EVFTA đã được trình lên Hội đồng Châu Âu chờ ký chính thức

0
92
Hiện vẫn chưa rõ liệu EP có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận thương mại với Việt Nam trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019 hay không.
Hiện vẫn chưa rõ liệu EP có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận thương mại với Việt Nam trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019 hay không.

Trong chương trình công tác từ ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã có nhiều cuộc làm việc với các đối tác song phương và Lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU). Một trong những nội dung nổi bật là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và đưa vào hiệu lực Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

Kết quả rất tích cực là 12h trưa ngày 17/10/2018, Ủy ban Châu Âu đã kết thúc phiên họp và đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng Châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện Châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Ngay chiều ngày 17/10/2018 Uỷ ban Châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, cùng ngày, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đệ trình thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam (EVFTA) để chờ xét duyệt. Đây là thỏa thuận toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á.

Theo quy định, các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cần phải được Nghị viện Châu Âu (EP) và 28 nước thành viên EU phê duyệt. Hiện vẫn chưa rõ liệu EP có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận thương mại với Việt Nam trước kỳ bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 5/2019 hay không.

Tại cuộc Hội thảo ngày 8/10, do Eurocham phối hợp cùng Tổ chức kinh doanh Châu Âu (BusinessEurope) và Hiệp hội thương mại tự do (Amfori) tổ chức tại Brussels (Bỉ). Đây cũng là dịp để Eurocham công bố báo cáo “EVFTA: Những triển vọng tại Việt Nam” đến công chúng châu Âu. Các diễn giả đại diện cho doanh nghiệp Châu Âu đều bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) với việc đưa ra các lợi ích mà các bên, nhất là phía doanh nghiệp Châu Âu được hưởng khi Hiệp định được ký kết.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua thay đổi nhanh chóng theo hướng ngày càng thuận lợi do thị trường tiêu dùng gia tăng mạnh và môi trường kinh doanh năng động.

Chủ tịch EuroCham nhận định, EVFTA có lợi cho doanh nghiệp châu Âu trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như ngành dược phẩm có thể đầu tư, sản xuất và phân phối sản phẩm tại Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều nhờ Hiệp định này. Ông cũng cho biết, 80% doanh nghiệp thành viên của Eurocham tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam và mong muốn EVFTA nhanh chóng được ký kết và phê chuẩn trong thời gian tới.

Thỏa thuận thương mại sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, dù một số sẽ theo thời gian và lộ trình cụ thể, và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch. Ví dụ, Việt Nam sẽ miễn thuế (hiện đang là 78%) đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU trong 10 năm tới, miễn thuế (hiện là 50%) đối với rượu vang trong 7 năm. Các công ty EU cũng sẽ có thể được đấu thầu các hợp đồng công của Việt Nam. Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU, như rượu sâm panh hoặc pho mát Parmigiano Reggiano. Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép.

Thỏa thuận trên cũng sẽ bao gồm một chương về phát triển bền vững, như thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền của người lao động và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo một nghiên cứu do các chuyên gia quốc tế thực hiện, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4-6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Tới năm 2028 sẽ tăng thêm tới 75-76 tỉ USD so với trường hợp không có FTA. Riêng với dệt may, hiệp định có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỉ USD vào năm 2023 và 5,82 tỉ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA. Đây là những con số rất có ý nghĩa bởi theo tính toán chung, cứ 1 tỉ USD xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra được khoảng 250.000 việc làm trực tiếp.

Thu Thủy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here