Ủy ban Châu Âu đã phát động một cuộc điều tra về việc mua sắm công các thiết bị y tế của Trung Quốc vào ngày 24/4, động thái mới nhất trong một loạt các động thái làm gia tăng căng thẳng thương mại trước chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 5. Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 09 tháng, nhưng Ủy ban có thể kéo dài thời gian này thêm 05 tháng.
Tạp chí chính thức của EU đã liệt kê một số cách mà Ủy ban nghi ngờ Trung Quốc đang ưu ái cho các nhà thầu Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị y tế, bao gồm chính sách “Buy China” (tạm dịch: “Mua hàng Trung Quốc”), hạn chế nhập khẩu và các điều kiện dẫn đến giá thầu thấp bất thường mà các công ty định hướng lợi nhuận không thể đưa ra. Các biện pháp và thực tiễn trên dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng và thường xuyên về mặt pháp lý và trên thực tế đối với khả năng tiếp cận của các nhà điều hành kinh tế EU.
Cuộc điều tra nhằm xác định xem liệu các nhà cung cấp thiết bị châu Âu từ kim tiêm, thiết bị chỉnh hình cho đến máy quét có được tiếp cận công bằng ở Trung Quốc hay không. Nếu kết luận là không, điều đó có thể dẫn đến việc khối đặt ra các hạn chế đối với các công ty thiết bị y tế Trung Quốc đấu thầu trong các cuộc đấu thầu công khai của EU, từ việc cho điểm thấp hơn khi đấu thầu đến loại trừ hoàn toàn.
Cuộc thăm dò này là cuộc thăm dò đầu tiên trong khuôn khổ Công cụ Mua sắm Quốc tế (IPI) của EU nhằm đảm bảo tính có đi có lại trong việc tiếp cận thị trường mua sắm công quốc tế, sau những khiếu nại từ các công ty và chính phủ châu Âu về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Valdis Dombrovskis cho biết IPI là một cơ chế mới mạnh mẽ để hỗ trợ các công ty châu Âu tại các thị trường kém cởi mở hơn thị trường EU. Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận với Trung Quốc về thiết bị y tế cho đến nay vẫn “không có kết quả” nhưng ông hy vọng rằng việc khởi động cuộc điều tra sẽ dẫn đến “các giải pháp được cả hai bên đồng ý”.
Cuộc điều tra này diễn ra sau khi một cuộc điều tra lớn được khởi động vào tháng 10 nhằm vào các loại xe điện rẻ hơn của Trung Quốc và diễn ra chỉ một ngày sau khi một công ty thiết bị an ninh Trung Quốc bị Ủy ban Châu Âu đột kích tại các văn phòng ở Hà Lan và Ba Lan.
EU cũng đang xem xét các khoản trợ cấp mà các nhà cung cấp tua-bin gió và năng lượng mặt trời của Trung Quốc dành cho châu Âu nhận được.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng EU luôn tự hào là thị trường cởi mở nhất thế giới, nhưng những gì thế giới bên ngoài nhìn thấy là EU đang từng bước tiến tới chủ nghĩa bảo hộ. Ông nói rằng EU nên “ngưng dùng mọi lý do để đàn áp và hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc một cách vô cớ”.
MedTech Europe, hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị y tế châu Âu, cho biết các cuộc đấu thầu ở Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong một thời gian do chính sách “Buy China” và các rào cản khác. Nhóm vận động hành lang hy vọng rằng cuộc điều tra IPI này có thể được giải quyết thông qua đối thoại, loại bỏ các biện pháp IPI trên thị trường mua sắm EU.