1. Nghiên cứu của Israel về mối liên hệ giữa vắc-xin Pfizer với bệnh máu hiếm gặp
Theo Trung tâm Y tế Shamir, vắc-xin Pfizer có liên quan đến việc tăng khả năng phát triển huyết khối TTP, một rối loạn máu hiếm gặp, một bệnh tự miễn dịch khiến hình thành cục máu đông tại các cơ quan trong cơ thể. Các cục máu đông có thể ngăn chặn hoặc hạn chế dòng máu đến các cơ quan quan trọng như não, thận, tim, dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Viện Huyết học của Trung tâm Y tế Shamir đưa ra cảnh báo sau khi ghi nhận sự gia tăng đột ngột các ca TTP – 4 trường hợp trong vòng 1 tháng thay vì 2-3 trường hợp mỗi năm trước đây. Nhóm nghiên cứu cho biết đã tìm thấy “mối liên hệ theo trình tự thời gian” giữa việc tiêm vắc-xin và sự khởi phát các triệu chứng của bệnh. Bệnh xuất hiện trên cả bệnh nhân mới và bệnh nhân cũ tái phát.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo những người đã tiêm vắc-xin TTP chỉ được tiêm vắc-xin Covid-19 sau khi có sự cho phép đặc biệt của bác sĩ, và nếu tiêm vắc- xin Covid-19 thì nên có đánh giá lâm sàng tiếp theo. Bác sĩ và bệnh nhân cần cảnh giác với các triệu chứng lâm sàng: mệt mỏi, rối loạn thần kinh, xuất huyết và đau ngực, cũng kêu gọi những người khoẻ mạnh được tiêm vắc-xin cần lưu ý và tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay lập tức nếu có các triệu chứng trên. Việc chẩn đoán sớm và điều trị giúp tăng tỷ lệ sống của bệnh nhân TTP từ 10% lên đến 80% hiện nay.
2. Hệ sinh thái công nghệ Israel xếp thứ ba toàn cầu về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu mới (GSEI 2021)
Hệ sinh thái công nghệ Israel đứng thứ ba trên toàn cầu, Tel Aviv đứng thứ tám trong danh sách các thành phố trong Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2021 (GSEI 2021).
Về xếp hạng quốc gia, Israel đứng thứ ba sau Mỹ và Anh, đứng thứ hai toàn cầu về Phần cứng và IoT, Công nghệ y tế và các ngành Công nghiệp phần mềm và dữ liệu, và được xếp hạng trong top 5 thế giới về Công nghệ năng lượng và môi trường, Công nghệ tiếp thị và bán hàng, Công nghệ xã hội và giải trí. Sự thành công của hệ sinh thái Israel một phần nhờ sự lãnh đạo của khu vực công Israel, Cơ quan Đổi sáng sáng tạo Israel (IIA), một cơ quan độc lập được thành lập để hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo, cung cấp các chương trình hỗ trợ doanh nhân địa phương, cũng như hoạt động của cộng đồng doanh nhân dám chấp nhận rủi ro. Israel cũng là điểm thu hút các công ty đa quốc gia, các tập đoàn toàn cầu, các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo.
Báo cáo cũng lưu ý ngành công nghiệp an ninh mạng là tiềm năng cho Israel. Lĩnh vực an ninh mạng của Israel đã mang lại 1,5 tỷ USD đầu tư vào năm 2021 trong 17 giao dịch trong Quý I của năm 2021.
3. Danh sách 50 công ty khởi nghiệp triển vọng nhất của Israel trong 2021
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong khi đại bộ phận nền kinh tế Israel bị phong toả và ngưng trệ, lĩnh vực công nghệ Israel tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 25% vốn huy động, tương đương gần 10 tỷ USD tính đến cuối 2020, xuất hiện nhiều vòng gọi vốn đạt 100, 200 và thậm chí 300 triệu USD, với hơn 20 công ty kỳ lân mới xuất hiện, gần gấp đôi số lượng trước đó. Kết quả trên nhờ vào 2 trường phái tư tưởng đối lập, một bên là các công ty, nhà sáng lập hướng về phía tăng trưởng nhanh và các vòng gọi vốn khổng lồ, trở thành các công ty kỳ lân, một xu thế khác là những người hướng đến sự phát triển tự thân dần dần và từ chối các nhà đầu tư. Một số công ty tiêu biểu như:
(i) Minute Media: nền tảng truyền thông số, phát triển nền tảng cho phép người hâm mộ thể thao xây dựng nội dung độc đáo của mình, với hơn 350 triệu người dùng, 4.000 nhà sản xuất nội dung, tạo ra 170 triệu USD doanh thu định kỳ hàng năm.
(ii) Transmit Security: xác thực khách hàng, phát triển trình xác thực di động không có ứng dụng sử dụng sinh trắc học dựa trên thiết bị để xác thực khách hàng, tạo ra 100 triệu USD doanh thu hàng năm, tốc độ tăng trưởng 50%.
(iii) Verbit: dịch vụ phiên âm tự động: công nghệ chép văn bản tự động tập trung vào 3 lĩnh vực chính: luật, truyền thông và giáo dục.
(iv) JoyTunes: ứng dụng giáo dục âm nhạc: giảng dạy nhạc cụ âm nhạc, với mức tăng trưởng 150% trong năm 2020.
(v) Elementor: phát triển công cụ xây dựng trang web miễn phí mã nguồn mở, giúp các doanh nghiệp nhỏ thiết lập hiện diện số trong bối cảnh đại dịch.
(vi) GuardiCore: giải pháp bảo mật mạng cho trung tâm dữ liệu đám mây.
(vii) Intsights: cung cấp đánh giá rủi ro và thẩm định cho các bên thứ ba để bảo vệ khách hàng trước khi hoàn tất các giao dịch lớn: nổi bật về khả năng thu thập thông tin tình báo, giám sát “darknet”.
(viii) Fireblocks: nền tảng bảo mật tài sản kỹ thuật số: chịu trách nhiệm lưu chuyển 6% tiền kỹ thuật số toàn cầu, xử lý hơn 100 tỷ USD tài sản mỗi tháng.
(ix) At-Bay: bảo vệ mạng: xác định các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ mạng của các công ty và cung cấp bảo hiểm sau khi được sửa chữa, công ty tăng trưởng 600% trong năm qua.
(x) ImmunAI: công nghệ lập bản đồ hệ miễn dịch: phá vỡ mô hình phát triển thuốc truyền thống, thay vì tìm kiếm gen cụ thể, cung cấp cho các công ty dược bản đồ đầy đủ của toàn bộ hệ thống miễn dịch bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.
(xi) Tomorrow.io (Climacell): thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn: mạng di động, vệ tinh, máy bay, cảm biến IoT... dự báo thời tiết chính xác nhất hiện nay đến phạm vi 500 mét và cho đến từng phút, và hướng tới trở thành công ty đầu tiên có phạm vi phủ sóng vệ tinh toàn cầu.
(xii) Honeybook: phần mềm quản lý kinh doanh, áp dụng mô hình mới, chuyển từ cung cấp mạng lưới kinh danh sang cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ.
(xiii) Overwolf: nền tảng phát triển ứng dụng trò chơi, nhận được đảm bảo đầu tư từ Ubisoft, được định giá 200 triệu USD.
(xiv) Optibus: tối ưu hóa phương tiện công cộng: quản lý và vận hành toàn bộ mạng lưới giao thông dựa trên đám mây.
Thông tin chi tiết xin liên hệ
Anh Nguyễn Nam Khánh, Bí thư thứ Ba, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel
Điện thoại: +972 52-727-4248/ +84 396-211-988
Email: khanhnamnguyen@mofa.gov.vn