EU đề xuất mới về cải cách WTO nhằm phá vỡ bế tắc của Mỹ

0
62
Ngày 26/11, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các đề xuất mới về cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó EU đồng ý với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác và hy vọng sẽ vượt qua sự phản đối của Mỹ đã đưa WTO vào tình trạng khủng hoảng hiện nay.

WTO đang bị xáo trộn để chuẩn bị cho kế hoạch cải cách lớn nhất trong lịch sử 24 năm thành lập sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa tòa án thương mại hàng đầu thế giới đến bờ vực sụp đổ bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán của cơ quan phúc thẩm và đe dọa rút khỏi tổ chức này.

Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết rằng cùng với các thành viên khác của WTO, EU đưa ra các đề xuất cụ thể nhất để cải cách WTO và hy vọng sẽ góp phần phá vỡ sự bế tắc hiện tại. Theo đó, các đề xuất được xây dựng trên một tài liệu được EU công bố hồi tháng 9 và tập trung vào vấn đề giải quyết tranh chấp tại các cuộc họp đã diễn ra ở Geneva, Bắc Kinh, Ottawa và các nơi khác. EU đã đưa ra hai đề xuất, trong đó một đề xuất cùng với Ấn Độ và Trung Quốc, một đề xuất khác cùng với Canada, Na Uy, New Zealand, Thụy Sỹ, Australia, Hàn Quốc, Iceland, Singapore và Mexico.

Các đề xuất mới nhằm giải quyết toàn diện tất cả các mối quan tâm của Mỹ, mặc dù trọng tâm là về các vấn đề mang tính thủ tục hơn là các câu hỏi về phạm vi tiếp cận pháp lý đòi hỏi có thông tin đầu vào của Mỹ. Đại diện EU mong muốn Mỹ sẽ tham gia với những đề xuất này nhằm giải quyết các mối quan ngại của họ. Điều này sau đó phải dẫn đến việc từ bỏ ngăn chặn các bổ nhiệm của Cơ quan phúc thẩm. Theo dự kiến, các đề xuất sẽ được trình bày với Đại hội đồng WTO vào ngày 12/12 với hình thức của phiên họp cấp cao nhất ngoài hội nghị bộ trưởng. Phiên họp này có quyền thông qua các sửa đổi đối với quy tắc giải quyết tranh chấp của WTO.

eu de xuat moi ve cai cach wto nham pha vo be tac cua my
Ảnh minh họa

Trong hơn một năm qua, chính quyền Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các thành viên của Cơ quan Phúc thẩm là cơ quan có tiếng nói cuối cùng trong việc duy trì, thay đổi hoặc đảo ngược các phán quyết thường gây ảnh hưởng đến một số công ty lớn nhất thế giới và làm tổn thất hàng tỷ đôla giá trị thương mại. Nếu Mỹ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn này, Cơ quan Phúc thẩm sẽ bị tê liệt vào cuối năm 2019 vì không có đủ tối thiểu ba thành viên để ký vào các phán quyết. Chính vì vậy, đề xuất của EU rất quan trọng bởi vì hướng tới mục tiêu thay đổi các thảo luận cải cách của WTO tiến tới đàm phán trên một văn bản cụ thể. Đề xuất sẽ không thể tiến lên cho đến khi Mỹ và các thành viên còn lại trong 164 thành viên của WTO thống nhất sửa đổi cam kết về giải quyết tranh chấp của WTO.

Trong đề xuất của mình, EU đưa ra một số điều khoản chính như sau: tạo lập các quy tắc mới cho các thành viên đang trong giai đoạn phúc thẩm, xác định thời điểm có thể hoàn tất thủ tục tố tụng; bảo đảm rằng các thủ tục được hoàn tất trong 90 ngày do WTO quy định; đưa ra các hội nghị thường niên giữa các thành viên WTO và cơ quan phúc thẩm. Trong một đề xuất riêng, EU gợi ý tăng cường “tính độc lập và công bằng của cơ quan phúc thẩm để cải thiện tính hiệu quả của cơ quan này”, bằng cách: (i) Thêm hai thành viên mới của cơ quan phúc thẩm để bảo đảm 7 thành viên, công việc toàn thời gian và có sự hỗ trợ thêm về hành chính và pháp lý; (ii) Sửa đổi giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên cơ quan phúc thẩm từ 2 nhiệm kỳ 4 năm thành một nhiệm kỳ 6 hoặc 8 năm; (iii) Tạo ra quy trình lựa chọn tự động để thay thế các thành viên của cơ quan phúc thẩm trong nhiều tháng trước khi các thành viên hết hạn nhiệm kỳ./.

Việt Dũng

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here