EVFTA là cơ hội cho Liên minh Châu Âu

0
108
Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản.
EVFTA là hiệp định mang lại cơ hội lớn, trước hết là về kinh tế, và đồng thời cũng là cơ hội đối với lĩnh vực ngoại giao và địa chiến lược. (Nguồn: Reuters)

Ngày 4/9/2020, Viện nghiên cứu Địa chính trị ứng dụng (EGA), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các đối tác đã tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề “Những cơ hội kinh doanh sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực”.

Đây là một phần của chương trình Gặp gỡ địa kinh tế của EGA, cho phép tổ chức các cuộc họp thường xuyên giữa các chuyên gia kinh tế, các thể chế, nhà ngoại giao về các vấn đề kinh tế quốc tế. Cuộc họp này được tổ chức với sự phối hợp của Tập đoàn Airbus, các tham tán thương mại của Pháp, Nghị viện Châu Âu và Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam.

Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA là một hiệp định có tham vọng lớn nhất mà Liên minh Châu Âu (EU) từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Khi triển khai EVFTA, hầu hết các loại thuế quan giữa hai bên sẽ được dỡ bỏ. EVFTA là hiệp định mang lại cơ hội lớn, trước hết là về kinh tế, và đồng thời cũng là cơ hội đối với lĩnh vực ngoại giao và địa chiến lược.

Bối cảnh địa chính trị của Hiệp định EVFTA và vị thế của Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu, giảng viên Học viện Hải quân Pháp Emmanuel Veron, EVFTA có hiệu lực vào thời điểm địa chính trị đặc biệt khi “chủ nghĩa đa phương ngày càng suy yếu”, nhất là do chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. EVFTA đánh dấu quyết tâm của EU sẵn sàng chống lại chủ nghĩa đơn phương để tiếp tục thúc đẩy khuôn khổ đa phương trong các trao đổi, giao dịch của EU với phần còn lại của thế giới. Thông qua hiệp định này, EU cũng tìm cách xác lập lại vị thế ở Đông Nam Á nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam đóng vai trò chính.

Việt Nam xem EVFTA là cơ hội để tiếp tục chiến lược đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế. Việt Nam cần tìm các đối tác mới để mở rộng thị trường và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Câu hỏi về vị thế của Trung Quốc trong quan hệ thương mại và ngoại giao của các bên ký kết EVFTA cũng là một thách thức lớn.

Emmanuel Veron lưu ý, nhìn chung ở Đông Nam Á, hình ảnh của đối tác Trung Quốc đang xấu đi. Vấn đề an ninh gắn với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) góp phần làm xấu đi hình ảnh của nước này và khiến các nước trong khu vực lo ngại kịch bản Bắc Kinh áp thuế thông qua các trạm thu phí trên biển. Lập trường của EU nói chung và của Pháp nói riêng ủng hộ việc duy trì tự do hàng hải được Việt Nam hoan nghênh.

Về kinh tế, Emmanuel Veron khẳng định hệ thống quốc tế đang đứng trước một bước ngoặt: Giai đoạn toàn cầu hóa tập trung vào Trung Quốc, được xem như công xưởng của thế giới, sắp kết thúc. Do đó, thượng nghị sĩ Catherine Deroche nhấn mạnh Pháp có thể sẽ giành được sự tự chủ bằng cách không chỉ dựa vào sản xuất từ Trung Quốc. Về phần mình, Việt Nam cũng sẽ chú trọng giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may. Do vậy, EVFTA có thể cho phép cả hai bên cùng hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi giá trị đang diễn ra, cũng như chuỗi cung ứng đầu vào công nghiệp và sản xuất, bỏ qua Trung Quốc.

Khả năng tự cường kinh tế của Việt Nam đối mặt với đại dịch COVID-19

Cuộc khủng hoảng COVID-19 là một sự kiện địa chính trị lớn khác mà Việt Nam đã biết cách tranh thủ. Với thành công trong việc kiểm soát đại dịch, Việt Nam có thể thể hiện mình là một đối tác kinh tế hấp dẫn, tự cường.

Giảng viên kinh tế tại Viện nghiên cứu Chính trị Paris Laurence Daziano  cho rằng thành công này là do phản ứng nhanh chóng của Chính quyền Việt Nam, đã liên tục thực hiện trước các khuyến nghị y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong suốt cuộc khủng hoảng.
Việt Nam có thể tự hào về mức tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên của năm 2020 (+ 0,4%) trong khi các nền kinh tế trên toàn thế giới trung bình giảm khoảng 10%. Một chương trình hỗ trợ kinh tế lớn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình đã giúp Việt Nam ứng phó với cú sốc suy sụp của sản xuất và nhu cầu thị trường. Việt Nam cũng đã biết cách tận dụng cuộc khủng hoảng để nắm bắt các cơ hội thương mại. Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam, Jean-Jacques Bouflet, cho rằng “Việt Nam chưa bao giờ ngừng sản xuất trong thời gian COVID”. Trong bối cảnh đại dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam thậm chí tiếp tục tăng 12 tỷ euro. Tuy nhiên, Việt Nam đã phải hứng chịu cú sốc lớn đối với hai trụ cột của nền kinh tế là tiêu dùng hộ gia đình (-4%) và xuất khẩu (-15%). Trong lĩnh vực du lịch, việc suy giảm không dưới 20 triệu du khách đã không được nhắc đến.

Laurence Daziano khẳng định Việt Nam có đủ nguồn lực để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nước này đã thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch trong các lĩnh vực thanh toán trực tuyến, giáo dục và y tế. Số hóa các dịch vụ, một lĩnh vực mà trước đây Việt Nam bị tụt hậu, sẽ là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng để đảm bảo sức cạnh tranh của Việt Nam trong thế giới hậu COVID-19.

Một hiệp định thế hệ mới “cùng thắng”

Việt Nam là một nước đáng chú ý cả về tiềm lực kinh tế và vị thế chiến lược ở Đông Nam Á. Hiệp định thế hệ mới do EU xây dựng được thiết kế nhằm tận dụng mọi khía cạnh của mối quan hệ giữa EU và Việt Nam.Trưởng đơn vị Phát triển và Thương mại quốc tế (tập đoàn ECR), Cepova-Fourtoy, giải thích EU mong muốn trở thành một chủ thể địa chính trị. EVFTA phải là kim chỉ nam của “quyền lực mềm” của Châu Âu ủng hộ chủ nghĩa đa phương dựa trên thương mại tự do và các giá trị chung. Hiệp định này được coi là một phương tiện thúc đẩy các tiêu chuẩn của EU liên quan đến quy định về xuất xứ hàng hóa, an toàn kiểm dịch thực vật, bảo vệ đầu tư và sở hữu trí tuệ, tăng cường luật lao động và bảo vệ nhân quyền.
Do đó, Việt Nam đã cam kết tiến hành các cải cách thể chế quan trọng, đồng thời phê chuẩn Hiệp định Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu và các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Về vấn đề bảo vệ pháp lý đối với hàng hóa, gần 196 chỉ dẫn địa lý châu Âu  sẽ được Việt Nam công nhận khi EVFTA có hiệu lực.

Những lợi ích kinh tế được mong đợi từ Hiệp định sẽ làm tăng xuất khẩu của Châu Âu sang Việt Nam từ 5-7% với số tiền 8 tỷ euro, cứ mỗi tỷ euro xuất khẩu giúp tạo ra 14.000 việc làm ở Châu Âu. Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng 2,4% GDP và tăng 12% xuất khẩu sang EU vào năm 2030.

Việc xóa bỏ phần lớn thuế quan có thể mang lại nhiều lợi ích cho các ngành ô tô, rượu vang, mỹ phẩm, hàng không và dược phẩm. Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp Nguyễn Quỳnh Anh, Việt Nam kỳ vọng về chuyên môn công nghệ trong lĩnh vực dệt may, giao thông, xử lý nước thải và năng lượng sạch của Pháp. Theo ông Jean-Jacques Bouflet, chuyển giao công nghệ là quân bài mà Pháp có thể sử dụng để tạo dựng mối quan hệ đối tác lâu dài tại Việt Nam.

Để giám sát việc thực thi EVFTA, ba công cụ đã được xác định: Một ủy ban hỗn hợp gồm các đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu; lập ra một bộ phận của Châu Âu phụ trách về vấn đề tuân thủ các quy tắc thương mại; cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình.

Trong khi đưa ra khái niệm về sự giám sát nghị viện đối với các điều khoản của hiệp định, thì tính hiệu quả của các công cụ giám sát cam kết của các bên vẫn còn đang được tranh luận liên quan đến các lĩnh vực phi thương mại trong EVFTA.

Các giới hạn kinh tế, chính trị của EVFTA và vấn đề nhân quyền -điểm trở ngại của hiệp định Thượng nghị sĩ Catherine Deroche thừa nhận EVFTA đang gây tranh cãi trong Nghị viện Châu Âu xoay quanh vấn đề nhân quyền. Lý do là vì thiếu các quy định chế tài trong hiệp định trong trường hợp Việt Nam vi phạm các cam kết về nhân quyền. Nghị sĩ Châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Marie-Pierre Vedrenne, tiết lộ các cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trong Ủy ban Châu Âu và các nhóm nghị sĩ về chủ đề này.

Tại Nghị viện Châu Âu, hiệp định chỉ có thể được thông qua bởi đa số nghị sĩ. Việc quốc hội các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) trong tương lai có thể gặp khó khăn.

Đối với các nghị sĩ cánh tả, các hiệp định thương mại tự do được xem là thất bại. Toàn cầu hóa cũng là chủ đề bị một phần xã hội dân sự Châu Âu bác bỏ. Marie-Pierre Vedrenne cảnh báo, đối với các cuộc bỏ phiếu tiếp theo, việc làm công tác vận động, tuyên truyền đối với những người phản đối hiệp định là quan trọng và sẽ phải được thực hiện.

Tồn tại các rủi ro kinh doanh ở Việt Nam

Cố vấn Ngoại thương của Pháp, Jean-Michel Caldagues, giải thích EVFTA tuy mở ra những triển vọng thương mại mới, song không hoàn toàn loại bỏ những rủi ro kéo dài trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam.

Ví dụ, Phòng thương mại EU đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của các biện pháp phi thuế quan ở Việt Nam, từ con số 20 lên tới 400 chỉ trong một vài năm. Trong ngành dược cũng như trong lĩnh vực năng lượng, việc phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng phải thông qua một công ty trung gian của Việt Nam.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật mới nhất, việc triển khai bộ tiêu chuẩn quốc tế Basel II vừa mới được hoàn thành. Nếu tình hình được cải thiện, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vấn đề tham nhũng và quản trị liên quan đến sự minh bạch trong mua sắm công và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Cuối cùng, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu gia tăng  dòng vốn FDI. Các nhà chức trách đã ủng hộ duy trì ổn định nợ công gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nên đã làm chậm đáng kể quá trình hiện đại hóa sân bay và giao thông.

Jean-Michel Caldagues cũng nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam là thông qua đầu tư đi kèm với việc chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ và đào tạo.

Liệu việc ký kết EVFTA có làm thay đổi về chất quan hệ thương mại giữa Pháp và Việt Nam hay không? Hiện tại, quan hệ thương mại song phương vẫn dừng ở mức khiêm tốn.

Đây là mong muốn của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, vì nhận thấy trong EVFTA, khả năng thúc đẩy bằng biện pháp kinh tế sẽ mang lại lợi ích mới cho hai nước kể từ chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018 và của Thủ tướng Édouard Philippe đến Việt Nam trong cùng năm.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here