Tình hình kinh tế Ấn Độ và quan hệ kinh tế Ấn Độ với các nước từ 20/7/2021 đến 20/9/2021, như sau:
1. Tình hình và chính sách tài chính – tiền tệ:
Trong hai tháng qua, đồng Rupi ghi nhận mức giá thấp nhất 74,985 rupi đổi 1 USD ngày 20/7. Đồng Rupi ghi nhận mức giá cao nhất 72,99 rupi đổi 1 USD ngày 06/9. Kể từ ngày 27/8, đồng rupi bắt đầu có khoảng một tuần tăng giá mạnh mẽ, đạt mức giá cao nhất vào ngày 06/9 trước khi cân bằng trở lại trong giai đoạn 06-10/9. Từ 10/9, giá rupi dao động quanh mức 73,5 rupi đổi 1 USD.
Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ tiếp tục giữ đà tăng và phá vỡ nhiều kỷ lục. Trong hai tháng ghi nhận mức cao nhất 642,45 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 10/9 và mức thấp nhất 616,89 tỷ USD vào tuần kết thúc vào ngày 20/8[i]. Mức dự trữ ngoại hối kỷ lục của Ấn Độ một phần là nhờ vào việc IMF phân bổ khoản SDR trị giá khoảng 17,86 tỷ USD vào ngày 23/8/2021.
IMF hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ xuống 9,5% cho năm tài khóa 21-22, từ mức dự báo 12,5% hồi tháng tư, trước khi làn sóng Covid thứ hai bùng nổ.
Liên quan đến đầu tư nước ngoài, trong ba tháng đầu năm tài khóa 21-22, Ấn Độ đã thu hút được 22,53 tỷ USD FDI, cao hơn cùng kỳ năm trước 1,9%. Các ngành thu hút được FDI nhiều nhất lần lượt là công nghiệp ô tô 27%, phần cứng và phần mềm máy tính 17% và dịch vụ 11%. Các cải cách chính sách FDI, thuận lợi hóa đầu tư và kinh doanh như cắt giảm thuế doanh nghiệp, đưa ra các đạo luật nông nghiệp mới và thông qua cải cách lao động giúp doanh nghiệp dễ dàng thuê và sa thải lao động… được coi là góp phần vào sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Ấn Độ.
Sau 02 nỗ lực thất bại tư nhân hóa trước đây từ những năm 2000, ngày 08/10, chính phủ Ấn Độ thông báo về việc tập đoàn TATA của Ấn Độ sẽ nắm quyền kiểm soát hãng hàng không nhà nước Air India sau khi đấu giá thành công với mức 2,4 tỷ USD. Giao dịch được kì vọng hoàn tất trong tháng 12/2021.
Các công ty Ấn Độ gọi được số vốn khổng lồ 9,7 tỷ USD thông qua IPO trong 09 tháng đầu 2021, mức cao nhất trong 01 giai đoạn chín tháng trong hai thập kỷ qua. Trong số 72 vụ IPO cho đến tháng 9 năm nay, 15 vụ thuộc lĩnh vực sản phẩm công nghiệp và 11 vụ thuộc lĩnh vực bán lẻ sản phẩm tiêu dùng.
Lạm phát bán lẻ hàng năm của Ấn Độ (INCPIY = ECI) đã giảm xuống 4,35% trong tháng 9 từ mức 5,30% trong tháng trước, chủ yếu là nhờ giảm giá hàng thực phẩm và một phần nhỏ là mức giảm nhẹ giá nhà ở. Tuy nhiên, các phân ngành khác ghi nhận mức lạm phát bằng hoặc cao hơn, gây mối lo ngại trước nguy cơ gia tăng giá năng lượng, kim loại và chi phí hậu cần. Giá bán lẻ xăng và dầu diesel vẫn tiếp tục giữ mức cao kỷ lục trên ba con số.
Cuộc biểu tình nông dân tại Ấn Độ tiếp tục được tiến hành, đặc biệt đã có thương vong với 09 người chết trong một tai nạn va chạm đầu tháng 10/2021.
Ấn Độ nối lại việc cấp thị thực du lịch mới cho du khách tới Ấn Độ trên các chuyến bay thuê bao từ 15/10/2021 và từ 15/11/2021, cho khách đến Ấn Độ từ các chuyến bay thương mại.
2. Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ
Trong tháng 9, xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ đã tăng lên 33,44 tỷ đô la, tăng 21,35% so với tháng 9/ 2020 và tăng 28,51% so với tháng 9/2019. Đây là tháng thứ mười liên tiếp xuất khẩu Ấn Độ tăng trưởng. Tăng trưởng chủ yếu là nhờ sự cải thiện trong các ngành hàng chính như hàng kỹ thuật và các sản phẩm xăng dầu, lần lượt là 9,42 tỷ USD, tăng 36,7% và đạt 4,91 tỷ USD, tăng 39,32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu 'thuốc và dược phẩm' giảm 8,47%.
Nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ trong tháng 9 năm nay là 56,38 tỷ USD, tăng 84,75% so với cùng kỳ năm trước và tăng 49,58% so với tháng 9/2019. Nhập khẩu 'xăng dầu, dầu thô và các sản phẩm đã tăng khoảng 200% lên 17,436 tỷ USD. Nhập khẩu than đá, than cốc và than bánh đã tăng 82,89% lên 2,18 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Ấn Độ trong tháng 9 là 22,94 tỷ đô la, tính cộng dồn từ đầu năm tài khóa 2021-2022 là 78,81 tỷ đô la.
3. Quan hệ kinh tế Ấn Độ với Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Công thương Ấn Độ, trong tháng 08/2021, Ấn Độ xuất sang Việt Nam trị giá 496,42 triệu USD, tăng 33,88% so với cùng kỳ; lũy kế theo năm đạt 4382,22 triệu USD, tăng 49,76%. Ấn Độ nhập từ Việt Nam trị giá 557,84 triệu USD, tăng 15,13% so với cùng kỳ; lũy kế theo năm đạt 4495,90 triệu USD, tăng 34,86% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, thương mại song phương tháng 9 đạt 1,187 tỷ USD tăng 17,64% so với tháng 9/2020; Ấn Độ xuất 598 triệu USD (tăng 60,5%), Việt Nam xuất 589 triệu USD (giảm 6,95%), thâm hụt 9 triệu USD. Tính cả 3 Quý đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 9,834 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ; Ấn Độ xuất 5,291 tỷ USD, Việt Nam xuất 4,543 tỷ USD, thâm hụt 748 triệu USD.
Các mặt hàng chính xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn trong 9 tháng đầu năm gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (982,2 triệu USD, giảm 6,47% so với cùng kỳ); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (625 triệu USD, giảm 3,8%); Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (447 triệu USD, tăng 52%); sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (195,7 triệu USD, tăng 30,9%); Hóa chất và sản phẩm hóa chất (375,2 triệu USD, tăng 113,8% so với cùng kỳ). Các mặt hàng tăng trưởng cao gồm: than các loại (tăng 151%); cao su và các sản phẩm từ cao su (tăng 109,2%).
Các mặt hàng chính xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong 9 tháng đầu năm gồm: Sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (988 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ). Ngô (306,7 triệu USD, tăng gần 500 lần); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (327 triệu USD, tăng 37,4%); Bông (204,3 triệu USD, tăng 170,6%); Thủy sản (247,1 triệu USD, tăng 30,9%); Dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm (284,4 triệu USD, tăng 19,1%).
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã gặp gỡ với tỷ phú giàu thứ hai châu Á và Ấn Độ, ông Gautam Adani và thúc đấy đầu tư của Tập đoàn Adani vào Việt Nam trong cách lĩnh vực năng lượng, cảng hàng không và cảng biển. Ngoài ra, Đại sứ quán cũng tổ chức xúc tiến đầu tư giữa công ty Sami-Sabinsa, Ấn Độ và tập đoàn Tân Thành, Việt Nam về khả năng hợp tác phát triển vùng dược liệu và nhà máy dược liệu.