TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực để phục hồi nền kinh tế
Ngày 23/1/2023, Vientiane Times đưa tin, từ ngày 19-20/01/2023, Chính phủ Lào đã tiến hành Hội nghị Chính phủ mở rộng lần thứ 2 năm 2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Sonexay Siphandone, với sự tham gia của các thành viên Chính phủ, Đô trưởng Vientiane, các Tỉnh trưởng và đại diện các cơ quan liên quan của Lào.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các biện pháp nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế vĩ mô của đất nước trước những cú sốc bên ngoài. Mặc dù nền kinh tế Lào đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng chi phí hàng hóa và dịch vụ đã tăng đáng kể, lạm phát cả năm tăng vọt lên 39,27% vào tháng trước. Cuộc họp đã xác định, năm 2023, sẽ hành động mạnh mẽ hơn để phục hồi nền kinh tế, ổn định tỷ giá hối đoái, kiềm chế lạm phát, tăng thu ngân sách để nâng mức chi tiêu công. Cam kết trên là một trong nỗ lực của Chính phủ nhằm hoàn thành các mục tiêu của hai chương trình quốc gia giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính và vấn nạn ma túy đang gia tăng. Thống nhất việc đẩy nhanh quá trình số hóa trong thu thuế và tạo ra các nguồn thu mới, nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu thất thoát tài chính.
Hội nghị đã thảo luận, thông qua 5 vấn đề quan trọng gồm: (i) Báo cáo về tình hình thực hiện các chương trình trọng điểm của Chính phủ năm 2022 và kế hoạch năm 2023, (ii) Dự thảo nghị định về nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch ngân sách và tiền tệ năm 2023, (iii) Báo cáo về những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp tại Lào đang gặp phải, trong đó chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển, (iv) Báo cáo về hợp tác Lào-Việt Nam, trong đó kêu gọi các ngành liên quan thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án hợp tác phát triển, bao gồm dự án hợp tác phát triển Cảng Vũng Áng, sân bay Nongkhang ở tỉnh Huaphan; và (v) Báo cáo thu ngân sách năm 2022 và kế hoạch số hóa thu ngân sách năm 2023. Chính phủ sẽ cố gắng hiện đại hóa hoạt động tại tất cả các cửa khẩu quốc tế trong năm nay.
Phát biểu tại họp báo kết thúc Hội nghị ngày 20/01/2023, người phát ngôn Chính phủ Thippakone Chanthavongsa khẳng định, Chính phủ sẽ cố gắng không để đất nước rơi vào tình trạng vỡ nợ. Về các khoản nợ trong nước đối với các dự án đầu tư công sẽ thanh toán cho các công ty tư nhân để có đủ vốn hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ sẽ dừng thực hiện các dự án đầu tư công không cần thiết, sẽ tập trung thực hiện các chương trình giảm nghèo. Tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ nước ngoài đã được phê duyệt. Bà Thippakone cho biết, điều cần thiết là tăng năng lực sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu, đồng thời giảm nhập khẩu.
Lạm phát chạm mức đỉnh mới: 39,27% trong tháng 12/2022
Ngày 09/01/2023, Vientiane Times đưa tin, theo số liệu của Cục Thống kê Lào, lạm phát tại Lào đã chạm đỉnh mới vào tháng 12/2022 khi đạt 39,27%, cao nhất kể từ năm 2000. Chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt ở các mặt hàng như thực phẩm, thức uống không cồn, vận tải, dịch vụ y tế và thuốc men.
Đồng Kíp mất giá so với đồng USD, Baht Thái và Nhân dân tệ Trung Quốc cũng là một nguyên nhân chính gây tăng giá hàng hóa nhập khẩu, cộng thêm giá nhiên liệu tăng đã đẩy tăng chi phí sản xuất.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất đã khiến cho đồng USD tăng giá mạnh tác động đến chính sách tiền tệ của một số nước trong khu vực trong việc điều chỉnh lãi suất để đảm bảo ổn định đồng nội tệ, càng khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Lào càng trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là nguồn hàng thừ Thái Lan.
Chính phủ Lào đã cam kết sẽ đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế của năm 2023 tối thiểu đạt 4,5%, và giữ tỷ lệ lạm phát không quá 9%. Đồng thời, thắt chặt tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu hàng hóa cũng là những biện pháp để phục hồi nền kinh tế dài hạn của Chính phủ.
Ngày 07/02/2023, Vientiane Times đưa tin, mức lạm phát của Lào đã chạm đỉnh mới 40,3% vào tháng đầu tiên của năm 2023.
Lào ghi nhận thâm hụt thương mại 23 triệu USD trong tháng 12/2022
Ngày 11/1/2023, Cổng Thương mại Điện tử Lào, trực thuộc Bộ Công Thương đã công bố, kim ngạch thương mại hai chiều của Lào tháng 12/2022 đạt 1,088 tỷ USD (tương đương với tháng 11, không bao gồm giá trị điện xuất khẩu), trong đó nhập khẩu đạt 556 triệu USD, tạo ra thâm hụt thương mại 23 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 45 triệu USD của tháng 11/2022.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của tháng 11 bao gồm vàng và vàng thỏi, quặng vàng, bột gỗ và giấy tái chế, nhựa đường, ka-li clorua, vải, đường, giầy dép và chuối. Các mặt hàng nhập khẩu gồm dầu diesel, thiết bị cơ khí, xe cộ, đá quý, bột gỗ và giấy, thép và các sản phẩm từ thép, xăng, các sản phẩm nhựa, thiết bị điện và phụ tùng xe máy.
Đến tháng 12/2023, các mặt hàng xuất khẩu chính gồm vàng thỏi hỗn hợp, sắn, giấy và sản phẩm giấy, cao su, muối và các mặt hàng công nghiệp khác. Nhập khẩu gồm dầu diesel, thiết bị cơ khí, xe cộ, thép và các sản phẩm từ thép, bia và một số sản phẩm khác. Các nước xuất khẩu chính của Lào là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Úc và Hoa Kỳ. Trong khi đó, các nước nhập khẩu bao gồm: Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản. (Vientiane Times, 13/1/2023)
Kinh tế Lào vẫn trong trạng tình trạng chông chênh trước năm 2023
Ngày 28/01/2023, East Asia Forum đưa tin, Lào đã trải qua những áp lực kinh tế và xã hội rất lớn trong năm 2022, đặc biệt là các khoản nợ nước ngoài đến hạn phải trả. Tăng trưởng GDP của Lào năm 2022 chỉ đạt 2,5%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Nợ công và nợ được bảo lãnh được dự đoán sẽ vượt mốc 100% GDP vào cuối năm nay. Cùng với đó là tình trạng mất giá mạnh của đồng Kíp, lạm phát gia tăng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Mặc dù tuyến đường sắt cao tốc Trung - Lào đã bắt đầu góp phần thúc đẩy du lịch nhưng chưa đạt mong muốn do tuyến đường sắt này chủ yếu là khách du lịch nội địa; tuy nhiên, tuyến đường sắt đã góp phần tích cực trong giai đoạn Lào đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính. Để tăng hiệu quả, cần sớm hoàn thành kết nối với Trung Quốc và Thái Lan.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, Lào cần tìm giải pháp giải quyết các khoản nợ nước ngoài đang ngày một lớn. Trung Quốc là một trong các chủ nợ lớn, chiếm một nửa số nợ nước ngoài của Lào. Để tránh vỡ nợ, Lào phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc đưa ra các giải pháp thích ứng. Chính phủ Lào tin tưởng vào mối quan hệ Trung - Lào tiếp tục được củng cố với hàng loạt thỏa thuận song phương đã ký kết trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith vào tháng 12/2022 vừa qua, tái khẳng định “tương lai chung” của hai nước.
Lạm phát kinh tế bắt đầu tác động mạnh đến toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, xã hội. Năm 2023 có thể sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với nhiều người dân Lào, nhất là những người đã chịu cảnh thất nghiệp trong 2 năm qua. (East Asia Forum, 28/01/2023)
Chính phủ huy động thêm vốn để trả nợ và cân đối nguồn lực
Ngày 10/01/2023, Vientiane Times đưa tin, theo Ngân hàng Thế giới, năm 2023, nợ công và nợ từ bảo lãnh của Chính phủ Lào dự kiến sẽ vượt 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2023. Chính phủ Lào đã cam kết với Quốc hội sẽ làm tất cả những gì có thể để trả các khoản nợ nước ngoài và tránh bị vỡ nợ.
Phát biểu trước Quốc hội trong cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Bounchom Ubonpaseuth cho biết, Chính phủ có kế hoạch huy động 41,15 nghìn tỷ Kíp để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và trả các khoản vay trong và ngoài nước vào cuối năm 2023. Trong đó, 36,1 nghìn tỷ Kíp sẽ dành để trả nợ và 5,05 nghìn tỷ Kíp để giải quyết thâm hụt ngân sách. Trong tổng số 41,15 nghìn tỷ Kíp, 10,95 nghìn tỷ Kíp huy động từ việc phát hành trái phiếu và vay từ các nguồn trong nước (như phát hành trái phiếu trị giá 2,7 nghìn tỷ Kíp thông qua thị trường chứng khoán). Chính phủ có kế hoạch huy động 30,2 nghìn tỷ Kíp từ nước ngoài, trong đó dự kiến vay 6,6 nghìn tỷ Kíp cho các dự án phát triển; 23,5 nghìn tỷ Kíp sẽ được huy động thông qua phát hành trái phiếu ở nước ngoài và phí nhượng quyền từ các dự án truyền tải điện, thủy điện và khai thác mỏ. Các khoản tiền này sẽ được sử dụng để trả nợ gốc đối với các khoản nợ nước ngoài.
Năm 2023, Bộ Tài chính đặt mục tiêu thu ngân sách 38,44 nghìn tỷ Kíp, tăng 21,70% so với năm 2022; Chính phủ dự kiến chi 43,49 nghìn tỷ Kíp, với mức thâm hụt tài khóa là 6,6 nghìn tỷ Kíp. Dự kiến thặng dư ngân sách sẽ là 1,55 nghìn tỷ Kíp. Do đó, thâm hụt ngân sách thực tế sẽ giảm xuống còn 5,05 nghìn tỷ Kíp, bằng 2,16% GDP. Tiền trả lương cho cán bộ nhà nước, tiền đầu tư vào các dự án phát triển và tiền trả nợ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong ngân sách chi tiêu của Chính phủ năm 2023.
Theo kế hoạch, năm nay chi tiêu ngân sách sẽ chiếm 18,58% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong tổng số đó, 13,3 nghìn tỷ Kíp được phân bổ cho tiền lương của hệ thống nhà nước và 2 nghìn tỷ Kíp sẽ được chi cho các loại trợ cấp khác nhau. Đầu tháng này, Văn phòng Thủ tướng đã thông báo Chính phủ sẽ dành một khoản trợ cấp sinh hoạt hàng tháng là 150.000 Kíp cho mỗi cán bộ công chức và nhân viên cấp cao đã nghỉ hưu. Việc tăng trợ cấp sinh hoạt được đưa ra trong bối cảnh giá cả hàng hóa tiêu dùng tiếp tục leo thang.
Ngoài ra, chính phủ đã phân bổ 7,63 nghìn tỷ Kíp để trả lãi cho các khoản vay nợ và 14,46 nghìn tỷ Kíp khác để đầu tư cho các dự án phát triển. Trong tổng số tiền đầu tư nói trên, 10,15 nghìn tỷ Kíp sẽ được giải ngân dưới dạng đối ứng của Chính phủ cho các dự án hợp tác được các đối tác phát triển tài trợ. 4,31 nghìn tỷ Kíp còn lại là tiền đầu tư vào các dự án phát triển của Chính phủ.
Chi phí tăng cao đã buộc Chính phủ Lào phải đẩy mạnh nguồn thu của quốc gia và chi tiêu ngân sách một cách hợp lý, hiệu quả, tập trung ưu tiên cho các chương trình, dự án có hiệu suất cao đảm bảo sẽ mang lại lợi ích kinh tế. Chính phủ cũng cam kết theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng bằng cách hạn chế các chi tiêu cho hành chính và những dự án không thiết yếu.
Năm nay, theo kế hoạch Chính phủ sẽ chỉ tuyển dụng 800 công chức mới, giảm rất nhiều so với con số 1.300 công chức được tuyển dụng năm 2022, 1.600 năm 2021 và 2.000 người vào năm 2020. Việc tinh giảm bộ máy trong các cơ quan nhà nước cũng nhằm giảm số lượng cán bộ, cắt giảm chi trả lương và phụ cấp. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế liên quan đến quản lý chi tiêu công, đồng thời đẩy mạnh việc số hóa các hệ thống thanh toán. Chính phủ cũng cam kết sẽ hiện đại hóa việc thu ngân sách và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các dự án phát triển thông qua cách tiếp cận đối tác công tư.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo nguồn thu nội địa đủ cho chi tiêu trong nước, cố gắng tạo ra thặng dư để Chính phủ có thêm tiền dự trữ để trả nợ. Đồng Kíp yếu khiến Chính phủ gặp khó khăn trong việc dự toán lượng tiền cần thiết để trả lãi cho các khoản vay nước ngoài. Mặc dù vậy, Chính phủ đã cam kết sẽ không cho phép Lào bị vỡ nợ. Trong vài năm trở lại đây, Lào đã gặp nhiều khó khăn về tài chính làm gia tăng áp lực đối với khả năng trả nợ của nước này.
Ngành Nông nghiệp ghi nhận tăng trưởng 3% năm 2022
Ngày 09/1/2023, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo của Bộ Nông lâm Lào, ngành nông nghiệp, nghề cá, lâm nghiệp và phát triển nông thôn đã ghi nhận mức tăng trưởng 3% trong năm 2022, góp phần vững chắc vào mục tiêu sản xuất 70% nội địa năm 2023. Các sản phẩm của ngành nông nghiệp chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội cả nước.
Ngành chăn nuôi tăng trưởng 3%, trong khi nghề cá tăng 4% so với năm 2021. Tuy nhiên hai ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức và vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Chăn nuôi gia súc, nhà máy chế biến thức ăn, kiểm soát dịch bệnh và các vấn đề khách vẫn chưa được giải quyết hiệu quả theo như yêu cầu tại các chương trình nghị sự của Chính phủ. Bộ Nông Lâm sẽ tiếp tục khuyến khích người nông dân sử dụng thêm nhiều thức ăn gia súc của Lào, nuôi thêm nhiều gia súc để xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước láng giềng.
6 tháng cuối năm 2022, Lào thu được hơn 870 triệu USD từ xuất khẩu nông sản, đạt 72,57% kế hoạch cả năm. Các loại sản phẩm chính gồm chuối, cao su, sắn, mía đường, gia súc với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính. Năm 2021, nguồn thu xuất khẩu nông sản của Lào đạt hơn 900 triệu USD, đạt 82% kế hoạch năm.
Chính phủ đặt mục tiêu lĩnh vực dịch vụ giao nhận vận tải đạt tăng trưởng 129%
Ngày 19/1/2023, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đặt ra kế hoạch tăng trưởng dịch vụ giao nhận vận tải trong năm 2023 lên 129,47% so với năm 2022. Năm 2022, dịch vụ giao nhận vận tải đã đạt 1,45 triệu tấn hàng hàng qua tuyến đường sắt Lào Trung, đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã xúc tiến hoạt động của 3 cảng cạn: Thanaleng tại Vientiane, Thabok tại tỉnh Savannakhet và Vang Tao tại tỉnh Champassak. Trong số này, khoảng 50% lượng hàng xuất nhập khẩu là tại cảng cạn Thanaleng, thủ đô Vientiane, với hàng nghìn container đã được thông quan tại đây.
Chính phủ Lào đã phân bổ một nguồn ngân sách lớn để phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối với các nước láng giềng. Lào đã ký các thỏa thuận thương mại song phương với ba nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, đồng thời cũng ký các thỏa thuận ba bên như Lào - Việt Nam - Thái Lan, Lào - Việt Nam - Campuchia, Thỏa thuận vận tải xuyên biên giới khu vực tiểu vùng sông Mekong (GMS CBTA), và Thỏa thuận khung ASEAN.
Ngành du lịch được coi là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngày 24/1/2023, tại cuộc họp toàn quốc do Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch tổ chức, Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune cho biết, Chính phủ Lào coi du lịch là ưu tiên hàng đầu trong phục hồi kinh tế và Lào đang chuẩn bị chào đón một lượng lớn du khách nước ngoài trong năm nay. Ông kêu gọi Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch tối đa hóa tiềm năng khai thác du lịch của Lào sau khi khai trương tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc vào năm 2021 và mở lại biên giới Lào-Trung Quốc vào ngày 8/01/2023 vừa qua.
Các doanh nghiệp du lịch phải cải thiện dịch vụ và các điểm thu hút khách du lịch, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm và hoạt động du lịch để đáp ứng nhu cầu và mong đợi của khách du lịch.
Lào có tiềm năng to lớn để phát triển các khu du lịch thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và du lịch nông nghiệp và các chương trình để du khách có thể chủ động tham gia. Năm 2022 có hơn 1,68 triệu lượt khách du lịch tại Lào, tạo ra hơn 219 triệu USD doanh thu. Trong đó, quốc tịch Lào có 1,06 triệu lượt người. Năm 2023, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch đặt mục tiêu thu hút ít nhất 1,4 triệu du khách nước ngoài đến Lào, bất chấp sự sụt giảm lớn về số lượng du khách trong năm trước.
Lào hiện có hơn 3.000 khách sạn và nhà nghỉ, cung cấp 67.370 phòng. Trong đó có 759 khách sạn, 2.331 khu nghỉ dưỡng và nhà nghỉ. Ngoài ra có 33 khu vườn ẩm thực, 2.994 nhà hàng và 140 địa điểm vui chơi giải trí. Trong những năm gần đây, hàng chục điểm du lịch mới đã mở ra, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Lào đã được một số tổ chức truyền thông xếp hạng là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2023. Mới đây, kênh CNN có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đưa Lào vào danh sách 23 điểm đến tốt nhất để ghé thăm vào năm 2023, tiếp tục nâng cao vị thế của đất nước này trong bối cảnh du lịch toàn cầu. Ngoài ra, National Geographic, một trong những tạp chí uy tín và được đọc rộng rãi nhất trên thế giới, đã chọn Lào trong số 25 địa điểm ngoạn mục đáng để tham quan trong năm nay. Tờ Telegraph của Anh cũng đưa tên Lào vào danh sách 20 điểm đến đặc biệt trong năm 2023. (Vientiane Times, ngày 25/01/2023, Manila Times, 27/01/2023)
Lào thu được 100 triệu USD từ xuất khẩu gia súc
Ngày 12/01/2023, Vientiane Times đưa tin, Lào hy vọng sẽ thu được 100 triệu đô la Mỹ trong năm 2023 từ xuất khẩu đại gia súc, bao gồm trâu và bò.
Báo cáo tại kỳ họp thường kỳ thứ 4 của Quốc hội khóa 9 vào tháng trước, một đại biểu Quốc hội đã cho biết năm 2022, cả nước thu được 54 triệu đô la Mỹ từ xuất khẩu gia súc. Để đạt được mục tiêu cho năm 2023, Chính phủ sẽ hỗ trợ người dân chăn nuôi địa phương thông qua việc cung cấp con giống.
Cả nước hiện có 143 trang trại chăn nuôi bò với 41.560 con. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gia súc chính của Lào nhưng Lào vẫn tiếp tục là nhà cung cấp gia súc ít nhất tại thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đã đặt hạn ngạch 500.000 con gia súc cho nông dân Lào với điều kiện tuân thủ các yêu cầu do họ đặt ra. Theo các yêu cầu này, Trung Quốc chấp nhận những con bò từ bốn tuổi trở xuống và nặng ít nhất 35 kg.
Bộ Nông lâm Lào đã yêu cầu các bộ phận liên quan tăng cường hơn nữa để thúc đẩy chăn nuôi gia súc và khuyến khích các cơ sở tư nhân mở rộng chăn nuôi, sản xuất nhiều gia súc hơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Sở Nông lâm ở tất cả các tỉnh đã được hướng dẫn để đào tạo cho nông dân, doanh nghiệp và bất kỳ ai quan tâm đến việc chăn nuôi gia súc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục Chăn nuôi và Thủy sản đã được yêu cầu thiết lập một mạng lưới các bác sĩ thú y thôn bản trên toàn quốc và hướng dẫn nông dân và người sản xuất cách tiêm phòng cho vật nuôi của họ và tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn đã đề ra. Cục sẽ tiến hành kiểm tra cung cấp chứng nhận chất lượng đàn bò trên cơ sở thỏa thuận đã ký với đối tác Trung Quốc.
Một trong những thách thức chính đối với kế hoạch thúc đẩy chăn nuôi gia súc của Chính phủ là sự bùng phát thường xuyên của các dịch bệnh đàn gia súc, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng, vốn phổ biến ở Lào. Ngoài ra, một đợt bùng phát bệnh sần da gần đây đã lây nhiễm cho hàng ngàn gia súc ở 7 tỉnh của Lào.
Các quan chức Lào tin rằng việc bán gia súc cho Trung Quốc có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ không chỉ cho các nhà sản xuất tư nhân mà còn cho cả quốc gia nói chung. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy Lào xuất khẩu trâu đạt trị giá hơn 221,5 triệu USD vào năm 2021. Năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng hóa này đạt 250 triệu USD. Việt Nam là thị trường mua lớn nhất, với giá trị nhập khẩu là 247 triệu USD.
Phát hiện các dự án được định giá cao hơn thực tế hàng nghìn tỷ Kíp
Ngày 29/12/2022, Vientiane Times đưa tin, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra nhà nước Lào Khamphan Phommathat cho biết, ngân sách phải cắt giảm hơn 2.083 tỷ Kíp đối với các dự án đầu tư công bị phát hiện có giá cao hơn thực tế hoặc chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, còn có 112 tỷ Kíp được thu hồi từ các nhà thầu do chi phí vượt dự toán.
Theo ông Khamphan, các sai phạm bao gồm việc điều chỉnh thiết kế dự án làm tăng tổng chi phí, vượt quá tổng mức đã được Quốc hội phê duyệt; một số dự án đầu tư công triển khai không thông qua đấu thầu công khai dẫn đến chi phí thực hiện cao hơn; một số dự án tại tỉnh Xayaboury và Xieng Khuang, chủ đầu tư vay ngân hàng để trả nợ cho nhà thầu nhưng lại kê khống gấp đôi các khoản thanh toán này khi báo cáo dẫn đến chi ngân sách bị đội lên.
Các chi phí thiết kế, khảo sát, quản lý xây dựng và dịch vụ tư vấn tính gộp vào tổng chi phí dự án cũng khiến cho chi phí dự án tăng cao bất thường. Ông Khamphan cho biết 51 dự án có chi phí đầu tư vượt ít nhất 20% so với chi phí chính thức do các bộ ngành liên quan đề ra, khiến tổng chi ngân sách tăng hơn 432 tỷ Kíp.
Qua thanh tra cũng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân hoạt động không có hợp đồng đảm bảo nhượng quyền sử dụng đất của các cơ quan nhà nước liên quan. Hầu hết các chủ sở hữu tô nhượng đất công không thực hiện dự án như trong các thỏa thuận đã ký, thay vào đó họ chỉ đơn thuần bán lại dự án. Hơn thế nữa, công tác thanh tra cũng cho thấy nhiều khoản phí nghĩa vụ, trị giá hơn 46 tỷ Kíp và 792.517 USD, bao gồm thuế của các dự án vẫn chưa được thanh toán cho nhà nước.
Các ngân hàng đã bắt đầu có lợi nhuận sau khi tái cấu trúc
Ngày 05/1/2023, Vientiane Times đưa tin, hai ngân hàng đã bắt đầu ghi nhận các khoản lợi tức sau khi được Chính phủ tái cấu trúc bằng cách bán 70% cổ phần cho các nhà đầu tư bên ngoài. Trong đó, ngân hàng Phát triển Lào (LDB) có lợi nhuận 359 tỷ Kíp sau khi được tái cấu trúc hồi tháng 10/2021 và ngân hàng Xúc tiến Nông nghiệp (APB) có lợi nhuận 22,21 tỷ Kíp kể từ khi tái cấu trúc tháng 12/2021. Lãnh đạo các ngân hàng này được chọn từ những cá nhân có cổ phần lớn trong ngân hàng, và hệ thống quản lý dựa trên các mô hình kinh doanh đã được thông qua.
Chính phủ Lào đã có kế hoạch tiếp tục tái cấu trúc ngân hàng Chính sách (Nayoby) trở thành ngân hàng phát triển nông thôn. Theo báo cáo của Nguyên Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tại kỳ họp thường kỳ thứ 3, Quốc hội khóa 9 diễn ra vào tháng 6/2022, lãnh đạo và nhân viên tham ô, cùng với hệ thống quản trị kém là những nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp nhà nước thất thoát nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, ban quản lý các doanh nghiệp này tự vẽ ra các dự án ảo, sau đó phân bổ ngân sách cho các dự án này và thực chất là đút vào túi riêng của mình.
Để xảy ra tình trạng này, một phần là do thiếu sự quan tâm thích đáng của một bộ phận Chính phủ. Các doanh nghiệp nhà nước nên là động lực của cả nền kinh tế, tuy nhiên chúng lại trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế Lào. Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hầu như không thể tạo ra lợi nhuận và phải được bao cấp để có thể tồn tại được. Vì vậy, Chính phủ Lào đã phải tham gia sâu rộng vào việc cải tổ các đơn vị này, cam kết sẽ không để tái diễn các hành vi gây hại.
Theo chương trình cải tổ, Chính phủ vẫn sẽ giữ toàn quyền sở hữu, quản lý đối với các doanh nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt chiến lược, trong khi sẽ bán bớt cổ phần các doanh nghiệp khác, tùy thuộc theo mức độ quan trọng của chúng, ví dụ như Công ty Quốc doanh Bưu chính Lào đã được bán 51% cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân. Công ty Quốc doanh Vận tải Lào và Công ty Bảo hiểm MSIG cũng đang được triển khai chào bán 49% cổ phần. Trong khi đó, Công ty Điện lực Lào (EDL) sẽ vẫn được giữ nguyên 100% cổ phần của nhà nước do mức độ tối quan trọng của doanh nghiệp này, tuy nhiên, việc cải tổ toàn diện ngành điện vẫn sẽ được tiến hành.
Các doanh nghiệp khác như Lao Airlines, Công ty Phát triển Công nông nghiệp, Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Lào và Công ty Quốc doanh Xăng dầu Lào sẽ vẫn được Chính phủ nắm ít nhất 51% cổ phần. Công ty Du lịch Inter Lào đã được giải thể, và hai đơn vị khác, DAFI cùng với Công ty Bông Quốc doanh Lào cũng sẽ bị giải thể do không thể tái cấu trúc một cách hiệu quả.
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Điện lực Lào EDL đưa ra các biện pháp giải quyết nợ
Ngày 16/01/2023, tại cuộc họp thảo luận về hoạt động kinh doanh của công ty Điện lực Lào (EDL) tại Viêng Chăn, Giám đốc điều hành EDL Chanthaboun Soukaloun cho biết, Ủy ban Cải cách của Công ty sẽ triển khai bốn biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề về nợ, đảm bảo hoạt động ổn định, bền vững và củng cố việc kinh doanh của công ty. Một trong những biện pháp là cải cách tổng thể về tổ chức, bao gồm cơ chế điều hành và đội ngũ nhân viên, đồng thời điều chỉnh cấu trúc tính giá điện theo hướng công bằng cho cả nhà cung cấp và người tiêu dùng.
Ông Chanthaboun cho biết, Ban giám đốc cũng sẽ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm điều chỉnh, sửa đổi lại hợp đồng mua bán điện với các nhà cung cấp và các chủ đầu tư nhằm giảm nguồn vốn kinh doanh, cơ cấu lại nợ ngân hàng cũng như một số thể chế tài chính khác.
Các khoản nợ hiện là mối quan tâm chính của EDL. Theo ông Chanthaboun, vấn đề này sẽ không thể giải quyết nếu không có sự hợp tác của tất cả các bên, trong đó bao gồm Chính phủ, người tiêu dùng, các nhà sản xuất điện và các tổ chức tài chính.
EDL là một doanh nghiệp nhà nước có mục tiêu chính là cung cấp đủ điện cho nhu cầu nông nghiệp, công nghiệp, viễn thông, vận tải, thương mại và du lịch, đồng thời kết nối điện lưới tới tất cả các hộ gia đình ở Lào.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ Lào đã đầu tư một khoản tiền lớn cho lĩnh vực năng lượng điện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là cho các cộng đồng nông thôn. Ông Chanthaboun cho biết hiện tại 95% hộ gia đình đã được kết nối với điện lưới, tuy nhiên 40% khoản nợ của quốc gia là do đầu tư cho sản xuất điện. Ông cho biết thêm rằng khoản nợ tích lũy khổng lồ của công ty hiện nay là do các khoản nợ chưa thanh toán của người tiêu dùng cộng với số tiền lớn vay cho mục đích đầu tư. Tỷ giá hối đoái bất lợi giữa đồng USD và đồng Kíp đã làm cho các vấn đề tài chính của EDL càng trở nên trầm trọng hơn do hóa đơn tiền điện được thanh toán bằng đồng Kíp nhưng các khoản vay của EDL phải trả bằng USD. Bên cạnh đó, hoạt động kém hiệu quả của nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ cũng đã và đang tạo ra tình trạng nợ công lớn, làm tăng thêm sự khó khăn của nền kinh tế.
Chính phủ hy vọng việc cải cách EDL sẽ xoay chuyển được tình thế, ngăn không làm mất thêm tài sản và tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Sau khi tiến hành luân chuyển và bổ nhiệm lại các vị trí cấp cao của EDL, Ủy ban Cải cách mới được bổ nhiệm đã tuyên bố sẽ đề ra một khuôn khổ các biện pháp khác nhau để thực hiện, từ đó tạo thêm doanh thu, trả nợ và giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như các vấn đề chưa được giải quyết đã tích tụ trong nhiều năm qua.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tiến sĩ Phouthanouphet Xaysombath, người đứng đầu Ủy ban cải cách doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó có EDL, cho rằng mọi người nên tin tưởng sau khi vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, một nền tảng vững chắc sẽ được tạo ra và trên cơ sở đó làm tiền đề thuận lợi cho các thế hệ con cháu kế tiếp. (Vientiane Times, ngày 18/01/2023)
Hơn 400 dự án chính phủ bị đưa vào diện giám sát
Ngày 27/12/2022, Vientiane Times đưa tin, tại kỳ họp thường kỳ thứ 4 của Quốc hội khóa 9, Tổng Kiểm toán nhà nước Lào (SAO) Viengthavisone Thepphachanh cho biết, cơ quan này đã đưa 416 dự án nhà nước với giá trị trên 10 tỷ Kíp/dự án vào diện giám sát. Tổng trị giá đầu tư của các dự án này lên đến 58,8 nghìn tỷ Kíp (3,3 tỷ USD). Trong số đó, 280 dự án đã được kiểm toán, và 136 dự án còn lại, trị giá hơn 41,6 nghìn tỷ Kíp vẫn chưa hoàn thành.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Quốc hội, SAO cũng đã tiến hành kiểm toán 616/2.850 dự án với tổng giá trị đầu tư 1,8 nghìn tỷ Kíp (đối với các dự án có giá trị đầu tư thấp hơn 10 tỷ Kíp).
Báo cáo mới nhất của SAO cho thấy, 37 dự án đầu tư công với tổng giá trị trên 310 tỷ Kíp đã được triển khai mà không có bản thiết kế chi tiết. Điều này, theo ông Viengthavisone, có nghĩa là khi dự án được triển khai, các thiết kế chi tiết sẽ bị điều chỉnh tăng thêm nhiều hạng mục hoạt động, và cuối cùng có tổng mức đầu tư vượt quá kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt ban đầu. Ngoài ra, cũng theo ông Viengthavisone, một số dự án thủy lợi có thiết kế không phù hợp, đắt đỏ không hiệu quả cũng nằm trong diện bị tạm dừng để kiểm tra, giám sát.
Thuế Đất đai sẽ được thu qua hệ thống điện tử theo chiến lược chuyển đổi số
Ngày 03/1/2023, Vientiane Times đưa tin, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 9, Bộ trưởng Tài chính Bounchom Ubonpaseuth cho biết, Chính phủ sẽ nâng cấp việc thu thuế đất đai qua hệ thống điện tử nhằm tăng thu ngân sách cho nhà nước. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ đặt ra các quy định khung để kết nối hệ thống thanh toán thuế đất với hệ thống ngân hàng nhằm giúp họ quản lý và thu thuế đất đai thuận lợi hơn. Việc thanh toán chuyển nhượng quyền sở hữu đất và cấp giấy chứng nhận sẽ được thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Các bộ ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thu thuế, kiểm tra số người sử dụng đất và người đứng tên sở hữu đất.
Nhờ vào công tác chuyển đổi số, nguồn thu cho Chính phủ từ thu thuế đất những năm gần đây đã tăng lên. Hiện nay, có khoảng 70% trong tổng số khoảng 135.789 đơn vị doanh nghiệp đã đăng ký và đóng thuế, lệ phí thông qua hệ thống điện tử (ASYCUDA và TaxRIS), khoảng 67% nộp thuế qua hệ thống ngân hàng.
Công tác chuyển đổi số tại Lào sẽ thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai các dịch vụ công nhanh chóng, hiệu quả hơn. Công nghệ số cũng sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh mới. Chính phủ Lào đã đề ra Chiến lược kinh tế số giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế số quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy sản xuất thông qua chuyển đổi số tại khu vực hành chính công và khu vực tư nhân.
Lào đóng cửa 113 cửa hàng thu đổi ngoại tệ
Ngày 13/1/2023, trang Laotian Times đưa tin, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã thông báo về việc yêu cầu 113 đơn vị đổi tiền có liên kết với các ngân hàng thương mại dừng mọi hoạt động. Họ cũng chỉ đạo các ngân hàng ngừng hợp tác với các doanh nghiệp này.
BOL hiện sẽ tiến hành đóng tài khoản tiền gửi của các điểm đổi tiền đã đăng ký liên kết với các ngân hàng thương mại. Các đơn vị này cũng được khuyến khích hoàn trả các hợp đồng hoặc thỏa thuận đã ký cho Vụ Chính sách tiền tệ hoặc các bộ phận có liên quan của BOL trước ngày 31/01/2023.
Các ngân hàng thương mại có ý định thành lập các điểm đổi tiền được yêu cầu tuân thủ chính sách về dịch vụ ngoại hối với ngân hàng trung ương. Theo chính sách, các cá nhân hoặc tổ chức trước tiên phải có giấy phép thích hợp từ ngân hàng trung ương cho mục đích này. Ngoài ra, các cá nhân hoặc công ty chỉ được phép điều hành các đơn vị đổi tiền nếu họ có liên quan đến ngành du lịch hoặc khách sạn. Điều này đã được thực hiện để kiểm soát tỷ giá hối đoái của ngoại tệ trong nước.
Việc tạm dừng đột ngột này khiến một số doanh nghiệp bất ngờ khi BOL từng yêu cầu các doanh nghiệp thu đổi ngoại tệ chuyển đổi thành đại diện của các ngân hàng thương mại trên cả nước vào năm 2021. Vào tháng 10/2022, BOL đã cấm các đơn vị đổi tiền liên kết với các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ và cũng hạn chế các giao dịch ngoại tệ hàng ngày.
BOL chưa đưa ra bình luận chính thức về thông báo này khi được các cơ quan báo đài liên hệ.
Chính phủ hiện đại hóa công tác thu thuế để tăng thu ngân sách
Ngày 17/1/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ Tài chính Lào cho biết có hơn 119.000 doanh nghiệp tại Lào hiện đang sử dụng hệ thống quản lý thuế mới có tên là TaxRIS, chiếm 87,7% trong số 135.789 đơn vị kinh doanh và 64.560 đơn vị kinh doanh đang nộp thuế thông qua hệ thống này.
Hệ thống này là một phần trong những nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm hiện đại hóa công tác thu thuế và hạn chế thất thoát tiền nợ thông qua các quy định chặt chẽ hơn. Các đại biểu quốc hội và chuyên gia kinh tế ngày càng lo ngại về rò rỉ tài chính và việc trốn nộp thuế/thuế quan và họ đề nghị Chính phủ phải khẩn trương giải quyết.
Theo Bộ Tài chính, thuế và phí đánh vào tài sản nhà nước, phí quá hạn, nhượng quyền và cổ tức đã được nộp vào ngân sách quốc gia thông qua hệ thống TaxRIS. Bộ cũng cho biết 10.500 doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu liên quan đến việc mở tài khoản thuế giá trị gia tăng và 9.496 trong số họ đang tích cực sử dụng tài khoản thuế giá trị gia tăng, chiếm 90,4% trong số những doanh nghiệp được yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounpone Vannachit cho biết, việc hiện đại hóa hệ thống thu ngân sách là một phần trong chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính của Chính phủ. Họ đang làm việc để tối đa hóa tiềm năng tăng ngân sách đồng thời thực hiện các bước để giảm thiểu thất thoát tiền nợ cho kho bạc nhà nước qua các hoạt động bất hợp pháp.
Các lĩnh vực liên quan đã được khuyến khích để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và tạo ra các nguồn thu nhập mới để giúp quốc gia vượt qua những thách thức kinh tế nghiêm trọng mà nó phải đối mặt.
Năm nay, Bộ Tài chính đặt mục tiêu thu ngân sách là 38.448 tỷ Kíp, tăng 21,70% so với cùng kỳ và bằng 16,42% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, tổng chi tiêu dự kiến vào khoảng 43.498 tỷ Kíp, bằng 18,58% GDP. Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế và hỗ trợ nhiều hơn cho khu vực tư nhân.
Chính phủ cũng có kế hoạch đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm hệ thống khai báo hải quan điện tử, được gọi là ASYCUDA và hệ thống Thuế thông minh để giảm thiểu rò rỉ tài chính.
Theo hệ thống Một cửa quốc gia Lào (LNSW), các hoạt động hải quan đang được số hóa và các thủ tục thương mại được đơn giản hóa bằng cách triển khai hệ thống một cửa tại các cửa khẩu quốc tế. Tiêu biểu như tại trạm kiểm soát hải quan quốc tế Boten (biên giới Lào-Trung Quốc) hiện đang sử dụng các hệ thống như ASYCUDA, Thuế thông minh, Máy quét, EasyPASS và hệ thống Một cửa quốc gia Lào.
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào tháng 12 và cả năm 2022
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào tháng 12/2022 và cả năm 2022 như sau:
1. Tháng 12/2022 đạt 211 triệu USD, tăng 60% so với tháng 11/2022 (132,1 triệu USD). Trong đó:
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 101 triệu USD, tăng mạnh 129% so với tháng 11/2022 (43,6 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu sang Lào có giá trị tăng đột biến trong tháng 12 là xăng dầu các loại đạt 60,1 triệu USD, tăng 721,7% so với tháng 11/2022 (7,3 triệu USD), đây là kết quả đến từ hợp tác thương mại hỗ trợ nguồn cung xăng dầu giữa hai nước trong thời gian qua; tiếp đến là mặt hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 4,4 triệu USD, tăng 60,6%; sắt thép các loại đạt 3,6 triệu USD, tăng 22,1%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,4 triệu USD, tăng 50,6%...
Về nhập khẩu của Việt Nam từ Lào tháng 12/2022 đạt giá trị 110,2 triệu USD, tăng 24,4% so với tháng 11/2022 (88,5 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chính gồm: cao su đạt 27 triệu USD, tăng 25,9%; phân bón các loại đạt 7,4 triệu USD, tăng 57%, hàng rau quả đạt 360 nghìn USD, tăng 189%...
2. Cả năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vượt kỳ vọng lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại Kỳ họp UBLCP lần thứ 44, đạt giá trị 1.703 triệu USD, tăng 24% so với năm 2022 (1.372 triệu USD). Trong đó,
Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 656,4 triệu USD, tăng 10,4%. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Xăng dầu các loại đạt 125,4 triệu USD, tăng 439%; Phân bón các loại đạt 32,5 triệu USD, tăng 31,2%; Sắt thép các loại đạt 60,1 triệu USD, giảm 15%; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 59,2 triệu USD, tăng 1,4%; Sản phẩm từ sắt thép đạt 44,3 triệu USD, giảm 41%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 36,6 triệu USD, giảm 20,7%.
Nhập khẩu đạt 1.047 triệu USD, tăng 34,6%. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 140 triệu USD, tăng 29,4%; Phân bón các loại đạt 92 triệu USD, tăng 50%; Cao su đạt 242,2 triệu USD, tăng 30,4%; Ngô đạt 29 triệu USD, tăng 5,259%.
Trong năm 2022, ngành công thương hai nước đã thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa Việt Nam và Lào như Diễn đàn doanh nghiệp hai nước do cấp Bộ trưởng chủ trì tháng 4/2022; Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Lào trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng tháng 5/2022 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của 170 doanh nghiệp hai nước; Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào tổ chức tại Vientiane tháng 8/2022 với quy mô 250 gian hàng tiêu chuẩn với sự tham gia của 128 doanh nghiệp hai nước; Diễn đàn thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Lào tháng 11/2022; Tổ chức thành công Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt - Lào lần thứ XII; Hội nghị hợp tác phát triển ngành công thương năng lượng và mỏ Việt Nam - Lào do cấp Bộ trưởng chủ trì, tổ chức vào tháng 12/2022 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Chính phủ Lào và Việt Nam ký kết 10 thỏa thuận thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương
Ngày 11-12/1/2023, nhận lời mời của Thủ tướng Sonexay Siphandone, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức Lào, tổng kết năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam 2022 và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban liên Chính phủ Lào-Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên và là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Lào kể từ khi Thủ tướng Sonexay Siphandone nhậm chức vào cuối tháng trước.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ hai nước nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác chính trị, quốc phòng và an ninh, đối ngoại, kinh tế và thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng, du lịch, năng lượng, nông nghiệp sạch, giáo dục, y tế văn hóa, khoa học và công nghệ; tăng cường giáo dục cho cán bộ, thanh niên hai nước về truyền thống đoàn kết đặc biệt và hữu nghị vĩ đại giữa hai nước; thống nhất tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại nhằm đưa trụ cột này lên ngang tầm với mối quan hệ chính trị đặc biệt của hai nước; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng thông qua phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không, cũng như viễn thông và năng lượng, như một phương tiện để mở rộng các lĩnh vực hợp tác và phát triển; thúc đẩy hoàn thành các chương trình, dự án hợp tác phát triển theo đúng kế hoạch; duy trì tăng trưởng thương mại hàng năm từ 10-15% cũng như mở rộng đầu tư, hợp tác, trọng tâm là các dự án phát triển ở khu vực biên giới. Hai Thủ tướng đã đồng chủ trì diễn đàn đầu tư Việt Nam – Lào nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Lào và Việt Nam gặp gỡ và thảo luận về các cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt đồng thời đưa ra cam kết Chính phủ hai nước sẽ cung cấp các hỗ trợ khi cần thiết. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kết nối cơ sở hạ tầng, hoàn thành các chương trình, dự án hợp tác phát triển theo đúng kế hoạch. Thống nhất duy trì tăng trưởng thương mại
Hai Thủ tướng đã chứng kiến việc ký kết 10 thỏa thuận hợp tác liên quan đến việc xây dựng cơ chế về ngoại giao kinh tế; đào tạo cán bộ ngoại giao; hỗ trợ pháp lý dân sự; quan hệ đối tác kỹ thuật số; phát triển nguồn nhân lực; kế hoạch giáo dục và thể thao năm 2023; hỗ trợ trong lĩnh vực y tế; thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Champassak (Lào) và tỉnh Quảng Trị (Việt Nam); đổi mới tài chính và hệ thống thanh toán; và hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Năm 2022, Lào và Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương (18/7/1977-18/7/2022). Hai bên đánh giá cao thành công của các sự kiện đánh dấu Năm Hữu nghị và Đoàn kết Lào-Việt, được khởi động tại Hà Nội vào tháng 01/2022. (Vientiane Times, ngày 12/01/2023)
Hợp tác về nông nghiệp và phát triển nông thôn
Ngày 29/12/2022, Vientiane Times đưa tin, nhân chuyến thăm Lào của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan, hai Bộ Nông nghiệp hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, trong đó tập trung vào khoa học, công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư và thương mại nông nghiệp.
Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Nông nghiệp Việt Nam và Lào giai đoạn 2023-2025 đã được Bộ trưởng Phet Phomphiphak và Bộ trưởng Lê Minh Hoan ký kết. Theo đó hai bên sẽ tăng cường hợp tác kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị về kỹ thuật của hai Bộ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, trao đổi đoàn, hợp tác trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi, chăn nuôi và nghề cá, và phòng ngừa các thảm họa thiên nhiên.
Lào sẽ nỗ lực thu hút các doanh nghiệp VN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản dựa trên các chính sách và luật phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất và đạt các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực và địa phương khác nhau để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước về các sản phẩm nông sản chế biến.
Hai Bộ nhất trí sẽ tiếp tục xúc tiến xây dựng một trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tại tỉnh Xayxomboun với tổng chi phí dự kiến là 137 tỷ đồng Việt Nam và triển khai dự án Quy hoạch tổng thể thủy lợi với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các dự án hợp tác Tam Nông nhằm xóa đói giảm nghèo và xây dựng mô hình phát triển nông thôn tại làng Navit (huyện Viengxay, tỉnh Huaphan), làng Hoiy (huyện Khoun, tỉnh Xieng Khuang), dự án thủy lợi Nam Khao tại huyện Phoukoud (tỉnh Xieng Khuang) và dự án tưới tiêu tại hồ chứa Huai Pae (huyện Xaysetha, tỉnh Attapeu).
Hai Bộ cũng hợp tác xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm ngăn ngừa tình trạng lũ lụt và hạn hán tại hai tỉnh Khammuan và Savannakhet. Các dự án nhỏ hơn của các đơn vị kỹ thuật hoặc địa phương trực thuộc của hai bên cũng đã được đề xuất hợp tác trong thời gian tới.
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
Lượng hành khách đi lại trên tuyến đường sắt Lào - Trung tăng gần gấp đôi
Ngày 13/01/2023, Vientiane Times đưa tin, lượng hành khách trung bình đi trên tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc mỗi ngày dịp đầu năm 2023 đã đạt 29.000 người, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Kể từ khi khánh thành vào tháng 12 năm 2021, tuyến đường sắt này đã vận chuyển hơn 9 triệu hành khách và 12 triệu tấn hàng hóa và dự kiến sẽ đạt hơn 10 triệu hành khách và 13 triệu tấn hàng hóa vào năm 2023. Lưu lượng hành khách tăng đột biến trong bối cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do Covid-19, với việc chính phủ hiện đang mở cửa biên giới để cho phép mọi người rời khỏi và nhập cảnh vào nước này.
Ngày 8/1, Trung Quốc mở cửa khẩu với Lào tại cửa khẩu quốc tế Boten-Mohan, nằm giữa tỉnh Luang Namtha và tỉnh Vân Nam. Trong hai ngày đầu tiên đã có hơn 1.200 lượt người qua lại biên giới Lào - Trung, trong đó hơn 400 người, chủ yếu là công dân Trung Quốc, đã vào Lào, trong khi hơn 800 người, chủ yếu là doanh nhân và công nhân Trung Quốc, đã về nước nhân dịp kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra từ ngày 21-27/1.
Những người có thị thực kinh doanh, tham quan, học tập, ngoại giao, công vụ và các loại thị thực khác hiện có thể qua biên giới, mặc dù thị thực du lịch chưa được chấp nhận. Chính quyền Lào hy vọng thị thực du lịch sẽ được chấp nhận tại cửa khẩu biên giới này sau Tết Nguyên đán. Các nhà chức trách dự đoán rằng nhiều người Trung Quốc sẽ đến Lào sau kỳ nghỉ năm mới, còn được gọi là Lễ hội mùa xuân.
Lào - Thái Lan
Lào, Thái Lan đàm phán về tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào-Thái Lan
Ngày 30/01/2023, Vientiane Times đưa tin, theo truyền thông Thái Lan, Lào và Thái Lan đang tiến hành đàm phán về tiềm năng xây dựng một tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào-Thái Lan, có thể cắt giảm 30-50% chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian từ 3 đến 5 năm. Một mạng lưới đường sắt cao tốc có thể được hình thành trên cơ sở xây dựng cùng với nền tảng hạ tầng hiện có và sẽ mang lại lợi ích cho cả Thái Lan và các nước láng giềng.
Theo tờ Bangkok Post, Phó Tổng cục trưởng Giao thông Đường sắt Thái Lan (DRT) Athipu Chitranukroh và Phó Tổng cục trưởng Hải quan Kitjaluck Srinuchsart gần đây đã đến thăm Lào để thảo luận về vấn đề này. Trong chuyến thăm của mình, đại diện của hai cơ quan Thái Lan nói trên cũng đã đến thăm nhà ga mới Khamsavath trên tuyến đường sắt Lào-Thái Lan ở Vientiane. Nhà ga mới này nằm cách ga xe lửa Thanaleng 7,5 km và kết nối với tỉnh Nong Khai của Thái Lan.
Theo đại diện cảng cạn Thanaleng, Vientiane, hàng hóa hiện đã được vận chuyển giữa Lào, Thái Lan và Trung Quốc bằng đường sắt. Tuyến đường sắt khổ 01 mét nối Lào và Thái Lan đã được mở rộng song song với tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào-Trung Quốc tại cảng cạn, nơi hàng hóa có thể được chuyển từ đường ray này sang đường ray khác. Cảng cạn Thanaleng được khai trương vào tháng 12/2021 và có chức năng như một trạm trung chuyển biên giới để vận chuyển hàng hóa và là trung tâm vận chuyển hàng hóa đường sắt giữa Lào, Thái Lan.
Theo Bangkok Post, giá trị thương mại xuất nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới Lào-Thái ở tỉnh Nong Khai năm 2022 là 99,2 tỷ Baht. Bất chấp đại dịch Covid, thương mại qua biên giới tại đây tiếp tục phát triển vào năm 2022, tăng 39,9% so với năm trước.
Các nhà chức trách Thái Lan đang đầu tư phát triển nhà ga Nong Khai thành một trung tâm kiểm tra hàng hóa xuyên biên giới và là một tuyến liên kết từ tàu hỏa đến vận tải đường bộ. Mạng lưới đường sắt Lào-Thái Lan sẽ vận hành 14 chuyến tàu mỗi ngày và hy vọng sẽ thu hút thêm đầu tư từ Lào và tăng thu nhập từ khu vực thương mại cách khu vực liền kề ở Vientiane.
Các dịch vụ hậu cần cảng cạn Thanaleng mang đến những cơ hội tuyệt vời
Ngày 30/01/2023, Vientiane Times đưa tin, tuần trước, các đại biểu từ cơ quan hợp tác phát triển kinh tế các nước láng giềng của Thái Lan (NEDA) đã đến thăm cảng cạn và Khu hậu cần Vientiane để tìm hiểu về các cơ hội hợp tác, phát triển.
Phát biểu với phái đoàn Thái Lan, đại diện dự án phát triển cảng cạn và khu hậu cần Vientiane cho biết các dịch vụ hậu cần và vận tải với chi phí thấp do Cảng cạn Thanaleng cung cấp sẽ mang đến cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư. Theo ông Sakhone Philangam, Giám đốc điều hành của cảng cạn, với cảng cạn, nơi có các phần mở rộng của tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc và Lào-Thái Lan, vận tải đường sắt chỉ mất bốn giờ để chuyển hàng hóa từ Thái Lan sang Trung Quốc.
Cảng cạn và khu hậu cần là một phần của dự án Liên kết Hậu cần Lào (LLL), bao gồm cảng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, Việt Nam và một tuyến đường sắt nối cảng biển với cảng cạn. Thông qua cảng biển Vũng Áng, vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan chỉ mất 18 giờ để đến thị trường Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng. Qua cảng biển Vũng Áng các tuyến giao thông, vận tải còn dẫn đến các nước khác trong khu vực Thái Bình Dương.
Được xây dựng trên khu đất rộng 382 ha gần cây cầu Hữu nghị số 1 nối giữa Lào-Thái Lan, dự án khu hậu cần và cảng cạn trị giá 727 triệu USD với mục đích tạo thuận lợi cho hoạt động hậu cần và vận tải, qua đó cắt giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh thương mại, đồng thời thu hút thêm đầu tư. Phó Chủ tịch Công ty TNHH Công viên Logistics Vientiane ông Viengkhone Sitthixay cho biết, một đơn vị đại diện của Tập đoàn Chứng nhận và Giám định Trung Quốc (CCIC) sẽ được đặt tại khu công nghiệp hậu cần để kiểm tra và cấp chứng nhận tiêu chuẩn Trung Quốc. Trung tâm vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) của Trung Quốc cũng sẽ được thành lập để cấp chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp. Ông Viengkhone nói, việc kiểm tra có thể được thực hiện ở đây mà không cần phải thực hiện lại ở biên giới Trung Quốc.
Hiện tại, các nhà xuất khẩu Thái Lan, một trong những nước nông nghiệp chính của khu vực, đã vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản, sang Trung Quốc thông qua cảng cạn và đường sắt. Việc vận chuyển nhanh hơn đã giúp trái cây và rau củ đến tay người mua Trung Quốc luôn tươi ngon.
Ông Viengkhone cho biết các cơ sở kho lạnh đang được xây dựng tại khu hậu cần để lưu trữ các sản phẩm, đặc biệt là hàng đông lạnh và nông sản. Do tiền điện ở Lào có giá chỉ bằng một nửa so với ở Thái Lan, các khu đầu tư đang được phát triển bên trong khu hậu cần mang đến cơ hội sinh lời cho các doanh nhân Thái Lan tham gia vào chế biến hoặc đóng gói bao bì sản phẩm. Theo ông Viengkhone, các sản phẩm được chế biến ít nhất 40% tại Lào sẽ đủ điều kiện để được công nhận là “sản xuất tại Lào” và có thể được nhận đặc quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc và châu Âu. Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan có thể tiếp cận với nhiều thị trường hơn, đồng thời các nhà sản xuất Lào cũng có thể tiếp cận thị trường châu Âu thông qua mạng lưới đường sắt.
Thông qua tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, kết nối với mạng lưới đường sắt Trung Quốc-châu Âu, hàng hóa có thể đến thị trường châu Âu trong thời gian hai đến ba tuần.
Trong khi đó, các khu đầu tư chuyên biệt đang được xây dựng bao gồm khu chứa xăng dầu, trung tâm chế biến, khu hậu cần, khu thương mại tự do, các trung tâm công nghệ và trung tâm Halal. Các khu này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực này có thể được hưởng lợi từ một số ưu đãi, trong đó bao gồm giảm thuế trong tối đa 16 năm.
Lào - Hàn Quốc
Các nhà đầu tư HQ thúc đẩy trách nhiệm xã hội (CSR) tại Lào
Ngày 23/12/2022, tại Hội nghị bàn tròn ESG của các nhà đầu tư Hàn Quốc do Đại sứ quán Hàn Quốc chủ trì tại thủ đô Vientiane, Đại sứ Hàn Quốc Jung Yung Soo cho biết, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệp tại Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy hơn nữa Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) và Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của Lào. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Sathabandit Insysiengmai, đại diện Cơ quan Xúc tiến đầu tư Thương mại Hàn Quốc (Kotra) tại Vientiane và 12 doanh nghiệp Hàn Quốc tiêu biểu nhằm đánh giá lại về CSR và ESG của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong năm 2022 đồng thời thảo luận về cách thức tăng cường đóng góp về 2 lĩnh vực này của họ tại Lào trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Năng lượng - Mỏ Lào và Ngân hàng Trung ương Lào đã có các bài trình bày về các ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ Lào, và triển vọng về kinh tế vĩ mô của Lào thời gian tới. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Sathabandit Insysiengmai cũng cho biết, Bộ đánh giá cao các khoản đầu tư từ Hàn Quốc khi nước này được xếp trong 5 hạng đầu trong số 53 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Lào, sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thông qua dịch vụ một cửa tại Cục Xúc tiến Đầu tư.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc Kim Pil Seong đã báo cáo về các xu hướng Môi trường, Xã hội và Quản trị tại khu vực Đông Á và các cách thức để tạo điều kiện cho các hoạt động Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp Hàn quốc tại Lào. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng chia sẻ về các hoạt động CSR của họ tại Lào như đóng góp cho các hoạt động thể thao, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, y tế, phát triển nông nghiệp bền vững. (Vientiane Times, 29/12/2022)
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC
Lào - Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới thông qua Khung Đối tác Quốc gia mới cho Lào
Ngày 30/01/2023, Vientiane Times đưa tin, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới tại Lào đã tiến hành thảo luận về Khung Đối tác Quốc gia (CPF) mới cho giai đoạn 2023-2026 để hỗ trợ Lào trong một nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chia sẻ một cách công bằng lợi ích từ tăng trưởng và duy trì tiến độ phát triển.
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, Khung CPF, một khung chương trình bao gồm các hoạt động tư vấn và dự án tài trợ, đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm hơn 60 năm quan hệ đối tác bền chặt giữa Lào và Ngân hàng Thế giới. CPF đề ra các lĩnh vực chính mà Ngân hàng Thế giới cần can thiệp, tác động trong đó, bao gồm hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hỗ trợ sinh kế bền vững, đồng thời thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện các dịch vụ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em.
Khung CPF do Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Lào xây dựng trong đó có sự tham vấn của Chính phủ Lào, của các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển. CPF phù hợp với các chiến lược giảm nghèo nằm trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội Quốc gia (NSEDP) lần thứ 9 của Lào giai đoạn 2021-2025.
Kể từ 30/6/2022, Ngân hàng Thế giới đã và sẽ tài trợ cho 24 chương trình, dự án tại Lào với tổng số tiền cam kết lên tới 903 triệu đô la Mỹ. Ông Alex Kremer, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Lào cho biết, với một khuôn khổ mới, trong bốn năm tới chương trình của Ngân hàng Thế giới sẽ được thiết kế để hỗ trợ các nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người nghèo, ưu tiên cho lĩnh vực việc làm và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cuộc chiến chống lại tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em; và giúp Lào thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một vấn đề lưu ý cũng được đưa ra trong khung CPF rằng Lào hiện đang gặp phải những thách thức lớn về kinh tế vĩ mô và nợ công. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về phát triển, nhưng nhiều thách thức đã ngày càng trở nên rõ nét hơn kể từ năm 2017 và được khuếch đại bởi đại dịch COVID-19. Ngân hàng Thế giới sẽ áp dụng Khung Đối tác Quốc gia mới đối với những hạn chế của Lào, nhất là khi nước này không có khả năng hỗ trợ cho vấn đề tạo việc làm, bên cạnh đó nợ công cao đang làm tăng thêm bất ổn kinh tế vĩ mô và đe dọa triển vọng phát triển. “Trọng tâm chính của khuôn khổ đối tác mới là một chương trình chuyên sâu về tư vấn kỹ thuật, cho các chính sách kinh tế vĩ mô và liên quan đến nợ, để các nguồn lực công luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội. Ngân hàng Thế giới cho biết chương trình này cũng sẽ hỗ trợ quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ông Thomas Jacobs, Giám đốc IFC khu vực sông Mekong phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết “Với nợ công ở mức nghiêm trọng như hiện nay, điều quan trọng là Chính phủ phải thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi để khu vực tư nhân có thể phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân”.
Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị rằng việc thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động và cạnh tranh sẽ rất quan trọng để tạo thêm nhiều việc làm trong nước cho Lào. Bối cảnh khu vực cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các cơ hội thương mại, đầu tư và di cư. Lào cần phát huy tối đa tiềm năng trong nước để thúc đẩy thương mại. Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường lớn cho việc tiếp nhận xuất khẩu hàng hóa của Lào.
Tăng trưởng kinh tế khá tốt nhưng khả năng tạo việc làm còn hạn chế
Theo báo cáo “Giám sát kinh tế Lào tháng 10/2022: Giải quyết các lỗ hổng kinh tế vĩ mô” của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Lào đạt trung bình 7,5%/năm từ năm 2000 đến 2018 với trao đổi thương mại tăng trưởng với tốc độ trung bình 17%/năm, được ghi nhận là một trong những nước tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở Đông Nam Á trong hai thập kỷ qua, nhưng chủ yếu bởi trung chuyển thương mại, nhập khẩu hàng tiêu dùng và đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khai thác mỏ và năng lượng.
WB cho biết, mô hình tăng trưởng dựa trên tài nguyên của Lào đã không thành công trong việc tạo thêm nhiều việc làm. Việc làm trong khu vực tư nhân (phi nông nghiệp) đã giảm từ năm 2012 đến năm 2018, với các công việc được trả lương chủ yếu được tạo ra thuộc khu vực nhà nước. Khoảng 390.000 nông dân đã rời bỏ nông nghiệp toàn thời gian từ năm 2012 đến năm 2018, nhưng ngành công nghiệp và dịch vụ không thể hấp thụ lực lượng lao động này, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tại Lào tăng từ 4,1% năm 2012 lên 15,7% vào năm 2018.
Theo WB, tỷ lệ người nghèo của Lào đã giảm nhưng vẫn chậm hơn so với các nước được so sánh và chủ yếu là do doanh thu của các trang trại tăng lên. Trong những thập kỷ tới, Lào cần tạo ra gần 60.000 việc làm mỗi năm để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thủy điện, từ năm 2012 đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình là 17,8%/năm và ngành khai thác khoáng sản chiếm đến 20,7% GDP của Lào năm 2018; Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực này chỉ tạo ra chưa đến 1% tổng số việc làm trong năm này.
Lĩnh vực xây dựng bùng nổ từ năm 2010 nhưng đa số việc làm là của công dân các nước láng giềng. Ước tính có khoảng 100.000 công nhân lành nghề từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam làm việc tại các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và thủy điện lớn trong năm 2012.
WB khuyến nghị Lào nên thu hút thêm các công ty sản xuất lớn và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và tạo thêm nhiều việc làm. Điều cần thiết là cải thiện môi trường đầu tư bằng cách cải thiện quy trình đăng ký kinh doanh và cấp phép hoạt động cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài.
Mô hình miễn thuế được các cơ quan ban ngành sử dụng rộng rãi ở Lào để thu hút đầu tư, tuy nhiên, bằng chứng tại các nước khác cho thấy ưu đãi thuế không khuyến khích được đầu tư nước ngoài, mặc dù cũng có một số ngành đã được hưởng lợi từ việc miễn thuế. Ngoài ra, Lào cần phải đầu tư nhiều hơn vào phát triển nguồn lao động có kỹ năng để những người trẻ tuổi có thể tham gia thị trường việc làm và từ đó tạo ra tăng trưởng toàn diện hơn. (Vientiane Times, 5/1/2023)
Lào - ADB
Lào cần tận dụng tiềm năng từ vai trò kết nối khu vực
Ngày 29/12/2022, Vientiane Times đưa tin, theo báo cáo cập nhật của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Lào có tiềm năng lớn để hưởng lợi từ kết nối khu vực và hội nhập kinh tế khi tiếp giáp với nhiều nước là các đối tác thương mại toàn cầu.
Báo cáo của ADB cho thấy, giỏ hàng thương mại còn hạn chế của Lào đã chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khám phá để Lào đa dạng hóa sản phẩm có thể hợp tác thương mại với khu vực và quốc tế. Một trong các giải pháp đối với Lào là phát triển sản xuất và nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua hợp tác vùng. Do đó, vấn đề quan trọng đối với chính sách của quốc gia và khu vực là làm sao để khuyến khích việc mở rộng về năng lực, kỹ thuật, kiến thức và mạng lưới liên kết giữa các nước khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) nhằm hỗ trợ việc lan tỏa tăng trưởng trên đầu người.
Chính phủ Lào đã có các chương trình ưu tiên nhằm xây dựng mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường cao tốc kết nối với các nước láng giềng nhằm biến nước này từ nước không có biển trở thành điểm kết nối trên bộ. Do đó, theo ADB, Lào cần tận dụng các thế mạnh về kết nối và vị trí của mình để phát triển kinh tế và tăng sức chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài.
ADB đề xuất các nước trong khu vực GMS, bao gồm cả Lào, cần tăng tốc phát triển hơn các nước phát triển để việc tương đồng về kinh tế có thể trở thành sự thật. Do đó, các chính sách kinh tế và những sự can thiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và dẫn hướng quy trình chuyển đổi cấu trúc là vô cùng quan trọng. Đối với Lào, ADB đề xuất cần nâng cấp vị trí của Lào trong chuỗi giá trị, đa dạng hóa các ngành sản xuất và tập trung vào hợp tác khu vực để đạt được các mục tiêu. Nâng cấp kinh tế bao gồm cả việc xây dựng năng lực sản xuất hiện tại song song với đầu tư khả năng sản xuất mới nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi cấu trúc. Năng lực sản xuất được chia sẻ giữa các sản phẩm và khi lợi thế so sánh được các sản phẩm mới tạo ra thì các cơ hội đa dạng hóa sẽ nhiều hơn. Hiện nay, chỉ có một vài lĩnh vực của Lào có thể sản xuất sản phẩm có độ phức tạp và đánh giá cao hơn mức trung bình toàn cầu. Hầu hết các sản phẩm còn lại là thuộc các ngành công nghiệp sơ cấp và kỹ thuật thấp. Nắm bắt được các cơ hội này có thể giúp Lào tạo ra các cơ hội đa dạng xuất khẩu nhanh chóng nhằm điều hướng quy trình chuyển đổi cấu trúc.
Báo cáo của ADB cũng cho biết, tham gia vào chuỗi giá trị có thể tạo ra nhiều cơ hội để hội nhập sâu vào thương mại khu vực và toàn cầu. Sự tham gia của Lào vào chuỗi giá trị hiện đang tăng dần dần, tuy nhiên hầu hết các hoạt động được định vị ở mức “đầu nguồn”, tức chỉ cung cấp nguyên liệu thô và các sản phẩm sơ cấp cho việc sản xuất hàng hóa và các hoạt động xuất khẩu của các nước vùng GMS khác. Điều này có nghĩa là mức thu nhập sẽ thấp, trong khi “cuối nguồn” sẽ kiếm được lợi tức cao hơn nhiều. Do đó, sẽ vô cùng quan trọng cho Lào trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị, đặc biệt ở các hoạt động “cuối nguồn”. Phát triển các đô thị và nâng cấp khả năng kết nối giao thông chính là một phần tích hợp của quá trình này.
Lào - UN
Tổng kết Hội nghị Bàn tròn 2022
Ngày 30/01/2023, Vientiane Times đưa tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Lào bà Sara Sekkenes đồng chủ trì Hội nghị bàn tròn năm 2022.
Hội nghị đã nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 9 (NSEDP) và hai Chương trình nghị sự quốc gia đã được Quốc hội thông qua, lồng ghép vào trong kế hoạch NSEDP năm 2023 các mục tiêu phát triển bền vững và việc đưa Lào thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhất. Đích cuối cùng là hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và để đưa Lào ra khỏi danh sách các quốc gia kém phát triển nhất vào năm 2026; thông qua việc tập trung các nguồn vốn sẵn có cho phát triển nguồn nhân lực, thắt chặt quản lý kinh tế và xã hội áp dụng các quy định nghiêm ngặt, nỗ lực tối đa để giảm sự khác biệt trong phát triển giữa thành thị và nông thôn, và chấm dứt vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Hội nghị cũng nhất trí cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa chiến lược tài chính của Chính phủ vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tích cực tổ chức và mở rộng khuôn khổ phục hồi kinh tế để đạt được những kỳ vọng đã đề ra.
Trên con đường phát triển sẽ cần cải thiện khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai bằng cách tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, đẩy mạnh giáo dục về rủi ro, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tình huống thiên tai và tập trung nhiều hơn vào việc giúp đỡ các cộng đồng có nguy cơ cao.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ theo đuổi các hoạt động hợp tác theo tiến trình Hội nghị Bàn tròn đã được thực hiện trong những năm qua.
BẠN CẦN BIẾT
Đầu tư cao su chuyển sang có lãi
Ngày 10/01/2023, Vientiane Times đưa tin, nông dân trồng cao su ở Lào bắt đầu có lãi trở lại sau một số năm thua lỗ vừa qua. Cao su hiện đang được bán với giá tốt và nhu cầu đối với hàng hóa và các sản phẩm làm từ cao su rất cao ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Cao su là một trong những mặt hàng nông sản được xuất khẩu nhiều nhất của Lào, chủ yếu xuất sang Trung Quốc và Việt Nam. Theo một đại biểu Quốc hội báo cáo trong phiên họp thường kỳ thứ 4 của Quốc hội khóa 9 vào tháng trước, giá trị xuất khẩu cao su đã tăng 36% trong năm 2022 so với năm 2021. Bộ Công Thương Lào cho biết Lào đã thu được gần 300 triệu đô la Mỹ từ xuất khẩu cao su trong 11 tháng đầu năm 2022, trong khi cả năm 2021 chỉ đạt khoảng 269,8 triệu đô la Mỹ. Việc dễ dàng vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt Lào-Trung đã góp phần cắt giảm thời gian vận chuyển và chi phí sản phẩm.
Gần đây, một nhà đầu tư Trung Quốc, ông Yang Shi Xian, nói với tờ Vientiane Times rằng ông đã sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung để vận chuyển cao su sang Trung Quốc. Ông nói “Đây là một phương thức vận chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với vận chuyển bằng đường bộ. Trước đây, vận chuyển sản phẩm cao su sang Trung Quốc bằng xe tải phải mất hai đến ba tuần, nhưng bây giờ chỉ mất hai đến ba ngày. Hơn nữa, chi phí vận chuyển đã giảm 60 Nhân dân tệ/tấn. Ngoài ra, nếu dùng xe tải, sẽ chỉ vận chuyển được 32 tấn cao su một lần, nhưng nếu sử dụng tàu hỏa, có thể vận chuyển khoảng 1.000 tấn cùng lúc”. Hơn 1.000 người dân địa phương đang được hưởng lợi từ việc cạo mủ cao su cho công ty của ông.
Theo Bộ Công Thương, Lào thu được gần 2 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu nông sản vào năm 2022, tăng gần 500 triệu đô la Mỹ so với năm 2021. Giá trị nông sản xuất khẩu tăng 15%, đặc biệt 3 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất là sắn, chuối và cao su. Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc là các đối tác thương mại mà Lào đã ký hiệp định thương mại tự do thương mại song phương do đó, hàng nông sản xuất khẩu sẽ được hưởng đặc quyền ưu đãi và giảm thuế nhập khẩu.
Tin liên quan: ngày 5/1/2023, KPL đưa tin, các dự án trồng cao su của Việt Nam tại tỉnh Attapeu, phía Nam Lào từ năm 2008 đến nay đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xác định cao su là trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, từ năm 2008, chính quyền tỉnh đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp Việt Nam trồng cao su và xây dựng nhà máy chế biến cao su tại 4 huyện. Giám đốc Sở Nông lâm tỉnh Phonepaseuth Thongsithavong đánh giá cao các công ty cao su Việt Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Đồng thời, các địa phương cũng quan tâm đến công tác an sinh xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Attapeu hiện có diện tích cao su trên 15.564 ha, sản lượng bình quân 46.531 tấn mủ cao su và kim ngạch xuất khẩu hơn 23 triệu USD/năm.
Nhà máy tinh bột sắn tạo việc làm tại tỉnh Vientiane
Theo Lao Economic Daily, một nhà máy sản xuất bột sắn với công suất 50.000 tấn/năm đã bắt đầu được xây dựng tại tỉnh Vientiane nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sản phẩm và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Lễ ký kết thỏa thuận tô nhượng cho nhà máy giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh và một công ty địa phương đã được tổ chức vào tuần trước. Nhà máy tọa lạc tại Bản Khokkhaodor, huyện Xanakham, tỉnh Vientiane.
Đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, kế hoạch của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế của tỉnh Vientiane, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, một thị trường lớn có nhiều nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm. Nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, đồng thời mang lại nguồn ngoại tệ, góp phần từng bước ổn định kinh tế.
Đối với Lào, Nông nghiệp là một ngành quan trọng tạo ra thu nhập cho người dân địa phương. Mặc dù trồng sắn là việc đòi hỏi nhiều công sức, nhưng có thể thu hoạch trong một thời gian ngắn. (Vientiane Times, ngày 10/01/2023)
Mỏ LXML Sepon được Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào xếp hạng A+
Ngày 13/01/2023, tại Hội nghị thường niên về khai thác mỏ được tổ chức nhằm tổng kết kết quả công tác khai thác mỏ trong năm và lập kế hoạch cho năm tiếp theo, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã trao chứng chỉ xếp hạng loại A+ cho Cty TNHH Lane Xang Minerals Limited (LXML) do những điển hình của công ty trong hoạt động khai thác đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế và những ý nghĩa quan trọng mà công ty đã góp phần cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Lào, nhất là trong phát triển bền vững cộng đồng với việc tao ra hơn 5.000 việc làm cho địa phương. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh trong lĩnh vực khai thác mỏ, cùng đại diện của một số công ty khai thác khoáng sản.
Trong sáu năm liên tiếp kể từ năm 2016, khi chính phủ Lào khởi xướng việc đánh giá hoạt động khai thác dựa theo các tiêu chuẩn xếp hạng, LXML là công ty khai khoáng duy nhất tại Lào liên tục đạt được mức xếp hạng uy tín này.
Các lĩnh vực mà LXML được khen ngợi bao gồm việc cải thiện, nâng cao sinh kế; phương pháp và công nghệ khai thác; các tiêu chuẩn về an toàn; sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ địa phương; liên tục mở rộng và tăng trưởng; và những hỗ trợ phát triển cho các lĩnh vực khác.
Những tiêu chuẩn LXML được xếp hạng A+ bao gồm: (i) tuân thủ pháp luật; (ii) đáp ứng yêu cầu về nghĩa vụ; (iii) tôn trọng quốc gia sở tại và cộng đồng; (iv) thúc đẩy lao động trong nước và đào tạo kỹ năng; (v) tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh lao động; (vi) tính hiệu quả, minh bạch trong hoạt động và những tác động về mặt xã hội, môi trường; (vii) quản lý môi trường và chuẩn bị kế hoạch cho việc đóng cửa mỏ.
Theo ông Saman Aneka, Giám đốc điều hành LXML cho biết, kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2003, Mỏ Sepon của LXML đã sản xuất hơn 1,5 triệu ao-xơ vàng và 1,1 triệu tấn đồng, đóng góp hơn 1,6 tỷ USD doanh thu trực tiếp cho Lào qua tiền thuế, tiền bản quyền và cổ tức, cùng hàng trăm triệu USD lợi ích gián tiếp khác như việc làm, đào tạo, phát triển cộng đồng và tiền trả cho các đối tác kinh doanh và nhà cung cấp địa phương.
Hơn 40.000 người ở Vilabouly đã được hưởng lợi từ các chương trình phát triển cộng đồng, với tổng trị giá 20 triệu đô la Mỹ thông qua các dự án đầu tư. Tổng thu nhập tích lũy cộng đồng thông qua các nhóm kinh doanh địa phương đã lên tới 50 triệu đô la Mỹ.
Công ty LXML đang phát triển một mỏ khai thác ngầm theo công nghệ hiện đại đầu tiên ở Lào tại khu Mỏ Sepon thuộc huyện Vilabouly của tỉnh Savannakhet. (Vientiane Times, ngày 18/01/2023).
1.209 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong các Đặc khu kinh tế tại Lào
Ngày 17/1/2023, Vientiane Times đưa tin, hiện có 1.209 công ty với hơn 63.000 lao động đang hoạt động tại các Đặc khu kinh tế (SEZ) trên cả nước. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết hiện có 8/17 địa phương có các đặc khu kinh tế với tổng diện tích đăng ký hơn 34.000 ha của các nhà đầu tư Lào và nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Phần lớn khoản đầu tư này đã được rót vào Đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo, Đặc khu kinh tế Boten ở tỉnh Luang Namtha, Savan-Seno ở tỉnh Savannakhet và Đặc khu kinh tế đầm That Luang ở Viêng Chăn, với khoản thuế 1 nghìn tỷ Kíp. Giá trị hàng hóa xuất khẩu từ các SEZ đã vượt quá 3 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 32.000 công dân Lào.
SEZ có các cảng cạn ở Savannaket, khu vực Vang Tao-Phonthong ở tỉnh Champassak và công viên Logistics Viêng Chăn, trong khi có các kho container nội địa tại Boten ở tỉnh Luang Namtha và khu vực Thakhaek của tỉnh Khammuan. Một sân bay quốc tế đang được xây dựng tại tỉnh Bokeo nhằm phục vụ Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, cũng như các con đường và các cơ sở khác để hỗ trợ sản xuất, thương mại, dịch vụ và đầu tư.
Văn phòng Quản lý và Xúc tiến SEZ, Bộ KH-ĐT Lào đang thúc đẩy cải thiện công tác quản lý các SEZ, bao gồm thiết lập dịch vụ một cửa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, như một phần trong kế hoạch hoạt động 2019-2024, giúp đẩy nhanh quá trình cung cấp dịch vụ và tăng tính minh bạch.
Công ty chuyển phát nhanh mở rộng hoạt động nhờ ngành thương mại điện tử tăng trưởng mạnh
Ngày 27/12/2022, Vientiane Times đưa tin, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, công ty vận chuyển Anousith đã mở rộng số cửa hàng nhượng quyền của mình lên hơn 500 cửa hàng, tiếp theo sau việc tăng trưởng của ngành hàng thương mại điện tử trong nước và quốc tế, với sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, bao gồm việc mua sắm trực tuyến thức ăn, quần áo và các loại hàng khác ngày càng nhiều hơn. Điều này đã khiến cho các đơn vị vận tải, chuyển phát nhanh được hưởng lợi khi kết nối giữa người bán và người mua.
Tại lễ kỷ niệm, đại diện công ty cho biết, từ lúc chỉ có 5 nhân viên khi mới thành lập năm 2017, đến nay Anousith đã có hơn 500 cửa hàng tại 148 quận, huyện trên khắp nước Lào. Hiện nay, công ty cung cấp 2 loại hình vận chuyển: nội đô và liên tỉnh, trong đó khách hàng có thể giám sát tình trạng hàng hóa theo thời gian thực, kể cả vị trí của gói hàng. Công ty cũng cung cấp dịch vụ thanh toán phí vận chuyển khi nhận nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng và tăng doanh số cho người bán.
Các gói dự án cao tốc phía Bắc chậm tiến độ
Ngày 19/1/2023, KPL đưa tin, giai đoạn 2 và 3 của dự án xây dựng đường cao tốc phía Bắc (Vang Vieng đến Luang Prabang, Luang Prabang đến Udomxay không có tiến triển đáng kể thời gian qua và vẫn còn nhiều hạng mục tồn đọng).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã xem xét yêu cầu của Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc) về việc tiếp tục nghiên cứu tính khả thi của các tuyến đường cao tốc khi đã ba lần gia hạn Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ, nhưng dự án không tiến triển.
Nhận thấy cần phải lựa chọn một công ty sẵn sàng về nhiều mặt để tiếp tục phát triển đoạn 2 - Vang Vieng đến Luang Prabang và đoạn 3 - Luang Prabang đến Udomxay nhằm hoàn thành dự án hạ tầng trong thời gian sớm nhất, Văn phòng Thủ tướng đã ra Thông báo số 431 ngày 30/3/2022 từ chối bổ sung đề nghị gia hạn MoU của công ty, hủy bỏ hai giai đoạn của dự án đường cao tốc này.
Văn phòng Thủ tướng cũng nói rõ rằng Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam có thể tiếp tục phát triển đoạn 4 của đường cao tốc từ Udomxay đến biên giới Lào-Trung Quốc (Boten-Bohan) vì công ty đã tiến hành nghiên cứu khả thi về tình trạng của đường cao tốc và có một số dữ liệu, nhưng khung thời gian thực hiện dự án phải được xác định rõ ràng.
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Phan Minh Chiến
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm, Hồ Đức Dũng