TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Thủ tướng chỉ đạo cải cách đầu tư nhà nước, hành động để tránh khủng hoảng kinh tế
Ngày 06/02/2021, phát biểu tại hội nghị thường niên ngành tài chính và kế hoạch đầu tư, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tiến hành cải cách đầu tư nhà nước và đảm bảo chi tiêu một cách có hiệu quả như một phần của các giải pháp nhằm tăng cường kinh tế vĩ mô, tránh khủng hoảng trong những năm tới.
Lãnh đạo của các cơ quan nhà nước để xảy ra đầu tư không hiệu quả phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo luật. Thủ tướng nhấn mạnh "cần phải tập trung vào các ưu tiên đầu tư, để đảm bảo hiệu quả theo Luật ngân sách". Việc này sẽ giúp tránh tích thêm nợ đọng. Có báo cáo cho thấy, đầu tư nhà nước ở nhiều dự án trong những năm gần đây không mang lại hiệu quả. Thiếu chuẩn mực trong quy trình đấu thầu, dẫn đến suất đầu tư quá cao, nhiều dự án đầu tư không thật sự cần thiết. Các vấn đề đó đã làm tăng thêm gánh nặng thâm hụt ngân sách và nợ công. Chi tiêu lãng phí tạo áp lực về ngân sách cùng với đại dịch Covid-19 làm nền kinh tế Lào vốn đã mong manh lại càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith chỉ đạo các cơ quan chức năng phải khẩn trương xây dựng các chương trình hành động với các giải pháp để giải quyết các khó khăn về tài chính và kinh tế trong những năm tới. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu các kiến nghị giải quyết những khó khăn hiện nay để trình lên Chính phủ xem xét. Chính phủ cũng sẽ tham khảo khuyến nghị của nhà khoa học, chuyên gia và cơ quan tham mưu về vấn đề này. Hành động tập thể này là cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith yêu cầu phải tiếp tục kế hoạch xúc tiến đầu tư đã được thông qua liên quan đến khuyến khích đầu tư dọc theo tuyến đường sắt Lào – Trung dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021; áp dụng các điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp Lào trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Thủ tướng chỉ đạo phải tối đa hóa thu ngân sách, thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với việc mua sắm xe ô tô; cần thiết phải giải quyết những "tệ nạn" trong ngành tài chính – nguyên nhân làm thất thoát nguồn thu do cán bộ biến chất, tham nhũng gây nên. Do phần lớn doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, Thủ tướng yêu cầu phải cải cách, thậm chí thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài. Thủ tướng cho rằng cần phải học tập kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý tốt hơn lạm phát, tỷ giá, chênh lệch tỷ giá giữa ngân hàng và chợ đen, thanh toán nợ công, chậm tiến độ của một số dự án thủy điện và các vấn đề khác. (Vientiane Times, 08/02/2021)
Các kịch bản hồi phục kinh tế hậu Covid-19
Ngày 09/02/2021, Phòng Thương mại Australia tại Lào đã đăng cai tổ chức buổi tọa đàm "Triển vọng Kinh tế Châu Á và Lào năm 2021" để thảo luận các kịch bản hồi phục kinh tế hậu Covid-19 đối với Lào và các đối tác thương mại trong khu vực.
Chủ tịch AusCham Catli Renzi, Đại diện ANZ Lào cùng với Giám đốc quốc gia WB Lào Nicola Pontana và Trưởng bộ phận nghiên cứu của ANZ châu Á Khoon Goh đã đồng chủ trì tọa đàm. Phát biểu về hồi phục kinh tế khu vực, ông Khoon Goh nhấn mạnh 04 thông điệp: (i) sự phân phối vaccine và khả năng tiếp cận sẽ là yếu tố quyết định đối với sự hồi phục kinh tế; (ii) Tăng trưởng kinh tế khu vực dự kiến sẽ có xu hướng tăng nhưng quá trình này không đồng đều'; (iii) Lạm phát khu vực đã chạm đáy trong năm 2020 và dự báo sẽ tăng trong năm 2021 đòi hỏi ngân hàng TW phải hành động; và (iv) Dự báo sẽ có một số hậu quả không mong muốn của các giải pháp ứng phó chưa có tiền lệ về tài khóa và tiền tệ toàn cầu.
Ông Pontana trình bày những kết quả phát hiện chính của Báo cáo cập nhật Giám sát Kinh tế Lào với lưu ý rằng, cũng như các nước khác trong khu vực, Lào đã bị tổn thất nặng về tăng trưởng GDP do đại dịch. Tuy nhiên, khác với các nền kinh tế khác, FDI vào Lào tương đối khá chủ yếu do đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Ông Pontana cho rằng sự đóng góp của ngành điện vào tăng trưởng GDP đã tăng từ năm 2010, trong khi đóng góp của lĩnh vực khai khoáng đã giảm.
Ở phiên câu hỏi và trả lời đã có nhiều trao đổi, bao gồm về khả năng tăng trưởng có xu hướng đi lên nhờ tuyến đường sắt Lào – Trung và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Đại diện của các doanh nghiệp quan tâm về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, lưu ý về việc phong tỏa do dịch Covid-19 và môi trường kinh tế đầy thách thức đã có tác động tiêu cực mạnh nhất đến phụ nữ, khu vực phi chính thức và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Lào. (Vientiane Times, 15/02/2021)
Hội nghị thường niên ngành kế hoạch-đầu tư và tài chính
Từ ngày 04-05/02/2021, Hội nghị thường niên ngành kế hoạch-đầu tư và tài chính được tổ chức do Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith chủ trì. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonxay Siphandone, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Somdy Duangdy và các Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Tổ chức trung ương, Tỉnh trưởng và gần 988 đại biểu cùng tham dự.
Hội nghị lần này nhằm tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và kế hoạch ngân sách nhà nước 05 năm giai đoạn 20216-2020; phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; quy định các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã nghe và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 02/TTg; Chỉ thị 03/TTg; việc sửa đổi thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công; kế hoạch chuyển đổi theo hướng hiện đại của ngành tài chính; công tác thu-chi ngân sách, kho bạc, thuế, hải quan; công tác quản lý tài sản công và đề xuất một số văn bản pháp lý dưới luật tại hội nghị để lấy ý kiến.
Hội nghị đã đánh giá việc tổ chức thực hiện kế hoạch 05 năm giai đoạn vừa qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan, gây nhiều bất lợi đối với Lào, đặc biệt tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đầu tư, thương mại và du lịch chung trên toàn thế giới và tác động trực tiếp đến Lào. Ngoài ra, việc xử lý các vấn đề kinh tế vĩ mô còn chậm chạp, việc chuyển đổi một số chỉ tiêu, ban hành một số chủ trương, chính sách trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước; thảm họa thiên nhiên, tình trạng hạn hán, lũ lụt...làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu xóa đói của Chính phủ.
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia năm 2021 đã xác định mục tiêu tăng trưởng GDP không thấp hơn 4%; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước nhằm đạt khoảng 27.629 tỷ Kíp, tương đương 15,13% GDP; chi ngân sách đạt mức 31.583 tỷ Kíp, tương đương 17,30% GDP và phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2020.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonxay Siphandone chỉ rõ vai trò của đầu tư tư nhân tại Lào trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới; đặc biệt, để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng nhằm phát triển khả năng cạnh tranh của Lào trên thị trường toàn cầu, chuyển dần sang trạng thái ổn định.
Trong ngắn hạn, Chính phủ cần khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp để đầu tư mở rộng các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng các chính sách và biện pháp sau:
- Thứ nhất, Chính phủ phải xây dựng lòng tin để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng Lào là một môi trường thuận lợi cho đầu tư; nêu rõ cam kết của Chính phủ về cải cách, điều chỉnh các luật và quy định liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phép.
- Thứ hai, giải quyết vấn đề vướng mắc của các dự án đầu tư mà Chính phủ xúc tiến và khu vực tư nhân sẵn sàng thực hiện nhưng không thể triển khai được do Chính phủ quản lý và dịch vụ nhiều cấp, đặc biệt là các dự án có tính kích thích môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư mới đang có nhu cầu đầu tư tại Lào.
- Thứ ba, tiếp tục khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phân phối thu nhập cho các vùng nông thôn hẻo lánh, cũng như phân bổ tài nguyên thiên nhiên, cũng như khả năng tiếp cận công nghệ.
- Thứ tư, hoàn thiện các chính sách kinh tế phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực công nghiệp, nhất là quản lý các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, quản lý giá cả hàng hóa và quản lý sở hữu quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Thongloun đã biểu dương và chúc mừng hai Bộ không ngừng nỗ lực phấn đấu, góp phần to lớn vào công tác tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn qua, đưa kinh tế đất nước từng bước phát triển; đồng thời yêu cầu Lãnh đạo và cán bộ công chức hai Bộ nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm chính trị của mình nhằm góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng hùng mạnh. (Báo KT-XH, 08/02/2021; trích báo cáo Hội nghị)
Chính phủ dự kiến tăng thêm 5% thu nhập từ khai khoáng
Chính phủ kỳ vọng thu ngân sách từ ngành khai khoáng sẽ tăng thêm 5% trong giai đoạn 2021-2025 so với giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ, thu nhập sẽ dưới hình thức phí tô nhượng, thuế lợi tức, thuế cổ tức, cổ tức, thuế thu nhập và thuế tài nguyên.
Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã thu được 838 triệu USD từ ngành khai khoáng và dự kiến con số này sẽ tăng lên 880 triệu USD trong giai đoạn 2021-2025.
Dự báo sản lượng ngành khai khoáng sẽ tăng 4% và số lượng khoáng sản cung cấp trong nước và xuất khẩu sẽ tăng khoảng 3%. Từ 2021-2025, Lào dự kiến sẽ thu được 8.336 triệu USD từ bán khoáng sản, trong đó 1.974 từ cung ứng trong nước và 6.362 triệu USD từ xuất khẩu.
Khoáng sản của Lào chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Khai khoáng là nguồn đóng góp chính đối với nền kinh tế vì Lào là một trong những nước giàu tài nguyên ở châu Á, tuy nhiên, tăng trưởng của ngành đã sụt giảm mạnh vì lệnh tạm dừng các dự án mới năm 2016 của nhà nước. Trong giai đoạn 201-2020, sản lượng ngành khai khoáng đã giảm 18%. Bất chấp sự sụt giảm này, ngành khai khoáng vẫn đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 5 năm vừa qua. Để đảm bảo ngành phát triển bền vững, Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng đối với khoáng sản khai thác nhằm đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Lào sẽ cân nhắc chế biến quặng để xuất khẩu, giảm xuất khẩu thô, nâng cao giá trị gia tăng đối với nguồn khoáng sản quốc gia.
Hiện có trên 570 mỏ khoáng sản đã được xác định, bao gồm đồng, thiếc, muối mỏ, bạc, sắt, than, đá vôi, bauxit và chì trải rộng 162.104 Km2, tương đương 68,46% tổng diện tích đất tự nhiên. Kể từ khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa vào năm 1990, đã có 214 doanh nghiệp được cấp phép với 319 dự án khai khoáng. Các dự án này bao gồm khảo sát và khai thác, nghiên cứu khả thi, chế biến và hoạt động khai khoáng. Hoạt động khai khoáng đã được cấp phép trên 7,3 triệu ha, tương đương 30,75% tổng diện tích đất tự nhiên. (Vientiane Times, 02/02/2021)
Ủy ban quốc gia về chống rửa tiền Lào chấp thuận kết quả tiến độ triển khai nhiệm vụ chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố
Ngày 17/02/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Lào về chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố (UBQGCRT) Somdy Duangdy chủ trì Hội nghị thường kỳ lần thứ nhất năm 2021 về công tác chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố.
Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan, đặc biệt là các quy chế, quy định trong việc quản lý và theo dõi, giám sát công tác chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố (AML/CFT); đánh giá sự rủi ro thông qua việc áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro với các tổ chức phi lợi nhuận; việc xây dựng kế hoạch quốc gia về công tác ngăn chặn, chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố giai đoạn 2021-2025 và các vấn đề liên quan khác đến nhiệm vụ trên của Lào, cũng như tiến độ đánh giá tổng thể công tác đó của Lào từ nhóm chống rửa tiền ASIA-PACIFIC (APG).
Việc đánh giá trên được Lào triển khai tổ chức từ tháng 3/2020, đến nay đã hoàn thành và chuyển báo cáo về pháp lý lần thứ 2 và báo cáo về kết quả lần thứ nhất kèm theo các quy định gắn liền với luật và hơn 200 văn bản pháp lý dưới luật cho nhóm thẩm định. Trong giai đoạn đánh giá, thẩm định tại Lào còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi thêm về công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cần thiết và xây dựng cơ chế tiếp nhận của các đơn vị liên quan, công tác quản lý các đơn vị có trách nhiệm báo cáo một cách bài bản và chuẩn quốc tế, đặc biệt là đối với các đối tác hợp tác tư pháp và pháp lý theo trình tự đã quy định và trao đổi danh sách các cá nhân có liên quan tới rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố; tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự thảo chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, còn phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và phối kết hợp thực hiện nhiệm vụ chống rửa tiền đến cả các cơ quan Chính phủ và nhân dân hiểu và nhận thức được sự rủi ro cũng như việc chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố.
Tất cả các vấn đề trên là tiến độ triển khai công tác chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố của Lào đã thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra, tạo sự minh bạch, bền vững và hội nhập với khu vực và quốc tế của lĩnh vực kinh tế-tài chính Lào. (Báo KT-XH, 18/02/2021)
Số lượng các đơn vị kinh tế cơ sở ở Lào tăng
Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế lần thứ III do Tổng cục Thống kê tiến hành trong năm 2019-2020, số lượng các đơn vị kinh tế cơ sở ở Lào đã tăng 9.124 đơn vị, từ 124.873 năm 2013 lên 133.997 năm 2019.
Thủ đô Viêng Chăn là nơi có số lượng các đơn vị kinh tế lớn nhất, chiếm 22,3% tổng số, tiếp theo là tỉnh Champassack, chiếm 11,8%; Savannakhet chiếm 11,4%. Trong tổng số các đơn vị kinh tế, có 126.168 doanh nghiệp siêu nhỏ (chiếm 94,2%), 6.600 doanh nghiệp nhỏ (chiếm 4,9%), 954 doanh nghiệp vừa (chiếm 0,7%) và 276 doanh nghiệp lớn (chiếm 0,2%). Tổng số vốn đăng ký của tất cả các doanh nghiệp đạt 490.000 tỷ Kíp. Năm 2018, các doanh nghiệp đã tạo thu nhập tổng cộng 107.584 tỷ Kíp. Các doanh nghiệp sử dụng 490.373 lao động, trong đó phụ nữ chiếm 50,1%. Có đến 90,6% các doanh nghiệp chỉ sử dụng 1-5 lao động/doanh nghiệp.
Hiện nay Tổng cục Thống kê không có cơ sở dữ liệu về các đơn vị kinh tế cơ sở thống nhất với hệ thống đăng ký doanh nghiệp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Vì vậy, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thống kê từ quy trình thu thập các báo cáo hành chính từ cấp bản và tạo ra một một hệ thống mã thống nhất sẽ tạo điều kiện cho việc thanh kiểm tra và tích hợp với hệ thống đăng ký đang có ý nghĩa cấp bách để đảm bảo hệ thống thống kê đồng bộ. Việc phối hợp của các cơ quan chức năng là yếu tố then chốt trong việc điều phối và cung cấp thông tin thống kê. Các bản không lưu giữ các bản kê về các đơn vị kinh tế, bao gồm các cửa hàng làm cho việc xác định vị trí và theo dõi rất khó khăn. (Vientiane Times, 17/02/2021)
Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh lên 23.4% do tác động của đại dịch Covid-19
Ngày 24/02/2021, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Phát triển Sitthiroth Rasphone cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Lào đã tăng mạnh lên 23,4% so với mức bình thường là 2%, đồng nghĩa với việc có đến 320.000 người mất việc làm do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong số những người thất nghiệp hiện nay, 130.000 người mất việc làm ở Thái Lan trở về nước. Báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Coovid-19 của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Phát triển chỉ ra rằng, thu từ thuế thu nhập cá nhân đã giảm 32,9% trong thời gian từ tháng 01-05/2020. Tổn thất từ kiều hối lên đến con số 125 triệu USD. Đại dịch đã ảnh hưởng lên hàng loạt các doanh nghiệp ở Lào, trong đó, 71% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa đã buộc phải tạm dừng hoạt động trong thời gian phong tỏa. Ông Sitthiroth Rasphone cho rằng, nếu nền kinh tế không hồi phục trong thời gian 06 tháng, nhiều doanh nghiệp sẽ khó sống sót.
Luang Prabang, một địa danh du lịch của Lào đã mất 80% thu nhập trung bình từ ngành du lịch do tác động của dịch Covid-19. Người dân đang phải vật lộn với cuộc sống do tình trạng mất việc làm và doanh nghiệp đóng cửa, chi phí sinh hoạt tăng cao với giá cả hàng hóa trung bình tăng 8,3%. Khoảng 15,2% dân số không có khả năng chi trả các khoản lương thực-thực phẩm thiết yếu. Điều đó dẫn đến chi tiêu vào mặt hàng lương thực-thực phẩm giảm 48,9%. Kết quả là nhiều trẻ em, đặc biệt là ở các gia đình nghèo đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng.
Để giảm thiểu tác động của đại dịch và giải quyết khó khăn kinh tế, báo cáo đưa ra các khuyến nghị như giảm thâm hụt ngân sách và hồi sinh các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bao gồm du lịch và nông nghiệp; tăng cường các dịch vụ y tế nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19. (Vientiane Times, 25/02/2021)
Năm 2020, Lào xuất khẩu cà phê đạt giá trị 930 tỷ Kíp
Vào trung tuần tháng 02/2021, tại Hội nghị “Nâng cao giá trị cà phê Lào trên thị trường khu vực và quốc tế” được tổ chức tại tỉnh Champasak, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Lào Phet Phomphibat thông tin về tầm quan trọng của cây cà phê trong việc tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân, tạo thu nhập ổn định cho người sản xuất và doanh nhân, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ trong việc xóa nghèo của nông dân.
Trong năm 2020, sản lượng cà phê toàn nước Lào đạt khoảng 154 nghìn tấn trên tổng diện tích phát triển khoảng 96 nghìn héc-ta và giá trị xuất khẩu ra nước ngoài đạt 100 triệu USD.
Theo Bộ trưởng Phet Phomphibat, để tạo ra lợi ích và giá trị cao của cà phê, trước mắt cần phải cải cách và phát triển hướng tới chất lượng, các đơn vị liên quan cần phải phối hợp nghiên cứu kỹ hơn về thời tiết khí hậu và dịch bệnh sẽ tác động đến sản lượng, chất lượng cà phê, sửa đổi các quy định, quy chế quản lý chưa phù hợp đối với việc phát triển cà phê; các vườn cà phê quy mô nhỏ của người dân cần được nhiều sự hỗ trợ về kỹ thuật hơn nữa để giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện tại các vấn đề về vốn, xây dựng kế hoạch trồng cây, chế biến và tìm kiếm thị trường còn đơn lẻ, mạnh ai người đó làm chưa thật sự được quản lý và hợp tác chặt chẽ với nhau. Việc hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả trong việc phát triển cà phê của Lào.
Đến nay, cà phê tại Lào chủ yếu được phát triển ở khu vực miền Trung và Nam Lào, chiếm đến 90% diện tích cà phê trên toàn quốc, miền Bắc chỉ chiếm 10% diện tích. (Báo KT-XH, 19/02/2021)
Dành 5,5 nghìn tỷ Kíp để thực hiện Dự án phát triển Siphandone giai đoạn I
Triển khai với tiến độ nhanh, dự án phát triển Siphandone giai đoạn I đã hoàn thành nhiều hạng mục và tiếp tục tập trung thực hiện các phần việc trọng tâm để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2018, dự kiến kết thúc vào năm 2025. Đến nay, tiến độ dự án đã hoàn thành việc cải tạo 21 căn villa, resort Khonphapheng, trung tâm dịch vu với tổng giá trị 10 triệu USD; hoàn thành việc xây dựng khách sạn mới, 02 tòa nhà nghỉ với dung lượng 68 phòng nghỉ; 06 villa, 06 phòng spa, tòa nhà văn phòng; hoàn thành các tuyến đường bê tông nội bộ với tổng chiều dài 43 km; ngoài ra, theo kế hoạch của dự án sẽ tiếp tục triển khai xây dựng thêm các đoạn đường kết nối các khu chức năng, nơi ăn ở, trạm cung cấp nước sạch, bệnh viện 100 giường, sân golf, kè chống sạt lở bờ sông và một số hạng mục khác với tổng mức đầu tư dự tính khoảng 600 triệu USD, tương đương 5,5 nghìn tỷ Kíp cho giai đoạn I.
Phó Giám đốc Công ty hợp tác phát triển Siphandone Lati Sisouphannavong cho biết, khi dự án hoàn thành sẽ giúp phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống của nhân dân vùng huyện Khong, Champasak. (Báo KT-XH, 23/02/2021)
Chính phủ triển khai hệ thống khai báo hải quan một cửa
Theo thông báo của Bộ Tài chính, bắt đầu từ ngày 23/02/2021, tất cả hàng hóa, bao gồm hàng hóa thuộc diện miễn thuế được nhập qua cửa khẩu hải quan quốc tế Cầu Hữu nghị Lào – Thái I sẽ được xử lý qua Hệ thống khai báo hải quan một cửa quốc gia (LNSW).
LNSW là hệ thống trực tuyến áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân xuất, và nhập khẩu hàng hóa. Đây là dịch vụ một cửa nhằm xúc tiến quá cảnh hàng hóa và trao đổi các dữ liệu. Hệ thống do Bộ Tài chính Lào và Công ty TNHH BIVAC (Sole) hợp tác phát triển quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Lào cũng như quá cảnh. Việc hợp tác này được thực hiện theo Quyết định về thực hiện và vận hành thủ tục hải quan một cửa quốc gia.
Để đăng ký sử dụng LNSW, các nhà xuất, nhập được yêu cầu thực hiện trực tuyến để có Tên người dùng và Mật khẩu đối với doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp phải nộp một khoản phí 120.000 Kíp cho mỗi dịch vụ khai báo hải quan qua hệ thống điện tử của Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) và Ngân hàng Phát triển Lào. Hệ thống sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất và nhập khẩu, đồng thời giúp cải thiện môi trường kinh doanh chung. Hệ thống điện tử sẽ thay thế cho hệ thống giấy tờ trước đây, dự kiến sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục và tăng cường tính minh bạch. Việc phê chuẩn sử dụng hệ thống một của tại các cửa khẩu là một dấu mốc quan trọng đối với Lào trong nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực và giúp nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Trong tương lai, hệ thống này sẽ được mở rộng tại các cửa khẩu quốc tế trên cả nước.
Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực phát triển và áp dụng công nghệ mới để tăng thu ngân sách, đạt các mục tiêu đề ra. Thu thuế tại các cửa khẩu quốc tế là nguồn thu ngân sách nhà nước chính đòi hỏi phải hiện đại hóa và thanh tra kỹ lưỡng để tránh thất thoát. (Vientiane Times, 01/02/2021)
Xuất khẩu bột gỗ, giấy phế liệu tăng vọt sau Chỉ thị 15 của Thủ tướng
Báo Vientiane Times ngày 24/02/2021 đưa tin, kim ngạch xuất khẩu bột gỗ và giấy phế liệu tăng đáng kể sau khi Chỉ thị 15 của Thủ tướng về tăng cường quản lý, kiểm tra thu hoạch, vận chuyển và kinh doanh gỗ được ban hành.
Chỉ thị 15 nhằm tăng cường quản lý rừng, quản lý ngành gỗ, thu hoạch, chế biến, kinh doanh gỗ và đảm bảo hoạt động phù hợp với luật. Chỉ thị cũng hướng đến xử lý những vấn đề tồn tại lâu nay trong ngành lâm nghiệp và giảm những tác động có hại.
Theo Chỉ thị, hàng nghìn nhà máy chế biến gỗ và các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang hoạt động bất hợp pháp phải đóng cửa. Hàng trăm người hoạt động bất hợp pháp ở các nhà máy này và ở các doanh nghiệp khác cũng như hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp bị phát hiện.
Theo Bộ Công Thương, năm 2017, Lào chỉ thu được hơn 1 triệu USD xuất khẩu bột gỗ và giấy phế liệu nhưng năm 2020, con số này là 300 triệu USD, trong đó đa phần xuất khẩu sang Trung Quốc, khoảng 285 triệu USD, còn lại là xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam.
Bột gỗ và giấy phế liệu đứng hàng thứ tư trong giá trị kim ngạch xuất khẩu sau điện, quặng vàng và đồng.
Nguyên liệu thô chính sử dụng để sản xuất bột gỗ là gỗ bạch đàn. Chính phủ đang xúc tiến trồng loại cây này cùng với nỗ lực bảo vệ môi trường.
Nhà máy bột gỗ và giấy phế liệu lớn nhất ở Lào đặt ở tỉnh Savanakhet và có thể sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn/năm, tương tự như một nhà máy ở Brazin.
Một liên doanh Lào-Thụy sỹ, Công ty TNHH Nông Lâm Burapha trồng cây bạch đàn, có xưởng cưa, thiết bị chế biến và trang trại.
Mặc dù chỉ thị của Thủ tướng về kiểm soát ngành gỗ được thực thi nghiêm ngặt nhưng việc việc khai thác gỗ bất hợp pháp mặc dù đã giảm trong thời gian gần đây vẫn tiếp tục là mối lo lắng.
Năm 2020, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 2.600 m3 gỗ khai thác bất hợp pháp và hơn 290 tấn gỗ bất hợp pháp. (Vientiane Times, 24/02/2021)
Sản xuất nông nghiệp tại Lào
Theo báo cáo mới đây của tổ chức nghiên cứu thị trường Ken Research, trụ sở tại Ấn Độ về tình hình sản xuất nông nghiệp tại Lào, tổng diện tích đất nông nghiệp của Lào khoảng 23,68 triệu ha, trong đó ít nhất 5 triệu ha (21%) thích hợp cho trồng trọt. 17% trong số này (khoảng 850.000 – 900.000ha) đã được trồng trọt thực sự, nhưng mới chỉ chiếm 4% tổng diện tích. Lúa gạo chiếm khoảng 80% diện tích canh tác, trong đó 422.000ha là lúa nước ở vùng thấp và 223.000ha lúa nương. Mặc dù có sự xen canh cây trồng và thủy sản ở vùng thượng du, về cơ bản diện tích lúa nước là độc canh bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa mùa màng của Chính phủ.
Chính phủ Lào đã có nhiều chính sách hỗ trợ thương mại nông nghiệp, nỗ lực ổn định năng suất và bảo đảm thị trường tăng trưởng bền vững và lành mạnh. Từ lâu, Chính phủ Lào đã hiểu rất rõ về nông nghiệp và có sự thống nhất chính trị rộng rãi về nhu cầu đất đai, lao động, cải cách thuế để khai thác hết tiềm năng của ngành này. Nhờ những chính sách ưu đãi, những năm gần đây ngành nông nghiệp ngày càng phát triển vững chắc. Lào giữ được thứ hạng hàng đầu trên thế giới xét về sản lượng canh tác, sản lượng gạo, lúa mì, bông, thịt, gia cầm, trứng và thủy sản.
Chiến lược của Lào đối với lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới là bảo đảm cung cấp các nông sản thiết yếu, thúc đẩy cải cách cơ cấu nguồn cung, tăng cường bảo vệ môi trường. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Lào tuy có tốc độ phát triển nhanh nhưng đã nảy sinh các vấn đề liên quan đến việc suy giảm chất lượng đất, suy thoái môi sinh do sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, về an toàn thực phẩm… Đồng thời, việc sử dụng máy móc và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Mặc dù, Chính phủ đã nỗ lực tận dụng các công nghệ mới nhất để nâng cao trình độ canh tác và năng suất sử dụng đất, song do các chi phí đầu vào cao, giá thành sản phẩm nông nghiệp thấp là yếu tố kìm hãm tăng trưởng đối với nền nông nghiệp Lào. Đó cũng là các vấn đề dẫn đến khó tăng thu nhập của nông dân và giảm lực lượng sản xuất nông nghiệp. Chính phủ đã áp dụng một số chính sách dài hạn, cam kết tìm giải pháp để nâng cao thu nhập của nông dân, tự chủ về tài chính theo giai đoạn thời vụ ngắn và lâu dài. Tuy nhiên, việc cải cách phải chi tiết hơn nữa và phải có tầm nhìn, xu hướng đến năm 2050, dự báo nền nông nghiệp sẽ đáp ứng được công ăn việc làm và đảm bảo cung cấp lương thực cho một nửa dân số nông thôn, dù Lào không ngừng đô thị hóa. Cùng với lâm nghiệp và nghề cá, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho GDP Lào.
Trong những năm qua, Chính phủ Lào đã chủ động hỗ trợ ngành nông nghiệp bằng nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có trợ cấp phân bón, các điều kiện tiêu hủy thuận lợi…, cho phép người nông dân có được những lợi ích tốt và bảo đảm mùa vụ. Thông qua việc phát triển rộng rãi mạng lưới hạ tầng cơ sở, các chương trình, dự án, Chính quyền trung ương và địa phương Lào đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất, bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có thể dự báo về khả năng phát triển đối với nền nông nghiệp Lào trong những năm tới. (Ken Research, openpr.com ngày 02/02/2021)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Tổng Bí thư chỉ đạo trấn áp tham nhũng
Ngày 05/02/2020, phát biểu tại buổi lễ nhậm chức của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Khamphanh Phommathath, Tổng Bí thư Đảng NDCM Lào Thongloun Sisoulith đã chỉ đạo cho Uỷ ban Kiểm tra TW Đảng phải tiến hành kiểm tra các vụ tham nhũng một cách khách quan, chính xác, rõ ràng và công bằng.
Tổng Bí thư đã chỉ ra các lĩnh vực nơi tham nhũng thường nảy sinh như thu thuế, quản lý thu chi ngân sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khảo sát và thiết kế dự án, đấu thầu và mua sắm dự án, quản lý đất đai, tài nguyên rừng và khoáng sản. Các lĩnh vực khác bao gồm thanh kiểm tra, điều tra xét xử, công tác cán bộ, dịch vụ công và kiểm toán. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát hành vi của cán bộ lãnh đạo và quản lý của Đảng và Chính phủ, cán bộ công chức sỹ quan quân đội và an ninh, cán bộ của các doanh nghiệp nhà nước, trưởng bản và những người giàu lên một cách bất thường. Những lời phàn nàn/tố cáo của công chúng về cán bộ Đảng và công chức cũng phải điều tra làm rõ.
Tổng Bí thư Đảng Thongloun Sisoulith cho rằng, đặc biệt cần kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước để làm rõ trách nhiệm về thất thoát tài sản nhà nước mà đã làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ công.
Việc kê khai tài sản cá nhân của cán bộ công chức, các sỹ quan quân đội và an ninh cần phải được tiến hành theo Nghị định về Kê khai Tài sản, Ủy ban Kiểm tra cần phải có chế tài đối với những người vi phạm. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, Ủy ban Kiểm tra phải chú trọng các công cụ, giải pháp giám sát để phòng chống tham nhũng, ngăn chặn các hành vi sai trái mà các nước khác đã sử dụng thành công. (Vientiane Times, 10/02/2021)
Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý hồ đập
Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về quản lý hồ đập có hiệu lực từ ngày 04/03/2021 nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu nước cũng như lũ lụt ở thượng nguồn và hạ nguồn các nhà máy thủy điện.
Theo Nghị định, khi mực nước ở các hồ chứa tăng cao đến mức quy định, các nhà vận hành đập yêu cầu phải thông báo cho các cơ quan chức năng. Nếu mực nước ở hạ lưu khô cạn, thiếu nước sử dụng ảnh hưởng lên đa dạng sinh học, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và gây ra những tác động tiêu cực khác thì các nhà vận hành đập có nghĩa vụ ra thông báo về tình hình. Các nhà máy thủy điện, các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương phải phối hợp trong việc đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề. Nếu phải xả nước trong trường hợp khẩn cấp, các nhà vận hành phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương để hạo thông báo cho dân cư địa phương một cách kịp thời. Các nhà vận hành hồ đập và cơ quan chức năng sẽ phối hợp, thống nhất các giải pháp để ứng phó với tình hình.
Nghị định quy định điều kiện/bối cảnh khi các nhà vận hành hồ đập phải ra thông báo, bao gồm mực nước ở hồ chứa đạt mức tối đa sức chứa hoặc điểm báo động. Khi mực nước ở hạ nguồn tăng hoặc giảm đến mức quy định cũng phải thông báo.
Trong trường hợp tổn thất hoặc hư hại gây ra do tích nước hoặc xả nước, các nhà máy thủy điện phải có giải pháp và đóng góp tài chính để hỗ trợ nhân dân địa phương về tinh thần và vật chất, đồng thời, phải đền bù tài sản bị mất mát.
Nghị định nhằm quản lý và giám sát các hồ chứa để đảm bảo sử dụng hiệu một cách hiệu quả các nguồn nước theo định hướng phát triển xanh và bền vững. (Vientiane Times, 25/02/2021)
Chính phủ tăng cường thực thi Luật Mua sắm công
Ngày 02/02/2021, theo Vietiane Times, Chính phủ sẽ tiếp tục phổ biến thông tin về Luật Mua sắm công nhằm tăng cường quản lý tài chính công để nâng cao tính minh bạch, khả năng kiểm toán và thống nhất.
Để triển khai công tác này một cách có hiệu quả trong những năm tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tổ chức các hội nghị với sự tham gia của cán bộ quản lý cấp cao và đại diện các cơ quan liên quan để thảo luận việc thực thi luật.
Hội nghị ngày 01/02/2021 là một sự kiện nằm trong kế hoạch đó. Tại hội nghị, các thành viên tham gia đã được giới thiệu về các giải pháp, trình tự và phương pháp thực thi luật liên quan đến mua sắm công. Trong khuôn khổ dự án Cải cách quản lý tài chính công do EU tài trợ thông qua WB, hội nghị đã cung cấp cho các đại biểu và cán bộ từ các cơ quan liên quan về các nội dung của luật và hiệu quả của quản lý tài chính công dựa trên tính minh bạch, thống nhất và khả năng kiểm toán. Hội nghị cũng giới thiệu về hướng dẫn thực thi luật liên quan đến ngân sách nhà nước và sổ tay hướng dẫn do Bộ Tài chính soạn thảo về các thủ tục sử dụng công quỹ để đảo bảo tính minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, có trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounleua Sinxayvoravong cho biết, một số hội nghị phổ biến luật tương tự đã được tổ chức tại các tỉnh Bắc và Nam Lào. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, việc tổ chức các hội nghị phổ biến luật sẽ mở đường, tạo nền tảng cho việc thực thi các luật trong tương lai, đặc biệt là Luật Mua sắm công.
Bộ luật này là công cụ quan trọng để cán bộ phụ trách mua sắm công áp dụng để đảm bảo quản lý một cách có hiệu quả công quỹ phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và dự toán ngân sách nhà nước.
Bên cạnh thực thi Luật Mua sắm Công, Chính phủ đang áp dụng hệ thống thanh toán thuế hiện đại và các công cụ tiên tiến nhằm giảm thiểu thất thoát tài chính công, đồng thời tăng cường năng lực quản lý tài chính. (Vientiane Times, 02/02/2021)
Cải cách sẽ giúp Lào thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài
Ngày 18/02/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonxay Siphandone chủ trì Hội nghị về công tác cải cách đầu tư của Lào. Hội nghị có đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào thường trú tại Viêng Chăn Kaykeo Roper và các khách mời tham dự.
Trong báo cáo mới nhất của IFC chỉ rõ việc xây dựng chiến lược về đầu tư theo cách tiếp cận chung đi đôi với từng bước cải cách quy chế, phương thức đầu tư sẽ giúp Lào thu hút đầu tư từ nước ngoài (FDI) nhiều hơn và có chất lượng từ các nước. Phương pháp cải cách toàn diện trên sẽ giúp kinh tế Lào phát triển, tạo ra nhiều vị trí việc làm và đem lại sự giàu có tới toàn dân. Trong suốt 15 năm qua, FDI đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Lào; tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng việc đầu tư hầu như chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tạo được rất ít công ăn việc làm và không khai thác được đầy đủ tiềm năng của FDI.
Phó Thủ tướng Sonxay cho rằng báo cáo mới của IFC đã kịp thời cung cấp nhiều thông tin phân tích sâu, rộng về tình hình đầu tư tư nhân tại Lào; ngoài ra, báo cáo còn chỉ ra phương hướng cho các nhà làm chính sách trong việc xác định vị thế kinh tế của quốc gia hiện nay và trong tương lai trước tình hình hội nhập khu vực và quốc tế; chương trình thực hiện việc cải cách được đề xuất trong báo cáo trên còn là chỉ dẫn hướng ưu tiên cải cách của Chính phủ nhằm nghiên cứu, nắm bắt nguồn vốn FDI vào nhiều hơn, tạo sự phát triển kinh tế và thúc đẩy đầu tư có chất lượng. Báo cáo còn đề xuất chuyển đổi hướng đầu tư không dựa vào tài nguyên thiên nhiên, song song với thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả, chất lượng nhằm giúp cho nền kinh tế từng bước tiếp cận với công nghiệp hóa, sử dụng kiến thức, trí tuệ là chủ yếu và giảm thiểu thu hút FDI về các lĩnh vực không cần thiết bằng việc cải cách chính sách thu hút đầu tư và sử dụng các biện pháp mạnh nhằm xử lý và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc của các nhà đầu tư.
Ông Kaykeo Roper cho biết mục đích của báo cáo của IFC lần này nhằm chỉ ra việc cải cách phải làm như thế nào để đạt mục tiêu tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư và hỗ trợ khả năng cạnh tranh của Lào trong việc thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, hiệu quả cao, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng nhận thức mới cho các doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước có thể hội nhập với khu vực và quốc tế, xây dựng nền tảng vững mạnh cho nền kinh tế nhằm đảm bảo phát triển bền vững và ổn định. (Báo KT-XH, 19/02/2021)
Việc phát triển thành phố thông minh dự kiến sẽ sớm được triển khai
Ngày 04/02/2021, phát biểu tại hội nghị thường niên ngành kế hoạch và đầu tư, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng KH&ĐT Sonexay Siphandone cho biết, việc phát triển các thành phố thông minh tại tỉnh Luang Namtha và tỉnh Oudomxay sẽ sớm được triển khai khi các cơ quan chức năng đang ở giai đoạn kết thúc đàm phán để ký kết hợp đồng dự án.
Dự kiến, khi đàm phán kết thúc, các cơ quan chức năng và các nhà phát triển tiềm năng sẽ tiến hành bước tiếp theo là xây dựng hợp đồng tô nhượng.
Theo báo cáo trước đó, các thành phố thông minh này sẽ do Công ty TNHH đại chúng Tập đoàn Amata của Thái Lan phát triển.
Hội nghị thường niên ngành KH&ĐT cũng đã xem xét tiến độ thực hiện các siêu dự án có ý nghĩa động lực đối với nền kinh tế quốc gia là dự án đường sắt Lào – Trung và đường cao tốc Viêng Chăn – Vangvieng. Dự án đường sắt nối Viêng Chăn – biên giới Trung Quốc hiện đã hoàn thành 94,15 tiến độ xây dựng. Đoạn cao tốc Viêng Chăn – Vangvieng đã được đưa vào sử dụng và là giai đoạn I của tuyến cao tốc nối thủ đô Viêng Chăn tới biên giới Trung Quốc tại tỉnh Boten. Chính phủ cũng đã phê duyệt giai đoạn II của tuyến cao tốc nối Vangvieng – tỉnh Luang Prabang.
Bên cạnh đố, các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành nghiên cứu khả thi các dự án quy mô lớn khác, bao gồm cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội; cao tốc Viêng Chăn – Pakxe và cao tốc số 1 tại Viêng Chăn. Hội nghị ngành cũng đã xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8 (2016-2020) và kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (2021-2025). (Vientiane Times, 05/02/2021)
Hơn 17 nghìn lao động nghề may mặc được hỗ trợ sau tác động của dịch bệnh Covid-19
Ngày 23/02/2021, Cơ quan Bảo hiểm xã hội Lào ra thông báo về việc hỗ trợ kinh phí đối với người lao động trong lĩnh vực may mặc tại Lào.
Theo thống kê, lực lượng lao động trong ngành may mặc Lào sẽ được hỗ trợ tiền bảo hiểm từ Cơ quan Bảo hiểm xã hội Lào có số lượng khoảng trên 17.000 người, với tổng giá trị bảo hiểm là 1,8 triệu USD. Đây là khoản hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong các nhà máy may mặc tại Lào để giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm tiếp tục phục hồi sản xuất. Nguồn hỗ trợ trên được cung cấp bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển của Cộng hòa liên bang Đức (BMZ) thông qua chương trình viện trợ chuyên gia từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Đối tượng được nhận sự hỗ trợ ngắn hạn lần này phần lớn là lực lượng lao động nữ, chiếm 85% tổng số lao động; chương trình hỗ trợ sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện từ tháng 3/2021.
Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Padeumphone Sonthany cho biết, hỗ trợ tài chính lần này cho đối tượng có bảo hiểm thuộc lĩnh vực may mặc, ngoài việc hỗ trợ chính cho người lao động trong ngành may mặc tại các nhà máy, xí nghiệp, chương trình còn hỗ trợ năng lực quản lý đối với các nhà máy hoạt động may mặc và cơ chế chi trả tiền hỗ trợ của hệ thống bảo hiểm xã hội, thúc đẩy quan hệ ba bên giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội.
Do đại dịch Covid-19, lĩnh vực công nghiệp may mặc tại Lào đã bị ảnh hưởng nặng nề, hơn 26 nghìn lao động mất việc làm, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải giảm số lao động và thậm chí phải đóng cửa hoạt động sản xuất. (Báo KT-XH, 24/02/2021)
Lào sẽ tổ chức kiểm tra an toàn 122 đập thủy điện quy mô nhỏ
Từ ngày 03-04/02/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Cục Quản lý năng lượng và mỏ, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào phối hợp cùng Công ty Damwatch Engineering Ltd đã tiến hành tập huấn các quy định về sự an toàn của đập thủy điện đối với loại đập có quy mô nhỏ tại Lào lần đầu tiên cho các cán bộ liên quan cấp trung ương, địa phương và nhân viên công ty phát triển thủy điện quy mô nhỏ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và tập huấn 3 vấn đề quan trọng gồm: (i) xây dựng năng lực chuyên môn về các biện pháp, hướng dẫn và các quy định liên quan trong công tác quản lý an toàn đập từ khi bắt đầu nghiên cứu khả thi, thiết kế, xây dựng và vận hành; (ii) trao đổi bài học kinh nghiệm trong công việc quản lý và giám sát an toàn đập quy mô nhỏ dưới 15 MW trong thời gian qua; (iii) tăng cường quản lý và chỉ đạo thực hiện công tác an toàn đập quy mô nhỏ dưới 15 MW.
Để đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu được ổn định, bền vững lâu dài, công tác đảm bảo an toàn đập thủy điện được coi trọng ưu tiên hàng đầu, phải được sự quan tâm từ Chính phủ nói chung và của các cơ quan liên quan, nhà đầu tư nói riêng trong việc quản lý và giám sát từ khâu nghiên cứu khả thi, thiết kế, xây dựng và vận hành.
Hội thảo được tài trợ bởi Chính phủ hai nước Newzealand và Austrailia. Cục trưởng Cục Quản lý năng lượng và mỏ, Bộ Năng lượng và Mỏ Buathep Malaykham chủ trì, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các nhà đầu tư phát triển cùng tham dự. (Báo KT-XH, 09/02/2021)
HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 01 năm 2021
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 1 năm 2021 như sau:
1. Tháng 1/2021 đạt 127.650.429 USD, so với cùng kỳ tăng 59,8% (so với tháng 12 năm trước tăng 1,9%). Trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 59.861.234 USD, tăng 36% so với cùng kỳ (so với tháng 12/2020 tăng 6,9%).
Mặt hàng giữ được đà tăng: Kim loại thường khác và sản phẩm tăng 672,9% đạt gần 2,2 triệu USD; Phân bón tăng 184,4% đạt gần 1,3 triệu USD; Sản phẩm từ hóa chất tăng 159,8% đạt hơn 632 nghìn USD; Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 157,1% đạt hơn 1,7 triệu USD; Sản phẩm gốm sứ tăng 126,9% đạt gần 1,2 triệu USD; Hàng hóa khác tăng 88,4% đạt gần 21 triệu USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 27,7% đạt hơn 4 triệu USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 27,1% đạt gần 6 triệu USD; Dây điện và cáp điện tăng 12,2% đạt hơn 450 nghìn USD;
Mặt hàng quay đầu tăng và tăng mạnh sau khi giảm ở những tháng cuối năm trước: Sản phẩm từ chất dẻo tăng 168,7% đạt hơn 1,8 triệu; Sắt thép các loại tăng 147,3% đạt hơn 6,6 triệu; Sản phẩm từ sắt thép tăng 145% đạt gần 6 triệu USD.
Mặt hàng quay đầu giảm sau khi tăng khá tháng 12 năm trước: Gỗ và sản phẩm gỗ giảm -76% chỉ đạt hơn 428 nghìn USD; hàng dệt may giảm -19,6% chỉ đạt hơn 743 nghìn USD;
Mặt hàng tiếp tục giảm: Rau quả giảm -68,6% chỉ đạt hơn 2,4 triệu USD (theo đà giảm của 4 tháng cuối năm 2020, sau khi tăng gần như liên tục 8 tháng đầu năm); Xăng dầu giảm -67,4% (giảm suốt hai năm qua từ đầu năm 2019 đến nay) chỉ đạt hơn 1,38 triệu USD; Clanke và xi măng giảm -65,2% chỉ đạt hơn 212 nghìn USD; Cà phê giảm -59,9% chỉ đạt gần 149 nghìn USD.
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 67.789.195 USD, tăng 89% so với cùng kỳ (so với tháng 12/2020 giảm nhẹ -2,2%).
Mặt hàng tiếp tục đà tăng của năm trước: Phân bón các loại tăng 21,8% đạt hơn 3 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,2% đạt hơn 10,5 triệu USD; Đặc biệt hàng hóa khác tăng mạnh 147,7% đạt hơn 35,3 triệu.
Mặt hàng quay đầu tăng mạnh: Rau quả tăng mạnh 273,4% (sau khi giảm tháng 12 năm trước) đạt hơn 945 nghìn USD ; Cao su tăng 111,1% (sau khi giảm liên tiếp 3 tháng cuối năm 2020) đạt gần 16 triệu USD;
Quặng và khoáng sản quay đầu giảm -24,8% sau khi tăng khá hai tháng cuối năm 2020 chỉ đạt hơn 1,8 triệu USD; Kim loại thường khác giảm -12,7% chỉ đạt hơn 187 nghìn USD.
Như vậy, tháng 01/2021 kim ngạch hai chiều ghi nhận tăng mạnh 59,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Lào tăng mạnh (89%), tăng đáng kể so với mức tăng kim ngạch xuất khẩu (36%). Nếu so sánh với tháng 01/2019 (năm không có dịch bệnh Covid-19), kim ngạch hai chiều tháng 01/2021 đã tăng trưởng 27%, trong đó mức tăng kim ngạch nhập khẩu từ Lào là 55,3% và mức tăng kim ngạch xuất khẩu là 5,7%.
Dự đoán tháng 02/2021, kim ngạch có thể không tăng được như đà tăng của tháng 1 do dịch bệnh lại bùng phát tại Việt Nam và tháng 2 là tháng Tết cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, cả năm 2021, với hy vọng về vắc xin chống dịch được triển khai, với tốc độ tăng ghi nhận trong tháng 01/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ lấy lại đà tăng trưởng (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Các nhà lãnh đạo Lào và Việt Nam cam kết tăng cường các mối quan hệ bất chấp biến động toàn cầu
Ngày 02/02/2021, Tổng Bí thư, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để chúc mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của ĐCS Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư lần thứ 3.
Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào, ông Thongloun Sisoulith đánh giá cao thành công của Đại hội Đảng XIII của Việt Nam và nhấn mạnh, việc ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại giữ chức Tổng Bí thư thể hiện tín nhiệm và niềm tin mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho ông. Ông Thongloun Sisoulith ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò lãnh đạo kiệt xuất và kinh nghiệm trong lãnh đạo sự nghiệp phát triển của Việt Nam và bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng một đất nước mạnh và thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các nghị quyết mà đại hội đảng mỗi nước đề ra, hai nước cần duy trì nỗ lực để vượt qua thách thức và thực hiện những thỏa thuận mà hai đảng và lãnh đạo hai nước đã đề ra. Hai bên thống nhất, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái. Hai Tổng Bí thư cam kết tiếp tục tăng cường hơn nữa tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị và hợp tác toàn diện trong tương lai, bất chấp những biến động toàn cầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông báo với Tổng Bí thư Thongloun Ssisoulith về kết quả thành công của Đại hội Đảng XIII, là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đại hội đã quyết định phương hướng, tầm nhìn và các chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam tiến lên CNXH.
Trong cuộc điện đàm, TBT Thongloun Sisoulith đã chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và BCH trung ương CPV nhân dịp 91 năm ngày thành lập CPV. Tổng Bí thư Thongloun Sisoulith bày tỏ sự cám ơn to lớn đối với Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam về sự hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với Đảng, nhà nước và nhân dân Lào.
Hiện nay, Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ ba tại Lào sau Trung Quốc và Thái Lan. Tính đến tháng 12/2020, tổng vốn đầu tư của Việt Nam tại Lào đạt trên 4,1 tỷ USD. Việt Nam đồng thời là đối tác thương mại chủ chốt của Lào với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020.
Bất chấp những diễn biến phức tạp và khó lường trong khu vực và thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19, Lào và Việt Nam tiếp tục tổ chức các hội nghị cấp cao, thực hiện các cơ chế hợp tác quan trọng và hỗ trợ lẫn nhau trong việc ứng phó với dịch bệnh. (Vientiane Times, 04/02/2021)
Tiến độ triển khai Dự án Bô-xit Alumina tại huyện Dakchueng, tỉnh Sekong
Ngày 19/02/2021, Cục trưởng Cục Khuyến khích đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lào Oudtakeo Keoduangsin chủ trì tổ chức cuộc họp trực tuyến với Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương về tiến độ triển khai Dự án Bô-xit Alumina tại huyện Đắc-chưng, tỉnh Sê-kông, Lào. Tham dự cuộc họp, về phía Lào có đại diện các Bộ, ngành và địa phương liên quan; về phía Việt Nam có đại diện Bộ phận xúc tiến đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Vũ Văn Hòa và đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương tại Lào (VPG).
Tại cuộc họp, đại diện VPG báo cáo về tiến độ triển khai dự án. Ngày 11/9/2018, VPG ký kết hợp đồng tô nhượng với Chính phủ Lào với tổng diện tích đất mỏ là 95,88 km2, tổng mức đầu tư là 650 triệu USD; công suất thiết kế nhà máy chế biến Bô-xít là 600.000 tấn Alumina/năm. Theo báo cáo, từ năm 2018 đến nay do thị trường nhôm thế giới có nhiều biến động, cộng thêm tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án. Mặc dù vậy, VPG vẫn chủ động, tích cực triển khai các bước cần thiết trong điều kiện cho phép và đạt được một số kết quả như: hoàn thành hồ sơ dự án, giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, nghiên cứu điều chỉnh thiết dự án theo khảo sát đánh giá thực tế trên thực địa; từng bước xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý; đồng thời, thường xuyên cập nhật về sự thay đổi kỹ thuật chế biến nhôm của thế giới, VPG thấy cần phải thay đổi, điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hơn so với thiết kế ban đầu.
Theo điều chỉnh, VPG dự kiến sẽ nâng công suất nhà máy chế biến Alumina từ 600.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư ban đầu là 650 triệu USD lên công suất 1.000.000 tấn năm, tổng mức đầu tư khoảng 850 triệu USD. Với điều chỉnh trên, dự án sẽ đạt hiệu quả kinh tế hơn do suất đầu tư sẽ thấp hơn thiết kế ban đầu, lợi nhuận tăng và sẽ đóng góp tốt hơn cho ngân sách nhà nước Lào. Tuy nhiên, VPG xét thấy do công suất nhà máy được nâng lên, mức tiêu thụ nguyên liệu cũng sẽ tăng, với diện tích tô nhượng đã ký với Chính phủ không đủ cung cấp cho nhà máy mới khi triển khai hoạt động. Để đảm bảo chắc chắn trước khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy với công suất thiết kế điều chỉnh, VPG đề xuất với Chính phủ Lào hỗ trợ tìm kiếm và cấp phép mở rộng thêm diện tích mỏ nhằm cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy.
VPG khẳng định quyết tâm thực hiện dự án, sẽ triển khai ngay hạng mục xây dựng khu văn phòng công ty tại huyện Đắc-chưng vào tháng 4/2021. Trong quá trình triển khai dự án đến nay, VPG đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước cũng như địa phương vùng dự án. Để đảm bảo tính khả thi của dự án, VPG đề xuất Chính phủ Lào: (i) Nghiên cứu, xem xét cấp bổ sung diện tích mỏ để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy có công suất lên 1.000.000 tấn Alumina/năm; (ii) cho phép VPG chuyển đổi phần diện tích không có khoáng sản sang mục đích phát triển nông nghiệp; (iii) điều chỉnh phí tô nhượng diện tích phù hợp với phần diện tích không có mỏ…
Đây là dự án có quy mô lớn, khi triển khai sẽ tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho nhân dân vùng dự án; nhà máy chế biến Alumina khi bước vào hoạt động sản xuất sẽ thay đổi diện mạo của khu vực huyện Dakchueng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội cho tỉnh Sekong và đóng góp cho ngân sách nhà nước Lào, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp luyện kim màu của Lào phát triển trong tương lai. (ĐSQVN tại Lào, 20/02/2021)
HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC
Lào-Trung Quốc
Lào chuyển hướng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Báo Vientiane Times ngày 26/02/2021 đưa tin, kim ngạch xuất khẩu gạo của Lào sang Việt Nam giảm do Chính phủ chuyển hướng tăng hạn ngạch gạo xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gạo của Lào sang Việt Nam là 29 triệu USD, nhưng năm 2019 giá trị xuất khẩu chỉ còn 7,6 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo từ Lào sang Trung Quốc tăng từ 5,6 triệu USD năm 2017 lên hơn 11,5 triệu USD năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng năm 2020 và 2021.
Lào ký hạn ngạch xuất khẩu 50.000 tấn sang Trung Quốc, đến nay đã xuất được 20.000 tấn, sẽ cố gắng đạt được mục tiêu 50.000 tấn vào cuối năm 2021 cho dù có những khó khăn bởi bệnh dịch Covid-19.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu gạo sang Việt Nam giảm nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước vẫn tăng.
Năm 2020, Chính phủ Lào đề ra mục tiêu sẽ sản xuất 4,35 triệu tấn gạo, nhưng do thiên tai và dịch bệnh chỉ đạt 3,7 triệu tấn.
Tiêu thụ gạo trong nước ước tính duy trì ở mức 1,67 triệu tấn. Gạo là thức ăn chính trong cuộc sống của người Lào và là nguồn đảm bảo an ninh lương thực của cả nước.
Theo Tổ chức Lương thực, Lào bị thất thoát sau thu hoạch cao với khoảng 15% sản lượng gạo xay xát và rất ít gạo được đưa vào thức ăn chăn nuôi.
Theo Ngân hàng Thế giới, tiêu thụ gạo đầu người ở Lào là một trong những nước cao nhất thế giới, khoảng 206 kg/năm.
Năm 2020-2021, sản xuất gạo dự kiến đạt được 1,7 triệu tấn trong điều kiện thời tiết bình thường, tăng 13% so với giai đoạn 2019-2020, xuất khẩu dự báo không đổi, đứng ở mức 80.000 tấn.
Năm tài chính này, nhập khẩu dự báo sẽ giảm xuống còn 100.000 tấn khi sản xuất trở lại mức bình thường, giảm 66,7% so với giai đoạn 2019-2020. Gạo nhập khẩu chính là gạo nếp từ Việt Nam.
Năm 2019-2020, tiêu thụ gạo tăng nhẹ vì người lao động Lào trở về từ các nước láng giềng do dịch bệnh Covid-19 (Vientiane Times, 26/02/2021)
Lào-Campuchia
Dự kiến xây dựng 02 nhà máy điện để xuất khẩu năng lượng sang Campuchia
Ngày Ngày 03/02/2021, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo cho biết, Chính phủ dự kiến xây dựng 02 nhà máy nhiệt điện than tại tỉnh Xekong.
Thời gian khởi công vào cuối năm 2021 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động và xuất khẩu điện sang Campuchia trong năm 2025 theo hợp đồng đã được ký kết giữa các nhà phát triển dự án và Chính phủ Lào.
Nhà máy điện thứ nhất sẽ do Tập đoàn Phonesack xây dựng tại huyện Kaleum với công suất lắp đặt 1.800 MW. Tập đoàn Phonesack sẽ đầu tư khoảng 3-4 tỷ USD vào dự án, bao gồm xây dựng nhà máy điện và đường dây tải điện sang Campuchia dài 200 Km.
Nhà máy thứ hai có công suất lắp đặt 700 MW sẽ do công ty Trung Quốc xây dựng tại huyện Lanam với chi phí đầy tư trên 01 tỷ USD.
Thứ trưởng Daovong cho biết, căn cứ theo hợp đồng, công ty Trung Quốc sẽ cung cấp 600 MW điện sang Campuchia nhưng để đảm bảo cung ứng điện bền vững cho bên mua, công ty đã quyết định nâng công suất nhà máy lên 700 MW. Công ty Trung Quốc sẽ không xây dựng đường dây tải điện mà sẽ hợp tác với EDL để xuất khẩu điện sang Campuchia. Thứ trưởng Daovong cũng cho biết, Campuchia sẽ mua điện từ các nhà máy này với giá 7,3 Cent/kWh. Về nguồn than hiện có tại 02 huyện, Thứ trưởng Daovong cho rằng không thể đủ để cung cấp cho 02 nhà máy điện trong thời hạn nhượng quyền 25 năm. Vì vậy, cần thiết phải khảo sát than tại các địa bàn khác để đảm bảo nguồn cung ứng. (Vientiane Times, 05/02/2021)
Lào-Campuchia hợp tác ngăn chặn trốn thuế
Ngày 16/02/2021, tại Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính Lào tiến hành tổ chức cuộc họp trực tuyến để thảo luận nội dung Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn chặn việc trốn thuế giữa Chính phủ Lào và Vương quốc Campuchia phiên thứ nhất.
Về phía Lào có Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thammaloth Rasaphon cùng các lãnh đạo phòng ban liên quan; phía Campuchia có Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bun Neary cùng các Trưởng phòng liên quan tham dự.
Cuộc họp đã tiến hành đàm phán, trao đổi tất cả 31 điều khoản; trong đó, có 22 điều khoản được hai bên cùng nhau thảo luận, 17 điều khoản được hai bên chấp thuận, 05 điều khoản chưa được thống nhất và còn lại 09 điều khoản chưa đưa ra thảo luận.
Nếu Hiệp định trên được Chính phủ hai bên ký kết, thống nhất triển khai thực hiện các điều khoản đã được quy định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn chặn việc trốn thuế sẽ thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư hai nước, tạo cơ hội cho kinh tế hai nước từng bước phát triển tốt hơn. (Báo KT-XH, 23/02/2021)
Lào-Nhật Bản
Nhật Bản hỗ trợ Lào quản lý di cư qua biên giới
Ngày 23/02/2021, thỏa thuận về việc Nhật Bản hỗ trợ Lào quản lý di cư qua biên giới đã được ký kết tại Viêng Chăn, theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản ngân sách trị giá 220 triệu Yên (khoảng 2 triệu USD trong giai đoạn 2021-2022 nhằm thúc đẩy việc di cư an toàn, có điều tiết và trật tự ở Lào.
Dự án sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) qua chương trình quản lý di cư và biên giới. Mục đích của dự án là nhằm để quản lý sự di cư qua biên giới một cách an toàn, có hiệu lực và hiệu quả, áp dụng cách tiếp cận tích hợp.
Tài trợ của Chính phủ Nhật Bản sẽ giải quyết nhu cầu về công nghệ và cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực của Lào về nhân lực và kỹ thuật để quản lý có hiệu quả việc di cư tại các các sân bay quốc tế và cửa khẩu đường bộ. Dự án sẽ do IOM và Bộ An ninh Lào phối hợp thực hiện.
Chính phủ Nhật Bản đã không ngừng hỗ trợ phát triển bền vững ở Lào trên nhiều lĩnh vực, bao gồm hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tại các cửa khẩu. (Vientiane Times, 26/02/2021)
Lào-Đức
Đức cung cấp 20 triệu EUR hỗ trợ thực thi luật bảo vệ rừng
Ngày 15/02/2021, tại Viêng Chăn, thỏa thuận tài trợ dự án chung đã được ký kết giữa đại diện Chính phủ Đức và Chính phủ Lào. Theo đó, Bộ Hợp tác và Phát triển CHLB Đức sẽ cung cấp khoảng 20 triệu EUR và Chính phủ Lào sẽ đóng góp 4 triệu USD bằng hiện vật cho dự án Thực thi Luật Bảo vệ rừng, Quản trị và Thương mại Lâm nghiệp (FLEGT) giai đoạn từ 2021 – 2026.
Tài trợ của Đức sẽ được thực hiện thông qua Ngân hàng Phát triển KfW. Dự án sẽ do Bộ Nông Lâm và Bộ Thương mại thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của công ty tư vấn quốc tế.
Mục tiêu của FLEGT là nhằm đảm bảo đời sống của người dân sống phụ thuộc vào các sản phẩm rừng thông qua áp dụng Hệ thống Đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ và nâng cấp ngành công nghiệp chế biến gỗ của Lào.
Kế hoạch hành động FLEGT của EU là sáng kiến của EU hiện đang được thực hiện ở 9 quốc gia trên cơ sở các Thảo thuận Đối tác Tự nguyện. EU cũng đang đàm phán với Lào về chương trình này. Bộ Nông Lâm là cơ quan đàm phán với EU với hỗ trợ tài chính của GIZ. Hỗ trợ tài chính FLEGT là sự tiếp nối của quá trình triển khai, thể hiện sự cam kết của Đức tại Lào trong lĩnh vực này.
Ngành lâm nghiệp, đặc biệt là chế biến gỗ có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Lào, cũng như đối với việc bảo vệ đa dạng sinh học và giảm nghèo. Mục tiêu của dự án là nhằm tạo việc làm trong ngành chế biến gỗ, góp phần phát triển lĩnh vực kinh tế quan trọng này của Lào. Trong tương lai, không chỉ gỗ mà cả các sản phẩm đồ gỗ có nguồn gốc hợp pháp từ Lào sẽ trở thành một phần trong chuỗi giá trị và thương mại các sản phẩm gỗ. (Vientiane Times, 16/02/2021)
HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
Lào-UNDP
Bộ chủ quản khai trương ứng dụng giám sát dự án ODA
Ngày 11/02/2021, trong khuôn khổ sự kiện do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone chủ trì với sự tham dự của các đại diện UNDP và UNNICEF, Ứng dụng Giám sát Dự án ODA đã được khai trương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, quản lý các dự án sử dụng vốn ODA.
Chương trình này sẽ giúp đẩy nhanh việc theo dõi quy trình và đảm bảo giải ngân vốn ODA một cách minh bạch hơn nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng này.
Phát biểu tại lễ khai trương ứng dụng, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone đã bày tỏ cám ơn đối với UNDP và UNICEF về sự hỗ trợ đối với dự án, nhấn mạnh rằng ứng dụng này sẽ là một công cụ hữu ích. Vụ trưởng Vụ HTQT Sisomboun Ounavong cho biết, dự án trị giá 269.620 USD được chia thành hai phần. Phần thứ nhất là hoạt động nâng cấp vận hành trong Bộ KH&ĐT và các Sở KH&ĐT 18 tỉnh. Phần này trị giá 180.000 USD bao gồm cung cấp trang thiết bị và phần mềm để phục vụ hội nghị trực tuyến và hẹ thống văn phòng điện tử. Phần thứ hai là hỗ trợ hệ thống quản lý trị giá 89.620 USD để xây dựng cơ sở dữ liệu và thu thập thông tin nhằm giúp các đối tác phát triển tương tác và ứng phó với tác động của dịch Covid-19.
Việc chia sẻ thông tin với các đối tác phát triển thông qua theo dõi vốn ODA mà họ cung cấp có thể thực hiện thông qua ứng dụng trên nền tảng của các thiết bị di động. Quy mô của hoạt động này bao gồm phát triển ứng dụng để theo dõi các chương trình phát triển chính thức. Ứng dụng Giám sát ODA sẽ cho phép giám sát một cách chặt chẽ hơn tiến độ dự án ODA thông qua báo cáo của các cơ quan liên quan đến Bộ KH&ĐT và các Vụ chức năng trực thuộc. Ứng dụng sẽ giúp xử lý và đánh giá các dự án ODA được chia thành 03 loại: cờ xanh cho thấy dự án đang vận hành thành công; cờ vàng- thành công trung bình hoặc có rủi ro; màu đỏ là dự án rủi ro cao. (Vientiane Times, 12/02/2021)
Lào-KOICA
Dự án bảo vệ môi trường thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak đạt gần 50% tiến độ
Ngày 18/02/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị chỉ đạo chung đối với Dự án tăng cường khả năng quản lý nước thải và rác thải môi trường nội đô Viêng Chăn và thành phố Champasak được tổ chức. Đồng chủ trì do Thứ trưởng Bộ Công chính và vận tải Vilaykham Phosalath, Phó Đô trưởng Viêng Chăn Phoukhong Pannavong và Phó Chủ tịch tỉnh Champasak Som Poudtakoum. Đại diện KOICA, Tổ chức Tăng trưởng xanh (GGGI) thường trú tại Lào, Giám đốc sở Công chính và vận tải tỉnh Champasak, chuyên viên các Bộ, ngành và đại biểu liên quan cùng tham dự.
Dự án tăng cường khả năng quản lý nước thải và rác thải môi trường nội đô Viêng Chăn và thành phố Champasak được Chính phủ Hàn quốc, KOICA, GGGI triển khai theo chương trình Tăng trưởng xanh và là triển khai chính sách phát triển các lĩnh vực theo hướng xanh và bền vững của Chính phủ Lào do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ngày 08/11/2018, Bộ Công chính và vận tải tổ chức thực hiện. Thời gian bắt đầu từ 2019-2024, với tổng kinh phí thực hiện dự án là 6,78 triệu USD, địa điểm triển khai tại nội thành thủ đô Viêng Chăn và thành phố Champasak với các nội dung cơ bản là: (i) Tăng cường năng lực cho Bộ Công chính và vận tải, đơn vị liên quan tại thủ đô Viêng Chăn và thành phố Pakse nhằm quản lý và phát triển thành đô thị xanh sạch; (ii) Nâng cao khả năng tiếp cận việc thu gom rác thải và biến rác thải thành tài nguyên (doanh nghiệp môi trường) tại thủ đô Viêng Chăn; (iii) xây dựng chiến lược tổ chức thực hiện việc quản lý rác thải và việc phát triển, việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý nước thải tại thành phố Pakse, tỉnh Champasak.
Mặc dù thế giới cũng như khu vực và trong nước đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng tiến độ dự án vẫn đảm bảo do số lượng chuyên gia thường trú tại Lào nhiều, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan giúp việc triển khai các nhiệm vụ đạt kết quả tốt, tiến độ dự án đạt 48,55%, thấp hơn kế hoạch đề ra 7%. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc chủ yếu trong việc xây dựng chương trình đô thị xanh tại thủ đô Viêng Chăn là chưa thống nhất việc áp dụng công nghệ kỹ thuật xử lý nước thải, chưa hình thành được các điểm thu nước thải từ các hộ gia đình đến hệ thống xử lý.
Hội nghị lần này đề ra tinh thần chung đó là: (i) tình hình chung và căn nguyên của dự án; (ii) cơ cấu, vai trò và trách nhiệm của cấp trung ương và địa phương của dự án; (iii) việc tổ chức thực hiện từng lĩnh vực; (iv) tiến độ tổ chức thực hiện dự án 2019-2020 và kế hoạch cho 2021; (v) công tác theo dõi, đành giá kết quả. (Báo KT-XH, 23/02/2021)
BẠN CẦN BIẾT
Đường sắt Lào – Trung sẽ làm thay đổi nền kinh tế Lào
Nhiều khả năng Lào sẽ khánh thành tuyến đường sắt quốc gia đầu tiên đúng kế hoạch vào cuối năm 2021. Tuyến đường sẽ tạo sự biến đổi lớn đối với nền kinh tế Lào khi trở thành hình thức vận tải nhanh nhất tại quốc gia này. Dự kiến tàu hành khách và hàng hóa sẽ di chuyển với tốc độ 160km/h, kết nối các đô thị và cộng đồng vốn đang được kết nối bằng những con đường bộ quanh co và không được duy tu bảo dưỡng. Tuyến đường cũng sẽ tạo ra lựa chọn mới cho kế hoạch phát triển kinh tế của Lào hiện dựa vào thủy điện, chủ yếu để xuất khẩu sang Thái Lan. Tuyến đường có thể trở nên còn quan trọng hơn với Trung Quốc, khi cuộc đảo chính tại Myanmar đe dọa dự án đường sắt trong khuôn khổ BRI kết nối từ Côn Minh tới Mandalay với các nhánh rẽ tới cảng nước sâu Kyaukphyu của Trung Quốc và Yangoon. Sau cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar, tương lai của các dự án tại nước này là không chắc chắn. Mặc dù đến nay Trung Quốc chưa lên án cuộc đảo chính, nhưng bà Aung San Suu Kyi đã xây dựng những mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc trong khuôn khổ các dự án BRI.
Đối với những cộng đồng dọc theo tuyến đường, dự án này mang lại một trong những sự thay đổi mạnh mẽ nhất so với bất kỳ dự án hạ tầng hiện có nào tại Đông Nam Á. Lào là một trong những nước công nghiệp hóa thấp nhất trong khu vực; miền bắc của nước này từ lâu đã khá tách biệt khỏi các trung tâm thương mại. Tuyến đường là mảnh ghép chủ yếu trong tầm nhìn của Chính phủ Lào để thoát khỏi quốc gia kém phát triển nhất vào năm 2024.
Dự án cũng bị nhiều chỉ trích từ quốc tế về các tác động môi trường-xã hội. Tuy nhiên, ý kiến của các cộng đồng dọc theo dự án không được thảo luận khi các chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch. Tuyến đường cũng mang lại một loạt các khu kinh tế và các dự án phát triển lớn dọc theo nó mà nhiều trong số đó phải đối mặt với sự chỉ trích và chất vấn.
Đến nay, phần lớn kế hoạch phát triển kinh tế của Lào vẫn là xây dựng thêm nhiều đập thủy điện. Điều này được các đối tác quốc tế muốn hỗ trợ Lào chú ý là dự án đường sắt. Các đập thủy điện lớn trên sông Mekong và phụ lưu tạo ra những đe dọa lớn cho sinh kế và nguồn cung lương thực, thực phẩm của 60-70 triệu người dọc theo con sông.
Dự án đường sắt cao tốc mang lại cho Lào một lựa chọn khác cho tăng trưởng kinh tế. Bất kể các tác động tiêu cực ra sao, tuyến đường đã được xây dựng và mang lại những cơ hội cho xuất khẩu, công nghiệp và du lịch, giúp Lào bớt phụ thuộc vào thủy điện và tìm ra những con đường mới để tăng trưởng.
Tương lai của hệ thống đường sắt quốc gia của Lào cũng đóng vai trò quan trọng trong định hình các quan hệ kinh tế với các nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan, hai đối tác kinh tế chủ yếu của Lào. Dự án xây dựng tuyến đường sắt 500km từ Viêng Chăn đến Vũng Áng dự kiến khởi công cuối năm 2021 và sẽ cho phép Lào tiếp cận nhanh hơn nhiều tới cảng biển cũng như hệ thống đường sắt của Việt Nam. Lào cũng có thể sẽ được kết nối tới Bangkok qua một dự án đường sắt cao tốc khác do Trung Quốc hỗ trợ, dù các phần lớn tuyến đường còn đang được thảo luận. Tuyến đường sẽ kết nối Lào với nhà ga trung tâm mới tại Bangkok sắp hoàn thành, được coi là điểm kết nối đường sắt của toàn bộ Đông Nam Á. (aseantoday.com ngày 22/02/2021)
Chặt phá rừng trái phép vẫn là một vấn nạn bất chấp chỉ thị của Thủ tướng
Ngày 08/02/2020, theo Vientiane Times, mặc dù Chỉ thị của Thủ tướng về lâm nghiệp vẫn được thực thi chặt chẽ, nạn chặt phá rừng trái phép tuy có giảm trong những năm gần đây nhưng tiếp tục vẫn là một vấn đề đáng quan ngại.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2020, trên 2.600 m3 gỗ khai thác trái phép và trên 290 tấn gỗ không rõ nguồn gốc đã bị tịch thu. Cơ quan chức năng cũng đã thanh tra 2.788 nhà máy chế biến gỗ có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng. Có 1.636 nhà máy không đáp ứng tiêu chuẩn quy định và bị đóng cửa.
Trong thời gian 5 năm vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện trên 1.100 người dính líu đến các hoạt động khai thác gỗ trái phép, trong dó có 127 cán bộ nhà nước, còn lại là doanh nhân và dân bản.
Trong năm qua, chính quyền các tỉnh đã phát hiện 16 trường hợp khai thác và buôn bán gỗ trái phép. Khoảng 194 m3 gỗ đã bị tịch thu trong những tháng gần đây với 11 người liên quan bị quy trách nhiệm. Riêng ở tỉnh Khammuon, cơ quan thanh tra đã tịch thu 370 m3 gỗ trong năm 2020, trong đó 85 m3 thuộc danh mục cấm.
Mặc dù chặt phá rừng trái phép vẫn là một vấn nạn, Chỉ tị 15 của Thủ tướng là một thành tựu lớn của Chính phủ do Thủ tướng Thongloun Sisoulith lãnh đạo. Chỉ thị đã cấm xuất khẩu gỗ tròn, bao gồm cả các sản phẩm gỗ chưa hoàn thiện. Đây được xem là một động thái quan trọng trong việc trấn áp việc buôn lậu gỗ. Sắc lệnh này không chỉ giúp giảm nạn chặt phá rừng trái phép mà còn hỗ trợ cho cuộc chiến chống tham nhũng; hỗ trợ thực hiện chiến lược tăng độ che phủ rừng lên 70% diện tích đất tự nhiên của Chính phủ. (Vientiane Times, 08/02/2021)
Hai năm tới Lào sẽ có dự án năng lượng gió lớn nhất ASEAN
Ngày 28/01/2021, tỉnh Attapeu tiến hành tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ Dự án năng lượng gió do Chủ tịch tỉnh Attapeu Leth Xayaphone chủ trì với sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh, huyện và đại biểu liên quan.
Hội nghị nghe báo cáo tiến độ việc phát triển dự án năng lượng gió Lào do Công ty Imfact Engineer ASIA và Công ty SMP tư vấn, đồng thời cũng là đối tác hợp tác và nhà điều phối phía Lào. Dự án nằm tại khu vực giáp ranh giữa huyện Sanxay tỉnh Attapeu với huyện Dakchueng, tỉnh Sekong; có tổng công suất thiết kế là 600 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 900 triệu USD. Dự án trên là dự án năng lượng gió đầu tiên tại Lào và cũng là dự án điện gió lớn nhất khu vực ASEAN hiện nay.
Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và bắt đầu sản xuất điện chuyển bán sang Việt Nam theo cam kết mua toàn bộ lượng điện 600 MW của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.Trong năm 2023 sẽ đấu nối với hệ thống truyền tải 500 KV. Tại Kỳ họp lần thứ 43 của Ủy ban liên Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào đã giao cho EVN phối hợp với các công ty phát triển dự án trên cùng đàm phán việc mua bán điện.
Đây là dự án được ưu tiên, hiện công ty đang triển khai bước cuối cùng của việc ký kết hợp đồng mua bán giữa hai bên EVN và các nhà đầu tư. (Báo KT-XH, 02/02/2021)
Hoàn thành việc xây dựng hạ tầng cơ sở tuyến du lịch “Hang Chom Oong”
Ngày 29/01/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Kikeo Xaykhampithoune, Chủ tịch tỉnh Oudomxay Khamphanh Pheuyavong cùng lãnh đạo các đơn vị từ trung ương đến địa phương tham dự Lễ giao-nhận cơ sở hạ tầng khu du lịch “Hang Chom Oong”.
Giám đốc phát triển Dự án cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích du lịch cấp trung ương cho biết việc thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn I là chương trình sử dụng vốn vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với tổng giá trị vay là 43,57 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của Chính phủ là 3,57 triệu USD. Nguồn vốn trên được ký kết giữa Chính phủ Lào với ADB từ 27/10/2014, giai đoạn thực hiện từ 2015-2020, triển khai tại 04 tỉnh: Oudomxay, Luang Prabang, Khammuon và Champasak. Tại tỉnh Oudomxay được triển khai dự án xây dựng đường giao thông và tạo thuận lợi về du lịch cho “Hang Chom Oong”.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo thuận lợi không chỉ riêng cho việc phát triển và thúc đẩy du lịchcho tỉnh Oudomxay mà còn thúc đẩy, khuyến khích việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa cũng như các sản phẩm của người dân trong 10 bản dọc theo tuyến đường được thuận lợi, góp phần vào công cuộc giảm nghèo. (Báo KT-XH, 03/02/2021)
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trịnh Thị Tâm
Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Lê Thị Phương Hoa, Nguyễn Trung Việt