Dự án STAR – FARM do EU tài trợ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh với tổng nguồn vốn trên 107,6 tỷ đồng đã chính thức khởi động.
Chiều 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” (STAR – FARM).
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, việc chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, tăng khả năng chống chịu, bao gồm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng.
Tại lễ khởi động dự án, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong bối cảnh thách thức do biến đổi khí hậu và nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và duy trì đa dạng sinh học, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng toàn cầu.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”.
Kết quả của dự án sẽ góp phần thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, các cơ quan tham gia thực hiện dự án và đại diện các tỉnh triển khai dự án sẽ tổ chức phiên họp kỹ thuật dự kiến vào ngày 18 – 19/12/2023 tại tỉnh Trà Vinh để chi tiết hóa kế hoạch tổng thể, kế hoạch năm 2024 và lựa chọn các huyện, xã triển khai các hoạt động của dự án.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh Hậu Giang nói riêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã và đang tập trung xây dựng các mô hình canh tác bền vững, mang lại hiệu quả cao từ các nguồn lực cả bên trong lẫn bên ngoài.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang mong muốn, sau thời gian thực hiện dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sơ kết, tổng kết để có thể mở rộng dự án ra các tỉnh còn lại trong khu vực. Đồng thời, mong muốn Liên minh châu Âu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, những thách thức gây ra do biến đổi khí hậu, thói quen canh tác không bền vững, thiên tai đang là những thách thức cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, tỉnh Trà Vinh cùng các tỉnh trong khu vực rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế để thực hiện các giải pháp nhằm đối phó với các thách thức, chuyển đổi sang hệ thống sản xuất thông minh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, dựa vào cộng đồng.
Dự án STAR – FARM sẽ là cơ hội để tỉnh đúc kết những kinh nghiệm xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái, thông minh, giảm phát thải, bền vững, kiểm soát các yếu tố ngoại cảnh và phát triển nông nghiệp dựa trên chuỗi giá trị, từ đó nhân rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, cơ quan chủ quản dự án là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Dự án được thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh trong 48 tháng, tổng nguồn vốn là trên 107,6 tỷ đồng.
Dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi các hệ thống lương thực thông minh với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và các tác động bên ngoài khác.
Mục tiêu cụ thể của dự án là hỗ trợ thực hiện chính sách, các đối thoại đa bên và nâng cao năng lực tổ chức cho các bên liên quan trong hợp tác công tư (PPP) liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển và cải thiện các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực thích ứng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.
Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng. Bước đầu thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản – trái cây – lúa gạo chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đã hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Hồng Thái