EVFTA tiếp cận từ “thực địa”

0
126
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Romania Viorica Dancila. (Nguồn: TTXVN)

Nhân chuyến thăm chính thức Rumania và Czech của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (từ 14-18/4), các Đại sứ Việt Nam, Czech và Rumani đã có những chia sẻ với kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần tạo ra “trái ngọt” – EVFTA được phê chuẩn và đi vào thực thi.

Sáng 17/4, Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Séc đã diễn ra trang trọng tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô Praha. (Nguồn: TTX)

Cơ hội cho hợp tác Việt Nam – Czech

Đại sứ Czech tại Việt Nam Vítězslav Grepl và Đại sứ Việt Nam tại Czech Hồ Minh Tuấn đều có chung nhận định rằng chuyến đi của Thủ tướng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chung tiến trình EU ký kết và đưa EVFTA vào hiệu lực.

Đại sứ Vítězslav Grepl cho biết Czech là một trong những quốc gia EU liên tục kêu gọi đẩy nhanh các quá trình phê duyệt cần thiết của EVFTA. Czech có nền kinh tế rất cởi mở, định hướng xuất khẩu và thúc đẩy thương mại tự do, do vậy, Czech ủng hộ mạnh mẽ EVFTA và mong muốn FTA này được ký kết trong năm nay. Khi được ký kết và phê chuẩn, EVFTA sẽ tác động lớn đến thương mại và đầu tư song phương do có sự cắt giảm về thuế quan và những cam kết mạnh mẽ từ phía EU cũng như Việt Nam.

Theo Đại sứ Vítězslav Grepl, EVFTA sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan đối với hàng hóa giao dịch giữa Czech và Việt Nam. Thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà EU và Czech có thế mạnh như ô tô, máy móc-thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới… Ngoài ra, các cam kết của Việt Nam để đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch sẽ giúp thúc đẩy đầu tư chất lượng cao từ Czech vào thị trường Việt Nam. Hai chính phủ chia sẻ quan điểm chung rằng các hiệp định mới giữa EU và Việt Nam sẽ góp phần vào việc củng cố quan hệ song phương và thúc đẩy thương mại tự do, bền vững, dựa trên luật lệ.

Nhìn từ góc độ của Việt Nam, Đại sứ Hồ Minh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp Czech sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam với hơn 95 triệu người tiêu dùng, là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á với hơn nửa triệu dân và đang phát triển rất năng động. Đầu tư của Czech sẽ góp phần tăng thêm cơ hội đầu tư, tạo thêm việc làm, thúc đẩy thương mại giữa hai bên.

Về thương mại, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Czech ít mang tính cạnh tranh, đối đầu trực tiếp mà ngược lại có tính bổ sung cho nhau rất lớn. Trong đó Việt Nam nhập khẩu từ EU và Czech các mặt hàng máy móc, thiết bị, tân dược, hóa chất, phương tiện vận tải… Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU nói chung, Czech nói riêng là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thuỷ sản, hàng tiêu dùng công nghiệp. Dự tính xuất khẩu của EU vào Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng 35-40 %, trong đó Czech cũng sẽ được hưởng lợi từ những mặt thuận lợi này.

Đại sứ Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh, thị trường Czech tuy chỉ có 10 triệu dân, song với vị trí nằm ở trung tâm châu Âu, hàng hoá hoá nhập khẩu sẽ không chỉ phục vụ thị trường Czech mà còn được chuyển đi tới nhiều nước châu Âu láng giềng khác như các nước V4 và xa hơn. Vì vậy, nếu các đơn vị sản xuất của Việt Nam muốn bán được hàng không chỉ cho cộng đồng người Việt mà bán được cả cho các siêu thị sở tại, người sở tại thì phải tuân thủ đúng các qui định về chất lượng sản phẩm, nhãn mác … của chính quyền sở tại và EU.

Động lực cho tăng trưởng thương mại Việt Nam – Rumani

Với đối tác Rumani, EVFTA đang nhận được sự hưởng ứng tích cực với nhiều hứa hẹn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Rumani. Điều này sẽ tạo không khí rất tốt cho chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này khi việc vận động Rumani thúc đẩy việc ký EVFTA cũng là một trong những mục tiêu của chuyến thăm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Romania Viorica Dancila. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Rumani Đặng Trần Phong cho biết, Rumani ủng hộ Việt Nam về EVFTA, cam kết thúc đẩy tiến trình ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Việc ký kết và thông qua Hiệp định EVFTA mang lại lợi ích chiến lược đối với EU trong việc tăng cường vị thế quan hệ với các nước ASEAN; mở ra nhiều cơ hội về thương mại đầu tư, hợp tác mới giữa Việt Nam và EU nói chung và với Rumani nói riêng. Nhìn một cách tổng quan, trong khuôn khổ EU, Rumani sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước EU. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam sẽ hỗ trợ tăng cường mối quan hệ giữa Rumani và ASEAN. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2019, Rumani giữ vai trò là Chủ tịch luân phiên EU và Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bãi bỏ phần lớn thuế nhập khẩu trong tương lai theo khuôn khổ Hiệp định EVFTA sẽ mang lại những lợi thế quan trọng cho doanh nghiệp hai bên và tỷ trọng xuất khẩu hàng Việt Nam sang Châu Âu nói chung và sang thị trường Rumani nói riêng sẽ gia tăng. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm tới thị trường Rumani và chắc chắn quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước, nhất là các mặt hàng Việt Nam hiện nay nhập khẩu có điều kiện từ Rumani như hóa chất, phân bón, sắt thép, hạt nhựa… sẽ gia tăng nhanh chóng.

Như vậy, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Rumani và Việt Nam đang bổ sung một cách thực chất cho quan hệ giữa EU và Việt Nam. Đáp lại, sự hợp tác hiệu quả giữa EU và Việt Nam góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Rumani và Việt Nam.

EVFTA cũng được Ông Emil Ghitulescu, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Rumani nhắc đến với kỳ vọng rất lớn và trở thành một trong bốn ưu tiên lớn trong hợp tác giữa Rumani và Việt Nam. Theo ông Emil Ghitulescu, Việt Nam là đối tác quan trọng và truyền thống của Rumani tại khu vực Đông Nam Á. Quan hệ Việt Nam – Rumani đang hướng tới những mục tiêu chính: Thứ nhất, gia tăng hợp tác thương mại song phương. Thứ hai, thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước. Thứ ba, đẩy mạnh các thủ tục chứng nhận xuất khẩu các hàng hóa có nguồn gốc từ động vật của Rumani như thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thức ăn chăn nuôi, mật ong… vào thị trường Việt Nam. Cuối cùng, phát triển mối quan hệ giữa các thành phố và địa phương hai nước.

Hà Phương

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here