TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO |
Ngày 22-23/01/2020, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 01 của Chính phủ để thảo luận các giải pháp nhằm đẩy nhanh thủ tục phê duyệt giấy phép đầu tư và hoạt động kinh doanh theo Sắc lệnh mới được ban hành, cũng như các vấn đề quan trọng khác.
Sắc lệnh số 03 của Thủ tướng Chính phủ được ký ban hành ngày 23/01/2020 là động thái mới nhất của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng kết quả xếp hạng toàn cầu vẫn cho thấy Lào đang tiếp tục tụt hạng. Theo bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh (EDB) của WB, năm 2019 Lào đã tụt 13 bậc xuống thứ hạng 154 trên tổng số 190 nước trên thế giới. Tại phiên họp, Thủ tướng Thongloun nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – một trong những yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ đã thảo luận và giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan duy trì các giải pháp chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của loại virus mới (2019-nCoV). Đến thời điểm ngày 23/01/2020, ở Lào vẫn chưa có trường hợp nào ghi nhận bị lây nhiễm nCoV, tuy nhiên, để ngăn chặn sự lây nhiễm của loại virus nguy hiểm này, Chính phủ đã chỉ thị cho Bộ Y tế ban hành cảnh báo và cách phòng chống đối với nCoV.
Tại phiên họp, sau khi nghe báo cáo về tiến độ hiện đại hóa hệ thống thanh toán và thu ngân sách sử dụng công nghệ mobile, Chính phủ thống nhất thành lập một ủy ban đặc biệt để xác định khuôn khổ thời gian và đẩy nhanh hoạt động nhằm hoàn thành quá trình hiện đại hóa. Ủy ban này sẽ do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy làm chủ tịch, được giao xây dựng hệ thống thanh toán số và quy hoạch tổng thể nền kinh tế số.
Phiên họp của Chính phủ đã nghe báo cáo về quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước Lào và Nga, các thành viên Chính phủ nhất trí thành lập một ủy ban để tổ chức các sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong tháng 10/2020. Chính phủ chỉ thị cho các Bộ ngành liên quan xây dựng kế hoạch công tác để thực hiện kế hoạch hợp tác Lào – Việt Nam năm 2020. Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng được chỉ đạo tiến hành công tác chuẩn bị để đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC) lần thứ 3; Hội nghị Thượng đỉnh Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya – Mekong lần thứ 9, Hội nghị Thượng đỉnh CLMV và Hội nghị Thượng đỉnh CLV lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại Viêng Chăn trong tháng 03/2020.
Chính phủ cũng đã phê duyệt dự thảo nghị định về xúc tiến năng lượng nông thôn và kinh phí triển khai. (Vientiane Times, 27/01/2020)
Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Lào năm 2019 và phương hướng năm 2020
Ngày 18/11/2019, Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa VIII của Lào đã ra Nghị quyết số 20/QH, thông qua Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và phương hướng năm 2020.
Nghị quyết của Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP đạt 6,4%, tương đương 164.147 tỷ Kíp, thấp hơn mục tiêu đề ra là 0,3% (kế hoạch 6,7%, tương đương 165.475 tỷ Kíp); thu nhập bình quân đầu người đạt 2.683 USD (kế hoạch 2.726 USD); GNI đạt 2.121 USD/người (kế hoạch là 2.317 USD/người). Tuy nhiên, còn một số mục tiêu vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung hơn nữa trong việc chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu trên.
Đồng thời, Quốc hội đã thông qua phương hướng phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 của Chính phủ với các mục tiêu cơ bản gồm: (i) Chỉ tiêu kinh tế vĩ mô: tốc độ tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,5%, tương đương giá trị 177.780 tỷ Kíp; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.733 USD; GNI bình quân đạt 2.161 USD. Trong đó: Về lĩnh vực Nông nghiệp tăng trưởng cần đạt 2,7%, chiếm khoảng 15,20% GDP; Công nghiệp tăng 7,3%, chiếm 32,03% GDP; Dich vụ tăng 6,9%, chiếm 41,47% GDP; Thuế nhập khẩu tăng 7,5%, chiếm 11,31% GDP; (ii) Cân đối ngân sách: Thu ngân sách cần đạt được 28.997 tỷ Kíp, tương đương 16,31% GDP; chi ngân sách đảm bảo ở mức 35.693 tỷ Kíp, khoảng 20,08% GDP. Cân đối ngân sách đảm bảo ở mức thâm hụt không vượt quá 6.696 tỷ Kíp, khoảng 3,77% GDP; (iii) Tài chính, tiền tệ: Đảm bảo ổn định giá trị tiền tệ quốc gia, chỉ số lạm phát giữ ổn định ở mức thấp hơn chỉ số tăng trưởng kinh tế; quản lý khối lượng tiền lưu thông (M2) không tăng quá 20% so với năm 2019; nghiên cứu cơ chế, quy định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn; điều chỉnh và phát triển mạng lưới thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng, song song với việc quản lý đến tận vùng sâu xa trên toàn quốc; (iv) Phát triển sản xuất: Thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa thay thế cho các mặt hàng nhập khẩu để giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu; (v) Về lao động: Giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 64,10% trong năm 2019 xuống còn 64% vào năm 2020; đảm bảo tỷ lệ lao động trong công nghiệp ở mức 12% năm 2020; dịch vụ tăng từ 23,70% năm 2019 lên 24% vào năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp giữ mức 2%; (vi) Nguồn vốn phát triển: Cần huy động 46.500 tỷ Kíp để phát triển kinh tế-xã hội; trong đó: nguồn trong nước 4.700 tỷ Kíp, chiếm 10,21% tổng vốn đầu tư; kêu gọi nguồn viện trợ phát triển (ODA) 8.125 tỷ Kíp, chiếm 17,47% tổng vốn; Đầu tư tư nhân và FDI 23.125 tỷ Kíp, chiếm 49,73% tổng vốn; vốn huy động từ các ngân hàng, tổ chức tài chính 10.500 tỷ Kíp, chiếm 22,58% tổng vốn…
Nghị quyết Quốc hội cũng thông qua các mục tiêu phát triển về văn hóa-xã hội; phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo; tài nguyên và môi trường…và chấp thuận kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 của Chính phủ gồm 20 biện pháp cơ bản. (Nghị quyết số 20/QH, ngày 18/11/2019)
Đến năm 2030, Lào dự kiến xuất khẩu 20.000 MW điện
Báo Vientiane Times ngày 10/01/2020 đưa tin, xuất khẩu điện của Lào sang các nước láng giềng dự kiến tăng lên khoảng 20.000MW giai đoạn năm 2020-2030.
Điện được xem là nguồn thu lớn cho Lào đặc biệt qua việc xuất khẩu điện sang các nước láng giềng Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Mianmar và Singapore.
Nhu cầu về điện của Lào tăng lên năm ngoái do tăng dân số và số lượng nhà máy. Năm 2019, tiêu thụ điện trong nước của Lào là 1.222 MW và theo Bộ Năng lượng và Mỏ, lượng điện tiêu thụ trong nước sẽ tăng lên 1.800MW giai đoạn năm 2025-2030, lượng điện xuất khẩu sang các nước láng giềng là 20.000MW giai đoạn 2020-2030.
Trong giai đoạn này, Chính phủ Thái Lan dự kiến mua khoảng 9.000MW, Campuchia 6.000MW, Việt Nam 5.000MW, Myanmar 300MW và Malaysia 300MW. Singapore hiện đang đàm phán nhập khẩu điện.
Theo Bộ Công Thương Lào, kim ngạch xuất khẩu điện từ tháng 01 đến tháng 10/2019 đạt khoảng 1.066 triệu USD, trong đó lớn nhất là Thái Lan (hơn 1.010 triệu USD), Việt Nam 46 triệu USD và Campuchia 8 triệu USD (Vientiane Times ngày 10/01/2020).
Hội thảo về mục tiêu phát triển bền vững tại Lào
Ngày 06/01/2020, tại trung tâm tập huấn và hợp tác quốc tế (ICTC), thủ đô Viêng Chăn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Kikeo Chanthabuly đã chủ trì hội nghị nhằm tuyên truyền, quảng bá và phổ biến những tài liệu quan trọng và cơ bản cho các Bộ, ngành về kế hoạch tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 tại Lào của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Kikeo cho biết, Lào là đã có nhiều nỗ lực trong việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia từ năm 2015, bắt đầu từ đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VII và Chính phủ chính thức đặt ra các quy định, điều kiện trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm lần thứ VIII (2016-2020), trong đó, có khoảng 60% chỉ tiêu trong kế hoạch có gắn liền với phát triển bền vững được đặt ra cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện và cụ thể hóa các chỉ tiêu đó vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030.
Hội thảo đã cung cấp các tài liệu quan trọng về mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và tài liệu quan trọng cho từng Bộ, ngành và các đơn vị liên quan về các bước cơ bản quan trọng trong việc quy định, theo dõi và đánh giá kết quả tiến độ tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. (Báo KT-XH, ngày 07/01/2020)
Ngành năng lượng và mỏ vẫn là động lực của nền kinh tế trong năm 2020
Ngày 03/01/2020, trả lời phỏng vấn Vientiane Times, TS. Phouphet Kyophilavong – Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý Kinh doanh, Trường Đại học Quốc gia Lào cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chính sách xúc tiến đầu tư trong ngành năng lượng và mỏ để tạo thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, thiên tai hạn hạn bất thường, với những nỗ lực của Chính phủ, kinh tế Lào vẫn tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô đã lành mạnh hơn, các vấn đề trong nước đã được giải quết một cách hợp lý, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh. TS. Phouphet khuyến nghị Chính phủ tiếp tục chính sách khuyến khích phát triển ngành năng lượng và mỏ vì đây là lĩnh vực chủ chốt giúp tạo thu nhập quốc gia. Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực này, tăng cường các giải pháp để phát huy cơ chế "cùng thắng".
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ, cơ quan chức năng vẫn ưu tiên tăng cường công tác thanh kiểm tra các đập thủy điện để đảm bảo an toàn và khuyến khích xây dựng các nhà máy thủy điện thân thiện với môi trường theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bộ Năng lượng và Mỏ đã tiến hành thanh tra thành công 73 nhà máy thủy điện có tổng công suất lắp đặt 9.531 MW với khả năng sản xuất 50 triệu KWh điện/năm. Năm 2019, trên 6.000 MW điện đã được xuất khẩu, hoàn thành xây dựng 12 nhà máy thủy điện. Các nhà máy này bao gồm Thủy điện Xayaboury, Nậm nghiệp 1, Xepien – Xenamnoy và Don Sahong. Khoảng 27 dự án thủy điện hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2020 và 2021.
Trong nhiều hội nghị, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã nhấn mạnh, khu vực doanh nghiệp là yếu tố then chốt đối với phát triển kinh tế quốc gia. Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với sự hợp tác của các khu vực nhà nước và tư nhân để xóa bỏ các rào cản đối với tăng trưởng.
TS. Phouphet kết luận, môi trường kinh doanh ở Lào sẽ tốt hơn trong năm 2020 nếu kinh tế vĩ mô được quản lý một cách hợp lý và hiệu quả, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư lớn như dự án đường sắt Lào – Trung và các nhà máy thủy điện. (Vientiane Times, 07/01/2020)
Lào đối mặt với lạm phát tăng
Ngày 17/01/2020, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào (LNERI) TS. Leeber Leeboupao cho biết, lạm phát ở Lào tiếp tục tăng trong tháng 12/2019, đưa ra cảnh báo rằng cần phải có hành động nghiêm túc để kiểm soát giá hàng hóa và dịch vụ để ngăn chặn giá cả leo thang.
Theo TS. Leeber, nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP thì sự tăng trưởng đó không còn ý nghĩa đối với đời sống người dân. Để duy trì sức khỏe nền kinh tế, Chính phủ cần khống chế tỷ lệ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5% năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lạm phát tháng 12/2019 tăng 6,28% so với mức 5,34% tháng 11/2019 và 1,5% trong tháng 01/2019. Tỷ lệ lạm phát trung bình năm 2019 ở Lào là 3,32%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,4%. TS. Leeber cho rằng, Chính phủ đang đi đúng hướng trong việc kìm hãm lạm phát leo thang thông qua những nỗ lực ổn định giá trị đồng Kíp và tăng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, cần phải thực thi một cách có hiệu quả những giải pháp này. Quyền Viện trưởng LNERI cảnh báo, nếu các cơ quan chức năng liên quan thất bại trong việc thực thi một cách có hiệu quả các chính sách của Chính phủ thì lạm phát tăng sẽ dẫn tới chi phí sản xuất tăng và Lào sẽ mất khả năng cạnh tranh. Những người thu nhập thấp sẽ phải vật lộn với cuộc sống vì với mức thu nhập không đổi họ sẽ không mua được cùng một số lượng hàng hóa và dịch vụ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặt hàng kéo lạm phát tăng trong tháng 12/2019 chủ yếu do giá cả lương thực-thực phẩm và đồ uống không cồn – tăng ở mức 10%. Thịt lợn tăng ở mức 4,33% cao hơn giá quy định của Chính phủ. (Vientiane Times, 21/01/2020)
Ngành du lịch của Lào tăng trưởng tích cực
Ngày 24/01/2020, Vientiane Times trích dẫn báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch cho biết, số lượng khách du lịch đến Lào năm 2019 đã tăng mạnh trong năm 2019. Theo đó, du khách đến Lào đã vượt con số 4,7 triệu lượt người, tăng 14,44% so với năm 2018.
Các số liệu cho thấy, so với năm 2018, khách du lịch từ Trung Quốc tăng 26,92%; từ Thái Lan tăng 11,94% và từ Việt Nam tăng 6,60%.
Theo Vụ trưởng Vụ Tiếp thị Du lịch Soun Manivong, số lượng khách du lịch đến Lào tăng mạnh chủ yếu cho Năm du lịch Lào – Trung, cũng như các chính sách mới Chính phủ đã được thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách như cải tiến thủ tục tại các cửa khẩu. Trong năm 2019, các địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động để nâng cấp dịch vụ du lịch. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn dịch vụ, quản lý giá cả thực phẩm, lưu trú và phí tại các điểm du lịch.
Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh du lịch trong nước, khuyến khích người dân Lào đi du lịch nội địa. Sáng kiến này là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia năm 2020. (Vientiane Times, 24/01/2020)
Kết quả thực hiện chương trình cải cách quản lý tài chính quốc gia
Ngày 14/01/2020, báo KT-XH đưa tin, việc thực hiện mô hình hệ thống quản lý tài chính nhà nước của Bộ Tài chính Lào trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả.
Báo cáo tại cuộc họp tổng kết công tác tài chính của Bộ tài chính năm 2019, Cục trưởng Cục chính sách và pháp luật, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã dự thảo xây dựng "Tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược phát triển tài chính quốc gia đến năm 2025", được Chính phủ chấp thuận vào tháng 7/2019.
Bộ Tài chính đã triển khai chiến lược qua 06 chương trình, cụ thể là: (i) Chương trình cải cách chính sách tài chính, đã sửa đổi khung chính sách thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019-2021, dựa trên cơ sở lấy thu trong nước làm căn cứ để xây dựng kế hoạch thu, chi nhằm giảm vay nước ngoài, kiểm soát thâm hụt ngân sách ở mức khoảng từ 3-5% của GDP; tiếp tục thực hiện 08 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với ngành tài chính, hoàn thành việc quản lý chi tiêu công và nhiệm vụ tài chính (PEFA) năm 2014-2015, 2015-2016 và 2017; (ii) Chương trình xây dựng và sửa đổi luật tài chính, đã thực hiện việc sửa đổi và xây dựng mới nhiều điều luật trong lĩnh vực quản lý thu, chi; (iii) Chương trình cải cách hệ thống quản lý thu, đã đạt nhiều mặt, trong đó, quan trọng nhất là việc kiểm định thông tin về doanh nghiệp trên toàn quốc, xây dựng kế hoạch phát triển ngành thuế và dự thảo chiến lược quản lý thu, kế hoạch triển khai nhiệm vụ thuế năm 2019-2020 và kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ các loại thuế của các công ty nhập khẩu và kinh doanh hàng hóa, khách sạn, nhà nghỉ…; (iv) Chương trình cải cách hệ thống quản lý chi, tiếp tục triển khai Chỉ thị số 09/TTg của Thủ tướng về biện pháp tiết kiệm chi tiêu ngân sách, hoàn thành việc xây dựng và sửa đổi văn bản pháp quy dưới luật để triển khai luật ngân sách nhà nước, hoàn thành bước đầu nghiên cứu kế hoạch phát triển Kho bạc nhà nước giai đoạn 2021-2025; (v) Chương trình phát triển ngành tài chính hiện đại, hoàn thành việc lắp đặt hệ thống TaxRIS trong việc tổ chức thu và đã triển khai được 15 tỉnh 10 huyện, 03 thành phố và sử dụng hệ thống thông báo thuế mô hình một cửa quốc gia (LNSW), hoàn thành hệ thống thu thuế đất đai qua hệ thống ngân hàng tỉnh, huyện có khả năng, điều kiện; (vi) Chương trình quản lý và phát triển nguồn nhân lực đối với ngành tài chính giai đoạn 2021-2025.
Riêng đối với ngành thuế, năm 2019, thu nộp ngân sách nhà nước được 6.889 tỷ Kíp, đạt 91,61% kế hoạch đề ra, tăng hơn 3,80% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương giá trị 251,98 tỷ Kíp; hoàn thành cải tiến, hiện đại hóa hệ thống thu thuế điện tử và nghĩa vụ nộp thuế thông qua hệ thống ngân hàng (Smart Tax), sử dụng hệ thống thông báo thuế một cửa quốc gia (National Single Window), quản lý, theo dõi việc nhập khẩu phương tiện du lịch P.53, việc tổ chức thu phí vào, ra của phương tiện qua hệ thống điện tử KIOSK…; cải cách Ban phòng chống và ngăn chặn việc trốn, nợ thuế trên toàn quốc thành Ban Thẩm định, thẩm tra và xử lý trốn thuế, nợ thuế dưới sự điều hành trực tiếp của cấp trung ương; và tích cực cải cách cơ sở pháp lý để đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế quốc gia. (Báo KT-XH, 14, 24/01/2020)
Bộ An ninh Lào tổ chức Hội nghị Chống rửa tiền và Tài trợ khủng bố
Ngày 08/01/2020, Bộ An ninh Lào và Cơ quan thông tin chống rửa tiền, Ngân hàng nước CHDCND Lào đã tiến hành tổ chức cuộc họp phổ biến và phối hợp ngăn chặn rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố do Trung tướng, Thứ trưởng Bộ An ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chống rửa tiền và Tài trợ khủng bố Kongthong Phongvichit chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trong Bộ An ninh Lào.
Cuộc họp nhằm phổ biến sâu rộng về kế hoạch tổ chức thực hiện của Ủy ban quốc gia đặc biệt về chống rửa tiền tới lãnh đạo các đơn vị biết kết quả kiểm tra trong toàn Bộ An ninh về đánh giá sự rủi ro quốc gia và việc thực hiện kế hoạch trong thời gian tới, trước tiên là việc thực thi trách nhiệm của các đơn vị chủ trì đối với nhiệm vụ trên; đồng thời, cũng là bước chuẩn bị cho công tác đánh giá cấp quốc gia về công tác chống rửa tiền lần thứ 2, giai đoạn 2020-2021.
Phó Giám đốc Cơ quan Thông tin chống rửa tiền, Ngân hàng nước CHDCND Lào Chindamay Vilayhongso đánh giá tình hình chung về công tác chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; cho biết việc rửa tiền là việc đổi hình thái sử dụng, di chuyển, trao đổi, thu nhập, chuyển tiền hoặc tài sản mà cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức có được qua việc buôn lậu ma túy, vũ khí, tổ chức mại dâm và các loại hàng hóa cấm buôn bán; làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc…được "rửa" thông qua các giao dịch đổi tiền mặt, mua kim loại quý (vàng, bạc, kim cương…), gửi tiết kiệm, đầu tư trái phiếu, tín phiếu, thậm chí thông qua hệ thống ngân hàng "ngầm"…
Trung tướng Kongthong Phongvichit khẳng định, việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là nhiệm vụ rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia Lào, Chính phủ đã nhận thức được điều đó và thành lập Ủy ban quốc gia chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố bao gồm 13 bộ ngành liên quan tham gia, tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo các điều kiện cơ bản của quốc tế. (Báo KT-XH, 09/01/2020)
Tiến hành tổng điều tra kinh tế và thống kê nông nghiệp toàn quốc Lào lần thứ III
Ngày 09/01/2020, tại thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị Tổng điều tra kinh tế lần thứ III năm 2020 và điều tra thống kê nông nghiệp toàn quốc lần thứ 3 năm 2019-2020 của Lào do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Somdy Duangdy chủ trì, đã được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh trên toàn quốc Lào.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Somdy Duangdy cho biết, việc điều tra số liệu thống kê về kinh tế, nông nghiệp lần thứ III này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Chính phủ, đó là cẩm nang để điều hành, kiểm soát, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và đời sống dân sinh của người nông dân. Việc điều tra sẽ triển khai rất chi tiết, đến từng hộ gia đình, từng đơn vị sản xuất, từng ngành nghề, lĩnh vực…để có số liệu thống kê chính xác, chắc chắn thực trạng về kinh tế, sản xuất và đời sống dân sinh xã hội của người dân, từ đó làm số liệu thống kê để Chính phủ điều hành quản lý.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Chính phủ yêu cầu nhân dân các dân tộc Lào, cá nhân, pháp nhân, thương nhân, các nhà doanh nghiệp…hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi, báo cáo trung thực với các điều tra viên các thông tin liên quan. (Báo KT-XH, 10/01/2020)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI |
Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về xuất, nhập khẩu
Ngày 07/01/2020, theo thông tin đăng tải trên công báo, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 12, ngày 16/10/2019 của Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành liên quan xem xét giảm phí cấp phép xuất, nhập khẩu cũng như thủ tục cấp phép.
Sắc lệnh mới của Thủ tướng nhằm tiếp tục nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm rào cản hành chính đối với xuất, nhập khẩu hàng hóa, cải thiện môi trường kinh doanh ở Lào. Chính phủ định hướng đến năm 2022, giảm ít nhất là 50% phí cấp phép xuất, nhập khẩu hiện hành và 30% số lượng giấy tờ liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc giảm các rào cản phi thuế quan không có nghĩa là buông lỏng kiểm soát về chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu. Về mặt này, cơ quan chức năng cần có cơ chế thích hợp để đảm bảo hàng hóa xuất, nhập khẩu an toàn đối với tiêu dùng và môi trường.
Để cung cấp các dịch vụ tốt hơn trong việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, cơ quan chức năng cần niêm yết công khai những giấy tờ yêu cầu đối với doanh nghiệp để xin cấp giấy phép xuất, nhập khẩu. Theo Sắc lệnh, nếu doanh nghiệp chưa cung cấp đủ giấy tờ theo yêu cầu, cơ quan chức năng phải thông báo ngay cho doanh nghiệp để bổ sung, cơ quan chức năng không được trì hoãn cấp giấy phép nếu doanh nghiệp đã cung cấp đầy đủ và chính xác hồ sơ theo yêu cầu.
Để tạo điều kiện thanh toán phí cấp phép xuất, nhập khẩu, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ liên quan tạo lập hệ thống thanh toán điện tử.
Liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa trên lãnh thổ Lào, Chính phủ giao Bộ Nông Lâm phối hợp với các chính quyền địa phương và các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hàng hóa nông sản lưu thông trên cả nước.
Nhiều người chăn nuôi lợn cho biết, họ gặp nhiều khó khăn, đôi khi bị phạt nặng vì vận chuyển gia súc từ các tỉnh vào Viêng Chăn, nơi nhu cầu về thịt lợn cao nhất. Họ cho rằng rất bất hợp lý khi có nhiều hạn chế gây gánh nặng như vậy. Đáp lại những lời phàn nàn của những người chăn nuôi, quan chức ngành nông nghiệp nói, người chăn nuôi phải có giấy phép vận chuyển gia súc tươi sống nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. (Vientiane Times, 07/01/2020)
Thủ tướng ký ban hành Sắc lệnh yêu cầu giải quyết những ách tắc về đầu tư
Ngày 21/01/2020, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã ký ban hành Sắc lệnh chỉ thị cho các cơ quan chịu trách nhiệm về xúc tiến đầu tư phải đẩy nhanh việc giải quyết những khó khăn vướng mắc mà các nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh đang phải đối mặt thông qua việc cải tiến dịch vụ một cửa.
Thủ tướng Thongloun yêu cầu đẩy mạnh thực thi Luật Khuyến khích Đầu tư và các quy định pháp luật liên quan thông qua cải tiến dịch vụ một cửa đối với các hoạt động đầu tư và kinh doanh nhằm đảm bảo tốc độ, minh bạch và thống nhất trong công tác quản lý đầu tư và thuận lợi hóa kinh doanh. Ngành kế hoạch và đầu tư phải cải tiến dịch vụ đầu tư một cửa như một cơ chế thuận lợi hóa đối với các nhà đầu tư bằng cách cung cấp thông tin về đầu tư, cấp phép đối với các dự án tô nhượng và kinh doanh có điều kiện. Ngành phải cung cấp các dịch vụ liên quan đến ban hành các văn bản khuyến khích đầu tư, các dịch vụ hậu cấp phép như cấp visa, thẻ cư trú và thẻ lao động.
Bên cạnh đó, ngành kế hoạch và đầu tư phải điều phối những kiến nghị từ các Bộ ngành chức năng về các hoạt động tô nhượng và kinh doanh đối với danh mục đầu tư có điều kiện, liên hệ với các cơ quan chức năng khác để thu thập chứng chỉ về đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký thuế và những giấy tờ cần thiết khác mà các nhà đầu tư có thể nhận tại một cửa. Văn phòng dịch vụ một cửa gửi văn bản đến các cơ quan chức năng liên quan để lấy ý kiến trong thời gian 02 ngày làm việc, nhận đơn từ nhà đầu tư và trình Ủy ban Khuyến khích và Quản lý Đầu tư để xem xét.
Cục Khuyến khích Đầu tư được chỉ định là nơi đặt dịch vụ một cửa về đầu tư ở cấp trung ương, Sở Kế hoạch Đầu tư các tỉnh là nơi đặt dịch vụ một cửa về đầu tư cấp tỉnh. Theo đó, các Bộ và các cơ quan ngang bộ, các tỉnh và thủ đô Viêng Chăn phải thiết lập các đơn vị dịch vụ một cửa để hỗ trợ xem xét cấp phép đầu tư trong thời hạn 30 ngày làm việc đối với các dự án tô nhượng, 08 ngày làm việc đối hoạt động kinh doanh trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Sắc lệnh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính … xây dựng cơ sở dữ liệu số về đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, đăng ký thuế và giấy phép kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch này của Chính phủ. (Vientiane Times, 24/01/2020)
Lào tiến hành biện pháp kiểm soát giá thịt lợn đang gia tăng
Ngày 2/1/2020, theo Vientiane Times, chính quyền Viêng Chăn đang kiểm soát chặt chẽ giá thịt lợn đang tăng nhanh, ảnh hưởng đến tiêu dùng hàng ngày của người dân. Theo Sở Công Thương Viêng Chăn, các cơ sở cung cấp thịt lợn bán với giá 36.000 Kíp/kg, nhưng thương lái bán với giá 40.000 Kíp/kg trên toàn thị trường Viêng Chăn. Giá thịt lợn gia tăng mạnh trong vài tuần trước do thiếu nguồn cung. Các cơ sở cung cấp thịt lợn chính ở Viêng Chăn như Công ty TNHH CP Lào, Betagro Lao cho biết họ vẫn cung cấp đủ nhu cầu thịt lợn trên thị trường. Thịt lợn là một trong những mặt hàng do Chính phủ kiểm soát giá. Gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã làm chết hàng nghìn con lợn, dẫn đến việc cung cấp không đủ nhu cầu thị trường. Tại Lào, ổ dịch này bắt đầu tại tỉnh Saravan.
Dự kiến, sẽ có báo cáo chi tiết gửi lên chính quyền Viêng Chăn trong thời gian sớm nhất, sau đó sẽ được trình lên Chính phủ để sớm có giải pháp. Hiện giá thịt lợn cũng đang tăng tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. (Vientiane Times, 2/1/2020)
Rút giấy phép các dự án du lịch để mở đường xây dựng đặc khu kinh tế
Ngày 10/01/2019, Chánh Văn phòng Chính quyền tỉnh Champassak Boualy Phetsongkham cho biết, Chính quyền tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép đã cấp cho các dự án du lịch để lấy đất xây dựng đặc khu kinh tế Maha Nathi Sithandone.
Tỉnh trưởng Champassak Bounthong Divixay gần đây đã ký ban hành quyết định thu hồi giấy phép dự án cấp năm 2011 cho một nữ doanh nhân để xây dựng các cơ sở vật chất tại các thác nước Khonphapheng và Somphamith. Quyết định của tỉnh trưởng cũng hủy bỏ hợp đồng ký năm 2012 cho phép một nhóm các nhà đầu tư xây dựng công viên gần 02 thác nước và cho phép thu phí vào cửa tại thác nước Khonphapheng. Ông Bouly cho biết, việc thu hồi giấy phép các dự án này nhằm mở đường cho việc phát triển dự án của Chính phủ. Các cơ quan chức năng đã làm việc với các nhà đầu tư địa phương và họ đồng ý tuân thủ chính sách của Chính phủ. Các nhà đầu tư này sẽ được đền bù cho những thiệt hại về các cơ sở dịch vụ và nhà cửa đã xây dựng, bao gồm các nhà hàng theo quy định hiện hành của nhà nước.
Năm 2018, Chính phủ Lào, Công ty TNHH Đầu tư Maha Nathi Sithandone (Hongkong) và Công ty NHHH Xây dựng Cầu Đường LTV đã ký thỏa thuận về việc phát triển Đặc khu Kinh tế Maha Nathi Sithandone trên diện tích 9.846 ha trên các đảo tại huyện Khong. Tổng mức đầu tư dự kiến là 9 tỷ USD được chia thành 06 giai đoạn từ 2018-2050. (Vientiane Times, 13/01/2020)
Quỹ Bảo vệ môi trường giúp tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên
Ngày 14/01/2020, thỏa thuận tài trợ kinh phí đã được ký kết giữa Phó Chủ tịch Quỹ Bảo vệ Môi trường Bounphama Photisane và Giám đốc Sở Nông Lâm các tỉnh Viêng Chăn, Borikhamxay, Khammuan, Xiêng Khoảng, Luang Prabang và Savannakhet. Theo đó, Quỹ Bảo vệ Môi trường sẽ cung cấp 10,122 tỷ Kíp cho công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở 06 tỉnh trọng điểm.
Dự án 01 năm sẽ phối hợp với Học viên Chính trị và Hành chính Quốc gia nhằm tăng cường quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tác động xã hội, đồng thời xây dựng năng lực bảo vệ môi trường trên thực địa. Các hoạt động của dự án sẽ tập trung vào các địa bàn trọng điểm rừng đầu nguồn ở 06 tỉnh; cải tiến công tác bảo vệ môi trường thông qua việc cung cấp dữ iệu và thông tin, nâng cao nhận thức của công chúng, giáo dục người dân về tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống hàng ngày. Các mục tiêu của dự án bao gồm hỗ trợ thực thi nghiêm các chính sách, quy định pháp luật về môi trường, đồng thời tăng cường quản lý rừng ở các địa phương. Các sáng kiến này sẽ hỗ trợ chương trình cải cách của Chính phủ nhằm cải tiến quản lý môi trường một cách bền vững và có hiệu quả.
Quỹ Bảo vệ Môi trường được thành lập năm 2005 là cơ quan tự chủ tài chính nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng ở Lào. (Vientiane Times, 17/01/2020)
Chính phủ ban hành quy định mới về quản lý nhập khẩu phương tiện
Ngày 27/12/2019, Thủ tướng Thongloun Sisoulith ký ban hành một Chỉ thị mới phân định rõ ràng các loại hình kinh doanh khác nhau: xuất nhập khẩu phương tiện, đại lý và các nhà máy lắp ráp, hướng đến quản lý có hiệu quả hơn số lượng ngày càng tăng các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, bán và lắp ráp phương tiện ở Lào. Chỉ thị được Bộ Công Thương đăng tải trên trang web http://www.laotradeportal.gov.la ,
Theo đó, một công ty muốn hoạt động 3 loại hình kinh doanh này phải có 3 giấy phép từ Bộ Công Thương. Trước đây, một số công ty đã sử dụng một giấy phép để vừa nhập khẩu và bán phương tiện. Công ty có giấy phép xuất nhập khẩu ô tô có thể hoạt động chỉ bán buôn trong khi có hai giấy phép có thể hoạt động cả bán buôn và bán lẻ.
Một công ty có giấy phép lắp ráp phương tiện chỉ có thể nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp và bán sản phẩm hoàn thành cho khách hàng theo hình thức bán buôn. Nếu công ty muốn bán lẻ thì phải có giấy phép bán hàng đại lý.
Một trong những yêu cầu chính là một công ty muốn có giấy phép xuất nhập khẩu phương tiện phải đăng ký vốn ít nhất 4 tỷ Kíp cho phương tiện 3 bánh và 5 tỷ Kíp cho phương tiện 4 bánh.
Một doanh nghiệp muốn kinh doanh phân phối ô tô phải có vốn đăng ký ít nhất 1 tỷ Kíp cho xe ô tô 3 bánh và 5 tỷ Kíp cho xe ô tô 4 bánh.
Các công ty đã có giấy phép trước khi chỉ thị có hiệu lực, có một năm để đáp ứng yêu cầu của chỉ thị mới. (Vientiane Times 09/01/2020)
Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương cần quản lý các SEZ tốt hơn để tối đa hóa lợi ích
Ngày 14/1/2020, tại Viêng Chăn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KHĐT Lào Sonexay Siphandone đã chủ trì cuộc họp thường niên về phát triển và quản lý các đặc khu kinh tế và khu kinh tế chuyên biệt (SEZs) nhằm tìm biện pháp cải thiện việc quản lý SEZs trên toàn quốc để mang lại lợi ích tối đa cho Chính phủ, các nhà đầu tư, chủ thầu, công nhân và cộng đồng tại địa phương SEZs. Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, SEZs có đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế của Lào trong những năm qua nhờ thực hiện việc nộp thuế và các nghĩa vụ khác, tuy nhiên cần ưu tiên quản lý đặc biệt một số lĩnh vực để tối đa hóa lợi ích của các bên liên quan; khuyến nghị năm nay cần áp dụng một số biện pháp như tăng số lượng nhân công địa phương, quản lý hiệu quả về môi trường, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương quanh khu vực SEZ; nhấn mạnh việc hỗ trợ cho các chủ thầu khu kinh tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Lào; kêu gọi chính quyền các địa phương SEZ và Cục Khuyến khích đầu tư, Bộ KHĐT cần kiểm điểm, đánh giá các thỏa thuận ký kết với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo thực hiện phù hợp; nhấn mạnh cần vận hành hợp lý Cảng cạn Savannakhet tại Khu kinh tế Savan C như một trung tâm logistics điển hình phục vụ xuất nhập khẩu.
Theo ông Champa Kham-souksay, Chánh Văn phòng quản lý và xúc tiến SEZ, năm 2019, có 202 công ty đăng ký hoạt động, trong đó 193 công ty thuộc sở hữu nước ngoài, 5 công ty là liên doanh giữa công ty trong nước và nước ngoài, 4 công ty của Lào, các công ty này có tổng vốn đăng ký là trên 629,67 triệu USD và vốn đầu tư là trên 1,4 tỷ USD, đóng góp tổng số là 122,09 tỷ Kíp cho Chính phủ, tổng giá trị xuất khẩu từ các SEZ đạt 394,4 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu của các đặc khu chủ yếu gồm thiết bị điện tử, thiết bị ô tô, còn nhập khẩu chủ yếu là máy móc, vật liệu thô, vật liệu xây dựng phục vụ phát triển hạ tầng. Theo kế hoạch, năm 2020, SEZs trên toàn quốc sẽ thu hút khoảng 21.288 công nhân làm việc, mục tiêu tổng thu thuế cho Chính phủ đạt khoảng 151,46 tỷ Kíp, nhập khẩu khoảng 719,42 triệu USD, xuất khẩu khoảng 426,71 triệu USD.
Hiện toàn quốc có 12 đặc khu kinh tế với tổng số 806 công ty hoạt động. (Vientiane Times, 15/1/2020)
Xuất khẩu Lào cần đáp ứng nhiều điều kiện hơn dù Trung Quốc giảm thuế quan nhập khẩu
Báo Vientiane Times ngày 6/1/2020 đưa tin, các doanh nghiệp Lào sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện liên quan đến nhập khẩu và đàm phán thương mại với Trung Quốc mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế quan nhập khẩu. Lào sẽ gặp khó khăn hơn để có thể đáp ứng các quy định của Trung Quốc, đặc biệt là các quy định liên quan đến chất lượng và hạn mức nhập khẩu, hạn mức chỉ được cấp thông qua Công ty Trung Quốc đại diện. Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu là cơ hội đối với hàng hóa của Lào có thể thâm nhập vào thị trường lớn.
Ngày 01/01/2020, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo giảm thuế nhập khẩu đối với thịt lợn, bơ, nước hoa quả đông lạnh, phụ tùng ô tô, giảm từ 12% xuống 8% và hơn 150 loại sản phẩm thiết bị, phụ tùng và vật liệu thô khác. Ngày 01/7/2020, Trung Quốc sẽ giảm thuế quan đối với sản phẩm công nghệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghệ kỹ thuật cao và tăng hiệu quả cơ cấu công nghiệp. Ưu tiên miễn thuế đối với các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế từ 5 và 6,5% xuống còn 0% nhằm làm giảm giá thành sản phẩm để đáp ứng công tác chữa bệnh. (Vientiane Times, 6/1/2020)
Tỷ giá đồng Kíp dao động do nhập khẩu tăng
Báo Vientiane Times ngày 9/1/2020 đưa tin, giá trị đồng Kíp biến động hàng ngày so với các ngoại tệ USD và Baht Thái tại các Ngân hàng thương mại Lào do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng cao.
Ngày 7/1/2020, Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) mua vào với giá là 8.865 Kíp/1 USD, bán ra với giá là 8.883 Kíp. Ngày 8/1/2020, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) ban hành tỷ giá chính thức giữa đồng Kíp/USD là 8.864 Kíp/1 đôla Mỹ để các ngân hàng thương mại và các điểm thu đổi ngoại tệ tại Lào tham chiếu; ngay trong ngày Ngân hàng Ngoại thương đã điều chỉnh giá mua vào tăng lên 8.868 Kíp/USD, giá bán là 8.886 Kíp.
Theo Thống đốc BOL ông Sonexay Sithphaxay, sự khác nhau về tỷ giá hối đoái giữa nguồn chính thức và tỷ giá thị trường là do gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Năm 2019, BOL đưa ra biên độ chênh lệch giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá thị trường không vượt quá 2%, nhưng trong 11 tháng đầu của năm 2019, chênh lệch này là 3,3%. Năm 2020, BOL sẽ cố gắng giữ biên độ dưới 5% để đồng Kíp không thấp hơn 8.800 Kíp/1 USD. Do vậy, việc phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan liên quan là rất cần thiết nhằm tìm giải pháp giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu, cân bằng cán cân thâm hụt thương mại. BOL sẽ tiếp tục làm việc với Bộ KHĐT tìm cách khắc phục bất cập trong quá trình thanh toán ở nước ngoài đối với các dự án đầu tư thực hiện tại Lào. (Vientiane Times, 9/1/2020)
Các cơ quan Chính phủ Lào tìm giải pháp sử dụng hiệu quả vốn ODA
Ngày 13/1/2020, tại thủ đô Viêng Chăn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KHĐT Sonexay Siphandone chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành của Lào để thảo luận dự thảo xây dựng chiến lược thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đến năm 2030, đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn ODA nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ ý kiến về công tác quản lý sử dụng ODA trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công theo tiêu chí tăng trưởng xanh, tầm nhìn đến năm 2030. Phó Thủ tướng Sonexay cho biết, hiện nay nguồn lực phát triển quốc gia bị hạn chế bởi hàng loạt các nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế không đồng đều, mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững, bất bình đẳng gia tăng, nợ công ở mức cao, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, nguồn lực tài chính cho phát triển đã sẵn có cả về quy mô và năng lực của hệ thống tài chính. Trọng tâm sắp tới sẽ là phân bổ tài chính từ trung ương đến địa phương cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, cải thiện quy hoạch, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030. Ngoài ra, Chính phủ sẽ chú trọng cải thiện vấn đề dinh dưỡng, phát triển năng lực và trình độ của nhân viên y tế, đồng thời nâng cấp trang thiết bị y tế và cơ sở chăm sóc sức khỏe, chú trọng các sáng kiến nhằm tăng cường chất lượng tăng trưởng xanh bền vững như thiết lập các hệ thống kiểm soát và cơ chế báo cáo về tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường. (Vientiane Times, 14/1/2020)
HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM |
Lào, Việt Nam củng cố quan hệ, ký kết các thỏa thuận hợp tác
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Lào, nhận lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã đến Hà Nội đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban Liên Chính phủ (UBLCP) Lào – Việt Nam trong thời gian từ 2-4/01/2020.
Tại kỳ họp, hai bên đã đánh giá và hài lòng trước các kết quả triển khai Chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ trong năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực, theo đó, quan hệ chính trị - đối ngoại ngày càng gắn bó, tin cậy thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Hợp tác quốc phòng – an ninh ngày càng chặt chẽ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước. Hợp tác kinh tế có nhiều tiến triển tích cực, trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 vượt mốc 1 tỷ USD, đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 12,7%. Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 413 dự án tại Lào với tổng giá trị trên 4,2 tỷ USD, xếp thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào. Một số dự án kết nối giao thông chiến lược đang được tích cực triển khai. Hợp tác giáo dục – đào tạo được đẩy mạnh; số lượng học bổng của Việt Nam dành cho Lào ngày càng tăng, đưa tổng số lưu học sinh Lào tại Việt Nam lên khoảng 17.000 người hiện nay.
Hai bên nhất trí cao về phương hướng hợp tác trong năm 2020, trong đó tập trung vào việc tăng cường các trụ cột hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng và an ninh; tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; phối hợp rà soát, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, phấn đấu đưa kim ngạch thuong mại song phương năm 2020 tăng ít nhất 10-15%; tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, nhất là trong hợp tác giao thông, năng lượng, quản lý sử dụng bền vững nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác; phối hợp xây dựng Chiến lược hợp tác giữa hai nước trong 10 năm tới.
Trong khuôn khổ kỳ họp, Thủ tướng Thongoun Sisoulith và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác năm 2020 giữa Chính phủ CHDCND Lào và Chính phủ CHXHCN Việt Nam; Biên bản Kỳ họp lần thứ 42 của UBLCP Lào – Việt Nam; Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa hai nước; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Công Chính và Vận tải Lào; Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giáo dục năm 2020 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; Hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy thủy điện Nậm Kông 2, 3 và Nậm Y-mun giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty TNHH Năng lượng Chaleun Sekong; Hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy thủy điện Nậm San 3 A, 3B thuộc cụm thủy điện Nậm Mô giữa EVN và Tập đoàn Phongsapthavi; Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư nghiên cứu nhà máy điện than 2000 MW tại tỉnh Khammuon giữa Công ty TNHH Quản lý đầu tư xây dựng HT và Công ty TNHH phát triển điện lực và bất động sản Lanexang Lào. (ĐSQ VN tại Lào, Vientiane Times, 06/01/2020)
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2019
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào năm 2019 đạt 1,162,669,429 USD, tăng 12,7% so với năm 2018. Trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 700.843.261 USD, tăng 17,7% so với năm 2018. Hàng rau quả tiếp tục tăng mạnh 655% đạt gần 78,8 triệu USD (tăng rất mạnh kể từ tháng 9 trở lại đây ở mức hơn 1.000%, hơn 1.500%, hơn 1.700% và hơn 1.100% tương ứng); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 80% đạt gần 17 triệu USD. Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 45,2% đạt gần 7,5 triệu USD; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 35,9%, đạt gần 4 triệu USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 33,3% đạt gần 40 triệu USD; Phân bón các loại tăng 30,8% đạt hơn 19 triệu USD; Clanhke và xi măng tăng 26,9% đạt 12,7 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo tăng 24,7% đạt gần 14 triệu USD. Sản phẩm từ sắt thép tăng mạnh trong tháng 12 (80,2%), tăng 13,5 cả năm đạt 41,3 triệu USD; hàng hóa khác tăng 62% đạt gần 170 triệu USD.
Gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép các loại đã quay đầu giảm nhẹ 0,4% và 0,7% đạt 46,9 triệu USD và 86,5 triệu USD tương ứng.
Một số mặt hàng khác tiếp tục duy trì đà giảm: xăng dầu giảm 27,3% (giảm liên tục từ đầu năm) đạt 73,6 triệu USD; cà phê giảm 22,2% đạt 8,5 triệu USD; dây điện và cáp điện giảm 18,9% đạt 7,1 triệu USD; sản phẩm từ hóa chất giảm 17% đạt 4,6 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 4,9% đạt 54,9 triệu USD
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 461.826.168 triệu USD, tăng 5,7% so với năm 2018.
Các mặt hàng duy trì đà tăng là: gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng khá 64,4% đạt 54,8 triệu USD; cao su tăng 37% đạt hơn 123,1 triệu USD. phân bón các loại tăng 22,5% đạt hơn 54 triệu USD; Quặng và khoáng sản giảm nhẹ 2,2% đạt hơn 26 triệu USD.
Mặt hàng tiếp tục có mức giảm: kim loại thường giảm khá mạnh 58,6% đạt 1,95 triệu USD; hàng rau quả giảm 51,3% đạt hơn 9 triệu USD. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
Lào-Việt Nam hợp tác về tư pháp
Ngày 08/01/2020, tại thủ đô Viêng Chăn, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lào Khamxan Souvong và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Việt Nam Lê Minh Trí đã ký kết Hiệp ước về hỗ trợ Tư pháp chính thức giữa hai nước CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam. Tham dự lễ ký có Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.
Tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lào Khamxan Souvong cho biết, việc ký kết Hiệp ước này là bước tiến quan trọng trong phát triển hợp tác về pháp luật đối với lĩnh vực tư pháp; cơ chế hợp tác chuyên sâu trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trao đổi thông tin liên quan đến pháp luật, các bài học chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hai bên về công tác an ninh, trật tự, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và tăng cường mở rộng mối quan hệ vĩ đại, tình hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Đặc biệt, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với các Viện Kiểm sát địa phương có chung đường biên giới giữa hai nước Lào-Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác bền vững, có chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực. (Báo KT-XH, 09/01/2020)
Lào, Việt Nam sẽ thêm cửa khẩu quốc tế giữa hai nước
Báo Vientiane Times ngày 02/01/2020 đưa tin, Lào, Việt Nam đang chuẩn bị nâng cấp một số cửa khẩu chính giữa hai nước thành cửa khẩu quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế qua lại thăm quan du lịch các tỉnh khu vực phía Bắc và phía Nam của hai nước.
Theo dự kiến, trong quý I năm 2020 sẽ nâng cấp 02 cặp cửa khẩu Pa Hang (Huaphanh)-Long Sap (Sơn La) và Dak Ta Oc (Sekong) -Nam Giang (Quảng Nam). Việc nâng cấp các cặp cửa khẩu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài có thể đến Lào từ Việt Nam qua bất kỳ tỉnh nào có đường biên giới. (Vientiane Times, 02/01/2020)
Tập đoàn Phongsubthavy và EVN của Việt Nam ký những thỏa thuận mua bán điện
Ngày 04/01/2020, tại Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên chính phủ Lào-Việt tại Hà Nội, Tập đoàn Phongsubthavy của Lào và Tập đoàn Điện lực của Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPAs) liên quan đến nhà máy thủy điện Nam San 3A và 3B dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Nhà máy thủy điện Nam San 3A và 3B, có tổng công suất lắp đặt là 114 MW, với tổng lượng điện sản xuất là 596 KWh/năm (trong đó: Nam San 3A là 364 triệu kWh/năm và Nam San 3B là 232 triệu kWh/năm). Hai nhà máy này nằm trong số 11 nhà máy thủy điện của Cụm dự án thủy điện Nặm Mô do Tập đoàn Phongsubthavy đầu tư phát triển và xuất bán điện cho Việt Nam.
Theo thỏa thuận, hệ thống đường truyền tải điện 220 KV sẽ được hai bên cùng đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022; trong đó, Tập đoàn Phongsubthavy chịu trách nhiệm xây dựng phần truyền tải trên lãnh thổ Lào và phần tại Việt Nam sẽ do Tập đoàn điện lực Việt Nam xây dựng. (Vientiane Times, 08/01/2020)
HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC |
Lào-Trung Quốc
Thủ tướng Chính phủ Lào thăm chính thức Trung Quốc
Từ ngày 05-09/01/2020, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cùng đoàn đại biểu Lào sang thăm chính thức Trung Quốc nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đối tác chiến lược toàn diện lâu dài giữa hai nước, theo phương châm 04 chữ vàng "Đồng chí tốt-Bạn bè tốt-Láng giềng tốt và Đối tác tốt" và triển khai chiến lược khung Đối tác cùng chung vận mệnh mà hai Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ký kết vào tháng 4/2019 vừa qua. Thủ tướng Thongloun đã cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành cho Đoàn và gửi lời chúc tốt đẹp nhất nhân sự kiện kỷ niệm tròn 70 năm ngày thành lập nước CHDCND Trung Hoa và 40 năm cải cách và mở cửa.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Lý Khắc Cường có cuộc hội đàm chính thức. Tại hội đàm, hai bên đã đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước; tình hình hợp tác giữa hai nước trong năm 2019 và thảo luận về việc triển khai Chiến lược khung "Cùng chung vận mệnh xã hội chủ nghĩa Lào-Trung" thành văn kiện hợp tác giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác giữa hai Đảng và Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn mới. Thủ tướng Thongloun đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung Quốc dành cho Lào trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư phát triển; các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Lào triển khai đúng tiến độ; đến nay, một số dự án quy mô lớn quan trọng đã dần hoàn thành, tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung đạt 85% khối lượng, tuyến đường bộ cao tốc Viêng Chăn-Văng Viêng đạt được 50% theo kế hoạch đề ra. Hai Thủ tướng đã trao đổi và thống nhất năm 2021 sẽ tổ chức kỷ niệm tròn 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Lào-Trung Quốc và ấn định đó là năm Hữu nghị Lào-Trung. Kết thúc buổi tọa đàm, hai Thủ tướng đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn tới.
Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng Thongloun tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư hai nước vào ngày 07/01/2020 tại thủ đô Bắc Kinh và mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc sang Lào để sản xuất hàng hóa, tạo nguồn hàng khi các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt Lào-Trung hoàn thành vào năm 2021. (Báo KT-XH, 08/01/2020)
Lào đề xuất 10 dự án mới trong 04 lĩnh vực kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển
Ngày 13/01/2020, báo KT-XH đưa tin, hiện nay có nhiều dự án đầu tư phát triển của tư nhân Lào đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên để hoàn thành và đạt được hiệu quả cần có sự hợp tác của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia nhằm tăng khả năng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, khi tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung được hoàn thành vào năm 2021.
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Lào-Trung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith từ ngày 05-09/01/2020, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Thanongsin Kanlaya cho biết, hiện nay thành viên của Hội đồng đang triển khai 10 dự án, kêu gọi sự hợp tác của các đối tác có tiềm năng Trung Quốc cùng đầu tư phát triển, trong đó bao gồm: dự án về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch tại thủ đô Viêng Chăn, với diện tích 100 ha cần hỗ trợ về kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm; dự án chăn nuôi bò thịt xuất khẩu tại tỉnh Bokeo và Luangnamtha cần hợp tác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng khoảng 500.000 con; dự án trồng khoai lang để xuất sang Trung Quốc và thị trường nước ngoài; dự án phát triển các điểm du lịch tại các tỉnh Luangnamtha, thủ đô Viêng Chăn (4.000 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD), Saysomboun (khu du lịch sinh thái, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD)…; các dự án về bất động sản và xây dựng khu nhà ở…; các dự án thủy điện quy mô nhỏ đang đầu tư phát triển nhưng thiếu vốn; một số dự án thủy điện có quy mô từ 62 MW, 120 MW cần nhà đầu tư góp vốn cùng phát triển…, dự án nhiệt điện tại tỉnh Khammuon; và một số dự án phát triển khác đang triển khai, cần huy động thêm nguồn lực.
Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Lào là đơn vị kết nối các nhà đầu tư Trung Quốc có nhu cầu đến với các doanh nghiệp Lào đang cần sự hợp tác phát triển dự án. (Báo KT-XH, 13/01/2020)
Lào, Trung Quốc sẽ thanh toán trực tiếp trong thương mại và đầu tư bằng đồng tiền Kíp và CNY
Ngày 06/01/2020, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng trung ương Lào Sonexay Sithphaxay và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang ký kết Thỏa thuận hợp tác tiền tệ song phương giữa hai nước Lào-Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân chuyến thăm tới Trung Quốc của Thủ tướng Thongloun Sisoulith, tạo thuận lợi cho việc giao dịch thanh toán trực tiếp trong thương mại và đầu tư bằng đồng Kíp Lào (LAK) và đồng Nhân dân tệ (CNY), theo quy định pháp luật hai nước.
Các nhà phân tích cho rằng, việc sử dụng đồng tiền bản địa của Lào (Kíp) và Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đưa vào thanh toán trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại mỗi nước sẽ là cơ hội tốt nhất cho môi trường thương mại và đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tại Lào của các nhà đầu tư từ Trung Quốc để xuất trở lại thị trường chính quốc, đáp ứng nhu cầu cần thiết của thị trường và có thể mang lại lợi ích cho Lào trong chính sách đa dạng hóa tiền tệ, giảm nhu cầu về đồng USD, Bath Thái mà Lào đang gặp nhiều khó khăn trong việc bình ổn tỷ giá giữa đồng tiền Kíp với các đồng ngoại tệ trên do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng của Lào.
Một quan chức Trung Quốc cho biết, Trung Quốc hiện là nước đầu tư lớn nhất tại Lào, giá trị thương mại tăng lên nhanh chóng trong những năm qua và dự kiến sẽ tăng mạnh sau khi tuyến đường sắt Lào- Trung đi vào hoạt động năm 2021, việc ký kết thỏa thuận trên sẽ làm giảm chi phí giao dịch thương mại giữa hai nước do không phải chuyển đổi sang đồng ngoại tệ trung gian khác.
Trả lời phóng viên báo KT-XH, Quyền Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào Liber Buapao cho rằng, đây là cơ hội rất tốt đối với đồng Kíp và góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư từ Trung Quốc sang Lào nhiều hơn khi sử dụng thanh toán bằng đồng bản địa của mỗi nước được thuận lợi, sẽ giảm áp lực nhu cầu thanh toán bằng đô la Mỹ và đồng Baht Thái xuống. Tuy nhiên, theo ông Liber, đến thời điểm thực hiện hiệp định, Lào sẽ đối mặt với sự thiếu hụt về đồng CNY do Trung Quốc là đối tác thương mại và có số dự án đầu tư đứng thứ 1 tại Lào, hiện nay, Lào đang mất cân đối cán cân thương mại với Trung Quốc; đồng thời điểm đó, ngoài lượng tiền CNY chảy vào Lào thông qua việc xuất khẩu còn có cả lượng tiền chảy vào thông qua đầu tư, du lịch và từ nguồn vốn viện trợ của Trung Quốc cho Lào, sẽ có phát sinh hoạt động trao đổi tiền CNY bên ngoài hệ thống ngân hàng, việc lưu thông đồng CNY trên thị trường sẽ nhiều hơn, tạo áp lực cho đồng Kíp. Chính phủ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động trao đổi tiền tệ, bắt buộc thông qua hệ thống ngân hàng; đồng thời, cần tập trung thúc đẩy sản xuất hàng hóa nội địa để xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang thị trường Trung Quốc.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế, BOL cho biết, việc thực hiện thỏa thuận trên chưa xác định thời gian cụ thể, tuy nhiên, đây là sự nỗ lực cố gắng của hai hệ thống ngân hàng Lào và Trung Quốc trong việc thúc đẩy quan hệ giữa các ngân hàng thương mại hai nước nhằm khuyến khích sử dụng thanh toán bằng đồng bản địa, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư hai nước. (Vientiane Times, 13/1/2020, Báo KT-XH, 16/01/2020)
Tiến độ xây dựng tuyến đường sắt Lào – Trung đến cuối năm 2019
Theo báo cáo tại hội nghị thường niên của Công ty Đường sắt Lào – Trung Quốc (LCRC) tổ chức ngày 06/01/2020 tại Viêng Chăn, trong năm 2019, dự án đường sắt Lào – Trung đã thực hiện được 6,8 tỷ NDT, tương đương 49,8% tổng mức đầu tư dự án.
Tại hội nghị, Tổng giám đốc LCRC bày tỏ tự tin rằng công ty sẽ hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2020. Đến thời điểm cuối năm 2019, 170 Km đường hầm đã được hoàn thành, chiếm 86,5% tổng số chiều dài đường hầm dự kiến. 52 đường hầm trong tổng số 75 đường hầm trên toàn tuyến đã hoàn thành, bao gồm đường hầm dài nhất – 9.384 m là đường hầm núi Phangam, hoàn thành vượt tiến độ. Trên 36 Km cầu đã hoàn thành, chiếm 59,3% tổng số chiều dài cầu trên toàn tuyến; 97,3% khối lượng san lấp đất đá đã được hoàn thành; 78,7% nền móng nhà ga đã được xây dựng; hiện nay, những Km đường ray đầu tiên đang được lắp đặt. Tính đến cuối tháng 11/2019, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 406,8 Km, tương đương 99,59% trong tổng số 409,80 Km yêu cầu bàn giao mặt bằng.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý Dự án Khampian Inthaleasa nhấn mạnh, tuyến đường sắt là dự án hợp tác giữa Chính phủ Lào và Trung Quốc. Đây là biểu tượng của quan hệ truyền thống, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đồng thời là một phần trong chiến lược của Lào nhằm biến một nước không có biển thành quốc gia kết nối đất liền, và là một bộ phận trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Tuyến đường sắt có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với cả hai nước, việc xây dựng đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ kế hoạch, an toàn và tiêu chuẩn môi trường. (Vientiane Times, 07/01/2020)
Lào-Thái Lan
Tuyến đường 4B nối từ Xayabuly đi Luang Prabang đã hoàn thành
Ngày 14/01/2020, tuyến đường số 4B nối từ huyện Hongsa, tỉnh Xayabuly đến bản Xiengmen, huyện Chomphet, tỉnh Luang Prabang đã hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Tham dự lễ thông xe có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Somdy Duangdy, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Bounchanh Sinthavong, Chủ tịch tỉnh Luang Prabang và Tổng Giám đốc đơn vị nhận thầu thi công.
Tuyến đường 4B là tuyến quốc lộ, được đầu tư xây dựng từ 04/8/2015, từ nguồn vốn NEDA Chính phủ Thái Lan, với tổng mức đầu tư là 60 triệu USD, trong đó có 20% là vốn viện trợ không hoàn lại, còn lại là vay với lãi suất ưu đãi. Theo kế hoạch, tuyến đường này sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian 32 tháng, tuy nhiên do gặp vướng mắc trong việc di dời, giải phóng mặt bằng, nên tiến độ bị chậm hơn 12 tháng. Đường được thảm bê tông nhựa 2 lớp, có chiều rộng 09 m và qua 08 cầu xây dựng mới.
Việc hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường 4B sẽ thuận lợi thông thương hàng hóa, du lịch giữa hai tỉnh Xayabuly và Luang Prabang, giữa Thái Lan với khu vực các tỉnh Bắc Lào, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Xayabuly và Luang Prabang trong thời gian tới. (Báo KT-XH, 15/01/2020)
Thái Lan cung cấp 1,38 tỷ Baht để xây dựng cầu mới
Ngày 17/01/2020, tại Viêng Chăn, thỏa thuận về việc tài trợ xây dựng cầu thứ 5 bắc qua sông Mekong, nối tỉnh Bung Kan của Thái Lan với huyện Pakxan, tỉnh Borikhamxay đã được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Ubonpaseuth và Chủ tịch NEDA (Cơ quan Hợp tác Phát triển Kinh tế với Nước láng giềng) Thái Lan Perames Vuthinornetiuraks. Theo đó, Chính phủ Thái Lan sẽ cung cấp khoản tài trợ trị giá 1,38 tỷ Baht (trên 414 tỷ Kíp) thông qua NEDA để hỗ trợ phía Lào xây dựng cầu.
Cây cầu có chiều dài 1.350 m sẽ được xây dựng ở địa điểm cách Pakxan, thị xã tỉnh Borikhamxay khoảng 10 km về phía Bắc và cách Quốc lộ 13 Nam 2,5 km. Đây được xem là điểm kết nối giao thông quan trọng nhằm tăng cường thương mại và đầu tư giữa Lào, Thái Lan và Việt Nam. Từ tỉnh Bung Kan của Thái Lan, xe ô tô sẽ chạy khoảng 150 km đến tỉnh Nghệ An, Việt Nam dọc theo Quốc lộ số 8 ở tỉnh Borikhamxay, nối với Hà Nội, Đà Nẵng và các vùng khác của Việt Nam. Nghiên cứu khả thi xây dựng cầu thứ 5 này cho thấy, việc xây dựng cầu sẽ giúp phát triển Borikhamxay thành trung tâm trung chuyển giao thông và thương mại. (Vientiane Times, 20/01/2020)
Lào-Campuchia
Lào chuẩn bị truyền tải điện sang Campuchia
Ngày 13/01/2020, theo Vientiane Times, Lào đã tạo điểm kết nối cung cấp 195 MW điện sang Campuchia sau khi hợp đồng mua bán điện giữa hai nước được ký kết.
Lễ khai trương điểm kết nối đã được chính thức tổ chức với sự tham dự của Phó Tổng Giám đốc Công ty điện lực Lào (EDL) Duangsy Pharanhok và Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Campuchia Praing Chulasa và đại diện của Công ty điện Don Sahong. Điện sẽ được truyền tải từ nhà máy thủy điện Don Sahong, tỉnh Champassak sang trạm điện Stung Treng, Campuchia qua đường dây 500 KV và mạng lưới điện của Campuchia.
Báo cáo của EDL cho biết, theo hợp đồng mua bán điện, Chính phủ Campuchia sẽ mua tổng số 2.900 MW điện từ Lào trong thời gian từ 2020-2027, trong đó, 500 MW sẽ từ các nhà máy thủy điện và 2.400 MW từ nhà máy nhiệt điện than. Đến thời điểm hiện nay, số lượng điện xuất khẩu từ Lào sang Campuchia vẫn ở mức hạn chế, tuy nhiên, với lượng bổ sung 195 MW sẽ tăng đáng kể năng lượng của Lào xuất khẩu sang Campuchia.
Nhà máy thủy điện Don Sahong đã hoàn thành chạy thử nghiệm 04 máy phát điện trong tháng 10/2019 sau khi khởi công xây dựng năm 2016. Tháng 3/2012, EDL đã ký hợp đồng bán 195 MW điện từ nhà máy thủy điện Don Sahong cho Campuchia với giá 7,3 US Cent (620 Kíp)/KWh.
Tháng 9/2019, Lào đã ký MOU về hợp tác phát triển điện lực với Campuchia với tổng số 6.000 MW. Theo đó, Tổng công ty điện lực Lào (EDL), Tổng công ty điện lực Campuchia (EDC) và hai công ty điện than đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng số 2.900 MW, trong đó, EDC đồng ý mua 500 MW điện với giá 7,29 US Cent (620 Kíp)/KWh từ các nhà máy thủy điện do EDL sở hữu; mua 2.400 MW với giá 7,70 US Cent (654 Kíp)/KWh từ các nhà máy nhiện điện than. Trong số 2.400 MW từ các nhà máy nhiện điện than, 600 MW sẽ từ nhà máy nhiệt điện Lanam và 1.800 MW từ nhà máy nhiệt điện Kaleum ở tỉnh Xekong. (Vientiane Times, 13/01/2020)
Lào-Nhật Bản
Lào, Nhật Bản rà soát các dự án phát triển
Ngày 17/01/2020, Chính phủ Lào và Đại sứ quán Nhật Bản tại Lào đã tổ chức hội nghị rà soát danh mục dự án đầu tư tài chính năm 2019 nhằm đánh giá việc thực hiện chương trình các dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Kikeo Chanthaboury, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Keizo Takewada chủ trì hội nghị với sự tham gia của các quan chức hai bên. Hội nghị thường niên đã thảo luận những vấn đề thách thức trong thực hiện các dự án và thống nhất các giải pháp nhằm khơi thông quy trình, cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các dự án rà soát bao gồm dự án mở rộng trạm thủy điện Nậm Ngừm 1, nâng cấp bệnh viện Setthathirath, bệnh viện tỉnh Champassak, xây dựng năng lực hệ thống giao thông đô thị và sáng kiến cải tiến dạy và học toán ở các trường tiểu học.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Kikeo đã nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, tiếp tục giảm nghèo thông qua thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8; Cảm ơn sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong đó có Nhật Bản. Trong nhiều năm, Chính phủ Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển các lĩnh vực khác nhau ở Lào, bao gồm đầu tư, giáo dục, nông nghiệp và y tế.
Hội nghị đã tập trung thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án, đồng thời xác định các ý tưởng và giải pháp nhằm cải tiến quy trình từ khởi động, thực hiện dự án đến quản lý mua sắm, thuế, giám sát và đánh giá dự án. (Vientiane Times, 21/01/2020)
Chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị chính sách cho Lào
Ngày 7/1/2020, theo đề nghị của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong cuộc gặp tháng 5/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cử Nhóm chuyên gia tư vấn sang giúp Lào từ tháng 8/2016 đã công bố Báo cáo kết quả nghiên cứu tình hình kinh tế vĩ mô Lào và đưa ra một số khuyến nghị nhằm ổn định tài chính vĩ mô cho Lào.
Nhóm chuyên gia đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Lào như Bộ Tài chính, BOL… tập trung nghiên cứu về lĩnh vực quản lý nợ, quản lý tài chính, quản lý xuất khẩu tài nguyên, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán, phát triển hệ thống tài chính. Nhóm đưa ra nhiều khuyến nghị giúp Lào ổn định tài chính vĩ mô, phân tích những rủi ro pháp lý, trách nhiệm của chính phủ, quản lý đầu tư công đối với một nước đang phát triển thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn; song song với việc phát triển bền vững, hạn chế phụ thuộc vào nợ nước ngoài.
Các khuyến nghị chính sách trên sẽ được trình lên Thủ tướng Lào vào đầu năm 2020, giúp Chính phủ Lào có thêm lựa chọn chính sách cho Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025. (Vientiane Times, 9/1/2020)
Lào-Mỹ
Mỹ khởi xướng sáng kiến mới nhằm hỗ trợ chống buôn bán người
Ngày 13/01/2020, MOU về dự án hỗ trợ Lào trong công tác phòng chống buôn bán người đã được ký kết tại Viêng Chăn với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Baykham Khatttya và Đại sứ Mỹ tại Lào Rena Bitter. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp khoản tài trợ trị giá 2,3 triệu USD thông qua USAID để thực hiện Chương trình 03 năm Phòng chống buôn người ở Lào (CTIP).
Phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Mỹ tại Lào Rena Bitter cho biết, việc chấm dứt buôn bán người là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Mỹ mong muốn chia sẻ mục tiêu này với các đối tác của Lào. Mỹ tự hào trong việc hợp tác với nỗ lực của Chính phủ Lào trong việc phòng chống buôn bán người và tiếp tục đầu tư cho sự phát triển Lào thành một quốc gia mạnh, thịnh vượng và độc lập. CTIP là chương trình tổng thể nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng trong việc xử lý các trường hợp buôn bán người, giảm tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ, trẻ em và những người bị thiệt thòi dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người; cải thiện điều kiện tiếp cận tới các dịch vụ và cơ hội kinh tế cho các nạn nhân của buôn bán người.
Dự án sẽ do Winrock International thực hiện tại các tỉnh Viêng Chăn, Savanakhet, Champassak và Saravan. Bên cạnh chống buôn bán người, Mỹ sẽ hợp tác với Chính phủ và nhân dân Lào trong việc cải thiện giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng, rà phá bom mìn chưa nổ, tạo điều kiện thuận lợi về thương mại, đầu tư và củng cố pháp quyền. (Vientiane Times, 14/01/2020)
HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ |
Lào-ADB
ADB công bố hỗ trợ tài chính cho Lào
Ngày 10/01/2020, Vientiane Times dẫn nguồn từ website chính thức của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, ADB đã công bố kế hoạch kinh doanh mới, bao gồm việc bố trí nguồn vốn để hỗ trợ phát triển ở Lào trong vài năm tới.
Theo kế hoạch, định chế tài chính có trụ sở tại Manila sẽ dành 322 triệu USD để cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các dự án phát triển tại Lào từ nay đến năm 2022. Một quan chức của Văn phòng ADB Lào cho biết, khoản tiền trên đã sẵn sàng, tuy nhiên, việc giải ngân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ trương của Chính phủ Lào. Số lượng tiền cho vay sẽ phụ thuộc từ các nguồn huy động khác nhau và có thể nhiều hơn con số nêu trên.
Các lĩnh vực ADB quan tâm tài trợ bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân để hỗ trợ tạo việc làm và thu nhập, tăng cường phát triển nguồn nhân lực, quản bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bình đẳng giới và quản trị là những vấn đề liên ngành mà ADB cũng chú trọng. Bên cạnh đó, kế hoạch của ADB cũng sẽ tập trung ưu tiên cho phát triển bền vững và bao trùm phù hợp với Chiến lược 2030 của ADB, nhằm làm cho các thành phố ở Lào trở nên đáng sống hơn thông qua việc giảm khó khăn về cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đô thị.
Đầu tư vào các lĩnh vực trên sẽ là các hoạt động chính nhằm hỗ trợ bình đẳng giới, quản trị tốt, các giải pháp sáng tạo, cải cách chính sách và thể chế. Những dự án này sẽ góp phần đạt các mục tiêu phát triển bền vững ở Lào. (Vientiane Times, 10/01/2020)
Chính phủ dừng việc nhập khẩu phụ tùng xe phải có giấy phép
Ngày 26/12/2019, Bộ Công Thương ban hành một Thông báo mới số 1848/DIH.MOIC chấm dứt một bước yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu phụ tùng phương tiện. Trước đây, các nhà kinh doanh phải thực hiện nhiều thủ tục để có được giấy phép nhập khẩu phụ tùng phương tiện từ Vụ Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (DIH) của Bộ Công Thương.
Điều này để thực thi Chỉ thị của Thủ tướng về cải tiến, phối hợp các quy định và cơ chế cho kinh doanh ở Lào (Chỉ thị số 02/PM ngày 01/02/2018) và Chỉ thị của Thủ tướng về tạo điều kiện xuất nhập khẩu, tạm nhập và quá cảnh hàng hóa ở Lào (Chỉ thị số 12/PM ngày 16/10/2019), hướng đến cải thiện các biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, các công ty có nhà máy sản xuất và lắp ráp phụ tùng phương tiện vẫn phải chuẩn bị kế hoạch năm như trước đây, trình lên DIH trước ngày 10/12 hàng năm và phải được chấp thuận trước khi nhập khẩu phụ tùng.
DIH phối hợp với Vụ Giao thông, Bộ Công chính và Vận tải và Vụ Hải quan, Bộ Tài chính để thực thi chỉ đạo này. (Vientiane Times, 08/01/2020)
BẠN CẦN BIẾT |
Tổng cục Hải quan mở rộng hệ thống thông quan hiện đại
Báo Vientiane Times ngày 3/1/2020 đưa tin, Tổng cục Hải quan Lào dự kiến sẽ mở rộng áp dụng hệ thống thông quan tự động tại các cửa khẩu chính sau khi có kết quả chính thức việc áp dụng tại Cầu Hữu nghị Lào – Thái 1 ở Viêng Chăn. Theo ông Bounpaseauth Sikounlabouth, Quyền Vụ trưởng, Bộ Tài chính, 11 tháng năm 2019 vừa qua, thu thuế thông qua hệ thống tự động tại cửa khẩu này đạt 6,1 tỷ Kíp, chủ yếu từ xăng dầu nhập khẩu, chiếm 39,8% tổng thu, thuế đánh vào xe cộ chiếm 24,9%, hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu chiếm 12,7%. Mặc dù thu thuế không đạt mục tiêu đề ra cho năm 2019, nhưng tổng thu cao hơn so với năm 2018. Nguyên nhân của việc thu thuế không đạt mục tiêu là do tác động của thiên tai, tạm dừng xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu, hạn chế tài chính của một số doanh nghiệp, thiếu ngoại tệ để mua hàng hóa nhập khẩu. Ông này lưu ý rằng, khoảng 90% hàng hóa nhập khẩu theo chính sách xúc tiến đầu tư của Chính phủ và mục đích nhập thiết bị phục vụ sản xuất.
Hệ thống được sử dụng trong dự án thí điểm tại Cầu Hữu nghị Lào – Thái ở Viêng Chăn gồm hệ thống dữ liệu hải quan tự động (Asycuda), thủ tục hải quan đối với các phương tiện (53) và cơ chế một cửa quốc gia Lào, và sẽ được lắp đặt tại các cửa khẩu quốc tế khác. Bộ Tài chính Lào cũng đã chuẩn bị việc sử dụng Hệ thống Một cửa ASEAN cho phép chia sẻ thông tin về nguồn hàng hóa với các nước ASEAN khác và hệ thống hải quan quá cảnh tại 6 trạm kiểm soát hải quan chính. Ông Bounpaseauth cho biết, nhờ có chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ Tài chính, việc ngăn chặn buôn lậu đã được cải cách nhiều thông qua sử dụng hệ thống thông quan hải quan hiện đại. Bộ Tài chính hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và WB cải tiến quản lý rủi ro của hệ thống dữ liệu hải quan tự động (Asycuda) và triển khai dự án Cơ hội doanh nghiệp liên quan đến chứng nhận khởi nghiệp. (Vientiane Times, 3/1/2020)
Triển lãm đồ gỗ Lào tại Viêng Chăn
Ngày 11-19/1/2020, tại Lào ITECC, thủ đô Viêng Chăn, sẽ diễn ra Hội chợ đồ gỗ Lào lần thứ 6, trưng bày sản phẩm của các nhà máy, xưởng sản xuất đồ gỗ trên toàn Lào, trong đó có công ty sản xuất đồ gỗ hàng đầu của Lào là K&B sẽ trưng bày và bán hơn 100 sản phẩm. Sự kiện này được coi là cơ sở cho các doanh nghiệp đồ gỗ trong nước và nước ngoài trưng bày sản phẩm trị giá hơn 12 tỷ Kíp, dự kiến khoảng 150.000 người trong nước và nước ngoài đến tham quan.
Hiệp hội đồ gỗ Lào cho biết sự kiện nhằm thúc đẩy ngành sản xuất đồ gỗ Lào phát triển và tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất gỗ tròn trên thị trường trong nước và nước ngoài, ngoài ra tăng cường nhận thức về việc bảo vệ rừng và quản lý tài nguyên, tăng hiểu biết về giá trị của gỗ và phát triển bền vững trong việc chế biến và kinh doanh gỗ theo tinh thần Nghị định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội chợ được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy sản xuất và mở rộng tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất đồ gỗ Lào, tập trung việc bảo tồn rừng và thúc đẩy sử dụng bền vững đồ gỗ, đồ mây tre cùng với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, là dịp các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng trong việc phát triển sản phẩm để có thể cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Sản phẩm được trưng bày tại hội chợ bao gồm đồ gỗ và đồ thủ công mỹ nghệ, đồ mây tre. (Vientiane Times, 31/12/2019)
EV Lào và EDL phối hợp lắp đặt 100 trạm sạc cho xe chạy điện trong năm 2020
Ngày 10/1/2020, tại Viêng Chăn, ông Anchalit Burananit, Giám đốc quản lý Công ty Xe điện Lào (EV Lào) cho biết, năm trước công ty này đã hợp tác với Tổng Công ty điện lực Lào (EVL) lắp đặt 7 trạm sạc nhằm tăng cường sử dụng nội địa Lào và trong tương lai sẽ lắp đặt thêm trạm sạc tại các điểm công cộng và tư nhân trong thủ đô và trên đường tới các tỉnh Viêng Chăn và Savannakhet. Tháng 8/2019, công ty đã tiến hành một dự án điểm để so sánh chi phí vận hành giữa xe chạy điện và xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Dự án sử dụng một chiếc Nissan Leaf hoạt động xung quanh Viêng Chăn trong 16 ngày, với quãng đường khoảng 680km, thí nghiệm cho thấy một xe chạy điện tiêu tụ 135,7kwh, tốn 150.000 Kíp (1,101 Kíp/kWh), còn một chiếc xe chạy bằng nhiên liệu khác trung bình sẽ tiêu thụ ít nhất 500.000 Kíp. Ông Anchalit lưu ý rằng, mặc dù hiện tại việc mở rộng thị trường xe chạy điện tại Lào là lớn nhưng họ vẫn đang chờ chính sách của Chính phủ Lào trong vấn đề này. Công ty EV Lào dự kiến cung cấp ưu đãi nhiều hơn cho những khách hàng hợp tác với Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) thông qua việc triển khai thẻ sạc hoặc thẻ Jumbo.
Hệ thống xe chạy điện tại Lào đã tiến triển một bước dài khi năm 2019 Bộ Năng lượng và Mỏ đã phê duyệt dự án thí điểm xây dựng các trạm sạc dành cho xe điện. Bộ này đang hợp tác với khu vực tư nhân nỗ lực thúc đẩy sử dụng xe chạy điện tại Lào và hỗ trợ việc đi lại của Chính phủ nhằm giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Lào hiện đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông, một trong những biện pháp hiện thực hóa chính sách của Chính phủ thành hành động đến năm 2025, chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trong lĩnh vực này. (Vientiane Times, 14/1/2020)
Lào ra mắt website đào tạo dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN
Theo báo Vientiane Times ngày 14/1/2020, lĩnh vực du lịch Lào hiện được hỗ trợ truy cập trực tiếp và tải miễn phí website www.imct-training.gov.la` bằng tiếng Lào, thuộc quản lý của Viện Báo chí, Bộ Văn hóa và Du lịch Lào, để tăng cường đào tạo du lịch theo chuẩn cạnh tranh của ASEAN do các doanh nghiệp, giảng viên, viện chuyên ngành du lịch thực hiện.
Theo bà Darany Phommavongsa, Phó Giám đốc Viện Báo chí, website được lập nhằm tăng cường hiểu biết và cập nhật thông tin về các cơ hội đào tạo do Viện tiến hành theo 120 tiêu chuẩn cạnh tranh phổ thông của ASEAN về nghiệp vụ du lịch (ACCSTP), doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của Lào có thể lựa chọn phù hợp với mình. Viện này sẽ cung cấp dịch vụ đào tạo trong cả năm 2020 ở các địa phương khác nhau của Lào. Nội dung các khóa đào tạo do Viện tiến hành chủ yếu về dịch vụ du lịch như an ninh khu vực du lịch, thiết kế ý tưởng các tour du lịch, hỗ trợ khách du lịch, đào tạo hướng dẫn viên du lịch, lựa chọn ẩm thực tại khách sạn/nhà hàng, đào tạo nhân viên khách sạn… Năm 2019, Viện đã đào tạo ở Viêng Chăn và 7 tỉnh khác giúp mở rộng kiến thức cho hơn 400 người của khu vực tư nhân. (Vientiane Times, 14/1/2020)
Giá điện tiêu dùng tăng năm 2020
Bộ Năng lượng và Mỏ đang yêu cầu chính phủ xem xét sửa đổi giá điện năm 2020. Theo đề nghị, giá điện sẽ là 700 Kip/kWh cho tất cả khách hàng. Bộ sẽ đưa ra hệ thống mới trên cơ sở hệ thống dùng thử ban đầu nhưng sẽ xem xét về các mức giá khác nhau cho các khách hàng dùng số lượng điện nhiều hay ít để đảm bảo công bằng. Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, Tiến sỹ Khammany Inthirath, việc thay đổi sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020.
Hiện tại, người tiêu dùng đang thanh toán ở sáu mức giá từ 348 đến 999 kip/kWh. (Lao Phatthana, 27/12/2019)
BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng Ban biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Lê Thị Phương Hoa |