FDI – “những con ong” vừa hút mật, vừa thụ phấn cho hoa

0
278
Cần tiếp cục cải cách, thay đổi định hướng thu hút đầu tư nước ngoài để thích ứng với sự phát triển trong giai đoạn và bối cảnh mới.
Cần tiếp cục cải cách, thay đổi định hướng thu hút đầu tư nước ngoài để thích ứng với sự phát triển trong giai đoạn và bối cảnh mới.

“Hãy coi khu vực DN FDI là những con ong, vừa hút mật, vừa thụ phấn cho hoa. Thực tế, quả ngọt ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của khu vực này. Để tận dụng lợi thế của doanh nghiệp FDI mà không làm mất đi tính tự chủ kinh tế, cần tiếp tục có các giải pháp căn cơ để khu vực tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, tiệm cận với các tiêu chuẩn của khối FDI”.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) về vai trò của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế Việt Nam tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” được tổ chức gần đây tại Hà Nội.

Động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam

Tại hội thảo trên, nhận xét về đóng góp của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, sau 30 năm, FDI ngày càng đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD, năm 2018, FDI thực hiện dự kiến đạt khoảng 19 tỷ USD, hiện 25% vốn đầu tư xã hội là vốn FDI.

Khu vực FDI có tác động lan toả rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam, từ tác động tổng thể, gián tiếp tới trực tiếp, tạo ra công nghệ, năng suất lao động, việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách, GDP. Khu vực FDI tạo việc làm cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp; đồng thời, du nhập phương thức sản xuất, phân phối, kinh doanh tiên tiến.

“FDI là động lực tăng trưởng quan trọng và cùng với kinh tế tư nhân, đóng vai trò là “hai chân” của một cơ thể cường tráng, giúp cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn”, GS. Nguyễn Mại khẳng định.

Thảo luận tại hội thảo, bên cạnh việc coi đầu tư nước ngoài đóng góp lớn cho nền kinh tế, ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng phân tích rõ thêm: “Nhà đầu tư nước ngoài có thị trường, có kinh nghiệm, trong lúc “chao đảo” nhất, nhà đầu tư nước ngoài trụ vững hơn nên nhiều người lầm tưởng nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi hơn. Tuy nhiên điều đó không đúng vì theo Luật pháp hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước được đối xử bình đẳng”.

Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò và đóng góp của doanh nghiệp FDI đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đồng thời khẳng định, “với vị trí địa lý, dân số, môi trường kinh doanh, các cam kết mở cửa thị trường hiện nay, Việt Nam thực sự đang là điểm đến hấp dẫn”.

“Hãy coi khu vực DN FDI là những con ong, vừa hút mật, vừa thụ phấn cho hoa. Thực tế, quả ngọt ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của khu vực này. Để tận dụng lợi thế của doanh nghiệp FDI mà không làm mất đi tính tự chủ kinh tế, cần tiếp tục có các giải pháp căn cơ để khu vực tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, tiệm cận với các tiêu chuẩn của khối FDI. Nếu không thu hẹp khoảng cách đó, không thể liên kết với nhau thì DN nội và DN ngoại sẽ mãi là hai đường thẳng song song”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Cũng tại sự kiện này, trong phần đối thoại với doanh nghiệp, ông Dũng cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Tăng liên kết nhưng bằng cách nào?

Khẳng định đóng góp của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, tại phiên thảo luận, vai trò của thu hút đầu tư nước ngoài trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 30 năm qua, đầu tư nước ngoài đã trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế, đến năm 2020 Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, chất lượng dự án chưa cao, chuyển giao công nghệ từ khu vực kinh tế này cũng chưa đạt kỳ vọng là những vấn đề các chuyên gia quan tâm.

“Hiện nay, nhiều người có quan điểm kỳ thị cho rằng doanh nghiệp FDI đang chèn ép doanh nghiệp trong nước, hình thành “một nền kinh tế hai tốc độ” hay “hai nền kinh tế trong một quốc gia” cũng như nền kinh tế phụ thuộc… Vấn đề quan trọng cần phải làm là thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Thực tế cho thấy, khó khăn khi thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI một phần do số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp FDI, nhà cung cấp chuỗi vệ tinh còn rất ít ỏi. Công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng. Mối liên kết, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vệ tinh còn hạn chế.

Thảo luận về khoảng cách giữa doanh nghiệp trong nước và FDI, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, doanh nghiệp nội phải lên ngang tầm với các doanh nghiệp nước ngoài thì mới liên kết được với nhau. Do đó việc cần có giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp và liên kết gắn bó với khu vực kinh tế FDI. Sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực nước ngoài được kỳ vọng trở thành điểm tựa cho đòn bẩy tăng trưởng.

Vấn đề làm thế nào để khu vực kinh tế trong nước “đi nhanh hơn”, bắt kịp với FDI cũng được bàn luận nhiều. Để làm được điều này, theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) Bùi Tất Thắng, cần phải cải cách thể chế mạnh hơn nữa. Cải cách thể chế đã tiến triển nhưng hiện nay mới tập trung vào tháo gỡ. Đây mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 là thay đổi tư duy từ kiểm soát, cho phép sang tư duy phục vụ, nhất là tư duy chính quyền phục vụ dân và vì dân.

Để tận dụng hơn nữa đóng góp của FDI, Chính phủ Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các cam kết, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết (về nguồn lực, đất đai, năng lượng…), xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý khi lựa chọn dự án, hướng tới chọn lọc các dự án FDI công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Với câu hỏi, làm sao để nâng cao chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao năng lực bộ máy giúp việc cho các cơ quan quản lý; coi trọng hơn nhà đầu tư lớn; xúc tiến đầu tư tập trung, tránh dàn trải như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội “ngàn năm có một”, giúp các nước đang phát triển thay đổi công nghệ, phương thức, mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng sản xuất… thu hẹp khoảng các với các quốc gia phát triển trên thế giới. “Vì vậy, cần tận dụng tốt thời cơ này để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”.

Khẳng định tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân trong nước trở thành 2 trụ cột là việc làm thiết yếu để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn, GS.TS. Nguyễn Mại cũng cho rằng, cần tiếp cục cải cách, thay đổi định hướng thu hút đầu tư nước ngoài để thích ứng với sự phát triển trong giai đoạn và bối cảnh mới, cũng như đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here