EVFTA: Góc nhìn từ giới truyền thông châu Âu

0
251
Hiệp định này sẽ là bước đệm cho một thỏa thuận thương mại EU-Đông Nam Á rộng lớn hơn, kéo theo đó là các khoản đầu tư.

Ba năm rưỡi sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chuẩn bị được ký kết tại Hà Nội. EVFTA trở thành sự kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới truyền thông châu Âu và quốc tế.

Đây sẽ là bước đệm cho một thỏa thuận thương mại EU – Đông Nam Á rộng lớn hơn, kéo theo đó là các khoản đầu tư.

“Lợi ích chưa từng có” cho hai phía

Trang tin euobserver.comngày 25/6 cho biết EU đã xác nhận Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh Romania Stefan-Radu Oprea sẽ bay sang Hà Nội ký vào ngày 30/6. EU nói các thỏa thuận sẽ đem lại “lợi ích chưa từng có” cho hai phía, đồng thời “thúc đẩy quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu”.

Ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói: “Tôi hoan nghênh quyết định của các thành viên EU. Sau khi ký hiệp định với Singapore, hiệp định ký với Việt Nam là thỏa hiệp thứ hai tượng trưng những bước nền tảng cho sự giao tiếp giữa EU và khu vực. Đây cũng là một tuyên bố chính trị giữa hai đối tác và bằng hữu cùng đứng chung để giao thương tự do, công bằng dựa trên luật lệ”.

EU đã có các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore và đã tiến hành đàm phán với các thành viên ASEAN khác là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. FTA giữa EU và Singapore dự kiến có hiệu lực trong năm nay.

Tờ Wall Street Jounal ngày 25/6 gọi việc quyết định ký FTA với Việt Nam là động thái cho thấy EU đang xây dựng một liên minh thương mại tự do của sự đồng lòng.

Năm 2018, EU bị “tấn công” trực tiếp vì quyết định của Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm của khối này. EU tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa thuế áp lên ô tô trong bối cảnh thỏa thuận ngừng chiến thương mại đang lung lay. Cuộc thương chiến Mỹ-Trung cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Âu. Sau Singapore, việc EU đưa Việt Nam vào quỹ đạo thương mại sẽ giúp khối mở rộng dấu ấn ở Đông Nam Á và sẽ đóng vai trò là bước đệm cho thỏa thuận khu vực.

Cùng ngày 25/6, trang tin agriland.ie đăng bài nhận định những lợi ích mà EVFTA mang lại cho các nước EU, trong đó có Ailen.

Cụ thể, bài viết dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Doanh nghiệp và Đổi mới Ailen  Heather Humphreys khẳng định EVFTA sẽ tạo cơ hội cho ngành thực phẩm nông nghiệp Ailen. Giống như các hiệp định thương mại khác của EU, EVFTA sẽ giúp các nhà xuất khẩu Ailen mở rộng sang một thị trường mới. Điều này rất quan trọng đối với sự thịnh vượng cũng như hỗ trợ cho chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu toàn cầu của Ailen.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại, Việc làm và Kinh doanh AilenPat Breen TD lập luận rằng EVFTA sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại và dịch vụ hàng hóa giữa EU và Việt Nam vì sẽ loại bỏ gần như tất cả thuế quan đối với thương mại giữa hai bên.Cùng với việc loại bỏ các rào cản, thỏa thuận thương mại sẽ bao gồm các điều khoản về thương mại và phát triển bền vững, và cũng sẽ kiểm chứng những cam kết của Việt Nam phê chuẩn các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Ý nghĩa và lợi ích với Việt Nam

Theo Reuters, đây là hiệp định thương mại tự do mang tính bước ngoặt với Việt Nam. Hiệp định này sẽ là bước đệm cho một thỏa thuận thương mại EU-Đông Nam Á rộng lớn hơn, kéo theo đó là các khoản đầu tư.

AFP dẫn lời Cao ủy châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström cho rằng Việt Nam là một quốc gia sinh động với 95 triệu dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ quan hệ thương mại gia tăng. Bên cạnh đó, hiệp định cũng nhằm bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền người lao động.

Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi các thị trường EU theo chương trình của khối này dành cho các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ có được hạn ngạch cho các sản phẩm nông nghiệp, như gạo, tỏi và đường.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, hiệp định cuối cùng sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu rất cao của Việt Nam, như 78% đối với ô tô và 50% đối với rượu vang. Hiệp định cũng sẽ khai mở lĩnh vực mua sắm công và các thi trường dịch vụ, như lĩnh vực bưu chính, ngân hàng và hàng hải.

Ủy ban châu Âu ước tính hiệp định sẽ tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam thêm 29% và xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu tăng 18%.

Theo trang consilium.europa.eu, bên cạnh việc thúc đẩy tôn trong thỏa hiệp chống biến đổi khí hậu từng được các nước ký ở Paris, Ủy ban thương mại EU-Việt Nam nhấn mạnh hai bên cam kết áp dụng các nguyên tắc của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) để bảo vệ quyền của người lao động.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở khu vực ASEAN, sau Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 49,3 tỷ Euro hàng hóa và 6 tỷ Euro dịch vụ. Những loại hàng chính yếu Việt Nam xuất sang các nước EU gồm trang bị truyền thông, quần áo, giày dép, bàn ghế và nông phẩm. Phần lớn hàng EU bán sang Việt Nam gồm máy móc, ô tô, hóa chất, các loại thực phẩm và nước uống.

Giữa năm 2018, Việt Nam và EU đã thống nhất tách EVFTA thành 2 hiệp định với phần chính hiệp định cũ là EVFTA và phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). IPA bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.

Thách thức và cảnh báo hệ quả

Trang shilfa.com trích lời Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức khi EVFTA có hiệu lực. Ông nói: “Đó là sự cạnh tranh trong khi mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ tại các quốc gia trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ ở quy mô vừa và nhỏ. Hơn nữa, một khi EVFTA được thông qua, môi trường đầu tư, trước hết là cho các doanh nghiệp châu Âu, sẽ được cải thiện rất nhiều. Cơ chế giải quyết tranh chấp và bảo vệ doanh nghiệp sẽ được tổ chức theo luật pháp châu Âu, luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để bảo vệ lợi ích của họ”.

Theo trang just-style.com, có những quan ngại về năng lực và lao động Việt Nam trong ngành thời trang và may mặc một khi EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng suất vải sợi để các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước có thể thu được lợi nhuận nhờ các thỏa thuận thương mại.

Sau khi EU và Việt Nam ký kết, hiệp định còn phải đệ trình lên Nghị viện châu Âu chuẩn thuận. Nếu Nghị viện châu Âu phê chuẩn, hiệp định thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để chính thức có hiệu lực. Phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) còn chờ từng nước trong EU thông qua.

Trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg (Pháp) nói: “Việc EVFTA sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 6 là tin tốt, sau nhiều tháng trì hoãn. Tuy nhiên, quá trình thảo luận ở Nghị viện châu Âu cũng khó đoán trước được vì đây là các nghị sĩ EU khoá mới (được bầu vào tháng 5/2019), mà hình như xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ mậu dịch trong khoá này có vẻ cao hơn trước đây. Chẳng hạn, ở Pháp, số nghị sĩ EU của đảng Cực hữu của bà Le Pen và đảng của Tổng thống Macron bằng nhau.

Nếu như Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA thì rất tốt vì hàng hoá Việt Nam có khả năng vào châu Âu tăng cao hơn trước đây. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng hàng hoá Việt Nam cần phải theo chất lượng châu Âu nghiêm ngặt. Điều này cũng tốt cho cách làm ăn kinh tế của các doanh nghiệp Việt”.

Trong khi đó, trang euobserver.com ngày 25/6 đăng bài nhận định rằng đằng sau những nụ cười và những cái bắt tay, việc ký kết EVFTA có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng đối với môi trường và y tế.

Theo bài viết, việc đưa điều khoản “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia” (ISDS) vào các thỏa thuận thương mại và đầu tư sẽ đe dọa ngân sách công và gây nguy hại cho các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội. (ISDS là điều khoản cho phép một nhà đầu tư nước ngoài chống lại luật quốc gia chủ nhà và kiện chính phủ quốc gia chủ nhà  qua một hội đồng trọng tài quốc xét xử theo quy định của một hiệp ước đã có).

Kinh nghiệm của người Việt Nam với các thỏa thuận đầu tư và hệ thống ISDS cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng EVFTA để kiện chính phủ Việt Nam và “thổi bay” ngân sách công. Một trong những vấn đề cơ bản nhất của ISDS là điều khoản này chỉ mang tính một chiều, tức là chỉ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư chứ không hỗ trợ lợi ích cộng đồng. Các quan chức EU có thể khẳng định mục đích của họ là thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Việt Nam, nhưng thực tế họ lại “bảo trợ” lòng tham của các tập đoàn đầu tư.

Nguyễn Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here