Ban Quản trị Trang NGKT trực tuyến xin gửi tới các độc giả tình hình kinh tế Ấn Độ và quan hệ kinh tế Ấn Độ với các nước từ 21/04/2021 đến 20/05/2021, như sau:
1. Tình hình và chính sách tài chính – tiền tệ:
Trong tháng qua, đồng Rupi ghi nhận mức giá thấp nhất 75,50 rupi đổi 1 USD ngày 21/4/2021. Đồng Rupi ghi nhận mức giá cao nhất 72,95 rupi đổi 1 USD[i] ngày 19/05/2021. Kể từ ngày 07/5/2021, đồng Rupi duy trì mức dưới 73.6 rupi đổi 1 USD. Sự hồi phục này được đánh giá là do sự suy yếu tương đối của đồng USD trên thị trường thế giới.
Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ trong tháng ghi nhận mức cao nhất 589,47 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 14/5/2021 và mức thấp nhất 582,41 tỷ USD vào tuần kết thúc vào ngày 23/4/2021[ii].
Ấn Độ thu hút vốn FDI ở mức 43,446 tỷ USD trong năm tài khóa 2020-2021 (tháng 4/20 đến tháng 3/21). Trong đó, chỉ riêng Tập đoàn RIL đã thu hút được hơn 35 tỷ USD, chiếm hơn 64% tổng số FDI thu hút của cả nước, thông qua bán cổ phần Nền tảng Jio và Bán lẻ Reliance. Các nhóm ngành IT, dược phẩm, thông tin liên lạc và kinh tế điện tử thu hút được nhiều FDI nhất.
Với tình trạng bùng phát Covid-19, mỗi ngày đều phá đổ kỷ lục của ngày trước đó, các dự báo tăng trưởng của Ấn Độ đều được điều chỉnh giảm xuống quanh mức 9-10%.
Chỉ số lạm phát bán lẻ tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua, 4,29% từ mức 5.2% tháng 3. Nguyên do chủ yếu là vì giá thực phẩm giảm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở Ấn Độ gần 12%, cao nhất trong hơn 10 tháng trong tuần tính đến ngày 9/5/2021. Con số này cao hơn gần 2% so với mức bình quân 9,78% của tháng Tư.
2.Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ
Dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của Ấn Độ trong tháng 4 đã tăng gần gấp 3 lần lên 30,63 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng lên 45,72 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ tăng lên 15,10 tỷ đô la so với 6,76 tỷ đô la vào tháng 4 năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chính ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong tháng 4 bao gồm đá quý và đồ trang sức, đay, thảm, thủ công mỹ nghệ, da, hàng điện tử, dầu ăn, hạt điều, kỹ thuật, sản phẩm dầu mỏ, hải sản và hóa chất.
Nhập khẩu phi dầu mỏ, phi vàng, bạc và kim loại quý - thước đo sức mạnh của nhu cầu trong nước - tăng mạnh 129,7%. Nhập khẩu vàng trong tháng trước đã tăng 2000 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
3. Quan hệ kinh tế Ấn Độ với Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Công thương Ấn Độ, trong tháng 02/2021 Ấn Độ xuất sang Việt Nam trị giá 521,42 triệu USD, tăng 50,83% so với cùng kỳ; lũy kế theo năm đạt 965,95 triệu USD, tăng 33,18%. Ấn Độ nhập từ Việt Nam trị giá 632,42 triệu USD, tăng 18,29% so với cùng kỳ; lũy kế theo năm đạt 1319,47 triệu USD, tăng 31,81% so với cùng kỳ.
Việt Nam đang quay sang Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi từ ngô. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do tình hình bất ổn tại Myanmar và chi phí vận chuyển cao. Trong năm tài khóa vừa qua, Việt Nam nhập 1,11 triệu tấn ngô từ Ấn Độ.
Bộ Thương mại Ấn Độ đã khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam sau khi có đơn đề nghị từ Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Ấn Độ (ISMA).
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tháng 4 là 1,098 tỷ USD, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 633,341, Việt Nam xuất khẩu 465,08 triệu USD. Việt Nam thâm hụt 167 triệu USD.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước là là 4,379 tỷ USD, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 2,206 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu 2,173 tỷ USD. Việt Nam thâm hụt 33 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng 55,45% so với cùng kỳ năm 2020 và 22,28% so với cùng kỳ năm 2019.
Về xuất khẩu từ Việt Nam: Các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn gồm: điện thoại và linh kiện 512,468 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 289,826 triệu USD; hóa chất 131,721 triệu. Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao gồm: chè tăng 11 lần; than tăng 253%; chất dẻo nguyên liệu tăng 300%; sắt thép tăng 219%. Các mặt hàng giảm kim ngạch gồm: hạt điều 22,47% và cafe 41,77%.
Về xuất khẩu từ Ấn Độ: Nhóm các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn gồm: sắt thép các loại là 227 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu 153,723 triệu USD; bông 130,412 triệu USD; ngô 130 triệu USD. Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao gồm: ngô tăng 600 lần; thức ăn chăn nuôi tăng 439%; quặng và khoáng sản 316,54%; phân bón tăng 109%; bông tăng 220%; đá quý, kim loại quý tăng 111%. Các mặt hàng giảm kim ngạch gồm: ô tô nguyên chiếc 75,56%; nguyên liệu dệt may, da giày 89,42%; vải 32,64%.
[i] https://www.xe.com/currencycharts/?from=USD&to=INR
https://www.poundsterlinglive.com/best-exchange-rates/best-us-dollar-to-indian-rupee-history
[ii] https://tradingeconomics.com/india/foreign-exchange-reserves