Một số đánh giá và nhận định về tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan đầu năm 2018
Pakistan là nước có nhu cầu cao và ổn định nhập khẩu chè đen CTC và chè xanh cho vùng biên giới phía bắc và quá cảnh sang Afghanistan; và hiện đang là thị trường lớn nhất cho chè đen CTC và chè xanh của Việt Nam. Năm 2017 Pakistan nhập khẩu 175 nghìn tấn chè trị giá 504 triệu USD.
Theo số liệu thống kê Tổng cục hải quan, xuất khẩu chè từ Việt Nam sang Pakistan trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 16,5 nghìn tấn và 25,8 triệu USD giảm 5,6% về lượng nhưng tăng 0,3% trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, mặc dù giá chè xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Pakistan tăng khá, nhưng lượng chè xuất khẩu sang thị trường này lại giảm mạnh. Trị giá xuất khẩu chè sang Pakistan đạt 5,9 triệu USD với lượng đạt 2,8 nghìn tấn, giảm 32% về trị giá và giảm 40,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2017.
Thêm vào đó, theo số liệu nhập khẩu chè của Pakistan, không chỉ trong những tháng đầu năm 2018, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan đã bắt đầu xu hướng giảm liên tục trong năm 2017, từ 670 tấn tháng 1/2017 xuống 36 tấn tháng 12/2017.
Dư luận báo chí cho rằng trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam tăng chậm trong 2 tháng đầu năm 2018 là do ảnh hưởng từ dịp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán trong tháng 2/2018 đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của cả nước. Một nguyên nhân quan trọng khác được cho là có tác động khiến xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan giảm mạnh là do các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt của Pa-ki-xtan. Cụ thể, Pa-ki-xtan đã đưa ra các quy định đối với các nhà xuất khẩu là phải xuất trình giấy chứng nhận mức aflatoxin, quy định này đã khiến các nhà nhập khẩu tại Pakistan giảm lượng mua hàng trong tháng 1/2018 xuống còn 12.000 tấn so với 24.000 tấn trong tháng 1/2017.
Vậy các nguyên nhân kể trên đã phải là những yếu tố căn bản khiến sản lượng xuất khẩu chè của ta sang Pakistan giảm không?
Theo số liệu xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan từ năm 2006-2016, giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam đã tăng từ 1,21 USD/kg năm 2006 lên 2,02 USD năm 2016 (tăng 67 %). Tương tự như vậy số liệu xuất khẩu chè của Việt Nam sang Afghanistan từ năm 2008-2016 cho thấy giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam đã tăng từ 0,55 USD/kg năm 2009 lên 1,63 USD/kg năm 2016 (tăng 196 %).
Trong khi đó, so sánh với một quốc gia xuất khẩu chè sang Pakistan khác là Kenya, theo số liệu nhập khẩu chè của Pakistan từ 2006-2016, xuất khẩu chè của Kenya sang Pakistan đã tăng từ 66 nghìn tấn lên 142 nghìn tấn (tăng 115 %). Trong khi đó giá xuất khẩu trung bình của Kenya chỉ tăng từ 2,12 USD/kg lên 2,77 USD/kg (tăng 31 %).
Còn đối với Afghanistan, theo số liệu từ phía quốc gia này thì từ 2008-2016, xuất khẩu chè của Kenya sang Afghanistan đã tăng từ 3.300 tấn năm 2009 lên 15.400 tấn năm 2016 (tăng 367 %). Giá xuất khẩu trung bình tăng từ 1,46 USD/kg năm 2009 lên 2,02 USD/kg năm 2016 (tăng 38 %).
Xuất khẩu chè của Việt Nam sang Afghanistan tăng ngoạn mục từ 2.300 tấn năm 2009 lên 25.700 tấn năm 2016 (tăng 1.017 %), và giá xuất khẩu tăng 196 % là điều rất đáng mừng cho doanh nghiệp và người trồng chè Việt Nam. Tuy nhiên có thể thấy giá xuất khẩu cao của Việt Nam đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhập khẩu Afghanistan tìm kiếm nguồn hàng ở các thị trường khác, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Kenya, và thậm chí của các nước không có chè như Saudi Arabia, UAE …
Một vấn đề nữa là số liệu hải quan Việt Nam thường gộp các lô hàng xuất khẩu đi Afghanistan quá cảnh Pakistan vào số liệu xuất khẩu đi Pakistan. Vì vậy rất có thể xuất khẩu chè sang Pakistan giảm là bao gồm cả xuất khẩu chè sang Afghanistan bắt đầu đi xuống.
Qua đánh giá số liệu có thể thấy nổi lên hai điểm: thứ nhất, giá xuất khẩu chè trung bình của Việt nam tăng quá cao so với các đối thủ cạnh tranh khác; và thứ hai, Kenya và một số đối thủ cạnh tranh khác đang tăng nhanh xuất khẩu.
Từ đó có thể kết luận nguyên nhân chính, cơ bản làm cho xuất khẩu chè của Việt nam sang Pakistan và Afghanistan giảm là do giá xuất khẩu cao làm giảm khả năng cạnh tranh và các đối thủ cạnh tranh khác tăng cường cạnh tranh mở rộng thị phần.
Vì vậy, nhằm thúc đẩy xuất khẩu chè từ Việt nam sang Pakistan một cách bền vững và ổn định lâu dài, vừa tăng xuất khẩu về số lượng vừa thay đổi về căn bản chất lượng và giá trị xuất khẩu, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên cân nhắc chú ý những điểm sau:
Thứ nhất, đảm bảo chất lượng chè xuất khẩu thông qua việc cân đối giữa khả năng cung cấp nguyên liệu với khả năng chế biến, từ đó kiểm soát các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề xuất xứ.
Thứ hai, triển khai Hội nhập quốc tế trong xuất khẩu chè thông qua việc tổ chức bán chè qua hệ thống đấu giá, sàn giao dịch chè; không để tiếp tục tình trạng bán chè từ lúc chưa sản xuất.
Thứ ba, thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp giữa Hiệp hội Chè Việt Nam với thị trường chè lớn nhất là Pakistan. Tổ chức hàng năm các hoạt động quảng bá chè Việt Nam tại thị trường Pakistan.
|
Ngày 09 tháng 4 năm 2018 Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan |
Cảm ơn thông tin của ĐSQ đã cung cấp.