Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý III/2024. Báo cáo phản ánh tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh của nhà đầu tư châu Âu, bất chấp Việt Nam vừa trải qua cơn bão số 3.
Chỉ số BCI đã tăng đáng kể, từ 45,1 trong quý III/2023 lên 52,0 quý III/2024, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trong một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh. BCI đưa ra góc nhìn đa chiều về các điều kiện hiện tại và kỳ vọng trong tương lai đối với nền kinh tế, từ đó, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định chiến lược và vận động chính sách.
EuroCham đánh giá, siêu bão Yagi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng và nông nghiệp tại miền Bắc Việt Nam. Chính phủ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,15% trong năm nay, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 1,63 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây nhất của EuroCham, được thực hiện từ ngày 12/9 đến 25/9, sau khi cơn bão xảy ra, gần một nửa (47,4%) tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện trong quý tới. Thêm vào đó, triển vọng dài hạn vẫn ở mức cao, với 69,3% kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong vòng năm năm tới.
Góc nhìn tích cực này càng được củng cố, với 67% doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham nhận định, bất chấp những căng thẳng kinh tế gần đây do bão Yagi gây ra, sự kiên cường và thích ứng của cả nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây được thể hiện rõ qua khảo sát. Kết quả này không chỉ là những con số; chúng tô điểm một bức tranh toàn cảnh nêu bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược.
“Tác động của cơn bão cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 là một nền tảng kịp thời để thúc đẩy những đối thoại cần thiết về cách Việt Nam có thể duy trì tính cạnh tranh trong khi chuyển đổi sang một tương lai xanh và bền vững hơn”, Chủ tịch Bruno Jaspaert nhấn mạnh.
Tương tự các quý trước, khảo sát cho thấy, có ba trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.
Sau khi Nghị định mới về cơ chế Thỏa thuận Mua Bán Điện Trực Tiếp (DPPA) được ban hành vào tháng 7 năm nay, gần 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán sẽ được hưởng lợi từ các dự án năng lượng tái tạo, điều này củng cố cam kết của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi xanh.
Đáng chú ý, 1/4 số nhà cung cấp dịch vụ và các công ty có quy mô từ 100 nhân viên trở lên dự báo sẽ hưởng lợi ở mức độ vừa phải hoặc đáng kể từ cơ chế này. Dù gần một nửa (47,4%) các doanh nghiệp tự tin rằng, họ có thể hoàn toàn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2050, vẫn tồn tại những khoảng trống trong việc hiểu và triển khai các chính sách liên quan.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng được xác định là một lĩnh vực cần cải thiện, đặc biệt trong việc giảm bớt khó khăn về nguồn nhân lực và tinh giản các thủ tục hành chính. Khảo sát BCI đã tiết lộ, tỷ lệ áp dụng AI/ML (trí tuệ nhân tạo/học máy) ở mức trung bình, với 46,1% doanh nghiệp cho biết đã tích hợp công nghệ này vào hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các dự án triển khai vẫn đang ở giai đoạn đầu, cho thấy tiềm năng lớn trong việc đầu tư vào các dự án số hóa.
Ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab chia sẻ: “Dù khảo sát cho thấy có sự cải thiện tổng thể, nhưng những thách thức được nêu ra – đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số – nhấn mạnh nhu cầu cần có những nỗ lực chung để nâng cao các lĩnh vực này. Việc áp dụng công nghệ sẽ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp tinh giản quy trình và thích ứng với các tiêu chuẩn bền vững trong tương lai”.
Bên cạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, các doanh nghiệp đang điều chỉnh chiến lược công tác của mình để ứng phó với giá vé máy bay ngày càng tăng. Hơn 40% người tham gia khảo sát cho biết, họ đã trở nên chọn lọc hơn trong việc lập kế hoạch công tác hoặc sử dụng các phương tiện di chuyển thay thế do chi phí đi lại cao, trong khi một số doanh nghiệp đã cắt giảm hoặc thậm chí hủy bỏ hoàn toàn các chuyến công tác.
Dù phải đối mặt với những trở ngại, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng. Theo khảo sát, gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng kinh doanh, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Gia Thành