Ngày 8/3/2019, báo Financial Times có bài viết cho biết việc Italy đang có kế hoạch chính thức tham gia vào Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc, đã làm tăng thêm tính cấp bách về việc hạn chế chia rẽ nội bộ đang gia tăng và thống nhất lập trường đối với Trung Quốc của khối EU. EU hy vọng sẽ dùng lập trường nhất quán để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư giữa EU và Trung Quốc, đồng thời để đối phó với căng thẳng trong một số lĩnh vực như lo ngại về an ninh xung quanh các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc.
Các nước Châu Âu sẽ sử dụng Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức với Trung Quốc vào tháng tới để thúc đẩy đàm phán tiến triển và tiến tới đạt thỏa thuận vào năm 2020. Thời hạn này đã được đưa vào Dự thảo tuyên bố chung (chưa được xem xét bởi phía Trung Quốc).
Các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và việc Mỹ siết chặt xét duyệt đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc tập trung thị trường châu Âu. Năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào EU sụt giảm, khiến chính phủ Trung Quốc chú ý hơn đến mục tiêu này. Theo một nghiên cứu chung của Tập đoàn Rhodium và Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty Trung Quốc vào EU đã giảm 40%, xuống còn 17,3 tỷ Euro trong năm 2018. Nghiên cứu cho biết, mặc dù lý do chính cho sự suy giảm này là việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát ngoại hối, nhưng cũng có nguyên nhân của “việc quản lý, giám sát ngày càng nghiêm ngặt hơn của các điểm đến đầu tư”.
Trong Dự thảo Tuyên bố chung, một mục tiêu khác mà EU đưa ra là kêu gọi thay đổi cách Trung Quốc vận hành Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Theo thống kê, hầu hết các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến, đặc biệt là các dự án do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ, đã không mở thầu công khai cho các nhà thầu. Ngược lại, các công ty giành được hợp đồng đồng trị giá hàng tỷ đô la Mỹ thường do chính phủ Trung Quốc lựa chọn, toàn bộ quá trình không công khai. Dự thảo tuyên bố kêu gọi tăng cường hợp tác, để cải thiện “tính minh bạch, tính toàn diện, mua sắm công khai và tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư và các công ty liên quan”.
(Tin từ ĐSQVN tại Bắc Kinh, Trung Quốc)