TÌNH HÌNH KINH TẾ COLOMBIA 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020
I. Đặc điểm tình hình:
Colombia là nền kinh tế lớn thứ 4 Mỹ Latinh, là thành viên sáng lập của Liên minh Thái Bình Dương, thành viên của OECD và có các hiệp định thương mại tự do với Mỹ và nhiều quốc gia khác. Kinh tế Colombia phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu năng lượng, khiến nước này dễ bị tổn thương trước biến động của giá cả hàng hóa. Colombia là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư Mỹ Latinh và nhà sản xuất than lớn thứ tư thế giới. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm gần 50% sản lượng. Sản xuất chiếm gần 12% sản lượng và có tốc độ tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Ngoài ra, Colombia có thế mạnh về công nghệ thông tin, công nghiệp đóng tàu và là nhà sản xuất thiết bị điện tử và thiết bị sản xuất lớn thứ hai Mỹ Latinh sau Mexico.
GDP Colombia tăng trung bình 4,7% trong thập kỷ qua, nhưng trong năm 2017 giảm xuống 1,4%, trước khi tăng lại 2,5% và 3,3% trong các năm 2018 và 2019 nhờ chỉ số đầu tư và tiêu dùng tư nhân tăng mạnh. Đà tăng trưởng đã đi đúng hướng với dự kiến tăng 3,7% trong năm 2020, tuy nhiên dịch Covid-19 xuất hiện đã làm giảm đà tăng trưởng. GDP sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều cú sốc kinh tế như cách ly xã hội kéo dài, sự sụp đổ của giá dầu quốc tế và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm. Bộ Tài chính Colombia dự báo nền kinh tế Colombia sẽ bước vào một cuộc suy thoái trong năm 2020 với mức giảm GDP 5,5%. Đây là một sự điều chỉnh mạnh so với những dự báo trước đó của các tổ chức kinh tế đa phương (ECLAC ước giảm 2,6%, IMF ước giảm 2,4% và WB là 2%), trong đó:
1. Ngành công nghiệp dầu mỏ bị ảnh hưởng: Mũi nhọn xuất khẩu của Colombia bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm giá dầu. Nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm mạnh: xăng máy máy bay giảm 90%, xăng giảm 70%- 80% và dầu diesel giảm 75%. Trong tháng 3/2020, Colombia phải cắt giảm sản lượng khai thác 11.000 thùng/ngày, đóng cửa 11 mỏ dầu và 45 giếng khoan do giá dầu thấp. Hầu hết các nhà máy lọc dầu trong nước đã phải giảm công suất hoạt động. Hiệp hội Dầu khí Colombia cho biết do những tác động tiêu cực này, các công ty dầu khí đang hoạt động tại Colombia đã phải giảm các hoạt động khai thác và cắt giảm ngân sách đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và sản xuất.
Sản lượng khai thác của Colombia đã giảm 10% từ đầu năm 2019 xuống dưới 800.000 thùng/ngày vào cuối tháng 4/2020, thấp hơn 20% so với cao điểm vào năm 2015. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ecopetrol có kế hoạch cắt giảm 10% sản lượng xuống 664.000 thùng/ ngày trong năm 2020. Đồng thời, cắt giảm đầu tư 1,5 tỷ USD. Đóng cửa các hoạt động không sinh lời và ngừng khoan các giếng mới.
Ngoài ra giá dầu giảm làm Colombia phải đối mặt với một loạt các vấn đề như chi phí cao trong các lĩnh vực khai thác, sản xuất và vận chuyển. Chi phí khai thác, vận chuyển của Colombia đã bị đội lên rất cao và nằm trong nhóm cao nhất của ngành dầu khí toàn cầu. Chi phí khai thác và vận hành giếng khoan dầu lớn vì đa số các vỉa dầu của Colombia có đặc thù địa chất chứa nhiều nước.
Trong bối cảnh sụp đổ của giá dầu và khủng hoảng kinh tế xã hội vì Covid-19, sự thiếu tầm nhìn vĩ mô của ngành dầu khí Colombia phần nào làm nản lòng các công ty dầu khí đang hoạt động tại đây.
2. Fitch hạ bậc tín nhiệm quốc gia xuống mức tiêu cực: Trong bối cảnh bối cảnh suy thoái kinh tế vì giá dầu giảm mạnh, sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu trong nước và ảnh hưởng của Covid-19, trong tháng 4 Fitch đã hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia của Colombia từ mức BBB xuống mức tiêu cực BBB-. Tăng gánh nặng nợ công, doanh thu thuế giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, khiến Chính phủ gặp khó khăn trong việc đối phó với những cú sốc kinh tế. Gói hỗ trợ tài chính chiếm 1,4% GDP làm tăng chi tiêu công và nguồn thu thuế giảm sẽ làm tăng thâm hụt của Chính phủ (chiếm 4,5% GDP của năm 2020, so với mức 2% của năm 2019). Nợ chung của Chính phủ đối với GDP dự kiến sẽ chiếm hơn 50% trong năm 2020 do sự mất giá mạnh của đồng nội tệ (so với mức 44% của năm 2019 và 30% của năm 2013- thời điểm Fitch nâng bậc tín nhiệm quốc gia của Colombia lên BBB).
3. Gần ¼ tổng số người lao động có nguy cơ thất nghiệp: Số lao động này làm việc trong gần 30 lĩnh vực có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 như: hoạt động thuê và cho thuê, bán lẻ, may mặc, nhà hàng, khách sạn, sản xuất giấy, sản xuất và bảo trì máy móc thiết bị, đại lý du lịch, vận tải hàng không,... Hơn một nửa trong đó là lao động không chính thức và 5,6 triệu người đang làm việc cho các doanh nghiệp siêu nhỏ. Lao động thuộc nhóm dễ bị tổn thương chiếm 32% lao động Colombia (khoảng 8,72 triệu/27,25 triệu theo số liệu thống kê của Dane năm 2019).
4. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 ở mức cao nhất trong 10 năm qua: Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 là 12,8% (2,9 triệu người), tăng 1,8% (287.000 người) so với cùng kỳ năm 2019 (2,68 triệu người, tỷ lệ 10,6%). Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ năm 2010 (11,8%).
Số người thất nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi lệnh cách ly, chủ yếu tại 13 thành phố lớn trên cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp tại các khu vực này tăng đáng kể từ 12% vào tháng 3 năm 2019 lên 13,4% vào tháng 3 năm 2020.
5. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 ở mức cao nhất trong 20 năm qua: Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 là 19,8%, tăng 7% so với tháng 3 ( tỷ lệ 12,8%) và tăng 9,5 % so với cùng kỳ năm 2019 (tỷ lệ 10,3%). Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 20 năm qua tại Colombia kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1999. Colombia hiện có 16,5 triệu người lao động có việc làm, giảm 5,3 triệu so với thời điểm tháng 4/2019 (21,8 triệu). Điều đáng chú ý là tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp cao hơn đáng kể so với nam giới (18,4% lao động nữ so với 11,9% lao động nam). Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là nghệ thuật, giải trí và các hoạt động dịch vụ (- 21,2%), công nghiệp sản xuất (-18,3%), kinh doanh và sửa chữa ô tô (-12,6%). Kết quả khảo sát của Đại học Rosario ở Bogotá chỉ ra rằng 32% người lao động và 38% người lao động trẻ dưới 30 tuổi cho rằng họ có thể mất việc bất cứ lúc nào nếu khủng hoảng kinh tế và lệnh cách ly do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài.
6. Doanh thu xuất khẩu tháng 3 thấp nhất kể từ 2016: Doanh thu xuất khẩu trong tháng 3 đã giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 2,39 tỷ đôla, con số thấp nhất trong gần 4 năm qua kể từ tháng 7 năm 2016 là 2,18 tỷ đôla. Nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm của giá dầu và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trong tháng 3 Colombia chỉ xuất khẩu 17,7 triệu thùng dầu thô với tổng trị giá 578,5 triệu đôla, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019 là 1,45 tỷ đôla. Mặc dù cả hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là gia súc và sản phẩm nông nghiệp đều tăng ở mức 2,1% và 1,3% và đạt doanh thu 640 triệu đôla nhưng cũng không đủ để kéo lại đà giảm. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong tháng 3 khi chiếm 26,7%, tiếp theo là Panama, Trung Quốc, Ecuador, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico.
II. Các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ:
1. Hỗ trợ các doanh nghiệp: Chính phủ trong tháng 5 đã giải ngân gói cho vay hỗ trợ trị giá 17,4 nghìn tỷ peso (tương đương 4,35 tỷ đôla, chiếm 2% GDP) 293.000 công ty vừa & nhỏ và các công ty độc lập trong nước. Gói cho vay có thời hạn lên tới 36 tháng với mức lãi suất 7,66%/năm sẽ giúp các công ty duy trì vốn hoạt động và trả lương cho người lao động. Theo ước tính, Colombia hiện có 1,63 triệu công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ được đăng ký chính thức, tạo 80% việc làm và đóng góp 40% GDP.
2. Cắt giảm lãi suất: Ngân hàng trung ương hạ 0,5% lãi suất cơ bản trong tháng 4 xuống mức 3,25% (tương đương mức đã giảm trong tháng 3), đây là mức lãi suất thấp nhất kể từ tháng 3/2014. Dự đoán lãi suất sẽ còn giảm hơn nữa, xuống mức 3% vào tháng 7. Colombia cũng đã đưa ra một loạt các công cụ để bơm khoảng 29,9 nghìn tỷ peso (7,63 tỷ đôla) vào hệ thống tài chính, bổ sung cho các biện pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ năng lực sản xuất và nguồn nhân lực.
3. Yêu cầu các Ngân hàng mua nợ công: Colombia sẽ phát hành trái phiếu nợ công thời hạn 01 năm trị giá khoảng 9,8 nghìn tỷ peso (2,5 tỷ đôla) nhằm mục đích giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế và hậu quả tiêu cực do Covid-19. Colombia đã phải tăng nợ công để hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lệnh cách ly xã hội kéo dài. Các khoản tiền huy động được sẽ dành cho Quỹ giảm thiểu khẩn cấp (FOME) mà Chính phủ đang sử dụng để phòng chống dịch.
4. Hoãn cải cách thuế: Trong năm 2020 Colombia sẽ không tiến hành cải cách thuế mặc dù ngân sách giảm và chi tiêu công tăng. Gần 95% doanh nghiệp có doanh thu giảm hơn 50% vì Covid-19. Bộ Tài chính cho biết các khoản thu thuế sẽ giảm 2,6 tỷ đôla (gần 6%) so với mức dự kiến thu 40,7 tỷ đôla. Năm 2019 Chính phủ đã thông qua dự luật cải cách thuế để dự kiến sẽ thu tăng hơn khoảng 13 nghìn tỷ peso (3,35 tỷ đôla) tiền thuế trong năm 2020, bao gồm việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, tăng thuế của người có thu nhập cao và tăng tiền phạt với việc trốn thuế.
5. Miễn thuế VAT. Miễn thuế VAT trên toàn quốc trong 03 ngày 19/6, 03/7 và 19/7. Mục tiêu là phục hồi nền kinh tế, cho phép người dân mua sản phẩm mà không phải chịu thuế, áp dụng cho bán hàng thương mại điện tử và bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng được cho phép hoạt động. Ngưng việc thu thuế VAT tại các nhà hàng cho đến hết tháng 12. Đối tượng áp dụng sẽ bao gồm các nhà hàng, quán cà phê, hiệu bánh ngọt và quán bar. Ngoài ra các cơ sở thương mại vẫn đang phải đóng cửa vì lệnh cách ly xã hội sẽ được miễn nghĩa vụ trả 19% thuế VAT mà Nhà nước đang áp cho các hợp đồng thuê nhà.
6. Chương trình Duy trì việc làm xã hội. Chương trình trợ cấp này sẽ bảo toàn việc làm cho 7,8 triệu người lao động dễ bị tổn thương nhất trên tổng số 17 triệu người lao động của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Khoản trợ cấp này có giá trị 6,8 nghìn tỷ peso/ tháng (0,71% GDP) được quyên góp bằng bằng hình thức xã hội hóa. Giảm 30% lương (nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu hàng tháng), kéo dài 03 tháng và đảm bảo tỷ lệ không quá chênh lệnh giữa những người có thu nhập thấp và thu nhập cao.
III. Một số yếu tố tích cực:
1. Đón nhận 45 dự án đầu tư nước ngoài mới trong năm 2020. Colombia dự kiến sẽ đón nhận 45 dự án đầu tư mới với tổng số vốn 1,47 tỷ đôla Mỹ, tạo ra gần 17.000 việc làm. Các nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Argentina, Chile, Canada, Trung Quốc, Anh, Panama, Úc, Singapore, Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mexico,… Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là phát triển năng lượng tái tạo, dược phẩm, phần mềm & công nghệ thông tin, gia công kim loại, nông nghiệp, quỹ đầu tư và bán lẻ. 20% các dự án đến từ các doanh nghiệp lần đầu tiên có mặt tại Colombia và 80% là các dự án đầu tư mới của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại nước này. Colombia hiện nay vẫn tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ yếu là do các chính sách hỗ trợ thuận lợi của Chính phủ, cùng với ưu đãi về thuế và lực lượng lao động lành nghề. Khẩu hiệu của Chính phủ là tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng và quan tâm đến thị trường Colombia, đặc biệt trong bối cảnh Colombia mới đây đã chính thức trở thành thành viên thứ 37 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ Colombia công bố FDI đã đạt tổng cộng 14,49 tỷ đôla Mỹ vào năm 2019, cao nhất trong vòng sáu năm gần đây và nhà đầu tư chính là Mỹ với 31% thị phần, tiếp theo là Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Mexico, Canada, Chile và Đức.
2. Kinh tế tăng trưởng 1,1% trong quý I/2020: Kinh tế đạt mức tăng trưởng 1,1% trong quý I/2020 mặc dù thấp hơn 0,4% so với mức kỳ vọng là 1,5%. Con số này thấp hơn 2,4% so với quý IV/2019 và thấp hơn 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây có khả năng là bước tăng trưởng tích cực cuối cùng trong năm 2020 trước khi nền kinh tế Colombia bước vào cuộc suy thoái. Điểm tích cực là kinh tế Colombia trong Quý I đã vượt các nền kinh tế lớn như Mỹ (+0,3%), khu vực đồng Euro (-3,3%) Mexico (-2,4 %) và chỉ xếp sau các nền kinh tế khác như Hàn Quốc (+1,3%) và Litva (+2,5%).
Mức tăng trưởng của tháng 1 và tháng 2 đạt 4,1% nhưng Covid-19 xuất hiện trong tháng 3 đã làm giảm đà tăng trưởng, đặc biệt tại khu vực Bogotá là nơi chiếm tới ¼ GDP. Trong Quý I ngành nông nghiệp & chăn nuôi có mức tăng cao nhất đạt 6,8%, tiếp theo là các ngành cung cấp điện, khí đốt và hành chính công đều tăng 3,4%. Ở chiều ngược lại ngành xây dựng giảm nhiều nhất là 9,2%, tiếp theo là lĩnh vực giải trí & nghệ thuật giảm 3,2% và ngành khai thác mỏ giảm 3%.
Trong năm 2019 nền kinh tế Colombia đã đạt mức tăng trưởng lên tới 3,3%, con số cao nhất kể từ năm 2015, chủ yếu do các hoạt động thương mại và dịch vụ.
3. Chính thức trở thành thành viên thứ 37 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Ngày 28/4 Colombia đã chính thức gia nhập OECD.Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội gây ra bởi Covid-19. Đây sẽ là một cú hích lớn cho kinh tế Colombia, là bước quan trọng trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa đất nước, mở ra những cơ hội to lớn để tăng đầu tư nước ngoài, cải thiện các thủ tục và chính sách thương mại quốc tế, hoàn thiện chính sách công; cải thiện phúc lợi và chất lượng cuộc sống cho người dân, tránh sự gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội.
IV. Quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại chủ yếu:
1. Tình hình xuất, nhập khẩu: Colombia là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 55 trên thế giới và là nền kinh tế phức tạp thứ 53 theo chỉ số phức tạp kinh tế (ECI). Trong năm 2019, Colombia đã xuất khẩu 39,489 tỷ đôla và nhập khẩu 52,702 tỷ đôla, chênh lệch cán cân thương mại là 13,213 tỷ đô la. Trong 3 tháng đầu năm 2020, Colombia đã xuất khẩu 8,756 tỷ đôla và nhập khẩu 11 tỷ 885 triệu đôla.
Về xuất khẩu, trong năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ 489 triệu đôla Mỹ, giảm 0,6% so với năm 2018. 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu trong năm 2019 là: dầu thô (12,980 tỷ đôla chiếm 31,8%); than, than đá (4,883 tỷ đôla chiếm 13,7%); Cà phê (2,363 tỷ đôla chiếm 8%); Dầu mỏ hoặc dầu khoáng bitum (2,912 tỷ đôla chiếm 6,8% ); Vàng và bạch kim (1,746 tỷ đôla chiếm 4%); Hoa (1,474 tỷ đôla chiếm 3,8%); Chuối tươi hoặc khô (934,27 triệu đôla chiếm 2,4%); Than cốc, than non (784,31 triệu đôla chiếm 2,1%); Polyme (394,96 triệu đôla chiếm 1,2%); Dầu cọ (350,28 triệu đôla chiếm 1,1%).
Trong Quý I/ 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Colombia đạt 8 tỷ 756 triệu đôla Mỹ, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 9 tỷ 594 triệu đô la Mỹ). 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Colombia trong Quý I/2020 là: dầu thô (2,285 tỷ đôla chiếm 26,1%); than, than đá (1,473 tỷ đôla chiếm 16,8%); Cà phê (632 triệu đôla chiếm 7,2%); Dầu mỏ hoặc dầu khoáng bitum (519 triệu đôla chiếm 5,9% ); Vàng và bạch kim (481 triệu đôla chiếm 5,5%); Hoa (425 triệu đôla chiếm 4,9%); Chuối tươi hoặc khô. (270 triệu đôla chiếm 3,1%); Than cốc, than non (136 triệu đôla chiếm 1,6%); Polyme (91 triệu đôla chiếm 1,1%); Dầu cọ (87 triệu đôla chiếm 0,9%).
05 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Colombia là: Mỹ, Trung Quốc, Panama, Ecuador, Thổ Nhĩ Kỳ.
Về nhập khẩu, trong năm 2019 tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 52 tỷ 702 triệu đôla Mỹ, tăng 3% so với năm 2018. 10 mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Colombia trong năm 2019 là: Dầu mỏ hoặc dầu khoáng bitum, trừ dầu thô (4,186 tỷ đôla chiếm 7,5%); thiết bị viễn thông (2,545 tỷ đôla chiếm 4,9%); Ô tô và các phương tiện cơ giới chở khách (2,445 tỷ đôla chiếm 4,8%); Thuốc và các sản phẩm của thuốc (1,595 tỷ đôla chiếm 3% ); Ngô (1,190 tỷ đôla chiếm 2,4%); Máy tự động (1,142 tỷ đôla chiếm 2,1%); Máu và huyết thanh (862,65 triệu đôla chiếm 1,6%); Phương tiện cơ giới chở hàng (804 triệu đôla chiếm 1,5%); Màn hình và máy chiếu (692 triệu đôla chiếm 1,3%); Linh kiện xe cơ giới (678 triệu đôla chiếm 1,2%).
Trong Quý I/2020, tổng kim ngạch nhập khẩu của Colombia đạt 11 tỷ 886 triệu đôla Mỹ, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 12 tỷ 554 triệu đô la Mỹ). 10 mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Colombia trong Quý I năm 2020 là: Dầu mỏ hoặc dầu khoáng bitum, trừ dầu thô (838,25 triệu đôla chiếm 7,1%); thiết bị viễn thông (582,8 triệu đôla chiếm 4,9%); Ô tô và các phương tiện cơ giới chở khách (550,5 triệu đôla chiếm 4,6%); Thuốc và các sản phẩm của thuốc (389,2 triệu đôla chiếm 3,3% ); ngô (350,14 triệu đôla chiếm 2,9%); máy tự động (284,77 triệu đôla chiếm 2,3%); máu và huyết thanh (176,78 triệu đôla chiếm 1,5%); màn hình và máy chiếu (174,28 triệu đôla chiếm 1,5%); phương tiện cơ giới chở hàng (163,74 triệu đôla chiếm 1,4%); linh kiện xe cơ giới (142,55 triệu đôla chiếm 1,2%).
05 thị trường nhập khẩu hàng đầu của Colombia là: Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Brazil, Đức.
2. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất và lớn nhất đối với Colombia, đưa Colombia thành điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Mỹ tại khu vực Nam Mỹ. Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước được liên kết nhiều thập kỷ qua cho thấy tầm quan trọng về địa chính trị của Colombia đối với Mỹ. Hai bên đã ký kết Hiệp định Xúc tiến Thương mại Mỹ-Colombia (CTPA) nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cơ hội việc làm, cải thiện môi trường đầu tư và loại bỏ thuế quan và các rào cản khác đối với xuất khẩu và mở rộng thương mại của Mỹ. Ngoài ra Mỹ và Colombia đã ký các thỏa thuận về thương mại, bảo vệ môi trường, chia sẻ tài nguyên, kiểm soát hóa chất, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, khoa học, công nghệ và hàng không dân dụng.
Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Colombia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai thác và sản xuất. Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Colombia. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2019, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Colombia đạt 28,197 tỷ đôla (chiếm gần 20% tổng số đầu tư nước ngoài tại Colombia). Cũng trong giai đoạn này, đầu tư trực tiếp của Colombia vào Mỹ là 5,447 tỷ đôla.
Trong năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 28,917 tỷ đôla, giảm 0,1 % so với năm 2018, cán cân thương mại thâm hụt 642 triệu đôla, giảm 46% so với năm 2018. Trong quý I/ 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 7,151 tỷ đôla Mỹ, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2019, cán cân thương mại thâm hụt 993 triệu đôla, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Về xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn nhất của Colombia trong nhiều năm qua, các mặt hàng xuất khẩu chính là dầu thô, cà phê, hoa, khoáng sản (trong đó có vàng). Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Colombia sang Mỹ đạt 14 tỷ 137 triệu đôla, tăng 2,5% so với năm 2018. 05 mặt hàng xuất khẩu chính: Dầu thô chiếm 42,5%, các sản phẩm từ dầu chiếm 13,4%, hoa chiếm 10%, cà phê chiếm 8,6%, khoáng sản 4,7%.
- Quý I/2020, xuất khẩu của Colombia sang Mỹ đạt 3 tỷ 079 triệu đôla giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019, lý do chính là do xuất khẩu dầu thô giảm. 05 mặt hàng xuất khẩu chính: Dầu thô chiếm 38,3%, hoa chiếm 13,7%, cà phê 10,8%, các sản phẩm từ dầu chiếm 9,2%, vàng và bạch kim 6,8%.
Về nhập khẩu, Mỹ cũng là nhà nhập khẩu lớn nhất của Colombia. Các mặt hàng nhập khẩu chính là sản phẩm từ dầu, hóa chất, máy móc và thiết bị, sản phẩm nông nghiệp. Trong năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ Colombia từ Mỹ đạt 14 tỷ 780 triệu đôla, giảm 2,5 % so với năm 2018. 05 mặt hàng nhập khẩu chính: các sản phẩm từ dầu chiếm 25%, hóa chất chiếm 22%, máy móc và thiết bị chiếm 17,7%, sản phẩm nông nghiệp chiếm 12,3%, sản phẩm công nghiệp chiếm 4,4%.
Trong Quý I/2020, kim ngạch nhập khẩu của Colombia từ Mỹ đạt 4 tỷ 072 triệu đôla tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. 05 mặt hàng nhập khẩu chính: các sản phẩm từ dầu chiếm 22,8%, ngô chiếm 12,3%, các sản phẩm từ đậu nành chiếm 4%, hóa chất chiếm 2,4%, các sản phẩm sữa chiếm 2%.
Về du lịch, trong năm 2019 đã có tổng cộng có 705.359 công dân Mỹ nhập cảnh Colombia (chiếm 21,95% tổng số người nhập cảnh của các nước), trong đó 80% với mục đích du lịch. Tăng trưởng 8% (57.575 người) so với năm 2018. Trong giai đoạn 2017-2019 đã có gần 1,9 triệu công dân Mỹ nhập cảnh Colombia. (chiếm 20,7% tổng số người nhập cảnh). Ở chiều ngược lại, trong năm 2019 đã có tổng cộng có 1.049.771 công dân Colombia nhập cảnh Mỹ (chiếm gần 1/3 số công dân Colombia nhập cảnh các nước trên thế giới). Trong giai đoạn 2017-2019 đã có gần 4,1 triệu công dân Colombia nhập cảnh Mỹ (chiếm gần 31,5% số công dân Colombia nhập cảnh các nước trên thế giới).
3. Trung Quốc: Được thúc đẩy bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã đầu tư 250 tỷ đôla vào nhiều dự án trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai thác mỏ và nông nghiệp tại Mỹ Latinh trong đó có Colombia. Đầu tư của Trung Quốc vào Colombia đã tăng vừa phải nhưng đều đặn trong 10 năm qua, từ 1 tỷ đôla trước năm 2010 lên đến 32 tỷ đôla năm 2018. Từ năm 2016 đến nay, số lượng công ty Trung Quốc hoạt động ở Colombia đã tăng từ 20 lên 80. Các công ty Trung Quốc đã tham gia vào một số dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng về kinh tế và chính trị ở Colombia. Vào tháng 10/2018, tập đoàn China Harbor Engineering và Xi'An Metro đã giành được hợp đồng trị giá 12 tỷ đôla để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Bogotá với tiềm năng tạo ra hàng ngàn việc làm địa phương. Hiện tại các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng đường cao tốc từ thành phố Medellin đến Atlantico. Công ty sản xuất xe bus Yutong đã giành được hợp đồng trị giá hàng triệu đôla để cung cấp xe bus điện cho Bogotá. Sinopec hiện đang điều hành 14 trạm dầu khí và các hoạt động khai thác. Năm 2020, Sloane Energy bắt đầu xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Cesar. Trong lĩnh vực công nghệ, Huawei chiếm 26% thị phần điện thoại di động và ZTE ký hợp đồng bán thiết bị máy quay và máy chiếu cho Chính phủ.
Với sự bùng nổ thương mại song phương trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Colombia sau Mỹ và Colombia là đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc tại Mỹ Latinh.
Trong năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 15,05 tỷ đôla, tăng 6% so với năm 2018, cán cân thương mại thâm hụt 5 tỷ 913 triệu đôla, tăng 01,% so với năm 2018. Trong quý I/ 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,03 tỷ đô la Mỹ, giảm 11% so với năm trước, cán cân thương mại thâm hụt 1 tỷ 588 triệu đôla, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Về xuất khẩu, trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của Colombia sang Trung Quốc đạt 4 tỷ 566 triệu đôla, tăng 9% so với năm 2018, lý do chính là do xuất khẩu dầu thô tăng 12%. 05 mặt hàng xuất khẩu chính: Dầu thô chiếm 86%, nicken chiếm 9%, dây dẫn nhiệt chiếm 2%, đồng chiếm 1%, than 1%.
Trong Quý I/ 2020, kim ngạch xuất khẩu của Colombia sang Trung Quốc đạt 721 triệu đôla giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019, lý do chính là do xuất khẩu dầu thô giảm 17%. 05 mặt hàng xuất khẩu chính: Dầu thô chiếm 83%, nicken chiếm 8%, than 4%, đồng chiếm 1%, chuối tươi và khô 1%.
Về nhập khẩu, trong năm 2019 kim ngạch nhập khẩu của Colombia từ Trung Quốc đạt 10 tỷ 479 triệu đôla, tăng 4% so với năm 2018. 05 mặt hàng nhập khẩu chính: điện thoại di động chiếm 18%, máy tính xách tay 7%, lốp cao su chiếm 2%, thép cán chiếm 2%, xe máy 1%.
Trong Quý I/2020, kim ngạch nhập khẩu của Colombia từ Trung Quốc đạt 2 tỷ 309 triệu đôla, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019. 05 mặt hàng nhập khẩu chính: điện thoại di động chiếm 17%, máy tính xách tay 9%, lốp cao su chiếm 2%, xe máy 1%, valy túi xách 1%.
Về du lịch, trong năm 2019 đã có tổng cộng 18.078 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh Colombia, tăng 15% (2.414 người) so với năm 2018. Kể từ năm 2015 đến nay đã có 73.157 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh Colombia. Ở chiều ngược lại, 8.868 khách du lịch Colombia nhập cảnh Trung Quốc năm 2019, tăng 6% (490 người) so với năm 2018. Kể từ năm 2015 đã có 41.913 khách du lịch Colombia nhập cảnh Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm 2020, số khách du lịch Trung Quốc đến thăm Colombia là 1.811 người, giảm 30% (764 người) so với cùng kỳ năm 2019. Mặt khác, 221 khách du lịch Colombia đã đến Trung Quốc, giảm 78% (775 người) so với cùng kỳ năm 2019.
V. Quan hệ Colombia –Việt Nam:
Colombia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam tại Mỹ Latinh. Trao đổi thương mại song phương dù đạt được những kết quả tích cực song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Việt Nam đánh giá Colombia là thị trường tiềm năng và là đối tác quan trọng tại Mỹ Latinh khu vực và bạn cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 403 triệu đôla, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Colombia đạt 380 triệu đôla, nhập khẩu đạt 23 triệu đôla. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 685 triệu đôla, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Colombia đạt 651,645 triệu đôla, nhập khẩu đạt 33,424 triệu đôla. (tăng 24,8 % so với năm 2018). Trong Quý I/2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 190,679 triệu đôla (trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Colombia đạt 185,696 triệu đôla, nhập khẩu đạt 4,983 triệu đôla), tăng 71% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 111,198 triệu đôla).
- Danh sách 20 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Colombia trong quý I/2020:
- Điện thoại, điện thoại di động, các thiết bị truyền nhận (95,175 triệu đôla chiếm 51,3%).
- Giày vải có đế cao su, nhựa, hoặc da tái sinh (12,641 triệu đôla chiếm 6,8%).
- Máy giặt, máy sấy gia dụng (9,428 triệu đôla chiếm 5,1%).
- Sợi tổng hợp (9,417 triệu đôla chiếm 5,1%).
- Cá đông lạnh (6,899 triệu đôla chiếm 3,7%).
- Đầu đọc dữ liệu: từ và quang học (4,576 triệu đôla chiếm 2,5%).
- Giày, dép có đế cao su, nhựa (4,244 triệu đôla chiếm 2,3%).
- Giày da hoặc da tổng hợp (3,772 triệu đôla chiếm 2%).
- Cá Philê tươi và đông lạnh (3,655 triệu đôla chiếm 2%).
- Máy móc, thiết bị in công nghiệp & phụ tùng (3,175 triệu đôla chiếm 1,7%)
- Sợi tổng hợp đơn loại nhỏ hơn 67 decitex (2,986 triệu đôla chiếm 1,6%).
- Máy thu, phát sóng vô tuyến (1,749 triệu đôla chiếm 0,9%).
- Lốp cao su (1,494 triệu đôla chiếm 0,7%).
- Dây điện, dây cáp quang và đồng trục và các dây dẫn cách điện khác (1,257 triệu đôla chiếm 0,65%).
- Động cơ điện và máy phát điện (1,133 triệu đôla chiếm 0,6%)
- Chổi và bàn chải công nghiệp (1,051 triệu đôla chiếm 0,6%).
- Thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ (1,040 triệu đôla chiếm 0,6%).
- Quần áo dệt kim (1,033 triệu đôla chiếm 0,5%).
- Bộ đồ may đo, trang phục, áo khoác. (1,002 triệu đôla chiếm 0,5%)
- Màn hình và máy chiếu. (991 nghìn đôla chiếm 0,45%)
- Danh sách 20 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Colombia trong quý I/2020:
- Gỗ ở dạng thô (1,579 triệu đôla chiếm 31,7%).
- Gỗ xẻ có độ dày trên 6 mm (683 nghìn đôla chiếm 13,7%).
- Thịt bò đông lạnh (612 nghìn đôla chiếm 12,3%).
- Da động vật (493 nghìn đôla chiếm 9,9%).
- Thịt ngựa, lừa đông lạnh (385 nghìn đôla chiếm 7,3%).
- Chế phẩm thực phẩm (246 nghìn đôla chiếm 4,9%).
- Thuốc lá thô (215 nghìn đôla chiếm 4,3%).
- Các chế phẩm thức ăn động vật (173 nghìn đôla chiếm 3,5%).
- Bong bóng và dạ dày động vật đông lạnh, ướp muối, sấy khô hoặc hun khói (148 nghìn đôla chiếm 3%).
- Nội tạng bò, nhím, ngựa, lừa, tươi hoặc đông lạnh (96 nghìn đôla chiếm 1,9%).
- Axit cacboxylic có chức năng bổ sung oxy (69 nghìn đôla chiếm 1,4%).
- Cà phê, đã hoặc chưa rang (59 nghìn đôla chiếm 1,2%).
- Máy móc và thiết bị cơ khí (53 nghìn đôla chiếm 1,1%).
- Ván gỗ (49 nghìn đôla chiếm 1%).
- Nhựa tấm (41 nghìn đôla chiếm 0,8%).
- Áo phông (23 nghìn đôla chiếm 0,5%).
- Cellulose (17 nghìn đôla chiếm 0,3%).
- Thuốc và các sản phẩm của thuốc (16 nghìn đôla chiếm 0,3%).
- Màu vô cơ (9 nghìn đôla chiếm 0,2%).
- Vải tuyn (9 nghìn đôla chiếm 0,2%).
Có thể nhận thấy cán cân thương mại giữa hai nước có sự chênh lệch lớn, thặng dư nghiêng hẳn về phía Việt Nam.
Trong thời gian tới, hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu hàng xuất nhập khẩu, thúc đẩy trao đổi thương mại song phương để cân bằng thặng dư. Đặc biệt chú trọng việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng thế mạnh của hai nước như các sản phẩm thịt heo, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Colombia hay các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép, hoa quả tươi của Việt Nam. Việc phát triển triển mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh sẽ góp phần giảm tải cho các thị trường truyền thống. Nhờ đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường, thêm đối tác bạn hàng, mở rộng khả năng giao dịch thương mại.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)