho biết, có 127 doanh nghiệp tham dự Hội chợ với hơn 200 gian hàng, bao gồm các loại sản phẩm từ nông nghiệp, mỹ nghệ và công nghiệp chế biến. Hội chợ nhằm khuyến khích các sản phẩm nội địa, đặc biệt là từ chương trình Mỗi địa phương một sản phẩm (ODOP), tạo cơ hội cho các cơ sở kết nối vào mạng lưới kinh doanh và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế theo trạng thái “bình thường mới” trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn tồn tại.

Luang Prabang được Ban tổ chức chọn để đặt gian hàng chủ đạo tại hội chợ lần này. Địa phương đã trưng bày về văn hóa, truyền thống và đời sống hàng ngày, cũng như các điểm tham quan du lịch đặc trưng của thành phố di sản thế giới Luang Prabang.

Hội chợ cũng diễn ra các buổi hội thảo để thảo luận các chủ đề về cách thức nâng cao chất lượng sản phẩm của Lào, tiếp cận nguồn thông tin từ Diễn đàn Doanh nghiệp Lào và các đối thoại về số hóa ngành thương mại và du lịch bền vững. (Vientiane Times, 24/2/2022)

BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Trần Thanh Hải

Ban biên tập: Vương T.Xuân Thủy, Lê T.Phương Hoa, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: